Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tinh thần Phật giáo thống nhất...

26/09/201414:39(Xem: 6892)
Tinh thần Phật giáo thống nhất...

buddha


Tinh thần Phật giáo thống nhất:

 

THỐNG HỢP TRONG THANH TỊNH

 

            Đạo Phật có trên hai mươi lăm bộ phái và 2500 năm lịch sử. Con đường tồn tại và phát triển của đạo Phật cho đến ngày hôm nay về mặt lý thuyết cũng như thực hành là con đường Trung Đạo. Cho nên, trung đạo là chánh đạo. Nghiêng lệch một ly là đi một dặm. Vũ khí thiện xảo nhất của Phật giáo dùng để đối trị với những thế lực đối nghịch – đối nghịch tự thân phát xuất từ bên trong và đối nghịch ngoại cảnh tác dụng từ bên ngoài – là tinh thần Trung Đạo. Cốt tủy của Trung Đạo là nền tảng của Kim Cang, Bát Nhã Ba La Mật. Đó không phải là một khái niệm mang tính siêu đẳng, thần chú kinh điển mà chỉ là sự đơn giản của cuộc sống: Tâm không dính mắc thì trí không điên đảo; trí không điên đảo thì thân tâm đều an tịnh. Đã không nghiêng qua bên nầy thì làm sao cần phải lệch qua bên kia. Trung đạo rất đơn giản là con đường như như, rỗng lặng. Một trạng thái thống hợp nội tâm và ngoại cảnh mà trong nhiều trường hợp chỉ có thể cảm thông chứ không thể giải bày.

Một buổi trưa mùa Xuân năm 2013, được gặp lại nhạc sĩ Lê Cao Phan tại nhà anh ở đường Mạc Đỉnh Chi, thành phố Vũng Tàu sau gần hai mươi năm không liên lạc, là một cuộc hội ngộ tình cờ nhưng đầy thú vị. Anh đã vào tuổi 90 và cũng là một Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam thế hệ đàn anh nên chúng tôi vẫn gọi nhau bằng “anh, em” theo truyền thống. Trong câu chuyện thân tình đầy đạo vị, khi nói về nhạc phẩm đã trở thành đạo ca bất hủ của anh là bản nhạc Phật Giáo Việt Nam mở đầu bằng câu: “Phật giáo Việt Nam thống nhất Bắc, Trung, Nam từ đây…” mà anh đã sáng tác vào dịp đại hội Thống Nhất Phật Giáo Bắc-Trung-Nam tại chùa Từ Đàm Huế tháng 5 năm 1951, anh mỉm cười nhẹ nhàng, nói lên một chút suy tư như nguồn tâm sự về tinh thần của bản nhạc, rằng: “Thống nhất là thống hợp chứ không phải là thống lãnh hay thống trị…!”

Chia tay anh, từ năm ngoái đến bây giờ, tôi vẫn suy nghĩ như một quán niệm về ý tưởng “thống nhất là thống hợp chứ không phải là thống lãnh hay thống trị” khi đem áp dụng vào hiện trạng của Phật giáo Việt Nam.

le cao phan

            Khái niệm “thống nhất” trong xã hội và nếp sinh hoạt phương Đông bị ảnh hưởng nặng nề từ cách diễn đạt cường điệu phát xuất từ văn hóa Trung Hoa, khi họ tự cho mình là trung tâm (Trung Hoa, Trung Quốc) của trời đất, hoàn vũ nên vua Tàu là “con Trời”, một kẻ có quyền uy tuyệt đối gồm thâu hết cả sơn hà đại địa về một mối nằm trong tay mình. Bởi thế, từ trong tinh thần nguyên thủy của “thống nhất” Việt Nam và phương Đông đã vô hình chung mang mầm thống trị của một kiểu siêu nhân người máy… Tàu: Nhất cử, nhất động của thế cuộc và dân sinh đều do vị Con Trời bấm nút. Tới chỗ đa ngôn đa quá, nói cho hả hê thần khẩu, nhưng chỉ là hình thức màu mè, không có thật như “đồng tâm nhất trí, muôn người như một”; dẫu cho theo nghĩa đen hay nghĩa bóng gì thì đấy cũng chỉ là một lối nói cho “lại được” không thể ứng dụng vào thực tế xã hội con người.

            Thế giới càng văn minh tiến bộ thì càng kết hợp và chuyển tải sức mạnh của khái niệm thống nhất bằng tinh thần liên kết của sự “thống hợp” (united) chứ không phải thống lãnh (unified) như: Liên hợp Quốc (United Nations), Hợp chủng Quốc (United States), Hoàng gia Anh (United Kingdom)…  

            Riêng với đạo Phật, đặc biệt là đạo Phật Việt Nam thường xuyên phải đối diện với những thế lực trù yểm ngoại bang và ngoại đạo, nên khuynh hướng Thống Nhất là một nhu cầu thường hằng nhằm tạo ra một nề nếp sinh hoạt truyền thống lý tưởng nhất: Tăng già hòa hợp, Tứ chúng đồng tu. Tự bản chất, đây là một khuynh hướng “tự giác, giác tha” lợi mình, lợi người trong tinh thần công bằng và giải thoát chứ không nhằm khống chế hay thống trị ai cả nên chẳng làm đau một ngọn lá trên cành!

            Đến với đạo Phật từ ngày còn bé theo mẹ đến chùa làng, tâm hồn tôi được tưới tẩm trong suối nguồn thanh tịnh, an hòa của đạo Phật. Cảm nhận theo quán tính, rằng là, chùa là cửa Phật, tu sĩ là sứ giả của Như Lai, bạn đạo là bà con trong nhà họ Thích… nên đến chùa là chỉ có công phu và lễ bái. Hễ ai có một lời nói hay một cử chỉ nào mang tinh thần phê phán hay thiếu phục tòng quý Tăng, Ni thì sẽ nhận ngay tiếng thì thào của ai đó hay của chính mình là… “đừng nói mà mang tội lút đầu” (?!) Nghĩa là đến chùa là đến đất thiêng chỉ để tụng kinh, niệm Phật cầu hồng ân Tam Bảo độ trì và cứu khổ, cứu nạn. Tuổi trẻ Phật tử chúng tôi đã mang tinh thần đó ra khỏi chùa, xuống đường, xuống phố, tới sân trường, vào lớp học trong những năm 1960 để tự vệ và bảo vệ Đạo pháp; năm 1966, để vâng lệnh và bái vọng quý thầy.

            Kẻ viết những dòng nầy xin đảnh lễ sám hối trước khi tự nhận rằng, mình là một Phật tử khá thuần thành; nếu có chăng khái niệm “thuần thành” đó là do lòng tin sâu xa vào kinh điển qua lời dạy của đức Phật, do tâm thành đối với Pháp và đặc biệt là sự kính ngưỡng không điều kiện đối với quý Tăng Ni. Cũng như các Phật tử đã quy y Tam Bảo, tôi vẫn thường cung kính đến chùa lễ Phật, kỉnh Tăng với một thái độ phục tòng khâm tuân khi cho rằng: “Ai tu nấy chứng, ai hứng nấy tội” hay “Tăng Ni tu hành theo cách riêng của quý Ngài, mình là Phật tử chỉ biết tin theo; đừng có phán xét mà mang tội lút đầu!” như đã trình bày ở trên.

Quan niệm tưởng chừng như “phá chấp” nhưng nặng tính tiêu cực một chiều đó của nhiều thành phần Phật tử như tôi kéo dài hơn nửa thế kỷ nay, phải chăng vô hình chung và trực tiếp hay gián tiếp, đã góp phần hình thành một đạo Phật Việt Nam “NĂM KHUYẾT” như hiện nay: (1) Thiếu hàng giáo phẩm tôn túc lãnh đạo. (2) Thiếu một hệ thống tổ chức Phật giáo Việt Nam thống nhất. (3) Thiếu sự hòa hợp của tăng già. (4) Thiếu tinh thần lục hòa đồng tu của tứ chúng. (5) Thiếu chánh niệm và thanh tịnh làm căn bản tu hành.

Nguyên nhân và hậu quả của “năm không” ngày nay cần phải có cả một pho sách mới ghi hết. Tuy nhiên, trong tinh thần “mỗi giọt nước đều mang đủ tính chất của biển khơi và mỗi hạt bụi đều có sẵn yếu tính của vũ trụ” thì khuynh hướng tách giọt nước ra khỏi biển khơi và phủ nhận tính vũ trụ trong hạt bụi đã tác tạo một tinh thần thống trị hay thống lãnh thay cho thống hợp khi nói đến tinh thần thống nhất của Phật giáo Việt Nam hiện nay.  

Trong thế hệ chiến tranh Việt Nam, người Phật tử – kẻ im lặng buông xuôi, người lên tiếng phản bác – đều cảm thấy hay nhận rõ sự phát triển hình thức (hay phân hóa tổ chức) đang trên đà lan rộng. Từ Tổng hội Phật giáo Việt Nam thành lập từ năm 1951 đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất (viết tắt là GHPGVNTN) thành lập vào tháng 1 năm 1964; cho đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) do chính quyền Việt Nam thành lập năm 1981 và hàng chục giáo hội, tăng đoàn như hiện nay là một bước thoái trào hay phát triển của đạo Phật Việt Nam trong thế kỷ này?

Câu trả lời khá thông thường là:

Nếu đứng về mặt hình tướng, sở chấp đời thường thì đạo Phật Việt Nam trong cũng như ngoài nước đang phát triển tốt đẹp với nhiều chùa viện, tượng đài được tu bổ và xây dựng với tốc độ nhanh và quy mô lớn. Số lượng tu sĩ trẻ và người đi chùa ngày càng đông. Kinh sách ấn tống, phiên dịch, băng đĩa thuyết pháp, các khóa tu và lễ hội được thực hiện, phát hành và tiện dụng khắp nơi.

Nhưng đứng về mặt hoằng hóa đạo pháp và tu trì nghiêm mật theo truyền thống Cửa Thiền thì rõ ràng sinh hoạt Phật giáo Việt Nam trong cũng như ngoài nước đang đứng trước những dao động, khó khăn đầy thử thách của thời đại.    

Tác động của cuộc cách mạng truyền thông đại chúng với sự phát triển theo tốc độ chóng mặt của dòng máy vi tính, điện tử, mạng lưới thông tin toàn cầu đã đưa tất cả mọi hình thức tôn giáo – nói chung – lên đài kiểm nghiệm. Những góc khuất của lịch sử, những huyền thoại tâm linh, những trang hoàng rồng phượng, những bí tích thánh thần… của các tôn giáo đều có ánh sáng của trí tuệ khoa học thực dụng soi rọi vào. Trước những ống kính quan sát từ bốn phương tám hướng, đạo Phật vẫn đứng vững chải trong mọi vấn nạn của tín điều, tín lý qua muôn vàn thử thách trong thời đại mới. Tín lý “vô thượng, thậm thâm vi diệu pháp” của đạo Phật vẫn trở thành trí tuệ của đức tin.

Đức tin tồn tại cũng như đốm lửa cháy; nghĩa là phải có nguồn năng lượng. Năng lượng thừa thì lửa loạn, năng lượng vừa thì lửa đều và năng lượng thiếu thì lửa tắt. Nếu có khủng hoảng thừa thì cũng có khủng hoảng thiếu. Tu hành là đi trên đường Trung Đạo, tránh hai thế cực đoan thừa và thiếu để giữ tâm thanh tịnh – nhất tâm bất loạn – trên đường Đạo.

Xưa đức Phật rời bỏ cung điện, quyết chí tìm đạo và đắc đạo dưới bóng cây, trong rừng già thì thời nay không ít người làm ngược lại. Nhiều hành giả, thay vì giữ tâm thanh tịnh, xa lìa trần cấu để tâm rỗng lặng tu trì, thì lại vọng động, vọng hành đầy nghịch hạnh vì mãi chạy theo những hình thức phàm trần như sở hữu vật chất, say đắm với giả vị hư danh, mãi mê dính mắc với chùa to tượng lớn. Người tu khi đã ra khỏi cương lĩnh của luật tắc thiền môn (bất trì Giới) rồi thì lòng không còn an tịnh (bất sở Định) nên con đường quán chiếu trí huệ cũng bế tắc (bất nhiếp Tuệ). Giới-Định-Tuệ không thông thì con đường chánh giác cầu qua bờ giải thoát bên kia chỉ còn là ảo tưởng.

 ajahn chah

 

Như trường hợp Thái Lan là xứ sở mà từ vua quan, đến dân dã đều một lòng sùng bái đạo Phật; thế nhưng khi nhìn dưới khía cạnh công hạnh tu trì thì thiền sư Ajahn Chah, một danh tăng phái Ẩn Lâm Thái Lan, đã nhận định qua bài giảng “Sự Siêu Việt” như sau: “Người ta nói rằng Phật Giáo đang hưng thịnh tại Thái Lan, nhưng theo tôi thì nó đang suy thoái trầm trọng. Các giảng đường thuyết pháp rộng mênh mông luôn đầy người, nhưng họ đặt Tâm không đúng chỗ, ngay cả những thành viên cao tuổi đạo trong cộng đồng tôn giáo cũng vậy. Họ đang dẫn nhau đi sâu vào con đường ảo tưởng, quay lưng với Chánh đạo. Họ tụng kinh, nhưng tụng với sự mê muội, không phải với Trí huệ. Họ giảng Pháp nhưng thật sự đang dạy người ta đi sai đường và nắm giữ những điều dối trá. Đáng lẽ họ phải  tự giúp mình và giúp người đi vào suối nguồn của sự tu hành chân chính là nhìn thấy Tự ngã rỗng không, không có tự tánh, xa lìa mộng tưởng điên đảo; thì đằng này, người ta đang nói pháp, hành pháp để củng cố bản ngã của họ, tâm dính mắc vào lợi lạc, hư danh…”

 

 obama

 

Các nhà lãnh đạo thế giới (TT Obama ở giữa) đang đi chân trần vào thăm chùa Hoàng Gia ở Miến Điện


 

Nhận xét của sư Ajahn Chah ở Thái Lan khiến chúng ta phải suy gẫm nghiêm túc về tình hình Phật giáo Việt Nam mình.

Sẽ không tạo ra được tác dụng tích cực nào nếu chỉ đào sâu những mặt suy yếu và tiêu cực của đạo Phật Việt Nam hiện nay vì hầu như ai cũng nhìn thấy rõ. Việc chấn chỉnh nội bộ hay to tát hơn là vấn đề chấn hưng Phật giáo Việt Nam mới chính là một nhu cầu thiết thực để hiện đại hóa đạo Phật nhằm vào 3 mục đích chính: Cải thiện tổ chức, phát huy sinh hoạt hoằng pháp và tu học, thanh lọc nạn lợi dụng cửa thiền và mê tín dị đoan.

Công cuộc chấn hưng của một tôn giáo hay của bất cứ một tập thể, tổ chức chuyên môn hoặc xã hội nào cũng cần quan tâm đến hai lực chuyển đổi chính là: Xây dựng lại và làm mới lại (reform = rebuild + renew). Và điểm then chốt của hầu hết các cuộc cách mạng, cao trào thay đổi hay phong trào chấn hưng đều bắt đầu bằng sự chuyển đổi cách nhìn, cách nghĩ và cách làm. Hay nói một cách thời thượng hơn là “thay đổi não trạng” (shift of mentality) về cách hành đạo, hộ đạo và sống đạo.

Với hiện tình đạo Phật Việt Nam thì cái “não trạng” cần phải thay đổi là: Thống nhất là thống hợp chứ không phải là thống trị.  Đó là một quá trình khẳng định tôn trọng sự khác biệt, chấp nhận sự hợp tác và loại bỏ vọng kiến tự tôn tự đại cho rằng chỉ có mình là đúng và bắt người khác phải theo mình. Nguyên nhân sâu xa và đồng thời cũng là nguyên nhân trực tiếp của sự phân hóa nội bộ Phật giáo Việt Nam như hiện nay là do tâm lý thống trị. Mọi đơn vị nhỏ như chùa, khuôn hội, đạo tràng hay tăng phái hiện nay đều đang có chiều hướng trở thành một đơn vị tự trị, độc lập, nắm riêng các mặt nhân sự, quần chúng Phật tử, cơ sở chùa chiền, tài chánh thu chi và nghi lễ tu học hay sinh hoạt. Bất cứ một tập thể chính trị, xã hội hay tôn giáo nào, nếu không có một hệ thống hàng dọc lãnh đạo và tổ chức thì khó tránh được tình trạng “loạn sứ quân”. Nếu không có một hệ thống hàng ngang để trao đổi, bổ khuyết và chia sẻ thì sẽ đưa đến tình trạng độc đoán, cô lập.

Một hiện thực đang trở thành “bất thối chuyển”, nghĩa là không thể xóa bài làm lại được, là hiện tượng tự ý thành lập đạo tràng, tăng phái, tăng đoàn, giáo hội đang phát triển khá nhanh chóng và phức tạp trong cộng đồng đạo Phật Việt Nam. Dẫu sai hay đúng, dẫu chính thống hay vay mượn danh nghĩa thì cũng chẳng có ai quan tâm hay có biện pháp chế tài nếu sai và năng lực hỗ trợ nếu đúng. Nguyên nhân là vì không có lãnh đạo thực sự mà chỉ có những danh vị hão huyền và những danh từ đao to búa lớn, miễn sao thu hút được quần chúng đóng góp vật chất tiền tài theo cách nói sáo mòn đến tối tăm trơ nghĩa thời nay là “tùy duyên”! Trước một hoàn cảnh như thế, muốn thống nhất thì phải có sự khởi đầu trong tinh thần thống hợp.

Thế hệ đàn anh thời “hoa sen trong biển lửa” đang lụi tàn. Thế hệ đàn em thời “biển lửa giữa hoa sen hay hoa sen trên đá” đang từng bước kế thừa. Cái nghịch lý thời đại quả nhiên làm cho người ta phân vân tự hỏi như thiền sư Thanat Chomkin viết trong Kinh Sử Thiền Môn (Zen Historical Sutra) : “Ô hay, một thời đại nghịch lý đang diễn ra đó sao?! Càng có nhiều phương tiện thông tin liên lạc thiện xảo nhất, người ta lại càng hiểu lầm nhau nhiều hơn. Cũng như càng hô hào tự do dân chủ nhất, người ta lại càng độc đoán, chấp ngã nhất. Trên con đường tu hành của đạo Phật, hành động “phá ngã” quyết liệt và nhất quán là tôn trọng sự khác biệt; cũng như luôn mở rộng lòng đón nhận những cái mới với tấm lòng tưởng như ngây ngô mà lại đại hùng, đại lực như hải triều âm của Bồ tát Thường Bất Khinh, người gặp bất cứ ai cũng chắp tay vái chào cung kính: ‘Xin chào một đức Phật tương lai!’…”

 

30_nam_GDPTVN_tai_UC (3)

Gia đình Phật tử Việt Nam với sinh hoạt thiên nhiên lành mạnh

Khi nói đến những vấn đề của Phật giáo Việt Nam đương đại, đã có rất nhiều câu trả lời, nhưng tựu trung cũng chẳng khác gì nhân vật già đời của Vũ Trọng Phụng mệt mề lên tiếng: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi…” Càng lý sự, phân tích, phân biệt thì càng xa nhau. Thiên lý, vạn lý nhưng không qua khỏi nhịp cầu cảm thông trong im lặng.

Trong nhiều thập niên qua, đã có khá nhiều nhân vật thành danh trong cộng đồng đạo Phật Việt Nam lên tiếng. Nhưng tất cả đã rơi vào im lặng vì chỉ nói đến thống nhất, đạo đồng mà không xác định được một điểm khởi đầu… sinh tử: Đó là thống hợp!

Nhớ bác Tâm Minh Lê Đình Thám, nhớ Thầy Quảng Đức, nhớ Quách Thị Trang, nhớ bao nhiêu người đã hy sinh vì Đạo pháp và dân tộc, người Phật tử Việt Nam phải nói lời chân thật bên nhau rằng, chúng ta cần hóa giải, chúng ta cần thống hợp.

Như thế, dưới ánh sáng từ bi và trí tuệ: Tinh thần Thống Nhất của Phật giáo là thống hợp Bi – Trí – Dũng chứ không phải là thống lãnh hay thống trị.

                                               

Sacramento, ngày đầu Thu của Mỹ: 22-9-2014

                                                                                               

Trần Kiêm Đoàn

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/04/2020(Xem: 5940)
Đạo Phật do Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sáng lập tại Ấn Độ cách đây hơn 25 thế kỷ, đã đứng vững và tiếp tục lớn mạnh như một ngọn đuốc quang minh để soi đường dẫn bước cho nhân loại trên hành trình giải thoát giác ngô. Đạo Phật đã đem đến cho con người một đời sống tâm linh hoàn hảo. Theo thống kê mới đây, số lượng Phật tử hiện nay trên thế giới là khoảng từ 1.2 tỉ đến 1.6 tỉ, gần bằng số lượng tín đồ của hai tôn giáo lớn nhất thế giới là Hồi giáo và Thiên Chúa giáo (gồm Công giáo, Tin Lành, Anh giáo và Chính thống giáo), các học giả xem Phật giáo là một trong những tôn giáo lớn trên thế giới. Thực tế của nó đã có lịch sử nổi bật nhất ở Đông và Đông Nam Á, hiện nay hương từ bi trí tuệ đạo Phật đã tỏa sáng khắp các quốc gia Âu, Mỹ và châu Phi. Nhiều tư tưởng và triết lý Phật giáo có những điểm tương đồng với các tôn giáo khác.
13/02/2020(Xem: 12633)
Ngày 14 tháng 8, năm 1992 Cố Lão Hòa Thượng khai thị tại Vạn Phật Thánh Thành về hai chứng bệnh vô phương cứu chữa, bịnh AIDS, một loại bịnh chỉ nghe tiếng đã khiến người ta kinh khiếp, và một chứng bịnh mới càng kinh kiếp hơn, đó là bịnh Tân Viêm Phế, chứng sưng phổi loại mới. Hai ngày sau tại Kim Luân Thánh Tự ở Los Angeles; Ngài, một lần nữa, lớn tiếng kêu gọi nhân dân thế giới hãy mau thức tỉnh về đại họa đang đe dọa toàn nhân loại mà cùng phát đại bi tâm trì tụng Chú Đại Bi và Chú Lăng Nghiêm để tránh tai họa này và giữ gìn hòa bình thế giới.)
07/02/2020(Xem: 4058)
Chuyện cúng "Dương Sao Giải Hạn" vào thời đại văn minh này, ở Việt Nam và ngay cả người Việt ở một số các ngôi Chùa ở hải ngoại nữa, trong khi các nước Tây Phương đang có kế hoạch chuẩn bị di dân lên Hoả Tinh để sinh sống vào khoảng độ năm 2030-2050 tới đây, thì, đối với các nước chậm tiến như Việt Nam, Trung Quốc, chuyện cúng kiến đó vẫn còn khá hấp dẫn. Có thể nói là hấp dẫn tương tự như chuyện của "Ngàn Lẻ Một Đêm", tuy nhiên, có khác chăng thì một chuyện từ Trung Đông, xứ Babylon và một chuyện xuất phát từ một nước chuyên chế tác những điều mê tín và chế tác hàng giả, nhại theo nguyên tác từ sự phát minh của các nước văn minh, để miễn xin phép, nói nôm na là 'ăn cắp' bản quyền, đó là Trung Quốc. Và cái khác quan trọng hơn nữa là câu chuyện Ngàn Lẻ Một Đêm chỉ tạo cảm giác hấp dẫn cho người nghe về trí tưởng tượng thôi, còn cái hấp dẫn của cái gọi là 'cúng dương sao giải hạn' của Trung Quốc (gốc của Lão Giáo) thì, đã không có ích lợi gì mà còn tốn hao tiền của, ô nhiễm môi trường,
05/02/2020(Xem: 3710)
Theo đó, vào chừng nửa đêm ngày 1-2, sư cô Tuệ Đức nghe tiếng khóc của trẻ, sau đó cùng người trong chùa đi kiểm tra thì phát hiện một cháu bé sơ sinh duới chân tượng Bồ-tát. Bên cạnh cháu bé có tã lót, hộp sữa bột, bình bú, chăn ấm và một bức thư có nội dung: “Tôi không có khả năng nuôi con, xin nhờ chùa nuôi giúp. Con tôi được 3 ngày tuổi”. Ngay sau đó sư cô Tuệ Đức đã bế cháu vào chùa và nhanh chóng báo sự việc cho sư cô trụ trì chùa, chăm sóc cháu bé, đồng thời thông báo cho chính quyền địa phương.
04/02/2020(Xem: 3084)
Đất nước đang cố gắng vượt qua nhiều khó khăn do sự ỳ ạch gỡ rối với phong cách sai đâu sửa đó, chính vì vừa làm vừa học để rút kinh nghiệm mà làm chậm bước tiến, thay vì dẹp tính tự ái chủ nghĩa, học kinh nghiệm của đất nước tiên tiến không cùng ý thức hệ để thu ngắn thời gian. Mãi đến khi Liên Sô sụp đỗ, bắt đầu xét lại phương thức điều hành kinh tế xã hội dưới danh nghĩa “kinh tế thị trường theo định hướng xã hộichủ nghĩa”, trong khi Trung Quốc mạnh dạng bắt tay vào kinh tế thị trường với thế giới tư bản, Trung Quốc trở thành nền kinh tế đứng hàng thứ hai trên thế giới, thì VN từ đó, phương cách điều hành có phần thông thoáng; các ban ngành đưa cán bộ xuất ngoại tiếp thu cái hay xứ người về bổ sung cho hệ thống điều hành chuyên môn, trong đó, việc giao lưu tôn giáo cũng được phát triển nhanh nhạy. Ki tô giáo thắt chặt quan hệ với tòa thánh Vatican để hợp thức hóa nhân sự theo hệ thống dọc.Riêng Phật giáo, thập niên 60 đã là thành viên của “Hội Phật giáo Liên hữu Thế giới” do cố
01/02/2020(Xem: 3835)
Xin một nén hương hướng về những người chết thảm bởi tay hung tàn ác nghiệp gây ra. Ông là ai mà giết người hàng loạt Ông là ai mà trốn chạy được đâu Cuộc đời ông sẽ dẫn đến khổ sầu Lưới nhân quả không bao giờ sai cả.
30/01/2020(Xem: 4409)
Hôm thứ Tư, ngày 29/01/2021, Cục Điều tra Liên bang (Federal Bureau of Investigation, FBI) đã đột kích một nhà thờ Los Angeles có trụ sở tại Philippines, bắt giữ ba vị lãnh đạo cơ sở tôn giáo này (Guia Cabactulan, 59 tuổi, Marissa Duenas, 41 tuổi và Amanda Estopare, 48 tuổi, là thành viên của Vương quốc Jesus Christ, KOJC) trong cuộc điều tra chống tội phạm buôn người. Các công tố viên cho biết trong suốt mấy thập kỷ qua, các nhà lãnh đạo nhà thờ Kingdom of Jesus Christ đã lừa gạt biến tín đồ thành những người vận động gây quỹ và sắp xếp cho những người này kết hôn giả để có thể ở lại Hoa Kỳ. Theo Văn phòng Luật sư Hoa Kỳ cho biết, trong vụ triệt phá gian lận di trú này, vào buổi sáng sớm ngày nêu trên, lãnh đạo nhà thờ bị bắt cùng với một người phụ trách tài chính và một người đảm trách việc tịch thu Hộ chiếu của các nạn nhân.
22/12/2019(Xem: 3991)
Phật Giáo có mặt ở Việt Nam trên 2000 năm, gắn liền với vận mạng thăng trầm của dân tộc, suốt từ thời Hùng Vương, Chữ Đồng Tử - Tiên Dung, Hai Bà Trưng khởi nghĩa cho đến hôm nay. Câu tục ngữ : “đất Vua, chùa làng, phong cảnh Bụt”, cứ mỗi làng, thôn có một cái miếu và một ngôi chùa và nhà thơ Hồ Dzếnh đã viết: “Trang sử Phật, Đồng thời trang sử Việt, Trải bao độ hưng suy, Tuy có nguy mà chẳng mất”. Đặc biệt qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần,... Phật Giáo phát triển đến đỉnh cao và nhiều tu sỹ đã trở thành Quốc Sư cho Vua, cố vấn và hoạch định các chương trình phát triển nước nhà như Khuông Việt, Ngô Chân Lưu, Vạn Hạnh, Tuệ Trung Thượng Sỹ, Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông,...Tình hình Phật Giáo hiện nay tại Việt Nam thì sao? Các báo cáo tổng kết cuối năm từ Trung Ương đến địa phương của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đều ghi những nét son : Phật Giáo đang phát triển, có nhiều thành tịch vượt bậc hơn các năm trước, có nhiều đóng góp khởi sắcvà ảnh hưởng rất lớn đến xã hội....Chúng ta
05/12/2019(Xem: 4076)
Báo Tuổi Trẻ, thứ 7, 30/11/2019, đã có phản ứng với quy mô chưa từng có trong lịch sử hoạt động tờ báo về một vụ việc. Tựa bài chạy tít trên trang nhất lớn một cách kỷ lục “Đặt tên đường: cần thoáng!”, với việc thể hiện bảng tên đường Alexandre de Rhodes khéo léo và cũng lớn hiếm thấy trong một bức ảnh.
28/11/2019(Xem: 8442)
Tự do dân chủ nhân quyền song hành cùng với mậu dịch đầu tư kinh tế của xứ sở để duy trì trật tự và ổn định xã hội, như ánh sáng và không khí, không thể thiếu đối với mọi người sống trong không gian rộng mở của thế giới đang phát triển mọi mặt. Hồng Kông là cựu thuộc địa của Anh được trao trả cho Trung quốc năm 1997 mà người dân được bảo đảm các quyền tự do như:“một quốc gia, hai hệ thống” điều hành hầu duy trì và phát triển xứ sở.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567