Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

07. Năm cái thấy -Đức Minh

21/05/201317:59(Xem: 2468)
07. Năm cái thấy -Đức Minh

Tập san Pháp Luân 2

SỐ ĐẶC BIỆT : MỪNG PHẬT ĐẢN PL.2548

--o0o---

Năm cái thấy

Việt dịch: Đức Minh

(tiếp theo TSPL1)

3. Phương pháp phân tích bằng sự quán triệt.

Phương pháp này đã được đức Phật thực hiện bằng phương tiện thiền định. Thiền định có lẽ khó khăn đối với hầu hết chúng ta, nhưng may mắn hơn trong thời đại ngày nay, ngành khoa học công nghệ đã cung cấp cho chúng ta một vài điều tương tự mà có thể đưa cho chúng ta ít nhiều sự hiểu biết về pháp môn này. Chúng ta hãy đề cập trở lại dòng điện từ; chúng ta biết rằng con mắt trần của chúng ta chỉ có thể nhìn thấy được một phần nhỏ của vũ trụ, nhưng nếu nhờ sự giúp đỡ của một vài thiết bị máy móc, chẳng hạn như thiết bị tia hồng ngoại, tia X quang, kính hiển vi v.v... con người ngày nay có thể nhìn thấy nhiều phạm vi khác nhau của vũ trụ. Để giúp các bạn hiểu vấn đề này thông suốt hơn, tôi xin giới thiệu một bảng biểu đồ khác (hình bên). Ở đây, chúng ta hãy nhìn vào một con người bình thường được khám phá bằng nhiều thiết bị máy móc khác nhau tại những tia sóng khác nhau. Biểu đồ này được chia làm năm phần. Dưới số một, bạn nhìn thấy một hình ảnh chủ yếu gồm các màu đỏ, vàng và xanh mà một con người khi được khám phá ra bằng thiết bị tia hồng ngoại. Dưới số hai, là một người được nhìn thấy bằng con mắt trần của chúng ta. Dưới số ba là một người được nhìn thấy thông qua một máy X quang, bằng cách đó thì da thịt đều biến mất nhưng cấu trúc bộ xương thì vẫn còn. Kế tiếp được đánh dấu bằng số bốn, là một bức ảnh về cấu trúc phân tử của thân thể con người được nhìn thấy một cách tỉ mỉ. Tận cùng bên phải là một khoảng trống được đánh dấu bằng số năm.

Xin đừng nhầm lẫn bảng biểu đồ này rồi nghĩ rằng những hình ảnh khác nhau và khoảng trống còn lại là những thức thể khác nhau. Tất cả chúng là một con người chứ không ai khác. Cũng đừng lầm lẫn ý tưởng về các hình ảnh nằm trên những vị trí khác nhau, từ trái sang phải. Thật ra, tất cả chúng đều ở trong một vị trí như nhau. Để chứng minh rõ ràng hơn, giả thiết tôi là người được vẽ trên bảng biểu đồ đó. Lúc này, các bạn hãy tưởng tượng, mắt của các bạn có thể phát ra tia hồng ngoại, những gì bạn nhìn thấy hiện diện trước mặt bạn là một hình ảnh màu sắc đỏ, vàng và xanh. Bây giờ di chuyển trở lại thiết bị bạn sử dụng hàng ngày; bạn sẽ thấy hình dáng bên ngoài của tôi. Kế tiếp hãy tưởng tượng con mắt của bạn là một tia X quang; ngay lúc ấy da, thịt và máu của tôi đều biến mất và những gì bạn nhìn thấy chỉ là cấu trúc của bộ xương thân thể tôi. Thay đổi một thiết bị khác, con mắt hiển vi, con người đang đứng trước mặt bạn là một cấu trúc mắc xích phân tử phức tạp. Quan sát sâu hơn một chút nữa, chúng ta thấy khoa học hiện đại trình bày phân tử bao gồm các nguyên tử, và nguyên tử thì chứa đựng những hạt cực nhỏ, và cuối cùng toàn thể khối lượng đó có thể chuyển thành năng lượng, bản chất đầu tiên của nó là những thứ mà chúng ta không thể nhìn thấy hay nắm bắt. Con số năm trên bảng biểu đồ được biểu thị bằng một khoảng trống, chúng ta hãy gọi đó là vật thể vô hình.

Bằng nhận thức thông thường, chắc các bạn rất quan tâm khi tôi là con người như vậy, nhưng tôi có thể xuất hiện trước bạn dưới những hình thức khác; hình ảnh đầy màu sắc, thân thể xác thịt, cấu trúc bộ xương, hợp thể các phân tử, nhiều hình thức khác nhau tương ứng với các lãnh vực hay các thiết bị máy móc khác nhau, và cuối cùng là một vật thể vô hình.

Phương pháp thứ ba, phân tích bằng sự quán triệt này lại đưa đến kết luận tương tự “vạn pháp trong vũ trụ có thể được quán triệt đến tận gốc rễ của nó”,các nhà khoa học gọi nó là “năng lượng” và đức Phật gọi nó là “không”.

Ở đây, xin các bạn ghi nhận thêm một điểm quan trọng; bài thảo luận của tôi được trình bày từ đầu đến bây giờ là vận dụng trí thức một cách nghiêm túc. Tuy nhiên, Không tính là một trạng thái phảiđược thực nghiệm. Khi một người đạt đến trạng thái này thì có một sự trải nghiệm hạnh phúc lớn lao, nó lớn gấp trăm ngàn lần so với bất kỳ thứ hạnh phúc nào từ trước đến nay một người bình thường nếm trải. Hơn thế nữa, Không tính là một trạng thái, trong đó, người ta vượt qua cảm giác đổi thay vô thường.

Bây giờ, cho phép tôi đi xa một bước nữa. Như các bạn có lẽ đã biết, nhận thức được về khổ đau của kiếp người là nguyên nhântrực tiếp đưa đến thành tựu Phật quả. Thái tử Siddhartha từ bỏ hoàng cung và trở thành một ẩn sĩ trong việc tìm kiếm con đường đưa đến giải thoát cho con người bởi Ngài nhận thức được khổ đau của kiếp sống nhân sinh. Ngài đã liệt kê ra tám thứ khổ đau của kiếp người. Tiếng Sanskrit gọi là “Duhkha”,nó có nghĩa rộng hơn từ “Khổ”.Tám thứ khổ là: Sinh, lão, bệnh, tử, xa rời những gì mình yêu thích, gần gũi những gì mình không thích, không đạt được những gì mình mong muốn và khổ do sự nhóm họp của năm thủ uẩn. Tôi không có thời gian để giảng giải tám thứ khổ này một cách chi tiết cho các bạn, nhưng nếu các bạn nhận thức chúng một cách chín chắn, cácbạn có thể kết luận rằng, tất cả tám thứ khổ đều liên hệ với nhau và nguồn gốc phát sinh đau khổ chính là chấp thân danh sắc này là tự ngã của ta. Thân ngũ uẩn và ý niệm về tự ngã là nền tảng mà tất cả khổ đau của kiếp nhân sinh được xây dựng trên đó.

Nếu ý niệm về tự ngã và thân thể tứ đại không còn tồn tại nữa, Không tính được liễu ngộ, thì khổ đau tồn tại bằng cách nào? Khi một người đạt đến giai đoạn này, vạn pháp trong vũ trụ, bao gồm cả người ấy, được xem như là “không”.Tất cả khổ đau của người ấy đều biến mất và người ấy được gọi là người có Tuệ nhãn.

Điều đó cũng giống như gánh nặng hệ lụy được đặt xuống một cách bất ngờ; nó giống như cuộc hội ngộ không ngờ giữa người mẹ và đứa con thân yêu của mình sau nhiều năm xa cách; nó giống như khi một người đang chèo chống con thuyền một cách tuyệt vọng giữa đại dương bão tố thấy được đất liền. Đây là sự diễn tả về niềm hoan hỷ lớn lao được nếm trải khi chứng được Tuệ nhãn.

Nhiều đệ tử của đức Phật đã đạt đến giai đoạn này là các vị A-la-hán. Mặc dù chư vị là các bậc Thánh nhưng đức Phật đã đưa ra một lời cảnh báo nghiêm khắc rằng: “Không nên dừng lại ở Tuệ nhãn”. Đức Phật giải thích rằng với nhục nhãn và Thiên nhãn, chúng ta nhìn thế giới bất toàn, biến đổi và không thật này là hoànmãn, vĩnh cữu và chân thật rồi chúng ta trở nên chấp thủ vào thế giới, đó là lý do tại sao chúng ta khổ đau; đây là một cực đoan. Với Tuệ nhãn, chúng ta nhìn vạn pháp trong vũ trụ là vô thường, không thật có và trống rỗng rồi ta lại muốn an trú trong trạng thái này, trở nên sự chấp thủ đối với cái không, điều này lại rơi vào một cực đoan khác. Mỗi khi có chấp thủ, cho dù đối với một thực thể hay đối với cái không, hay ý niệm về tự ngã, tất cả đều là nguồn gốc của vô minh và khổ đau, không thể loại trừ được. Do đó, đạt được pháp nhãn là lời dạy tối hậu của đức Phật.

Vậy pháp nhãn là gì? Một người được xem có pháp nhãn là lúc người ấy không an trú trong trạng thái không sau khi đạt được Tuệ nhãn. Ít nhất, vị ấy nhận ra rằng, cho dù bất cứ những gì vị ấy nhìn thấy trong những phạm vi khác nhau chỉ là sự giả hiện, tuy thế nó lại thật có trong phạm vi của nó.

Chúng ta hãy đề cập đến bảng biểu đồ ở trên một lần nữa. Một người có nhục nhãn sẽ khẳng định rằng, chính thân thể ngũ uẩn này là có thật có. Từ đó, người ấy thiếu đi hiểu biết về tất cả các lĩnh vực khác. Một người có tuệ nhãn nhận thấy rằng, những sắc tướng này là những ảo ảnh, chúng vô thường, không vững chắc, không thật có, và tính Không là một trạng thái chân thật và vĩnh cữu. Thế rồi người ấy trở nên chấp thủ đối với tính Không.

Bây giờ, một người có pháp nhãn sẽ nói rằng, mặc dù sự thật tất cả các tướng trạng là những sự giả hiện, chúng không có thực thể ngoài không tính, nhưng chúng thực có với phạm vi chúng đang hiện hữu. Nhận thức này làm phát sinh lòng từ bi rộng lớn, vô phân biệt, không điều kiện một cách tự nhiên. Như thế, người ấy được xem là có pháp nhãn; Trong Phật giáo, vị đó được gọi là một vị Bồ Tát.

Một khi người ta vượt qua được sự chấp thủ đối với cái Không thì lòng từ bi vô phân biệt và không điều kiện sinh khởi một cách tự nhiên từ trực nghiệm về Không tính. Thật là một điều kỳ diệu của con người. Lời dạy này tạo cho Phật giáo trở thành một tôn giáo thực nghiệm và sâu sắc nhất.

Cho phép tôi kể một câu chuyện để minh họa sự khác nhau giữa một vị A-la-hán, người chứng đạt được tuệ nhãn và một vị Bồ Tát, người có được pháp nhãn.

Có một tòa nhà lớn đang bốc cháy. Ở đó, chỉ có một cánh cửa để thoát ra an toàn. Có nhiều người đang vui chơi trong đó nhưng chỉ ít người biết được sự nguy hiểm của hỏa hoạn. Những người biết được sự nguy hiểm đang cố gắng một cách tuyệt vọng để tìm một lối thoát. Con đường thì dài và rối rắm, nhưng cuối cùng họ đã ra khỏi căn nhà xuyên qua lớp khói dày đặc. Được hít thở không khí thoáng đảng trong lành trở lại, họ quá sung sướng đến nỗi chỉ muốn nằm nghĩ trên đất chứ không muốn làm bất cứ điều gì khác. Tuy thế, một người trong họ đã nghĩ khác. Người ấy nhớ rằng, có nhiều người vẫn còn ở bên trong và không biết được sự nguy hiểm của ngọn lửa. Vị ấy biết rằng, cho dù họ có biết thì họ không thể biết được đường để thoát ra khỏi đó một cách an toàn. Vì vậy, không cần suy nghĩ đến sự mỏi mệt và rủi ro cho bản thân mình, vị ấy trở lại nhà đểđưa những người khác ra khỏi nơi nguy hiểm đó. Người này là một vị Bồ Tát.

Trong cuốn sách nổi tiếng “Tôn Giáo Cho Loài Người”,giáo sư Huston Smith đã giới thiệu đến độc giả Tây phương một câu chuyện Phật giáo nổi tiếng. Đó là câu chuyện nói về những người đang hành trình qua sa mạc để tìmkiếm kho báu ở một vùng đất xa xôi. Đi lâu dưới ánh mặt trời oi bức, họ đã mỏi mệt, đói khát và tuyệt vọng trong việc tìm kiếm một nơi im mát để nghỉ ngơi, một ít nước hay trái cây để dập tắt cơn khát đang thiêu đốt họ. Bất chợt, ba người trong số họ tìm đến một khu đất được bao quanh bằng những bờ tường. Một người leo lên bức tường, la lên một cách thích thú, và nhảy vào bên trong khu đất. Người lữ hành thứ hai theo người đi trước cũng nhảy vào bên trong. Sau đó người lữ hành thứ ba leo lên bức tường, ở đó, vị ấy nhìn thấy một vườn hoa xinh đẹp, có những cây Sala tỏa bóng mát và một hồ nước lớn. Thật tuyệt diệu làm sao! Tuy thế, trong khi dự định nhảy vào bên trong khu đất, vị ấy nhớ rằng, có nhiều người lữ hành khác vẫn đang còn lang thang trong sa mạc mênh mông, đang bị thiêu đốt mà không biết được ốc đảo này. Từ bỏ sự cám dỗ nhảy vào bên trong khu đất, vị ấy tụt xuống bờ tường và đi trở lại sa mạc mênh mông để dắt dẫn những người khác đến nơi nghỉ ngơi này.

Tôi nghĩ rằng, mọi người ở đây sẽ không có gì khó khăn để hiểu rằng, người thứ ba này là một vị Bồ Tát.

Cần chỉ ra nơi đây lòng từ bi như vậy không phải là hình thức hời hợt bên ngoài mà nó sâu sắc và không thể đo lường được. Nó không cần phải có điều kiện tiên quyết, chẳng hạn như, “Bởi vì tôi thích bạn”hay “Bởi vì bạn vâng lời tôi”.Đó là lòng từ bi vô phân biệt và vô điều kiện. Lòng từ bi như vậy phát sinh từ trực nghiệm về không tính, một trạng thái hỷ xả hòa hợp viên mãn và không có mặt bất kỳ sự chấp thủ nào.

Với điều này, tôi hy vọng bạn sẽ có một vài kiến thức về bốn cái thấy. Đây là một câu chuyện về hai bài kệ nổi tiếng trong Thiền tông Phật giáo:

Ngũ Tổ đời nhà Đường ở Trung Quốc, một lần đã yêu cầu các đệ tử của mình mỗi người viết trình một bài kệ để bày tỏ sự liễu ngộ của họ về Phật pháp. Thầy Thần Tú, người đứng đầu trong tăng chúng đã trình bày bài kệ như sau:

Thân thị bồ đề thọ

Tâm như minh cảnh đài

Thời thời cần phất thức

Vật xứ nhạ trần ai.

(Thân là cây bồ đề

Tâm như đài gương sáng

Thường hay siêng lau chùi

Chớ để dính bụi bặm.)

Ngũ Tổ nhận xét rằng, Thần Tú chỉ mới đến cửa chứ chưa vào được trong nhà.

Một vị cư sĩ có tên là Huệ Năng cũng sống trong tu viện. Mặc dù Ngài chưa nhận được sự truyền dạy từ Ngũ Tổ. Tuy thế, ngài là một con người kiệt xuất. Khi ngài Huệ Năng nghe bài kệ, Ngài không đồng ý với thầy Thần Tú về bài kệ này, Ngài nói: “Con cũng có một bài kệ” và đệ trình bài kệ của mình.

Bồ đề bổn vô thọ

Minh cảnh diệc phi đài

Bổn lai vô nhất vật

Hà xứ nhạ trần ai.

(Bồ đề vốn không cây

Gương sáng vốn không đài

Xưa nay không một vật

Lấy gì dính bụi bặm)

Sau đó, Hụê Năng trở thành đệ tử của ngũ Tổ được truyền y bát và là vị tổ thứ sáu của Thiền tông Trung Hoa.

Như vây, với cái thấy nào ngài Thần Tú đã trình bày bài kệ của mình? Với cái thấy nào ngài Huệ Năng đã không đồng ý với ngài Thần Tú, và sau đó đệ trình bài kệ của mình? Tôi sẽ không trả lời câu hỏi này, tôi muốn quí vị suy nghĩ để tìm câu trả lời cho chính mình.

Bây giờ chúng ta đi đến phần Phật Nhãn.

Từ đầu đến giờ tôi đã cố gắng nói với các bạn một vài điều về bốn cái thấy, nhưng đến đây tôi thật sự không thể nói điều gì về cái thấy bằng Phật nhãn cả, bởi vì những gì tôi nói sẽ làm sai lạc quan điểm.

Nhưng tôi cũng biết rằng tôi không thể dừng lại ở đây, không nói gì mà chỉ đưa lên bông hoa sen như đức Phật đã làm. Không những tôi không có một thứhào quang nào để khai mở sự hiểu biết thông qua sự im lặng, mà các bạn cũng sẽ không hài lòng về sự im lặng này. Thật dễ hiểu bởi chính tất cả chúng ta đều còn có nhãn căn, nhĩ căn và tâm ý, do đó ít nhất chúng ta phải nói một vài điều.

Bạn sẽ nhận thấy rằng, trong buổi thảo luận của chúng ta về bốn cái thấy đầu tiên, mỗi cái thấy luôn có chủ thể và đối tượng. Ví dụ như, với cái thấy bằng nhục nhãn, chúng ta có con người là chủ thể và thế giới hiện tượng là đối tượng. Với cái thấy bằng Thiên nhãn, chúng ta có chư thiên là chủ thể và những cảnh giới bao la trong không gian là đối tượng. Với cái thấy bằng tuệ nhãn, chúng ta có các vị A-la-hán là chủ thể và tính không là đối tượng. Và chư vị Bồ-tát là chủ thể và các phương diện hiện hữu của thế giới là khách thể, khi ta đề cập đến pháp nhãn. Tuy nhiên, khi chúng ta nói về Phật nhãn; để nói rằng đức Phật là chủ thể và thế giới là đối tượng thì điều đó hoàn toàn không đúng. Bởi vì sự phân biệt giữa Phật và thế giới không còn có mặt nữa. Phật là thế giới, thế giới là Phật. Nói rằng đức Phật có Phật nhãn thì hoàn toàn không đúng. Bởi vì, không có sự phân biệt giữa Phật và Phật nhãn. Phật nhãn là Phật và Phật là Phật nhãn. Tóm lại, bất kỳ sự đối đãi nào bạn có thể dựng lên thì không thích hợp đối với cái thấy bằng Phật nhãn.

Điểm thứ hai tôi muốn trình bày là Phật nhãn gắn liền với bản thể vô lượng vô biên. Ý tôi là gì khi nói đến vô lượng vô biên? Mặc dù chúng ta nói khái niệm của con người về vũ trụ là hữu hạn, đến mức khái niệm đó chỉ như một cái bong bóng trong biển cả bao la khi ta so sánh với kinh nghiệm của đức Phật về vũ trụ. Vậy điều đó khôngdiễn tả được hay sao? Vâng, điều đó không thể diễn tả. Chúng ta hãy suy nghĩ về những gì chúng ta đã gặp trong toán học. Bạn biết rằng, cấpđộ đầu tiên của năng lượng là một đường thẳng. Cấpđộ thứ hai của năng lượng là một mặt phẳng. Cấpđộ thứ ba của năng lượng là một không gian ba chiều. Bây giờ cấpđộ thứ tư của năng lượng, cấpđộ thứ năm của năng lượng cho đến cấp độthứ N của năng lượng là thế nào? Nếu bạn có thể giải thích những gì mà cấpđộ thứ N của năng lượng biểu hiện thì bạn có thể có được ít nhiều hiểu biết về thế giới quan của đức Phật: Vô lượng vô biên.

Điểm thứ ba, tôi muốn nói đến một vài điều về bản chất của thời gian. Đây là một khái niệm rất khó lãnh hội đối với con người chúng ta. Đối với chúng ta, chu kỳ thời gian là một sự kiệncó thật. Đi qua nhân tố thời gian này, con người phát triển từ một đứa bé đến một thanh niên, đến trưởng thành, đến già v.v... Nói rằng, đối với cái thấy bằng Phật nhãn thời gian không hiện hữu thì điều đó vượt qua khỏi sự hiểu biết của chúng ta, nhưng đó là những gì cái thấy bằng Phật nhãn hàm chứa. Hàng tỉ năm cũng không khác gì một niệm. Một thế giới được đo cách quả đất hàng tỉ năm ánh sáng nhưng theo vũ trụ quan của chúng ta có thể đi đến chỉ trong mộtniệm. Điều này thật là hi hữu.

Điểm cuối cùng tôi muốn trình bày về cái thấy bằng Phật nhãn là bản chất tổng thể của nó. Một vài người trong các bạn đã xem bộ phim “Tàu ngầm vàng”… Có một con quái vật trong giống như một cái máy hút bụi, nó đã hút mọi thứ khi nó gặp phải. Sau khi nó đã hút hết mọi vật trong vũ trụ, nó bắt đầu hút đến quả đất mà nó đang đứng trên đó. Cái máy này quá mạnh đến nỗi nó hút toàn thể quả đất vào trong bụng của nó và cuối cùng nó đã hút chính nó vào trong. Hình ảnh này biểu thi sự hàm chứa tất cả của cái thấy bằng Phật nhãn.

Bây giờ, tôi xin được tóm tắt lại bốn điểm chính của cái thấy bằng Phật nhãn vừa đề cập đến:

1. Không có chủ thể và không có đối tượng; đó là không có tính nhị nguyên.

2. Vô lượng vô biên; đó là không có không gian.

3. Vô thủy chung; đó là không có thời gian.

4. Hàm chứa tất cả; không có cả cái không có.

Đây là bốn nội dung cốt tủy của cái thấy bằng Phật nhãn nếu chúng ta có thể mạo muội diễn tả nó bằng từ ngữ.

Trước khi kết thúc bài nói chuyện ngày hôm nay tôi xin kể chocác bạn một câu chuyện khác.

Có một cặp vợ chồng luôn luôn cư xử kì dị với nhau. Sau đó họ nghe thuyết giảng về Năm cái thấy. Một ngày nọ họ bắt đầu gây gổ. Điều này với hai vợ chồng họ như là một chuyện bình thường trong những cuộc tranh cãi thường xuyên. Quá bối rối, giận dữ và tuyệt vọng, họ đã khôngnói chuyện với nhau trong nhiều ngày. Rồi bất chợt người chồng lên tiếng, “Bây giờ anh đang dùng Thiên nhãn của anh, anh thấy em chỉ là một bộ xương. Tại sao anh lại đi gây gổ với một bộ xương nhỉ?” Người vợ im lặng một lúc, sau đó bật cười lớn. Người chồng hỏi, “Em cười gì thế?”Người vợ đáp, “Em đang dùng tuệ nhãn và thấy anh không còn hiện hữu nữa. Giờ đây không có điều gì làm em buồn nữa. Em đang quán sát các pháp với tính không của nó”.Rồi cả hai người cười vang lên và nói, “Cả hai chúng ta hãy dùng pháp nhãn của chúng ta. Cả hai chúng ta đang hiện hữu, chúng ta hãy sống hạnh phúc với nhau trong phạm vi này”.

Hôm nay, chúng ta kỷ niệm ngày đức Phật đản sinh, Hòa thượng Chí Hội dự định phát cho các bạn một cái bánh sinh nhật lớn. Riêng tôi, tôi cũng phát cho các bạn một cái bánh sinh nhật. Bánh sinh nhật của tôi là lời khuyênnày: “Đừng bao giờ dùng cái thấy bằng Nhục nhãn của bạn, hãy mở rộng tri kiến của bạn. Đừng để tâm của bạn bị say đắm bởi những gì bạn nhìn thấy trong một ‘tầm nhìn’ chật hẹp. Hãy phá vỡ nhận thức nhỏ hẹp này. Hãy mở rộng tri kiến của bạn. Phát triển và khai mở cái thấy bằng Thiên nhãn. Dần dần phát triển và khai mở cái thấy bằng Tuệ nhãn. Vào lúc đó xin hãy nhớ đến những người bạn đồng hành của chúng ta và vô số những chúng sanh khốn khổ khác đang vật lộn trong sa mạc sinh tử ngày đêm thiêu đốt. Hãy khai mở pháp nhãn của bạn! Tôi thật sự hy vọng tất cả các bạn sẽ có Phật nhãn, và sẽ đạt đến trạng thái giác ngộ cao viễn, và các bạn có thể dẫn dắt vô lượng chúng sanh trong thế giới hữu hạn này đồng vào Phật đạo.”

Xin cám ơn.

---o0o---

Source: http://www.phatviet.net/

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]