Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Trao đổi với ông Dương Ngọc Dũng qua bài: “ Đi tu mà có 300 tỷ là trái luật Phật giáo, không biện luận được ”

23/10/201921:24(Xem: 4967)
  • Tác giả :
Trao đổi với ông Dương Ngọc Dũng qua bài: “ Đi tu mà có 300 tỷ là trái luật Phật giáo, không biện luận được ”



hoa_sen



TRAO ĐỔI VỚI ÔNG DƯƠNG NGỌC DŨNG
QUA BÀI 'ĐI TU MÀ CÓ 300 TỶ LÀ TRÁI LUẬT PHẬT GIÁO, KHÔNG BIỆN LUẬN ĐƯỢC'.


Mấy ngày qua, kể từ khi xuất hiện bài viết 'Đi tu mà có 300 tỷ là trái Luật Phật giáo, không biện luận được'đăng trên báo Zing ngày 12/10/2019 của nhà báo Hoài Thanh phỏng vấn ông TS. Dương Ngọc Dũng[i] xoay quanh câu chuyện nhà sư Thanh Toàn đã gây nhiều chú ý của dư luận thời gian qua. Tôi cũng như bao nhiêu tăng ni và Phật tử, vốn ít khi muốn xen vào chuyện thị phi của báo giới, thế nhưng nếu như ai cũng im lặng, để cho cái sai trái trở nên chiếm ưu thế thì đó hẳn là điều có lỗi với lương tâm. “Thế giới phải chìm đắm trong đau khổ không phải vì tội ác của những kẻ xấu, mà là vì sự im lặng của những người tốt” (Napoleon), nên tôi phải viết bài viết này, chỉ ra những cái sai trong phát ngôn của ông. Tôi sẽ không làm cái việc chỉ trích đời tư cá nhân của ông có liên hệ với Phật giáo trong quá khứ, như chuyện của ông và nhóm Giao Điểm, mà tôi chỉ bàn luận những luận điệu sai trái của ông trong bài viết trên mà thôi. Tôi đã đọc rất nhiều ý kiến phẫn nộ trên mạng xã hội về những phát ngôn của ông, có người cho rằng ông không xứng đáng để gọi bằng ông hay tiến sĩ, nhưng thôi, tôi vẫn sẽ gọi ông bằng ông cho phù hợp chừng mực của những con người tiến bộ với nhau. Còn cái học vị tiến sĩ hay các chức danh nghề nghiệp của ông như sau bài báo thì tôi cho rằng không cần quan tâm, bởi trong hoàn cảnh này nó không phù hợp và nó không nói lên điều gì cả. Nhân cách và đúng sai không phụ thuộc vào học vị hay vị thế xã hội. Bất kỳ ai cũng có thể có sai lầm và những phát ngôn thiếu cẩn trọng, nhưng điều đó đáng trách hơn với người có học vị tiến sĩ như ông, là người có địa vị và sự ảnh hưởng trong xã hội nên tuyệt nhiên không thể tùy tiện phát biểu những điều không thuộc chuyên môn của mình. Tiếc thay, ông đã làm cái điều không nên làm ấy.

                Cái sai đầu tiên của ông đó là hùa theo sự lên đồng tập thể của báo chí, sự hàm hồ của cả những tờ báo lớn khi cứ liên tục chĩa mũi dùi dư luận vào chuyện “ sư Thanh Toàn có 200-300 tỷ” mà không trưng ra được cứ liệu nào thuyết phục cho nhận định đó. Qua tìm hiểu, tôi cho rằng không có căn cứ nào cả, mà chỉ thông qua một đoạn clip xuất hiện trên mạng xã hội do chính các sư tự quay trong một cuộc họp nội bộ ngày 5/10/2019. Nhiều người đã vồ lấy rồi suy diễn theo nhiều chiều hướng khác nhau, trong khi chưa có một kiểm chứng nào. Các nhà báo và ông mặc nhiên xem đó là sự thật với con số định lượng tròn trĩnh. Sự thật thì sao? Cho tới nay, các cơ quan chức năng mới xác minh thầy Thích Thanh Toàn lúc còn làm trụ trì chùa Nga Hoàng đã có hoạt động mua bán, chuyển nhượng đất đai với người dân ở xã Hợp Châu, với tổng diện tích là 5.790,9m2  đất ruộng. Xin hỏi ông: 300 tỷ ấy bao gồm những gì ? Bao gồm bao nhiêu tiền gửi ngân hàng, bao nhiêu USD, bao nhiêu VND, hay tài sản nào khác ? Hay 300 tỷ là giá của mảnh đất chưa đến 6000m2 đó ? Nếu thế thì căn cứ vào đâu để các ông định giá chắc nịch như vậy ? Tờ báo nào cũng giật tít như đúng rồi với những câu chữ khó chịu nhất, hướng dư luận đến những suy diễn xoay quanh tài sản khủng 300 tỷ mà chẳng ai thấy cũng chẳng ai kiểm chứng. Đó là sự hàm hồ thiếu thận trọng hay là sự lưu manh giả trá thưa ông và các nhà báo ?

                Tiếp theo, mở đầu bài báo, trả lời câu hỏi của phóng viên “việc sư Thích Thanh Toàn xin hoàn tục và giữ lại tài sản hàng trăm tỷ có đi ngược lại với đạo lý nhà Phật không?”. Ông nói: “Phật giáo Việt Nam chủ yếu theo truyền thống Tứ Phần Luật như Trung Quốc. Trong đó quy định việc nhà sư có quyền có tài sản cá nhân, tư trang nho nhỏ như quần áo, dụng cụ cá nhân; nếu mà hiện đại sẽ có thêm máy tính, tivi.” Xin hỏi ông, ông tìm thấy chỗ nào trong Luật Tứ Phần những quy định về tài sản của nhà sư mà ông kể ra đấy, hay đó là quan điểm cá nhân của ông ? Tôi cam đoan là ông chẳng thể tìm ra, bởi vì có đâu mà tìm. Để tôi nhắc lại cho ông nhớ, theo luật thì cái có thể gọi là tài sản của tỳ khưu chỉ có 3 y và 1 bình bát để đi khất thực, có thêm tọa cụ và lọc nước chứ không có tư trang nào cả, càng không thể “có thêm máy tính, ti vi”, chẳng riêng gì luật Tứ phần mà 4 bộ quảng luật còn lại cũng tương tự, chẳng thể nào có máy tính, ti vi như ông nói khi hoàn cảnh ra đời của các bộ luật là 26 thế kỷ trước. Vậy thì căn cứ nào để ông thêm vào những thứ tài sản mà tu sĩ có thể sở hữu là máy tính, ti vi ? Ngoài máy tính, ti vi thì nhà sư còn được phép sở hữu gì nữa không ?

                Ông Dương Ngọc Dũng nói tiếp : “Tuy nhiên, theo Tứ Phần luật, Tăng ni không được giữ tiền, vàng, đá quý... và không được tham gia kinh doanh, buôn bán. Luật rất nghiêm túc về chuyện này” . Luật quy định tăng ni không được giữ tiền, điều này là đúng và hiển nhiên, tăng ni nào cũng biết và tôn trọng trên tinh thần trí tuệ, thưa ông. Nhưng Ông nói “Luật rất nghiêm túc về chuyện này” thì có vấn đề, luật thì tất nhiên là nghiêm túc, xin hỏi ông luật nào không nghiêm túc ? Nhưng người hiểu biết đều hiểu rằng để thực thi áp dụng luật vào thực tế sẽ còn gặp nhiều vấn đề phát sinh mà trong luật chưa rõ hoặc chưa cập nhật sửa đổi kịp, chính vì vậy mới phải xuất hiện các văn bản dưới luật như nghị định hướng dẫn thi hành luật, như cách của nhà nước hiện đại đang áp dụng. Nhưng thử hỏi ông, luật do Phật chế định cách đây 26 thế kỷ, được tôn trọng giữ gìn từ ấy đến nay, thời gian và hoàn cảnh xã hội trải qua ngần ấy thời gian đã có những thay đổi lớn đến thế nào chắc ông cũng biết. Nếu ông thực sự có tìm hiểu Luật Tứ Phần, ắt ông cũng tìm thấy những điều không còn hợp lý trong luật khi áp dụng vào hoàn cảnh xã hội hiện nay. Thưa ông, toàn thể tăng đoàn không phải không biết những bất cập ấy trong luật, không phải là không thể cập nhật như cách mà quốc hội sửa đổi bổ sung luật, mà họ quyết định tôn trọng giữ gìn nguyên vẹn bộ luật ra đời từ 26 thế kỷ trước, mặc cho những bất cập cứ tồn tại. Tinh thần giới luật vẫn được tôn trọng và tiếp nối xưa nay, đó là dựa vào tính chất của giới luật là giải thoát chứ không phải sự ràng buộc vô lý. Đức Phật chỉ ra rằng trong mười thứ phiền não trói cột con người trong vô minh, có một thứ phiền não nguy hiểm gọi là “giới cấm thủ”, là sự chấp chặt thiếu trí tuệ vào những điều răn cấm không phù hợp với hoàn cảnh mà lẽ ra nó cần phải thay đổi.

                Giới luật Phật chế là để phù hợp với hoàn cảnh xã hội Ấn Độ của 26 thế kỷ trước. Giới luật nhà Phật không hề cứng nhắc và máy móc. Trước khi Niết-bàn Ngài còn dặn dò A-nan tùy hoàn cảnh mà ngoài 4 giới trọng không được thay đổi ra, các tiểu tiết có thể thay đổi cho phù hợp. Thực tế thì chỉ 100 năm sau đã bắt đầu nảy sinh cái gọi là "10 điều phi pháp" trong nội bộ tăng đoàn, trong đó có việc tăng sĩ cất giữ tiền bạc. Và ngày nay thì 10 điều phi pháp đó đều chẳng còn trở thành vấn đề để tranh cãi nữa, vì mặc nhiên nó trở thành "hợp pháp" bất đắc dĩ rồi, không thể khác được, dù nó trái với giới luật nhưng cũng chưa từng có ai sửa luật để nó trở nên hợp pháp cả, ngày nay cũng khó có thể tìm thấy một truyền thống Phật giáo nào tuân thủ hoàn toàn điều giới này, trừ những vị ẩn tăng chỉ chuyên tâm thiền định trong rừng vắng thì dĩ nhiên chẳng cần dùng đến tiền bạc, có giữ tiền cũng vô ích. Ngoài ra, Phật giáo Bắc Truyền chủ trương nhập thế tích cực, thực hiện tinh thần Bồ tát hạnh, dùng mọi phương tiện để đưa chúng sinh về với con đường chân chính, thì không thể không cất giữ tiền bạc. Thực tế đã cho thấy, từ việc cố chấp thủ giới cấm không cất giữ tiền, nếu giao cho cư sĩ cất giữ và quản lý hộ tiền của Tam Bảo thì nếu người ấy không nảy sinh lòng tham thì cũng nảy sinh dèm pha dị nghị và không tin tưởng từ những người tín thí.Từ việc tăng ni cất giữ tiền bạc từ 26 thế kỷ trước đến việc tăng ni ngày nay thay mặt giáo hội quản lý tài sản và đứng tên chủ quyền đất đai cũng không khác về bản chất, chỉ khác ở quy mô, cũng đều không đúng hoàn toàn với giới luật và truyền thống của Phật giáo ban đầu, nhưng tinh thần căn bản của giới luật là “biệt giải thoát” thì luôn được tôn trọng và giữ gìn.Vị sư đó chỉ có lỗi khi lạm dụng tài sản của Tam bảo cho mục đích tiêu xài hưởng thụ cá nhân, còn như vị ấy cất giữ tiền bạc để phụng sự và làm hưng thịnh ngôi chùa mình thì là điều đương nhiên, đó là một vị sư có trách nhiệm  và đáng khen ngợi.

Thời Phật còn tại thế, chư tăng sống bằng cách khất thực, ngày ăn một bữa, ngủ dưới gốc cây trong rừng, có vị thì du hóa khắp nơi rày đây mai đó, nên không cần giữ tiền, không cần chùa là đương nhiên. Nhưng hoàn cảnh xã hội thay đổi từng ngày, nếu ông là người có tìm hiểu Phật giáo Ấn Độ thì cũng biết rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến sự suy tàn và diệt vong của Phật giáo tại Ấn Độ là sự chấp thủ vào những điều không còn phù hợp, không chịu thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh. Rồi ông nói nhiều đến Phật giáo Trung Quốc, thì ông cũng phải biết rằng quá trình Phật giáo du nhập vào Trung Hoa đã phải trải qua những biến chuyển và tiếp biến văn hóa như thế nào để hình thành nên một nền văn hóa Phật giáo như vậy. Tăng sĩ đã phải cải biến từ y phục cho đến ăn chay, từ khất thực du hóa đến xây chùa to Phật lớn, từ không được lao động buôn bán đến “nhất nhật bất tác nhất nhật bất thực”...những cái đó đều là “vi phạm giới luật” đó thưa ông ! Vậy có phải “Luật rất nghiêm túc về chuyện này” như ông nói ? Thế nhưng những người có trí tuệ đều không ai không hiểu rằng nguyên nhân của việc ấy là do đâu. Các ông có bao giờ thử nghĩ Phật giáo ngày nay nếu không có chùa để thờ Phật; tăng ni đi xin ăn rồi ngủ bờ ngủ bụi dưới gốc vây ven đường, nay đây mai đó, bệnh tật rình rập và bẩn thỉu; Phật tử vì vậy cũng chẳng có chỗ nào để thể hiện niềm tin và học hỏi giáo pháp, “Phật tại tâm cần gì đến chùa !”, “chiếc áo không làm nên ông thầy tu”...một đạo Phật như vậy thì các ông mới vừa lòng chăng ?Như vậy mới là tuân thủ đúng giới luật chăng ? Như vậy mới là tu đúng chăng ?

Ông phát biểu “Nhà sư đã vào trong chùa là sống cuộc đời thanh tịnh, ăn chay thì không cần phải tiêu xài, chỉ cần số tiền nho nhỏ để dùng lặt vặt. Do đó, việc sư Thích Thanh Toàn không những có tài sản mà còn tham gia kinh doanh, làm cho số tài sản đó lớn lên thành số tài sản khủng như hiện nay thì hoàn toàn trái với giới Luật Phật giáo, không còn điểm nào có thể biện luận được.”. Tôi thật không thể hiểu nổi vì sao ông có thể phát biểu thiển cận như thế này. Thời đại ngày nay, mọi thứ đều phải trau đổi bằng tiền, nếu không phải tiền mặt thì cũng bằng các phương thức thanh toán hiện đại khác. Tôi không tưởng tượng nổi trong suy nghĩ của ông và rất nhiều người mang tư tưởng cực đoan khác thì đời sống của một tu sĩ trong chùa sẽ như thế nào, ông tự phán quyết nhà sư phải sống như thế này như thế kia mà không nhìn vào thực tế đời sống ra sao. Đời sống con người, nhất là ở xã hội hiện đại ngày nay phải chăng chỉ có nhu cầu ăn, mà ăn chay thì cũng phải tốn tiền để mua và cũng khá tốn kém. Còn bao nhiêu thứ chi phí có thể liệt kê và không thể liệt kê khác nữa cho các sinh hoạt cơ bản hàng ngày, tôi không nghĩ là ông không biết. Ở đây, ông Thanh Toàn còn là trụ trì của ngôi chùa, ông ấy không giữ tiền thì ai giữ ? Trụ trì là người thay mặt giáo hội giữ gìn và phát triển ngôi chùa, thay mặt giáo hội quản lý và sử dụng tài chính của ngôi chùa. Ông có biết những gánh nặng kinh tế để duy trì và phát triển ngôi chùa đè lên vai của những vị trụ trì như thế nào không ? Không giữ tiền, không có tiền thì lấy gì tu bổ chùa, lấy gì xây dựng các công trình phụ trợ để sinh hoạt cho Phật tử, lấy gì đóng tiền điện, nước, gaz, điện thoại, xăng dầu...Còn nếu ông bảo tu sĩ không được tham gia kinh doanh, làm cho số tài sản đó lớn lên; nếu đứng trước một nhà sưvừa là chủ tịch hội đá cảnh, đá phong thủy Việt Nam ở TP.HCM, hàng tháng thầy đem đá bán để duy trì lớp học đặc biệt ở chùa suốt 10 năm dạy miễn phí  ngoại ngữ cho sinh viên nghèo[ii], hay sư cô nghèo tụng kinh ở các đám tang để kiếm tiền nuôi tám đứa trẻ bệnh[iii] thì việc giữ giới đó thật vô nghĩa và ích kỷ, chỉ lo “giữ giới” cho mình như vậy thì ích gì, phải không ông ? Chỉ ngồi không, chờ nhận sự cúng dường tùy tâm của thí chủ thì bị ông cho là ăn bám xã hội, đi tu là vào chùa để khỏi phải lao động; còn nếu buôn bán công việc nhẹ nhàng (vì ăn chay không đủ sức làm công việc nặng nhọc) thì ông bảo là tu sĩ không được phép làm kinh doanh. Tu sĩ phải sống như thế nào mới vừa lòng đây thưa ông ?

Trong quan niệm của ông và một số người, cần gì chùa to Phật lớn, đi tu thì không được cất giữ tiền bạc, ngày đêm tụng kinh gõ mõ, ăn chay niệm Phật. Thế thì Phật giáo trở nên thế nào đây ? Tu sĩ khác gì những ông từ canh giữ chùa, quanh quẫn quanh năm không ra khỏi lũy tre làng. Ngày xưa nếu không phải chùa làng do dân làng góp tiền xây, những ngôi chùa lớn được sự bảo trợ và chu cấp của hoàng tộc và quan chức triều đình; nếu ngày nay nhà nước bảo trợ, chu cấp cho tăng ni hoàn toàn, đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt và học hành của tăng ni, đáp ứng nhu cầu xây dựng phát triển tự viện đáp ứng được nhu cầu tu học, bao giờ làm được việc đó thì chuyện đặt vấn đề tăng ni không được cất giữ tiền bạc cũng sẽ không còn cần thiết nữa. Có bao giờ ông và nhà báo đặt vấn đề mỗi năm Phật giáo Việt Nam làm từ thiện hơn 1000 tỷ đồng thì tiền đó ở đâu không ? Đơn cử Phật giáo Tp.HCM năm 2018 làm từ thiện trên 749 tỷ đồng, tăng ni không được cất giữ tiền thì lấy đâu ra số tiền cho công tác từ thiện như vậy ? Giáo hội có Ban Kinh tế Tài chính để làm gì, tiền ở đâu để giáo hội hoạt động ? Nói gì đến việc tổ chức những sự kiện trọng đại và tầm cỡ như Vesak.  Hay ông cũng nói: tu thì cần gì giáo hội, cần gì quan hệ quốc tế, cần gì Vesak...?

Nói về sư Thanh Toàn với vai trò là trụ trì, nhờ các quan hệ cá nhân và sự cúng dường mà mua gần 6000m2 đất liền kề chùa, mục đích để mở rộng đất chùa và nhiều dự định khác như tổ chức khóa tu và viện dưỡng lão, trong khi diện tích chùa vốn có chỉ 800m2. Việc làm đó chẳng những không có vấn đề gì mà còn đáng khen ngợi, từ một ngôi Tam Bảo chật hẹp ông ấy đã mua đất ruộng rồi đổ cát lên, xây nhiều hạng mục lớn, trong đó có tam bảo lớn khoản 2000m2 và dãy nhà 3 tầng, cùng nhiều khu nhà ở, phòng khách…. với khung cảnh khá đẹp. Sư Toàn đã bỏ nhiều công sức và tâm huyết cho ngôi chùa. Nhiều người sẽ nói “ tiền đó của thập phương bá tánh chứ phải tiền Sư Toàn đâu ? ”Vâng, tất nhiên đó là tiền của bá tánh, nhưng nếu không có sư Toàn thì có bá tánh nào xây không? Có ai mang tiền đến không? Có cư sĩ nào đủ uy tín đứng ra góp tiền xây dựng không ? Trong video sư nói xin trang trại làm để trả nợ và nuôi các cháu ăn học, các người trong bệnh viện…Các vị lấy lý lẽ sư sau khi hoàn tục không được mang bất cứ thứ gì về, tất cả trả về cho Giáo hội, vậy nếu vị sư ấy vay mượn tiền của người thân và Phật tử để mua đất, mở rộng diện tíchđất chùa và xây dựng chùa, các khoản nợ đó sau khi sư hoàn tục thì Giáo hội và bá tánh có trách nhiệm trả nợ thay hay không? Chính quyền địa phương có đòi giao lại để trả nợ giúp cho không ? Hay cứ ông có tài sản là phải giao lại, còn nợ thì là của ông !? Trong thời gian tu hành, vị trụ trì đi ứng phó đàn tràng, cúng lễ cho các thí chủ bằng uy tín và quan hệ cá nhân của mình (ngoài các lễ nghi được thực hiện trong chùa), thí chủ tuỳ tâm cúng dường riêng cho vị thầy kia, thì tài sản đó được xem là tài sản cá nhân. Các tài sản do người thân cho, biếu, tặng, hay cúng dường cho vị tăng đều được xem là tài sản cá nhân.Vị thầy ấy có thể dùng tài sản cá nhân để phát triển chùa, nhưng không được dùng tiền công đức chùa để tiêu xài cá nhân. Nếu sư Thanh Toàn đã dùng tiền cá nhân ấy vào việc mua đất và xây dựng chùa thì thế nào ? Nói như vậy để thấy việc phân định giữa tài sản riêng và tài sản chung là một vấn đề không dễ để hợp tình hợp lý, không nên vội phán quyết theo chủ quan và cảm tính.Chung quy thì đó cũng là việc của nội bộ của giáo hội chứ cũng không có căn cứ pháp luật để can thiệp.

Tôi cũng sẽ không bàn đến chuyện sư Thanh Toàn nói rằng đó là một cạm bẫy của nữ nhà báo như trong clip, mà các nhà báo đã lờ đi. Có việc đó hay không, thì việc ông sư Thanh Toàn thừa nhận đã “ngã ngựa” là điều mà tôi và giáo hội không hề bênh vực. Căn cứ theo giới luật thì vi phạm của ông Thanh Toàn có thể sám hối,vẫn chưa mất tư cách một thầy tỳ kheo, do ông ấy tự nguyện xin hoàn tục. Nhưng việc nào ra việc ấy, khi ông Dương Ngọc Dũng và báo chí có những lời lẽ không còn là để nói về sư Thanh Toàn mà trở nên xúc phạm đến những người tu hành còn lại. Ai cũng biết rằng “Ở đâu cũng có người này người kia”, tất nhiên tôi cũng không hề lấy đó để bênh vực gì cho những sai phạm của một số tăng sĩ. Nhưng đó là một sự thật hiển nhiên mà không ai và không tổ chức nào có thể kiểm soát được, và vĩnh viễn cũng như thế. Chuyện những sự tệ hại phát sinh trong tăng đoàn từ xưa đến nay chẳng phải là hiếm, vẫn còn lưu lại trong sử sách, nhưng giữa một tổng thể thì đó cũng chỉ là những vết mực đen giữa những trang giấy trắng vẫn còn rất giá trị. Vết mực đen thì không thể xóa đi, nhưng nếu chỉ nhìn vào đó mà miệt thị chê bai không tiếc lời và đòi vứt bỏ tờ giấy kia thì có phải là việc làm của người có trí tuệ ? Giữa một thế giới phẳng với những phương tiện truyền thông hiện đại như hiện nay, thì vết mực nhơ kia được lan truyền với tốc độ và quy mô chóng mặt, với những trò tập kích truyền thông và dẫn dắt dư luận, khiến người ta choáng ngợp và nghĩ rằng “chưa có thời nào Phật giáo tệ hại như lúc này”.Sự thực mà tôi chắc rằng ông và tất cả những người không có thiện cảm với sư tăng đều phải công nhận rằng: Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã không hề bao che cho những sai phạm của tăng ni trong phạm vi quản lý của mình. Còn những thành phần giả sư hay không thuộc quản lý của giáo hội thì không bàn. Qua những vụ việc gần đây, những vi phạm giới luật của một số tăng sĩ đã có những xử lý thích đáng, hợp lý và hài lòng dư luận. Vậy thì các ông đòi hỏi điều gì ở giáo hội ? Đòi hỏi sự hoàn hảo ở một tổ chức có hơn 50.000 thành viên phải chăng là khả thi ? Ông có chắc là quản lý được con cái của ông để nó không phạm lỗi không ? Xin hỏi các ông: vài trường hợp tu sĩ vi phạm kia với con số 50.000 tăng ni thì có đáng lên án cả một tập thể không ? Có phải Giáo hội cổ xúy và dung dưỡng cho nhữngđiều sai trái ? Đừng lấy một vài trường hợp, cá nhân mà quy chụp, bôi nhọ, đánh giá tất cả tăng ni. Ai làm thì nấy chịu, nhân quả công bằng và rõ ràng, đó mới là đạo lý xưa nay.

                Tiếp theo là ông ca ngợi Phật giáo Trung Quốc : “Nhìn sang Trung Quốc, các chùa ở đây có sổ sách ghi chép đàng hoàng. Chùa có hẳn một vị phụ trách về chuyện chi tiêu, mua tương, mua dầu, đậu phụ, nhang, đèn, cúng kiếng... đều ghi rõ và trình báo cho phương trượng (sư trụ trì). Tổ chức trong chùa ở Trung Quốc rất quy củ, hệ thống quản lý chùa rất chặt chẽ”. Có vài vấn đề ở đây cần nói với ông, thứ nhất, truyền thống văn hóa và sinh hoạt trong tòng lâm tự viện ở Trung Quốc từ xưa đến nay không giống Việt Nam.Phật giáo ở mỗi nước có đặc thù riêng.  Việc lấy cách quản lý tự viện của một nước khác, một xã hội khác, một văn hóa khác làm tiêu chuẩn để  phê phán Phật giáo ở Việt Nam là việc làm hợp lý chăng? Là một nhà nghiên cứu thuộc lĩnh vực KHXH và NV chắc ông cũng thừa hiểu là cần phải tôn trọng và bình đẳng truyền thống văn hóa giữa các quốc gia, đó là xu hướng thời đại và hết sức căn bản. Thứ hai, không biết ý ông muốn nói đến Phật giáo Trung Quốc ở vào thời kỳ nào, nếu ông lấy Phật giáo Trung Quốc hiện nay làm chuẩn mực để so sánh thì ông càng sai lầm. Như một thầy đã phản bác ông: Nếu “ Tổ chức trong chùa ở Trung Quốc rất quy củ, hệ thống quản lý chùa rất chặt chẽ” tốt như Ông nói thì ắt hẳn Phật giáo Trung Quốc rất là hưng thịnh và phát triển lắm. Nhưng Ông có biết rằng Phật giáo Trung Quốc hiện nay chỉ là cái xác không hồn, chí ít là so với Phật giáo Việt Nam ta thì kém xa rất nhiều. Những gì mà Phật giáo Việt Nam làm, cả trong ngàn năm quá khứ cũng như hiện nay, không phải chỉ có Phật giáo Trung Quốc mà ngay cả Phật giáo trên thế giới cũng phải cúi đầu cung kính. Bộ ông không thấy điều này sao mà đi so sánh Phật giáo Trung Quốc với Phật giáo Việt Nam như vậy?[iv]. Ông không biết hay là ông giả vờ không biết Phật giáo Trung Quốc gần đây xảy ra những chuyện gì, để tôi nhắc cho ông nhớ vài “thành tích” của Phật giáo Trung Quốc gần đây: Loạt bài phóng sự điều tra của báo Tuổi Trẻ vào năm 2005 về hoạt động kinh doanh của Chùa Thiếu Lâm và bê bối tình dục của phương trượng chùa này; hay mới đây nhất là scandal quấy rối tình dục  của ông Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc khiến ông ta phải từ chức[v]...Bấy nhiêu đó chắc cũng đủ rồi nhỉ thưa ông ! Người đứng đầu Phật giáo Trung Quốc đấy chứ cỡ ông Thanh Toàn thì chẳng đáng để kể ra. Lẽ ra tôi không “vạch áo cho người xem lưng” làm gì, những cái đó có tốt đẹp hay ho gì đâu, khủng hoảng của Phật giáo Trung Quốc cũng khiến chúng tôi đau lòng và xót xa, nhưng đó lại là một câu chuyện khác, tôi không nên sa đà vào; nhưng tôi phải dẫn chứng ra để cho ông thấy họ “quy củ, chặt chẽ” thế nào. Thứ ba, ông có một cuộc khảo sát điều tra nào về cách quản lý tài chính của trụ trì các chùa chiền ở VN chưa mà tuyên bố: “Hệ thống của họ rất quy củ chứ không phải như ở Việt Nam, hầu hết khá xuề xòa”? Nếu chưa, xin đừng nói điều mà mình không biết hoặc không chắc chắn.

                Không thể chấp nhận được khi ông bàn về cái mà ông gọi là “nghề tu”, bằng lời lẽ hồ đồ và chụp mũ: “Có rất nhiều người xem việc tu hành như một nghề kiếm sống”.Trước hết, cách nói “có rất nhiều người” là một kiểu xúc phạm mà thoạt nghĩ như không xúc phạm ai cả, chẳng ai biết “rất nhiều” là bao nhiêu, là những ai. Kiểu quơ đũa cả nắm rồi bảo “ai có tật thì giật mình” vừa “ngây thơ” như trẻ con mà cũng lại vừa thâm hiểm, vì không ai có thể phản bác ( có căn cứ nào đâu mà phản bác) vừa cảm thấy xúc phạm. Nó cũng giống như người ta nói “Có rất nhiều tiến sĩ giấy mua bằng cấp chứ học hành gì ”, ông có cảm thấy chột dạ khi bị quơ đũa cả nắm như vậy không ? Vì ông không phải là người xuất gia nên không hiểu được cái thiêng liêng của chí nguyện xuất gia là điều tôi không trách, nhưng ông bảo đó là một cái nghề thì tất cả tăng ni sẽ đứng lên phản đối ông đã xúc phạm họ. Bản thân người xuất gia chưa bao giờ xem đó là một cái nghề, mà là cả cuộc đời, đó là lý tưởng, là chí hướng xuất trần thượng sĩ, nguyện bỏ cả cuộc đời để phụng sự cho Phật pháp, cho chúng sinh, cho con đường giác ngộ giải thoát. Không thiếu những người thành đạt trong cuộc sống cả về tiền bạc và địa vị xã hội đã tìm đến con đường xuất gia, họ cần tìm cái nghề để kiếm sống chăng ? Đã là cái nghề thì phải có lương hoặc là một nguồn thu nhập ổn định, ông đi điều tra xem tăng ni có ai trả lương hay họ có thu nhập ổn định không ? Hay tăng ni ngày nay vẫn phải sống nhờ vào lòng hảo tâm cúng dường của thí chủ đàn na ?

                Đỉnh điểm của sự xúc phạm là khi ông phát ngôn “Người không có công ăn việc làm, mồ côi hoặc nghèo nên cha mẹ gửi vào chùa. Từ chuyện đáng lẽ chết đói đi ăn xin ngoài đường thì đột nhiên vào chùa có sư nuôi rồi được thiên hạ đến cúng. Mới hôm qua người ta gọi mình bằng "thằng", nay chỉ cần cạo đầu, mặc bộ đồ lam tự nhiên được gọi bằng "thầy", có chỗ ở, được cho đi học, đi tới đâu người ta kính nể tới đó thì hỏi có thích không? Họ chỉ mượn bóng cửa thiền để trải qua cuộc sống một cách dễ chịu thay vì phải tự mình đi lao động ở ngoài”.  Tôi thật ngỡ ngàng, không thể tin được ở vào thế kỷ XXI, loài người đã có một bước tiến dài của tiến bộ và bình đẳng giữa con người với con người, lại có một ông tiến sĩ được đào tạo ở trời Tây có thể phát ngôn phân biệt và kỳ thị như đang sống ở thời Trung Cổ như vậy. Điều gì làm nên giá trị của Phật giáo, làm cho Phật giáo được yêu mến và tồn tại đến ngày nay? Đó chính là tinh thần từ bi và bình đẳng mà ít có tôn giáo nào sánh được. Cách đây 26 thế kỷ, tại Ấn Độ, một xã hội với sự phân biệt giai cấp nặng nề, đã xuất hiện một vị thái tử ngày đêm ưu tư về những bất công và những nỗi thống khổ của con người mà quyết xuất gia tìm đường giác ngộ. Sau khi thành đạo, Ngài xiển dương một tôn giáo không có giai cấp, không có phân biệt đối xử giữa người với người. Đối với tăng đoàn, chưa bao giờ có sự phân biệt xuất thân của một thầy tỳ kheo trước kia như thế nào, hễ trở thành tăng thì đều bình đẳng như nhau. Bởi vậy, hàng đệ tử xuất gia bao gồm tất cả các hạng người trong xã hội: từ chàng gánh phân Ni-Đề cho đến anh thợ cắt tóc Ưu-Ba-Li, từ cô kỹ nữ Liên Hoa Sắc đến tướng cướp Vô Não, từ đứa bé 10 tuổi La-Hầu-La đến ông lão Tu-Bạt-Đà-La 120 tuổi, từ thông minh và quý tộc như A-Nan cho đến đần độn như Châu-Lợi-Bàn-Đặc...Đó là sự khác biệt giữa Phật giáo so với các tôn giáo đương thời, tạo nên một cuộc cách mạng giải phóng thân phận con người, đó là lý do người ta đến với Đạo Phật. Ấy vậy mà ông tiến sĩ Dương Ngọc Dũng được đào tạo ở một xứ sở tôn trọng bình đẳng bậc nhất lại có thể phát ngôn như vậy. Xin hỏi ông: thân phận trước kia của những người xuất gia như thế nào có quan trọng không ? có đáng bị sỉ nhục là “chết đói xin ăn ngoài đường” không ? Người ta sinh ra trong thân phận nghèo hèn thì có lỗi gì ? Quá khứ nghèo khó có là sự cản trở cho con đường tu hành giác ngộ không ? Điều tối kỵ cơ bản trong luật chống phân biệt đối xử như vậy thôi ông cũng không biết sao ?Một tôn giáo kêu gọi xóa bỏ phân biệt giai cấp, lại bị ông dùng con mắt phân biệt để kỳ thị về xuất thân thì có hợp lý không  ?

Cuối cùng ông nói “Đừng tuyệt đối hóa vai trò của nhà sư, cũng không nên bôi bác họ khi chưa có bằng chứng...”, tôi thật không hiểu “tuyệt đối hóa vai trò của nhà sư” mà ông muốn nói là gì, bởi tôi chẳng thấy có ai tuyệt đối hóa vai trò của nhà sư như vậy cả (?!).  Ông nói một đường làm một nẻo, trước sau bất nhất, chính ông và nhà báo đã bôi bác và xúc phạm người xuất gia chân chính còn lại từ chuyện “trời ơi đất hỡi” 300 tỷ, ông đã mượn gió bẻ măng, có những phát ngôn thiếu chừng mực và thiếu thận trọng cần có của một người trí thức chân chính.

                Phật giáo Việt Nam đang trên đà phục hưng và phát triển cùng với vận hội mới của đất nước, rất cần sự nỗ lực đoàn kết và tinh thần xây dựng để làm cho Phật giáo ngày trở nên tốt đẹp. Trong quá trình đó, không thể tránh khỏi một vài cá nhân tăng sĩ có những vi phạm về giới luật hay lệch lạc con đường và lý tưởng xuất gia ban đầu, đó là những điều đáng tiếc và xót xa của những người tu chân chính. Nhân cơ hội đó, báo chí truyền thông bằng một cách có chủ ý đã hướng dư luận đến những điều tưởng chừng như đúng rồi như chuyện con số tài sản 300 tỷ ở trên. Tiếc thay những trò tập kích truyền thông đầy tai hại đó đó lại được hưởng ứng của những người có học vị và được xem là có hiểu biết chuyên môn về tôn giáo. Đó là sự giải thích sai lầm và xúc phạm đến hình ảnh những người xuất gia với chí nguyện thiêng liêng. Sẽ là đáng tán dương nếu cùng nhau bàn luận về cái sai cụ thể của một trường hợp cụ thể trên tinh thần xây dựng và tìm ra giải pháp, chứ không phải té nước theo mưa, hùa theo truyền thông để xúc phạm những người còn lại, họ không có lỗi gì để phải nghe những lời chỉ trích cay nghiệt ấy. Tôi hy vọng ông suy nghĩ lại về những phát ngôn của mình, cẩn trọng và giữ tinh thần khoa học trong sáng trong cách tiếp cận tôn giáo, biết khiêm tốn về những hiểu biết của mình. Hy vọng đây chỉ là cá biệt, sẽ không còn một nhà trí thức nào khiến chúng tôi phải lên tiếng nữa. Thân ái chào ông.

T.T.T

               

               

               

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
31/12/2010(Xem: 3940)
Khi thấy những không gian ngập tràn sách trong ngày hội sách đang diễn ra ở nhiều thành phố lớn, lòng tôi rộn lên một niềm vui khó tả. Tôi bỗng nhớ về những ngày chật vật gom từng cuốn sách từ nước ngoài về Việt Nam, thời chúng ta còn hiếm sách.
27/12/2010(Xem: 4131)
Người dịch: Xuất bản lần đầu vào năm 1995 (tái bản 2001), “Phật Giáo và Đạo Đức Sinh Học” (Buddhism and Bioethics) là một đống góp có ý nghĩa của Damien Keown* cho Phật giáo về một đề tài chưa được giới Phật giáo nghiên cứu nhiều trước đó. Nội dung cuốn sách tập trung thảo luận về đạo đức học Phật giáo và liên hệ nó với những vấn đề đạo đức hiện đại như phá thai, hạn chế sinh sản, nghiên cứu phôi thai, trợ tử, việc kéo dài trạng thái sống thực vật.v.v… Cuốn sách cũng bàn đến vấn đề khi nào thì đời sống một con người được xem chính thức bắt đầu, và khi nào cái chết được coi chính thức xảy ra.
24/12/2010(Xem: 5289)
Phật giáo Việt-Nam trải qua nhiều bước thăng trầm. Đời Lý, Trần Phật giáo cực thịnh, là quốc đạo. Triều Lê Phật giáo bắt đầu suy vi. Đến triều Nguyễn Phật giáo sa sút, mất hẳn vị trí trong chính trị văn hóa và xã hội ở Việt-Nam.
19/12/2010(Xem: 4968)
Gần đây có người nói rằng Phật Giáo Đại Thừa là Bà La Môn Giáo, là tà ma ngoại đạo. Thật ra lời nói này không có gì mới lạ, nó đã có từ thời xưa, khi Phật Giáo đang ở trong thời kỳ phát triển. Tuy nhiên, nhằm tránh sự hoang mang cho những người mới bước chân vào đạo Phật và cho những Phật tử không có nhiều thì giờ nghiên cứu về sự khác biệt giữa hai tôn giáo nên chúng tôi viết bài dưới đây. Chúng tôi không có ý so sánh hai tôn giáo lớn của nhân loại, vì việc làm này là của các nhà học gỉa, mà chúng tôi chỉ đưa ra vài điểm khác biệt quan yếu có tính cách nền tảng giữa đạo Phật nói chung, Phật Giáo Đại Thừa nói riêng so với Bà La Môn Giáo.
18/12/2010(Xem: 16039)
Nhận Xét Của Thượng Tọa Thích Đức Thắng Về Quyển Sách: Đường Về Xứ Phật Thích Thông Lạc
08/12/2010(Xem: 5360)
“Tăng ly chúng tăng tàn”, còn chúng tại gia ly chúng xuất gia thì ra sao? Thế nào là “cư sĩ ly tăng”? Đâu là nguyên nhân và đâu là cách giải quyết vấn đề? “Tăng ly chúng” là một vấn đề đã được bàn luận nhiều.
24/11/2010(Xem: 10678)
Mấy ngày qua, cả nước oằn mình trước sự tàn phá đầy tang thương của cơn bão Ketsana. Cũng thời điểm đó “cơn bão” bất khoan dung của chính quyền tỉnh Lâm Đồng kéo đến tu viện Bát Nhã, gây nên tình cảnh bất an cho khoảng 400 Tăng Ni tu theo pháp môn Làng Mai. Hai cơn bão đến cùng một lúc khiến cho lòng người Phật tử Việt Nam thêm quặn thắt.
23/10/2010(Xem: 4022)
"Chẳng có gì hổ thẹn cho một người có ông nội là khỉ. Nếu có gì đáng hổ thẹn về tổ tiên của tôi, thì đó là vì tổ tiên của tôi là người: một người có trí thức nông cạn và bất nhất, một người không biết tự bằng lòng với thành công trong lĩnh vực riêng của mình, lại hăm hở can thiệp vào những vấn đề khoa học hoàn toàn xa lạ, làm tối tăm vấn đề bằng thứ từ chương rỗng tuếch, đánh lạc hướng chú ý của cử tọa để khỏi đi vào những vấn đề thực sự đặt ra bằng lối nói lạc đề đầy hùng biện và những hô hào đầy thành kiến tôn giáo".
16/10/2010(Xem: 4444)
Tuần vừa qua, một cuốn phim Đại Hàn ra mắt khán giả Paris, được khen ngợi. Báo Mỹ cũng khen. Tên của phim là : Xuân Hạ Thu Đông ... rồi Xuân (1). Không phải là người sành điện ảnh, đọc tên phim là tôi muốn đi xem ngay vì nên thơ quá. Xuân hạ thu đông thì chẳng có gì lạ, nhưng xuân hạ thu đông ... rồi xuân thì cái duyên đã phát tiết ra ngoài. Huống hồ, ở trong phim, xuân rồi lại xuân trên một ngôi chùa nhỏ ... trên một ngôi chùa nhỏ chênh vênh giữa núi non.
16/10/2010(Xem: 4682)
"Giê-su qua cái nhìn của người Phật tử": đây là một đề tài lý thú, nhưng quả thực là khó. Trước hết, trong tất cả những đạo lớn của thế giới, có lẽ đạo Phật là đạo xa cách đạo Ki-tô nhất trên những giáo lý cơ bản và trên nhiều điểm quan trọng, mặc dù vẫn gần gũi, hay có vẻ gần gũi, trên nhiều điểm khác. Thứ đến, vì hình thức hành đạo rất đa dạng của đạo Phật qua thời gian và không gian, vì sự hội nhập của đạo Phật vào nhiều nền văn minh khác nhau, vào nhiều dân tộc khác nhau, mà có thể có những "cái nhìn về Giê-su" rất khác nhau giữa những người Phật tử. Sau hết, nếu chúng ta biết khá rõ về cái nhìn của người Phật tử, nhất là Phật tử thời nay, về đạo Ki-tô, chúng ta rất ít khi được nghe họ nói quan niệm của họ về cá nhân Giê-su.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]