1: Vesak Là Gì?
Vesak là tiếng Sinhalese của người dân đảo quốc Sri Lanka (Tích Lan), tiếng Pali là Vesakha, tiếng Phạn (Sanskrit) là Vaisakha, là tháng theo lịch Ấn Độ. Đó cũng là tháng đầu trong năm của lịch nước Nepal. Trong lịch quốc gia Ấn Độ, Vaisakha là tháng thứ 2 của năm, bắt đầu từ ngày 21 tháng 4 đến ngày 20 tháng 5. Theo lịch Ấn Độ, Vaisakha bắt đầu vào giữa tháng 4 được dùng tại Vịnh Bangal, nước Nepal, và lãnh thổ Punjab. Tại Vùng Tamil Nadu, Vaisakha được biết dưới tên Vaikasi và chỉ cho tháng thứ 2 của lịch Tamil. Theo lịch Ấn Độ, Vaisakha bắt đầu với mùa trăng non vào tháng 4 và là tháng thứ 2 của năm âm lịch. Lễ ăn mừng mùa màn được tổ chức trong tháng này.
Vaisakha Purnima (Purnima là ngày trăng tròn) hay còn gọi là Buddha Purnima, là ngày lễ kỷ niệm đức Phật đản sinh theo Phật Giáo Nam Truyền. Theo lịch của Phật Giáo Nam Truyền Vesak là ngày trăng tròn của tháng 5.
Đại lễ Vesak, mà truyền thống Phật Giáo Việt Nam thường gọi là Đại Lễ Phật Đản, được gọi theo nhiều tên khác nhau tùy theo ngôn ngữ của mỗi quốc gia, như ta hiểu để biết thêm các tiếng trên thế giới.
- Bangladesh gọi là: Bud-dho Purnyima hay Bud-dho Joyonti;
- Cambodia gọi là: Vesak Bochea;
- Trung Quốc gọi là: Fó Dàn (佛誕) hay Fāt Dàahn (Phật Đản);
- Nepal gọi là: Buddha Purnima hay Buddha Jayanti;
- Indonesia gọi là: Waisak;
- Nhật Bản gọi là: Hanamatsuri (花祭) (Hoa Tế);
- Đại Hàn gọi là: Seokka Tanshin-il (석가 탄신일, 釋迦誕身日) (Thích Ca Đản Thân Nhật);
- Lào gọi là: Vixakha Bouxa;
- Mã Lai Á gọi là: Hari Wesak;
- Miến Điện gọi là: Kason Full Moon Day;
- Tích Lan gọi là: Wesak;
- Thái Lan gọi là: Wisakha Bucha hay Visakah Puja (วิสาขบูชา);
- Tây Tạng gọi là: Saga Dawa (*ས་ག་ཟླ་བ།);
- Việt Nam gọi là: Phật Đản.
Trích nguồn: Theo Hòa Thượng Thích Thiện Hoa trong Phật Học Phổ Thông Khóa Thứ Nhất, bài thứ 2 về Lược Sử Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, thì ý nghĩa chữ đản sinh được giải thích như sau: “Thường trong danh từ nhà Phật, khi nói đến sự hiện diện của đức Phật Thích Ca trong cõi đời này, người ta thường dùng chữ đản sanh (nghĩa là một sự ra đời vui vẻ, làm hân hoan, xán lạn cho cõi đời); hay thị hiện (nghĩa là hiện ra bằng xương bằng thịt, cho con mắt trần của chúng ta thấy được); hay giáng sanh (nghĩa là từ một chỗ cao mà xuống một chỗ thấp để sanh ra).
Tháng 12 năm 1999, Đại hội đồng đã biểu quyết chính thức công nhận: Phật giáo là tôn giáo điển hình và Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, vị Giáo chủ của Phật giáo là nhân vật tiêu biểu, bởi phương châm “Hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển” của Liên hợp quốc (LHQ) ngày nay trùng với tư tưởng của Đức Phật từ xưa. Đại hội đồng LHQ đã quyết nghị: LHQ sẽ tổ chức Đại lễ Vesak vào thời gian tương đương với ngày trăng tròn tháng 5 dương lịch hàng năm.
Năm 2001, Đại lễ Vesak được kỷ niệm lần đầu tiên tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ). Kể từ đó đến nay Đại lễ Vesak đã được tổ chức nhiều năm liền ở trụ sở Liên hợp quốc và ở các nước có Phật giáo đăng cai.
2: Tam Hợp:
Lễ Vesak, còn gọi là lễ Tam hợp Đức Phật, tức là 3 sự kiện quan trọng gắn liền cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni:
- Phật đản (ngày sinh của Đức Phật),
- Phật thành đạo (Đức Phật tu hành đắc đạo)
- Phật Niết- bàn (ngày Đức Phật qua đời).