Nguyên tắc biên tập của BBC
Phóng viên BBC cần tuân thủ quy tắc đạo đức và các giá trị cốt lõi của nghề báo trong quá trình làm tin, bài.
BBC đã xây dựng bộ cẩm nang hướng dẫn trong đó nêu rõ các quy tắc đạo đức và các giá trị cần tuân thủ trong quá trình làm tin bài cho truyền hình, phát thanh và online ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.
Cẩm nang này nhằm hướng dẫn bạn xử lý tình huống trước các quyết định biên tập khó khăn.
Các giá trị cốt lõi của nghề báo gồm: Trung thực và Chính xác; Bất thiên vị; Độc lập; Phục vụ lợi ích công chúng; Trách nhiệm với công chúng, khán thính giả.
Sau đây là phần tóm lược một số nội dung hướng dẫn cho công việc làm báo.
Đây không phải là bản liệt kê đầy đủ và đôi khi nội dung hướng dẫn cần điều chỉnh ít nhiều cho phù hợp với từng tình huống cụ thể. Nếu chưa rõ về điều gì, bạn cần xin ý kiến tư vấn.
Đưa tin chính xác: Với phóng viên BBC, đưa tin chính xác là tiêu chí quan trọng hơn là làm tin thật nhanh.
Trước hết, nhà báo cần kiểm chứng các sự kiện và xác tín nguồn thông tin.
Trừ trường hợp đặc biệt, tường thuật tin nóng mà chỉ dựa vào nguồn của một hãng thông tấn hoặc thông tin từ các mạng xã hội là việc không được chấp nhận.
Bất thiên vị: Nguyên tắc bất thiên vị đòi hỏi bạn phải công bằng, cởi mở và khách quan khi đánh giá chứng cứ và cân nhắc các sự kiện.
Điều này không có nghĩa là mọi tranh luận đều phải được nêu ra trong mỗi lần tường thuật và cũng không có nghĩa là bạn phải dành thời lượng tương đương một cách máy móc cho từng quan điểm.
Không tư lợi: Trong mọi trường hợp, bạn hay bất kỳ ai làm việc cho BBC không được nhận các lợi ích cá nhân từ các tổ chức hay các nguồn đóng góp bên ngoài.
BBC thông thường sẽ chi trả cho các chi phí đi lại, ăn ở và hầu hết các phương tiện bạn cần dùng.
Không nêu quan điểm chính trị: Là phóng viên BBC, nếu muốn có một trang blog cá nhân, bạn cần thảo luận trước với cấp trên trực tiếp của mình.
Cấp trên sẽ không ngăn cản bạn một cách vô lý nhưng sẽ trao đổi với bạn về những rủi ro và xung đột quyền lợi có thể xảy ra.
Nếu có trang blog riêng, bạn không được nêu trong đó quan điểm chính trị của riêng mình hoặc ủng hộ đảng phái một cách công khai, bởi điều này có thể ảnh hưởng tới tôn chỉ Bất thiên vị của bạn và của BBC.
Visa: Thông thường, bạn không nên dùng thị thực du lịch để vào một quốc gia làm việc cho BBC.
Đề xuất dùng visa du lịch nhằm tránh các rào cản visa phải được trình lên lãnh đạo biên tập cao cấp chứ bạn không được tự quyết.
Bảo vệ nguồn tin: Những thông tin mà công chúng muốn biết đôi khi chỉ có thể lấy được thông qua những nguồn ẩn danh hoặc những người đóng góp muốn giấu tên.
Nguồn ẩn danh chỉ được dùng khi không còn lựa chọn nào khác và cần cẩn thận, không phải cứ có được nguồn tin đó là dùng một cách tự nhiên.
Hãy lưu ý, nếu bạn đã hứa là sử dụng tin với điều kiện không nêu tên người cung cấp, bạn phải giữ lời.
Tuy nhiên, trưởng biên tập trong tòa báo của bạn có quyền được biết về danh tính của người cung cấp khi tin của người đó được dùng.
Trách nhiệm đối với trẻ vị thành niên: Nếu muốn sử dụng trẻ em hoặc thiếu niên trong việc làm tin bài, bạn cần xin phép.
Thông thường bạn cần xin chấp thuận từ cha, mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp, hoặc từ người chịu trách nhiệm pháp lý đối với các em (chẳng hạn như hiệu trưởng).
Các em càng nhỏ và càng dễ bị tổn thương trong các vấn đề càng nhạy cảm thì việc xin chấp thuận càng trở nên thiết yếu.
Phục vụ công chúng: Bạn phải luôn giữ cân bằng giữa sự quan tâm của công chúng và việc tường thuật một cách chính xác với việc cần có lòng trắc ẩn và việc tránh xâm phạm quyền riêng tư cá nhân một cách không thỏa đáng khi đưa tin về các vụ tai nạn, thảm họa, các vụ bất ổn, hay chiến tranh.
Thông thường bạn nên đề nghị phỏng vấn những người bị thương, bị ảnh hưởng sau vụ tai nạn hoặc thảm họa bằng cách tiếp cận họ thông qua bạn bè, người thân hoặc các cố vấn.
Không thỏa hiệp: Những người đóng góp đôi lúc muốn ra điều kiện trước khi đồng ý cho phỏng vấn hoặc tham gia chương trình.
Trong hầu hết các trường hợp, BBC không thỏa hiệp về quyền biên tập.
Nếu khách không chịu trả lời phỏng vấn và đòi rằng các câu hỏi phải được thỏa thuận trước một cách cứng nhắc hoặc một số chủ đề nhất định phải bị loại bỏ, thì bạn cần cân nhắc kỹ xem có nên thực hiện cuộc phỏng vấn đó không.
Khi còn băn khoăn bạn hãy xin ý kiến tư vấn từ một biên tập viên cao cấp hơn.
Sự thật và Chính xác
Nhà báo có trách nhiệm duy trì sự tin cậy từ công chúng qua việc truyền đạt lại các câu chuyện một cách chính xác và đúng sự thật nhất.
Là nhà báo, uy tín của bạn phụ thuộc vào tính xác thực của tin tức bạn đưa đến cho công chúng.
Tính chính xác đóng vai trò trọng yếu cho công việc đưa tin.
Một khi người đọc, người nghe đài, người xem truyền hình không còn tin là nhà báo truyền tải chính xác và đúng sự thực về các sự kiện và số liệu thì tiêu chuẩn sơ đẳng của nghề báo coi như không đạt được.
Ở vai trò phóng viên hay biên tập viên, bạn có một thỏa thuận bất thành văn với công chúng: vì bạn nghe, nhìn và chứng kiến đa số những gì công chúng không có thời gian theo dõi hoặc không có điều kiện tiếp cận nên sau khi ghi nhận, thu thập thông tin, bạn có nhiệm vụ truyền đạt, tường thuật lại đúng như vậy cho họ.
Bạn muốn công chúng tin tưởng vào công việc kiểm chứng tin tức và muốn họ tin vào toàn bộ phần thuật lại là đúng sự thực, chứ không phải chỉ tin vào các sự kiện riêng lẻ.
Bạn cũng muốn công chúng tin rằng những gì bạn tường thuật lại không khiến họ bị hướng vào chỗ hiểu sai câu chuyện.
Nói tóm lại, là nhà báo, bạn cam kết không lừa dối công chúng.
Hiển nhiên, bạn có thể cộng tác với một số người trong công chúng, chẳng hạn như qua các mạng kết nối xã hội.
Bạn cũng có thể đề nghị họ giúp bạn bằng kinh nghiệm hay kiến thức chuyên môn, hoặc nhờ họ làm giúp một số việc tốn sức như đọc cả đống tài liệu, kiểm chứng xem lời của quan chức có đúng với thực tế trải nhiệm của người dân hay không.
Kể cả những lúc như vậy thì trách nhiệm của bạn là không được nói dối hoặc đánh lạc hướng dư luận.
Nhà báo là người đóng vai trò thu thập thông tin, tổng hợp lại thành bài và chia sẻ nó với công chúng một cách trung thực nhất.
Cho nên nếu bạn lập luận rằng vì thông tin ngoài xã hội đã được dư luận ‘xác tín’ rồi nên báo chí đưa tin về ‘sự thật’ như thế nào đi chăng nữa cũng không ảnh hưởng gì đến ai thì bạn hoàn toàn sai.
Tất nhiên, ‘sự thật’ là một khái niệm rất phức tạp.
Nó không giống với ‘tính chính xác’. Vì người ta có thể tường thuật hoàn toàn chính xác một điều trái sự thật.
Ngoài ra, đi cùng ‘sự thật’ còn có một loạt khái niệm như ‘kiểm chứng’, ‘trung thực’, ‘tính đúng đắn’.
Cũng vì thế, có thể ta cần đặt lại tên cho hai giá trị ‘Sự thật và Chính xác’ là 'lời cam kết không lừa dối’, vì nhà báo có trách nhiệm duy trì sự tin cậy của công chúng, để công chúng tin tưởng rằng họ không bị lừa gạt hoặc phải nghe lời trí trá.
Trong cuộc sống, một khi chúng ta thấy ai đó liên tục phát ngôn vô trách nhiệm mà không buồn để ý xem người nghe có tin hay không thì chúng ta cũng thôi không tin vào họ nữa.
Chính xác
So với nhiều cách hiểu ‘sự thật’ thì ‘chính xác’ là một khái niệm đơn giản hơn nhiều.
Nó không chỉ có nghĩa là xác tín một cách khách quan các sự kiện, số liệu, tên tuổi, ngày tháng, lời trích… đúng với hiện thực, mà còn có nghĩa là tường thuật lại chính xác những ý kiến người trong cuộc nêu ra.
Lấy ví dụ khi bạn viết trong bài hoặc nói trên đài rằng ‘Ông thị trưởng đã phát biểu trước công chúng rằng thủ đô là đầu tàu về văn hóa nghệ thuật cho cả nước’, thì ở đây có hai thước đo mức độ chính xác.
Một là thước đo xem chi tiết, lời lẽ có thể bị sai hay không, tức là bạn có đưa tin nhầm, hoặc hiểu nhầm ý kiến được nêu ra hay không.
Đơn giản như bạn có chắc người nói câu đó chính là ông thị trưởng không? Hoặc câu của ông ta nhưng có đúng ông ta là người đọc diễn văn hôm đó hay một người khác đọc thay? Hay là bạn chỉ nhận được thông cáo báo chí gửi từ trước nêu ý kiến của ông? Nếu đúng là ông thị trưởng thì bài của bạn có ghi chính xác từng câu từng chữ ông ấy nói hay không?
Bạn đừng ngạc nhiên khi biết vô số nhà báo đã đưa tin sai về các chi tiết tưởng như đơn giản như vậy. Làm việc vội vã là cách dễ làm mất tín nhiệm và làm tổn hại uy tín của bạn nhất.
Ngoài ra, ở một cấp độ khác, thước đo tính chính xác không chỉ là mô tả lại từ ngữ ‘nghe sao viết vậy’. Bạn còn phải chú ý đến những gì xảy ra quanh ý kiến được nêu.
Tường thuật của bạn có truyền đạt lại chính xác những gì ông thị trưởng nói và đúng ngữ cảnh của sự kiện không? Có khi ông ta nói đùa hay cố ý tạo ấn tượng quá mức với ai đó thì sao? Câu trước và câu sau của đoạn văn đó là gì để công chúng có thể hình dung ra văn cảnh của bài phát biểu?
Tóm lại, nhà báo phải luôn cố gắng tối đa để truyền đạt thật chính xác ý kiến của người khác cùng với ngữ nghĩa, bối cảnh rộng hơn của câu chuyện.
Bỏ hoặc xóa đi một loạt thông tin tạo nền, hoặc đặt câu trích trong một văn cảnh khác xa với ý người ta muốn nói là điều không thể chấp nhận được.
Chỉ truyền đạt từ ngữ không thôi mà bỏ ý nghĩa bên trong của lời nói sang một bên thì bạn sẽ làm mất đi phần thông tin cốt yếu cho câu chuyện, chưa kể còn bị coi là ‘chế biến’ hoặc cố ý đưa sai chuyện.
Làm nhà báo, nhiệm vụ của bạn là kiểm chứng mọi thứ liên quan đến đoạn thông tin cần xác thực và cần làm sáng tỏ tối đa để làm sao các sự kiện, số liệu, ngày tháng luôn đúng sự thực, không lẫn lộn vào những phần mang tính ý kiến bình phẩm.
Giới hạn của kiến thức
Ở cương vị nhà báo, bạn cũng cần xác định lỗ hổng trong những điều bạn có thể nắm bắt. Tức là ‘biết mình không biết điều gì’.
Trong cả dòng sự kiện ập đến, có những chi tiết nào đang bị thiếu vắng? Ví dụ khi tường thuật một bài diễn văn, bạn có để ý thấy khán giả cười nhạo, ào lên hô hoán chê người phát biểu hay cả hội trường ngồi im như thóc? Các chi tiết đó nói lên điều gì và có đủ ý nghĩa đáng để đưa vào bài không?
Ngoài ra, trong bài tường thuật, bạn luôn phải cân nhắc ý kiến nào thì đưa vào, ý kiến nào thì bỏ ra, tùy vào tầm quan trọng của mỗi ý kiến, có đáng hay không đáng nêu.
Vẫn với ví dụ trong phòng đọc diễn văn, kể cả khi mọi người cùng nhất loạt giơ tay ủng hộ thì bạn có chắc rằng ở đó người ta đạt đồng thuận tuyệt đối? Hay đơn giản là bạn chưa gặp được các ý kiến phản biện?
Sửa lỗi và cải chính
Nhà báo cần thừa nhận và cải chính ngay sau khi biết là đã có lỗi lúc đưa tin.
Nghề báo vốn có tiếng là nghề ít chịu nhận lỗi. Nhưng với công chúng thì nhận lỗi là chuyện tốt cho nhà báo.
Người ta thường tin vào các cơ quan truyền thông dám nhận lỗi và đính chính, sửa sai nhanh chóng hơn là các cơ quan không chịu làm điều đó vì tự cho mình không bao giờ sai.
Trong bất kỳ trường hợp nào, nghề báo là nghề có trách nhiệm truyền đạt lại các câu chuyện trên thế giới một cách chính xác và đúng sự thực nhất.
Cho nên bạn có nghĩa vụ về mặt đạo đức là phải báo ngay cho công chúng khi bạn nhận ra sai sót trong bản tin.
Với báo mạng thì sửa lỗi còn là chuyện phải làm càng sớm càng tốt vì các bản đã công bố thường được lưu trên Internet rất lâu, được kết nối vào các chủ đề khác, các trang web khác kể cả sau khi chuyện đã qua đi.
Thông tin thiếu chính xác có thể gây ra khiếu nại và thậm chí dễ khiến bạn bị kiện tội mạ lỵ ai đó.
Cách sửa lỗi tốt nhất là nói rõ cho công chúng điều gì sai, ở đâu và đính chính nhanh chóng.
Lợi ích Công chúng
Hoạt động báo chí không chỉ tồn tại nhân danh lợi ích của công chúng mà một phần của nghề báo chính là để phục vụ lợi ích công chúng.
‘Lợi ích Công chúng’ hay ‘lợi ích chung’ là khái niệm rất đặc thù đối với nghề báo và là một trong những cốt lõi của nghề này.
Nói một cách giản dị thì công việc của nhà báo trong một nền dân chủ là làm sao đưa đến công chúng những thông tin mà xã hội cần biết, qua đó có thể vận hành tốt trong các lĩnh vực từ chính trị, thương mại đến văn hóa, xã hội.
Tất nhiên, không một xã hội hay quốc gia nào chỉ có một dạng công chúng. Trên thực tế có nhiều nhóm công chúng với nhiều quyền lợi khác nhau, thay đổi theo từng lúc khác nhau.
Giới báo chí vừa đồng hành, vừa tương tác, trao đổi với nhiều nhóm công chúng đó vào nhiều thời điểm khác nhau, trong lúc công chúng cũng chịu tác động của nhiều quyền lợi và mối quan tâm khác nhau.
Không dễ gì khi đưa ra định nghĩa cho khái niệm ‘Lợi ích Công chúng’, bởi bản thân từ này có chứa từ ‘lợi ích’ trong đó.
Khi ta đặt cạnh ‘lợi ích’ và ‘công chúng’ cạnh nhau, có người lập luận rằng điều phục vụ lợi ích công chúng chưa chắc đã phải là thứ mà nhóm công chúng đó quan tâm.
Hoặc điều khiến một nhóm công chúng chú tâm thì cũng chưa chắc đã phải là thứ họ có năng lực tạo thay đổi hay có quyền hành để tác động đến sự việc đó.
Ví dụ như kiến thức và thông tin về những sai sót trong cơ chế điều hành hệ thống ngân hàng tại Anh Quốc vào các năm 2005 và 2006 chắc chắn là thứ cần thiết cho công chúng. Thế nhưng chủ đề đó lại khó thu hút sự quan tâm của công chúng.
Một số nhà báo đã thử làm cả hai việc, nhưng nỗ lực của họ rút cuộc thường đóng khung vào một số chuyên mục về ngành ngân hàng và ngay cả các cây bút chuyên môn có tiếng cũng không giữ được chân công chúng lâu với chủ đề này.
Trên thực tế, vào thời gian đó, chính công chúng Anh đã vay tiền và chi tiêu ở mức không tưởng tượng nổi.
Ngân hàng và các dịch vụ tài chính cũng tìm đủ cách ‘sáng tạo’ để đẩy nợ tín dụng trong dân lên cao, rồi tiền vay mua nhà thúc đẩy vòng quay ‘vay và nợ’ không ngừng tăng tốc.
Hai năm sau, cơn lốc nợ xấu ập đến và các tựa đề trên báo của năm 2008 và 2009 vang lên chói tai, phản ánh lời công chúng trách cứ giới truyền thông ‘Vì sao các người không nói cho chúng tôi biết chuyện đang xảy ra?’
Nhưng sự thật là cả các nhà báo và công chúng đều có chung ‘lợi ích’ trong việc duy trì cơn sốt tín dụng như ‘chuyện bình thường’ trước khi nó biến dạng thành câu chuyện gây lo ngại.
Các ưu tiên hàng đầu
Bạn có thể tỏ ra cao đạo khi nói về Lợi ích Công chúng và nêu quan điểm rằng nghề báo chỉ nên tập trung vào những điều thực sự quan trọng như chính trị, kinh tế, tội phạm…
Đúng là nhà báo có nhiệm vụ đưa tin về các chủ đề quan trọng bằng cách thức phù hợp, nhanh chóng và hấp dẫn.
Đằng sau thành công của các cơ quan truyền thông thương mại thường là nhóm nhà báo giỏi, biết thu hút và kết nối với bạn đọc, người nghe, người xem theo cách của họ.
Nhưng mỗi tòa báo, mỗi đài truyền thanh, truyền hình hay hãng tin lại có những tiêu chí khác nhau khi nói đến quan hệ của họ với công chúng.
Vì thế, họ sẽ diễn giải khái niệm Lợi ích Công chúng khác nhau, tùy vào cách họ hiểu quan hệ của mình với công chúng và thế nào là lợi ích của nhóm công chúng đó, cũng như thế nào là lợi ích của toàn dân ở nghĩa rộng hơn.
Biện minh cho nghề báo
Khái niệm ‘Lợi ích Công chúng’ còn có vai trò quan trọng khác với nghề báo vì một lý do khác nữa.
Giới làm báo chúng ta biện minh cho các hoạt động của mình, chẳng hạn như khi tác nghiệp mà phải nhòm ngó vào đời tư của người khác, rồi lý giải rằng nghề này tồn tại trước hết vì lợi ích công chúng.
Bình thường ra, việc xâm phạm quyền riêng tư đó và dùng các kỹ thuật nghề nghiệp như ghi âm, chụp hình sẽ bị coi là ‘gian giảo’ hay ‘phá quấy’ nếu như đó không phải là vì nghề báo, và là điều không thể chấp nhận được trong hoàn cảnh bình thường.
Với BBC, nghề báo vì ‘Lợi ích Công chúng’ còn có nghĩa là tường thuật, đưa tin về các chủ đề có tầm quan trọng rộng rãi với xã hội và cho đông đảo dư luận.
Các hoạt động của BBC vì thế còn phải có các chức năng sau:
- Thúc đẩy tính chịu trách nhiệm của cơ quan công quyền và tính minh bạch trong xã hội. BBC thu thập thông tin và trình bày tin tức, phóng sự để giúp công chúng có thể giám sát chính quyền và những người đang cầm quyền hoặc có thế lực tác động tới cuộc sống của người dân,
- Nêu ra vấn đề và tổ chức các cuộc thảo luận công khai qua việc cập nhật thông tin, kiểm chứng thông tin về các chủ đề thời sự quan trọng để hỗ trợ công chúng trong việc hiểu rõ và bàn thảo rộng rãi về các chính sách, quyết định mà nhà chức trách hay các tổ chức, đoàn thể nhân danh người dân đưa ra,
- Ngăn ngừa tham nhũng, lừa đảo và mỵ dân chính trị qua việc cung cấp cho công chúng phương tiện để phòng ngừa chuyện người dân bị lừa mỵ, đánh lạc hướng bởi phát ngôn hay hành động của bất cứ ai, nhất là khi sự việc có liên quan đến tiền bạc từ công quỹ,
- Chống tội phạm và các tội phá hoại ổn định xã hội qua việc phơi bày, công khai các hoạt động tội ác hoặc chống lại xã hội, nhất là khi thủ phạm là các nhân vật có tiếng tăm,
- Đưa tin quốc tế qua công tác tường thuật tin tức từ nhiều nơi trên thế giới, những điểm có xung đột hay có các chủ đề quan trọng cho nhân loại như biến đổi khí hậu, quyền con người… cần được chú ý, thấu hiểu, hoặc nơi chính sách của Anh Quốc hoặc đồng minh có tác động quan trọng.
Khác với BBC là cơ quan truyền thông công, trong ngành báo in tại Anh, gần như Quy tắc Biên tập của tòa báo nào cũng có điều khoản về ‘biệt lệ đối với lợi ích công chúng’ nhưng Quy tắc này thường không định nghĩa kỹ về nội dung.
Quyền riêng tư
Nghề báo vì lợi ích công chúng chắc chắn có nhiều lúc va chạm với lợi ích của các cá nhân.
Thế nhưng lấy lợi ích công chúng ra biện minh cho quyền tác nghiệp của báo chí khi thông tin về đời tư của ai đó bị xâm phạm là chủ đề quan trọng với giới làm báo nói riêng và xã hội nói chung.
Nhà báo chân chính cần luôn luôn nỗ lực đòi quyền được đào sâu hơn, đi xa hơn lằn ranh do chính quyền đặt ra.
Nhiều đồng nghiệp của chúng tôi đã dấn thân xa hơn và đã phải gánh chịu hậu quả.
Nhưng nhìn rộng ra thì cùng với dòng thời gian, các vùng cấm ngày càng thu hẹp lại, một phần cũng nhờ giới làm báo liên tục tăng sức ép.
Chúng tôi thường lập luận cho điều này bằng cách nêu ra ‘lợi ích công chúng’.
BBC ghi rõ trong Hướng dẫn Biên tập (Editorial Guidelines):
"Chúng ta nhắm vào các câu chuyện quan trọng, đáng kể để đưa tin. Chúng ta hoạt động năng nổ và kiên trì nhằm tìm đến nguồn gốc sự việc và sẽ đưa tin, giải thích cho công chúng sau khi đã nắm vững các góc độ của câu chuyện.”
“Kiến thức chuyên ngành của chúng ta sẽ được sử dụng để tạo uy tín và sức nặng phân tích cho công việc làm báo trong thế giới đa dạng, phức tạp như hiện nay.”
“Chúng ta sẽ đặt các câu hỏi thách thức, tra vấn với những người ở vị trí công quyền và mở ra diễn đàn quảng đại để công chúng thảo luận về các vấn đề chung."
Công chúng tín nhiệm BBC vì coi đây là nguồn tin tức đáng tin cậy và là điểm định hướng cho dư luận, cũng như vì đây là nơi tập trung tin tức, phóng sự điều tra về các câu chuyện có tác động đến đời sống của người dân chứ không phải là vì BBC muốn làm phiền đời tư của ai đó.
Cân bằng
Giữ cân bằng giữa lợi ích công chúng và quyền lợi của cá nhân là điều mà nhà báo luôn phải suy tính, cân nhắc, và mỗi trường hợp lại đòi hỏi cách đánh giá khác.
Trong nhiều trường hợp, có thể bạn sẽ không bao giờ có được lời đáp hoàn chỉnh, hoặc không bao giờ đạt được sự cân bằng làm vừa lòng tất cả mọi người.
Điểm xuất phát của nguyên tắc giữ cân bằng giữa lợi ích công chúng và quyền riêng tư là phải coi mỗi cá nhân đều có quyền được bảo vệ đời tư một cách chính đáng.
Điều này cũng áp dụng với cả những người mà một phần đời tư bộc lộ nơi công cộng vì nghề nghiệp của họ, ví dụ như chính khách hay diễn viên.
Nhưng kể cả với ‘người của công chúng’ thì nhà báo cũng không đương nhiên có quyền tìm tòi, hỏi han về chuyện học hành của con cái họ.
Không nhà báo nào được quyền bước vào nhà riêng của họ để đòi trả lời câu hỏi này khác.
Hiện nay, hành động quấy rầy và nhòm ngó vào đời tư của một ai đó chỉ vì họ có các hoạt động công, nhằm phục vụ mục tiêu báo chí vẫn là chủ đề được tranh cãi sôi nổi ở Anh.
Trong làng báo cũng có nhiều cách nhìn khác nhau.
Mặt khác, một số diễn viên, văn nghệ sỹ thuộc diện ‘nổi tiếng’, ‘danh nhân’ hay ‘người của công chúng’ cũng thường sử dụng truyền thông cho mục đích riêng để quảng bá sự nghiệp của họ hoặc nêu ra những chuyện nhỏ nhặt vì lợi ích riêng.
Với phóng viên BBC thì tác nghiệp mang tính nhòm ngó vào đời tư của một nhân vật danh tiếng - không được họ đồng ý trước - chỉ có thể thực hiện khi được biện minh rất rõ rằng việc làm đó là cần thiết và hoàn toàn vì lợi ích công chúng.
Chính vì thế, nói chung BBC sẽ chỉ đưa tin một về sinh hoạt riêng hoặc hoạt động liên quan đến pháp luật của các nhân vật danh tiếng một khi hành vi của họ gây ra các vấn đề khiến dư luận chung quan tâm, hay hậu quả của hành vi đó đã được công chúng biết đến.
BBC hoạt động trong bối cảnh các cơ quan báo chí khác thường đưa tin về đời tư của các cá nhân theo cách mà BBC không đưa.
Vì thế ở Anh có khái niệm gọi là “BBC’s test” – tức là phép thử xem khi nào thì BBC mới đưa tin về một sự việc.
Trong một số vụ việc, khi câu chuyện trở thành quá ‘nóng’ thì BBC cũng sẽ đưa tin chứ không bỏ qua vì nhu cầu tin tức chung của xã hội.
Chịu trách nhiệm trước công chúng
Hoạt động dựa trên ngân khoản của người dân Anh đóng góp, BBC chịu trách nhiệm đặc biệt trước công chúng về các quyết định biên tập của mình.
Hoạt động dựa trên ngân khoản của người dân Anh đóng góp, BBC chịu trách nhiệm đặc biệt trước công chúng về các quyết định biên tập của mình.
Dù muốn hay không các nhà báo luôn phải chịu trách nhiệm về công việc của mình.
Nghề báo trong bất cứ một cơ quan truyền thông nào cũng đi kèm với việc chịu trách nhiệm trước công chúng – tức là trước khán thính giả, độc giả nói riêng và tất cả dư luận công chúng nói chung.
Nếu thiếu tính trách nhiệm trước công chúng thì nghề báo không có gì hơn hoạt động giải trí thuần tuý, thậm chí nói cho kỹ thì đó không còn là nghề báo nữa.
Nghề báo BBC lại có trách nhiệm đặc biệt hơn bình thường.
Chính người dân ở Anh cung cấp ngân khoản cho BBC – qua chế độ trả phí truyền thông (TV licence), nên mọi nhà báo của BBC đều phải sẵn sàng chịu trách nhiệm cho các quyết định của mình trước công chúng.
Nền báo chí BBC tất nhiên cũng có đi kèm trách nhiệm phục vụ một loạt các nhóm công chúng với những quyền lợi khác nhau, văn hóa và gốc gác xã hội khác nhau, có mức độ quan tâm theo dõi những câu chuyện thời sự quan trọng khác nhau, và vào những thời điểm khác nhau.
BBC đáp ứng nhu cầu đa dạng này của công chúng bằng cách:
- đưa tin rõ ràng, trực tiếp theo phong cách phù hợp với loại hình của phương tiện truyền thông
- không coi thường công chúng
- tìm cách diễn giải những sự kiện xảy ra, giải thích lý do vì sao những sự kiện đó lại có ý nghĩa và làm sao có thể hiểu rõ chúng bằng cách rọi chiếu ánh sáng vào sự kiện, nhằm giúp công chúng tăng độ quan tâm, theo dõi tin bài
- nhận trách nhiệm về các quyết định biên tập, cách chọn bài, đưa tin tức cho công chúng
- sửa sai và xin lỗi khi có sai sót
Chịu trách nhiệm trước công chúng không có nghĩa là để cho công chúng dắt lối hoặc chỉ làm thứ báo chí phục vụ sở thích tùy ý của khán thính giả, độc giả.
Chịu trách nhiệm trước công chúng cũng không có nghĩa là né tránh việc ra quyết định.
Dù thế nào thì làm báo theo cách của BBC cũng đồng nghĩa với việc chịu trách nhiệm cho các quyết định biên tập của mình.
Nhà báo BBC phải làm sao để thuyết phục được cả những người trong công chúng vốn không đồng ý với BBC về quyết định biên tập rằng, để họ thấy nhà báo có những lý do chính đáng để ra quyết định như thế. Và đó phải là những lý do nhất quán với các giá trị báo chí của BBC.
Sai sót
Không một cơ quan báo chí truyền thông nào – và không một nhà báo nào – lại có thể luôn luôn đúng.
Là nhà báo, dù bạn có cố gắng để tác nghiệp với độ chính xác cao nhất, công bằng nhất và bất thiên vị nhất thì cũng có lúc bị sai, có thể vì bạn phải chịu sức ép thời gian, hoặc vì phải cố đưa tin nhanh trước khi thấu hiểu rõ mọi góc độ, tình tiết, nắm rõ mọi dữ kiện.
Những chuyện thường xảy ra gồm có:
Đánh giá bài vở tin tức dưới sức ép thời gian; suy luận nhanh vì phải cố hoàn thành trước hạn chót; chạy một đoạn âm thanh hay hình video vốn không chuyển tải được bản chất mà câu chuyện hay dòng tin muốn nói.
Với nhiều nhà báo, nói lời ‘xin lỗi’ có thể là điều không thể tưởng tượng được.
Thế nhưng tâm lý sẵn sàng xin lỗi nhanh chóng và không ngần ngại khi bạn phạm sai lầm chính là cách tối ưu để tạo dựng và duy trì độ tin cậy từ phía người dân.
Rút ra bài học
Như mọi nghề khác, nghề báo cũng cần biết học từ sai lầm. Nếu không nhận lỗi và chịu trách nhiệm trước sai lầm thì bạn sẽ không thể nào rút ra bài học.
BBC là cơ quan truyền thông hưởng ngân khoản từ công chúng nên hơn ai khác, nhà báo của BBC phải biết tự hỏi câu hỏi của công chúng:
'Nếu tôi phàn nàn, khiếu nại về một cơ quan được hưởng ngân khoản từ người dân, cơ quan mà tôi đóng tiền nuôi, thì lời giải đáp phải là thế nào cho xứng đáng?'
Cứ thế mà suy ra, ít nhất người dân cần được nghe một lời giải thích. Và nếu để xảy ra sai sót về phía nhà báo BBC thì người dân trông đợi một lời xin lỗi.
Trong điều kiện lý tưởng nhất, đặc biệt là khi đưa tin trực tuyến trên đài, hoặc đăng tin trên trang web, các nhà báo cần đính chính lập tức khi biết có sai sót.
Công chúng hoàn toàn hiểu rằng tin tức thường được chuyển về từng đợt một, và những suy luận sớm hay cách lý giải nhanh đôi khi không hoàn hảo.
Mặt khác, nội dung tin tức ngày nay không còn là chuyện chợt đến chợt đi không ai biết.
Các trang web chứa đựng nhiều nội dung thường nối kết với nhau, và các câu chuyện về tin tức cũng thế, cho nên nghề báo không dừng ở một thời điểm mà như dòng chảy liên tục. Sai lầm vì thế cũng không dừng lại một lần.
Khiếu nại
Khi nhận được khiếu nại, điều quan trọng là bạn phải:
- Giải quyết theo đúng thủ tục khiếu nại hiện hành – và nên nhớ rằng cách giải quyết đó sẽ bảo vệ bạn trước những người chuyên đi khiếu nại
- Phúc đáp từ tốn, lịch sự bất kể giọng điệu và ngôn từ của lời khiếu nại ra sao – không bao giờ gửi email đáp trả hay gọi điện trả lời vội vàng
- Thông báo với người khiếu nại về ý định bạn muốn làm gì – nếu bạn định kiểm chứng lại nguồn tin, sự kiện thì hãy nói rõ như thế. Và đừng quên nói rằng bạn hy vọng sau khi kiểm chứng sẽ có kết quả
- Nếu người khiếu nại có lý thì bạn hãy thừa nhận điều đó không ngần ngại và tỏ rõ ý định rằng bạn sẽ làm gì tiếp
- Nếu người khiếu nại sai hoặc có quan điểm khác nhưng chính đáng, bạn hãy nói rõ vì sao bạn tự tin là mình đúng
- Hãy ghi chép lại sự việc để đề phòng trường hợp lời khiếu nại tăng độ nóng và được gửi lên cấp cao hơn
Không thiên vị
Luật ở Anh buộc nhà báo BBC phải làm việc trong tinh thần vô tư, không thiên kiến, không bênh hay nghiêng theo một dạng quan điểm cụ thể nào cả. Đây là giá trị quan trọng và cũng là yêu cầu chung khiến BBC không giống các nguồn tin tức khác.
Tính bất thiên vị và vô tư là một trong số các trụ cột của nền báo chí BBC.
Không phải cách làm báo nào cũng bất thiên vị, hay cần phải bất thiên vị.
Có nhiều cách làm báo khác cũng rất tốt như các tờ báo giấy ở Anh vốn không ngần ngại xác định quan điểm hay thế giới quan riêng của họ (báo thiên tả, thiên hữu…). Người đọc có thể chọn đọc hoặc mua tờ báo này hay tờ báo khác mà họ cảm thấy phù hợp với cách nghĩ của mình, hoặc thách thức quan điểm riêng của họ.
Nhưng nghề truyền thông, báo chí của BBC lại khác, vì BBC hoạt động nhờ ngân khoản do người dân tại Anh trả phí truyền thông, tức TV licence, đóng góp lại.
Điều này có nghĩa là BBC không chịu trách nhiệm trước các chính phủ thay nhau lên cầm quyền mà chỉ trước những người đang đóng tiền cho các hoạt động truyền thông của BBC: những người dân có nhiều quan điểm khác nhau, nhiều cách thể hiện những quan điểm đó; hay cả những người có gốc gác xã hội, văn hóa và tôn giáo rất khác nhau.
Tất cả những điều này cũng có nghĩa rằng BBC không được cố ý theo đuổi một loại quan điểm nào trên thế giới.
Luật ở Anh buộc nhà báo BBC phải làm việc trong tinh thần vô tư, không thiên kiến, không bênh hay nghiêng theo một dạng quan điểm cụ thể nào cả. Đây là giá trị quan trọng và cũng là yêu cầu chung khiến BBC không giống các nguồn tin tức khác. Đây cũng là một phần của khế ước mà BBC cam kết với công chúng.
Tính không thiên vị thường dễ bị hiểu sai, nhất là với những người tin rằng nghề báo không thiên kiến chỉ là ảo tưởng.
Nhiều người nghĩ rằng các khái niệm như ‘khách quan’, ‘trung lập’ hay ‘công bằng’ cũng có nghĩa giống như ‘bất thiên vị’ hay ‘không thiên kiến’. Họ cũng thường dùng các khái niệm này thay cho nhau. Nhưng thực ra chúng không có cùng nội dung. Một trong các cách minh họa cho điều này là câu chuyện phóng viên BBC Allan Little kể ra:
Thử hình dung bạn bước vào một quán cà phê và thấy hai người đang tranh cãi to tiếng. Một ông nói ‘hai cộng hai bằng bốn’, còn ông kia phản bác lại và nói ‘hai cộng hai bằng năm’.
Nếu bạn kể lại về vụ cãi nhau này cho bè bạn, bạn có thể làm một cách khách quan, trung lập, cân bằng, công bằng hoặc bất thiên vị – và mỗi cách truyền đạt sẽ hàm chứa thông điệp khác.
‘Khách quan’ có nghĩa là đưa tin đúng về chuyện hai người nọ cãi nhau về điều gì mà không đả động đến nhận thức về toán học hay con số. Bạn không được quyền nói ý kiến của ai trong số hai người kia là đúng hay sai, không phải vì bạn không biết, mà vì bạn không có nhiệm vụ phán xét họ.
‘Trung lập’ là cách đưa tin nói về hai người tranh cãi nhau mà không thể hiện lời đánh giá gì, kể cả khi bạn biết một người sai.
'Cân bằng' có nghĩa là cố gắng chú ý đưa tin về cả hai lập luận của hai người nọ sao đủ bằng nhau và cũng không phán xét.
‘Công bằng’ có nghĩa là đảm bảo sao cho lập luận của cả hai người nọ được chuyển tải công bằng, đầy đủ nhất, gồm cả cách trình bày nội dung rõ rệt, hùng hồn nhất của mỗi người khi họ tranh cãi, và tất nhiên là không nêu ra lời phán xét.
‘Bất thiên vị’ có nghĩa là đưa tin về lập luận của mỗi người chính xác tối đa và tìm đến cả những quan điểm khác nữa vốn hữu ích và quan trọng – ví dụ như hỏi một nhà toán học để nghe đánh giá xem một trong hai người cãi nhau trong quán kia, ai đúng, ai sai.
Cách làm báo không bênh bên nào cho phép bạn đem lại lời đánh giá dựa trên sự kiện và thúc đẩy bạn nỗ lực tìm kiếm những quan điểm quan trọng, có ý nghĩa. Cách làm báo này buộc bạn phải cân nhắc các quan điểm, và có thể phải bỏ đi những quan điểm không có cơ sở thực tiễn hoặc trái ngược với số liệu và sự kiện thực.
Đây là cách làm báo đem lại bề rộng và chiều sâu cho tư duy về các góc độ, quan điểm trong cả xã hội.
Tính vô tư tối thiểu
Trong nghề báo, dù chúng ta cố gắng để không nghiêng về phía nào thì vẫn thường gặp phải những chủ đề đòi hỏi tính bất thiên vị nhiều hơn, và buộc bạn phải năng động hơn nữa để tìm kiếm các ý kiến đánh giá, các cách nhìn khác nhau để đặt lên bàn cân.
Bất cứ chủ đề gây tranh cãi, dễ tạo ra lời khen tiếng chê đều cần được xử lý với tinh thần đảm bảo bạn không thiên kiến.
Vấn đề gây ra điều tiếng làm nóng dư luận có thể là chuyện gây chia rẽ mạnh mẽ các phái trong cùng một cộng đồng; hoặc khi các chính khách đại diện cho dân bất đồng nghiêm trọng, hay khi cuộc tranh luận có thể dẫn tới thay đổi chính sách hoặc hoạt động mang tính cưỡng chế, áp đặt.
Chính vì danh sách các điều gây tranh cãi, bức xúc không bao giờ khép lại, bạn cần chủ động đánh giá cụ thể để xem đối tượng của bài viết, bản tin có thuộc diện gây tranh cãi (controversial) hay không.
Có thể nói, một quy luật chung là mọi chủ đề xuất hiện trong tin tức thời sự đều là chuyện gây tranh cãi.
Vô tư hay không thiên kiến ở mức độ cần thiết và tối thiểu không nhất thiết là khiến nội dung đăng tải – như bản tin truyền thanh, truyền hình – bài trên trang web – trở thành một tác phẩm trung tính, cân bằng một cách máy móc. Nhưng nó có nghĩa là bạn phải tìm và nêu đủ mọi quan điểm, góc nhìn quan trọng, mọi suy tưởng, ý kiến hiện hành về chủ đề nêu ra.
Sau đó, bạn có thể áp dụng cách đưa lời phán xét, đánh giá dựa trên chứng cứ, và trình bày bài bằng một cách đặc thù, hoặc đi đến một lời kết. Nhưng cả quá trình thu thập thông tin, dựng bố cục bài phải được thực hiện một cách không thiên kiến.
Vô tư trong thời gian dài
Làm báo, bạn cần đạt được tính không thiên kiến với cả các chủ đề phức tạp trong một thời gian dài. Đăng bài trong bản tin thời sự, nhà báo có thể đạt tiêu chuẩn ‘công bằng’ với các bên trong câu chuyện. Nhưng với tin nóng hay chuyện còn nhiều diễn biến thì phải sau một thời gian chúng ta mới rõ là mình có thực sự đạt được tiêu chuẩn bất thiên vị hay không.
Tức là có thể phải mất thời gian nhà báo mới thu thập đủ thông tin và các quan điểm khác nhau để khiến cho bài tường thuật không bị coi là thiên kiến với phía nào.
Chuyện có thể xảy ra như sau: một bên liên quan trong phần tin tức từ chối không bày tỏ ý kiến, bình luận. Nhưng cũng không thể vì thế mà nhà báo đành bỏ không đưa tin nữa. Một dòng tin nóng (news flash) thường chỉ ghi nhận có chuyện như thế xảy ra, và mọi bình luận, quan điểm, lời diễn giải hay tranh luận sẽ được chuyển tới sau. Đôi khi cũng cần thời gian để thuyết phục người có ý kiến quan trọng tham gian thảo luận công khai, hoặc nhiều lúc cách hiểu vấn đề cũng bị dịch chuyển, và các góc độ khác dần trở nên có ý nghĩa hơn trước.
Trong những trường hợp đó, người biên tập, chủ biên cần nắm lấy trách nhiệm đảm bảo làm sao để bài vở có đủ chỗ cho các quan điểm hữu ích, quan trọng xuất hiện trong tương lai. Điều này có nghĩa là đôi khi bạn phải chọn đúng một quan điểm khi cân nhắc một loạt các ý kiến hiện có ngoài xã hội. Nhưng người chủ biên cũng có trách nhiệm đảm bảo cho những vấn đề về lâu về dài liên quan tới tính bất thiên kiến không xảy ra như trong các trường hợp sau:
- Thừa nhận ai đó là nạn nhân – thế giới không đơn thuần chỉ gồm có hai bên: nạn nhân và thủ phạm. Nhà báo cần đi vào chiều sâu, vượt qua tính giản đơn của câu chuyện trước mắt và đôi khi cần dũng cảm ra quyết định khó khăn
- Không né tránh chuyện tế nhị – cam kết phản ánh tính đa dạng của thực tế cuộc sống không có nghĩa là bỏ qua hay nhắm mắt làm ngơ trước nạn phân biệt chủng tộc giữa các nhóm sắc tộc, hay tránh đưa tin về sự thực khó tin về tín ngưỡng, về hành vi của ai đó
- Bất thiên kiến một cách máy móc – cho quan điểm chính thống và quan điểm ngoài luồng hay cực đoan cùng thời lượng lên sóng, cùng số chữ trong bài viết không phải là bất thiên vị hay vô tư
- Tung hứng lời trích ăn khách – chọn các lời trích có tính hút khách, nhất là khi tập hợp chúng để đưa vào bài một cách hình thức, nhằm ghi điểm mà không hề phản ánh được tính đa dạng của nhiều loại quan điểm hay giúp tạo ra thảo luận nghiêm túc
- Chọn lời góp ý theo phản xạ – khi đón nhận hàng loạt quan điểm, nhà báo thường dễ chọn những quan điểm tán đồng với ý kiến đã kỳ vọng từ trước.
Độc lập
Theo quy định trong Hiến chương Hoàng gia (BBC Royal Charter), mọi nhà báo BBC phải luôn thể hiện được tính độc lập của mình khi ra quyết định biên tập và đưa tin để loại bỏ hẳn mọi nghi ngờ dù nhỏ nhất.
Là nhà báo, để được công chúng tin cậy, bạn phải có tư duy và cách hành xử độc lập.
Tính độc lập là tối quan trọng và xem ra thật hiển nhiên với mọi nhà báo nhưng bạn thử tự trả lời các câu hỏi sau xem có đúng thế không nhé:
- Có thật là bạn luôn đứng ở vị thế độc lập và luôn tỏ ra như vậy, không phụ thuộc về mặt biên tập và đưa tin về bất cứ chính quyền hay các tổ chức chính trị, tập đoàn kinh doanh hoặc nhóm lợi ích riêng nào không?
- Bạn có sẵn sàng từ chối, không đem tên tuổi và ngòi bút của mình ra tán thưởng hoặc tỏ ra ủng hộ cho bất cứ tổ chức nào, hay các sản phẩm, hoạt động hoặc dịch vụ của họ?
- Bạn có tránh để hàng hóa, sản phẩm của ai đó xuất hiện rõ rệt trong bài vở khi làm báo?
- Bạn có chắc chắn hoàn toàn rằng mọi hoạt động bên ngoài công việc báo chí của bạn không ảnh hưởng một cách thiếu nghiêm chỉnh vào nội dung bài vở, chương trình phát thanh, truyền hình của mình?
Độc lập trước hết là một nếp nghĩ. Nó không phải là tính ương gàn, gặp ai cũng bài bác, và cũng không phải là đầu óc nghi kỵ, luôn ngờ người khác có động cơ gì đó và mình phải luôn tỏ ra vững chãi, không bị họ tác động.
Tuy thế, việc thể hiện ra bên ngoài tư duy độc lập đúng mực khi làm báo cũng quan trọng như tâm niệm về tính độc lập mà bạn tự biết.
Thể hiện tính độc lập
Bạn có thể nghĩ rằng không ai dám nghi ngờ về tính độc lập của một nhà báo như bạn.
Tất nhiên, tập đoàn truyền thông BBC và mọi nhân viên của BBC đều rất độc lập, thậm chí đôi khi khá bướng bỉnh. Mọi nhà báo của BBC đều như vậy.
Nhà báo cũng ưa nghĩ về mình như sau:
'Chúng tôi không nghe lệnh ai cả. Tự chúng tôi xem xét, quyết định về chuyện đưa tin gì và sắp đặt bố cục bài vở ra sao. Tính độc lập gắn liền với uy tín về biên tập và tính bất thiên vị. Chúng tôi luôn đưa tin không vì sợ và không để tán thưởng ai cả. Ai muốn nói gì khác cũng mặc kệ.'
Nhưng từ xưa cũng có câu nói rằng: ‘Mình luôn xét mình bằng chính ý định của mình, nhưng lại xét người khác bằng hành động của họ.'
Từ đó suy ra thì chỉ mỗi ý tưởng rằng ‘tôi là nhà báo nên tôi rất độc lập và luôn hướng tới tư duy độc lập’ thì quả là không đủ sức thuyết phục. Suy nghĩ này cũng chẳng thể nào đảm bảo để công chúng tin rằng bạn thực sự là một nhà báo độc lập.
Vì vấn đề trách nhiệm với công chúng được quy định trong Hiến chương Hoàng gia (BBC Royal Charter), mọi nhà báo BBC phải luôn thể hiện được tính độc lập của mình khi ra quyết định biên tập và đưa tin để loại bỏ hẳn mọi nghi ngờ dù nhỏ nhất.
Nếu chính bạn cảm thấy khó xử hoặc có chút nghi ngờ về quan hệ của mình với một ai đó bạn nêu ra trong bản tin, thì hãy tự hỏi: ‘Giả sử đó là trường hợp của một nhà báo khác thì bạn sẽ nghĩ sao về người đó?' hay 'Nếu có ai trong số công chúng biết được rằng tôi tìm ra câu chuyện này bằng cách này thì họ có còn nghĩ tôi là một nhà báo độc lập hay không?'
Cần tự kiểm ra xem bạn có giữ đủ khoảng cách giữa mình và bên đang có tác động đến bạn bằng cách nào đó hay chưa.
Nếu là một phóng viên chuyên về thương mại mà bạn phải đưa tin về các thương hiệu, hàng hóa sản phẩm thì hãy nói thật rõ rằng bạn đang đưa tin chứ không phải quảng cáo cho các mặt hàng đó.
Vấn đề bản quyền
Phóng viên cần tuân thủ luật tác quyền trong các lĩnh vực phim ảnh, ca kịch, văn học, nghệ thuật, âm nhạc, thu âm và phát thanh truyền hình.
Luật ở Anh Quốc bảo vệ quyền tác giả cho tác phẩm trong các ngành phim ảnh, ca kịch, văn học, nghệ thuật, âm nhạc, thu âm và phát thanh truyền hình.
Nhà báo cần có ý thức về luật tác quyền nhằm tránh phạm lỗi đắt giá.
Mục này chỉ điểm qua một số nét chính về luật tác quyền ở Liên hiệp Vương quốc Anh chứ không phải là văn bản tổng quan về luật này. Vì thế, nhà báo không nên chỉ căn cứ vào đây để ra quyết định liên quan tới tác quyền trong các trường hợp cụ thể. Khi tác nghiệp, nhà báo BBC luôn phải hỏi ý kiến của Ban tư vấn pháp lý BBC về tác quyền khi cần.
Luật tác quyền về lý thuyết rất đơn giản nhưng trong thực tế làm báo lại rất phức tạp và nhà báo dễ phạm lỗi, gây nhiều tốn kém.
Về nguyên lý, luật tác quyền nhằm chia sẻ lợi nhuận cho cá nhân hoặc công ty đã sáng tạo ra tác phẩm và nhằm ngăn chặn nạn sao chép trái phép tác phẩm.
Luật cũng cho phép tác giả hoặc người sở hữu bản quyền năng lực kiểm soát việc tác phẩm được sử dụng ra sao.
Luật tác quyền bị vi phạm khi ‘một phần nội dung đáng kể’ của tác phẩm bị sử dụng mà không được phép.
‘Nội dung đáng kể’ được xác định dựa trên nội dung, ý nghĩa phần bị sao chép chứ không phải trên tỷ lệ các phần bị sao chép nhiều hay ít. Do đó, phần nội dung này có thể chỉ là một phần rất nhỏ được trích ra từ tác phẩm.
Trong một số trường hợp ngoại lệ, báo chí được dùng phần trích ra từ tác phẩm, ví dụ như nêu trong bản tin hay trong bài phê bình hay điểm sách, điểm phim.
Trong các trường hợp khác, nhà báo luôn phải hỏi ý kiến tư vấn cụ thể trong từng vụ việc về tác quyền.
Luật tác quyền có hiệu lực theo từng vùng lãnh thổ nhưng hiện trên thế giới cũng có một loạt công ước quốc tế bảo vệ tác quyền của Anh Quốc ở nước ngoài và bảo vệ các tác phẩm nước ngoài tại Anh
Tội coi khinh pháp đình
Theo luật Anh, tòa án có quyền ngăn báo chí công bố những nội dung có thể gây dư luận thiên kiến trước phiên tòa, và việc vi phạm dù là vô hay cố ý sẽ đều bị truy xét.
Hành vi cố ý hay vô ý đều bị xem xét như nhau khi nói về tội coi thường tòa án.
Người hành nghề báo ở Anh cần ghi nhớ là có nhiều dạng hạn chế đưa tin, trong đó một số loại áp dụng tức thì, một số tùy vào quyết định của tòa án, cơ quan tư pháp.
Tội coi khinh pháp đình và các hạn chế đưa tin
Phần này nêu tóm tắt các quy định về tội coi khinh pháp đình và một số hạn chế khi đưa tin. Bạn không nên coi đây là cẩm nang để tự suy xét nội dung tin tức nào có thể vi phạm quy định cấm coi khinh pháp đình và quy định ngưng đưa tin. Các nhà báo BBC luôn phải hỏi ý kiến của luật sư trong ban tư vấn pháp lý của BBC về vấn đề này. Bạn cũng cần nhớ rằng trong Liên hiệp Vương Quốc Anh (United Kingdom), có sự khác biệt đáng kể giữa các hệ thống pháp luật ở xứ Anh (England) và Wales, Scotland và Bắc Ailen.
Lệnh cấm coi khinh pháp đình là cơ sở pháp lý nhằm đảm bảo tiến trình tố tụng không bị tác động từ bên ngoài.
Một trong số những mục tiêu chính của luật này là ngăn không cho báo chí công bố những nội dung có thể gây ra dư luận thiên kiến hoặc tạo định kiến về một phiên tòa, như tác động đến suy nghĩ của các bồi thẩm khiến họ nghĩ rằng bị can đã phạm tội. Đây là quan niệm ‘ai cũng vô tội cho tới khi bị tòa kết án’.
Nhà báo có thể phạm tội coi khinh pháp đình nếu phỏng vấn một nhân chứng ngay trước khi phiên xử khai mạc hoặc cố tình tạo sức ép buộc nhân chứng phải trả lời phỏng vấn ngay sau khi phiên xử khép lại.
‘Tiến trình xử án’
Một khi thủ tục tố tụng bắt đầu thì bất cứ điều gì khiến tiến trình xét xử có thể bị thiên lệch nghiêm trọng hoặc cản trở tiến trình đó đều bị coi là ‘coi khinh pháp đình’ (contempt of court).
Trong đa số các vụ án hình sự, thủ tục tố tụng bắt đầu khi
- nghi phạm bị bắt
- lệnh bắt được ký và gửi đi
- có lệnh triệu tập của cảnh sát hay bị tố cáo chính thức (ở Scotland là khi có khiếu nại chính thức). Điều này có thể xảy ra trước cả khi có lệnh khởi tố
- khi một người bị khởi tố bị can
Pháp luật không phân biệt chuyện vô ý hay cố ý vi phạm lệnh cấm coi khinh pháp đình.
Các nguyên tắc này áp dụng cho mọi tòa án, hội đồng xét xử thực hiện quyền tư pháp của Nhà nước. Nguy cơ vi phạm sẽ rất cao nếu hành vi xảy đến ngay khi bồi thẩm đoàn chuẩn bị nghe trình bày – ví dụ như trong các phiên tòa hình sự.
Hạn chế đưa tin – điều gì nhà báo được làm?
Các điều luật khác nhau sẽ quy định mức độ hạn chế về hoạt động đưa tin trong các vụ xử khác nhau. Trong nhiều trường hợp, tòa án là cơ quan duy nhất có quyền bỏ hoặc nới lỏng các hạn chế đó.
Trong mục này, chúng ta chỉ bàn về một số dạng hạn chế đưa tin thông thường nhất. Có nhiều dạng hạn chế, một số loại áp dụng tự động, một số phải chờ vào quyết định cụ thể của tòa. Vì thế nhà báo luôn cần kiểm tra từng trường hợp khi đưa tin.
Tòa sơ thẩm và tòa phúc thẩm hình sự
Tại hai xứ Anh và Wales, quy định về tòa sơ thẩm và tòa phúc thẩm đã ghi sẵn quy tắc cấm coi khinh pháp đình khi đưa tin về quá trình tòa nghe trình bày (hearing). Nhưng các quy tắc này sẽ không áp dụng cho quá trình tòa xét xử (trial).
Tòa án trực tiếp xét xử vụ án là cơ quan duy nhất có quyền bỏ hoặc nới lỏng quy định này, tùy từng vụ án cụ thể và tất nhiên là sau khi xem xét đơn đề nghị của phía báo chí.
Cách áp dụng lệnh cấm đưa tin còn tùy thuộc vào cấp độ tòa án, tòa sơ thẩm, tòa phúc thẩm hay cấp cao hơn; và tùy thuộc vào tính chất phiên xử: đó là phiên nghe trình bày, hay phiên ra kết luận về vụ án và phán quyết đối với bị cáo như cho tại ngoại hay chuyển cho tòa cấp khác. Phiên xử có bồi thẩm đoàn hay chỉ do thẩm phán quyết định cũng là yếu tố để tòa cho đưa tin hay cấm tường thuật.
Nhìn chung, báo chí còn có thể bị cấm hoặc hạn chế đưa tin về:
- tên của tòa
- tên tuổi các thẩm phán
- nội dung sơ bộ về cáo trạng
- danh tính, địa chỉ, tuổi và nghề nghiệp của bị cáo và nhân chứng
- luật sư tham gia phiên xử và chi tiết về thỏa thuận nhằm cho phép bị đơn tại ngoại
Tuy bị hạn chế đưa tin về các chi tiế trên nhưng nhà báo vẫn có quyền vào dự phiên xử.
Bảo vệ trẻ em
Cẩm nang Hướng dẫn Biên tập của BBC nói nhà báo cần hỏi ý kiến tư vấn của Ban tư vấn pháp lý về cách đưa tin liên quan đến trẻ em và luật bảo vệ vị thành niên.
Có một số điều luật quan trọng bạn cần nắm được khi làm báo ở Anh, Wales và Bắc Ailen.
Với các bị cáo chưa đủ 18 tuổi thì cơ quan xét xử sẽ là toà xử thanh thiếu niên (youth courts).
Luật pháp cấm xác định và nêu danh tính của người vị thành niên bị đưa ra tòa.
Nếu đưa tin về vụ xử người dưới 18 tuổi, nhà báo không được nêu ra:
- tên tuổi
- địa chỉ
- trường học
- hình ảnh của họ hoặc ảnh gì khác khiến họ bị nhận dạng
- mọi thông tin có thể khiến ai khác nhận diện họ
Tại các tòa án khác, tòa có thể không ra lệnh cấm tuyệt đối như trên nhưng có thể ra lệnh không cho xác định danh tính của người vị thành viên tham gia phiên xử.
Xác định danh tính
Luật cũng bảo vệ danh tính nạn nhân trong đa số các vụ xâm hại tình dục ngay từ khi họ hoặc bên thứ ba khiếu kiện về tội phạm tình dục. Lệnh cấm này áp dụng vĩnh viễn kể cả trong các trường hợp sau:
- cáo trạng đã bị rút bỏ
- cảnh sát đã được thông báo
- bị cáo đã bị đem ra xử
- đã có phán quyết cho vụ xử
Ở Scotland luật này có khác về chi tiết nhưng nguyên tắc bảo vệ danh tính cũng giống như vậy.
Quyền riêng tư
Trước khi công bố thông tin về cá nhân ai đó, nhà báo cần tự hỏi ‘Đây có phải là điều cần làm vì lợi ích công chúng không?’ và ‘việc công bố có vi phạm luật về quyền riêng tư hay không?’
Thông tin bạn định công bố càng mang tính riêng tư bao nhiêu thì nhu cầu phải biện minh được bằng lợi ích công chúng càng cao bấy nhiêu. Với nhiều người, chuyện ngăn không cho một tin tức nào đó được công bố quan trọng hơn nhiều chuyện để tin bị lộ ra, gây điều tiếng cho họ, dù sau đó họ được bồi thường.
Đây chỉ là phần giới thiệu tổng thể về quyền riêng tư theo luật Anh và một số vấn đề thường xảy ra với nhà báo, không phải là văn bản pháp lý đầy đủ về luật này. Nhà báo BBC cần tìm lời tư vấn từ ban tư vấn pháp lý chứ không nên tự dùng tài liệu này để ra quyết định trong các vụ việc cụ thể.
Nói chung, luật về quyền riêng tư cho phép mọi cá nhân có hành động ngăn cản việc công bố, xuất bản, phát hành, đưa tin về thân thế, sinh hoạt riêng tư của cá nhân đó nếu như việc đăng tải tin đó không đem lại lợi ích gì cho công chúng.
Tất nhiên, chúng ta cần hiểu rằng ‘lợi ích công chúng’ không đồng nghĩa với quyền lợi hay sự quan tâm của công chúng.
Về mặt pháp lý, tòa án sẽ quyết định và cân nhắc xem quyền riêng tư của ai đó liên quan tới bản thân người đó hay gia đình người đó có lớn hơn quyền tự do thông tin hay không. Lĩnh vực luật pháp này trong những năm qua đã phát triển nhiều sau khi Liên hiệp Vương quốc Anh chấp nhận cho áp dụng trực tiếp Công ước Nhân quyền châu Âu năm 1998 trên lãnh thổ Anh.
Luật bảo vệ quyền riêng tư
Luật này được áp dụng khi nhà báo đưa tin hoặc chuẩn bị đưa tin về thân thế, sinh hoạt riêng tư, sở thích tình dục, tình trạng tài chính hoặc sức khoẻ của một công dân, hoặc có hành động ghi âm, ghi hình trong nhà riêng của họ mà không được phép. Đôi khi hoạt động nơi công cộng của các cá nhân cũng được coi là riêng tư, chẳng hạn như đám tang.
Khi cân nhắc quyền riêng tư, người ta cần xem xét liệu nhu cầu được bảo vệ thông tin đời tư của ai đó có hợp lý không. Một trong những cách đánh giá là xác định xem thông tin đó có phải đã được công bố từ trước hay chưa.
Nhìn chung, trừ một vài thông tin quá đặc thù, còn các thông tin đã lưu truyền, phổ biến trong dư luận, trên báo chí thì coi như không còn tính riêng tư nữa.
Lợi ích công chúng
Sau khi đã xem xét và xác định rằng một cá nhân có quyền được giữ kín thông tin riêng tư, tòa án sẽ có bước tiếp theo là cân nhắc liệu lợi ích công chúng có sức nặng hơn quyền riêng tư đó không.
Tiêu chuẩn về lợi ích công chúng được đánh giá căn cứ vào mục đích chung cho toàn xã hội, chẳng hạn như nhu cầu tiết lộ ra một vụ phạm tội, thông tin nhằm bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, hoặc vì mục tiêu lật tẩy những tuyên bố sai trái của cơ quan nhà nước, hội đoàn.
Thông tin càng riêng tư bao nhiêu thì nhu cầu biện minh cho lợi ích ‘cần biết thông tin’ của công chúng càng phải được làm rõ bấy nhiêu.
Xâm phạm đời tư
Luật Anh cho phép người dân kiện để đòi bồi thường cho hành vi xâm phạm đời tư của họ. Mức tiền bồi thường cho quyền riêng tư bị xâm phạm không cao bằng mức bồi thường cho tổn thương về tên tuổi, danh dự trong các vụ kiện tội bôi nhọ. Khoản cao nhất trong một vụ gần đây ở Anh là 60 nghìn bảng. Nhưng án phí và tiền cho luật sư thường cao hơn nhiều và sẽ do bên thua kiện phải trả.
Lệnh cấm công bố thông tin
Tòa án ở Anh có quyền ra lệnh cấm công bố thông tin riêng tư (privacy injunction).
Với nhiều người, cơ chế này bảo vệ quyền riêng tư của họ tốt hơn nhiều so với tình trạng thông tin đã được công bố và dù họ có được bồi thường thì cũng không thể nào biến thông tin thành riêng tư trở lại.
Lệnh cấm do tòa đưa ra thường đề cập cụ thể đến loại thông tin riêng tư mà không đài báo hay cây viết nào được công bố. Người yêu cầu thường đòi tòa ra lệnh này một cách nhanh chóng để kịp ngăn cản đài báo đăng tải tin đó.
Nhiều khi các thẩm phán không có đủ thời gian để xem xét kỹ mọi góc độ và lập luận của các bên nên tòa có thể ra lệnh cấm tạm thời (interim injunction), và không cho đăng tin trong suốt thời gian chờ phiên xử về vụ việc.
Cấm tạm thời và cấm tuyệt đối
Khi một cá nhân đòi lệnh cấm tạm thời đối với thông tin nào đó về họ, tòa có thể chọn một số cách giải quyết. Nếu là cấm tạm thời, tòa có thể đánh giá liệu người đó có cơ hội thắng kiện khi ra xử không, và có thể cấm luôn cả chuyện đưa tin ai đã xin được lệnh cấm. Khi ấy, tên của người đệ đơn chỉ còn ghi bằng chữ viết tắt như ông S.T, hay bà A.J.
Trong một số trường hợp đặc biệt, tòa cấm tuyệt đối việc nhắc tới tên tuổi của người xin được lệnh cấm đưa tin (super injunction) để không ai có thể suy đoán và luận ra danh tính người trong cuộc hoặc hành động liên quan đến câu chuyện trong tin tức.
Đưa tin về hoạt động của tòa
Phóng viên kỳ cựu Rory Maclean chia sẻ kinh nghiệm về cách đưa tin các hoạt động của tòa án.
Tường thuật về hoạt động của tòa án là một phần cơ bản của báo chí.
Rory Maclean là cựu phóng viên nội chính cho BBC News và kênh Channel 4 News và từng đưa tin về chuyên ngành pháp lý, nạn khủng bố và di dân.
Bạn hãy đọc hướng dẫn và lời tư vấn của Rory về cách đưa tin các hoạt động của tòa.
Tường thuật xử án ở xứ Anh và Wales
Phần này gồm những chỉ dẫn khái quát cho nhà báo, không phải là bản tổng kết về luật nên không được coi như văn bản pháp lý để ra các quyết định liên quan tới pháp luật. Nhà báo BBC luôn phải xin ý kiến tư vấn cho từng trường hợp cụ thể từ Ban tư vấn pháp lý.
Nhà báo cần nắm được các cấp tòa án, các loại tòa án khác nhau cũng như các quy định, hạn chế đối với hoạt động đưa tin liên quan tới tòa án.
Các vụ xét xử trước tòa là một phần của tin tức hàng ngày, và gần như bản tin thời sự hàng ngày nào ở Anh và Wales cũng có tin tòa án.
Rory Maclean giải thích lý do khiến nhà báo cần biết cơ chế vận hành của tòa án và các dạng quy định hạn chế công tác đưa tin:
Làm trái quy định về cách đưa tin tại tòa là vi phạm luật hình và có thể bị phạt tiền. Không chỉ vậy, hành vi vi phạm còn có thể gây ra các hậu quả khác nữa, chẳng hạn như gây gián đoạn một phiên xử đang diễn ra.
Bạn cũng cần chú ý rằng tại Scotland, quy định về tường thuật phiên tòa khác ở Anh và xứ Wales.
Nếu bạn chưa bao giờ đến tòa đại hình (crown court) xem một phiên xử thì cần tìm cơ hội tới chứng kiến để có kinh nghiệm.
Kịch tính
Đưa tin từ tòa án là công việc rất lôi cuốn vì kịch tính trong các vụ xử. Một phiên xử có thể thể hiện kịch tính về nhân sinh hơn bất cứ chương trình truyền hình nổi tiếng nào.
Về mặt lý thuyết, các nguyên tắc đưa tin từ pháp đình rất đơn giản. Thế nhưng trên thực tế, các nhà báo rất dễ vô ý vấp ngã.
Chẳng hạn như về nguyên tắc trước khi có bản án thì nhà báo chỉ được phép tường thuật những gì bồi thẩm đoàn nhìn thấy và nghe được, và mọi ghi chép lời của họ phải chính xác, cân bằng.
Thế nhưng vì số lượng khổng lồ các câu nói được trình bày trước tòa và vì sự phức tạp của các vụ án, nhà báo luôn phải bỏ công lọc lựa, tìm tòi ra ý chính trong khối lượng lý lẽ đó. Chưa kể đây là một công việc khó khăn, bởi các luật sư luôn dùng những từ ngữ chuyên môn pháp lý khô khan.
Chuẩn bị đưa tin một vụ xử
Trước khi nhận việc đưa tin về một vụ xử, bạn cần chuẩn bị những bước sau:
Đầu tiên, bạn cần gọi điện thoại tới tòa xin liên hệ với văn phòng hay bộ phận thư ký tòa. Trong các vụ án lớn, nghiêm trọng thì bạn cần kiểm chứng với Phòng Báo chí Tư pháp (Judicial Communications Office).
Việc liên hệ như vậy sẽ giúp bạn biết được chính xác ngày giờ diễn ra phiên xử.
Sau đó, bạn cũng cần biết điều kiện hoạt động của báo chí ra sao, tòa có ra hạn chế việc đưa tin hay không, và nếu có thì vị trí, thời gian áp dụng của quy định đó là gì.
Đây là điều cần thiết, vì nhiều khi lệnh giới hạn có thể có hiệu lực ngay lập tức tại chính địa điểm mà bạn định đến đưa tin.
Cũng nên chú ý cả đến chỗ ngồi cho nhà báo. Tại một số nơi, như Tòa Đại hình ở Old Bailey trung tâm London và Tòa Phúc thẩm Woolwich ở Đông Nam London, ghế băng cho nhà báo rất nhỏ và hẹp.
Một số tòa phúc thẩm còn bán vé cho nhà báo và ở những nơi đó, bạn sẽ phải gửi đơn xin đăng ký chỗ ngồi trước khi phiên tòa bắt đầu.
Nhớ giữ liên lạc với bộ phận hành chính của tòa vì họ có thể cho bạn biết lệnh mới nhất của tòa nếu thẩm phán ra quy định cụ thể cho vụ án, ảnh hưởng đến việc tác nghiệp của bạn.
Đừng bỏ qua các chi tiết đó ngay khi bạn bắt đầu tìm hiểu vụ việc. Bạn phải kiến nghị với nhân viên tòa án hoặc tìm đọc xem các lệnh cấm đó có được dán ngay trên cửa vào tòa hay là không.
Cần nhớ rằng chính nhà báo phải có trách nhiệm tìm hiểu xem lệnh mới nhất là gì vì nếu vi phạm, bạn sẽ phải chịu trách nhiệm.
Nghiên cứu vụ án
Trước khi đến tòa đưa tin, bạn cần nghiên cứu về vụ án để có thông tin cần thiết nhưng cũng nên nhớ rằng việc điều tra riêng này không được làm ảnh hưởng đến việc đưa tin dựa trên các chứng cớ.
Hãy đọc trên mạng hoặc tin lọc ra từ báo in để biết những nét chính của vụ xử. Nhưng nên nhớ đấy chỉ là thông tin sơ bộ, và bạn KHÔNG được căn cứ vào đó để đưa tin mà không tìm hiểu thêm hay kiểm chứng thêm nữa.
Ngay cả các bài báo viết trên cơ sở nghiên cứu, tìm hiểu sơ bộ không thôi cũng có thể có các chi tiết sai, thiếu chính xác, thậm chí là tin đồn đoán. Lý do là chúng thường được viết ra khi phiên xử vẫn còn những diễn biến chưa công bố hết.
Và cần nhớ rằng bạn nếu không nhận được tư vấn pháp lý thì bạn không được đăng tải các thông tin mang tính sơ bộ, suy luận hoặc nói về bối cảnh phiên xử trong khi phiên tòa vẫn tiếp diễn.
Bạn chỉ có thể đưa tin về những gì được nêu ra tại chính phiên tòa ở dạng trình bày chứng cứ. Nếu không bạn có thể vi phạm lệnh cấm gây tác động bên ngoài vào phiên xử án (xem thêm mục về Lệnh cấm coi khinh pháp đình).
Bạn cũng cần hết sức chú ý để tách biệt thông tin về bối cảnh khỏi các chứng cứ được trình bày trước bồi thẩm đoàn. Thông tin về bối cảnh câu chuyện không phải là chứng cớ. Và luôn phải kiểm tra xem bạn chỉ đang đưa tin về những chứng cớ nêu ra trước tòa hay đã đi quá xa khi thêm bớt ý kiến vào bài.
Xác nhận danh tính qua hình ảnh
Khi đưa tin cho truyền hình hay trang web, hiển nhiên bạn cần biết hình ảnh nào được phép sử dụng mà không phạm luật. Nếu không rõ lắm thì bạn cần hỏi ý kiến luật sư của BBC ngay.
Một trong số các vấn đề xảy đến với hình ảnh là chuyện xác định danh tính qua hình. Điều này có thể là tâm điểm của tranh cãi trong một phiên xử và nếu đứng trước vụ việc như vậy, bạn có thể bị hạn chế trong việc dùng hình của bị cáo.
Với nhân chứng và nạn nhân, chẳng hạn như trong một vụ xử cần xác định đó là tội hiếp dâm hay quan hệ tình dục có sự đồng ý, thì độ tuổi là yếu tố tối quan trọng. Cho nên trong các vụ như vậy, danh tính của người trong cuộc luôn được pháp luật bảo vệ và cấm không cho báo chí tiết lộ.
Kiểm tra người trong hình
Trước khi dùng đoạn nào trong băng hình, bạn cần biết rõ danh tính của những người trong đó. Chẳng hạn như bạn phải biết tuổi của người trong hình và phải loại bỏ, không sử dụng những hình quay cảnh người vị thành niên bước vào tòa hay từ phiên xử đi ra.
Nếu vi phạm điều này bạn có thể bị thẩm phán phạt.
Còn tại Bắc Ailen, báo chí bị coi là phạm luật nếu đăng tải hình ảnh người vị thành niên trong các phiên xử.
Thời nay, bên công tố thường xuyên công bố băng hình từ máy camera ghi hình nơi công cộng (CCTV) trong cùng ngày khi các thành viên bồi thẩm đoàn được xem hình đó. Nhưng đây thường chỉ là chuyện xảy ra với các vụ nghiêm trọng. Trong các trường hợp đó nhà báo vẫn cần biết trước hình ảnh loại gì sẽ được công bố để có thể kiến nghị xin tòa cho sử dụng.
Nguy cơ vi phạm tội coi khinh pháp đình
Để không phạm tội coi khinh pháp đình và gây ảnh hưởng tới phiên xử, bạn cần nhớ là không được đưa vào bài báo một số dạng tư liệu và thông tin trong lúc phiên tòa đang diễn ra, chẳng hạn như nội dung phỏng vấn trong đó nhân chứng mô tả lại sự việc, hay tái dựng một cách đầy cảm tính hiện trường của vụ án, hoặc lời trích từ các bản tin thời sự cùng thời gian xảy ra vụ án mà có thể tác động tới diễn biến của phiên xử.
Chống bôi nhọ thanh danh
Tại Anh, luật chống bôi nhọ thanh danh cho phép các cá nhân, tổ chức, tập đoàn hoặc công ty kiện khi tên tuổi, danh tiếng của họ bị báo chí gây tổn hại.
Luật chống bôi nhọ thanh danh cho phép các cá nhân, tổ chức, tập đoàn hoặc công ty kiện khi tên tuổi và danh tiếng của họ bị tổn hại.
Bạn có thể gây ra vụ bôi nhọ thanh danh ai đó qua việc công bố, xuất bản, cho đăng tư liệu, bài vở ở nhiều dạng thức khác nhau, và người ta có thể kiện bạn một khi các tư liệu, bài vở đó được hiểu một cách thông thường là bôi nhọ người đó.
Luật chống bôi nhọ
Phần này nêu tóm tắt về luật chống bôi xấu thanh danh mà người làm báo cần phải biết. Bạn không nên chỉ dựa vào mục này để tự đánh giá xem nội dung bài vở có nguy cơ gây ra vụ việc mang tính bôi nhọ hay không. Nhà báo BBC luôn phải hỏi ý kiến Ban tư vấn pháp lý của BBC trong vấn đề này.
Luật về bôi nhọ thanh danh nhằm bảo vệ uy tín của cá nhân, tổ chức, nhóm người, tập đoàn và công ty trước những cáo buộc không đúng nói tới họ.
Luật này cho phép những cá nhân, tập đoàn hay công ty đó khởi kiện khi thanh danh của họ bị tổn hại vì nội dung bài vở, tư liệu được đăng tải có chứa đựng những cáo buộc bôi xấu họ. Những nội dung sau sẽ bị cho là mang tính bôi nhọ thanh danh của ai đó nếu chúng:
- hạ thấp tư cách của họ trong cách nhìn nhận, đánh giá chung của công chúng có suy nghĩ bình thường
- khiến cho họ bị xa lánh, tránh mặt
- làm họ mất uy tín trong nghề, ở công xưởng, văn phòng
- đẩy họ vào tình thế bị thù ghét, nhạo báng hoặc khinh bỉ.
Người ta luôn có thể khiếu kiện một khi sản phẩm hay tác phẩm được hiểu một cách thông thường là nhắm tới họ hoặc nói gần nói xa về họ (vì thế nội dung có thể chỉ là nhân vật tưởng tượng trong phim, kịch được dựng trên cơ sở người thật).
Nhà báo cũng có nguy cơ bôi nhọ ai đó nếu bạn đăng tải, nhắc lại những lời bình luận mang tính bôi nhọ bên thứ ba đã đăng tải trước đó – ví dụ như lời đã được công bố trên mặt báo – qua cách trích dẫn hoặc phát thanh, phát hình chỉ một đoạn trích hay toàn bài phỏng vấn.
Đăng tải nội dung
Bạn có thể gây ra vụ bôi nhọ thanh danh ai đó qua việc công bố, xuất bản nội dung báo chí qua nhiều hình thức, từ báo in, các loại ấn phẩm, bài truyền thanh, truyền hình, trên trang mạng, hoặc qua điện thư email.
Nội dung có thể gồm cả cáo buộc chỉ bằng lời, hoặc chỉ bằng hình ảnh không thôi, ví dụ như tranh biếm họa, hoặc gồm cả chữ viết cùng hình ảnh, dạng phim, video, ảnh chụp hoặc đồ họa.
Người đòi bồi thường khi bị bôi nhọ có thể thắng kiện, được bồi thường hàng chục nghìn bảng Anh. Chưa kể chi phí luật sư cho bên thua còn có thể cao hơn số tiền phải bồi thường.
Biện hộ
Khi bị khiếu kiện về tội bôi nhọ, báo chí có thể biện hộ bằng một số cách, chẳng hạn như phản đối rằng cáo buộc nhà báo nêu là đúng, hoặc đó là hệ quả của việc tác nghiệp báo chí nghiêm túc, có trách nhiệm nhằm phục vụ công chúng, hoặc đó là ‘lời bình trung thực’. Cũng có thể bào chữa rằng bài phóng sự, bản tin chỉ truyền đạt lại những lời lẽ đã được phát ngôn trong nghị viện (cơ quan lập pháp) hoặc trước toà án (cơ quan tư pháp).
Tuy nhiên, nhìn chung cơ quan truyền thông cần phải có đủ chứng cứ để hỗ trợ cho những gì họ đăng tải.
Cải cách
Hồi tháng 5/2012, Chính phủ Anh, qua nội dung được Nữ hoàng Elizabeth II đọc trong Diễn văn trước Quốc hội, đã cam kết tiến hành cải cách nhằm sửa đổi sâu rộng luật chống bôi nhọ.
***
Người gởi: Võ Văn Tường
Source: http://www.bbc.co.uk/academy/vietnamese/standards