Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Khái Quát Về Đạo Tin Lành

24/02/201106:45(Xem: 7936)
Khái Quát Về Đạo Tin Lành


KHÁI QUÁT VỀ ĐẠO TIN LÀNH

Hà Lê

Sự ra đời đạo Tin lành

Sự phân liệt lần thứ hai của đạo Kitô vào đầu thế kỷ XVI dẫn đến sự ra đời của đạo Tin lành. Cuộc cải cách này gắn liền với tên tuổi hai đại biểu la Máctin Luthơ (1483 – 1546) và Giăng Canvanh (1509 – 1546).

Thế kỷ XVI là thế kỷ mở đầu cho các cuộc cách mạng tư sản châu Âu. Máctin Luthơ chịu ảnh hưởng của tư tưởng tự do tư sản, phản kháng lại những quy định khắc nghiệt của của Công giáo. Ông thừa nhận Thánh kinh nhưng phủ nhận truyền thống của nhà thờ, bãi bỏ những nghi lễ phiền toái, cải cách lại ngày phục sinh của chúa, chủ trương cho phép các mục sư lấy vợ... Những tư tưởng cải cách này đã dẫn tới xung đột gay gắt quyết liệt với Toà thánh Vaticăng và dẫn đến việc ra đời một tôn giáo mới : đạo Tin Lành.

Nói chung về nội dung cơ bản của đạo Tin lành vẫn giữ nguyên như Công giáo nhưng về luật lệ, lễ nghi, cách thức hành đạo và cơ cấu tổ chức Giáo hội có nhiều thay đổi, ảnh hưởng khá đậm nét tư tưởng dân chủ tư sản, nhấn mạnh ý chí cá nhân.

Giáo lý cơ bản của đạo Tin lành

- Đạo Tin lành đề cao vị trí của kinh thánh, coi đó là chuẩn mực căn bản duy nhất của đức tin và sự hành đạo. Lấy kinh thánh làm giáo lý nhưng đạo Tin lành chỉ công nhận 36 trong tổng số 46 cuốn Cựu ước. Khác với Công giáo, đạo Tin lành không coi Kinh thánh là cuốn sách chỉ có một số người (giáo sĩ) được quyền kê cứu, giảng giải mà tín đồ, giáo sĩ đạo Tin lành đều có quyền sử dụng, nói và làm theo Kinh thánh.

- Đạo Tin lành tin rằng Đức mẹ Maria sinh ra Chúa Giêsu một cách mầu nhiệm nhưng xem bà không phải là mẹ Thiên chúa và chỉ đồng trinh cho đến khi sinh ra Chúa. Tin có thiên sứ, các thánh tông đồ, các thánh tử vì đạo và các thánh khác nhưng không sùng bái và thờ lạy họ như trong Công giáo. Tin có Thiên đàng và Địa ngục nhưng không coi trọng đến mức dùng nó làm công cụ để khuyến khích và răn đe, trừng phạt con người.

Nghi lễ của đạo Tin lành

- Nghi lễ đạo Tin lành khá đơn giản. Đạo không thờ tranh ảnh, hình tượng cũng như di vật. Thánh ca trở thành phương tiện diễn đạt hàng đầu. Tín đồ đạo Tin lành chỉ thừa nhận hai bí tích rửa tội và thánh thể song quan niệm và cách tiến hành nghi lễ đó cũng có nhiều nội dung khác với Công giáo.

- Tín đồ Tin lành xưng tội trực tiếp với Thiên Chúa (Công giáo phải thông qua Linh mục. Khi xưng tội, cầu nguyện tín đồ có thể ở nhà thờ, trước đám đông để sám hối, nói lên ý nguyện một cách công khai.

Tổ chức của đạo Tin lành

- Đạo Tin lành không lập Giáo hội duy nhất mang tính phổ quát cho toàn đạo mà xây dựng các giáo hội riêng rẽ, độc lập với các hình thức khác nhau tuỳ theo hệ phái và từng quốc gia. Nhà thờ đạo Tin lành thường có cấu trúc hiện đại nhưng bài trí đơn giản.

- Giáo sỹ đạo Tin lành có hai chức Mục sư và Truyền đạo (Giảng sư). Các giáo sỹ vẫn có gia đình bình thường nhưng họ phải chịu sự kiểm soát của các tín đồ, không có thần quyền và vai trò tuyệt đối đối với các tín đồ.

- Do nghi lễ đơn giản, những tín đồ Tin lành ít bị gò bó vào nghi thức, họ có khả năng “giao thiệp với Chúa”, mặt khác đạo Tin lành quan tâm đến các vấn đề của cuộc sống hàng ngày như khuyên dạy con người sống văn minh, từ bỏ những hủ tục (trong ma chay, cưới xin, cúng lễ…), quy định những điều cấm kỵ như không quan hệ nam nữ bất chính, không có vợ bé, không cờ bạc rượu chè, ma tuý, đánh chửi nhau… và vì thế đạo Tin lành dễ lôi kéo quần chúng theo đạo.

- Đạo Tin lành có một đặc điểm là không chấp nhận điều gì trái với Kinh thánh, không cho tín đồ thờ cúng tổ tiên, các lễ hội… là cái bị coi là khác điều chúa dạy. Vì lẽ đó những thành viên của nhiều dân tộc theo đạo Tin lành bị buộc phải từ bỏ tôn giáo, văn hóa truyền thống của dân tộc minh.

Đạo tin lành ở Việt Nam

Sự du nhập đạo Tin lành vào Việt Nam

- Đạo Tin lành du nhập vào Việt Nam khoảng cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX do tổ chức Tin lành “Liên hiệp phúc âm truyền giáo” (CMA) truyền vào. Năm 1911 tổ chức này đã xây dựng được cơ sở đầu tiên ở Đà Nẵng. Các Hội thánh tin lành được lần lượt được xây dựng tại các địa phương. Năm 1927, Tổng Hội thánh Tin lành Việt Nam được thành lập. Đến năm 1930, một tổ chức thứ hai là Giáo hội Cơ đốc Phục lâm được truyền vào nước ta.

- Tính đến 1954 đạo Tin lành Việt Nam có khoảng 50.000 tín đồ với gần 100 mục sư truyền đạo trong Tổ chức Hội thánh Tin lành Việt Nam và một số nhỏ tín đồ, mục sư truyền đạo trong tổ chức Cơ đốc Phục lâm.

- Sau năm 1954, đất nước bị chia cắt, đạo Tin lành ở hai miền Nam – Bắc có sự khác nhau: ở miền Bắc, do số đông tín đồ, giáo sĩ đã di cư vào miền Nam và cơ quan Tổng liên hội cũng chuyển vào Sài Gòn nên năm 1955 các tín đồ, mục sư truyền đạo còn ở lại lập nên tổ chức Giáo hội riêng gọi là Tổng hội thánh Tin lành Việt Nam (gọi tắt là Hội thánh Tin lành Miền Bắc) còn tồn tại đến ngày nay với khoảng 10.000 tín đồ. Ở miền Nam, dưới thời Mỹ – Ngụy, Tổng hội Tin lành Việt Nam và các giáo phái nằm trong sự chỉ đạo của các thế lực nước ngoài, nhất là Mỹ. Trong thời gian chiến tranh đạo Tin lành phát triển rộng khắp và đặc biệt chú trọng đến địa bàn Trường Sơn, Tây Nguyên và thường liên quan đến các hoạt động chính trị. Thời kỳ này đạo Tin lành có khoảng 20 hệ phái và các hệ phái này thường tranh giành nhau tín đồ trong đó Tổng Liên hội Hội thánh Tin lành Việt Nam là phái lớn nhất.

Đạo Tin lành ở Việt Nam hiện nay

- Sau ngày miền Nam giải phóng, cùng với sự ra đi của các giáo sĩ nước ngoài và một bộ phận không nhỏ mục sư truyền đạo và tín đồ, đạo Tin lành giảm hoạt động. Một số giáo phái nhỏ hầu như không hoạt động.

- Trong thời gian gần đây, cùng với trào lưu đổi mới Tổng Liên hội Tin lành đã hoạt động trở lại. Các hệ phái liên hệ với nhau, một số phái ra miền Bắc lợi dụng danh nghĩa hợp pháp của Tổng hội thánh Tin lành Việt Nam để truyền đạo. Đặc biệt đạo Tin lành chú trọng phục hồi và phát triển ở Tây nguyên, truyền đạo ở các vùng núi phía Bắc trong các đồng bào dân tộc thiểu số với phương pháp truyền đạo khá đa dạng và linh hoạt. Ngoài việc truyền đạo trực tiếp, các Giáo hội Tin lành thường thông qua các hoạt động khoa học, văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế, đầu tư kinh doanh… tranh thủ cảm tình của quần chúng để truyền đạo, thậm chí còn dùng cả các biện pháp mua chuộc, đe dọa và cưỡng ép vào đạo. Hiện nay một số thế lực phản động trong và ngoài nước đã bịa đặt ra cái gọi là Nhà nước Đềga độc lập và Tin Lành Đềga ở Tây Nguyên nhằm tuyên truyền, kích động cho sự chia rẽ, ly khai.. Nhà nước Việt Nam đã kiên quyết bác bỏ cái gọi là “Nhà nước Đềga độc lập”, coi đây là âm mưu chia rẽ sự toàn vẹn lãnh thổ và gây mất an ninh trật tự của đất nước và khẳng định ở Việt Nam không có cái gọi là đạo Tin Lành Đềga ngoài đạo Tin Lành đã tồn tại ở nước ta trong nhiều năm qua.

NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ CÔNG GIÁO
Hà Lê
Khái quát chung về lịch sử Kitô giáo

Sự ra đời Kitô giáo

- Kitô giáo xuất hiện vào thế kỷ thứ I ở các tỉnh phía đông của đế quốc La Mã với chế độ chiếm hữu nô lệ. Đế chế La Mã tiến hành nhiều cuộc chiến tranh xâm lược tàn khốc, tạo ra nhiều mâu thuẫn và xung đột gay gắt trong đời sống xã hội. Trong bối cảnh ấy đã làm nảy sinh những tư tưởng được giải phóng và tự do. Bên cạnh đó, vùng Trung Cận đông là nơi tiếp giáp 3 châu lục, dân cư ở đây vốn theo đa thần giáo, trong quá trình thống nhất của đế chế đã xuất hiện yêu cầu thống nhất về tư tưởng, trong đó có nhu cầu về tôn giáo độc thần, vì vậy Kitô giáo đã ra đời trên cơ sở của Do Thái giáo vốn đang tồn tại ở vùng này

- Sự ra đời của Kitô giáo gắn với tên tuổi của Giêsu Kitô. Ông sinh ra vào đầu Công nguyên, theo truyền thuyết, bà Maria đã mang thai một cách màu nhiệm và sinh ra ông. Giêsu là người thông minh. Trên cở sở kinh thánh và những nghiên cứu hiện có, ta có thể biết được vài điểm về cuộc sống của Giêsu như sau:

+ Giêsu là người Do Thái.
+ Sống ở đầu thế kỷ I sau Công nguyên.
+ Khoảng 30 tuổi thì bắt đầu truyền, giảng đạo khoảng 3 năm.
+ Thu nhận và đào tạo 12 người thành Thánh tông đồ. Phêrô là Thánh tông đồ cả.
+ Bị sự ghen ghét của các phần tử Do Thái giáo.
+ Sau khi bị kết tội “mưu phản La Mã”, bị đóng đinh chết trên thập tự giá.
Sau khi Giêsu qua đời, Kitô giáo được hình thành.

Sự phát triển của Kitô giáo

- Kitô giáo trong thời kỳ cổ đại:

Đây là thời kỳ Kitô giáo xuất hiện và hoạt động trong cộng đồng người Do Thái nhưng bị những người theo Do Thái giáo đả kích và chính quyền La Mã đàn áp. Sang thế kỷ II, tầng lớp quý tộc dần theo Kitô giáo làm thay đổi vị trí và ảnh hưởng của nó, đến cuối thế kỷ II, Kitô giáo trở thành quốc giáo của Đế chế La Mã.

- Kitô giáo trong thời trung cổ:

Kitô giáo chi phối mọi mặt đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của nhiều nước phong kiến châu Âu. Quá trình mở rộng ảnh hưởng của đạo Kitô đã gây ra nhiều cuộc xung đột, mâu thuẫn gay gắt giữa Kitô giáo với Do Thái giáo và Hồi giáo với những cuộc Thập tự chinh tàn khốc và đẫm máu. Ngay trong bản thân trong Kitô giáo cũng nảy sinh mâu thuẫn gay gắt, quyết liệt dẫn đến sự phân hoá Kitô giáo lần thứ nhất vào năm 1054 thành 2 phái: Công giáo – thế lực lớn nhất ở phía Tây La Mã. Chính thống giáo ở phía Đông La Mã.

- Kitô giáo trong thời kỳ cận – hiện đại:

Đến thế kỷ XVI, sự ra đời, phát triển của giai cấp tư sản và phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đã xuất hiện yêu cầu cải cách Kitô giáo, Với những sự cải cách của Mactin Luthơ (1483 – 1546) và Giăng Canvanh (1509 – 1546) đã làm xuất hiện Giáo hội cải cách gọi là Tin lành. Cũng thời kỳ này vua Anh tách Công giáo ở Anh khỏi sự chỉ đạo của Giáo Hoàng và lập ra Anh giáo. Ngày nay, Kitô giáo có hơn 400 dòng khác nhau trong đó có 4 nhánh lớn là Công giáo, Chính thống giáo, đạo Tin Lành và Anh giáo.

Nội dung cơ bản của giáo lý Công giáo

Giáo lý Công giáo là một hệ thống từ giản đơn cho tín đồ đến phức tạp của các học thuyết kinh viện với các quan điểm triết học và thần học siêu hình, căn cứ vào kinh thánh nhưng phải dựa vào những lời giải thích truyền thống và là thẩm quyền của Giáo hội. Tín đồ không có quyền kê cứu kinh thánh. Luật lệ, lễ nghi của Công giáo rất phức tạp (12 tín điều trong kinh tín kính,10 điều răn của Chúa, 6 điều răn của Hội thánh, 7 phép bí tích, 1752 điều luật). Công giáo đề cao thuyết thần quyền tuyệt đối (mọi việc do Chúa định) và thuyết giáo quyền tập trung (Giáo Hoàng là đại diện Thiên chúa ở trần gian).

Kinh thánh

- Kinh thánh theo quan niệm của giáo hội là “lời Chúa truyền dạy đời đời” là một bộ sách gồm 73 quyển được chia làm 2 bộ Tân ước và Cựu ước. Ban đầu Kinh thánh được truyền khẩu trong dân gian. Đến thế kỷ II thì bắt đầu được viết trên da dê, từ thế kỷ IV – VI được viết trên giấy Papêrút và đến thế kỷ VII mới viết thành sách. Kinh thánh là một kho tàng lịch sử và điển tích văn học. Trong Kinh thánh bao gồm toàn bộ toàn bộ quan điểm, tư tưởng của giáo lý và tín điều của các đạo Kitô. Tùy theo đạo mà số kinh này được chấp nhận theo yêu cầu của giáo lý các đạo. Ví dụ Đạo Chính thống chú trọng 5 cuốn đầu tiên của Kinh Cựu ước. Đạo Tin Lành lại lấy 4 cuốn Kinh Phúc âm làm giáo nghĩa cơ bản….

- Kinh thánh chia làm 2 bộ:

+ Bộ Cựu ước: có 46 cuốn. Kể về những chuyện trước khi Chúa Giê su ra đời. Bộ này chia làm 4 tập.

Tập 1: Bao gồm 5 cuốn đầu tiên (Ngũ kinh) gồm Sáng thế ký, Xuất hành ký, Lê vi ký, Dân số ký, và Thân mệnh ký.

Tập 2: là bộ sử thư gồm 16 cuốn.

Tập 3:gồm 7 cuốn là những thi ca Triết học.

Tập 4: gồm 14 cuốn sách Tiên tri.

+ Bộ Tân ước: có 27 cuốn chia làm 4 tập.

Tập 1: có 4 quyển sách nổi tiếng gọi là sách Phúc âm. 4 cuốn sách này mô tả cuộc đời của Chúa Giêsu, nhất là 3 năm ông đi truyền đạo.

Tập 2: bao gồm 15 cuốn nói về Công vụ tông đồ. Ghi lại các tông đồ làm việc như thế nào khi Chúa về trời.

Tập 3: có 7 cuốn. Nói về hoạt động của 3 tông đồ giỏi nhất.

Tập 4: có tên là Khải huyền thư. Ghi lại việc con người không nghe lời nên bị Chúa trừng phạt

Một số nội dung cơ bản

- Mười hai tín điều cơ bản:

Tín điều là 1 đoạn văn ngắn viết về các giáo lý chủ yếu tạo ra cơ sở cho bất kỳ phong trào tôn giáo nào hay bất kỳ giáo hội nào. Tín điều phải được chấp nhận không điều kiện (không chứng minh).

Đối với Công giáo trong kinh Tín kính có 12 tín điều cơ bản. Trong đó 8 tín điều nói về bản chất Thiên Chúa, sự hiện thân của chúa Giêsu và ơn cứu độ, 4 tín điều còn lại nói về giáo hội, nhà thờ và cuộc sống vĩnh hằng.

Tín điều căn bản đầu tiên là niềm tin vào Thiên Chúa và sự màu nhiệm của Thiên Chúa. Thiên Chúa có ba ngôi: Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần nhưng cùng một bản thể. Ba ngôi “đồng vinh, đồng đẳng, đồng quyền” nhưng có chức năng và vai trò khác nhau. Cha – tạo dựng, Con – cứu chuộc, Thánh thần – thánh hoá....

- Bảy phép bí tích:

Phép Bí tích: Một nghi lễ của Thiên Chúa giáo, theo đó ơn Chúa sẽ được đem đến cho các tín đồ.

Trong các nghi lễ, phép bí tích là quan trọng nhất, thể hiện mối quan hệ giao tiếp giữa con người với Chúa. Có 7 bí tích:

1. Bí tích rửa tội: nhằm xóa tội tổ tông và các tội bản thân. Hình thức là lấy nước lã đổ lên đầu kẻ lãnh bí tích rửa tội và đọc “(tên thánh) tôi rửa tội nhân danh cha, con và thánh thần” còn kẻ lãnh bí tích thề hứa bỏ ma quỷ lánh tội lỗi, tin theo Chúa Kitô giữ lề luật của Người.

2. Bí tích thêm sức : để củng cố đức tin kính Chúa

3. Bí tích thánh thể: ăn bánh thánh, uống rượu nho với ý nghĩa đó là mình và máu của Chúa Giêsu để được tha tội.

4. Bí tích giải tội: dành cho người sám hối tội lỗi.

5. Bí tích truyền chức thánh: chỉ dành cho giám mục và linh mục đã được tuyển chọn để họ có quyền tế lễ chăn dắt dân chúa.

6. Bí tích hôn phối: là bí tích kết hợp hai tín hữu 1 nam, 1 nữ thành vợ chồng trước mặt Chúa.

7. Bí tích xức dầu bệnh nhân: là bí tích nâng đỡ bệnh nhân về phần hồn và phần xác, giúp tín đồ chịu đựng đau khổ, dọn mình trước cái chết.

- Mười điều răn của Chúa

1. Phải thờ kính Thiên Chúa trên hết mọi sự.
2. Không được lấy danh Thiên Chúa để làm những việc phàm tục, tầm thường.
3. Dành ngày Chúa Nhật để thờ phụng Thiên Chúa
4. Thảo kính cha mẹ.
5. Không được giết người.
6. Không được dâm dục.
7. Không được tham lam lấy của người khác
8. Không được làm chứng dối, che dấu sự giả dối.
9. Không được ham muốn vợ (hoặc chồng) người khác.
10. Không được ham muốn của cải trái lẽ.

- Sáu điều răn của Hội Thánh

1. Xem lễ ngày Chúa Nhật và ngày lễ buộc.
2. Kiêng việc xác ngày Chúa Nhật.
3. Xưng tội một năm một lần.
4. Chịu lễ ngày phục sinh.
5. Giữ chay những ngày quy định.
6. Kiêng ăn thịt những ngày quy định.

Tổ chức của Công giáo

Quan niệm của Công giáo về Giáo hội

Giáo hội theo nghĩa thông thường là tổ chức của tôn giáo bao gồm toàn thể các thành viên của một tôn giáo, có hệ thống tổ chức từ trung ương đến cơ sở.

Trước đây, khi nhắc đến giáo hội, Công giáo thường hiểu là một tổ chức mà chủ yếu nhấn mạnh đến chức năng lãnh đạo, truyền giảng bao gồm các chức sắc từ Giáo Hoàng đến các hồng y, giám mục, linh mục, tu sĩ… mà quên mất các tín đồ, các “con chiên”, cơ sở của công giáo. Ngày nay giáo hội được Công giáo hiểu bao hàm các giáo phẩm, tu sĩ, giáo dân. Tức vừa là tổ chức lãnh đạo, chế định ra các thể chế, truyền bá, giáo dục… vừa là toàn thể cộng đồng tôn giáo – một cộng đồng mà Chúa là đấng tối cao.

Cơ quan lãnh đạo giáo hội công giáo thế giới ở Toà thánh Vaticăng, do Giáo hoàng trực tiếp lãnh đạo, bên dưới là đoàn Hồng y giáo chủ do chính Giáo hoàng bổ nhiệm. Cơ quan chủ yếu của Toà thánh gồm có: Quốc vụ viện, Cục văn thư, Cục tài chính, Toà án, Thánh bộ và Ban bí thư...

Phẩm trật trong giáo hội Công giáo

- Giáo hoàng

Theo quan niệm của Công giáo. Giáo hoàng là người kế vị Thánh Phêrô (Pierre) và thay mặt Đức Chúa Giêsu làm đầu Hội thánh ở trần gian. Đức Giáo hoàng là biểu tượng và cơ sở của sự thống nhất trong đức tin và sự hiệp thông của các tín đồ.
Giáo hoàng có quyền lực cao nhất và có trách nhiệm điều khiển mọi công việc của Hội thánh

- Giám mục

Dưới Toà thánh Vaticăng là Hội thánh ở các địa phận. Điều khiển các Toà thánh ở địa phận là các giám mục. Giám mục có quyền lực tối cao trong địa phận mình cai quản và tuyệt đối tuân lệnh Giáo hoàng. Giám mục điều hành mọi công việc của địa phận, mỗi năm không được vắng quá 3 tháng ở các địa phận, không được cư ngụ ở nhà anh em

- Linh mục

Cơ sở thấp nhất của Hội thánh là Giáo xứ (xứ đạo, họ đạo). Điều khiển giáo xứ và chăn dắt tín đồ là linh mục, linh mục tuyệt đối tuân lệnh giám mục. Có hai loại linh mục: linh mục “Triều” là những linh mục theo đơn vị hành chính từ xứ họ trở lên, linh mục “Dòng” là linh mục làm chuyên môn. Các linh mục có nhiệm vụ chăm sóc giáo dân, không được rời xa quá 2 tháng trong một năm, quyền lợi của các linh mục là quyền được làm các bí tích và và giáo huấn cho các tín đồ.

Việc đào tạo một linh mục rất được coi trọng. Linh mục “Triều” phải qua 7 năm ở chủng viện, 2 năm giúp xứ, 6 năm học ở Đại chủng viện (học Triết học, tâm lý, ngoại ngữ, tâm lý, xã hội học, siêu hình học giáo sử...). Sau đợt sát hạch về về tư cách, ý chí, sức khoẻ, thi cử... các chủng sinh mới được thụ phong linh mục.

Việc thụ phong từ linh mục lên giám mục cũng rất phức tạp: phải trên 30 tuổi, đã có 5 năm làm linh mục, có bằng cử nhân hoặc tiến sĩ thần học. Việc thụ phong giám mục phải trải qua 3 giai đoạn: đề nghị (hay tiến cử) của giáo dân, giai đoạn tuyên nhiệm (bổ nhiệm) của Giáo hoàng, và cuối cùng là thụ phong.

Công giáo ở Việt Nam

Sự du nhập và phát triển của Công giáo ở Việt Nam

- Vào thế kỷ XVI, Công giáo (Thiên chúa giáo) truyền vào Việt Nam do các giáo sĩ Bồ đào nha, Tây ban nha và sau là Pháp. Sự truyền đạo giai đoạn đầu ít gặp trở ngại do tính khoan dung của người Việt Nam và tính không đối dầu của tôn giáo bản địa nhưng sự truyền đạo đạt kết quả không cao. Sau đó Pháp vận động Giáo Hoàng cho phép độc quyền truyền đạo tại Việt Nam. Hội truyền giáo Pa-ri được thành lập năm 1660 cùng nhà nước Pháp tuyển chọn, đào tạo giáo sĩ, cử sang hoạt động ở Việt Nam và một số nước khác.

- Cuối thế kỷ XVIII, Giáo hội Công giáo Việt Nam đã có ba địa phận (Đàng trong, Đàng ngoài và Tây đàng ngoài) với khoảng 3 vạn giáo dân và 70 linh mục Việt Nam. Dưới triều Nguyễn, lúc đầu sự truyền giáo được nhà Nguyễn tạo nhiều điều kiện thuận lợi, nhưng sau đó thấy những hoạt động của giáo sĩ vừa truyền đạo vừa phục vụ cho âm mưu xâm lược của thực dân Pháp nên nhà Nguyễn đã cấm đạo nhất là từ khi thực dân Pháp bộc lộ rõ ý đồ thôn tính Việt Nam. Việc cấm đạo gay gắt tạo sự chia rẽ nhất định trong nhân dân.

- Trong hơn 100 năm dưới chế độ thực dân, chúng luôn lợi dụng Công giáo để xâm lược và duy trì sự thống trị. Chúng luôn lợi dụng Công giáo để chèn ép các tôn giáo khác gây chia rẽ giữa các tín đồ Công giáo với tín đồ các tôn giáo khác hoặc với người không có đạo. Dưới ách thống trị của đế quốc, thực dân, Giáo hội Công giáo được nhiều đặc quyền đặc lợi. Những tổ chức, giáo sĩ theo chúng được ưu đãi. Tuy thế , giáo hội Công giáo ở Việt Nam vẫn bị coi là giáo hội thuộc địa. Có thể thấy điều đó rất rõ sau gần 400 năm truyền đạo vào nước ta, mãi đến năm 1933 mới có một giáo sĩ Việt Nam được phong làm giám mục.

- Do sự thao túng bởi các thế lực bên ngoài, trong cuộc kháng chiến đánh đuổi đế quốc, thực dân giáo hội đã đứng về phía xâm lược. Năm 1951 Hội nghị các giám mục Đông dương đã họp và đã đưa ra thư chung cấm người Công giáo tham gia kháng chiến. Năm 1960, Hội nghị các giám mục miền Nam ra thư mùa chay, nhắc lại thư chung năm 1951 ngăn cản đồng bào Công giáo tham gia sự nghiệp giải phóng dân tộc. Măïc dù vậy, một bộ phận chức sắc đã dung hoà được quyền lợi của dân tộc với tôn giáo và đông đảo tín đồ với ý thức dân tộc và lòng yêu nước đã đứng về phía kháng chiến và đã đóng góp không chỉ vật chất, tinh thần mà còn cả xương máu cho cách mạng

Tình hình Công giáo hiện nay ở Việt Nam

- Sau 1975, với thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và những tác động của sự chuyển đổi của Công đồng Vaticăng II từ sau năm 1975 Giáo hội Công giáo Việt Nam có nhiều sự biến đổi. Năm 1976, Giáo hoàng phong chức Hồng y đầu tiên cho một Giám mục Việt Nam. Năm 1980, các Giám mục trong cả nước đã họp hội nghị để thống nhất đường lối của giáo hội. Hội nghị đã thành lập Hội đồng giám mục Việt Nam và ra thư chung 1980 với phương châm “sống phúc âm trong lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc đồng bào”.

- Trong những năm gần đây Công giáo nước ta có chiều hướng phát triển. Số lượng tín đồ tăng do sự gia tăng dân số tự nhiên và một số tín đồ khô đạo, nhạt đạo trở lại sinh hoạt. Số tín đồ Công giáo nước ta hiện nay khoảng 5 triệu, hiện nay đang có cuộc sống ổn định và phấn khởi trước cuộc đổi mới và chính sách tôn giáo của Đảng đang chăm lo cải thiện đời sống và tham gia vào các hoạt động xã hội nhân đạo, an ninh trật tự, phòng chống các tệ nạn xã hội và thể hiện cuộc sống theo phương châm “tốt đời, đẹp đạo”, “kính Chúa yêu nước”. Tuy nhiên, trong Công giáo còn một số chức sắc chưa thể hiện rõ được ý thức công dân, không đặt lợi ích của Công giáo trong lợi ích của dân tộc, muốn hoạt động của Giáo hội nằm ngoài sự quản lý của nhà nước

ĐẠO CAO ĐÀI
Hà Lê
Sự ra đời của đạo Cao Đài

- Đạo Cao Đài là tên gọi tắt của một tôn giáo bản địa Việt Nam, có tên đầy đủ là “Đại đạo Tam kỳ Phổ độ”. Đạo Cao Đài ra đời vào đêm Noel năm 1925 trong bối cảnh cách mạng nước ta đang bị khủng hoảng về đường lối và lực lượng lãnh đạo, còn chính sách cai trị thực dân Pháp đang đẩy nông dân Nam Bộ vào con đường cùng không lối thoát, trong khi các tôn giáo khác dần dần bị mất uy tín. Đó còn là hệ quả trực tiếp và điển hình của tư tưởng “Tam giáo đồng nguyên” (Phật – Lão – Nho), là sự hòa nhập giữa trào lưu “Thần linh học” – một hình thức mê tín của dân phương Tây với tục cầu hồn, cầu tiên của người Việt trong những năm 1924 – 1926, đã tạo nên phong trào cầu cơ – chấp bút (gọi tắt là cơ bút), khá sôi nổi ở vùng Nam Bộ. Nhu cầu lúc bấy giờ của nhân dân Nam bộ là muốn có một tôn giáo mới phù hợp với tâm trạng của họ và đạo Cao Đài ra đời đã đáp ứng được vấn đề tư tưởng tình cảm và tôn giáo của nông dân nơi đây. Vì lẽ đó ngay lập tức đạo Cao đài được đông đảo quần chúng đón nhận và được thống đốc Nam Kỳ đồng ý vào tháng 10 năm 1926. Đạo Cao đài do một số người thuộc tầng lớp trên (tư sản, địa chủ, tiểu tư sản), công chức chủ trương, ban đầu vốn là một trào lưu chính trị với mục đích thành lập đạo để tập hợp lực lượng quần chúng mà chủ yếu là nông dân chống lại sự kỳ thị, bóc lột, chèn ép của thực dân Pháp. Song sau đó trào lưu này đã nhanh chóng trở thành một tôn giáo lớn tại Nam bộ cho đến tận ngày nay.

- Sự ra đời của đạo Cao Đài gắn liền với tên tuổi của một số nhân vật sau đây:

+ Ông Ngô Minh Chiêu:

Ngô Minh Chiêu sinh năm 1879 tại chợ Bình Tây, Chợ Lớn Sài Gòn. Ông học giỏi, là thư ký của Sở di trú tại Sài gòn rồi tri phủ Phú Quốc. Ông ham mê truyện thần tiên và cầu cơ, tiếp thu “Thông linh học”. Oâng tổ chức cầu cơ và tuyên truyền là mình đã tiếp xúc được với một đấng thiêng liêng là Cao Đài tiên ông và được vị tiên này phán bảo sứ mệnh xây dựng một tôn giáo mới ở phương Nam. Đến khi đạo Cao Đài chính thức ra đời, ông nhường quyền lãnh đạo cho ông Lê Văn Trung rồi trở về Cần Thơ tu luyện và hình thành phái Cao Đài Chiếu Minh đàn (là biến âm của tên ông). Ông mất năm 1932.

+ Ông Lê Văn Trung:

Lê Văn Trung sinh năm 1875 tại Chợ Lớn, Sài gòn. Năm 1893 tốt nghiệp trường trung học và được bổ làm văn phòng thống đốc Nam kỳ, sau đó chuyển sang làm thầu khoán và được bầu làm nghị sĩ, tham gia hội đồng tư vấn phủ Thống đốc. Năm 1920, ông bị thua lỗ trong kinh doanh và bị phá sản, ông quay sang hoạt động tôn giáo. Nhờ sự thông minh, tài ngoại giao và tài tổ chức, ông đã nhanh chóng tiếp thu sứ mệnh khai đạo của ông Ngô Minh Chiêu và trở thành Giáo tông đứng đầu “Cửu trùng đài” – cơ quan hành pháp của đạo Cao Đài. Ông mất năm 1941.

+ Ông Phạm Công Tắc:

Phạm Công Tắc sinh năm 1893 tại Tân An. Ông bắt đầu làm công chức ngành thuế từ năm 1940. Sau do bị chèn ép nên ông bỏ nhiệm sở chuyển sang hoạt động đạo Cao Đài với chức Hộ pháp, đứng đầu Hiệp Thiên đài – cơ quan lập pháp của đạo này. Sau khi ông Lê Văn Trung chết, Phạm Công Tắc trở thành lãnh tụ tối cao nắm cả hai cơ quan Hành pháp và Lập pháp và cũng từ đó mâu thuẫn trong nội bộ đạo Cao Đài nổ ra và chia rẽ thành nhiều hệ phái.

Giáo lý cơ bản của đạo Cao Đài

- Nội dung giáo lý của đạo Cao Đài là sự vay mượn, chắp vá, kết hợp, nhào trộn các giáo lý của các tôn giáo đã có từ cổ chí kim, từ đông sang tây.

- Đạo Cao đài có chủ trương “Qui nguyên tam giáo” (Phật – Lão – Nho, đây có thể coi là nền tảng tư tưởng của đạo, đạo Cao Đài hợp nhất ba tư tưởng lớn của ba đạo (từ bi của đạo Phật, bác ái của Đạo giáo, công bằng của đạo Nho) và có ý đồ “hợp nhất ngũ chi” – thống nhất 5 ngành đạo (nhân đạo – Khổng tử, thần đạo – Khương Thái Công, thánh đạo

– Giê su, tiên đạo – Lão Tử, Phật đạo - Thích ca Mầu ni) và đấy là trung tâm giáo lý của đạo. Từ đó đạo Cao Đài bộc lộ ý đồ là “tôn giáo của tôn giáo” và làm cho giáo lý mang tính dung hợp rất phức tạp.

- Giáo lý của đạo Cao Đài đặc biệt quan tâm và đề cao tính thiêng liêng huyền diệu của cơ bút, coi đó là linh hồn của đạo.

Luật lệ, lễ nghi của đạo Cao Đài

- Đạo Cao Đài đặt ra nhiều qui định về luật lệ, lễ nghi để hướng dẫn người theo đạo tu tập và xử thế. Luật đạo có nhiều nhưng có một số nội dung quan trọng là “ngũ giới cấm”, “tứ đại điều qui”,…

+ Ngũ giới cấm (tức 5 điều cấm kỵ) : bất sát sinh, bất du đạo, bất tửu nhục, bất tà dâm, bất vọng ngữ.

+ Tứ đại điều quy: 4 điều trau dồi đức hạnh.

1. Tuân lời dạy bề trên, lấy lẽ hoà người (ôn hoà)
2. Chớ khoe tài kiêu ngạo, giúp người nên Đạo (cung kính)
3. Đừng vay mượn không trả (khiêm tốn)
4. Đừng kính trước, khinh sau

+ Ăn chay từ 6 ngày (lục trai) đến 10 ngày (thập trai)

- Đạo Cao Đài còn những quy định về việc nhập môn cầu đạo, xây dựng thánh thất, tổ chức quan, hôn, tang, tế… đạo Cao Đài rất chú trọng giáo dục các tín đồ về đạo đức theo tiêu chuẩn đạo đức Tam cương, ngũ thường của Nho giáo.
- Linh tượng thờ chủ yếu của đạo Cao Đài là hình con mắt, gọi là Thiên Nhãn.
- Các lễ của đạo Cao Đài :

+ Hàng ngày có 4 khóa lễ vào các giờ: sáng sớm, giữa trưa, chập tối và đêm khuya.

+ Hàng tháng có 2 ngày lễ vào ngày rằm và mồng một, âm lịch.

+ Hàng năm có các ngày lễ chính (theo âm lịch) là ngày 9 tháng Giêng, 15 tháng hai, 8 tháng tư, 15 tháng bảy, 15 tháng tám, 15 tháng mười và ngày 15 tháng Chạp.

- Lễ nghi của đạo Cao Đài khá rườm rà và cầu kỳ. Đạo Cao Đài giải thích rằng lễ nghi sinh hoạt tôn giáo cũng thể hiện tinh thần tổng hợp tôn giáo. Đạo phục chung là màu trắng. Riêng các chức sắc dùng màu theo ngành: Thái – thuộc Phật – màu vàng; Thượng – thuộc Lão – màu xanh; Ngọc – thuộc Nho – màu đỏ.

Tổ chức của đạo Cao Đài

- Mỗi hệ phái của đạo Cao Đài có tổ chức giáo hội riêng. Nhưng nhìn chung tổ chức giáo hội của Cao Đài được mô phỏng theo mô hình thể chế chính trị quân chủ lập hiến.

- Thành phần của giáo hội Cao Đài gồm chức sắc, chức việc và tín đồ.

- Tổ chức ở Trung ương của đạo gồm có 3 đài là: Bát quái đài, Hiệp thiên đài, Cửu trùng đài.

+ Bát quái đài: là nơi thờ phụng của đạo gồm các vị Thánh, Thần, Tiên, Phật.. do Lý Thái Bạch (còn gọi là Lý Đại Tiên) thay mặt Thượng đế làm chưởng quản.

+ Hiệp Thiên đài: vừa là cơ quan lập pháp vừa là cơ quan tư pháp, đứng đầu là chức Hộ pháp.

+ Cửu Trùng đài: là cơ quan hành pháp đứng đầu là chức Giáo tông.

- Hiện nay tổ chức hành chính của đạo Cao Đài được sắp xếp lại còn hai cấp: trung ương và cơ sở. Tương ứng với bộ máy tổ chức ấy, đạo Cao Đài có một hệ thống chức sắc bao gồm nhiều cấp bậc khác nhau với những qui định về số lượng khá cụ thể. Trước kia, mọi chức sắc quan trọng của đạo được bổ nhiệm thông qua cơ bút, còn ngày nay, mọi chức sắc của đạo đều thông qua điều lệ cầu phong, cầu thăng theo luật công cử.

Đạo Cao Đài trong những năm gần đây

- Đạo Cao Đài ra đời đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của một bộ phận nhân dân Nam Bộ. Trên thực tế, nó có vai trò cố kết người dân không chỉ về mặt tinh thần mà còn về các mặt kinh tế, xã hội. Vì thế đạo phát triển khá nhanh chóng.

- Khi mới ra đời, đạo Cao Đài là một tổ chức thống nhất với cơ quan đầu não đặt tại Tòa thánh Tây Ninh nhưng sau đó đạo Cao Đài sớm phân hoá thành nhiều hệ phái (trước 1975 có khoảng gần 20 hệ phái, nay còn khoảng trên dưới 10 hệ phái). Quá trình phân hoá về tổ chức là quá trình xa rời nhau về thái độ chính trị của các hệ phái Cao Đài. Một số chức sắc của một số giáo phái Cao Đài mang tư tưởng cơ hội, vọng ngoại, bị các thế lực đế quốc lợi dụng, đi ngược lại lợi ích dân tộc. Còn tuyệt đại đa số tín đồ, số đông chức sắc của nhiều hệ phái có quá trình gắn bó với cách mạng, đóng góp công sức vào hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc.

- Sau năm 1975, các chức sắc và hơn 1 triệu tín đồ các hệ phái chủ yếu tu tại gia. Trong thời kỳ đổi mới, các hệ phái đã sinh hoạt trở lại với sự giúp đỡ của Đảng và Nhà nước. Nhiều hệ phái được thừa nhận tư cách pháp nhân như: Tiên thiên, Minh Chơn đạo, Bạch Y Liên Đài… Các hệ phái tổ chức các đại hội. Qua đó, lòng tin vào chính sách tôn giáo của Đảng được củng cố trong tín đồ. Những nhân tố tích cực của Đạo được khơi dậy, khắc phục một bước tình trạng mất đoàn kết trong chức sắc. Xu thế chung là tín đồ đạo Cao Đài muốn hành đạo thuận lợi trong khuôn khổ luật pháp và làm tròn nghĩa vụ công dân.

Các hội thánh Cao Đài đã được xây dựng lại và có tư cách pháp nhân:

1. Cao Đài Minh Chơn đạo. Toà thánh Tổ đình tại Cà Mau
2. Cao Đài Ban Chỉnh đạo. Toà thánh Tổ đình tại Bến Tre
3. Cao Đài Tiên Thiên. Toà thánh Tổ đình tại Bến Tre
4. Cao Đài Tây Ninh. Toà thánh Tổ đình tại Tây Ninh
5. Truyền giáo Cao Đài. Toà thánh Tổ đình tại Đà Nẵng
6. Cao Đài Chiếu Minh Long Châu. Toà thánh Tổ đình tại Cần Thơ
7. Cao Đài Bạch Y. Toà thánh Tổ đình tại Kiên Giang
8. Cao Đài Cầu kho Tam Quan. Toà thánh Tổ đình tại Bình Định
9. Cao Đài Chơn lý. Toà thánh Tổ đình tại Tiền Giang
10. Cơ quan phổ thông giáo lý (Thành phố Hồ Chí Minh)

PHẬT GIÁO HOÀ HẢO
Hà Lê
Lịch sử ra đời của Phật giáo Hòa Hảo

Phật giáo Hòa Hảo ra đời ngày 15 tháng 5 năm 1939 tại làng Hòa Hảo, Châu Đốc, An Giang và phát triển chủ yếu ở đồng bằng sông Cửu Long. Sự ra đời của Phật giáo Hòa Hảo Hảo gắn với đặc điểm tâm lý, lối sống đạo đức, tính cách, đời sống tín ngưỡng của nông dân Nam Bộ và liên quan đến môi trường kinh tế - xã hội - chính trị ở đây trong khoảng thời gian hai cuộc chiến tranh thế giới. Sự ra đời này cũng là do tác động của phong trào chấn hưng Phật giáo nhất là ảnh hưởng của Bửu Sơn Kỳ Hương - một nhánh của Phật giáo ở Nam Bộ cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX. Người sáng lập ra Phật giáo Hòa Hảo là ông Huỳnh Phú Sổ (1920 – 1947).

Huỳnh Phú Sổ là con một gia đình địa chủ ở làng Hòa Hảo. Hồi nhỏ ông đi học và tốt nghiệp tiểu học, song do sức khỏe yếu nên ông phải bỏ học. Trong Quá trình chữa bệnh ông học được nhiều bài học thuốc nam. Sau đó ông nghiên cứu sấm Trạng Trình và tư tưởng môn phái Bửu Sơn Kỳ Hương của Phật Thầy Tây An. Ông tự xưng là bậc “sinh như tri” biết được nhiều việc của quá khứ và tương lai, được gặp và thọ mệnh của Phật A Di Đà, Ngọc Hoàng Thượng đế, Phật Thích Ca, xuống trần với nhiệm vụ truyền bá tư tưởng Bửu Sơn Kỳ Hương để “chấn hưng Phật giáo, cứu độ chúng sinh khỏi sông mê, bể khổ về chốn Tây phương cực lạc”.

Quá trình phát triển của Phật giáo Hòa Hảo

- Ra đời năm 1939 nhưng qua đến năm 1940 số tín đồ của Phật giáo Hòa Hảo có đến vài trăm ngàn người. Năm 1941, thực dân Pháp sợ Huỳnh Phú Sổ theo Nhật nên đã câu thúc ông tại Châu đốc rồi Cần Thơ, Bạc Liêu. Năm 1942, Nhật mua chuộc, lôi kéo đạo Hòa Hảo và đưa ông về Sài Gòn. Năm 1945, Huỳnh Phú Sổ được mời tham gia Ủy ban kháng chiến Nam Bộ với tư cách là đại diện cho đồng bào Phật giáo Hòa Hảo.

- Năm 1946, những người lãnh đạo Hòa Hảo thành lập tổ chức “Việt Nam dân chủ xã hội đảng” gọi tắt là đảng Dân xã. Đây là một tổ chức chính trị. Cùng lúc, lực lượng vũ trang riêng của Phật giáo Hòa Hảo được thành lập lấy tên là bộ đội Nguyễn Trung Trực với một lực lượng gồm 7 chi đội vũ trang với khoảng 20.000 binh sĩ và 300.000 đội viên bảo an quân. Năm 1947, sau khi Huỳnh Phú Sổ chết, lực lượng vũ trang Hòa Hảo chia rẽ, mỗi nhóm cát cứ một vùng.

- Đến năm 1954, tổng số tín đồ Phật giáo Hòa Hảo khoảng trên 1 triệu người.

Năm 1955, cuộc chiến tranh giữa các giáo phái ở miền Nam (Cao đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên) xảy ra do sự xúi bẩy và chia rẽ của Mỹ – Diệm, lực lượng vũ trang của đạo Hòa Hảo tan rã, đa số sát nhập vào quân đội ngụy. Từ năm 1964, Phật giáo Hòa Hảo được Mỹ

– Nguỵ hỗ trợ nên đạo Hòa Hảo phát triển nhanh. Đến năm 1975 tổng số tín đồ có khoảng hơn 2 triệu người.

Giáo lý Phật giáo Hòa Hảo

Giáo lý của đạo Hòa Hảo được thể hiện trong các bài sấm kệ do ông Huỳnh Phú Sổ soạn thảo trên cơ sở tiếp thu và nâng cao tư tưởng của Bửu Sơn Kỳ Hương của Phật Thầy Tây An, đồng thời chịu ảnh hưởng của xu hướng nhập thế của phong trào chấn hưng Phật giáo, của quan điểm đạo đức Nho giáo, Lão giáo. Nội dung giáo lý gồm hai phần: Học Phật và Tu nhân.

- Phần Học Phật: chủ yếu dựa vào giáo lý Phật giáo nhưng được giản lược bớt và có sửa đổi đôi chỗ, có 3 pháp môn chính là Ác pháp, Chân pháp và Thiện pháp

- Phần Tu nhân: Phần thực hành đạo đức “Tứ ân hiếu nghĩa” để tu thân. Đó là thực hành ân tổ tiên cha mẹ, ân đất nước, ân tam bảo, ân đồng bào và nhân loại.

Về tổ chức và lễ nghi

Đạo Hòa Hảo không có đội ngũ giáo sĩ và hàng ngũ giáo phẩm. Đạo Hòa Hảo có Tổ đình ở làng Hòa Hảo là trung tâm của đạo mang tính gia tộc. Song đạo này không xây dựng chùa chiền, tạc tượng, ảnh thờ. Việc thờ phụng và hành đạo rất đơn giản, thờ phụng chủ yếu tại gia đình. Mỗi gia đình theo đạo Hòa Hảo thờ một tấm Trần điều (trước kia là tấm vải mầu đỏ, nay là mầu nâu sẫm còn gọi là mầu trầu già) ở trang thờ đặt gian chính giữa, còn ngoài sân trước nhà có một bàn thờ thông thiên. Điều đó thể hiện tư tưởng “Phật tại tâm, tâm tức Phật”. Lễ vật chỉ có hương hoa và nước mát. Ban đêm thắp đèn ở trang thờ và bàn thông thiên. Đạo Hòa Hảo không đọc kinh kệ của Phật giáo, chỉ đọc sấm giảng của giáo chủ Huỳnh Phú Sổ soạn và niệm 6 chữ Nam mô A Di đà Phật để tĩnh tâm.

Đạo Hòa Hảo còn có những quy định khác về tôn giáo, gia đình và xã hội. Chẳng hạn: đạo Hòa Hảo quy định người nhập môn phải tuyên thệ giữ gìn một đời, một đạo cho đến ngày chung thân. Nam tín đồ thường để râu, tóc “búi” để thể hiện chữ hiếu với ông bà tổ tiên, tín đồ phải ăn chay từ thấp đến cao, một ngày phải cầu nguyện và khấn lạy trước bàn thờ của đạo và bàn thông thiên 2 lần vào 2 buổi sáng tối, ngày ăn mặn phải kiêng ăn thịt chuột, thịt trâu, thịt hổ, thịt mèo…

Các ngày lễ của đạo Hòa Hảo (theo âm lịch) ngoài Tết Nguyên Đán, lễ Thượng nguyên, Phật đản, lễ Trung nguyên, Hạ nguyên còn có các lễ khai đạo (ngày 18 tháng 5), lễ vía Phật Thầy Tây An (ngày 12 tháng 8), lễ Phật A Di Đà (ngày 15 tháng 1), lễ sinh nhật ông Huỳnh Phú Sổ (ngày 25 tháng 11), lễ phật thành đạo (ngày 8 tháng Chạp)

Có thể nói Hòa Hảo là đạo Phật được cách tân theo hướng địa phương hoá. Với giáo lý hòa bình và thực hành đạo đơn giản nhưng trong phần lớn các thời kỳ phát triển của đạo, những người lãnh đạo của đạo này hoặc bị các thế lực chính trị lôi kéo hoặc bản thân họ cũng có nhiều tham vọng chính trị lớn nên trên thực tế, ở miền Nam trước ngày giải phóng (1975), đạo Hòa Hảo hoạt động chính trị nhiều hơn hoạt động tôn giáo.

Đạo Hòa Hảo trong những năm gần đây

Đạo Hòa Hảo ra đời trong tình hình chính trị phức tạp, từng bị các thế lực phản động lôi kéo lợi dụng. Trên thực tế sự lợi dụng này có lúc khá nặng nề, gây thiệt hại cho cách mạng và còn tạo ra tình trạng chia rẽ không bình thường trong nội bộ của đạo Hòa Hảo.

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngày 19-6-1975, Tổ đình đạo Hòa Hảo tuyên bố giải tán. Ban trị sự các cấp, kêu gọi tín đồ tu tại gia như lúc đầu.

Cho đến đầu năm 1999, đạo Hòa Hảo không có tổ chức giáo hội, tín đồ tu tại gia. Hàng năm đến ngày khai đạo (18 tháng 5 Âm lịch) các tín đồ tổ chức hành hương về Tổ đình (nơi sinh sống của gia tộc ông Huỳnh Phú Sổ).

Ngày 26-5-1999, Đại hội đại biểu đạo Hòa Hảo lần thứ I được tổ chức tại An Giang, thông qua chương trình đạo sự, quy chế tổ chức, hoạt động của Ban đại diện, đồng thời đã bầu ra Ban Đại diện nhiệm kỳ I và ngày 11-6-1999, Ban Tôn giáo của Chính phủ đã chấp thuận quy chế đạo Hòa Hảo, tổ chức hoạt động và nhân sự của Ban đại diện và cho đến nay, hoạt động của đạo Hòa Hảo đã trở nên bình thường.

NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ HỒI GIÁO
Hà Lê
Phần này trình bày những vấn đề cơ bản về Hồi giáo, bao gồm khái quát về lịch sử ra đời và phát triển của Hồi giáo và nội dung cơ bản của Hồi giáo.

Khái quát về lịch sử ra đời và phát triển của Hồi giáo

Hoàn cảnh lịch sử dẫn đến sự ra đời của hồi giáo

Hồi giáo (tôn giáo của tộc người Hồi) là cách gọi của người Trung Quốc gọi đạo Islam (theo tiếng Ảrập nghĩa là phục tùng theo ý chân chủ) xuất hiện ở bán đảo Ảrập vào khoảng thế kỷ thứ VII. Ảrập Xêut là quê hương của Hồi giáo. Hồi giáo ra đời do hàng loạt nguyên nhân kinh tế, xã hội, tư tưởng gắn liền với sự chuyển biến từ chế độ công xã nguyên thủy sang xã hội có giai cấp của các tộc người vùng Trung cận Đông và yêu cầu thống nhất các bộ lạc trong bán đảo Ảrập thành một nhà nước phong kiến thần quyền do đó cần một tôn giáo độc thần để thay thế những tôn giáo đa thần tồn tại ở đó từ trước.

Sự ra đời và phát triển của Hồi giáo

Sự ra đời của Hồi giáo gắn liền với tên tuổi một người nổi tiếng là giáo chủ Mohammed (Mahomet). Mâohammed (570 – 632) là một người thuộc gia tộc Casimu ở Mecca.

Tục truyền rằng khi Mohammed được 40 tuổi (năm 610) ông một mình vào trong một hang nhỏ ớ núi Xira, ngoại thành Mecca để tu luyện và trầm ngâm suy tưởng. Trong một đêm thánh Allah (Ala – Chân chủ) đã cử thiên sứ Gabrien đến truyền đạt Thần dụ và lần đầu tiên “khải thị” cho ông chân lý của Kinh Coran khiến ông trở thành “Thánh thụ mệnh” và ông tự xưng là đã tiếp thụ sứ mệnh của chân chủ trao cho và bắt đầu truyền đạo. Đầu tiên ông bí mật truyền giáo trong số những bạn bè thân thiết và họ trở thành những tín đồ đầu tiên, về sau sự truyền đạo trở nên công khai, đối tượng mở rọâng tới quần chúng ở Mecca nhưng bị giới quý tộc đả kích và bức hại. Môhamet đã trốn được đến Yathrib (sau đổi thành Madinah - Thành phố tiên tri). Ơû đây ông phát động và tổ chức quần chúng đấu tranh và cuộc cách mạng của ông giành được thắng lợi. Sau đó ông tổ chức vũ trang cho các tín đồ (Muslim) và dùng khẩu hiệu “Chiến đấu vì Allah” và đè bẹp được giới quý tộc ở Mecca.

Cùng với việc mở rộng phạm vi truyền đạo Mohamet còn liên minh với các bộ tộc và dùng sức mạnh buộc các thế lực còn lại phải quy thuận theo Hồi giáo. Có thể nói cuộc cách mạng do Mohammed lãnh đạo là một cuộc cách mạng tôn giáo và cải cách xã hội kết hợp với nhau. Sự ra đời của Hồi giáo đã mở ra một thời kỳ lịch sử mới thống nhất trên bán đảo Ảrập.

Hiện nay trên thế giới có khoảng 900 triệu tín đồ Hồi giáo có mặt ở hơn 50 quốc gia trên khắp các châu lục nhưng tập trung chủ yếu ở các nước Ảrập (trừ Li băng và Ixraen) và chiếm đại đa số ở các nước như Iran, Irắc, Pakistan, Apganistan, Thổ Nhĩ Kỳ… và một số nước vùng Trung Á và cả ở Đông nam Á (chủ yếu ở Inđonesia). Một số quốc gia tự coi mình là quốc gia Hồi giáo. Tuy nhiên Hồi giáo ở các quốc gia khác nhau nên đã phân chia thành các hệ phái khác nhau nhưng về cơ bản không đối lập nhau.

Nội dung cơ bản của Hồi giáo

Giáo lý của Hồi giáo

Đặc điểm giáo lý của Hồi giáo là rất đơn giản nhưng luật lệ và lễ nghi rất phức tạp và nghiêm khắc thậm chí đến mức khắt khe và nhiều khi nó vượt ra khỏi phạm vi tôn giáo và trở thành một chuẩn mực pháp lý của xã hội. Trong Hồi giáo khó thấy ranh giới giữa cái thiêng và cái tục.

Giáo lý cơ bản của Hồi giáo là Kinh Coran (Coran theo nguyên nghĩa tiếng Ảrập là “tụng đọc”) vì đó là những lời nói của Môhamet được ghi lại và những lời này do thánh Allah thông qua thiên sứ Gabrien “khải thị” cho Mohammed. Kinh Coran tổng cộng có 30 quyển, 114 chương hơn 6200 tiết (là những đoạn thơ). Nội dung Kinh Coran vô cùng phong phú đại thể bao gồm những tín ngưỡng cơ bản và chế độ tôn giáo của đạo Hồi và những ghi chép về tình hình xã hội trên bán đảo Ảrập đương thời cùng với những chính sách về chủ trương xã hội, quy phạm luân lý đạo đức… Giáo lý Hồi giáo gồm các điểm cơ bản sau:

+ Allah là đấng tối cao sinh ra trời đất.

+ Allah là đấng tối cao sinh ra muôn loài trong đó có con người.

+ Con người là bình đẳng trước Allah nhưng số phận và tài năng tạo nên sự khác nhau giữa những con người .

+ Số phận con người có tính định mệnh và do Allah sắp đặt.

+ Tín đồ Hồi giáo phải luôn có thái độ đúng: trong cộng đồng (Hồi giáo) thì phải kiên nhẫn chịu đựng, phục tùng Allah, đối với người ngoài thì phải kiên quyết bảo vệ mọi lợi ích của Hồi giáo và phải có tinh thần thánh chiến.

+ Về y lý: khuyên bảo con người phải giữ gìn sức khỏe.

+ Những lời khuyên về đạo lý:
• Tôn thờ thần cao nhất là Allah.
• Sống nhân từ độ lượng.
• Thưởng phạt công minh, trừng phạt chủ yếu đối với kẻ thù.
• Thánh chiến là thiêng liêng và bắt buộc.
• Kiên định và nhẫn nại trong mọi thử thách.
• Tin vào định mệnh và sự công minh của Allah.
• Cấm một số thức ăn: thịt heo, rượu bia và các chất có men. (Heo là con vật gắn với khởi nguyên: phát triển là nhờ chăn nuôi).
• Trung thực.
• Không tham của trộm cắp
• Làm lễ và tuân thủ các nghi lễ Hồi giáo.

Tín ngưỡng Hồi giáo
Xét về niềm tin, tín đồ Hồi giáo tin vào Alah, sứ giả Mohammed, thiên sứ, thiên kinh, hậu thế.

- Tin vào Alah: Đây là một nội dung quan trọng của tín điều cơ bản. Theo Hồi giáo, Alah là vị thần duy nhất trong vũ trụ, tự sinh ra và bất tử. Alah sáng tạo thế giới, và là chúa tể. Hồi giáo không thờ ảnh tượng của Alah vì họ quan niệm Alah toả khắp nơi, không một hình tượng nào đủ để thể hiện Alah.

- Tin vào sứ giả Mohammed: Giáo lý Hồi giáo cho rằng Allah từng cử nhiều sứ giả đến các dân tộc khác nhau trong những thời kỳ nhất định để truyền đạt ngôn luận của Allah cho con người. Có đến 5 sứ giả. Trong đó Mohammed là sứ giả cuối cùng mà Allah chọn lựa. Đây cũng là sứ giả xuất sắc nhất. Chỉ có Mohammed là được nhận những ngôn luận của Allah một cách đầy đủ nhất.

- Tin Thiên kinh: Allah từng trao thiên kinh cho các sứ giả trước Mohammedû, mỗi người một bộ. Nhưng những bộ ấy không đầy đủ, bị thất lạc hoặc bị người đời sau giải thích sai lệch. Chỉ có bộ thiên kinh mà Allah truyền cho Mohammed là bộ kinh điển cuối cùng nhưng đầy đủ nhất. Đó là kinh Coran. Vì vậy, kinh Coran dưới mắt người Hồi giáo làø bộ kinh điển thần thánh duy nhất.

- Tin vào Thiên sứ: Thiên sứ do Allah tạo ra, là một loại linh hồn, vô hình trước con người, không có tính thần. Mỗi thiên sứ có một nhiệm vụ. Trong Thiên sứ cũng có sự phân chia cao thấp. Cao nhất là thiên sứ Gabrien. Con người không phải phủ phục trước thiên sứ.

- Tin vào hậu thế: Sẽ có ngày tận thế. Trong ngày ấy, mọi sinh linh sẽ kết thúc để rồi tất cả sống lại nhận sự phán xét của Allah. Dựa vào hành vi của mỗi người mà Allah quyết định: thiên đường dành cho người thiện, địa ngục là nơi của kẻ ác.

Nghĩa vụ Hồi giáo

Hệ thống nghĩa vụ của tín đồ Hồi giáo rất rộng và chi tiết, dựa trên cơ sở kinh Coran và sách Thánh huấn.

Các tín đồ có 5 nghĩa vụ chủ yếu. Đó là niệm, lễ, trai, khoá, triều. Đây là 5 trụ cột của Hồi giáo, tạo nên sườn cốt cho đời sống của người Hồi giáo.

- Niệm: tín đồ phải thường xuyên tụng niệm thành tiếng tín điều cơ bản (Vạn vật không phải là Chúa, chỉ có Chân chúa; Mohammed là sứ giả của Chúa).

- Lễ: tức là lễ bái. Các tín đồ mỗi ngày hành lễ 5 lần (sáng, trưa, chiều, tối, đêm). Thứ 6 hàng tuần thì làm lễ tại thánh đường 1 lần vào buổi trưa. Trước khi làm lễ, tín đồ phải rửa mặt, tay chân, quỳ xuống, hướng về đền Kabah để cầu nguyện.

- Trai: tức là trai giới. Tháng 9 theo lịch Hồi là tháng trai giới của Hồi giáo. Trong tháng này mọi tín đồ không ăn uống, quan hệ tính dục từ khi mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn, trừ một số trường hợp đặc biệt. Kết thúc tháng này là lễ Phá bỏ sự nhịn đói, các tín đồ sẽ cùng nhau cầu nguyện, sau đó tặng quà cho nhau, và bố thí.

- Khoá: các tín đồ có nghĩa vụ đóng góp cho các hoạt động từ thiện. Sự đóng góp đó có thể là tự nguyện, nhưng cũng có khi là bắt buộc dựa vào tài sản của tín đồ (khoảng 1/40 tài sản).

- Triều: Các tín đồ có nghĩa vụ hành hương về Mecca ít nhất 1 lần trong cuộc đời, để triều bái Kabah trong tháng 12 theo lịch Hồi (hành hương Haji). Cuộc lễ triều bái kéo dài trong 10 ngày. Ngày cuối cùng tín đồ sẽ hiến lễ là một con cừu hoặc lạc đà, hoặc một con vật có sừng. Triều bái Mecca trong dịp này là chính triều. Còn phó triều thì diễn ra trong thời gian bất kỳ của năm và ít nghi lễ hơn.

Ngoài ra, Hồi giáo còn có nhiều quy định cụ thể về hành vi của tín đồ trong các mối quan hệ xã hội.

Tổ chức Hồi giáo

- Thánh đường Hồi giáo là nơi sinh hoạt tập thể và có tính thiêng với các tín đồ.

Thánh đường gồm có Đại Thánh đường và Tiểu Thánh đường. Trong Thánh đường có bài trí đơn giản, không bàn ghế, không có đồ thờ quý hay nhạc cụ, chỉ có chiếc gậy mà theo truyền thuyết là của giáo chủ Môhammet đã dùng nó để đi truyền đạo.

- Hệ thống chức sắc gồm có Giáo chủ (Mufty), phó giáo chủ (Naib Mufty), Giáo cả (Ha Kim), phó giáo cả (Naib Ha Kim), Imân, Khatib, Tuan, Bilat, Slak, HaDji.

Hồi giáo ở Việt Nam

Sự du nhập Hồi giáo vào Việt Nam

- Người theo đạo Hồi ở Việt Nam hầu hết là người dân tộc Chăm. Đạo Hồi du nhập vào Việt Nam vào khoảng thế kỷ X – XIV bằng con đường hòa bình cùng với quá trình tan rã của quốc gia Chiêm Thành (Chămpa) và sự suy giảm dần của đạo Hinđu - tôn giáo chính thống của người Chăm. Hiện nay vấn đề thời điểm cụ thể Hồi giáo vào Việt Nam vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.

- Theo kết quả nghiên cứu của một số nhà nghiên cứu văn hóa Chăm thì khoảng từ thế kỷ X trở đi, vương quốc Chăm với sự phát triển khá mạnh về hàng hải nên đã có sự tiếp xúc và giao lưu văn hóa và buôn bán với người Indonesia và Malaysia là những nước đã có đạo Hồi lan rộng. Do tình hình chiến tranh liên miên và thất bại, vương triều dần suy yếu và niềm tin vào đạo Hinđu dần giảm sút nên đạo Hồi đã bám rễ được vào một bộ phận người Chăm.

Vương quốc Chămpa (từ Quảng Bình đến Bình Thuận) sau những cuộc giao tranh từ thế kỷ XI – XIII dần dần bị suy yếu. Về sau bị lấn át bởi cuộc Nam tiến của người Việt. Năm 1471, vua Lê Thánh Tôn đánh chiếm Vigiaya (Bình Định) và vua Chămpa bỏ chạy. Năm 1693 chúa Nguyễn tiến đánh và bắt được vua Chăm và cho làm quan ở vùng Bình Thuận (lúc này vua Chăm chỉ còn trên danh nghĩa). Trong hai thời điểm này người Chăm bỏ chạy vào miền Nam (An Giang), chạy sang Campuchia (Công pông chàm) và sang Malaysia lập nên bang Ache. Đầu thế kỷ XX, theo thống kê của người Pháp, người Chăm ở Việt Nam có khoảng 30.000 người. Hiện nay người Chăm có khoảng 200.000 người trong đó ở miền Trung Việt Nam (Ninh thuận, Bình Thuận) là 50.000, miền Nam 50.000 (TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tây Ninh, An Giang), Ở Campuchia (Côngpôngchàm) 50.000 và ở Malaysia 30.000 người. Phần lớn người Chăm ở miền Trung theo đạo Hinđu, chỉ có một ít theo đạo Hồi, người Chăm ở miền Nam gọi là Chăm Ixlam, theo Hồi giáo chính thống, không bị pha trộn với phong tục tập quán, tín ngưỡng cũ và thường xuyên liên hệ với thế giới Hồi giáo qua Hồi giáo Campuchia và Malaysia.

Hồi giáo ở Việt Nam hiện nay

- Do vị trí địa lý và hoàn cảnh truyền đạo, điều kiện sống và sự giao lưu của đồng bào Chăm với bên ngoài nhất là vơi thế giới Hồi giáo mà ở Việt Nam hình thành 2 khối Hồi giáo với nhiều khác biệt đáng kể:

+ Hồi giáo vùng Ninh Thuận, Bình Thuận là Hồi giáo không chính thống gọi là Chăm Bani, đượm sắc thái của yếu tố sinh hoạt và tôn giáo bản địa. Các lễ thức được tiếp biến cho phù hợp với chế độ gia đình mẫu hệ và các lễ liên quan đến chu kỳ đời sống của con người và các lễ thức nông nghiệp, không có liên hệ với Hồi giáo thế giới.

+ Hồi giáo ở TP. Hồ Chí Minh, An Giang, Đồng Nai, Tây Ninh gọi là Chăm Ixlam theo Hồi giáo chính thống, không bị pha trộn với phong tục, tập quán, tín ngưỡng cũ và thường xuyên liên hệ với thế giới Hồi giáo Campuchia và Malaysia.
Tuy có sự khác nhau nhưng giữa hai khối Hồi giáo này không có sự kỳ thị mà hòa hợp với nhau.

- Về tổ chức, thời Pháp thuộc có tổ chức Saykhon Ixlam đại diện cho người ChămXà và những người Mã Lai theo Hồi giáo. Năm 1960 khối người Chăm Hồi giáo lập ra “Hiệp hội Chăm Hồi giáo Việt Nam” có văn phòng đặt tại Sài Gòn. Năm 1966 có thêm tổ chức “Hội đồng giáo cả các Thánh đường Hồi giáo Việt Nam” đặt văn phòng tại Châu Đốc và tồn tại cho đến ngày nay.

- Hiện nay các tín đồ Hồi giáo sinh hoạt bình thường, vừa tuân phục các giáo luật khắt khe vừa thực hiện tốt các nghĩa vụ công dân, tôn trọng sự lãnh đạo của Đảng cộng sản và sự quản lý của chính quyền mong muốn được sinh hoạt tôn giáo hợp pháp, muốn duy trì mối quan hệ với thánh địa Mecca. Nói chung trong những năm qua tín đồ Hồi giáo tăng chậm do đồng bào Chăm thường sống ở những vùng có kinh tế khó khăn, có thu nhập thấp, diện nghèo còn cao và rất cần có sự quan tâm hỗ trợ của các cấp chính quyền để xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp hơn.

Nguồn:
Chương trình Học liệu mở Việt Nam (Vietnam OpenCourseWare Program)
http://www.vocw.edu.vn/
Instructor: Lê Thanh Hà - Nguyễn Thị Thu
Course Author: Ha Le
Institution: Đại học Sư phạm Thành phố Hồ chí minh


11-30-2008 11:23:46
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
02/06/2018(Xem: 5264)
Sáng ngày 30/5/2018 vừa qua, một vị Thượng Tọa đã rất bức xúc và gởi cho người viết đường link vể cảnh múa và ăn mặc phản cảm của một vũ công trên sân khấu văn nghệ kính mừng Phật Đản ( “ Video: Làm lễ Phật Đản bằng màn nhảy nhót “hộp đêm” – VietBF). Liên tục những ngày sau đó chúng tôi tìm hiểu thêm chung quanh việc này nhưng không kết quả. (Ảnh cắt ra từ Clip).
23/05/2018(Xem: 18897)
Nam Mô A Di Đà Phật, Kính bạch Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni cùng quý Phật tử gần xa, Đây là hình ảnh Tượng Phật Nhập Niết Bàn đặt nằm chung lẫn lộn với các bức tượng lỏa thể đang được triển lãm tại Phòng Trưng Bày Nghệ Thuật Quốc Gia Úc tại tiểu bang Victoria ( National Gallery of Victoria, NGV), đây là hành động xúc phạm đối với tượng Phật và cộng đồng Phật Giáo tại Úc Châu. Mục đích của cuộc triển lãm này là họ muốn « mang các truyền thống văn hóa lại gần với nhau hơn », ý tưởng rất hay nhưng khi tạo dựng tác phẩm lại thiếu tính hiểu biết, phản cảm, phi nghệ thuật, nhất là không tôn trọng và xúc phạm đến Phật Giáo. Chúng con được biết, tại tiểu bang Victoria, một Giáo Hội Phật Giáo Úc (Buddhist Council of Victoria) đã gởi thư phản đối nhưng họ chỉ ghi nhận và không có bất cứ hành động nào, quả thật là rất buồn. Qua sư việc này, chúng ta thấy rằng tiếng nói của PG quá yếu, không đánh động được lương tâm của họ, nếu không muốn nói là họ quá xem thường cộng độ
26/03/2018(Xem: 6584)
Thảm kịch xảy ra lúc nửa đêm, mọi người có điện thoại đều xem một chút, bây giờ vẫn không quá muộn
17/03/2018(Xem: 6034)
Năm 1992, tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hiệp quốc về Môi trường và Phát triển tại Rio de Janeiro, Brazil, Liên Hợp Quốc đã quyết định lấy ngày 22/3 hằng năm là ngày Nước thế giới. Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã chỉ định ngày 22/3/1993 là ngày Nước thế giới đầu tiên và từ đó đến nay ngày này được tổ chức thường niên. Logo của Ngày Nước Thế Giới
14/03/2018(Xem: 5223)
Phần thứ ba này, quan điểm vị A la hán còn hoài nghi không? Đã được Thượng tọa bộ chất vấn, để bảo vệ quan điểm A la hán còn xuất tinh do “thiên ma tác động” tạo sự hoài ngi cho vị A la hán nên Đại Thiên xác nhận “vị A-la-hán còn hoài nghi”. Mặt khác, “vị A-la-hán còn hoài nghi” là một quan điểm khác của Đông Sơn Trú bộ và Tây Sơn trú bộ (hay của Đại Chúng Bộ). 8 vấn đề hoài nghi về chân pháp như: Hoài nghi Phật, hoài nghi Pháp, hoài nghi Tăng, hoài nghi đời quá khứ, hoài nghi đời vị lai, hoài nghi cả quá khứ lẫn vị lai và hoài nghi về lý duyên sinh. Thượng Tọa bộ chỉ buộc Đông Sơn trú bộ xác định “Vị A-la-hán có còn hoài nghi về Sơ quả, Nhị quả, Tam quả, Tứ quả không?” Và Đông Sơn trú bộ đã trả lời “không còn” Thượng Tọa bộ chỉ kết luận “mọi hoài nghi về chân pháp như: Hoài nghi - hoài nghi triền,hoài nghi cái, hoài nghi tùy miên, hoài nghi phiền não, hoài nghi về Y tương sinh… Tất cả hoài nghi này, vị A-la-hán không còn Theo Phật Quang đại từ điển giải thích:
14/03/2018(Xem: 7043)
Ấn tống kinh sách (cúng dường kinh sách) đem lại phước lạc, công đức lớn tuy nhiên nếu làm không đúng cách sẽ là một sự lãng phí. Bạn đã từng đem kinh sách đến chùa để cúng dường mà chùa không nhận hay chưa ? Vâng, đã có nhiều trường hợp như thế. Thông thường khi bạn phát tâm cúng dường kinh sách, hoặc tự mình chọn hoặc hỏi các Phật tử khác, hiếm khi hỏi quý thầy cô có kinh nghiệm nên ấn tống kinh sách gì? Từ đó ai khuyên bạn ấn tống kinh sách gì thì đi photo, in ấn hoặc đặt mua về cúng dường. Thiếu sót bắt nguồn từ đây dẫn đến tình trạng một số kinh quá dư thừa, một số kinh sách không phải là của Phật giáo chính thống, một số kinh sách băng đĩa khác cổ xúy cho những niềm tin không chân chính thậm chí là mê tín dị đoan chẳng đem lại lợi ích phước đức gì cả. Vậy làm thế nào để cúng dườngkinh sách Phật giáo đúng cách? Chúng ta có thể tự thẩm định thỏa mãn các điều kiện như sau: Nội dung nói về điều gì ? Kinh dùng để tụng hàng ngày trong khi sách để học, đọc tham khảo và thư
12/03/2018(Xem: 6570)
Đâu rồi biểu tượng của TP.Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh hiện nay ? Biểu tượng của một đất nước hay một thành phố hoặc tỉnh đều chọn một hình ảnh nào đấy gắn liền với lịch sử và truyền thống của địa phương đó, đặc biệt qua khía cạnh du lịch biểu tượng càng trở nên cần thiết để khi nhắc đến, người ta sẽ biết ngay đó là địa phương nào , với những đặc điểm gì . Nếu những địa phương mới thành lập, phần lịch sử hòa quyện lan tỏa thì người ta chọn đặc điểm văn hóa, hoặc những công trình mới xây dựng ,thậm chí ẩm thực để làm biểu tượng.
10/03/2018(Xem: 6081)
Tham vọng và luyến ái của con người vô biên. Nhân loại muốn làm chúa tễ của vũ trụ, và chúng ta đang cố tâm làm chủ tiến hóa hay nói theo thần quyền là cố tình cướp quyền tạo hóa để chế tạo ra thượng đế (God), ra Phật, và có thể tạo ra siêu quái với sức mạnh siêu nhân, thần thông quảng đại có khả năng, thăng thiên, độn thổ, biến hóa khôn lường, di sơn hải đảo, thay đổi lịch sử, định đoạt tương lai theo ý muốn, vì chúng ta “không chấp tử.” “Còn không” chấp tử thì “hết có” chấp sinh, đó là giải thoát khỏi sinh-tử-sinh. Những kỳ vọng trên cũng dễ dàng thôi chỉ cần giác ngộ rốt ráo là có ngay.
05/03/2018(Xem: 5869)
Báo Washington Post ngày 9/9/2017 đưa tin, Liên Hiệp Quốc nói rằng trong hai tuần qua, số người trốn chạy bạo động, vượt biên vào Bangladesh đã lên tới con số báo động là 270,000 người. (Ngày nay đã lên tới 700,000 người) Theo hãng thông tấn AP ngày 11/9/2017, chính phủ Bangladesh đã bằng lòng cung cấp đất để làm trại tạm trú cho 313,000 người tỵ nạn Rohingya đã tới đây từ 25/8/2017. Bà San Suu Kyi- lãnh đạo Miến Điện trên thực tế - sẽ không tham dự Đại Hội Đồng LHQ kéo dài từ 13/9/2017 tới 25/9/2017 nại lý do an ninh của đất nước. Bà đang bị chỉ trích về cuộc trốn chạy của người Hồi Giáo Rohingya.
24/02/2018(Xem: 5561)
“Do dự tha linh nhập” - là một trong 5 việc của Đại Thiên Cả năm điều của Đại Thiên được ghi chép trong Luận Bả-sa: – Vị A-la-Hán còn xuất tinh. – Vị A-la-hán còn vô tri. – Vị A-la-hán còn hoài nghi. – Vị A-la-hán còn được người khác chỉ điểm mới biết mình là A-la-hán. – Đạo xuất hiện nhờ tiếng khổ.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]