Nam mô A Di Đà Phật
Kính bạch Sư Phụ
Bạch Sư Phụ, hôm nay chúng con được học bài thứ 195 về Thiền Sư Trí Thường Qui Tông. Ngài thuộc đời thứ 3 sau Lục Tổ Huệ Năng, là đệ tử đắc pháp của Thiền Sư Mã Tổ Đạo Nhất.
Tổ Bồ Đề Đạt Ma có tiên tri rằng:”nhất hoa khai ngũ diệp, kết quả tự nhiên thành", có nghĩa là " Một hoa trổ 5 cánh, kết quả tự nhiên thành
Sư phụ giải thích " Một hoa" là chỉ cho Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma, còn "năm cánh" là 5 vị Tổ kế tiếp theo sau ngài, đó là: Tổ Huệ Khả, Tổ Tăng Xán, Tổ Đạo Tín, Tổ Hoằng Nhẫn và Tổ Huệ Năng. Từ thời của Lục Tổ Huệ Năng trở đi, thiền tông Trung Hoa phát triển mạnh mẽ, có năm cánh thiền trong thời này là, Thiền phái Tào Động, Lâm Tế, Vân Môn, Quy Ngưỡng và Pháp Nhãn.
Thiền Sư Trí Thường là đại đệ tử của Ngài Mã Tổ Đạo Nhất. TS Trí Thường có cuộc đời khiêm tốn, sử liệu không ghi chép về cha mẹ và quê quán của ngài, chỉ biết Ngài là một Thiền Sư lỗi lạc, Ngài trụ trì Chùa Qui Tông, ở Lô Sơn, tỉnh Chiết Giang.
Ngài thường dạy chúng, các Tổ Đức Thiền Sư luôn khiêm hạ, im lặng hành trì, chỉ nói điều cần nói. Tu là tự sửa những bất thiện nghiệp của chính mình, nhìn cách xử thế của một người thì biết có thành tựu trong đường tu hay không.
Một vị Tăng đến hỏi Ngài về huyền chỉ của Phật pháp. Ngài giải thích cái yếu chỉ không thể nói ra được, phải trở lại bản tâm của chính mình để nhận ra.
Vị Tăng cũng không hiểu và hỏi, người hướng tới Phật tâm thì sao?
TS Trí Thường giải thích, khi nghĩ hướng tới là sai là vọng ngoại, phải quay lại chính bên trong chính mình, Phật tâm thường hằng trong sáng bên trong của tất cả chúng sanh vạn loài.
Vị Tăng cũng không hiểu.
TS Trí Thường bảo vị Tăng đi ra, ở đây không có chỗ cho người không hiểu.
Vị Tăng trách sao không mở cửa phương tiện cho chúng con học.
TS Trí Thường khai thị "Quan Âm Diệu Trí lực, hay cứu khổ thế gian ". Sp giải thích là TS Trí Thường vì lòng từ bi đã mở cửa phương tiện, vì ngài nói "Quan Âm Diệu Trí Lực" là tánh nghe thường trực của mỗi chúng sanh, nếu nhận ngay đó là nhận ra Phật tánh của chính bản thân mình, nhưng vị tăng không tiếp nhận được lý mầu này.
Vị Tăng hỏi tiếp : "thế nào là Diệu Trí Quan Âm".
TS Trí Thường gõ lên đỉnh xông trầm 3 tiếng và hỏi có nghe không? Vị Tăng đáp "có nghe".
TS Trí Thường nói sao ta vẫn không nghe. Vị Tăng không hiểu.
Sư phụ giải thích TS Trí Thường bảo là "ta vẫn không nghe" để trắc nghiệm cái thấy của vị tăng, chứ không phải là Ngài không nghe, nhưng vị tăng không vượt qua bài kiểm tra này, nếu vị thấy tánh, vị này sẽ đáp ngay rằng " Thưa Sư phụ, con biết Sư phụ có tánh nghe hằng hữu trước khi sư phụ gõ 3 tiếng lên đỉnh trầm". Có nghĩa tánh nghe của sư phụ vẫn hằng nhiên hiện hữu, mặc dù có tiếng động hay không có tiếng động.
Một hôm, quan Thứ sử Giang Châu là Lý Bột đến hỏi TS Trí Thường rằng "Bạch ngài, trong kinh Phật nói: "hạt cải để trong núi Tu-di", Lý Bột này không nghi. Còn nói: "núi Tu-di để trong hạt cải", phải là lừa dối chăng?
TS Trí Thường gạn hỏi lại: "Người ta đồn rằng Thứ Sử Lý Bột đã hết muôn quyển sách có đúng thế không?"
Thứ sử đáp: "Dạ đúng vậy".
TS Trí Thường hỏi " Vậy muôn quyển sách ông đọc bây giờ để ở đâu ?"
Thứ sử đáp: "để trong này: (lấy tay chỉ vào đầu)
TS Trí Thường đúc kết "cái đầu của ông chỉ bằng trái dừa, làm sao có thể chứa đựng được cả muôn quyển sách ? Vậy có phải ông cũng lừa dối thiên hạ chăng ?
Thứ Sử Lý Bột cúi đầu lặng thinh.
Sư phụ giải thích: Thứ Sử là chức quan trong thời đại nhà Đường, bây giờ tương đương với Quận Trưởng. Tâm rỗng lặng như hư không, không ngằn mé, rỗng lặng, dung thông tất cả không hề chướng ngại, nên tâm có thể dung chứa mọi thứ, ví như 1 hạt cải nhỏ có thể dung chứa cả hòn núi Tu Di cao 80,000 do tuần.
Tông chỉ giáo hoá của Ngài, sự và lý dung thông và dứt bặt qua bài kệ của chính Ngài để lại cho đời:
"Qui Tông sự lý bặt
Mặt trời đứng giữa trưa
Tự tại như sư tử
Chẳng tựa nương nơi vật.
Riêng lên chót bốn núi
Dạo chơi ba đường lớn
Tiếng gầm chim thú rớt
Hầm hừ bọn tà kinh"
Sư Phụ giải thích TS Trí Thường đưa ra tông chỉ của ngài là vượt đối đãi, lý sự tận trừ. Phật tánh xuất hiện, phàm tánh tự biến mất. Tự tại trong sanh tử là vượt lên trên 4 núi sanh già bệnh tử.
Bạch Sư Phụ, hôm nay chúng con được học về TS Trí Thường, cuộc đời Ngài tuy đơn giản lúc sanh ra cũng như lúc tịch diệt, nhưng Ngài để lại bài thơ :”tự tại như tiếng gầm Sư Tử”, khiến cho mọi chim thú "phiền não, vô minh" phải khiếp sợ, làm cho "tà ma ngoại đạo" phiền não nhiễm ô phải bỏ chạy.. chỉ còn lại sự tỉnh giác hằng hữu bên trong của tất cả chúng sanh vạn loài.
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Cung kính và tri ơn,
Đệ tử Quảng Tịnh Tâm,
(Montréal, Canada).
'
Sự Lý Dứt Bặt
(xả ly buông bỏ chẳng nương một vật)
Con kính dâng Thầy bài thơ khi nghe xong pháp thoại sáng nay.
Kính đa tạ Thầy nhờ những lời nhắc nhở của Thầy xuyên suốt các tư liệu
về Tổ Sư Thiền giúp thêm niềm tịnh tín bất động trong con về Phật Pháp
không bao giờ thối chuyển . Kính đa tạ và tri ân Thầy, HH
Ngài Qui Tông Trí Thường tự tại như Sư Tử !
Thượng đường từ bi chỉ Diệu trí lực Quan Âm
Học nhân hội chăng ? Tánh nghe thường trú của Tâm
Ai cầu "huyền chỉ" ... tự thân mình hằng hữu ?
Như hư không núi Tu Di còn chứa đủ !
TỰ TU, TỰ SỬA, TỰ LẬP, TỰ THÀNH
Chẳng nương một vật ....thong dong dạo rừng xanh
Thật xứng danh... trong tám bốn đệ tử Ngài Mã Tổ !
NHẤT VỊ THIỀN ... hiểu được là đại ngộ !
Cổ Đức dụng tâm chẳng đồng với hạng thường
Im lặng hành trì, hiểu biết rộng ...chẳng phô trương
Căn bản, tối hậu cứu cánh phải đạt được Tâm Xả !
Bậc cao thượng, đại trượng phu không chấp pháp, chấp ngã !!!
Nam Mô Bốn.Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Huệ Hương
8/12/2020