“TRÒ KHỈ” MỘT BỨC ẢNH BIẾT NÓI !
Trong những tháng vừa qua, người viết được mời tham dự nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm về công tác văn hóa, thông tin và báo chí, (phần lớn đều nằm phía ngoại biên Phật giáo). Với người ta, mình đã nhiệt tình đóng góp rất nhiều ý kiến cũng như học hỏi được không ít điều hay, khả dĩ có thể bổ sung kinh nghiệm viết lách cho bản thân; nhưng khi nhìn về mình, một khoảng trời lý tưởng đang dốc lòng phụng sự, thấy vẫn còn rất nhiều những nhấp nhô, gồ ghề, thậm chí xấu xí trên mặt bằng thông tin truyền thông Phật giáo (TTTT PG).
Từ bức ảnh “trò khỉ” Đui – Điếc – Câm!
Năm Bính Thân 2015 sắp đến, trong những bề bộn lo toan, trong tôi bỗng nhớ tới hình ảnh ba con khỉ “Đui – Điếc – Câm” ( See no evil, Hear no evil, Speak no evil) dân gian ta thường hay nói đó là trò khỉ (ảnh 1). Không nói tới ý nghĩa sâu xa của Thiền Tông Phật giáo Nhật Bản về hình ảnh thú vị này, thí dụ như ở đền Toshogu ở Nikko cũng có hình tượng này (ảnh 2) (Mi zaru, Kika zaru, iwa zaru). Cũng từ hình tượng ba chú khỉ này, Phật giáo Thái Lan cho chụp ba chú tiểu làm những động tác y chang như vậy trông cũng rất vui (ảnh 3). Gần như tương tự ý nghĩa trên, khi Nhan Uyên hỏi về tiêu chuẩn đức nhân và những việc nên làm, đức Khổng Tử đáp rằng “Phi lễ vật thị - phi lễ vật thính - phi lễ vật ngôn” (Luận Ngữ- chương 12) v.v…Ở đây chỉ xin nói về bức ảnh ấy qua kiến giải của cuộc sống xã hội thường ngày mà giới phụng sự đạo pháp bằng ngõ TTTT PG đã và đang trải qua.
Cùng một chủ đề, dưới đây là bức ảnh người viết rất thích, rất thú vị khi ai đó đã thêm một chú khỉ với chiếc bàn phím trước mặt vào ba chú khỉ “truyền thống” trên (ảnh 4). Không rõ lắm chủ ý của người tạo ra bức ảnh này là như thế nào nhưng theo tôi đây có lẽ tác giả cũng muốn nói lên nhiều điều liên quan đến công việc TTTT mà chiếc bàn phím của chú khỉ thứ tư là một điểm nhấn quan trọng. Như vậy thì sẽ không còn là “trò khỉ” nữa rồi khi mà tư duy và trách nhiệm người làm TTTT luôn mở mắt, luôn lắng nghe và luôn nói lên tiếng nói của chức năng nghề nghiệp, phục vụ đích thực cuộc sống quần sanh, phục vụ đạo pháp, hỗ trợ kịp thời những người cô thế đang còng lưng gánh sự bất công, trái với đạo đức xã hội, vi phạm nghiêm trọng luật nghi Giáo Hội v.v…giữa thời công nghệ tiên tiến.
Như đã có lần trình bày, việc ông bà ta xưa kia cho ra đời vở hát “Quan Âm Thị Kính” với màn “Hương câm, Đồ điếc, Quan cụt chân…” đi xử tội Thị Kính; đó là một màn náo loạn sân khấu, tạo hiệu ứng những tiếng cười đáng giá (khác với loại hài rẻ tiền vô vị ngày nay), cười ra nước mắt và để rồi thẩm thấu, đồng cảm với nổi oan Thị Kính. Với những ai lần đầu xem vở hát rất khó chịu về cảnh này và cho đó là sự vô lý, thậm chí còn gán cho cái tội bêu rếu người khuyết tật! Hoàn toàn không phải thế. Kỳ thật ông bà ta xưa rất thâm thúy khi cho rằng đó chính là những “khuyết tật” của các quan làng ít khi để cho trái tim và bộ óc hoạt động. Thử nghĩ đi: Nếu làm quan (Quan chi dân phụ mẫu mà!) khi thấy được chuyện chướng tai gai mắt mà đến gần gũi với người dân và nói lên tiếng nói của công lý bảo vệ lẽ phải ở đời thì làm sao có cái oan của Thị Kính xảy ra!
Đến chuyện” Mắt Sáng – Lòng Trong – Bút Sắc
Chuyện tiêu cực, sai trái, tuy không phải là tất cả nhưng cũng đủ gây nhức nhối cho xã hội theo từng cấp độ, ở đâu, lãnh vực nào cũng có. Về phần mình, chưa nghe một ai mạnh dạn lên tiếng khẳng định tất cả những cái đó trong nội tình Phật giáo chúng ta không có. Nó có, hiện có, vẫn tồn tại được và ẩn sâu kín dưới nhiều vỏ bọc khác nhau khiến các phân ban, tiểu ban đầy đủ của Giáo Hội không nhận thấy hoặc chưa có phương thuốc để giải độc. Vậy nên TTTT PG, những ngòi bút sắc bén trong lãnh vực này liệu có đủ độ sáng để giữ nguyên màu mực trên trang giấy trắng? Trong danh sách thành viên Ban TTTT trung ương GHPGVN hiện hành chỉ còn thiếu một người nữa là đủ chẵn 100! Thật là hùng hậu, thế nhưng trên mặt bằng tác nghiệp, có mấy bài viết của trong gần 100 ngòi bút đó, nhất là thể loại đấu tranh, trực diện với cái xấu, cái tiêu cực đã và đang xảy ra từ trước đến nay còn hơn con số đông đảo các thành viên Ban TTTT? Cầm bàn phím trên tay mà mắt bị băng kín lại, tai bị che lấp đi và miệng không dám nói lên tiếng nói của lẽ phải ở đời thì dường như tính trung thực đã bị thách thức, dẫn đi lạc hướng nơi nao? Trước năm 75, người viết có đọc trên tờ Bán nguyệt san Đại Từ Bi câu luận ngôn Phật học, đã theo tôi suốt một quãng đời trưởng thành:“Người tu Phật không làm vừa lòng ai một cách trái lễ”, lại nhớ đến câu nói rất hay của cố nhà báo kỳ cựu Hữu Thọ (1932 – 2015) “Một bài báo thất bại là một bài báo làm vừa lòng mọi người” (trích sách “NGƯỜI HAY CÃI). Càng nhớ tới nhà thơ trào phúng Tô Liên Bửu những năm trước đổi mới cũng đã khen những ai “Dám nghe lời trái ý mình” bằng nguyên cả một tập thơ mà không ít quan chức cười không nổi thời ấy. Chỉ cần như thế thôi cũng đủ làm hành trang cho các ngòi bút TTTT PG mình vững lòng đi lên rồi.
Vì vậy, những ngòi bút có tính tích cực đấu tranh, do chỉ đếm được chưa đầy năm ngón tay trong số thành viên ban TTTT đông đảo trên mới đáng trân trọng làm sao. Những ngòi bút này luôn gây khó chịu cho những ai một khi vấn đề được đặt ra gây ảnh hưởng hay làm mất đi quyền lợi của họ, cho tông môn, cho chủ trương nhóm, website PG của họ, mặc dù kết quả những lần đấu tranh đó làm lợi ích được cho Phật giáo, cho nhiều Tăng sĩ, nhiều ngôi chùa hay lấy lại thanh danh cao quý của hàng Tam Bảo ra khỏi tệ nạn tiêu cực, trù dập; họ cũng hoan hỷ đón nhận như chính mình vừa góp công trong đó!
Những ngòi bút tích cực này, bức tranh “trò khỉ” kia được mở mắt, buông tai che và hé môi cười cho trọn vẹn. Thế nhưng trong thực tế những ngòi bút này thật sự rất cô đơn. Kẻ ganh ghét mình bởi chưa dứt căn bịnh thường tình thương yêu ghét bỏ thì cũng không đáng nói vì lẽ những ngòi bút này sống và phụng sự, đấu tranh không cho riêng ai mà chỉ vì lý tưởng phụng sự chúng sanh và đạo pháp cao cả của chính mình, không màng đến quyền lợi và bất kỳ một chức vụ nào.
Nói thiệt, người viết vốn không có mối thân tình nào với Đại Đức Thích Thanh Thắng, nhưng trên lãnh vực TTTT và bằng ý chí dấn thân qua ngòi bút, Thầy Thanh Thắng luôn là hình mẫu đẹp, ngự trị trong một góc sáng nhất của trái tim mình. Ngày 28/12/ 2014, trong buổi họp trực tuyến của Ban TTTT, từ đầu cầu phía Nam, Thầy T.Thanh Thắng có nêu ra ý kiến, theo người viết hiểu, về một quyền sơ đẳng, tức là có một cơ sở chứng minh tương tự thẻ nhà báo để các cây viết dấn thân, dễ dàng thực hiện nhiệm vụ của mình. Và đã có ý kiến làm xoa dịu ước muốn chánh đáng của Thầy qua thống kê số lượng thẻ nhà báo toàn quốc, cũng như dùng cả điệp khúc “hãy tự cứu mình trước” mà chúng ta thường hay nghe đến mỗi khi nói đến các vụ việc nhà báo bị hành hung. Tuy nhiên, nếu cứ cho rằng Thầy T.Thanh Thắng đòi hỏi một thẻ nhá báo để tác nghiệp thì những ai từng đọc nhiều bài phản biện, thậm chí điều tra của Thầy, cũng sẽ dễ dàng đồng cảm điều Thầy đưa ra trong cuộc họp này. Một thẻ nhà báo của một lãnh đạo tòa soạn, của một Biên tập viên chủ yếu quanh năm chỉ ngồi ở văn phòng, nên chưa bao giờ sử dụng đến là chuyện dễ hiểu. Nó rất khác xa một thẻ nhà báo của một người dầm sương giãi nắng ngoài đường, trực diện đương đầu với bao trắc trở, âm thầm đi tìm ra một sự thật nào đó cho Giáo Hội. Còn nhớ đầu năm 2011 nổi lên sự kiện như là để thách thức lương tri các ngòi bút Phật giáo chúng ta, đó là một bài báo được đăng trên nhiều phương tiện truyền thông Thiên Chúa Giáo, nhất là website của Tổng Giáo Phận thành phố HCM: “Một Sư cô trụ trì chùa Quan Âm cải đạo theo Chúa”. Một vài bài báo lẻ tẻ của các wesite PG có nhắc đến sự kiện này kèm theo vô số comment bức xúc, thế nhưng để tìm hiểu rõ nguồn cơn thì chưa có một ai làm. Vậy đó, Thầy T.Thanh Thắng đã làm được chuyện này bằng tất cả tấm lòng trân quý nền tảng giá trị Phật giáo và đương nhiên sẽ còn là sự tự trọng của một ngòi bút Mắt sáng - Lòng trong - Bút sắc. Thầy đã một mình âm thầm đi tìm vào tận Huyện Bình Chánh, lục tung từng ngõ ngách để tìm cho ra vị Sư cô và chùa Quan Âm như thông tin đã nói. Để rồi ngay buổi chiều hôm đó, ngày 17/2/2011, Thầy tung ra bài viết làm nhẹ lòng hàng triệu con tim luôn cho mình là đệ tử Phật (mà dửng dưng). Đó là bài viết “Sư cô trụ trì chùa Quan âm cải đạo theo Chúa: Bóc trần sự thật”. Những ai muốn rõ bao cực nhọc và cảm nhận tấm lòng của Thầy T.Thanh Thắng hãy tìm đọc lại bài này sẽ rõ. Vâng! chỉ như vậy thôi Thầy T. Thanh Thắng đã ngự trị trong trái tim người viết như từ xưa lắm.
Nếu như nhận định của người viết không vì những hạn chế khách quan, thì qua tìm tòi, tổng hợp, chưa hề thấy có một ai dám làm và làm được những chuyện như Thầy T.Thanh Thắng. Với gần 100 thành viên của Ban TTTT Giáo hội hiện nay, với một ít chỉ làm công việc đưa tin tức Phật sự, hoặc ca ngợi phe nhóm, đạo tràng của chùa mình, thì tìm những ngòi bút Mắt sáng - Lòng trong - Bút sắc trong cuộc dấn thân đấu tranh với cái xấu, cái tiêu cực, bảo vệ chánh pháp thì rất hiếm, trong khi đó các tác tệ thì ngày càng sinh sôi nẩy nở, chưa có dấu hiệu lắng dừng. Nói như ông Phạm Quốc Toàn, PCT Hội Nhà Báo VN thì “Việc các nhà báo bị hành hung sẽ còn dài dài vì cuộc đấu tranh với cái xấu, cái ác vẫn còn tiếp diễn ngày càng khốc liệt hơn…”(Sgbs 21/06/2015) thì các ngòi bút TTTT PG chúng ta xem ra không hề có ngoại lệ (Phật giáo mình cũng vậy thôi). Một số ngòi bút ngả nghiêng, chấp nhận làm thân phận Đui - Điếc - Câm trước những tiêu cực, chỉ để vì quyền lợi cá nhân, phe nhóm cục bộ, muôn đời không thay đổi được bức ảnh “trò khỉ” và khi ai đó ví mình là như thế thì cũng chẳng Oan Thị Mầu chút nào!
Và như vậy, bức ảnh bốn chú khỉ có chiếc bàn phím vẫn là bức ảnh người viết thích nhất. Xin cảm ơn ai đó đã photoshop nên một tác phẩm có nhiều ý nghĩa như vậy. Hôm nay xin mượn nó chào sân năm 2016 – năm Bính Thân.
Dương Như Tâm