Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

06. Phản ứng của cộng đồng Phật giáo

24/11/201009:00(Xem: 10713)
06. Phản ứng của cộng đồng Phật giáo
langmai-12
HỒ SƠ TU VIỆN BÁT NHÃ LÀNG MAI
06
PHẢN ỨNG CỦA CỘNG ĐỒNG PHẬT GIÁO


MỤC LỤC
Thư Ngỏ của HT. Thích Thanh Thắng gửi Ngài Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch nước 1-10 2009
TT. Thích Thanh Thắng: Không loại trừ khả năng xảy ra tham nhũng trong vụ Bát Nhã 15-10-2009
Những bạo hành ở Tu viện Bát Nhã xin giải thích giùm tôi - Nguyễn Đắc Xuân 27-9-2009
Huyết Thư - Tăng – ni trẻ tỉnh Lâm Đồng 30-09-2009
Giáo sư Nguyễn Huệ Chi 18-10-2009
Lệ thư của Tăng Ni trường Phật học Lâm Đồng gửi đến các nhà lãnh đạo Việt Nam 16 10-09
Thư thỉnh nguyện về vụ Bát Nhã 21/10/2009
Hương Bát nhã mang trái tim màu xanh biển cả - Cư sĩ Liên Hoa
Thư ngỏ gửi các vị lãnh đạo Nhà nước Việt Nam - Hoàng Hưng 28-9-2009
Quan Điểm của Gia Đình Phật Tử Việt Nam Hải Ngoại 03-10-2009
Bốn trăm quả chuông Bát Nhã - Hoàng Hưng - 21/10/2009
Điện thư Văn phòng Đức Dalai Lama chia sẻ và cầu nguyện cho Tăng thân Bát Nhã 24 10-09


Thứ năm, ngày 01 tháng mười năm 2009

THƯ NGỎ GỬI NGÀI CHỦ TỊCH NƯỚC NGUYỄN MINH TRIẾT
VỀ VỤ TRỤC XUẤT 400 TĂNG NI TẠI BÁT NHÃ

Kính gửi: Ngài Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch nước CHXHCNVN

Mấy ngày qua, cả nước oằn mình trước sự tàn phá đầy tang thương của cơn bão Ketsana. Cũng thời điểm đó “cơn bão” bất khoan dung của chính quyền tỉnh Lâm Đồng kéo đến tu viện Bát Nhã, gây nên tình cảnh bất an cho khoảng 400 Tăng Ni tu theo pháp môn Làng Mai. Hai cơn bão đến cùng một lúc khiến cho lòng người Phật tử Việt Nam thêm quặn thắt.

Trong mưa bão, 400 Tăng Ni bị trục xuất khỏi nơi mình đang cư ngụ một cách bất hợp pháp, trái với quyền được cư trú chính đáng của công dân. Với bản chất bất bạo động, các Tăng Ni đã nhẫn nhục trước những hành vi ứng xử không thể gọi là có văn hoá của một số người. Điều đáng nói, chùa Phước Huệ (Lâm Đồng) đã nhận trách nhiệm bảo lãnh cho những Tăng Ni bị trục xuất, nhưng áp lực vẫn không ngừng tăng lên, buộc họ phải rời khỏi ngôi chùa này.

Kính thưa ngài Chủ tịch,

Cửa chùa luôn rộng lòng đón người nơi bốn bể, trong đó có những người lâm vào hoàn cảnh khốn quẫn, bị truy bức… Vậy có lẽ nào cửa chùa lại không thể dung chứa cho chính những đồng đạo của mình? Rõ ràng việc làm của chính quyền Lâm Đồng đã làm tổn hại trực tiếp đến hình ảnh người tu hành, đẩy Chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội tỉnh Lâm Đồng vào chỗ bất nghĩa, đưa Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào tình thế khó xử.

Những Tăng Ni ấy họ không vi phạm pháp luật, không chống đối Giáo hội Phật Giáo Việt Nam. Nếu có tiếng nói nào chưa thống nhất thì mỗi bên vẫn có thể thông qua đối thoại để điều chỉnh. Và nếu Tăng Ni có vi phạm thanh quy, giới luật thì cần dựa trên giới luật của Phật chế và Hiến chương của Giáo hội để đối chứng giải quyết trong nội bộ. Ban trị sự Phật giáo tỉnh Lâm Đồng cũng đã hơn một lần xác nhận như vậy. Rõ ràng động thái của chính quyền đã làm cho Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo, quyền tự do tín ngưỡng của người dân bị xúc phạm nghiêm trọng.

Kính thưa ngài Chủ tịch,

Hàng năm ngày Quốc khánh của đất nước thường trùng với dịp lễ Vu lan Báo hiếu. Với đạo lý khoan dung của dân tộc, trên cương vị lãnh đạo cao nhất, ngài đã thể hiện lòng từ bi mà ban lệnh ân xá cho những phạm nhân đang chịu cảnh lao ngục. Tăng Ni, Phật tử Việt Nam thực sự xúc động khi đúng vào ngày Rằm tháng Bảy xá tội vong nhân, ngài đến dâng hương lễ Phật và chúc thọ Hoà thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN.
Thấy cảnh đói lạnh bị dồn ép tới đường cùng của Tăng Ni tu viện Bát Nhã, tôi nhớ đến lời vua Lý Thánh Tông bảo các quan tả hữu rằng: “Trẫm ở trong cung, sưởi than xương thú, mặc áo lông chồn còn rét thế này, nghĩ đến người bị tù giam trong ngục, khổ sở về gông cùm, chưa rõ ngay gian, ăn không no bụng, mặc không kín thân, khốn khổ vì gió rét, hoặc có kẻ chết không đáng tội, trẫm rất thương xót. Vậy lệnh cho hữu ty phát chăn chiếu và cấp cơm ăn ngày hai bữa”.

Hiểu được điều “chưa rõ ngay gian”, biết được việc “có kẻ chết không đáng tội”, văn sự thi hành khoan giảm, thái độ nhân thứ bao dung… đã khiến vua Lý Thánh Tông vẫn còn được ngàn sau nhắc mãi.

Lịch sử Phật giáo Việt Nam đã ghi nhận hình ảnh một Lê Ngọa Triều cuồng bạo, hiếu sát, một gia đình trị Ngô Đình Diệm đầy bất công khi đàn áp Tăng Ni, Phật tử. Không có một định luật nào buộc điều đó không tái diễn, nhưng người Phật tử không mong điều ấy diễn ra trước khẩu hiệu “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”.

Kính thưa ngài Chủ tịch,

Từ khi còn ngồi ghế sinh viên, tôi có nghe câu chuyện về một người phụ nữ phải dọn nhà vào trong rừng để sinh sống. Có người hỏi, ai cũng cố tránh nơi rừng núi hoang vu, thú dữ rình rập, tại sao bà lại dọn vào ở đó. Người phụ nữ nói rằng “chính trị hà khắc còn hơn hổ dữ”. Một đất nước đang tiến tới xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, tại sao lại thể hiện hành vi chính trị hà khắc và ứng xử thiếu văn minh, như ném đá, ném phân, đánh đập người tu hành vô tội như thế?

Tôi nhớ, vào mùa Vu lan năm 2006, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt có viết như sau:

“Giá trị hòa hợp đại chúng trên tinh thần từ bi hỉ xả là một nhân tố căn bản, sâu xa đã góp phần làm nên tinh thần đoàn kết, nhân ái và hòa hiếu của dân tộc. Nhờ đó mà trong lịch sử nhân loại, hiếm có một đất nước nào chịu đựng triền miên chiến tranh và nhiều biến thiên xã hội, lại là nơi chung sống hòa hợp của nhiều dân tộc, nhiều tôn giáo như ở nước ta. Dân tộc ta nhiều lần bị bắt buộc phải cầm vũ khí để vượt qua nạn nhà, nạn nước. Tinh thần cứu khổ độ sinh của nhà Phật quyện kết trong ý chí kiên cường của người VN đã rèn đúc nên bản lĩnh khoan dung của dân tộc Việt Nam để lịch sử trường kỳ của dân tộc ta không phải là lịch sử truyền kiếp của thù hận, xung đột. Đó là di sản quý báu do tư tưởng Phật giáo chảy chung dòng với truyền thống dân tộc và đã hòa quyện làm một” (Lấy từ bi diệt hận thù).

Trong lá thư ngắn mà thiền sư Nhất Hạnh gửi ngài, thiền sư cũng nhắc đến những hành vi thể hiện “luân thường đạo lý”. Còn người Phật tử bình thường như tôi nghĩ rằng, vụ việc Bát Nhã không bao giờ là “liều thuốc thử” (đúng - sai) cho ai phải “hiện thân”. Bởi tinh thần truyền đời của Phật giáo Việt Nam vẫn là “Khi đi gió cuốn mây bay. Khi đứng núi yên non vững”. Phật giáo Việt Nam vẫn có thể đối thoại ngay cả lúc tưởng chừng như im lặng. Không “liều thuốc thử” đến từ những động cơ phá hoại nào tỏ ra hiệu nghiệm đối với Phật giáo. Vì sức mạnh thật sự của Phật giáo là sức mạnh chiến thắng chính bản thân mình. Đức Phật hơn hai ngàn năm trước đã nói thế, ngàn năm sau người Phật tử cũng sẽ nói thế.

Tôi rất mong ngài Chủ tịch trong cương vị của mình tuỳ bệnh cho thuốc, Từ - Bi - Hỷ - Xả, yêu dân như con, có những tác động tích cực để giải quyết ổn thoả vụ việc Bát Nhã. Việc bảo vệ hình ảnh của những người tu sĩ Phật giáo cũng không ngoài việc bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật và truyền thống đạo lý của dân tộc Việt Nam. Đạo và Đời tuy hai mà một. Quốc sư Phù Vân từng khuyên vua Trần Thái Tông phải biết “lấy ý của thiên hạ làm ý của mình, lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình”. Sử thần Ngô Sĩ Liên cũng có nói: “Xót thương vì hình ngục, nhân từ với nhân dân, đó là việc đầu tiên của vương chính”.

Trong suy nghĩ của cá nhân tôi ngài là một người Phật tử. Suy nghĩ ấy dẫn dắt tôi viết lá thư ngỏ thứ hai này và gửi đến ngài, rất mong ngài đèn trời soi xét.

Kính chúc ngài sức khoẻ và hạnh phúc!

TP. HCM, ngày 1/10/2009

Thích Thanh Thắng
(http://huongsenviet.blogspot.com/2009/10/thu-ngo-2-gui-ngai-chu-tich-nuoc-nguyen.html)

________________________________________________________

TT. THÍCH THANH THẮNG:
KHÔNG LOẠI TRỪ KHẢ NĂNG XẢY RA THAM NHŨNG TRONG VỤ BÁT NHÃ

Sen Việt 15-10-2009

Sen Việt: Vụ việc và diễn biến của tu viện Bát Nhã, Phước Huệ trong những ngày vừa qua đã nhận được rất nhiều quan tâm của Nhóm Sen Việt. Trong một sinh hoạt thường kỳ, Nhóm Sen Việt với các thành viên không đầy đủ đã có buổi trò chuyện với thầy Thích Thanh Thắng, cố vấn của Nhóm Sen Việt, người đã gửi Thư ngỏ gửi đến các vị lãnh đạo Nhà nướcvà ký vào Thỉnh nguyện thư của giới trí thức, văn nghệ sĩ Việt Nam ngay sau khi vụ việc việc Bát Nhã xảy ra. Sen Việt xin gửi tới quý độc giả những chia sẻ cá nhân của thầy Thích Thanh Thắng về vụ việc này.

Sen Việt: Thưa thầy, hàng ngày thầy vẫn theo dõi sát vụ việc Bát Nhã?

Vâng! Tôi nghĩ không chỉ có tôi mà người Phật tử trong và ngoài nước đang rất quan tâm đến những diến biến của Bát Nhã. Như các bạn biết, chúng ta đang ở thời đại công nghệ thông tin nên vấn đề Bát Nhã đang trở thành vấn đề nóng, thu hút quan tâm của dư luận.

Sen Việt: Thầy có nhận xét gì về những thông tin vừa qua về vụ Bát Nhã?

Thông tin thì nhiều, nhưng mỗi người đứng ở một góc độ nhìn khác nhau thành ra vấn đề có thể đã bị đẩy xa hơn và ngày càng phức tạp hơn. Đặc biệt tôn giáo luôn là vấn đề nhạy cảm, nếu giải quyết không tốt thì hậu quả sẽ khôn lường. Các luồng thông tin cần tỉnh táo, khách quan và tôn trọng nhau.

Sen Việt: Thầy có nhận xét gì về những thông tin chính thức từ phía thông tin nhà nước?

Tôi có theo dõi các thông tin liên quan đến vụ Bát Nhã trên TTXVN, báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Vietnamnet, đặc biệt là phát biểu của bà Nguyễn Phương Nga, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao, và ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó trưởng Ban trường thực phụ trách, Ban Tôn giáo Chính phủ. Tôi nhận thấy đó là những thông tin chưa đầy đủ, thiếu khách quan và né tránh vấn đề. Nhưng tôi nghĩ vụ việc diễn biến phức tạp như vậy thì họ đưa ra thông tin như thế cũng là chuyện bình thường nhằm “định hướng dư luận”.

Sen Việt: Thầy có thể nói rõ hơn về sự thiếu khách quan trong thông tin nhà nước được không?

Vâng, chắc chắn không chỉ có tôi mà ai cũng có thể nhận ra vụ việc Bát Nhã là nghiêm trọng. Giáo hội cũng khẳng định việc tấn công Ban Trị sự bằng đá và phân, đánh trọng thương Thượng tọa Thích Thái Thuận là việc làm thiếu văn hóa, không tôn trọng pháp luật. Tường trình và báo cáo khẩn cấpcủa Ban Trị sự tỉnh hội Phật giáo Lâm Đồng cũng đã nêu rõ vụ việc. Sau khi tu sinh bị trục xuất ngày 27/9, Ban Trị sự cũng đã có Công văn 418 gửi Trung ương Giáo hội,nêu rõ tình hình vụ việc. Không ai có thể phủ nhận thực tế đó. Có một số băng ghi hình về Bát Nhãđã được đưa lên mạng, không khó để có thể kiểm chứng sự thật. Không thể nói rằng không có đánh đuổi, trục xuất, chửi mắng tu sinh.

Sen Việt: Nhưng thông tin nhà nước nói đó là vấn đề “tranh chấp nội bộ”

Có thể ban đầu sự việc chỉ là mâu thuẫn nội bộ, cụ thể là vấn đề thầy Đức Nghi không tiếp tục bảo lãnh cho tu sinh (năm 2008). Nhưng về sau thì không còn “nội bộ” nữa. Tu sinh cũng đã gửi bản tường trình đến Ban Trị sự. Ban Trị sự đã có cuộc họp bất thường và cuối cùng đi đến quyết định, Ban Trị sự sẽ đứng ra bảo lãnh cho tu sinh cho đến hết tháng 12/2010 theo đúng công văn của Ban Tôn giáo Chính phủ và công văn của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Thầy Đức Nghi đã không tuân thủ tinh thần cuộc họp đó mà gây sức ép liên tục để đuổi tu sinh Làng Mai. Tu sinh Làng Mai là những người trực thuộc Giáo hội quản lý. Giáo hội có trách nhiệm giải quyết vụ việc, nếu vụ việc chưa thấu tình đạt lý, các bên đều có quyền gửi khiếu nại. Tại sao Giáo hội chưa giải quyết mà thầy Đức Nghi đã hành động lỗ mạng như vậy. Bất cứ tổ chức xã hội nào cũng có tôn chỉ và nguyên tắc của nó. Không một cá nhân nào có thể giẫm đạp lên nguyên tắc đó mà hành xử.

Sen Việt: Thầy có thể cho biết thêm về vai trò của thầy Đức Nghi?

Cá nhân tôi từng rất khâm phục những việc làm khi trước của thầy Đức Nghi, nhưng với vụ việc Bát Nhã vừa qua, thầy đã có những bước đi sai lầm. Bản thân thầy là người đã nhận lễ truyền đăng tự nguyện theo phương pháp tu tập của pháp môn Làng Mai. Thầy Đức Nghi cũng là sư phụ (Bổn sư) của nhiều tu sinh. Nhưng thầy kết hợp với du côn chiêu tập “Phật tử” cho giăng biểu ngữ phản đối để đánh đuổi, nhục mạ tu sinh Làng Mai một cách thiếu văn hóa. Thầy đã tự mình đánh mất nhân cách căn bản của người tu và đánh mất luôn vai trò “trụ pháp vương gia” trong tu viện Bát Nhã. Ai cũng biết người Phật tử không thể can thiệp thô bạo vào đời sống của tăng chúng. Nhưng những gì chúng ta thấy là hình ảnh “Phật tử” quá khích, tấn công vào phòng tăng và tự ý cướp đồ đạc của tu sinh,đánh đập, chửi rủa, nhục mạ, ném đá, ném phân, cầm gậy gộc, vũ khíđể sẵn sàng bạo hành. Đó không phải là Phật tử. Tôi nghĩ Giáo hội Phật giáo không cần những “Phật tử” như thế.

Sen Việt: Có thông tin phía nhà nước cho rằng “tranh chấp nội bộ” này rất khó giải quyết, theo thầy có đúng như vậy không?

Không có gì là khó cả nếu công tâm và khách quan. Không có gì là khó cả nếu vụ này không phải do Chính quyền Lâm Đồngtrực tiếp bật đèn xanh. Một khi chính quyền không chịu lắng nghe nguyện vọng chính đáng của công dân, không chịu thực thi pháp luật thì nói đến vấn đề “giải quyết” làm gì. Anh là người hành pháp mà anh lại để cho tình trạng phạm pháp ngang nhiên diễn ra, thì anh phải chịu trách nhiệm. Phật tử thì cũng là một công dân. Có tội thì xử lý. Không có tội thì phải có nghĩa vụ bảo vệ. Cái này phải rất phân minh, nếu không sẽ dẫn đến lạm quyền.

Sen Việt: Cụ thể của hành vi lạm quyền như thế nào?

Lạm quyền là hành vi vượt quyền, không tôn trọng pháp luật. Rõ ràng Ban Trị sự đã đứng ra bảo lãnh cho tu sinh để họ tiếp tục tu học đến 12/2010, tại sao thầy Đức Nghi lại cố tình dùng mưu chước, hạ sách để đuổi họ. Chỉ riêng việc để Phật tử tấn công Ban Trị sự bằng đá và phân đã đủ để Giáo hội căn cứ vào Hiến chương và y luật Phật chế để trục xuất thầy ra khỏi tăng đoàn và rút lại tăng tịch cũng như giấy bổ nhiệm trụ trì (nếu có). Nhưng sự lạm quyền đó được sự tiếp tay của chính quyền địa phương, nên Ban Trị sự ở vào tình thế khó xử. Lạm quyền và tham nhũng luôn đi đôi với nhau. Tôi cho rằng vụ việc Bát Nhã không loại trừ khả năng xảy ra tham nhũng. Vì ai cũng biết đầu tư của Làng Mai vào Bát Nhã lên đến cả vài triệu đô, hơn nữa tu viện Bát Nhã nằm trong quần thể du lịch. Ý định của thầy Đức Nghi về việc muốn biến nơi đây thành nơi tham quan du lịch đã bộc lộ ít nhiều tham vọng đó. Làng Mai cũng từng phản ứng với quan điểm này của thầy Đức Nghi vì họ xác định đó là “tu viện”, với các thiền đường chức năng là chuyên tu, chứ không thể theo hướng làm du lịch và phát triển dịch vụ ăn theo.

Sen Việt: Vì sao thầy liên hệ tới việc tham nhũng?

Như trên tôi đã nói, lạm quyền và tham nhũng luôn đi đôi với nhau. Đó là cặp bài trùng. Tôi xin đơn cử một ví dụ, căn cứ ngay vào phát ngôn của bà Nguyễn Phương Nga khi coi đây là vấn đề “nội bộ”. Nếu là vần đề “nội bộ” của tu viện Bát Nhã thì khi tu sinh bị đuổi ra khỏi Bát Nhã chính quyền phải can thiệp chứ. Vai trò bảo vệ an ninh trật tự nằm trong tay ai? Khi sự việc chưa được giải quyết dứt điểm, các bên liên quan đều không được xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Nhưng cứ cho rằng chính quyền mắt nhắm mắt mở để côn đồ giả danh Phật tử đánh đuổi tu sinh ra khỏi tu viện Bát Nhã đi. Nhưng đuổi họ ra khỏi Bát Nhã rồi thôi chứ. Tại sao “nội bộ Bát Nhã” mà khi họ sang tạm trú tại Phước Huệ, toàn bộ hệ thống chính quyền lại vào cuộc để trục xuất họ khỏi Phước Huệ mà không có một chút tình xót thương trong mưa bão. Đọc báo, chúng ta thấy có những người chồng bạo hành vợ, người vợ phải trốn sang nhà người quen lánh nạn. Lúc đó người chồng phải bị lên án, người cưu mang phải được khen ngợi. Đằng này chính quyền lại biến quan tòa thành phạm nhân. Vậy mà họ không có một tư duy logic tối thiểu để suy luận rằng Bát Nhã không đơn giản là vấn đề “nội bộ”.

Sen Việt: Đối với những dự án lớn tại Việt Nam, người dân luôn rất quan tâm đến vấn đề tham nhũng. Nhưng vụ Bát Nhã liên quan đến tôn giáo, thầy đặt vấn đề này có chủ quan không?

Theo tôi dù mang danh nghĩa tôn giáo hay không thì vấn đề đâu tư là có thật: tiền thật, công sức thật. Pháp luật bình đẳng trước vấn đề này. Không thể ém nhẹm vụ việc, vì rõ ràng người ta bỏ tiền vào để xây dựng, nay đạt mục đích anh đuổi người ta đi. Ai cũng có thể đặt câu hỏi, những cơ sở khang trang, hoành tráng như hôm nay do đâu mà có? Nhất định không phải ở trên trời rơi xuống rồi. Nếu quy đúng trách nhiệm pháp luật, thầy Đức Nghi là người đang phạm pháp, lừa đảo để chiếm dụng tài sản. Tiền của Làng Mai đầu tư về Việt Nam đến từ nhiều nguồn. Nhà nước phải có trách nhiệm bảo vệ tài sản đầu tư của họ. Đuổi hết tu sinh của chủ đầu tư dự án ra khỏi tu viện một cách dễ dàng như vậy nếu không có sự tiếp sức của chính quyền, cá nhân thầy Đức Nghi và Đồng Hạnh không thể làm nổi. Chính quyền thừa biết họ không thể làm việc không công cho thầy Đức Nghi. Một vấn đề quá lớn, quá nhạy cảm, nhất là khi đụng đến Làng Mai, một pháp môn có uy tín và ảnh hưởng rộng trên thế giới. Tôi cho rằng nếu không giải quyết tốt sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín và hình ảnh Việt Nam trong con mắt bạn bè thế giới.

Sen Việt: Nhưng dư luận cho rằng không phải mâu thuẫn nội bộ và cũng không chắc là tham nhũng mà do những phát biểu của thầy Nhất Hạnh về vấn đề Tây Tạng. Trung Quốc từng yêu cầu trục xuất thiền sư Nhất Hạnh và tăng thân Làng Mai khỏi Việt Nam trong dịp Đại lễ Phật đản 2008.

Nguyên nhân của mọi nguyên nhân cần được nhìn nhận trong các mối tương quan. Tôi không phủ nhận những liên hệ ở trên. Nhưng tôi cho rằng lấy những nguyên nhân mang tính “nguy cơ nhân loại”, để đưa vào vụ Bát Nhã là không ổn. Thiền sư Nhất Hạnh và pháp môn Làng Mai xuất thân từ Việt Nam. Đối với thế giới đây là pháp môn có ảnh hưởng mạnh. Đối với uy tín cá nhân, thiền sư Nhất Hạnh từng được đề cử giải Nobel Hòa bình, thiền sư có thể sánh với Đức Đạt Lai Lạt Ma. Vấn đề phát biểu chính kiến của thiền sư vừa mang ý nghĩa cá nhân vừa mang ý nghĩa quốc tế. Chẳng lẽ chúng ta vẫn còn ứng xử theo kiểu vì bố nói đụng đến Trung Quốc nên con không được vào đại học?

Sen Việt: Vậy thầy nghĩ sao khi thiền sư Nhất Hạnh góp ý với Chủ tịch nước về việc bỏ Ban Tôn giáo Chính phủ?

Chúng ta cũng có ý liên hệ vấn đề này với việc trục xuất tu sinh Bát Nhã phải không?

Sen Việt: Dạ, cũng xin được liên hệ thêm cho đầy đủ.

Việc góp ý chân thành thẳng thắn của thiền sư Nhất Hạnh cũng có thể do thiền sư đứng ở một góc nhìn nào đó, đặc biệt trong không khí chính trị xã hội, tôn giáo phương Tây. Nhà nước thấy phù hợp thì bỏ, thấy không phù hợp thì giữ. Bộ hay Ban có thể điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Tôi cho rằng danh xưng “Bộ tôn giáo” hay “Ban tôn giáo” không quan trọng nếu không điều chỉnh cơ bản trong nhận thức chung của hệ thống chính quyền về tôn giáo. Bên ngoài dù có một trăm danh xưng, một ngàn nội dung tốt đẹp về tôn giáo, nhưng nhận thức và cách tiếp cận của tôn giáo trong các học viện chính trị, hành chính của nhà nước không có nhiều bước chuyển căn bản thì thêm bớt hay bỏ cũng như vậy thôi. Rõ ràng qua vụ việc Bát Nhã nếu đưa Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo vào áp dụng thì những ứng xử của chính quyền tỉnh Lâm Đồng đã ít nhiều vi phạm pháp lệnh ấy. Hơn nữa, vì một câu góp ý mà ứng xử như vậy với tu sinh Làng Mai thì rất thiếu chuyên nghiệp.

Sen Việt: Thế nào mới là “chuyên nghiệp” thưa thầy?

Chuyên nghiệp thì khiến cho người khác tâm phục khẩu phục. Đằng này anh dùng thủ đoạn, kỹ xảo để đối phó với tu sinh thành ra gây phản cảm đối với dư luận. Một mặt anh cho người ta mặc áo Phật tử vào giăng biểu ngữ phản đối tu sinh, đi vòng quanh tu viện, mặt khác anh để những người lạ vào lấy đồ, quăng liệng kinh sách, đánh đập, chửi rủa người tu hành. Xin hỏi có “Phật tử” nào như vậy không? Một đất nước mà đa số người dân có tín ngưỡng Phật giáo mà như vậy sao? Một giáo hội đang phát triển mà có những “Phật tử” như vậy sao? Khi làm vậy, không phải là anh đang bôi xấu Phật giáo thì là gì.

Sen Việt: Thầy nghĩ gì về sự trốn tránh của thầy Đức Nghi qua vụ việc trên?

Theo cảm nhận chủ quan của tôi sau khi đi thực tế tại Bát Nhã, thầy Đức Nghi đang bị đệ tử thao túng, nên thầy không dám đối mặt với sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng này. Bởi nó khác xa với những việc làm trước đó của thầy, khiến người ta có thể dùng từ “trở mặt”, “lật lọng”, “đổi trắng thay đen” để ví dụ về nhân cách của thầy. Trong vụ việc này không thể không nói đến cái tên Đồng Hạnh. Tôi xem đây là một nhân vật phức tạp, nhiều cơ hội. Ban Trị sự cũng đã ít nhiều nhận ra việc làm sai trái của Đồng Hạnh trong vụ Bát Nhã nên đã có yêu cầu xử lý nghiêm. Đồng Hạnh trở thành “phát ngôn” cho thầy Đức Nghi, đồng thời gần gũi trong các liên hệ với Chính quyền. Có thể nói kịch bản chính xuất phát từ “quân sư” Đồng Hạnh. Không loại trừ vấn đề lo lót, chạy trọt đến những cấp cao hơn và cũng không loại trừ khả năng thầy Đức Nghi bị đệ tử nắm “phốt” nào đó. Diễn biến vụ việc có thể hiểu qua câu nói “đâm lao thì phải theo lao” của đệ tử thầy Đức Nghi, câu nói đó bộc lộ việc làm mờ ám. Tôi vẫn giữ ý kiến cho rằng đây là một vụ “tham nhũng”.

Sen Việt: Vậy thầy lý giải thế nào khi thầy Đức Nghi nhắc đến nhân vật tướng Trần Tư nhằm bào chữa cho hành vi của mình trong một đoạn băng ghi âm ngắn?

Tôi cho rằng, đoạn băng ghi âm đó, chắc chắn cần phải có những xác minh cụ thể, khoa học về giọng nói của thầy Đức Nghi. Và nếu đúng thì đó là một đầu mối khá quan trọng mà nhiều luồng thông tin đã không chú ý để phân tích. Theo tôi được biết, ông Trần Tư được Thủ tướng phong hàm Thiếu tướng vào năm 2006. Ông giữ chức Cục trưởng Cục an ninh xã hội (A41), Bộ Công an. Ông cũng từng với cụ Thích Thanh Tứ tham dự trong lễ khởi công trùng tu chùa Phật Tích.

Cá nhân ông Trần Tư, mới ở ngang mức cấp Cục không thể mạo hiểm trước vấn đề này. Rất có thể một cá nhân “cấp ủy” nào đó đã bật đèn xanh cho vụ việc. Bởi ai cũng rõ động đến vấn đề trấn áp tôn giáo là động đến vấn đề chơi với lửa.

Như vậy vấn đề ở đây không hẳn là chỉ đạo ở cấp Nhà nước, Chính phủ, cũng chưa chắc ở cấp Bộ, mà chỉ ở cấp Ban và cấp Cục trở xuống. Nhưng khi sự việc không kiểm soát được thì thông tin nhà nước phải vào cuộc để định hướng dư luận, và chúng ta có thể hiểu được cách nói thiếu khách quan của họ, trong một cục diện chung. Tôi nghĩ rồi đây sẽ có một cuộc điều tra nghiêm túc về vấn đề này. Giới trí thức cũng đã có những kiến nghị hợp lý về vấn đề làm sáng tỏ vụ việc.

Sen Việt: Thầy có theo dõi về phản ứng từ phía Giáo hội Trung ương?

Tôi rất quan tâm đến những công văn của Trung ương Giáo hội. Về cơ bản, Giáo hội cũng đã có phản ứng tỏ rõ thái độ không đồng tình với cách làm của chính quyền Lâm Đồng khi đi ngược với tinh thần trong một số cuộc họp của Giáo hội. Cụ thể là Giáo hội yêu cầu sau mùa an cư mới tiếp tục giải quyết, chứ không phải là đuổi tu sinh, nhưng họ không tôn trọng Giáo hội. Tuy nhiên, cũng phải kế đến một số nội dung trong các công văn của Giáo hội, cụ thể Công văn 037, 429/CV.HĐTS đã có những cách lý giải không chặt chẽ, nhiều câu viết không rõ ràng gây hiểu nhầm. Văn phong hành chính không nên nói nước đôi bởi nó đòi hòi tính chính xác và thống nhất cao trong hướng dẫn, chỉ đạo. Thông tin nhà nước gần như đã bám vào một số nội dung thiếu kín kẽ và mâu thuẫn này để làm khó với tu sinh. Tôi cho rằng nên ra một văn bản mới nhất phân tích và đưa ra các hướng giải quyết cụ thể, đồng thời rút lại các công văn không đầy đủ và khách quan trước đó.

Tôi đặc biệt chú ý tới Công văn 418/CV/BTS của Ban Trị sự tỉnh hội Phật giáo Lâm Đồng, dù câu cú còn chưa ổn nhưng nội dung thì khách quan, sát với tình hình thực tiễn, có lý có tình… Nói chung đáp ứng được nguyện vọng chính đáng và hợp pháp của tu sinh và sự trông đợi của Phật tử trong và ngoài nước.

Sen Việt: Có nhiều dư luận không hay cho rằng Trung ương Giáo hội đã quá “cầu toàn” trong vụ này, thầy có nhận định gì không?

Vâng. Lúc đầu tôi cũng khá phân vân trước sự phản ứng thông tin của giới báo chí Phật giáo trong nước. Một số website gần như im lặng. Tôi nghĩ vụ việc đã có sự chỉ đạo nào đó từ Văn Phòng I (Hà Nội). Chính sự mâu thuẫn và mập mờ trong các công văn đã phần nào chỉ ra điều đó. Tuy nhiên, với chức năng, nhiệm vụ của mình Văn Phòng II (TP.HCM) hoàn toàn có thể ra những văn bản chính xác hơn về vụ việc mà không quan tâm đến sức ép của các nhân nào đó. Chúng ta hiểu rõ pháp luật, nắm vững Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo, triển khai tốt Hiến chương Giáo hội thì chúng ta sẽ biết mình được nói gì, làm gì, có quyền và lợi ích hợp pháp gì.

Cá nhân có thể cầu toàn, nhưng Giáo hội thì phải bày tỏ chính kiến. Chính kiến không có gì là “chính trị” cả. Đó một trong tám con đường của Bát chính đạo, người tu sĩ thì nên đàng hoàng bước đi trên con đường đó. Thấy đúng, nói đúng, nghĩ đúng và làm đúng. Đó là tinh thần trách nhiệm là niềm tin mà Tăng Ni, Phật tử gửi gắm. Việc làm của Giáo hội còn có một quần chúng Phật tử rộng lớn phía sau, trong đó đáng kể nhất là giới cư sĩ, trí thức Phật tử. Giáo hội là sức mạnh tập thể, nó không thuộc quyền sở hữu của ông A, bà B, nên ai lấy tư cách cá nhân mà lạm quyền là đi ngược với truyền thống tăng đoàn.

Sen Việt: Thầy có nghĩ rằng Giáo hội bị tung hỏa mù trong vụ này?

Không loại trừ vấn đề này. Vì rõ ràng nó thuộc cấp Cục trở xuống và sự “can thiệp” (ngầm) của một vài cá nhân trong vụ này là khá rõ. Một số lãnh đạo Giáo hội đã có những sự lo sợ thái quá. Nhưng cho dù là chỉ đạo ở cấp Nhà nước hay Chính phủ thì trước tiên Giáo hội cũng phải giữ thể diện cho hình ảnh của chính mình, đồng thời phản biện đúng lúc để điều chỉnh cách nhìn nhận vấn đề của phía Nhà nước (nếu có). Vai trò của lãnh đạo là vai trò đứng mũi chịu sào, mình không đứng lên trước, không chịu trách nhiệm trước thì mình tự đánh mất vai trò. Muốn làm “Hộ Pháp” tốt cho nhà nước thì thiện ác, đúng sai phải phân minh. Một Giáo hội bạc nhược suy yếu thì không thể giữ vai trò gì cả, và cũng không ai cần đến một thực thể đã suy nhược như vậy.

Sen Việt: Thầy có nghĩ rằng đó là sự “im lặng thông thái”?

Sự im lặng nào mà bỏ quên con người trong hoàn cảnh này thì đều dởm cả, cho dù nó mang danh cái gì. Đạo Phật là đạo từ bi, cứu khổ. Thương người được, cứu nguy cho người được thì mới đại diện được cho đạo Phật. Chữa vết thương trước rồi mới tìm nguyên nhân sau. Đằng này vết thương không chữa, nguyên nhân không tìm thì làm sao cứu khổ, làm sao hộ quốc an dân? Còn “im lặng” thì chúng ta có muốn thi gan thế nào cũng không vượt qua được gỗ đá. Nói về sự “im lặng thông thái” để lấp liếm sự thật thì chỉ là ngụy biện. Đáng tiếc người ta thường núp sau nó để bắn tỉa. Có nghĩa rằng bên ngoài thì im lặng nhưng bên trong thì lại vô cùng ồn ào về danh lợi. Có chức vụ mà cầu toàn bằng thái độ im lặng cũng là một dạng biến tướng của ồn ào.

Sen Việt: Thầy nghĩ gì về phản ứng của thiền sư Nhất Hạnh?

Trước khi trả lời vấn đề này, chúng ta phải tỉnh tảo để nhìn vấn đề ở nhiều khía cạnh. Với vụ Bát Nhã tôi cho rằng ban đầu là mâu thuẫn về lợi ích, khi con người cá nhân không chiến thắng được tự ngã, biểu hiện rõ nhất của nó là tham dục.

Những phát biểu của thiền sư Nhất Hạnh trước đó với Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã được thầy Đức Nghi và đệ tử khai thác tối đa, và nếu có một cá nhân nào đó ở bên ngoài xúc xiểm, bảo kê thì sẽ trở nên nguy hiểm. Từ đó dẫn đến tình trạng sống trong đối phó và để ý việc làm của nhau. Người xưa đã nói “yêu nhau cau sáu bổ ba, ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười”. Vài phát biểu bất mãn của tu sinh cũng sẽ bị gán vào động cơ “làm chính trị”. Đó là cái cớ tốt nhất để thầy Đức Nghi và đệ tử Đồng Hạnh khai thác, chỉ điểm, nên tai mắt của chính quyền cũng bị họ tung hỏa mù mà phức tạp hóa tình hình. Người yếu thì thường hay sợ bóng, sợ gió. Tôi nghĩ, vấn đề “sư tử trùng thực…” mới là nguyên nhân của pháp nạn. Nếu sự “tấn công” đến từ bên ngoài thì không áp lực nào có thể đè lên người thầy Đức Nghi được.

Tôi nghĩ, thiền sư Nhất Hạnh đã gửi nhầm địa chỉ. Việc trước mắt là đối thoại để hàn gắn tổn thương. Nhà nước họ cũng đã nói: “Nếu trụ trì nào có thiện ý muốn bảo lãnh những tăng ni tu theo pháp môn Làng Mai đến nơi tu tập mới thì phải tiến hành các thủ tục đăng ký với tổ chức Phật giáo địa phương và chính quyền nơi đến”. Tôi cho rằng đây là một tín hiệu tốt nếu họ làm đúng như những gì họ nói.

Phản ứng có chừng mực của thiền sư Nhất Hạnh như vừa qua là rất khôn khéo. Không nên phức tạp hóa vụ việc một cách không cần thiết. Thiền sư vẫn có cơ hội để đóng góp cho quê hương. Sự trở về của thiền sư trong những lần trước đã nói lên thiết tha đó. Cá nhân tôi cũng có góp ý rằng, một số phản ứng trên một vài trang mạng về vụ Bát Nhã đã đi quá, nếu không muốn nói là ngăn chặn con đường của Làng Mai.

Sen Việt: Như vậy, phản ứng của trí thức về vụ Bát Nhã có ảnh hưởng gì tới tương lai của Làng Mai không?

Tôi cho rằng có ảnh hưởng, nhưng là ảnh hưởng tích cực. Chúng ta phải cám ơn những trí thức ấy khi họ dũng cảm nói lên sự thật để bảo vệ quyền con người, trong đó có quyền mưu cầu hạnh phúc. Các tu sinh họ rất hạnh phúc khi được sống trong đoàn thể giàu yêu thương như vậy. Họ là những hạt giống tốt của xã hội. Chúng ta phải che chắn, ươm mầm cho họ phát triển, không nên trù dập, chia rẽ họ.

Sen Việt: Theo thầy ai là người trong Giáo hội sẽ có một tiếng nói có trọng lượng để bảo đảm cho các sinh hoạt Làng Mai tại Việt Nam?

Chúng ta có Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự. Hướng giải quyết ở đây chủ yếu nằm trong các vị ở Ban Thường trực HĐTS. Vì vậy tôi cho rằng, Ban thường trực nên cử ra một vị chuyên trách về Làng Mai, để theo dõi tình hình tu tập của họ. Tôi nghĩ vị trí thích hợp nhất thuộc về vị nào giữ trách nhiệm Trưởng Ban Phật giáo quốc tế. Vị này sẽ toàn quyền triệu tập nhân sự, đảm bảo cho vai trò chuyên trách của mình. Nếu Làng mai có biểu hiện vi phạm pháp luật thì cứ vị này mà làm việc. Với vấn đề Làng Mai, Giáo hội phải vừa đối nội vừa đối ngoại. Giáo hội có quan trọng về mặt đối ngoại hay không thì cũng phải có một người giữ gìn uy tín cho Giáo hội. Chính quyền tỉnh Lâm Đồng làm sai thì Giáo hội phải có trách nhiệm làm đúng để giữ vững niềm tin của quần chúng. Tu sinh Làng Mai ngay từ đầu đã trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Namquản lý vì vậy không thể thoái thác trách nhiệm.

Thực tế pháp môn Làng Mai chiếm được nhiều cảm tình trong giới trẻ là học sinh, sinh viên, giới trí thức và cả doanh nhân nữa. Đó là hạt nhân để phát triển đạo Phật. Chúng ta vừa giữ gìn bản sắc vừa cần sự sáng tạo, sự phong phú và đa dạng. Nên tránh dùng từ “Giáo hội” đối với Làng Mai, dùng như vậy là chúng ta có động cơ chính trị không trong sáng. Đạo Phật có 8 vạn 4 ngàn pháp môn, chúng ta đếm thử xem Việt Nam có bao nhiêu pháp môn? Pháp môn Làng Mai là pháp môn “made in Việt Nam”, có ảnh hưởng thế giới, rất đáng tự hào.

Sen Việt: Chính quyền họ có đồng ý với những cách giải quyết như vậy không?

Vấn đề đã quá rõ. Chúng ta cần tỉnh táo, phải hạn chế những bức xúc thuộc về cá nhân. Ai cũng thừa nhận rằng, một số thông tin mà họ đưa ra là không khách quan về diễn biến Bát Nhã, bởi sự thực đã có sự can thiệp của chính quyền địa phương. Nhưng cá nhân tôi xem đó là vấn đề “phép vua lệ làng”, vấn đề “nước xa không chữa được lửa gần” và vấn đề liên quan đến tham nhũng, lạm quyền.

Tôi nghĩ họ đẩy về phía vấn đề “nội bộ” là họ gián tiếp bật đèn xanh cho Giáo hội, để Giáo hội giải quyết vấn đề “nội bộ”. Sự việc đã ra công luận và quốc tế rồi thì không thể nói chơi được. Và đã là “nội bộ’ thì Giáo hội có toàn quyền danh chính ngôn thuận để y pháp, y luật giải quyết. Vi phạm đến đâu giải quyết đến đó, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì đưa ra pháp luật giải quyết. Việc Thượng tọa Thích Thái Thuận bị đánh trọng thương, tôi cho rằng cần phải lập hồ sơ khởi tố hành vi đánh người gây thương tích để làm gương về sau.

Sen Việt: Thầy có nhận xét gì về công văn 307 của UBND tỉnh Lâm Đồng?

Công văn đó có nhầm lẫn khi ghi ngày 02 tháng 4 năm 2009 do Phó chủ tịch Dương Kim Viên ký. Nhưng trong đó nội dung mục 2 lại ghi: Chấp hành công văn 1329/TGCH-PG ngày 29/10/2009. Tuy nhiên, công văn đó chỉ yêu cầu “chấm dứt việc tổ chức khóa tu đầu tháng” chứ không phải là buộc họ phải chấm dứt tu tập hay trục xuất họ ra khỏi tu viện Bát Nhã.

Sen Việt: Thầy có nghĩ rằng qua vụ việc Bát Nhã, Giáo hội sẽ xảy ra chia rẽ?

Tôi nghĩ vấn đề chia rẽ nội bộ là vấn đề của mọi thời. Quan trọng là sự tự điều chỉnh. Nhiều vấn đề khúc mắc trong Giáo hội, đặc biệt là khu vực quản lý Giáo hội ở miền Nam đã dần lộ ra những khiếm khuyết, yếu kém của nó. Đó là một kinh nghiệm cần thiết để các bên liên quan nhìn nhận lại. Trong lịch sử, một vụ án nhỏ từ một huyện nhỏ, nhưng có thể cho ra một bài học lớn của quốc gia. Có những điều vua cũng không giải quyết được nếu sự việc bị đẩy đi quá sâu và quá rộng. Tôi nghĩ cách điều hành của Giáo hội hiện nay sớm muộn thì cũng xảy ra chuyện, không chỉ riêng đối với vấn đề Làng Mai. Cho nên tôi nghĩ thà xảy ra sớm còn hơn xảy ra muộn. Cơ hội điều chỉnh còn nằm ở phía trước.

Tôi từng biết có một vị Hòa thượng phát biểu: “Phật giáo Việt Nam đi chung con thuyền với dân tộc. Đồng hành có thể không bảo vệ nhau nhưng đi chung con thuyền phải bảo vệ nhau, thuyền đắm thì cả hai đều đắm. Điều này là sự thật, là lịch sử, chứ không phải là miễn cưỡng”.

Qua vụ việc Bát Nhã, tôi đặc biệt chú ý đến từ “bảo vệ nhau”. Có hay không chưa nên vội vã kết luận. Ai có thể đại diện cho Phật giáo Việt Nam ngồi vào con thuyền ấy? Tôi mong người trí thức Phật tử quan tâm đến tiền đồ dân tộc và Phật giáo sớm cùng ngồi lại với nhau để trả lời câu hỏi này.

Sen Việt: Trong quá trình theo dõi vụ việc Bát Nhã, cá nhân thầy có đề nghị giải pháp nào không?

Ngay từ đầu tôi đã viết Thư ngỏ gửi các vị lãnh đạo nhà nước đề nghị mở lòng khoan dung mà cưu mang họ. Tôi cũng đã đi thực tế tại Bát Nhã ngay sau khi xảy ra vụ việc. Tôi nghĩ đẩy người đi thì không khó nhưng gọi người trở về thì không dễ. Chính sách nhất quán của nhà nước Việt Nam là kêu gọi đoàn kết các thành phần dân tộc, kêu gọi kiều bào trở về đóng góp công sức trí tuệ cho quê hương, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Do đó nhà nước nên tăng cường vai trò của Giáo hội trong việc giải quyết vấn đề “nội bộ” Bát Nhã.

Cá nhân tôi xin có những đề nghị như sau:

1. Giáo hội nên xem xét xử lý thầy Đức Nghi và Đồng Hạnh theo đề nghị của Ban Trị sự tỉnh hội Phật giáo Lâm Đồng. Sau đó Ban Trị sự cần lập hồ sơ để khởi tố trước pháp luật hành vi đánh người gây thương tích đối với các cá nhân có liên quan.

2. Đề nghị Chính quyền điều tra những kẻ nào đã tự ý vào trục xuất, đánh đập, nhục mạ, cướp tài sản của tu sinh Làng Mai vào ngày 27/9/2009 để xử lý. Người “Phật tử” không bao giờ đánh chửi quý thầy và quăng liệng kinh sách. Nếu đúng là Phật tử của thầy Đức Nghi, Đồng Hạnh thì yêu cầu Ban Trị sự không coi đó là những Phật tử, không cho phép đến chùa trực thuộc Giáo hội dưới bất cứ danh nghĩa gì.

3. Yêu cầu Ban Trị sự tạm thời rút giấy phép bổ nhiệm trụ trì đối với thầy Đức Nghi và vai trò của thầy Đồng Hạnh trong tu viện Bát Nhã, cử một Ban Quản trị trong đó có một vị lãnh đạo trong Ban Trị sự tỉnh Lâm Đồng để điều hành tu viện, không để cho tê liệt, đồng thời tránh tạo tiền đề không tốt đối với các tu viện, chùa khác trên cả nước.

4. Cần xem vụ Bát Nhã là gương điển hình cho vụ việc làm tổn hại nghiêm trọng hình ảnh và uy tín của Giáo hội. Vì chắc chắn đây là một vụ việc sẽ đi vào lịch sử Giáo hội.

5. Tu viện Bát Nhã có vốn đầu tư rất lớn. Đề nghị Làng Mai hoàn tất các hồ sơ thủ tục pháp lý để tiến hành giải quyết dứt điểm vụ việc trên cơ sở pháp luật Việt Nam.

6. Vì vốn đầu tư lớn, nên yêu cầu nhà nước mở một cuộc điều tra cấp nhà nước xem có lo lót, chạy trọt để tiến hành lũng đoạn tu viện Bát Nhã với ý đồ chiếm dụng tài sản đầu tư của Làng Mai hay không, nhằm thể hiện tính công bằng và nghiêm minh của pháp luật Việt Nam, tạo sự tin tưởng đầu tư xây dựng quê hương của Việt kiều và các tổ chức quốc tế.

7. Đề nghị làm rõ vụ việc vì sao đó là “mâu thuẫn nội bộ” giữa tu sinh Làng Mai và thầy Đức Nghi ở tu viện Bát Nhã, nhưng chính quyền không có bất cứ hành vi can thiệp nào nhằm bảo vệ sức khỏe, danh dự và nhân phẩm cho họ. Không những thế khi họ sang tạm lánh nạn tại tu viện Bát Nhã (theo đúng quyền được lánh nạn khi có sự truy bức của bọn lưu manh, côn đồ) thì chính quyền lại làm ngơ. Phải chăng chính quyền và bọn lưu manh là một, toa rập với nhau để bạo hành tu sinh. Nếu xảy ra xô xát tại chùa thì Chính quyền trước nhất phải đến dẹp yên những kẻ đó, đằng này tu sinh lại trở thành tội phạm. Nếu là nội bộ chùa Bát Nhã vậy khi họ ra khỏi chùa Bát Nhã là đã đạt mục đích, tại sao chính quyền lại sang chùa Phước Huệ yêu cầu trục xuất tu sinh ngay trong ngày 28/9/2009. Trách nhiệm cá nhân của vụ việc đáng xấu hổ này thuộc về ai?

8. Về phía Làng Mai nên giữ thái độ bình tĩnh vốn có, liên hệ chính thức với Trung ương Giáo hội để đề nghị giúp đỡ vì Trung ương Giáo hội là người bảo lãnh cho pháp môn Làng Mai tại Việt Nam.

9. Những vấn đề liên quan đến vật chất, tiền bạc nên sử dụng luật sư để đưa vấn đề ra trước pháp luật nếu vụ việc không được giải quyết ổn thỏa, thấu tình đạt lý.

10. Quyền được tu tập theo pháp môn Làng Mai là quyền tự do tín ngưỡng căn bản của mọi công dân. Pháp môn Làng Mai là pháp môn tích cực được thế giới công nhận. Nhà nước Việt Nam cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển tại Việt Nam. Mọi công dân đều có quyền tạm trú ở bất cứ đâu để sinh sống. Vì thế mọi sự vận động tu sinh trở về quê là trái với Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo.

11. Qua vụ việc, Giáo hội cần nhìn nhận lại vai trò và trách nhiệm của mình trong việc ra các văn thư, quyết định. Cần nghiên cứu kỹ các văn bản quy phạm pháp luật, Hiến chương Giáo hội, Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo, Luật dân sự để biết mình có quyền và lợi ích hợp pháp như thế nào trong việc chính danh bảo vệ hình ảnh, uy tín của mình khi bị xúc phạm.

Sen Việt: Thầy có chia sẻ gì với tu sinh Làng Mai không?

Cá nhân tôi rất khâm phục họ. Chỉ mới có mấy năm tu tập ở Bát Nhã mà họ đã có những tiến bộ tinh thần rất rõ nét. Vững chãi duy trì trạng thái bất bạo động. Họ đã bảo vệ được hình ảnh của chính họ và làm đẹp cho tinh thần từ bi, khoan dung của Phật giáo. Họ thật hạnh phúc khi được Ôn Phước Huệ che chở cưu mang.

Sen Việt: Xin cảm ơn thầy về cuộc trò chuyện thú vị này!

Thực hiện:
Các thành viên không đầy đủ của Nhóm Sen Việt
http://huongsenviet.blogspot.com/2009/10/khong-loai-tru-kha-nang-xay-ra-tham.html

____________________________________________________________________

NHỮNG BẠO HÀNH Ở TU VIỆN BÁT NHÃ
xin giải thích giùm tôi

27-9-2009 Nguyễn Đắc Xuân

Từ tháng 6 đến tháng 9-2009 vừa qua, trên các trang web chính thức và không chính thức đăng nhiều tin tức kèm theo phim và ảnh viết rằng thầy trò Thượng tọa Đức Nghi – Viện chủ tu viện Bát Nhã – được chính quyền, công an địa phương ủng hộ, đã cùng thanh niên xã hội đen sử dụng nhiều biện pháp bạo ngược chưa từng có trong đời sống xã hội VN từ xưa đến nay đối với gần 400 tăng ni sinh Phật giáo tu theo pháp môn Làng Mai như cắt điện, cắt nước, đánh đập, chọi đá, ném phân lên người chư Tôn đức giáo phẩm Giáo hội PG tỉnh Lâm Đồng, bắt loa chửi bới suốt ngày những Thiền sinh tu theo pháp môn Làng Mai, v.v. Với nghiệp vụ báo chí mà tôi đã học và thực hành, tôi không thể bác bỏ những thông tin ấy được. Tuy nhiên tôi không thể tin những bạo hành ấy lại có thể diễn ra ở VN hiện nay – một quốc gia đã vào WTO, đang làm Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ, đã có mạng lưới truyền thông toàn cầu, đã và đang hỗ trợ xây dựng nhiều chùa Phật lớn nhất trong lịch sử Phật giáo VN, đã tổ chức thành công Đại lễ Phật đản của Liên hiệp quốc (Vesak) 2008, đang chuẩn bị tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Thế giới (2010), đang phấn đấu có một nền pháp trị, dân chủ, v.v.! Những sự việc đi ngược lại truyền thống đạo lý của dân tộc ấy nằm ngoài sức tưởng tượng của tôi cho nên suốt ba tháng qua, tôi chưa dám có một nhận định gì.

Cho đến sáng 27-9-2009, trên đường từ TP HCM lên Đà Lạt thăm mộ mẹ tôi ở Nghĩa trang Du Sinh, tôi ghé lại Bảo Lộc và vào thăm Tu viện Bát Nhã – nơi cách đây mấy năm tôi đã đến và đã hân hạnh được gặp Thượng tọa Thích Đức Nghi. Và, thật bất ngờ, dù trời mưa rất to, tôi đã chứng kiến được những phút giây bình yên cuối cùng mang tính lịch sử của gần 400 tăng ni sinh Phật giáo tu theo pháp môn Làng Mai ở Tu viện Bát Nhã.

Làm một “khách du lịch bụi”, trước tiên tôi vào Nhà trẻ Hiểu và Thương của TV Bát Nhã. Nhà Trẻ đóng cửa, tôi đi dần xuống dốc, vào một tòa lầu hai tầng mang tên xóm Mây Đầu Núi.

Được biết xóm Mây Đầu Núi do ông Đa-vít (Hoa Kỳ) tài trợ, Thượng tọa Đức Nghi đứng tên xây dựng để dành cho ngành tu Tiếp Hiện của pháp môn Làng Mai ở Bát Nhã. Nhưng Tiếp Hiện chưa dùng, TT Đức Nghi tạm dành cho một bộ phận ni của xóm Bếp Lửa Hồng. Một ni cô trẻ tiếp tôi và cho biết các cô ở xóm Mây Đầu Núi đang đi Thiền hành. Tôi được hướng dẫn ra phía sau, men theo con đường dốc lên Thiền đường Cánh Đại Bàng – nơi lần trước tôi đã chứng kiến cảnh đúc những hàng cột đầu tiên. Thiền đường mênh mông yên tĩnh. Nhiều bảng Nội quy và cửa kính bị đập vỡ. Thông tin đầu tiên mà tôi đã nghe lâu nay được xác nhận.

Cửa kính Thiền đường Chim Đại bàng bị đập vỡ

Nhìn ra đài Bông hồng cài áo phía bên phải thấy có bức tượng một phụ nữ vươn cao, dưới chân phụ nữ là hai bức tượng trẻ con bị đập gãy hết chân tay dợm lao đầu xuống đất. Con đường nối Thiền đường với khu dựng tượng bị cành thông lấp kín, tôi vội băng trên cây cỏ chạy ra xem. Nhìn hai pho tượng trẻ con giống như mấy đứa cháu ngoại của tôi ở TP HCM, chân tay bị đập vỡ tôi rất xúc động. Tôi chụp được mấy kiểu ảnh thì trời mưa xối xả.

Hai pho tượng trẻ con bị đập vỡ

Tôi quay lại đúng vào lúc hàng trăm Thiền sinh chống dù đi Thiền hành thảnh thơi an lạc xếp dù bước vào hành lang Thiền đường. Các Thiền sinh chưa hề biết tôi, tất cả đều cúi đầu chào tôi bằng một nụ cười rất hiền hòa thân ái. Trước sự thảnh thơi an lạc ấy, những xúc động trong tôi dịu lại. Tôi chào hết mọi người và nhờ chụp một kiểu ảnh để ghi lại trong nhật ký.

Một phút bình yên ngoài hiên Thiền đường Cánh Đại Bàng

Chia tay các Thiền sinh, tôi rảo bước đến cuối Thiền đường đi về hướng xóm Rừng Phương Bối dành cho các tăng sinh. Khu vực này nằm ngay phía sau khu vực Chánh điện và các cơ sở chính của TV Bát Nhã của TT Đức Nghi. Chỉ cách nhau một cái sân hẹp. Tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy trên tường TV Bát Nhã nhìn về phía dãy lầu xóm Rừng Phương Bối, TT Đức Nghi cho treo những băng-đờ-rôn viết những khẩu hiệu bằng một thứ ngôn ngữ chợ búa đe dọa, xua đuổi, xuyên tạc việc tu tập của gần 400 Thiền sinh tu theo Pháp môn Làng Mai. Tôi đưa máy ảnh chụp để về nhà đọc cho biết, nhưng các sư ùa đến ngăn tôi, bảo tôi phải cất máy ảnh và ra khỏi nơi này ngay. Nếu không đám xã hội đen đang có mặt trong TV Bát Nhã sẽ xông qua giật máy ảnh và bắt tôi. Phút bình yên trong tôi tan biến. Tôi vội ra phía sau đi qua cái cốc mà trước đây tôi đã đến chào TT Đức Nghi, rồi xuống nữa ngang qua cái cốc dành cho Sư ông Nhất Hạnh mỗi lần Sư ông về trú tại Bát Nhã. Tiếp đến là khu vực Bếp Lửa Hồng có hai tòa nhà cao rộng, chia nhiều gian dành cho giới ni.

Một tòa nhà Bếp Lửa Hồng

Lần trước đến đây ăn cơm chùa, tôi đã gặp nhà văn Tô Nhuận Vỹ lên thăm hai cháu Diệu Lan (phiên dịch tiếng Anh ở Bộ Ngoại giao) và Diệu Liên tập tu ở đây. Bây giờ Bếp Lửa Hồng khang trang hơn trước nhiều. Các ni lặng lẽ làm những việc cần phải làm trước khi bắt đầu buổi học sáng. Tôi không nhận thấy có điều gì lo lắng, sợ hãi ở đây cả. Sự an lạc thảnh thơi của các thiền sinh tu theo môn phái Làng Mai giúp tôi vững bước leo lên cái dốc hướng đến lầu chuông ở phía trái Chánh điện TV Bát Nhã. Giấu máy ảnh trong áo mưa, tôi đi men theo con đường sát với khu nhà bếp đối diện với xóm Rừng Phương Bối. Nhìn qua hàng rào tôi thấy bên trong hàng trăm người đàn ông, đàn bà, con trai con gái, áo nâu, áo lam nhếch nhác, nhiều người ăn mặc như cán bộ, một số cầm máy ảnh, máy quay phim, đùi, gậy, dao rựa đi đi lại lại, ăn nói, cười cợt lao xao. Tôi liên tưởng đến những côn đồ, xã hội đen, giả Phật tử đã từng tung hoành ở Bát Nhã được lưu trong các trang web phapnanbatnha, phusa, langmai lâu nay. Tôi sợ phải đối đầu với những đồng chí của mình nên muốn nhanh chân ra khỏi nơi này. Nhưng con đường tráng xi-măng quá trơn nên tôi phải lần từng bước một. Tôi vừa ra đến bên hông Chánh điện thì phía sau lưng tôi vang lên tiếng la ó, chửi bới và đám đông ùa qua Rừng Phương Bối đánh đuổi các Thiền sinh. Không hiểu sao, tôi quay lại thấy tất cả các Thiền sinh đều ngồi trong tư thế kiết già, bất động, chắp tay niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm để mặc cho người của TT Đức Nghi hành động đánh đập, lôi kéo, phá tán. Các Thiền sinh khoát tay khẩn khoản bảo tôi lui ra. Như cái máy, tôi lui ra. Quay nhìn xuống dưới vườn chè lại thấy một nhóm người khác của TT Đức Nghi ùa xuống xóm Bếp Lửa Hồng. Và cảnh bạo hành như ở Rừng Phương Bối diễn ra và các ni cũng ngồi kiết già niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm. Tôi cảm thấy kinh hoàng giống như sáng ngày 21-8-1963 khi Cảnh sát Dã chiến thực hiện kế hoạch Nước lũ của ông Ngô Đình Nhu tấn công vào chùa Diệu Đế mà tôi đã từng viết trên báo Giác Ngộ. Và hơn thế nữa, hồi 1963, thấy Cảnh sát Dã chiến tôi có thể nhận ra họ để tìm cách đối phó, còn ở Bát Nhã hôm đó Cảnh sát đồng chí của tôi mặc thường phục, không phân biệt với dân thường, đám xã hội đen lau hau, tôi không biết họ là ai, nếu nhỡ bị họ hành hung đập máy ảnh, thu giấy tờ trong ví của tôi thì tôi không biết ai để mà thưa với chính quyền của tôi. Tôi rất bối rối. Và, càng bối rối hơn nữa, trời mưa to, nhà tôi ở Huế gọi điện thoại cầm tay vào báo Bão số 9 sắp vào Huế chưa tìm được người giúp đưa sách và tài liệu nghiên cứu của tôi lên gác. Đây cũng là một cái tin dữ. Có lẽ nào tôi đang phải gánh chịu hai trận bão một lần sao? Bão người và bão trời!

Không hiểu sao, tôi không chạy ra tỉnh lộ trước TV Bát Nhã, phản xạ tự vệ xui tôi băng qua rừng thông trở lại Thiền đường Cánh Đại Bàng, xuống dốc chạy ngược về xóm Mây Đầu Núi – nơi tôi vừa ghé lúc sáng và nghĩ rằng ở đây tách biệt với TV Bát Nhã nên hy vọng còn bình yên. Nhưng không ngờ, mới đến Mây Đầu Núi thì gặp một sư cô nói giọng Huế tên là Trang Nghiêm đang thư thả đi đi lại lại trên hiên lầu. Cô khuyên tôi ra khỏi nơi đây ngay, người ta sắp tấn công Mây Đầy Núi. Sắp bị tấn công mà cô bình thản như đang chờ khách đến thăm. Có lẽ cô cùng lứa tuổi với con gái tôi, cô tu được bao lâu rồi, cô an trú được điều ấy lâu chưa? Tôi quy y Phật với Hòa thượng Thích Đôn Hậu từ năm 1956, lúc ấy cô chưa ra đời nhưng lòng tôi giờ này vẫn đang vọng động. Vì kính phục đạo hạnh của sư cô, tôi xuống cầu thang đi ra ngỏ. Cửa ngõ chưa kịp khép lại, tiếng niệm Phật đồng thanh vang lên sau lưng tôi. Tôi biết lực lượng trấn áp của TT Đức Nghi đã ập vào Mây Đầu Núi. Nam mô A di đà Phật ! Thôi hết rồi! Lúc này chỉ còn biết niệm Phật mà thôi.

Tôi giả làm một “khách du lịch bụi”, “bị đau bụng bất ngờ nên phải bỏ dở cuộc thăm Thác Damri”. Tôi nhờ một em bé đang mua xăng ở cái quán bên đường gọi giúp tôi một chiếc xe ôm. Em ấy thấy tôi đau, ôm bụng nhăn nhó nên nhận lời. Một lúc có một người trạc tuổi năm mươi đi xe Honda 78 đến gặp tôi. Với giọng Bắc, anh bảo:

-“Em làm vườn trong TV Bát Nhã, hôm nay họ đang cưỡng chế các Thiền sinh của Làng Mai dữ tợn quá nên em nghỉ. Nghe thằng bé nói có ông già du khách đau bụng cần về Báo Lộc gấp nên em chạy ra đây, nhưng chiếc xe cà tàng của em sợ chở bác không ra đến Bảo Lộc được mà phải nằm lại dọc đường thì lôi thôi lắm. Nghe nói Công an, cảnh sát đang chốt nhiều nơi dọc đường…”

Tôi cố giấu sự lo lắng của mình, hỏi anh chàng xe ôm:

-“Thôi được. cám ơn anh. Tôi sẽ gọi taxi. Làm vườn cho TV Bát Nhã, anh có theo Đạo Phật không?”

-“Em là dân Thái Bình – cậu xe ôm đáp – nhưng theo Đạo Phật, nhà em thì theo Thiên chúa giáo. Mấy tháng nay, em thấy Đạo Phật của chùa Bát Nhã chửi bới Đạo Phật Làng Mai chợ búa quá, em chán bỏ Đạo Phật luôn”.

-“ Họ chửi bới như thế nào?”

-“Chửi bới như đám bụi đời ngoài chợ. Trong chùa ông Đức Nghi có nuôi bà Hường làm công quả. Bà này suốt ngày mở máy chửi các sư, các cô tu theo pháp môn Làng Mai không thiếu điều gì. Bà chửi “Làng Mai đến đâu, u sầu đến đó”, nhưng dân ở đây thì lại nói: Làng Mai đến đâu dân giàu đến đó”.

-“Dân giàu như thế nào?”.

-“Nhiều thứ. Trẻ em có mẫu giáo, có nhà trẻ Hiểu và Thương để học, người nghèo được giúp đỡ, có hàng ngàn hàng vạn khách đến tu, đến tham quan, dân chúng buôn bán phục vụ rất phát tài; đất Đam-ri trước đây vài trăm ngàn một mét chả ai thèm để ý, khi có đạo Phật Làng Mai về, mét vuông cả triệu bạc. Làng Mai mà dọn đi thì cái chùa Bát Nhã này chả còn ma nào đến nữa! Dân ở đây lại khó khăn như cũ”.

-“Anh làm vườn cho Tu viện Bát Nhã của TT Đức Nghi một ngày được bao nhiêu tiền?”

- Được 5 ký gạo thơm. Em đem về nhà 2 ký, 3 ký bán uống rượu. Chán quá!”.

Xe taxi đến, tôi chia tay anh xe ôm bất đắc dĩ. Cám ơn những thông tin chân thực anh vừa kể.
*
* *
Đúng như anh xe ôm nói, đường ra Bảo Lộc, mặc cho trời mưa công an cảnh sát chốt nhiều nơi. Đến một ngã ba, chiếc taxi chạy chậm lại, anh tài xế nói với tổ Cảnh sát “chở người bệnh” nên họ cho đi. Ra đến Bảo Lộc, tôi biết sự có mặt của tôi ở Bảo Lộc lúc này không có ích gì nên tôi sang qua xe Bus Phương Trang lên thẳng Đà Lạt. Thoát khỏi những bức xúc ở Bát Nhã. Nhưng trong tai tôi vẫn nghe âm vang tiếng niệm Phật của tăng thân Làng Mai ở Bát Nhã. Đến Đà Lạt, tôi trú tại nhà một người quen. Mệt, buồn ngủ nhưng tôi không ngủ được. Chốc chốc các bạn tôi ở Bảo Lộc lại gọi điện thoại báo cho tôi biết tinh hình 400 tăng thân Làng Mai đã bị cưỡng chế ra khỏi Tu viện Bát Nhã. Trong lúc tôi ngồi xe lên Đà Lạt thì các nam nữ Thiền sinh bị quản thúc giữa trời mưa lạnh và một số đã ra trú tại chùa Phước Huệ của TT Thích Thái Thuận. Phần lớn Thiền sinh nữ vẫn còn trú tại xóm Mây Đầu Núi gần Bát Nhã. Tôi được người bạn dành cho một cái chăn dày, tôi quấn chăn vào người mà vẫn thấy lạnh. Mong sao trời mau sáng.

Sáng hôm 28-9-2009, lên Nghĩa trang thắp hương cho mẹ rồi tôi vào thăm ngôi chùa mà anh em tôi định ký thác linh vị của mẹ tôi ở đó. Vào chùa, vị sư trụ trì từng xuống đường đấu tranh chống chế độ Ngô Đình Diêm kỳ thị tôn giáo năm 1963 hỏi tôi ngay:

- “Này ông cán bộ, các ông hết chuyện nói rồi sao mà đi dựng chuyện nói thầy Thích Nhất Hạnh là người ít tắm rửa, hôi hám đến nỗi các đệ tử của ông phải khênh ông đi tắm?”

Quá bất ngờ, tôi chưng hửng không biết trả lời vị trụ trì như thế nào cho phải đạo. Tôi lặng người, ngồi vào bàn uống nước rồi lần hồi hỏi đầu đuôi câu chuyện ra sao. Thầy cho biết chiều ngày 16-9-2009, Ban Thường trực UBMTTQ TP Đà Lạt triệu tập tất cả các vị trụ trì chùa Phật trên địa bàn Thành phố đến Hội trường Khối Mặt trận và các đoàn thể (31 ĐTH, P.2) phổ biến “một số tình hình Phật giáo trên địa bàn thành phố trong thời gian qua”. Vị trụ trì nghe Ban tôn giáo Thành phố phổ biến tình hình và ông Ban tôn giáo đã nói về Thầy Nhất Hạnh như thế”.

Dù tôi đã hưu trí trên mươi năm, nhưng cảm thấy nhục trước vị sư già. Dù tôi không lạ với trình độ, kiến thức thô thiển của giới cán bộ cơ sở, nhưng nghe cán bộ nói chuyện với hơn bốn chục vị trù trì chùa Phật về Sư ông Nhất Hạnh như thế thì quả là họ quá xúc phạm Sư ông Nhất Hạnh. Không chỉ xúc phạm Sư ông Nhất Hạnh mà còn xúc phạm các vị trụ trì chùa Phật ở Đà Lạt. Tôi hỏi nhà sư trụ trì:

-“Sao thầy không hỏi theo tài liệu nào mà cán bộ nói một vị Thiền sư nổi tiếng quốc tế như Thầy Nhất Hạnh lại có thể như thế? Mà Thiền sư Nhất Hạnh cũng đã về nước nhiều lần, biết bao Phật tử, cán bộ, lãnh đạo tiếp Thiền sư nhưng có ai nói như thế đâu!”

-“Thôi ông cán bộ ơi, các ông xem thầy tu chúng tôi là bọn con nít nên mới rao giảng với chúng tôi như thế. Hơi đâu mà đi hỏi cho thêm rắc rối!”.

Nói xong vị sư đưa cho tôi hai tài liệu mà ông đã được phát trong buổi họp hôm đó và bảo tôi:

-“Cầm lấy”.

Hai tài liệu này [1] tôi đã có từ lâu, nhưng vì nể ông nên tôi “cầm lấy” và cám ơn. Bỗng có một thanh niên tăng, mặt mày ủ dột bước vào, Thầy Trụ trì hỏi vị thanh niên tăng:

-“ Sao, chính quyền với công an Phường đến nói chuyện chi rứa?”

-“Bạch ôn, họ cho biết tiểu thương các chợ ở Đà Lạt đang làm áp lực với quý thầy, yêu cầu quý thầy cầm cờ để họ đi biểu tình phản đối chính quyền đánh đuổi các Thiền sinh tu theo pháp môn Làng Mai ra khỏi TV Bát Nhã ở Bảo Lộc. Chính quyền đến khuyên các chùa, chuyện chi còn có đó, xin hãy giữ im lặng để Thành phố được bình yên!”

Vị trụ trì than:

-“Các anh làm sao để cho Phật tử nên nông nỗi này, các anh!”.

Vị thanh niên tăng quay nhìn tôi và nói tiếp:

-“Làm thầy tu lúc này nhục quá bác ơi! Suốt ngày tôi trốn trong chùa chớ không dám ra đường. Cả một Giáo hội to lớn như thế mà để cho một mình TT Đức Nghi tung hoành, phá nát uy tín của Phật giáo như thế. Chuyện xưa nay chưa từng có!”.

- “ TT Đức Nghi tung hoành như thế nào, thưa thầy?” – Tôi hỏi.

- “Mô Phật, nghe nói bác là nhà nghiên cứu gì đó nổi tiếng lắm mà giờ đây còn hỏi TT Đức Nghi tung hoành ở TV Bác Nhã như thế nào nữa sao? Bác có dùng internet không? Hãy vào gu gồ mục từ “Thượng tọa Thích Đức Nghi” bác tha hồ mà đọc. Có phim, ảnh, tài liệu đủ cả!”.

Cách xưng hô và ý tứ lồng trong cuộc trao đổi của vị tăng trẻ giống như chúng tôi những năm sáu mươi của thế kỷ trước, trái ngược với phong cách ý tứ hòa nhẫn của các Thiền sinh ở TV Bát Nhã mà tôi đã gặp sáng hôm 27-9-09. Tôi mường tượng đến sự bức xúc của giới tăng trẻ ở Lâm Đồng hiện nay. Không rõ Đảng và chính quyền có biết sự bức xúc ấy không? Tự nhiên tôi cảm thấy buồn dã dượi. Tôi đảnh lễ bái biệt vị sư trụ trì và lặng lẽ rời Đà Lạt quê ngoại thứ hai của tôi.

Khi chiếc xe khách Mai Linh chở tôi sắp vào địa phận Thị xã Bảo Lộc, tôi điện thoại nhờ một thầy giáo thi sĩ ở Bảo Lộc đón tôi và hướng dẫn cho tôi vào thăm TT Thích Thái Thuận – Phó Ban Trị sự Phật giáo Lâm Đồng, Trụ trì chùa Phước Huệ. Anh bạn thơ của tôi thảng thốt đáp qua điện thoại: “Không được đâu. Anh không biết thầy đã bị côn đồ hành hung khi ông vào thăm Bát Nhã hồi cuối tháng sáu sao? Bây giờ 400 Thiền sinh bị xúc ra khỏi TV Bát Nhã đang tạm trú ở chùa Phước Huệ, chính quyền và công an ở Bảo Lộc đang lệnh cho thầy Thái Thuận phải đuổi các Thiền sinh ra khỏi chùa cho nên họ không cho mình vô đâu. Anh không nên ghé lại Bảo Lộc lúc này. Tình hình đang rất căng thẳng. Thôi nhé!”.

Tôi tắt điện thoại và có cảm tưởng tôi như một người đào ngũ đang chạy trốn.

Về nhà tôi ghi lại những gì tôi vừa chứng kiến, vừa nghe trực tiếp để so với những gì tôi đã truy cập được từ internet và lưu lại trong PC lâu nay. Mở Hồ sơ những cuộc bạo hành ở TV Bát Nhã, tôi xếp qua một bên những tin tức, những tường thuật của người này, của đài nọ, chỉ chọn in ra giấy những văn bản chính thức của chính quyền Trung ương và địa phương, của Giáo hội Phật giáo Trung ương và tỉnh Lâm Đồng, của Tăng thân Làng Mai ở Tu viện Bát Nhã, của TT Đức Nghi, v.v.

Với thực tế tôi đã nắm bắt được, đọc lại những văn bản chính thức dẫn trên, không làm cho tôi sáng tỏ vấn đề mà ngược lại chúng còn làm cho tôi khó hiểu thêm:

1/ Tại lễ Truyền đăng (còn ghi tại địa chỉ phapnanbatnha.org), trước Phật đài và Sư ông Thích Nhất Hạnh, Thượng tọa Đức Nghi nguyện thề:

“Kính bạch Sư ông, ngọn đèn hôm nay là chúng con nhận tại thiền đường xóm Thượng này, xin nguyện với Sư ông rằng: “Thà đốt ngọn đèn le lói còn hơn ngồi nguyền rủa bóng đêm”. Sẽ trở về Việt nam những nơi nào khó khăn chúng con đều đi đến, những nơi nào còn gặp nhiều khổ đau chúng con sẽ đi đến chúng con đem tình thương của Sư ông của đại chúng để làm đẹp cho cuộc đời. Mà nếu mai này, mai này chúng con không tồn tại trên thế gian này thì những người đệ tử của chúng con vẫn tiếp tục con đường đó, không có ai có thể đi ngược lại với con đường chúng con đã vạch sẵn“

Như thế, không ai hiểu ý thức chính trị và đánh giá cao giá trị Đạo Phật Làng Mai của Sư ông Nhất Hạnh bằng TT Đức Nghi. TT Đức Nghi rước Sư ông Nhất Hạnh về Bát Nhã, trước Phật đài, Thượng tọa dâng hiến đất chùa Bát Nhã cho Sư ông, Thượng tọa qua Pháp nhận Lễ Truyền đăng và nhận làm đệ tử của Sư ông, học pháp môn Làng Mai đem về thực hiện ở Bát Nhã. Ngày nay, nếu nhà nước cho rằng việc tu theo Pháp môn Làng Mai, ý thức chính trị của Sư ông Nhất Hạnh có hại cho chế độ hiện hành thì người chịu trách nhiệm trước tiên với Nhà nước không ai khác là TT Đức Nghi – Viện chủ TV Bát Nhã. Nhưng không hiểu vì sao cho đến nay pháp luật Việt Nam chưa hề đả động gì đến Thượng tọa Đức Nghi mà chỉ quan tâm đến việc đăng ký tạm trú của 400 thanh thiếu niên Việt Nam ở TV Bát Nhã và nay ở chùa Phước Huệ Bảo Lộc mà thôi?

2/ Bản tường trình và báo cáo khẩn cấp vụ việc hành hung phái đoàn Ban Trị sự GHPG Lâm Đồng xảy ra ngày 29/06/2009, tại tu viện Bát Nhã, thị xã Bảo Lộc, Tỉnh Lâm Đồng (số: 68 /BC/BTS), viết rằng:

“1. Phái đoàn Ban Trị sự đến thăm tu viện Bát Nhã để xem xét tình hình và nắm bắt tình hình cụ thể tại Tu viện Bát Nhã, là cơ sở trực thuộc của Giáo hội mà TT. Đức Nghi lại cho một nhóm người hung hăng dữ tợn tấn công BTS bằng gậy gộc, đá, phân hầm cầu, cố ý bức tử Ban Trị sự.

2. Việc bạo hành tàn ác này không phải là sự việc ngẫu nhiên mà là có âm mưu chuẩn bị từ trước nhằm đánh Ban Trị sự, Chư Tôn đức lãnh đạo Phật giáo Lâm Đồng. Hành vi này là coi thường kỷ cương pháp nước, xâm phạm đến nhân phẩm, sức khoẻ, xúc phạm đến Chư Tôn giáo phẩm trầm trọng. Đây là nỗi đau xót, nhục nhã hiếm thấy trong lịch sử Phật giáo Việt Nam

3. Việc bạo hành đã và đang xảy ra tại Tu viện Bát Nhã từ trước đến nay, TT. Thích Đức Nghi, Thích Đồng Hạnh và đồng bọn phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước luật pháp nhà nước và giáo luật của Giáo hội “ (NĐX nhấn mạnh)

TT Thái Thuận, Phó BTS Phật giáo Lâm Đồng, bị đánh trọng thương vào ngày 20-6-2009

Tội của TT Đức Nghi đã quá rõ ràng như thế, được tổ chức cao nhất của Giáo hội PG Lâm Đồng tường trình với Nhà nước, với Chính phủ, với các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương như thế mà các cơ quan chức năng của nhà nước và GHPG ở Trung ương, suốt trong hơn ba tháng qua chưa hề đả động gì đến TT Đức Nghi và đồng bọn? TT Đức Nghi là ai mà được sống ngoài pháp luật và Giáo luật như thế? Là ai mà được tự do thực hiện luật rừng đối với BTS GHPG Lâm Đồng, với 400 Thiền sinh tu theo Pháp môn Làng Mai chỉ biết tự vệ bằng niệm Phật như thế?

3/ Tất cả các cuộc bạo hành do thầy trò TT Đức Nghi tiến hành ở Tu viện Bát Nhã từ tháng 6 đến nay đều có sự chứng kiến của công an cảnh sát địa phương. Công an cảnh sát là những người có nhiệm vụ trấn áp tội phạm bảo vệ dân lành, tại sao các anh lại không ngừng phối hợp với tội phạm mang tên Thích Đức Nghi? Hay Thích Đức Nghi là người của …?

4/ Công an, cảnh sát là lực lượng thi hành pháp luật, chính đại quang minh, thế lực lượng công an cảnh sát của địa phương đi đâu mà không tham gia vào việc cưỡng chế 400 Thiền sinh ở tu viện Bát Nhã mà lại đi dùng đến những thành phần ô hợp xã hội đen? Hành xử như thế các anh có biết là tiếp tay cho bọn chống phá Việt Nam bôi nhọ chính quyền ta không?

5/ Chuyện phát biểu của Sư ông Nhất Hạnh không thuận với Nhà nước VN là chuyện của Sư ông và Nhà nước, việc tu hành của 400 thanh thiếu niên theo Môn phái Làng Mai không có biểu hiện gì liên quan đến sự không thuận ấy, không có bất cứ biểu hiện gì “nguy hại” đến an ninh, chính trị cấp thời ở địa phương cả, thế vì sao tỉnh Lâm Đồng lại tiến hành việc cưỡng chế gấp rút giữa ngày mưa gió lạnh lẽo ảnh hưởng của Bão số 9 như thế?

6/ Chính quyền Lâm Đồng, TX Bảo Lộc, công an địa phương qua các phương tiện phát thanh, qua các cuộc phổ biến thời sự ở địa phương, luôn xác định “Việc rắc rối xảy ra ở TV Làng Mai là chuyện nội bộ của Phật giáo”. 400 Thiền sinh tu theo Pháp môn Làng Mai ở TV Bát Nhã là đệ tử của TT Đức Nghi – Phó Ban Trị sự GHPG Lâm Đồng, dù TT Đức Nghi đã bỏ rơi họ, nhưng họ vẫn là một bộ phận của Phật giáo ở Bảo Lộc (Lâm Đồng). Tại sao chính quyền cưỡng chế 400 người xuất gia theo Phật ấy không có mặt bất cứ một đại diện BTS GHPG TX Bảo Lộc hay của tỉnh Lâm Đồng nào cả?

TT Đức Nghi chủ lễ cho 45 giới tử xuất gia ngày 8-1-2006

7/ Khoản 4, trong Bản tường trình ngày 12-8-2008 dài 18 trang, do các các vị Thích Chân Pháp Khâm, Thích Chân Trung Hải, Thích Nữ Chân Thoại Nghiêm, Thích Nữ Chân Phúc Nghiêm viết và gởi lên Ban Trị sự Tỉnh Hội Phật Giáo tỉnh Lâm Đồng, Ban Đại diện Phật giáo Thị Xã Bảo Lộc, việc xây dựng cơ sở ở TV Bát Nhã và tiền mua đất và xây dựng Xóm Mây Đầu Núi bên cạnh Tu viện với tổng số tiền là: 12tỷ 509 triệu+ 2tr800 triệu+ 3tỷ 370 triệu = 18 tỷ 679 triệu (hơn 1 triệu USD). Các cơ sở xây dựng xóm Rừng Phương Bối, xóm Bếp Lửa Hồng, xóm Mây Đầu Núi, và Thiền đường Cánh Đại Bàn là tài sản của Tăng thân Làng Mai. Trước khi trục xuất 400 người chủ của các cơ sở ấy ra khỏi nhà của họ, Chính quyền địa phương và TT Đức Nghi đã có phương án xử lý số tài sản hơn 1 triệu USD ấy như thế nào chưa?

8/ Cho thực hiện việc cưỡng chế 400 Thiền sinh ra khỏi Tu viện Bát Nhã bằng biện pháp bạo hành dẫn trên, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng hẳn đã hiểu rõ việc làm của mình. Vậy, kính mong các đồng chí giúp cho người cầm bút già này được biết (để viết lịch sử) việc bạo hành của những người thừa hành các đồng chí thực hiện ở TV Bát Nhã vừa qua có khác gì với những bạo hành mà chế độ Ngô Đình Diệm thực hiện để đàn áp Phật giáo năm 1963 như thế nào không (về hình thức lẫn nội dung)? (Nếu không khác thì giới sử học VN phải rất khó khăn khi viết Lịch sử chế độ Diệm. Kính mong các đồng chí hãy cứu giới nghiên cứu chúng tôi).

Còn nhiều điều cần phải được giải thích nữa, nhưng bài viết đã quá dài tôi không tiện nêu ra thêm. Nếu được các cấp quan tâm, tôi sẽ nêu tiếp trong những bài sau.

Về chế độ thì tôi đã hưu trí trên mười năm, nhưng với trách nhiệm của người cầm bút cách mạng thì tôi vẫn còn đứng vững trên mặt trận văn hóa tư tưởng bảo vệ đất nước và dân tộc. Để tôi có thể tiếp tục tự hào về cuộc đời mình đã góp phần xây dựng nên một xã hội “công bằng, dân chủ, văn minh”, để khi cầm bút tôi không bị vướng bận gì, kính mong các cơ quan chức năng ở Trung ương, Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam giải thích giùm tôi những câu hỏi trên. Nếu không được quý vị quan tâm thì niềm tin về Đảng, về GHPG VN ở cuối đời của tôi sẽ giã từ tôi. Rất kính mong.

Gác Thọ Lộc, tháng 10-2009.

Nguyễn Đắc Xuân [2]

Chú thích:
[1] Tài liệu 1: Ý kiến của Ban Tôn giáo Chính phủ v/v hoạt động tôn giáo của Làng Mai (nước Pháp) tại Việt Nam, số 1329/TGCP-PG, ký ngày 29-10-2008, Tài liệu 2: Thông báo Kết luận vấn đề Tu viện Bát Nhã – Thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng của Ban TT Hội đồng Trị sự GHPGVN, Văn phòng 2, số 037/CV/HĐTS, ký ngày 19-01-2009.

[2] Để những người có trách nhiệm trong việc giải quyết những bạo hành ở TV Bát Nhã và độc giả gần xa hiểu rõ hơn về nhân thân tác giả bài viết này, tôi xin tự giới thiệu vài nét sau đây: Tôi sinh năm 1937, nay gần 73 tuổi (có 15 năm thơ ấu ở Đà Lạt), xuất thân từ Phong trào đấu tranh chống Chính quyền Ngô Đình Diệm kỳ thị tôn giáo (1963), có 3 năm tranh đấu ở đô thị (1963-1966), có 9 năm tham gia kháng chiến chống Mỹ (1966-1975), 36 tuổi Đảng (1973-2009), Hội viên Hội Nhà văn VN, hội viên Hội KH Lịch sử VN, trước khi hưu trí (7-1998) có 5 năm làm Trưởng Văn phòng báo Lao Động ở miền Trung và Tây nguyên (1993-1998), hiện nay là nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử, thành viên của Hội đồng khoa học Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, CTV đặc biệt của báo Hồn Việt (62 Trần Quốc Thảo, Q.3, TP HCM), chuyên gia về Nguyễn Huệ-Quang Trung ở Huế, chuyên gia nghiên cứu về Thời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế, đã xuất bản gần 50 đầu sách văn hóa lịch sử Huế, đang viết lịch sử cuộc Vận động của Phật giáo chống chính sách kỳ thị tôn giáo của chế độ Ngô Đình Diệm (1963), lịch sử của Phong trào đấu tranh yêu nước ở đô thị, Phong trào Văn thơ âm nhạc vận động hòa bình những năm 1964-1966 tại miền Nam VN. Thường trú ở Huế, một nửa thời gian sống ở TP HCM. Mọi liên lạc qua e-mail: [email protected]. Nếu có độc giả nào muốn biết thêm về tôi, về những gì tôi đã viết xin vào các trang web sau: sachhiem.net, giaodiemonline.com, dongduongthoibao.net, nhandanvietnam.org, http:/honvietquochoc.com.vn.

____________________________________________________________

HUYẾT THƯ

Thứ tư, 30 Tháng 9 2009

Nam Mô Bổn Sư Thích ca Mâu ni Phật.
Thành kính đảnh lễ lịch đại Tổ Sư, Anh Linh Chư Vị Thánh Tử Đạo chứng giám.
Thành kính đảnh lễ và cung thỉnh Chư Tôn Đức trong Ban Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Tỉnh Lâm Đồng cùng Chư Tôn Đức Tăng – ni chứng minh.

Kính gởi:

- Sở Nội Vụ Tỉnh Lâm Đồng
- Sở Công an tỉnh Lâm Đồng
- Các cơ quan, ban ngành đoàn thể trong tỉnh Lâm Đồng, thị xã Bảo Lộc

Chúng tôi thay mặt đông đảo Tăng – ni trẻ đang tu tập trong địa bàn tỉnh Lâm Đồng, sau lưng chúng tôi còn còn hàng ngàn Phật tử sẵn sàng nghe lời hiệu triệu, chúng tôi viết huyết thư này kính gởi các ban ngành hữu quan, xin trình bày một việc như sau:

Suốt nhiều tháng qua, các tu sinh đang tu học tại Tu Viện Bát Nhã luôn bị quấy nhiễu bởi nhiều thế lực bên ngoài; bên trong thì không điện, không nước, tình hình càng ngày càng trở nên căng thẳng và bức xúc. Chúng tôi không biết rõ nguyên nhân sự việc như thế nào, chính vì thế chúng tôi im lặng. Chúng tôi là những Tăng – ni trẻ, có học thức, có chánh kiến, có sự đoàn kết và thương yêu trong tinh thần giới luật Phật giáo. Chúng tôi không phải là những kẻ bồng bột, nông nỗi.

Đối với những việc quốc gia đại sự hay những vấn đề tế nhị, nhạy cảm, chúng tôi không xen vào. Tuy nhiên, đối với những gì xảy ra tại Tu Viện Bát Nhã suốt những ngày qua 26, 27, 28 tháng 09 năm 2009, chúng tôi được biết các tu sinh tại đây bị những kẻ lạ mặt xông vào hành hung nhằm trục xuất khỏi Tu Viện, đẩy những tu sinh vô tội ra ngoài trời mưa gió bão, đói rét, rồi lăng mạ, chửi rủa, kể cả những hành động tồi bại nhất họ cũng không chừa…Tất cả những sự việc ấy đều diễn ra trước sự chứng kiến của công an và chính quyền. Như thế đây không phải chỉ là việc của nội bộ Tu Viện Bát Nhã mà chính là những hành động được sự điều khiển của nhà nước. Xét thấy những người đồng đạo bị hành hung và bị đẩy ra ngoài một cách thương tâm như vậy, Tăng – ni trẻ chúng tôi không thể làm ngơ được. Tình Linh Sơn cốt nhục là thiêng liêng và bất tuyệt, chúng tôi không thể khoanh tay ngồi nhìn những tu sinh bị ức hiếp như vậy, nên chúng tôi viết huyết thư này gởi đến quý cấp hữu quan những kiến nghị như sau:

1. Nếu đây là chuyện của nội bộ Phật giáo hãy để cho nội bộ Phật giáo giải quyết.

2. Tuyệt đối không được động đến tu sinh Làng Mai (hiện đang tỵ nạn tại chùa Phước Huệ Bảo Lộc) bằng bất cứ hình thức nào.

3. Hãy để cho 400 tu sinh Làng Mai được tiếp tục tu học trong giới luật của Phật, trong vòng tay bảo bọc của Chư Tôn Đức Tăng – ni trong tỉnh.

4. Không được cưỡng chế, hăm dọa, cản trở và tác động từ bên ngoài đến các tu sinh Làng Mai.

Đây là huyết thư, với động lực duy nhất là tình Linh Sơn cốt nhục, tuyệt đối không xuất phát từ những ý thức chính trị, đảng phái hay hệ phái, giáo hội nào. Nếu không thực hiện được thì Tăng – ni trẻ chúng tôi thật hổ thẹn với liệt tổ, liệt tông. Chính vì vậy, nếu các cấp chính quyền gây thêm bất kỳ một áp lực nào như đã làm, chúng tôi báo trước là sẽ quyết tử vì tình đồng đạo, hậu quả là không thể lường được.

Nam Mô Chứng Minh Sư Bồ Tát Ma Ha Tát.

Lâm Đồng, ngày 30/09/2009
TM. Tăng – ni trẻ tỉnh Lâm Đồng
Đồng kí tên

________________________________________________________________

GS. NGUYỄN HUỆ CHI:
MONG CÁC BẬC GIÁO PHẨM CỦA PGVN

LÀ NHỮNG ĐÓA SEN TRONG LÒ LỬA

Chủ nhật, ngày 18 tháng mười năm 2009

Bauxite Việt Nam tha thiết kính mong các bậc tôn túc trong hàng giáo phẩm của Phật giáo Việt Nam hãy thực sự là những đóa sen trong lò lửa để lòng ngưỡng mộ của chúng tôi với các vị giữ được vẹn nguyên, không phân nào sút giảm.

Bài viết trên báo Giác ngộ mà chúng tôi đăng dưới đây vốn là tóm lược công văn số 429, ngày 5 tháng 10 năm 2009,với chữ ký của Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhằm trình bày nhận định của Trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam về vụ khiêu khích tại Bát Nhã từ 4 tháng nay mà chính quyền làm ra vẻ mình là vô can, mặc cho 400 tu sinh tu theo pháp môn Làng Mai hàng ngày bị đám côn đồ tông tích mờ ám dưới sự điều khiển của những kẻ ném đá giấu tay tha hồ hành hung bằng mọi cách, cuối cùng đã đuổi họ tứ tán, gần một nửa phải đến lánh nạn ở chùa Phước Huệ.

Trong bài báo, các vị Trung ương GHPGVN đã lên án thái độ của TT Thích Đức Nghi, quy rõ trách nhiệm của con người này trước những "hành vi thô bạo, kém văn hóa" lộng hành ở chùa Bát Nhã. Đó là một tiếng nói cần thiết, lần đầu tiên cất lên chính thức, đáp ứng đúng những gì người dân đang vô cùng bức xúc. Bởi không lẽ 400 con người hiền lành, không có một mưu cầu gì khác ngoài việc tin theo Bụt mà tìm đến cửa Phật, lại đành phải ngậm oan nuốt tủi, mặc cho người ta chà đạp lên thân xác, phá hoại nơi Phật viện trang nghiêm của mình, dùng đủ thủ đoạn bất lương làm cho mình không được thực hiện quyền tự do tín ngưỡng ghi trong Hiến pháp nước CHXHCNVN?

Tuy nhiên, Trung ương GHPGVN có đưa ra lời khuyến cáo rằng "Giáo hội nhất trí không công nhận sự tu tập bất hợp pháp và cá nhân không hợp pháp, nhất là tại chùa Phước Huệ, Văn phòng Ban Đại diện Phật giáo thị xã Bảo Lộc", theo đó mà suy ra thì ai không có hộ khẩu hay không có tạm trú hợp pháp tại Lâm Đồng sẽ không được ở lại tu tập, và thời hạn mà các vị quy định là đến tháng 12-2009 sẽ phải thi hành.

Kể cũng lạ nếu ta đối chiếu với văn bản số 525 TGCO-PG của Ban Tôn giáo Chính phủdo ông Nguyễn Thế Doanh, Phó trưởng ban thường trực, ký ngày 7-7-2006 đồng ý cho 400 tu sinh theo pháp môn làng Mai được thực hiện khóa tu ở chùa Bát Nhã từ 2006 đến 2010 dựa trên Công văn số 212/CV/HĐTS của chính Trung ương Hội PGVN ký ngày 25-5-2006 đề nghị để cho Tỳ kheo Thích Đức Nghi được mở khóa tu này.

Thế có nghĩa là trước đây, Trung ương GHPGVN đã chính thức bảo trợ cho khóa tu thông qua bản đăng ký của TT Thích Đức Nghi với UBND tỉnh Lâm Đồng; chẳng lẽ bây giờ ông Thích Đức Nghi phản bội lại lời cam kết thì sự bảo trợ của Trung ương GHPGVN đối với 400 tu sinh hiền lành vô tội cũng mất hiệu lực? Tại sao quý vị không đưa ra một giải pháp hợp với lẽ từ bi hơn là tạo điều kiện cho những tu sinh này trực tiếp làm giấy xin tạm trú với chính quyền địa phương và tiếp tục được tu tập tại Bát Nhã? Lẽ nào Trung ương GHPGVN lại có những quyết định khiến đây đó vẩn lên không ít dị nghị về việc vô tình hay hữu ý các vị đã tiếp tay cho chính quyền?

Thiết tưởng Trung ương GHPGVN được bầu ra, được phật tử bốn phương tín nhiệm, là ở cái nhân cách vị tha cao cả của các vị, luôn luôn khuyến khích chúng sinh hướng tới Phật và làm điều thiện, cũng để xã hội ngày càng thanh lọc bớt những ô trọc bởi sự vô minh bao phủ đầy dẫy quanh ta.

Bauxite Việt Nam tha thiết kính mong các bậc tôn túc trong hàng giáo phẩm của Phật giáo Việt Nam hãy thực sự là những đóa sen trong lò lửa để lòng ngưỡng mộ của chúng tôi với các vị giữ được vẹn nguyên, không phân nào sút giảm.

Chủ nhật, ngày 18 tháng mười năm 2009
Nguyễn Huệ Chi
http://huongsenviet.blogspot.com/2009/10/gs-nguyen-hue-chi-mong-cac-bac-giao.html

________________________________________________________________

Thứ sáu, ngày 16 tháng mười năm 2009

LỆ THƯ TĂNG NI SINH TRƯỜNG PHẬT HỌC TỈNH LÂM ĐỒNG
GỬI LÃNH ĐẠO ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC

Sen Việt: Sau Huyết thư của Tăng Ni trẻ tỉnh Lâm Đồng là Lệ thư của Tăng Ni trường Phật học gửi đến các nhà lãnh đạo Việt Nam. Tiếng nói ấy đã đánh động tình đồng loại, đồng đạo, thể hiện sức mạnh ĐOÀN KẾT TẬP THỂ của Tăng Ni, Phật tử tỉnh Lâm Đồng. Họ lên tiếng để bảo vệ hình ảnh tôn nghiêm của đạo Phật trước sự mất giá đang tràn lan trong xã hội. Không có con đường nào khác bằng con đường thức tỉnh lương tâm nhà cầm quyền.

Kính gửi:

- Ông Tổng bí thư TW Đảng Cộng Sản Việt Nam.
- Ông Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam.
- Ông Chủ tịch Quốc hội nước CHXH chủ nghĩa Việt Nam.
- Ông Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam.

Kính thưa quý Ông!

Chúng tôi thường nghe:
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”.
(Bình Ngô Đại Cáo – Nguyễn Trãi)

Lại nghe:

Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. (Tuyên Ngôn Độc Lập – Hồ Chí Minh)

Nay chúng tôi là những Tăng Ni sinh trường Phật Học Lâm Đồng viết thư này gửi lên cho quý Ông, mong rằng quý Ông lắng nghe tiếng nói bé nhỏ của chúng tôi.

Thiền sư Pháp Thuận có dạy rằng:

Quốc tộ như đằng lạc,
Nam thiên lý thái bình.
Vô vi cư điện các,
Xứ xứ tức đao binh.

(Vận nước như dây leo quấn,
Trời Nam mở cảnh thái bình.
Vô vi nơi cung điện,
Khắp nơi hết đao binh.)
(Quốc Tộ - Thiền Sư Pháp Thuận)

Nhưng trong 3 tháng vừa qua, tại Tu Viện Bát Nhã – Bảo Lộc – Lâm Đồng đã xảy ra những sự việc rất nghiêm trọng. Vào ngày 29 tháng 06 năm 2009, Ban Trị sự Phật Giáo Lâm Đồng bị tấn công bằng phân uế, đá và gậy gộc. Ngày 27 tháng 09 năm 2009, các Tăng Ni tu học ở đây bị bắt bớ, sách nhiễu, đàn áp và tấn công bằng vũ lực và máu đã chảy, nước mắt đã rơi, tiếng oán than vang dậy cả góc trời … Không biết quý Ông có biết đến hay không? Thiết nghĩ một con thú khi thấy đồng loại của nó bị tấn công cũng sẵn sàng bỏ mạng để bảo vệ huống hồ chi chúng tôi là những người cùng xuất gia, cùng lý tưởng, cùng chung một Đấng Từ Phụ theo dòng họ Thích lẽ nào lại khoanh tay đứng nhìn đồng đạo của mình bị ức hiếp tai ương mang nhiều oan án đến như vậy?

Theo công văn số 425/CV.HĐTS ngày 02/10/2009, do Hòa Thượng Thích Thiện Pháp đã kí, cũng nêu lên rằng: “…Các sự kiện liên quan đến Tăng ni đang tu tập theo pháp môn Làng Mai tại Tu Viện Bát Nhã là vấn đề mà Trung ương Giáo Hội đang quan tâm và đang tập trung phối hợp cùng Ban Trị Sự, Chính Quyền tỉnh Lâm Đồng thị xã Bảo Lộc để tìm phương án giải quyết tốt nhất, nhằm ổn định tình hình Phật giáo tại địa phương.

Tuy nhiên, vào ngày 27/09/2009 một sự kiện xảy ra tại Tu Viện Bát Nhã và chùa Phước Huệ, thị xã Bảo Lộc đã làm ảnh hưởng đến dư luận và gây nên sự bức xúc trong Tăng ni, Phật tử”.

Và công văn số 418/VT/BTS ngày 06 tháng 10 năm 2009, của Thường Trực Ban Trị Sự Tỉnh Hội Phật Giáo Lâm Đồng báo cáo về sự việc xảy ra tại Tu Viện Bát Nhã ngày 27 tháng 09 năm 2009 đã nêu: “…tu sinh ngày đêm luôn bị một số công an, mặt trận, tôn giáo các cấp đến động viên đưa họ về quê quán, Thượng tọa trú trì Chùa Phước Huệ Thích Thái Thuận cũng như các đoàn đến thăm chùa đều bị chính quyền công an sở tại làm khó dễ”.

Báo Giác ngộ Online ngày 10/10/2009 có lời dẫn : “… Sự cố đáng tiếc diễn ra tại tu viện Bát Nhã, thị xã Bảo Lộc - tỉnh Lâm Đồng kéo dài từ ngày 27-9-2009 đến nay và đang tạo ra những diễn biến phức tạp tại chùa Phước Huệ trên cùng địa bàn đã gây hoang mang dư luận trong và ngoài Phật giáo, làm sút giảm niềm tin và tác động bất lợi đối với công cuộc xây dựng xã hội và phát triển đạo pháp của GHPGVN. Lộ trình “Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” đang bị thử thách nghiêm trọng bởi cách hành xử thiếu văn hóa của chính quyền địa phương, phủ nhận những nỗ lực của xã hội theo hướng thượng tôn luật pháp…”

Cha ông của chúng ta từ xa xưa đã đề ra chính sách an dân lập quốc, nay các Ông là những người lãnh đạo của đất nước cũng không vì một lý do gì mà bỏ lề lối của cha ông, mà trong đó hành việc nhân nghĩa là điều không thể thiếu.

Mục đích cuối cùng của các nhà lãnh đạo là đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Chắc các Ông cũng biết rằng không một chế độ độc ác nào được nhân dân ủng hộ, không một xã hội phi nhân nào không bị sụp đổ, không một chính quyền nào đàn áp các Tôn giáo mà tồn tại được lâu dài. Sự sụp đổ ở đây không phải ở nhân dân mà ở những người lãnh đạo đã không đáp ứng được nhu cầu cần thiết cho nhân dân. Nó đã trở thành một quy luật tất yếu.

Chúng tôi rất mong quí Ông hãy bình tâm, lắng nghe mà suy xét rõ các vấn đề nêu trên để không làm tổn thương đến bất cứ một trái tim nào nữa. Nếu cứ để cho tình trạng máu chảy, lệ rơi vẫn tiếp tục thì hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng, không thể lường hết được.

Chúng tôi tha thiết xin quý Ông hãy tạo điều kiện thuận lợi cho các Tăng ni hiện đang tạm trú tại chùa Phước Huệ, Bảo Lộc, Lâm Đồng có nơi ở thích hợp để tiếp tục tu học theo tinh thần giới luật của Đức Phật dưới sự bảo bọc của Ban Trị Sự tỉnh Lâm Đồng theo đúng hiến chương của Trung Ương Giáo Hội và pháp luật Nhà Nước Việt Nam đề ra.

Lệ thư này xuất phát từ tình đồng đạo bảo vệ đạo pháp hòa hợp với dân tộc không hề xuất phát từ mục đích tình cảm cá nhân hay mưu đồ chính trị, đảng phái nào khác.

Chúng tôi thiết nghĩ, những người xuất gia tu học hiền thiện mà còn bị đàn áp đến như vậy, không biết ở thế gian còn bao nhiêu người phải chịu bị áp bức như vậy nữa?

Chúng tôi mong rằng “Lệ thư” này sớm được đón nhận sự hồi đáp từ quý Ông.

Đà Lạt, ngày 15 tháng 10 năm 2009

Tăng Ni sinh trường Phật Học Lâm Đồng

Đồng ký tên
http://huongsenviet.blogspot.com/2009/10/le-thu-tang-ni-sinh-truong-phat-hoc.html

___________________________________________________________________

THƯ THỈNH NGUYỆN

Kính gửi:

Ngài Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam
Ngài Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam

Ngài Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam

Chúng tôi ký tên dưới đây, những người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài, xin trân trọng gửi thư này tới quí ngài để thỉnh cầu quí ngài can thiệp một việc vô cùng khẩn thiết, liên quan đến số phận của 400 tu sĩ, tu sinh Phật giáo trẻ tuổi đang gặp nguy khốn ở huyện Bảo Lộc, thuộc tỉnh Lâm Đồng.

Qua các phương tiện truyền thông quốc tế và các trang mạng, chúng tôi được biết: 400 tu sĩ và tu sinh Phật giáo được nhà nước chấp nhận cho tu học tại Tu viện Bát Nhã, xã Đambri, huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng từ năm 2006, đã bị chính quyền địa phương ra lệnh trục xuất khỏi tu viện với những lý do chưa minh bạch. Điều hết sức nguy hiểm là trong những ngày cuối tháng 6/2009, hàng trăm kẻ lạ mặt đã dùng hung khí tấn công, phá phách tu viện Bát Nhã và hành hung các tu sĩ ở đó. Ngày 29/6/2009 chúng lại tấn công, gây thương tích và ném phân vào phái đoàn của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Lâm Đồng đến xem xét tình hình tại tu viện trên. Suốt 3 tháng qua các tu sĩ và tu sinh ở đây liên tục bị gây khó khăn và sách nhiễu như: cắt điện nước, ngăn cản tiếp tế lương thực, đe dọa khủng bố, phá nơi thờ cúng và chỗ ở, lấy cắp đồ thờ cúng. Cuối cùng, ngày 27/9/2009, hàng trăm kẻ lạ mặt xông vào tu viện đập phá và hành hung, dùng vũ lực đuổi các tu sĩ và tu sinh ra khỏi tu viện.

Điều hết sức đáng lo ngại là những việc làm càn rỡ và phạm pháp có tổ chức nói trên diễn ra trước sự chứng kiến của lực lượng công an địa phương, và mọi lời kêu cứu của những người bị hại gửi đến các cấp chính quyền huyện và tỉnh đều không được để ý. Thậm chí ngày 30/6/2009, Ban Trị sự GHPG Lâm Đồng đã có văn thư tường trình khẩn cấp về việc phái đoàn bị hành hung, gửi đến các cấp các ngành, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Hiện nay, sau khi các tu sĩ và tu sinh Bát Nhã chạy sang chùa Phước Huệ thị xã Bảo Lộc tạm trú, thì lực lượng công an bao vây chùa Phước Huệ và ráo riết xua đuổi những tu sĩ và tu sinh này ra khỏi chùa, buộc họ giải tán trở về địa phương.

Điều rất bất bình thường là toàn bộ hệ thống truyền thông chính thức của Việt Nam hầu như làm ngơ suốt thời gian xảy ra những sự biến ở Tu viện Bát Nhã.

Nhận thấy những sự kiện bất ổn kéo dài ở tu viện Bát Nhã gây thương tổn trầm trọng cho tinh thần và thể xác của 400 tu sĩ, đa số là người trẻ – tương lai của đất nước, gây chấn động trên thế giới bất lợi cho hình ảnh một nước Việt Nam tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, bảo đảm an ninh và nhân phẩm của con người, có luật pháp nghiêm minh; để bảo vệ những quyền chính đáng của mọi công dân nước CHXHCN Việt Nam, nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc vô cùng cấp thiết trong hoàn cảnh đất nước đang đứng trước nhiều nguy cơ trong ngoài, chúng tôi tha thiết thỉnh cầu quí ngài:

1/ Cho lập ngay một Ủy ban điều tra cấp Nhà nước về vụ Bát Nhã, có sự tham gia của các đoàn thể quần chúng và một số nhân sĩ trí thức độc lập. Sau khi có kết quả điều tra, xin công bố rộng rãi và tiến hành xử lý nghiêm minh mọi người, mọi hành vi phạm pháp theo đúng pháp luật.

2/ Trong khi chờ đợi kết quả điều tra, có biện pháp bảo đảm an ninh và điều kiện sinh họat bình thường cho các tu sĩ và tu sinh.

3/ Giao cho Giáo hội Phật giáo sắp xếp việc tu hành của các tu sĩ và tu sinh ở Bát Nhã trước đây một cách công bằng, hợp tình hợp lý, hợp với nguyện vọng của họ, các luật tắc của Giáo hội và luật pháp Việt Nam.

4/ Khuyến khích giới truyền thông tiếp cận thực tế và thông tin cho toàn dân biết sự thật về những gì đã và đang xảy ra về vụ Bát Nhã.

Kính mong quí ngài khẩn thiết xem xét thư thỉnh nguyện này và đáp ứng lời thỉnh cầu của chúng tôi. Xin gửi tới quí ngài lời chào trân trọng.

Ngày 5/10/2009
Đồng ký tên:

(Danh sách đến 10 giờ sáng 5/10/2009 – giờ VN)
1/ Tống Văn Công, Đảng viên 50 năm tuổi Đảng, Nguyên TBT báo Lao Động.
Cư trú: Phường Tân Kiểng, Quận 7, TPHCM, Việt Nam
2/ Nguyễn Quang A, Tiến sĩ, Nhà nghiên cứu tự do.
Cư trú: 19 Đoàn Nhữ Hài, Hà Nội, Việt Nam
3/ Hoàng Hưng, Nguyên Trưởng ban Văn hoá-Văn nghệ báo Lao Động, làm thơ, dịch sách.
Cư trú: 3C Phổ Quang, Tân Bình, TPHCM, Việt Nam
4/ Dương Tường, Nhà thơ, Dịch giả. Cư trú: 3B ngõ Phan Huy Chú, Hà Nội, Việt Nam
5/ Phạm Toàn, Nhà giáo, Nhà văn. Cư trú: Hà Nội, Việt Nam
6/ Vũ Thư Hiên, Nhà văn. Cư trú: Paris, Pháp
7/ Bùi Minh Quốc, Nhà thơ, Nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng.
Cư trú: 3 Nguyễn Thượng Hiền, Đà Lạt, Việt Nam
8/ Nam Dao Nguyễn Mạnh Hùng, GS Kinh tế học, Đại học Laval. Quebec, Canada
9/ Đặng Nhật Minh, NSND, Đạo diễn Điện ảnh. Cư trú: 16A Hàn Thuyên, Hà Nội, Việt Nam
10/ Hà Dương Tường, Professeur Émerite de l’Université de Technologie de Compiègne.
Cư trú: Paris, Pháp
11/ Phạm Quang Tuấn, PGS Đại học New South Wales, Australia
12/ Bình Nguyễn, Tiến sĩ, Khoa học gia. Cư trú: California, Mỹ
13/ Phạm Xuân Yêm, Giám đốc Nghiên cứu CNRS và Đại học P. et M. Curie. Paris, Pháp
14/ Nguyễn Đỗ, Nhà thơ, Dịch giả. Cư trú: San Francisco, Mỹ
15/ Ý Nhi, Nhà thơ. Cư trú: Gò Vấp, TPHCM, Việt Nam
16/ Song Chi, Đạo diễn Điện ảnh. Cư trú: Kristiansand, Na Uy
17/ Lý Lan, Nhà văn. Cư trú: North Carolina, Mỹ
18/ Ngô Đức Thọ, PGS TS, Nhà nghiên cứu Hán Nôm, tham gia dịch nhiều kinh sách Phật
giáo. Cư trú: Hà Nội, Việt Nam
19/ Trần Nam Bình, PGS TS, University of New South Wales, Australia
20/ Bùi Như Hương, Nhà nghiên cứu Phê bình Mỹ thuật. Cư trú: Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam
21/ Mai Hiền, Nguyên TBT báo Phụ Nữ TPHCM. Cư trú: TPHCM, Việt Nam
22/ Hoàng Ngọc Tuấn, Nhạc sĩ, Nhà văn, Nhà nghiên cứu & Phê bình Văn học Nghệ
thuật, Đồng Chủ bút tạp chí liên mạng Tiền Vệ (tienve.org). Cư trú: Sydney, NSW, Australia
23/ Nguyễn Đắc Xuân, Nhà nghiên cứu Văn hóa, viết báo. Cư trú: Huế, Việt Nam
24/ Hoàng Dũng, PGS TS, Đại học Sư phạm TPHCM, Việt Nam
25/ Nguyễn Đăng Hưng, Giáo sư Danh dự Thực thụ, trường Đại học Liège, Bỉ
26/ Phạm Đình Trọng, Nhà văn, Nhà báo. Cư trú: P. 15, Q. Tân Bình, TPHCM, Việt Nam
27/ Nguyễn Thanh Giang, Tiến sĩ. Cư trú: Số nhà 6, Tập thể Địa Vật lý Máy bay,
Trung Van, Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam
28/ Augustine Hà Tôn Vinh, GS, Cố Vấn & Giảng viên, Khoa QTKD, ĐH Quốc Gia Hà Nội;
Chủ Tịch kiêm Tổng Giám đốc, Tổ hợp Giáo dục, Đào tạo & Tư vấn Quốc tế
Stellar Management; Nguyên Giám đốc, Chuơng trình Cao học Quản trị Kinh Doanh,
ĐH Tổng hợp Hawaii, TP HCM, Việt Nam
29/ Ngô Vĩnh Long, Giáo Sư về Á Châu, Đại học Tổng Hợp Bang Maine, Hoa Kỳ
30/ Chu Văn Sơn, TS Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội, Việt Nam
31/ Đỗ Thị Vinh, Tiến sĩ Hóa học, về hưu. Cư trú: CHLB Đức
32/ Nguyễn Tường Bách, Phật tử, Tác giả một số sách về Phật giáo. Cư trú: CHLB Đức
33/ Bùi Tín, Nhà báo Tự do. Cư trú: Paris, Pháp
34/ Lê Xuân Khoa, GS Thỉnh giảng, Đại học John Hopkins, Washington DC, Hoa Kỳ
35/ Bùi Ngọc Tấn, Nhà văn. Cư trú: 10 Ngô Quyền Hải Phòng, Việt Nam
36/ Trang Hạ, BTV Văn học, Công ty Sách Đinh Tị 9-6A Đầm Trấu, Hà Nội, Việt Nam
37/ Trịnh Lữ, Dịch giả. Cư trú: 108 Quan Thánh, Hà Nội, Việt Nam
38/ Nguyễn Thị Mười (pháp danh Tâm Hoa Thiện).
Cư trú: 3C Phổ Quang, Quận Tân Bình, TPHCM, Việt Nam
39/ Hồ Thị Hòa, BTV NXB Tri Thức, Hà Nội, Việt Nam
40/ Khánh Phương Dương, BTV. Cư trú: Thôn Kiều Mai, Phú Diễn, Từ Liêm, Hà Nội,
Việt Nam
41/ Đỗ Quyên, Nhà thơ. Cư trú: Vancouver, Canada
42/ Đào Xuân Dũng, BS Y khoa (hưu trí). Cư trú: Hà Nội, Việt Nam
43/ Nguyễn Hồng Khoái, Chuyên viên Tư vấn, Hội viên CLB Kế toán trưởng, Hội viên Hội
Tư vấn Thuế Việt Nam. Cư trú: Hà Nội, Việt Nam
44/ Quân Hoàng, Sinh viên. Cư trú: Tampa, Florida, Mỹ
45/ Uông Đình Đức, Nguyên Cán bộ TCT Thép Việt Nam (hưu trí).
Cư trú: 168/37 Nguyễn Cư Trinh, TPHCM, Việt Nam
46/ Trần Minh Thành, Tu sĩ Phật giáo tại Lâm Tỳ Ni, Nepal
47/ Đào Phương, Giáo viên. Cư trú: Hà Nội, Việt Nam
48/ Ngô Minh, Hội viên Hội Nhà Văn VN, HV Hội nhà báo VN.
Cư trú: 11/73 Phan Bội Châu, Huế, Việt Nam
49/ Trần Minh Khôi, Kỹ sư Tin học. Cư trú: Berlin, CHLB Đức
50/ Hàm Đan, Nhà báo Tự do. Cư trú: Hà Nội, Việt Nam
51/ Nguyễn Văn Tạc, Giáo viên Hưu trí. Cư trú: Hà Nội, Việt Nam
52/ Phan Thị Ngọc Linh, Nguyên Giáo viên trường PTCS Lê Quý Đôn, Quận 1
TPHCM. Cư trú: TPHCM, Việt Nam
53/ Nguyễn Bá Chung, Nhà nghiên cứu Văn học, Dịch giả, Trường Đại học
Massachusetts, Boston, Mỹ
54/ Phan Tú Quỳnh, Giáo viên Hưu trí. Cư trú: California, Mỹ
55/ Nguyễn Huỳnh Thuật, Nghiên cứu sinh Đại học Nông nghiệp & Công nghệ
Tokyo (TUAT), Nhật Bản
56/ Nguyễn Thị Thu Hà. Cư trú: 3015 Clamont Lane, Eustis, Florida, USA 32726
57/ Nguyễn Hữu Úy. Cư trú: 3015 Clamont Lane, Eustis, Florida, USA 32726
58/ Nguyễn Việt. Cư trú: 3015 Clamont Lane, Eustis, Florida, USA 32726
59/ Trần Văn Cung, Kỹ sư Luyện kim. Cư trú: Số 6 đường Am Stadtpark,
TP Sulzbach-Rosenberg, CHLB Đức
60/ Đoàn Viết Hiệp, Kỹ sư Điện toán. Cư trú: Antony, Paris, Pháp
61/ Nguyễn Thu, Tác giả sách Dai Viet Kingdom of the South (Trafford Publishing,
May 2009)
62/ Lê Hải Lý, Chuyên gia Kiểm toán Tài chính. Cư trú: Buettelborn, Germany
63/ Nguyễn Ước, Dịch giả. Cư trú: 532 Dufferin St. Toronto, ON, Canada
64/ Phạm Văn Minh, Nhà nghiên cứu Phật giáo (bút hiệu Quán Như), Tác giả sách
Vietnamese Engaged Buddhism: The Buddhist Movement of 1963-1966.
Cư trú: 85 Slade Road Bardwell Park, NSW 2007, Sydney, Australia
65/ Nguyên Giác Phan Tấn Hải, Nhà nghiên cứu Phật học. Cư trú: California, Hoa Kỳ
66/ Trịnh Hữu Tuệ, Nhà nghiên cứu Ngôn ngữ, NCS TS tại Đại học M.I.T Massachusetts, Mỹ
67/ Dư Thị Hoàn, Nhà thơ. Cư trú: Hải Phòng, Việt Nam
(đến 18 giờ ngày 6/10/2009 – giờ VN)

68/ Phạm Thị Hoài, Nhà văn. Cư trú: Berlin, CHLB Đức
69/ Nguyễn Hồng Hưng, Giảng viên Design Thỉnh giảng khoa Mỹ thuật Công nghiệp,
trường Đại học Kiến trúc - Đại học Tôn Đức Thắng - Đại học Văn Lang - Đại học
Công nghệ Sài Gòn - Cao đẳng Mỹ thuật Đồng Nai, Việt Nam
70/ Inrasara (Phú Trạm), Nhà thơ, Nhà nghiên cứu Văn hóa Champa.
Cư trú: TPHCM, Việt Nam
71/ Lê Mạnh Chiến, Cựu Giảng viên Đại học Mỏ-Địa chất, về hưu, Dịch giả, khảo cứu
tự do. Cư trú: Tổ 18, Phường Nghĩa Đô, Hà Nội, Việt Nam
72/ Nguyễn Phượng, Giảng viên khoa Văn, Đại học Sư phạm Hà Nội, Việt Nam
73/ Đào Thái Tôn, Nhà nghiên cứu văn học, viết báo. Cư trú: Hà Nội, Việt Nam
74/ Nguyễn Thanh Sơn, Tiến Sĩ Hóa học. Cư trú: Wiesbaden, CHLB Đức
75/ Quang Hà, Phó Giáo Sư Tiến Sĩ, Đại Học Công Nghệ Sydney, Úc
76/ Le Thi Hoa My, Doanh nhân. Cư trú: Stuttgart, Germany
77/ Đinh Cao Minh, Kỹ sư Tin học. Cư trú: Paris, Pháp
78/ Mai Thái Lĩnh, Nhà giáo nghỉ hưu, Nhà nghiên cứu độc lập.
Cư trú: TP Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng, Việt Nam
79/ Lê Viết Bình, TS Hóa học, Cán bộ Hưu trí.
Cư trú: 28 Tôn Thất Thiệp, Q.1, TPHCM, Việt Nam
80/ Tam Due, Đông y sĩ. Cư trú: California, USA
81/ Nguyễn Xuân Hùng, Kỹ sư Tin học. Cư trú: CHLB Đức
82/ Chánh Minh, Nguyên Kỹ sư Thiết kế về Khí động học (Aerodynamic Design Engineer)
cho hãng Boeing trên 30 năm trong địa hạt Hàng không và Không gian.
Cư trú: California, Hoa Kỳ
83/ Tran Hung Thinh, Kỹ sư đã nghỉ hưu.
Cư trú: Linh Đàm, Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam
84/ Nguyễn Hương Trà, trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Việt Nam
85/ Nguyễn Khoa, Saigon-QuiNhon Mineral Corp. Lot B6 Road no5, Nhon Hoi Industrial,
Bình Định, Việt Nam
86/ Trần Đắc Lộc, Cựu Giảng viên ĐHKH Huế. Cư trú: Praha, CH Séc
87/ Pham Thuy Loc (Hiệu: Dieu Phuc), Phật tử chùa Trấn Quốc. Cư trú: Số 273 Thụy Khuê,
Hà Nội, Việt Nam
88/ Phạm Cường (bút danh Văn Phạm, Phạm Gia Văn trên mạng Trần Nhương và quê
choa), blog Gocomay. Cư trú: CHLB Đức
89/ Thích Nguyên Hùng, Giáo thọ trường Trung cấp Phật học Đồng Nai, Việt Nam
90/ Pham Thi Yen, Bac sỹ, Thầy thuốc Ưu tú (đã nghỉ hưu). Cư trú: Hà Nội, Việt Nam
91/ Le Quoc Tuan, Kỹ sư Tin học. Cư trú: TP Oldenburg, CHLB Đức
92/ Vũ Quang Chính, Nhà lý luận phê bình Điện ảnh. Cư trú: Hà Nội, Việt Nam
93/ Quảng Thanh Tâm, Phật tử. Cư trú: Đà Nẵng, Việt Nam
94/ Le Thi Nguyen Binh, pháp danh Tam Khanh Tu.
Cư trú: Quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam
95/ Chan Phuc Dai. Cư trú: Hà Nội, Việt Nam
96/ Phạm Văn Hải, IT Freelance. Cư trú: Nha Trang, Việt Nam
97/ Đặng Vĩnh Lượm, Kỹ sư Điện, Công ty CP Quản Lý Chất Lượng Đầu Tiên
(FQM). Cư trú: 181 Điện Biên Phủ P. Đa Kao, Quận 1, TPHCM, Việt Nam
98/ Trần Ngọc Thành. Cư trú: Warszawa, Ba Lan
99/ Phạm Vương Ánh, 63 tuổi, Kỹ sư Kinh tế, Cựu Sỹ quan QĐNDVN, Cán bộ
Hưu trí, Nguyên Tổ trưởng tổ dân cư số 1, khối Xuân Đông, phường Hưng Dũng,
Vinh, Nghệ An, Việt Nam
100/ Vu Hai Long, pháp danh Tinh Long, TSKH Đại học Paris.
Cư trú: 26 đường 4 P. Hiệp Bình Chánh, Q. Thủ Đức, TP HCM, Việt Nam
101/ Luu Xuan Trang, Kỹ sư Hoá. Cư trú: TPHCM, Việt Nam
102/ Hồng Kiến Nghĩa, Kỹ sư Kinh tế Nông nghiệp (hưu trí).
Cư trú: 489A/23/253 Huỳnh văn Bánh, P.13, Q. Phú Nhuận TPHCM, Việt Nam
103/ Nguyễn Minh Cần, Nhà báo, Phật tử. Cư trú: Moskva, Liên Bang Nga
104/ Thiện Xuân Inna Malkhanova, Phó Giáo Sư trường Đại học Quan hệ Quốc tế thuộc
Bộ Ngoại giao Nga, Hội trưởng Hội Phật giáo Thảo Đường. Cư trú: Moskva, LB Nga
105/ Bùi Thị Lan Hương, Nhà báo, Phật tử. Cư trú: Moskva, Liên Bang Nga
106/ Vương Văn Quang, Nhà văn. Cư trú: Sài Gòn, Việt Nam
107/ Lê Chính Duật, Kỹ sư, Microsoft Corporation, Raleigh, North Carolina, USA
108/ Lê Triệu Phong, Nghiên cứu viên, Viện Công nghệ Tokyo, Nhật Bản
109/ Mạc Vương Tôn, viết blog và nghiên cứu Huyền thuật.
Cư trú: Tân Thành, Bà Rịa Vũng Tàu, Việt Nam
110/ Dương Văn Hiền, Kĩ sư Bảo trì, Rồng Đôi, FSO-MV12.
Cư trú: 147, Trần Bình Trọng, Thị xã Lagi, Bình Thuận, Việt Nam
111/ Phan Thế Vấn, Bác sĩ. Cư trú: TPHCM, Việt Nam
112/ Nguyễn Thế Hùng, Giáo sư Đại học Đà Nẵng, Việt Nam
113/ Lê Tuấn Huy, Tiến sỹ. Cư trú: TPHCM, Việt Nam
114/ Trần Đồng Lộc, Sinh viên khoa Lịch sử Đảng Trường ĐHKHXH&NV Hà Nội Việt Nam
115/ Thích Tâm Như, Học sinh trường Trung cấp Phật học thành phố Hà Nội, Việt Nam
116/ Cao Đăng Đức, Chuyên viên Tư vấn ERP, Hà Nội, Việt Nam
117/ Cao Thanh Xuân, Tín đồ Công giáo, Học viên Cao học Đại học Sư phạm Hà Nội,
Giáo viên tin học. Cư trú: xã Vinh Kim, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, Việt Nam
118/ Trịnh Thanh Thủy, Nhà văn. Cư trú: California, Hoa Kỳ
119/ Lê Hiếu Đằng, Nguyên Phó Tổng thư ký Uỷ ban Trung ương Liên minh các Lực
lượng Dân tộc Dân chủ và Hoà bình Việt Nam, Nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận
Tổ Quốc Việt Nam TP HCM, Nguyên Đại biểu Hội đồng Nhân dân TP HCM các khoá
4 & 5. Cư trú: TPHCM, Việt Nam
120/ Nguyễn Đắc Diên, Bác sĩ chuyên khoa Răng Hàm Mặt.
Cư trú: Cư Xá Đô Thành, Quận 3, TPHCM, Việt Nam
121/ Nguyễn Hữu Liêm, Luật sư, Giáo sư Triết học, San Jose City College, California, USA
122/ Nguyễn Thanh Phong, Phật tử, Giảng viên Đại học An Giang, Việt Nam
123/ Hoàng Nguyễn Thụy Khê, Nhân viên Công ty PC Vietnam Ltd. Tp. HCM, Việt Nam
124/ Nguyễn Hải Thanh, Tiểu thương. Cư trú: 429 Lê Lợi, Q.Ngô Quyền, Hải Phòng, Việt Nam
125/ Nhất Uyên Phạm Trọng Chánh, Tiến sĩ Khoa học Giáo dục Viện ĐH Paris V
Sorbonne, Nhà thơ, Nhà nghiên cứu. Cư trú: Pháp
126/ Ngô Thị Nắng Mai, Chuyên viên về hưu. Cư trú: 98 phố Tuệ Tĩnh Hà Nội, Việt Nam
127/ Hoàng Trọng Đài, Giáo viên THPT. Cư trú: Tỉnh Bình Phước, Việt Nam
128/ Trần Ngọc Tuấn, viết văn, viết báo. Cư trú: Praha, Cộng Hòa Séc
129/ Nguyễn Chính (Nguyễn Văn Chính), Luật gia, Nhà báo, PV báo Văn Nghệ (Hội Nhà
văn Việt Nam). Cư trú: Việt Nam
130/ Bùi thế Kỷ, Kỹ sư (hưu trí). Cư trú: 166 phố Minh Khai, Hà Nội, Việt Nam
131/ Vũ Thị Mai Phương (hưu trí). Cư trú: 166 phố Minh Khai, Hà Nội, Việt Nam
132/ Lê Tự Hỷ, Nhà giáo hưu trí. Cư trú: 80/23 Trần Quang Diệu, Q.3 TPHCM, Việt Nam
133/ Nguyễn Đình Khuyến, Hoạ sĩ Tự do.
Cư trú: Thôn Nguyên Xá, Xã Minh Khai, Từ Liêm, HN, Việt Nam
134/ Thảo Nguyên, Nhà giáo về hưu. Cư trú: 372 Central Park West, #6J New York, USA
135/ Thanh Do, Sagem – Division optronique et systèmes Aéroterrestres
Thermal Camera – Weapon Sight – Optronics Systems Division.
Cư trú: 72-74, rue de la Tour Billy, 95101 Argenteuil Cedex, France
136/ Bùi Anh Tuấn, SV trường Cao đẳng Cộng đồng Hải Phòng, Việt Nam.
Cư trú: Phường Đa Phúc, Quận Dương Kinh, TP Hải Phòng, Việt Nam
137/ J.B Nguyễn Hữu Vinh, Kỹ sư Xây dựng, tín đồ Công giáo.
Cư trú: Đường Giáp Bát, Hoàng Mai, Hà Nội.
138/ Vĩnh Hảo, Nhà văn. Cư trú: California, Hoa Kỳ
139/ Tuan Duc Truong, College Technology Services - Computer Lab
Superviror, California State University East Bay – Concord Campus, USA
140/ Nghiêm Hữu Hạnh, PGS.TS. Nguyên Phó Tổng biên tập tạp chí Nông nghiệp và PTNT.
Cư trú: Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam
141/ Vĩnh Tuấn, Nhạc sĩ, Nguyên GS trường Quốc gia Âm nhạc Huế.
Cư trú: 33 Lê quý Đôn. Q. 3 TP Hồ Chí Minh, Việt Nam
142/ Phạm Công Lợi, Thạc sĩ Quản trị Tin học, Thảo chương viên Bộ Phục Hồi Nhân
Phẩm California, Hoa Kỳ
143/ Lê Hồng Nghiệp, TS Hóa học.
Cư trú: 1730 de Montpellier St Bruno Québec J3V 4P5 Canada
144/ Nguyễn Gia Hòa. Cư trú: TPHCM Việt Nam
145/ Phùng Hữu Phú, Nghiên cứu sinh tại ĐH Chalmers, Thụy Điển
146/ Tran Tang Long, PhD Mechanical Engineering. Cư trú: CHLB Duc
147/ Pham Vinh, Phật tử. Cư trú: Orlando Florida USA
148/ Đào Thị Ngọc Trâm, Giáo viên. Cư trú: TPHCM, Việt Nam
149/ Trần Kim Quy, Kỹ sư Điện toán (software Engineer).
Cư trú: Fremont, California, USA
150/ Phạm Văn Chính, Kỹ sư CNTT tại Viễn Thông Hà Nội – VNPT.
Cư trú: Đường Lĩnh Nam, Quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam
151/ Vũ Thế Cường, Tiến sĩ Cơ khí, hãng BMW, München, CHLB Đức
152/ Nguyễn Ngọc Điệp, Nhân viên Kỹ thuật. Cư trú: Vương quốc Bỉ
153/ Thai Ngoc Hau. Cư trú: Connecticut, Hoa Kỳ
154/ Le Anh Dung, Người Việt Nam không tôn giáo. Cư trú: California, USA
155/ Huỳnh Công Luận, Thạc sĩ Quốc tế Quản trị Kinh doanh. Cư trú: Florida, Hoa Kỳ
156/ Trần Quốc Việt, Kế toán. Cư trú: Florida, Hoa Kỳ
157/ Nguyễn Duy Lâm, Cử nhân Toán học-Tin học, ĐH Khoa học Tự nhiên,
ĐHQG TPHCM, Việt Nam
158/ Hồ Vĩnh Trực, Kỹ thuật viên Vi tính.
Cư trú: 18/13/6 Phan Văn Trị, P2 Q5, TP.HCM, Việt Nam
159/ Trần Thị Trường, Nhà văn.
Cư trú: 101 E 4 Vĩnh Hồ Đống Đa Hà Nội, Việt Nam
160/ Hoang Tang Thong, Chuyên viên Cao cấp TCT Điện lực Việt Nam (đã nghỉ hưu)
Cư trú: Thanh Xuân, Hà Nội, Việt Nam
161/ Tam An Niem, Phật tử thuộc Đạo tràng Chánh Tuệ, Hà Nội, Việt Nam
162/ Nguyen Trong Nghia. Cư trú: Qquận Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
163/ Tư Đồ Tuệ. Cư trú: Toronto, Canada
164/ Tâm Liên, Phật tử Quán Âm Tu Viện. Cư trú: P.2, Q. Phú Nhuận, TPHCM, Vietnam
165/ Quang Nhã – Hoàng Văn Lang, Huynh trưởng Gia đình Phật tử Việt Nam tại Hoa Kỳ
166/ Lê Văn Tân (bút danh Lê Tân), viết báo, biên tập sách.
Nơi cư trú: quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam
167/ Dam quoc Khanh (Pháp danh Thien Dao).
Cư trú: 320/2c Trần Bình Trọng P4, Q5 TP HCM, Việt Nam
168/ Nguyễn Xuân Thọ, Kỹ sư Truyền thông. Cư trú: Cologne CHLB Đức
169/ Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh ofm, Linh mục Công giáo.
Cư trú: 58/1 Phạm Ngọc Thạch, P6, Q3, TP Hồ Chí Minh, Việt Nam
170/ Nguyễn Minh Phát, Kiến trúc sư. Cư trú: Sài Gòn, Việt Nam
171/ Phan Thị Sám Hối, Pháp danh: Tâm Tịnh, Nhà giáo đã về hưu.
Cư trú: Quận 3, Sài Gòn, Việt Nam.
172/ Nguyễn Đức Quỳnh, Phật tử. Cư trú: Quận 3, Sài Gòn, Việt Nam.
173/ Xà Quế Châu, Đầu bếp.
Cư trú: 173/23/89 Khuông Việt, Phú Trung, Tân Phú TPHCM, Việt Nam
174/ Nguyễn Văn Hiển, TS, Giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội, Việt Nam
175/ Nguyễn Ngọc Hòa, Sinh viên trường Đại học Humboldt, Berlin, CHLB Đức
(đến 16 giờ ngày 9/10/2009 - giờ VN)
176/ Nghĩa - Hà, nhà văn. Cư trú: Oldenburger Str.35, 10551 Berlin, CHLB Đức
177/ Trương Hồng Quang, Tiến sỹ Văn chương. Cư trú: Berlin, CHLB Đức
178/ Tạ Duy Anh, Nhà văn. Cư trú: Hà Nội, Việt Nam
179/ Tâm Minh Quang, Engaging Buddhist Group of Australia
180/ Tâm Thông Tuệ, Engaging Buddhist Group of Australia
181/ Tâm Hộ Trì, Engaging Buddhist Group of Australia
182/ Lê Văn Hiền, Engaging Buddhist Group of Australia
183/ Chân Hỷ Sơn, Engaging Buddhist Group of Australia
184/ Chân Hỷ Quang, Engaging Buddhist Group of Australia
185/ Chân Hỷ Giang, Engaging Buddhist Group of Australia
186/ Chân Hỷ Điền, Engaging Buddhist Group of Australia
187/ Tâm Như Ngọc, Engaging Buddhist Group of Australia
188/ Chân Minh Đăng, Engaging Buddhist Group of Australia
189/ Nguyễn Kim Sơn, 74 tuổi, Pháp danh Nhật Định, Kỹ sư hưu trí, trú tại thành phố
Juelich, Germany
190/ Nguyen Ngoc Thanh, Tiến sĩ, Đại học Sư Phạm TP HCM, Việt Nam
191/ Dong Thi Kim Chi, Nguyên Giảng viên Đại học Sư Phạm TPHCM và Cán bộ
chuyên môn Phòng Giáo dục Quận Bình Thạnh, TPHCM, Việt Nam
192/ Hà Văn Thùy, Nhà văn.
Cư trú: 184 Lê Lư, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam
193/ Nguyen Ngoc Diep. Cư trú: Meulestee 17 8310 Assebroek, Belgium
194/ Phan Ngọc Lâm, Luật sư. Cư trú: Everett, Washington, USA
195/ Nguyễn Công Huân, Trường đại học Aalborg, Đan Mạch
196/ Nguyễn Minh Nguyệt, 68 tuổi đời, 46 tuổi Đảng, Nguyên Giảng viên khoa Sinh học,
Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội đã nghỉ hưu. Cư trú: Hà Nội, Việt Nam
197/ Trinh Quoc Thuan, Ph.D. Cư trú: 209 Tulip Drive Gaithersburg, MD 20877USA
198/ Ngô Hải, NCS Vật lý. Cư trú: MPI fuer Physik, Munich, CHLB Đức
199/ Đặng Lợi Minh, Giáo viên cấp 3 đã về hưu. Cư trú: Hải Phòng, Việt Nam
200/ Trần Ngọc Khoa, Kỹ sư Công nghệ Thông tin. Cư trú: Washington, DC, USA
201/ Phan Thanh Hải, Luật gia. Cư trú: quận Bình Thạnh, TPHCM, Việt Nam
202/ Nhã Nam, viết báo tự do. Cư trú: Saigon, Việt Nam
203/ Giuse Nguyễn Văn Được, Tín đồ Công giáo Nhà thờ Làng Tám Hà Nội, Việt Nam
204/ Vixente Nguyễn Văn Viễn, Tín đồ Công giáo Hải Phòng, Việt Nam
205/ Terexa Hồ Sinh Nhật, Tín đồ Công giáo Hà Nội, Việt Nam
206/ Maria Phạm Thị Chi, Tín đồ Công giáo Hải Phòng, Việt Nam
207/ Thùy Linh, Nhà văn. Cư trú: Hà Nội, Việt Nam
208/ Phạm Quốc Bình, Cử nhân Điện toán và Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh,
Sugar Land, Texas, USA
209/ Thích Giác Lượng, Hòa thượng, Pháp Duyên Tịnh Xá, San Jose, California, USA
210/ Trần Nhu, Nhà nghiên cứu Phật giáo, Pháp Duyên Tịnh Xá, San Jose, California, USA
211/ Bùi Minh, Cư sĩ Phật giáo, San Jose, California, USA
212/ Maria Nguyễn Thị Thanh Hoa, Giáo viên trường PT Quốc tế, TPHCM, Việt Nam
213/ Maria Nguyễn Thị Ngọc Mai, Kế toán. Cư trú: Vinh, Nghệ An, Việt Nam
214/ Anton Nguyễn Bảo Năng, Sinh viên. Cư trú: TPHCM, Việt Nam
215/ Nguyễn Bảo Trình, Sinh viên. Cư trú: TPHCM, Việt Nam
216/ Giuse Nguyễn Quốc Việt, Học sinh. Cư trú: TPHCM, Việt Nam
217/ Tâm Huệ - Trần Quan Anh Nhật, Huynh trưởng GĐPT tại Miền Quảng Đức, Hoa
Kỳ. Cư trú: 744 Etiwanda Ave , Apt. 5, Northridge, CA 91325
218/ Le Nguyen Binh, Bác sĩ, PTS Y khoa, Hà Nội, Việt Nam
219/ Nguyễn Thị Khánh Trâm, Nghiên cứu viên Phân viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ
thuật Việt Nam tại TPHCM, Việt Nam
220/ Huỳnh Văn Ngãi, Đại học Quy Nhơn, Việt Nam
221/ Nguyễn Thụy Khanh, Sinh viên ĐH Xã hội & Nhân Văn TPHCM, Việt Nam
222/ Frédéric Phạm, Nhà toán học, Giáo sư (về hưu) ở TĐH Nice (Pháp), Tiến sĩ Danh dự
Viện Khoa Học Việt Nam, Tiến sĩ Danh dự Trường ĐH Đà Lạt, Việt Nam
223/ Ta Duy Binh, Kịch tác gia, Sydney Australia
224/ Cu Thanh Thuy, Graphic Designer, Sydney Australia
225/ Phạm Khắc Hưng, Lập trình viên. Cư trú: Q12, TPHCM, Việt Nam
226/ Trường Giang, Nguyên TBT báo Giáo dục & Thời đại, Hà Nội, Việt Nam
227/ Dang Anh Thanh, Giáo viên tại TPHCM, Việt Nam
228/ Trần Mai Tuấn, Phật tử. Cư trú: Michigan, USA
229/ Hoàng Thị Tơ, Phật tử. Cư trú: Michigan, USA
230/ Trần Mai Hiến Lê, Sinh viên trường GRCC, Michigan, USA.
231/ Bạch X. Phe, Giáo viên Trung học Sacramento, CA 95829, USA
232/ Hoa Phạm, Sinh viên trường HSL Kottenpark, Enschede Hà Lan
233/ Pham Van Phu, Bác sĩ, Stuttgart, CHLB Đức
234/ Nguyễn Văn Hải, Nguyên Trưởng Phân xã TTX Việt Nam tại tỉnh Tiền Giang
Cư trú: Phường 1, TP. Mỹ Tho, Tiền Giang, Việt Nam
235/ Tô Đình Hải, Kỹ sư Điện toán, Stuttgart, CHLB Duc
236/ Tam Canh (Lê Chiến Thắng), Chuyên viên Kỹ thuật Nhiếp ảnh, về hưu.
Cư trú: Stuttgart, CHLB Đức
237/ Nguyen Le Dieu Tu, Bác sỹ Y khoa tại CHLB Đức
238/ Luong Minh Hai, Bác sỹ Nha khoa tại CHLB Đức
239/ Nguyễn Ngọc Giao, dạy học & làm báo tại Paris, Pháp
240/ Lê Đình Quốc Lân, trình độ Đại học. Cư trú: Đà Nẵng, Việt Nam
241/ Phạm Xuân Huy, Phật tử.
Cư trú: Khu Văn hoá Nghệ thuật Mai Dịch-phường Mai Dịch-Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam
242/ Đoàn Sĩ Toàn, Nhà giáo, TP Hồ Chí Minh, Việt Nam
243/ Van-Duc Nguyen, PhD, Computer Scientist and Principal at Hermes Microvision Inc,
GE R&D, MIT AI Lab. 5153 Springdale Ave, Pleasanton CA 94588, USA
244/ Phan Van Tú, Kỹ sư Môi trường, Hà Nội, Việt Nam
245/ Nguyễn Hoàng Nam, SV khoa Triết, ĐH Sư phạm TPHCM, VN

246/ Lê Bích Tuyền - SV ĐH XH&NV TPHCM, VN

247/ Trần Đức Tín - SV ĐH XH&NV TPHCM, VN
248/ Nguyễn Duy Nhạc, Công chức, Melbourne, Australia
249/ Lê Diễn Đức, Nhà báo tại Warszawa, Ba Lan

(đến 16 giờ ngày 11/ 10/ 2009 – giờ VN)

250/ Huỳnh Nhật Hải, Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP Đà Lạt, Lâm Đồng, VN
251/ Huỳnh Nhật Tấn, Nguyên Phó Giám đốc Trường Đảng Tỉnh Lâm Đồng, VN
252/ Doan L. Phung, President, PAI Corporation, Oak Ridge, Tennessee, USA
253/ Nguyễn Ngọc Sơn (bút danh Đông Phong).
Cư trú: Phố Hoàng Ngân, Phường Nhân Chính, Quận Thanh Xuân, Hà Nội, Việt Nam.
254/ Ngô Thị Hạnh, Phòng KH & Truyền Thông-Cty Sách Phương Nam, TPHCM, Việt Nam
255/ Hà Dương Tuấn, Chuyên gia Công nghệ Thông tin, đã nghỉ hưu. Cư trú: Antony, Pháp
256/ Thích Pháp Tuệ, Tu sỹ ở tỉnh Đồng Nai, Việt Nam
257/ Lê Trung Thành. Cư trú: Đài Bắc, Đài Loan
258/ Mai Anh Vũ, Phật tử. Cư trú: 19 Hàng Vôi, Hà Nội, Việt Nam
259/ Hà Minh Hiển, Pháp danh Thích Viên Đức, Hội trưởng Hội người CVN tại Ba-lan
yêu Đạo Phật, Ba Lan
260/ Nguyễn Duy Vinh, Tiến Sĩ ngành Khí Lực Học (Aerodynamics),
Fellow của Canadian Aeronautics and Space Institute, về hưu, hiện cư ngụ tại Canada
261/ Nguyen Duc, Phật tử cư trú tại Hà Lan
262/ Nguyễn Huy Tường. Cư trú: Nha Trang, Khánh Hoà, Việt Nam
263/ Đặng Văn Ba, Tiến sĩ Khoa học, Nguyên Giám đốc Bộ Tin học Tổ chức Quốc tế
Viễn thông (I.T.U). Cư trú: Geneva, Thuỵ Sĩ.
264/ Nguyen Ngoc Loan, Nhà giáo, Melbourne, Úc Châu
265/ Nguyen Van Quang, Công dân Úc Châu
266/ Nguyen Hoan Hao, Nội trợ, cư trú tại Úc Châu
267/ Nguyen Van Huy, MAB, Chuamotcot PTY, LTD, Melbourne, Úc Châu
268/ Nguyen T Thach, Quantity Surveyor, Melbourne, Úc Châu
269/ Nguyen Van Andy, IT expert, Melbourne, Úc Châu
270/ Nguyen Renee, Học sinh VCE, Melbourne, Úc Châu
271/ Nguyen Minh Tue, Giáo sư, ĐHSP Sài Gòn, tốt nghiệp ĐH RMIT, ĐH La Trobe,
Victoria, Úc Châu
272/ Trần Viết Huân, Chuyên viên CNTT, TPHCM, Việt Nam
273/ Khanh Nguyen, Tổng cục Hàng không Liên bang (Federal Aviation Administration) USA
274/ Lê Vinh Ngọc Hoa, Sinh viên tại UK
275/ Nguyễn Thu Hằng, Bác sĩ tại Paris, Pháp
276/ Phan Việt Quốc, Kỹ sư, Công ty Boeing, WA 98188 USA
277/ Trần Thu Thủy, Nội trợ. Cư trú: Am Stadtpark 6 92237 Sulzbach-Rosenberg CHLB Đức
278/ Hồ Kim Sơn, Cử nhân Khoa học Vi tính, hiện ở Hoa Kỳ
279/ Phan Nhu Nguyet, Giám đốc Nhà Xuất bản Tuệ Quang, Washington DC, USA
280/ Tô Hoài Nam, ngụ tại 59 Đống Đa TP Nha Trang, Việt Nam
281/ Hà Thúc Huy, PGS.TS, Đại học Khoa học - Đại học Quốc Gia TPHCM, VN
282/ Phạm Hồng Sơn, Bác sỹ. Địa chỉ: 72 B Thụy Khuê, Hà Nội, VN
283/ Phillip Tran, Bác sĩ, nghiên cứu y học lâm sàng tại ĐH Y khoa UCSD, San Diego Hoa Kỳ
284/ Nguyên Ngọc, nhà văn, Hà Nội, VN
285/ Nguyễn Đoàn Tuyết Ly, Cty TNHH Máy CC & TB T.A.T, Số 1 Xa lộ Hà Nội,
P. Thảo Điền, Q.2, TPHCM, VN
286/ Nguyên Van Tao, Tiến sĩ Khoa học Vật lý Pháp, Nghiên cứu viên và Giám đốc
hãng SARTECH, 110 route des Grands-Près 74350 Copponex France
287/ Trần Quang Ngọc, Tiến sĩ Kỹ sư Điện, Công ty Robert Bosch, Stuttgart, CHLB Đức
288/ Nguyen Thi Thanh Thanh, Nội trợ, Phật tử ở TP Biên Hoà, Việt Nam
289/ Nguyen Phuong Trinh, Học sinh, TP Biên Hoà, Việt Nam
290/ Nga Nguyễn, Kỹ sư Điện toán tại CHLB Đức
291/ Ngô Quyền (Ngô Duy Quyền), thường trú tại xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hoà, tỉnh
Bắc Giang, VN
292/ Nguyen Thi Cam Thi, TS Sinh học Phân tử, Paris, Pháp
293/ Trịnh thị Lang, Cử nhân Sinh học Nông nghiệp (hưu trí), Stuttgart Germany
294/ Bùi Hữu Tường, Bác sỹ Y khoa, tỉnh Mönchengladbach, CHLB Đức
295/ Ly Do Gia, Hà Nội, Việt Nam
296/ Huỳnh Thế Phùng, ĐHKH Huế, Việt Nam
297/ Thai Triet, Sinh viên University of North Texas, TX, USA
298/ Nguyen Van Hung, Bác sĩ Khoa Bệnh Tim và Mạch máu, Bệnh viện Đa khoa
Périgueux, Dordogne, France
299/ Phan Công Tuấn, Lương y, Phó TBT Tạp chí Cây Thuốc Quý, Cẩm Lệ, Đà Nẵng, VN

(đến 18 giờ 14/ 10/ 2009)

300/ Trương Thế Kỷ, Kỹ sư Cơ khí, hãng BMW, Munich, CHLB Đức
301/ Nguyễn Vũ, Kỹ sư. Cư trú: 284/26 Lê Văn Sỹ, P.14, Q.3, TP. HCM
302/ Khương Quang Đính, Chuyên gia Tin học, Paris, Pháp.
303/ Nguyễn Đức Tùng, Bác sĩ, Nhà thơ, Canada
304/ Nguyen Thien, Ky su Điện toán, Edmonds WA, USA 98020
305/ Chu Sơn, làm thơ, viết văn, cư ngụ tại thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam
306/ Lê Thành Chung, Kỹ sư Tin học, Ngân hàng Tiểu bang Berlin
(Landesbank Berlin AG) CHLB Đức
307/ Trần Tuấn Dũng, Hưu trí, Nguyên Chuyên viên Điện toán & Quản Lý
Cư trú: 4817 Lalande Blvd, Montreal, Quebec, Canada H8Y 3H4
308/ Lê Văn Hưng. Cư trú: Huyện Diên Khánh Tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam
309/ Tran Cong Thang, Bác sĩ Y khoa định cư tại Na Uy
310/ Lê Mai, Kỹ sư Thực phẩm, Heidelberg, CHLB Đức
311/ Đoàn Minh Hóa, Chủ nhiệm & Chủ bút Tạp chí Đi Tới), Montréal, Québec, Canada
312/ Trần Ngọc Khoa, Kỹ sư Công nghệ Thông tin, Washington, DC, USA
313/ Đinh Tuấn Minh, Nhà nghiên cứu kinh tế Độc lập, Hà Nội, Việt Nam
314/ Trần Nguơn Phiêu, Y khoa Bác sĩ, hồi hưu. Địa chỉ: Amarillo, Texas, USA
315/ Bùi Xuân Bách, Giáo viên nghỉ hưu. Cư trú: Boston, MA, USA
316/ Trần Quốc Hiệp, Network Engineer, 92160, Antony, France
317/ Nguyễn Lưu. Geerten Gossaertpad 33 -1321 TG, Almere, Hà Lan
318/ Tran Thu, Western Australia
319/ Đỗ Quốc Thắng, Sinh viên. Cư trú: P2, Q4, Sài Gòn, Việt Nam
320/ Nguyễn Thị Mai, Cử nhân Tin học. Cư trú: Bình Thạnh, TPHCM, Việt Nam
321/ Phan Thị Hoàng Oanh, Giảng viên ĐH Sư phạm TPHCM, Việt Nam
322/ Lê Văn Chính, Kỹ sư, Cố vấn Kỹ thuật Soncamedia, 15 Mai Thị Lựu, Q.1, TPHCM, VN
323/ Lê Chính Duật, Kỹ sư, Microsoft Corporation. Raleigh, North Carolina, USA
324/ Trần Hoàng Phương, Sinh viên ngành Xây dựng, trường Technical University of
Munich (TUM). Adelheidstraße 17, Zimmer 108, Munich, CHLB Đức
325/ Mạnh Kim, Dịch giả báo chí tự do, Sài Gòn, Việt Nam
326/ Giuse Nguyen Gia Quoc, Giáo xứ Thanh Anna-Giuse Hien, Minnesota, Hoa Ky
327/ Thích Thanh Thắng, Uỷ viên Ban Văn hoá Trung ương GHPGVN. Chùa Giác
Tâm, 59/8C Thuận Kiều, Phường 12, Quận 5, TPHCM, Việt Nam
328/ Mai Dang Duc. Cư trú: Paris, France
329/ Huỳnh Văn Hoa, Thạc sĩ, dịch sách, viết báo. Cư trú: 200/8 Hoàng Diệu, Đà Nẵng, VN
330/ Chân Huyền Đỗ Quyên, Cư sĩ Phật tử ở Canada
331/ Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Nhà văn. Cư trú tại Virginia, Hoa Kỳ
332/ Lê Nguyên, Nhà báo. Cư trú tại Paris, Pháp
333/ Phạm Tường An, Ph.D. Khoa học gia. Cư trú: California, USA
334/ Trần Thị Quỳnh Vi, Luật sư ở Menlo Park, California, Hoa Kỳ
335/ Xuandai Hoang, Member Services Coordinator, ISPE Member Services
Department, International Society for Pharmaceutical Engineering, Inc.
3109 W. Dr Martin Luther King Jr. Blvd. Ste 250, Tampa, FL 33607, USA
336/ Nguyen Xuan Tung, Nguyên Giảng sư, Giáo sư các trường Trung học Bồ Đề Qui
Nhơn, Nguyên Thiều. Cư trú: Gardena, California, Hoa Kỳ
337) Nguyen Quoc Viet, Kỹ sư Điện tử, Võ sư môn phái Binh Thai Dao (võ Bình
Định) ở Oceanside, CA, Hoa Kỳ
338/ Nguyen The Duc, Giáo sư, Kỹ sư Điện tử, Cố vấn Tài Chánh Địa ốc ở
West Hollywood, CA, Hoa Kỳ
339/ Trinh My Van, Pháp danh Tam Thanh Tru. Cư trú: Los Angeles, CA, Hoa Kỳ
340/ Tran Thi Sau. Cư trú: West Covina, CA, Hoa Kỳ
341/ Chu Thi Du, Pháp danh Dieu Thuong. Cư trú: Gardena, CA, Hoa Kỳ
342/ Staci Nguyen, Quản trị Kinh doanh, San Diego, CA, Hoa Kỳ
343/ Everlyn Nguyen. Cư trú: Santa Ana, CA, Hoa Kỳ
344/ Dennis Nguyen, Sinh viên Đại học Calif. State Northridge, CA, Hoa Kỳ
345/ Sonya Nguyen, Sinh viên Đại học UC Berkerly, CA, Hoa Kỳ
346/ Vo Hiep, Kĩ sư Cầu đường, Los Angeles, California, Hoa Kỳ
347/ Vo Hung, Tiến sĩ Dược khoa, Yorba Linda, California, Hoa Kỳ
348/ Vo Han, Sinh viên Y khoa, University of Toledo, Ohio, Hoa Kỳ
349/ Tôn Vân Anh. Cư trú: Warsaw, Ba Lan
350/ Nguyễn Công Đức. Cư trú: Irving,Texas, USA
351/ Đỗ Thành Tiên, Pháp danh: Tịnh Hải.
Cư trú: 110/18 Đường số 4 - KP6 - P. Hiệp Bình Phước - Q.Thủ Đức, TPHCM, Việt Nam
352/ Thiện Hiền. Cư trú: Bentonville, Arkansas, USA
353/ Phạm Tư Thanh Thiện, Nhà báo, Paris, Pháp

(đến 24 giờ ngày 15/10/2009 - giờ VN)

354/ Nguyễn Hoài Nam, Kĩ sư cơ khí, Paris, Pháp
355/ Hà Văn Thịnh, Giảng viên khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Huế, VN
356/ Hồ Văn Lý, Kỹ sư. Hiện đang cư trú: Quận 3, TP.Hồ Chí Minh, VN
357/ Dinh Tri, Tín đồ Công Giáo. Cư trú tại Georgia Hoa Kỳ
358/ Dang Thi Di, Tín đồ Công Giáo. Cư trú tại Georgia Hoa Kỳ
359/ Nhan Nguyen, Budget Fiscal Analyst, University of Washington, USA
360/ Nguyễn Gia Định, Khoa Toán, Trường Đại học Khoa học Huế, VN
361/ Đỗ Minh Tuấn, Nhà thơ, Đạo diễn Điện ảnh. Cư trú tại Hà Nội, Việt Nam
362/ Vu Trong Nga, Sinh viên trường ĐH Xây Dựng, 55 Giải Phóng, Hà Nội, VN
363/ Võ Văn Giáp, Kỹ sư Cơ khí, Công ty SNC-Lavalin, Toronto, Canada
364/ Nguyễn Đức Huy, Thành viên Sangha Nắng Mai Hồng, Tiểu bang
Nordrhein-Westfalen, Cộng Hòa Liên Bang Đức
365/ Trần Phước Chung, Đông y sĩ. Địa chỉ: xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai, VN.
366/ VanLang Do, NSW, Australia
367/ Co Do, NSW, Aus
368/ Nga Nguyen, NSW, Aus
369/ Kim Do, NSW, Aus
370/ Thuy-Grey Hinwood, NSW, Aus
371/ Quynh Mai Do Fourbert, Switzerland
372/ Anne Do, Pensylvania, USA
373/ Bat Do, Pensylvania, USA
374/ Ngoc Dang Do, Pensylvania, USA
375/ Anh Do, Germany
376/ Thanh Do, San Jose, USA
377/ Thai Hoang Do, San Jose, USA
378/ Tran Hoang Do, San Jose, USA
379/ Nguyễn Minh Hải, Sinh viên đại học Khoa học Xã hội Nhân văn TPHCM, VN, Việt Nam
380/ Nguyễn Thị Phương Anh, Giáo viên. Nơi cư trú: TPHCM, VN
381/ Dương Văn Thanh, Kỹ sư Điện tử Hàng không. Cư trú: Hoa Kỳ
382/ Dong Nhat, Tu sĩ, Tu Viện Huong Hai, 2321 sw 127 ave, Davie, Florida, 33325 USA
383/ Nguyễn Vy Thanh, Kỹ sư điện tử, Arizona, USA
384/ Chân Hằng Hương, Kỹ thuật viên về hưu, Arizona, USA
385/ Ha Ton, cư ngụ tại California, Hoa Kỳ
386/ Vo Huyen Chau, Giáo sư về hưu, ngụ tại Maryland, Hoa Kỳ
387/ Nguyễn Quốc Thắng (Bút hiệu Huyền Lam), Chuyên viên Thiết kế Phần Mềm trong
ứng dụng môi trường, ngụ tại Bellevue, Washington, USA
388/ Phan Quốc Tuyên, Công chức Liên minh Viễn Thông Quốc Tế (ITU),
Geneva, Switzerland
389/ Lê Phương An, Học sinh. Nơi cư trú: TPHCM, Việt Nam
390/ Lê Thế Hàm, Học sinh. Nơi cư trú: TPHCM, Việt Nam
391/ ThanhMy Nguyen, M.D., Waters Medical Clinic, Tampa, Florida, USA

392/ Trần Kim Long, Kỹ sư điện. Cư trú: 498 Clauser Dive, Milpitas, CA 95035, USA
393/ Tran A Tuan, Phật tử. Cư trú: Tampa, Florida, USA
394/ Thomas Le, Design Electronic Engineer. Cư trú: San Jose, California, USA
395/ Truong Thang, TS, Nghiên cứu Virus, Viện Vệ sinh Dịch tễ, Hà Nội, Việt Nam
396/ Cao Ngan. Cư ngụ: Sydney, NSW, Australia
397/ Nguyen Thien Giac. Cư ngụ: Sydney, NSW, Australia
398/ Dieu Huyen, Phật tử, Giáo viên, làm du lịch, viết sách. Cư trú: TPHCM, Việt Nam
399/ Tâm Trí Pháp, Phiên dịch viên, Phật tử. Địa chỉ: Văn Miếu, Hà Nội, Việt Nam
400/ Diệu Tâm,Quản lý Kinh doanh, Phật tử. Địa chỉ: Tây Hồ, Hà Nội, Việt Nam
401/ Tâm Khánh Phương, Phật tử. Địa chỉ: Nam Định, Việt Nam
402/ Tâm Tĩnh An, Giảng viên, Phật tử. Địa chỉ: Hai Bà Trưng, Hà Nội, Việt Nam
403/ ĐH Nhật Thiện Nguyễn, Cán bộ Tài chánh Cộng Hoà Pháp, Paris, Pháp
404/ Do Kim Van. Cư trú: Connecticut, Hoa Kỳ
405/ Pham Tuong Vi. Cư trú: Connecticut, Hoa Kỳ
406/ Do Khac Hai. Cư trú: Connecticut, Hoa Kỳ
DANH SÁCH ĐẶC BIỆT :
Những người nước ngoài ghi tên ủng hộ Thư Thỉnh nguyện (Foreigner Supporters):
1/ Gabriella Ferrari, via Dei Sales 16, 38080 Carisolo Tn, Italy
2/ Mai Nghiêm, Buddist Nun (Nữ tu sĩ Phật giáo người Pháp), Paris, France
3/ Paul Hoover, Poet and Professor of Creative Writing (Nhà thơ & Giáo sư khoa Sáng tác Văn học), San Francisco State University, USA
4/ Macario Tiu, Doctor, Professor (GSTS), Ateneo de Davao University, Davao City, Philippines
5/ Inez Baranay, Free-lance Writer (Nhà văn, Nhà báo Tự do), Australia
6/ Gwen Coronado, Real Estate Broker/Property Manager (Kinh doanh Địa ốc & Quản lý Tài sản), San Diego, CA 92121, USA
7/ Erik Bergqvist, Writer & Critic (Nhà văn & Nhà phê bình), Kalmgatan 13A, 121 45 Johanneshov, Sweden
8/ Todd Fredson, Writer and Researcher at Read Right Systems (Nhà văn & Nghiên cứu viên về Hệ thống Quyền Đọc sách) , Shelton, WA, USA
9/ Peter Hale, Allen Ginsberg Estate (Thư ký Di sản Allen Ginsberg), New York, USA
10/ Nicholas Jose, Visiting Chair of Australian Studies (Trưởng Bộ môn Nghiên cứu Australia - Thỉnh giảng), Harvard University, Department of English, Cambridge, MA, USA
11/ Roy Strider, Amnesty International Estonia (Tổ chức Ân xá Quốc tế của Estonia), Musta talu, Mustakurmu küla, Ahja vald 63707 Põlvamaa Estonia
12/ Catherine Hulbert, Free-lance Writer (Nhà văn, Nhà báo Tự do), 41 Leffert Road, Trumbull, CT USA
DANH SÁCH BỔ SUNG
Sau khi Thư Thỉnh nguyện Bát Nhã đã được gửi đến các vị lãnh đạo Nhà nước ngày 16/10/2009, trong hộ̣p thư [email protected] lại hiện lên một số tên quí vị đã gửi đến từ ngày 6/10 nhưng không hiểu vì trục trặc gì mà thư tới chậm. Cũng có một số vị đã gửi thư đến ngay sau 24 giờ ngày 15/10 là thời điểm chúng tôi ngưng nhận thư. Để tỏ lòng cảm kích và trân trọng quí vị, chúng tôi xin nhờ các trang mạng Bauxitevietnam, Talawas Blog và Diễn Đàn công bố danh sách ký tên bổ sung sau đây:
1/ Huỳnh Công Thuận, Công dân Sài Gòn, Việt Nam
2/ Võ Văn Giáp, Kỹ sư , Toronto, Canada
3/ Phan Thi Thuan, Cựu Giáo viên trường Hồng Bàng Quậ̣n 5 TPHCM, bút hiệu Chan Y Nghiem.
4/ Trần Phước Chung, Đông y sĩ, Đồng Nai, VN
5/ Lê Kim Huy, Phật tử, Giảng viên Điện- điện tử, 1F25 Nguyễn Thái Sơn F3 Gò Vấp, TPHCM, VN
6/ Hoàng Thanh Sang, Cử nhân CNTT, Chuyên gia quản lý dự án, Quận 12, TPHCM, VN
7/ Le Thi My Thanh, Nhân viên văn phòng, Tân Quý, Tân Phú, TPHCM, VN
8/ Phạm Thanh Nam, Cán bộ Ngân hàng, Phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy, Hà Nội, VN
9/ Đỗ Lê Tố Quyên, Cử nhân sư phạm. Quảng Nam, Việt Nam
10/ Nguyễn Thúy Loan, Viên chức, 28 Hàng Đường , Hà Nội, Việ̣t Nam
11/ Quách Thị Vân Anh, SS NDP Hồng Vân - Bảo Lộc Nestlé Việt Nam Ltd
12/ Hồ Quang Huy. Địa chỉ: tổ 15, Phường Ngọc Hiệp, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, VN
13/ Nguyen Lien Huong, Cựu Sinh viên ĐH KTQD Hà Nội, hiện sống ở Praha, CH Séc
14/ Phạm Ngọc Tấn, Kỹ sư Điện tử viễn thông, Dung Quất, Quảng Ngãi, Việt Nam
15/ Pham Thanh Hiep, Phật tử, TP HCM, Việt Nam
16/ Do T Thuc, Khoa họ̣c gia, CNRS Paris, Phap

_________________________________________________________________

BỐN TRĂM QUẢ CHUÔNG BÁT NHÃ
Tác giả: Hoàng Hưng - 21/10/2009 | 12:10 sáng |

Bốn trăm “quả chuông Bát Nhã” là nói 400 tiếng người gióng lên từ câu chuyện Tu viện Bát Nhã. Tuy câu chuyện còn được viết tiếp, cái hậu của chuyện thế nào còn tùy thuộc các đồng tác giả của nó – ở nhiều phía, trong đó có những người đã lên tiếng về nó, và như thế cũng đã trở thành một phần của câu chuyện.

Hôm nay, sau khi lá Thư Thỉnh nguyện với trên 400 chữ ký đã được gửi tới những người lãnh đạo cao nhất của Nhà nước Việt Nam, tôi ngồi nghĩ lại một số chuyện xung quanh lá Thư.

Đầu tiên là những trách cứ hay nhẹ hơn là băn khoăn từ một số bạn bè trong giới cầm bút nhắn gửi tới người khởi thảo hoặc được công khai trên mạng.

Những ý kiến cho rằng dùng tiêu đề “Thư Thỉnh nguyện” là bất xứng, là yếu ớt, nó cần mạnh mẽ hơn, ít ra phải là “Kiến nghị”, nếu không là một bản “Tuyên bố của công dân”. Và cho rằng chính vi sự yếu ớt ấy mà không ít người không muốn ký vào Thư, trong khi hoàn toàn đồng ý với nội dung của nó.

Cho đến lúc này, tôi vẫn thấy dùng hình thức “thỉnh nguyện” là hợp tình, tuy có thể chưa hợp lý. Có lẽ vì, giống như nhiều người Việt, tôi vẫn còn tin rằng trong điều kiện đất nước chưa có một nền pháp trị đúng nghĩa, thì nhiều trường hợp “một trăm cái lý không bằng một tý cái tình”; hơn thế nữa, chuyện của các tu sĩ Bát Nhã đối với rất nhiều người trong nước là một chuyện khó hiểu, phức tạp – ít ra là ở thời điểm họ nhận được Thư, cho nên lên tiếng vì cái “tình” đối với 400 con người đang lâm nạn thì họ dễ sẵn sàng hơn là “đấu lý” trong một tư thế “châu chấu đá xe” và trong một hoàn cảnh thông tin bị bưng bít chưa từng có. Điều này có lẽ đã chứng tỏ khi lá Thư ngay từ ngày đầu đã nhận được những tên tuổi lớn trong giới khoa học và văn nghệ, những người chưa từng tham dự bất cứ cuộc bày tỏ tập thể nào trước chính quyền. Chẳng phải cái “tình” đối với 400 tu sĩ và tu sinh trẻ tuổi khiến họ thay đổi thái độ như thế sao? Cũng như từ một số nhà bất đồng chính kiến, những người thậm chí vẫn thường công khai bác bỏ tính chính danh của nhà cầm quyền, nhưng giờ đây lại sẵn sàng “hạ mình” thỉnh cầu các vị ấy. Chẳng phải cái “tình” đối với 400 tu sĩ và tu sinh trẻ tuổi khiến họ thay đổi thái độ như thế sao? Điều này càng ý nghĩa khi tên họ đứng cùng với tên của gần 20 cán bộ cách mạng và đảng viên cộng sản lão thành.

Nghĩ cho cùng, điều những người ký tên vào Thư này đồng lòng gửi gắm qua Thư là thúc đẩy việc tìm ra một giải pháp thực tế để bảo vệ, trước hết là sự an toàn cho các tu sĩ, sau đó là nguyện vọng tu tập của họ, chứ không phải gì khác.

Một số hãng thông tấn và đài, báo nước ngoài khi phỏng vấn một số nhân vật ký tên vào Thư, trong đó có bản thân tôi, đều đưa câu hỏi: “Ông có phải là Phật tử không?” Câu trả lời đều là “Không”. Câu trả lời ấy nói lên được tinh thần của đại đa số người ký tên. Trong con số trên 400 người Việt Nam, chỉ có 56 người ký với tư cách Phật tử, bên cạnh đó là gần 20 tín đồ và linh mục Công giáo[1]. Thư Thỉnh nguyện không có động cơ tôn giáo, mà ở đây là tình người, nghĩa đồng bào, mối ưu tư về quyền con người, quyền công dân bị tước đoạt, mối đoàn kết toàn dân bị phá vỡ, pháp luật bị chà đạp, cái ác, cái hạ cấp lên ngôi – những điều đang tàn phá chưa từng có nền tảng tinh thần của tòan xã hội, nền tảng đạo lý của dân tộc mà hậu quả chưa biết đến bao giờ mới khắc phục được.

Không ít người tỏ ra nghi ngờ tác dụng thực tế của lá Thư. Chúng ta cần ghi nhận rằng đã có những động thái về phía những cơ quan trách nhiệm. Điều đầu tiên, có lẽ nó đã giúp 400 tu sĩ vừa chạy nạn đến chùa Phước Huệ không bị trục xuất lập tức theo lệnh của chính quyền sở tại. Rồi đã có những phái đoàn đến thăm hỏi nguyện vọng của họ. Đã có sự đình hoãn ngày “giải tán”. Đã có phát ngôn chính thức của chính quyền với công luận, ý kiến chính thức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đối với việc bạo hành ở Tu viện Bát Nhã, dù nội dung phát ngôn hay ý kiến ấy làm chúng ta buồn lòng hoặc chưa tán thành. Phải chăng chí ít thì Thư đã góp một chút thủy lực vào dòng thác công luận làm nhúc nhích khối đá ù lì? Đá đã nhúc nhích, tức là đá sẽ phải dịch chuyển.

Tất nhiên những đáp ứng quá khiêm tốn ấy còn lâu mới thỏa mãn chúng ta, nhất là ở điều thỉnh cầu đầu tiên: “Cho lập ngay một Ủy ban Điều tra cấp Nhà nước về vụ Bát Nhã, có sự tham gia của các đoàn thể quần chúng và một số nhân sĩ trí thức độc lập” và cuối cùng: “Khuyến khích giới truyền thông tiếp cận thực tế và thông tin cho toàn dân biết sự thật về những gì đã và đang xảy ra về vụ Bát Nhã”. Vì chúng ta tin rằng, chỉ có trên cơ sở công khai minh bạch toàn bộ sự thật về vụ Bát Nhã, chính quyền mới có thể khiến công luận trong ngoài nước “tâm phục, khẩu phục”.

Dẫu sao, như trong Cáo bạch về việc ngưng nhận chữ ký đã nói, ta có quyền “hy vọng trên 400 tiếng nói chân thành của chúng ta sẽ hoà thành hồi chuông giục giã các vị lãnh đạo Nhà nước tìm ra giải pháp công bằng cho nguyện vọng của các tu sĩ Bát Nhã được tu hành theo con đường mà họ đã lựa chọn”. Và may chăng từ đó rút ra bài học về ứng xử cần phải có đối với những cách nghĩ, những niềm tin “khác” trong nhân dân của mình.

Hy vọng có thành sự thật không, tôi không muốn phỏng đoán. Nhưng tôi muốn nói đến một tác động khác của lá Thư mà tôi xem trọng có khi còn hơn những kết quả khiêm tốn có thể đạt được đối với chính quyền. Việc ký tên vào Thư bản thân nó đã tác động đến chính người ký tên. Xin hạn chế ở gần 200 người đang sống trong nước. Có một bạn viết cho người nhận chữ ký, tâm sự rằng: trước đây tôi rất sợ dính vào những chuyện như thế này, nhưng lần này tôi thấy mình không lên tiếng thì hèn quá, sẽ tự mình không chịu nổi chính mình. Xin thưa ngay rằng bản thân người khởi thảo Thư cũng đã có vài đêm trằn trọc trước lúc quyết định viết Thư. Tôi tin rằng không ít người khác cũng đã từng phải cân nhắc, phải đắn đo ít nhiều trước khi gõ phím ghi tên mình vào danh sách ký tên, trước khi click chuột để gửi đi.

Động tác ấy đối với chúng ta chính là giây phút vượt qua nỗi sợ vô hình lâu nay đã tạo nên hội chứng tinh thần trầm kha mà có người đặt tên là “chứng liệt kháng” của những con người lương thiện nhưng thấy mình quá nhỏ yếu trước cái xấu, cái ác đang vây quanh. Tiếng nói mà chúng ta cất lên hôm nay trước nhất là tiếng chuông tự thức tỉnh. Theo cách nói nhà Phật, đó chính là tiếng chuông “Bát Nhã”, tức là sự giác ngộ tự thân, sự rời bỏ bờ mê để sang bến tỉnh, sự quyết định dấn thân vì cái thiện.

Có một người Mỹ chưa hề quen biết, khi gửi mail ký tên vào Thư đã kèm một lá thư khác của chính ông. Thư nói về việc lên tiếng bảo vệ đồng loại. Lá thư kết thúc bằng câu nói của mục sư Martin Niemöller thuộc Nhà thờ Tin lành Đức sống dưới chế độ Quốc xã, mà tôi xin dịch sau đây:

“Khi bọn Nazi tóm cổ những người cộng sản, tôi đã không lên tiếng, vì tôi không phải cộng sản. Khi chúng tóm cổ những người hoạt động công đoàn, tôi đã không lên tiếng vì tôi không phải người hoạt động công đoàn. Khi chúng nhốt những người xã hội chủ nghĩa vào tù, tôi đã không lên tiếng vì tôi không phải người xã hội chủ nghĩa. Khi chúng nhốt những người Do Thái vào tù, tôi đã không lên tiếng vì tôi không phải Do Thái. Rồi khi chúng tóm cổ tôi thì chẳng còn ai để lên tiếng cho ai nữa.”[2]

TPHCM 18/10/2009

[1] Trong tổng số 411 người Việt Nam ký tên:

Sống ở nước ngoài: 222, trong nước 189.
Phật tử: 56. Công giáo: 18. Cán bộ cách mạng, đảng viên cộng sản lão thành: 16
Học vấn (chỉ tính trong số người có kê khai về mục này): Trên đại học (gồm cả giảng viên đại học): 74. Đại học (gồm cả một số nhỏ sinh viên): 169
Làm việc trong các ngành Khoa học Xã hội Nhân văn: 102. Trong các ngành KH Tự nhiên, Kỹ thuật, Dịch vụ: 168
[2] Chú thích của talawas: Nguyên văn tiếng Đức:

Als die Nazis die Kommunisten holten, habe ich geschwiegen, ich war ja kein Kommunist.
Als sie die Gewerkschafter holten, habe ich geschwiegen, ich war ja kein Gewerkschafter.
Als sie die Sozialisten einsperrten, habe ich geschwiegen, ich war ja kein Sozialist.
Als sie die Juden einsperrten, habe ich geschwiegen, ich war ja kein Jude.
Als sie mich holten, gab es keinen mehr, der protestieren konnte

http://www.talawas.org/?p=11924.

_________________________________________________________________


THƯ NGỎ GỬI CÁC VỊ LÃNH ĐẠO NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

VỀ VỤ 400 TU SĨ BÁT NHÃ BỊ KHỦNG BỐ

Hoàng Hưng 28-9-2009

Kính gửi các ông:

- Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch nước CHXHCNVN
- Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCNVN
- Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCNVN

Trước nhất, vì sự cấp bách của tình hình, tôi xin các vị thông cảm việc tôi bắt buộc dùng hình thức Thư ngỏ này để hy vọng tiếng nói chân thành của mình kịp đến tai các vị, mong nhờ thế mà một kiếp nạn thê thảm của Phật giáo nước nhà có thể được hóa giải vào phút chót, và danh dự của Nhà nước Việt Nam được cứu vớt trước nhân dân Việt Nam và cộng đồng thế giới.

Tôi là Hoàng Hưng, công dân Việt Nam, 68 tuổi, nhà báo tự do (đã về hưu sau trên 30 năm phục vụ trong hệ thống báo chí của Nhà nước), làm thơ và dịch sách, một người có thời gian tìm hiểu về đạo Phật và thực tế của nó trong nước và thế giới. Tôi rất đau lòng trước tin tức những vụ phá phách tu viện Bát Nhã, bức hại tu sĩ và tu sinh ở đó liên tục truyền đi khắp thế giới trong mấy tháng qua.

Cho đến ngày hôm qua, 27 tháng 9 năm 2009, bi kịch đã lên đến đỉnh cao, trở thành tấn thảm kịch chưa từng có trong lịch sử Phật giáo Việt Nam dưới chế độ do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

Theo tin tức trên mạng và đài phát thanh các nước, khoảng 150 tên “côn đồ”, trước sự chứng kiến, thậm chí còn được cho rằng có sự hỗ trợ, của công an, đã xông vào phá các nơi ở của gần 400 tu sĩ và tu sinh ở tu viện Bát Nhã, quăng kinh kệ đồ đạc của họ ra ngoài trời mưa tầm tã, lôi kéo xua đuổi họ, cưỡng ép họ lên xe để trục xuất. Trong quá trình ấy đã có những tu sĩ bị đánh đập dã man, một số người ngất xỉu phải đi cấp cứu. Hiện nay, số còn lại, tất cả là nữ tu, trên 300 nữ tu đang sống trong sự sợ hãi, chưa biết số phận mình ra sao, khi những kẻ khủng bố tuyên bố chỉ cho họ 2 ngày để ra khỏi tu viện, nếu không sẽ gặp nguy hiểm tính mạng.

Kính thưa các vị

Tôi không thể tin được rằng một việc bất nhân, tàn bạo tầm cỡ như thế có thể ngang nhiên xảy ra trên một đất nước có pháp luật, có sự lãnh đạo toàn diện và triệt để của một Đảng luôn tự khẳng định mình là đại diện cao quí của nhân dân. Nhất là, theo các chứng nhân nói trên các phương tiện truyền thông, mọi lời kêu cứu đến lãnh đạo của tỉnh Lâm Đồng, huyện Bảo Lộc, đều bị lạnh lùng từ chối.

Tôi được biết đại đa số tu sĩ và tu sinh ở Bát Nhã là những nguời trẻ, tuổi từ 18 đến 35, không ít người trong đó là con em các gia đình cách mạng, Đảng viên, cán bộ, một số người bản thân đã là cán bộ nhân viên nhà nước. Họ đã tu hành yên lành trong 3 năm ở Bát Nhã. Các vị có trách nhiệm cao nhất của Giáo hội Phật giáo Lâm Đồng cũng như Trung uơng đều công khai xác nhận họ tu hành nghiêm chỉnh, không hề chống đối Giáo hội hay chính quyền.

Vậy mà suốt mấy tháng nay, họ đã liên tục phải chịu những sự bức bách không thể hình dung của những thế lực hung tàn: chỗ tu hành ăn ở bị phá, bị vây hãm đe dọa điên cuồng, bị ngăn chặn tiếp tế lương thực, bị cắt điện nước. Lời kêu cứu của họ đã liên tục truyền đi khắp thế giới, không hiểu có đến tai các vị?

Sau khi nêu hết lý do này đến lý do khác, tất cả đều là những lý do hết sức thiếu thuyết phục, để giải thích việc trục xuất và cắt điện nước đối với 400 người tu ở Bát Nhã, những thẩm quyền cấp dưới của các vị cuối cùng chỉ còn đưa ra một lý do: họ không còn được ông Đức Nghi, chủ hộ tu viện Bát Nhã, chấp nhận cư trú, vì vậy họ phải bị trục xuất.

Các cấp thẩm quyền này làm như không cần biết lịch sử của vấn đề: theo nhiều bằng chứng được truyền trên mạng, chính ông Đức Nghi đã mời những tu sĩ này đến tu viện của mình, đã tự tay làm lễ quy y, thí phát cho hàng trăm tu sinh, coi họ là đệ tử, đã nhận tiền (hàng triệu đô la) để mua đất, xây nhà cho những người tu này và tổ chức cho họ tu tập.

Chẳng lẽ chỉ vì sự trở mặt của ông này mà chính quyền ủng hộ ông ta xua đuổi 400 đệ tử của mình bằng những biện pháp vô cùng thất nhân tâm, vi phạm luật pháp như thế sao?

Có phải vì ông Đức Nghi đã hối lộ một số quan chức có trách nhiệm để được giúp đỡ nhằm chiếm đoạt đất đai nhà cửa (hàng chục hec ta đất, nhiều tòa nhà lớn), như những phỏng đoán được truyền trên mạng và trong giới Phật giáo?

Hay, có phải một số quan chức có quyền, vì căm tức Thiền sư Nhất Hạnh đã có những lời xúc phạm đến họ mà ra tay xua đuổi bằng được 400 đệ tử của ông này, như một số người nêu lên trên các phương tiện truyền thông?

Nếu không phải như thế, thật khó mà giải thích những sự kiện đau lòng đã và đang xảy ra ở Bát Nhã, những sự kiện khiến Phật tử hoang mang, người có lương tri phẫn nộ, người có lòng cảm thương vô hạn những con em vô tội của dân mình lâm nạn mà bó tay không biết làm gì để cứu họ.

Vì thế, tôi không cầm nổi lòng mình, buộc phải viết thư này gửi đến các vị, mặc dù biết rằng có thể sẽ gây thù chuốc oán với một số người, có thể gặp khó khăn nguy hiểm cho chính bản thân. Nhưng tôi sẵn sàng chấp nhận mọi gian nguy cho bản thân, chỉ mong tiếng nói nhỏ nhoi này đến được tai các vị.

Xin các vị rủ lòng thương đến con em của nhân dân Việt Nam, trực tiếp đứng ra xem xét và giải quyết khẩn cấp vụ này một cách công bằng, có tình có lý, để người dân Việt Nam và công luận quốc tế tin rằng Nhà nước Việt Nam thực sự tôn trọng con người, thực sự thực hiện quyền bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật.

Kính thư

TPHCM ngày 28/9/2009

Hoàng Hưng
http://www.bauxitevietnam.info/c/11266.html

_____________________________________________________


Quan Điểm của Gia Đình Phật Tử Việt Nam Hải Ngoại 03-10-2009

batnha-btt37

batnha-btt38

batnha-btt39

ĐIỆN THƯ VĂN PHÒNG ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA
CHIA SẺ VÀ CẦU NGUYỆN CHO TĂNG THÂN BÁT NHÃ

24.10.2009 | http://www.phusa.info/

Điện thư từ Chhime Rigzing
VĂN PHÒNG ĐỨC ĐẠT LẠI LA MA
Ngày: 2009/10/20
Về việc Tu Viện Bát Nhã ở Việt Nam
gửi thầy jñānabhadra Shākya nhờ chuyển giao

Thưa quý vị,

Cám ơn thư của các vị báo tin về sự đuổi xua các nam tăng và nữ tăng ra khỏi tu viện Bát Nhã ở Việt Nam. Quả thật, Đức Ngài Đạt Lại Lạt Ma rất buồn vì những sự kiện ấy. Ngài cầu mong chính quyền Việt Nam khéo léo giải quyết sự việc trên và cho phép quý thầy quý sư cô sớm trở về tu viện của họ để tu học. Quý thầy quý sư cô nên biết rằng hằng ngày, hình ảnh của quý vị đã hiện ra như những người sư anh sư chị sư em tâm linh Việt Nam trong lời cầu nguyện của Ngài và Ngài cầu mong cho chính quyền Việt Nam sẽ phục hồi sự tự do tu tập chung cho quý vị.

Như quý vị từng biết, Đức Ngài đã dạy ở Los Angeles do công đồng Phật tử Việt Nam thỉnh cầu và Ngài cũng đã dạy ở New York hôm ngày 4 tháng 10 năm nay cũng do Phật tử Việt Nam ở New York thỉnh mời.

Kính gửi những lời chúc tốt lành nhất của Ngài.

Chhime R Chhoekyapa
Thư ký Văn Phòng Đức Ngài Đạt Lại Lạt Ma

Đây là lời cầu nguyện hằng ngày của Đức Ngài:

Nguyện rằng suốt đời tôi từ bây giờ cho tới mãi mãi sẽ là người che chở cho người không được chở che, là người hướng dẫn cho những ai lạc lối, là chiếc tàu cho người vượt biển, là chiếc cầu đưa người sang sông, là nơi trú ẩn cho những người bị hiểm nguy, là ngọn đèn cho người không ánh sáng, là nơi nương náu cho người không nhà và là người phục vụ cho những ai cần đến.trích lời nguyện của Bồ Tát Bodhisatwacharyāwatāra [Tib. byang chub sems dpa'i spyod pa nyid 'jug pa bzhugs so; Ing. The Guide to the Bodhisattva Way of Life, Chapter III, Verse 18-19]~ Śhāntidewa.

Bản gốc thư từ Văn Phòng Đức Đạt Lại La Ma

Thank you for your email regarding the forced eviction of monks and nuns from Bat Nha Monastery in Vietnam. Indeed, His Holiness is deeply saddened by these developments. He prays that the Vietnamese authorities will exercise restraint in dealing with such situations and allow the monks and nuns to return to their monastery. Please rest assured that His Holiness will remember these Vietnamese spiritual brothers and sisters in his prayers and hopes that the Vietnamese authorities will restore their freedom to practice together.

As you may perhaps know, His Holiness was in Los Angeles last month to give a two-day teachings at the invitation of Vietnamese Buddhists and also half a day teachings in New York on October 4, 2009 by Vietnamese Buddhists in New York area.

With good wishes,

Chhime R. Chhoekyapa
Secretary jñānabhadra Shākya

His daily prayers:

"May I become at all times, both now and forever; a protector for those without protection; a guide for those who have lost their way; a ship for those with oceans to cross; a bridge for those with rivers to cross; a sanctuary for those in danger; a lamp for those without light; a place of refuge for those who lack of shelter; and a servant to all in need" - Bodhisatwacharyāwatāra [Tib. byang chub sems dpa'i spyod pa nyid 'jug pa bzhugs so; Ing. The Guide to the Bodhisattva Way of Life, Chapter III, Verse 18-19]~ Śhāntidewa
"http://nyanabhadra.wordpress.com

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
25/12/2013(Xem: 5938)
Trong bản gợi ý cho các chủ đề Hội thảo của BHDPTTW, nhiều đề tài rất hấp dẫn và thiết thực. Tôi đắc ý nhất là ba vấn đề sau đây: - Vấn đề cải đạo - giải pháp nào bảo vệ tín tâm người Phật tử? - Phương thức giáo dục thanh thiếu nhi Phật tử. - Đổi mới phương thức sinh hoạt tu học của GĐPT hiện nay.
25/12/2013(Xem: 12470)
Cũng tại hội trường nầy và vào tháng nầy năm năm trước, tôi hân hạnh được Giáo hội mời dự Ðại hội Phật giáo toàn quốc và đọc tham luận để trình bày một vài nét đặc thù về hiện tượng Phật giáo đang nở rộ cùng khắp bầu trời Âu Mỹ, nơi vốn có một truyền thống lâu đời của Kitô giáo. Trong bài tham luận, tôi cũng góp ý là Giáo hội nên kiện toàn cơ cấu tổ chức và điều hành để đáp ứng nhu cầu của thời đại mới. Giáo hội phải là một tập hợp gồm cả bốn chúng, chứ không thể chỉ có một chúng như cái ghế chỉ có một chân không tự đứng vững được nói gì đến phát triển.
25/12/2013(Xem: 9570)
Trong mọi thế giới mà mọi dân tộc ngày càng dễ gần gũi với nhau nhờ những tiến bộ của khoa học và kỹ thuật, thì văn hoá Tây phương có thế mạnh để thâm nhập vào đời sống của người dân trên khắp mọi châu lục, đặc biệt về tôn giáo và lối sống. Ngày nay Kitô giáo đã phát triển lan rộng ra toàn thế giới, từ đó các lễ nghi và s
24/12/2013(Xem: 6628)
Nguyễn Gia Kiểng, tác giả cuốn “Tổ Quốc Ăn Năn” trước đây, không phải là loại tác giả mà tôi phải mất công đọc những gì ông ta viết. Trước đây, trong bài “Về Một Chuyện Thời Sự: Người Việt – Nguyễn Gia Kiểng – Sơn Hào” [http://giaodiemonline.com/2012/08/thoisu.htm], tôi đã chứng minh rằng Nguyễn Gia Kiểng, một là ngu sử, hai là xuyên tạc lịch sử để chạy tội cho Ca-tô giáo, vì đến ngày nay mà hắn vẫn còn dùng những luận điệu của Ca-tô giáo và thực dân như: 1. Các thừa sai Công giáo tới Việt Nam để rao giảng "tin mừng Phúc Âm" và "khai sáng dân tộc Việt Nam", điều mà ngày nay NGK nói trẹo đi là một nhân sinh quan và vũ trụ quan mới. 2. Các triều đình nhà Nguyễn ngu dốt cùng với bọn quan lại Tống Nho thủ cựu cấm đạo và bách hại giáo dân chỉ vì họ theo một đạo mới.
14/12/2013(Xem: 6239)
Ông già Nô-en là nhân vật đóng vai trò gắn liền với mùa Lễ Giáng Sinh, giống như cây thông trong ngày lễ này. Hình ảnh tiêu biểu của ông là một ông già mặc bộ đồ màu đỏ viền trắng, thắt lưng da đen, đội chiếc nón đỏ với chòm râu dài trắng, bộ mặt hóm hỉnh, tiếng cười "hô hô hô", tồn tại trong nhiều nền văn hoá khác nhau, đặc biệt ở các nước phương Tây.
12/12/2013(Xem: 9493)
Đức Phật trả lời: “Tất cả chúng sinh đều mang theo nghiệp của chính mình như một di sản, như vật di truyền, như người chí thân, như chỗ nương tựa. Chính vì nghiệp riêng của mỗi người mỗi khác nên mới có cảnh dị đồng giữa các chúng sinh” (Kinh Trung A Hàm)
29/11/2013(Xem: 15805)
Các nhà khảo cổ đã phát hiện ra bằng chứng về một ngôi chùa Phật giáo cổ nhất chưa từng được khám phá, có niên đại khoảng năm 550 trước Công nguyên. Tọa lạc tại trung tâm hành hương Lâm Tì Ni của Nepal, địa điểm huyền thoại nơi Đức Phật đản sinh, phát hiện chỉ ra rằng Ngài đã từng sống hơn một thế kỷ trước đó so với thời gian được chấp nhận bởi nhiều học giả trước đây.
29/11/2013(Xem: 13761)
Gần đây, sau ngày Giáo Hội ra mắt cơ quan TTTT Trung ương, hàng loạt vấn đề nhạy cảm phơi bày mang tính méo mó của một số báo chí nói về những tu sĩ Phật giáo.
24/11/2013(Xem: 7300)
Trường hợp các nhà sư Tây Tạng tự thiêu để đòi hỏi quyền tự do tôn giáo và giữ gìn bản sắc dân tộc có phải đã phạm giới sát sinh hay không? Hay đây là hành vi cúng dường thân xác để hộ trì chánh pháp? Đức Đạt Lai Lạt Ma hôm Thứ Tư 20-11-2013 đã nói chuyện về vấn đề này. Đức Đạt Lai Lạt Ma -- người được Giảỉ Nobel Hòa Bình năm 1989 – nói rằng các sự kiện tự thiêu đó là rất buồn và rằng đó là để đối kháng với những gian nan quá lớn mà họ đối diện: “Những vị này đã sẵn sàng hy sinh thân mạn
17/10/2013(Xem: 7363)
Có người cho rằng “đạo nào cũng là đạo”. Câu nói này thoạt nghe qua có vẻ hợp lý và là một ý tưởng hấp dẫn. Nếu hiểu theo một cách đơn giản, trong phạm trù luân lý đạo đức là đạo nào cũng dạy con người làm lành tránh dữ, thì câu này rất hợp lý. Tuy nhiên, chúng ta cần phải suy xét và nhận định lại quan niệm đó qua lăng kính tôn giáo.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]