Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ngộ nhận cần nên tránh: Cho Rằng Đạo Phật Tương Đồng Với Các Tôn Giáo Khác

10/02/201507:52(Xem: 7849)
Ngộ nhận cần nên tránh: Cho Rằng Đạo Phật Tương Đồng Với Các Tôn Giáo Khác


thanh thanCó hai khuynh hướng phổ biến về quan điểm này. 

1) Khuynh hướng 1 xuất phát từ Trung Quốc trong giai đoạn mà các nhà Nho nắm vai trò lãnh đạo chính trị của Đại lục muốn dành cái quyền ngự trị quan điểm tư tưởng triết học tôn giáo của họ trên bề mặt nhận thức văn hóa và đời sống tinh thần của cư dân họ. Chủ trương họ đưa ra là Tam Giáo Đồng Nguyên.

2) Khuynh hướng 2 cho rằng tôn giáo nào cũng dạy con người “lánh ác làm lành” và đạo Phật cũng là một trong các tôn giáo như thế. Từ đó, với mục đích “Dĩ hòa vi quý” trong quá trình làm đạo chúng ta dễ dàng bị rơi vào các cái bẫy đó và cố đánh đồng bằng cách hạ thấp đạo Phật xuống để đẳng thức hóa với các tôn giáo vốn khác với đạo Phật.

Tam Giáo là khái niệm chỉ cho đạo Phật - đạo Lão - đạo Nho. Về bản chất khác nhau hoàn toàn, không thể cùng nguồn gốc. Đạo Phật xuất phát tại Ấn Độ, Nho giáo và Lão giáo là hai tôn giáo bản địa của người Trung Hoa. Nếu Lão giáo có khuynh hướng nhấn mạnh đến tu thân theo cung cách xa lánh cuộc đời, không màng đến chuyện thiên đường, địa ngục, sống một cách thong dong ngoài các vướng chấp của xã hội mà ta thường gọi là “khuynh hướng xuất thế” (tức là thoát ra khỏi cuộc đời) thì Nho giáo là tôn giáo chính trị xã hội đúng nghĩa.

Vai trò của Nho giáo là áp đặt một nền tôn giáo lên trên chính trị. Nó cũng giống như là ở phương Tây, Công giáo của Vatican áp đặt lên trên chính trị của toàn châu Âu từ những thế kỷ đầu của Tây lịch cho đến tối thiểu là đến thế kỷ thứ 18 Tây lịch, khống chế, ngự trị hoàn toàn các phương diện tinh thần và đời sống.

Mục đích của Nho giáo là để khẳng định đế chế của những nhà vua đi theo thể chế tôn giáo và chính trị này.Học thuyết “Tam tòng, Tứ đức” hay là các quan điểm chính trị và xã hội của Nho giáo ngày nay được chứng minh là có rất nhiều vấn đề. Nó vừa minh họa cho một chủ nghĩa bất công xã hội, bất bình đẳng giới tính, buộc con người phải chấp nhận số phận an bài để cho các nhà chính trị dễ cai trị con người nhất là những người có niềm tin vào Thượng Đế sáng thế.


tam giao dong nguyen


Hiện nay thì chính quyền Trung Quốc áp đặt viện Khổng Tử học trên toàn cầu nhằm để mở rộng văn hóa Trung Quốc và con đường chính trị của Trung Quốc qua thế chế của đạo Nho. Một thập niên trở lại đây thì các nước ở châu Á và những nước ở châu Phi, nơi mà trình độ dân trí còn chậm phát triển, điều kiện kinh tế còn yếu kém người ta đã tiếp nhận nó với lòng biết ơn sâu sắc.

Hai năm trở lại đây, Hoa Kỳ và Canada là những quốc gia đi đầu cho chúng ta thấy rất rõ là chính sách áp đặt viện Khổng Tử học qua con đường ngoại giao, giáo dục của Trung Quốc thực ra chỉ để truyền bá đạo Nho thôi. Tức là các nhà chính trị Trung Quốc hiện nay ý thức rất rõ và muốn biến đạo Nho trở thành tư tưởng chính trị và xã hội quan trọng. Nó thể hiện tinh thần tự tôn dân tộc, tự hào dân tộc, độc lập với các tôn giáo ngoại lai trong đó có đạo Phật. Chủ trương Tam Giáo Đồng Nguyên tại Trung Quốc không có lợi cho đạo Phật vì đạo Phật chiếm đại đa số quần chúng, có một ảnh hưởng sâu rộng về mọi phương diện tinh thần xã hội.

Bằng chủ trương Tam Giáo Đồng Nguyên thì tôn giáo thiểu số sẽ có được quyền bình đẳng với tôn giáo chánh thống và những chủ trương bất bình đẳng của Nho giáo dễ dàng được người ta chấp nhận như là ngang bằng với chủ nghĩa bình đẳng của Đức Phật, công bằng xã hội, dân chủ, dân quyền và bình đẳng giới mà Đức Phật đã khám phá và đóng góp. Bằng chủ trương này rất nhiều người đã không đến với đạo Phật. Người ta có thể đến với đạo Nho để có cơ hội thăng tiến xã hội và có thể làm được những việc làm mà khuynh hướng của các tăng sĩ ở tại Trung Quốc đã không bận tâm đến. Còn về phương diện xuất thế của đạo Lão thì các tu sĩ thuộc các trường phái Phật giáo Trung Quốc thì có khuynh hướng thiên về và bắt chước theo. Cho nên, các ngôi Đại Tùng Lâm ở Trung Quốc thường xây ở núi cao, rừng sâu vốn rất khác với phong cách làm đạo của Đức Phật thời xưa.

Trong vòng một năm đầu sau khi giác ngộ, vì Đức Phật chưa có cơ sở tự viện nên lời dạy của Ngài được nhắc ở trong kinh Tăng Chi và kinh 42 Chương là: Mỗi ngày, các tăng sĩ ngủ mỗi người ở một gốc cây và không lặp lại tình trạng đó thêm một lần nào nữa để không nhiễm đắm về các tiện ích (mà người lúc đó ngủ ở gốc cây chẳng có tiện ích gì). Từ năm thứ 2 sau khi giác ngộ trở đi Đức Phật không còn ở núi Linh Thứu nữa. Đức Phật cũng chẳng hề ở thêm một cái núi nào nữa, Ngài ở đồng bằng và cái chùa Trúc Lâm, nơi mà Đức Phật chấp nhận sự hiến cúng chùa từ nhà vua Tần Bà Sa La, chỉ cách núi Linh Thứu chưa được 4 cây số đường chim bay. Chùa Kì Viên ở thành Xá Vệ, cách thành Xá Vệ chưa được 4 cây số, nơi mà Đức Phật đã ở 24 năm 9 tháng trong đời. Suốt 45 năm hoằng pháp, Đức Phật đã không ở núi nữa bởi vì nó không tạo ra cái tiện ích cho quần chúng, như vậy chỉ tốt cho người tu thôi. Dữ liệu về Đức Phật lịch sử đó cho chúng ta thấy tinh thần gần với cuộc sống để phụng sự nhân sinh của Đức Phật được xem là bài học rất quý giá mà tăng ni chúng ta cần phải tin và cần làm theo.

Khuynh hướng xuất thế giống như Lão giáo trở thành một mặt mạnh của Phật giáo Trung Quốc. Ảnh hưởng theo Phật giáo Trung Quốc thì Phật giáo Nhật Bản, Nam Bắc Triều Tiên, Việt Nam đã phần lớn chọn các khu vực yên tĩnh, xa cách với làng xóm để làm đạo. Kết quả là chúng ta không bận tâm đến Phật tử tại gia nhiều và điều đó làm cho tăng sĩ mất cơ hội phụng sự nhân sinh theo tinh thần Phật dạy “Này, các đệ tử! Mỗi người hãy đi mỗi hướng, không đi trùng hướng nhau. Đi mỗi hướng vì mục đích, vì phúc lợi, vì an lạc, vì hạnh phúc cho số đông, cho chư Thiên và nhân loại” đã không thể được các tăng ni chúng ta thực hiện một cách toàn triệt.

Do đó, tiếp tục chủ trương và tin rằng Tam Giáo Đồng Nguyên là một nguy hại cho đạo Phật. Dĩ nhiên, trong quá trình hài hòa tôn giáo ta có một sức mạnh là Phật giáo không có chủ trương tôn giáo cực đoan, không có độc tôn tôn giáo và do đó, bản thân của đạo Phật là một sự hài hòa. Đang khi các Thánh chiến thường xuất phát từ các tôn giáo Nhất Thần muốn nâng chính họ lên vai trò độc tôn cho nên trong các cuộc đối thoại liên tôn giáo thì sự tham dự của các tôn giáo khác sẽ giúp cho họ được lợi ích. Đang khi sự tham dự của chúng ta ở trong các tôn giáo đó chỉ làm cho chúng ta bị đánh đồng thôi và được sử dụng như là một chiêu bài để đễ dàng dẫn dắt các tín đồ Phật giáo (mà niềm tin về Phật pháp chưa vững) cho nên, dễ dàng bị cải đạo trong quá trình tương tác.

Tương tự, chủ trương “Tôn giáo nào cũng vậy chỉ dạy người ta lánh ác làm lành” là một sai lầm lớn. Có những tôn giáo lịch sử đã chứng minh chẳng những chẳng dạy con người “lánh ác làm lành” mà còn xúi giục con người cuồng tín, bạo lực, khủng bố, tạo hận thù, gây tàn phá ảnh hưởng đến các công trình quốc gia, xã hội, dân sự, tôn giáo khắp nơi trên toàn cầu. Khái niệm “Ác” và “Lành” khác nhau rất xa giữa các tôn giáo. Không thể đánh đồng sự giống nhau về khái niệm và dẫn đến tình trạng giống nhau về nội dung giữa tôn giáo A với tôn giáo B.

Cách thức định nghĩa về “Ác” của đạo Phật khác xa so với các tôn giáo. Ác là những hành vi phạm pháp, trái đạo đức dẫn đến các hậu quả khổ đau đối với mình và tha nhân, ở hiện tại và tương lai. Đố chúng ta tìm ra được một định nghĩa tương tự trong kinh Thánh của các tôn giáo khác. Còn nói về cái “Thiện” chúng ta có thái độ thiện, động cơ thiện, tâm lý thiện, hành vi thiện, giá trị thiện và cái thiện đó được định nghĩa là mang lại lợi ích cho mình, cho người “thiết thực hiện tại, siêu việt thời gian, đến để mà thấy” dẫn đến một mục đích cao quý vốn khác rất xa nếu không nói là vượt trội khỏi các tôn giáo còn lại.

Các tăng sĩ mà chủ trương tôn giáo nào cũng dạy con người “lánh ác làm lành” thì chúng ta không thể đủ sức để giữ các Phật tử thiếu niềm tin vào Phật pháp khỏi tình trạng cải đạo mà các tôn giáo thường lấy đó như một chiêu bài. Vì sinh hoạt của đạo Phật ngày nay thiên nặng về tín ngưỡng, cho nên chỉ thích hợp với giới bình dân và đặc biệt là chị em phụ nữ thôi. Như vậy, nó không đủ sức thu hút như là sinh hoạt của các tôn giáo giỏi về chính trị, sở trường về tổ chức, giàu về tài chánh và có được những kịch bản quốc tế và còn có thể là kịch bản quốc gia để áp dụng cho các tình huống. Nhờ đó mà con đường làm đạo của họ ngày càng thành công mặc dù chất lượng trong sự làm đạo đó so với đạo Phật là không có.

Chúng tôi thường tạm gọi các tôn giáo khác là gì? - “Nước lã khuấy nên hồ” còn đạo Phật là các viên kim cương nằm trong tay của những người nông dân, cho nên không phát huy được tính năng và giá trị sử dụng. Sự khác nhau giữa đạo Phật và các tôn giáo khác ở chỗ là các tăng sĩ chúng ta phần lớn là giới bình dân. Cho nên, trong quá trình làm đạo chúng ta không làm cho đạo Phật nổi trội hơn được, thu hút hơn được so với các tôn giáo còn lại.





tam giao dong nguyen
ĐẠO NÀO CŨNG LÀ ĐẠO 

Tâm Diệu biên soạn


cac_ton_giao_2Có người cho rằng “đạo nào cũng là đạo”. Câu nói này thoạt nghe qua có vẻ hợp lý và là một ý tưởng hấp dẫn. Nếu hiểu theo một cách đơn giản, trong phạm trù luân lý đạo đức là đạo nào cũng dạy con người làm lành tránh dữ, thì câu này rất hợp lý. Tuy nhiên, chúng ta cần phải suy xét và nhận định lại quan niệm đó qua lăng kính tôn giáo.

Trước hết có thể nói ngay rằng câu “đạo nào cũng là đạo” hay “đạo nào cũng tốt” chỉ là một câu nói xã giao thông thường hoặc để làm vừa lòng khách, vui lòng bạn hay có thể do sự thiếu thông tin về sự khác biệt giữa các tôn giáo. Trong phạm vi bài này người viết thu gọn về sự khác biệt căn bản giữa hai tôn giáo lớn có đông đảo tín đồ tại Việt Nam là Kitô Giáo [01] và Phật Giáo để giúp cho những người đang đứng ở giữa ngã ba đường tầm Đạo với ấn tượng đạo nào cũng tốt để nhận thấy con đường nào phải lựa chọn. Việc chọn lựa là quyền của mỗi người. Dĩ nhiên mỗi người phải chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình. Người viết chỉ xin chúng ta suy nghĩ đến sự thật.

Trước khi đi vào chi tiết, chúng ta cần ghi nhận rằng, Phật Giáo là một tôn giáo hoàn toàn khác biệt với các tôn giáo khác trên thế giới về mặt tư tưởng triết học. Phật Giáo không chấp nhận giả thuyết có một vị Trời hay một vị Thượng Đế sáng tạo, không có giáo điều, không có một linh hồn bất tử vĩnh hằng, và không có một đấng quyền năng sáng tạo nào ngự trị trong cái gọi là định mệnh hay số mệnh của mỗi con người. Vì thế, điểm then chốt trong việc phân biệt giữa Phật giáo với các truyền thống tín ngưỡng lớn trên thế giới là vấn đề có hay không một Đấng Sáng Tạo? Đối với Phật giáo, ý niệm về một “nguyên nhân đầu tiên” không hề được đặt ra để lý giải do bởi ý niệm về tánh không và duyên khởi.

Điểm khác biệt căn bản đầu tiên giữa hai đạo là Niềm Tin Tôn Giáo:

Đối với Kitô Giáo, Đức Tin là cốt lõi của đạo. Nếu không tin thì không thể trở thành một Kitô hữu được. Không tin thì không thể thực hành những gì mà đạo Kitô đòi hỏi được. Đức Tin được ghi trong bản Kinh Tin Kính của các Tông Đồ (Apostle's Creed) thường gọi tắt là Kinh Tin Kính. “Tôi tin kính Thiên Chúa, là Cha toàn năng, là Đấng tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình”. [02]

Đối với Phật Giáo, vị sáng lập tôn giáo này – Đức Phật Thích Ca – khuyên những người muốn theo Ngài chớ có tin một điều gì chỉ vì điều đó đã được một bậc đạo sư của mình nói ra, được phát xuất từ nơi có uy quyền, được kinh điển truyền tụng hay theo truyền thống từ xưa để lại; mà phải dùng lý trí và sự thông minh của mình để cứu xét và chỉ chấp nhận điều gì khi đã trải nghiệm được hạnh phúc an lạc. Ngài nói rằng Ta không dạy ai đến để tin, nhưng đến để thấy và thực hành”. Điều này đã khuyến khích những người muốn đi theo Ngài hãy nghiên cứu kỹ càng những lời dạy của Ngài và để cho họ tự do quyết định là có nên chấp nhận những điều chỉ dạy đó không. Ngài không bảo ai đến và chấp nhận tôn giáo này nếu họ chưa hiểu những lời dạy của Ngài.[Kinh Kalama] [03].

Nói gọn lại Kitô Giáo là tôn giáo của “đức tin” (faith) và Phật Giáo là tôn giáo của “lý trí” (trí tuệ). [4]

Điểm khác biệt thứ hai giữa Kitô Giáo và Phật Giáo là quan niệm về giải thoát.

Đối với Kitô Giáo, thì sự giải thoát là sự "giải thoát khỏi tội lỗi qua một Đấng Cứu Rỗi". Giáo lý giải thoát này được đặt trên căn bản một số tín điều mà các tín hữu Kitô Giáo phải tin, và đức tin này là tuyệt đối, bất khả tranh cãi, bất khả luận bàn. Vì thế muốn được giải thoát, tín hữu Kitô Giáo phải tin vào nhiều tín điều được ghi trong Kinh Tin Kính của các Tông đồ (Apostle’s Creed). Chúa Giê-xu là nền tảng, là Tác giả và là Đấng duy nhất có quyền ban cho sự Cứu Rỗi (Rôma 3:24, 25; 5:21; Công Vụ 4:12; Hêbơrơ 12:2). Những ai không tin nhận Chúa Giê-xu sẽ không được tha thứ tội lỗi và sẽ chịu phạt nơihoả ngục.

Đối với Phật Giáo, đạo Phật cho rằng cuộc đời này là giả tạm và chúng sinh cứ phải sống trong đau khổ vì lòng tham dục vô bờ bến, khiến con người tự mình trói buộc với những xung đột và khổ đau do không bao giờ thoả mãn, nên phải luân hồi triền miên trong vòng sinh tử. Do đó nếu muốn, con người có thể tự mình giải thoát khỏi khổ đau, sinh tử luân hồi bằng các nỗ lực tu tập bản thân: làm lành, tránh ác và tự thanh tịnh hoá tâm ý. Bốn chân lý nền tảng của Phật giáo (Tứ Diệu Đế) cho rằng mọi khổ đau của chúng sinh đều có một hay nhiều nguyên nhân gây nên, chúng có thể bị giải trừ và có con đường để giải trừ khổ đau đó. Con đường đó chính là con đường giải thoát, là Bát Chánh Đạo trong giáo lý căn bản của nhà Phật. Giáo lý này được qui thành ba môn học: Giới, Định và Tuệ. Thực hành Giới và Định là đưa tới trí Tuệ, là giải thoát khỏi sự mê muội, lòng ích kỷ và khổ đau, là đạt tới cảnh giới Niết Bàn.

Đó là nét đại cương sự khác biệt giữa giải thoát trong Phật Giáo và trong Kitô Giáo. Cái căn bản khác biệt này là, một bên là tha lực tức nhờ sự cứu rỗi, bên kia là tự lực, tự mình thắp đưốc lên mà đi. Với Phật Giáo, triết lý của đạo này là một triết lý sống, bởi vì nó là một chân lý giải thoát mà chỉ có ai thực hành nó mới đạt được nó, hiểu được nó trọn vẹn, người Phật tử phải tự mình tu tập để tiến tới giải thoát. Chính Đức Phật dạy, "Không ai có thể cứu vớt chúng ta bằng chính bản thân chúng ta”. Đức Phật chỉ là người dẫn đường. Ngài chỉ dạy cho chúng ta con đường tạo ra nguyên nhân và hậu quả. Số phận của chúng ta nằm trong tay chúng ta, không phải trong tay của Trời/Thượng Đế cũng không phải trong tay của Đức Phật. Với Kitô Giáo, vì là một tôn giáo cứu rỗi, con người chỉ cần đặt tất cả vào một niềm tin duy nhất ở một đấng siêu nhiên để mong cầu được giải thoát cho mình: "Thiên Chúa quá thương yêu thế gian đến nỗi ban con duy nhất (sic) của Ngài, để những ai tin vào Người sẽ không bị luận phạt, nhưng được sống đời đời." (Crossing The Threshold of Hope, trang 76),

Điểm khác biệt thứ ba giữa hai đạo là thuyết Sáng Tạo:

Kitô giáo tin có một Thiên Chúa duy nhất, và là Đấng Tạo Hóa toàn năng, đã dựng nên và điều khiển toàn thể vũ trụ hữu hình và vô hình. Cuốn Genesis (Sách Sáng Thế), một trong những kinh Thánh Cựu Ước viết rằng Thiên Chúa tạo ra vũ trụ và muôn vật và loài người trong 7 ngày. Vì thế tín hữu Ki Tô giáo tin rằng mọi thứ trên đời đều có một nguyên nhân, từ đó, cứ truy tầm lên mãi sẽ phải có một nguyên nhân đầu tiên, và Chúa Trời của họ chính là nguyên nhân đầu tiên đó.

Đối với Phật Giáo, tất cả mọi sự mọi vật đều do nhân duyên hòa hợp mà hiển hiện, biến đổi vô thường. Thế giới này, về bản chất, chỉ là một dòng biến ảo vô thường, không do một Đấng toàn năng nào sáng tạo. Sở dĩ vũ trụ vạn vật biến hóa vô thường chính là do vạn vật trong vũ trụ chịu sự chi phối của luật nhân quả. Cái nhân nhờ có duyên mà trở thành quả, quả lại là nhân mới, nhờ có duyên trợ giúp mà trở thành quả mới… Cứ như vậy, vạn vật trong thế giới cứ sinh hóa biến hiện không ngừng theo quá trình thành, trụ, hoại, không.

Điểm khác biệt thứ tư giữa hai đạo là vị sáng lập ra tôn giáo.

Đối với Kitô Giáo, Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa toàn năng, đã sáng tạo ra vũ trụ và muôn loài.

Đối với Phật Giáo, Đức Phật Thích Ca là một nhân vật lịch sử có thật, có một tiểu sử rõ ràng được cả thế giới công nhận. Ngài đã thực sự sống trên thế giới này, Ngài không tự xưng mình hay các đệ tử của Ngài tôn xưng Ngài là đấng toàn năng, đấng tạo hóa hay là Thượng Đế v.v. Ngài là người đã giác ngộ hoàn toàn và triệt để (toàn giác), là vị Đạo sư đã tự mình tìm ra được con đường giải thoát ngang qua kinh nghiệm bản thân, không có ai truyền dạy cho Ngài, không có ai ban phép cho Ngài, không phải do thần khởi, cũng không phải là hiện thân hay hóa thân của một đấng thần linh nào. Ngài là một người như mọi người khác, nhưng chính nhờ nỗ lực tu tập cá nhân, Ngài đã tìm ra được con đường giải thoát. Sau khi giác ngộ, Ngài đã giảng dạy giáo pháp cho mọi người, nếu ai có nhân duyên thực hành giáo pháp, kể từ vua quan cho đến thứ dân, kẻ khốn cùng đều được giác ngộ như Ngài. Cho nên Ngài đã nói: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành.” Ngài là người hướng đạo, chỉ dẫn đường lối cho những ai muốn tu tập, Ngài không thể tu tập thay cho chúng sinh mà con người phải tự mình tu tập mới giải thoát được khỏi khổ đau phiền não do tham sân si trói buộc, mới ra khỏi sinh tử luân hồi được. Cho nên Ngài đã nói: “Các người hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Ngài khuyên hãy nên nương tựa vào chính mình và đi theo con đường giải thoát bằng nỗ lực của chính bản thân mình.

Nói tóm lại, điểm then chốt trong việc phân biệt giữa Phật giáo với Kitô Giáo nói riêng, các truyền thống tín ngưỡng lớn khác trên thế giới nói chung là vấn đề có hay không một Đấng Sáng Tạo? Đối với Phật giáo, tất cả mọi sự mọi vật đều do nhân duyên hòa hợp (duyên sinh), do đó không hề có một Đấng Sáng Tạo. Ngoài ra, với Kitô Giáo, Thiên Chúa chính là Chân Lý, là hơi thở, là con đường giải thoát, bất cứ ai đến với Ngài, tin nơi Ngài sẽ được cứu rỗi. Với Phật Giáo, Đức Phật Thích Ca là bậc Đạo Sư đã tìm ra con đường giải thoát, hướng dẫn những ai muốn giải thoát khỏi đau khổ trầm luân, hãy đi theo con đường mà Ngài đã kinh qua. Ngài chỉ là người dẫn đường, còn người đi theo phải tự mình làm chủ, tự mình tu tập để đi đến giải thoát chứ không nương nhờ ở bất cứ đấng Thần quyền nào để được giải thoát.

Tâm Diệu

[01] Kitô giáo bao gồm nhiều truyền thống tôn giáo với các dị biệt văn hóa cũng như hàng ngàn xác tínvà giáo phái khác nhau. Trải qua hai thiên niên kỷ, Kitô giáo tự hình thành nên ba nhánh chính: Công giáo RomaChính Thống giáo Đông phương và Kháng Cách (Protestantism). Tính chung, đây là tôn giáo lớn nhất thế giới với hơn 2,1 tỉ tín hữu (chiếm khoảng 34% dân số thế giới). (Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)

[02] Kinh Tin Kính các Tông Đồ, cũng gọi là Biểu Tín các Tông Đồ, là kinh Tin Kính xưa nhất, có từ thế kỷ thứ II. Bản này tổng hợp các công thức đã có trước đó. Từ thế kỷ thứ VI, bản này có hình thức như ngày nay. Đây là bản tuyên xưng những tín điều chính yếu nhất khi chịu phép Rửa.

[3] Kinh Kalama (trong Kinh Tăng Chi Bộ III.65)

http://thuvienhoasen.org/D_1-2_2-69_4-11426_5-50_6-1_17-78_14-1_15-1/kinh-kalama-anh-viet-thanissaro-bhikkhu-thich-minh-chau.html

[4] Theo định nghĩa trong tự điển thì Faith hay Đức Tin là "sự tin chắc vào một cái gì đó mà không chứng minh được cái đó có thực" (Firm belief in something for which there is no proof.) Định nghĩa của Reason hay Lý Trí trong tự điển là "khả năng có những tư tưởng hợp lý, suy lý, hoặc phân biệt" (The capacity of rational thought, inference, or discrimination) hay "suy xét đúng, phán đoán hợp lý" (good judgment, sound sense). Theo những định nghĩa trên thì hiển nhiên là Đức Tin Ki-Tô Giáo và Lý Trí của Phật Giáo là hai từ có nghĩa loại trừ hỗ tương (mutual exclusive), có cái này thì không có cái kia. Thật vậy, khi chúng ta dùng lý trí để xác định và chấp nhận một điều gì thì chúng ta không cần đến đức tin, và khi chúng ta tin vào điều gì mà không cần biết, không cần hiểu, thì lý trí trở nên thừa thãi.

Vấn: Bạch Phật, trên thế gian nầy có rất nhiều tôn giáo, học thuyết, triết luận, môn phái được diễn tả một cách văn hoa, phong phú làm cho các tín đồ ngờ vực hoang mang, không biết chủ trương nào đúng chơn lý, đáng tin cậy. 

Phật đáp: 

1-Đừng tin theo lời nghe người thuật lại. 

2-Đừng tin theo truyền thuyết lâu đời 

3-Đừng tin theo lời khuyên hóa cảnh cáo 

4-Đừng tin theo những điều ghi chép trong kinh điển. 

5-Đừng tin theo lời phỏng đoán mơ hồ. 

6-Đừng tin theo sự khảo sát. 

7-Đừng tin vì bị thế lực chi phối . 

8-Đừng tin để làm vừa lòng người đồng đạo. 

9-Đừng tin lời mà kẻ khác cho là đúng chân lý. 

10-Đừng tin vì lòng tôn kính bậc thầy tổ của mình. 

Chỉ nên tin chắc khi nào mình trắc nghiệm rằng những điều đó không bị lệ thuộc vào tham lam, sân hận, si mê, không phải ác pháp, không gây nên tội lỗi, không bị các bậc thiện trí thức chê trách. Nên sau khi thực hành giáo lý mà thấy mình không được lợi ích, tiến hóa và bị khổ não thì nên xa lánh pháp ấy. Nên chứng nghiệm và xác định rằng điều đó là thiện pháp được hàng thức giả ngợi khen, cố gắng hành theo sẽ mang lại lợi ích an vui. 

(Kalamasutta Tikanipāda Anguttara Nikāya)



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
02/07/2013(Xem: 6392)
Ngay khi khởi đầu cuộc tranh đấu chống chính sách kỳ thị tôn giáo của ông Ngô Đình Diệm, các vị lãnh đạo đã ra một bản Tuyên ngôn đọc ngày 10-5-1963 tại chùa Từ Đàm, trong đó phương pháp bất bạo động được long trọng xác định: “Phương pháp tranh đấu mà chúng tôi áp dụng là bất bạo động. Chúng tôi phải thể hiện tư tưởng của Phật giáo ngay trong cuộc tranh đấu của chúng tôi. Chúng tôi chấp nhận một sự hy sinh đến cùng độ và lấy sự hy sinh ấy làm sức mạnh để rung chuyển tận lòng người chứ không phải chỉ rung chuyển chính sách mà thôi. Ngay từ bây giờ chúng tôi có thể tuyên bố minh bạch rằng những người Tăng sĩ của Phật giáo là những người sẵn sàng noi gương Gandhi - vị Thánh của sức mạnh bất bạo động”.
29/06/2013(Xem: 18141)
1963 – 2013! Năm mươi năm đã trôi qua… Một nửa thế kỷ là khoảng thời gian đủ dài để có thể soát xét và suy nghiệm xem từ biến cố đó ta rút ra được những bài học lịch sử gì.
29/06/2013(Xem: 18119)
Nhằm mục đích góp phần giúp thế hệ trẻ Việt Nam ở trong nước cũng như ở hải ngoại biết rõ lịch sử Việt Nam trong năm 1963 xảy ra như thế nào và nhất là để có nhận thức sâu sắc hơn về điều mà dân tộc đã khẳng định: “Phật giáo Việt Nam với dân tộc như hình với bóng, tuy hai mà một”.
29/06/2013(Xem: 20783)
Đạo Phật chỉ xem hành động là có, còn tất cả đều không. Chống, là chống hành động, không chống con người. Cho nên sự chống đối ấy, từ đầu, mang tính văn hóa, đạo đức, chứ không phải chính trị.
22/06/2013(Xem: 30515)
16 Lý Do Để Ghét Việt Nam: Sự gian dối Kiểu nói thách giả cả Tiếng ồn Ngôn ngữ Giao thông Phí xin thị thực để vào Việt Nam Những tòa nhà mỏng Cách người Việt làm cản trở lối ra vào trước cửa hàng Tôm hùm Cái ghế nhựa, con gián và bệnh dịch tả Cái mũ cối (mũ bộ đội) Tài xế taxi ở Việt Nam Món ăn ở Việt Nam Sự vô ý vô tứ (vô ý thức) Khả năng về kiến thức và thông tin kém của người Việt Sự khác biệt văn hóa, góc nhìn cá nhân
06/06/2013(Xem: 6451)
Pháp nạn năm 1963 mở đầu cho một sự tham dự trực tiếp của Phật giáo vào tình hình của thời cuộc gây nên do chiến tranh và sự lợi dụng chiến tranh để nắm giữ quyền hành của dư đảng ông Diệm. Lần đầu tiên, tên gọi "Phật giáo dấn thân" xuất hiện trên báo chí. Phật giáo làm chính trị chăng?
05/06/2013(Xem: 5880)
“Thời gian đó tôi là phóng viên nhiếp ảnh của chính quyền Sài Gòn nên tôi có những điều kiện đi lại, tác nghiệp trong thời kì đấu tranh của Phật giáo lúc ấy. Tôi là người phụ trách trong khu vực Quận 3 nên tôi luôn theo dõi 24/24 những diễn biến của các chùa ở đây. Trước ngày đó chúng tôi được tin bên Giáo hội sẽ có cuộc mít tinh đi ra Hạ Viện (tức là bây giờ nó là Nhà hát Thành phố) Tăng Ni sẽ mit tinh, mổ bụng để phản đối kì thị tôn giáo. Đồng thời đến 11/6 (tức 20/4/1963) chúng tôi bắt đầu đi công tác và thấy các Tăng Ni tập trung ở đường Cao Thắng, trước Phật Bửu tự, bên cạnh Tam Tông miếu, có khoảng 300 Tăng Ni, với biểu ngữ và y phục vàng.
30/05/2013(Xem: 5724)
Mở đầu cuộc đấu tranh, Phật giáo ra một tuyên ngôn, đọc tại chùa Từ Đàm, Huế, ngày 10-5-1963, trong đó đoạn cuối nói về phương pháp tranh đấu như sau: "Phương pháp ấy là "bất bạo động". Chúng tôi ý thức đang ở trong hoàn cảnh mà chính trị và quân sự cực kỳ phức tạp. Chúng tôi, hơn thế nữa, phải thể hiện tư tưởng của Phật giáo ngay trong công cuộc tranh đấu của chúng tôi. Vì những lý do đó, chúng tôi chấp nhận một sự hy sinh đến cùng độ và lấy sự hy sinh ấy làm sức mạnh để rung chuyển tận lòng người chứ không phải chỉ rung chuyển chính sách mà thôi. Ngay từ bây giờ, chúng tôi có thể tuyên bố minh bạch rằng những người tăng sĩ của Phật giáo là những người sẵn sàng noi gương Gandhi - vị thánh của sức mạnh bất bạo động".
30/04/2013(Xem: 6549)
Thưa Đại Vương, những người, có được tài sản lớn, mà không bị chúng làm say đắm... rất hiếm hoi trên đời này... Diệu Liên Lý Thu Linh
10/04/2013(Xem: 8418)
Bài nầy chỉ nhằm tóm lược một số điểm chính đã được trình bày tại Hội Nghị Khoáng Đại Kỳ 4 của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Úc Đại Lợi-Tân Tây Lan, được tổ chức tại Chùa Pháp Hoa, Adelaide, ngày 17-19 tháng 3 năm 2011.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]