Nam Mô A Di Đà Phật
Kính bạch Sư Phụ
Bạch Sư Phụ, hôm nay chúng con được học về Thiền Sư Phần Dương Thiện Chiêu, Ngài thuộc đời thứ mười sau Lục Tổ Huệ Năng, và là Tổ thứ 6 của Thiền Phái Lâm Tế.
Ngài Thiện Chiêu quê ở Thái Nguyên, mồ côi Cha Mẹ năm lên 14 tuổi, cảm nhận sự vô thường của cuộc đời, nên ngài phát tâm xuất gia tu học. Sau khi thọ giới cụ túc, ngài du phương hành khước và cầu học Phật pháp với 71 vị thiện tri thức trước khi ngài đến tu học với Thiền Sư Tĩnh Niệm Thủ Sơn.
Sư phụ giải thích Thiền Sư được xem như một Thiện Tài đồng tử, nhân vật chính trong phẩm Nhập Pháp Giới thuộc kinh Hoa Nghiêm, ngài Thiện Tài đã đi cầu học với 53 vị thiện hữu tri thức, (về lý, Sp giải thích: con số 53 là 53 địa vị chứng đắc của hành giả từ phàm phu đến Thánh quả, đó là: 10 Tín, 10 Trụ, 10 Hạnh, 10 Hồi Hướng, 10 Địa, Diệu Giác, Đẳng Giác & Phật quả).
Một hôm, Thiền sư Tỉnh Niệm lên tòa. Ngài Thiện Chiêu ra hỏi: “Tổ Sư Bá Trượng cuốn chiếu, ý chỉ thế nào?"
TS Thủ Sơn đáp:- “Áo rồng vừa phất toàn thể hiện”
Ngài Thiện Chiêu hỏi:- “Còn Ý của Ngài thế nào?”
TS Thủ Sơn đáp:- “Chỗ tượng vương đi bặt dấu chồn”
Qua câu nói này, ngài Thiện Chiêu đại ngộ liền đảnh lễ tạ ơn, rồi thưa trình 2 câu thơ:
“Muôn xưa đầm biếc nguyệt trong không,
Ba phen gạn lọc mới được biết”
(vạn cổ bích đàm không giới nguyệt,
Tái tam lao lộc thủy ưng tri).
Sư dừng lại đây hầu hạ thời gian rất lâu.
Sư phụ giải thích: ““Áo rồng vừa phất toàn thể hiện” có nghĩa là Ngài Bá Trượng đã ngộ tánh rồi nên cuốn chiếu giống áo rồng mở ra bày rõ bản lai diện mục (Phật tánh); “Chỗ tượng vương đi bặt dấu chồn” có nghĩa là khi Phật tánh (tượng vương) xuất hiện thì không còn phiền não khổ đau nữa (dấu chồn).
Khi ra giáo hóa, Ngài Thiện Chiêu thượng đường khai thị dạy chúng: " Phàm một câu nói phải đủ ba huyền môn, một huyền môn phải đủ ba yếu. Cổ đức xưa kia đi hành khước, nghe một nhân duyên mà chưa liễu ngộ, thì ăn uống không biết ngon, nằm ngủ chẳng yên, gấp rút giải quyết chớ cho là việc nhỏ”.
Sư phụ giải thích: tam huyền và tam yếu là giáo lý cốt tủy của Thiền Phái Lâm Tế, giúp cho đệ tử vượt thoát chấp trước khổ đau.
Tam huyền là:
1/Thể trung huyền: câu nói nhắm thẳng vào chân tướng của đạo lý. 2/Cú trung huyền: Chỉ cho lời nói chân thực, không hề liên quan đến tình thức phân biệt, tức không câu nê vào ngôn ngữ mà chỉ nhằm tỏ ngộ ý nghĩa sâu kín của lời nói.
3/ Dụng trung huyền): Chỉ cho câu nói vượt ra sự trói buộc của ngữ cú..
Tam yếu:
Yếu thứ nhất: lời nói không có phân biệt tạo tác.
Yếu thứ hai: nhắm thẳng vào Phật tánh
Yếu thứ ba: Dứt bặt ngôn ngữ
Ngài Thiện Chiêu dạy tiếp:" Xét ra các ngài từ trước đến nay đi hành khước, chẳng phải vì du sơn ngoạn thủy, xem những vẻ đẹp của châu phủ, thọ dụng manh áo chén cơm, đều vì tâm thánh chưa thông. Do đó, mà ruổi rong hành khước, quyết trạch chỗ sâu kín, truyền bá phô trương, rộng hỏi các bậc tiên tri, gần gũi những vị cao đức. Bởi vì muốn tiếp nối ngọn đèn Phật tâm, kế thừa chư Tổ làm rạng rỡ hạt giống thánh, để tiếp dẫn kẻ hậu la, tự lợi và lợi tha vậy”.
Sư phụ giải thích trên đây là lời tâm huyết của Ngài dạy chúng xuất gia, nói rõ mục đích, hoài bảo của người tu cố gắng tu học để tiếp tục kế thừa Phật tổ, tiếp dẫn người đời sau, làm lợi ích cho mình và cho người.
Về cuối đời, ngài Lý Hầu sai sứ giả thỉnh Ngài Thiện Chiêu làm trụ trì, nếu không thỉnh được thiền sư thì người sứ sẽ bị giết. Thiền sư tập chúng lo hành lý và hỏi đệ tử ai có thể đi theo ngài được. Có vị đệ tử thứ nhất cho biết là đi theo Sư phụ được 50 dặm, người thứ hai cho biết là đi được 70 dặm, vị thị giả thứ ba cho biết là sư phụ đi đến đâu con theo đến đó.
Trước khi lên đường, ngài Thiện Chiêu cho thị giả dọn cơm, vị thị giả vừa dâng chén cơm, ngài dừng đủa an nhiên thị tịch giữa bửa ăn, ra đi tự tại, vị thị giả đứng hầu bên cạnh cũng nhẹ nhàng thị tịch theo Sư phụ, rất đáng ngưỡng phục.
Sư phụ nhấn mạnh: sự ra đi tự tại của ngài Thiện Chiêu cũng như các vị thiền sư khác vào lúc cuối đời đã đánh tan tất cả những nghi ngờ của nhiều người cho rằng tổ sư thiền không có thật tu và thật chứng.
Cuối buổi giảng, Sư phụ đã diễn ngâm bài thơ tán thán công hạnh Thiền Sư Phần Dương Thiện Chiêu (947-1024) của TS Hư Vân, do HT Minh Cảnh dịch như sau, rất hay:
Khắp nơi rảo bước hỏi minh sư
Nương thiện trở về quyết chẳng từ
Nhẹ phẩy áo rồng bày diện mục
Vừa co vòi tượng lộ huyền hư
Chánh nhân đạo lý càng tin tưởng
Xả bỏ mạng căn hợp ý như
Dừng đũa an nhiên ngồi thị tịch
Đầm xanh tịch lặng đến vô dư.
Kính bạch Sư Phụ, hôm nay chúng con được Sư Phụ ban giảng bài pháp về thiền sư Thiện Chiêu rất đặc thù, từ lúc xuất gia ngài miên mật theo học với 71 vị thiện tri thức, tự tìm cầu học pháp, ngộ đạo rồi ra hoằng pháp, ngài đã 30 năm không ra khỏi cổng chùa. Cuối đời, Ngài thị hiện sự tự tại an nhiên viên tịch ngay giữa bửa ăn, và đặc biệt ngài có người thị giả cũng tịch theo Sư phụ. Quả thật thần thông siêu việt độc nhất vô nhị của vị thiền sư phái Lâm Tế.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Con cung kính và tri ơn Sư Phụ,
Đệ tử Quảng Tịnh Tâm
(Montréal, Canada).
Ba huyền mở đạo Chánh, một câu phá Tà tông.
Thiền Sư Phần Dương Thiện Chiêu bậc kỳ tài nhất thiên hạ,