Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

12. Nhận thức về chữ nghiệp trong đạo Phật -Hoàng Nguyên

21/05/201318:04(Xem: 2818)
12. Nhận thức về chữ nghiệp trong đạo Phật -Hoàng Nguyên

Tập san Pháp Luân 2

SỐ ĐẶC BIỆT : MỪNG PHẬT ĐẢN PL.2548

--o0o---

NHẬN THỨC ĐÚNG VỀ CHỮ NGHIỆP

TRONG ĐẠO PHẬT

Hoàng Nguyên

Trong cuộc sống, chúng ta không ít lần thốt lên: “Ôi nghiệp tôi nặng quá” hay “Âu đó cũng là nghiệp của mình”.Khi chúng ta nói đến chữ nghiệp thì thường hàm ý là xấu, là không tốt. Bởi lẽ, con người chỉ ý thức sâu sắc về nghiệp chỉ khi con người rơi vào một hoàn cảnh bi đát đau thương, một hoàn cảnh trái ngang, chua chát, chứ ít ai sung sướng mà có ý thức về nghiệp, dù đó là nghiệp thiện.

Nói đến “nghiệp” thì đa số ai cũng biết, nhưng để hiểu đúng về nghiệp thì có lẽ không mấy ai, bởi ngay cả những nhà trí thức, những nhà làm văn hóa vẫn có cái hiểu không đúng về chữ “nghiệp”. Đề cập đến điều này, chúng tôi có chứng cứ rõ ràng. Trong cuốn Văn hóa Tâm Linh, tác giả Nguyễn Đăng Duy đã viết: “…Đó là những lẽ sống hay, nhưng cũng có những lẽ sống không hay mà lâu nay là từ Phật giáo. Đó là định mệnh nghiệp kiếp, đã mang lấy nghiệp vào thân, “đời là bể khổ”, khiến con người dễ yên phận, dễ cam chịu nhẫn nhục, không khuyến khích con người vươn lên sáng tạo”.

Nhận định trên, nghe qua có thể có nhiều người gật gù cho là đúng, nhưng nếu hiểu chữ “nghiệp” thuần tuý theo Phật giáo thì chúng ta sẽ có cái nhìn khác, mới mẻ hơn, tích cực hơn và lạc quan hơn. Sở dĩ, chúng tôi nói hiểu chữ nghiệp theo thuần túy Phật giáo là vì có nhiều người đánh đồng chữ “nghiệp” với chữ “định mệnh”, “thiên mệnh”, “tiền định” hay “số phận” của một vài tư tưởng khác, không phải của Phật giáo.

Định mệnh hay tiền định là những mệnh lệnh thiêng liêng nào đó áp đặt lên con người, lên thân phận con người hay nói cách khác, mỗi người sinh ra trên đời đều bị qui định bởi một hoàn cảnh sống nào đó, do một vị thần linh nào đó định đoạt. Con người hoàn toàn bất lực và thụ động trước hoàn cảnh, số phận: “Bắt phong trần phải phong trần, cho thanh cao mới được phần thanh cao”. Con người chủ trương thuyết định mệnh, tin có một năng lực thiêng liêng nào đó mà họ không thể hiểu nổi đã chi phối cuộc đời họ. Xuất phát từ ý tưởng này, con người dễ dàng buông xuôi đời mình, mặc cho đời mình ra sao cũng được và cũng từ ý tưởng này, thuyết định mệnh trở thành điểm tựa cho những người thiếu quyết tâm, thiếu nghị lực và thiếu hẳn ý chí. Định mệnh hay tiền định là vậy, còn nghiệp theo Phật giáo thì sao?

“Nghiệp” theo Phật giáo là những hành động có tác ý. Thực ra, những hành động không tác ý không phải không tạo thành nghiệp, nhưng mức độ nghiệp quả của nó rất yếu, có khi không đủ sức để tạo thành nghiệp quả. Hơn nữa, Phật giáo rất chú trọng đến ý tưởng con người. Theo Phật giáo, ý là quan trọng, ý làm chủ mọi hành động và lời nói của con người. Cho nên, trong ba nghiệp, ý nghiệp là nặng nhất. Đọc kinh Pháp Cú, ta thấy chàng thủ lĩnh “ý” hết sức tối cao: “Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ ý tạo, nếu với ý thanh tịnh, nói lên hay hành động, an lạc bước theo sau như bóng không rời hình; nếu với ý ô nhiễm, nói năng hay hành động, khổ não bước theo sau, như bánh xe đi theo chân con vật kéo xe”. Hành động có tác ý rất quan trọng, hoàn cảnh sống của mỗi người đều bị quy định bởi hành động có tác ý của chính mình: “Là cùng đinh không phải do sanh trưởng, là Bà la môn không phải do sanh trưởng. Do hành động người này là cùng đinh, do hành động người kia là Bà la môn”. Như vậy, “nghiệp”, theo Phật giáo, trái ngược với quan niệm về “thiên mệnh”, “định mệnh”, hay “số phận” của một vài học thuyết khác. Nếu như quan niệm về thiên mệnh và định mệnh mang tư duy thần quyền và huyền bí thì quan niệm về nghiệp của Phật giáo mang tư duy nhân quyền và cụ thể. Nếu như thiên mệnh và định mệnh khước bỏ mọi nỗ lực và trách nhiệm về hoàn cảnh sống của con người thì nghiệp, theo Phật giáo, đã khích lệ họ nỗ lực và đặt họ vào những trách nhiệm về hoàn cảnh sống của họ. Hoàn cảnh sống của mỗi người ra sao thì chính mỗi con người phải chịu trách nhiệm về hoàn cảnh sống đó mà không phải đổ lỗi cho bất cứ ai, bất cứ một quyền thế nào, một đấng tối cao nào hay một vị quỉ thần nào. Hoàn cảnh sống của mỗi người ra sao thì do chính mỗi người tự tạo lấy, hoặc là hành động trong quá khứ, hoặc là hành động trong hiện tại. Hành động trong quá khứ có thể là những hành động trong nhiều khiếp trước. Tuy nhiên, cuộc sống của con người trong kiếp hiện tại không hoàn toàn bị quy định bởi kiếp trước, bởi nếu hoàn toàn bị qui định bởi kiếp trước thì người ngu dốt mãi mãi là ngu dốt, người hung ác mãi mãi là hung ác, người nghèo khổ mãi mãi là nghèo khổ, người nô lệ mãi mãi là nô lệ sao!

Hơn nữa, nghiệp không phải là cố định. Nó có thể được thay đổi tùy theo sự tác động của nhân duyên. Nhân xấu cũng có thể trổ được quả tốt và ngược lại, chứ không nhất thiết là nhân nào phải là quả nấy, hoặc có nhân nhưng không có quả. Cho nên, quan niệm của nhà Phật về nghiệp là một quan niệm mới mẽ về đạo đức. Quan niệm mới mẽ này là một cuộc cách mạng tầng lớp nông nô vốn bị đè nặng bởi bàn tay của giai cấp thống trị vin vào quyền lực của Thần Thánh.

Trở lại thời đức Phật, ta thấy xã hội Ấn Độ bấy giờ có bốn đẳng cấp: Bà la môn, Sát-đế-lợi, Phệ-xá và Thủ đà la. Chính đức Phật là người lên án chế độ ấy và kêu gọi bình đẳng cho con người: “Là cùng đinh không phải do sanh trưởng, là Bà la môn không phải do sanh trưởng. Do hành động người này là cùng đinh, do hành động người kia là Bà là môn”.Đức Phật nói thêm: “Người nào đủ trí đức thì người đó tối thắng giữa nhân thiên”.Do vậy, bảo rằng Phật giáo nêu lên quan điểm về nghiệp là để an ủi con người, khuyên con người chịu đựng là không đúng. Đành rằng, trong cuộc sống, có những lúc con người rơi vào hoàn cảnh “lực bất tòng tâm” thì họ cũng cảm thấy dễ chịu hơn với thuyết nghiệp này. Tuy nhiên, không phải vì những trường hợp cá biệt như vậy mà cho rằng quan điểm về nghiệp của nhà Phật là tiêu cực. Nét chủ đạo trong thuyết nghiệp của nhà Phật luôn khích lệ con người nỗ lực vươn lên, chuyển hóa hoàn cảnh, chuyển hóa đời mình, làm cho đời mình ngày một hoàn thiện hơn. Nếu có ai đó vì ý chí yếu kém, không nỗ lực hành động để chuyển hóa hoàn cảnh, chuyển hóa đời mình mà cam chịu đổ lỗi cho nghiệp quá khứ, đời trước thì đó là lỗi tại họ, chứ thuyết nghiệp của nhà Phật không dạy họ như thế. Một người nghèo khổ, với sự nỗ lực, cần cù làm lụng của họ, cũng có thể trở nên giàu có. Tương tự vậy, một người ít thông minh nhưng với sự chăm chỉ học tập thì anh ta cũng có thể trở nên một người thông minh. Ngược lại, một người giàu có nhưng anh ta suốt ngày chơi bời ăn nhậu, cờ bạc thì cũng trở nên người nghèo khó; một người sinh ra có bẩm tính thông minh nhưng nếu không chịu học tập, nghiên cứu thì cũng không thể trở nên người tài, người giỏi được.

Vì thế, nghiệp, theo Phật giáo, ta có thể chuyển hóa được, làm chủ được. Ta chuyển hóa được bằng cách phải nỗ lực ý chí mạnh mẽ, phải có sự cố gắng mạnh mẽ, do đó, trong sự báo ứng của nghiệp, sự cố gắng và sự thiếu cố gắng giữ một vai trò chính yếu. Có thể nói, tất cả những người thành công đều phải trải qua một sự cố gắng nhất định nào đó, một khi có quyết tâm, có ý chí, có sự cố gắng thì nghiệp bắt đầu thay đổi. Tuy rằng có những trường hợp “lực bất tòng tâm”như nói ở trên. Ở những trường hợp này, có thể nghiệp nhân quá lớn, có đủ thời gian cho nhân duyên hội tụ để trổ quả, do đó, người thọ loại quả báo này không đủ sức để chuyển nó nữa, vì quá lớn và quá cận kề.

Do đó, chúng ta phải luôn nỗ lực sống hướng thiện khi tuổi còn xuân, khi sức còn khỏe, đừng bao giờ đợi nước đến chân mới nhảy, như thế sẽ không kịp. Khi trong tâm có sự bao dung, rộng lượng, nhân từ thì dù nghiệp quả có đến, sức ảnh hưởng của nó lên cuộc sống của chúng ta không đáng kể. Ngược lại, trong tâm có sự ích kỷ, xấu xa, nhỏ mọn thì khi nghiệp quả đến, dù là nghiệp quả nhỏ, cũng tác động lên cuộc sống của chúng ta đáng kể. Giống như, đức Phật ví dụ, cùng một nắm muối, nếu bỏ vào trong một chậu nước thì nước trở nên mặn đáng kể, nhưng nếu được bỏ vào một hồ nước thì độ mặn của muối trở nên không đáng kể, nước có thể dùng uống được. Do đó, vấn đề khích lệ con người là phải tạo cho mình một hồ nước bao dung, khoan hòa, rộng lượng và nhân từ. Mỗi người tạo được cho mình một hồ nước khoan dung, rộng lượng, vị tha và nhân từ như thế thì xã hội này sẽ vơi đi nghiệp quả khổ đau, bất hạnh nhiều lắm.

Tóm lại, chữ nghiệp, theo Phật giáo, là những yếu tố do chính con người tạo ra và dĩ nhiên, con người thừa hưởng, đối với những hành động tốt, hoặc chịu lấy, đối với những hành động xấu, kết quả của nó. Tuy nhiên, con người không hẳn phải gặt hái hết những gì mình đã tạo ra, bởi nghiệp mang tính chất duyên sinh. Vì nghiệp mang tính chất duyên sinh cho nên ở nghiệp ta không thể tìm đâu ra một nguyên lý định tính nào của nghiệp. Con người thay đổi thì nghiệp thay đổi, cho nên, Phật giáo bảo tu là chuyển nghiệp là vì vậy.

---o0o---

Source: http://www.phatviet.net/

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]