Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Những ký ức đọng lại của nhân chứng lịch sử

05/06/201320:55(Xem: 5288)
Những ký ức đọng lại của nhân chứng lịch sử
botatquangduc-3a
NHỮNG KÝ ỨC ĐỌNG LẠI
CỦA NHÂN CHỨNG LỊCH SỬ

Ông Nguyễn Văn Thông (hình bên) là một trong những nhân chứng trong việc Bồ tát Quảng Đức vị pháp thiêu thân năm 1963. Những giờ phút lịch sử đó đã để lại cho ông nhiều cảm xúc, kí ức đọng lại.

    Thời gian đó tôi là phóng viên nhiếp ảnh của chính quyền Sài Gòn nên tôi có những điều kiện đi lại, tác nghiệp trong thời kì đấu tranh của Phật giáo lúc ấy. Tôi là người phụ trách trong khu vực Quận 3 nên tôi luôn theo dõi 24/24 những diễn biến của các chùa ở đây.
    Trước ngày đó chúng tôi được tin bên Giáo hội sẽ có cuộc mít tinh đi ra Hạ Viện (tức là bây giờ nó là Nhà hát Thành phố) Tăng Ni sẽ mitting, mổ bụng để phản đối kì thị tôn giáo. Đồng thời đến 11/6 (tức 20/4/1963) chúng tôi bắt đầu đi công tác và thấy các Tăng Ni tập trung ở đường Cao Thắng, trước Phật Bửu tự, bên cạnh Tam Tông miếu, có khoảng 300 Tăng Ni, với biểu ngữ và y phục vàng.

    Đoàn đã xuất phát từ đấy ra đến Ngã tư Cao Thắng thì lên ngã tư Nguyễn Đình Chiểu và CMT8 bây giờ. Đi trong đoàn mitting có 1 chiếc xe hơi, khi đến ngã tư chiếc xe đó dừng lại coi như chết máy và mở cái nắp xe đằng trước ra để sửa. Đồng thời có người mở cửa xe ra và có một vị Hòa thượng ở trên xe bước xuống đi bộ ra đến ngã tư đường.

    Người đứng lễ bốn phương rồi người ngồi nhìn về hướng Tây. Lúc ấy chỉ biết người ngồi, sau đó mới biết là người ngồi kiết già như ngồi thiền, tất cả mọi sự diễn biến nhanh chóng. Một vị thầy đã lấy một can xăng 2,3 lít đổ lên thân Ngài. Đổ hết can xăng thì Hòa thượng đó (lúc ấy chưa biết tên) bật một cái quẹt đá chứ không phải quẹt gas như bây giờ nhưng không cháy, thì một vị thầy khác mới đưa một cái quẹt khác vào thì mới bùng lửa lên cháy.

    Lúc lửa bùng cháy lên, tôi làm nhiệm vụ thì tôi chụp. Chứ thực tình lúc đó cái tâm tư của bối cảnh đầu tiên, cái ảnh đầu tiên triển lãm trên đó hơi rung tay, không được rõ vì tôi quá xúc động về sự hi sinh cao cả của vị hòa thượng đó. Những bức về sau đó thì nó rõ hơn. Cho đến khi lửa cháy phủ khắp mà người không dẫy, không cử động, cứ ngồi kiết già như thế. Trong khi đó xung quanh là những vị Tăng Ni ngồi niệm Phật. Cũng có một điểm là sau khi cháy được lúc rồi xe cứu hỏa mới tới.

    Xe cứu hỏa tới nhưng xung quanh đã có một vòng tròn 300 Tăng Ni, thành ra nội bất xuất ngoại bất nhập. Xe không vào được vì đã có thầy chỉ huy mỗi một xe cứu hỏa đến thì có một vị Tăng Ni nằm dưới đường để xe không di chuyển được. Ngọn lửa vẫn tiếp tục cháy và khi người đã cháy đen rồi thì đổ xuống. Tăng Ni phải bảo quản chừng một tiếng đồng hồ thì có người bên chùa mang một cái cáng đến để hòa thượng mang về chùa Xá Lợi. Nhiệm vụ của tôi tới đấy là hết.

    Sau khi liệm thì đến ngày chủ nhật mang lên hỏa táng tại An Dưỡng Địa, tức là chùa An Lạc (lò thiêu An Lạc ở ngã 4 Phú Lâm). Đám tang đi bộ ở đường Điện Biên Phủ sau đó là Thành Thái nay là Ngô Gia Tự đi thẳng đường Hùng Vương. Khi đưa vào lò thiêu khoảng 8h sáng, đầu đuôi có 2 ngọn lửa đốt bằng dầu gazoan phụt lửa vào (ko đốt bằng củi, bằng than), đốt đến 2h30 chiều. Tôi túc trực ở trên đó, nhìn qua lỗ kính thấy hết. Đến 2h30 sau khi cháy hết thì mở cửa lò, ở dưới cái khuôn để quan tài cháy hết rồi có một cái mâm, cái vỉ để tất cả xương, tro rơi xuống đấy và trái tim cũng rơi xuống đó. Bên chùa lấy một bình pha lê đựng trái tim và một thầy vớt hết tất cả xá lợi, vớt hết tất cả xương. Nhiệm vụ của tôi tới đấy là hết.

    Kể từ khi Bồ tát Quảng Đức bắt đầu tự thiêu đến khi cuối cùng là hỏa thiêu và đem về chùa Xá Lợi, tôi theo dõi rất sát các thông tin đấy và có được những hình ảnh tư liệu. Thẳng thắn mà nói như thế này, tôi chụp những bức hình đó là nhiệm vụ vì tôi là Phóng viên nhiếp ảnh của Nha tổng giám đốc Cảnh sát Công an của Chế độ Ngô Đình Diệm. Tôi đi làm nhiệm vụ thì cái tâm tư tôi nhìn sự thiêu ấy là sự cao cả của vị Hòa thượng đó chứ tôi cũng không nghĩ gì cả. Về sau, khi ngày 1/11 có cuộc đảo chính lật đổ Ngô Đình Diệm rồi thì phải nói là tất cả những cuộc đảo chính xảy ra về sau này thì cũng phát khởi từ Hòa thượng tự thiêu, dấy lên cái lòng để cho dân chúng phản đối Ngô Đình Diệm về vấn đề kì thị tôn giáo. Tôi chỉ biết đến như thế thôi chứ tôi cũng không nghĩ gì khác. Làm nhiệm vụ, thế thôi!”


    (Bối Bối ghi lại)
    Người gửi bài: Đông Ba


    Nhân chứng và thời đại là sự trải nghiệm qua một quảng thời gian nào đó đánh dấu sự kiện quan trọng đối với đất nước và dân tộc. Đúng như vậy, pháp nạn năm 1963 đánh dấu một sự kiện rất đau thương không chỉ cho Phật giáo mà cho cả dân tộc, một thời kỳ bị áp bức nặng nề của chính quyền Ngô Đình Diệm với những chính sách cai trị độc tài.

    Qua những lời kể của Hoà thượng Đức Nghiệp và ông Nguyễn Văn Thông làm cho tôi có cảm tưởng như được sống trong những ngày tháng bi hùng của Phật giáo cũng như của dân tộc 1963. Trong thời gian đó có những con người vĩ đại sẵn sàng xả bỏ tấm thân giả tạm của mình để cho đạo pháp được trường tồn, nước nhà được tự do, hạnh phúc.

    Trong buổi trò chuyện giao lưu với chủ đề “Nhân chứng và Thời đại” được nghe HT.Thích Đức Nghiệp - một vị nhân chứng trong sự kiện pháp nạn Phật giáo năm 1963 đã kể lại những diễn biến của Phật giáo và cũng như đất nước trong thời kỳ cai trị chính quyền ông Ngô Đình Diệm. Lắng lòng nghe những lời kể của Hoà thượng mà trong tôi như dâng trào một niềm cảm xúc, một sự kính phục bởi những con người có tấm lòng từ bi rộng lớn, ý chí kiên cương không thể bị khuất phục trước những lưỡi gương, gọng súng.

    Chế độ độc tài của chính quyền Ngô Đình Diệm càng khắt khe, áp bức bao nhiêu thì tinh thần yêu nước, yêu đạo pháp của tăng ni, phật tử càng mạnh mẽ bấy nhiêu. Lá cờ Phật giáo không thể bị chà đạp, đất nước Nam Việt không thể bị áp bức mãi bởi những con người thâm độc và bọn tay sai của Ngô Đình Diệm.

    Vì vậy, Bồ Tát Quảng Đức cùng chư vị Thánh đệ tử đã dâng hiến thân mình cho chư Phật nguyện đổi lấy sự tự do cho đạo pháp và dân tộc, cho lá cờ của Phật giáo mãi được tung bay trên bầu trời rộng lớn. Sự hung hãn của chính quyền Ngô Đình Diệm càng cao bao nhiêu thì chí nguyện tự thiêu của Bồ tát càng lớn bấy nhiêu - một chí nguyện cao cả, vĩ đại trong một con người nhỏ bé.

    Theo như lời kể lại của HT.Thích Đức Nghiệp và ông Nguyễn Văn Thông thì Bồ Tát Quảng Đức dâng hiến cuộc đời mình cho đại nghĩa, hy sinh để cho chánh pháp được trường tồn và ngay tại ngã tư Phan Đình Phùng - Lê Văn Duyệt một ngọn lửa phừng phừng bốc cháy, bủa vây xung quanh một vị Bồ Tát xác phàm. Mặc dù lửa cháy rất lớn nhưng nét mặt của Ngài không lộ vẻ sợ hãi, đau đớn, Ngài ngồi trong tư thế kiết già tay bắt ấn tam muội, tâm an định tịch tịnh, không còn bị chi phối bởi sức nóng của ngọn lửa.

    Hình dung ngọn lửa thiêu đốt thân Ngài trong tôi thật không sao tả hết niềm tin yêu, sự tôn kính tột bậc. Ngọn lửa ấy giống như ngọn lửa từ bi thiêu rụi biết bao phiền muộn, lo âu trong tâm hồn của người con Phật, đốt tan bao âm mưu, kế hoạch tàn ác bạo ngược của chính quyền Ngô Đình Diệm. Một chế độ độc tài đã giết bao người vô tội, biết bao tăng ni, phật tử đã ngã xuống vì màu cờ của đạo pháp và dân tộc. Những vị thánh tử đạo như thầy Nguyên Hương, thầy Thanh Tuệ, sư cô Diệu Quang, Đại đức Thiện Mỹ...cũng đã theo gương của Bồ Tát Quảng Đức hiến dâng chư Phật, hi sinh thân mạng để cảnh tỉnh, thức tỉnh sự mê muội của chính quyền Ngô Đình Diệm và cứu nguy Đạo pháp.

    Những tấm gương đã anh dũng hy sinh của Bồ Tát Quảng Đức, Chư vị thánh tử đạo cùng các chiến sĩ đồng bào là một lời cảnh tỉnh mạnh mẽ, sâu sắc, một lời tuyên bố hùng hồn rằng chết vinh còn hơn sống nhục, dân tộc Việt Nam sẵn sàng chiến đấu hy sinh cho nền tự do của nước nhà, tín đồ tăng ni, phật tử nguyện bảo vệ đến cùng cho màu cờ của đạo pháp được tung bay trên khắp mọi miền quê hương, đất nước.

    Hoà chung không khí của buổi lễ kỷ niệm 50 năm Bồ tát Quảng Đức vì pháp thiêu thân và như được sống trong những năm tháng hào hùng của dân tộc, của chư tăng ni, phật tử qua lời kể của Hoà thượng Đức Nghiệp, trong tâm tôi như đang đồng cảm xót thương và kèm theo đó là một sự kính phục, ngưỡng mộ.

    Xót thương cho đạo pháp và dân tộc đã trải qua những năm tháng khó khăn, chịu sự đàn áp bạo hành đến cùng cực, sự kính phục và ngưỡng mộ những cuộc chiến đấu hy sinh kiên cường bất khuất, đã dùng tấm lòng từ bi để đối trị với sự tàn ác thâm độc. Và cuối cùng thì tà không thể thắng chánh, sự tàn ác thâm độc phải chịu sự khuất phục bởi tấm lòng từ bi và tình yêu mà chư tăng ni, phạt tử đã dành cho đạo pháp và dân tộc. Chính quyền Ngô Đình Diệm đã sụp đổ hoàn toàn, ngọn lửa từ bi bất diệt cùng trái tim bất tử của Bồ Tát Thích Quảng Đức mãi tồn tại theo thời gian của những kiếp người. Dù có trải qua bao thế hệ thì ngọn lửa ấy vẫn là ngọn đuốc sáng soi, chiếu rọi vào từng ngõ nghách tâm hồn người con Phật, chính là nguồn động lực vô cùng lớn lao thúc đẩy chúng ta sống và làm việc như thế nào, để xứng đáng với sự hi sinh cao cả ấy, bày tỏ hết được lòng tri ân cao quý của bản thân mình.

    Còn riêng tôi trong ngày kỷ niệm thiêng liêng này, tôi nguyện sẽ cống hiến hết sức mình cho đạo pháp mãi lưu tồn để cho hình ảnh ngọn lửa của Ngài mãi là ánh sáng soi đường cho đàn hậu học, những hậu duệ ngày mai sẽ tiếp nối con đường của chư Phật, chư Tổ xây dựng và phát triển đạo pháp ngày thêm rực rỡ, bất diệt như trái tim của Ngài.

    Chúc Văn
    (Người gửi bài: Đông Ba)




    Gửi ý kiến của bạn
    Tắt
    Telex
    VNI
    Tên của bạn
    Email của bạn
    31/05/2017(Xem: 5889)
    Nếu những ai yêu thích thể loại nghệ thuật dân tộc Hát Bội thì hẳn biết có bốn thể loại được chia ra theo các cụm chủ đề; đó là Tuồng Đồ, Tuồng Pho, Tuồng Truyện và Tuồng hài dân gian. Ngoài Tuồng Hài Dân Gian còn lại ba thể lọai trên ai cũng đều biết tích truyện lẫn kết cuộc vở diễn, thậm chí biết luôn từng tính cách nhân vật khi họ vửa xuất hiện bên phải cánh gà sân khấu qua gương mặt hóa trang và bộ y phục đang mặc trên người. Ấy vậy mà vẫn làm say đắm biết bao nhiêu khán giả nhiều thế hệ qua chưa hề biết nhàm chán. Bộ môn nghệ thuật Hát Bội là viên ngọc quý của dân tộc bởi nó đã đi trước mọi thời đại do tính chất đặc thù mà phương Tây gọi là "Sân Khấu Ước Lệ", một sân khấu chọn cái tiêu biểu để nói cái bao quát, vượt ra xa mấy chục mét vuông của sàn diễn.
    31/05/2017(Xem: 3924)
    "Hiến chương" là các luật lệ, quy định mang tính cơ bản của một tổ chức . Quy định những nguyên tắc và thể lệ chung trong một tổ chức... 1.- Hiến chương của Phật giáo là cương lĩnh của một Giáo hội, quy định quyền hạn, trách nhiệm cho các ban ngành từ Trung ương xuống đến cấp hạ tầng. Quốc gia có Hiến pháp, Tôn giáo có Hiến chương, tổ chức có nội quy, Tăng đoàn có thanh quy giới luật...Tất cả các thành viên nằm trong khuôn khổ của tổ chức đều phải tuân thủ chấp hành nghiêm túc. Giáo hội trang nghiêm - thanh tịnh -ổn định và phát triển đều nhờ vào việc thực thi nghiêm túc, đúng, trong khuôn khổ của Hiến chương và Quy chế hoạt động.
    28/05/2017(Xem: 6540)
    Bà hiện sống trong một căn phòng sáng sủa và thoáng mát, nơi bà có thể đọc, lướt mạng và vẽ lên những điều trái tim bà nói. Bà tự hào rằng cậu con trai duy nhất và ba cháu đều đã hoặc đang theo học sau đại học. Bà Lê Thi hiện đã hoàn thành hơn 2.000 bức tranh (mà bà thích giữ lại hơn là bán) và viết khoảng 50 cuốn sách cũng như hồi ký. Nhưng bà vẫn không có ý định dừng lại. Dự án lớn tiếp theo của bà là phần tiếp theo của cuốn sách Vòng xoáy cuộc đời.
    17/05/2017(Xem: 11265)
    Người tu cần sự minh triết và cẩn trọng trong khi tiếp nhận Phật pháp, để phân biệt đúng sai và lệch lạc. Hãy xem đoạn văn sau đây của người sáng lập Cư xá Phật giáo và Hội Phật giáo Luân-đôn (Christmas Humphreys, The Buddhist Way of Life, p. 100):
    20/04/2017(Xem: 4993)
    Tinh hoa văn hóa dân tộc đất nước Việt nam chính là truyền thống đạo đức là nét đẹp tinh thần của cha ông ta ngày xưa. Nay đã biến dạng quá nhiều bởi do thiếu hiểu biết và trình độ nhận thức về văn hóa đạo đức lành mạnh. Di sản tinh thần của một dân tộc thể hiện rõ nhất qua các lễ hội văn hóa được thông qua các vị anh hùng xen lẫn tín ngưỡng dân gian. Các anh hùng dân tộc là thuốc thử màu bộc lộ tâm lý của một dân tộc. Qua cách chọn lựa và tôn vinh các anh hùng, các dân tộc tiết lộ những giá trị mà mình ôm ấp. Nếu chúng ta thay đổi cách nhận định anh hùng dân tộc thì đồng thời chúng ta cũng thay đổi các giá trị nền tảng của xã hội ta, chúng ta sẽ thay đổi cách suy nghĩ và hành động và do đó thay đổi số phận của chúng ta ngày càng sống tốt hơn.
    16/04/2017(Xem: 4792)
    Đạo Phật không phải là ngẫu nhiên luận rồi vô trách nhiệm đối với những hành vi của mình, hay cho rằng mọi chuyện rủi ro, may mắn, bất ngờ đều do bổng dưng, khi không, tự nhiên mà có. Khái niệm về số mệnh hay số phận là quan niệm của các trường phái triết học như Thần ý luận, Đa thần giáo, Túc mệnh luận, Định mệnh luận và Thiên mệnh. Sự sống trên thế gian này với thiên hình vạn trạng, phức tạp, đa năng, đa dạng, muôn hình muôn vẻ, khi thế này lúc thế khác và vô cùng mầu nhiệm.
    26/03/2017(Xem: 4040)
    Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết của Thầy Nguyễn Xuân Thu, Giáo sư giảng dạy ở Úc, một tác giả quen thuộc của Báo điện tử Giáo dục Việt am. Ở bài viết này, với kinh nghiệm của mình, ông có quan điểm về khung cơ cấu giáo dục quốc dân trong bối cảnh chúng ta đang tiến hành đổi mới toàn diện sự nghiệp giáo dục. Tòa soạn trân trọng gửi tới bạn đọc bài viết này. Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân (Khung cơ cấu) được ban hành bằng Quyết định số 1981/QĐ-TTg, ngày 18/10/2016 [1]. Đây là một cái khung hy vọng sẽ là nền tảng cho nỗ lực cải tổ giáo dục Việt Nam nhằm đưa đất nước đến một trình độ phát triển ngang bằng với các nước trong khu vực và trên thế giới.
    26/03/2017(Xem: 4225)
    Chả ai lạ gì, trong cuộc sống, xã hội ngày càng tiến bộ thì thế giới hoang tưởng ngày càng rộ nở.Hoang tưởng thuộc dạng tâm thần phân liệt. Có những hoang tưởng đưa đến điên loạn, cũng có những hoang tưởng biến kẻ đó thành người kiệt xuất, thiên tài, đóng góp cho xã hội nhiều công trình tuyệt trác.
    25/03/2017(Xem: 6707)
    Còn nhớ nửa đầu thập niên 90 thế kỷ trước, mỗi khi có tác phẩm nào nội dung liên quan đến Phật giáo thì phía bộ phận quản lý đều yêu cầu tác giả hoặc nhà xuất bản phải trình qua phía văn hóa, hoằng pháp Phật giáo để có phê duyệt rõ ràng, thì mới được cấp giấy phép thực hiện và phát hành rộng rãi. Quy định chặt chẽ ấy đã giúp và hỗ trợ Phật giáo rất nhiều trong việc hạn chế được những sai phạm vô tình hay hữu ý hiểu sai về Phật giáo. Việc làm tích cực này hiện nay đã không còn thấy nữa. Vì vậy từ khi thấy có xuất hiện quyển sách "Tranh Nhân Quả" do Sư Thầy Thích Chân Quang biên soạn
    08/02/2017(Xem: 11481)
    Xưa nay KINH DỊCH thường được xem là sáng tác của Trung Hoa. ngộ nhận này kéo dài hơn 2500, nay phải được thay đổi cách nhìn để phù hợp với sự thực của lịch sử. KINH DỊCH LÀ SÁNG TÁC CỦA VIỆT NAM, TRUNG QUỐC CHỈ CÓ CÔNG QUẢNG DIỄN VÀ PHỔ BIẾN.
    facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
    Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
    nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

    May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
    Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
    may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
    the Land of Ultimate Bliss.

    Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
    Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
    Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
    Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
    Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
    Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
    Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
    quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
    KHÁCH VIẾNG THĂM
    110,220,567