Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hội thảo Phật Giáo Thái Nguyên: Phật Giáo Thái Nguyên từ cội nguồn Lịch sử đến trách nhiệm Hiện hành

13/11/202206:50(Xem: 1827)
Hội thảo Phật Giáo Thái Nguyên: Phật Giáo Thái Nguyên từ cội nguồn Lịch sử đến trách nhiệm Hiện hành
Phat thuyet phap

Hội Thảo Phật giáo Thái Nguyên

 PHẬT GIÁO THÁI NGUYÊN   
TỪ CỘI NGUỒN LỊCH SỬ ĐẾN TRÁCH NHIỆM HIỆN HÀNH       
    

 

1-    Từ vùng đất Thái Nguyên

                                  Khi chỉ mới tham khảo sơ bộ về vùng đất Thái Nguyên, chúng ta đều nhận thấy rằng vùng đất này khá đặc biệt, không chỉ riêng về giá trị lịch sử mà còn trong từng mảnh đất, con người đều là nguồn tư liệu phong phú, rất hữu ích cho những ai quan tâm và yêu mến vùng đất này.

                                  Trước tiên, xin dành đôi dòng nói về vùng đất cổ xưa của Thái Nguyên. Theo tài liệu của Wikipedia: Đặc biệt vùng đất này bao gồm huyện Định Hóa và các xã phía Tây của hai Huyện Phú Lương, Đại Từ có lịch sử hình thành sớm nhất, thuộc thời kỳ kiến tạo Caledonia bắc đầu cách nay 480 triệu năm và được hình thành xong trong đại cổ sinh cách đây 225 triệu năm. Các khu vực còn lại tuy trẻ hơn nhưng cũng ngót 240 triệu năm và kết thúc cách đây 67 triệu năm. Khi đã được hình thành, lãnh thổ Thái Nguyên ngày nay tồn tại dưới chế độ liên lục địa liên tục 50 triệu năm. Với thời gian này, địa hình Thái Nguyên ngày nay được san bằng và trở thành bình nguyên. Đến kiến tạo sơn Hymalaya cách đây khoảng 25 triệu năm, do vận động nâng lên mãnh liệt, Thái Nguyện được nâng cao có địa hình cắt xẻ, các vật liệu trần tích trẻ, mềm bị ngoại lực bóc mòn, các núi cổ được cấu tạo bằng nham thạch cổ hơn, cứng hơn lại lộ ra, tái lập lại địa hình như lúc mới hình thành xong.

                                   Thái Nguyên chính thức được đặt tên từ thời vua Minh Mạng năm (Tân Mùi)1831. Thái Nguyên là danh từ Hán-Việt hàm ý là nơi có vùng đất rộng, bằng phẳng và to lớn. Nằm các sân bay quốc tế Nội Bài 50km, cách trung tâm thủ đô Hà Nội 75 km. Qua nhiều thời đại, Thái Nguyên luôn được coi là phên dậu của trái tim đất nước, bên cạnh những tài nguyên khoáng sản quý tự nhiên. Những  nhân vật yêu nước  như Nguyễn Du, Ngô Thì Sỹ, Phan Thanh Giản từng làm quan và có những đóng góp tích cực cho vùng đất này. Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng đã từng viết những dòng ca ngợi về Thái Nguyên: “ Hiếm có nơi nào mà ở đó cái gì cũng giàu; giàu vì cái nôi loài người, lọt lòng đã nghe lời ru từ đại ngàn thanh khiết mà lớn lên. Đất lành màu mỡ, chẳng mấy khi bão bùng, hạn hán. Đất của hội tụ trăm họ. Đất của tái nguyên vô cùng giàu có…”. Ở cái thế là gạch nối giữa đồng bằng và miền núi, kẻ chợ, mấy trăm năm qua, Thái Nguyên thời nào cũng là thủ phủ của tỉnh hoặc  khu vực và vùng miền. Giữa thế kỷ XVIII, nhà thơ Ngô Thì Sỹ khi ấy là Đô Đốc của triều đình, đến Bến Tuần Đồng Mỗ của Thái Nguyên mà xướng rằng :”Một dãi non xanh trông xuống dòng nước biếc/ Chốn biên thành hiếm có cảnh đẹp này/ Cửa hiệu buôn, phố người ở, nhà cái cao, cái thấp/ Sở thuế tuần, thuyền khách buôn ở trên, dưới bến sông”.

                              Chỉ chừng ấy thôi cũng đủ để thấy được bề dày lịch sử cũng như giá trị của Tỉnh Thái Nguyên như thế nào. Vùng đất này có diện tích tổng thể là 3.562,82 km2. Vị trí địa lý Phía Bắc giáp tỉnh Bắc Kạn; Phía Tây giáp tình Vĩnh Phúc và Tỉnh Tuyên Quang; Phía Đông giáp Tỉnh Lạng Sơn và Tỉnh Bắc Giang và Phía Nam giáp với thủ đô Hà Nội. Dân số (theo thống kê năm 2020) 1.307.871 người. Thành phần các dân tộc gồm có người Kinh, Tày, Nùng, Sán, Dìu, Sán chay và Dao.

 

                               2. Đến Mái Chùa và đời sống tâm linh.

                               Theo thống kê gần đây, Thái Nguyên có 780 di tích được kiểm kê, trong đó có 12 di tích khảo cổ học; 479 di tích lịch sử; 16 di tích kiến trúc nghệ thuật; 225 di tích tín ngưỡng và 40 di tích danh thắng, trong đó có 46 di tích đã được xếp hạng. Như vậy, ngoài những di tích thuộc mô típ khảo cổ học, còn lại hầu hết các di tích đều có hình ảnh các ngôi chùa hoặc có liên quan . Bên cạnh đó, các ngôi đình thờ Thành Hoàng hoặc người có công đức xây dựng cuộc đất sở tại, và các ngôi đền thuộc tín ngưỡng thờ Mẫu, cũng đều có liên quan đến tín ngưỡng thờ Phật. Người xưa từng nói: Đất của Vua, Chùa của làng, phong cảnh Bụt cho thấy sự liên hệ và kết nối tâm linh trong đời sống xã hội bao đời. Đặc biệt chính người Thái Nguyên luôn truyền nhau câu  ca :

                                  Cho tôi lập Miếu thờ Vua

                            Xây Lăng thờ mẹ xây Chùa thờ Cha.

                                Từ tâm nguyện cao đẹp đó đã tạo lập nên truyền thống lịch sử gắn liền với nhau như môi với răng giữa dân tộc và đạo Phật qua hình ảnh ngôi chùa, dù là ngôi chùa làng nằm ẩn sâu với bờ tre khòm trúc bên làng, vẫn luôn đồng hành với từng số phận con người trải quan bao năm tháng. Từ đó, mối liên hệ tương quan lẫn nhau được nhân đôi lớn hơn đối với đất nước, đạo Phật vẫn luôn đồng hành, sẻ chia số phận hưng vong theo dòng sử xanh. Nhà thơ Huyền Không quả rất đúng khi viết rằng :

                                Mái Chùa che chở hồn dân tộc

                               Nếp sống muôn đời của Tổ Tông.

                               Những khi đất nước lâm nguy trước họa ngoại xâm, mái Chùa, ngôi Đình tại Thái Nguyên vẫn luôn đóng vai trò là một điểm tựa quan trọng. Trong các di tích lịch sử, từng mái Chùa nơi đây đều có ít nhiều công trạng gắn liền với các nhân vật yêu nước qua nhiều thời kỳ. Đó là các ngôi chùa Đông Cao ( còn gọi là chùa Cao), Chùa Thiêng Thác Vàng ( Hồ Núi cốc), Chùa Phù Liễn ( Phù Chân Thiền Tự) Tổng Túc Duyên, huyện Đồng Hỷ, nay là phường Hoàng Văn Thụ, Thanh phố Thái Nguyên, Chùa Cầu Muối ( Linh Sơn Tự) xã Tân Thành , huyện Phú Bình, Chùa Cải Đan, phường Cải Đan, Thị xã Sông Cầu. Chùa Úc Sơn Thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình, Chùa Huống, Xã Huống Thượng, TP.Thái Nguyên, Chùa Trúc Lâm Tây Trúc xã Quân Chu, huyện Đại Từ, Chùa Hang (Kim Sơn Tự ) Chùa có từ thời Lý thế kỷ XI do Nguyên Phi Ỷ Lan lập, ban đầu có tên “Tiên Lữ Phật Động”, Sách Đại Nam Nhất Thống Chí có chi chép về ngôi Chùa này.v…v….

                                 Thái Nguyên, vùng đất có nhiều ngôi chùa cổ gắn liền với vùng miền đặc trưng. Vùng núi đá có khá nhiều hang động, nhân dân thầy hang động đẹp làm chùa, phổ biến ở các Huyện Đồng Hỷ (Chùa Hang, Động Linh Sơn, Hang Leo, Hang Chùa); Ở Định hóa ( Chùa Hang, Hang Dơi); Ở Đại Từ (Động Núi Võ, Núi Văn, Hang Nung); Ở Phú Lương (Hang Dơi, Hang Na thỏi, Hang Thủng ), Ở Võ Nhai ( Hang Nghè Yên, Hang Ốc, Hang Nà Lạng )…Huyện Phú Bình, Thị xã Phổ Yên, Thành phố Sông Công, các làng quê lại có đặc trưng “Ngôi chùa cột Đá; trong đó Cây Hương Đá, một loại hình “bia đá “ đặc trưng chỉ có ở Thái Nguyên và hoàn toàn chỉ có mặt trong các Ngôi Chùa. Theo tài liệu sưu tầm và nghiên cứu của Phòng Quản Lý Di Sản Văn Hóa thuộc Sở VH, TT & Du Lịch Thái Nguyên, cây Hương Đá trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cho thấy, loại hình Cây Hương Đá được lập nở rộ nhất vào thời Lê Trung Hưng, tiêu biểu là giai đoan niên hiệu Chính Hòa ( 1680-1705). Tiếp theo đó là vào nửa đầu thế kỷ XVIII, với các niên hiệu như Vĩnh Thịnh ( 1705-1720); Bảo Thái ( 1720-1729); Vĩnh Khánh ( 1729-1732); Vĩnh Hựu ( 1735- 1740) và một sốt ít được lập vào thời Nhà Nguyễn.

                                 Trong số 24 Cây Hương Đá Phòng Quản Lý Di Sản Văn Hòa sưu tập và thống kê được, có 6 Cây Hương Đá không có nội dung khắc ở các Chùa :

                     Chùa Làng Vai (Ma Né) Xã Thượng Đình, huyện Phú Bình - Chùa Sơn Dược- Xã bình thuận, Huyện Đại Từ - Chùa Bàn Đạt – Xã Bàn Đạt, huyện Phú Bình - Chùa Triều Dương, xã Nha Lộng, Huyện Phú Bình - Chùa Sơn Dược, Xã Bình Thuận, Huyện Đại Từ - Chùa Làng Cang,Thị trấn Hương Sơn. Huyện Phú Bình.

                     Dưới đây là các Chùa có Cây Hương Đá có khắc nội dung: Chùa Sam, X. Dương Thành, H. Phú Bình; Chùa Mai Sơn, X. Kha Sơn, H. Phổ Yên; Chùa Long Sào, Thị trấn Hương Sơn, H.Phú Bình; Chùa Úc Sơn, ThịTrấn Hương Sơn, H. Phú Bình; Chùa An Châu, X.Nga My, H.Phú Bình; Chùa Xuân La, X. Xuân phương, H, Phú Bình; Chùa Túc Duyên, X. Úc Kỳ, H.Phú Bình; Chùa Cầu Muối, X.Tân Thành, H.Phú Bình; Chùa Đại Lễ, X.Bảo Kỳ, H.Phú Bình; Chùa Cao Bàng, X.Tân Kim, H. Phú Bình; Chùa Quan Tràng, X.Thượng Đình, H. Phú Bình; Chùa Làng Cả, X. Tân Khánh, H.Phú Bình; Chùa Phố Hương, X. Bàn Đạt, H.Phú Bình; Chùa Làng Lau, P. Cam Giá, H.Phú Bình; Chùa Phú Mỹ, X.Lương Phú, H. Phú Bình; Chùa Làng Cả, X. Kha Sơn, H.Đồng Hỷ; Chùa Làng Tràng, X.Tân Lợi, H.Đồng Hỷ; Chùa Phao Thanh, X.Thanh Ninh, H.Phú Bình.

                                 Nội dung được khắc trên các Cây Hương Đá rất ngắn gọn chỉ một đôi dòng, ghi kỷ niệm ngày xây ngôi chùa, ngày hưng công hoặc sửa chửa. Hoặc có nơi ghi cả một câu thượng chúc thể hiện tấm lòng mộ đạo như Thiên khai lộ thượng tác phúc vi thiên đạo Phật lâm chung…”  Chúng ta cũng có thể hiểu là loại bia đá bằng hình thức một cây cột đá, có chiều cao từ 1m2 đến 1m5, được chia nhiều cạnh tứ giác hoặc lục giác, mỗi cạnh từ 20 đến 30 cm. tên thường gọi Cây Hương Đá thời trước là “Thiện Đài Thạch trụ”  hoặc “ Thiên Đài Nhất Trụ”.

                                Cũng theo tài liệu nghiên cứu, sưu tầm của Phòng Quản Lý Di Sản Văn Hóa mới nhất (năm 2021), trong 24 Cây Hương Đá có 21 Cây thuộc thời Lê, 2 Cây thời nhà Nguyễn và 1 Cây chưa rõ niên hiệu. Cây có niên hiệu sớm nhất được lập vào năm Chính Hòa thứ 23 (1702) thời nhà Lê. Trong đó, niên hiệu Chính Hòa có 3 Cây (1702-1705), Niên hiệu Vĩnh Thịnh có 6 Cây ( 1732 – 1738), Niên hiệu Bảo Thái có 6 Cây (1722 – 1728), Niên hiệu Vĩnh Khánh có 2 Cây ( 1732- 1738), Niên hiệu Minh Mạng thứ 21 có 1 Cây và Tự Đức có 1 Cây. Có một Cây Hương Đá tại Chùa Cơ Phi ( Long Sào Tự) thuộc xã Vạn Thái, Thị xã Phổ Yên, văn bản khắc trên Cây Hưng cho biết lập vào niên hiệu Chính Hòa Ất Hợi ( 1705) nhưng diềm cạnh của cây Hương lại ghi khắc lại văn bản vào năm Thành Thái Thứ 4 Thành Thái Tứ Niên Tam Nguyệt Trung Luu Trung Tu”.

                                 Đó là chưa nhắc đến một ngôi chùa khác được xây dựng vào năm Nhâm Dần (1722) cũng được sách Đại Nam Nhất thống Chí nhắc đến. Đó là Chùa Cao Báng, ở xã Tân Kim, huyện Phú Bình, Chùa do người dân phát hiện vào năm 1990 với cây hương đá còn sót lại trên nền gạch hoang tàn đổ nát. Còn có khu di tích đền thờ Lý Nam Đế với quần thể Đền Mục, Chùa Hương Ấp, Chùa Mãn Tăng thuộc xã Tiên Phong, thị xã Phổ Yên.

                                 Qua một vài sự kiện được trình bày như trên, cũng đù để chúng ta nhận ra tư tưởng và ảnh hưởng của Phật giáo đối với vùng đất Thái Nguyên này sâu đậm như thế nào. Đó chính là dấu ấn đóng xuống lịch sử hình thành và phát triển của Thái Nguyện một cách rõ nét nhất và cũng đầy tự hào nhất. Vì vậy, tấm lòng của người dân bao đòi thấm nhuần tư tưởng Phật giáo, ít nhất cũng qua lối sống thường ngày, qua các ngôn từ giao tiếp, rõ ràng nhất là niềm tin Nhân Quả hay “Thưởng Thiện Phạt Ác” bàng bạc đó đây trong ca dao, tục ngữ, trong các lời ru ngay từ lúc còn nằm nôi. Điều này dễ thấy nhất qua bài thơ Quê Tôi của Nguyễn Bính ( 1918 – 1966):

                                 Quê tôi có gió bốn mùa

                                 Có trăng giữa tháng, có chùa quanh năm

                                 Chuông hôm gió sớm trăng rằm

                                 Chỉ thanh đạm thế, âm thầm thế thôi…

                                  Để rồi trước những cuộc phân ly, niềm lo sợ lớn nhất vẫn là chuyện phải xa rời quê hương bản sở, nơi mình sinh ra và lớn lên với biết bao kỷ niệm êm đềm, cho nên nhà thơ không giấu nỗi loa buồn của mình khi buộc phải chấp nhận cuộc ly hương:

                                   Mai này tôi bỏ quê tôi

                                   Bỏ trăng, bỏ gió, chao ôi bỏ Chùa…

  

                                   3-Những Điều cần quan tâm & nhìn nhận

                                   Đọc lịch sử Tỉnh Thái Nguyên, từng trải qua các gai đoạn : 1- Thời Tiền Sử, Thời kỳ hình thành nhà nước và Bắc Thuộc, 2-Thời nhà Đinh – Tiền Lê- Lý- Trần, 3- Thời Lê Sơ, Thời nhà Nguyễn, 4- Thời thuộc Pháp. Cho đến Khởi Nghĩa Thái NguyênGiai đoạn 1954 – 1965, rồi Sau khi tái lập tỉnh 1997 đến nay. Sự hình thành và phát triển với rất nhiều biến động như vậy, người dân Thái Nguyên vẫn tự định hình và giữ vẹn bản sắc cũng như lối sống  bao đời cho mình. Trên những thành tựu chung xưa nay của vùng đất này, từng bước củng cố và phát triển thêm lòng tự hào để làm bài học  đáng giá cho các thế hệ mai sau.

                                     Thế nhưng, hình bóng phát triển của Phật giáo dường như chỉ dừng lại  ở các di tích, các lễ hội dân gian truyền thống. Tìm hiểu những điều trên qua các tài liệu có được, đặc biệt Wikipedia tiếng Việt, phần Tôn Giáo của Thái Nguyên khiến chúng ta không khỏi suy tư pha lẫn một chút lo lắng. Xin trích nguyên văn như sau : « Cũng giống như phần lớn các tỉnh khác tại Miền Bắc Việt nam, Thái Nguyên có đại đa số cư dân « không theo tôn giáo ».Theo thống kê năm 2019, số người theo tôn giáo tại tỉnh Thái Nguyên là 48.299 người, tức chiếm 5,58% tổng dân số của tỉnh. Hiện nay, Thái Nguyên có khoảng 100 chùa, gần 50 đền và khoảng 100 đình. Đạo Tin Lành ở Thái Nguyên có từ na9m 1963 và tứ năm 1990 trở lại đây, tôn giáo này tiếp tục phát triển, tập trung chủ yếu vào người Mông, Dao. Thái Nguyên có 4 xứ đạo Công Giáo hoạt động là : Thái Nguyên, Tân Cương, Nhã Lộng( Phú Bình) và Yên Huy ( Đại Từ), tất cả các hoạt động Công giáo ở Thái Nguyên đều do Tòa giám mục Giáo phận Bắc Ninh chỉ đạo ».

                                      Con số tín đồ các tôn giáo được thống kê cụ thể như sau : Công giáo (34.267 người, Tỷ lệ 1,885%),Tin Lành (7.781, Tỷ lệ 0,605%), Phật giáo (3.220, Tỷ lệ 0,25%), Hồi giáo ( 10 người), Minh Lý Đạo ( 7 người), Minh Sư Đạo( 6 người), Phật giáo Hòa Hảo ( 1 người), Baha’i (1 người). Như vậy ở Thái Nguyên, Phật giáo có số tín đồ đứng hàng thứ ba sau Công giáo và Tin lành ? Không rõ người ta tính con số tín đồ Phật giáo dựa vào căn cứ nào khi mà tôn giáo này vốn  xưa nay không  phải là một tôn giáo ở nghĩa là một tổ chức có  quản lý, có giáo quyền song hành thế tục và quan trọng không  phải là một tôn giáo  đặt trọng tâm thu phục tín đồ bằng mọi cách ? Từ trước đến nay, riêng vấn đề thống kê tín đồ Phật giáo vẫn còn sự lấn cấn, mập mờ dựa vào chủ quan  duy ý chí theo con số mình đưa ra. Trên bình diện thực tế,  ở đâu ra các lễ hội Đình, Đền, Chùa đã diễn ra và tồn tại hàng trăm, hàng ngàn năm nay ? Gọi là «  đạo thờ cúng Tổ Tiên », hay « Đạo thờ Ông Bà » thậm chí « không theo tôn giáo nào » …Thục chất  tất cả đều nằm trong  tín ngưỡng Phật giáo. Trong mỗi ngôi chùa đều có  gian thờ mẫu, trong mỗi gia đình đều có bàn thờ Ông Bà Tổ Tiên, v…v… Do đó các Đình, Đền vẫn có mối liên hệ rất mật thiết với các Chùa. Bởi   dù có cho rằng mình không theo tôn giáo hay các « Đạo’ này thì khi hữu sự,  hoặc lễ nghi trong đời sống, ai cũng tìm đến  Phật giáo !Vậy thì  « Đạo thờ Ông Bà », Đạo thờ cúng Tổ Tiên » hay  Thờ Mẫu…những «  Đạo » này vẫn là tín đồ của Phật giáo. Các tôn giáo khác không bao giờ  tự xưng  như thế. Phải chăng vì thế nên trong bản thống kê tín đồ các tôn giáo không bao giờ thấy có mục những « Đạo » này ?

                             Tóm lại, Phật giáo là một thực thể sống hiện hựu trong cộng đồng  bằng giá trị, nến tảng hơn hai ngàn năm truyền thừa trên đất nước này, đã trở thành một bộ phận văn hóa của dân tộc. Cố tìm con số để biến thành thống kê số lượng tín đồ, khác nào cũng là đo lường số lượng niềm tin đối với Phật giáo, là một cách làm không hợp lý; hạ thấp giá trị và làm mất  đi sự tôn trọng Phật giáo.

                             4-Trách nhiệm của Phật giáo Thái Nguyên

                             Phật giáo thời nào, lúc nào cũng luôn đồng hành cúng dân tộc, từng nếm trải đắng cay, ngọt bùi chia sẻ trên suốt chiều dài lịch sử đấu  tranh và giữ gìn đất nước. Ở Thái Nguyên cũng thế. Nhưng để đổ thừa cho hoàn cảnh chiến tranh hay khó khăn  nhiều mặt  mà quên đi trách nhiệm  quản lý và làm sống lại các thực thể, nền tảng Phật giáo nơi thì thấy chưa  đúng lắm. Lâu nay chúng ta vẫn để Phật giáo  tồn tại qua các lễ hội, các di tích được nhiều người quan tâm và cho đó chính là sức sống của Phật giáo. Thời gian này, phần nhiều các cơ sở thờ tự vẫn còn nằm trong khung quy định di tích lịch sử, được bảo vệ bởi luật  pháp hiện hành, các công trình xây mới không đáng kể, chứng tỏ các hoạt động Phật sự vẫn chưa được  nâng tầm đúng trách nhiệm cũng như quyền hạn.

                             Từ sau ngày thống nhất đất nước, ngày 07/11/1984, tại Hà Nội, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam được  hình thành. Tính đến cuối năm 2021 sẽ là Đại hội ĐBPGTQ lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022 - 2022. Do nhiều yếu tố khách quan, mãi đến năm 2009, Thái Nguyên mới tổ chức  được Đại hội  và thành lập GHPG tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ 2009 – 2012. Những ngày đầu PG tình Thái Nguyên được sự quan tâm đặc biệt và chi viện nhân sự từ Trung Ương GHPGVN, đã giúp các hoạt động Phật sự  bước đi từng bước vững chắc và xây dựng được nền móng cần thiết. Đến nhiệm kỳ 2012 – 2017, từng bước Phật giáo Thái Nguyên  đã được đứng vững trên nền tảng Hiến Chương của Giáo Hội PGVN. Và cho đến nhiệm kỳ 2017 – 2022 nhiều tầng lớp Tăng Ni  Phật giáo Thái Nguyên đã trưởng thành, có thể tự đàm đương  nhiều trọng trách Phật sự tỉnh nhà  bên cạnh các công tác thiện nguyện xã hội, hổ trợ  đắc lực với các cơ quan,  đoàn thể của tỉnh nhà.

                               Tăng Ni và Phật tử cùng với những người con của Thái Nguyên rất kỳ vọng vào viễn cảnh tươi sáng tiếp theo, hổ trợ tích cực  Nhà Nước trong việc quản lý các di tích Phật giáo, tự nhận trách nhiệm  bảo vệ các di tích  Phật giáo có bề dày lịch sử rất dầy để các thế hệ kế thừa không còn bở ngỡ xem Phật giáo là một tôn giáo xa lạ mà lẽ ra phải luôn được đứng ở vị trí ban đầu về mọi mặt. Một trong những trọng trách  quan trọng hàng đầu của Phật giáo Thái Nguyên, bên cạnh  những danh nhân, anh hùng dân tộc, các chiến sĩ yêu nước là làm sáng tỏ thêm  các bậc  tôn túc tiền bối, đã có công khai sơn hay kế thế trụ trì các ngôi chùa thuộc hạng di tích xưa nay ở khắp các huyện thị trong tỉnh Thái Nguyên. Có như vậy, gánh nặng trách nhiệm của các cơ quan  hữu quan Nhà Nước sẽ được giảm nhẹ đi rất nhiều vì đã có bên cạnh mình một Giáo Hội Phật Giáo tỉnh Thái Nguyên năng động, đù tâm đủ tầm chia sớt trách nhiệm Hộ Quốc An Dân mà chư Tổ Sư xưa từng truyền dạy.

 

                                                                        Dương Kinh Thành

                                                      ( Trung Tâm Nghiên Cứu Phật Giáo Việt Nam )      

__________________________________________________________                       

 Các tư liệu tham khảo và trích dẫn :   

-       Wikipedia Tiếng Việt ( Bách Khoa Toàn thư).

-       Bảo tàng Lịch sử Quốc Gia. 

-       Nguyễn Đình Hưng-Phòng quản lý di sản văn hóa, Sở VHTT,TT&DL Thái Nguyên. 

-       Cổng Du Lịch thái Nguyên.

-       Cổng TT Điện Tử Huyện Đại Từ.

-       Báo Thái Nguyên News.Vn.

-       Cội nguồn dân tộc – Liên Xã 1950.

-       Tủ sách gia đình.

-       Và các trang mạng Phật giáo.                        

                                 

                                

                                

                              

                 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
17/06/2013(Xem: 1245)
38 Phố Hàng Ðường, Quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội
17/06/2013(Xem: 1303)
Thôn Ngọc Trúc, Xã ÐạI Mỗ, H. Từ Liêm, TP. Hà Nội
17/06/2013(Xem: 1381)
Xã Phú Thị, H. Gia Lâm, TP. Hà Nội
17/06/2013(Xem: 1345)
Thôn Giáp Lục, P. Tân Mai, Q. Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội
17/06/2013(Xem: 1335)
Xã Quảng An, H. Từ Liêm, TP. Hà Nội
17/06/2013(Xem: 1585)
Phố Chùa Một Cột, Quận Ba Ðình, TP. Hà Nội
17/06/2013(Xem: 1515)
Làng Tiên Lãng, H. Từ Liên, TP. Hà Nội
17/06/2013(Xem: 1552)
thôn Thượng Phúc, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội
17/06/2013(Xem: 1656)
một ngôi chùa nổi tiếng nhưng nay không còn nữa)
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567