Chùa Thiên Lộc-Khánh Hòa
Không ai xác định được niên đại xây dựng chùa, nhưng những cổ vật có mặt trong chùa và cho biết ngôi chùa đầu tiên đã được xây dựng hàng thế kỷ, chùa đã được trùng tu nhiều lần... Vào năm 1964 là lần trùng tu cuối cùng, có cấu trúc cho đến ngày hôm nay. Về địa thế thì chùa được xây dựng trên một vị trí khá đẹp, mặt chùa hướng về dãy núi Chín Khúc (còn gọi là núi Hoàng Ngưu), bên cạnh chùa là dòng sông chỉ có nước vào mùa mưa lũ nên gọi là sông Cạn.
Trong khuôn viên chùa có Miếu Ông Thạch thờ một tượng đá xanh, điêu khắc phần âm dương nam nữ (Yoni và Linga), đây là phiến đá cổ đã vài thế kỷ của người Chăm để lại với diện tích khoảng 1m2. Phần Linga nổi hẳn lên trên, phần Yoni khắc chìm xuống dưới rất khéo léo. Phiến đá Ông Thạch được thờ như một tín ngưỡng, còn là một tác phẩm điêu khắc nghệ thuật xưa. Sau lưng chùa có Miếu Bà Sáu. Việc dựng thờ miếu Bà Sáu từ một câu chuyện huyền thoại do dân quanh vùng truyền tụng. Chuyện kể, Bà Sáu ăn ở tốt, nhưng đơn độc và sống rất nghèo trong một túp lều tranh dột nát... Một buổi tối, có bốn người khách lỡ đường được bà cho tá túc qua đêm chính là bốn con rắn do Long Vương sai đi lấy gỗ. Cảm kích trước lòng tốt của bà, họ đã cho nước dâng, kéo tới trước nhà bà một bè gỗ lớn để bà dựng nhà, nhưng bà đã tặng toàn bộ số gỗ này để dựng chùa. Vì thế chùa có tên là Thiên Lộc (lộc trời ban). Khi bà chết, được xây miếu thờ.
Chùa Thiên Lộc nằm sâu trong một vùng đất làng quê, khá yên tĩnh và thơ mộng. Trước cửa chùa là một hồ sen hình bán nguyệt, nơi đó có một tượng Phật Bà Quan Âm. Trong sân chùa có 12 cây tùng được trồng rất hài hoà theo tích: "Thập nhị nhân duyên". Trong chùa còn có hai cổ vật là Bảo chúng (chuông dùng báo thức chúng tăng) có từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Vật thứ hai là Cây Trính (đòn dông) còn khắc chữ cho biết chùa từng đã được trùng tu vào năm Tự Đức thứ 9 (1856). Riêng chiếc Đại Hồng chung của chùa được rót đồng đúc nên vào ngày 29/9/1966 nặng tới 340 kg, cao 1,6 mét là do bổn đạo của chùa đóng góp tạo nên. Đây cũng là chiếc Đại Hồng chung lớn nhất nhì trong tỉnh Khánh Hoà với tiếng vang rất xa khi đánh lên. Sau chùa Thiên Lộc có một cây bồ đề to lớn, vòng ôm bốn người giang tay, cao 60m, tán xoè 40m. Đây là cây bồ đề rất đẹp, trở thành điểm tham quan cho du khách và là nơi sinh hoạt của các em học trò quanh vùng vào các ngày nghỉ. Theo các sư trụ trì thì cây bồ đề trên được trồng vào năm 1959, nhưng tốc độ phát triển của cây giống như các cây bồ đề 200 năm tuổi
---o0o---
---o0o---
Ảnh & trình bày: Nhị Tường