Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 1

10/03/201620:07(Xem: 6611)
Phần 1

Tản mạn về tiếng Việt "hiện tượng đồng hoá âm thanh" (phần 1)

Nguyễn Cung Thông

 

Hiện tượng đồng hóa âm thanh (linguistic assimilation) trong ngôn ngữ rất thường gặp: từ thanh điệu (điều hòa thanh điệu) cho đến các âm đứng gần nhau, phụ âm hay nguyên âm, đều có thể ảnh hưởng qua lạ i- nhất là trong khẩu ngữ. Điều này không làm ta ngạc nhiên vì âm thanh phát ra cũng phải tuân theo một số định luật vật lí tự nhiên của con người, khi lưỡi và họng ở những vị trí phát âm sao cho trôi chảy (nói) thuận tai (nghe). Thành ra, ngoài các dữ kiện từ các tiếng nước ngoài, bài này còn đề cập đến một số liên hệ Hán Việt (HV), tuy không nhất thiết xác định nguồn gốc của các từ này (Việt cổ, Hán cổ). Các chữ viết tắt trong bài này là BK (Bắc Kinh), TVGT Thuyết Văn Giải Tự (khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), Tập Vận (TV/1037/1067), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), Tự Vị Bổ (TViB/1666), KH (Khang Hi/1716), HNĐTĐ (Hán Ngữ Đại Tự Điển/1986), Thiết Vận (ThV/601), Vận Kinh (VK/1161), VBL (từ điển Việt Bồ La, Dictionarium Annamiticum-Lusitanum-Latinum, Alexandre de Rhodes/1651). Chỉ số sau một âm tiết là chỉ thanh điệu, khác với số phụ chú ghi theo thứ tự trong bài.

Hai nguyên tắc đồng hóa âm thanh ĐH1 và ĐH2 được đề nghị để giải thích các dạng khám phá/khán phá, khám bệnh/khán bệnh cùng cấu trúc từ láy ưng ức/phưng phức và ròng rọc. Ảnh hưởng của nguyên âm trước và sau, cũng như khuynh hướng điều hòa thanh điệu không nằm trong phạm vi bài viết nhỏ này (thường gặp trong các ngôn ngữ thanh điệu/tonal language hơn). Hi vọng loạt bài "Tản mạn về tiếng Việt" sẽ giúp người đọc tìm hiểu thêm về tiếng mẹ đẻ rất phong phú của chúng ta.

1. Khuynh hướng đồng hóa âm thanh

Một số ngôn ngữ trên thế giới thuộc vào loại chắp dính (agglutinative/synthetic language) so với loại hòa kết (fusional/inflectional language). Loại ngôn ngữ chắp dính dùng nhiều phụ tố (affix) như tiền tố (prefix), hậu tố (suffix) để tạo từ mới cũng như các cấu trúc câu (sentence) hay một nhóm từ (đoản ngữ/phrase), khác với loại ngôn ngữ hòa kết thường thay đổi các dạng tiền tố, hậu tố khi nhập các thành phần này vào cấu trúc mới. Thí dụ của loại hình chắp dính là tiếng Nhật, Hàn, Thổ Nhĩ Kỳ, Mông Cổ, Armenia, Esquimo-Aleut, Basque ...v.v... Thí dụ của loại hình hòa kết là tiếng Phạn, La Tinh, Hy Lạp, Nga, Đức (họ Ấn-Âu). Khác với các ngôn ngữ nói trên là loại đơn lập (isolating language), thường mỗi hình vị (morpheme) đều có nghĩa riêng biệt, như tiếng Việt, Trung (Quốc)...v.v... Khuynh hướng đồng hóa âm thanh thường gặp trong các ngôn ngữ chắp dính hay hòa kết vì khả năng kết hợp các hình vị với nhau rất cao. Các thí dụ trong tiếng Anh (Mỹ) như

1.1 Mười đồng là ten bucks khi đọc nhanh trở thành *tem bucks vì phụ âm cuối -n (đầu lưỡi) của ten đồng hóa với phụ âm đầu b- (môi) của bucks để trở thành -m (môi).

1.2 Tiền tố in- (gốc La Tinh nghĩa là không) thường được dùng để cấu tạo các chữ mới như incorrect (correct là đúng, incorrect là không đúng/sai - tiếng Pháp là incorrect), indirect (direct là trực tiếp, indirect là không trực tiếp/gián tiếp - tiếng Pháp là indirect), inaudible (audible là nghe được, inaudible là không nghe được - tiếng Pháp là inaudible) ...v.v… Tuy nhiên, khi tiền tố in- hợp với tính từ possible (có thể) để cho ra *inpossible, thì phụ âm cuối -n (đầu lưỡi) lại bị đồng hóa bởi phụ âm đầu (môi) để cho ra dạng impossible (không thể - tiếng Pháp là impossible); cũng như polite (lễ độ) hợp với tiền tố in- để cho ra dạng impolite (không lễ độ/thô tục - tiếng Pháp là impoli) so với các dạng irresponsible (vô trách nhiệm, irresponsable tiếng Pháp - dạng in- đã trở thành ir- vì phụ âm đầu responsible), illegal (bất hợp pháp, illégal tiếng Pháp - dạng in- đã trở thành il- vì phụ âm đầu legal), immeasurable (vô số kể,  incommensurable tiếng Pháp - gồm có in- tiền tố La Tinh nghĩa là không, com- gốc La Tinh cum nghĩa là với, mesure là đo và able có gốc La Tinh là habilis nghĩa là tiện lợi, có thể) …v.v…

1.3 Cái xách tay (túi xách) là handbag, nhưng khi đọc thì có phụ âm đầu lưỡi d (hand) bị tha hóa (nhược hoá/mất đi/elision, vì không cùng hay gần vị trí phát âm như phụ âm b trong bag) trở thành *hanbag, sau đó phụ âm đầu lưỡi n lại bị đồng hóa với phụ âm b (môi) của bag để trở thành *hambag  /hæmbæg/ , đây là âm đọc mà ta thường nghe hơn.

Trong bài này, các trường hợp phụ âm hữu thanh n trở thành phụ âm hữu thanh m gọi tắt là khuynh hướng đồng hóa 1 (ĐH1) vì vị trí phát âm gần nhau của các phụ âm này.

1.4 Một cách thành lập danh từ chỉ số nhiều trong tiếng Anh là thêm hậu tố -s (phụ âm đầu lưỡi, xát và vô thanh) vào sau danh từ như

 

book --> books

lot --> lots

...

Tuy nhiên khi danh từ có phụ âm cuối hữu thanh thì âm s lại trở thành phụ âm đầu lưỡi, xát và hữu thanh z, do ảnh hưởng của phụ âm g đứng trước

 

bags đọc là  /*bæɡs/ --> hữu thanh hóa -->  /bæɡz/

friends đọc là /fɹɛn(d)z/  (phụ âm đầu lưỡi d mất đi, s trở thành z)

Trong tiếng Pháp, ta cũng thấy các trường hợp đồng hóa âm thanh:

1.5 Động từ observer là canh giữ, xem xét trong tiếng Pháp - đọc là  /ɔp.sɛʁ.ve/ với phụ âm môi hữu thanh b trở thành phụ âm môi vô thanh p vì đứng trước phụ âm xát vô thanh s. Tuy nhiên1 động từ observe tiếng Anh (gốc từ tiếng Pháp) đọc là /ɒbˈzɜː(ɹ)v/ với phụ âm xát vô thanh (đầu lưỡi) s trở thành âm xát hữu thanh z vì đứng sau phụ âm hữu thanh b.

1.6 Tôi không biết là je ne sai pas trở thành *je n'sais pas, sau đó thành *j'sais pas và cuối cùng ra dạng *chai pas mà ta thường nghe thấy hơn.

1.7 Tính từ diễn tả thứ hai, thứ nhì (phụ, không phải chính) là secondaire, đọc chậm là /sə.ɡɔ̃.dɛʁ/, khi đọc nhanh hơn trở thành  /sɡɔ̃.dɛʁ/ và cho ra dạng  /zɡɔ̃.dɛʁ/. Phụ âm cuối lưỡi -c (k) đã hữu thanh hóa (kêu/voiced) trở thành -g, cũng như phụ âm xát vô thanh s- trở thành hữu thanh z-, âm /ə/ đã tha hóa (mất đi/elision) để đọc cho dễ hơn và nhanh hơn.

Trong bài này, các trường hợp phụ âm vô thanh (như s, c/k) trở thành phụ âm hữu thanh (như z, g) gọi tắt là khuynh hướng đồng hóa 2 (ĐH2) do kết quả của quá trình hữu thanh hóa.

Các nguyên tắc ĐH1 và ĐH2 thật ra chỉ là hai trong nhiều kết quả tất yếu của nguyên tắc dùng sức (công) ít nhất của khoa học tự nhiên (principle of least effort): con người thường chọn những cách đọc (hay làm việc) ngắn gọn và dễ dàng nhất.

2. Tiếng Việt đơn lập?

Các ngôn ngữ thuộc loại hình đơn lập2 thường có tỉ số hình vị và từ (morpheme-word ratio) rất gần 1 so với các loại ngôn ngữ chắp dính hay hòa kết. Thí dụ như tiếng Việt mỗi chữ (từ) đều có nghĩa và không thể tách chữ này ra thành những thành phần có nghĩa khác nhau như tiếng Anh. Tiếng Anh unhappiness là một từ có nghĩa là sự không vui (dùng ít nhất là 3 từ độc lập tiếng Việt), unhappiness lại gồm có tiền tố un- nghĩa là không, happy là vui và -ness là hậu tố thành lập danh từ. Do đó tỉ số hình vị-từ là 3/1 = 3 so với cấu trúc tiếng Việt sự không vui có tỉ số 3/3 = 1. Hãy xem cấu trúc của trạng từ (phó từ/adverb) tiếng Anh slowly (hậu tố -ly hợp với tính từ slow) mà tiếng Việt là chậm:

 

She walks slowly

Bà ta đi (bộ) chậm

 

Nhưng ta cũng có thể nói Bà ta đi chầm-chậm, trường hợp này cho thấy từ láy chầm-chậm dùng tương đương với chậm và tỉ số hình vị-từ có thể là 2 hay 1, trong đó chữ chầm không có nghĩa và có thể coi như một phụ tố cùng âm vực với chậm. Trường hợp từ láy ba như sạch-sành-sanh cho thấy tỉ số hình vị-từ là 3/1 = 3 với các chữ sành và sanh không có nghĩa trong cách dùng này (hay chỉ là phụ tố):

 

Đồ tế nhuyễn của riêng tây

Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham   (Truyện Kiều)

 

Những trường hợp từ láy (hai, ba hay bốn) trong tiếng Việt cho ta khả năng đưa tiếng Việt đến gần ngôn ngữ loại chắp dính hay hòa kết và do đó các nguyên tắc hòa đồng âm thanh được thể hiện rất rõ nét. Khuynh hướng đồng hóa âm thanh trong tiếng Việt cho thấy cách phân loại ngôn ngữ thành đơn lập hay chắp dính không hoàn toàn chính xác - xem các dữ kiện từ các ngôn ngữ trên thế giới (như trường hợp sở hữu possessive ...) trang http://wals.info/ .  Khuynh hướng đồng hóa âm thanh dựa vào nguyên tắc vật lí tự nhiên (của hệ thống phát âm con người) và có thể xẩy ra trong tiếng Việt là điều không làm cho ta ngạc nhiên. Linh Mục Léopold Cadière (1869-1955) đã từng nhận xét3 về hiện tượng chắp dính (agglutination) trong tiếng Việt, dù ông cho rằng rất ‘là lạ’ so cho loại ngôn ngữ đơn âm. Trường hợp này xẩy ra cho phụ âm cuối t (đầu lưỡi, tắc) như khi một số người Việt phát âm một họ giống như một sọ, nhứt hạng trở thành nhứt sạng. Ta thử tìm hiểu khuynh hướng biến đổi cũng như thêm bớt phụ âm để phù hợp với môi trường âm thanh chung quanh cho dễ phát âm hơn (đọc/nói thuận và nhanh hơn), bắt đầu bằng từ láy đôi trong tiếng Việt.

3. Giải thích một loại cấu trúc từ láy đôi

3.1 Trường hợp từ láy "phưng phức"

Xem chữ phức 馥 (thanh mẫu tịnh 並 vận mẫu ốc 屋 nhập thanh, khai khẩu tam đẳng), có các cách đọc theo phiên thiết

 

 

房六切,音伏 phòng lục thiết, âm phục (TVGT, QV, TV, LT, VH, CV, TTTH)

符逼切 phù bức thiết (QV)

房六反 phòng lục phản (LKTG)

芳福符逼二反 phương phúc phù bức nhị phản (LKTG)

反福扶福二切 phản phúc phù phúc nhị thiết (NT, TTTH)

弼力切,音愎。義同 bật lực thiết, âm phức - nghĩa đồng (TV, LT)

拍逼切,音堛 phách bức thiết, âm bức (TV, LT)

音復 âm phục (TNTTĐTA 精嚴新集大藏音)

方六切,音福 phương lục thiết, âm phúc (CV, TVi) 

CV ghi cùng vần 福 腹 複 復 輹 副 葍 楅 輻 幅 覆 蝮 鍑 馥 蝠 (phúc phức phục phó bức)

非律切 phi luật thiết (TVi)

方六切,音復 phương lục thiết, âm phục (CTT, TViB)

音拂 âm phất (CTT)

...v.v...

 

 

Giọng BK bây giờ là fù bì so với giọng Quảng Đông fuk1 fuk6 và các giọng Mân Nam 客家话:[海陆丰腔] fuk8 fuk7 put7 [陆丰腔] fuk7 [梅县腔] fuk8 [客语拼音字汇] fug5 [宝安腔] fuk8 [客英字典] buk7 [台湾四县腔] fuk8 buk7 put7, giọng Mân Nam/Đài Loan hok8, tiếng Nhật fuku hyoku và tiếng Hàn pok.

 

Phức phức là từ láy toàn phần hàm ý mùi thơm tỏa ra ngào ngạt, đã có từ thời Tô Vũ (140 - 60 TCN) trong thơ "Biệt Hữu" 别友:

燭燭晨明月, 

馥馥秋蘭芳

Chúc chúc thần minh nguyệt

Phức phức thu lan phương

Từ láy toàn phần phức phức đã có trong các tác phẩm Nôm9 cổ như

 

Tây tử điểm thôi hương phức phức  (Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập)

Mùi hương phức phức phàm trần đã khônog (Thiền Tông Bản Hạnh)

Tiếng Việt còn dùng từ láy phưng phức4: khác dạng phức phức vì phụ âm cuối tắc -c của chữ phức đầu đã tha hóa, và thay vào đó là phụ âm cuối lưỡi/hữu thanh -g sau đó trở thành ŋ (ng) vì tiếng Việt không có dạng *phưg. Ngoài ra, phụ âm mũi n với luồng hơi qua mũi tạo sự liên tục (cầu nối) giữa hai âm phư và phức - đây là khuynh hướng ĐH2 xẩy ra trong âm vực cao:

 

phức >  phức phức > *phưg phức >  phưng phức      (cùng âm vực cao)

VBL ghi hai cách dùng phưng phứcphức phức - trang 608)

 

Ta cũng có các từ láy liên hệ như ưng ức, tưng tức ... So với cấu trúc tương tự cho âm vực thấp như phừng phực ... hừng hực ... sừng sực ...v.v... Các phụ âm mũi m/n/ng/nh là một cầu nối làm các âm tiết phát ra trở thành liên tục hơn - đây là một đặc tính của ngôn ngữ nói chung khi ta ngâm (thơ) hay ngân (hát) và tạo thêm tính chất biểu cảm của âm phát ra - bản chất của các phụ âm tắc k/p/t  khó mà tạo ra hiệu quả như vậy!

Ngoài trường hợp lắp láy nguyên âm ư, ta cũng có thể áp dụng nguyên tắc HĐ2 cho các từ láy với nguyên âm a như tan tác, nguyên âm e như eng éc, nguyên âm ô như mồn một ...v.v... Để ý rằng quá trình hữu thanh hóa5 các phụ âm cuối tắc c/p/t để cho ra dạng -ng, nhưng cũng có thể cho ra dạng -nh như bịch bịch > bình bịch ~ phình phịch (tiếng Việt không dùng các dạng *bìng, *phìng). Trang 762 VBL ghi dạng thịc thịc so với thịch thịch > thình thịch (thường gặp hơn).

3.2 Trường hợp từ láy “ròng rọc”

Từ láy ròng rọc phản ánh kết quả của hai nguyên tắc ĐH1 và ĐH2 đã nói trên: căn tố (chính tố/root) là rọc với các biến thể như rọc rọc, róc rách, ròng rọc là lộc lô (HV), lộc lộc (HV) và lốc cốc. Tra lại các tài liệu tiếng Việt trước đây ta thấy

 Tan-man-ve-tieng-viet-p1-000

 Trang 420, tự điển Việt Bồ La (1651). Tiếng La Tinh trochlea là ròng rọc (để ý tiếng Bồ Đào Nha là roldana trong cả ba trường hợp dùng trong VBL)

 

 Tan-man-ve-tieng-viet-p1-001

 Trang 641, tự điển Việt Bồ La (1651) - tiếng La Tinh rotula là một bánh (xe) nhỏ/a small wheel

 

Từ láy toàn phần rọc rọc đã có trong các tác phẩm Nôm cổ như

 

Lộc lô rọc rọc khéo làm (Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa)

Tan-man-ve-tieng-viet-p1-002

Trang 680-681, tự điển Việt Bồ La (1651)

 

Tan-man-ve-tieng-viet-p1-003

Trang 313 " Annamite-français & grammaire" của Gabriel Aubaret (1867)

 

Rọc rọc hiện diện từ thời VBL (1651), Béhaine (1772), Taberd (1838) ... đến thời Đại Nam Quấc Âm Tự Vị (Huỳnh Tịnh Của, 1895), thời Việt Nam Tự Điển (1932/1854) cũng ghi là rọc rọc, nhưng cũng thường gọi là ròng rọc. Trương Vĩnh Ký6 ghi poulie là róc-rách (1884). Rọc tiếng Thái là rôk รอก , tiếng Khme là rok, tiếng Tày–Nùng7 lôc là guồng nước so với chữ hiếm lộc/lục 樚 (Unicode 6A1A) có các cách đọc theo phiên thiết

 

盧谷切,音六 lô cốc thiết, âm lục (TV, VH, LT, LT)

徒谷切。同櫝 đồ cốc thiết, đồng độc (NT) - TViB ghi âm độc 音獨

力竹切,音六 lực trúc thiết, âm lục (CTT)

音鹿 âm lộc (TĐTAT 重訂直音篇)

...v.v...

Giọng BK bây giờ là lù so với giọng Quảng Đông luk6 và các giọng Mân Nam 客家话:[梅县腔] luk8 [台湾四县腔] luk8 luk7 [客英字典] luk8 [海陆丰腔] luk8 luk7, tiếng Nhật là roku toku doku. Róc rách bây giờ có nghĩa là tiếng nước chảy (nước suối chảy róc rách …). Theo nguyên tắc ĐH2, rọc rọc trở thành ròng rọc:

 

rọc  > rọc rọc > *rog rọc > ròng rọc      (cùng âm vực thấp)

 

Tương ứng với cấu trúc ròng rọc (âm vực thấp) ta có òng ọc, nòng nọc, chòng chọc, xòng xọc, sòng sọc ... So với (âm vực cao) long lóc, cong cóc, xong xóc ...v.v...

Từ láy ròng rọc cho thấy căn tố rọc (*lộc) đã từng láy toàn phần (rọc rọc), sau đó trở thành từ láy bộ phận (ròng rọc) cho đến ngày nay, cũng như trường hợp từ láy phưng phức. Có nhiều cách viết chữ Hán để ký âm rọc: như lộc bộ mộc như đã nói ở phần trên (hàm ý ròng rọc làm bằng cây) hay lộc bộ xa8 hợp với chữ lộc 轆 (tần số dùng cao nhất trong nhóm, 178 trên 175865108), lộc bộ thủ hợp với chữ lộc 摝 (tần số dùng 19 trên 171894734) ... Hay lô viết bằng bộ xa hợp với chữ lô 轤 (tần số dùng 96 trên 173881764). Ròng rọc còn gọi là lộc lô 轆轤 (một dạng từ láy). Điều đáng chú ý là từ láy HV toàn phần lộc lộc 轆轆 chỉ tiếng ồn (của xe chạy), tương ứng với các dạng lộc cộc, lọc cọc hay lốc cốc, lóc cóc tiếng Việt; điểm khác biệt là dạng từ láy tiếng Việt đã thể hiện kết quả của nguyên tắc đồng hóa âm thanh (ĐH1): phụ âm cuối -c của lốc đã biến đổi phụ âm đầu l- của lốc thành –c (cốc).

3.3 Trường hợp từ láy “nơm nớp”

Nớp là sợ, khiếp (nớp lòng, VBL trang 571) - một dạng chữ Nôm dùng chữ nạp HV 納 - thí dụ các cách dùng9 xưa:

 

Oán người nớp nớp những âu người (Nguyễn Trãi/Ức Trai Thi Tập)

Nớp nớp thửa run sợ (Thi Kinh giải âm)

Đứa cuồng còn sợ nớp nớp (Thi Kinh giải âm)

Kẻ sĩ lành lo nớp nớp (Thi Kinh giải âm)

...v.v...

 

Từ láy nớp nớp sau này trở thành nơm nớp qua quá trình hữu thanh hóa và chuyển âm vực:

 

nớp nớp > *nớm nớp > nơm nớp      (cùng âm vực cao)  - khuynh hướng ĐH2

 

Tương tự như trên, vặc chữ Nôm dùng chữ 域 vực HV, và vặc vặc là từ láy toàn phần hàm ý sáng rực:

 

Lòng bạn trăng vặc vặc cao (Nguyễn Trãi)

Nước uống nguồn Tào vặc vặc lặng thanh (Thiên Tông Bản Hạnh)

Cung xanh vặc vặc ngọc âm từ rày (Thiên Nam Ngữ Lục)

...v.v...

Hiện nay, ta thường nghe cách dùng vằng vặc hơn so với vặc vặc (trăng sáng vằng vặc), đây là kết quả trực tiếp của quá trình ĐH2:

 

vặc vặc > *văg vặc > vằng vặc          (cùng âm vực thấp)

 

4. Phất phới hay phấp phới

Phất phới được dùng như trạng từ hay động từ như "cờ bay phất phới", tuy nhiên dạng phấp phới cũng hiện diện và tần số dùng nhiều hơn trong sách vở và báo chí. Đây là kết quả của khuynh hướng đồng hóa âm thanh (ĐH1) như đã viết bên trên. Phất HV 拂 có nghĩa là phẩy, phủi như trong cách dùng phất trần (quét bụi)/phất y (giũ áo); một dạng biến âm của phất10 là phớt như "phớt qua" ...v.v... Phất phất 拂拂 là từ láy toàn phần dùng từ thời Đường (Ngô Dung 吳融). Khuynh hướng ĐH1 cũng từng xẩy ra từ thời VBL, như thấp thoảng có người đọc là thất thoảng (VBL trang 773). Dạng phấp 法 trong phấp phới 法派cũng từng hiện diện trong một số tác phẩm Nôm9 như

 

Chỉn thấy cái hạc dâm liệng trên không, phấp phới mà múa (Truyền Kỳ Mạn Lục)

Cờ mây phấp phới soi sáng bãi sông (Truyền  Kỳ Mạn Lục)

Lốm đốm sao thưa phấp phới sương thưa (Sơ Kính Tân Trang/Phạm Thái)

Bốn mảnh quần hồng bay phất phới (Hồ Xuân Hương)

5. Khám phá và khám bệnh

Tiếng Việt hiện đại có cách dùng xâm bổ lượng (từ Hán Việt là thanh bố lương/lượng  清補涼 một món giải khát phổ thông ở Quảng Đông, Quảng Tây, Hương Cảng, Áo Môn, Hải Nam và Việt Nam) - thanh HV đọc là xanh, phụ âm cuối -nh bị môi hóa trở thành *xâm vì đứng trước âm môi b- (bổ). Đây là khuynh hướng đồng hóa phụ âm trong khẩu ngữ theo nguyên tắc ĐH1. Ngoài xâm bổ lương, ta còn có thể khảo sát thêm những trường hợp tương tự là khám phá và khám bệnh: các nhóm từ HV này rất đặc biệt vì đã từng hiện diện với cách dùng khán phá và khán bệnh (trong tiếng Hán). Các dạng biến âm dễ xẩy ra trong khẩu ngữ vì không bị giới hạn bởi chữ viết (chữ Nho).

5.1 Khám phá

Chữ khám 勘 (thanh mẫu khê 溪 vận mẫu đàm 覃 khứ thanh, khai khẩu nhất đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

 

苦紺切,堪去聲 khổ cám thiết, kham khứ thanh (TVGT, NT, ĐV, QV, TV, VH, CV, TVi, TTTH)

枯含切,音堪 khô hàm thiết, âm kham (TV, LT) - bình thanh

口含切 khẩu hàm thiết (CTT)

...v.v...

 

Giọng BK bây giờ là kān kàn so với giọng Quảng Đông ham1 ham2 và các giọng Mân Nam 客家话:[梅县腔] kam1 kam5 [宝安腔] kam5 [客英字典] kam5 [海陆丰腔] kam1 kam5 [客语拼音字汇] kam3 [台湾四县腔] kam1 kam5 [东莞腔] kam5 潮州话:kam3 (khàm) 「澄海」kang3, giọng Mân Nam/Đài Loan kham1, tiếng Nhật kan và tiếng Han kam. Dạng khám tiếng Việt (khứ thanh) cho thấy khả năng hiện diện trước thời Tập Vận (1037/1067) và Loại Thiên (1039/1066) - thời VBL còn ghi dạng khấm (khấm việc, quan đi khấm). Điều này giải thích được tại sao khám được dùng tự do (free morpheme) cũng như trong các từ Hán Việt khác như khám phá, khám nghiệm ... Nếu tiếng Việt và các giọng địa phương miền Nam TQ còn duy trì âm cổ hơn kham, thì tiếng TQ bây giờ đã đọc khác hơn: phụ âm cuối -m đã trở thành -n nên đọc khám thành kān hay kàn; các cách đọc này cũng chính là cách đọc chữ khán11 看 bây giờ. Cách dùng khám phá và khán phá đã hiện diện từ thời Tống, các tài liệu12 cho thấy khán phá dùng trước khám phá:

 

"看破空花塵世,放輕昨夢浮名" khán phá không hoa trần thế, phóng khinh tạc mộng phù danh   (Lục Du 1125-1210, "Phá Trận Tử")

 

"死生已勘破,身世如遺忘" tử sanh dĩ khám phá, thân thế như di vong   (Văn Thiên Tường 1236-1283, "Thất Nguyệt Chi Nhật Đại Vũ Ca")

 

【勘破】犹看破   [khám phá] do khán phá  (Hán Ngữ Đại Tự Điển) - còn được ghi nhận9 lại trong từ điển trên mạng như http://www.zdic.net/c/8/6b/103335.htm

 

Một cách giải thích sự xuất hiện của động từ khám phá là khuynh hướng đồng hóa phụ âm (ĐH1): phụ âm cuối -n (khán) đã trở thành phụ âm môi -m (khám) để phù hợp với phụ âm môi ph- (phá) đứng ngay sau đó. Điều này có thể xẩy ra khi trước khi phụ âm -m trở thành -n trong tiếng Hán trung cổ, cho ra cách đọc giống nhau về sau của khám và khán (kàn BK bây giờ). Người Trung Quốc cũng nêu ra thắc mắc về cách dùng khám phá hay khán phá (đều đọc là kàn pò BK bây giờ), tuy nhiên không thấy được vấn đề rõ hơn so với người VN vì cả hai dạng đều hiện diện trong tiếng (Hán) Việt cho đến nay. Tiếng Việt bây giờ hiểu "khám tai" (đi bác sĩ để khám tai) rất khác với khám tai 勘災 có nghĩa là tra xét sự tình (tai nạn nào đó) trong tiếng Hán!

5.2 Khám bệnh

Các từ điển Génibrel (1898/SaiGon), Vallot (1898/HaNoi), Bonet (1899), Aubaret (1867), Béhaine (1772), Taberd (1838), VBL (1651) đều không ghi các cách dùng khán bệnh 看病 hay khám bệnh 勘病; Huỳnh Tịnh Của ghi coi bệnh (1895) và Gouzien (1897) có ghi khám bệnh, cho thấy cách dùng này đã hiện diện trong khẩu ngữ:

 

Tan-man-ve-tieng-viet-p1-004

Manuel franco-tonkinois de conversation spécialement à l'usage du médecin, précédé d'un exposé des règles de l'intonation et de la prononciation annamites, TG Paul Gouzien (1897)

Tương quan khám và khán còn thấy trong cách dùng từ ghép trong Đại Nam Quấc Âm Tự Vị/ĐNQATV (Huỳnh Tịnh Của, 1895)

 

Khám khán  勘看  Xét xem  (trang 478, ĐNQATV - Tome I)

 

Không thấy các tài liệu TQ dùng khám bệnh như trong tiếng Việt, theo học giả Đào Duy Anh trong Hán Việt Tự Điển/HVTĐ (1931) thì chỉ có khán bệnh (không có khám bệnh, so với khám nghiệm); Gustave Hue (“Dictionnaire vietnamien chinois francais”, 1937) thì ghi cả hai cách dùng khám bệnh và khán bệnh (cùng một nghĩa examiner une maladie), theo Nguyễn Văn Khôn (HVTĐ, 1960) thì có khán bệnh (không có khám bệnh). Chị Bùi Thị Duyên Hà13, trong một bản báo cáo mới đây (2012) có nêu lên khả năng lẫn lộn trong cách đọc khám và khán. Trường hợp khám bệnh có thể giải thích bằng khả năng đồng hóa phụ âm ĐH1: phụ âm mũi -n trong khán bệnh đã trở thành phụ âm môi -m để phù hợp với phụ âm môi (âm mũi) b- của bệnh.

Tóm lại, dựa vào nguyên tắc đồng hóa âm thanh rất tự nhiên trong ngôn ngữ, ta có thể giải thích phần nào các hiện tượng lắp láy như phưng phức, ròng rọc, nơm nớp, vằng vặc  (láy bộ phận). Ngoài ra, dựa vào khuynh hướng đọc cho dễ (qua cách đồng hóa các phụ âm gần nhau) mà ta có cơ sở giải thích các cách dùng rất đặc biệt như phấp phới, khám phá/khán phákhám bệnh/khán bệnh trong tiếng Việt và Hán Việt.

6. Phụ chú và phê bình thêm

Phần này không hoàn toàn theo cách ghi tài liệu (Bibliography) tham khảo APA hay MLA vì bao gồm các phê bình thêm về đề tài, tài liệu và tác giả để người đọc có thể tra cứu thêm chi tiết và chính xác. Chi tiết về cấu trúc từ láy trong tiếng Việt có thể đọc trong "Từ láy - những vấn đề còn để ngỏ" NXB Khoa Học Xã Hội - Trung Tâm Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Quốc Gia/Viện Ngôn Ngữ Học (Hà Nội, 1998) trang 170-172, "Từ tiếng Việt - Hình thái, Cấu trúc, Từ láy, Từ ghép, Chuyển loại" NXB Khoa Học Xã Hội, Viện Ngôn Ngữ Học, Hoàng Văn Hành (Chủ biên) - Hà Nội (1998) trang 79, "Cơ sở Ngôn Ngữ Học và tiếng Việt" NXB Giáo Dục, Mai Ngọc Chừ/Vũ Đức Nghiệu/Hoàng Trọng Phiến - Hà Nội (tái bản lần thứ sáu, 2005) trang 117, trang 147 …, "Từ vựng học tiếng Việt" Nguyễn Thiện Giáp - NXB Giáo Dục (Hà Nội, 2002) trang 89, "Dẫn luận Ngôn Ngữ học" Nguyễn Thiện Giáp (Chủ biên)/Đoàn Thiện Thuật/Nguyễn Minh Thuyết - NXB Giáo Dục (Hà Nội, 2006) trang 200-201. Nguyễn Đức Tồn ghi nhận một số vấn đề về cấu trúc từ láy trong tiếng Việt qua các bài viết "Về các phương thức cấu tạo từ trong tiếng Việt nhìn từ góc độ nhận thức và bản thể" đăng trong tạp chí Ngôn Ngữ (2011 - Số 8(267) trang 1-10), hay có thể xem trên mạng trang này http://www.tgn.edu.vn/bai-viet/c45/i51/ve-cac-phuong-thuc-cau-tao-tu-trong-tieng-viet-nhin-tu-goc-do-nhan-thuc-va-ban-the-.html ...v.v... Thanh điệu cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành tiếng Việt hiện đại. Thí dụ như cách dùng nước miếng, tiếng Khme là tức mót (nước miệng), tiếng Chăm là ia pabah (nước miệng), tiếng Chao Bon (Nyah Kur) là dáak páang (nước miệng), tiếng Mông (H'Mong) là kuz ndâux (ndâux là miệng), tiếng Gia-Rai là ia bah (bô là miệng) ... Ngoài ra một dạng chữ Nôm dùng 𠰘 chỉ miệng cũng như miếng (nước miếng), do đó ta có cơ sở để đề nghị nước miếng là nước miệng, nhưng đã bị ảnh hưởng của thanh sắc (nước) để cho ra dạng nước miếng hiện nay. Cá đuối từng là cá đuôi (VBL - hàm ý cá có đuôi đặc thù), thợ nê (nê 泥 là bùn, bôi/trát) trở thành thợ nề (cùng âm vực thấp), chúng cư và chung cư ...v.v... Tuy nhiên, bài viết này không bàn đến ảnh hưởng của thanh điệu trong hiện tượng đồng hoá phụ âm.

 

1) Khuynh hướng đồng hóa phụ âm, có thể theo chiều xuôi (như s trở thành z trong lúc đọc observe tiếng Anh), gọi là lagging assimilation. Khả năng đồng hóa phụ âm có thể ngược lại (như b trở thành p trong lúc đọc observer tiếng Pháp) gọi là leading assimilation, có tác giả gọi là progressive assimilation (ĐH1 xuôi) so với regressive assimilation (ĐH1 ngược). Đây là những khuynh hướng đồng hóa trực tiếp (direct assimilation) vì các âm kề nhau mà ta dễ nhận ra hơn, so với ảnh hưởng gián tiếp (indirect assimilation) của nguyên âm trước và sau cũng như thanh điệu của các từ này. Các hiện tượng trên có khả năng cho ra nhiều kết quả thú vị nhưng không nằm trong phạm vi bài này.

 

2) David Crystal, 1987 "The Cambridge Encyclopedia of language" NXB Cambridge University Press Cambridge, Anh Quốc). Một tỉ số cũng được dùng để khảo sát các loại hình ngôn ngữ là tỉ số tổng hợp (index of synthesis) hay số (lượng) hình vị chia cho số (lượng) từ; thí dụ như câu "The boys saw the girl" có 5 từ nhưng có 8 hình vị trong tiếng Anh, tỉ số tổng hợp là 8/5 = 1.6, trung bình của tỉ số này cho tiếng Anh là 1.68 so với tỉ số (trung bình) của tiếng Việt là 1.06, tiếng Ba Tư là 1.52, tiếng Phạn là 2.59, tiếng Anh Cổ (Old English) là 2.12 và tiếng Eskimo là 3.72. Bạn đọc có thể tham khảo thêm chi tiết về cách phân tích định lượng này của nhà ngôn ngữ học Joseph Greenberg (1960) trang này chẳng hạn http://ngonngu.net/index.php?m=print&p=230

 

3) Léopold Michel Cadière, 1905 "Phonétique annamite (dialecte du Haut-Annam)" Ecole française d'Extrême-Orient,Volume 3 of Publications de l'Ecole française d'Extreme-Orient (113 trang). Linh Mục Cadière nhận xét rằng trường hợp phụ âm cuối một chữ bị ảnh hưởng của phụ âm đầu của chữ sau đó (khi phát âm một họ thành một sọ) : "C'est un cas curieux d'agglutination ..." (tạm dịch: đây là trường hợp kỳ lạ của hiện tượng chắp dính ..." (trang 56).

 

4) Các tài liệu Hán cổ có ghi các tổ hợp phương phức 芳馥, phân phức 芳馥 đều hàm ý hương thơm ngào ngạt (phân hương 芳香). Chữ phương bộ thảo khó giải thích liên hệ với phưng so với tương quan phương 方 và vuông, tuy rằng cùng âm vực và cũng có tương ứng giữa khương và gừng, cương và cứng ... Ngoài ra, phới cũng có thể dùng làm từ láy toàn phần phới phới như trong VBL (trang 603) và các tác phẩm Nôm

Tám bức quần hồng bay phới phới (Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập)

Lòng mừng phới phới nhẹ tăm tăm (Bạch Vân Am Thi Tập/Nguyễn Bỉnh Khiêm)

...

5) Một cách nhìn khác dựa vào tính chất trong-đục của tiếng Việt: đặc tính hữu thanh của nguyên chuỗi âm thanh lạng so với lạc, láng so với lác (vô thanh ở phần cuối -c). Xem thêm "Ngữ âm tiếng Việt" Đoàn Thiên Thuật, NXB Đại Học Quốc Gia Hà Nội (tái bản năm 2007), trang 139-140. Cao Xuân Hạo cũng nhắc đến hiện tượng láy HĐ2, cho thấy khả năng phân biệt "không đúng các thành phần của cấu trúc âm tiết" trong lý thuyết ngôn ngữ truyền thống, ông nêu ra quy tắc cấu tạo L.01 cho loại từ láy này - trang 79-87 (bài viết vào 8/1957 - 12/1997, đăng trong cuốn "Tiếng Việt - mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa" NXB Giáo Dục - tái bản lần thứ hai - Thành Phố HCM).

 

6) Hoàng Văn Ma-Lục Văn Pảo-Hoàng Chí, 1974 "Từ điển Tày-Nùng-Việt" NXB Khoa Học Xã Hội (Hà Nội)

 

7) J.B. Petrus Trương Vĩnh Ký, 1884 "Petit Dictionnaire francas annamite" Imprimerie de la Mission, à Tân-Định (SaiGon)

 

8) Chữ lộc 轆 (thanh mẫu lai 來 vận mẫu ốc 屋 nhập thanh, khai khẩu nhất đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

 

 

盧谷切,音鹿 lô cốc thiết, âm lộc (QV, TV, VH, CV, LT, TVi) - TVi ghi âm lục 音六

力木反 lực mộc phản (NTLQ 玉篇零卷)

音鹿 âm lộc (LKTG)

力木切 lực mộc thiết (NT)

徒谷切 đồ cốc thiết (NT, TV, LT)

徒谷乀 đồ cốc phật (TNTTĐTA 精嚴新集大藏音)

CV ghi cùng vần 祿 漉 淥 盝 簏 琭 簶 麓 碌 鹿 轆 錄 睩 甪 摝 騼 六 陸 稑 穋 蓼 戮 僇 勠 籙 綠 醁 騄 菉 (lộc lục liệu)

力竹切,音祿 lực trúc thiết, âm lộc (CTT)

...v.v...

Giọng BK bây giờ là lù so với giọng Quảng Đông luk1 luk6 và các giọng Mân Nam  客家话:[海陆丰腔] luk8 [宝安腔] luk7 [台湾四县腔] luk8 [客英字典] luk8 [梅县腔] luk8 [客语拼音字汇] lug5, tiếng Nhật là roku và tiếng Hàn lok.

 

Ròng rọc tiếng Trung (Quốc) bây giờ là hoạt xa  滑車 hay hoạt luân 滑輪 (tiếng Nhật là kassha, tiếng Hàn là hwal'cha cùng một gốc so với dạng mượn từ tiếng Anh pūrī và pulli) - còn lộc (lộc lô) là từ Hán cổ và được Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa ghi là “Lộc lô rọc rọc khéo làm”. Một dạng chữ Nôm của rọc là lục/lộc HV 淥, tương quan lộc và rọc có thể nhận ra qua các cặp long rồng 蠬 瀧, lọc lộc 漉 ...

 

9) Nguyễn Quang Hồng (Chủ biên) "Tự Điển chữ Nôm" NXB Giáo Dục - Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam (Hà Nội, 2006)

10)  Chữ phất 拂 (thanh mẫu bàng 滂 vận mẫu vật 物 nhập thanh, hợp khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

 

 

敷勿切,音髴 phu vật thiết, âm phất (TVGT, ĐV, QV, TV, VH, CV, TVi, CTT) - TVi/CTT ghi âm phất 音弗

符勿切,音佛 phù vật thiết, âm phật (TV, VH)

薄密切。與弼同 bạc mật thiết - dữ bật đồng (TV, LT, VH, CV)

芳勿反 phương vật phản (LKTG)

孚勿翻 phu vật phiên (BH 佩觿)

無勿切 vô vật thiết (NT)

普密切,讀與匹近 phổ mật thiết, độc dữ thất cận (TV) - thất đọc là pǐ (giọng BK bây giờ)

父沸切 phụ phất thiết (TV, LT)

方味切 phương vị thiết (TVi)

方未切,音沸 phương vị thiết, âm phí (LT, KH)

非乙切 phi ất thiết (TViB)

...v.v...

 

 

Giọng BK bây giờ là fú pǐ so với giọng Quảng Đông fat1 bat6 faak1 và các giọng Mân Nam 客家话:[台湾四县腔] fut7 fit8 fin5 [客语拼音字汇] fag5 fid5 fid6 fud5 fug5 [海陆丰腔] fut7 fit8 fin5 [梅县腔] fut7 [陆丰腔] fut7 [客英字典] fut7 [宝安腔] fut7 fin5, giọng Mân Nam/Đài Loan hut1, tiếng Nhật futsu hotsu hitsu và tiếng Hàn pwul phil.

 

11) Chữ khán 看 (thanh mẫu khê 溪 vận mẫu hàn 寒, bình hay khứ thanh, khai khẩu nhất đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

 

苦寒切 khổ hàn thiết (TVGT, ĐV, NT, TTTH)

苦干切 khổ can thiết (QV)

苦安切 khổ an thiết (NT, TTTH)

丘寒切,音刊 khâu hàn thiết, âm khan (TV, VH, CV, LT, TG 字鑑, TVi)

苦旰切 khổ cán thiết (ĐV)

墟旰切 khư cán thiết (TV, VH)

袪幹切,刊去聲 khư cán thiết, khan khứ thanh (CV, TVi) - TVi ghi thêm âm khám 音勘

苦堅切,音牽 khổ kiên thiết, âm khiên (KH)

苦甸切,牽去聲 khổ điện thiết, khiên khứ thanh (KH)

丘電切,音牽 khâu điện thiết, âm khiên (TVi)

...v.v...

 

Giọng Bắc Kinh bây giờ là kān, kàn so với giọng Quảng Đông hon1, hon2 và các giọng Mân Nam 客家话:[海陆丰腔] kon5 kon1 [客英字典] kon5 kan1 [台湾四县腔] kon5 kon1 [宝安腔] kon5 [陆丰腔] kon5 [梅县腔] kon5 [沙头角腔] kon5 [东莞腔] kon5 [客语拼音字汇] kon4.  Để ý là đến thời TVi (Tự Vị/1615) thì hai âm khán và khám đã đọc giống nhau (so với giọng BK kàn bây giờ của khán và khám). Âm HV vẫn bảo lưu hai vần -ám và -án khác nhau (trước thời TVi) của khám và khán.

 

12) Xem thêm chi tiết trong “Hán Ngữ Đại Tự Điển” (1986) … hay “Khang Hi Tự Điển” (1716) trang này chẳng hạn http://www.zdic.net/c/b/149/321204.htm

 

13) Bùi Thị Duyên Hà (Hải?), 2012 "Biến thể Hán Việt trong tiếng Việt" đăng trong kỷ yếu hội thảo 'Nghiên Cứu và Giảng Dạy Việt Nam Học và tiếng Việt' trang 62-74 - NXB Tổng Hợp Thành Phố HCM. Có thể xem toàn bài trang này http://www.vns.edu.vn/vns/images/stories/Bai_NCKH/13_BuiThiDuyenHai/2_buithiduyenhai.pdf

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
15/09/2009(Xem: 7200)
Để đối phó với tình hình khó khăn, bị vu cáo trắng trợn và đe dọa thường trực, Đức Đệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang ban hành Giáo chỉ thành lập Văn phòng II Viện Hóa Đạo mới
25/09/2008(Xem: 6141)
Kể từ ngày Giáo chỉ số 9 do Đức cố Đệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang ban hành nhằm thiết lập Văn phòng II Viện Hóa Đạo và kiện toàn nhân sự cùng lập trường GHPGVNTN tại hải ngoại, bỗng nhiên xuất hiện một số chư Tăng và Cư sĩ tỏ ý bất khâm tuân Giáo chỉ của Đức Tăng thống.Từ sự bất khâm tuân Giáo chỉ số 9, chư vị nói trên hoặc đứng ra tổ chức Giáo hội dưới danh xưng khác, hoặc tiếp tục tiếm danh Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Đó là trường hợp của Cộng đồng Phật giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Canada của Thượng tọa Thích Bổn Đạt, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Úc Đại Lợi – Tân Tây Lan của các vị Hòa thượng Thích Như Huệ, Hòa thượng Thích Bảo Lạc, Thượng tọa Thích Quảng Ba, v.v... và
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]