Bản Tin ngắn tường thuật những ngày điều trần về nhân quyền và tự do Tôn Giáo (ICCPR-International Convenant on Civil and Political Rights) của cộng sản Việt Nam tại Geneve Thụy Sĩ ngày 11 và 12.3.2019.
Nhận được tin từ Anh Dr. Nguyễn Đình Thắng, là CEO & Chủ Tịch của Boat People SOS từ Virginia Hoa Kỳ, chúng tôi đã cùng với Thầy Viên Giác từ Na Uy đã đến Geneva, Thụy Sĩ ngày 10/3/2019 cùng với hơn 30 người Việt Nam đến từ Thái Lan, Việt Nam, Hoa Kỳ, Pháp, Hòa Lan, Na Uy và Đức Quốc để tham gia hai ngày điều trần của những người đại diện luật pháp của chính phủ Việt Nam, điều trần trước ủy ban nhân quyền và tự do Tôn Giáo ở Việt Nam tại lâu đài Wilson, 3 lần vào ngày 11 và 12 tháng 3 năm 2019 vừa qua.
Bên phía Việt Nam, họ cử đi tất cả 23 quan chức đương quyền cả nam lẫn nữ liên quan về Tư Pháp và những bộ liên hệ, để trả lời những chất vấn của Liên Hiệp Quốc về vấn đề những luật dân sự, mà chính phủ Việt Nam đã ứng dụng với dân chúng theo sau việc đã đồng ý ký kết vào Công ước Quốc tế về quyền dân sự và chính trị.
Ngoài ba buổi điều trần chính nầy ra, Phái Đoàn của chúng tôi đã được Anh Trưởng Đoàn phân chia ra nhiều toán khác nhau như: Đặc trách về Tự Do Tôn Giáo, nhóm lo về vấn đề bị tra tấn tại Việt Nam, nhóm bênh vực cho tù nhân lương tâm, nhóm nêu vấn đề vô tổ quốc của người Hmong đại diện các dân tộc thiểu số của Việt Nam v.v. Bên Tôn Giáo thì có cả đại diện của Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo và Tin Lành. Chúng tôi chia nhau ra tham dự tất cả các diễn đàn nầy, nhằm thu phục nhân tâm của những người đại diện về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, trình bày những vấn đề về nhân quyền và tự do Tôn Giáo tại Việt Nam để họ nắm bắt dễ dàng hơn. Trước đó cả năm, những người thuộc phạm vi chuyên môn của mình đã liên lạc với những người có trách nhiệm tại Geneva và khi chúng tôi đến, chỉ nhằm nhắc nhở họ lại những gì chúng tôi cần sự hỗ trợ của họ mà thôi.
Đúng 11:30 am ngày 11 tháng 3 năm 2019, tại Hội trường trong lâu đài Wilson đã có mặt đầy đủ những người đại diện cho nhân quyền của Liên Hiệp Quốc tham gia, ngồi đó lắng nghe về mỗi phân ban của chúng tôi báo cáo trong vòng 3 phút. Phía Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất bị đàn áp tại quê nhà, do Cô Diệu Thủy đến từ Hoa Kỳ trình bày ngắn gọn về những gì mà Giáo Hội đã phải gánh chịu, suốt từ sau năm 1975 đến nay dưới chế độ cộng sản, mà Hòa Thượng Thích Quảng Độ và một số chư Tăng, Ni ở một số chùa rải rác khắp nơi tại Việt Nam bị hứng chịu các việc bị bắt bớ, tra tấn, tù đày, chùa viện, đất đai bị tịch thu v.v… Phía bên Thiên Chúa Giáo có Linh Mục Lê Quốc Thăng đến từ Việt Nam, cũng đã trình bày về những thảm trạng của Giáo Hội Thiên Chúa đã gặp phải như vụ Formosa, Vườn Rau Lộc Hưng và Giáo Xứ Cồn Dầu. Bên Tin Lành thuộc nhóm người Hmong, dân tộc thiểu số tại Việt Nam cũng đã trình bày về vấn đề vô tổ quốc khi con cái của họ sinh ra không được khai sinh, không có quốc tịch và không được đi học. Rồi những nhóm khác nói về việc tra tấn, tù đày, nữ quyền… một cách rất mạch lạc. Ngoài ra một số Quý Sư người Việt gốc Cao Miên cũng hiện diện, họ cáo buộc cộng sản Việt Nam đã đàn áp và xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng.
Đây chính là cái nhân tố để buổi chiều cùng ngày vào lúc 3 đến 6 giờ, những người đại diện Việt Nam có cả Thứ Trưởng Tư Pháp Nguyễn Khánh Ngọc, Đại Sứ tại Liên Hiệp Quốc ông Dương Chí Dũng, Giám Đốc liên hệ luật quốc tế thuộc Bộ Tư Pháp, Ông Bạch Quốc An, Ông Trần Văn Dũng thuộc về hình sự. Bà Hoàng Thị Thanh Nga, liên hệ Quốc Tế thuộc bộ ngoại giao; Ông Nguyễn Văn Bình thuộc bộ lao động, Ông Chu Trung Dũng thuộc tòa án nhân dân tối cao, Bà Ngô Thị Xuân Lan thuộc Bộ Tôn Giáo, Ông Phạm Văn Công thuộc bộ Công an, ngoài ra còn 12 nhân vật nữa có tham dự nhưng không phát biểu.
Từ 3 đến 4 giờ 15 phút chiều ngày 11/3/2019, là những chất vấn của những người thuộc Ủy Ban Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc đặt ra những câu hỏi liên quan về việc đàn áp, bắt bớ, giam cầm trái phép, án tử hình, đàn áp các dân tộc thiểu số, không cho quyền được lập Hội và các đảng phái, ngăn cản thân nhân thăm viếng tù nhân lương tâm, luật đất đai, luật an ninh mạng, tử hình, phá thai, quyền phụ nữ, v.v… Những người đại diện cho Việt Nam ngồi đó hứng chịu những cơn bão dữ mà họ chẳng ngờ đến. Có lẽ họ nghĩ rằng ít ai biết sâu về nội bộ của họ, nhưng họ đã lầm, vì tất cả những dữ kiện nầy Ủy Ban Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc đã có đầy đủ chứng cứ, cũng như hình ảnh trong những bản thuyết trình của họ. Sau khi giải lao 15 phút, số thời gian còn lại hơn 1 tiếng rưỡi đồng hồ là giờ trả lời những vấn nạn đã được Ủy Ban Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc nêu ra, nhưng hầu như họ chỉ đọc lại những gì đã soạn sẵn, chứ ít có quan chức nào trả lời trực tiếp vào những câu hỏi đã được nêu ra. Nếu có, cũng chỉ là những sự gượng ép mà thôi, như Ông Thứ Trưởng đã trả lời vậy.
Sang ngày hôm sau 12/3/2019 cũng tại lâu đài Wilson nầy, Ủy Ban Quốc Tế Nhân Quyền và những người đại diện cho chính phủ Việt Nam lại đối diện với nhau trong 3 tiếng đồng hồ nữa, từ lúc 10 giờ sáng đến 13 giờ chiều. Thể thức cũng giống như hôm trước, là Ông Chủ tọa nhắc lại cho Phái Đoàn Việt Nam những gì hôm qua Phái Đoàn chưa trả lời hết, thì hôm nay tiếp tục trả lời. Sau khi những câu hỏi tiếp theo của Ủy Ban Quốc Tế Nhân Quyền gồm 18 chuyên gia cứ tiếp tục lật ngửa ván cờ của cộng sản Việt Nam cho thế giới thấy bản chất thực sự của họ, và cuối cùng thì Ông Thứ Trưởng Tư Pháp Nguyễn Khánh Ngọc cáo buộc những người đại diện cho Ủy Ban Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc, là do nghe theo nhiều nguồn tin ít được kiểm chứng nên mới có những câu hỏi làm khó họ như vậy. Trên thực tế thì chính những người đại diện cho Việt Nam không nghe, không hiểu những gì đã xảy ra chung quanh mình, trên quê hương đất Việt; hay chính họ là những người cố tình để không quan tâm về những sự kiện như vậy, chứ thế giới biết về người Cộng sản Việt Nam quá nhiều rồi.
Tôi chỉ ghi nhận phần Tự Do Tôn Giáo qua các câu hỏi của Ủy Ban Quốc Tế về nhân quyền đặt thẳng với phái đoàn của cộng sản Việt Nam như sau:
- Đoạn 69 trong Hiến Pháp, quý vị nói yêu cầu các Tôn Giáo bắt buộc phải ghi tên khai báo vì vấn đề an ninh quốc gia và sự đoàn kết của dân tộc, nhưng những khái niệm như vậy có giẫm lên quyền của con người không?
- Theo điều 18 của Công Ước thì địa vị pháp lý của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Cao Đài, Thiên Chúa Giáo v.v. như thế nào, mà hầu hết những tổ chức nầy đều bị những cơ quan thẩm quyền của nhà nước kiểm soát rất chặt chẽ?
- Việt Nam có quan tâm xem xét, đánh giá luật tín ngưỡng Tôn Giáo rộng rãi hơn cho cộng đồng hay không?
- Nhà nước Việt Nam có tránh việc can dự vào tự do Tôn Giáo không?
- Nhà nước Việt Nam có thực hiện những biện pháp rõ ràng cho các dân tộc thiểu số về những khuyến nghị về tự do Tôn Giáo không?
- Luật lập hội tại Việt Nam chưa được ban hành thì dựa trên cơ sở nào để trừng phạt họ, trong đó có các Tôn Giáo?
- Trong 195 quốc gia có mặt trong Liên Hiệp Quốc thì Việt Nam bị xếp vào nước thứ 125 của Quốc Gia không tôn trọng về vấn đề nhân quyền và tự do Tôn Giáo, thì Quý Vị nghĩ sao về vấn đề nầy?
Đó là những câu hỏi về vấn đề tự do Tôn Giáo tại Việt Nam và Bà Ngô Thị Xuân Lan đại diện cho Ban Tôn Giáo của chính phủ đọc lại nguyên văn đã được soạn trước như sau:
Năm 2016 chính phủ đã ban hành luật về tự do Tôn Giáo và tự do không tin theo một tín ngưỡng nào.
- Năm 2017 Việt Nam đã thực hiện luật về tự do tín ngưỡng nầy.
- Cho đến hôm nay có 25,3 triệu người có ghi danh thuộc Tôn Giáo của họ và nhà nước Việt Nam đã cấp phép hoạt động Tôn Giáo.
- Có 4.000 Chức sắc Tôn Giáo, 695 cơ sở Tôn Giáo được cấp phép xây dựng
- Có 43 tổ chức thuộc 16 Tôn Giáo hiện có mặt trên đất nước Việt Nam đã được cấp phép hoạt động.
- Gần 50% sinh hoạt của Tôn Giáo phải khai báo mọi việc.
- Những tổ chức chưa được công nhận vẫn được đảm bảo sinh hoạt tại gia đình.
- Hai tổ chức Tôn Giáo mới, được công nhận; trong đó có một tổ chức Tôn Giáo của người ngoại quốc.
- Những người tin theo một Tôn Giáo nào, không đặc miễn về nghĩa vụ quân sự.
Rõ ràng là những câu trả lời về tự do Tôn Giáo ở Việt Nam hầu như nó không liên quan gì đến những câu hỏi ở trên hết. Do vậy những phần khác cũng giống như thế thôi.
Human Rights Committee_Concluding observations on the third periodic report of
Vào lúc 14:00 cùng ngày 12/32019 vừa qua, chúng tôi đã có cuộc họp báo tại Swiss Press Conference gần lâu đài Wilson. Đại diện trên bàn chủ tọa có đại diện của Thiên Chúa, Tin Lành, Phật Giáo. Dr. Nguyễn Đình Thắng đại diện BPSOS; Cô Michelle Nguyễn đại diện Liên Minh Chống Tra Tấn – Việt Nam; Cô Lữ Thị Tường Uyên đại diện tổ chức Stitching Vietnam Human Rights Foundation; Cô Đinh Thị Ngọc Tuyết đại diện Hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam. Lần lượt theo thứ tự của bảy vị có mặt trên bàn chủ tọa đã trình bày về những thảm trạng của Formosa; vườn rau Lộc Hưng; tình trạng của GHPGVNTN bị đàn áp trong thời gian qua; người Hmong không có quốc tịch, không có khai sinh, không được đi học… giống như những người vô tổ quốc mặc dầu được sinh ra và lớn lên tại Việt Nam. Anh Thắng đóng vai trò là một người điều hành chương trình và những vị liên quan đã trình bày những thảm trạng đang xảy ra cho Việt Nam, cho tù nhân, cho phụ nữ, cho những người bị tra tấn, bắt bớ vô tội v.v… Sau cùng là những câu hỏi và trả lời cho những nhà báo địa phương. Buổi họp báo đã chấm dứt sau hai tiếng đồng hồ với sự cảm thông cũng như ngưỡng mộ những người đang sống xa quê hương, nhưng không bao giờ quên được nơi mà đồng bào mình vẫn còn bị áp bức, giam cầm dưới sự cai trị của người Cộng sản Việt Nam.
Thích Như Điển (ghi nhanh từ Geneva, Thụy Sĩ)