Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

02. Ngày thứ hai

07/05/201311:40(Xem: 8875)
02. Ngày thứ hai

GIẢI THOÁT TRONG LÒNG TAY

Một bài giảng khúc chiết về con đường đạt đến giác ngộ

(Liberation in the Palm of Your Hand-

Aconcise discourse on the path to enlightenment)

Pabongka Rinpoche

Edited by Trijang Rinpoche

Translated by Michael Richards

Thích Nữ Trí Hảidịch

--- o0o ---

PHẦN MỘT

NHỮNG CHUẨN BỊ SƠ KHỞI

NGÀY THỨ HAI

Lama Pabongka Rinpoche mở đầu:

Ðức Tsongkapa vĩ đại (trong lời Dẫn nhập tác phẩm Ba Nòng Cốt Của Ðạo Lộ) đã viết:

Tôi sẽ cố giải thích ý nghĩa

Tinh túy của tất cả kinh điển

Của Ðấng Chiến Thắng

Ðạo lộ được tán dương

Bởi tất cả chư Phật và những pháp tử của ngài

Ðó là cửa vào cho những người may mắn muốn đạt giải thoát.

Giáo lý này là tinh túy của tất cả kinh điển Phật thuyết. Trong phần Phạm Vi Nhỏ bạn được thúc dục phải từ bỏ những cõi xấu ác, trong phần Phạm Vi Trung Bình, bạn được thúc dục phải từ bỏ toàn bộ vòng sinh tử luân hồi, vân vân. Nhưng bạn sẽ không làm nổi những việc ấy nếu không dựa vào Lam-rim. Tâm bồ đề tôn quý là con đường mà tất cả chư Phật và các đấng Pháp vương tử (Bồ tát) đều ca ngợi. Cửa vào cho những người mong đạt giải thoát chính là chánh kiến về Tánh không, xa lìa hai cực đoan thường kiến và đoạn kiến. Bạn cũng không thành tựu được điều này nếu không dựa vào hệ thống giáo lý Lam-rim. Bởi thế để đạt thành Phật quả, bạn cần phải phát triển ba nòng cốt ấy của đạo lộ ở trong lòng tâm thức bạn.

Muốn phát sinh ba nòng cốt này trong tâm thức, bạn phải dựa vào Lam-rim. Bởi thế mà ngay từ đầu, bạn hãy khởi động lực như sau: “Tôi sẽ đạt Phật quả vì lợi lạc cho tất cả hữu tình - và lý do ấy tôi sẽ tham dự buổi nói chuyện thân mật này về Ba phạm vi khác nhau của Lam-rim.” Hãy tập trung tất cả những động lực và hành động của bạn theo chiều hướng những ý tưởng ấy, rồi hãy lắng nghe.

Và pháp mà các bạn sắp nghe là pháp gì? Ðó là pháp Tối thượng thừa, giáo lý đưa người may mắn đến Phật quả. Ðó là con đường truyền thống của hai vị tiên phong vĩ đại là Long Thụ và Vô Trước. Ðó là tinh hoa tư tưởng của đức Atisha vô song và đức Tsongkapa, Pháp vương của ba cõi. Giáo lý này sâu xa là như vậy đó. Nó có mọi điểm then chốt được tìm thấy trong tinh hoa của tám vạn bốn ngàn kinh điển, nó tổ chức những thực tập tuần tự đưa ta đến giác ngộ.

Những “câu chuyện thân mật” về những giai đoạn của con đường đến giác ngộ có thể nằm dưới một tiêu đề căn bản: “Giáo lý thực thụ.” Nhưng có những tiêu đề được đưa thêm vào để ấn định bản chất của Lam-rim, những bản kê khác nhau về nó, và thứ tự giảng dạy giáo lý này. Bạn phải quen thuộc với những tiêu đề này để biết chắc cái nào đi với đề mục thiền đặc biệt nào, chúng được giải thích như thế nào, những trích dẫn đưa ra trong những tiêu đề ấy, hệ giáo lý khẩu truyền về chúng, và những chỉ dẫn mà chúng hàm chứa. Nếu không, nghĩa là nếu bạn nghe một giáo lý khơi khơi không có tiêu đề nào cả, thì sẽ khó làm cho những thiền quán trở thành lợi lạc cho dòng tâm thức bạn. Nó sẽ giống như là bạn cố lấy riêng ra xài hoặc trà, hoặc bơ, muối, soda... sau khi chúng đã được bỏ chung một bình. Có nhiều loạt tiêu đề khác nhau - một số dùng cho những Lam-rim ngắn gọn, một số dành cho những bản dài hơn. Bạn nên theo những tiêu đề của giáo lý mà bạn đã hấp thụ.

Bây giờ tôi sẽ theo phần lớn sự thực hành của tôn sư tôi áp dụng tiêu đề Con Ðường Nhanh. Loạt tiêu đề đặc biệt này được trang điểm bằng nhiều chỉ giáo khẩu truyền. Trước đây nó chưa từng được bút ký, nhưng ngài hết sức cẩn thận khi giảng dạy chúng một cách công khai; và tôi cũng đã được thụ giáo những tiêu đề ấy một mình với thầy. Tôi đã hết sức cẩn thận thu thập chúng lại và viết lên giấy. Những tiêu đề ấy không quá ngắn cũng không quá dài, và có nhiều dáng vẻ độc đáo đã được cho là rất công hiệu.

Những học giả tu viện Nalanda ưa nói đến ba sự thanh tịnh trước khi giảng pháp:sự thanh tịnh giáo lý khẩu truyền của vị thầy, sự thanh tịnh của dòng tâm thức nơi môn sinh, và sự thanh tịnh của Pháp đang được trình bày. Những học giả của Vikramashìla trong những phần dẫn nhập thường nói đến tính vĩ đại của tác giả, tính vĩ đại của Pháp, và cách lắng nghe giáo lý ấy. Tôi sẽ theo truyền thống sau cùng này.

Bài giảng về những giai đoạn của con đường đến Giác ngộ có bốn phần chính:

1. Sự vĩ đại của các tác giả, được nói lên để chứng minh rằng giáo lý này có một nguồn gốc trong sạch.

2. Sự vĩ đại của Pháp, được nói để tăng niềm tin tưởng đối với giáo lý.

3. Cách chân chính để giảng và nghe nền giáo lý có hai sự vĩ đại này.

4. Trình tự theo đó các môn đệ phải được dạy những chỉ dẫn thực thụ.

Bốn tiêu đề này được tìm thấy trong tác phẩm (của Tsongkapa) Những Giai Ðoạn Lớn Của Con Ðường. Bất kỳ loại Lam-rim nào được trình bày - Con Ðường Dễ, Con Ðường Nhanh, vân vân - bất kể nó được giảng chi tiết đến đâu, truyền thống khẩu truyền nói bạn phải khởi bằng những tiêu đề ấy, nếu không người ta sẽ không phất sinh đầy đủ niềm tin.

I. TÍNH CÁCH VĨ ÐẠI CỦA NHỮNG TÁC GIẢ NÓI LÊN ÐỂ CHỨNG TỎ NỀN GIÁO LÝ NÀY CÓ MỘT NGUỒN GỐC TRONG SẠCH.

Như lần trước tôi đã nói, theo truyền thống những học giả Ấn, thì Pháp mà bạn sẽ thực hành phải là do Phật dạy, được giảng giải bởi những bậc học giả hiền trí, và được xử dụng để thiền quán bởi những hành giả uyên bác có thể phát sinh những thực chứng về thần thông và tuệ giác trong dòng tâm thức họ.

Về phần chúng ta, chúng ta cần nhiều hơn là đức tin, trí tuệ, và kiên trì tinh tấn; nếu ta thực hành một Pháp mà chỉ có vẻ hữu lý, thì ta sẽ không đạt được kết quả nào. Ta đã thấy tận mắt nhiều người vừa trí tuệ vừa kiên nhẫn đã lãng phí thì giờ vô ích kiểu ấy. Hơn nữa, dù một giáo lý có được cho là phát xuất từ những linh kiến sâu xa đến đâu, thì Ba Nòng Cốt Của Ðạo Lộ như tôi đã nói với bạn, vẫn quan trọng hơn các Sàdhanas (những phương pháp đắc quả) và những giáo lý dạy cách chứng các thần thông, bởi vì những thứ này còn không hơn được cả đến một dẫn nhập vào ba quy y.

Muốn tìm về nguồn của một con sông, bạn cần hải đi trở ngược về lằn ranh tuyết. Cũng thế bạn phải truy tầm một pháp trở lui về Ðức Phật, bậc Thầy của chúng ta. Nếu có thì giờ để bàn chi tiết điều này, tôi sẽ khởi sự bằng đời Ðức Phật và những tiểu sử của những bậc thầy thuộc tất cả các hệ phái, làm thế nào các ngài đã sử dụng con đường này để đạt đến những quả vị cao siêu. Nhưng tôi không đủ thì giờ để bàn dài dòng như thế. Tôi chỉ kể cho các bạn nghe một ít chuyện mà thôi.

( Khi ấy Pabongka Dorje Chang (Kim cương trì) kể sơ cho chúng tôi nghe làm thế nào mà có hai hệ truyền thừa từ đức Phật xuống Atìsha; và làm thế nào Atìsha đã phối hợp hai hệ phái thành một dòng. Ngai tiếp:)

Atìsha viết Ngọn Ðèn Soi Ðường tại Tây Tạng; từ ngữ “Lam-rim” về sau mới xuất hiện. Trong tất cả những tác phẩm về giáo lý Lam-rim như Con Ðường Tối Thượng, Giáo lý Tuần Tự, vân vân, tác phẩm chính về đề tài này - Ngọn Ðèn Soi Ðường - là kiệt tác của ngài. Bởi thế Atìsha gần như là tác giả của những pháp môn ấy. Ngay cả Tsongkapa vĩ đại cũng viết: “Tác giả sách này kỳ thực chính là Atìsha.” Bởi thế đáng tôi phải kể cho các bạn nghe lịch sử chi tiết cuộc đời ngài, song vì ít thì giờ tôi chỉ nói sơ lược.

Tiểu sử này có ba tiêu đề:

1. Ngài sinh vào một trong những gia đình quý tộc.

2. Ngài đã có được những kỳ đức từ thuở ấu thơ.

3. Sau khi có được những đức ấy, ngài đã làm những việc gì.

A.ATÌSHA SINH VÀO MỘT GIA ÐÌNH QUÝ TỘC

Atìsha sinh tại miền đất nổi tiếng đông Ấn bây giờ là Bengal, tại một đô thị lớn có một trăm ngàn hộ dân cư, tổng số dân là ba triệu năm trăm ngàn. Lâu đài của thân phụ ngài được gọi là “Lâu đài của những lá cờ vàng chiến thắng.” Có mười ba ngôi chùa vàng, và hai mươi lăm tràng phan chiến thắng bằng vàng. Gia đình ngài rất giàu có và có thế lực. Thân phụ ngài là vua Kalyànashrì; thân mẫu là Prabhàvatì. Lúc ngài ra đời có nhiều điềm lạ.

B. NGÀI ÐÃ ÐẠT ÐƯỢC NHỮNG KỲ ÐỨC NGAY TRONG ÐỜI NÀY NHƯ THẾ NÀO

Khi vị thái tử hài nhi mới mười tám tháng tuỏi, song thân ngài viếng thăm một ngôi đền ở Vikramapuri. Dân chúng sắp hàng hai bên đường để xen thái tử. Ngài trông thấy đám đông và hỏi cha mẹ: “Những người này là ai thế?” Họ trả lời: “Ðấy là thần dân của con.” Hài nhi nhìn mọi người với vẻ thương xót và thốt ra lời kệ:

Ước gì họ đều như tôi:

Giàu có, nhiều công đức sáng chói,

Thừa kế ngai vàng, một thái tử đầy quyền lực.

Ước sao tất cả họ đều tin theo Diệu Pháp!

Mọi người rất đỗi kinh ngạc. Khi vào đền, mọi người kể cả cha mẹ ngài đều cầu nguyện không bệnh, sống lâu, giàu có, khỏi sa vào đọa xứ, được sanh lên thượng giới, vân vân. Riêng thái tử lại cầu nguyện như sau:

Tôi đã được tái sanh làm người

Một người được ưu đãi

Giác quan tôi không tì vết

Tôi gặp được Ba ngôi báu

Mong sao con luôn luôn kính cẩn

Ðội trên đầu con Ba ngôi báu

Kể từ hôm nay, xin Ba ngôi báu làm chỗ nương của con

Mong sao con đừng bao giờ bị công việc gia đình trói buộc

Mong sao con có năng khiếu về Pháp

Ở giữa đại chúng Tăng già.

Mong sao con cúng dường Tam bảo

Mà lòng không một chút kiêu căng

Mong sao con nhìn mọi hữu tình với lòng thương xót.

Mới mười tám tháng tuổi, vị thái tử hài nhi đã nói đến chuyện quy y và phát tâm bồ đề. Ngài đã làm cho chúng ta tin tưởng ngay từ điểm này trong tiểu sử đời ngài.

Tác phẩm “Quyển sách của hệ phái Kadampas” cho chúng ta biết về sự phát triển sớm của ngài:

Khi thái tử lên ba

Ngài đã giỏi về toán,

Văn chương và thi phú.

Khi lên sáu tuổi

Ngài có thể phân biệt

Phật pháp, phi Phật pháp.

Phân biệt Phật pháp với không phải Phật pháp thật là chuyện vô cùng khó khăn. Có lẽ chuyện sau đây sẽ cho bạn vài khái niệm. Có lần Atìsha đã nói: “Ở Ấn Ðộ chỉ có ba người biết phân biệt Phật pháp và phi Phật pháp là Nàropa, Shàntipa và tôi. Naropa đã chết, còn tôi đã đi Tây Tạng. Có thời nào mà xứ Ấn lâm vào một tình thế tệ hơn không?”

Chính sự kiện Atìsha có thể phân biệt như vậy vào lúc lên sáu, đối với tôi dường như là dấu hiệu chứng tỏ ngài đã uyên bác ngay từ lúc nhỏ.

Khi ngài mười một tuổi, nhiều công nương công chúa xứng đôi vừa lứa đã tìm đủ nghệ thuật múa hát để quyến rũ ngài; nhưng những cảnh tượng ấy chỉ gợi cho ngài sự gớm ghiếc và xuất ly. Có một cô gái làn da ngăm đen vốn là hóa thân của Tara, đã nói với ngài.

Thái tử, chớ bị vướng mắc

Hỡi người diễm phúc, đừng bị vướng

Nếu một anh hùng như ngươi

Mà bị tóm trong vũng lầy dục vọng

Thì cũng như con voi sa lầy.

Nhưng người mặc áo giáp giới đức thì không chìm đắm.

Ta hãy suy xét rộng rãi lời nói của nàng. Nàng bảo thái tử đừng vướng mắc trước hết là vào đời này, và thứ đến là vào sinh tử luân hồi nói chung. Ví dụ nàng dùng về con voi sa lầy có nghĩa rằng, vì con voi có thân xác khổng lồ, nên còn khó gỡ mình ra khỏi sình lầy hơn những con vật khác. Nếu những người thông thường mà phạm vài điều quấy, thì chỉ có hại cho bản thân họ chứ không thể phương hại đến sự lan truyền giáo lý. Nhưng nếu tu sĩ vĩ đại hoặc những tái sanh của Lamas mà hành xử sai trái, thì sẽ làm cho sự giảng dạy giáo lý trong vùng ấy mất ảnh hưởng. Nếu những vị này hành xử thích đáng, thì giáo lý ở vùng ấy sẽ thịnh. Lại nữa, với tôi dường như điều ấy muốn nói rằng điều quan trọng nhất là những người lớn như quý vị cần phải đa văn, có đạo dức, từ bi, và quý vị nên giữ gìn những truyền thống Gelugpa thuần tịnh.

Vị thái tử trả lời rằng những lời yêu cầu của nàng làm cho thái tử rất hài lòng.

Không lâu sau đó, vua cho một trăm ba mươi kỵ sĩ vây quanh thái tử. Thái tử giả vờ đi thám hiểm núi rừng ở vùng lân cận. Mục đích thực thụ của ngài là tìm một bậc đạo sư. Ngài gặp bà la môn Jitarì đang sống trong một ngọn núi, ông cho thái tử quy y và thọ giới Bồ tát, và cho thái tử biết về Bodhibhàdra ở Nalanda, người có duyên nghiệp với thái tử đời quá khứ. Thái tử liền đi gặp bậc thầy ấy và dâng cúng ngài nhiều ngọc ngà châu báu. Bodhibhàdra rất hoan hỉ. Bậc thầy nhập định và làm phép tịnh hóa ba cửa (thân khẩu ý) cho thái tử. Ngài cũng cho thái tử nhiều lời chỉ giáo liên hệ đến sự phát tâm bồ đề, đoạn giới thiệu thái tử đến bậc thầy Vidyakokila, vị này cũng dạy thái tử về sự phát bồ đề tâm rồi gởi thái tử đến một bậc thầy từ đời trước của thái tử là Avadhutipà.

Avadhutipà bảo thái tử: “Hãy trở về kinh đô của phụ vương ngày hôm nay. Hãy quán xét những khuyết điểm nơi lối sống của một cư sĩ thế tục.”

Và thế là thái tử về nhà, khiến cha mẹ ngài rất vui mừng. Họ hỏi: “Con đi đâu thế, hởi Chadragarbha (Nguyệt Tạng). Con có mệt chăng? Có sầu muộn chăng? Ôi thật tốt thay con đã trở về.” Thái tử trả lời:

Con đã đi tìm thầy học đạo

Vì thầy là nơi nương tựa quý báu như Phật

Con đã tìm trong hang núi

Và những nơi tịch mịch hoang vu

Nhưng dù đi đến đâu

Con cũng có thể thấy lỗi lầm của sinh tử.

Bất cứ người bạn nào con gặp

Ðều nói cho con nghe những lỗi lầm của sinh tử.

Mặc dù thế, con vẫn chưa được vừa lòng.

Xin cho con tự do để quay về với Pháp.

Cha mẹ thái tử bảo ngài rằng việc sinh tử làm cho ngài đau khổ như thế, thì thái tử nên làm vua rồi tha hồ mà cúng dường Tam Bảo, bố thí cho người nghèo, xây chùa, trai tăng, vân vân. Như vậy ngài sẽ hoàn toàn hạnh phuc. Thái tử trả lời:

“Con đã thấy nhiều cảnh khổ sinh tử. Con không chút nào bị lôi cuốn vào những cạm bẫy của cuộc đời vua chúa. Cung vàng điện ngọc đối với con không khác nào lao ngục. Những mỹ nữ không khác gì con gái của ma vương. Ba chất ngọt ngào (?) chẳng khác nào thịt chó, mủ và máu. Mặc lụa là trang sức châu báu với đắp một cái mền rách không có gì khác nhau. Con sẽ vào rừng để thiền định. Hôm nay hãy cho con một ít thịt, sữa, mật, đường mía để con đi đến bậc thầy Avadhutìpà.” Ðấy là đại ý những bài ca được hát cho cha mẹ ngài. Những vị này cho phép ngài làm theo ý muốn, và thái tử khởi hành vào rừng cùng với một ngàn kỵ sĩ đi theo.

Ngài trở thành đồ đệ của Avadhutìpà, người khai thị cho ngài sự phát tâm bồ đề. Ông bảo: “Hãy đi đến chùa Krshnagiri (Hắc sơn) nơi tiên Ràhulagupta đang ở. Ông ấy cũng từng là thầy con trong quá khứ.”

Bậc thầy Ràhula lúc ấy đang giảng giáo lý mật tông. Khi thấy thái tử đi vào, mặc dù đã biết thái tử đến để cầu Pháp, để thử thách ông tung một luồng sét đánh vào thái tử, rồi đi lên đỉnh núi chỗ có một ngôi tháp Tìrthika màu đen. Các ẩn sĩ tùy tùng hỏi ông người ấy là ai. Ràhula trả lời: “Trong năm trăm năm mươi hai đời tái sinh, ông ấy luôn luôn làm học giả. Bây giờ ông ấy là thái tử sắp nối ngôi vua Pháp ở xứ Bengal là Kalyànashrì. Ông ta không màng tới đời sống vương giả, mà mong muốn thực tập khổ hạnh.”

Mọi người đều ngạc nhiên. Họ đứng lên mời thái tử gia nhập vào đoàn họ.

Khi gặp bậc thầy này, Atìsha nói:

Hỡi đạo sư thánh thiện xin nghe con đây:

Con đã từ bỏ gia đình

Con mong đạt giải thoát

Nhưng con đã sinh vào nhà danh tiếng

Và có thể trói buộc vào xứ Bengal.

Con đã tôn thờ những bậc thầy

Jitàri, Bodhibhadra, Vidyakokila và Avadhutìpà,

Những bậc đạo sư có thần thông

Nhưng ngay đến bây giờ, con vẫn chưa thoát khỏi

Những bổn phận làm vua.

Nay con được gởi đến Thầy, hỡi bậc Ðạo sư:

Xin hãy khai thị cho con giáo lý Ðại thừa

Và sự phát bồ đề tâm,

Mong sao con thoát khỏi những trói buộc.

Thái tử tiếp tục năn nỉ vị thầy suốt mười ba ngày. Cuối cùng ông đáp ứng, làm pháp quán đảnh Hevajra cho thái tử và truyền riêng cho ngài tất cả những chỉ giáo. Thái tử được pháp danh trong mật giáo là Jnànaguhyavajra.

Rồi Ràhula bảo tám vị nam nữ khổ hạnh lỏa thể có nhiều thần thông khủng khiếp rằng: “Hãy đi theo ông ấy về Bengal, làm cho nhà vua đổi ý. Khi thái tử đã được giải thoát khỏi phận sự làm vua, thì hãy đưa ông đến bậc thầy của ông là Avadhutìpà.”

Bấy giờ thái tử trang phục như thần Heruka, đi vào hoàng cung. Mọi người trông thấy đều nhận ra ngài và rất hoảng sợ. Ngài lang thang suốt ba tháng, hành xử như một người điên. Những tu sĩ khổ hạnh đi theo ngài thì chạy nhảy cùng khắp. Mọi người đều quyết định rằng ngài không còn đủ tư cách để trị vì nữa, và không ai cầm được nước mắt.

Phụ thân ngài là người buồn sầu nhất. Ông nói:

Ôi con tôi! Từ khi sinh con ra

Cha đã thấy con có giá trị phi thường

Cha những tưởng con sẽ làm phận sự quốc vương của con

Còn ai hạnh phúc hơn con nữa?

Sự ẩn cư trong rừng dã tác hại gì đến tâm con như thế?

Thái tử đáp:

Thưa cha, nếu con làm vua

Con chỉ được sống với cha trong đời này

Nhưng rồi cha con không nhận ra nhau trong những đời sắp tới.

Thật sai lầm biết bao khi làm một việc

Không đem lại lợi ích gì mà chỉ có hại.

Nếu con từ bỏ đời sống vương giả

Mà thực hành Con đường bảo đảm

Ðưa đến giải thoát giác ngộ,

Thì cha con mình sẽ được hạnh phúc

Trong những đời tương lai

Bởi thế, cha hãy buông con ra!

Bà mẹ nói:

Có ích gì đây? Ta không thuyết phục con nổi

Nghiệp là cái tiên quyết

Ðã ném tất cả chúng ta vào tái sanh trong đời.

Ôi hỡi người con thánh thiện, cứ việc tu pháp gì con cho là tốt nhất,

Còn mẹ sẽ cầu nguyện được gặp con trong tất cả các đời sau.

Rồi cha mẹ đều cho phép thái tử xuất gia.

Thái tử cùng với những tu sĩ khổ hạnh rời cung điện sáng sớm để đi đến nơi ẩn cư trong rừng của bậc thầy Avadhutìphà, ở đấy ngài học Phật của trường phái Trung quán. Atìsha được thụ giáo về những điều vi tế sâu xa của luật nhân quả, từ năm 21 tuổi cho đến năm 29, ngài gần ngang với bậc thầy Avadhutiphà. Vắn tắt là ngài đã thiền quán, chiêm nghiệm về mọi sự mà ngài đã học được. Tác phẩm Quyển Sách Xanh về những Bùa Chú nói: “Ngài đã theo học Avadhutìphà trong bảy năm.”

Atìsha đáng lẽ đã lên ngôi làm vua, sự nghiệp rực rỡ không thua gì hoàng đế Trung Quốc Li Shi-min, mà hoàng cung có đến mười vạn ngôi nhà với những tràng phan chiến thắng, hai mươi lăm ngàn ao tắm, bảy trăm hai mươi lạc viên, và năm mươi sáu ngàn cây cổ thụ. Ngài cóthể sở hữu ba triệu rưỡi thần dân. Cung điện của ngài được vây quanh với bảy lớp trường thành nối liền bằng ba trăm sáu mươi ba ngôi chùa. Nhưng ngài Atìsha vĩ đại đã hiến mình cho Chánh pháp và đã từ bỏ tất cả những cạm bẫy vô song ấy của vương quyền như thể là người ta nhổ nước bọt vào đống rác. Ðức Phật đấng Ðạo sư của chúng ta cũng đã từng làm như vậy: mặc dù nắm chắc uy quyền của một vị chuyển luân vương trong tay. Ngài đã từ bỏ để xuất gia. Bởi vậy, bạn phải đọc lại một cách say sưa lịch sử của các ngài. Nếu bây giờ có ai bảo chúng ta: “Hãy xả giới hoàn tục, rồi ông sẽ cho làm quận trưởng.” Ta sẽ làm theo ngay không chút do dự. Thế cũng đủ chứng minh tầm mức sự phát tâm của chúng ta.

Thật khó cho chúng ta từ bỏ những vặt vãnh trong căn phòng nhỏ hẹp của mình, nói gì đến chuyện từ bỏ uy quyền của vương vị. Hãy xem điều này trái ngược với Atìsha, người đã vứt bỏ vương vị xem như đờm dãi, người theo thầy học đạo trải qua bảy năm ròng. Ngài cũng thọ giáo Kim cang thừa với nhiều bậc đạo sư có thần thông khác, trở thành một học giả về tất cả cổ thư và mọi ngành giáo lý. Một hôm ý nghĩ này khởi lên nơi ngài, “Ta rất uyên thâm về mật giáo.” Nhưng ngài liền mất tất cả kiêu mạn khi ngài mộng thấy một số nữ thần (dàkinìs) đưa cho ngài xem nhiều pho sách mật giáo mà ngài chưa từng thấy. Và khi ngài khởi lên tư tưởng, “Ta sẽ đạt những thần thông tối thượng về Ðại thủ ấn (mahàmudrà) ngay trong đời này bằng cách áp dụng một cách hành xử có nhiều tính chất mật giáo hơn nữa” (nghĩa là có vợ), thì đạo sư Ràhulagupta hiện đến với ngài bằng thần thông đi xuyên qua tường vách mà bảo: “Cái gì? Con đã quên chúng sinh rồi sao? Hãy thụ giới ngay. Ðiều này sẽ làm lợi lạc cho nền giáo lý và cho nhiều hữu tình chúng sinh.”

Khi thần Heruka xuất hiện trước ngài, và cũng yêu cầu như thế. Ngài cũng mộng thấy Ðức Thích Ca Mâu Ni bậc Ðạo sư của chúng ta, và Ðức Di Lặc, bảo ngài phải thụ giới. Ngài thụ giới cụ túc với ngài Shìlaraksha (Giới hộ), một tu viện trưởng thuộc bộ phái Mahàsamgika (Ma ha tăng kỳ vực), người đã đạt giai đoạn Nhẫn trên đạo lộ chuẩn bị. Atìsha được thọ cụ túc giới vào năm 29 tuổi.

Atìsha đã theo học một trăm năm mươi bảy bậc thầy, học tất cả các học thuật, kinh giáo và mật giáo cùng những bài dạy truyền khẩu liên hệ. Ngài làm một khảo cứu đặc biệt về những điểm then chốt trong Tứ Phần Luật dưới sự hướng dẫn của Dharmarakshita (Pháp hộ), và làm một bộ luận khổng lồ bao gồm một trăm lẽ tám bài tụng trình bày phần của Thắng pháp (Abhidharma) gọi là “Luận Về Những Ðiểm Ðặc Biệt.” Ngài nghe giảng những giáo lý này trong mười hai năm, và nghiên cứu tường tận. Ngài còn am tường tất cả những pháp tu khác nhau của mười tám bộ phái (thuộc bộ phái Vaibhashika - Ðại tỳ bà sa), về những vấn đề như thành phần nào trong tăng chúng phải tịnh thí một phần thực phẩm mình xin được, hoặc thứ nước nào được phép uống, vân vân. Bởi thế ngài trở thành viên ngọc tối thượng của cả mười tám bộ phái Ấn Ðộ.

Nhưng mặc dù ngài đã học và hành tất cả kinh giáo và mật giáo có thể tìm thấy được vào thời ấy tại Ấn, ngài vẫn không ngừng tự hỏi con đường nào là đường nhanh nhất đến giác ngộ, và Ràhulagupta bậc thầy của ngài, đang ở trong hang động núi Krishnagiri, biết được tâm niệm ngài nhờ tha tâm thông, liền đi đến bảo: “Có gì hay ho trong việc thấy những linh kiến về các thần bảo hộ, làm xuất hiện được nhiều bộ loại chư thần trong những đồ hình, phô diễn được vài thần thông vặt vãnh, hoặc đạt được định vững như núi đá? Hãy luyện tâm người về lòng từ mẫn và tâm bồ đề. Ðức Thiên Thủ Quán Thế Âm là vị bồ tát của lòng từ mẫn, hãy cầu ngài làm thần bảo hộ cho ngươi và phát nguyện làm lợi lạc loài hữu tình cho đến khi cõi sanh tử trống rỗng.”

Một ngày kia, trong khi Atìsha đang kinh hành quanh Kim cang tòa của Phật tại Bồ đề tràng, ngài nghe cuộc đàm thoại giữa hai pho tượng. Một lần khác, có hai thiếu nữ đã vượt được những giới hạn của thân xác con người, đang nói chuyện trên bầu trời phía nam của Bồ đề tràng. Một cô hỏi: “Muốn giác ngộ cho toàn vẹn và nhanh thì người ta nên tu theo pháp nào?”Cô kia bảo: “Hãy tu luyện tâm bồ đề.”- “Phải đấy, tu bồ đề tâm là phương tiện cao cả nhất.”

Atìsha đã dừng kinh hành để nghe cuộc đàm thoại, và ghi hết vào lòng như một bình chứa nhận hết nước trút từ bình khác.

Có lần ngài đang đứng cạnh hàng rào bằng đá do bậc thầy Long Thụ dựng lên, thì nghe ở đấy có một bà già bảo cô gái: “Bất cứ người nào muốn đạt giác ngộ sớm phải tu luyện tâm bồ đề.”

Một pho tượng Phật ở dưới hành lang của ngôi đại điện tại Bồ đề tràng có lần bảo Atìsha, trong khi ngài đang kinh hành tại đấy: “Hỡi khất sĩ, nếu ngươi muốn giác ngộ sớm, thì hãy tu luyện tâm từ, tâm bi và tâm bồ đề.”

Một lần khác, khi ngài đi quanh vách đá một am cốc nhỏ, pho tượng Ðức Thích Ca bằng ngà voi nói với ngài: “Hỡi thiền giả, hãy tu luyện tâm bồ đề nếu ngươi muốn sớm đạt toàn giác.”

Thế là Atìsha tu tập phát triển tâm bồ đề hơn bất cứ lúc nào trước đấy, và vì muốn tu đạt đến trạng thái cao nhất của tâm bồ đề, ngài tự hỏi: “Ai là người nắm giữ toàn bộ giáo lý về điều này nhỉ?” Ngài tra tầm và nhận ra chính Suvarnadvìpi là người nổi tiếng bậc thầy về tâm bồ đề. Ngài dự định đi đến vị ấy (ở Nam Dương) để thụ giáo một cách toàn triêt về bồ đề tâm. Ngài vượt đại dương suốt mười ba tháng trên một con thuyền với vài thương gia đi buôn bán. Khi ấy Kàmadeva, thần dục lạc, vì không chịu nổi sự lan truyền của Phật pháp, muốn ngăn cản tâm bồ đề của Atìsha, nên đã thổi một luồng gió mạnh để làm cho chiếc thuyền xoay quanh, lại hóa một con cá voi lớn án ngữ trước mũi không cho thuyền đi tới, hóa sấm chớp, vân vân, gây khá nhiều rối loạn. Hiền trí Kshitagarbhà xin Atìsha xử dụng thần thông giận dữ. Ngài bèn nhập định quán tưởng thần Yamàtaka màu đỏ hiện ra hàng phục được đám quỷ quấy phá, và cuối cùng đoàn người đến Nam Dương.

Atìsha đã trở thành một học giả và hành giả vĩ đại. Như ta đã nói, lúc mới mười tám tháng tuổi, ngài đã tự thốt ra những lời chứng tỏ ngài đã am tường về tâm bồ đề. Thế mà ngài vẫn tình nguyện trải qua bao nhiêu gian khổ để đi đến Nam Dương, điều ấy chứng tỏ cho chúng ta thấy trong phái Ðại thừa, không có gì quan trọng cốt cán hơn là bồ đề tâm.

Atìsha trải qua cuộc hành trình đến mười ba tháng nhưng không bao giờ ngài cởi chiếc áo tu sĩ, dấu hiệu của giới pháp. Ngài không du hành như chúng ta ngày nay. Các tu sĩ bây giờ mỗi khi đi xa, vừa ra khỏi tu viện là đã khoác y phục thế gian, một số người lại còn đeo bao gươm dài vào nữa. Tôi nghĩ có lẽ người ta phải sợ hãi khi trong thấy họ và tự hỏi, “Có phải là bọn cắt cổ người ta chăng?” vậy ta phải nêu gương bằng cách đừng cởi pháp phục, dấu hiệu chứng tỏ ta đã thụ giới cụ túc. Kaedrub Rinpoche nói:

Thân thể của vị tỷ kheo đẹp là nhờ pháp phục

Khi nào tu sĩ đã thụ giới

Mà mặc y phục thế gian

Lối cư xử ấy làm giáo lý suy tàn.

Một vài người tuyên bố: “Người ta nên thuần thục từ bên trong” mà không giữ bề ngoài chút nào. Ðiều này không tốt cho giáo lý chung. Mọi hoạt động của tăng chúng cần được thực hiện có giới luật và an tịnh. Xá Lợi Phất đạt đến địa vị kiến đạo là nhờ thấy cung cách của Ashvaji.

Trở lại chuyện Atìsha đến đảo Nam Dương. Ngài trong thấy một vài thiền giả đệ tử của Suvarnadvipì. Atìsha cùng những đồ đệ của ngài nghỉ ngơi nửa tháng và yêu cầu các thiền giả kể cho nghe câu chuyện về cuộc đời đạo sư Suvarnadvipì. Nếu là chúng ta thì khi đến đấy, chúng ta sẽ đến diện kiến bậc thầy tức khắc; như Atìsha không làm như vậy. Thay vì thế, ngài xem xét cuộc đời của bậc thầy. Ngài nêu một tấm gương cho ta: trước hết ta phải tra tầm về bậc thầy cho đúng cách.

Một vài người vội vã đi đến bậc thầy Suvarnadvipì và bạch: “Bạch thầy, nhà đại học giả Dìpamkàra Shrijnana, người nổi tiếng nhất khắp vùng Ðông và Tây Ấn, đã vượt biển với bao gian nan suốt mười ba tháng cùng với một trăm hai mươi lăm đồ đệ đã đến để thụ giáo với ngài về Bát nhã, bà Mẹ của tất cả những đấng Chiến thắng. Họ cũng đến để học pháp Ðại thừa về huấn luyện tâm để phát nguyện và khai triển những hình thức tu tập tâm bồ đề.”

Suvarnadvipì nói: “Kỳ diệu thay một học giả vĩ đại như thế đã đến xứ ta. Chúng ta phải đi chào đón.”

Khi Atìsha đến gần tòa lâu đài của Suvarnadvipì, ngài và tùy tùng trông thấy từ xa một đám rước đang đến đón mừng, dẫn đầu chính là bạc thầy Suvarnadvipì, theo sau là năm trăm ba mươi tu sĩ. Họ trông như những vị A la hán, mặc ba y có màu sắc thích đáng với tu sĩ, mang theo đồ đựng nước và gậy sắt thực đẹp, có sáu mươi hai sa di theo hầu. Tất cả đoàn gồm năm trăm chín mươi bảy vị đã thụ đại giới. Vừa trông thấy đám rước trang nghiêm ấy, giống y những vi la hán thời Phật, đoàn của Atìsha vô cùng hoan hỉ.

Rồi những bậc hiền trí tinh thông ngũ minh như Atìsha và Kshitagarbha, và những tỷ kheo thông ba tạng, khởi sự đi đến tư thất của thầy Suvarnadvipì. Họ đều mang dép đúng luật và đắp ba y nhuộm vàng của xứ Kashmir, được phái Mahasamghika ưa chuộng. Ðể mọi người bản xứ có thể tu phước cúng dường, họ mang bát khất thực bằng sắt đã được tu bổ chỉnh tề, và đem theo tất cả dụng cụ đúng luật của tỷ kheo, như bình chứa nước bằng đồng có thể chứa một drona đơn vị đo ở Magadha (Ma kiệt đà), và chiếc gậy bịt sắt mà đức Thế Tôn thường ca ngợi. Tất cả đều đội mão học giả với những chóp mão cùn không nhọn để chứng tỏ sự vắng bóng kiêu mạn. Và tất cả đều thịnh trọng cầm những chiếc phất trần. Cả đoàn gồm một trăm hai mươi lăm vị đi hàng một tháp tùng Atìsha, cách khoảng nhau đúng phép - một dòng người đi toàn hảo như môt cáik ráng cầu vồng ngũ sắc. Mọi sự thật huy hoàng; làm cho chư thiên hoan hỉ mưa hoa xuống cúng dường. Mọi người dân trên quần đảo đều ngạc nhiên tán thán những cung cách của hai bậc đạo sư này, và phát sinh tịnh tín. Atìsha dâng vị thầy một cái bình trong suốt đựng đầy vàng, bạc, xa cừ, san hô, hổ phách. Cử chỉ tốt lành này báo trước ngài sẽ thụ giáo tất cả những chỉ giáo về đào luyện tâm bồ đề, hệt như một cái bình chứa tất cả những gì mà một bình khác trút sang.

Họ lui về phòng của bậc thầy trong tòa lâu đài với lọng che bằng bạc. Tại đây, bậc thầy Suvarnadvipì đầu tiên dạy họ mười lăm (trong số bảy mươi) đề tài từ tác phẩm của đức Di Lặc “Sự Trang Hoàng Cho Thực Chứng”, kèm theo những chỉ giáo khẩu truyền liên hệ. Bậc thầy ngay tức khắc rất hài lòng với Atìsha, họ cùng nghỉ đêm tại một nơi. Và thế là bắt đầu mười hai năm ròng trong thời gian ấy Atìsha và những môn đệ của ngài thụ giáo toàn bộ những lời giảng dạy về ý nghĩa thâm áo của tôn kinh Bát Nhã Ba La Mật Ða - “Bà Mẹ Thánh” theo hệ truyền thừa mà Di Lặc truyền cho Vô Trước. Họ cũng nhận những chỉ giáo đặc biệt về sự đào luyện tâm bồ đề nhờ phương pháp đổi địa vị mình với người khác; hệ phái này là từ Ðức Văn Thù truyền xuống Shantideva. Họ học hỏi, quán tưởng, và thiền định về những lời chỉ giáo ấy một cách toàn triệt. Nhờ trao đổi địa vị mình với người, họ đã phát triển tâm bồ đề chân thực trong tâm thức, ở dưới chân bậc thầy.

Một ngày kia, bậc thầy gọi Atìsha - bây giờ đã làm chủ nền giáo lý - tiên đoán ngài đi Tây Tạng sẽ có nhiều môn đệ.

Thưa ngài, ngài không nên ở lại đây

Mà hãy đi về hướng Bắc

Hướng về phương Bắc, đến Xứ Tuyết

C. NHỮNG VIỆC NGÀI ÐÃ LÀM SAU KHI CÓ ÐƯỢC NHỮNG SỞ ÐẮC.

Có hai phần: (1) Ngài làm gì ở Ấn; (2) Ngài làm gì ở Tây Tạng. 

1) TẠI ẤN ÐỘ

Khi Atìsha trở về Ma kiệt đà (Magadha), ngài sống tại Bồ đề tràng, và đã ba lần ngài đánh bại tranh luận những người theo các tà giáo, đưa họ về chánh pháp. Ngài còn làm sáng nền giáo lý bằng những cách khác nữa. Vua Mahàbala (Ðại lực) đề cử ngài đến cai quản thư viện của tu viện Vikramashìla. Mặc dù Atìsha chính yếu là theo truyền thống đại chúng bộ (Mahasamghika), ngài còn tinh thông những truyền thống của tất cả bộ phái khác; và chỉ vì ngài không có đầu óc bè phái nên đã trở thành viên bảo châu tột đỉnh của tất cả hội chúng ở Ma kiệt đà cũng như khắp xứ Ấn. Ngài được toàn thể công nhận là bậc thầy của toàn bộ giáo lý của ba tạng kinh và bốn loại mật giáo. Còn về sự giảng dạy thì người ta có cảm nghĩ gần như là chính Ðức Phật đã tái thế.

2) TẠI TÂY TẠNG

Những giáo lý phổ cập đầu tiên đến Tây Tạng vào lúc bấy giờ đã mai một. Sự truyền bá giáo lý hậu kỳ đã được thịnh hành. Nhưng một số người tập trung vào tạng luật và bỏ qua mật giáo; một số khác thì ngược lại. Kinh giáo và mật giáo trở thành đối chọi nhau như nước với lửa. Nhiều bậc học giả nổi danh từ Ấn đến Tây Tạng, bị viễn ảnh vàng ở đấy dụ dỗ. Họ lừa bịp người bản xứ với nhiều mật điển xấu ác và đầy dục tính. Tình trạng đã hóa thành hết sức khó khăn để gieo rắc nền giáo lý thuần tịnh của đấng Chiến thắng. Quốc vương Tây Tạng bấy giờ là Lhalama Yeshe Oe rất đau lòng trước tình trạng ấy. Vì muốn hoàng truyền nền giáo lý thuần tịnh, ông đã gửi hai mươi mốt sinh viên thông minh của Tây Tạng sang Ấn hầu mong khi họ trở về sẽ thành những bậc hiền trí có thể ích lợi hơn cho dân Tây Tạng. Tất cả họ đều chết chỉ còn lại hai vị Rinchen Zangpo và Legdaen Sherab; cả hai đều trở nên tinh thông giáo lý nhưng vẫn chưa có thể rước Atìsha theo họ về Tây Tạng. Khi về nước, họ yết kiến vua để bàn cách làm thế nào để hòa hợp kinh giáo và mật giáo với cách hành trì và tin tưởng của mọi học giả Ấn. Họ nói: “Những học giả kia không ích lợi gì cho Tây Tạng. Ở Vikramashìla, có một vị tăng dòng dõi vua chúa đã đạt giải thoát. Ngài có danh hiệu là Dipankara Shrijnàna. Nếu bệ hạ mời được vị ấy thì chắc chắn sẽ lợi lạc cho Tây Tạng. “Họ cũng nói rằng tất cả những học giả khác đều đồng ý về điểm này.”

Lời nói của họ làm cho vua an tâm, nhưng quan trọng hơn nữa là, vua đã phát sinh một lòng tin mãnh liệt không lay chuyển ngay khi vừa nghe đến danh hiệu của ngài. Vua phái Gyatsoen Senge cùng với tám vị khác đi rước Atìsha về. Họ đem nhiều vàng, nhưng họ đã thất bại. Chính vị vua cầu Pháp cũng đi tìm thêm vàng để có thể rước bậc hiền trí ấy về xứ mình.

Trưởng bộ lạc Garlog biết vị vua đang tìm cách để truyền bá Phật pháp nên bắt cóc nhà vua cầm tù và hăm dọa sẽ giết nếu không bỏ ý định, Jangchub Oe cháu gọi vua bằng chú, đến tìm cách giải thoát cho ngài, nhưng viên tù trưởng nói: “Một là người bỏ ý định rước học giả ấy về nước, và ngươi phải làm nô lệ cho ta, hai là đem một số vàng bằng sức nặng của vua, thì ta mới thả vua về.” Jangchub Oe hứa giao vàng. Ông đưa ra hai trăm lượng vàng mang theo, nhưng người tù trưởng nhất định không chịu. Cuối cùng ông đem tất cả số vàng nặng bằng sức nặng của con người vua trrừ cái đầu. Tù trưởng cũng không bằng lòng, bảo: “Tôi cần cả đầu, tất cả.”

Jangchub không có cách nào kiếm thêm vàng, nên đến cửa ngục khóc và thưa với nhà vua: “Chú ơi, chú đã sống rất nhân từ, nhưng chú phải là nạn nhân của nghiệp của quá khứ. Nếu cháu cử binh để đánh bại tên tù trưởng này thì sẽ có rất nhiều người chết và cháu sợ chúng sẽ đọa vào cõi thấp xấu. Tên tù trưởng này bảo cháu không được đi mời vị học giả này về, và phải làm nô lệ cho y. Nhưng nếu chúng ta từ bỏ Pháp Phật thì tức đã đầu hàng tên tù trưởng tội lỗi này. Cháu nghĩ là tốt hơn chú hãy kiên trì với chánh pháp. Y bảo cháu phải đem một trọng lượng vàng bằng cả người chú, nhưng cháu chỉ kiếm được số vàng nặng bằng thân thể chú ngoại trừ cái đầu. Y không chịu, nên bây giờ cháu lại ra đi tìm thêm vàng cho đủ số để chuộc chú về. Trong thời gian đó, xin chú hãy nghĩ đến nghiệp quá khứ của chú, cầu xin Ba ngôi báu, và nhất là chú nên dũng cảm mà tạo phước nghiệp.”

Ðức vua cười lớn mà bảo: “Ta cứ tưởng là cháu đã sống một đời dễ chịu sung túc nên không chịu nỗi gian nan, không có chút can đảm nào. Bây giờ ta mới thấy cháu có thể chấn hưng truyền thống của tổ tiên sau khi ta chết. Cháu đã hành động rất tốt, ta rất hài lòng. Ta nghĩ thật sai lầm nếu ta chết mà chưa thiết lập được một nền chánh pháp không lỗi lầm cho xứ Tây Tạng. Ta đã già, và nếu chưa chết bây giờ thì ta cũng chỉ sống thêm mười năm nữa là cùng. Nếu ta bỏ ra quá nhiều vàng như thế chỉ để sống thêm chừng ấy tuổi, thì thật làm cho Ba ngôi báu cũng thất điên bát đảo. Trong những đời quá khứ của ta trong vòng vô thỉ sinh tử, ta chưa có một lần nào được chết cho chánh pháp. Vậy thì, cháu đừng đưa cho tên tù trưởng một vụn vàng nào cả, thật tốt biết bao nếu ta được chết cho chánh pháp. Mà chúng ta có thể đào đâu ra được số vàng để chuộc cái đầu ta? Hãy đem hết vàng đi Ấn Ðộ, và làm mọi cách cháu có thể làm để thỉnh bậc hiền trí Atìsha về.

Nếu ngài cho con tiếp kiến, thì hãy trao lại thông điệp này của ta: “Con hy sinh mạng sống vì giáo lý của Phật và của chính ngài. Xin hãy che chở cho con trong những đời còn lại, bằng lòng bi mẫn của ngài. Ý định duy nhất của con là rước ngài về Tây Tạng; và con làm thế chỉ vì mong cho giáo lý Phật được lan truyền khắp xứ. Bởi vậy xin ngài hãy chấp nhận lời yêu cầu của con. Xin hãy gia hộ cho con để chắc chắn chúng ta sẽ gặp gỡ trong những đời vị lai.” Này cháu, cháu hãy quên chú đi, và nghĩ đến những lời dạy của đức Phật.”

Nhà vua đã yếu, giọng ngài rất đổi thương tâm, nhưng Jangchub có thể tin chắc ngài chỉ nghĩ đến thần dân Tây Tạng, đến giáo lý Phật, và đến Atìsha. Ông bất đắc dĩ phải từ giả người chú thân yêu. Lòng ông thêm can đảm, và ông đã hành động đúng theo ước nguyện của người chú.

Ở Tây Tạng có nhiều người tin theo rất nhiều tín ngưỡng sống sượng mà họ cho là mật tông. Một vài phái như vậy là Ðạo sư Váy Ðỏ, Hiền trí Váy Xanh vô sỉ, và Mười Tám Khất Sĩ của Artso. Muốn dẹp những người này một cách êm thắm (“dứt đẹp”), vua Jangchub Oe cầu xin Tam Bảo chỉ dẫn cho biết trong đình thần ai là người sẽ thỉnh Atìsha về được. Tất cả những lần xin xăm bói tinh tú đều ám chỉ vị dịch giả tên Nagtso. Vị này khi ấy đang ở Ngôi Chùa Vàng tại Gungtang. Vua triệu vời ông tới Ngari, nhưng sợ ông không chịu sang Ấn, vua bèn mời ông lên trên ngai và tặng ông nhiều quà và bảo: “Ông phải năn nỉ Atìsha, hãy thay ta mà nói với ngài như sau, “Ngài đã được nhiều người ca tụng sự uyên bác, đạo đức, và lòng từ bi của ngài. Tổ tiên tôi, những vị vua trong quá khứ và đình thần, đã thiết lập nền giáo lý của Phật tại vương quốc này. Giáo lý ấy đã trở thành tục lệ, được phát triển, lan rộng. Nhưng hiện tại nền giáo lý của Phật đang lâm vào tình trạng đáng buồn. Một giống nòi quỷ sứ đã đã thắng lướt. Những bậc học giả quá cố chắc sẽ phải rầu rĩ về chuyện này. Cả tôi lẫn chú tôi đã gửi rất nhiều vàng sang xứ Ấn, hao tốn rất nhiều người và của mà vẫn không đưa được ngài về. Vua chúng tôi đã không chịu nổi việc này và đã đích thân đi tìm vàng. Một tộc trưởng ác độc đã cầm tù vua. Nhà vua đã bỏ mạng. Nếu thấy chúng tôi đã tỏ nhiều can đảm như vậy mà ngài vẫn làm cho chúng tôi thất vọng, chúng tôi những chúng sinh ngu muội ở vùng đất Tây Tạng xa xôi này, thì làm sao ngài còn được xem là từ bi và là nơi nương tựa của mọi hữu tình?”

“Ta còn đây một ngàn bốn trăm lượng vàng. Hãy đem theo mà dâng cho bậc đạo sư và nói: Xứ Tây Tạng chúng tôi giống như đô thị của quỷ đói. Tìm vàng ở xứ tôi chẳng khác nào tìm rận trên con cừu, thật rất khó khăn. Số vàng này là tài sản của toàn thể dân Tây Tạng. Nhưng nếu ngài không chịu đến Tây Tạng, hỡi bậc đạo sư, thì điều đó chứng tỏ người ít từ bi làm sao. Khi ấy chúng tôi không bao giờ biết làm gì để tự cải thiện mình nữa.” Này Ngatso, ông đang nắm giữ tạng Luật. Hãy đích thân kể cho Atìsha câu chuyện của chúng ta. Nếu ngài từ chối, thì hãy trình bày hoàn cảnh thế nào cho ngài hoàn toàn thông cảm.

Vua khóc nhiều tới nỗi nước mắt vua rơi xuống mặt bàn, xuống bắp vế. Nhà phiên dịch Ngatso, mà tên thực là Tsultrim Gyaelwa, từ trước chưa từng đi đây đi đó, và hoàn toàn không thích phiêu lưu đến vùng đất xa xôi. Nhưng ông ta không nỡ nào nói lên tất cả những điều ấy. Chúng ta có câu ngạn ngữ: “Người nào thấy người khác khóc sẽ khởi sự khóc theo.” Ông chưa từng gặp Yeshe Oe, nhưng biết những gì vua nói là hoàn toàn đúng sự thật. Ông biết vị vua chú đã tiêu phí nhiều vàng, và cả hai chú cháu đã từ bỏ hạnh phúc riêng tư chỉ vì mong muốn hạnh phúc cho thần dân. Vua đã làm cho Ngatso rất xúc động. Ông không thốt được lời nào, toàn thân run lên và mặt ông tràn đầy nước mắt tới nỗi ông không thể nhìn lên vua. Vua yêu cầu ông hãy liều mạng sống và tay chân, nhưng ông không có gì ràng buộc với hạnh phúc cõi đời này, và nói ông sẽ tuân lệnh ra đi.

Ông nhận một ngàn bốn trăm lượng vàng từ tay nhà vua và bảy vị bộ trưởng, rồi khởi hành đi Ấn Ðộ. Nhà vua tiễn ông một quãng đường dài và bảo: “Này tỷ kheo, ông đang làm việc nhân danh tôi. Ông đang liều cả mạng sống và chân tay, với một sự kiên nhẫn lớn lao ông đang đi đến chốn gây nhiều khó khăn gian khổ cho ông. Khi ông trở về, tôi sẽ đền ơn ông.” Nhà vua đi trở lui một đỗi đường mà bảo: “Hãy cầu nguyện đức Ðại Bi Quán Thế Âm trong khi ông du hành.”

Khi nhà phiên dịch Nagtso và đoàn tùy tùng đến kinh đô Nepal, họ gặp một người đàn ông cao ráo nói với họ rằng: “Tôi thấy các ngài đi xa vì một sứ mệnh trọng đại. Các ngài sẽ thành công nếu giữa đường cứ niệm: Nam mô Tam Bảo! Cầu xin Chánh pháp vi diệu, suối nguồn của chư Phật trong ba đời, sẽ lan truyền trên Xứ Tuyết. Hành trình các ngài sẽ an ổn nếu các ngài vừa đi vừa niệm như thế.” Ðoàn người lữ hành hỏi ông ta là ai, ông nói: “Rồi đây các ngài sẽ biết.”

Còn nhiều hóa thân khác nhau của Dromtoenpa (sẽ là cao đồ của Atìsha về sau). Những hóa thân này đã dẹp nhiều nguy hiểm đe dọa Nagtso và đoàn tùy tùng trên đường đi.

Cuối cùng họ tới cổng Vikramashila. Trên cổng có một điếm canh, và Ngatso hiểu được Tạng ngữ nên gọi xuống qua một khe hở trên điếm canh. Tiếng nói từ bên kia vọng xuống: “Thưa các ông Tây Tạng, các ông từ đâu đến.” Họ trả lời: “Chúng tôi từ vùng thượng Ngari.”

“Có một người gác cổng. Các ngài cứ giao cho người ấy giữ đồ đạc. Hãy ngũ ngon tại một chỗ trú đêm nào đó. Ngày mai cổng sẽ mở ngay khi trời vừa sáng.”

Họ đưa số vàng cho con trai người gác cổng cất vào buồng trong, nó nói: “Hãy tin tôi như bản thân. Ðừng lo lắng. Chúc ngủ ngon.”

Họ nghĩ rằng một bé trai mà biết nói những lời như thế thực không phải người tầm thường, và điều đó làm cho họ an tâm.

Sáng hôm sau, vừa khi cổng mở, một đứa bé xuất hiện. Nó đội một chiếc mão nhọn và phục sức như một dân du mục Tây Tạng - áo đủ hai lớp len, mang một cái bát bằng gỗ. Em bé hỏi: “Các vị người Tây Tạng này từ đâu đến? Coi các vị đi đường cũng không đến nỗi nào.”

Ðoàn lữ hành của Nagtso cảm thấy thật ấm lòng khi gặp được một người nói thổ ngữ của dân du mục. Họ trả lời: “Chúng tôi đến từ miền thượng Ngari. Chúng tôi đã có một chuyến hành trình êm xuôi. Cái gì đã đưa bạn đến đây? Bây giờ bạn đi đâu?”

Ðứa bé trả lời:

“Cháu cũng người Tây Tạng. Cháu đang đi về Tây Tạng. Những người Tây Tạng chúng ta có thói vào tai ra miệng. Chúng ta quá ngây ngô, không thể giữ một bí mật nào cả. Cho nên chuyện gì quan trọng phải làm thật kín đáo. Gyatsoen Senge đang ở trong khu vực người Tây Tạng. Cứ hỏi lần đường, rồi các ngài sẽ gặp.” Nói xong cậu bé bỏ đi.

Ðoàn người đi vào một con đường dài, theo con đường ấy và gặp môt ông già trông rất thánh thiện tay cầm chiếc gậy trúc. Ông hỏi: “Các ông từ đâu đến? Có chuyện gì quan trọng khiến các ông đến nơi này?”

Họ trả lời: “Chúng tôi từ miền thượng Mgari đến đây. Chúng tôi đến để thỉnh ngài Atìsha uyên bác về. Nhà của Gyatsoen Senge ở đâu, thưa cụ?”

Ông già thánh thiện chống gậy đứng và lăn tròn đôi mắt. “Thằng bé gặp các ông sáng nay nói không sai. Người Tây Tạng không giữ mồm miệng gì cả. Cứ nói toạc mọi sự ra cho mọi người ngoài đường biết hết. Các bạn còn mong làm được việc gì với kiểu thẳng như ruột ngựa ấy! Cũng may mà bạn nói với tôi. Nhưng bây giờ, đừng nói cho ai biết ngoài trừ Atìsha. Tôi sẽ chỉ đường đi đến Gyatsoen Senge.”

Ông già đi chậm rãi, thế mà Nagtso không tài nào theo kịp. Nagtso trông thấy ông đứng đợi trên ngưỡng cửa lối vao khu vực người Tây Tạng.

Ông giàbảo: “Những việc trọng đại cần phải làm từ từ. Gấp rút một cách từ từ. Ðiều bạn muốn đang ở một khoảng cách rất xa, bạn phải trèo ngọn núi theo từng bước một. Ðây nhà ông ta đây.”

Nagtso đi vào và dâng vàng cho Gyatsoen Senge, vị dịch giả. Gyatsoen trông thấy ông liền hỏi: “Ông từ đâu tới?”

Nagtso kể tỉ mĩ câu chuyện mình.

Gyatsoen nói: “thì ra bạn đã có lần là đệ tử tôi. Thế mà tôi không nhận ra. Ðừng cho ai biết bạn tới đây để thỉnh Atìsha, mà hãy nói các bạn đến để học. Ở đây co một trưởng lão tên Ratnàkarashànti là người có rất nhiều uy lực, và là thầy của Atìsha. Chớ để ông ta nghi ngờ việc các bạn dự định làm. Bây giờ chúng ta sẽ dâng cúng ông một lượng vàng. Hãy nói với ông: “Chúng tôi đã không mời được học giả nào cả.” Rồi đừng hấp tấp vội vàng gì hết; đừng lo lắng gì hết. Khi thời cơ thuận tiện đến, ta sẽ khéo léo mời Atìsha đến đây.”

Nagtso và Gyatsoen Senge cùng đi thăm trưởng lão Ratnà và hiến tặng lượng vàng. Nagtso nói chuyện một lát với ông ta, như những gì đã định nói.

Vị trưởng lão nói: “Thật kỳ diệu, những bậc hiền trí khác không thể nào hàng phục hữu tình được. Ðiều ấy không phải nói quá đáng. Giáo lý Phật đã xuất phát từ xứ Ấn thật đấy, nhưng nếu không có Atìsha thì chúng hữu tình ở đây cũng mòn mõi công đức.” Ông ta còn nói nhiều điều khác.

Trong một thời gian, họ rất khó mà gặp được Atìsha. Nhưng những hóa thân của Quán Tự Tại đã cung cấp nhiều cơ hội tốt lành cho Atìsha du hành đến Tây Tạng. Vào một ngày, khi không còn vị vua chúa hay học giả nào của Ấn ở quanh quẩn để có thể nghi ngờ chuyện xảy đến, Gyatsoen Senge gọi Nagtso đến và đưa ông vào phòng Atìsha. Họ dâng cúng cho ngài một đồ hình (mandala) về thế giới cao một trượng, vây quanh bằng vàng ròng.

Dịch giả Gyatsen Senge thay mặt nói về quốc vương xứ Tây Tạng là một vị Bồ tát, và Pháp đã được lan truyền dưới ba triều đại của ba vị pháp vương Songtsean Gampo, Trisong Detsaen, và Raela Saen. Ông kể nào là vua Langdharma đã tàn hại nền giáo lý như thế nào, thế nào vị lama vĩ đại là Gompa Rabseal đã cố bảo tồn Tăng già, làm cho số lượng tăng chúng nhiều thêm. Ông nói về sự hi sinh của vị vua thúc phụ đã làm để rước cho được Atìsha đến Tây Tạng. Ông nói lại thông điệp của Jangchub Oe, và mô tả loại Pháp quái gở đang thắng thế tại Tây Tạng.

Gyatsoen nói:

“Bạch đại sĩ, vị Bồ tát vua của xứ Tây Tạng đã phái người này đến gặp ngài. Xin ngài chớ từ chối, bảo để đến sang năm tới sẽ đi. Hãy thương xót xứ Tây Tạng chúng tôi.

Atìsha nói:

“Vua xứ Tây Tạng là một vị bồ tát. Ba vị pháp vương là những hóa thân của Bồ tát. Gompa Rabsel cũng là Bồ tát hóa thân, nếu không thế thì ông đã không thể khơi dậy những tàn lửa của nền giáo lý. Những vị vua Tây Tạng đều là Bồ tát. Thật không phải lẽ nếu tôi bất tuân mệnh lệnh của một vị Bồ tát. Tôi cảm thấy hổ thẹn trước vị vua này. Ngài đã tốn nhiều vàng bạc. Những người Tây Tạng các ngài đang lâm vào tình trạng thực đáng thương. Nhưng tôi đang giữ chìa khóa của nhiều ngôi điện thờ trong tu viện này, tôi lại già cả. Tôi có nhiều phận sự phải chu toàn. Ði Tây Tạng thì tôi không còn hi vọng gì về nước lại. Tuy thế tôi sẽ xem xét lại vấn đề này. Bây giờ, các vị cứ giữ lấy số vàng cái đã.” Rồi ngài cho họ lui ra.

Atìsha xét xem nếu vì lòng thương tưởng những môn đồ Tây Tạng tương lai mà ngài đi đến đấy, thì việc ấy có lợi ích gì cho nền giáo lý của Phật hay không. Ngài cũng xét xem việc này có làm ngài giảm bớt thọ mạng không. Các vị thần linh như Quán Tự Tại, Tara vân vân, đều cho ngài biết nếu ngài ra đi thì điều ấy rất lợi ích cho tất cả hữu tình và cho nền giáo lý. Nhưng ngài cũng sẽ giảm thọ nếu ngài ra đi. Atìsha hỏi giảm thọ bao nhiêu. Thần cho biết, nếu không đi ngài sẽ sống tới chín mươi mốt tuổi, mà đi ngài chỉ sống tới bảy mươi ba, vậy có nghĩa ngài giảm thọ đến gần hai mươi năm. Khi ấy Atìsha nghĩ đến tất cả những lợi lạc của việc đi Tây Tạng, nếu vì thế mà giảm thọ thì cũng không sao. Ý Thức về mục đích nơi ngài thật mãnh liệt tới nỗi ngài không kể gì tới thọ mạng.

Tuy nhiên, Atìsha lại không muốn đi ngay, vì Tăng chúng ở Ấn và cư sĩ ngoại hộ sẽ bảo rằng nguồn cội giáo lý Phật tại Ấn sẽ đi đến suy tàn. Muốn tránh những lời như vậy, Atìsha đã dùng phương tiện thiện xảo là, thay vì nói với mọi người rằng ngài sắp đi Tây Tạng, ngài lại nói ngài sẽ làm một cuộc du hành rộng rãi chiêm bái Phật tích tại Bồ đề tràng và những nơi thánh địa, đi chỗ này chỗ kia. Dromtoenpa vốn dĩ là một ông vua Pháp chính hiệu, khôn khéo hóa mình làm những thương gia. Không để ai ngờ vực gì cả, họ đã đem theo về Tây Tạng nhiều thánh tượng của đức Manjuvaja (một hóa thân của Guhyasamàja) vân vân, biểu tượng cho những thân Phật, và nhiều kinh điển, biểu tượng cho Lời của đấng giác ngộ. Atìsha đến vị Trưởng lão thầy ngài để hỏi ngài có được phép đi Nepal và Tây Tạng chăng, vì ở những nơi ấy có nhiều bảo tháp và thánh địa đặc biệt ngài muốn viếng thăm cho biết. Vị trưởng lão quan sát thấy Atìsha dường như rất muốn ra đi, và những người Tây Tạng coi bộ cũng nhất quyết rước Atìsha về bằng được, bởi thế ngài cho phép Atìsha ra đi một thời gian. Nagtso vị dịch giả phải hứa đưa Atìsha trở về Ấn trong vòng ba năm tới.

Thế là Atìsha và đồ đệ rời xứ Ấn để đi đến vương quốc Nepal. Quốc vương Tây Tạng đi đón với ba trăm kỵ sĩ và lễ chào mừng trọng hậu. Người ta kể lại rằng dân chúng địa phương vừa trông thấy ngài đã phát sinh tín tâm thanh tịnh đối với Tam bảo, dòng tâm thức của họ được nhiếp phục.

(Pabongka Dorje Chang còn nói chi tiết cuộc gặp gỡ của Atìsha và nhà dịch thuật vĩ đại là Richen Zangpo)

Khi ấy vua Jangchub Oe trình bày với Atìsha như sau. Trong quá khứ ba vị vua Pháp đã chịu đựng bao nhiêu gian khó để thiết lập nền Giáo lý Phật tại phương Bắc xứ Tuyết. Nhưng Langdharma đã phá hoại Phật pháp. Tổ tiên của Jangchub Oe những vị vua pháp ở Ngari, đã tái lập chánh pháp ở Tây Tạng không kể đến mạng sống của họ. Nhưng hiện tại, có nhiều người chỉ chuyên thực hành mật giáo mà bỏ luật. Những người khác thì lại thề chỉ theo luật mà bài xích mật tạng. Kinh giáo và mật giáo được xem là đối nghịch nhau như nước với lửa. Mọi người mạnh ai nấy tu theo kiểu mình ưa thích, và nhất là hai đạo sư Váy đỏ và Váy xanh giảng dạy một thứ lý thuyết chơi bời phóng đãng cho những hành giả tóc dài theo những mật điển xưa cũ. Nền giáo lý đã suy đồi tới nỗi chỉ còn giống như những tiếng bập bẹ vô ý nghĩa. Vua tiếp tục kể lể chi tiết dông dài cho Atìsha nghe, mắt vua đầm đìa những giọt lệ. Ngài nói:

“Hỡi ngài Atìsha từ bi, bây giờ ngài đừng giảng dạy những giáo lý sâu sắc cao siêu của chánh pháp cho những đồ đệ thiếu văn hóa của ngài tại Tây Tạng. Tôi chỉ xin ngài giảng dạy về luật nhân quả. Lại nữa, xin ngài từ bi giảng dạy một pháp gì không lỗi lầm, dễ thực hành, một pháp mà chính ngài đã tu tập, bao gồm toàn thể chánh đạo, một pháp gì sẽ lợi lạc cho tất cả mọi người Tây Tạng và được nói trong mọi Kinh điển của Ðấng Chiến Thắng - trong kinh giáo, mật giáo và trong các luận giải.

Lại nữa, thưa ngài, người ta có cần phải thọ giới Biệt giải thoát mới có thể đủ tư cách để thọ giới liên hệ đến bồ đề tâm hay không? Người ta có thể đạt giác ngộ mà không cần phối hợp phương pháp (tức là giới luật-DC chú) và tuệ giác không? Có được phép tham dự một buổi giảng về mật tông mà chưa được làm lễ quán đảnh (khai đạo) hay không? Có được phép trao truyền một lễ khai đạo về tuệ giác thực thụ (nghĩa là, một lễ khai đạo trong đó bậc thầy chỉ định cho đệ tử phải lấy một người nào làm vợ) cho những người đã phát nguyện giữ tịnh giới không? Có được phép làm những pháp thực hành của con đường mật giáo khi chưa từng thọ pháp quán đảnh Kim cang thượng sư không?

Ðấy chỉ là một số ít trong những câu hỏi vua đặt ra. Atìsha rất hoan hỉ khi nghe những lời ấy, và đã soạn tác phẩm Ngọn Ðèn Soi Ðường Ðến Giác Ngộ. Chỉ trong ba tập ngắn gọn, ngài đã làm sáng tỏ tất cả những tư tưởng trong kinh giáo và mật giáo. Tác phẩm khởi đầu như sau:

Kính lễ tất cả các đấng Chiến thắng trong ba đời

Kính lễ Pháp và Tăng

Theo yêu cầu của Janchub Oe,

Vị đệ tử thánh thiện của con

Con sẽ thắp lên Ngọn Ðèn

Soi Ðường đến Giác ngộ.

Atìsha không khen đệ tử Janchub Oe là thánh thiện chỉ vì đã cúng dường ngài hậu hỉ, mà đúng hơn vì những lời lẽ ông hỏi về pháp. Bổn sư tôi dạy rằng, chắc chắn Atìsha sẽ không hài lòng chút nào nếu ngài được yêu cầu như sau: ‘Cho tôi một pháp gia trì cao cấp hoặc một phép quán đảnh thứ yếu.’

Tác phẩm NGỌN ÐÈN SOI ÐƯỜNG bao gồm giải đáp cho những câu hỏi trên. Ngay sau khi nó xuất hiện, những giáo lý quái đản sống sượng tan biến vào nơi từ đó chúng đã đến.

Atìsha hoằng pháp ở vùng Ngari. Khi ba năm sắp hết, do lời hứa với vị trưởng lão, Dịch giả Nagtso nói, “Bây giờ ta phải trở về Ấn Ðộ”

Atìsha giả vờ đồng ý, và họ đến Puhreng. Nhưng trước kia Tara đã nhiều lần nói với Atìsha rằng, “Sẽ có lợi ích cho nền giáo lý nhiều nhất nếu ông nhận một đệ tử cư sĩ vĩ đại ở Tây Tạng.” Bây giờ nữ thần Tara nhắc lại nhiều lần, “cư sĩ ấy sẽ đến” bởi thế Atìsha trông đợi. Ngài nói, “Cư sĩ nào đâu, thật bà ấy đã nói dối ta.”

Một hôm Dromtoenpa xuất hiện trong khi Atìsha đang viếng nhà một thí chủ. Drom đi đến phòng Atìsha và được cho biết ngài đang đến nhà người ngoại hộ và đang trên đường về. Ông nói: “Tôi không thể dính lại đây mà đợi thêm giây lát nào nữa trong khi chưa gặp được bậc hướng đạo sư tâm linh của tôi trong đạo Ðại thừa. Tôi sẽ đi đến nơi ông.” Drom bỏ ra đi, và gặp Atìsha trên một con đường nhỏ. Drom Rinpoche lạy dài rồi gần Atìsha. Ngài đặt tay lên đầu ông và nói những điều chúc lành bằng Phạn ngữ.

Trong khi Atìsha đang ở nhà người ngoại hộ, ngài bảo: “Tôi cần thêm một phần ăn cho người đệ tử may mắn của tôi.” Và bởi thế ngài đang mang theo thức ăn. Atìsha là một người ăn chay nghiêm ngặt, và bữa ăn ngài khất thực được hôm ấy là những bánh tròn làm bằng bột lúa mạch chiên bơ. Drom ăn bánh lúa mạch, để dành lại chất bơ trong và đổ vào một bình đèn đủ để thắp suốt đêm. Ông đặt đèn ấy bên cạnh chiếc gối của Atìsha, và tương truyền suốt chuỗi ngày còn lại trong đời Atìsha ông đều cúng đèn như vậy. Ðêm ấy Atìsha đã làm phép quán đảnh chính yếu cho Drom và nhận ông làm pháp tử.

Họ khởi hành từ Puhreng và đi đến Kyirong ở vùng Mangyul, dự tính sẽ đi qua Nepal trên đường về Ấn. Nhưng đường bị phong tỏa vì có cuộc chiến bùng nổ; họ không thể đi thêm nửa. Khi ấy Drom giục Atìsha quay về Tây Tạng, trong khi Nagtso năn nỉ ngài phải về Ấn. Vị dịch giả này cảm thấy buồn rầu vì không thể về lại Ấn Ðộ.

Atìsha bảo ông: “Ông không cần phải lo lắng quá như vậy. Không phải lỗi tại ông, vì ông không thể nào giữ được lời hứa của mình.”

Lời ngài nói làm cho Nagtso rất sung sướng; ông bảo: “Vậy thì tốt, chúng ta hãy quay về Tây Tạng.”

Thế là Atìsha quyết định về Tây Tạng. Ngài không thể tiếp tục hành trình đi Ấn Ðộ, vì đường sá đã bị phong tỏa vào lúc ấy, do hậu quả cọng nghiệp của Tây Tạng.

Họ gửi một bức thư sang Ấn nói, “Atìsha không thể đi Nepal theo lệnh của Trưởng lão, vì giữa đường gặp đánh nhau. Việc này làm cho chúng tôi phải trở lại Tây Tạng một thời gian nữa. Ngài có thể đợi đến khi chiến cuộc kết thúc rồi sẽ mời Atìsha về chăng? Bởi vì việc này sẽ rất lợi lạc cho tất cả hữu tình, ngài có bằng lòng cho phép Atìsha ở lại Tây Tạng chăng? Trong lúc Atìsha ở Tây Tạng, ông ấy sẽ viết nhiều bộ luận giống như bộ luận gửi kèm theo đây.” Họ gửi bản chép của Atìsha tác phẩm Ngọn Ðèn Soi đường, cùng với nhiều vàng.

Vào thời ấy, Ấn Ðộ không phải như xứ Tây Tạng chúng ta ngày nay đâu. Những tác phẩm đều phải đệ trình cho một hội đồng học giả, từng tờ một được chuyền cho những vị trong hội đồng này phán đoán giá trị. Tác phẩm nào không lỗi về văn phạm và nội dung thì được gửi lên cho vua xem, và tác giả được thưởng. Chỉ có những tác phẩm này mới được phép xuất bản. Còn những luận án nào có nội dung lầm lạc - mặc dù có thể viết bằng thơ văn bay bướm - thì bị cột vào cái đuôi chó. Con chó được dẫn đi qua các đường phố, khiến cho tác giả và tác phẩm đều bị chọc quê. Nhà vua được yêu cầu đừng cho ấn hành tác phẩm đó. Những trước tác của Atìsha thực không cần phải trải qua một thử thách như vậy; song cũng được đưa đến cho hội đồng học giả. Họ rất đỗi hài lòng, vì tác phẩm ngắn gọn của Atìsha đề cập được một cách súc tích toàn bộ đề tài của tất cả kinh giáo và mật giáo, và căn cứ vào tác phẩm này, người ta có thể tự mình đọc hiểu tất cả kinh điển.

Những học giả đồng thanh khoái chí tuyên bố: “Không những việc Atìsha đi Tây Tạng có lợi cho Tây Tạng, mà còn rất có lợi cho Ấn Ðộ chúng ta nữa. Nếu ông ấy ở Ấn, ông sẽ không bao giờ viết được một tác phẩm như thế. Vì người Ấn chúng ta minh triết hơn, kiên nhẫn hơn. Ông ấy biết dân Tây Tạng ít minh triết, và thiếu kiên trì, nên đã viết bộ luận ngắn gọn rất ích lợi này.” Họ không tiếc lời ca ngợi việc Atìsha đi Tây Tạng.

Trưởng lão Ratnàkarashànti viết thư cho đoàn tùy tùng của Atìsha như sau: “Những học giả hiền trí ca ngợi Atìsha như thế đấy, nên tôi phải cho phép ông ta ở lại Tây Tạng, vì điều ấy sẽ lợi lạc cho hữu tình. Tôi chỉ yêu cầu ông ấy viết thêm luận giải về tác phẩm kia, để bù lại sự kiện ông ấy đã không trở về Ấn.” (Tuy nhiên, tác phẩm trình bày trong sách này, bản dịch các lời luận giải tác phẩm Ngọn Ðèn Soi Ðường được cho là chính ngài Atìsha giải, thì tương truyền không phải vậy.)

Nagtso vô cùng sung sướng khi được bức thư ấy, ông bảo: “Tôi đã gánh một trách nhiệm nặng như núi do Trưởng lão phó thác. Bây giờ tôi đã được nhẹ gánh.”

Không lâu trước khi Atìsha đi đến tỉnh Trung ương Tây Tạng, Drom Rinpoche viết thư cho những nhân vật quan trọng ở đấy rằng, “Tôi đã khổ công hết sức để rước Atìsha đến tỉnh Trung ương, vậy khi nào quý vị nhận được thư lần tới, thì hãy khởi hành ra đón tiếp ngài tức khắc.” Trong bức thư sau ngài viết: “Yêu cầu những bậc thầy trong tỉnh Trung ương, như là Kawa Khàkya Wangchung, vân vân, hãy khởi hành ngay để đón ngài.” Drom đã trưng ra tên của Kawa như là bậc thầy quan trọng nhất của Tây Tạng.

Khi khởi hành cuộc đón rước, một người tên Kutoenpa la lớn: “Thế thì tên tôi ở đâu?” Người ta bảo ông: “Ông ở trong số vân vân ấy.” - “Tôi không phải là người để xếp vào hạng vân vân!” Ông nói thế và cố chen lấn đi dẫn đầu đoàn rước. Thế là cả bọn chen giành đi hàng đầu.

Những thầy Tây Tạng hồi đó thường đội mũ rộng vành, mặc áo choàng thêu, vân vân, xem như dấu hiệu chứng tỏ ta đây là những tu sĩ cao cấp. Vừa khi Atìsha trông thấy họ từ xa tiến lại, ngài nói: “Thôi rồi một lũ ác ma Tây Tạng đã xuất đầu lộ diện rồi đây!” rồi ngài lấy khăn trùm đầu lại. Khi ấy những lạt ma cao cấp bèn xuống ngựa, mặc vào ba y đến gần. Atìsha lấy làm hoan hỉ đón nhận họ.

Cuối cùng ngài đến tỉnh Trung ương, và làm nhiều việc ở đây để chuyển Bánh xe Chánh pháp. Ngài chứng tỏ là một năng lực lớn đằng sau những lời giảng dạy. Atìsha ở ba năm ở Tsang và các tỉnh trung tâm, tổng cộng mười bảy năm ngài ở Tây Tạng. Những tác phẩm Lịch Sử Phái Kadampas nói ngài ở đây chỉ có mười ba năm, nhưng truyền thống chúng ta kể từ Tsonkapa vĩ đại, thì nói mười bảy năm. Vì ngài đã nói:

“Nagtso tận tụy với ngài (Atìsha) suốt thời gian hai năm ở Ấn và mười bảy năm ở Tây Tạng. Như thế ông ta đã hầu hạ ngài tận tâm suốt mười chín năm.”

Lý do chính yếu khiến Janchub Oe cố hết sức để thỉnh Atìsha đến Tây Tạng là để ngài giảng giáo lý, và quan trọng nhất là nền giáo lý của ngài là tác phẩm Ngọn Ðèn Soi Ðường.

Hành trình đến Tây Tạng của ngài đã được nữ thần Tara tiên đoán. Bậc thầy của ngài là Halakrshna nói:

“Nếu ông đi Tây Tạng, thì con sẽ giàu hơn cha. Cháu sẽ giàu hơn con. Chắt sẽ giàu hơn cháu. Chít sẽ giàu hơn chắt. Rồi sau đó, tình trạng sẽ lụn bại dần.”

Ở đây, “Cha” là Atìsha. “Con” là Dromtoenpa, Legdaen Sherab, vân vân. “Chít” là Sangyae Boentoen, Sangyae Gompa, và những người khác cùng thời đại với ông. Câu “sẽ giàu có hơn” có nghĩa là nền giáo lý sẽ được lan truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác. Atìsha đã làm sống lại những truyền thống giáo lý gần như mai một, và hoằng dương những truyền thống hiếm hoi khác. Ngài đã thanh lọc những giáo lý này khỏi những tư tưởng tà vạy hòa lẫn vào và làm cho do bẩn; bởi thế ngài đã làm cho nền giáo lý tôn quý trở thành vô cấu.

Nhưng sau đó, trên những đoạn đường, những từng bực của đạo lộ, nền giáo lý lại bị che mờ vì những mật điển vô dụng và những phép điểm đạo nhỏ nhen, làm cho gần như lụn bại.

Giáo lý về Những Giai Ðoạn Trên Ðường Ðến Giác Ngộ này đã được truyền cho Drom. Drom hỏi, “Tại sao thầy cho những người khác những chỉ giáo về mật tông, còn Lam-rim thì thầy chỉ truyền cho con mà thôi?”

Atìsha đáp, “Ta không tìm được người nào khác ngoài con ra để phó thác giáo lý ấy.”

Ngài đã truyền pháp này riêng cho Drom. Drom truyền lại giữa công chúng, nên từ đấy phát sinh ra ba hệ phái. Truyền thống Kadampa cổ điển truyền từ Potawa đến Sharawa. Phái này đề cập những bước đường tiến đến giác ngộ nhờ trung gian những tác phẩm cổ điển vĩ đại. Truyền thống Kadampa Lam-rim được truyền từ Gampopa đến Neuzurpa. Phái này đề cập Lam-rim ngắn gọn, đưa ra những giai đoạn của con đường giác ngộ theo thứ tự của chúng. Truyền thống Kadampa khẩu truyền giáo truyền từ Geshe Chaen Ngawa đến Zhoenue Oe. Phái này đề cập đến những chỉ giáo của các bậc thầy về những giáo lý như tinh túy của mười hai móc xích duyên sinh.

Những giáo lý nói trên hiện vẫn còn tồn tại nhưng không mang tên cũ. Lối giải thích cổ truyền phát xuất từ Ngagwang Norbu, một người giữ chiếc ngai tu viện trưởng Ganden, nói rằng những người thiên về kiểu học hàn lâm viện nhất thì nên thực hành Lam-rim theo năm đề tài tranh luận chính yếu. Ðây chính là truyền thống Cổ điển. Những người không thực hành cách đó được, nhưng lại có nhận thức sắc bén, có sự kiên trì, thì nên nghiên cứu và quán niệm những Lam-rim lớn và trung bình (của Tsongkapa). Lối thực hành này là truyền thống Kadampa Lam-rim. Những người nào không thể thực hành điều này được thì nên theo một vài chỉ giáo ngắn gọn, như Con Ðường Dễ hay Con Ðường Nhanh. Họ sẽ theo tất cả những phần trong các giai đoạn của Con Ðường. Ðây là truyền thống Kadampa Khẩu giáo. Bậc tôn sư tôi, nơi nương tựa tối thượng của tôi, đã cho tôi các giải thích truyền thống ấy.

Như tôi đã nói với các bạn, Tsongkapa đã phối hợp cả ba truyền thống ấy thành một dòng. Tôi cũng đã nói Tsongkapa viết những Lam-rim Con Ðường Lớn, Con Ðường Trung Bình, Con Ðường Nhỏ. Ðức Văn Thù xuất hiện nhiều lần trước mặt Tsongkapa, hai vị ấy thiết lập một liên hệ thầy trò. Ðức Văn Thù đã truyền cho Stongkapa vô lượng diệu pháp sâu xa về kinh giáo và mật giáo. Ðiều này có thể tìm thấy trong tiểu sử của Tsongkapa. Bởi thế ta có thể cho rằng Tsongkapa hấp thụ pháp Lam-rim từ Ðức Văn Thù, nhưng chính Tsongkapa thì lại tập trung nỗ lực để phăng manh mối của truyền thống này trở lui về Phật Thích Ca Mâu Ni đức Ðạo Sư của chúng ta. Ngài không bao giờ bảo truyền thống này đến từ một linh kiến nào cả, hay đến từ một hệ truyền thừa nào mới mẽ hơn, vân vân. Ðấy là một trong những điều kỳ diệu về lịch sử đời ngài.

Khi Tsongkapa viết Những Giai Ðoạn Lớn Của Ðạo Lộ đến đoạn nói về tuệ quán đặc biệt, Ðức Văn Thù đã nói đùa với ngài: “Không phải tất cả điều này đều thuộc về giáo lý ta nói về Ba Ðiều Nòng Cốt của Ðạo lộ hay sao?”

Tsongkapa thưa với Ðức Văn Thù ngài sẽ viết sách này theo cách như sau: Ngài sẽ lấy Ba Nòng Cốt xem như huyết mạch của con đường, và sử dụng những điều ngài đã bàn trong Ngọn Ðèn Soi Ðường làm khởi điểm. Ngài sẽ lóc hết khỏi nó những chỉ giáo của những phái Kadampa khác. Nhưng Tsongkapa nghĩ rằng cho dù ngài có viết phần nói về tuệ quán đặc biệt trong Lam-rim vĩ đại của ngài, thì điều này cũng không lợi lạc hữu tình bao nhiêu. Ðức Văn Thù lại bảo ngài: “Cứ viết về tuệ quán đặc biệt đi, vì nó sẽ có lợi lạc trung bình cho các hữu tình.”

Có nhiều chi tiết huyền bí bất khả tư nghì trong tiểu sử của ngài như vậy. Ngang đây đáng lẽ tôi phải nói chi tiết về tiểu sử đức Je Tsongkapa, nhưng chúng ta không có nhiều thì giờ để làm việc ấy. Các bạn nên khảo cứu kỹ về những cuốn tiểu sử đã được viết về ngài.

Giáo lý của Tsongkapa bao gồm tất cả những lời giảng dạy của Atìsha. Nó cũng chứa đựng những chỉ giáo sâu sắc vô song đặc biệt, nhờ đó chúng ta có thể đạt đến chỗ hợp nhất với bậc Vô-học ngay trong một đời, ở vào thời đại suy đồi này. Những trước tác về Lam-rim của Tsongkapa chứa đựng nhiều điều cực kỳ thâm thúy mà ta không thể tìm thấy ngay cả trong những Lam-rim của những phái Kadampa trong quá khứ. Ta sẽ thấy rõ điều này sau khi đọc những tấc phẩm ấy một cách chi tiết.

Về Lam-rim, có nhiều hệ phái truyền từ Tsongkapa xuống. Những hệ phái chính nổi tiếng nhất trong số này là tám truyền thống khẩu thuyết liên hệ đến tám giáo lý lớn. Hôm qua chúng ta đã nói điều này. Hai tác phẩm Tính Chất Của Vàng Ròng và Lời Ðức Văn Thù được nói là căn cứ theo kinh mà viết ra. Con Ðường Dễ và Con Ðường Nhanh được nói là liên hệ đến các mật điển.

Ở đây sẽ nói sơ qua làm thế nào Hệ phái Lời Ðức Văn Thù ở phương nam được truyền thừa. Bản luận giải về quyển này ở phương Nam là bản ngắn hơn trong hai bản luận giải. Ðức Dalai Lama đệ ngũ đề nghị một kiểu giảng ngắn hơn bằng cách đánh dấu vài đoạn trong kinh. Ngài cũng cho một số chỉ giáo khác về các pháp quán tưởng “quy y”, “ruộng phước”, và những pháp quán liên hệ đến nhà tắm, vân vân. Những chỉ giáo này khác hẳn những chỉ giáo của các hệ phái ở tỉnh Trung ương. Ðức Dalai Lama truyền hệ phái Phương Nam cho Lama Purchog Ngagwang Jampa Rinpoche ở Epa, vị này còn truyền cho Lozang Kaetsuen, chức vị tu sĩ chuyên trông coi chỗ ở của Ðức Dalai Lama. Tiểu sử vị này có một chi tiết lạ lùng đặc biệt. Ông có trí thông minh phi thường, và đã sáng chế ra nhiều kiểu giảng dạy giáo lý - khi thì nhiều chi tiết hơn, khi thì ít chi tiết hơn. Ðể giải quyết những rối ren, ông biết cần phải thỉnh vấn ngay Ðức Dalai Lama, vị chúa tể của Pháp. Ông xin một buổi tiếp kiến, và thụ giáo tất cả giáo lý trong chừng một hai tiếng đồng hồ. Ðức Dalai Lama đã cho ông làm tu viện trưởng trong cung Potala. Ông trải qua phần cuối cuộc đời để tu tập ở một nơi cô tịch gọi là Lamrim Choeding, tại đây ông đã đạt đến một trình độ tu hành rất cao.

Lozang Kaetsuen truyền giáo lý cho Puentsog Gyatso, một học giả uyên bác ở Yerpa, người đã hoàn tất mọi bài giảng thực hành trong vòng ba tháng (xem Ngày thứ nhất) Puentsog Gyatso đã tu tập đến một trình độ phi thường là thực chứng tâm tịnh chỉ và tuệ quán đặc biệt, và đã giảng lại cho nhiều đệ tử ở Yerpa. Ông tu các năng lực thần thông nhờ các phép quán mandala về thân của thần Heruka, và tương truyền phần lớn những tu sĩ thuộc Hệ phái Phương Nam đã theo mẫu mực này.

Puetsog Gyatso, truyền xuống Lama Kachoe Taendar ở Epa, vị này truyền cho Tu viện trưởng Gedun Jamyang. Gedun Jamyang viết một tác phẩm riêng về hệ phái Phương Nam, vì sợ rằng có một số điểm sai lầm liên hệ đến vấn đề những đoạn nào trong kinh Lời Ðức Văn Thù đã thực sự được đức Ðức Dalai Lama đệ ngũ đánh dấu dành cho Hệ phái Phương Nam. Tác phẩm của ông chỉ lưu hành dưới dạng những bản chép tay cho đến khi Kyabje Drubkang Geleg Gyatso cho làm thành bản gỗ.

Gelun Jamyang truyền cho Je Ngagwang Tutob; Tutob truyền đến Taem Gyatso đang hoàn tất sự học, ông được cắt phiên làm việc vặc vãnh, và theo truyền thuyết, ông đã đạt chánh kiến về Trung đạo (chánh kiến về Tánh không) trong khi bổ củi. Ông truyền pháp Hệ phái Phương Nam cho Seto Lama Kaeldaen. Seto Lama có chuyện kỳ lạ này trong tiểu sử: Ông hoàn toàn không vướng bận bất cứ thứ gì người ta cúng dường cho ông như tiền, khăn quàng cổ (theo tục lệ Tây Tạng), áo len và những thứ tương tự. Mà ông cũng không cho ai lại những thứ ấy. Ông chỉ liệng chúng vào trong một hang động cạnh chỗ ông ở. Nhiều thế hệ sau đó, người ta lục lọi mới tìm thấy những đồng tiền và len đã bị mối ăn. Sở dĩ ông không cho ai những thứ này vì nghĩ rằng điều ấy về sau có thể làm tăng thói kiêu mạn nơi ông.ư

Seta Lama truyền giáo lý này cho Lozang Choepel, vị này lại truyền cho Geshe Tubtaen Rabgyae. Mỗi khi Tabtaen tu quán, ông thường tụng những lời cầu nguyện pháp Lam-rim, xong ông giữ im lặng. Những người đến viếng ông tưởng rằng ông ngủ, nhưng kỳ thực ho đang chứng kiến sự tịnh chỉ nhất tâm của ông. Ông truyền hệ phái này cho một tu sĩ tên Jangchub Togme.

Người này chỉ là một tu sĩ bình thường, không phải một vị geshe - tiến sĩ Phật học, cũng không phải là một lama - thượng tọa. Ông sống trong am ẩn cư Dragri. Hàng ngày sau khi dâng cúng những chiếc bánh theo thường lệ, ông thiền quán theo Lam-rim một cách nhất tâm trên thảm cỏ ngoài am. Ông phát triển tâm từ và tâm bi đến mức độ luôn luôn cảm thấy buồn bã. Hàng ngày những trẻ mục đồng thường giải trí bằng cách lén nhìn ông. Ðối với chúng thì ông có vẻ chỉ là một ông già đang cám cảnh tủi thân khóc một mình.

Vào thời gian này, Hệ phái Phương Nam của Lời Ðức Văn Thù có nguy cơ suy tàn vì hệ phái giảng kinh chỉ trao cho ông thầy này. Một tu viện trưởng của đại học Dagpo đã hồi hưu tên là Lozang Jinpa - vị này lại là người truyền giới xuất gia cho chính tôn sư tôi - cố truy tầm cho ra những người khác thuộc truyền thống giảng Hệ phái Phương Nam, nhưng khám phá ra rằng chỉ có ông thầy này đã thực thụ thọ pháp ấy mà thôi. Lozang Jinpa hoài nghi ông thầy này, không nghĩ ông có thể giảng kiểu “Nói chuyện thân mật”, nhưng nếu không yêu cầu ông giảng, thì truyền thống sẽ bị gián đoạn.

Một ngày kia ông đến thăm vị tỷ kheo mà nói: “Bây giờ không có ai nắm giữ truyền thống giảng lời Ðức Văn Thù thuộc Hệ phái Phương Nam. Thực đáng tiếc vô cùng nếu truyền thống này bị gián đoạn. Ông có thể truyền cho tôi chỉ vì để khỏi gián đoạn dòng truyền thừa không? Khi ấy tôi có thể đưa cho ông bài giảng đã được làm cho văn hoa với những trích dẫn trong kinh, và những luận chứng hợp lý.”

Ông thầy nói: “Làm sao một người như tôi có thể trao truyền được?”

Ông cứ tiếp tục nói mình không đủ khả năng làm chuyện đó, nhưng cuối cùng ông chịu giảng, thì ông đã chêm vào những chỉ giáo sâu sắc kết quả của kinh nghiệm thân chứng. Je Lozang Jinpa rất đổi kinh ngạc về việc này. Ông nói: “Tôi hổ thẹn bảo ông ta: ‘ thì ra tôi thực sự đến để thụ giáo.’ Và ông ca tụng: “Ông ấy mới chính là một geshe vĩ đại của phái Kadampa thuộc truyền thống Khẩu giáo.”

Chính Lozang Jimpa cũng đã đạt được tịnh chỉ và tuệ quán đặc biệt, và cũng nhờ thực hành phép quán mandala thân của thần Heruka. Ông sống ở tu viện Bangrim Choede thuộc miền Hạ Dagpo. Je Kalzang Taenzin là em trai ông, về sau ở am thất ẩn cư Lhading thuộc miền Thượng Dagpo. Ông thường mời Lozang viếng thăm Lhading, Lozang không thể đi đến đấy; nhưng một hôm nhập định ông ta thấy mọi chi tiết trong ngoài của am thất. Ông bảo người em trai về sau khi ông này đến thăm: “Tôi đã thấy nơi ẩn cư của chú từ trong ra ngoài.” Ông còn kể những chi tiết như có những cây gì bên phải và bên trái của ngôi nhà. “Và còn một vật trắng thật lớn luôn luôn lay động trên một lan can của ngôi nhà nữa. Cái gì vậy?” Ðó là một cái màn lung lay theo gió; Lozang đã thấy trong khi nhập định.

Lozang truyền hệ phái này cho em trai Kaelzang Taenzin. Vị này trở thành học giả uyên bác về cả kinh điển lẫn mật điển. Mỗi khi ngài giảng dạy, thường có những luồng ánh sáng luôn đi từ đôi mắt ngài, bao quanh thính chúng đồ đệ. Cuối thời giảng, những luồng ánh sáng ấy lan trở lại vào đôi mắt ngài. Mọi người đều trông thấy nhiều lần như thế. Nhiều người kinh ngạc khi vừa thấy ngài giảng dạy lại vừa thấy ngài tản bộ trên đường kinh hành, vân vân. Ngài có những linh kiến về toàn thể phước điển trong pháp thực hành Cúng dường Ðạo sư. Khi ngài viên tịch trên đỉnh sọ đầu ngài có một hình vẻ kỳ diệu về ruộng phước Cúng dường Ðạo sư. Chiếc sọ này hiện vẫn còn ở am thất Lhading.

Ngài truyền giáo lý cho Kaelzang Kaedrub, vị này cũng đạt những thần thông nhờ pháp quán Heruka. Và ngài đã trao truyền cho chính tôn sư tôi, người bảo hộ và nơi nương tựa của tôi.

Ðấy là vắn tắt về sự truyền thừa của Hệ phái Phương Nam đối với Lời Ðức Văn Thù. Các bạn cần xem kỹ chi tiết hơn. Hãy tham khảo những bản tiểu sử đáng tin cậy.

Bây giờ, về Hệ phái truyền thừa Lời Ðức Văn Thù ở Tỉnh Trung ương, thì Ðức Dalai Lama đệ ngũ truyền cho Jimpa Gyatso, một người giữ ngai tu viện Genden. Cuối cùng hệ phái này truyền đến Lozang Lhuendrub, một người kế vị khác chiếc ngai Ganden. Je Lozang Jimpa đã tiếp nhận truyền thống này nơi ông ta.

Những bài kiểu “Nói chuyện thân mật” về Con Ðường Nhanh có lịch sử như sau. Vị Panchen lama là Lozang Yeshe, người thấy tất cả, đã đọc bản kinh, nhưng chưa ai từng hỏi ngài bài giảng truyền thừa của hệ phái. Khi về già, mắt ngài bị lòa, và khi có người muốn được truyền khẩu một vài đoạn quan trọng trong kinh, họ phải viết lại bằng chữ thật lớn những đoạn ấy. Bấy giờ học giả uyên bác Lozang Namgyael đang ở am thât Jadrael. Ông đọc tác phẩm Con Ðường Nhanh và nghĩ rằng hậu thế càng sẽ nghèo nàn hơn nếu ông không được truyền thừa hệ phái bài giảng này. Ông bèn quảy hành lý đi đến Tashi Lhuenpo, và bảo người hầu của vị Panchen Lama rằng ông muốn được truyền tất cả tác phẩm của Panchen Lama nói chung; nhưng đặc biệt là bài giảng về Con Ðường Nhanh.

Lozang Namgyael lúc ấy chỉ là một tu sĩ thường, vậy mà ông đòi hỏi quá đáng, và thị lực của Panchen Lama thì quá yếu. Người hầu hết sức ngạc nhiên và mắng cho Lozang Namgyael mọt trận. Lozang trở về nhưng không thể chịu nổi tình trạng ấy. Ông đến yêu cầu thêm ba lần nữa, nhưng người hầu nhất định không giúp ông. Lozang nói trong cơn tuyệt vọng: “Nghe này, tôi không xin ônggiảng dạy! Ông hãy chuyển lời yêu cầu của tôi đến đức Panchen Lama.” Trong khi y vẫn đang tức giận. Ðức Panchen Lama rất sung sướng truyền cho Lozang Namgyael, và suốt buổi giảng dạy, mắt của ông tuyệt đối không sao cả.

Bậc tôn sư đã kể lại cho tôi nghe câu chuyện này nhiều lần. Tuy nhiên, Lozang Namgyael không được chính thức kể trên danh sách như là một trong những bậc thầy trong hệ phái chúng ta. Hệ phái được xem là truyền cho Purchog Ngawang Jampa, như được nói rõ trong phần tụng đọc chuẩn bị, nhan đề “ Một Sự Trang Hoàng Cho Yết Hầu Những Người May Mắn” (xem ngày thứ sáu)

Như vậy là tôi đã nói sơ lược về sự vĩ đại của những tác giả, mặc dù chưa nói đến tất cả các Lamas và những môn đệ họ. Nếu đi vào chi tiết, thì có lẽ tôi phải theo hai pho tiểu sử của những bậc thầy các hệ phái do Yeshe Gyaeltsean, một vị giáo đạo của Ðức Dalai Lama viết ra. Ít nhất, trên đây là những gì mà tôn sư tôi đã dạy. Tôi không có thì giờ làm chuyện ấy, nhưng nếu các bạn có bản tiểu sử này, thì nên đọc thường xuyên.

Khi kết thúc một giảng dạy về cuộc đời các bậc Thánh Tăng, chúng ta cần phải làm sự cầu nguyện như sau:

Hỡi bậc thầy, mong sao cho con được như thân của thầy

Mong sao cho quyến thuộc, cuộc đời và hoàn cảnh của con

Cũng được như của thầy;

Mong sao cả đến tên con

Cũng là danh hiệu tối thượng của thầy.

Chúng ta cũng nên quán tưởng về niềm hỉ lạc mà ta phải cảm thấy (sau khi nghe những cuộc đời ấy.)

--- o0o ---

Vi tính: Nguyên Trang. Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
29/03/2013(Xem: 19007)
Pháp thoại: Chánh Ngữ bài giảng của TT Thích Nguyên Tạng tại Trung Tâm Mắt Thương Nhìn Đời, Santa Anna, California, Hoa Kỳ
29/03/2013(Xem: 3835)
Bộc lưu là ngôn ngữ biểu tượng được một vị Thiên dùng để đặt câu hỏi với đức Thế Tôn: làm sao vượt khỏi bộc lưu? Lúc đó đức Phật đang ở tại vườn Anàthapindika, tu viện Jetavana ...
29/03/2013(Xem: 15300)
Hoằng Pháp tại Hoa Kỳ Saigon Radio 890 AM Dallas TX (Quang Hưng & Kiều Mỹ Duyên phỏng vấn TT Nguyên Tạng)
29/03/2013(Xem: 17208)
Chủ đề: Đại Trí - Đại Hạnh Bài giảng của TT Thích Nguyên Tạng giảng tại Thiền Viện Chánh Pháp, Oklahoma, USA
09/01/2013(Xem: 4091)
Phật pháp dạy mọi người lìa khổ được vui, điều này ai cũng đều biết. Nếu như Phật pháp dạy mọi người lìa vui được khổ thì có lẽ không có ai học. Nhưng Thế Tôn năm xưa còn tại thế, đối với người tu khổ hạnh, chữ hạnh này đọc thanh thứ tư, đọc là “hêng”, đó là động từ, tức là đặc biệt tán thán tu khổ hạnh. Vậy có mâu thuẫn với những gì Phật nói không? Xin thưa với quý vị là không mâu thuẫn.
09/01/2013(Xem: 4226)
Chào chư vị đồng tu! Hôm nay chúng ta xem tiếp thượng bối vãng sanh, một đoạn ở trong chú giải. Cư sĩ hoàng lão dẫn mấy câu ở trong tịnh độ luận: “Vị Bồ đề tâm, tức nguyện thành Phật độ sanh, nhiếp thủ chúng sanh, vãng sanh tịnh độ chi tâm, thử tâm sơ khán tự giảo tiền tâm, dị ư phát khởi. Thực diệt bất nhiên, cái dĩ tịnh thổ vãng sanh pháp môn. Thực vi nan tín chi pháp, tín tâm vị sanh, hà năng phát tâm”.
17/11/2012(Xem: 14550)
Kinh Chánh Pháp Hoa - do Bác Sĩ Minh Quang Nguyễn Lê Đức giảng
17/11/2012(Xem: 12346)
Kinh Duy Ma Cật do Bác Sĩ Minh Quang giảng
16/11/2012(Xem: 13225)
Phật Học Phổ Thông - do Bác Sĩ Minh Quang Nguyễn Lê Đức giảng
16/11/2012(Xem: 13972)
Kinh Thiêm Phẩm Diệu Pháp Liên Hoa - do Bác Sĩ Minh Quang Nguyễn Lê Đức giảng
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]