Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chùa Kỳ Viên Trung Nghĩa

18/06/201313:11(Xem: 3017)
Chùa Kỳ Viên Trung Nghĩa


chuakyvien

CHÙA KỲ VIÊN TRUNG NGHĨA

Địa chỉ: 132 Ðường Sinh Trung.

TP. Nha Trang, T. Khánh Hòa

Điện thoại : (058) 827197 - 817070
Website: www.chuakyvien.com

---o0o---

chuakyvien-congtamquan

Cổng Tam Quan Chùa Kỳ Viên (nhìn từ bên ngoài)

chuakyvien-congtamquan-trong

Cổng Tam Quan Chùa Kỳ Viên (nhìn từ bên trong)

Lược Sử Chùa Kỳ Viên Trung Nghĩa

Chùa Kỳ Viên Trung Nghĩa nguyên là Miếu Thờ các vị Công Thần nhà Nguyễn, có tên là Miếu Tinh Trung sau đổi là Sinh Trung (Xứ Trầm Hương, Quách Tấn). Miếu này được xây dựng năm 1802 dưới triều Gia Long. Năm 1852, dưới thời triều Nguyễn, Miếu này được trùng tu và đổi tên là Trung Nghĩa Miếu. Mãi cho đến năm 1948 - 1950 Đức Bà Từ Cung (mẹ vua Bảo Đại) kinh lý vào đất Khánh Hòa, đến Nha Trang lên miếu nầy thấy phong cảnh thích hợp cho một ngôi chùa nên Đức Bà Từ Cung vận động Ban Khánh Tiết, các cụ Hào Lão làng Vạn Thạnh vận động hiến cúng cho Giáo hội Phật giáo Tỉnh Khánh Hòa làm nơi thờ Phật.


Sau khi Ban Khánh Tiết và các cụ Hào Lão đồng ý hiến cúng Miếu Trung Nghĩa cho Giáo hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa, lúc bấy giờ Giáo hội đã đặc cử một Ban Đại Diện và lấy tên là Khuôn hội Phật giáo thôn III Kỳ Viên .


Qua thời gian tu chỉnh Miếu thờ các vị Công Thần Triều Nguyễn thành chùa thờ Phật, Giáo hội Phật giáo Tỉnh Khánh Hòa và Quý Phật tử Khuôn hội Kỳ Viên đã cung thỉnh Hòa Thượng Thích Thiện Minh giữ chức Trụ Trì. Khi nhận trách nhiệm Trụ Trì, Hòa Thượng đặt lại tên : Linh Sơn Kỳ Viên Khuôn hội.


Vì công tác Giáo hội giao nên Hòa Thượng giao lại cho Hòa Thượng Thích Từ Mãn. Qua thời gian nhận trách nhiệm trụ trì nhưng vì nhận công tác Phật sự tại Đà Lạt, Hòa Thượng Thích Từ Mãn đã giao lại cho Hòa Thượng Thích Trí Tín. Sau Hòa Thượng Thích Trí Tín là Thượng Tọa Thích Viên Mãn giám tự.


Đất nước thống nhất, năm 1977 Thượng Tọa Thích Trí Viên nhận Trụ Trì Ngôi Tam Bảo này do Viện Phật học Cao Đẳng Chuyên khoa Hải Đức đề cử, Ban Đại Diện Tỉnh hội Phật giáo Khánh Hòa bổ nhiệm.


Nhận công tác Giáo hội đã giao, năm 1986 Thượng Tọa Thích Trí Viên bắt đầu tu sửa những công trình phụ. Đến năm 1990, Thượng Tọa Trụ Trì hợp Ban Hộ Tự, Ban Nghi Lễ và nam nữ Phật tử tại chùa lo Phật sự Đại trùng tu Chánh Điện, Hậu Tổ và những công việc cần thiết.


Nhờ Tam Bảo gia hộ, chư Tôn đức Tăng Ni trợ niệm, nam nữ Phật tử phát tâm cúng dường, sau hơn 10 tháng ngôi Chánh Điện, Hậu Tổ... đã hoàn tất. Đến ngày 19 tháng 2 năm 1992, Đại lễ Khánh thành được tổ chức và chùa được đổi tên là KỲ VIÊN TRUNG NGHĨA TỰ.


Năm 1993, Giới tử của Đại Giới Đàn Trí Thủ Long Sơn quy tụ nơi đây. Năm 1995, xây dựng nơi thờ Hòa Thượng Thích Thiện Minh, vị trụ trì đầu tiên và giảng đường để có nơi Tăng chúng học và Phật tử sinh hoạt.


Năm 1996, tu sửa lại tượng đài Quan Thế Âm lộ thiên. Năm 1997, xây dựng tượng Đức Di Lặc lộ thiên và bậc cấp. Năm 2000, tu sửa cổng Tam Quan. Năm 2002, tu sửa gác Đại Hồng Chung. Năm 2004, xây dựng tượng Đức Văn Thù Bồ Tát lộ thiên.


Hiện tại Tăng Chúng chùa Kỳ Viên Trung Nghĩa là 12 vị.


Phật lịch 2549, Ất Dậu 2005
Cẩn bút
Tỳ Kheo Thích Trí Viên


chuakyvien-lauchuong

Gác Chuông

chuakyvien-dilac

Tượng Bồ Tát Di Lặc lộ thiên

chuakyvien-tuongvanthu

Tượng Bồ Tát Văn Thù lộ thiên


Sinh Trung là tên của một ngọn núi nằm trong lòng thành phố biển Nha Trang, bên cạnh Quốc lộ 1. Trên ngọn núi này, từ xưa đã có một ngôi miếu thờ thần tọa lạc, được thiết lập vào năm Ất Mão (1795), sau khi Nguyễn Ánh chiếm lại vùng đất Nha Trang và thành Diên Khánh. Ngôi miếu được dựng lên để thờ những vị công thần và chiến sĩ trận vong đã có công với nhà Nguyễn. Năm Tự Đức thứ V (1852), triều Nguyễn cho trùng tu lại và đặt tên là Trung Nghĩa miếu. Từ năm 1948 đến năm 1950, Đoan Huy hoàng thái hậu, thứ phi của vua Khải Định, sinh mẫu của vua Bảo Đại, thường được gọi là Đức Từ Cung, đích thân nhiều lần đến viếng miếu, tổ chức những buổi tế lễ lớn và sau đó đã cùng với một số hào lão của làng Vạn Thạnh vận động hiến cúng ngôi Trung Nghĩa miếu cho Giáo hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa. Hòa thượng Thích Thiện Minh về làm trụ trì đầu tiên đã đổi tên miếu thành khuôn hội Kỳ Viên. Cho đến năm 1990, trụ trì đời thứ 5 là Thượng tọa Thích Trí Viên đã cùng với đông đảo Phật tử đại trùng tu khuôn hội Kỳ Viên, đến tháng 2 năm 1992 thì hoàn thành, chính thức lấy tên Kỳ Viên Trung Nghĩa tự, dân địa phương thường gọi là chùa Núi.


Du khách vãn cảnh chùa, bước lên những bậc tam cấp rộng và dài, hai bên có bờ thành được trang trí thêm những bức tranh bằng đá mài, xen kẽ với những bệ trụ có chóp hình búp sen thật trang nhã... Du khách có thể dừng chân đọc và nghiền ngẫm những câu kinh Pháp Cú tuyệt diệu mà thật gần gũi được khắc trên những tấm đá mài... Ngôi chánh điện mái cong trên thềm cao hiện ra trước mắt với mái ngói rêu phong, các con rồng uốn lượn trên nóc chầu pháp luân và hai tháp nhỏ thấp thoáng nhô lên hai bên nóc điểm xuyết thêm cho vẻ cổ kính thiêng liêng, khoảng giữa là tên chùa được viết bằng chữ Hán nổi bật trên nền vôi màu ngà trước chánh điện. Trước thềm chánh điện là tượng của hai con sư tử xanh thật lớn án ngữ hai góc tả hữu. Trong góc sân phía bên phải cổng tam quan, một tượng Di Lặc Tôn Phật thật lớn được sơn thếp vàng trên hòn non bộ bằng đá núi, leo trèo đu bám trên thân Ngài là sáu đồng tử ngộ nghĩnh tượng trưng cho "Lục tặc" (tức lục căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) đã được giáo hóa giác ngộ. Đối xứng với tượng Phật Di Lặc, phía góc trái là tượng Văn Thù Sư Lợi Bồ tát cũng thật cao lớn cưỡi trên lưng thanh sư, đang trong giai đoạn tô đắp sắp hoàn chỉnh. Tường thành bao quanh cổ miếu xưa kia, nay chỉ thấy còn một đoạn lộ ra bên cạnh cây đa cổ thụ có trên vài trăm tuổi nằm bên trái chánh điện.


Vòng ra phía sau lưng chánh điện, bước qua cây cầu nhỏ bằng xi-măng bắc qua một hồ cá tai tượng có bố trí các hòn non bộ xinh xắn, sẽ thấy gác nhà chuông sáu trụ nằm giữa những chậu cây cảnh được bài trí hài hòa chen lẫn với những cây bồ đề xanh rì lá, phượng vĩ đỏ lòe hoa... Tiếp tục dạo bước vào sâu phía sau chùa, được chiêm bái tượng Bạch Y Quan Âm lộ thiên với dáng vẻ thanh thoát dịu hiền đứng trên một đài cao hướng nhìn về biển Đông... Tận cùng sân sau của chùa, trên triền dốc xổ bằng những bậc tầng cấp, chợt hiện lên một khu Ô Linh Cốt được thiết kế như những dãy nhà chung cư thu nhỏ, có mái che lớp ngói hồng, bao bọc chung quanh một điện nhỏ thờ tượng Địa Tạng Vương Bồ tát, tạo nên một không khí trang nghiêm và ấm áp. Bên trong chánh điện, các tượng Phật và Bồ tát đều vàng rực lên giữa những tràng phan, bảo cái, phướn lọng, đèn hoa... Đặc biệt ở phía sau nhà hậu Tổ, nằm bên một góc im ắng là một bàn thờ đầy linh vị và di ảnh của chư hương linh ký thác, trên đó có di ảnh của Đức Từ Cung và con trai của bà là vua Bảo Đại cùng nằm ở vị trí trung tâm. Bên cạnh bàn thờ này, trên tường bên trái có treo hai khung kính lớn lồng bên trong là các thư tịch văn bản cổ giấy đã ố vàng, nhưng Hán tự vẫn còn rõ từng nét: "Đại Nam quốc - Trung hưng công thần linh vị". Đó chính là bài vị liệt kê danh tánh của 350 vị công thần có công với triều đại nhà Nguyễn.


Từng bước chậm vãn cảnh Kỳ Viên Trung Nghĩa tự, ngắm từng vết tích xưa cũ, trông từng cảnh sắc tân kỳ, mới thấy được rằng ngôi chùa này đúng là một "khu vườn kỳ lạ khác thường", xứng đáng khi đã được Nhà nước công nhận di tích lịch sử - văn hóa của xứ Trầm hương.


(Theo www.thuvienhoasen.org)



ĐỀN SINH TRUNG

(Trích Xứ Trầm Hương của Quách Tấn)


Đền dựng trên Núi Hà Ra, cạnh đầm Xương Huân về phía Tây Bắc, trong thành phố Nha Trang.


Dựng năm Đinh Mão (1807) triều Gia Long. Trùng tu năm Tự Đức thứ năm (1852).


Đền thờ 350 công thần nhà Nguyễn đã bị tử trận hay mệnh vong vì bệnh trong lúc tranh hùng cùng nhà Tây Sơn. Phần đông là những người mất tại Khánh Hòa.


Tên trước kia là Tinh Trung sau đổi lại là Sinh Trung.


Tuy là đền thờ công thần, nhưng quy mô không được rộng lớn. Cách thờ phượng ngó cũng sơ sài, đối với đền miếu của đồng bào bình dân thật không hơn không kém.


Nhưng phong cảnh rất mỹ quan.(1)


Cạnh đền có cây cao. Trước đền có sân rộng.


Dưới chân núi, đầm Xương Huân láng lai và ăn thông ra sông Hà Ra, một nhánh của sông Nha Trang chảy ra biển. Bên kia đầm, khu Xương Huân và Xóm Cồn, nhà tôn chen ngà ngói. Và ngoài xa, ngó thẳng ra Bắc, núi nối liền núi, ngó xiên xiên xuống Đông, biển nối liền trời. Màu ngói sắc cây. bóng mây hơi nước..., lớp ẩn lớp hiện, nơi tỏ nơi mờ. Xa cũng như gần, một ngó đều thâu trọn vào mắt.


Ba mặt Đông, Nam, Tây thành phố Nha Trang mở rộng tận chân non, mặt biển. Cửa nhà chen chúc, đường rộn rịp xe chạy người đi. Những bồn hoa xinh xinh, những hàng cây rậm rạp. Đứng trên nhìn xuống, khách giàu tưởng tưọng không khỏi ngờ rằng mình đương ngắm cảnh Hàng Châu tả trong vần thơ cổ: "Sơn ngoại thanh sơn lầu ngoại lầu" mà Trường Xuyên phỏng dịch:


Xanh dờn non tiếp liền non,

Ngoài lầu hoa lại những còn lầu hoa.


Cảnh đã đẹp lại ở gần thành phố, cho nên khách phong lưu thường đến thưởng ngoạn.


Xúc cảnh sinh tình, người làng thơ thường lưu lại được nhiều giai tác.


Được nhiều người thuộc, có hai bài chữ Hán của cụ cử Nguyễn tạo và nhà Nho Trần Khắc Thành:



DU SANH TRUNG TỪ NGẪU TÁC


Nhàn lai huề hữu thưởng xuân dương

Lộ đáo Sinh Trung miễn lực cường

Oanh chuyển hoa khai cung thắng khái,

Sơn triều thủy nhiễu nhập bình chương

Lâu đài ngoại vọng văn minh hóa,

Tướng sĩ trung lưu tánh tự hương.

Tứ điện thanh quang đô khả ái.

Danh lam thiên tạo xuất tần thường.

(Trần Khắc Thành)

II

Mích thắng xuân du khách tứ đồng,

Lưỡng thương huề thủ thượng Sanh Trung.

Hiến đồ nhập họa giang san sắc,

Sùng tự trường minh tướng sĩ công.

Tiếp ngạn lâu đài ba diệm giả

Cách thôn gia liễu ấm thanh thông.

Danh đô huống thị phùng giai tiết,

Vô hạn di tình thưởng thức trung.

(Nguyễn Tạo)


Gần đây có mấy ông bạn yêu văn chương ở Bình Định và Quảng Ngãi vào Khánh Hòa, đến viếng đền Sinh Trung. Nhân cao hứng diễn hai bài thơ trên ra quốc ngữ


DỊCH BÀI CỦA TRẦN TIÊN SINH


I

Mình dạo tìm xuân với bạn mình

Sinh Trung lần bước bước thinh thinh

Oanh ca hoa nở câu nhàn hứng

Nước điểm non tô nét phẩm bình

Hương khói ngạt ngào danh tướng sĩ

Lâu đài thấp thoáng bóng văn minh

Vời trông bốn bức phong quang trải,

Cao vút danh lam cảnh hữu tình.

(Nguyễn Hoài Văn)


II

Tầm phương mình với bạn mình

Sinh Trung thẳng bước thỏa tình đăng cao

Oanh hoa giúp hứng thêm hào,

Non xanh nước biếc hiện vào bình chương.

Văn minh giợn bóng phố phường

Danh thơm tướng sĩ mùi hương đậm đà.

Tranh treo bốn bức yên hà,

Xa vời thế tục một tòa danh lam.

(Trần Thúc Lâm)



DỊCH BÀI CỦA NGUYỄN TIÊN SINH

I

Tìm xuân bước khách nhẹ thinh thinh,

Viếng cảnh Sinh Trung bạn với mình

Màu sắc nước non in nét họa,

Công lao tướng sĩ tạc đền linh.

Lâu đài tiếp biển hoa lồng thắm

Dừa liễu kề thôn bóng rợp xanh.

Trong chốn danh đô vầy thắng cảnh,

Cảnh thêm giai tiết xiết bao tình

(Hồ Thăng)


II

Vui xuân khách cũng đồng vui

Sinh Trung dìu bạn lên chơi với mình

Non sông vẽ bức tranh tình,

Hồn hương tướng sĩ đền linh ngạt ngào

Biển lồng hoa thắm lầu cao

Cách thôn dừa liễu dạt dào sóng xanh,

Danh lam ẩn bóng thị thành,

Gặp tuần giai tiết thỏa tình lãng du.

(Nguyễn Đình Mẫn.)



NÚI SINH TRUNG

(Trích Xứ Trầm Hương của Quách Tấn)


Là một hòn độc sơn toàn đá, đứng trên mé đầm Xương Huân, cạnh bến Hà Ra của con sông Cù, giữa thành phố Nha Trang.


Các thầy Địa gọi là "Bạch Tượng quyện hồ"


Núi không cao cũng không lớn. Đối với thành phố, núi chẳng khác nào một hòn non bộ đứng trong một vườn cảnh nhiều cỏ nhiều cây. Hình núi không có gì đặc biệt. Núi lại ít cây cối và không quái thạch kỳ nham.


Nhưng nếu lên đầu núi đứng trông thì phía Bắc, phía Đông, nào sông nào đầm, nào cồn nào biển..., bóng cây in nước, bóng mây trôi dòng, lầu tháp ven bờ thuyền trên sóng. Nhìn về hướng Tây, hướng Nam, thì phố xá ngựa xe, đồng ruộng mây khói, muôn màu nghìn nét, bát ngát mênh mông. Xa xa non xanh trập trùng như bức trường thành bao trùm lên ba mặt Tây Nam Bắc, còn mặt Đông, sóng bạc làm thiên binh vạn mã để hộ vệ cho non. Vọng cảnh thật bao la, ngoạn mục.


Trên đầu núi có miếu thờ các vị công thần của nhà Nguyễn đã bỏ mình lúc Trung hưng. Miếu gọi là Tinh Trung, sau đổi là Sinh Trung. Tên núi mượn tên miếu mà kêu. Người địa phương cũng thường gọi là núi Hà Ra. Hà Ra là tên khu vực. Sách Nhất Thống Chí chép là A La


Núi Sinh Trung và đầm Xương Huân vốn có tình "cốt nhục"


Truyền rằng: Ban sơ không có đầm cũng không có núi . Khi nữ thần Poh Naga giáng thế, sấm trời nổi dậy báo cho vạn vật biết tin, thì một con Cù sanh từ lúc khai thiên lập địa, nằm ngủ quên trong lòng đất, giật mình vùng dậy: Những lớp đá phủ trên mai Cù bị hất tung lên thành núi, và nơi Cù nằm bị hũng xuống thành đầm. Cho nên đầm có tên là Cù Đàm và núi có tên là Cù Lĩnh.


Đầm nằm ôm chân núi, núi đứng soi bóng vào lòng đầm. Nước trang điểm cho non, non trang điểm cho nước. Tương y tương ỷ, ngày nắng cũng như ngày mưa.


Những đêm gió mát trăng trong, lên núi mà xem đầm thì cực kỳ thanh thú. Mặt đầm như tờ giấy băng cơ trắng láng, và vầng trăng như quả ấn ngân châu đóng lên trên nền mờ mờ do núi non nhà cửa cây cối phác họa. Trường Xuyên có câu:


Sóng lặng tăm cù non gởi bóng

Thu lồng gương quế nước in châu.


Đó là quang cảnh ngày trước. Ngày nay cảnh lâu đài khang trang, đèn điện trăm màu sắc, tưng bừng rực rỡ, đã lấn át cảnh thiên nhiên. Trong chánh phủ ngoài dân gian, không còn mấy ai để ý đến non nước, khiến Cù Đàm Cù Lĩnh đã bị những bàn tay đặt quyền lợi cá nhân lên trên hết, làm hư hại quá nhiều.


Muốn tìm lại phong thú của nghìn xưa, phải đợi khi lòng người biết yêu non nước trở lại.



---o0o---

Các Ngôi Chùa ở Khánh Hòa

---o0o---

Sưu tầm: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
18/06/2013(Xem: 1721)
Ngôi chùa ở trên đồi núi Vĩnh Lương, Nha Trang
18/06/2013(Xem: 1586)
Ngôi chùa ở trên đồi núi Vĩnh Lương, Nha Trang
18/06/2013(Xem: 2061)
Thôn Lương Sơn, xã Vĩnh Luong, TP. Nha Trang, T. Khánh Hòa, Điện thoại: 058.3839757
18/06/2013(Xem: 1582)
16 Bến Cá, TP. Nha Trang, T. Khánh Hòa, ĐT: 828887
18/06/2013(Xem: 2344)
02 Lý Thánh Tôn, TP. Nha Trang, T. Khánh Hòa, ĐT: 821279
18/06/2013(Xem: 1698)
Hoàng Diệu, TP. Nha Trang, T. Khánh Hòa, ĐT: 881424
18/06/2013(Xem: 1772)
Vĩnh Điềm Thượng, Vĩnh Hiệp, TP. Nha Trang, T. Khánh Hòa, ĐT: 890218
18/06/2013(Xem: 1564)
43 Tran Binh Trong, TP. Nha Trang, ĐT.058.3704017.
18/06/2013(Xem: 2576)
T3 Cát Lợi. Vĩnh Lương, TP. Nha Trang, T. Khánh Hòa, TT Thích Giác Ngộ, ĐT: 839795
18/06/2013(Xem: 1791)
Ngọc Hội, Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang, T. Khánh Hòa, ĐT: 891147
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com