Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

19. Hạt Giống Hy Hữu

05/11/201321:22(Xem: 27031)
19. Hạt Giống Hy Hữu
mot_cuoc_doi_bia_3


Hạt Giống Hy Hữu





Rời Vesāli, đức Phật và đại chúng ghé thăm Videha, Moriya sau đó qua Malla. Đâu đâu cũng được chư tăng và hai hàng cận sự nam nữ tiếp đón, cúng dường. Đức Phật chỉ định các vị thượng thủ A-la-hán thay nhau thuyết pháp. Mọi sinh hoạt tu tập, chùa viện, liêu xá ở những xứ sở này đang từng bước đi vào ổn định.

Hôm ấy, do tiết trời nắng nóng, đức Phật và đại chúng dừng chân tại khu rừng Ampiyamba, gần thành Anupiya trước khi lên đường đến Koliyā thì có một cậu bé trai tìm đến. Nó cứ đưa đôi mắt trong sáng, ngây thơ nhìn đức Phật rồi luẩn quẩn loanh quanh bên các vị trưởng lão chứ không chịu rời đi. Nhìn khuôn mặt sáng sủa, thuần hậu của cậu bé, tôn giả Sāriputta đưa mắt thiện cảm, ân cần hỏi chuyện. Biết cậu bé có thiện cảm đặc biệt khi nhìn tướng hảo của đức Phật, phát tâm trong sạch muốn xuất gia, tôn giả Sāriputta bảo là phải xin phép gia đình đã.

Cậu bé hớn hở vụt chạy đi, lát sau, dẫn một bà già đến trông còn quắc thước với sắc phục, dáng dấp có vẻ dòng dõi quý phái rồi rành rõi giới thiệu:

- Đây là bà ngoại cháu, bà ngoại cháu rất vui mừng khi thấy cháu được đi theo quý ngài.

Bà già sụp lạy đức Phật và chư vị trưởng lão rồi với nước mắt nước mũi kể lại rằng:

- Tội quá quý ngài ơi! Nó là dòng dõi hoàng tộc xứ Malla đấy. Khi còn trong thai bào, thì mẹ nó, tức là con gái cưng của già đây bị chết vì bạo bệnh. Khi đem hỏa thiêu, do sức nóng của lửa làm cho cái bụng người chết nứt ra làm hai. Không biết căn do kỳ lạ nào mà cái bọc thai lại vọt ra, rơi vào một bụi cây, nằm vắt vẻo giữa mấy cành cây, an bình như một phép lạ. Nên được đặt tên là Dabba. Thấy cháu lại tưởng đến con gái, già xin bên nội cho già được nuôi dưỡng. Bây giờ nó đây, ngoan ngoãn và dễ dạy, thông minh và hiếu thuận. Không có điều gì đáng chê ở nơi tính hạnh của nó cả. Ai cũng thương. Bây giờ nó cứ nằng nặc được xuất gia đi theo quý ngài, già mừng như được chết đi mà sống lại. Thế gian này trăm ngàn sự khổ, ai đi tu được như quý ngài, già cũng mừng...

Bà lão sụt sùi lau nước mắt. Tôn giả đưa tay chỉ đức Phật:

- Đây là đức Thế Tôn! Cậu bé sẽ được nương tựa trong hào quang của đức Tôn Sư vô thượng...

Bà già lại sụp lạy. Lại nói huyên thuyên:

- Già nghe rồi, già biết rồi. Ai không nghe câu chuyện một vị thái tử cao sang kinh thành Kapilavatthu bỏ vương vị, vợ đẹp con xinh để đi xuất gia tầm đạo thì kẻ đó không có tai. Ai không biết vị ấy sáu năm nằm gai nếm mật, khổ hạnh vô thượng, sau đó tìm tới cội bồ-đề, chỉ tịnh và quán minh mới đắc quả Chánh Đẳng Giác thì kẻ ấy không có óc! Hãy cho cháu được xuất gia ngay bây giờ đi, bạch đức Thế Tôn!

Đức Phật mỉm cười:

- Cái hạt giống quý đấy, này Sāriputta! Ông hãy đích thân làm lễ xuất gia sa-di cho Dubba-Mallaputta!

Không biết duyên lành thế nào mà trong hội chúng lại có vị có thừa y bát. Thế là cậu bé được làm lễ xuất gia.

Tôn giả Sāriputta đích thân dẫn Dubba ra bờ suối để cạo tóc. Do túc duyên ba-la-mật sẵn có, khi đường dao cạo thứ nhất vừa lướt qua làn da đầu, Dubba chứng quả Tu-đà-hoàn. Khi đường dao cạo thứ hai vừa kéo theo một chùm tóc, Dubba đắc quả Tư-đà-hàm. Thế rồi, đường dao thứ ba, Dubba đắc quả A-na-hàm. Đường dao thứ tư vừa xong thì Dubba thành tựu rốt ráo cứu cánh sa-môn hạnh, đắc quả A-la-hán luôn cả các thắng minh.

Khi tôn giả dẫn Dubba đến trình diện đức Phật, ngài nói:

- Này, Sāriputta! Chú bé này đã là “con trai” của Như Lai, vậy ông hãy cho thọ luôn cụ túc giới! Đây là trường hợp đặc biệt trong giáo hội của Như Lai.

Nghe đức Phật tuyên bố như vậy, các vị có Tam minh chỉ mỉm cười nhưng một số phàm Tăng thì bàn tán xôn xao:

- Kỳ diệu làm sao, chú bé qua bốn đường dao đã đắc quả A-la-hán rồi?

- Đức Tôn Sư vừa gọi là “Con trai” đó!

- Bảy tuổi lại được thọ đại giới sao?

Sau khi Dabba-Mallaputta trở thành tỳ-khưu trẻ nhất của giáo hội, nhìn tăng tướng đẹp đẽ như một ngoan đồng cõi trời, ai cũng trầm trồ, tấm tắc nhìn ngắm. Bà ngoại của cậu cũng thảng thốt nhìn sững.

Đức Phật chợt nói:

- Này Moggallāna! Ông hãy kể chuyện nhân duyên quá khứ của Dubba-Mallaputta cho cả hội chúng được nghe để họ khỏi thắc mắc và hoài nghi.

Rồi lớp mù sương quá khứ, sau đó đã được vị Đệ nhất thắng trí vén mở, như sau:

“- Vào thời đức Thế Tôn Padumuttara, Dabba sinh ra trong một gia đình trưởng giả hữu danh tại kinh đô Haṃsavatī. Ông thường đến chùa để nghe pháp. Hôm đó, đức Phật tán thán, khen ngợi một vị tỳ-khưu đã quán xuyến, giỏi giang về việc sắp đặt chỗ ăn ở cho mấy chục ngàn vị tỳ khưu mà đâu đó đều đàng hoàng, tươm tất. Đức Phật đã phong tặng phương danh vị tỳ-khưu ấy là “Đệ nhất về hạnh tri xứ”!

Dabba nghe vậy, thỏa thích, hoan hỷ quá, ông nỗ lực cúng dường lớn, làm các công đức phục vụ Tam Bảo không mệt mỏi rồi quỳ xin đức Phật Padumuttara chứng minh cho ông, trong một kiếp vị lai nào đó, được xuất gia với một vị Phật và sẽ thành tựu sở nguyện công hạnh giống như vị tỳ-khưu “Đệ nhất về tri xứ ” kia. Đức Phật thọ ký cho ông.

Sau nhiều trăm ngàn năm được luân chuyển thọ hưởng phước báu trời và người, đến thời đức Thế Tôn Kassapa, ông được xuất gia và tu tập cùng với sáu vị tỳ-khưu bạn hữu ở trong một hang núi. Khi đức Phật nhập diệt rồi mà cả bảy vị đều chưa chứng được gì cả. Và tình trạng sinh hoạt và tu tập của giáo đoàn cũng không còn nền nếp, nghiêm túc như xưa. Hôm kia, họ họp bàn, thảo luận:

- Đã có triệu chứng giáo pháp suy đồi, chúng ta phải làm sao? Sống chung với những tỳ-khưu thiếu niệm và thiếu tinh cần, chúng ta sẽ thối thất mất.

- Khi một vị Phật ra đi, một lúc nào đó, trên cõi châu Diêm-phù-đề này sẽ có dấu hiệu phong thịnh, hỏa thịnh, thủy thịnh hay địa thịnh sẽ tạo nên những biến cố bất toàn cho chúng ta.

Sau khi đi đến nhất trí, họ làm một cái thang cao, cùng leo lên một ngọn núi đá có vách dựng đứng; rồi thốt lời đại nguyện rằng:

- Nếu chưa chứng quả, chúng tôi không rời đỉnh núi này, thà thịt nát xương tan, thà tử thần cướp đi mạng sống! Đây là lời hứa thiêng liêng!

Rồi họ xô ngã cái thang.

Thế rồi, chỉ mới ngày thứ năm, một vị tỳ-khưu đã làm xong phận sự của mình, tức là việc cần làm đã làm xong. Lặng lẽ, vị ấy ôm bát sang Bắc Cu-lu-châu khất thực, trở về nói với các bạn rằng:

- Hãy thọ dụng vật thực, các bạn! Việc lớn tôi đã làm xong rồi, bây giờ, việc đi khất thực hằng ngày hãy để dành cho tôi.

Tuy nhiên, cả sáu vị thà nhịn đói chứ không chịu thọ dụng. Họ nói:

- Khi xô cái thang xuống, chúng ta không hề nói rằng: “Là vị nào đắc Tam minh trước, vị ấy phải có bổn phận đi khất thực để hộ độ cho những vị còn lại chưa đắc!” Vì chưa giao ước như thế nên chúng tôi không dám dùng, thà chết cũng không thể dùng được!

Một vị nói:

- Rất cảm ơn lòng tốt của ngài! Tuy nhiên, ngài đắc Tam minh là do duyên phước ba-la-mật đầy đủ. Còn chúng tôi, nếu căn duyên còn thiếu thì thà chịu đau khổ do đói, khát cũng rèn luyện thêm được ý chí, nghị lực và tinh cần cho mình, cũng là cách bổ túc ba-la-mật vậy.

Thấy không khuyên can được ý chí bất thối của họ, vị A-la-hán đành nói lời phúc chúc rồi quăng bát ra giữa hư không, du hành sang phương khác.

Đến ngày thứ bảy, một vị nữa đắc quả A-na-hàm; nhưng do đói và khát, chấm dứt thọ hành, vị ấy trú thánh định rồi hóa sanh vào cõi Ngũ tịnh cư thiên, Niết-bàn luôn ở đấy, không trở lại nhân gian nữa. Năm vị còn lại, không đắc được gì cả, lần lượt ra đi do đói và khát. Nhưng nhờ tâm tinh cần bất thối chuyển ấy, cả năm vị đều được hưởng phước báu luân phiên cõi người và trời. Đến thời đức Phật Sākya của chúng ta, cả năm vị đều được thác sanh ở châu Diêm-phù-đề, nơi này và nơi khác, như sau:

- Một vị sanh vào hoàng tộc, kinh thành Takkasilā, quốc độ Gandhāra có tên là Pukkusāti. Một vị sanh vào thai bào nữ du sĩ xứ Majjhantikā có tên là Sabhiya. Một vị sanh vào gia tộc của vị trưởng giả xứ Bāhiya có tên là Bāhiya. Một vị sanh vào thai bào của vị tỳ-khưu-ni có tên là Kumārakassapa. Còn Dabba tái sanh trong dòng hoàng tộc tại thành Anupiya xứ Malla! Thế là cả năm vị tỳ-khưu thuở xưa tu hành tinh cần quá mức cho đến chết, sẽ cùng lần lượt kẻ trước người sau tao ngộ trong giáo pháp đức Tôn Sư của chúng ta!”

Chuyện kể xong, đại chúng thở phào. Hóa ra cậu bé này có căn cơ sâu dày đến vậy. Nếu cơ duyên tròn đủ, cậu ta đã đắc quả A-la-hán với thời gian cách đây cả một vị Phật, chứ đâu phải tầm thường!

Tỳ-khưu Dabba-Mallaputta bây giờ đã lấy lại tư cách, tác phong, sự chững chạc, đĩnh đạc của một trưởng lão thánh Tăng, quán nhân duyên sau trước, rồi quỳ thưa:

- Bạch đức Thế Tôn! Hãy cho đệ tử về Trúc Lâm tịnh xá để tập sự công việc đúng như lời nguyện thuở trước khi quỳ bên chân đức Chánh Đẳng Giác Padumuttara!

Đức Phật mỉm cười:

- Ừ, đúng vậy, con trai!

Bà ngoại của Dabba đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Chưa thôi, đức Phật còn bảo:

- Con trai hãy quăng bát qua hư không rồi vận thần thông lực trở về Jetavana trình diện các vị trưởng lão ở đấy, rồi xin được làm phận sự của mình cho xứng đáng với danh xưng của vị tỳ-khưu “Ưu thắng về tri xứ”!

Tỳ-khưu Dabba-Mallaputta vâng mệnh, đảnh lễ đức Phật và chư tăngi rất từ tốn và chậm rãi, xong, như cánh chim ưng vàng bay qua hư không, chỉ mấy sát-na sau là mất dạng. Đại chúng hoan hỷ, tán thán không hết lời.

Bà ngoại của chú bé thấy mình như đang sống trong truyện cổ tích. Vui mừng quá, tâm tịnh tín phát khởi, bà xin quy y, bắt đầu làm một cận sự nữ thuần thành trong giáo hội của đức Tôn Sư.




Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
13/01/2018(Xem: 7323)
Ý Nghĩa Danh Hiệu Của Chư Phật- Lê Tự Hỷ
09/01/2018(Xem: 3396)
Ở những ngày tháng cuối năm Quí Tỵ, trước và sau lễ Noel, không khí Miền Nam năm nay đã khá lạnh hơn những năm trước đây, riêng ở những vùng Cao nguyên Trung phần, nhứt là những tỉnh miền cao, vùng tuyến đầu đất nước, thậm chí có nơi tuyết đổ lên đến 2, 3 tấc!
15/12/2017(Xem: 121298)
Văn Hóa Phật Giáo, số 242, ngày 01-02-2016 (Xuân Bính Thân) Văn Hóa Phật Giáo, số 244, ngày 01-03-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 245, ngày 15-03-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 246, ngày 01-04-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 247, ngày 15-04-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 248, ngày 01-05-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 249, ngày 15-05-2016 (Phật Đản PL 2560) Văn Hóa Phật Giáo, số 250, ngày 01-06-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 251, ngày 15-06-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 252, ngày 01-07-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 253, ngày 15-07-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 254, ngày 01-08-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 255, ngày 15-08-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 256, ngày 01-09-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 257, ngày 15-09-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 258, ngày 01-10-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 259, ngày 15-10-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 260, ngày 01-11-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 261, ngày 15-11-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 262, ngày 01-12-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 263, ngày 15-12-2016
28/05/2017(Xem: 9293)
Giáo lý đạo Phật là gì? Giáo lý đạo Phật là phương tiện để điều trị thân bệnh và tâm bệnh, là dược liệu của sự chân thật giúp cho người bệnh hiểu rõ bản chất của sự thật, của chân tâm để đạt đến sự giác ngộ rốt ráo. Chúng sinh do tâm bệnh nên có thân bệnh phát tác và mãi trong chuỗi dài sinh tử luân hồi, con người phải trải qua bốn giai đoạn là sinh, già, bệnh, chết; là quy luật tất yếu của thế giới sinh – diệt, chúng sinh nào muốn liễu sinh thoát tử, phải điều trị bệnh bằng các bài thuốc mà đức Phật đã chỉ dạy.
22/05/2017(Xem: 49726)
Trong bước đầu học Phật, chúng tôi thường gặp nhiều trở ngại lớn về vấn đề danh từ. Vì trong kinh sách tiếng Việt thường dùng lẫn lộn các chữ Việt, chữ Hán Việt, chữ Pali, chữ Sanscrit, khi thì phiên âm, khi thì dịch nghĩa. Các nhân danh và địa danh không được đồng nhứt. Về thời gian, nơi chốn và nhiều câu chuyện trong sự tích đức Phật cũng có nhiều thuyết khác nhau làm cho người học Phật khó ghi nhận được diễn tiến cuộc đời đức Phật. Do đó chúng tôi có phát nguyện sẽ cố gắng đóng góp phần nào để giúp người học Phật có được một tài liệu đầy đủ, chính xác, đáng tin cậy, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ tra cứu khi cần.
13/02/2017(Xem: 5183)
Này Ananda, nếu có Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ni, cư sĩ nam hay cư sĩ nữ nào thành tựu Chánh pháp và Tùy pháp, sống chơn chánh trong Chánh pháp, hành trì đúng Chánh pháp, thời người ấy kính trọng, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường Như Lai với sự cúng dường tối thượng. (Đại Bát Niết Bàn – Trường Bộ Kinh)
05/01/2017(Xem: 9618)
Sao Mai từ góc trời lên Tử sinh đã dứt não phiền đã tan Mười phương thế giới hân hoan Mừng đấng Chánh Giác với ngàn lời ca. Mừng ngày Đức Phật thành đạo (8-12 âm lịch). Đây là hình ảnh rất thiêng liêng và cao quý đối với người Phật tử, vì đây là lúc thái tử Siddhartta Gautama đã tìm ra được đạo lớn sau 49 ngày thiền định miên mật dưới gốc cây Bồ Đề, và nhờ đó Phật giáo đã có mặt và tồn tại suốt 2600 năm qua, mang lại lợi ích cho vô lượng vô số chúng sinh.
01/10/2016(Xem: 7622)
Vào khoảng năm 1978, chùa chúng tôi xảy ra một biến cố làm cho tất cả mọi người có thêm kinh nghiệm về việc tái sinh và nghiệp báo. Nếu biến cố này xảy ra trước 1975 thì chắc những tờ nhật báo tha hồ khai thác để làm tiền thiên hạ, và chùa chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng không ít vì cảnh “dập dìu tài tử giai nhân” đua nhau tới chùa tìm hiểu sự vụ, hòng kiểm chứng những lời tường thuật của báo chí. Nhưng nhờ sự cố đã xảy ra vào một thời rất căng cho các chùa chiền, thêm nữa chùa chúng tôi ở nơi thật hẻo lánh trên núi thì ai biết được sự cố hy hữu đã xảy đến.
27/12/2015(Xem: 8964)
Lễ Vía Đức Phật A Di Đà 2015 tại TV Minh Quang Sydney, Úc Châu, Chủ Nhật 26-12-2015
02/06/2015(Xem: 12957)
Trước khi ôn lại Tiểu Sử Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, để người đọc nhận định dễ hơn về ngày tháng ghi trong tiểu sử của Ngài, chúng tôi xin nhắc lại là Đức Phật Thích Ca sanh vào năm 624 trước Tây Lịch. Ngài nhập Niết Bàn lúc 80 tuổi vào năm 544 trước Tây Lịch. Sáu trăm hai mươi bốn năm sau, Tây Phương mới bắt đầu chọn năm sinh của Đức Chúa Jesus Christ làm khởi điểm cho Dương lịch. Như vậy tính đến nay là năm 2015 thì Đức Phật đã ra đời được 2,639 năm và chiếu theo Phật lịch khởi đầu từ năm Đức Phật viên tịch (năm 544 trước TL) thì Ngài đã nhập Niết Bàn được 2,559 năm. Việt Nam và các quốc gia thuộc khu vực Đông Á như Nhật Bản, Trung Hoa, Triều Tiên ... từ xưa đều làm Lễ Phật Đản vào ngày mồng 8 tháng Tư Âm Lịch. Tên gọi tắt dành cho ngày Lễ Phật Đản là "Ngày mồng Tám tháng Tư" đã lưu truyền hằng bao thế kỷ, trở thành phong tục tập quán cổ truyền, ghi đậm vào tâm khảm của mọi người kể cả người theo hay không theo Phật giáo.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567