Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 1: Nhận xét về bài " Trở Về Đạo Phật Nguyên Chất để phụng sự nhân sinh" của TT Nhật Từ

10/09/201620:16(Xem: 4423)
Bài 1: Nhận xét về bài " Trở Về Đạo Phật Nguyên Chất để phụng sự nhân sinh" của TT Nhật Từ

NHẬN XÉT VỀ BÀI

TRỞ VỀ ĐẠO PHẬT NGUYÊN CHẤT

ĐỂ PHỤNG SỰ NHÂN SINH

CỦA THƯỢNG TỌA Thích Nhật Từ

(Trả lời vấn đáp trong mùa An cư tại Tịnh xá Trung Tâm, ngày 27/5/2014)

Toàn Không

 

 

LỜI DẪN

 

     Chúng tôi hân hạnh được Cư Sĩ Phạm Nguyên Khôi trong nhóm Thân Tâm An Lạc tại vùng Bắc California Hoa Kỳ gửi cho bài “TRỞ VỀ ĐẠO PHẬT NGUYÊN CHẤT ĐỂ PHỤNG SỰ NHÂN SINH” của Thượng Tọa Thích Nhật Từ viết ngày 27 tháng năm năm 2014 (Xem bài giảng video), và có lời yêu cầu:  “Xin vui lòng cho biết ý kiến về bài này​”. Nhận thấy bài viết năm câu Hỏi tự Đáp của Thượng Tọa Thích Nhật Từ không những có liên quan đến nền Phật Giáo Việt Nam trong nước mà cũng liên quan đến Phật Giáo Việt Nam ở Hải ngoại, nên chúng tôi theo từng đoạn mà Thượng Toạ Thích Nhật Từ nêu ra để có ý kiến nhận xét hầu góp phần nền tảng cho đường lối của Phật Giáo Việt Nam. Chúng tôi dùng chữ “nhận xét” mà không dùng chữ “phản biện” nói lên ý nghĩa của bài viết mang tính cách xây dựng, những gì đúng thì đồng ý, những gì không đúng thì viết lời nhận xét biện giải. Chúng tôi dùng chữ nghiêng cho lời của tác giả Thích Nhật Từ, chữ đứng là ý kiến nhận xét bàn luận, chúng ta cùng lần lượt phân tích từng điểm dưới đây.

Bắc California ngày 28 tháng 8 năm 2016

Toàn Không

thich nhat tu
Thượng Tọa Thích Nhật Từ 

toan_khong

Cư Sĩ Toàn Không



Câu hỏi 1Phật giáo Việt Nam cần phải có những bước đi cụ thể gì để thoát khỏi ảnh hưởng của Phật giáo Trung Quốc, quay lại với đạo Phật gốc?

Trả lời: Đây là câu hỏi lớn, liên hệ đến quyết định của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Do vậy, việc trao đổi dưới đây chỉ là quan điểm cá nhân của riêng tôi.

 

Nhận xét:     Trả lời này rất hay, vì muốn cải cách sửa đổi một việc quan trọng thì phải được thảo luận kỹ càng và phải có quyết định của Hội Đồng Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam để có một đường lối chung cùng làm trong cả nước thì sẽ đưa tới kết qủa tốt đẹp.

 

Trước hết, theo tôi, chúng ta phải mạnh dạn đánh giá lại giá trị và giới hạn của các pháp môn được Phật giáo Việt Nam tiếp nhận từ Phật giáo Trung Quốc. Khi đánh giá bằng các thống kê xã hội học cụ thể, ta sẽ rút ra được những kết luận nhất định.

 

Nhận xét:     Chúng ta nên đi sâu vào chi tiết của các Pháp Môn, đại loại các tông Phật Giáo Bắc Truyền có: Thiền, Tịnh, Giáo, Luật, Mật. Thiền tức là Thiền Tông, Tịnh là Tịnh Độ Tông, Giáo Đại thừa có các tông: Câu Xá (A Tỳ Đạt Ma), Thành Thật, Pháp Hoa (Thiên Thai), Hoa Nghiêm (Hiền Thủ), Tam Luận, Duy Thức (Pháp tướng)…. Hiện tại chỉ còn các tông: Thiền tông, Tịnh độ tông, Mật tông, và Pháp Hoa (Giáo); còn các Tông khác chỉ còn trong phạm vi nghiên cứu Phật học, mà hầu như không còn người hành theo, như vậy thì không cần bàn đến các tông phái khác. Đó là điều mà Hội đồng Trị Sự Giáo Hội Việt Nam nên bàn thảo.

 

Vào năm 1945, dân số của nước Việt Nam khoảng 25 triệu người, trong đó Phật tử chiếm 80%. Đến năm 2013 chúng ta có trên dưới 90 triệu dân và số lượng Phật tử chỉ còn lại 38%. Đó là dữ liệu giúp ta đánh giá cách thức làm đạo của Phật giáo. Chúng ta phải thừa nhận rằng không phải cái gì của Phật giáo Trung Quốc truyền bá đều đúng và cần được tôn thờ như chân lý. Thước đo bằng thống kê trên sẽ giúp ta tránh được những quan điểm trái ngược: theo hay không theo, chịu ảnh hưởng hay không chịu ảnh hưởng từ Phật giáo Trung Quốc.

 

Nhận xét:     Về điểm này, ngoại trừ những phong tục dân gian như cúng sao giải hạn, đốt vàng mã, cúng Ma vái Qủy theo truyền thống lâu đời trong dân gian chưa bỏ được. Các Chùa có nhiệm vụ không nên để cho những thứ này vào Chùa, nhưng một số nhỏ vị chủ chùa không hiểu giáo lý của Phật một cách thấu đáo nên đã đồng lõa với Phật Tử tại gia đi vào đường mê tín. Còn các Pháp Môn tu hành mà các thế hệ đi trước đã từng hành trì và có kết qủa tu chứng, chẳng có gì gọi là sai trái mà chúng ta đã quen nề nếp dễ trong việc hành trì và phát triển thì nên giữ lại; ngoại trừ một vài chủ chùa chưa hiểu Kinh như Kinh Địa Tạng, Kinh Phổ Môn v.v… nên hành trì sai thì cần lưu ý sửa đổi lại cho đúng với ý nghĩa Phật dạy.

     Một điều cần phân tích cho rõ, đó là thời gian năm 1945, nói là 80% dân chúng là Phật Giáo thì không đúng, lấy thí dụ một thôn làng có một cái chùa từ lâu đời rồi thì cho là cả thôn làng đều là Phật tử, nhưng thật ra có rất nhiều người cả đời không biết đến Phật Giáo là gì, không hề bước chân vào chùa, nên sự thống kê chưa hẳn đã đúng. Lại nữa, từ năm 1945 về sau trải qua bao nhiêu biến cố chiến tranh làm cho lòng người chỉ nghĩ đến mưu sinh, sống còn, nên quên lãng việc đạo, chứ chẳng phải do bị ảnh hưởng Phật Giáo Trung Quốc gây ra như thế.

 

Thứ hai, chúng ta nên dựa vào lời dạy của Đức Phật: Lấy dữ liệu văn hóa gốc và ngôn ngữ bản địa làm cơ sở để truyền bá Phật giáo cho người bản địa. Theo tinh thần này, ta cần mạnh dạn “Việt Nam hóa đạo Phật”. Cho đến thời điểm hiện nay, các nước có phong cách tiếp biến văn hóa tốt gồm có Trung Quốc, Tây Tạng và các nước Nam tông. Trung Quốc đã Trung Quốc hóa đạo Phật. Tây Tạng đã Tây Tạng hóa đạo Phật. Các nước Nam tông đã Nam tông hóa đạo Phật. Đó là những mô hình điển mẫu về tiếp biến văn hóa trong việc truyền bá Phật giáo. Chúng ta cũng cần Việt Nam hóa Đạo Phật, theo cách riêng của người Việt Nam. 

 

Nhận xét: Đồng ý về điểm này, nhưng cần phải phân tích cho kỹ, cái việc đầu tiên cần làm là tất cả các Kinh sách cần phải Việt Nam hóa, giảm thiểu các danh từ Hán Việt trong Kinh sách. Những chữ Hán Việt nào đã dùng quen dễ hiểu rồi thì giữ lại, những chữ mới lạ khó hiểu thì không nên dùng, nếu dùng thì phải giải thích cặn kẽ bằng tiếng Việt. Chính vì các Kinh sách dùng qúa nhiều các từ Hán Việt lạ khó hiểu làm cho hầu hết người Phật Tử đọc Kinh sách Phật không hiểu đâm ra chán nản bỏ không thèm đọc nữa, cũng vì không hiểu giáo lý Phật Giáo mà có một số người dễ dàng bỏ đạo Phật theo đạo khác. Khi dịch Kinh phải là một ban gổm ít nhất là 3 người trở lên cùng dịch, chứ không phải mỗi người dịch một đoạn rồi gộp chung lại hay một người dịch nguyên bộ Kinh, để tránh dùng qúa nhiều danh từ Hán Việt và tránh xen ý cá nhân người dịch làm sai ý Kinh Phật. Khi cho phép xuất bản Kinh sách nên để ý về việc dùng chữ Hán Việt này.

     Điểm nữa là chúng ta không nên cố chấp về các Kinh điển hay Pháp Môn tu từ đâu đến, có thể Kinh điển dịch từ chữ Pali, Sanskrit, Nhật Bản, Trung Hoa, Tây Tạng, Anh ngữ, v.v…; miễn là không đi ngược lại lời Phật dạy. Vì dù từ đâu tới thì cũng đều bắt nguồn từ Kinh Phật từ Ấn Độ mà ra cả, thí dụ Tham Công án của Thiền Tông, nói là của các vị Tổ Trung Quốc tạo ra là hoàn toàn sai sự thực. Mà là trong Hội Linh Sơn khi ấy Đức Phật dơ lên cành hoa, bốn chúng đều ngơ ngác không hiểu, duy có Tôn Giả Ca Diếp mỉm cười, thấy thế Đức Phật nói: “Ta có Chính-pháp Nhãn-tạng, Niết-bàn Diệu-tâm, Thật-tướng Vô-tướng, Pháp-môn vi-diệu, chẳng lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, nay phú chúc cho Ma-Ha Ca-Diếp”. Đó là Tôn Giả Ca Diếp chứng ngộ ý nghĩa Đức Phật dơ lên cành hoa vậy; từ đó pháp thiền trực tiếp của Thiền-Tông căn cứ theo việc này chứ chẳng phải các Tổ bên Trung Hoa sáng tác ra đâu mà lầm.

     Như vậy thì chúng ta học hết tất cả những tinh hoa của Phật dù đang lưu truyền ở đâu mà thấy không đi ngược lại lời Phật thì chúng ta dung nạp hết, ai thích hợp Pháp Môn nào thì thực hành Pháp Môn đó, cũng như tùy bệnh mà uống thuốc, chứ không nên khi bị đau bụng lại uống thuốc nhức đầu. Do đó Việt Nam ta sẽ giàu Phật Pháp nhất trong các nước, thì có hơn là giới hạn Pháp Môn, chẳng khác nào ta bỏ biển cả của Phật Pháp mà vào sông lạch chật hẹp vậy.

 

- Từ năm 2006, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM đã thành lập khoa Phật giáo Việt Nam (Department of Vietnamese Buddhism), giới thiệu các nét đặc sắc của lịch sử, triết học, văn học, kiến trúc, mỹ thuật, tông phái, trường phái, cách làm đạo, báo chí, văn hóa đời thực… của Phật giáo Việt Nam. Hiện nay Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM là trường Phật học duy nhất có khuynh hướng này. Ba Học viện Phật giáo Việt Nam còn lại như tại Hà Nội, Huế và Cần Thơ, 09 Trường Cao đẳng Phật học, 33 Trường Trung cấp Phật học gần như chỉ giảng dạy về thiền Trung Quốc, pháp môn Tịnh độ Trung Quốc, về các cao tăng Trung Quốc. Phần lớn các trường Phật học tại Việt Nam ít dạy về cao tăng của Việt Nam. Đây là biểu hiện của sự mặc cảm, tự ti dân tộc. Nói cách khác, GHPGVN cần có chính sách cải cách giáo dục Phật giáo một cách toàn diện từ các cấp học Phật học. Tại bất kỳ cấp học Phật học nào, chúng ta cũng cần thể hiện được tinh thần dân tộc về Phật giáo, lấy văn hóa Phật giáo Việt Nam làm nền tảng.

 

Nhận xét:      Nếu nói về Phật Giáo Việt Nam thời trước thì Thiền Tông Việt Nam vào thế kỷ thứ 3 Dương lịch có Thiền Sư Khang Tăng Hội (280) đã từng qua Trung Hoa giáo hóa theo lời mời của Đông Ngô trong thời Tam Quốc. Tới thế kỷ thứ 6 có tông Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi, tới thế kỷ thứ 9 có tông Thiền Vô Ngôn Thông, tới thời nhà Lý thế kỷ thứ 11, có tông Thiền Thảo Đường. Tới nhà Trần thế kỷ thứ 13 có tông Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Tới thời hậu Lê, Trịnh Nguyễn phân tranh, cả Đàng Ngoài và Đàng Trong đều có thêm các tông Lâm Tế và Tào Động bên Trung Hoa truyền qua; tất cả các tông Thiền Tông này cùng phát triển thịnh hành khắp Việt Nam và đã có nhiều vị đạt đạo mà chúng tôi không nêu ra ở đây.

     Riêng Tịnh Độ Tông từ thời Ngài Khang Tăng Hội, chỉ là lễ bái cầu phúc, mãi đến thế kỷ thứ 13 mới được vua Trần Thái Tông (1218-1277) đề cập; trong sách Khoá Hư Lục, có một mục là "Niệm Phật Luận", bàn về những lợi ích của phương pháp niệm Phật. Về phương diện thực hành, Trần Thái Tông cũng đã soạn "Lục thời sám hối khoa nghi" kính lễ Phật A Di Đà và các vị Bồ Tát thân cận để sám hối nghiệp chướng.

     Mãi tới thế kỷ thứ 17, Sư Viên Văn Chuyết Chuyết (1590-1644) từ Trung Hoa sang với tác phẩm Minh Châu Hương Hải. Với A Di Đà Kinh Sớ Sao, Sư Châu Hoằng nói về sự toàn thiện của thế giới Cực lạc, niệm Phật để nhẹ nghiệp chướng được phước đức, được vãng sinh về cõi Cực lạc sau khi chết. Như vậy sự phát triển của Tịnh Độ Tông chỉ bắt đầu từ đời Nhà Hậu Lê, khi mà triều đình hạ thấp Phật Giáo, nâng cao Nho Giáo, nghĩa là Tịnh Độ Tông chỉ thịnh hành trong vòng hơn bốn trăm năm mà thôi.

     Theo như trên đã phân tích, chúng ta nên giảng dạy nhiều hơn những gì liên qua tới các cao Tăng Việt Nam, nên giữ những cái tốt đẹp đã có sẵn, loại trừ những gì gọi là mê tín và phát huy thêm những gì hay mà chúng ta chưa có để làm cho Phật Giáo Việt Nam phát triển nẩy nở thêm lên; từ đó các trung tâm Phật Giáo, các trường Phật học, các đại học Phật Giáo tùy vào đó mà có những chương trình đầy đủ cho việc giảng dạy hầu đưa Phật Giáo nước nhà song hành tiến lên mau chóng cùng dân tộc.

     Chúng ta phải hiểu mỗi dân tộc có một văn hóa khác nhau, thí dụ người Tây Tạng khi lễ Phật thì nằm soài hai chân duỗi thẳng, hai tay thẳng về phiá trước, các việc hành lễ cũng khác với văn hóa Việt Nam, v.v…, còn khi hành trì thiền định tu hành thì cũng tương tự như các nước khác.

 

Thứ ba, GHPGVN cần có Sắc lệnh về văn hóa Phật giáo Việt Nam, trong đó ghi rõ các quy định về bản sắc văn hóa của Phật giáo Việt Nam trong kiến trúc, mỹ thuật chùa, phong cách tượng Phật, cách thờ phượng, nghi thức đọc tụng, văn hóa ẩm thực, văn hóa y phục, văn hóa ứng xử, văn hóa truyền đạo của cộng đồng Phật giáo Việt Nam, vốn phải khác với các quốc gia còn lại, vì mỗi quốc gia có bối cảnh văn hóa riêng. Hiện nay, du khách quốc tế khi vào chùa Việt Nam cứ có cảm giác là đang vào chùa Trung Quốc ở Việt Nam, bởi các yếu tố mang nét riêng Việt Nam quá ít.

 

Nhận xét:      Chúng tôi có cùng quan điểm với tác giả về điểm này, sở dĩ chùa Việt Nam giống hệt chùa Trung Quốc vì Việt Nam bị một nghìn năm dưới sự thống trị của người Trung Hoa, họ luôn luôn tiêu diệt văn hóa Việt Nam dưới mọi hình thức. Từ thời nhà Đinh, dù giành lại độc lập, nhưng văn hóa vẫn bị lệ thuộc về chữ viết, nên không bỏ được chữ Hán, trong các triều đại trước đã cố gắng cải sửa bằng cách dùng chữ Nôm thời nhà Tây Sơn, nhưng chưa được là bao. Đây là việc cần phải làm quyết tâm và lâu dài, như sửa đổi các kiểu kiến trúc nếu có thể, bỏ các chữ Hán trên hoành phi câu đối trong các Đình Chùa, Lăng Miếu mà thay bằng chữ Việt, vì chẳng ai biết đọc và hiểu chữ Hán, ngoại trừ mấy vị học chữ Hán.

     Sở dĩ cái văn hóa lệ thuộc này kéo dài cả nghìn năm rồi sau khi giành được độc lập, vì các quan các triều đại vẫn học và dùng chữ Hán, các vị Phật Tử xuất gia cũng học và đọc tụng chữ Hán trong các Chùa, như thế thì làm sao mà bỏ được chữ Hán?! Chùa thì do qúy Phật Tử xuất gia coi xây cất, nên chẳng trách ai được, chỉ ráng mà sửa chữa lại thôi. Bây giờ chúng ta không muốn có văn hóa lệ thuộc nữa, thiết nghĩ với sự quyết tâm của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam thì cái nạn Chùa Việt Nam giống hệt Chùa Tàu sẽ có thể sửa đổi được vậy.

     Đi sâu vào chi tiết, còn có một số chùa tụng đọc Kinh sách bằng chữ Hán Việt như Kinh A Di Đà, Bát Nhã Tâm Kinh v.v…, không những các vị xuất gia có học chữ Hán tụng đọc mà còn bắt các Phật tử tại gia không hiểu chữ Hán Việt tụng đọc; việc làm này không những có tính cách lệ thuộc văn hóa nước ngoài mà còn đi ngược lại lời Phật dạy. Vì tụng Kinh là để hiểu nghĩa Kinh để áp dụng trong đời sống và tu hành, mà người đọc không hiểu thì chẳng thể áp dụng và tu hành, thành ra đọc tụng như vẹt kêu, như nước đổ trên lá khoai, chẳng được gì; do đó cái nạn tụng đọc chữ Hán Việt này phải được chấm dứt càng sớm chừng nào càng có lợi ích sớm chừng đó.

 

Điều bốn, phải mạnh dạn thấy rõ rằng đức Phật chỉ truyền dạy pháp môn duy nhất là Tứ diệu đế. Cốt lõi của Tứ diệu đế là tiếp cận vấn đề, giải quyết vấn đề trên nền tảng nhân quả, và con đường để kết thúc toàn bộ khổ đau của kiếp người là Bát chính đạo. Đức Phật Thích Ca chưa từng dạy pháp môn thứ hai. Khái niệm 84,000 pháp môn do Trung Quốc đặt, đã gây ra ngộ nhận lớn và đẩy đức Phật vào tình thế bị người ta hiểu lầm là tự mâu thuẫn. Nếu đi theo pháp môn một thì đức Phật mâu thuẫn với 83999 pháp môn còn lại. Một người tự mâu thuẫn với quan điểm chính của mình một lần thôi đã đánh mất niềm tin ở quần chúng, huống hồ là mâu thuẫn chừng ấy các quan điểm. Vì Trung Quốc muốn đề cao các pháp môn mà họ sáng tạo, theo phong cách tiếp biến văn hóa của họ, nên họ đã đặt ra con số 84,000 pháp môn.

 

Nhận xét:      Về điểm Đức Phật chỉ dạy có một pháp môn, nghĩa là chỉ có một cách tu duy nhất mà thôi, cần phải được phân tích kỹ. Sao lại nói Đức Phật chỉ dạy có một pháp môn, vì trong Đại Tạng Kinh A Hàm, Ngài có giảng cách tu Mười Hai Nhân Duyên; và còn nhiều cách tu khác nữa, như 2 trường hợp dưới đây:

1-Tôn giả Chu Lợi Bàn Đặc Ca đần độn tụng một bài kệ bốn câu trong cả tháng mà không thuộc, lúc quên đầu, lúc sai đuôi; Đức Phật thấy thế ban cho cách “đếm hơi thở vào ra”, Tôn giả bèn cứ thế mà thực hành không hề ngưng nghỉ, chỉ chú tâm đếm theo hơi thở, ngoài hơi thở ra không suy nghĩ tưởng nhớ sự vật gì khác, cho đến vi tế tột cùng, Tôn giả thấy hết thảy đều sinh, trụ, dị, diệt từng mỗi sát na, và đạt đến tâm định tĩnh rỗng rang tự tại vô ngại; Tôn giả Chu Lợi Bàn Đặc Ca đã được Phật ấn chứng là bậc A La Hán.

2-Tôn giả Tôn Đà La Nan Đà mỗi khi ngồi thiền tâm thường loạn động, đức Phật thấy thế dạy quán “tướng trắng trên chót mũi”, chuyên chú tập trung tất cả vào đó. Tôn giả quán sát kỹ trên đầu mũi như thế, sau 21 ngày Tôn giả thấy hơi trong mũi thở ra vào như khói, thân tâm thế giới trong ngoài rỗng suốt trong sạch như ngọc lưu ly. Rồi dần dần tướng khói tiêu mất, mà hơi thở lại biến thành sắc trắng, tâm được khai ngộ, các lậu hoặc phiền não khai trừ sạch, hơi thở ra vào biến thành quang minh soi khắp cùng mười phương thế giới; Tôn giả đã được đức Phật ấn chứng là bậc A La Hán.

     Và còn nhiều trường hợp lắm không thể viết ra đây; xem vậy thì rõ ràng là Đức Phật giảng vô lượng Pháp Môn nghĩa là tùy bệnh mà Ngài cho thuốc, chứ chẳng phải là 84,000 Pháp Môn. Con số 84,000 là biểu trưng cho số nhiều chứ chẳng phải con số nhất định đâu vậy.

 

- Đố ai tìm ra được pháp môn thứ hai ngoài Tứ diệu đế trong kinh tạng Pali, kinh tạng A-hàm và kinh tạng Đại thừa. Mười tông phái Phật giáo Trung Quốc là nỗ lực riêng của nền văn hóa Phật giáo Trung Quốc, không can dự gì đến Phật giáo Việt Nam. Cái hay, cái dở đó là dành cho người Trung quốc, chứ không phải cho người Việt Nam. Nếu Trung Quốc hãnh diện tự hào về mười tông phái và đề cao ngài Huệ Năng như ngài Phật sống, thì Việt Nam chúng ta có ngài Trần Nhân Tông, vị vua duy nhất trên hành tinh đi tu, trở thành một nhà minh triết lỗi lạc, vượt trội hơn cả ngài Huệ Năng. Về triết lý và các đặc điểm thì Phật giáo Việt Nam không thua kém gì Phật giáo trong khu vực và trên toàn cầu, do đó Phật giáo Việt Nam không cần thiết phải vay mượn Phật giáo các nước khác.

 

Nhận xét:      Như đã nói ở trên chứng minh Kinh A Hàm Đức Phật giảng tu Mười Hai Nhân Duyên giải thoát khỏi sinh tử; còn các Tông cũng chỉ là khai triển áp dụng theo các lời Phật dạy trong các Kinh Luận chứ không ai tự tạo ra cái mới được.

     Vua Trần Nhân Tông không phải thật sự là người tự học Phật và sáng tạo ra Tông Trúc Lâm Yên Tử, mà Ngài học Phật Pháp từ Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ, Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ là Đệ tử đời thứ ba tu cùng một lượt với Vua Trần Thái Tông của phái Trúc Lâm Yên Tử. Ngài Thông Thiền Thiền Sư lập ra phái Trúc Lâm Yên Tử, Ngài là đệ tử đời thứ mười ba của phái Vô Ngôn Thông. Ngài Vô Ngôn Thông là đệ tử của Ngài Bá Trượng Hoài Hải bên Trung Hoa, sang Việt Nam lập phái Vô Ngôn Thông; như vậy thì sự tu hành của Vua Trần Nhân Tông vẫn có quan hệ với Thiền sư Trung Hoa.

     Còn Vua Trần Nhân Tông có vượt trội hơn Lục Tổ Huệ Năng hay không thì tùy vào quan điểm riêng của mỗi người nên khó mà khẳng định được; vả lại, Phật giáo không đặt nặng vấn đề hơn thua và phân biệt kỳ thị. Vì dù Phật pháp có đang được hành trì ở bất cứ nơi đâu trên trái đất này, mà nó không trái với giáo lý căn bản của Đức Phật, thì chúng ta nên hoan hỉ tiếp nhận học hỏi để làm phong phú thêm lên cho Phật giáo Việt Nam.

 

Chúng ta hãy cùng suy ngẫm lại câu chuyện trong Kinh Pháp Hoa. Khi nghe Đức Phật giới thiệu về kĩ năng truyền đạt, chứng minh, chứng ngộ và thể nhập tuệ giác Phật, rất nhiều Bồ-tát đến từ các hành tinh khác đã tình nguyện ở lại hành tinh Ta-bà khổ đau này để truyền bá tuệ giác Phật. Đức Phật tán dương và ghi nhận sự phát tâm vĩ đại của họ. Nhưng Đức Phật đã không dùng đến nguồn nhân lực ngoại lai đó. Ngài nói với các vị Bồ-tát rằng: "Thưa các Bồ-tát, cõi Ta-bà mặc dầu căn cơ của con người còn thấp kém, cũng có các Bồ-tát tiềm năng, họ có thể làm được công việc vĩ đại như các vị". Vừa dứt lời, từ dưới đất vọt lên các vị Bồ-tát mới toanh, tu tập giới đức, phát triển thiền định, chứng đắc trí tuệ, dấn thân nhập thế, làm đạo và truyền bá “khai, thị, ngộ, nhập” tuệ giác Phật.

 

Nhận xét:      Về điểm này ý của Phật là muốn dạy chúng ta tự tu tự chứng chứ không thể nhờ người khác tu giùm, đi xa hơn nữa có 2 loại Trí là Vô Sư Trí (Bồ Tát bản Địa) và Trí do học hỏi mà có (Bồ Tát ngoại lai), có Vô Sư trí thì không cần thầy mới là cái Trí mình có thật sự, còn Trí học hỏi được là ở bên ngoài vào thì không phải là của mìnhở đây biểu trưng bằng Tâm địa, Phật tánh của mỗi người, khi nào Tâm địa hay Phật tính hiển lộ thì mới đúng là của mình và có giá trị vô song vậy.

 

Trong mảnh đất tâm, mọi người đều có kho tàng của các tiềm năng, cũng giống như trái đất có rất nhiều quặng mỏ. “Bồ-tát từ dưới đất vọt lên” là hình tượng của tiềm năng trở thành hiện thực, nếu biết khai thác đúng, dùng những chiếc chìa khóa đúng. Các vị Bồ-tát từ dưới đất vọt lên là nguồn nhân lực bản địa, mang gốc rễ văn hóa bản địa. Các vị Bồ-tát đến từ các hành tinh khác, có kinh nghiệm hơn nhiều, tượng trưng cho các quốc gia có quan hệ song phương, quan hệ chiến lược, quan hệ toàn diện, quan hệ liên minh, quan hệ chính trị và nhiều quan hệ khác với quốc gia nào đó. Không nên lệ thuộc vào các mối quan hệ, dầu là đồng minh. Bồ-tát ở các hành tinh khác cũng là học trò của Đức Phật, nhưng Ngài chưa cần tới họ. Ngài sử dụng nguồn nhân lực Bồ-tát mới ở cõi Ta-bà này để truyền bá đạo Phật.

 

Nhận xét:      Như trên đã nói, Vô Sư Trí cũng là Tri Kiến Phật của mỗi con người có sẵn, nó bị mây vô minh phủ lấp ánh sáng mặt trời của Tâm Phật, cũng như nước bị quấy vẩn đục không còn tính trong sáng của nước, như bụi phủ đầy gương không còn thấy hình bóng trong gương. Còn Trí có từ bên ngoài vào cũng ví như là tâm chúng sinh của mỗi con người, do sáu căn bị dính mắc lôi kéo bởi sáu trần, nó chính là mây, là vẩn đục, là bụi; chúng chẳng giúp được gì mà còn che Vô Sư Trí có sẵn của mỗi con người. Quốc Gia này đối với Quốc Gia khác có sự độc lập riêng thì không phủ nhận, nhưng việc các Bồ Tát nội ngoại này mà đem ví với Quốc Gia này và Quốc Gia kia thì không ổn. Vì ở đây Đức Phật muốn chỉ sự tu hành cho các cá nhân, cái gì của mình (Phật tánh) hiển lộ từ trong ra mới là của thật, còn từ ngoài vào (tâm chúng sinh) đều là của giả, xin không nên áp dụng cho Quốc Gia ở đây.

 

Như vậy, dựa vào đạo Phật gốc trong văn hệ Pali và Đại thừa, ta thấy rất nhiều triết lý sâu sắc có thể giúp tôn vinh Phật giáo Việt Nam. Nói cách khác, chúng ta phải có các chính sách bằng các pháp lệnh Phật giáo về vấn đề nêu trên. Bằng cách này, sự cải cách Phật giáo sẽ được diễn một cách toàn diện từ trung ương đến địa phương. Bằng không như thế, những nỗ lực đơn lẻ sẽ trở thành tự phát, những tiếng nói sẽ trở thành lẻ loi, những con chim sẽ không thể tạo thành mùa xuân, những hạt cát sẽ không thể trở thành sa mạc. Không khéo, những tiếng nói đó sẽ bị kháng cự bởi đa số quần chúng có cái nhìn thủ cựu.

 

Nhận xét:      Đồng ý rằng “dựa vào đạo Phật gốc trong văn hệ Pali và Đại thừa, ta thấy rất nhiều triết lý sâu sắc có thể giúp tôn vinh Phật giáo Việt Nam”.  Việc làm cải cách phải có sự cộng tác của tất cả, “bằng những pháp lệnh của Giáo Hội Phật Giáo”, nhưng cải cách những gì mới là điểm quan trọng, cần phải có sự minh bạch rõ ràng mới được.

 

Trở về với đạo Phật gốc, chúng ta sẽ thấy phương pháp tâm linh của đức Phật là  toàn diện hơn, thiết thực hơn, siêu việt thời gian hơn, hiệu quả hơn, và làm cho đại đa số các thành phần trong xã hội có cơ hội đến với đạo Phật hơn. Trong quá trình biên tập kinh điển mấy trăm năm sau khi đức Phật qua đời, hẳn có tình trạng, có những lời đức Phật nói quá sâu nhưng do giới hạn ký ức người ta đã quên đi, và dĩ nhiên, có một số điều không do Phật nói ra nhưng lại được các nhà biên tập thêm vào. Đây là những điều có khả năng xảy ra. Dù sao đi nữa, các kinh điển Pali vẫn là nguồn văn liệu khả tín nhất để chúng ta dựa vào đó loại bớt những ảnh hưởng do phong tục tập quán, văn hóa tôn giáo ở những nơi đạo Phật có mặt trong quá trình truyền bá Phật giáo.

 

Nhận xét:      Về điểm này, nếu nói “các kinh điển Pali vẫn là nguồn văn liệu khả tín nhất” là thiên lệch bất công, tại sao Kinh Tạng Nam Truyền lại có giá trị hơn Kinh Tạng Bắc Truyền? Nếu chúng ta xét về nguồn gốc của các diễn tiến lịch sử Phật Giáo tại Ấn Độ trong suốt bốn năm trăm năm sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, chúng ta sẽ thấy sau khoảng 100 năm sau khi Phật nhập diệt. Có sự kiện một nhóm khoảng 700 Tu sĩ ở một địa phương Bạt Kỳ (Vajji) thuộc nước Tỳ Xá Ly (Vasali) đưa ra mười điều sửa đổi Giới Luật của Phật, vì họ căn cứ vào lời Phật dặn dò trước khi nhập Niết Bàn rằng “Này A Nan, từ nay trở đi Ta cho phép các Tỳ Kheo tùy nghi bỏ các giới nhỏ nhặt, hãy lễ độ, trên dưới hòa thuận với nhau, đó là pháp kính thuận của người xuất gia” (xin xem Trường A Hàm, quyển 1, Kinh Du Hành, trang 205); do đó có sự bất đồng giữa Tôn Giả trưởng lão Da Xá và nhóm Bạt Kỳ.

     Lúc đó Tôn Giả Da Xá đến gặp Tôn giả trưởng lão Ly Bà Đa tại Ấp Ba Lợi, rồi hai vị cùng đến Bạt Kỳ lập “hội đồng” bàn luận gồm 8 người. Nhóm Bạt Kỳ 4 người, Tôn giả Nhất Thiết Khứ đại diện; nhóm Ấp Ba Lợi 4 người Tôn giả Ly Bà Đa đại diện. Tôn Giả Ly Bà Đa hỏi, Tôn Giả Nhất Thiết Khứ trả lời về mười điều sửa đổi Giới Luật đều phi pháp hết; do đó các vị tu hành ở Bạt Kỳ phải tôn trọng tất cả những Giới Luật Phật đã đặt ra, không được sửa đổi. Mặc dù phải chấp hành Giới luật đầy đủ, nhóm Bạt Kỳ thuộc học phái Thượng tọa bộ (Sthaviravada) tách riêng và thành lập học phái Đại chúng bộ (Mahasanghika); tuy tách ra, nhưng nhóm này vẫn hành đầy đủ theo các giáo pháp Phật dạy.

     Sau một thời gian trên mười năm, sự chia rẽ càng trầm trọng hơn, nên Thượng Tọa Bộ đã rời khỏi nước Ma-kiệt-đà sang nước Ca-thấp-di-la lập căn cứ hành đạo, rồi phát triển rộng ra khắp vùng Tây-Bắc Ấn độ. Thượng Tọa Bộ cho rằng A-la-hán tức là Phật, A-la-hán là mục tiêu cuối cùng. Đại Chúng Bộ thì cho rằng A-la-hán vốn bất toàn, vẫn còn nhân gian tính, chỉ đoạn trừ kiến tư hoặc mà vẫn còn trần sa hoặc và vô minh hoặc, chưa phải là quả vị Phật. Tình trạng xung đột ý kiến cả về giới luật lẫn giáo nghĩa giữa hai bộ phái Thượng Tọa và Đại Chúng đã kéo dài hàng thế kỉ.

     Đến thế kỷ thứ Tư trước Dương lịch nhiều cuộc tranh biện về giáo lý Phật vẫn tiếp tục xảy ra giữa các học phái; Phật giáo dưới triều đại vua A Dục vào năm 307 trước Dương lịch có kết tập Tam Tạng lần thứ hai quan trọng (lần đầu sau khi Phật nhập diệt 3 tháng do Tôn Giả Đại Ca Diếp chủ trì) do 1000 Thánh Tăng đứng đầu bởi Trưởng Lão Mục Kiền Liên Tu Đế (Moggaputta Tissa) tại Lâm Viên thành Hoa thị, nước Ma Kiệt bằng thổ ngữ Bắc Phạn (Sanskrit).

     Đến thế kỷ thứ Ba trước Dương Lịch đã có 19 học phái Phật giáo khác nhau được thành lập và rất thịnh hành trên đất Ấn. Riêng Thượng Tọa Bộ phân chia thành 11 bộ phái là: Nhất Thiết Hữu Bộ, Tuyết Sơn Bộ, Độc Tử, Pháp Thượng, Hiền Trụ, Chánh Lượng, Mật Lâm Sơn, Hóa Địa, Pháp Tạng, Ẩm Quang, và Kinh Lượng Bộ. Đại Chúng Bộ chia thành 8 bộ phái là: Nhất Thuyết Bộ, Thuyết Xuất Thế Bộ, Kế Dận Bộ, Đa Văn Bộ, Thuyết giả Bộ, Chế Đa Sơn Bộ, Tây Sơn Trú Bộ, Bắc Sơn Trú Bộ; và tất cả các bộ phái đều tự cho mình là xuất phát từ giáo lý chính thống của Đức Phật!

- Năm 240 trước Dương Lich, Tôn giả Ma Thẩn Đà đã đem giáo lý Thượng Tọa Bộ truyền sang nước Tích-lan.

- Tới năm 83 cuối thể kỷ thứ Nhất trước Dương Lich, Vua Ca Ni Sắc Ca (Kanishca) thỉnh Hiếp Tôn giả (Parsva) và chọn được 500 vị  Thánh Tăng là những người có đủ Tam Minh Lục Thông, tinh thông nội giáo Tam Tạng, ngoại điển quán triệt Ngũ Minh. Lần kết tập thứ ba này do Ngài Thế Hữu làm đệ nhất và Hiếp Tôn giả đệ nhị. Kết tập tại thành Ca Thấp Di La (Kasmira) nước Kiền Đà La, lần này bằng chữ Nam Phạn(Pali); cũng trong thế kỷ thứ Nhất trước Dương Lịch này, các kinh sách Phật được viết thành chữ Sanskrit và Pali.

- Sau đó vào đầu thế kỷ thứ Nhất Dương Lịch, Kinh sách Phật bằng Sanskrit được truyền ngả Đông Bắc qua Trung Hoa, và Kinh sách bằng Pali được truyền qua ngả Đông Nam qua các nước Đông Nam Á.

     Xem như vậy thì chúng ta thấy suốt bốn năm trăm năm Phật giáo bị phân hóa, mới đầu có 2 phái, dần dần phân hóa tới 19 phái mà phái nào cũng cho mình là chánh. Nếu nói rằng: “các kinh điển Pali (Nam truyền) vẫn là nguồn văn liệu khả tín nhất” để phủ nhận Kinh sách Bắc Truyền là không có cơ sở.

 

Khi tồn tại những mâu thuẫn giữa kinh điển A với kinh điển B, ta được quyền đặt vấn đề và truy tìm nguồn gốc của nó thông qua phân tích văn bản học. Bằng cách này, sự tranh biện về tác giả của những lời kinh Phật dạy được hạn chế một cách tối đa, nhờ đó, tính hòa hợp Tăng đoàn được bảo đảm. Theo cách này, việc áp dụng triết lý đạo Phật vào đời sống thực tiễn có khả năng cứu vãn tình trạng dân số Phật tử ngày càng bị giảm đi ở châu Á, trong đó có Việt Nam, đang khi sự tăng trưởng dân số Phật tử châu Âu, châu Mỹ, châu Úc, châu Phi chỉ là thiểu số, không đáng kể.

Chúng ta đừng nên ngộ nhận và mừng rỡ khi thấy đạo Phật có mặt trên 170 quốc gia và lãnh thổ. Nếu phân tích về số lượng thực tế thì Phật giáo chưa đáng là một tôn giáo thiểu số ở các nước phương Tây. Có nhiều quốc gia chỉ có hai, ba tu sĩ. Tuần trước, tại giảng đường này, chúng ta nghe thượng tọa Chủ tịch Hội Phật giáo châu Phi cho biết: “Trong 56 quốc gia của châu Phi chỉ có chưa đầy 20 tu sĩ Phật giáo, chưa có được 10 ngôi chùa, như vậy làm sao truyền đạo thành công được?” Do đó, nếu không lấy các số liệu thực tiễn để đánh giá dân số Phật tử trên toàn cầu, chúng ta sẽ khó phát triển Phật giáo tại các quốc gia và khu vực mới.

 

Nhận xét:      Vấn đề Kinh điển khi đọc thấy có mâu thuẫn, có thể là người đọc chưa hiểu nghĩa Kinh, nên đừng vội phán quyết, mà phải quán chiếu ý Kinh, ý Phật muốn nói gì, nhất là các Kinh liễu nghĩa của Bắc truyền phần lớn là là như vậy; tại sao khi Phật còn tại thế, sau khi Ngài giảng các đệ tử phải học thuộc? Không những học thuộc mà còn đọc tụng nhiều lần cho hiểu triệt nghĩa lý để theo đó áp dụng thực hành.

     Có khi Ngài nói vắn tắt qúa, hay cao siêu qúa, các đệ tử không hiểu nổi, thì các đệ tử này lại phải nhờ các vị đệ tử có trình độ đạo cao giải thích. Thành ra chúng ta thấy có những Kinh xuất hiện về sau thật là cao siêu mà trong Kinh Nam Truyền không có, vì khi Phật nói chẳng ai hiểu mà lúc đó các vị đệ tử có trí tuệ có thể vắng mặt không được nghe, nên bỏ qua luôn.

     Về sau các vị Bồ Tát trở lại thế gian với danh là Tổ Thiền Tông bên Ấn Độ để làm Phật sự như Ngài Mã Minh, Long Thọ, Thế Thân v.v…, nên chúng ta mới được diễm phúc đọc những Kinh Luận qúy hóa; vì những Kinh Luận này không bao giờ sai ý Phật, không ai có thể bài bác được, mà lại thâm thúy cao siêu vượt trội. Có lẽ đây cũng là ý của Phật, Ngài muốn dạy từ dễ đến khó, từ thấp lần lên cao để thích hợp với con người càng ngày càng tiến lên.

     Về vấn đề truyền bá Phật pháp, nên để tùy duyên, miễn sao các vị Phật Tử làm trong khả năng của mình không lười mỏi, Phật giáo không dụ dỗ cưỡng ép hay dùng mánh khóe thủ đoạn như các đạo khác thường làm để bắt bí, mua chuộc, dụ dỗ, lôi kéo người về tôn giáo của mình. Con số nhiều thật là vô nghĩa đối với Phật giáo, khi mà căn bản đạo đức không có thì con số dù đông tới đâu cũng không có giá trị đối với Đạo Phật.

 

Về tiếp biến văn hóa trong truyền đạo, tôi xin nêu ví dụ. Nếu như tượng Phật của Tây Tạng có gương mặt bằng, tượng Phật của Trung Quốc có gương mặt chữ điền thì tượng Phật của châu Phi trong tương lai nên có màu da là da đen, và tượng Phật Việt Nam phải mang gương mặt Việt Nam. Hiện nay, tại miền Nam, chỉ có vài ba chùa có tượng Phật mang phong cách Việt Nam, điển hình như chùa Ấn Quang, chùa Giác Ngộ và Chùa Thích Ca Phật đài. Nghe nói, nghệ nhân của các tượng Phật này chỉ sáng tác chừng đó thôi, rồi bỏ nghề, không làm tượng Phật nữa. Phần lớn các tượng Phật tại Việt Nam hoặc lai Trung Quốc, hoặc lai Đài Loan, hoặc lai Thái Lan, hoặc lai Miến Điện, hoặc lai Tây Tạng… hiếm có tượng Phật mang phong cách mỹ thuật Việt Nam.

 

Nhận xét:      Vấn đề hình ảnh tượng Phật, nếu làm cho được có hình ảnh tượng Phật một mẫu chung thì rất tốt đẹp, nhưng xem ra chẳng phải là điều dễ sửa đổi thực hiện.

 

Thời Lý có nền văn hóa Việt Nam độc lập, thoát khỏi ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc. Tượng Phật A-di-đà tại chùa Phật Tích ở Bắc Ninh là đỉnh cao của mỹ thuật Phật giáo Việt Nam. Các hoa văn, họa tiết của thời Lý không “đụng hàng” với Trung Quốc, đẹp không thua kém gì họa tiết Trung Quốc. Nếu trở về với mỹ thuật Việt Nam thì cần ta lấy đời Lý làm nền tảng và thời Trần làm tham khảo.

Rất mong chư tôn đức cùng suy nghĩ thêm về vấn đề này. Mỗi người hãy cố gắng sáng tạo, phát minh ra những hướng đi để Phật giáo có mặt trong từng gia đình. Hãy làm đạo Phật trở thành truyền thống, hễ ai là Phật tử thì gia đình đó đều là Phật tử. Đạt được tiêu chuẩn đó, ta mới thành tựu được “tạo nhân duyên tốt lớn”, một trong năm tiêu chí vãng sanh Tây phương theo Tịnh độ tông trong Kinh A-di-đà.

 

Nhận xét:      Theo lịch sử Phật Giáo Việt Nam thì thời đại Nhà Lý, Phật Giáo Việt Nam phát triển hơn tất cả các triều đại khác, đó là một điểm son qúy giá. Bây giờ muốn cho Phật Giáo được phát triển, điều quan trọng bậc nhất đầu tiên là việc phổ biến giáo lý của Phật phải được sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân thì mới mang lại kết qủa tốt đẹp được. Phổ biến Giáo lý bằng cách: In Kinh sách giảm thiểu dùng chữ Hán Việt để phổ biến, giảng Giáo lý tại tất cả các chùa hàng tuần theo một đường lối chung, phổ biến bài viết, bài thuyết giảng trên các mạng lưới điện tử; nếu mọi người hiểu Phật Pháp một cách tường tận rồi thì sẽ không thể nào bỏ đạo Phật để theo bất cứ đạo nào khác.

 

Câu hỏi 2:   (Còn tiếp)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
12/05/2016(Xem: 5669)
Hiện nay, vấn đề tín ngưỡng trở thành một trong những nhu cầu không thể thiếu trong bất cứ quốc gia nào; cho dù một quốc gia duy vật khắc khe, việc tín ngưỡng không được bộc lộ công khai, nhưng một cá nhân đối diện trước những khổ đau, vấn nạn bức bách, họ sẽ hướng về đâu để hy vọng thoát những khổ đau, tai ương hay mong cầu một lý tưởng nào đó sẽ trở thành hiện thực khi mà xã hội và luật pháp không giúp họ toại nguyện? Lịch sử nhân loại đã chứng minh, Liên sô, Đông Bá Linh, Cu Ba, Trung Cộng..
10/05/2016(Xem: 16206)
Hằng triệu dân Miền Nam nói chung trong các tôn giáo, nói riêng Quân, Cán Chính VNCH, (KiTô Giáo, Tam Giáo), tất cả các cấp từ trung ương đến địa phương, đều thấy biết chốp bu (VIP) của Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng, đều là Tướng, Tá các cấp trong Tam giáo, do Đại Tướng Dương Văn Minh làm chủ tịch có lời hiệu triệu kêu gọi toàn quân binh chủng tham gia Cách Mạng nhưng, những Tướng, Tá các cấp Cần Lao KiTô Giáo ngồi im và có hành động chống lại. Tức thì liền bị bắn chết ngay. Như Đại Tá Quyền (Cần Lao – Bộ Tư Lệnh Hải Quân) bị bắn chết trên xa lộ, do không tham gia, chống lại HĐQNCM. Nói rõ hơn, Tướng, Tá gốc Cần Lao Thiên Chúa không ai lên tiếng xin tham gia, đánh điện ủng hộ. Đến khi nghe ĐT Quyền bị bắn chết, liền gọi điện thoại, đánh công điện về Bộ Chỉ Huy Cách Mạng xin tham gia, nói lời ủng hộ. Nhưng, tất cả đều giả vờ, không thật lòng, là ý tưởng chung của các ông Cần Lao, họ đã hội kiến với nhau, với các giới KiTô trong nhà thờ, ngoài xóm đạo, là cứ giả theo, để rồi sau đó
04/05/2016(Xem: 5070)
Từ khi phương thức bán hàng trực tuyến (online) ra đời đã giúp ích và hỗ trợ rất nhiều thời gian cho những ai muốn mua sắm mà không có điều kiện đến tận siêu thị hay cửa hàng chuyên dụng. Đây là cách bán hàng hiệu quả nhất trong thời đại công nghệ tiên tiến, do đó đã có rất nhiều trang mạng kinh doanh theo phương thức này thi nhau ra đời, đáp ứng như cầu mua sắm của nhiều tầng lớp người tiêu dùng.
28/04/2016(Xem: 10618)
Chúng ta cần 100.000 chữ ký cho đến hết ngày 26/5/2016, để gửi thỉnh cầu lên Tổng Thống Obama lên tiếng yêu cầu chính phủ VN quan tâm và giải quyết vấn đề phá hoại môi trường sống của các vùng biển miền Trung VN, trong đó có Hà Tỉnh, Quảng Trị, Quảng Bình, và Huế. Đặc biệt, Hà Tĩnh là tỉnh nơi có khu kinh tế to lớn đang phát triển, trong đó bao gồm nhiều nhà máy công nghiệp do Trung Quốc và Đài Loan đầu tư nhiều tỷ đô la, một trong số đó là nhà máy thép do tập đoàn Formosa (China-Taiwan) làm chủ. Vừa qua nhà máy này đã nhập gần 300 tấn hóa chất cực độc để tẩy rửa nhà máy, rồi thải ra biển, làm cho cá chết hàng loạt và những loài động vật quý hiếm sống trong các vùng biển này, xin vào ký tên ngay ở đây: https://petitions.whitehouse.gov/petition/help-vietnamese-people-prevent-environmental-disaster-ha-tinh-province-central-vietnam Xin lưu ý sau khi ký tên xong, phải xác nhận một nữa địa chỉ email trong mail box của mình. Trân trọng kính thông báo, Chủ biên Trang Nhà Quảng Đức
27/04/2016(Xem: 10398)
Trọng tâm của bài viết nầy nhằm tìm nguyên nhân tại sao người Phật tử bị cải đạo và đề nghị phương pháp ngăn ngừa, chứ không phải là so sánh giữa hai tôn giáo. Tuy vậy, để có thể biết được nguyên nhân, nên một số tín điều và cách sống đạo, của tôn giáo, không thể không đề cập đến. Mong độc giả xem đó như là vài dẫn khởi cho việc truy tìm nguyên nhân Phật tử bị cải đạo và đề nghị giải pháp. Dẫu theo lối tiếp cận nào, chúng tôi vẫn dựa trên những chứng tích lịch sử để luận bàn, chứ không bao giờ đề cập những điều vô căn cứ. Một tôn giáo (hay một học thuyết) muốn đứng vững với thời và không gian thì tôn giáo ấy phải có ba tiêu chí cốt yếu: Nhân bản, Khoa học và Thực dụng.
29/03/2016(Xem: 4533)
Trong cuộc sống nhộn nhịp của xã hội hiện nay cũng như cảnh nông nhàn xa xưa của dân tộc Việt Nam, cảnh du canh du cư của những sắc tộc vùng cao, ngành ngư nghiệp trên vùng sông nước...Đất nước nào, dân tộc nào cũng phải đối diện với nhiều vấn nạn mà trí óc hạn hẹp, chơn chất khó giải trình, nhất là những vấn nạn mang tính trừu tượng, vô hình do tưởng thức đặt ra. Từ căn bản đó, tự mình vẻ bóng hư ảo để rồi sùng bái, ngưỡng vọng, lo sợ, hiến tế...theo bẩm chất nông cạn của chính mình, biến thành sự hối lộ, mua chuộc Thần thánh trừu tượng.kèm theo nghiệp sát đối với bao sinh động vật, thậm chí có cả sinh mạng con người.Trong đó, có cả tín ngưỡng trừu tượng gây bao khổ đau cho nhân loại hiện nay.
10/03/2016(Xem: 10575)
Hiện tượng đồng hóa âm thanh (linguistic assimilation) trong ngôn ngữ rất thường gặp: từ thanh điệu (điều hòa thanh điệu) cho đến các âm đứng gần nhau, phụ âm hay nguyên âm, đều có thể ảnh hưởng qua lạ i- nhất là trong khẩu ngữ. Điều này không làm ta ngạc nhiên vì âm thanh phát ra cũng phải tuân theo một số định luật vật lí tự nhiên của con người, khi lưỡi và họng ở những vị trí phát âm sao cho trôi chảy (nói) và thuận tai (nghe).
05/03/2016(Xem: 9534)
Các bài phát biểu trong Bàn tròn về :« Đạo Phật dấn thân » đã được tổ chức tại Trúc Lâm Thiền viện ngày 10/01/2016
20/01/2016(Xem: 7282)
Nay chúng lại lợi dụng sự “hợp tác toàn diện Việt Trung” đã hành động một cách ngang tàn, hống hách, xua quân lấn chiếm Hoàng sa, Trường sa, tung hoành, ngang ngược lãnh hải Việt nam. Ngư dân ta đã phải ngậm đắng nuốt cay, trước hành động bắn giết, cướp giựt tài sản đánh bắt của đồng bào ta khắp ven biển các tỉnh miền Trung như: Quảng Nam, Quảng ngãi, Bình Định, Phú Yên, Nha Trang v.v… Đúng là bọn hải tặc, khủng bố Trung quốc đang hoành hành trên đất nước ta. Chẳng những thế, mà vùng cao nguyên Việt nam, nơi vị trí tối quan trong như nóc nhà của đất nước, mà chúng đã xua quân, ký kết với đảng Cộng sản Việt nam, khai thác Bauxit, phá hoại môi sinh, cướp đất, đuổi nhà dân chúng ở Lâm Đồng, sẽ tiến tới chiếm trọn cao nguyên Trung phần Việt nam, sau khi thôn tính vùng cao nguyên Bắc Việt, Chúng sẽ khai thác nhiều quặn khác như vàng, chì, kẽm, đồng, v.v…tài nguyên quốc gia không khỏi qua tay bọn thổ phỉ Trung quốc.
13/01/2016(Xem: 5486)
Tuổi trái đất 4.54 tỷ năm Tuổi vũ trụ 13.75 (+ -) 0.11 tỷ năm Tuổi của sinh vật có vỏ 8 triệu năm, sinh vật sẽ được phát triển thành con người 2.5 triệu năm và loài người chính thức chừng 50 ngàn năm... Theo tạp chí khoa học. Vậy trước đó con người chưa hề có và sau cũng có thể không còn là một điều tự nhiên. Tuy thế, có người vin vào lẽ tự nhiên đó và lấy những con số do con người trong thời đại nầy chế ra rồi cộng trừ nhân chia để phun ra lời tiên tri như ông mục sư Harold Camping và hệ thống Radio Family là một việc làm thiếu vắng tính khoa học, là phó sản của bất thiện. Tại sao? Thiên tai, động đất, bão tố, mưa nắng, tuyết giá vốn là những động thái tự nhiên của vũ trụ. Lẽ dĩ nhiên con người đã góp một phần không nhỏ vào việc vận hành ấy bởi khai thác bất tận khoáng sản trong lòng đất, phá rừng, hàng triệu nhà máy bom thán khí triền miên vào không gian vô tội vạ.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]