Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bửu Sơn Tự Ngọn đuốc soi giữa Đồng Trăng quạnh quẽ

08/07/201503:35(Xem: 7033)
Bửu Sơn Tự Ngọn đuốc soi giữa Đồng Trăng quạnh quẽ



2-TAM QUAN BUU SON TU jpg

Bửu Sơn Tự

Ngọn đuốc soi giữa Đồng Trăng quạnh quẽ




Đồng Trăng, tên gọi nghe thật thơ mộng với hình ảnh ánh trăng lung linh trên trời cao thăm thẳm soi rọi xuống sáng ấm cả một vùng đồng hoang lau sậy ngút ngàn… Đồng Trăng ngày xưa đìu hiu vắng vẻ, dấu chân người dè dặt để lại thưa thớt, đây đó lác đác vài túp lều tranh sơ sài của những người cô độc lặng lẽ giữa gió táp mưa tuôn, chim kêu vượn hú…

Rồi, những di dân từ khắp nơi lần mò về, một vùng kinh tế mới hình thành một cách âm thầm chậm chạp. Qua nhiều năm tháng, Đồng Trăng được thay đổi chút thịt ít da, do không có hệ thống kênh rạch dẫn thủy nhập điền, nên cư dân ở đây quanh năm canh tác dựa vào nguồn nước của trời. Cuộc sống vẫn tiếp diễn, vẫn trôi qua, người đã gắn bó với đất không nỡ nào rời, không thể nào xa, cho dù hằng ngày vẫn phải giáp mặt với nghèo nàn lạc hậu, đương đầu với khó khăn túng thiếu. Đồng Trăng nay đã là xã mang tên mới Diên Đồng, thuộc huyện Diên Khánh, cách thành phố Nha Trang khoảng 20km về phía Tây. Xã có được năm thôn được đánh số từ 1 đến 5. Cả năm thôn rộng lớn mà chỉ có một ngôi chùa, nơi nương tựa tinh thần của người dân quê mộc mạc lam lũ. Chốn già lam ấy chính là Bửu Sơn Tự.

Trên đường tỉnh lộ từ Thành-Diên Khánh lên huyện miền núi Khánh Vĩnh, khi gặp một nhà máy sản xuất gạch lớn nhất huyện Diên Khánh nằm bên trái, hãy rẽ qua con đường bên phải, chạy qua một cây cầu xi- măng bắc qua sông, đi một đoạn là thấy tam quan của Bửu Sơn Tự hiện ngay bên con lộ liên thôn. Bửu Sơn Tự trước kia chỉ là một Niệm Phật Đường nho nhỏ của một vị sư dựng lên để làm nơi tĩnh tọa quán niệm tu hành, nằm trên một đồi cao giữa núi non và đồng hoang cỏ dại. Những người nông dân chất phác đã về đây tìm cho mình những giây phút thảnh thơi an tịnh sau thời gian quần quật với mưu sinh vất vã.

Năm 1996, trải qua những năm nhập chúng tu học ở các Thiền viện trong Nam, sư cô Thích Nữ Huệ Cần cô thân lữ thứ trôi dạt ra miền Trung, ngẫu nhiên tìm về với vùng đất Đồng Trăng và dừng chân trên ngọn đồi có Niệm Phật Đường. Sư cô dựng một thảo am nhỏ gần bên để hằng ngày thiền định niệm tu. Năm 1997, Huyện hội Phật giáo Diên Khánh đã mời Sư cô đảm nhiệm Giám Tự Niệm Phật Đường. Từ ngày nhận lãnh trọng trách ấy, Sư cô một lòng hoằng dương Chánh pháp, giốc hết tâm sức cùng bà con bổn đạo địa phương vượt qua rất nhiều gian truân trắc trở, để xây dựng nên ngôi chùa “có một không hai” của vùng Đồng Trăng. Như một ngọn đuốc soi đường sáng trưng cả một vùng quạnh quẽ và u tối, Bửu Sơn Tự xứng đáng là nơi để cho người dân ra vào gửi gắm niềm tin, nương tựa tinh thần, vì vậy chính quyền địa phương trước nay đã luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà thiền sinh hoạt và phát triển.

Xuất thân từ một gia đình trí thức ở Phan Thiết- Bình Thuận, Sư cô Huệ Cần thế danh là Nguyễn Thị Kỳ Dân, sinh năm 1938, từ nhỏ đã bộc lộ tấm lòng vị tha biết thương yêu giúp đỡ những người hoạn nạn khó khăn. Khi trưởng thành, nối nghiệp cha là một nhà mô phạm, từ năm 1969 Sư cô đã trở thành một giáo viên mẫu mực luôn nêu gương cho học trò. Sau, khi lo cho gia thế xong, nhân duyên đã hội đủ, cô giáo hôm nào đã xin xuất gia thế phát quy y với Hòa thượng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử Thích Thanh Từ ở Thiền viện Thường Chiếu-Đồng Nai, được Hòa thượng ban cho pháp danh là Huệ Cần. Khoảng đầu năm 2006, Sư cô Huệ Cần chính thức được Tỉnh hội Phật giáo Khánh Hòa bổ nhiệm làm trụ trì đầu tiên ngôi chùa hiếm hoi của vùng quê nghèo xa xôi này, được xem như một “Tổ khai sơn lập tự” đã có công đức tu hành, dẫn dắt người dân trong vùng tu học Chánh pháp, để hoàn thiện nhân cách mà đóng góp hữu ích cho cộng đồng, xã hội… Nhưng đến cuối năm 2006, do tuổi già sức yếu, lại đang mắc bệnh tim hiểm nghèo thấy mình khó qua khỏi, nên Sư cô đã họp chúng và quyết định gửi gắm niềm tin của mình vào một vị Pháp huynh tiếp tục kế thừa ngôi Tam Bảo, với ước mong hi vọng ngôi chùa sẽ được hưng thịnh trường tồn. Đến ngày 29-11-2006 (nhằm ngày mồng 9 tháng 10 Âm lịch), Sư cô Huệ Cần lâm bệnh trầm trọng mà viên tịch, trụ thế 69 năm, được 12 tuổi đạo.

Pháp huynh của Sư cô Huệ Cần là Đại đức Thích Thông Huệ, một đệ tử thuộc hàng xuất chúng của Hòa thượng Thích Thanh Từ, đang là Giảng sư và Giáo thọ các trường Phật học, đã từng đăng đàn thuyết pháp nhiều nơi trong và ngoài tỉnh, và cả ngoài nước. Thầy cũng đã biên soạn cũng như phiên dịch và xuất bản nhiều cuốn sách về đề tài Phật giáo rất có giá trị, nhất là các cuốn về Thiền học. Đang mang trọng trách hoằng dương Chánh pháp, truyền bá Thiền học ở Thiền Thất Viên Giác (thôn Võ Cạnh -xã Vĩnh Trung-Nha Trang), Thầy đã không quản khó khăn chồng chất lên vai, điềm nhiên nhận lời gánh vác kế thừa Bửu Sơn Tự để không phụ lòng tin của người đồng môn quá cố ủy thác. Đi đi về về như con thoi, Thầy đã tu bổ xây dựng thêm cho ngôi chùa, cũng không quên tổ chức những buổi thuyết pháp, hay cử hành những buổi lễ trọng đại để bổn đạo địa phương tề tựu về trong không khí ấm áp vui tươi của Phật pháp, và của tình người...

Bửu Sơn Tự phát triển ngày càng khang trang hơn, tọa lạc trên cả một ngọn đồi, nhìn ra phía trước là cánh đồng mênh mông với phía xa xa là dãy núi như tấm bình phong che chắn; nhìn phía sau là đồng xanh nương rẫy và núi đồi bảo bọc, xung quanh là nhà cửa vườn tược, một địa thế vô cùng oai thiêng và hòa hợp! Tuy không là một ngôi cổ tự với bề dầy lịch sử khiến cho những sử gia hay nhà khảo cổ học phải lưu ý, cũng không là một ngôi đại điện nguy nga hoành tráng với những kỷ lục vượt bậc để bàn dân thiên hạ phải tấm tắc trầm trồ, nhưng ngôi chùa hình hài mộc mạc và dáng điệu khiêm cung này lại có một tầm vóc rất lớn, mang một ý nghĩa rất thiêng liêng quan trọng đối với người dân quanh vùng…

Tam quan cao rộng của Bửu Sơn Tự với mái cong ngói đỏ sừng sửng bên đường, nổi bật lên trên một phông nền cây xanh bóng mát như nụ cười hoan hỷ mời khách thập phương. Những lối đi theo dốc thoai thoải, và từng bậc cấp rộng dài lát đá đã rêu phong dẫn bước cho người đi vào một khuôn viên im ắng đầy kỳ hoa dị thảo. Kìa là điện Quán Thế Âm Bồ tát nhỏ nhắn mái rêu hiện ngay giữa sân trước chánh điện, hai bên có hai gốc dương liễu chỉa nhánh vươn cao, cành buông lá rũ. Chánh điện chùa thật nhỏ nhắn, bên trong bài trí đơn sơ với các tượng Phật và Bồ tát, Tổ sư, Hộ pháp, chuông trống, pháp cụ pháp khí, phướn liễn hương đèn… đều toát lên nét khiêm tốn mộc mạc, nhưng không hề thiếu vẻ uy nghi thánh thiện. Phía sau chánh điện là nhà trù, nhà tăng, nhà khách mới được xây dựng ngăn nắp gọn gàng. Kia là những cây bồ đề gốc lớn gần hai người ôm không xuể, các nhánh đầy đặn chỉa ra với thế thật đều và đẹp, lá xanh tán rộng tỏa bóng mát quanh năm cho những bộ bàn ghế bằng đá rửa để khách ngồi nghỉ chân… Khóm hoa chậu kiểng đủ loại được bài trí hài hòa cùng với những cây đa, me, phượng vĩ, bạch đàn vươn cao tạo nên một cảnh sắc thanh thoát dịu dàng. Xung quanh chùa còn có những cây ăn trái đã mấy mùa thu hoạch, được trồng xen kẽ nhau mọc rải rác đây đây đó đó như: mít, điều, cam, chanh, bưởi, vú sữa, khế, xoài, thu đủ… góp một phần hương thơm thanh khiết và mỹ quan cho cõi thiền tĩnh mịch...

Đặc biệt, phía bên trái chánh điện cách một khoảng sân rộng dài, trên một khoảng đất thoáng rộng được tráng nền bằng phẳng có bài trí nhiều chậu kiểng hoa lá xanh tươi, là ngôi Bảo tháp táng thờ vị trụ trì đầu tiên. Tháp cao bốn tầng với hai lớp mái cong, mặt chính hướng về phía Tây có cánh đồng và núi non, cạnh sau tháp là tấm bia đá ghi tiểu sử và công đức của Sư cô một cách kính cẩn…

Một khách phương xa trong một lần lạc bước vãn cảnh bái Phật, đã không cầm lòng được trước cảnh sắc và không khí thanh tịnh trang nghiêm của chốn già lam này, nên hạ bút thành bài thơ “Vãn chùa Bửu Sơn- Tưởng nhớ Sư Cô lập tự”, xin chép lại nơi đây thay cho đoạn kết bài viết:


Đường xưa hoang vắng mịt mờ
Chân Ni vượt dốc tìm bờ An Vui
Dừng chân, Thiền nhập thảnh thơi
Thảo am lặng lẽ bao thời công phu
Đạo Vàng rọi chốn thâm u
Bửu Sơn hiển hiện một chùa sơ khai
Niệm Phật Đường đổi hình hài
Hoằng dương Chánh pháp đường dài nhiêu khê
Xuân đi, Hạ đến, Đông về…
Chùa đơn sơ đã bốn bề khang trang
Thỏng tay khuất bóng trần gian
Người đi lưu lại hào quang rạng ngời
Còn đây Bảo Tháp trên đồi
An nhiên đứng giữa đất trời thiên thu
Một đời nối bước Ân Sư
Thiền định tinh tấn, niệm tu vững vàng
Độ sanh còn nẻo thênh thang
Pháp Huynh có đó, Đạo Tràng còn đây
Pháp Luân mầu nhiệm chuyển tay
Bửu Sơn Thiền Tự ngày mai lưu truyền…

Tâm Không-Vĩnh Hữu


2-TAM QUAN BUU SON TU jpg3- BAO THAP THO SU CO LAP TU4-TUONG PHAT CHANH DIEN BUU SON5-GIAC LINH SU CO HUE CAN- CHUA BUU SON6-DIEN QUAN AM BUU SON TU7-TUONG QUAN THE AM -CHUA BUU SON9-GIA DINH PHAT TU VIENG THAP SU CO LAP TU

Ý kiến bạn đọc
15/03/201810:14
Khách
cho tôi hỏi chùa Bửu Sơn này có phải ở xã định an lấp vò đồng tháp không vậy. xin cám ơn
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
19/06/2013(Xem: 1705)
T 7, thôn Cư Thạnh, H. Diên Khánh, T. Khánh Hòa, ĐT: 745667
19/06/2013(Xem: 1813)
H. Diên Khánh, T. Khánh Hòa, ĐT: 058. 3750826
19/06/2013(Xem: 2322)
Đ5, thôn Khánh Thành, H. Diên Khánh, T. Khánh Hòa, ĐT: 740025, Trụ trì: Thích Tâm Niệm
19/06/2013(Xem: 1586)
Thôn Phú Khánh Trung, H. Diên Khánh, T. Khánh Hòa, ĐT: 851574
19/06/2013(Xem: 1937)
Đ3, T Đông Dinh, H. Diên Khánh, T. Khánh Hòa, ĐT: 851135
19/06/2013(Xem: 1544)
T 4, khóm Phan Bội Châu, H. Diên Khánh, T. Khánh Hòa, ĐT: 850637
19/06/2013(Xem: 1581)
T 10 thôn Cư Thạnh, H. Diên Khánh, T. Khánh Hòa, ĐT: 745403
19/06/2013(Xem: 2615)
TK Thích Chơn Thành, Thị trấn Diên Khánh, H. Diên Khánh, T. Khánh Hòa, ĐT: (058) 851 560
19/06/2013(Xem: 1992)
Suối Tân, Diên Khánh, T. Khánh Hòa
19/06/2013(Xem: 1675)
Đ4, thôn Sơn Thạnh, H. Diên Khánh, T. Khánh Hòa , ĐT: 784025
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]