Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quyển thứ nhất

25/04/201313:38(Xem: 4114)
Quyển thứ nhất

NHÀ XUẤT BẢN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Xuất bản năm 1996

THIỀN LÂM BẢO HUẤN

Dịch giả : HT. Thích Thanh Kiểm

---o0o---

QUYỂN THỨ NHẤT[1]

Sa môn Tịnh Thiện đất Đông Ngô[2]trùng tập.

Sa môn Thích Thanh Kiểm dịch và chú thích.

1.- Minh Giáo Tung [3]Hoà Thượng nói: “Tôn chẳng gì bằng đạo, đẹp không gì đẹp bằng đức. Người có đạo đức tuy là kẻ thất phu [4]cũng không phải là cùng, kẻ không có đạo đức, tuy là đấng vương giả cũng không là thông. Bá Di, Thúc Tề [5]xưa kia là người chết đói, đời nay, nếu người ta lấy đó để so sánh thì mọi người đều mừng. Trụ, Kiệt [6], U, Lệ [7]xưa kia là đấng nhân chủ, đời nay, nếu người ta lấy đó để so sánh thì mọi người đều giận. Thế nên, người học giả chỉ lo phần đạo đức của mình không trọn vẹn, chứ đừng lo thế vị không đến với mình”.

Đàm Tân Tập.

2.- Ngài Minh Giáo nói: “Cái học của Thánh Hiền, cố nhiên chẳng phải một ngày mà đủ, ngày chẳng đủ thì kế đêm, rồi chứa góp hàng tháng hàng năm tự nhiên sẽ thành tựu. Nên nói: “Học để tu tập, hỏi để biện minh”[8]. Câu nói này có nghĩa là, nếu học mà không biện vấn thì không do đâu mà phát minh. Đời nay ít có những người học thường nêu ra câu hỏi để vấn biện với người như vậy không biết đem cái gì để giúp ích cho tính địa [9], trở thành cái lợi ích đổi mới mỗi ngày vậy ư !”

Cửu Phong Tập[10].

3. - Ngài Minh Giáo nói: “Thái Sử Công[11]đọc sách Mạnh Tử tới chỗ Lương Huệ Vương hỏi thầy Mạnh Tử [12], đem gì để lợi cho nước tôi, bất giác để sách xuống mà thở dài. Than ôi! Lợi là cái mầm mống của loạn, nên Phu Tử [13]ngài ít nói đến lợi, để đề phòng cái gốc. Vì gốc là mầm mống phát sinh. Người tôn quý kẻ bần tiện, đối với cái tệ hiếu lợi thì đều giống nhau. Ôi! Người ở chỗ công, nếu lấy lợi không công bằng, thời làm rối loạn pháp luật, kẻ ở chỗ riêng, nếu lấy lợi bằng cách lừa bịp, thời làm rối loạn sự việc. Sự việc rối loạn thời nhân sự bất bình, pháp luật rối loạn thời nhân dân chẳng phục. Gây ra mối hoạ xung đột rồi cùng nhau đấu tranh, chẳng đoái hoài đến cảnh chết chóc cũng vì thế mà phát sinh. Đó chẳng phải cũng vì lợi mà trở thành cái mầm mống rối loạn đấy vậy ư? Như các bậc thánh hiền xưa kia thì lại cảnh giới, bỏ cái lợi để dối trá lẫn nhau, làm tổn thương đến phong tục, bại hoại đến thanh giáo không có giới hạn, lại còn công nhiên noi theo con đường tranh danh đoạt lợi để đi, mà muốn phong tục tốt trong thiên hạ không phai không mờ há lại được vậy ư!”

Đàm Tân Tập.

4.- Ngài Minh Giáo nói: “Phàm con người làm điều ác, có điều ác hữu hình, có điều ác vô hình. Phần ác vô hình là việc hại người, phần ác hữu hình là việc giết người. Cái ác giết người thì nhỏ, cái ác hại người thì lớn. Sở dĩ trong tiệc yến ẩm có chất độc của loài chim Chậm[14], trong chỗ cười đùa có ẩn chứa các loài giáo mác, trong nhà sâu kín có loài hổ báo, trong ngõ hẻm bên có rợ Nhung, Địch [15]. Nếu tự mình không phải là Thánh hiền, không tận diệt khi nó hãy chưa manh nha, không phòng ngừa bằng lễ, pháp [16], thời cái hại đó không thể lường được”.

Tây Hồ Quảng Ký.

5.- Ngài Minh Giáo nói: “Đại Giác Liên Hoà Thượng[17]khi ở chùa Dục Vương. Nhân có hai ông Tăng tranh cãi nhau về phần thí lợi [18]vị chủ sự [19]không hay quyết đoán được. Đại Giác Hoà Thượng liền gọi đến mắng rằng: “Trước ông Bao Công làm tài phán [20]ở đất khai phong, có người dân tự đến trình bày: “Có người đem số bạc 100 lạng gởi tôi rồi mất, nay tôi đem số bạc đó trả lại cho người con của ông ta, nhưng người đó không chịu nhận, vậy mong ông cho gọi người đó về để trả lại hộ”. Ông rất kinh dị, liền cho gọi người con đó nói rõ sự việc, nhưng người đó cố từ và nói: “Ngày còn sinh thời, cha tôi không hề có bạc riêng để gởi người khác”. Hai người cố nhường nhau mãi, ông bất đắc dĩ phải đem số bạc cúng vào chùa, làm việc phúc thiện để truy tiến cho người mất”. Ta mục kích thấy việc đó. Kìa như, trong chốn trần lao [21], cũng còn hay khinh tài trọng nghĩa như vậy, huống hồ các người là đệ tử Phật lại chẳng biết liêm sĩ hay sao? Hoà Thượng liền y pháp của Tùng lâm đuổi hai vị Tăng ra khỏi chùa”.

Tây Hồ Quảng Ký.

6.- Đại Giác Liên Hoà Thượng, lần đầu tiên du hành đến Lư Sơn[22], Viên Thông Nột Thiền Sư [23]thoạt thấy, liền đem đại khí [24]để kỳ vọng ở người. Hoặc có kẻ nói: “Ngài căn cứ vào đâu mà biết?”. Nột Thiền sư đáp : Người ấy trung chính [25]không nghiêng ngả, động tĩnh tôn nghiêm, lại thêm vào đó phần đạo học, làm việc thẳng thắn, nói ít mà lý chu. Phàm con người có tư bẩm như thế, ít có ai mà chẳng thành đại khí”.

Cửư Phong Tập.

7.- Năm đầu niên hiệu Hoằng Hựu thời vua Nhân Tôn[26]vua phái khiển sứ giả đem chiếu thư [27], triệu Viên Thông Nột Thiền sư trụ trì Hiếu Từ đại già lam [28]. Nột Thiền sư cáo tật không trở dậy, phái Đại Giác Hoà Thượng tiếp nhận chiếu biểu. Có người nói: “Thánh Thiên Tử sùng chuộng đạo đức, ơn gội khắp suối rừng, ngài tại sao lại cố từ?”. Nột Thiền Sư đáp: “Ta lạm nhập vào hàng Tăng, sự thấy nghe chưa thông suốt, may mắn được an phận ở dưới rừng, ăn rau uống nước lã, tuy là việc Phật Tổ cũng còn chỗ chẳng làm được, huống hồ làm việc khác vậy ư”. Tiên triết có nói: “Dưới chỗ đại danh [29]khó thể ở lâu được”. Ta từ thuở bình sinh, thực hành kế tri túc, tự mình không bận vào đường danh lợi. Nếu đã chán trong nơi tâm thì ngày nào mà chả đủ. Nên Đông Pha [30]thường nói: “Biết an thời vinh hiển, biết đủ thời giàu sang”. Vậy nên lánh được danh thì toàn tiết, trước và sau toàn thiện, đó là những điểm sở đắc ở Viên Thông vậy.

Hành Thực.

8.- Viên Thông Nột Hoà Thượng nói: “Tính mệnh của người khoèo[31]nhờ vào gậy, mất gậy thì ngã. Tính mệnh của kẻ qua đò nương vào thuyền, mất thuyền thì đắm. Phàm người ở chốn tùng lâm, tự mình không duy trì lấy đạo đức ở nội tâm, lại nương cậy vào quyền thế ở bên ngoài, nhất đán cái thế đó mất đi, đều không thể tránh khỏi cái hoạ khuynh đảo [32]”.

Lư Sơn Dã Lục.

9.- Viên Thông Nột Thiền sư nói “Ngày xưa Bách Trượng Đại Trí[33]Thiền sư kiến lập tùng lâm, đặt ra qui củ [34]muốn cứu vãn cái tệ bất chánh đời Tượng, Quí [35]. Nào ngờ đâu, người học ở đời Tượng Quí, lại trộm qui củ để phá hoại tùng lâm của Bách Trượng. Người đời thượng cổ, tuy nằm hang ở lỗ, nhưng ai nấy đều tự đặt mình trong luật lệ. Người đại trí trở về sau, tuy thênh thang trong nhà cao cửa rộng, nhưng ai nấy đều tự bỏ mất mẫu mực. Cho nên nói: “An nguy ở đức vậy [36], hưng vong ở số vậy. Nếu nương vào đức thì hà tất phải dựng ra tùng lâm, nếu bằng vào số thời cần gì phải dùng đến qui củ”.

Dã Lục.

10.- Viên Thông Nột Thiền sư bảo Đại Giác rằng: “Bậc thánh xưa kia trị tâm ở lúc chưa manh nha, ngừa tình ở lúc chưa rối loạn. Vì lẽ dự bị thời không có lo sợ. Sở dĩ làm cửa ải, điểm mõ canh[37]để ngừa bạo khách [38]mà cần phải dự bị. Vậy nên, việc gì có dự bị trước khi thực hiện thời dễ, cẩu thả thời khó. Hiền triết thời xưa kia, vì chung thân lo lắng [39]nên không có cái hoạn nạn bất ngờ. Chính trực là nghĩa ấy vậy.

Cửu Phong Tập.

11.- Đại Giác Liên Hoà Thượng nói: “Ngọc chẳng giũa thời không thành đồ dùng, người chẳng học thời không biết đạo lý. Nay sở dĩ biết được xưa[40], sau sở dĩ biết được trước. Điều thiện thì đáng được bắt chước, điều ác thì lấy đó làm răn. Các bậc tiền bối nối tiếp nhau lập thân dương danh ở đương thời, ít có ai chẳng nương vào học vấn mà thành tựu”.

Cửu Phong Tập.

12.- Đại Giác Hoà Thượng nói: “Cái lý của diệu đạo[41], Thánh nhân thường ngụ ở Dịch [42]. Đời nhà Chu suy, thời pháp của tiên vương hoại, lễ nghĩa mất. Sau đó những kỳ ngôn dị thuật đua nhau xuất hiện mà phong tục loạn. Kịp đến lúc đạo của Thích Ca ta du nhập Trung thổ [43], thuần đem Đệ Nhất nghĩa đế [44]để dạy đời, trước sau thuyết giáo, đều lấy từ bi để tiếp hoá quần sinh, đó cũng chỉ là tuỳ theo ở thời thế vậy. Từ lúc có sinh dân trở lại, tính thuần phác chưa tan, thời cái giáo của Tam Hoàng [45]giản dị mà tố phác, đó là mùa Xuân vậy. Đến lúc tâm tình mỗi ngày một mỏng, cái giáo của Ngũ Đế [46]tường tận mà văn vẻ, đó là mùa Hạ. Thời cùng thế khác nhau, tình cũng theo đó mà ngày một thay đổi, nên cái giáo của Tam Vương [47]mật mà nghiêm, đó là mùa Thu. Các bài Cáo, Thệ [48]của Thương, Chu xưa kia, người học ở đời sau cũng còn chẳng hiểu, thế nhưng dân đương thời nghe theo mà không trái. Nếu đem so sanh thời biết cái phong tục giữa xưa và nay như thế nào rồi vậy! Cho đến đời nhà Tần nhà Hán, thời cái tệ đó thật quá sâu rộng, đến nỗi người trong thiên hạ có chỗ chẳng còn muốn nghe. Bởi thế đức Phật Như Lai ta suy xét sự kiện ấy mà dạy cho cái lý tính mệnh [49], đó là mùa Đông vậy. Trời có bốn mùa tuần hoàn để sinh thành vạn vật. Thánh nhân đặt ra giáo lý, phù trì lẫn cho nhau để hoá thành thiên hạ, cũng chỉ bởi thế thôi. Nhưng cái gì đã đến chỗ cùng cực, thời không thể tránh khỏi được cái tệ thoái trào, cái tệ đó chính là dấu vết vậy. Cho nên lại cần có những bậc Hiền Thánh xuất hiện ở đời để cứu cái tệ đó. Từ nhà Tần nhà Hán trở lại, trải qua hàng ngàn năm, phong tục bời bời ngày càng phai lạt. Giáo lý của Thánh nhân thì phân liệt rồi đua nhau thiết lập, chê trách lẫn nhau, không thể nào trở lại được cái đạo lớn mênh mang, thực đáng tiếc vậy”.

Thư đáp Thị Lang Tôn Tân Lão[50].

13.- Đại Giác Hoà Thượng nói: “Ôi! Người làm chủ ở một phương muốn thực hành cái chỗ sở đắc để lợi người, thời trước hết phải nên khắc kỷ[51], khoan dung với người, để tâm đến hết thảy. Vậy sau coi vàng lụa như phân đất, thời được bốn chúng [52]tôn sùng và qui thuận”.

Tờ gởi Cửu Tiên Hủ Hoà Thượng.

14.- Đại Giác nói: “Bậc tiền bối có tư chất thông minh, không có cái lo sợ phần an nguy. Như hai sự việc của Thông Thiền Sư chùa Thạch Môn[53], Thuấn Lão Phu chùa Thê Hiền [54]cũng lấy đó làm răn vậy. Vẫn biết định nghiệp [55]của kiếp người rất khó mà biện minh, nhưng xét kỹ ở nguyên nhân thời sao lại không biết được cái lỗi cẩu thả chẳng suy nghĩ đấy ư? Vậy nên có câu: “Cái họa hoạn nó ẩn náu ở chỗ vi tế, rồi bộc phát ra từ cái chỗ bất cẩn của con người. Lấy đó mà suy xét thời càng phải nên cẩn thận sợ hãi”.

Cửu Phong Tập.

15.- Vân Cư Thuấn Hoà Thượng, tên chữ là Lão Phu, ngày còn trụ trì chùa Thê Hiền ở Lư Sơn, vì có mối tư oán với quan Quận Thú Hoè Đô, nên bị cưỡng bách phải hoàn tục, Ngài sau đó tới kinh đô thăm Đại Giác Hoà Thượng, khi đến đất Sơn Dương[56], bị tuyết làm ngăn trở, nên phải ở trọ một lữ quán [57]. Vào một buổi chiều, có một người khách đem theo hai người hầu phá con đường tuyết mà tới, chợt thấy Lão Phu như là người quen biết cũ. Rồi ông khách thay áo tới trước thi lễ. Lão Phu liền hỏi nguyên do. Người khách đáp: “Tôi trước thường theo hầu thầy ở Đổng Sơn, tên là Cán Bộc Tống Vinh ở Hán Dương vậy”. Người khách cùng với Lão Phu cùng nhau kể chuyện cũ tới khuya. Sáng hôm sau người khách lại làm cơm thết đãi, tặng Lão Phu năm lạng bạc, còn gọi một người hầu tới. Rồi người khách nói: “Đứa trẻ này thường hay lui tới chốn kinh thành, biết tất cả những đoạn đường gian nan nguy hiểm, nay cho đi đưa đường, xin thầy an tâm chớ có lo ngại”. Vì thế mà Lão Phu tới được chốn kinh thành [58]. Xét như vậy, thì cái ích lợi về chỗ quen biết xưa kia của hai người thật là thắm thiết.

Cửu Phong Tập.

16.- Đại Giác nói: “Thuấn Lão Phu tính thì giản dị và trung thực, không biết mọi việc quyền hành hoá thực[59]. Hằng ngày có định khoá, từng không thay đổi thời khắc nào, tuy là những việc thắp đèn quét đất cũng đều tự mình làm lấy. Ngài thường nói: “Cổ nhân có điều răn dạy: “Một ngày chẳng làm thời một ngày chẳng ăn [60]”. Vậy ta là người thế nào vậy?”. Ta tuy tuổi đã già, nhưng chí đó cần phải bền chắc. Hoặc có người nói: “Tại sao không sai khiến người thân cận”. Lão Phu nói: “Bạt thiệp nóng lạnh, đứng ngồi bất thường, nên chẳng muốn phiền nhọc họ”.

17.- Thuấn Lão Phu nói: “Truyền trì đạo pháp, quý nhất ở chỗ chân thật với hết thảy. Phân biệt điều tà chính, gạt bỏ mọi vọng tình, đó là cái thật trị tâm. Biết nhân quả rõ tội phúc, đó là cái thật tháo lý[61]. Hoằng đạo đức, tiếp thập phương lui tới, đó là cái thật của Trụ trì. Lượng tài năng, giao phó việc, đó là cái thật dùng người. Xét ngôn và hành, quyết định nên hay không nên, đó là cái thật cầu hiền. Nếu không giữ lòng thành thật, chỉ chuộng lừa dối hư danh, đối với đạo lý thời chẳng có ích lợi gì. Vì thế nên, cái tháo lý của con người, cần nhất ở chỗ thành thật. Nếu cứ giữ một mực như thế không biến đổi, thì dẫu rằng việc di hiểm [62]đến đâu cũng có thể nhất chí được”.

Hai việc trên ở Thản Nhiên Am tập.

18.- Thuấn Lão Phu bảo Viễn Lục Công[63]ở núi Phù Sơn: “Nếu muốn nghiên cứu diệu đạo vô thượng, thì khi cùng cần phải bền [64], khi già cần phải gắng, không nên noi theo thế tục, đua chen thanh lợi để bỏ mất đức lớn. Ôi! Ngọc quý tiêu biểu ở chỗ nhuận khiết, nên dù màu son tía cũng chẳng hay phai được chất. Tùng cội tiêu biểu ở chỗ tuế hàn [65], nên dù sương tuyết cũng chẳng hay mất tiết tháo. Thế nên biết, tiết nghĩa là điều lớn trong thiên hạ. Duy cái chỗ tiết tháo của ông đáng chuộng nên ông cần phải tự cường. Cổ nhân nói: “Một cánh chim liệng vút trên cao thật chẳng dễ bì, làn gió mạnh xé tung bầu trời thật không sánh kịp. Nên ta cần phải như thế vậy”.

Quảng Lục.

19.- Phù Sơn Viễn Hoà Thượng nói: “Cổ nhân tìm thầy chọn bạn, sớm tối không dám lười biếng, đến những việc như thổi cơm giã gạo cũng vẫn âm thầm chịu đựng, chưa từng tỏ vẻ e ngại vất vả. Ta khi ở Diệp Huyện[66]đã từng trải những công việc đó. Nhưng có một điều, nếu tâm mình đoái đến lợi hại, so sánh hơn thua, thời y nhiên sa đọa vào lỗi lầm [67]không hợp với đạo lý [68]. Vậy, nếu thân đã bất chính thì sao hay học đạo được ư”.

Pháp Ngữ của Nhạc Thị Giả[69].

20.- Viễn Công nói: “Ôi! Trong khoảng trời đất, thật có những vật sinh trưởng rất dễ dàng[70], nếu thời tiết cứ một ngày ấm mà mười ngày rét, thời cũng không thể nào hay sinh được. Diệu đạo vô thượng tỏ rõ ngay trong tâm trước mắt, vì thế nên không phải là điều khó thấy. Chỉ cần nơi bền chắc của chí, chỗ tận lực của hành, thì ngay lúc đứng hay ngồi cũng hay tới được. Giả hoặc, một ngày thì tin rồi mười ngày lại ngờ vực, sớm thì siêng mà chiều lại chán nản, há phải chỉ những việc ngay trước mắt khó thấy, mà ta sợ suốt đời còn trái với diệu đạo vậy”.

Thư gởi Vân Thủ Tọa.

21.- Viễn Công nói: “Cái yếu vụ của trụ trì trước hết phải xét phần thủ xả. Chỗ cùng cực của thủ xả[71]định ở bên trong thời cái mầm mống an nguy định ở bên ngoài. An chẳng phải cái an ở một ngày, nguy chẳng phải cái nguy ở một ngày, mà nó đều góp chứa dần dần, nên không thể không xét nét cẩn thận. Nếu lấy đạo đức trụ trì thì tích phần đạo đức, lấy lễ nghĩa trụ trì thì tích phần lễ nghĩa. Lấy bóc lột trụ trì thì tích phần oán hận. Tích oán hận thời trong ngoài lìa tan, tích lễ nghĩa thời trong ngoài hoà vui, tích đạo đức thời trong ngoài cảm phục. Vì thế, nên thấm nhuần đạo đức lễ nghĩa thời trong ngoài vui vẻ, bóc lột oán hận cùng cực thời trong ngoài đau thương. Ôi! Cái cảm của vui buồn, tất sẽ ứng với hoạ phúc vậy”.

22.- Viễn Công nói: “Trù trì có ba điểm cần thiết là “Nhân”, “Minh” và “Dũng”[72]. Nhân nghĩa là thực hành đạo đức, phát triển việc giáo hoá, an trên dưới, làm đẹp lòng người đi kẻ lại. Minh là giữ lễ nghĩa, biết an nguy, xét hiền ngu, biện phải trái. Dũng nghĩa là phải quả cảm với công việc, trừ kẻ gian, bỏ kẻ nịnh. Nhân mà không có minh, như người có ruộng chẳng cày. Minh mà không có dũng, như có lúa non chẳng làm cỏ. Dũng mà chẳng có nhân, cũng như chỉ biết cắt cỏ mà chẳng biết gieo hạt giống. Ba điểm thiết yếu như trên mà đầy đủ, thời chốn Tùng lâm hưng thịnh, thiếu một thời suy, thiếu hai thời nguy, thiếu tất cả thời cái đạo của trụ trì tất hỏng vậy”.

Hai việc trên là thư gởi cho Tịnh Nhân Trăn Hoà Thượng[73].

23.- Viễn Công nói: “Người trí kẻ ngu, người hiền kẻ bất tiếu, cũng như nước với lửa không thể cùng chung một đồ vật[74], như lạnh với nóng không thể đến cùng một thời. Nếu chia chẻ cho rõ ràng, kẻ trí hiền sĩ thì thuần ý đoan hậu [75], lấy đạo đức nhân nghĩa làm mưu kế, phát ra một lời nói, hay làm một công việc, chỉ sợ chẳng hợp với nhân tình, chẳng thông với lý của sự vật. Kẻ bất tiếu thì gian hiểm, dối trá, nịnh bợ, cậy mình khoe hay, ham danh trục lợi, chẳng đoái tới hết thảy. Nếu chốn Thiền lâm được người hiền thời lấy đạo đức làm bản vị tu hành, lấy cương kỷ [76]làm mẫu mực, pháp tịch cũng do đó mà thành. Nếu không may gặp kẻ bất tiếu, thì chỉ làm cho rối quần, loạn chúng, gây cho trong ngoài không yên, dầu là đại trí lễ pháp, cũng không thể đem ra thi thố được. Người trí kẻ ngu, người hiền kẻ bất tiếu, hơn kém là như thế, nên cần phải lựa chọn cẩn thận”.

Thư gởi Huệ Lực Phương Hoà Thượng[77].

24.- Viễn Công nói: “Người trụ trì ở ngôi trên, phải nên khiêm cung[78]tiếp kẻ dưới. Người chấp sự ở dưới cũng phải tận tình để phụng sự trên. Trên dưới đã hòa, thời cái đạo của trụ trì thông vậy. Người ở địa vị trên mà kiêu cứ tự tôn, kẻ chấp sự ở dưới lại lười biếng, khinh nhờn tự sơ, cái tình trên dưới chẳng ăn nhịp với nhau thời cái đạo của trụ trì bế tắc. Cổ nhân trụ trì, khi nhàn hạ vô sự, thường cùng với học đồ thung dung nghị luận, trong bất cứ một vấn đề gì. Bởi thế, một lời nói bàn, hay nửa câu giáo hóa, đều được ghi chép vào truyện ký, để ngày nay lấy đó mà cân nhắc, là bởi cớ gì? Một là muốn khiến tình trên dưới thông hiểu lẫn nhau để đạo khỏi bị che lấp, hai là dự biết được tài năng tính nết của mỗi học đồ nên hay không để thích hợp với chỗ tiến thoái của họ, được như thế thì trên dưới tự nhiên hoà kính [79]gần xa đều qui phục. Tùng lâm được hưng thịnh, cũng bởi lẽ đó vậy”.

Thư gởi cho Thanh Hoa Nghiêm[80].

25.- Viễn Công bảo Đạo Ngô Chân[81]rằng: “Người học chưa thấu được đạo, chỉ khoe khoang chỗ thấy nghe nông cạn, giong ruỗi chỗ hiểu biết máy móc, đem đầu lưỡi để biện tranh thắng, cũng chẳng khác gì như nhà xí lại sơn vẽ màu son [82], chỉ làm cho tăng thêm mùi xú uế thôi vậy”.

Tây Hồ Ký Văn.

26.- Viễn Công bảo Diễn Thủ Tọa[83]rằng: “Tâm là chủ một thân, làm gốc cho muôn hạnh. Tâm chẳng diệu ngộ thời vọng tình tự sinh, vọng tình đã sinh thời thấy lý không tỏ rõ, thấy lý chẳng tỏ rõ thì phải lầm lẫn rối loạn. Sở dĩ muốn trị tâm cần phải mong cầu diệu ngộ. Ngộ thời thân hoà, khí tĩnh, dung mạo đáng kính, sắc diện trang nghiêm, vọng tưởng tán loạn đều dong làm chân tâm. Trị tâm như thế thời tâm tự linh diệu, sau đó mới đem ra chỉ đạo cho kẻ mê lầm, thời ai lại chẳng theo chỗ giáo hoá”.

Phù Sơn Thực Lục.

27.– Ngũ Tổ Diễn Hoà Thượng nói: “Thời nay chốn tùng lâm, những kẻ học đạo, thanh danh không được lẫy lừng, nên không được chỗ tin cậy của mọi người. Vì lẽ phạm hạnh[84]không thanh bạch, con người không xứng đáng. Ví hoặc chỉ muốn mong cầu lợi dưỡng cùng tiếng khen, khoe khoang bề ngoài, liền bị người thức giả chê cười. Nên cái yếu diệu bị che lấp, dù rằng có đạo đức như Phật Tổ, cũng bị người đời ngờ vực mà chẳng tin theo. Lũ ngươi một ngày kia nếu có trụ trì [85]một tự viện nào, nên phải lấy đó làm gương mà tự gắng tiến”.

Thư Phật Giám[86]trả lời Phật Quả.

28.- Diễn Tổ nói: “Sư ông[87]khi mới ở Dương Kỳ, nhà gianh cũ nát chỉ đủ che mưa gió. Chợt một buổi chiều, tuyết rơi đầy đường, ngủ nghỉ không yên chỗ. Có một nột tử thành kính phát nguyện tu bổ. Sư ông khước từ và nói: “Đức Phật ta có dạy, đương lúc kiếp giảm này, ngàn cao hang sâu, biến đổi bất thường, tự mình sao thoả mãn được chỗ xứng ý. Lũ ngươi, người xuất gia học đạo, buông tay chân chưa ổn đã ngoài bốn năm mươi tuổi rồi, đâu lại có thì giờ nhàn rỗi để sửa sang nhà cửa lộng lẫy vậy ư!”. Cuối cùng, Sư ông không ưng thuận, ngày hôm sau thăng toà nói: “Dương Kỳ tạm trú nếp nhà xiêu, đầy giường tuyết phủ tựa chân châu, co gối rụt đầu nằm nhớ nghĩ, dưới cây người trước ngủ không lều”.

Quảng Lục.

29.- Diễn Tổ nói: “Người nột tử[88]giữ tâm thành [89]phụng trì giới luật, ngày đêm thường nhớ nghĩ, sớm tối thực hành theo. Thực hành không vượt nghĩ, nghĩ không vượt thực hành. Có ở trước tất thành ở sau. Như người cày ruộng có bờ thì lỗi đó ít vậy”.

30.- Diễn Tổ nói: “Tùng lâm là nơi hun đúc Thánh Hiền, nơi dưỡng dục tài khí, nơi phát xuất sự giáo hoá. Tuy là chỗ quần cư loại tụ, nhưng việc thống lĩnh để tề chỉnh thì đều có sư thừa[90]. Đời nay các nơi không tuân thủ pháp độ của Tiên thánh, phần nhiều thiên tình yêu ghét, lấy mình làm cách vật [91], còn biết lấy gì để kẻ nối nghiệp sau bắt chước”.

Hai việc trên ở Thản Nhiên Tập.

31.- Diễn Tổ nói: “Truyền đạo lợi sinh, cần ở chỗ lựa chọn được người, mà biết người lại là một việc rất khó, đến ngay như bậc Thánh triết cũng còn lấy đó làm lo. Nghe lời nói của người nhưng chưa bảo chứng được hành vi, tìm biết được hành vi lại sợ bỏ sót mất tài năng của họ. Nếu trước đây không phải là người mà mình đã từng giao du, tường tận được mọi nguồn, khám phá được chí hành của họ, hiểu rõ được khí năng của họ, rồi sau cùng còn biết được cả chỗ giữ đạo cùng là chỗ ẩn tàng cái diệu dụng của họ. Còn những kẻ chỉ mua danh trang sức hình thức bề ngoài, thì phần nguỵ tạo đó vẫn không thể dung thứ được, dù là chỗ kín đáo đến đâu cũng thấy được uyên nguyên. Ôi! Cái lý của xét rõ nghe tường, cố nhiên không phải công việc của một sớm một chiều hay làm nổi. Sở dĩ, Nam Nhạc Nhượng[92]sau khi thấy Đại Giám [93], còn đích thân chấp tác thị giả mười lăm thu. Khi Mã Tổ [94]thấy Nam Nhạc Nhượng, cũng còn theo hầu hơn mười năm. Thế nên biết, sự trao truyền thụ mệnh của Tiên thánh, quả thật không vội vã thiển cận ở chỗ truyền tri. Cũng như một chậu nước truyền qua một chậu nước [95], mới hay nối tiếp được hồng qui [96]. Còn như việc đương gia chủng thảo [97]lại cần phải suy nghiệm cái lý xét kỹ nghe tường này, có đâu lại dung cho kẻ sảo ngôn lệnh sắc, hẹp hòi phỉnh nịnh mà được sung tuyển vào chức đó vậy thay”.

Thư gởi Viên Ngộ[98].

32.- Diễn Tổ nói: “Việc lớn của trụ trì cần ở “Huệ” và “Đức”, phải đầy đủ cả hai phương diện, không thể bỏ thiếu một. Có ơn huệ mà không có đạo đức thời người chẳng kính, có đức mà không có ơn thời người chẳng nhớ. Nếu biết làm ơn tất có sự mong nhớ, lại thêm có đức để cùng giúp lẫn nhau, thời cái ơn đã toả ra, tất đủ để an trên dưới, dụ dẫn bốn phương. Nếu thấy đức là đáng kính, lại thêm vào đó ơn để giúp lẫn nhau, thời cái đức sẵn có đủ để nối dõi bậc tiên giác, chỉ đạo kẻ ngu mê. Cho nên người khéo trụ trì phải nuôi đức để làm ơn huệ, tuyên ơn huệ để giữ đạo đức. Đức mà hay nuôi thời chẳng khất, ơn mà hay làm thời có ân. Bởi thế, đức và ơn cùng súc tích, ơn và đức cùng thực hành với nhau, như thế thời đức chẳng cần phải tu, mà được sự kính mến ngang với Phật Tổ, ơn chẳng cần thực thi mà được nhớ như là cha mẹ. Vậy nên, những kẻ có chí với đạo khắp chốn hồ hải[99], ai là chẳng qui tụ. Người trụ trì truyền đạo đức, phục hưng giáo hoá, nếu chẳng rõ điều cốt yếu này, thời không thể thi thố trọn vẹn được”.

Thư gởi Phật Nhãn[100].

33.- Diễn Tổ từ Hải Hội dời về Đông Sơn, Thái Bình Phật Giám và Long Môn Phật Nhãn, hai ngài cùng đến Đông Sơn yết kiến, Tổ cho tập hợp các vị chủ sự kỳ cựu, và chỉnh bị đầy đủ trà nước cho cuộc dạ thoại. Tổ hỏi Phật Giám: “Ở Thư Châu được mùa không?”. Trả lời: “Được mùa”. Tổ hỏi: “Ở Thái Bình được mùa không ?”. Thưa rằng: “Được mùa”. Tổ hỏi: “Các trang trại cùng nhau thu lúa được nhiều ít ra sao?”. Phật Giám tính toán suy nghĩ. Tổ nghiêm sắc mặt lớn tiếng nói: “Ông lạm dụng làm chủ một ngôi chùa, thì công việc bất cứ là lớn hay nhỏ đều phải để tâm cho cùng hết. Sự kế toán hàng năm trong chốn thường trụ là việc tối quan hệ đến đại chúng mà ông còn chẳng biết, nữa là những việc nhỏ nhặt khác thì biết sao đặng. Người chấp sự trong chốn sơn môn cần phải biết nhân biết quả, phải như việc Sư ông[101]giúp đỡ Từ Minh [102]Tổ Sư vậy. Ông sao chẳng nghĩ đến của cải của thường trụ nặng như núi hay sao”. Tuy Diễn Tổ nói ra chỉ là những cơ biện tầm thường nhưng ý nghĩa lại rất cao xa sắc bén mà Phật Giám đã giữ lễ của người đệ tử, nên sự ứng đối khoan thai mới đưa đến như thế vậy. Cổ nhân có nói: “Thầy nghiêm thì cái đạo của học vấn sau mới tôn”. Nên con cháu môn đệ của Đông Sơn, xuất hiện nhiều người hiền đức siêu việt, thật là nguồn đã xa mà dòng lại dài vậy”.

Thư của Cảnh Long Học[103]gởi Cao Am[104].

34.– Diễn Tổ[105]thấy một nột tử ai là người có tiết nghĩa, có thể lập thân được, ở trong chốn trượng đường dù họ có nghiêm nghị khuôn phép Tổ cũng không hề ban lời khen thưởng hay sắc mặt yêu thương, mà Tổ chỉ xét đến những kẻ thiên tà xiểm nịnh những chỗ làm hèn mạt không thể dạy bảo được của họ lại tặng lời trìu mến trọng hậu hơn. Người đời đều không thể lường được việc này. Ôi! Đó chính là chỗ thủ xả của Tổ đã sẵn có đường lối vậy.

Cảnh Long Học bạt pháp ngữ.

35.- Diễn Tổ nói[106]: “Cổ nhân thích nghe cái lỗi lầm của mình, mừng chỗ mình đã làm được điều thiện, thường bao dung kẻ hãm hại mình, hậu đãi kẻ ẩn chứa điều ác với mình. Khiêm nhượng để chơi với bạn, siêng năng để giúp đỡ chúng, chẳng lấy chỗ được mất mà sinh hài lòng, nên ánh sáng rực rỡ chiếu khắp cả xưa và nay vậy”.

Thư đáp Linh Nguyên[107].

36.- Diễn Tổ bảo Phật Giám rằng: “Cái yếu của trụ trì, phần cư xử đối với chúng quí ở chỗ đầy đặn, đối với mình cần ở chỗ giản ước, các việc lặt vặt khác đều chớ nên quan tâm. Dùng người cần phải cẩn thận nơi thành thật, lời nói cần phải lựa chọn thận trọng. Lời nói thận trọng thời người chủ tự tôn, xét người thành thật thời tâm của mọi người tự cảm. Tôn thời chẳng phải nghiêm nghị mà chúng phục, cảm thời chẳng cần ra lệnh mà việc thành. Như thế thời tự nhiên kẻ hiền người ngu đều thông suốt trong lòng, kẻ lớn người nhỏ đều phấn khởi hết sức. Còn như việc đem thế lực để duy trì, lấy quát mắng để bức bách, làm cho họ phải tuân theo một cách bất đắc dĩ, nếu đem ví với trên thì xa cách nhau gấp muôn lần vậy”.

Thư gởi cho Phật Giám thấy ở Nhật lục của Thiềm Thị Giả.

37.- Diễn Tổ bảo Quách Công Phụ[108]rằng: “Tính tình của con người bất thường, biến đổi từng ngày. Phật pháp tự cổ lai, tuy có lúc thịnh lúc suy, nhưng cái lý thịnh suy đó, cũng đều do sự giáo hoá gây nên. Xưa kia Giang Tây [109]và Nam Nhạc [110], việc hoằng hoá của các Tổ, thì đem thuần phong để quạt mát, đem thanh tịnh để tiết chế, đem đạo đức để trang bị, đem lễ nghĩa để dạy bảo, khiến cho người học thu thập được phần lợi ích ở chỗ thấy chỗ nghe, mà lấp được tà ác, tuyệt được thị dục, quên được lợi dưỡng. Thế nên, hàng ngày họ gần điều hay xa điều lỗi, đạo được thành tựu, đức được đầy đủ mà không tự biết. Con người đời nay không kịp người đời xưa thật quá xa vậy. Nếu muốn tham cứu đạo mầu này, nên phải bền chí chớ thay đổi, lấy chỗ liễu ngộ làm kỳ hạn, rồi sau những điều hoạ hoạn hay được mất mới đổ tại tạo vật. [111]Nếu điều đó không thể tránh khỏi thì cũng chẳng nên can dự vào phần lo lắng cho đạo chẳng thành mà lại chẳng làm vậy ư? Hễ có một mảy may mối lo sợ manh nha nơi nội tâm, thời chẳng những riêng đời này chẳng liễu ngộ, mà đến ngàn đời vạn kiếp sau cũng không có cái thời cơ thành tựu được”.

Thản Nhiên Am Tập.

38.– Công Phụ từ Đương Đồ[112]qua sông, tới thăm Bạch Vân Đoan Hoà Thượng [113]ở Hải Hội. Bạch Vân hỏi: “Trâu của ông đã thuần chưa ?”. Ông đáp: “Thuần rồi”. Bạch Vân liền quát mắng, ông khoanh tay đứng. Bạch Vân nói: “Thuần rồi, thuần rồi! Việc này cũng giống như Nam Tuyền [114]và Đại Qui [115]không khác”. Rồi tặng bài kệ rằng: “Trâu lại trong núi, đủ nước đủ cỏ, trâu ra khỏi núi, húc đông húc tây”. Lại nói: “Bậc thượng đại nhân [116]dạy ba trăm học trò, khá biết lễ vậy”.

Hành Trạng.

39.- Bạch Vân bảo Công Phụ rằng: Xưa kia Thuý Nham Chân[117]Điểm Hung, say đắm mùi thiền quán, thích đem bàn bạc ngoài đầu lưỡi, chửi mắng mọi người ở các phương, chưa cho người nào là vừa ý mình, mà Đại pháp thật ra chưa được tinh tường, vào một ngày, Kim Loan thị giả [118]thấy vậy mỉm cười và nói: “Sư huynh tham thiền tuy nhiều, mà chẳng liễu ngộ, đúng là si thiền vậy”.

Bạch Vân Dạ Thoại.

40.- Bạch Vân nói: “Sự thịnh suy của đạo đâu phải là lẽ thường, mà đều tại chỗ người hoằng đạo vậy. Nên có câu: “Gìn giữ thời còn, buông bỏ thời mất”[119]. Nhưng không phải đạo bỏ người, mà chỉ vì người bỏ đạo vậy. Người đời xưa ở nơi núi rừng, ẩn dật chốn triều thị, chẳng màng chi danh lợi, chẳng hoặc bởi thanh sắc, tiếng trong sạch mới hay chấn động một thời, cái đẹp mới lưu lại muôn thuở, lẽ đâu người xưa làm được mà người đời nay lại không thể làm được như vậy ư! Đó chỉ là do chỗ giáo hoá chưa chín mùi, chỗ làm đạo không hết sức vậy. Hoặc có kẻ bảo rằng: “Người thời xưa thì thuần phác nên hay giáo hoá, còn người đời nay thì phù bạc nên không thể dạy bảo”. Nói như thế chính là lời cổ hoặc quần chúng thật không đủ tin cậy”.

Thư trả lời Công Phụ.

41.- Bạch Vân bảo Vô Vi Tử[120]rằng: “Nếu nói mà chẳng làm, thà rằng đừng nói, làm mà chẳng nói, thà rằng đừng làm. Phát ngôn phải lo đến hậu quả của nó, làm việc phải xét ở chỗ che đậy của nó. Bởi thế, bậc tiên triết cẩn thận ở lời nói, lựa chọn ở việc làm. Phát ngôn chẳng những để hiển đạo lý, mà còn đem mở bảo cho người học chưa ngộ. Làm việc không phải chỉ để hay riêng cho mình [121], mà còn đem dạy bảo cho người học chưa thành đạt. Vậy nên phát ngôn có pháp tắc, lập hành có lễ nghĩa, nên mỗi khi nói ra chẳng gặp vạ, mỗi khi làm việc chẳng bị nhục. Đã nói ra thời là Kinh, làm việc thời là Pháp. Cho nên nói rằng: “Nói và làm là then chốt của người quân tử, là gốc lớn của việc sửa mình”, động đến trời đất, cảm đến quỉ thần, thật đáng kính vậy”.

Bạch Vân Quảng Lục.

42.- Bạch Vân bảo Diễn Tổ rằng: “Trí năng của bậc thiền, phần nhiều chỉ thấy những việc đã rồi, chẳng hay thấy được việc chưa tới. Chỉ quán định tuệ[122]thì phòng ngừa ở lúc trước của sự việc chưa tới, tác chỉ nhậm diệt [123]thì biết được sau của sự việc đã rồi. Cho nên, chỗ dùng của tác chỉ nhậm diệt thời dễ thấy, chỗ làm của chỉ quán định tụê thời khó biết. Duy cổ nhân có chí ở đạo, đoạn tuyệt mối niệm khi chưa manh nha. Tuy có chỉ quán định tuệ, tác chỉ nhậm diệt, cũng đều là bàn về gốc ngọn vậy. Sở dĩ nói rằng: [124]“Nếu có một mảy may nào nói tới gốc ngọn đều là tự dối mình, đó là chỗ thấy triệt để của cổ nhân chẳng bao giờ tự dối mình vậy”.

Thực Lục.

43.- Bạch Vân nói: “Phần nhiều thấy những nột tử chưa từng trải kịp đến cái kế xa và lớn ta sợ chốn tùng lâm sẽ suy vi từ đây. Dương Kỳ tiên sư thường nói : “Trên dưới muốn lẫn tránh cho an nhàn, đó là mối đại hoạn cho chốn thiền môn”. Ta trước kia ẩn náu ở thư viện Qui Tông, duyệt xem kinh sử, chẳng những chỉ vài trăm lần qua mắt, mà xem đến nỗi kinh sách đó cũ nát tới cùng cực. Nhưng mỗi khi mở quyển tất nhiên lại cùng thu hoạch được nhiều ý mới lạ, như vậy thì sự học chẳng phụ người như thế vậy”.

Bạch Vân Thực Lục.

44.- Bạch Vân lúc đầu ở chùa Thừa Thiên thuộc Cửu Giang, sau dời về chùa Viên Thông, tuổi đời còn rất nhỏ. Khi bấy giờ Hối Đường[125]ở Bảo Phong, bảo Nguyệt Công Hối [126]rằng: “Tân Viên Thông là người thấu triệt được kiến nguyên [127], thực chẳng hổ là pháp tự của Dương Kỳ, chỉ tiếc là ra ứng cơ [128]quá sớm nên chẳng phải là phúc của tùng lâm”. Công Hối, nhân hỏi về nguyên cớ. Hối Đường nói: “Cái mỹ khí của công danh, tạo vật đều tiếc, chẳng để trọn vẹn cho con người, nếu người cố tâm muốn có nó, thì trời tất nhiên sẽ cướp đi”. Cuối cùng Bạch Vân mất ở chùa Hải Hội, thuộc Thư Châu vừa vặn năm mươi sáu tuổi. Người thức giả thường bảo rằng: “Hối Đường chẳng những chỉ biết về thời cơ mà còn biết tới chỗ vi tế nữa, quả thật là một triết nhân vậy”.

Trạm Đường Ký Văn[129].

45.- Hối Đường Tâm Hoà Thượng tham thiền với Nguyệt Công Hối ở Bảo Phong. Công Hối thông hiểu triệt để tông chỉ Kinh Lăng Nghiêm một cách trác tuỵêt vô song. Hối Đường mỗi khi nghe được một câu một chữ, như là người được viên ngọc báu[130]vui mừng khôn xiết. Trong đám nột tử, có người bàn lén việc này, Hối Công nghe biết và nói: “Học chỗ sở trường của người, sửa chỗ sở đoản của ta, ta có nề hà chi vậy”. Anh Thiệu Võ [131]nói: “Sự học đạo của Hối Đường sư huynh, đã được các nột tử chốn tùng lâm lấy làm tông chỉ, thế mà còn lấy chỗ tôn đức tự thắng làm vui, lấy điều chưa thấy nghe làm xấu hổ, khiến cho tùng lâm tự rộng mà lại hẹp ở con người, để có chỗ, làm khuôn phép [132], thì đâu phải là bổ ích nhỏ vậy”.

Linh Nguyên Thập Di.

46.- Hối Đường nói: “Cái yếu của trụ trì là phải đặt kế hoạch xa và lớn, tỉnh lược những công việc gần và nhỏ. Công việc gì chưa quyết đoán được, nên đem thỉnh vấn các bậc lão thành[133]. Nếu vẫn còn ngờ vực, lại tới hỏi ở hàng thức giả. Ví hoặc cũng vẫn chưa hết chỗ quyết nghi, thì cũng chẳng đến nỗi quá tệ vậy. Giả hoặc người chủ, thích buông theo tư tâm, chuyên trách việc thủ xả theo ý muốn của mình, nhất đán gặp mưu kế của kẻ tiểu nhân, tội đó sẽ qui về ai! Cho nên nói: “Mưu lược cần phải có sự tham gia của số đông người, quyết đoán công việc, cần phải ở ý kiến của một người. Mưu lược cần phải sự góp ý ở nhiều người, để xét rõ phần cùng cực của lợi hại, quyết đoán cần phải ở chính mình, mới có thể định rõ điều phải trái trong chốn tùng lâm”.

Thư gởi Thảo Đường[134].

47.- Hối Đường không nhận lời mời phó hội của Qui Sơn. Trần Oánh Trung[135]ở Diên Bình, gởi thư khuyên rằng: “Cổ nhân xưa kia, nếu mỗi khi ngôi trụ trì khuyết chức, thì tuyển người hữu đức để bổ sung. Người nhậm chức vụ này, tất nhiên phải đem cái đạo ấy để giác ngộ cho người ấy, tuyệt nhiên không vì thế lực thanh lợi làm biến đổi. Người học ngày nay chưa thấu tỏ đại đạo, lại đua theo học dị học, trôi và ngả danh tướng, liền bị dao động bởi thanh sắc, kẻ hiền người ngu lẫn lộn, không phân biệt rõ ràng. Chính vì thế nên các bậc lão thành, khi động lòng trắc ẩn [136]thì cần phải lấy đạo để tự nhậm, ngăn cản trăm con sông để xoay chuyển lại những ngọn cuồng ba cũng không khó. Trái lại, nếu lui bước để tìm sự tĩnh mịch, chú trọng chốn an nhàn, lấy việc hay riêng thân mình làm sở thích, thì quả thật chẳng phải nơi tùng lâm kỳ vọng ở ngài vậy”.

Linh Nguyên Thập Di.

48.- Một bữa Hối Đường thấy Hoàng Long[137]có sắc mặt chẳng vui, nhân thế mới hỏi duyên cớ. Hoàng Long nói: “Chưa tìm được người giám thu [138]. Hối Đường bèn tiến cử Cảm Phó Tự [139]. Hoàng Long nói: “Cảm còn thô bạo, sợ bị kẻ tiểu nhân mưu hại”. Hối Đường nói: “Hoá Thị Giả [140]là người liêm cẩn [141]”. Hoàng Long bảo: “Hóa tuy liêm cẩn nhưng lại không bằng Tú Tạng Chủ [142], có lượng mà trung thành”. Linh Nguyên [143]thường hỏi Hối Đường rằng: “Hoàng Long dùng một người giám thu, tại sao lại lo lắng như thế”. Hối Đường nói: “Có nước có nhà ai chẳng lấy việc đó làm gốc, chẳng những Hoàng Long làm như thế, mà các bậc Tiên thánh cũng từng cảnh giới việc này”.

Độn Am Bích Ký.

49.- Hối Đường bảo Chu Cấp Sự[144]Thế Anh rằng: “Ta khi mới nhập đạo, thường mắc cái tính tự thị. [145]Sau khi gặp Hoàng Long Tiên sư, ta mới xét lại những sự việc thông dụng hàng ngày, thì mâu thuẫn với đạo lý quá nhiều, liền tận lực làm việc trong ba năm, chẳng quản ngại khi trời rét dữ hay nắng gắt, cũng vững chí không dời đổi, rồi sau mới được tới chỗ sự lý viên dung, nên bây giờ tất cả những cử động như ho hắng hay chuyển động tay chân cũng đều hợp với ý của Tổ Sư từ Tây Trúc lại [146]”.

Chương Giang Tập.

50.– Chu Thế Anh[147]hỏi Hối Đường rằng: “Người quân tử chẳng may phạm điều lầm lỗi nhỏ, mà có người nghe biết hay thấy thì họ đều chỉ trích không ngớt; kẻ tiểu nhân trọn ngày làm điều ác, mà chẳng hề bị người chỉ trích, đó là cớ sao vậy?”. Hối Đường nói: “Đức của người quân tử ví như ngọc tốt, nếu có vết ở bên trong tất phải hiện ở bên ngoài, nên người ta dễ thấy và cho đó là điềm lạ, không thể không chỉ trích được, còn như kẻ tiểu nhân, căn cứ vào chỗ làm hàng ngày của họ, thì có đầy rẫy điều tội lỗi, làm sao lại có thể dùng lời mà diễn tả được nữa vậy”.

Chương Giang Tập.

51.- Hối Đường nói: [148]“Cái đạo của Thánh nhân, cũng như trời đất nuôi muôn vật, nên đạo không chỗ nào là không đầy đủ. Cái đạo của chúng nhân, ví như sông lớn sông nhỏ, sông Hoài sông Tế, như núi gò suối hang, như côn trùng cây cỏ, đều chỉ hết cái lượng của chúng mà thôi. Chúng đâu có biết, ngoài phạm vi của chúng ra, đạo vẫn bao trùm khắp nơi chốn vậy. Ôi! Đạo há đâu lại có hai ngã vậy ư! Đó chỉ là do chỗ biết có nông sâu, nên mới thành ra có lớn có nhỏ”.

Thư trả lời Trương Vô Tận[149].

52.- Hối Đường nói:[150]“Bỏ lâu không thể thành công mau chóng, điều tệ tích chứa không thể trừ bỏ ngay, chơi bời thong thả không thể mến tiếc lâu dài, tình người chẳng hay thoả đáng tốt đẹp, hoạ hoạn không thể dễ dàng trôi qua. Ôi! Làm bậc thiện tri thức đạt được năm việc này, thời có thể thiệp thế mà không buồn phiền vậy”.

Thư gởi Tường Hoà Thượng.

53.- Hối Đường nói: “Bậc tiên sư khi tiến lúc ngưng, đều trang nghiêm trịnh trọng, người đời thấy thế đều cung kính sợ hãi. Kẻ nột tử, nhân khi có việc xin đi đâu, ngài phần nhiều quở trách không ưng thuận. Nhưng khi nghe thấy xin phép về thăm hỏi cha mẹ già, thì khí sắc vui vẻ của ngài hiện ngay nơi nét mặt, rất vui vẻ mà chấp thuận ngay. Ngài yêu thương người hiếu kính đến như thế”.

Thư gởi Tạ Cảnh Ôn[151].

54.- Hối Đường nói: “Hoàng Long tiên sư, xưa kia cùng với Vân Phong[152]Duyệt Hoà Thượng, ngồi hạ ở Kinh Nam Phượng Lâm. Duyệt là người thích biện luận, có một ngày tạo ra cảnh huyên náo với nột tử. Tiên sư vẫn lặng lẽ xem kinh, coi như mình không hề nghe biết. Sau đó, Duyệt tới đầu án kinh của tiên sư, quắc mắt mà trách rằng: “Ông ở chỗ này học tập cái độ lượng của bậc thiện tri thức vậy ư?”. Tiên sư cúi đầu bái tạ, rồi lại xem kinh như cũ.

Linh Nguyên Thập Di.

55.– Hoàng Long Nam[153]Hoà Thượng nói: “Ta trước kia cùng Vân Duyệt vân du ở Hồ Nam, thấy kẻ nột tử mang lung [154]đi hành cước [155]. Duyệt kinh dị, nhăn mặt chau mày mà mắng rằng: “Vật trong nơi khuê cáp [156]ở chính trong nhà mình mà chẳng chịu bỏ đi, lại phiền luỵ đến phần gánh của người khác, thật quả là quá mệt nhọc vậy”.

Lâm Gian Lục.

56.– Hoàng Long nói[157]: “Trụ trì cần ở chỗ được lòng chúng. Được lòng chúng là ở chỗ thấy tình”. Đức Phật nói: “Tình người làm ruộng phúc cho đời, đạo lý đều từ đó mà sinh ra”. Cho nên, sự bĩ thái của thời, tổn ích của việc, tất nương vào tình người. Tình người có thông tắc, nên bĩ thái phát sinh. Sự việc có hậu bạc, nên tổn ích phải đến. Duy Thánh nhân hay suốt được cái tình của thiên hạ, nên những quẻ riêng biệt trong Kinh Dịch có chia ra. Càn ở dưới Không ở trên thời nói rằng thái [158], Càn ở trên Khôn ở dưới, thời nói rằng bỉ [159]. Theo Tượng truyện của Dịch: Tổn ở trên ích ở dưới, thời nói rằng ích, [160]tổn ở dưới ích ở trên, thời nói rằng tổn. [161]Ôi! Càn là trời, Khôn là đất, trời ở dưới mà đất ở trên, thời ngôi vị đó trái ngược, mà lại bảo đó là thái, là vì lẽ trên dưới giao hoà với nhau vậy. Chủ ở trên mà khách ở dưới, thì nghĩa đó là thuận, mà trái lại bảo đó là bĩ, là vì lẽ trên dưới chẳng giao hoà với nhau vậy. Bởi lẽ trời đất chẳng giao hoà với nhau, nên mọi vật chẳng được sự nuôi nấng, lòng người chẳng giao cảm với nhau, nên muôn việc chẳng hoà, cái nghĩa tổn ích cũng bởi thế mà ra. Ôi! Người ở địa vị trên, thời tự biết mình phải tiết ước, mà phải rộng rãi với kẻ dưới, thì người dưới tất vui vẻ mà cung phụng người trên, há chẳng bảo đó là ích vậy ư! Ở ngôi trên mà khinh miệt kẻ dưới, lại tự mình phóng túng, thời người dưới tất oán mà trái lệnh trên, há chẳng bảo đó là tổn vậy ư! Cho nên trên dưới giao hoà thời thái, chẳng giao hoà thời bĩ. Tự tổn mình thì ích người, tự ích mình thì tổn người. Sự được hay mất của tình người đâu có dễ dàng vậy. Tiên thánh thường ví [162]người là con thuyền, tình là nước, nước hay chở được thuyền, nhưng nước cũng hay lật được thuyền, thuận với nước thời thuyền nổi, trái với nước thời thuyền chìm. Vậy nên, người trụ trì nếu được lòng người thời hưng thịnh, mất lòng người thời suy vi. Được hoàn toàn thì hoàn toàn thịnh, mất hoàn toàn thì hoàn toàn suy. Thế nên, cùng làm điều thiện thì phúc nhiều, cùng làm điều ác thời vạ lắm. Thiện ác cùng một loại, luân chuyển như đầu mối chuỗi hạt châu. Thịnh suy theo pháp tắc tuần hành tỏ rõ như xem mặt trời vậy. Đó là nguyên qui [163]cho đời này qua đời khác phải noi theo”.

Thư gởi cho Hoàng Nghiệt Thắng[164].

57.– Hoàng Long bảo Kinh Công[165]rằng: “Phàm để tâm vào công việc chỗ mình làm, thường cần phải mở rộng con đường thẳng trước mắt, khiến cho hết thảy mọi người đều đi được, đó mới là cách dụng tâm của đại nhân. Bằng như người ta chẳng hay đi được, mà chính ngay cả tự mình cũng không có nơi đặt chân vậy”.

Chương Gia Tập.

58.– Hoàng Long nói[166]: “Ôi! Người ta nói năng lúc lặng thinh, khi cử động lúc an tĩnh, tự mình phải, trên chẳng dối trời, ngoài không dối người, trong chẳng dối lòng, đó mới bảo là được vậy. Tuy nhiên, cũng còn phải nên khuyên răn và thận trọng cả ở chỗ một mình hay nơi vắng kín, quả thật không một mảy may dối trá, như thế mới bảo đó là được vậy”.

Thư đáp Kinh Công.

59.– Hoàng Long nói: “Ôi! Cái chức của Trưởng lão[167]là cái khí cụ của đạo đức, Bậc Tiên thánh kiến tạo tùng lâm, đặt ra kỷ cương, lập ra danh vị, tuyển chọn người nột tử có đạo đức để gánh vác chức đó. Nên chức vụ của Trưởng lão có trách nhiệm là phải thực hành phần đạo đức của mình, chẳng phải chỉ lạm dụng cái tên đó vậy. Từ Minh tiên sư thường nói: “Cùng với người giữ gìn đạo tuy cùng chết già trong nơi gò lạch, nhưng chẳng bằng người hành đạo lãnh chúng chốn tùng lâm”. Há chẳng phải là người khéo giữ cái chức Trưởng lão, thời đạo đức của Phật Tổ còn được tồn tại đó sao”.

Thư gởi Thuý Nham Chân.

60.– Hoàng Long bảo ẩn sĩ Phan Diên Chi[168]rằng: “Cái học của Thánh hiền, không có thể thành tựu ngay được mà cần phải tích luỹ. Cái yếu của tích luỹ, duy ở chỗ chuyên và cần, trừ khử lòng thị hiếu, thực hành không biết mỏi, vậy sau mới mở mang rộng rãi ra, thì có thể hết được cái diệu trong thiên hạ”.

Long Sơn Quảng Lục.

61.– Phan Diên Chi[169]nghe biết Hoàng Long là người đạo pháp nghiêm mật, nhân đến hỏi về yếu lĩnh đó. Hoàng Long nói: “Cha nghiêm thời con kính. Qui huấn ở ngày nay là mô phạm cho ngày sau. Vi như san đất, chỗ cao thì đào cho thấp, chỗ trũng thì lấp cho bằng. Kẻ kia muốn lên núi cao ngàn nhận [170]ta cũng theo họ đi cùng, khốn khổ đến cùng cực ở nơi vực thẳm [171], ta cùng đi tới với họ. Khi tài đã cùng, vọng đã hết, thời kẻ kia tự nghỉ vậy”. Lại nói rằng: “Có nuôi có dưỡng [172], nên vạn vật sở dĩ sinh trưởng ở mùa Xuân mùa Hạ, có sương có tuyết, nên vạn vật thành thục ở mùa Thu mùa Đông”. Ta muốn đừng nói có thể được vậy ư”. [173]

Lâm Gian Lục.

62.– Hoàng Long trong trượng thất có ba lời then chốt gọi là “Tam quan ngữ”.[174]Kẻ nột tử ít người khế hợp được cơ đó, hoặc có thù đối, chỉ nhắm mắt ngồi ngay, không quyết đoán khả phủ được. Diên Chi luôn luôn nghiền ngẫm Quan ngữ đó, Hoàng Long nói: “Người đã qua cửa ải rồi thì vung cánh tay mà đi, nếu còn theo người giữ cửa để hỏi khả phủ [175], thì đó là người chưa thấu được quan ngữ vậy”.

Lâm Gian Lục.

63.– Hoàng Long nói[176]: “Đạo như núi, càng lên lạ càng cao, như đất, càng đi lại càng xa. Người học nông cạn chỉ hết cái sức của họ mà ngưng vậy. Duy người có chí với đạo, mới hay cùng được chỗ cao xa đó. Ngoài ra, thì ai sánh kịp được như thế vậy”.

Ký Văn.

64.– Hoàng Long nói[177]: “Trời đất, mặt trời, mặt trăng ở thời xưa, cũng như trời đất, mặt trời, mặt trăng ở thời nay. Tính tình vạn vật ở thời xưa, cũng như tính tình vạn vật ở thời nay. Trời đất, mặt trời, mặt trăng thì cố định không đổi. Tình tình của muôn vật cũng cố định không biến. Tại sao lại riêng có đạo biến đổi được vậy ư! Đáng buồn cho người chưa đến được đạo, chỉ chán cũ vui mới, bỏ cái này lấy cái kia, cũng giống như người đi về đất Việt, [178]chẳng đi về phía Nam mà đi về phía Bắc, đó bảo là khác người vậy. Như thế, chỉ luống nhọc lòng họ, khổ thân họ, chí của họ càng siêng, nhưng cái đạo đó lại càng xa vậy”.

Độn Am Bích Ký.

65.– Hoàng Long bảo Anh Thiệu Võ rằng: “Chí con người phải qui về một, phải giữ cho bền lâu chớ đổi dời, thì một ngày kia tất biết được chỗ qui thú của diệu đạo. Giả hoặc kẻ đó tâm còn đắm vào tốt xấu, tình còn buông vào tà vậy, thì dẫu có chí khí như cổ nhân, ta sợ trọn đời cũng chẳng được thấy đạo vậy”.

Bích Ký.

66.- Bảo Phong Anh Hoà Thượng nói: “Các bậc lão túc khắp nơi, có những niêm đề, công án[179]để phê phán về lời nói của các bậc tiên giác, đó chẳng qua cũng như người bưng đất đắp núi Thái Sơn, vúc nước tưới bể Đông Hải. Song các ngài há lại cậy vào đó để làm cao sâu vậy ư! Căn cứ vào chí của mình thì đó là ích, nhưng lại chẳng tự biết, đó chẳng phải là thoả đáng vậy”.

Quảng Lục.

67.– Anh Thiệu Võ thường thấy người học buông lung, chẳng sợ nhân quả. Liền than thở hoài và nói: “Đời người[180]như quán trọ, ở thời tuỳ duyên, đi thời mất vậy, chỗ sở đắc của họ có được là bao. Lũ các ngươi chẳng biết liêm sĩ, can phạm danh phận, nhơ nhuốc tôn giáo, đến nỗi như thế. Chỉ người đại trượng phu, là ở chỗ khôi phục hoằng dương cái đạo của Phật Tổ dẫn dụ kẻ hậu lai. Không nên chuyên chú vào lòng ham muốn riêng mình, không kiêng sợ điều gì, gây cái vạ cho một đời, tạo cái ương cho muôn kiếp. Dù có phải chịu cái khổ ở tam đồ [181]địa ngục cũng chưa phải là khổ, mà hướng dưới tấm ca sa [182]mất mất thân người mới thật là khổ vậy”.

Bích Ký.

68.– Anh Thiệu Võ[183]bảo Hối Đường rằng: “Phàm gọi là thiện tri thức, giúp đỡ sự tuyên dương hoằng hoá của Phật Tổ, khiến kẻ nột tử hồi tâm hướng đạo, thay đổi phong tục, cố nhiên không phải là người thiển bạc mà họ có thể hay làm được. Tỷ khưu thời mạt pháp, phần nhiều chẳng tu đạo đức, ít có tiết nghĩa, lại thường chen gót tới lui, van xin sự thương xót, truy cầu thanh lợi trước cửa quyền thế. Nhất đán nghiệp đầy phúc hết, thời trời người chán ghét, gây vết dơ cho chính tông, làm hệ luỵ cho thầy bạn, thật là đáng buồn vậy”. Hối Đường gật đầu.

Linh Nguyên Thập Di.

69.– Anh Thiệu Võ[184]bảo Phan Diên Chi rằng: “Người học giả thời xưa chuyên sửa tâm (gốc), người học giả thời nay lại sửa tích (ngọn). Song tâm với tích thì cách xa nhau một trời một vực vậy”.

70.– Anh Thiệu Võ bảo Chân Tịnh Văn[185]Hoà Thượng rằng: “Vật gì lớn nhanh, tất phải gãy non, công nghiệp chóng thành, tất nhiên dễ hoại. Chẳng suy tính cái kế lâu dài, chỉ gây dựng cái công nghiệp vội thành, đều chẳng phải là chỗ nương vào kế xa và lớn. Ôi! Trời đất thì thiêng liêng rất mực, cũng còn cứ năm năm lại có hai năm nhuận, thì cái công của trời đất mới thành, cái hoá của trời đất mới đủ, huống chi chỗ nhiệm mầu của đại đạo, há lại vội vàng hấp tấp, mà hay thành biện được vậy ư? Điều thiết yếu là chỗ góp công chứa đức. Cho nên nói rằng: “Việc muốn tốc thành thời chẳng đạt, việc làm kỹ lưỡng thời chẳng mất. Sự thành quả của vẻ đẹp là ở nhiều công phu, liến có cái mưu chung thân”. Thánh nhân nói [186]: “Đem lòng tin để giữ, gắng gỏi để làm, đem lòng trung thành để tới, thời việc tuy lớn nhưng tất phải xong”.

Xưa Triết Thị Giả,[187]ngồi thiền thâu đêm không ngủ. Thường lấy cây tròn làm gối, nếu hơi ngủ thời gối chuyển, rồi lại thức dậy, ngồi nguyên như cũ, coi làm thường lệ. Hoặc có người bảo: “Đó là việc dùng tâm thái quá”. Triết đáp: “Ta đối với trí tụê thì duyên phận vốn mong manh, nếu chẳng khắc khổ gắng chí, sợ bị vọng tập lôi kéo. Huống hồ, đời là mộng huyễn không thực, sao được coi đó làm kế lâu dài. Ta trước ở Tương Tây, mục đích thấy người noi theo như thế, nên trong chốn tùng lâm, ai cũng phục cái danh đó, kính cái đức đó mà đều khen”.

Linh Nguyên Thập Di.

71.– Chân Tịnh Văn Hoà Thượng[188]tham thiền ở Hoàng Long đã lâu ngày, lúc đầu, đã nói: “Không xuất hiện trước quần chúng”. Nhưng sau đó đã nhận lời mời của Đỗng Sơn. Trên đường đi qua Tây Sơn, có tới thăm Hương Thành Thuận Hoà Thượng [189]. Thuận nói bỡn rằng: “Gia Cát [190]xưa kia ẩn am gianh, lời mời khẩn khoản xuất núi xanh, tùng hoa lại đượm màu xuân sắc, gốc ở thâm nham vẫn nở cành”. Chân Tịnh bái tạ rồi lui.

Thuận Ngữ Lục.

72.– Chân Tịnh Cử Quảng Đạo Giả[191]trụ trì chùa Ngũ Phong. Dư luận cho rằng, Quảng là người vụng về, không có tài ứng thế. Kịp tới lúc Quảng trụ trì, thì tính tiền để sửa mình, khoan hồng để xét chúng. Chưa bao lâu mà hàng trăm việc đình trệ đều được tiến hành. Kẻ nột tử đi lại tấp nập, náo nhiệt tuyên truyền. Chân Tịnh nghe biết thế và nói: “Người học sao lại khen chê quá dễ dàng vậy”. Ta mỗi khi thấy chốn tùng lâm, có người bàn lén rằng: “Vị Trưởng lão này thì hành đạo an chúng, vị Trưởng lão này chẳng lạm dụng của thường trụ, cùng với chúng cùng chịu cam khổ”. Ôi! Xưng là bậc thiện tri thức, làm chủ một ngôi chùa, hành đạo an chúng, chẳng lạm dụng của thường trụ cùng với chúng cùng chịu cam khổ cố nhiên là việc phải làm, lại còn gì để phải nói hơn nữa. Như kẻ sĩ đại phu làm quan, vì nước an dân, liền nói rằng: “Ta không nhận của hối lộ, chẳng sách nhiễu dân”. Vậy việc không nhận hối lộ, không sách nhiễu dân, đâu phải là ngoài phận sự vậy ư.

Sơn Đường Tiểu Nam[192].

73.– Chân Tịnh ở chùa Qui Tông. Hàng năm có các hoá chủ[193]lại dâng mục lục [194]những đồ vật cúng dường, trong đó có vải lụa rất nhiều. Chân Tịnh thấy thế cau mày mà than rằng: “Đây là tâm huyết của lòng tín, ta hổ thẹn không có đức, đem gì để đền bù xứng đáng”.

Lý Thương Lão[195]Nhật Thiệp Ký.

74.– Chân Tịnh nói: “Tỷ khưu thời mạt pháp[196]ít người có tiết nghĩa. Mỗi khi thấy họ bàn cao luận rộng và tự nói: “Người chẳng ai kịp mình”. Tới khi chịu cái ơn của một bữa ăn, thời họ lại cho cái lúc trước kia khác, nhưng sau lại phụ hoạ theo, trước thì khen đấy rồi sau lại chê đấy. Còn tìm được người, phải thì nói phải, trái thì nói rằng trái, trung chính mà chẳng che đậy quả thật hiếm vậy”.

Bích Ký.

75.– Chân Tịnh nói[197]: “Cái pháp của Tỷ khưu, thụ dụng chẳng nên phong phú và mãn túc. Khi quá phong mãn tất nhiên phải tràn đầy. Cái việc xứng ý chẳng nên đa mưu, nếu đa mưu thì việc hỏng trọn vẹn. Cái gì có thành, tất nhiên có hoại. Ta thấy Hoàng Long tiên sư, ra ứng thế bốn mươi năm, khi nói khi lặng, lúc động lúc tĩnh, chưa từng lấy sắc mặt, đem lễ mạo, hoặc văn tài, để lao lung kẻ nột tử đương thời, mà chỉ đem chỗ thấy biết xác đáng, noi theo chỗ thật, xét theo chỗ chân, để biết nguyên do uỷ khúc của thành bại. Sự thận trọng của ngài như thế, thật là đạt được cái thể tài của cổ nhân, mọi nơi ít có ai sánh bằng, nên ngày nay tới chúng, đều lấy đó làm pháp tắc”.

Nhật Thiệp Ký.

75.– Chân Tịnh ở chùa Bảo Ninh thuộc Kiến Khang. Có Thư Vương[198]cúng trai và thấn vật như lụa là… Nhân hỏi Tăng thị giả: “Đây là vật gì?”. Thị Tăng nói: “Dùng để may ca sa”. Chân Tịnh chỉ vào thấm áo Già Lê [199]mình đang mặc bằng vải thô và nói: “Ta mặc áo tầm thường như thế này, mà cũng chẳng tránh được sự phê phán của người đời, nữa là lại dùng tơ lụa vậy ư”. Ngài liền ra lệnh đưa cho người coi kho đem bán lấy tiền cung chúng. Ngài chẳng chuộng về hình thức phục sức là như thế vậy.

Nhật Thiệp Ký.

77.– Chân Tịnh Bảo Thư Vương rằng:[200]“Chỗ dùng hàng ngày là căn cứ ở sức làm việc, nếu một khi có điều gì trái thời phải ngăn đi bằng được, không nên vì khó dễ mà thay đổi ý chí. Nếu đem việc khó ngày hôm nay mà quay đầu đi chẳng đoái hoài đến, thời sao biết được cái khó ở ngày khác lại chẳng khó hơn ở ngày hôm nay vậy ư”.

Nhật Thiệp Ký.

78.– Chân Tịnh, khi nghe biết có một đạo sĩ nào ở một địa phương thiên hoá[201]thì ngài thương tiếc đến rơi lệ. Lúc đó Trạm Đường làm thị giả, bèn hỏi: “Vạn vật sinh trong khoảng trời đất, một khi hình chất đã thành, thì phải khô chết tàn lụi, tựa hồ như không thể tránh khỏi được, vậy vì lẽ khổ đau gì mà tự ngài phải đau lòng đến thế?”. Chân Tịnh nói: “Sự thưng thịnh của pháp môn, đều nhờ vào người có đức mà hưng thịnh, nay thì đều mất vậy. Sự suy vi của tùng lâm, phải lấy đó làm chiêm nghiệm”.

Nhật Thiệp Ký.

THIỀN LÂM BẢO HUẤN

QUYỂN THỨ NHẤT

HẾT.



[1]Thiền Lâm Bảo Huấn. Thiền Lâm Bảo Huấn, hoặc còn gọi là Thiền Môn Bảo Huấn : Lời dạy quý báu trong rừng thiền.

[2]Đông Ngô. Thuộc địa phương Dương Châu bên Trung Hoa.

[3]Minh Giáo Tung. Pháp tự của Động Sơn Hiểu Thông đời thứ 10 phái Thanh Nguyên cũng có tên là Phật Nhật Khế Cảo, con họ Lý đất Tô Châu, trụ trì chùa Vĩnh An, trước tác các bộ sách : “Thiền Môn Định Tổ Đồ”, “Chính Tông Kỷ” “Phụ Giáo Thiên”… Đời vua Nhân Tôn được ban tên hiệu là Minh Giáơ.

[4]Thất phu. Thất phu và thất phụ chỉ vào người bình dân.

[5]Bá Di, Thúc Tề. Y vào Sử Ký Liệt truyện, Bá Di và Thúc Tề, đều là con vua nước Cô Trúc đời nhà Ân, nhường nhau làm vua, rồi bỏ nước trốn đi. Sau vua Vũ Vương đánh nhà Ân, hai người ra níu cương ngựa lại can. Vua Vũ Vương sau khi được nước, lập thành nhà Chu, hai anh em không thèm ăn gạo của nhà Chu, bỏ vào núi Thú Dương ở ẩn dật ăn rau sau bị chết đói.

[6]Trụ, Kiệt. Y vào Sử Ký thì vua Kiệt là con của Đế Phát cuối đời nhà Hạ ; Trụ là con của Đế Ất cuối đời nhà Thương, đều là hai bạo quân thời xưa.

[7]U, Lệ. Theo Sử Ký Bản Kỷ, U Vương là con của Tuyên Vương đời Chu, gọi là Niết ; Lệ Vương là con của Di Vương cũng ở đời Chu đều là những ông vua hiếu lợi ngu ngốc.

[8]Học để tu tập. Văn lấy ở quẻ Càn trong Kinh Dịch : “Người quân tử học để tu tập, hỏi để biện minh”.

[9]Tính địa. Viết tắt ở chữ bản tính tâm địa.

[10]Cửu Phong Tập. Tập này của Thiều Công soạn (nhưng không phải là định thuyết).

[11]Thái Sử Công. Tên chức quan, chỉ vào Tư Mã Đàm là con của Thái Sử Hỷ.

[12]Mạnh Tử. Người đất Nghiệp thời đại Chiến Quốc tên là Kha, tên chữ là Tử Dư, môn đệ của Tử Tư, tường thuật ý của Trọng Ni, làm ra sách Mạnh Tử gồm 7 thiên đời sau được tôn là Á Thánh, nghĩa là giỏi gần bằng đức Khổng Tử.

[13]Phu Tử. Chỉ vào Ngài Khổng Tử người nước Lỗ thời Chiến Quốc (nhà Chu). Sanh ngày 27 tháng 8 năm thứ 21 đời Chu Linh Vương, mất năm thứ 40 đời Chu Kinh Vương (B.C. 551 - 479) tên là Khưu tên chữ là Trọng Ni, là ông tổ của Nho giáo, làm đến chức quan Đại Tư Khấu ở nước Lỗ, vì bất đắc chí bèn đi chu du các nước trong mười ba năm, nhưng vẫn không đắc dụng, tới năm 68 tuổi Ông lại trở về nước Lỗ, soạn lại Kinh Thi, Kinh Thư, định lại Kinh Lễ, Kinh Nhạc phê bình Kinh Dịch, làm ra Kinh Xuân Thu, học trò có đến ba ngàn người, đời sau được tôn xưng là “Chí Thánh Tiên Sư”.

[14]Chim Chậm. Hình thù giống chim ưng lớn như chim thứu, màu tía và xanh lợt, cổ dài bảy tám tấc, là loài chim rất độc, nếu đem cánh nó khuấy rượu uống thì chết ngay.

[15]Rợ Nhung, Địch. Ngày xưa người Trung Hoa gọi những người chưa khai hoá ở phương Tây là rợ Nhung, gọi những người dã man ở phương Bắc là Địch.

[16]Lễ, Pháp. Gọi tắt ở chữ lễ nghĩa giáo pháp.

[17]Đại Giác Liên Hoà Thượng. Đại Giác Liên Hoà Thượng trụ trì chùa Dục Vương thuộc Minh Châu, pháp tự của ngài Hoài Trừng đời Thanh Nguyên thứ 14.

[18]Thí lợi.Của bố thí. Hàng Tăng thì đem pháp của Đức Phật giảng cho người nghe gọi là pháp thí, trái lại các tín đồ đem đồ vật của cải cúng dường chư Tăng gọi là tài thí, nên gọi là thí lợi.

[19]Chủ sự. Vị Duy Na trong chốn tùng lâm.

[20]Bao Công làm tài phán. Bao công, tên chữ là Hy Nhân làm quan đến chức Ngự sử. Thiên tính nghiêm khắc, có người dân là Lý Giác An sinh con còn nhỏ dại, nhân bị bệnh bèn đem một trăm lạng bạc gửi Trương Huệ Minh rồi Giác An mất. Sau Hụê Minh đem bạc ra trả lại người con của Giác An, nhưng người con không chịu nhận. Một bên bảo vì của gửi nên trả lại. Một bên bảo cha không có của để gửi nên không nhận. Tài phán. Toà án xét hỏi và phán quyết.

[21]Trần lao. Người tại gia. Kinh Lăng Nghiêm nói : “Ô nhiễm gọi là trần, phiền não làm rối loạn gọi là lao”.

[22]Lư Sơn. Núi Lư Sơn ở phía Tây Bắc phủ Nam Khang Trung Quốc.

[23]Viên Thông Nột. Pháp tự của Đổng Sơn Tử Vinh Thiền Sư, trụ trì chùa Viên Thông Giang Châu.

[24]Đại khí. Đồ quí, ví cho người có tài năng hay làm được việc lớn.

[25]Trung chính. Trung nghĩa là làm đúng mức, chính là không thiên lệch.

[26]Nhân Tôn. Vua Nhân Tôn đời nhà Tống.

[27]Sứ giả đem chiếu thư. Dịch ở chữ Ngân đang tiểu sứ trì lục đề xích nhất thư. Ngân đang tiểu sứ tức là chức hoạn quan hầu cận vua. Lục đề xích nhất thư, nghĩa là tờ chiếu viết vào tấm lụa giấy màu xanh dài 1 thước 1 tấc.

[28]Đại già lam. Ngôi chùa kiến trúc rộng rãi quy mô, có đông Tăng chúng cư trụ.

[29]Đại danh. Danh vọng to lớn, tên tuổi lừng lẫy.

[30]Đông Pha. Tức Tô Đông Pha, một văn hào của Trung Quốc.

[31]Khoèo. Bị tật què cả hai chân.

[32]Khuynh đảo. Nghiêng ngữa đổ vỡ.

[33]Bách Trượng Đại Trí. Truyền Đăng Lục quyển 6 chép : “Bách Trượng là pháp tự của Mã Tổ Đạo Nhất tên là Hoài Hải, ở núi Bách Trượng thuộc Hồng Châu, tên hiệu là Đại Trí, soạn bộ “Bách Trượng Thanh Qui” cho Thiền tông.

[34]Qui củ.Qui là cái đồ làm hình tròn; củ là cái khuôn làm hình vuông nên qui củ có nghĩa là luật lệ.

[35]Tượng, Quí. Đức Phật tịch diệt sau 500 năm thì giáo pháp của Ngài thuộc thời Chánh pháp, sau 1000 năm là thời Tượng pháp, sau 10.000 năm là thời Mạt pháp.

[36]An nguy ở đức. Lời của Tấn Đàm Tử ; An nguy đức dã, hưng vong số dã. Đức : người có đức thì chốn tùng lâm an, không có đức thì chốn tùng lâm nguy. Số là thời vận nghĩa là an nguy ở người nhưng vong hưng ở thời vận.

[37]Làm cửa ải, điểm mõ canh. Dịch ở chữ “Trùng môn kích thác thuộc quẻ Lôi Địa Dự trong Kinh Dịch, quẻ này thì Khôn ở dưới, Chấn ở trên. Chấn có tính động, Khôn có tính thuận, hành động mà hoà thuận nên vui vẻ, vậy mới đặt tên là quẻ Dự. Dự có nghĩa là vui vẻ sung sướng. Họ Dương nói : “Sông ngòi và đường cái thông suốt, thời kẻ bạo khách sẽ qua lại dễ dàng, nên phải có kế hoạch để đề phòng. Vậy nên cần phải dự bị trước. Nghĩa là phải làm cửa ải để ngăn họ, phải điểm mõ canh để cảnh cáo họ, khiến họ không có lối tự do xâm nhập. Vì hai hào âm ở trên là tượng trưng cho “trùng môn” một hào dương ở dưới là tượng trưng cho “kích thác”, ba hào âm ở trong là tượng cho “duyệt dự”. Tóm lại nghĩa là có phòng bị thì được vui vẻ.

[38]Bạo khách.Trộm cướp, kẻ hung hăng.

[39]Chung thân lo lắng. Chung thân ưu, thiên Ly Lâu trong sách Mạnh Tử chép : “Quân tử hữu chung thân chi ưu, vô nhất triêu chi hoạn dã”. Nghĩa là người quân tử suốt đời lo lắng làm sao tiến kịp với Thánh hiền, nên không có cái tai hoạ bất ngờ đưa lại.

[40]Nay sở dĩ biết được xưa. Trong tờ Thực Lục Biểu Trạng của Hàn Dũ dâng Thuận Tôn Hoàng Đế có câu : “Kim chi sở dĩ tri cổ, hậu chi sở dĩ tri kim, bất khả khẩu truyền, tất bằng chư sử”. Nghĩa là ngày nay sở dĩ biết được việc xưa kia, sau sở dĩ biết được việc ngày nay, không thể bằng ở khẩu truyền, tất nhiên phải y cứ vào sử sách”.

[41]Lý diệu đạo. Cái chân lý đạo lớn thật nhiệm mầu.

[42]Thánh nhân thường ngụ ở Dịch. Hệ Từ Thượng Truyện trong Kinh Dịch chép : “Thiên tôn, địa ty, càn, khôn định hỹ. Ty cao dĩ trần, quí tiện vị hỹ. Động tĩnh hữu thường, cương nhu đoán hỹ. Phương dĩ loại tụ, vật dĩ quần phân, cát hung sinh hỹ. Tại thiên thành tượng, tại địa thành hình, biến hoá kiến hỹ. Thị cố, cương nhu tương ma, bát quái tương đạng.

Nghĩa là: “Xem trời cao đất thấp mà định được càn khôn, bày rõ được cao thấp, định ngay được quí tiện. Động tĩnh có thói thường, mà phán đoán được cương nhu. Tuỳ mỗi nhóm để họp thành từng loài, tuỳ mỗi vật để chia thành từng nhóm, nhân đó mà sinh ra cát hung. Xem ở trời mà thành ra vô số tượng, xem ở đất mà thấy được vô số hình, nhân thế mà thấy quái hào trong Dịch âm biến ra dương, dương hoá ra âm. Vì thế, cương nhu cùng mài sát lẫn nhau mà thành ra tám quẻ, rồi tám quẻ lại luân chuyển mà thành những quẻ khác.

[43]Trung thổ. Trung Quốc, nước Tàu.

[44]Đệ nhất nghĩa đế. Tiếng Phạn là Paramartha-satya Tàu dịch là Đệ nhất nghĩa đế, hoặc gọi là Chân đế, hay Thánh đế, có nghĩa là chân lý xác thực thứ nhất. Cũng còn gọi là Niết bàn, Chân như, Thật tướng, Trung đạo, Pháp giới…

[45]Tam Hoàng. Ba đời vua xưa kia ở bên Tàu ; Thái Hạo, Viêm Đế và Hoàng Đế.

[46]Ngũ Đế. Năm đời vua xưa kia ở bên Tàu ; Phục Hy, Thần Nông, Hoàng Đế, Đường Nghiêu, Ngu Thuấn.

[47]Tam vương. Nhà Hạ, Ân, Chu.

[48]Cáo, Thệ. Cáo là lời bố cáo hiểu dụ cho dân chúng trong thiên hạ. Thệ là những bài hịch tuyên đọc trước tướng sĩ để răn trước những hình phạt theo quân lệnh.

[49]Cái lý tính mệnh. Thuyết quái truyện trong Dịch chép : “Tích giả Thánh nhân, chi tác Dịch giã, tương dĩ thuận tính mệnh chi lý. Nghĩa là: Thánh nhân sở dĩ làm ra Dịch là chỉ muốn thuận theo cái lý của tính mệnh. Vì lý của tính mệnh có cả Thiên đạo, nhân đạo và địa đạo”.

[50]Thị Lang Tôn Tân Lão. Thị Lang là tên một chức quan, Tôn Tân Lão người đất Cao Bưu.

[51]Khắc kỷ.Chế ngự cái thị hiếu của mình.

[52]Bốn chúng. Tỷ khưu, Tỷ khưu ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di.

[53]Thông Thiền Sư chùa Thạch Môn. Chính là tên Thông Uẩn Thiền Sư trong năm niên hiệu Hàm Bình, trụ trì chùa Thạch Môn, vì có sự tương tranh với quan Thái Thú ở Tương Châu nên bị cái nhục đánh đòn.

[54]Thuấn Lão Phu chùa Thê Hiền. Thuấn Lão Phu vì có tư oán với quan Hoè Đô nên đã bị bức bách phải hoàn tục mất hơn nửa năm trời.

[55]Định nghiệp. Tội nghiệp đã ước định từ trước. Nhưng thực sự, nghiệp là tự mình tạo ra nên mình phải chịu lấy quả báo.

[56]Sơn Dương. Thuộc Sở Châu.

[57]Lữ quán. Quán trọ. Ngày xưa dùng chữ lữ tể. Tể có nghĩa là đi đến và trở về. Ngày nay dùng chữ lữ thay cho chữ tể. Theo chế độ nhà Hán, nơi quán trọ ở các quận, huyện thì gọi là “Xá”, ở chốn kinh đô gọi là “tể”, nay đều gọi là Lữ quán.

[58]Kinh thành. Dịch từ chữ Liễn hạ. Liễn hạ, loại xe riêng cho các vua chúa ngồi, vì thế chữ Liễn hạ là ám chỉ cho chốn kinh thành.

[59]Quyền hành hoá thực. Quyền hành là quả cân để đo lường nặng nhẹ. Hoá thực nghĩa là kinh doanh buôn bán, ý nói làm việc mà biết cân nhắc lựa chọn thì gọi là quyền hành hoá thực.

[60]Một ngày chẳng làm thời một ngày chẳng ăn. Lời răn của Bách Trượng Đại Trí Thiền Sư.

[61]Tháo lý. Giữ gìn tiết tháo trong sạch ở những công việc làm hằng ngày.

[62]Di hiểm nhất chí. Giữ cho bình tĩnh ở trường hợp bình thường cũng như lúc nguy hiểm.

[63]Viễn Lục Công. Chính tên là Pháp Viễn Viên Giám Thiền Sư, người đất Trịnh Châu. Vì trước là con quan đầu huyện Tân Diệp, thông hiểu về việc sử trị dân, nên đời gọi là Viễn Lục Công.

[64]Cùng cần phải bền. Dịch ở chữ cùng tắc ích kiên. Truyện Mã Viện đời Hậu Hán chép : “Trượng phu vi chí, cùng đương ích kiên, lão đương ích tráng.

[65]Tuế hàn. Năm cực rét, Tùng, Trúc, Mai gọi là “Tuế hàn tam hữu”.

[66]Diệp Huyện. Chỉ vào Qui Tỉnh Thiền Sư ở Viện Quảng Giáo thuộc Diệp Huyện.

[67]Sa đọa vào lỗi lầm Dịch ở chữ Y vi, có ý là mưu làm điều thiện thì không thành, rồi lại y vào điều bất thiện mà thành.

[68]Không hợp với đạo lý. Dịch ở chữ Cô tức. Cô tức có nghĩa là đàn bà, tức có nghĩa là trẻ con, ý nói tâm bị lạc vào thủ đoạn cẩu thả thấp hèn không phù hợp với đạo lý. Sách Lễ Ký chép : “Quân tử ái nhân dã dĩ đức, tiểu nhân chi ái nhân dã Cô Tức (thương yêu người bởi nỗi nhường nhịn tạm thời).

[69]Nhạc Thị Giả. Pháp tự của Phù Sơn Viễn Hoà Thượng.

[70]Đoạn này trích trong thiên Cáo Tử sách Mạnh Tử : “Tuy hữu thiên hạ dị sinh chi vật dã, nhất nhật bộc chi thập nhật hàn chi, vị hữu năng sinh giả dã”.

[71]Thủ xả. Viết tắt ở chữ Thủ thiện xả ác.

[72]Ba điểm cần thiết . Dịch ở chữ Tam Yếu, tức là ba điểm cần thiết của việc tu tâm luyện tính. Lời của Tư Mã Quang trong văn sớ dâng Nhân Tôn Hoàng Đế có nói đến ba yếu tố : “Viết nhân, viết minh, viết dũng”. Viễn Công Hoà Thượng mượn lời này để làm ba yếu điểm của ngôi trụ trì.

[73]Tịnh Nhân Trăn Hoà Thượng. Pháp tự của Phù Sơn Viễn Thiền Sư.

[74]Nước với lửa không thể cùng chung một đồ vật. Trích câu của Hàn Phi Tử : “Phù thuỷ thán bất đồng khí nhi cửu, hàn thử bất kiêm thời nhi chí”.

[75]Thuần ý đoan hậu. Lược ở chữ thuần tuý, ý mỹ, đoan nghiêm, đôn hậu.

[76]Cương kỷ. Trật tự và qui luật của thiền gia, hay quốc gia.

[77]Hụê Lực Phương Hoà Thượng. Pháp tự của Phù Sơn Viễn Thiền Sư.

[78]Khiêm cung. Nhún mình xuống thấp mà kính cẩn, nói về đức tính của người nhu hoà.

[79]Hoà kính. Dịch ở chữ Ung túc. Ung có nghĩa là hoà ; Túc có nghĩa là kính.

[80]Thanh Hoa Nghiêm. Tức, Nghĩa Thanh Thiền Sư núi Đầu Tử, pháp tự của Thái Dương Huyền Thiền Sư, con của Thanh xã Lý Thị, vì chỉ nghe kinh Hoa Nghiêm mà thông suốt được nghĩa lý, nên đời gọi là Thanh Hoa Nghiêm.

[81]Đạo Ngô Chân. Tức Ngộ Chân Thiền Sư ở núi Đạo Ngo, pháp tự của Thạch Sương Viên Thiền Sư, phái Nam Nhạc đời thứ 10.

[82]Màu son. Dịch chữ Đan hoạch.

[83]Diễn Thủ Toạ. Tức Ngũ Tổ Pháp Diễn Thiền Sư, pháp tự của Bạch Vân Thủ Đoan Thiền Sư, phái Nam Nhạc đời thứ 13.

[84]Phạm hạnh. Phạm có nghĩa là trong sạch vô dục ; hạnh là nghiệp động tác, chỉ vào giới luật phải giữ gìn.

[85]Trụ trì. Dịch ở chữ “Bả mao cái đầu”.

[86]Phật Giám. Tuệ Cần Phật Giám Thiền Sư, pháp tự của Ngũ Tổ Pháp Diễn.

[87]Sư ông. Chỉ vào Phương Hội Thiền Sư núi Dương Kỳ, pháp tự của Tư Minh Viên Thiền Sư, phái Nam Nhạc đời thứ 10.

[88]Nột tử. Người xuất gia.

[89]Tâm thành. Lời ngạn ngữ nhà Chu : Tâm của quần chúng là bức thành kiên cố.

[90]Sư thừa. Sư đệ truyền thừa, thầy truyền pháp cho đệ tử.

[91]Cách vật. Làm thay đổi sự vật, ý nói con người tài giỏi.

[92]Nam Nhạc Nhượng. Nam Nhạc Hoài Nhượng Thiền Sư, pháp tự của Đại Giám Thiền Sư.

[93]Đại Giám. Lục Tổ Tuệ Năng Đại Giám Thiền Sư, pháp tự của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn Đại Sư.

[94]Mã Tổ. Mã Tổ Đạo Nhất Thiền Sư, pháp tự của Nam Nhạc Nhượng Thiền Sư.

[95]Một chậu nước.Trong kinh nói : “Ngài Át Nan lãnh tụ Phật pháp, như đem nước ở một cái bình truyền sang một đồ khác, không còn một giọt nước thừa, đồ đựng nước tuy khác, nhưng nước vẫn y nguyên không thay đổi”.

[96]Hồng qui. Tức đại pháp.

[97]Đương gia chủng thảo. Lựa chọn người kế vị chốn tùng lâm.

[98]Viên Ngộ. Tức Khắc Cần Phật Quả Thiền Sư, pháp tự của Ngũ Tổ Diễn Thiền Sư.

[99]Hồ hải. Tức ngũ hồ tứ hải, ý nói khắp trong thiên hạ.

[100]Phật Nhãn. Thanh Viễn Phật Nhãn Thiền Sư, pháp tự của Ngũ Tổ Pháp Diễn Thiền Sư.

[101]Sư Ông. Chỉ vào Dương Kỳ Phương Hội Thiền Sư.

[102]Từ Minh. Hiệu là Tây Hà Sư Tử pháp tự của Phần Dương Thiện Chiêu Thiền Sư.

[103]Cảnh Long Học.Cảnh cũng gọi là Nam Trọng, người phủ Khai Phong.

[104]Cao Am. Tức Cao Am Thiện Ngộ Thiền Sư, pháp tự của Phật Nhãn Viễn Thiền Sư.

[105]Đoạn này nói về ý nghĩa tiếp dẫn đồ chúng của các bậc Tông tượng nên ta không thể đem phàm kiến mà lường được.

[106]Đoạn này chỉ rõ nơi nội tâm vị đạo của cổ nhân không bị ngoại cảnh làm thay đổi.

[107]Linh Nguyên . Hoàng Long Linh Nguyên Duy Thanh Thiền Sư, pháp tự của Hoàng Long Tâm Thiền Sư.

[108]Quách Công Phụ. Tên là Đề Hình Quách Tường Chính, tên chữ là Công Phụ, hiệu là Tịnh Không cư sĩ, pháp tự của Bạch Vân Thủ Đoan Thiền Sư.

[109]Giang Tây. Tức Giang Tây Đạo Nhất Thiền Sư, (Mã Tổ), pháp tự của Nam Nhạc Nhượng Thiền Sư.

[110]Nam Nhạc Nhượng Thiền Sư, pháp tự của Lục Tổ Hụê Năng.

[111]Tạo vật. Trạng thái tự nhiên của trời đất.

[112]Đương Đồ. Xưa kia là huyện Đan Dương thời Hán, đến đời Tống đổi là châu Thái Bình.

[113]Bạch Vân. Tức Bạch Vân Thủ Đoan Thiền Sư, pháp tự của Dương Kỳ Phương Hội Thiền Sư phái Nam Nhạc đời thứ 12.

[114]Nam Tuyền. Nam Tuyền Phổ Nguyện Thiền Sư, pháp tự của Đạo Nhất Thiền Sư. Thuận Thế Đệ Nhất Toạ hỏi Tuyền rằng ; “Thầy sau trăm năm sẽ đi về đâu?” Tuyền trả lời : “Con trâu nước dưới núi”.

[115]Đại Qui. Tức Qui Sơn Linh Hựu Thiền Sư, pháp tự của Bách Trượng Thiền Sư, Qui Sơn thượng đường bảo chúng : “Lão Tăng sau trăm năm sẽ hướng về phía chân núi làm con trâu nước” (ý nói tâm đã thuần thục).

[116]Bậc thượng đại nhân. Bậc Thánh nhân đời thượng cổ (tức Khổng Tử), giáo hoá môn đồ, tổng số có ba ngàn.

[117]Thuý Nham Chân Tức Hồng Châu Thuý Nham Khả Chân Thiền Sư, cũng gọi là Chân Điểm Hung, pháp tự của Thạch Sương Viễn Thiền Sư.

[118]Kim Loan thị giả. Tức Tư Phúc Thiện Thiền Sư.

[119]Câu này lấy ở thiên Cáo Tử trong sách Mạnh Tử Khổng Tử viết : “Thao tắc tôn, xả tắc vong, xuất nhập vô thời, mạc tri kỳ hướng”. Nghĩa là : “Giữ gìn thời còn, buông bỏ thời mất, tiến thoái không phải thời, thì chẳng biết được phương hướng đó”.

[120]Vô Vi Tử. Tên là Dương Kiệt, tên chữ là Thứ Công, làm quan Lễ Bộ Ngoại Lang, biệt hiệu là Vô Vi Tử, pháp tự của Thiên Y Hoài Thiền Sư.

[121]Hay riêng cho mình . Dịch ở chữ độc thiện kỳ thân. Thầy Mạnh Tử nói : “Cùng tắc độc thiện kỳ thân, đạt tắc kiêm thiện thiên hạ”. Nghĩa là : “Cùng thì chỉ hay riêng cho mình, đạt thời hay khắp trong thiên hạ”.

[122]Chỉ quán định tuệ . Nương vào nguyên khí về phần thực tướng của thể tính mà nói là chỉ, về phần thường chiếu của bản giác gọi là quán, phần tam muội gọi là định, phần trí tuệ gọi là tụê.

[123]Tác chỉ nhậm diệt . Đó là chỉ về bốn căn bệnh thấy chép trong kinh Viên Giác : “Tác bệnh, nhậm bệnh, chỉ bệnh và diệt bệnh”. Chỗ tu chứng của bậc thiện tri thức cần phải xa lìa căn bệnh này.

[124]Câu này là lời thị chúng của Đức Sơn.

[125]Hối Đường. Hối Đường Bảo Quốc Tổ Tâm Thiền Sư, người đất Nam Hùng, pháp tự của Hoàng Long Nam Thiền Sư.

[126]Nguỵêt Công Hối . Hiểu Nguyệt Thiền Sư, pháp tự của Lang Nha Giác Thiền Sư.

[127]Kiến Nguyên . Kiến tính.

[128]Ứng cơ. Dịch ở chữ dụng, có nghĩa là ra tiếp hoá tế độ cho đời như trụ trì, v.v…

[129]Trạm Đường . Lặc Đàm Văn Chuẩn Thiền Sư, hiệu là Trạm Đường, pháp tự của Thực Phong Văn Thiền Sư.

[130]Ngọc báu. Thứ ngọc quý toàn bích không một tỳ vết.

[131]Anh Thiệu Võ. Tức Hồng Anh Thiền Sư, pháp tự của Hoàng Long Thiền Sư, vì là người của Thiệu Võ Quân, nên gọi là Anh Thiệu Võ.

[132]Khuôn phép. Dịch ở chữ căng thức. Căng nghĩa là kinh, thức là pháp tắc, nghĩa là mô phạm hay khuôn phép.

[133]Lão thành. Bậc tiền bối tuổi cao đức trọng.

[134]Thảo Đường. Tức Thảo Đường Thiện Thanh Thiền Sư, pháp tự của Hối Đường Tâm Thiền Sư.

[135]Trần Oánh Trung. Người đất Sa Hà, châu Nam Kiếm.

[136]Trắc ẩn . Lòng thương mến sâu xa, đó là nguồn của lòng nhân.

[137]Hoàng Long. Hoàng Long Nam Thiền Sư, họ Chương, huý là Hụê Nam, pháp tự của Thạch Sương Viên Thiền Sư.

[138]Giám thu. Người trông nom việc thu nhập.

[139]Cảm Phó Tự. Tức Phúc Nghiêm Từ Cảm Thiền Sư, pháp tự của Hoàng Long.

[140]Hoá Thị Giả. Tức Song Lĩnh Hoá Thiền Sư, pháp tự của Hoàng Long Hối Đường Tâm Thiền Sư.

[141]Liêm cẩn. Ngay thẳng cẩn thận.

[142]Tú Tạng Chủ. Tức Đại Qui Hoài Tú Thiền Sư, pháp tự của Hoàng Long Nam Thiền Sư.

[143]Linh Nguyên . Hoàng Long Linh Nguyên Duy Thanh Thiền Sư, pháp tự của Hoàng Long Tổ Tâm Thiền Sư.

[144]Chu Cấp Sự. Tên là Chu Đình Kiệt, tên chữ là Thế Anh, làm quan đến chức Cấp Sự người đất Vĩnh Phúc, đỗ Tiến Sĩ trong năm Sùng Ninh. Cấp Sự là chức quan Hoàng Môn Thị Lang, coi công việc nội ngoại trong cung vua.

[145]Tự thị. Tự cho mình là phải.

[146]Ý của Tổ Sư từ Tây Trúc lại. Ý nói Phật pháp tức là thế pháp đều nhất trí với nhau.

[147]Đại ý đoạn này là biện minh chỗ không giống nhau giữa quân tử và tiểu nhân.

[148]Đoạn này nói về đại đạo là chí cực của trời đất thì đồng nhất và bao trùm cùng khắp đó đây.

[149]Trương Vô Tận. Tức Trương Thương Anh, tên chữ là Thiên Giác, người đất Tân Trạch thuộc Thục Châu trước tác bộ Hộ Pháp Luận.

[150]Đoạn này chỉ rõ về cách dụng ý xử thế của trụ trì, để biết chỗ đối với đại pháp của cổ nhân.

[151]Tạ Cảnh Ôn. Tên chữ là Sư Trực.

[152]Vân Phong. Nam Nhạc Vân Phong Văn Duyệt Thiền Sư, pháp tự của Đại Ngu Chi Thiền Sư, Phái Nam Nhạc đời thứ 11.

[153]Đại ý trong đoạn này bàn về người học đạo, cần phải phóng hạ vạn duyên.

[154]Lung. Cái lồng hoặc cái đương làm bằng tre, khoác sau lưng để đựng đồ vật.

[155]Hành cước. Đi hành cước, vị Tăng không cần chốn ở nhất định, tự mình đi khắp đó đây để tìm thầy học đạo, hoặc giáo hoá quần chúng.

[156]Khuê cáp. Cái cửa nhỏ, cửa nách, câu này ý nói tự mình hãy còn vọng tưởng chấp trước.

[157]Đại ý đoạn này nói rõ sự tương quan trên và dưới phải giao hoà với nhau thì mọi việc mới nhất trí.

[158]Càn ở dưới khôn ở trên, thời nói rằng thái. Dịch ở câu càn hạ khôn thượng, tắc vị chỉ thái. Đó là nói quẻ Địa Thiên Thái. Quẻ Địa Thiên Thái thì càn ở dưới khôn ở trên, nên gọi là càn hạ khôn thượng. Khôn là địa, càn là thiên, nên tên quẻ đọc là Địa Thiên Thái. Thái có nghĩa là an vui, thông thuận.

[159]Càn ở trên Khôn ở dưới thời nói rằng bĩ. Dịch ở câu càn thượng khôn hạ tắc viết bĩ. Đó là nói về quẻ Thiên Địa Bĩ trong kinh Dịch. Quẻ Thiên Địa Bĩ thì khôn ở dưới càn ở trên. Càn là thiên khôn là địa, nên quẻ đọc bẳng Thiên Địa Bĩ, Bĩ nghĩa là che lắp, cùng quẫn.

[160]Tổn ở trên ích ở dưới thời nói rằng ích. Dịch trong câu “Tổn thượng ích hạ tắc viết ích”. Đó là quẻ Phong Lôi Ích, trong kinh Dịch. Quẻ Phong Lôi Ích thì chấn ở dưới tốn ở trên. Tốn là phong, chấn là lôi, nên tên quẻ đặt là Phong Lôi Ích. Phong là gió, lôi là sấm, gió mạnh thời sấm càng vang, sấm vang thời gió càng dữ, gió sấm hỗ trợ cho nhau nên gọi là ích.

[161]Tổn ở dưới ích ở trên thời nói rằng tổn.Dịch ở câu “Tổn hạ ích thượng tắc viết tổn”. Đó là quẻ Sơn Trạch Tổn, trong kinh Dịch. Quẻ này thì đoài ở dưới cấn ở trên. Cấn là Sơn đoài là trạch, nên tên quẻ đọc là Sơn Trạch Tổn. (sơn là núi, trạch là sông). Tổn có nghĩa là thiệt hại, giảm bớt. Ví như đào đất ở dưới đưa đắp lên trên để làm nền, thời nền hỏng mà tường tháp phải đổ ngay, thế thời tổn dưới ích trên là việc rất nguy hiểm, nên đặt quẻ bằng tổn.

[162]Tiên Thánh thường ví. Sách Gia Ngữ chép : “Ôi ! Vua như là con thuyền, dân như là nước, nước hay chở được thuyền, nhưng nước cũng hay làm cho thuyền lật”.

[163]Nguyên qui. Nguyên qui có nghĩa là con rùa lớn, ngày xưa thường dùng mui rùa để bói việc cát hung. Nguyên qui ở đây có nghĩa là khuôn phép cho muôn đời vậy.

[164]Hoàng Nghiệt Thắng. Hoàng Nghiệt Duy Thắng Thiền Sư, pháp tự Hoàng Long Nam Thiền Sư.

[165]Kinh Công. Tên chữ là Giới Phụ, thường gọi là Vương An Thạch, là quan Trị Sự ở Kinh Châu, pháp tự của Bảo Phong Thiền Sư.

[166]Đại ý đoạn này nói về việc làm của con người dù ở chỗ sáng cũng như chỗ tối, cần phải thân tâm nhất chí.

[167]Trưởng lão. Chức Trưởng lão trong Thiền gia có ba bậc ; 1- Kỳ niên Trưởng lão, vị có nhiều tuổi đời và tuổi hạ, 2- Pháp Trưởng lão, chỉ vào vị có trí tụê đức độ, liễu đạt được pháp tánh, 3- Tác Trưởng lão, chỉ gán cho danh hiệu Trưởng lão mà thôi.

[168]Phan Diên Chi . Tức Cao sĩ Phan Diên Chi, tên chữ Hưng Tự, thường hỏi pháp ở Hoàng Long Nam Thiền Sư.

[169]Đoạn này đại ý nói, sự tiếp chúng của thầy cũng giống với lý phát sinh nuôi dưỡng vạn vật của trời đất không khác.

[170]Nhận. Nhà Chu ấn định bề cao 3 thước ta là một nhận.

[171]Cửu uyên . Dịch là vực thẳm, tức là chỗ nước sâu nhất.

[172]Có nuôi có dưỡng. Dịch câu hú chi ấu chi. Trời lấy khí để nuôi vạn vật gọi là hú, đất lấy hình để dưỡng vạn vật gọi là ấu.

[173]Câu này ý nói : Theo chỗ phát sinh và nuôi dưỡng vạn vật là chỗ buông thả của tự nhiên, nhưng vì căn cơ thấp kém của thời mạt pháp, nên ta phải rủ lòng khắn bó dạy bảo.

[174]Tam quan ngữ. Theo Vân Ngoạ Kỷ Đàm : Hoàng Long Tụê Nham Thiền Sư, lúc bình thời, nếu thấy học đồ tời, tất nhiên, ngài đem ba điểm then chốt là “Sinh duyên” : Duyên nơi sinh, “Phật thủ” : Tay Phật, và “Lữ cước” : Chân lừa, để hỏi. Như Hoàng Long hỏi Long Khánh Nhàn : “Mỗi người đều có cái sinh duyên, vậy sinh duyên của Thượng Toạ ở chốn nào ?”. Nhàn thưa : “Sáng sớm ăn cháo hoa, đến tối lại thấy đói”. Lại ruỗi tay và hỏi : “Tay làm thế nào giống như tay Phật ?”. Nhàn thưa : “Gảy khúc đàn tỳ bà dưới trăng”. Lại ruỗi chân ra và hỏi : “Chân ta sao giống tựa chân lừa ?”. Nhàn thưa : “Cò trắng đứng trên tuyết chẳng cùng màu sắc”. Cứ vấn đáp như thế, nếu mà người học chưa khế ngộ được cơ đó thì dù hơn ba mươi năm trời, hoặc có thù đáp chăng nữa, cũng chỉ nhắm mắt ngồi ngay mà thôi, vẫn chưa quyết đoán được khả phủ. Vì thế nên chốn Tùng lâm thường gọi đó là “Tam quan ngữ của Hoàng Long”.

Bài tụng tụng tổng quát về Tam quan ngữ của Hoàng Long như sau :

Sinh duyên đoạn xứ thân lư cước.

Lư cước thân thời Phật thủ khai.

Vị báo ngũ hồ, tham học giả.

Tam quan nhất nhất thấu tương lai.

Tạm dịch:

Chân lừa khi ruỗi đoạn sinh duyên;

Tay Phật mở ra lúc đó liền.

Tham học những người trong bốn biển;

Phải lo thấu triệt nghĩa tam quan.

[175]Khả phủ. Nên hay không nên, được hay không được.

[176]Đoạn này chỉ rõ chỗ cao xa của người học đạo phải nhất chí chuyên tâm để đạt tới chỗ cùng cực của đạo”.

[177]Đoạn này đại ý nói, đại đạo thì nhất quán, cái lý thì chẳng biến đổi ở cả xưa và nay.

[178]Người đất Việt. Đất Việt, giống người Việt, ngày xưacác vùng Giang, Triết, Mân, Việt bên Tàu, đều là nòi giống Việt, gọi là Bách Việt, như giống Ư Việt thì ở Triết Giang. Mân Việt ở Phúc Kiến, Dương Việt ở Giang Tây, Nam Việt ở Quảng Đông, Lạc Việt ở nước Việt Nam ta.

[179]Niêm đề, công án. Niêm đề có nghĩa là nhắc lấy một đề mục để phê phán cái pháp tắc của cổ nhân, gọi là cổ tắc, nên lại gọi niêm đề là niêm cổ, hay niêm tắc, có nghĩa là lựa chọn những cổ tắc công án trong thiền lâm, để khai phát tâm địa của người học. Công án. Ngụ ý là án độc của Công phủ, dùng ngôn ngữ để kiểm thảo phần sở đắc của pháp. Công là phần chí lý, tức là cái lý công của thiên hạ, án là phần văn chương, ghi chép chỗ chí lý của Thánh hiền. Vậy công án tức là phần ký lục về những sự kiện thương lượng vấn đáp chí lý trong thiền gia, để giúp ích cho người tham thiền biện đạo.

[180]Đời người. Dịch ở chữ lao sinh. Vì lẽ cái hình chở đại ngã nên làm nhọc cho cái ngã sinh ra, nên gọi là lao sinh, cũng giống như nhân sinh.

[181]Tam đồ. Ba địa ngục : Hoả đồ, Đao đồ và Huyết đồ.

[182]Hướng dưới tấm ca sa. Chỉ vào người xuất gia mà không minh được đại sự là điều tối kỵ.

[183]Đoạn này đề cao chỗ tôn quí của chính đạo, và ha trách cái tệ phong của Tỷ khưu.

[184]Đoạn này nói rõ chỗ cách biệt về cách học đạo của người thời xưa và thời nay.

[185]Chân Tịnh Văn. Tức Chân Tịnh Khắc Văn Thiền Sư, pháp tự của Hoàng Long Nam.

[186]Thánh nhân nói . - Đoạn này trích ở Xuân Thu Tả Thị Truyện.

[187]Triết Thị Giả. Chỉ vào Mộ Triết Chân Như Thiền Sư ở Đàm Châu, pháp tự của Thuý Nham Khả Chân Thiền Sư.

[188]Đoạn này đại ý nói về người vân thuỷ tu hành, ẩn dật nơi núi rừng để tu thân tích đức, nhưng khi cảm thấy sự thuận cảnh của nhân thiên, cũng lại xuất hiện để ứng dụng cho đời.

[189]Hương Thành Thuận Hoà Thượng. Thượng Giám Thuận Thiền Sư, pháp tự của Hoàng Long Nam.

[190]Gia Cát. Gia Cát Lượng Khổng Minh, chỉ việc cũ của Gia Cát trong Tam Quốc Chí.

[191]Quảng Đạo Giả. Tức Đoan Châu Cửư Phong Hy Quảng Thiền Sư.

[192]Sơn Đường. Hoàng Long Đường Đạo Chấn Thiền Sư, pháp tự của Thảo Đường Thiện Thanh.

[193]Hoá chủ. Người đàn việt, người đem đồ vật bố thí cúng dường.

[194]Mục lục. Dịch ở chữ sớ, có nghĩa là tờ ghi chép những phẩm vật dâng cúng.

[195]Lý Thương Lão Nhật Thiệp.Nhật Thiệp Quốc Phu, tên là Lý Thương Lão, tham thiền ở Bảo Phong Trạm Đường.

[196]Mạt pháp. Sau khi đức Phật tịch diệt, giáo pháp của ngài chia làm ba thời : Chánh pháp, Tượng pháp và Mạt pháp. Hiện nay thuộc thời Mạt pháp.

[197]Đại ý đoạn này nói rõ sự tôn quí của tri túc và chỗ chí yếu của thực tiễn.

[198]Thư Vương Tức Kinh Công. Vua Tống Huy Tôn tặng Kinh Công làm Thư Vương.

[199]Già Lê. Tức áo Tăng già lê. Vì mỗi vị Tỷ khưu đều có ba tấm ca sa ; Tấm thứ nhất gọi là tám ngũ điều hay gọi là An đà hội, tấm thứ hai gọi là Uất đa la tăng hay tấm thất điều, tấm thứ ba gọi là Tăng già lê, hay tấm cửu điều.

[200]Đoạn này ý nói dù có nương vào hoàn cảnh thuận hay nghịch cũng nên phải bền chí chớ thay đổi.

[201]Thiên hoá. Có nghĩa là dời hoá về một thế giới khác, tức là chết.

---o0o---


Vi tính và trình bày: Thích Đức Tuấn

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
30/01/2021(Xem: 12741)
Đức A Di Đà Như Lai 🌻🌼💐🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌼Bạch Sư Phụ, hôm nay Sư Phụ giảng bài kệ thứ 32 trong Nghi Đảnh Lễ Tam Bảo của Hoà Thượng Thích Trí Thủ, Đức A Di Đà Như Lai. Sư Phụ đã diễn xướng bài kệ nhự sau : Khể thủ tây phương an lạc quốc Tiếp dẫn chúng sanh đại đạo sư Ngã kim phát nguyện nguyện vãng sanh Duy nguyện từ bi ai nhiếp thọ. Nhất tâm đảnh lễ Nam Mô A Di Đà Như Lai.
30/01/2021(Xem: 12127)
Đức Cam Lồ Vương Như Lai 🏵️🌻🌼💐🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌼 Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng giảng: từ 6.45am, Thứ Ba, 22/07/2020 (2/6/Canh Tý) Giải thích Nghi Thức Đảnh Lễ Tam Bảo do Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Thủ (1909-1984) biên soạn và hành trì trong suốt cuộc đời của Ngài. Tín vi đạo nguyên công đức mẫu Trưởng dưỡng nhất thiết chư thiện căn Thoát ly sanh tử xuất mê lưu Trực vãng niết bàn vô thượng đạo. Nhất tâm đảnh lễ Nam Mô Cam Lồ Vương Như Lai. Tín là mẹ công đức, Nuôi lớn các căn lành, Thoát khỏi dòng sinh tử, Chứng nhập đại niết bàn. Một lòng kính lạy đức Cam Lồ Vương Như Lai. (1 lạy) Youtube: Tu Viện Quảng Đức (TT Thích Tâm Phương, TT Thích Nguyên Tạng, Melbourne, Australia)
29/01/2021(Xem: 13237)
Đức Quảng Bác Thân Như Lai 🌼💐🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌼 Nam Mô A Di Đà Phật Kính bạch Sư Phụ Bạch Sư Phụ, hôm nay chúng con được học bài kệ thứ 29 trong Nghi Đảnh Lễ Tam Bảo của Hoà Thượng Thích Trí Thủ, Đức Quảng Bác Thân Như Lai. Sư Phụ đã diễn xướng bài kệ này như sau: Ngũ uẩn giai không thoát nghiệp trần Tùy duyên ứng hiện bách thiên thân Mộng trung ngộ mộng trùng mê mộng Thân ngoại phi thân khước thị thân. Nhất tâm đảnh lễ Nam Mô Quảng bác thân Như Lai. Youtube: Tu Viện Quảng Đức (TT Thích Tâm Phương, TT Thích Nguyên Tạng, Melbourne, Australia)
28/01/2021(Xem: 10696)
Đức Ly Bố Úy Như Lai 🏵️🌻🌼💐🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌼 Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng giảng: từ 6.45am, Chủ Nhật, 19/07/2020 (28/5/Canh Tý) Giải thích Nghi Thức Đảnh Lễ Tam Bảo do Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Thủ (1909-1984) biên soạn và hành trì trong suốt cuộc đời của Ngài. Chuẩn bị livestream: 6.45am 29/ ĐỨC LY BỐ ÚY NHƯ LAI Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng giảng: từ 6.45am, Thứ Hai, 20/07/2020 (30/5/Canh Tý) Giải thích Nghi Thức Đảnh Lễ Tam Bảo do Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Thủ (1909-1984) biên soạn và hành trì trong suốt cuộc đời của Ngài. Huỳnh kim mãn nguyệt tướng Tam giới độc xưng tôn Hàng phục nhất thiết ma Nhơn thiên giai cung thủ. Nhất tâm đảnh lễ Ly Bố Úy Như Lai. Youtube: Tu Viện Quảng Đức (TT Thích Tâm Phương, TT Thích Nguyên Tạng, Melbourne, Australia)
27/01/2021(Xem: 11270)
Đức Bảo Thắng Như Lai 🏵️🌻🌼💐🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌼 Bạch Sư Phụ, hôm nay Sư Phụ giảng bài kệ thứ 27 trong Nghi Đảnh Lễ Tam Bảo của Hòa Thượng Thích Trí Thủ: Mâu ni tịch tịnh quán Thị tắc viễn ly sanh Thị danh vi bất thủ Kim thế hậu thế tịnh. Nhất tâm đảnh lễ Bảo Thắng Như Lai. Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng giảng: từ 6.45am, Thứ Bảy, 18/07/2020 (26/5/Canh Tý) Giải thích Nghi Thức Đảnh Lễ Tam Bảo do Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Thủ (1909-1984) biên soạn và hành trì trong suốt cuộc đời của Ngài. 27/ BẢO THẮNG NHƯ LAI Mâu ni tịch tịnh quán Thị tắc viễn ly sanh Thị danh vi bất thủ Kim thế hậu thế tịnh. Nhất tâm đảnh lễ Nam Mô Bảo Thắng Như Lai. (1 lạy) Youtube: Tu Viện Quảng Đức (TT Thích Tâm Phương, TT Thích Nguyên Tạng, Melbourne, Australia)
27/01/2021(Xem: 14783)
Đức Đa Bảo Như Lai 🌻🌼💮🍂🍁🌾🌱🌿🍃 Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng giảng: từ 6.45am, Thứ Sáu, 17/07/2020 (26/5/Canh Tý) Giải thích Nghi Thức Đảnh Lễ Tam Bảo do Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Thủ (1909-1984) biên soạn và hành trì trong suốt cuộc đời của Ngài. 26/ ĐỨC ĐA BẢO NHƯ LAI Nhất thiết vô niết bàn Vô hữu niết bàn Phật Vô hữu Phật niết bàn Viễn ly giác sở giác Nhược hữu nhược vô hữu Thị nhị tắc câu ly. Nhất tâm đảnh lễ Quá khứ cửu viễn thành Phật Đa Bảo Như Lai. (1 lạy) Youtube: Tu Viện Quảng Đức (TT Thích Tâm Phương, TT Thích Nguyên Tạng, Melbourne, Australia)
26/01/2021(Xem: 19428)
ĐỨC PHẬT LÔ XÁ NA Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng giảng: từ 6.45am, Thứ Tư, 15/07/2020 (25/5/Canh Tý) Giải thích Nghi Thức Đảnh Lễ Tam Bảo do Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Thủ (1909-1984) biên soạn và hành trì trong suốt cuộc đời của Ngài. 24/ĐỨC PHẬT LÔ XÁ NA Phật diện do như tịnh mãn nguyệt Diệc như thiên nhật phóng quang minh Viên quang phổ chiếu ư thập phương Hỷ xả từ bi giai cụ túc. Nhất tâm đảnh lễ Nam Mô Thật Báo Trang Nghiêm Độ Viên Mãn Báo Thân Lô Xá Na Phật. Youtube: Tu Viện Quảng Đức (TT Thích Tâm Phương, TT Thích Nguyên Tạng, Melbourne, Australia)
25/01/2021(Xem: 28804)
Đức Phật Thanh Tịnh Pháp Thân Tỳ Lô Giá Na 🌼💐🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌼 Bạch Sư Phụ, hôm nay chúng con được học bài kệ thứ 23, đảnh lễ Đức Phật Thanh Tịnh Pháp Thân Tỳ Lô Giá Na, trong Nghi Thức Đảnh Lễ Tam Bả Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng giảng: từ 6.45am, Thứ Ba, 14/07/2020 (24/5/Canh Tý) Giải thích Nghi Thức Đảnh Lễ Tam Bảo do Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Thủ (1909-1984) biên soạn và hành trì trong suốt cuộc đời của Ngài. 23/ĐỨC PHẬT PHÁP THÂN TỲ LÔ GIÁ NA Chơn tánh hữu vi không Duyên sanh cố như huyễn Vô vi, vô khởi diệt Bất thật như không hoa. Nhất tâm đảnh lễ Thường tịch quang độ thanh tịnh diệu pháp thân Tỳ Lô Giá Na Phật. Nơi thể tánh chân như, Pháp hữu vi không thật, Duyên sinh, nên như huyễn; Vô vi không sinh diệt, Cũng không phải thật pháp, Như hoa đốm hư không. Một lòng kính lạy đức Phật Tì Lô Giá Na, Pháp Thân thanh tịnh nhiệm mầu, cõi Thường-tịch-quang. (1 lạy) Youtube: Tu Viện Quảng Đức (TT Thích Tâm Phương, TT Thí
25/01/2021(Xem: 10569)
Đức Phật Di Lặc 🌼💐🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌼 Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng giảng: từ 6.45am, Thứ Năm, 16/07/2020 (26/5/Canh Tý) Giải thích Nghi Thức Đảnh Lễ Tam Bảo do Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Thủ (1909-1984) biên soạn và hành trì trong suốt cuộc đời của Ngài. Tăng kỳ quả mãn Bách kiếp nhân viên Nhất sanh bổ xứ Hiện trú Đâu xuất Nhất tâm đảnh lễ Nam Mô Long Hoa giáo chủ đương lai hạ sanh Di Lặc Tôn Phật. Youtube: Tu Viện Quảng Đức (TT Thích Tâm Phương, TT Thích Nguyên Tạng, Melbourne, Australia)
24/01/2021(Xem: 15655)
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni 🌼💐🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌼 ụ, hôm nay chúng con được học bài kệ thứ 22 về Đức Phật Ứng Hoá Thân Thích Ca Mâu Ni trong Nghi Thức Đảnh Lễ Tam Bảo do Trưởng Lão Hoà Thượng Thích Trí Thủ (1909-1984) biên soạn và hành trì trong suốt cuộc đời Ngài. Sư Phụ đã diễn xướng bài kệ về lời dạy của Đức Phật Thích Ca để lại cho đời: Thiện hộ ư khẩu ngôn Tự tịnh kỳ chí ý Thân mạc tác chư ác Thử tam nghiệp đạo tịnh Năng đắc như thị hành Thị đại tiên nhân đạo. Nhất tâm đảnh lễ Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Cư Sĩ Hạnh Cơ dịch Việt: Thân không làm điều ác, Khéo giữ gìn lời nói, Giữ tâm ý thanh tịnh, Cả ba nghiệp trong sạch. Tu tập được như vậy, Đại Tiên trong loài người. Một lòng kính lạy đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni. Sư Phụ tiết lộ ràng bài kệ của Phật Thích Ca và 6 vị Phật quá khứ đều được đưa vào trong Tỳ Kheo Giới Kinh để ôn tụng thọ trì mỗi ngày, đây là những lời dạy tim óc mà quý N
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]