Bạn có nghĩ rằng ta là người vĩ đại và quan trọng? Dĩ nhiên, hầu hết chúng ta đều nghĩ thế, ít nhất ra là vào một thời điểm nào đó. Nhưng mà rất khó để ôm giữ cái cảm giác quan trọng đó nếu bạn chịu khó suy xét đến cái thế giới không gian huyền diệu mà con người lần đầu tiên vừa thăm dò đến. Ta hãy nhìn nó như thế này:
Bạn cân nặng khoảng từ 50 đến 100 kí, cao khoảng giữa 1 thước rưởi đến 1 thước 8, và ít khi rời nơi quê nhà của bạn xa hơn phạm vi 200 cây số. Người láng giềng gần nhất của bạn ở cách đó vài thước, hoặc giả vài dậm đường (1 dậm gần 2 cây số). Nhưng mà …
Địa cầu của chúng ta nặng cở độ "6 trillion billion tons" ("6 + 21 số 0 = 6,000,000,000,000,000,000,000" tấn).[1] Nó có đường kính 25 ngàn dậm Anh (gần 50 ngàn cây số) và xoay quanh trục quỹ đạo khoảng 58 tỉ (billion) dậm mỗi năm. Láng giềng gần nhất của nó là mặt trăng, cách xa nó cở khoảng 238 ngàn dậm.
Vâng, như thế đối với địa cầu, con người chúng ta chẳng có nghiã lý gì cả. Thế nhưng mà, chúng ta vẫn có một địa cầu rất lớn và rất quan trọng. Đúng không? Sai.
Nếu chúng ta lui ra khỏi nơi đây và đi vào trong không gian, để nhìn cho rõ quả địa cầu này và chị Hằng láng giềng của nó, chúng ta sẽ bị choáng váng ngay. Bởi vì, đến khi mà bạn lui đủ tầm xa để nhìn thấy quỹ đạo của Kim tinh (Venus) và Hỏa tinh (Mars), hai hành tinh gần nhất, thì địa cầu và mặt trăng đã bị lu mờ chỉ còn là hai cái chấm nhỏ mà thôi.
Thật ra, đến khi mà bạn lùi đủ xa để nhìn rõ hoàn toàn thái dương hệ của chúng ta, thì địa cầu, mặt trăng, sao Kim và sao Hỏa …, cũng sẽ chỉ là những bóng mờ trước ánh sáng chói lòa của mặt trời mà thôi. Đúng thế. Vậy là trái đất này chẳng lớn bao nhiêu. Nhưng mà thái dương hệ, và mặt trời – chúng rất lớn và quan trọng, đúng không? Lầm rồi bạn ơi.
Vì rằng, nếu bạn tiếp tục lui dần vào trong không gian, không lâu bạn sẽ thấy rằng mặt trời của chúng ta cũng chỉ là một thành viên trong cái gia đình khổng lồ gồm khoảng 200 tỉ[2] (billion) tinh tú nằm trong dãy Ngân hà (Milky Way) mà thôi. Một số các nhà vũ trụ học ức đoán rằng có thể có những hành tinh khác như quả đất nằm trong dãy Thiên hà (galaxy) của chúng ta – những hành tinh cũng có sự sống trên đó, và có thể chúng còn cao cấp hơn chúng ta nhiều.
Bây giờ thì chúng ta đi đến điểm mà cách thức đo đạc bằng dậm Anh (miles) hay cây số (km) trở thành quá nhỏ nhoi chẳng đáng kể gì hết : cũng giống như đo đường chim bay từ New York đến Los Angeles bằng tỉ lệ một phần ngàn của li (milimetre) mà thôi.
Cho nên các nhà thiên văn học mới dùng thuật ngữ "ánh sáng năm" (light year) để chỉ khoảng cách mà ánh sáng di chuyển trong một năm : gần 6 tỉ tỉ (trillion) dậm (= 5,865,696,000,000), để làm chuẩn đo đạc. Như chúng ta thường dùng một mét hay một dặm đó mà. Thiên hà của chúng ta, tức dãy Ngân hà mà thỉnh thoảng (hay vào đêm thất tịch mùng 7 tháng 7) ta có thể nhìn thấy được, ở cách xa khoảng 100,000 ánh sáng năm như thế. Bạn cứ tính thử đi, dùng 2 con số này nhơn cho nhau thì biết ngay.
Nếu bạn đưa ngón tay lên cái thái dương hệ của quả địa cầu của chúng ta, nằm trong dãy Ngân hà, cách khoảng chừng nửa triệu ánh sáng năm, thì bạn sẽ thấy nó chỉ như là một hạt bụi trong đám mây hành tinh bao la đó và bạn có thể yên chí mà nói rằng trái đất ở nơi đó, ở đâu đó, trong đó, trong dãy Thiên hà đó.
Được rồi. Có thể là trái đất và mặt trời chẳng có nghĩa lý gì cả. Nhưng mà, đừng quên nghe bạn, chẳng phải là ta có một thiên hà rất to lớn và rất quan trọng đó sao? Chính bạn mới vừa nói đó mà. Đúng không? Lầm nữa!
Nếu bạn tiếp tục lùi xa thêm nữa, vượt khỏi chòm Sao tiên nữ (Andromeda), là một dãy Đại thiên hà gần nhất với dãy Ngân hà của chúng ta, chỉ cách 1 triệu rưởi ánh sáng năm thôi, bạn sẽ được thêm một lần sửng sốt.
Bạn sẽ thấy rằng bầu không gian đầy dẫy những thiên hà, có thể là cả tỉ dãy như thế, và dãy Ngân hà của chúng ta rốt lại cũng chẳng phải là lớn lắm khi so với chúng. Cách trái đất khoảng 50 triệu ánh sáng năm, bầu không gian ấy đầy ăm ắp hằng hà sa số tinh tú – mỗi tinh tú nhỏ như đầu cây kim lại chứa cả một dãy Thiên hà nữa. Làm sao mà con người chúng ta lại biết được những điều đó? Chính cái ống viễn vọng khổng lồ với đường kính 200 inch (1 inch=2 tấc rưỡi) đã quan sát các bầu trời và đã bắt gặp những nhấp nháy của ánh sáng các hành tinh xa vời vợi phóng ra, cho ta biết những điều trên.
Cái ánh sáng mang lại cho chúng ta những thông tin đó đã bắt đầu cuộc hành trình diệu vợi của nó từ 2 tỉ năm trước. Cuộc du hành đó với tốc độ 186,000 dậm mỗi giây đồng hồ, vậy mà phải cần thời gian lâu như thế mới đến tới trái đất của chúng ta, đó là điểm xa nhất trong vũ trụ mà con người biết được. Vậy thì, chúng ta còn có gì để mà cảm thấy quan trọng? Ờ, thì ít ra ta cũng đã được thích thú về cái vũ trụ của chúng ta đó mà!”
***
Trên đây là lược dịch với một vài thêm thắt bài báo Quả đất của chúng ta: Hãy thử đưa sự tưởng tượng của bạn nhảy vọt vào không gian; bài của John Barbour, đăng trên nhật báo Hongkong Tiger Standard, chủ nhật 1/11/1959, được in kèm trong bản song ngữ Anh-Hán rút ra từ kinh Hoa Nghiêm, tức Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện.
Bài viết đến nay đã hơn 50 năm; trong thời gian một nửa thế kỷ này, khoa học đã tiến bộ vượt bực đến độ không chỉ dùng kính đại viễn vọng để quan sát mà thực tế chúng ta cũng đã đặt được chân lên cung Quảng Hàn nơi nàng Hằng Nga vẫn còn đùa cợt với chú Cuội si tình rồi. Tiến bộ không chỉ hàng tháng hàng năm mà hàng ngày hàng giờ, biết bao nhiêu là khám phá mới mẻ mà 50 năm trước không ai có thể tưởng tượng tới được.
Bạn có thể ngoan cố cải bướng rằng tôi không thể nào lui ra khỏi trái đất này để mà nhận thức những gì mô tả như trên, vậy thì tôi đâu cần tin chúng là đúng thật, tôi đâu có bé xíu đến nổi không còn nghĩa lý gì đâu, khoa học chỉ thổi phồng quá lố mà thôi.
Vâng, bạn có thể cải, nhưng nếu bạn chịu khó nhìn đến tiến trình chuyển điện thư bằng máy fax đi khắp thế giới chỉ không đầy một vài giây đồng hồ, bằng ngay chính những văn tự lăng quằng lít quịt mà trước kia điện tín không đọc được, hoặc tìm kiếm một đề tài nào trên mạng lưới Internet-Google, giữa triệu triệu các đề tài, mà chỉ không đầy một giây đã lôi ra cho bạn không biết bao nhiêu là thông tin về đề tài đó; thành quả cụ thể như thế thì bạn dầu cho ngoan cố cách mấy đi nữa cũng không thể nào phủ nhận được.
Như vậy thì sao chớ, dầu sao cũng phải là con người thiết lập chương trình mới điều khiển được những thành quả đó, như thế thì không phải con người nhỏ bé này quan trọng sao? không phải là cái tôi này quan trọng sao? Đúng thế, nhưng bạn hãy nhìn lại cái tôi này đi, nó lập thành bằng gì?
Chẳng qua chỉ là ngũ uẩn họp thành mà thôi; ngũ uẩn lìa tan thì cái xác thân giả họp chứa đựng cái tôi to tổ bố này cũng tan lìa theo mây khói mà thôi. Cũng không thể nói vậy được, bởi chính vì biết rằng sẽ tan theo mây khói cho nên khi còn là “ngũ uẩn họp thành” tại sao không tung hoành ngang dọc một thời cho thỏa thích vang danh thiên hạ tiền bạc như nước, rồi có ra sao thì ra, thay vì cứ lo ngay ngáy thân này là giả tạm để sanh ra yếm thế, bi quan?
Đúng ra thì chính vì ta không thể nhìn quá sau bức tường, sau tầm nhìn vài trăm thước của đôi mắt tinh sáng không cận thị nhất, vì ta chỉ lẩn quẩn trong vòng vài ba trăm dặm trọn cuộc đời – không phải ai cũng có thể nhảy vọt lên máy bay đi du lịch vòng quanh thế giới đâu nha – cho nên ta mới thấy cái ta là quan trọng, quan trọng trong cái chu vi hẹp tí bé xíu đó, chứ cần gì nghĩ suy xa lắc xa lơ. Không phải sao? Như thế đó, bạn thấy không, lúc nào con người suy tư chúng ta cũng đối diện với, hay đúng hơn là sống trong, cái lưỡng cực biện chứng nghịch lý đó.
Nghịch lý, bởi vì cùng là một lập luận như thế, nhưng nếu ta cứ ngoan cố nhìn từ con người hạn cuộc phóng thể vào vũ trụ, thì ta sẽ thấy cái ta nó to lớn nó quan trọng biết là bao; nhưng nếu biết nhìn từ vũ trụ ôm trọn cái tí xíu chẳng có nghĩa lý gì đối với tất cả hiện hữu và đối với chính mình, thì bừng ngộ, thì giác ngộ – bạn có biết rằng từ bừng ngộ (satori) cho đến giác ngộ (awakened) rồi đại giác (enlightened) là cả một hành trình miên viễn, đôi khi suốt đời mà thường khi thì trăm muôn ngàn kiếp không? À há! Tóm được cái mâu thuẩn của nhà ngươi rồi! Nếu là phải trăm muôn ngàn kiếp, mà kiếp này tôi còn không biết kiếp vừa qua hay kiếp sắp tới sẽ ra sao thì lo lắng làm chi cho mệt, hưởng thụ cái đả, rồi có ra sao thì sao.
Này nhé! Có ai hơn ta được đâu. Làm thầy giáo thì ta có một lũ học trò ngồi im thin thít mắt tròn xoe vảnh tai lắng nghe từng lời từng chữ ta truyền trao cái vốn học thức hay giỏi nhất của ta cho chúng đó mà. Không có ta thì chúng làm gì nên thân, oai chưa? Làm ông xả trưởng ư, ngày ngày biết bao bô lão khúm núm đến xin xỏ, đến nhờ giải quyết tranh chấp mấy chuyện sống chết nhau mới được như bị mấy con trâu chòi bên qua đạp lẩm lúa sân này, v.v....; lễ lạc thì ngồi đầu bàn, cuối lễ được hưởng đầu heo, ai hơn được ta? Làm đến ông quận trưởng ông tỉnh trưởng thì ôi thôi, hô lên một tiếng bao nhiêu tên lính dạ rân! Vậy mà vẫn chưa oai bằng bà quận bà tỉnh đâu nhé.
Một ông cảnh sát đi rão, gác chân lên cảng một xe mới toanh đậu trái phép chờ chủ nhân ra để phạt; nửa ngày trời bà quận xuất hiện theo sau là ba bốn anh lính đơ dèm cùi bắp lểnh khểnh bao nhiêu là thùng là gói, vừa thấy đôi giày bụi bặm của tên cảnh sát lèng quèng mà dám gát chiếc giày bùn sình lên cảng xe bóng loáng của bà thì a lê hấp, cho mày vào tù ba tháng để biết mặt tao là ai. Bà quận chớ phải giởn sao mậy?
Là thiền sư Việt nam nổi danh nhất thế giới ư? Nhiều nhất cũng chỉ được vài trăm ngàn tín đồ lăng xăng lổn cổn, vài chục ngôi làng dựng nên do cái mốt thời thượng “đi thì cứ đi, không cần phải biết đi đâu” cho nên ba bốn thập niên qua rồi mà hành giả và thiền sư vẫn còn đi hoài, không biết đi đâu, cũng không biết đã đi đến đâu rồi! Là giáo chủ một tôn giáo lớn nhất thế giới ư? Nhiều nhất cũng chỉ là chóp bu của hơn một tỉ giáo đồ thôi, còn hơn bốn năm tỉ người kia trên quả đất chật hẹp nhỏ tí này cũng chả thèm biết đến ông là ai, vậy thì cũng có gì là vĩ đại lắm đâu.
Là tổng thống một nước Mỹ vĩ đại nhất thế giới ư? Nhiều lắm cũng chỉ được 8 năm là cùng; một ngày trước thì còn cứ Clinton này Clinton nọ, một ngày sau chả còn ma nào nhắc đến, vì đã đến lượt Bush này Bush nọ cho 8 năm tới. 8 năm đó, so với mấy tỉ năm của vũ trụ, có gì đâu! Ấy vậy mà ai cũng tranh nhau làm tổng thống, làm giáo hoàng, làm thiền sư, làm xã trưởng, làm thầy giáo...
Ai cũng phải làm một cái gì đó, để cho thiên hạ biết đến cái ta là lớn tổ bố! Bởi vì, nếu ai cũng không thèm lăng xăng lộn xộn nữa, thì thế giới này đâu còn gì để nói, vũ trụ này đâu có gì để khám phá đâu, phải không bạn? Chính vì cái ta tổ bố đó, cái tâm lộn xộn đó, cho nên mới có phiền não, rồi cũng vì phiền não mà phải có mục đích đạt niết bàn để diệt phiền não, cho nên “phiền não thị niết bàn” là vậy, có lạ gì đâu.
Cái ngã nó to như vậy đó, thưa bạn, thì cần gì phải biết ba cái thứ trái đất xoay quanh mặt trời, ngoài thái dương hệ này còn bao nhiêu triệu triệu tỉ tỉ hành tinh khác, làm chi? Nói như Đức Phật, có chinh phục được tam thiên đại thiên thế giới thì cũng chẳng vượt thoát khỏi những phiền não vây ụp cái ngã nhỏ bé này đâu, có thoát khỏi cái chết, cái già, cái bịnh đang loanh quanh lẩn quẩn bên ta như bóng với hình đâu.
Ngày xưa, lên đến đại học Văn Khoa rồi mà mỗi lần làm bài nộp sinh viên còn phải viết đúng từng câu từng cái dấu chấn dấu phẩy, linh mục Thanh Lãng mới cho được đậu đó mà. Không ai có thể hơn ông có thể sửa sai ông hết! Ở Tây phương, đại học không phải là học đại như thế đâu nhe. Cứ hỏi một số sinh viên đã tốt nghiệp hay giữa đường ‘gảy gánh tương tư’ – quên, còn có ‘bần bút’ này nữa! – thì biết.
Cứ tưởng bở, lên đó ngồi học đại, ngấu nghiến mấy lời giảng tào lao của ông thầy với đôi kính cận nặng hơn như kính hiển vi đó rồi cuối năm trả bài thuộc lòng rào rào như gió là lĩnh được cái bằng ông cử ngay, khó gì! Còn lâu! Không cần đợi đến cuối năm, chỉ qua đến quí sau là đã phải lội rồi, không muốn chết chìm thì nên cuốn gói giả từ học trường đi về đi cày.
Thưa vâng, không ngoa đâu. Đại học phải là thế đấy. Không những sinh viên phải hỏi, mà giáo sư cũng phải lúc nào tìm kiếm, nghiên cứu, viết lách, đi tìm những khám phá mới, những tư tưởng mới, những nhịp điệu mới, mới có thể ngồi vững trên ghế. Bằng như cứ ù lì ngồi đó và nhai đi nhai lại một giọng điệu củ rích thì bảo đảm với bạn, không đầy 3 năm thì cũng mời bạn ngồi chơi xơi nước, trả ghế giáo sư học đại để nhường chỗ cho bọn đi sau tiến lên chiếm lĩnh. Không tin cứ hỏi ông pháp sư tân tăng Giác Đức thì biết!
Chính nhờ tính chất phải tìm hiểu, phải đọc thêm sách, phải đặt vấn đề với giáo sư, phải vặn hỏi cho thật cặn kẻ, nhất là được tự do để lúc nào cũng “phải” như thế mà khoa học Tây phương đã tiến bộ đến tốc độ bất khả tư nghị. Ngày xưa nghe nói đến hai chữ “sát na” là khiếp viá rồi. Một giờ có 60 phút, một phút có 60 giây. Chỉ một cái búng tay thôi là đã một giây rồi, mau đến thế, làm sao tưởng tượng nổi một sát na là một phần 16 của giây? Ấy thế mà bạn nhìn vào máy vi tính mà xem.
Không chỉ là một sát na, mà là một phần tỉ tỉ (trillion) của sát na đó; không còn chỉ có “atom” là nhỏ nhít nhất đâu, bởi vì đã có “electron” và “proton” hay “neutron”còn bé tí hơn nữa đến độ quantum physics đã la hoảng là tất cả hiện hữu trên vũ trụ này đều lập thành bởi ... bởi những lổ hổng trống không (void)! Như thế đó, thưa bạn! Xưa nay ta cứ quan niệm khoa học là những cái gì rất là cụ thể được thí nghiệm được chứng minh rành rõi, trong lúc tôn giáo chỉ là những thứ tâm linh đôi khi siêu việt lắm lúc quàng xiêng, cả hai là lưỡng cực đối lập không bao giờ có thể gặp nhau, thì, thưa bạn, mới gần đây trong chương trình “Light Fantastic”[3] các khoa học gia danh tiếng nhất thế giới hiện đại, kể cả Einstein, Max Pranck, Bohr ... đều đã kinh dị khi khám phá ra rằng, ngoài electron, neutron, còn có một chất khác nữa, chất đó, là... là không có chất thể gì cả, trống không, như cái Không mà lâu nay ta cứ bàn cải rầm rộ, từ Không đó mà có neutron, electron..., thôi thì dừng ở đây! Họ la hoảng, vì là họ chưa học đến lời Phật và Tổ dạy: “Tất cả càn khôn vũ trụ đều nằm trong đầu hạt cải”[4] đấy, thưa bạn!
Cho nên không phải là Phật Pháp cần khoa học xác chứng, mà là những giáo pháp của Phật Thích Ca vẫn còn giá trị, vẫn còn là chân lý, vẫn còn là Sự Thật của thế giới hữu hình trong đó khoa học vẫn còn lần mò tìm kiếm, còn đang chạy rượt đuổi theo những lời Phật dạy hơn hai ngàn năm trăm năm trước mà thôi.
Còn những điều siêu việt đã được khám phá thì đều là nhờ ở nơi thái độ cởi mở, tự do, phóng khoáng, những tạp chí chuyên khoa cung hiến rộng rãi không dấu diếm những khám phá của người đi trước để người sau chen chân vào tiến lên phủ bác rồi bước thêm bước nữa. Cứ thế cho nên hơn ba mươi năm qua con người đã bước chân lên được cung trăng của chị Hằng rồi. Vậy mà cũng có giả thiết cho rằng ông Nixon phịa để hù thiên ha, bước chân bé tí của con người Armstrong chỉ đặt lên mặt... mặt đất của một vùng sa mạc đâu đó ở Arizona mà thôi chứ chẳng phải cung Quảng Hàn gì ráo! Ấy đấy, thêm một thứ tự do phát biểu ý kiến để càng thêm tiến bộ.
Vì là giáo pháp của Phật Thích Ca vẫn còn giá trị cho nên quyết chắc rằng chưa đến thời đại của Đức Phật Di Lặc đâu. Khi Phật Di Lặc giáng thế, Ngài không lặp lại những tứ diệu đế, nghiệp, vô ngã... mà Phật Thích Ca đã dạy và chúng ta vẫn còn đang tập tành, hay sắc không, tam thiên đại thiên thế giới, sát na ... mà khoa học vẫn còn đang mò mẫm, mà Ngài phải dạy một giáo pháp khác biệt hơn, siêu việt hơn, một giáo pháp cho hiện hữu trong tương lai mấy triệu năm ánh sáng.
Còn bây giờ thì chúng ta vẫn phải tự an ủi với lời dạy ngàn vàng của Đức Phật Thích Ca: cái ngã tuy là to tổ bố nhưng không là gì cả. Diệt cái ngã do ngũ uẩn giả họp thì thành Phật như Ngài, dễ ợt. Dễ ợt mà 2, 3 ngàn năm nay mấy ai diệt được, cho nên tuy dễ ợt nhưng lại khó khăn vô vàn. Một thứ biện chứng lưỡng trùng nghịch lý để lúc nào hành giả cũng phải suy gẫm, cũng phải dằn vật, cũng phải thao thức, cho cái tôi quá hạn cuộc của mình.
Một thứ lôgíc biện chứng nghịch lý mà nếu không phá tung được thì không thể nào lùi ra ngoài để nhìn lại cái thế giới này, để thấy mình nhỏ xíu đến cở nào đâu. Nhỏ xíu đến không có gì kể cả, vậy mà cứ ôm lấy cái vĩ đại của cái ta, bởi vì là không xuyên thấu được cái hạn cuộc của không gian thời gian. Phá tung được thì cũng như Tô Đông Pha, nghe nói “Lô sơn mù tỏa sóng Triết giang”, mà vì “khi chưa đến đó” nên “hận muôn vàn”, té ra “đến rồi về lại không gì lạ” bởi vì vẫn “mù tỏa Lô sơn sóng Triết giang”,[5] thế thôi.
Tuy đối tượng vẫn là thế, nhưng thái độ nhìn đối tượng không còn là thế, cho nên “bất thức Lô sơn chân diện mục, chỉ duyên thân tại thử sơn trung.” Phá tung rồi thì bừng tỉnh, đại giác, đại ngộ. Không cần tìm đâu xa, không cần lùi ra ngoài để nhìn lại vũ trụ xem ta nhỏ bé cở nào, bởi vì, thật ra cái ta vĩ đại lắm, đủ vĩ đại để ôm cả vụ trụ vào trong cái ta bé xíu xìu xiu này, thưa bạn.
Ngu Thả Độn
(viết để kính dâng giác linh cố Hòa thượng Ôn Từ Đàm,
tác giả Ngũ Uẩn Vô Ngã)
______________________________
[1] Tây phương dùng dấu phẩy để tính số ngàn (thí dụ: ba ngàn = 3,000.00) còn Việt nam thì dùng dấu chấm. Ở đây chúng tôi dùng theo Tây phương.
[2] 1 tỉ theo Anh là 1 triệu lần triệu, còn theo Mỹ là 1 ngàn lần triệu.
[3] phát sóng trên đài ABC (Úc châu), 3 kỳ tuần liên tiếp, 8-15-22/09/2001.
[4] Hai câu nổi tiếng: “Càn khôn tận thị mao đầu thượng, Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung”(dịch nghĩa: Càn khôn treo ngọn sợi lông, Chứa trong hạt cải mênh mông đất trời”) của Thiền sư Khánh Hỷ (1067 - 1142), dòng thiền Vô Ngôn Thông Việt nam, trong bài thơ: “Đáp Pháp Dung sắc không phàm thánh chi vấn”.
[5] Bài thơ Thiền bất hủ của Tô Đông Pha:
“Lô sơn yên tỏa Triết giang triều
Vị đáo sinh bình hận bất tiêu
Đáo đắc hoàn lai vô biệt sự
Lô sơn yên tỏa Triết giang triều”.
Xem thêm Lô sơn chân diện mục. của Tuệ Sỹ