Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hiệu ứng kép về hiện tượng sư Minh Tuệ

18/05/202406:35(Xem: 2153)
Hiệu ứng kép về hiện tượng sư Minh Tuệ






HIỂU NHAU

Gần một tháng nay, hiện tượng thầy Minh Tuệ gây xôn xao trên mạng xã hội, trong và ngoài nước; tức một hiện tượng cá nhân trong một góc nhỏ của một đất nước nhỏ so với thế giới, đã vượt qua biên giới quốc gia, một số người nước ngoài kể cả chủng tộc khác cũng đã quan tâm, muốn về Việt Nam để tận mắt xem thầy Minh Tuệ thế nào. Ngoài ra dư luận trái chiều bất nhất không cùng một điểm chung, đó là lý do gây xôn xao chống đối của một số bình luận viên.

Phật giáo là một Tôn giáo thế giới, tồn tại hàng ngàn năm và đã được nhân loại chấp nhận, do giáo lý vượt trên mọi cảm quan thế tục.Chuyện lục đục trong giới tu sỹ, đã có từ thời Phật còn tại thế. Không một Tôn giáo nào tránh khỏi tai tiếng vì một vài thành phần thiếu nghiêm túc. Phật giáo Ấn Độ ngoài  lý do bị Hồi giáo triệt tiêu, Bà La Môn áp đảo, còn một yếu tố khác đã không tồn tại trong lòng quần chúng, đó là nhân cách tu sỹ. Tổng quan chỉ là việc thạnh suy tất yếu. Một Tôn giáo suy nơi này sẽ thạnh nơi khác,lúc này thạnh, lúc khác suy, lịch sử thế giới đã minh chứng.

Du nhập vào Việt Nam hơn 2.000, cũng từng có thời kỳ cực thịnh, đóng góp hữu ích cho đất nước và an lành cho xã hội, Phật giáo từng sản sanh những bậc anh minh, những đạo sư nổi danh, những bậc chứng đắc còn lưu dấu, đó là điều đáng nói; chả lẽ những trang sử vàng son đó không đủ làm phai mờ một vài nét hoen ố do vài cá nhân thiếu nhân phẩm?

Trong Tôn giáo, nhất là đạo Phật, vô lượng pháp môn tu, Phật pháp là bất định pháp, mang tính uyển chuyển nên sắc vẻ muôn màu. Không nên đem nguyên tắc của pháp môn này đánh giá pháp môn khác, pháp hành này chỉ trích pháp hành khác. Mỗi hành giả có một công hạnh khác nhau, tiêu chuẩn chung là giới luật nếu là hành giả tu theo Phật giáo.

Chuyện các sư ở chùa, xây dựng cơ sở vật chất, điều hành tổ chức, sinh hoạt xã hội là chuyện đương nhiên trong thời buổi hiện tại. Đâu thể lấy hình ảnh thầy Minh Tuệ để đối chiếu và áp đặt làm tiêu chuẩn, cũng không thể lấy sinh hoạt của một Tôn giáo để bài trừ công hạnh của một cá nhân như thầy Minh Tuệ , vì thầy xác nhận mình chỉ là công dân tập tu đang thực hành lời Phật dạy, không thuộc tổ chức của GHPGVN, tức là không liên hệ gì đến GHPGVN; Một số thầy đứng trên lập trường và tiêu chuẩn trong tổ chức Phật giáo phê phán , không nên có.Khi phát biểu trên mạng xã hội, không nên ra ngoài phạm vi để đụng chạm Tôn giáo khác.

Cần dè dặt khi phát ngôn. Ông Hoàng Duy Hùng phỏng vấn ông Nguyễn Thanh Sơn, nhà ngoại giao, đề cập đến ông Thích Chân Quang, là cao Tăng trong Phật giáo Việt Nam xin đính chính, ông ấy nếu có chỉ là danh Tăng (người nổi tiếng thuyết giảng không đúng chánh pháp) đã bị Ban Hoằng pháp khiển trách.

Trên mạng xã hội, một vài youtuber, tiktoker…không hiểu nhiều về giáo lý và công hạnh của tu sỹ Phật giáo nên đã đi quá xa làm đụng chạm đến tổ chức Phật giáo khi so sánh đề cao thầy Minh Tuệ; các bạn có thể đề cao công hạnh của thầy Minh Tuệ mà không nên lấy đó làm tiêu chuẩn đánh giá chung.Một số tu sỹ tai tiếng không đại diện cho toàn bộ Tăng ni PGVN, chưa nói những tai tiếng do hiện tượng không đúng với thực chất để đánh giá.

Thầy Minh Tuệ không phải mới xuất hiện mà đã 6 năm. Việt Nam cũng từng xuất hiện nhiều thầy tam bộ nhất bái, đi từ Nam ra Bắc, cũng từng có nhiều vị chân tu khổ hạnh, đâu có gì lạ, do mạng xã hội thổi bùng, chúng ta lên tiếng vô tình làm ngọn lửa tràn lan. Cứ mặc nhiên im lặng đâu có đợt sóng Thần như ngày nay.

Tóm lại, đứng ở góc độ này để phê phán một góc độ khác chưa hẳn đúng. Hiện tượng chỉ là hiện tượng trong một giai đoạn, thực chất mới là giá trị lâu dài.Cả phía mạng xã hội, một số đánh giá, so sánh chưa đúng về thầy Minh Tuệ và tu sỹ PGVN, cũng vậy, một vài tu sỹ bốc đồng tự ái khi mạng xã hội đề cao quá mức thầy Minh Tuệ, vội lấy tiêu chuẩn giáo luật để chỉ trích phê phán một hành giả đã nhận là người không phải tu sỹ, không đứng cùng giới tuyến, hà cớ chỉ trích!

Riêng văn bản của Hội Đồng Trị sự GHPGVN cũng đã gây phản ứng không chỉ mạng xã hội, ngay cả ông Nguyễn Thanh Sơn nhà ngoại giao là một Phật tử trí thức cũng lấy làm tiếc những lời lẽ trong đó.Phải chi có một cố vấn pháp lý và giáo luật thì tránh những sai sót không đáng có. Thực ra Giáo hội có thiện chí trong vấn đề này, nhưng lời lẽ thiếu tế nhị.Ban ngành, tổ chức nào cũng cần có cố vấn, ngay cả Tổng thống, Thủ tướng, vì người đứng đầu ngành không phải là toàn năng.

Hy vọng Giáo hội chỉnh đốn những tu sỹ phát ngôn thiếu chuẩn mực, gây tai tiếng không đáng có, nội tình hướng đến tu tập nhiều hơn. Mạng xã hội cũng không nên lấn sân sang tổ chức GHPGVN nói chung và Tăng ni nói riêng. Xã hội Việt Nam là một vườn hoa nhiều sắc màu, không thể thuần nhất như ý muốn, cuộc sống cũng thế, không ai đòi hỏi tất cả mọi hiện tượng  phải theo ý mình.

Một vị nhận xét, quần chúng là nước, PGVN là con thuyền vượt sóng, nếu không chuẩn mực thì thuyền chìm xuống đại dương mà Ấn Độ là một điển hình.

Do không hiểu nhau nên không thông cảm cho nhau; Làng Mai của Thiền sư Nhất Hạnh từng nói có “Hiểu mới có Thương”, thì làm gì có tranh chấp lẫn nhau!

 

MINH MẪN

27/5/24

 

****


HIỆU ỨNG KÉP


Thời gian qua, mạng xã hội tạo  sự kiện quá hot về hiện tượng sư Minh Tuệ, từ đó, dư luận trái chiều liên tục phát sóng đa phần có khuynh hướng tôn kính hình ảnh khổ hạnh của một nhà sư bộ hành 6 năm qua một số tỉnh thành; tuy nhiên cũng có một vài phản ứng trái chiều bình phẩm không tốt về công hạnh của một công dân mang tên Lê Anh Tú với tên gọi Minh Tuệ.

Trước nhất xin xác định sư Minh Tuệ là một công dân bình thường, có ăn học, có nghĩa vụ và chức việc trong xã hội; khi ý thức về cuộc sống, đã xuất gia học đạo, từng thường trú tại tu viên Chơn Như của cố HT T. Thông Lạc.Tham khảo kinh điển Nikaya, luật tạng bắc truyền, sống hạnh khất sỹ; sau khi thấm nhuần giáo lý nhà Phật, người phát nguyện sống theo hạnh đầu  đà từ thời Phật còn tại thế.Sau hai lần xin quá giang xe xuôi ra miền Trung không được, tự phát nguyện suốt đời bộ hành cho đến ngày nay.Và không tự nhận mình là sư, chỉ xưng con với mọi người.

Qua thời gian dài vẫn giữ trai tịnh, ăn ngày một bữa, không giữ tiền, ngủ ngồi, không trụ xứ nhất định; nắng mưa dãi dầu để thử sức mình với đức kiên nhẫn,bị chúng đánh mà vẫn vui vẻ, khiêm tốn xưng hô, không tự nhận mình là tu sỹ phật giáo để khỏi liên lụy uy tín của nhà chùa, nhưng vẫn là sư, vẫn là tu sỹ dưới mắt mọi người dân…Bấy nhiêu đức tính đủ cho quần chúng hiểu được thế nào là một bậc chân tu.

84 ngàn pháp môn, tùy căn cơ mỗi hành giả thích hợp, không thể nói pháp nào, hạnh nào cao hơn pháp nào.Dó tính cố chấp đố kỵ nên phân biệt, chỉ trích, phê phán một công hạnh không hợp với mình.Đáng ra chúng ta không thực hiện được những công hạnh khó làm mà người khác làm được, phải hoan hỷ tán dương mà nhà Phật gọi là tùy hỷ công đức. Sư Minh Tuệ không hề phê phán, chỉ trích ai, vì sư tự nhận là người đang học, đang tập những lời Phật dạy.

Gọi là “thằng ba trợn ôm nồi cơm điện” “ Ô, đây là Thánh nhân của tôi”… là ngôn từ đố kỵ không nên có ở miệng một tu sỹ, tu mục đích Thánh hóa nhân cách chả lẽ tu để thành ma đố kỵ???

Một phê phán cũng từ miệng một tu sỹ khác: “Tu không ở một chỗ, ôm bác đi lòng vòng” chứng tỏ người phê phán không hiểu gì về đa hạnh của một bậc xuất ly…còn rất nhiều phê phán bằng ngôn từ khó nghe nơi cửa miệng đồng tu; rồi một số được thầy mình mớm ý để những con nhang cuồng tín không biết sai đúng cũng lớn tiếng chỉ trích dạy đời sư Minh Tuệ.

Dĩ nhiên lượng người công tâm bênh vực sư Minh Tuệ nhiều hơn kẻ chống đối.Một hiện tượng chưa bao giờ có tại VN, người dân quét đường cho sư đi qua, hàng trăm người theo sư qua địa phận của mình, được công an giao thông giữ trật tự đủ để thấy sự sáng suốt của người dân phân biệt đúng sai, chánh tà.

Ngoài thành phần chống đối và ủng hộ, một vài người đem so sánh sự sinh hoạt của các tu sỹ theo nếp sống Thiền môn hiện nay, cũng không đúng.Mỗi người có một công hạnh, một nghĩa vụ, một hoàn cảnh khác nhau; không thể bảo các tu sỹ đều sống kiểu sư Minh Tuệ khi mà Phật giáo trở thành một Tôn gíao có tổ chức gắn kết với nhịp sống xã hội. Các sư ở chùa có nhiệm vụ riêng ở chùa, việc nhân cách cá nhân không đại diện cho một người mang danh tu sỹ. Bất cứ một tập thể nào cũng không tránh khỏi vài cá nhân thiếu chuẩn mực đạo đức, không vì thế quy chụp chung cho tập thể tu sỹ.Hình ảnh sư Minh Tuệ là một trong hai mặt của tập thể tu sỹ  Phật giáo, không cái nào hơn cái nào, chúng bổ túc điều chỉnh cho nhau để không đi quá đà trong sinh hoạt tập thể. Người trí biết tiếp thu cái hay để điều chỉnh cho nhân cách của mình; phủ nhận cái hay là bảo thủ, kiến thủ, giới cấm thủ sẽ bị cuộc sống đào thải.

Qua ồn ào trên mạng xã hội, GHPGVN ra công văn gửi đến các cấp GH, trong đó viết: “Trong lộ trình đi bộ qua các địa phương đã có nhiều người dân và Phật tử tập trung với số lượng đông, cúng dàng phẩm vật, thức ăn và tiền tạo ra nhiều hình ảnh, clip gây ra nhiều dư luận trái chiều làm ảnh hưởng đến GHPGVN”…Đoạn văn có hai vấn đề: thứ nhất sư Minh Tuệ không hề nhận tiền,việc dâng cúng là quyền của bá tánh; thứ hai GHPGVN là một thực thể có tầm vóc và uy tín, một cá nhân sư Minh Tuệ không thể làm lay đổ một tập thể thì dư luận nếu có ảnh hưởng chăng là ảnh hưởng đến những vị thiếu nhân cách.

“…tạo nên hiệu ứng câu views và có nhiều bình luận xuyên tạc đời sống tu hành của Tăng ni, Phật tử GHPGVN”…thật ra không chỉ do sư Minh Tuệ mà họ dùng clip câu view, trước hiện tượng sư Minh Tuệ cũng có quá nhiều tai tiếng một số sư Tăng trong hệ thống GHPGVN rồi, hãy tự trách về quản lý tu sỹ và giáo dục Tăng ni của Ban Tăng sự, ban Pháp chế.Không có tai tiếng làm gì có hiện tượng câu view. Ngay cả một tu sỹ giảng sai giáo lý nhân quả, mang nhiều tà kiến hù dọa tín đồ để cúng dường đủ thứ.. rất nhiều năm mà GH vẫn mặc nhiên, gây tai tiếng uy tín cho Phật giáo không ít thì vấn đề câu view hiện tượng sư Minh Tuệ là chuyện đương nhiên.

...”liên hệ với chính quyền địa phương có biện pháp ngăn chận hành vi sử dụng mạng xã hội tạo làn sóng dư luận xúc phạm GHPGVN”

Đây là một ý kiến mang tính độc đoán cửa quyền quan liêu trong một xã hội tự do phản biện.Pháp luật có quy định nào cấm đoán các trang mạng xã hội phản ảnh thực trạng xã hội ? Nếu đưa ra quy định này hạ tầng sẽ suy diễn lệch lạc làm sai chủ trương, làm khó cơ quan chức năng, địa phương lúng túng lúc sư Minh Tuệ đi qua khi quần chúng đến ngưỡng mộ đông đảo.Nếu sợ các trang mạng xã hội tạo làn sóng dư luận xúc phạm GHPVN thì tự mình giải quyết tháo gở sao lại phải yêu cầu chính quyên?

Tóm lại, so với công văn của Ban Tôn giáo chính phủ về hiện tượng sư Minh Tuệ rất dè dặt và tế nhị thì ngược lại văn thư của Hội Đồng Trị Sự GHPGVN có quá nhiều mâu thuẩn sai sót dễ gây phản ứng kép hiện nay trên mạng xã hội.Tốt nhất, hãy ổn định nội bộ, tránh những tai tiếng nội bộ, trong sạch hóa nội bộ, tự khắc sóng yên biển lặng không cần phải lo sợ các trang mạng xã hội hiện nay.

 

MINH MẪN

17/5/24


 

 

 

su minh tue


Bài viết về nội dung liên quan đến văn bản số 151/HĐTS-VP1

ngày 16/5/2024 của Hội đồng Trị sự - Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.

 

 

Vào ngày 16/5/2024, Hội đồng Trị sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam có ban hành văn bản số 151/HĐTS-VP1 về việc “Thông báo người được mạng xã hội gọi là sư Minh Tuệ không phải là tu sĩ Phật giáo”. Căn cứ vào những nội dung ban hành trong văn bản, tôi xin được chia sẻ một số ý kiến như sau:

1. Thế nào là tu sĩ Phật giáo?

Trong sách Kinh Tương ưng bộ II, (tập IV) có viết: Tu sĩ Phật giáo là người từ bỏ nếp sống thế tục, còn gọi là người xuất gia, khép mình trong nếp sống đạo đức và hành trì theo pháp môn đã được Đức Phật thuyết định. 

Căn cứ vào Luật Tín ngưỡng Tôn giáo năm 2016 thì Luật cũng không có định nghĩa, bổ sung sửa đổi nào liên quan đến cụm từ “Tu sĩ Phật giáo” theo như Kinh điển để lại.

2. Vấn đề về tăng đoàn và người xuất gia theo Kinh điển nhà Phật

Trong bài viết “Phi tăng phi tục” trong tư tưởng của Thân Loan (Shinran) ở Nhật Bản, đăng tải trên Tạp Chí Nghiên Cứu Phật Học – Cơ quan Ngôn luận GHPGVN ngày 03/4/2024 có đoạn:

Trong Phật Giáo có giải thích bốn hạng người xuất gia như sau:

- Thân lìa tâm chẳng lìa: Trong trường hợp này, thân đã chọn xuất gia nhưng tâm trí vẫn còn đắm mình trong cuộc sống thế tục. Dù họ ở trong tăng đoàn, tâm hồn vẫn mơ mộng và ái mộ cuộc sống vật chất.

- Tâm lìa thân chẳng lìa: Ở đây thân xác vẫn ở trong cuộc sống gia đình nhưng tâm hồn đã chấp nhận và thực hành đời sống xuất gia. Họ không mê mải cuộc sống cám dỗ trần tục mặc dù sống trong môi trường hỷ nộ ái ố.

- Thân và tâm đều lìa: Cả thân và tâm tách khỏi cuộc sống thế tục. Người này đã xuất gia cả về vật chất và tinh thần, không bị lôi cuốn bởi những danh vọng hay những cám dỗ vật chất.

- Thân và tâm đều không lìa: Ở hạng cuối, cả thân và tâm đều bị rơi vào cuộc sống thế tục. Mặc dù có gia đình, họ vẫn mãi mê vào nhiều khía cạnh của cuộc sống vật chất mà không ý thức hoặc nỗ lực để xuất gia.

Vậy thì căn cứ vào bốn hạng xuất gia này, chúng ta thấy sư Minh Tuệ là người “thân và tâm đều lìa” như vậy ông đã là người xuất gia theo như Kinh điển Phật giáo đã ghi lại.

Trong bài viết “Họ Thích có từ khi nào, ý nghĩa?” tác giả Pháp Vương Tử, đăng trên Tạp Chí Nghiên Cứu Phật Học – Cơ quan Ngôn luận GHPGVN ngày 24/3/2022  có đoạn “Ngài không hề coi trọng việc các đệ tử mang họ Thích của Ngài, nó được thể hiện cụ thể ngay trong Tăng đoàn, kể cả 10 đại đệ tử Phật như Tôn Giả Mục Kiền Liên, Ca Diếp, Ananda…vẫn giữ nguyên họ và tên thế tục. Rồi đến cả mô hình Tăng đoàn (mà sau này gọi là Giáo hội) Đức Phật cũng không cho phép có một tổ chức chặt chẽ nữa là – vì cho rằng “Hiểu biết càng sâu thì niềm tin Tôn giáo càng vững, còn Tổ chức của Giáo hội có chặt chẽ hay lỏng lẽo cũng không thành vấn đề, hơn nữa mọi định danh định nghĩa Tôn giáo, đạo Phật cũng không mấy quan tâm, và hơn thế nữa còn khước từ vì cho rằng: Mọi định nghĩa khách quan là đặt giới hạn cho sự thăng hoa của nguồn sống Đạo”.

Trong lịch sử hơn 26 thế kỷ, đã có nhiều cư sĩ không xuất gia nhưng cũng chứng đắc, đó là ngài Duy Ma Cật, ngài Bàng Long Uẩn và vợ, con trai, con gái của ngài Bàng Long Uẩn đều chứng ngộ.

Như vậy Đức Phật dạy cho mỗi người là tự tìm cầu học đạo cho thật tốt và thấu hiểu giáo pháp nhà Phật chứ không đặt nặng vấn đề Tăng đoàn, Giáo hội, người chưa xuất gia vẫn có thể chứng đắc quả và cũng không xem việc một tu sĩ là phải phụ thuộc vào Giáo hội.

3. Các hạnh tu tập của tu sĩ, người xuất gia

Trong các hạnh tu tập của người xuất gia thì Độc cư là một đức hạnh dùng phòng hộ sáu căn: mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý. Người tu sĩ không phòng hộ mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý thì tâm luôn luôn phóng dật theo sáu trần. Do tâm phóng dật thì làm sao tâm thanh tịnh được. Xưa đức Phật dạy: “Ta thành Chánh Giác là nhờ tâm không phóng dật”. Nếu muốn tâm không phóng dật thì nên phòng hộ sáu căn cho chặt chẽ.

Trong Độc Giác Phật (Pacceka Bodhi) có định nghĩa, đó là sự khai minh giác ngộ đơn độc của một người tự lực cố gắng tiến đến Đạo Quả, không nhờ một ai dạy dỗ hay giúp đỡ. Vì đặc tính đơn độc giác ngộ, nên chư Phật Độc Giác không dắt dẫn ai đến nơi giác ngộ bằng lối đơn độc giác ngộ được. Các Ngài chỉ nêu gương đức hạnh và trí dũng.

Trong Kinh điển Phật giáo còn nhắc đến bảy đức hạnh của người tu giải thoát gồm: Thích giản dị, không thích sống rườm rà, cầu kỳ; Ưa thích yên lặng, không thích nói nhiều; Ít ngủ nghỉ, không ham ngủ; Không kết bè, kết bạn, không nói những điều vô ích; Không tự khoe khoang trong khi mình thiếu đức; Không kết bạn với những người xấu ác; Thích ở một mình nơi rừng núi thanh vắng.”

Người tu sĩ và cư sĩ đệ tử của đức Phật, muốn tu hành giải thoát và Phật pháp hưng thịnh thì phải sống một mình. Bảy đức hạnh này đã xác định được sự ly dục, ly ác pháp của một tu sĩ giải thoát. 

Trong Trung bộ kinh, số 140 và Kinh Bāhiya (Tiểu bộ kinh, kinh Phật tự thuyết [Udàna], chương 1, phẩm Bồ đề) có ghi lại: Thầy Pukkusati dù chưa thọ giới Tỳ-kheo nhưng khi gặp Phật nghe pháp liền chứng đến Tam quả A-na-hàm. Đạo sĩ Bāhiya từ xa xôi lặn lội đến gặp Phật, nghe xong pháp thoại cực ngắn liền đắc Tứ quả A-la-hán.

Như vậy cho thấy rằng người tu sĩ là người có thể tự phát tâm tu tập cá nhân, có thể sống độc cư để hướng đến con đường thoát khổ, giải thoát cho bản thân mà không cần bắt buộc phải là người sinh hoạt trong chùa chiền tự viện, tăng đoàn, là nhân sự của tổ chức nào.

4. Những ngôn từ danh xưng đối với trường hợp sư Minh Tuệ:

Trong thuật ngữ Bản thân Thầy Minh Tuệ không tự nhận mình là Sư, không nhận mình là Thầy nhưng chúng ta hiểu rằng “Sư” hay “Thầy” ngày nay không phải chỉ dành riêng cho những người đứng trên bục giảng, ngồi ở pháp tòa mà có thể dành cho bất cứ những ai có thể truyền dạy cho ta những kinh nghiệm, những điều quý báu trong cuộc sống hằng ngày, người Thầy, người Sư có thể xuất hiện ở bất cứ nơi đâu, bất cứ ngành nghề, lĩnh vực nào nếu người đó xứng đáng để người đời học hỏi và thọ giáo thế nên người ta có gọi là Sư Minh Tuệ, Thầy Minh Tuệ cũng không có gì sai, không ai được quyền cấm đoán.

Điều đó cũng tương tự như một người ca sĩ, diễn viên không cần phải tham gia trong một Hội nào nhưng nếu hát hay vẫn được gọi là ca sĩ, có năng khiếu diễn xuất vẫn được mời đóng phim, vẫn được gọi là diễn viên, vậy một người tự phát tâm tu học, thực hiện đúng giới luật, thực hành bát chánh đạo, đầy đủ Giới - Định - Tuệ thì tại sao người đó không được gọi là tu sĩ? 

Và dù một người không phải là người tu nhưng nếu họ có những đóng góp to lớn cho xã hội, việc làm của họ lan tỏa được những thông điệp tích cực, nhân văn và được người đời ngưỡng mộ, xem vị đó là Thánh nhân cũng là điều hết sức bình thường.

5. Những nội dung trong văn bản số 151/HĐTS-VP1 của GHPGVN

Bản thân nhà sư Minh Tuệ không nhận mình là tu sĩ, không nói về nơi tu tập của mình là vì sư không muốn gây ảnh hưởng đến chùa chiền tự viện. Đối với quá trình tu tập của sư Minh Tuệ theo như tìm hiểu qua lời kể của Bố ruột thì sư Minh Tuệ xuất gia năm 2015 (có làm đơn xin xuất gia, được bố và chính quyền địa phương ký xác nhận), tu tập khoảng 6 tháng trong một tu viện, sau đó tham gia tu tập tại một ngôi chùa ở Tây Ninh, được đặt pháp danh là Thích Minh Tuệ rồi quay về tu tại gia ở Thất am, nhưng vì nơi này có nhiều người đến câu cá nên đến năm 2018 thì sư Minh Tuệ bắt đầu thực hành lối tu khổ hạnh. Tuy nhiên trong văn bản số 151/HĐTS-VP1 lại ghi “Ông Lê Anh Tú sau khi từ bỏ công việc đo đạc địa chính tại Tỉnh Phú Yên đã thực hiện một vài lần đi bộ hành từ Khánh Hòa ra các tỉnh phía Bắc…” là chưa chính xác, văn bản đã bỏ mất giai đoạn tu tập xuất gia của sư Minh Tuệ làm cho nhiều người đọc vào hiểu lầm là sư bỏ làm xong thì đi tu khổ hạnh, chưa qua giai đoạn xuất gia tu tập ở đâu.

Về nội dung “công việc đo đạc địa chính ở Tỉnh Phú Yên” thì cá nhân Thầy Minh Tuệ và Bố ruột đều đã trả lời là chỉ làm cho công ty tư nhân chứ không phải cơ quan nhà nước.

6.  Các văn bản Pháp luật về Tín ngưỡng Tôn giáo:

Tại Khoản 12, Điều 2 của Luật Tín ngưỡng Tôn giáo năm 2016 ghi rõ: “Tổ chức tôn giáo là tập hợp tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành của một tôn giáo được tổ chức theo một cơ cấu nhất định được Nhà nước công nhận nhằm thực hiện các hoạt động tôn giáo”.

Trong Luật Tín ngưỡng Tôn giáo tại Khoản 7, Điều 2 giải thích cụm từ “Nhà tu hành là tín đồ xuất gia, thường xuyên thực hiện nếp sống riêng theo giáo lý, giáo luật và quy định của tổ chức tôn giáo”.

Tại Khoản 2 Điều 9 của Luật Tín ngưỡng Tôn giáo có quy định: “Chức sắc, chức việc, nhà tu hành, người đại diện, ban quản lý cơ sở tín ngưỡng có trách nhiệm hướng dẫn tín đồ, người tham gia hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo thực hiện hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo đúng quy định của pháp luật”.

Như vậy, Cụm từ “nhà tu hành” trong Luật Tín ngưỡng Tôn giáo là quy định đối với những người tu hành có hoạt động trong một tổ chức, một Hội thuộc Tôn giáo, có tham gia vào các hoạt động liên quan đến Tôn giáo và xã hội, tương tự như “nhà văn, nhà giáo, nhà báo…” chứ không phải dùng chung cho Tu sĩ Phật giáo. Vì vậy nếu GHPGVN áp dụng cụm từ “nhà tu hành” để khẳng định sư Minh Tuệ không phải là “Tu sĩ Phật giáo” là không phù hợp với phạm vi, đối tượng được áp dụng trong Điều Luật.

Đối với Quy chế của Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN nhiệm kỳ (2022-2027) quy định về điều kiện, tiêu chuẩn xuất gia tại Điều 34 và đây là Quy chế của Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN đối với người xuất gia trên đất nước Việt Nam, có tham gia trong tổ chức của GHPGVN theo Khoản 7, Điều 2 của Luật Tín ngưỡng Tôn giáo chứ tu sĩ Phật giáo trên thế giới họ không áp dụng theo Điều 34 này.

Tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 6 Luật Tín ngưỡng Tôn giáo có quy định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào; Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo”.

Tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 24 của Hiến Pháp nước Cộng Hòa Xã Hội Chú Nghĩa Việt Nam năm 2013 có quy định: “Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.

Từ ngữ trong văn bản pháp luật phải mang tính chính xác tuyệt dối, không mang tính tương đối, không mang tính suy diễn, mỗi một từ ngữ đều có phạm vi, đối tượng áp dụng khác nhau, không đánh lận câu từ, cho nên khái niệm “nhà tu hành” là nhà tu hành, “tu sĩ phật giáo” là tu sĩ phật giáo, hai khái niệm này là riêng biệt, không thể vì không tìm ra được quy định về “tu sĩ phật giáo” trong Bộ Luật thì tự cho rằng nhà tu hành là tu sĩ Phật giáo là sai quy định pháp luật.

Và Luật là đơn vị cấu trúc bên trong của hệ thống pháp luật bao gồm các quy phạm pháp luật điều chỉnh một loại quan hệ xã hội có cùng tính chất, nội dung thuộc một lĩnh vực đời sống xã hội nhất định. Luật quy định các vấn đề cơ bản thuộc lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, tài chính, tiền tệ, ngân sách, thuế, dân tộc, tôn giáo, văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, môi trường, đối ngoại, tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, chế độ công vụ, cán bộ, công chức, quyền và nghĩa vụ của công dân. Luật không có thẩm quyền thay đổi những nội dung mang tính Kinh điển, giáo lý, lịch sử. Như vậy cho thấy rằng mọi công dân trên đất nước Việt Nam đều được đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, và tu sĩ Phật giáo là khái niệm nằm trong Kinh điển Phật giáo, một tổ chức chỉ có thẩm quyền xác nhận người đó có thuộc tổ chức mình hay không chứ không có thẩm quyền để khẳng định hay bác bỏ những vấn đề nằm ngoài phạm vi cho phép vì tu sĩ Phật giáo là một cụm từ dành cho tất cả người tu hành theo đạo Phật trên toàn thế giới. Chúng ta không thể lấy một khái niệm thuộc phạm vi nhỏ để phủ định cho cái thuộc phạm vi lớn hơn. Muốn xác định điều này, phải căn cứ vào rất nhiều yếu tố từ lịch sử, kinh điển, pháp luật, đời sống xã hội và bản thân người tu học.

7. Nội dung văn bản số 795/TGCP-PG ngày 16/5/2024 của Ban Tôn Giáo Chính Phủ

Đối chiếu nội dung văn bản số 795/TGCP-PG ngày 16/5/2024 của Ban Tôn Giáo Chính Phủ có ghi “Ông Thích Minh Tuệ không phải là tu sĩ thuộc Giáo Hội PGVN” chứ văn bản không ghi “Ông Thích Minh Tuệ không phải tu sĩ Phật Giáo”. Như vậy cho thấy nội dung văn bản của Ban Tôn Giáo Chính Phủ là phù hợp với Pháp luật và tinh thần nhà Phật.

Trong những ngày qua, nhiều người vây quanh trên đoạn đường sư Minh Tuệ đi ngang qua, nếu đám đông đi theo nhà sư có những hành vi quá khích, gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội thì tùy theo mức độ, cơ quan chức năng sẽ có những giải pháp, biện pháp can thiệp và xử lý trên nguyên tắc đúng pháp luật và tín ngưỡng.

Việc Hội đồng Trị sự GHPGVN ban hành văn bản để bác bỏ, phủ nhận sư Minh Tuệ không phải là “tu sĩ Phật giáo” với cách hành văn nặng nề gây cho người đọc cảm giác phản cảm và tổn thương một người tu hành, văn bản đã biến một người tu hành bình thường trở thành người dối trá trong mắt mọi người bằng những câu từ lưng chừng, cắt khúc?

Phật dạy chúng sinh “Hãy thắp đuốc lên mà đi”, đừng nương tựa ai mà hãy nương tựa vào Pháp, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một cái gì khác” và câu “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”, cho thấy rằng mỗi người đều có thể nương tựa vào Chánh pháp để tu tập, tu học hướng đến đời sống giác ngộ, giải thoát mà không cần phải lệ thuộc vào ai, vào tổ chức nào, con người đều có thể thành Phật nếu nói được như Phật, làm được như Phật, sống được như Phật và giải thoát được như Phật.

Việc chỉ chấp nhận, thừa nhận những người tu trong tổ chức chùa chiền mới là người tu sĩ, phản bác người tu tập bên ngoài là việc làm mang tính cục bộ, ngược lại với lời dạy Đức Phật vì Người luôn khuyến tấn mọi người tu học để giải thoát đau khổ, thoát khỏi sinh tử luân hồi, việc tu tập không của riêng ai vì mỗi một cá nhân thực hành tu học theo Đức Phật, trở thành người tu sĩ Phật giáo đều là ngọn đèn soi sáng cho bản thân và mang lại những giá trị tốt đẹp trong cộng đồng xã hội.

Lời kết:

Trong văn bản số 151/HĐTS-VP1 ngày 16/5/2024 của Hội đồng Trị sự GHPGVN có ghi “Qua tìm hiểu xác minh, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN khẳng định người đàn ông này không phải tu sĩ Phật giáo”.

Từ những dẫn chứng nêu trên, cho thấy rằng văn bản số 151/HĐTS-VP1 của Ban Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam khẳng định sư Minh Tuệ không phải là “Tu sĩ Phật giáo” là không chính xác, mặc dù sư Minh Tuệ không nhận mình là tu sĩ Phật giáo, nhưng dựa vào các căn cứ Pháp luật, Kinh điển Phật giáo, quá trình tu tập của sư Minh Tuệ như đã nêu trên cho thấy sư Minh Tuệ là người có đầy đủ quyền tự do tín ngưỡng Tôn giáo và là “Tu sĩ Phật giáo” đúng theo tinh thần nhà Phật và không trái quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, GHPGVN chỉ có thẩm quyền thông báo kết luận “ông Minh Tuệ không phải tu sĩ thuộc GHPGVN” chứ không đủ thẩm quyền để kết luận người đó không phải là “Tu sĩ Phật giáo”. 

Chúng tôi hoàn toàn tán thán và đồng tình với nội dung công văn của Ban Tôn Giáo Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng tụ tập đông người gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến con đường tu tập của nhà sư Minh Tuệ. Tuy nhiên đối với văn bản của Ban Trị sự Giáo hội PGVN ban hành với lối hành văn và nội dung còn nhiều điểm chưa chính xác, lý giải chưa thỏa đáng làm ảnh hưởng đến bản thân người tu hành như nhà sư Minh Tuệ là điều cần phải xem xét, điều chỉnh và khắc phục để hợp lòng tín chúng nhân dân. 

  

Tác giả An Tường Anh

 

 

                                                                                                        

 

***********

Xem bài liên quan:

🌷Hãy là những người mộ đạo văn minh

🌷Tu Theo Hạnh Đầu Đà Hay Nhập Thế Độ Sanh?

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
25/09/2008(Xem: 6145)
Kể từ ngày Giáo chỉ số 9 do Đức cố Đệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang ban hành nhằm thiết lập Văn phòng II Viện Hóa Đạo và kiện toàn nhân sự cùng lập trường GHPGVNTN tại hải ngoại, bỗng nhiên xuất hiện một số chư Tăng và Cư sĩ tỏ ý bất khâm tuân Giáo chỉ của Đức Tăng thống.Từ sự bất khâm tuân Giáo chỉ số 9, chư vị nói trên hoặc đứng ra tổ chức Giáo hội dưới danh xưng khác, hoặc tiếp tục tiếm danh Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Đó là trường hợp của Cộng đồng Phật giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Canada của Thượng tọa Thích Bổn Đạt, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Úc Đại Lợi – Tân Tây Lan của các vị Hòa thượng Thích Như Huệ, Hòa thượng Thích Bảo Lạc, Thượng tọa Thích Quảng Ba, v.v... và
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]