Chùa Linh Phong
Hãy thong dong bước lên từng bậc cấp bằng đá, rồi đứng lại lưng chừng núi, khách nhàn du sẽ được đón tiếp bởi nụ cười Hỷ Lạc của một tượng Phật Di Đà Lạc rất ấn tượng...
Năm 1972, Thượng tọa Trừng Dũng, pháp hiệu Thích Chí Viên về trụ trì Linh Phong Cổ Tự. Với đạo hạnh trang nghiêm, đức tính cần cù, chịu khó, hành sự kỹ lưỡng, tài hoa uyên bác, sư trụ trì mới của chùa đã từng bước chậm rãi mà chắc chắn tu sửa, tái tạo lại ngôi chùa cổ đã mái dột cột xiêu qua bao trận lũ lụt tàn phá. Đến nay, ngôi chùa cổ Linh Phong đã mang một dáng dấp hoàn toàn mới mẻ, vững chắc, độc đáo và khang trang hơn xưa rất nhiều với "Ngũ cảnh Thiền môn".
- Cảnh thứ nhất:Cổng Tam Quan có tượng Di Lặc Tôn Phật ngồi trên tòa sen với tư thế tự tại, nở nụ cười Hỷ Xả. Ở bốn góc phía trên có tượng của Tứ Đại Thiên Vương cưỡi mây xanh cùng nghinh hầu vị Phật của tương lai.
- Cảnh thứ hai:Vườn Lộc Uyển với cảnh sắc hòa nhập vào thiên nhiên trông thật sinh động. Một phiến đá rong rêu như đâm lên từ lòng đất giữa cỏ xanh, trên có khắc hai chữ bằng tiếng Hán: "Lộc uyển". Nơi khoảng đất trống gần đó hiện lên 6 pho tượng đều trắng toát: tượng Phật có kích cỡ lớn hơn ngồi giữa, gần một phiến đá mặt hướng về phía Tây Nam; phía bên phải của Ngài là ba tượng, bên trái là hai tượng, đều có kích thước bằng người thật, cùng đang ở tư thế quỳ gối trên đá, chắp tay cung kính.
- Cảnh thứ ba: Chánh điện được xây mới gấp đôi chùa cũ nằm trên một nền cao, chiều ngang 24m, chiều sâu 17 m (chùa cũ là 10 x 9m), mái lợp ngói Phú Phong theo khuôn mẫu đặt riêng của chùa. Riêng ngói lợp mặt trước do chính tay sư trụ trì tạo khuôn mẫu, rồi tự đúc lấy để tạo nét độc đáo cho chùa. Trên nóc có rồng đội pháp luân ở giữa, rồng uyển chuyển trên góc mái rất sống động. Các trụ lớn phía trước thềm hiên đều được chạm nổi rồng quyện cùng mây. Đặc biệt là, tất cả trụ cột kèo bên trong đều nối với nhau bằng con mộng, không sử dụng một cây đinh nào. Trên tất cả các vật liệu gỗ, từ cột kèo đến cánh cửa, đều được chạm đục rất tỉ mỉ, trau chuốt công phu với những họa tiết hoa văn, linh vật rất độc đáo. Những tượng Phật, Bồ tát trên điện thờ hoàn toàn đều bằng gỗ, sơn màu gỗ nâu đậm và bóng, ngaọi trừ bức tượng Thích Ca nhỏ quét nhũ đồng là tượng của ngôi chùa cũ lưu lại, được đặt trên một bục cao hơn. Giữa chánh điện là tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn Quan Âm, hai bên góc cửa vào chánh điện có hai tượng "Khánh Thiện - Trừng ác" to lớn gấp hai người thường, trấn giữ chốn trang nghiêm, trông thật uy phong lẫm liệt.
- Cảnh thứ tư: Quan Âm Các nằm bên trái chánh điện trên một khu đất mát mẻ. Tượng Quan Âm màu nâu nhạt được đặt trong điện hình lục giác mái cong, hai bên phái trước thềm có hai con sư tử nằm chầu. Bên ngoài điện là một cặp rồng xanh nằm đối xứng nhau trên một bức tường đá rất dài và cao, mỗi con rồng có chiều dài hơn 10 m, như đang cùng bay lượn vờn gió đạp mây, tạo nên cảnh "Song Long Triều Phật".
- Cảnh thứ năm: Điện Quan Thánh nằm phía sau lưng chánh điện thờ Phật, cách một khoảng sân rộng, lối kiến trúc tương tự như Chánh điện thờ Phật, cách một khoảng sân rộng, lối kiến trúc tương tự như chánh điện. Trên nóc mái phía trước có ba tượng nhỏ: Châu Xương và Quan Bình đứng hầu Quan Đế Quân; phía bên trong điện cũng có bộ tượng này nhưng tầm vóc lớn hơn, và là bộ tượng cũ của ngôi cổ tự đã đổ nát. Đặc biệt, đứng một bên bàn thờ Quan Đế Quân là tượng ngựa Xích Thố cao lớn như ngựa thật, được sơn màu huyết dụ, cũng là pho tượng cổ.
Qua gần 35 năm gắn bó với chùa, thượng tọa trụ trì Thích Chí Viên dốc hết của cải vốn liếng của mình, của bà con họ tộc ngoài Huế, thêm sự đóng góp của đông đảo Phật tử gần xa, đã âm thầm tu bổ, lặng lẽ thiết kế xây dựng từng công đoạn, thực hiện xong một cuộc đại trùng tu, thực hiện xong một cuộc đại trùng tu, mang lại một diện mạo hoàn toàn mới mẻ cho Linh Phong Cổ Tự.(1)
Cùng tọa lạc trên núi Trại Thủy (ngọn núi có hình dạng một con dơi) giữa lòng thành phố xô bồ náo nhiệt, ba ngôi chùa nổi tiếng của Nha Trang là: Long Sơn, Hải Đức, và Linh Phong Cổ Tự đã lập nên một thế tam giác vững chãi, tạo thành một cảnh quan thiên nhiên thật đặc sắc đầy vẻ tôn nghiêm và thanh tịnh, thu hút khách thập phương quanh năm ghé đến để chiêm bái thưởng ngoạn, góp phần rất lớn trong công cuộc chấn hưng Phật giáo, cũng như phát triển du lịch của tỉnh Khánh Hòa./.
(1)Tháng 2/1990 đặt đá đến đầu năm 1996 khánh thành vườn Lộc Uyển. Sau đó bắt đầu hạ núi. Đầu năm 1998 bắt đầu xây lại điện Quan Thánh đến cuối năm 1998 hoàn thành xong điện Quan Thánh. Đầu năm 1999 đặt đá xây dựng Quan Âm các. Tháng 10/1999 chùa sập do bão lụt. Ngày 24 tháng chạp năm 2000 hoàn thành Quan Âm Các. Mùng 6 tết năm 2001 đặt đá xây dựng chánh điện.(Ghi thêm theo lời kể của Thầy trụ trì)
(Source: http://www.thuvienhoasen.org/cvn-khanhhoa-linhphong.htm)
---o0o---
---o0o---
Ảnh và trình bày: Nhị Tường