Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Niệm Phật Kính

15/09/201120:53(Xem: 2631)
Niệm Phật Kính

Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh

Chư Tôn Bộ 4
Quyển 47 - Số 1966Trang 120
Niệm Phật Kính
(Tấm Gương soi của người Niệm Phật)
Tuyển tập: Đại Sư Đạo Cảnh và Đại Sư Thiện Đạo
Tuyển dịch: Sa môn Thích Hồng Nhơn


Lời Giới Thiệu

Niệm Phật Tam Muội như tấm gương chiếu soi vạn tượng. Tám muôn bốn ngàn pháp môn đều là ảnh tượng, Tam thừa và Ngũ thừa từ đấy mà vào, có thể nói đây là chỗ chí yếu của Hải Tạng, là cửa mầu vào đạo, như gặp mẹ thì biết con, được gốc thì biết ngọn. Muốn lấy lưới, nắm được chóp lưới dở lên là toàn lưới lay động. Cầm cổ áo nhấc lên thì toàn áo đều lên. Vì thế, Kinh Hoa Nghiêm có thí dụ như dùng gân của con sư tử làm dây đàn cầm, một lần đánh lên âm thanh làm lấn áp hết các âm thanh và các dây đờn khác đều bị đứt đoạn.

Gần đây có một số người không niệm Phật A Di Đà lại khuyên Niệm Bồ Tát Quan Âm và trì Đà La Ni và Tu Thiền Định. Đây là một điều lầm lớn, vì ngoài Tây Phương không có Quan Âm Đại Sĩ nào khác. Ở Chín phẩm đến tiếp dẫn tay cầm Liên Đài hình tượng này trong Diệu Quán nói: "Tâm ấy là Phật". Chính vì thế, Bách Trượng Thièn Sư đều khai trương Tịnh Độ, nói Pháp ngữ cho bệnh Tăng, Đại chúng đồng thinh niệm Phật, khi trà tỳ vong Tăng đều theo nghi thức Niệm Phật và nguyện vong Tăng được siêu sinh Tịnh Độ. Về Kinh điển Tịnh Độ từ Hoa Nghiêm đến Niết Bàn đều có nói đến, đây là lời dạy chánh thống của Đức Thế Tôn, người khinh chê pháp môn Tịnh Độ là chê Phật, chê Pháp, chắc tội báo không phải nhỏ.

Pháp môn Tịnh Độ là do lòng Đại bi triệt để của Đức Thế Tôn, vì thương chúng sanh thời mạt pháp, mà nói ra pháp môn ngoài tự lực còn có thêm đại nguyện lực của Đức Phật A Di Đà, nên việc làm nhỏ mà thành công cao, dùng sức ít mà công hiệu chóng. Đây là năng lực hộ niệm không thể nghĩ bàn của Chư Phật, nên được gọi là Pháp khó tin. Kinh Hoa Nghiêm nói: "Lòng tin là gốc của Đạo là mẹ của các công đức, người không có lòng tin, như thuyền không lái, như ngựa không cương trôi dạt lênh đênh không biết đâu là bờ mé." Muốn có lòng tin chắc, phải dứt hết tất cả các nghi. Chính vì thế Đại Sư Thiện Đạo và Đại Sư Đạo Cảnh trước tác quyển Niệm Phật Kính gồm 11 chương nhằm mục đích giải hết các nghi, quét sạch những mê lầm của người niệm Phật. Có thể nói đây là tấm gương soi sáng cho người niệm Phật. Trong ấy dẫn lời Phật dạy mở hết các nghi, như nhà tối nghìn năm, mặt nhật chiếu vào các nơi sáng rực, muôn dặm thủy trình chỉ cần con thuyền là đến bến. Những lời vàng ngọc đọc sẽ hiểu ngay, không cần diễn giảng. Trân trọng xin giới thiệu.

Hồng Nhơn Cẩn Bút.

Dẫn Nhập

Phàm viên thành Chánh Giác, hết bể trí dùng vô phương khắp ứng các cơ. Phá núi mê phải có đường, lời từ diễn khắp, người được nghe đạo chứng tam không, diệu nghĩa đều phân, người vào tín tâm hiểu rõ ràng tám đế. Ra đốn tiệm của 5 thừa, tiếp thánh phàm hai loại. Người biết đạo liền đến nước Thường Lạc, người mê ý chỉ đó vĩnh viễn chìm trong cõi luân hồi. Vì thế, Đức Như Lai tùy theo căn cơ trao cho pháp tu chính yếu, chỉ thẳng Tây Phương, mở pháp môn Cực Lạc hiển bày danh hiệu của A Di Đà Phật. Vì thế, người Trời cùng chiêm ngưỡng, Phàm và Thánh đồng về, vào bến chính của Tịnh Độ, chứng con đường thẳng tắt vào Niết Bàn tánh tịnh. Hành môn của Tịnh độ rất đơn giản mà công đức thậm thâm, từ xưa các bậc danh hiền đều y theo pháp môn Niệm Phật. Đại sư Huệ Trì, Huệ Viễn khi thọ chung báo có nghinh tiếp đầy cả hư không. Đại Sư Đạo Xước, Đạo Trân khi mạng chung nhạc trời đón tiếp về Tây Phương Cực Lạc. Hoặc nam hoặc nữ niệm Phật có thoại ứng không thể kể xiết, hoặc Tăng hoặc Ni niệm Phật Thánh chúng phóng quang tiếp dẫn lớp lớp không cùng. Truyện ký đã ghi rõ ràng, đây không chép. Nay tấm gương soi của người niệm Phật này là chiếu sáng các vấn đề của người Niệm Phật, dứt hết các nghi. Người y theo đây tu hành chắc thoát khỏi khổ luân hồi, so sánh để dứt hết các nghi, dùng thánh giáo để minh chứng, không đâu rõ ràng bằng Kính Niệm Phật. Để người Niệm Phật hiểu rõ, tạm lập 11 chương để giải thích.

Chương Một

Khuyến Tấn Niệm Phật

Phật là Đại Sư của Tam giới, từ phụ của bốn loài, người quy tín đó thì diệt tội hằng sa, người xưng niệm đó thì được phước vô lượng. Phàm muốn niệm Phật, cần phải khởi lòng tin, nếu người không tin thì không thể thu hoạch được, cho nên trong Kinh nói: Lòng tin là bước đầu vào đạo, những hàng trí giả dùng phương chước mầu nhiệm cứu kính, trước hết cũng phải dùng lòng tin rồi sau đó mới vâng làm. Nên Kinh A Di Đà nói: "Nếu có người tin cần phải phát nguyện sanh về quốc độ kia." Đây là lời khuyên tin của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni. Trong Kinh ấy cũng nói: "Các ông cần phải tin đây là lời khen ngợi công đức không thể nghĩ bàn của Chư Phật trong sáu phương đều khuyên tin". Trong Kinh Pháp Hoa cũng nói: "Tùy thuận theo Kinh, năng dùng lòng tin mà được vào". Luận Thập Trụ nói: "Nếu người gieo căn lành có lòng nghi thì hoa không nở, lòng tin thanh tịnh thì hoa liền nở liền được thấy Phật". Thật vậy, người không có lòng tin như bánh xe không có chốt không thể đi xa. Người có lòng tin thì lời nói có lý đúng, lý đúng là đạo thành. Triệu Pháp Sư dạy: Người không có lòng tin không thể truyền. Đại Hạnh Hòa Thượng nói: "Pháp môn niệm Phật không hỏi đạo, tục, nam, nữ, sang, hèn, giàu, nghèo chỉ có đủ lòng tin là có thể vào đạo."

Hỏi: Đã nói về lòng tin, vậy xin hỏi phải tin pháp gì?

Đáp: Người có lòng tin, y theo Kinh nói: Tin niệm Phật được sanh Tịnh Độ, tin niệm Phật chắc được diệt tội, tin niệm Phật chắc được Phật chứng, tin niệm Phật chắc được Phật gia hộ, tin niệm Phật đến khi lâm chung Phật tự đến rước. Tin niệm Phật bất cứ ai có lòng tin đều được vãng sanh, tin niệm Phật vãng sanh Tịnh Độ chắc được 32 tướng tốt, tin niệm Phật vãng sanh Tịnh Độ chắc được ở vị bất thối, tin niệm Phật vãng sanh Tịnh Độ chắc được vui vẻ trang nghiêm, tin niệm Phật vãng sanh Tịnh Độ chắc được sống lâu vô lượng, tin niệm Phật sanh Tịnh Độ cùng các Bồ Tát là bạn lữ, tin sanh về Tịnh Độ liền không rời Phật, tin sanh về Tịnh Độ hoa đài hóa sanh, tin Phật A Di Đà hiện đang thuyết pháp, tin sanh về Tịnh Độ không đọa tam đồ. Sở dĩ dạy Niệm Phật, vì căn cứ vào Quán Kinh, niệm Phật một niệm chắc diệt được trọng tội sanh tử 80 ức kiếp, lại được vi diệu công đức 80 ức kiếp, đây là chỗ sáu phương Chư Phật khuyên tin. Hòa Thượng Đại Hạnh dạy người niệm Phật, tâm chỉ tin Phật, Phật liền biết vì Phật có tha tâm thông, miệng xưng Phật, Phật nghe được vì Phật có thiên nhĩ thông, thân lễ kỉnh Phật, Phật liền thấy được vì Phật có thiên nhãn thông, đây là chỗ khuyên tin niệm Phật của Hòa Thượng Đại Hạnh.

Lòng tin cũng như người gieo hạt cây thật sâu, gốc cây chắc, nên gió thổi không động, cuối cùng có trái tốt giúp người hết đói khát. Người niệm Phật cũng như thế, chỉ cần có lòng tin sâu, được đến Tây Phương, thành Đẳng Chánh Giác, rộng giúp các nguy ách, nếu người không có lòng tin dù vào kho báu cũng chỉ tay không, chẳng được vật gì! Cho nên trong Kinh nói: "Bồ tát Thập Trụ khởi lòng tin niệm Phật, về sau dù gặp duyên ác phải tan thân mất mạng, thà phải chịu chết vẫn không mất lòng tin." Nên Kinh Duy Ma nói: "Tin sâu bền chắc cũng như kim cương, pháp báu chiếu khắp như mưa cam lồ, nên người niệm Phật cần phải tin sâu."

Luận Vô Thượng Thọ nói: Niệm Phật có 5 môn, vì sao gọi là năm? 1- Lễ Bái Môn là thân nghiệp chuyên lễ Phật A Di Đà. 2- Tán Thán Môn là khẩu nghiệp chuyên xưng danh hiệu Phật A Di Đà. 3- Tác Nguyện Môn là chỗ có công đức lễ niệm chỉ muốn cầu sanh về thế giới Cực Lạc. 4- Quán Sát Môn là đi đứng ngồi nằm chỉ quán sát Phật A Di Đà mau sanh Tịnh Độ. 5- Hồi Hướng Môn là chỉ công đức niệm Phật, lễ Phật chỉ nguyện sanh Tịnh Độ, mau thành Vô Thượng Bồ Đề. Đây chính là Pháp môn Niệm Phật chính yếu trong Kinh Vô Lượng Thọ.

Trong Kinh Vô Lượng Thọ cũng nói: "Người niệm Phật có 4 pháp tu hành. Vì sao gọi là 4 pháp tu? 1- Trường Thời Tu là một khi phát tâm niệm Phật liên tục thẳng đến được sanh Tịnh độ thành Phật trọn không lui sụt. 2- Cung Kính Xứ Tu là chính hướng Tây Phương chuyên tưởng không dời đổi. 3- Vô Gián Tu là chỉ chuyên Niệm Phật, không có những tạp thiện khác làm gián đoạn và cũng không có tham sân si tạp ác làm gián đoạn Niệm Phật. 4- Vô Dư Tu là không có thêm các thứ tạp thiện làm gián đoạn niệm Phật. Vì sao? Vì tạp thiện tu hành nhiều kiếp khó thành vì tự lực. Còn người niệm Phật 1 ngày đến 7 ngày liền sanh về Tịnh Độ, ở vị Bất Thối, mau thành vô thượng Bồ Đề, nương theo bản nguyện lực của Phật A Di Đà nên mau được thành tựu, nên gọi là Vô Dư Tu.

Căn cứ vào Quán Kinh khuyên người niệm Phật phẩm Thượng vãng sanh có nói: "Nếu có chúng sanh nào nguyện sanh về nước kia phải phát khởi ba thứ tâm liền được vãng sanh. Vì sao gọi là ba thứ? 1- Chí Thành Tâm: Hành giả thân nghiệp chuyên lễ Phật A Di Đà, khẩu nghiệp chuyên xưng Phật A Di Đà, ý nghiệp chuyên tin Phật A Di Đà cho đến vãng sanh Tịnh Độ thành Phật, không sanh lòng thối chuyển gọi là chí thành tâm. 2- Thâm Tâmlà chân thật khởi lòng tin, chuyên niệm danh hiệu Phật, thề sanh Tịnh Độ, lấy thành Phật làm kỳ, hoàn toàn không còn khởi nghi hoặc nên gọi thâm tâm." 3- Hồi Hướng Phát Nguyện Tâmlà chỗ có công đức lễ niệm chỉ nguyện vãng sanh Tịnh Độ, mau thành vô thượng Bồ Đề nên gọi là hồi hướng Phát Nguyện Tâm. Đây là pháp thượng phẩm vãng sanh.

Kinh Văn Thù Bát Nhã nói: "Không quán tướng mạo, chuyên xưng danh hiệu là thực hành Nhất hạnh Tam muội. Muốn mau được thành Phật cũng nên thực hành nhất hạnh tam muội này. Muốn đủ Nhất Thế Chủng Trí cũng nên thực hành Nhất hạnh Tam muội này. Muốn được thấy Phật cũng nên thực hành nhất hạnh tam muội này. Muốn được sanh Tịnh Độ cũng nên thực hạnh nhất hạnh tam muội này." Đây chính Kinh Văn Thù Bát Nhã chỉ Pháp niệm Phật vãng sanh.

Kinh A Di Đà nói: "Này Xá Lợi Phất! Nếu có thiện nam tử thiện nữ nhơn nào nghe nói Phật A Di Đà rồi gìn giữ danh hiệu hoặc 1 ngày, hoặc 2 ngày cho đến 7 ngày một lòng không loạn, người ấy khi mạng sắp lâm chung, Phật A Di Đà cùng các thánh chúng hiện ra trước người ấy, người ấy khi lâm chung tâm không điên đảo liền được vãng sanh về cõi Cực Lạc của Phật A Di Đà." Đây là Pháp Niệm Phật vãng sanh của Kinh A Di Đà.

Hỏi: Nếu niệm Phật 1 ngày được vãng sanh về Tịnh Độ cần gì đến 7 ngày?

Đáp: Nói một ngày cho đến 7 ngày đều là chỉ thời gian lâm chung vãng sanh tịnh độ, mau thì 1 ngày, chậm thì 7 ngày đây là phương thượng phẩm vãng sanh trong Kinh A Di Đà. Trong Quán Kinh nói: "Hạ Phẩm hạ sanh hoặc có chúng sanh tạo pháp chẳng lành như ngũ nghịch, thập ác, những người ngu này, vì ác nghiệp nên phải đọa vào ác đạo, trải qua nhiếu kiếp chịu khổ vô cùng. Người này khi mạng chung gặp thiện tri thức dạy niệm danh hiệu Phật A Di Đà mười niệm trừ tội được vãng sanh. Đây là pháp vãng sanh của người bậc hạ hạ. Kinh Vô Lượng Thọ nói cho đến một niệm liền được vãng sanh Tịnh độ. Đây là Pháp vãng sanh của Bậc Hạ.

Hỏi: Như vậy là 1 niệm đến mười niệm là Bậc Hạ, còn 1 ngày đến 7 ngày là Bậc Thượng phẩm phải không?

Đáp: Phải. Một niệm đến 10 niệm là số niệm ít nên công đức cũng ít, nên sanh về Hạ Phẩm. Một ngày đến 7 ngày số niệm nhiều công đức cũng nhiều, nên sanh về Thượng Phẩm. Lại nữa, 1 niệm đến 10 niệm là chỉ người phát tâm trể, 1 ngày đến 7 ngày là chỉ người phát tâm sớm. Dù vậy, một niệm đến 10 niệm, một ngày đến 10 ngày được vãng sanh về Tịnh Độ, đồng ở vị bất thối, thẳng đến Vô Thượng Bồ Đề.

Lại nữa, người niệm Phật như tiếng khóc của con, cha mẹ nghe rồi liền mau đến cứu, đói thì cho ăn, lạnh thì cho áo ấm, đây là năng lực của cha mẹ chớ sức trẻ con không thể làm được. Người niệm Phật lại cũng như thế, chỉ cần niệm Phật, Đức Phật là Đấng Đại Bi, nghe tiếng liền đến cứu, chỗ có tội nghiệp Phật giúp diệt tội, chỗ có bệnh hoạn Phật giúp cho lành, chỗ có các chướng, Phật đều dẹp phá, cũng như cha mẹ nuôi con vậy. Kinh Pháp Hoa nói: "Tất cả chúng sanh đều là con ta, ta là cha các ông, các ông nhiều kiếp chịu khổ sở thiêu đốt, ta đều dẹp hết, dẫn ra khỏi ba cõi." Người tu theo đạo Phật phải cần niệm Phật. Kinh Duy Ma nói: "Muốn trừ phiền não phải có chánh niệm". Niệm Phật là chánh niệm hiện tiền.

Chương Hai

Tự Lực và Tha Lực

Hỏi:Trong luận nói: Các pháp Phật nói ra số nhiều vô lượng, xin hỏi pháp nào là tự lực, pháp nào là tha lực?

Đáp: Đức Như Lai nói có đến 8 muôn 4 ngàn pháp môn, chỉ có một pháp môn Niệm Phật là tha lực, còn tất cả các pháp môn khác nói chung là tự lực.

Hỏi: Theo Kinh giáo thì tu tự lực bao lâu được thành? Tu tha lực bao lâu được thành?

Đáp: Căn cứ vào Kinh Phật người tu tự lực từ khi mới phát tâm phải trải qua một Đại A Tăng kỳ kiếp mới đến Sơ địa. Và trải qua một Đại A Tăng kỳ kiếp mới là Bồ Tát Bát địa. Tiến lên một Đại A Tăng kỳ kiếp mới đến Bồ tát Đẳng giác, đó là đường tu và thời gian của người thực hành tự lực.

Tha lực căn cứ vào pháp môn niệm Phật, Kinh A Di Đà nói: "Mau thì 1 ngày, chậm thì 7 ngày, niệm Phật A Di Đà, vãng sanh về Tịnh độ là Bồ tát Bát địa." Vì sao? Vì thừa bổn nguyện lực của Phật A Di Đà mà có được. Kinh A Di Đà cũng nói: "Chúng sanh nào sanh về Cực Lạc đều ở vị bất thối chuyển". Vị bất thối chuyển này chỉ có Bồ Tát Bát Địa mới có được.

Hỏi: Trạng thái người tu tự lực và tha lực thế nào?

Đáp: Xin đem một thí dụ để biện minh. Người tu tự lực như một đứa trẻ được phong quan chức phải lên kinh đô nhận lãnh, muốn đến kinh đô phải trải qua con đường ngàn dậm mà đứa trẻ chỉ mới ba tuổi, nếu đứa trẻ tự mình đi lên kinh thì không thể nào đến được, vì tuổi quá nhỏ và yếu đuối. Các pháp môn chuyên tu tự lực lại cũng như thế, vì pháp môn này phải tu nhiều kiếp mới thành, cũng như đứa trẻ tự mình đến kinh đô không làm sao đến nơi được, nếu tự dùng sức mình để đi đến.

Người tu pháp môn tha lực cũng như đứa trẻ tuy nhỏ tuổi nhưng theo cha mẹ và sức chuyên chở của xe ngựa voi, nên không lâu đến kinh đô để nhận chức quan. Vì sao? Vì đứa trẻ này nương theo tha lực mà được. Người tu niệm Phật cũng như vậy, khi sắp lâm chung nương theo nguyện lực của Phật A Di Đà, trong một niệm sanh về Tây Phương Tịnh độ, được ở vị bất thối. Như cha mẹ đem xe voi ngựa đến chở đứa trẻ con, chẳng bao lâu đến kinh đô nhận được quan chức.

Người tu pháp tự lực như người nghèo đến làm công cho một người nghèo dùng sức rất nhiều mà được tiền rất ít. Các pháp môn tu tự lực lại cũng như thế, dùng sức rất nhiều mà công đức rất ít. Người tu tha lực như người nghèo đến giúp việc cho một vị vương gia giàu có, làm việc rất ít mà được tiền rất nhiều. Vì sao? Vì nhờ vào sự giàu có của vương gia mà trả tiền rất khá. Người niệm Phật cũng vậy, vì nhờ vào nguyện lực của Phật, nên dụng công rất ít mà công đức rất nhiều, chỉ cần 1 ngày đến 7 ngày chuyên tâm niệm Phật, mau được sanh về Tịnh độ, liền chứng quả Vô thượng Bồ Đề, giống như người làm việc cho nhà vua vậy.

Tha lực như con chim nhỏ muốn lên đỉnh núi Tu Di, nương nhờ vào cánh Đại Bàng, không bao lâu đã đến đỉnh núi được nhiều khoái lạc. Phàm phu niệm Phật lại cũng như thế, nương theo nguyện lực của Phật mà mau sanh về Tịnh Độ Tây Phương, thọ các khoái lạc. Các phương pháp tu tự lực như con chim nhỏ tự lực bay lên đỉnh núi, dù cố gắng sức trọn không thể đến được.

Người tu tự lực như sức của con tôm muốn dạo khắp đại dương thật không thể thành công, người tu tha lực như con tôm nhờ con rồng lớn mang đi chẳng bao lâu đi khắp đại hải. Người tu tha lực nhờ niệm Phật mà chúng sanh đều mau đến Tịnh độ Tây Phương. Người tu tự lực như phàm phu muốn đi quanh Tứ Bộ Châu dùng chân từng bước tiến lên dù trải qua nhiều kiếp cũng khó đến, người tu tha lực như nương theo chuyển luân thánh vương bay trên hư không, chẳng mấy chốc mà vượt qua Tứ Bộ Châu dễ dàng là nhờ vào năng lực của chuyển luân thánh vương. Người tu tha lực nương theo nguyện lực của Phật, chỉ trong một niệm liền được vãng sanh Tây Phương, chứng địa vị bất thối. Người tu tự lực như người đi trên bộ, vất vả gian lao mà khó đến. Người tu tha lực như đi trên thuyền gặp nước xuôi gió thuận, khoẻ thân mà mau đến. Người tu niệm Phật cầu vãng sanh cũng thế, dùng công ít mà mau chứng Bồ đề. Pháp môn niệm Phật ứng theo sức bổn nguyện của Phật A Di Đà nên mau chóng thành Phật, vượt hẳn các pháp môn tự lực gắp trăm ngàn vạn bội.

Chương Ba

Niệm Phật được lợi ích

Hỏi: Niệm Phật vãng sanh Tịnh độ được bao nhiêu lợi ích?

Đáp: Căn cứ vào Thiện Đạo Xà Lê Tập nói: "Pháp niệm Phật có 23 thứ lợi ích:

1- Diệt tội chướng nặng.

2- Ánh sáng nhiếp thọ.

3- Đại Sư hộ niệm.

4- Bồ Tát thầm gia hộ.

5- Chư Phật bảo hộ.

6- Tám bộ hộ vệ.

7- Công đức chứa nhóm.

8- Nghe nhiều trí huệ.

9- Không thối vị Bồ Đề.

10- Gặp đấng Đại hùng.

11- Cảm Phật đến rước.

12- Ánh sáng từ bi chạm thân.

13- Bạn thánh đồng khen.

14- Bạn thánh đồng tiếp.

15- Thần thông đi trên không.

16- Sắc thân thù thắng.

17- Sống lâu nhiều kiếp.

18- Được sanh về cõi thù thắng.

19- Mặt thấy Thánh chúng.

20- Thường nghe diệu pháp.

21- Chứng vô sanh pháp nhẫn.

22- Cúng dường 10 phương.

23- Trở về bổn quốc được Đà La Ni.

Hòa thượng Đại Hạnh nói niệm Phật có 10 thứ lợi ích:

1- Nương Phật lực.

2- Pháp dễ làm.

3- Công đức tối đa.

4- Mình người rất vui.

5- Mau được gặp Phật.

6- Chắc được bất thối.

7- Chắc được vãng sanh Cực Lạc.

8- Liền không rời Phật.

9- Thọ mạng dài lâu.

10- Cùng các bậc Thánh không khác.

Các kinh niệm Phật vãng sanh nói có 30 thứ lợi ích:

1- Diệt trừ các tội.

2- Công đức vô biên.

3- Được pháp thù thắng Chư Phật.

4- Chư Phật đồng chứng minh.

5- Chư Phật đồng hộ niệm.

6- Mười Phương Chư Phật đồng khuyên tin niệm.

7- Nếu có họa hoạn niệm Phật liền trừ.

8- Khi lâm chung lòng không điên đảo.

9- Niệm Phật một Pháp nhiếp nhiều Pháp.

10- Khi mạng chung Phật tự đến rước.

11- Dùng ít công đức mau sanh Tịnh độ.

12- Hóa sanh trong đài hoa.

13- Thân màu vàng ròng.

14- Thọ mạng dài lâu.

15- Sống lâu không chết.

16- Thân có ánh sáng.

17- Đủ 32 tướng.

18- Được 6 thứ thần thông.

19- Được vô sanh Pháp nhẫn.

20- Thường thấy Chư Phật.

21- Cùng với Bồ tát làm bạn.

22- Hương hoa, âm nhạc sáu thời cúng dường.

23- Cơm áo tự nhiên nhiều kiếp không hết.

24- Mặc dù tự do tiến đạo thẳng đến Bồ Đề.

25- Thường tươi trẻ không có tướng già.

26- Thường được khỏe mạnh không có bệnh tật.

27- Không bị đọa ba ác đạo.

28- Thọ sanh tự tại.

29- Ngày đêm sáu thời thường nghe Diệu Pháp.

30- Ở địa vị Bất Thối.

Kinh Niết Bàn nói: "Có năm trăm kẻ trộm cướp, trộm cướp các nơi. Vua Ba Tư Nặc bắt được truyền lệnh khoét mắt, chặt hết tay chân, đem liệng ngoài đồng. Trong số 500 người này có một người hướng theo Phật, nghe nói niệm Phật có thể cứu người khổ nạn, bèn kêu gọi những người đồng bọn hết lòng niệm Phật. Lúc bấy giờ các người giặc cướp đồng tâm phát nguyện niệm Phật. Họ chí tâm niệm Phật hoàn toàn hết khổ. Do đó biết rằng niệm Phật lợi ích không thể nghĩ bàn.

Kinh Nguyệt Đăng Tam Muội nói: "Chẳng phải có thân bệnh được bình phục mà tất cả bịnh khổ đau nhức, nếu chuyên tâm niệm Phật thì bịnh khổ đều tiêu trừ. Nếu bị bệnh nặng sắp chết, đau nhức bức bách không thể trị được, niệm Phật tam muội tất cả bệnh khổ đều được tiêu trừ. Nên Hòa Thượng Đại Nhật và Hòa Thượng Thiện Đạo nói: "Người bị bệnh tật niệm Phật liền được tự trừ." Năng lực niệm Phật vô cùng to lớn, người bị bệnh khổ niệm Phật đều được lành không thể kể xiết. Gần đây có số người niệm Phật cảm được Xá lợi. Một số hạt Xá lợi vẫn còn giữ để cúng dường. Nên biết Niệm Phật lợi ích không thể nghĩ bàn.

Chương Bốn

Đã được vãng sanh nhiều ít.

Hỏi: Kinh A Di Đà nói: "Hoặc đã sanh, hoặc hiện sanh, hoặc sẽ sanh, ở trước khuyên niệm Phật vãng sanh, không biết hiện nay đã vãng sanh nhiều ít?

Đáp: Căn cứ vào kinh Tịnh Độ nói: "Ở thế giới Ta Bà đã có 67 ức Bồ Tát Bất Thối, niệm Phật A Di Đà, vãng sanh các quốc độ khác lại cũng như thế. Những người vãng sanh này nhiều vô lượng vô biên”. Kinh Hoa Nghiêm nói: "Tỳ kheo Đức Vân niệm Phật A Di Đà vãng sanh Tịnh Độ." Kinh A Di Đà nói: "A Nan và Xá Lợi Phật, các Tỳ kheo trong hội, nghe Phật nói hoan hỉ tin nhận vâng làm liền được vãng sanh." Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói: "Bà Vi Đề Hy cùng 500 thị nữ niệm Phật A Di Đà được vãng sanh về Tịnh Độ." Chẳng phải chỉ có Bồ tát, Thanh văn vãng sanh, mà gần đây ở Bắc đô và Tây đô (Trung Quốc) có Thiền Sư Đạo Xước, Luật sư Thiện Đạo, Pháp sư Hoài Cảnh, Hòa Thượng Đại Hạnh và có hơn một trăm vị Tăng ở Pháp hội, niệm Phật A Di Đà nguyện vãng sanh Tịnh Độ. Chẳng phải chỉ có Tăng vãng sanh, mà Ni sư, bạch y nam nữ niệm Phật A Di Đà, khi lâm chung được thoại ứng vãng sanh Tịnh độ nhiều không thể kể xiết, ở Thánh Hiền Lục và Vãng Sanh Truyện có ghi rõ. Như thế, pháp môn Niệm Phật là pháp môn Chư Bồ Tát, Nhị thừa, phàm phu Tăng Tục nam nữ cùng nhau thực hành vãng sanh Cực Lạc.

Chương Năm

So lường công đức niệm Phật.

Hỏi:Kinh A Di Đà nói: "Không thể dùng ít căn lành, Phước đức, nhơn duyên được sanh về nước kia." Không biết cái nào ít căn lành và cái nào nhiều căn lành?

Đáp:Đức Như Lai thuyết pháp nói ra 8 muôn bốn ngàn pháp môn. Trong tất cả pháp môn đều tu tạp thiện nên ít thiện căn, chỉ có một pháp môn niệm Phật là nhiều thiện căn, nhiều phước đức. Vì sao được biết? Căn cứ vào Quán Kinh nói: "Người thuộc hạ phẩm hạ sanh, chỉ cần 10 niệm thành tựu liền sanh Tịnh độ. Một tiếng niệm Phật diệt được tội trọng 80 ức kiếp sanh tử, được 80 ức kiếp vi diệu công đức, nên biết Pháp môn niệm Phật có nhiều thiện căn. Lại nữa, người tu theo các phương pháp tạp thiện, tự mình tu hành phải trải qua nhiều kiếp mới thành, còn niệm Phật tu hành, nương theo bổn nguyện lực của Phật A Di Đà, nên mau thì 1 ngày, chậm thì 7 ngày, liền sanh về cõi Tịnh Độ, ở vị Bất thối, nên kinh A Di Đà nói: "Nếu có thiện nam tử thiện nữ nhơn nào, nghe nói Phật A Di Đà, rồi gìn giữ danh hiệu hoặc 1 ngày, 2 ngày cho đến 7 ngày, một lòng không loạn, người ấy khi mạng chung, Phật A Di Đà cùng các Thánh chúng, hiện trước người ấy, người ấy khi mạng chung lòng không điên đảo, vãng sanh về quốc độ Cực Lạc của Phật A Di Đà." Nên biết pháp Niệm Phật là nhiền căn lành, nhiều phước đức.

Hỏi: Niệm Phật một câu có thể diệt được tội sanh tử 80 ức kiếp, không biết bao nhiêu thời gian là 1 kiếp?

Đáp: Một kiếp không thể đếm bằng thời gian mà biết được, căn cứ vào Kinh giáo nói: "Có một cục đá vuông vức 40 dặm, ở cõi trời Đao Lợi có thiên y nhẹ chừng 3 thù (gram), lấy thiên y này mỗi năm đập vào cục đá, đập đến khi nào cục đá đó tan thành bụi gọi là 1 đại kiếp. Có người tạo nhiều tội nghiệp, hoặc sát, đạo, dâm, vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu, tham, sân, tà kiến, ngũ nghịch, bất hiếu, bài báng đại thừa. Tất cả ác nghiệp đã tạo ấy phải đọa vào địa ngục 80 ức kiếp. Nếu người niệm 1 câu Phật thì tội đọa địa ngục 80 ức kiếp đó liền bị tiêu diệt, lại được 80 ức kiếp vi diệu công đức. Nên biết pháp môn niệm Phật là nhiều căn lành nhiều phước đức.

Nếu tính về số kiếp thì 10,000 kiếp thành 1 muôn kiếp, 10 muôn kiếp thành 1 ức kiếp, từ 10 ức kiếp đến 80 ức kiếp công đức. Có người một ngày niệm 10 muôn câu A Di Đà Phật. Có người một ngày niệm được hai mươi muôn câu. Căn cứ vào Kinh A Di Đà niệm liên tục từ 1 ngày đến 7 ngày công đức vô lượng vô biên, nhờ nhiều công đức nên được vãng sanh về Tịnh Độ. Được về Tịnh độ là thành Bồ tát Bát địa, do đó mà trong kinh A Di Đà, mười phương Chư Phật đồng khen ngợi công đức không thể nghĩ bàn. Còn những người tu tạp thiện tính được từng món công đức nên gọi là ít căn lành vì nó có thể nghĩ bàn. Công đức niệm Phật rộng lớn vô biên, không phải tâm có thể nghĩ, chẳng phải miệng có thể đếm hết, nên Kinh nói không thể nghĩ bàn. Cho nên pháp Niệm Phật là nhiều căn lành, các pháp khác không thể so sánh kịp.

So sánh công đức Niệm Phật phân làm ba bậc là so sánh 1 niệm, so sánh 10 niệm và so sánh 1 ngày đến 7 ngày. Trong Quán Kinh nói: "Niệm Phật một câu diệt được tám mươi ức kiếp tội trọng sanh tử lại được 80 ức kiếp vi diệu công đức. Chỉ có 1 kiếp công đức không thể nghĩ bàn, hà huống trăm kiếp công đức không thể nghĩ bàn, hà huống ngàn kiếp công đức không thể nghĩ bàn, hà huống vạn kiếp công đức không thể nghĩ bàn, hà huống một ức kiếp cho đến 80 ức kiếp không thể đếm số, nên gọi là công đức không thể nghĩ bàn. Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói: "Người tạo tội ngũ nghịch, chê báng Kinh điển Đại Thừa, khi mạng chung niệm Nam Mô A Di Đà Phật 10 câu liền sanh về Tịnh Độ." Đây là pháp vãng sanh cho bậc hạ phẩm hạ sanh. Một niệm công đức còn vô lượng huống chi niệm 2 niệm cho đến 10 niệm.

Hỏi:Tạo tội chướng đã nhiều vì sao niệm Phật 10 niệm có thể diệt tội nhiều kiếp được?

Đáp: 10 câu hiệu Phật nhất định trừ diệt được các tội trong nhiều kiếp. Vì sao được biết? Xin đem vài thí dụ để giải thích. Có người chứa củi một ngàn ngày, chỉ cần châm một mồi lửa nhỏ thì đống củi ngàn ngày bị cháy trong nửa ngày là tiêu sạch. Tội nghiệp phiền não cũng như đống củi, niệm Phật cũng như mồi lửa, tội chướng từ vô lượng kiếp đến nay do một công đức câu niệm Nam Mô A Di Đà Phật mà tất cả tội chướng đều tiêu diệt. Tội chướng cũng như ngôi nhà tối, niệm Phật cũng như đèn sáng. Nhà tối ngàn năm, đèn sáng vừa chiếu đến các bóng tối liền trừ, công đức niệm Phật lại cũng như thế. Tội chướng từ vô lượng kiếp đến nay do công đức niệm Phật A Di Đà mà tất cả tội chướng đều tiêu diệt. Nên biết niệm Phật nhất định trừ diệt được các tội trong nhiều kiếp. Quán Kinh nói: "Ông xưng danh hiệu Phật nên các tội tiêu diệt, ta nay đến rước ông.” Niệm Phật mười tiếng công đức còn vô biên, huống chi có người một ngày niệm được mười muôn danh hiệu Phật A Di Đà, hoặc 1 ngày niệm được 20 muôn câu A Di Đà Phật. Công Đức 1 ngày niệm Phật còn vô biên huống là 2 ngày đến 7 ngày công đức vô cùng.

Kinh A Di Đà nói: "Khi sắp lâm chung, mau thì 1 ngày chậm thì 7 ngày niệm Phật liền được vãng sanh Tịnh Độ. Lại nói: "Chúng sanh sanh về cõi ấy đều ở vị Bất thối." Địa vị bất thối là hàng Bồ tát Bát địa, đây là pháp vãng sanh của Thượng Phẩm Thượng Sanh. Vì sao được biết? Ví như ở thế gian người mua nhà cửa, người có nhiều tiền thì mua ngôi nhà đẹp, nếu tiền của ít thì mua ngôi nhà xấu. Niệm Phật công đức rất nhiều nên sanh về Tịnh độ dự vào Thượng Phẩm, niệm Phật ít thì sanh về Hạ Phẩm. Đức Như Lai nói các công đức lành của 8 muôn 4 ngàn pháp môn chỉ có pháp môn niệm Phật là pháp tối thượng. Đức Như Lai tuy nói các công đức lành duy có Pháp môn niệm Phật là nhiều thiện căn, nhiều phước đức, nếu đem các tạp thiện mà so với niệm Phật thì ít căn lành, ít phước đức, pháp môn Niệm Phật thật chẳng phải của các môn khác có thể sánh kịp.

Lại nữa, pháp môn Niệm Phật y theo Kinh nói thì rất khó gặp. Vì sao được biết? Kinh Đại A Di Đà nói: "Thuở quá khứ có một quốc vương, phát khởi lòng tin nghĩ sẽ thực hành yếu pháp Niệm Phật liền đến gặp thiện tri thức, quyết chí cầu pháp Niệm Phật. Lúc bấy giờ thiện tri thức mới đáp rằng: Này đại vương chỗ cốt yếu của pháp Niệm Phật này, lý rốt ráo thật khó nghe. Nhà vua quyết tâm học pháp Niệm Phật nên đáp: Thưa Đại sư, xin Ngài vui lòng vì tôi mà nói pháp yếu Niệm Phật, tôi sẽ trọn đời cúng dường để ngài sai xử. Khi đó Thiện tri thức đáp: Này đại vương! Nếu ngài muốn biết pháp yếu Niệm Phật trước phải bỏ ngôi vua, ở đây phục vụ cung cấp cho ta không thối chuyển, ta sẽ vì vua mà nói pháp yếu Niệm Phật. Lúc ấy nhà vua bỏ ngôi vua theo hầu thiện tri thức cung cấp những điều cần dùng, không nề khổ cực, không sanh lòng thối chuyển. Nhà vua nghe dạy về pháp Niệm Phật Tam Muội, vua chuyên tu pháp này, sau đó gặp 2 muôn 8 ngàn Chư Phật đều vì nhà vua mà nói Niệm Phật Tam Muội. Nhà vua nghe được pháp Niệm Phật nên được thành Phật.” Huống chi ngày nay được nghe và chí thành tin niệm, đâu thể không được vãng sanh về thế giới Cực Lạc. Ức ức chúng sanh bị chìm đắm trong đường ác, chẳng được thành Phật, chỉ vì không gặp được pháp môn Niệm Phật. Nên biết pháp môn Niệm Phật thật khó gặp.

Chương Sáu

So sánh việc Trì Trai và làm Phước

Hỏi: Người niệm Phật phải trì trai không?

Đáp: Phải. Niệm Phật cũng cần phải trì trai. Hòa Thượng Đại Hạnh từ nhỏ đến già trì trai không khuyết.

Hỏi: Trì trai được bao nhiêu công đức?

Đáp: Kinh Đại Vân Mật Tạng nói: "Trì trai có năm thời: giờ dần trì trai được 8 muôn 4 ngàn ức năm lương thực, giờ mẹo trì trai được 8 muôn ức năm lương thực, giờ thìn trì trai được 6 muôn ức năm lương thực, giờ tỵ trì trai được 4 muôn ức năm lương thực, giờ ngọ trì trai được năm trăm ngày lương thực. Sau giờ ngọ không thành trai, mắc tội không được 1 phần công đức. Nói lương thực dư là nói dùng không cùng tận. Đời này có đủ y áo vật thực đều do đời quá khứ trì trai mà được. Hòa Thượng Đại Hạnh nói: "Người niệm Phật cần phải trì trai. Như 1 ngày được dư lương thực còn không thể nghĩ bàn huống là 10 năm, trăm năm thì phước đức không thể nghĩ bàn. Vì vậy, người niệm Phật cần phải trì trai.

Chương Bảy

Nghi và bài báng niệm Phật mắc tội nặng

Hỏi: Khen ngợi niệm Phật có bao nhiêu công đức, bài báng niệm Phật có bao nhiêu tội?

Đáp: Kinh Tạp Tập nói: "Một lần chê bai, bài báng người niệm Phật bị muôn kiếp đọa vào địa ngục Nê Lê. Một lần khen ngợi người niệm Phật diệt được trăm kiếp tội cực trọng". Hòa Thượng Đại Hạnh nói: "Người không chí tâm niệm Phật lại chê báng Phật Pháp, bị đọa vào Địa Ngục A Tỳ, nhận các điều khổ, không có ngày ra."

Hỏi: Trong A Tỳ Địa Ngục có những hình cụ gì?

Đáp: Kinh Quán Phật Tam Muội nói: “Địa Ngục A Tỳ ngang dọc rộng đến 8 muôn bốn ngàn do tuần, bảy lớp thành sắt, 7 lớp lưới sắt, 7 lớp tràng sắt, 8 muôn bốn ngàn rừng gươm, 8 muôn bốn ngàn chảo dầu sôi, chó đồng, rắn sắt, chim sắt đầy khắp trong ngục. Một người vào ngục đều thấy mình đầy ngục, nhiều người vào trong cũng không thấy có kẻ hở. Ngục này chịu khổ rất dài, không có ngày ra, không có kẻ hở trong lúc hành hình suốt 8 muôn Đại kiếp. Sau đó mới ra khỏi lại bị đọa vào súc sanh do bài báng pháp Niệm Phật nên đọa vào trong địa ngục chịu khổ không có xen hở. Nếu không hồi tâm niệm Phật không nhờ đâu mà ra khỏi. Nếu người chí tâm niệm Phật thì các tội vô gián liền bị tiêu diệt.

Kinh Pháp Hoa nói: "Thấy có người đọc tụng kinh này, khinh chê ghen ghét sân hận trong lòng liền bị đọa vào địa ngục vô gián". Huống chi chê pháp Niệm Phật, người ấy còn nặng hơn người khinh chê người chép đọc tụng kinh kia hơn muôn vạn bội phần. Vì vậy, Hòa Thượng Đại Hạnh dạy: Khi niệm Phật phải luôn luôn nhẫn nhục, dù có bị đánh mắng cũng không oán hờn vì sợ chi ác thêm tội báo cho người kia. Kinh Di Giáo nói: "Giặc cướp công sức không gì hơn lòng sân nhuế, nó là lửa dữ, cần phải phòng bị, không cho nó xâm nhập vào. Lửa dữ có thể đốt cháy hết vật quý báu ở thế gian, còn lửa sân thiêu hết thất thánh tài, cho nên người niệm Phật cần phải nhẫn nhục."

Kinh Hoa Nghiêm nói: "Lòng sân khởi một niệm trăm vạn cửa chướng mở ra." Quán kinh cũng nói: "Khen ngợi tốt của người khác tự mình được công đức, dùng lời nói hung ác mắng người xấu, tự mình chịu tội báo." Vì sao biết được? Trong Báo Ân Kinh nói: "Sa Di Huân Đề vì mắng một vị Thượng Tọa tiếng nói như chó sủa. Sa Di Huân Đề do một lời nói ác đó, trong 500 đời thường làm thân chó." Nên biết mắng người, mình tự bị tội. Kinh A Hàm nói: "Có một người khen ngợi sự thắng diệu thiện sự của người tu đạo, trong 500 đời thường được tướng mạo tốt đẹp đoan chính, hơi miệng thường có mùi thơm trong sạch như Ưu Bát La hoa, dù nghịch gió đến 40 dặm vẫn còn nghe hương." Nên biết, khen ngợi người khác đều được quả báo tốt, người niệm Phật cần nên khen ngợi việc tốt của người. Kinh Pháp Hoa nói: "Không nên nói tốt xấu, ngắn dài của người khác, chỉ chuyên niệm Phật mau sanh tịnh độ, thoát khỏi trầm luân."

Chương Tám

Thệ nguyện chứng nghiệm giáo pháp

Hỏi: Đã niệm Phật A Di Đà chắc sanh Tịnh độ, chắc được vô lượng công đức, không biết có gì chứng nghiệm, làm tăng trưởng lòng tin chăng?

Đáp: Có đại chứng nghiệm. Kinh A Di Đà nói: "Chư Phật trong 6 phương hằng hà sa số hiện tướng lưỡi rộng dài, trùm khắp cõi tam thiên đại thiên thế giới mà nói lời thành thật, không dối chúng sanh, khuyên phải tin Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni đã nói, niệm Phật được vô lượng công đức, một ngày đến 7 ngày xưng danh hiệu Phật A Di Đà, chắc được vãng sanh Tịnh độ. Bất cứ người nào nói lời dạy này mà không được vãng sanh Tịnh độ, là lời nói dối, lưỡi họ sẽ bị hư hoại, không thể vào miệng. Đây là sáu phương Chư Phật lấy bản nguyện làm bằng chứng.

Kinh Đại Bảo Tích nói: Khi Phật A Di Đà lúc còn là Tỳ Kheo Pháp Tạng đã phát 48 nguyện lớn. Trong ấy nói: "Khi tôi thành Phật nhơn thiên trong 10 phương nghe danh tự tôi mà không được quả vị Bồ Tát vô sanh Pháp nhẫn, các pháp Tổng trì thì tôi không ở ngôi chánh giác." Sanh về quốc độ tôi không được 32 tướng tốt thì tôi không ở ngôi chánh giác. Người niệm mười niệm thành tựu không được sanh về nước tôi thì tôi không ở ngôi Chánh Giác. Người sanh về nước tôi nếu còn bị đọa vào địa ngục và 3 đường dữ thì tôi không ở ngôi chánh giác. Người nào sanh về nước tôi mà hình mạo không đồng nhất, có tốt xấu, thì tôi không ở ngôi chánh giác. Người sanh về nước tôi, nếu không được thiên nhãn, thiên nhĩ, lục thông tự tại, thời tôi không ở ngôi chánh giác. Chúng sanh mười phương xưng niệm danh tự tôi, không được Chư Phật trong 10 phương khen ngợi tên tôi, thời tôi không ở ngôi chánh giác. Nếu người nữ chán nhàm nữ thân, nguyện sanh về nước tôi, khi lâm chung không chuyển nữ thân thành nam tử, lại thọ nữ thân, thời tôi không ở ngôi chánh giác. Nói chánh giác chính là chỉ quả vô thượng Bồ Đề. Nếu tất cả chúng sanh nương theo nguyện lực của tôi không được những quả báo như đã kể trên, thời tôi không chứng vô thượng Bồ Đề, nếu có lời gì dối trá chúng sanh, tôi thề sẽ ở trong ác đạo, không được vô thượng Bồ Đề. Đây là chỗ lập nguyện của Phật A Di Đà. Kinh A Di Đà nói: "Đức Phật A Di Đà thành Phật đến nay đã hơn mười kiếp." Phật A Di Đà đã thành Phật lời nguyện đã tròn, người niệm Phật chắc được vãng sanh.

Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni trong Kinh A Di Đà nói người chuyên niệm Danh hiệu cũng là một việc khó, ta thực hành pháp niệm Phật này được vô thượng Bồ Đề. Kinh Pháp Hoa Đức Phật nói: "Ta vốn lập thệ nguyện muốn tất cả chúng sanh giống như ta không khác, như trước kia ta đã nguyện, nay đã đầy đủ hạnh nguyện độ tất cả chúng sanh, đều làm cho vào cõi Phật. Đó là điều lập nguyện của Phật Thích Ca."

Kinh Quan Âm nói: "Thệ lớn sâu như bể, nhiều kiếp không nghĩ bàn, hầu nhiều ngàn ức Phật, phát nguyện thanh tịnh lớn." Đây là chỗ phát nguyện của Đức Quan Thế Âm. Ngày xưa A Xà Lê Thiện Đạo ở trong chùa Tây Kinh cùng Pháp sư Kim Cang so sánh pháp môn Niệm Phật hơn kém. Ngài lên trên tòa cao liền phát nguyện: "Căn cứ vào các Kinh Thế Tôn đã nói về pháp môn Niệm Phật được sanh về Tịnh độ. Niệm một ngày cho đến 7 ngày, một niệm cho đến 10 niệm được sanh về Tịnh độ. Đây là lời chơn thật không dối gạt chúng sanh thì xin hai tượng trong Phật đường này đều phóng hào quang. Nếu pháp Niệm Phật này người niệm không được vãng sanh Tịnh độ, dối gạt chúng sanh, thì khiến Thiện Đạo này ở trên tòa cao rớt xuống, bị đọa vào Đại Địa ngục, chịu khổ thời gian dài vĩnh viễn không bao giờ ra khỏi. Nguyện xong ngài cầm cây gậy Như ý chỉ vào trong Phật đường, hai tượng liền phóng hào quang. Đây là lập nguyện của Xà Lê Thiện Đạo.

Đại Hạnh Hòa Thượng nói: "Nếu có người y theo Kinh A Di Đà, niệm Phật không giữ tướng ngạo, lòng chỉ tin Phật, miệng chỉ xưng danh hiệu Phật, thân chỉ kỉnh lễ Phật, có việc không vừa lòng liền nhẫn nhục, mặc áo thô rách, ăn cơm thô sơ, hiếu nghĩa và nhơn từ, chuyên tâm niệm Phật, gặp duyên chẳng lui sụt, đến chết niệm Phật không thay đổi, những tạp thiện và tội ác đều không làm, chuyên tâm niệm Phật, người được như vậy, nếu y kinh niệm Phật, không sanh tịnh độ, niệm một câu Phật không diệt tội 80 ức kiếp sanh tử, không được 80 ức kiếp vi diệu công đức; mê hoặc chúng sanh, Đại Hạnh nguyện sẽ bị quả báo, sáu căn tan biến, toàn thân ghẻ lở ai cũng đều thấy, khổ đau không kể xiết, tương lai vào thẳng Địa ngục, không có ngày ra. Đây là thệ nguyện của Hòa Thượng Đại Hạnh.

Thệ nguyện như những xe báu để chở những vật quí giá để dâng tặng quốc vương. Xe chở vật báu cần phải có đủ tư dây kiên cố mới có thể đến kinh đô khỏi mất vật quí giá và khỏi bị ngã nghiêng làm hư hại, khi đến nhà vua an toàn sẽ được phong quan chức. Niệm Phật cũng thế, cần phải có thệ nguyện trước tiên mới thành tựu được công đức niệm Phật, thẳng đến tịnh độ, mau chứng Bồ Đề. Nếu người không nguyện mà tu hành, thì không thể được thành tựu. Nên Kinh A Di Đà nói: "Nếu người có lòng tin, cần phải phát nguyện, nguyện sanh về nước kia."

Chương Chín

Rộng nhiếp các giáo

Pháp môn niệm Phật tổng trì biện tài vô ngại, bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ và nguyện lực phương tiện trí huệ đều huệ đức đầy đủ, đều do niệm Phật. Niệm Phật như Bảo châu Như Ý, khi có trong tay, mong cầu việc gì cũng được toại nguyện. Nếu tự mình niệm Phật bố thí cho người khác. Dạy người khác niệm Phật, đây chính là đang bố thí. Do niệm Phật nên diệt trừ các tội là trì giới, ác pháp không sanh là nhẫn nhục, đi đứng ngồi nằm niệm danh hiệu Phật không rời tâm miệng là tinh tấn, tin sâu không nghi, chí thành niệm Phật, được sanh Tịnh độ, không sanh thối chuyển là thiền định; do lâu dụng công niệm Phật danh hiệu, tất cả kinh giáo văn tự lần lược hiểu rõ là trí tuệ. Nên gọi niệm Phật là thu nhiếp lục độ biện tài vô ngại.

Căn cứ vào niệm Phật thu nhiếp lục độ có được quả báo tốt ở cõi Cực Lạc, nhờ có niệm Phật vãng sanh Tịnh độ được ăn mặc tự nhiên, tiền của đầy dẫy thuộc về bố thí độ. Nhờ niệm Phật nên được vãng sanh về Cực Lạc được liên hoa thân đủ sáu thần thông thuộc trì giới độ. Nhờ niệm Phật sanh về Tịnh Độ được thân đoan chánh có đủ 32 tướng tốt, 80 cách đẹp thuộc nhẫn nhục độ. Nhờ niệm Phật được sanh về Tịnh độ được cây, nước, chim, rừng, Phật và Bồ Tát đều nói pháp, nghe tiếng ấy rồi đều tự nhiên sanh lòng niệm Phật Pháp Tăng thuộc Tinh Tấn độ. Nhờ niệm Phật nên được vãng sanh về Cực Lạc, lại không có duyên khác, thường ở trong Tam muội thuộc về Thiền Tịnh Độ. Sanh về cõi Cực Lạc tự nhiên hiểu rõ tất cả các pháp thuộc Trí Huệ Độ. Vì thế pháp môn niệm Phật thu nhiếp lục độ quả báo hơn trăm ngàn muôn ức lợi, nên kinh Niết Bàn nói: "Niệm Phật một hơi phân làm 16 phần, nếu có người bố thí chúng sanh cả thế giới trải qua 3 tháng, so với 16 phần niệm Phật chỉ bằng 1 phần công đức, 1 phần còn trội hơn công Đức Bố Thí cả thế giới kể trên. Nên biết Niệm Phật vượt hẳn tài thí trăm ngàn ức bội phần.

Chương Mười

Giải thích các điều nghi hoặc

Hỏi:Kinh Bát Nhã nói: "Nếu dùng sắc mà thấy ta, dùng âm thanh tìm ta, người ấy làm theo đạo tà, không thể thấy Như Lai" Vì sao trong đây nói Niệm Phật A Di Đà, vãng sanh về tịnh độ, được thấy Đức Như Lai?

Đáp: Sở dĩ trong Kinh Bát Nhã ngăn không cho thấy Như Lai vì người cầu tướng mạo và âm thinh là tìm cầu nhơn và ngã mà không cầu vãng sanh hoặc cầu vô thượng Bồ Đề, nên chỉ hành theo tà đạo không thể thấy được Như Lai. Trong Quán Kinh và A Di Đà Kinh dạy cần khởi tưởng niệm hoặc chuyên xưng danh, không cầu nhơn ngã chi, chỉ cầu vãng sinh Tịnh Độ và vô thượng Bồ Đề gọi là chánh đạo được thấy Như Lai. Nếu vọng chấp pháp thân vô tướng làm sắc tướng âm thinh để được là tà, đây là đối với Bồ Tát Địa Thượng mà nói. Quán Kinh và A Di Đà Kinh nói: "Quán một tướng hảo hoặc dùng nghe danh mà thấy được Báo thân Như Lai là đối với phàm phu hay tiểu thừa, Bồ Tát sơ phát tâm mà nói. Nếu vọng chấp báo thân quán Phật hoặc xưng danh dùng đem làm chánh, vô tướng làm tà nếu đối với Pháp thân, chỗ câu hỏi là nghiêng về vô tướng. Căn cứ vào Bát Nhã Kinh: Lúc ấy Đức Thế Tôn trước hướng về cung trời Đao Lợi, vì mẹ mà thuyết pháp. Lúc ấy Đức Thế Tôn từ cõi trời Đâu Suất đến cõi Diêm Phù Đề. Ngài Tu Bồ Đề nhớ Đức Thế Tôn nhập định quán Phật, Phật liền ở trước mặt. Trong lúc ấy có 1 thiên nữ, không biết nguyên do thấy được Thế Tôn, đã thấy Phật rồi, Thiên nữ hỏi Phật: Bạch Thế Tôn con có phải là người trước tiên thấy Phật phải không? Thế Tôn đáp: ngươi là người thấy sau cùng. Thiên Nữ thưa: Con là người đầu tiên đến đây, không có người nào có thể đến thấy Phật trước, vì sao nói con thấy Phật sau cùng. Đức Thế Tôn bảo: Có ông Tu Bồ Đề trước nhập định, trừ sạch nhơn ngã, quán thấy được pháp thân, ở trước thiên nữ, còn Thiên nữ khởi tâm nhơn ngã, quán sắc thân của ta nên thấy sau cùng. Đức Thế Tôn vì đối với thiên nữ kia, nên nói tụng rằng: "Nếu dùng sắc mà thấy ta, dùng âm thinh tìm ta, người ấy làm theo đạo tà, không thể thấy Như Lai". Bài tụng này đối với ngoại đạo vì đem lợi ích đương thời mà nói ra, không can hệ đến việc vị lai, nên không đồng với Quán Kinh. Lại nữa trong kinh Bát Nhã ngăn những người ngoại đạo, chấp tứ đại ngũ uẩn cho là thường còn, chấp sắc thân là ta, âm thinh là ta, lý do đó mà không thấy được Như Lai. Nay y theo Quán Kinh dạy, chán cõi Ta Bà, nguyện lìa sanh tử, mau sanh tịnh độ, mau chứng Bồ Đề, không cần thấy ngã tướng liền được Như Lai.

Hỏi: Trong Vãng Sanh Luận nói: Người nữ, căn khuyết và dòng nhị thừa không được vãng sanh. Vì sao trong Quán Kinh nói Bà Vi Đề Hy và 500 thị nữ đồng được vãng sanh và ở trong trung phẩm hàng nhị thừa đều đương vãng sanh là ý gì?

Đáp:Y theo Vãng Sanh Luận nói: Người nữ và hàng nhị thừa không được vãng sanh vì hai thành phần này không có tánh muốn vãng sanh. Như người nữ chỉ yêu thích thân nữ, không cầu vãng sanh Tịnh độ, không chịu niệm Phật nên luận ngăn cho là không được sanh. Hàng Nhị thừa vì căn khuyết cũng như thế, chỉ mong trụ ở trên quả, không nguyện sanh tịnh độ, không hiểu niệm Phật nên không được sanh. Quán Kinh và A Di Đà Kinh nói Hàng Nhị thừa, căn khuyết và nữ nhơn nếu hồi tâm niệm Phật, nhàm chán thân nữ, nhàm chán căn khuyết, không chấp trụ tiểu quả liền được vãng sanh. Đây là Luận Vãng Sanh đối với căn cơ và pháp mà luận. Để hiểu rõ toàn bộ chúng ta cần phải quán xuyến được 6 môn sau đây:

1- Người niệm Phật đối với Di Lặc môn.

Hỏi:Công đức niệm Phật A Di Đà so với công đức niệm Di Lăc nhiều ít thế nào?

Đáp: Niệm Phật A Di Đà công đức nhiều hơn gấp trăm ngàn muôn bội so với công đức niệm Di Lặc. Vì sao biết được? Y cứ vào Kinh nói: "Phật A Di Đà hiện tại ở địa vị giác viên quả mãn, vượt hẳn các địa, nên người xưng niệm công đức rất nhiều. Di Lặc hiện ở địa vị Bồ Tát, chưa vượt hẳn các Địa, quả vị chưa viên mãn nên xưng niệm công đức so sánh cũng ít rất nhiều.

Hỏi:Vì sao không niệm Di Lặc để sanh về cung trời Đâu Suất mà lại niệm Phật A Di Đà để vãng sanh về Cực lạc Tịnh độ?

Đáp:Vì Đâu Suất thiên không ra khỏi tam giới, khi báo thân thiên thượng đã hết, liền trở lại cõi Diêm Phù Đề, vì vậy nên không nguyện vãng sanh về cõi trời. Nếu vãng sanh về Tịnh độ là ra khỏi ba cõi, cắt đứt năm đường, một lần sanh về Cực lạc thẳng đến thành Phật, không còn bị đọa lạc, nên cần phải nguyện sanh. Lại nữa, cung trời Đâu Suất rất ít thời gian nhận được điều vui, còn Quốc độ của Phật A Di Đà toàn sự vui tối thắng nên gọi là Cực lạc, thời gian ở đây toàn nhận điều vui, không có hạn kỳ. Vì thế, sanh về cõi Cực lạc nhơn duyên thù thắng hơn cung trời Đâu Suất gấp trăm ngàn muôn lần. Vì sao biết được? Trong Kinh nói: "1- Thân tướng thù thắng: Chúng sanh sanh về cõi Phật A Di Đà đều có đủ 32 tướng như Phật. Người ở cung trời Đâu Suất không có tướng này. 2- Đồ chúng thù thắng: Đã sanh về cõi Tịnh độ rồi thì cùng Bồ Tát bất thối làm bạn lữ, thọ nam tử thân, không có nữ tướng. Trái lại trên cung trời Đâu Suất nam nữ ở chung lộn xộn. 3- Thọ mạng thù thắng: Chúng sanh quốc độ Phật A Di Đà tuổi thọ đồng Phật, một đời tiến đến Phật quả, không còn trở lại. Thọ mạng người ở cung trời Đâu Suất đến bốn ngàn tuổi, khi tuổi thọ đã mãn liền bị đọa lạc vào luân hồi. 4- Thần thông thù thắng: Nhơn dân cõi Phật A Di Đà đều có đủ 6 món thần thông. Người ở cung trời Đâu Suất không có thần thông. 5- Quả báo thù thắng: Chúng sanh cõi Phật A Di Đà y phục, ẩm thực, hương hoa, anh lạc, tất cả cung cụ tự nhiên hóa thành, không cần tạo tác, thọ dụng dài hạn không bao giờ dứt. Chư Thiên cung trời Đâu Suất phải tạo tái mới có, dù có y phục nhiên, hưởng không được lâu dài. Bốn ngàn tuổi đã qua, mạng sắp lâm chung có năm thứ tướng suy thoái. a- Hoa trên đỉnh héo. b- Thân toát mồ hôi. c- Đi đứng chẳng định. d- Khí lực suy nhược. e- Thân thể rung rẫy. So với Cực lạc, nhân dân gấp trăm nghìn muôn phần thù thắng.

Hỏi: Khi đương lai Đức Di Lăc hạ sanh, thuyết pháp ba hội độ các chúng sanh, được quả A La Hán vì sao không nguyện sanh về Đâu Suất nội viện mà cầu sanh về cõi Phật A Di Đà?

Đáp: Đức Di Lặc chưa hạ sanh, việc vị lai chưa thể đợi được. Vì sao được biết? Trong Kinh nói: "Sau khi Đức Thích Ca Mâu Ni nhập Niết Bàn, trải qua 56 ức, 7 ngàn muôn năm. Lúc đó tuổi thọ của con người ở kiếp thành sống lâu 8 muôn bốn ngàn tuổi, khi đó Đức Di Lặc mới ra đời. Căn cứ vào Pháp Vương Bổn Ký thì Phật Thích Ca Mâu Ni vào Niết Bàn đến nay mới hơn 1700 năm. Vì vậy thời gian ở vị lai còn quá dài, không thể chờ đợi, chúng sanh mạng ngắn ngủi sợ phải đắm chìm trong bể khổ, nhiều kiếp chịu tai ương không thể chờ đợi Phật Di Lặc ra đời. Còn Phật A Di Đà hiện đang thuyết pháp trụ ở thế giới Cực lạc, rộng độ chúng sanh, về ở Tây phương là mau chứng đạo quả so với sự chờ đợi hạ sanh của Đức Di Lặc hơn trăm vạn bội phần.

Dù người gặp Phật Di Lặc ra đời thuyết pháp ba hội, rộng độ tất cả chúng sanh, được quả A La Hán, nếu hướng về đại thừa mới đến sơ địa. Ức ức chúng sanh không gặp Phật Di Lặc, niệm Phật A Di Đà cầu sanh Tịnh độ là Bồ Tát từ Bát địa trở lên. Mau thì một niệm, mười niệm, chậm thì một ngày đến bảy ngày xưng niệm Phật A Di Đà liền sanh Tịnh độ, thật vượt hơn gặp Phật Di Lặc trăm ngàn muôn ức bội phần.

Lại nữa, ngày Đức Bổn Sư nói Kinh A Di Đà thì Đức Bồ Tát Di Lặc cũng ở trong hội ấy tên là Bồ Tát A Dật Đa. Lúc ấy Bồ Tát Di Lặc còn niệm Phật A Di Đà, hà huống chúng sanh đời vị lai đâu chẳng chịu niệm Phật A Di Đà. Lại nữa, pháp môn niệm Phật làm tiêu chuẩn cho các kinh, nên Phật có lời huyền ký, thời mạt pháp cuối cùng, các pháp bị diệt hết, chỉ còn chánh pháp niệm Phật còn trụ được một trăm năm giáo hóa chúng sanh, nên biết pháp môn niệm Phật diệu dụng không thể nghĩ bàn.

2- Niệm Phật đối với Tọa Thiền Môn.

Hỏi: Niệm Phật A Di Đà sao bằng tọa thiền, khán tâm, dùng pháp quán vô sanh?

Đáp: Niệm Phật A Di Đà vãng sanh tịnh độ mau thành quả Phật thù thắng hơn môn Vô Sanh Quán trăm ngàn vạn bội. Vì sao được biết? Kinh Duy Ma Cật nói: "Ví như ở giữa hư không tạo lập cung thất, hoàn toàn không thể thành, ở trên đất mà xây dựng cung thất tùy ý không trở ngại." Vô Sanh quán tâm cũng như vậy. Vì sao? Vì vô sanh là vô tướng, mà vô tướng tức là hư không, nên khó thành tựu. pháp môn Niệm Phật là sự lý song tu, giống như ở trên đất tạo lập cung điện, chắc chắn dễ thành. Vô sanh quán tâm như người nghèo khó chẳng có tiền bạc, học và muốn tạo lập ngôi nhà to lớn như cung điện của nhà vua, tuy cố gắng đốn cây từ nhỏ đến già chết, trọn không thành tựu, cuối cùng chỉ phí công vô ích mà thôi. Người tu Vô Sanh quán tâm vì công đức pháp dài không thể thành tựu, uổng dụng công phu không có lợi ích. Pháp môn niệm Phật không giống như thế vì niệm Phật một câu diệt trừ 80 ức kiếp tội trọng sanh tử, liền được 80 ức kiếp vi diệu công đức, như một công tử nhà giàu muốn tạo lập nhà cửa liền được thành tựu. Vì vậy, trong Quán Kinh nói: "Đức Như Lai A Di Đà có Đại Nguyện lực lâu đời, người nhớ tưởng chắc được thành tựu, chẳng đồng với vô sanh quán. Vì sao? Kinh Pháp Hoa nói: "Phật Đại Thông Trí Thắng, một đại kiếp tọa ở Đạo Tràng, Phật pháp chẳng hiện tiền, chẳng được thành Phật Đạo." Nên biết tọa thiền quán tâm thành Phật chậm, còn niệm Phật chậm nhất bảy ngày, mau thì một ngày được sanh về Tịnh độ, liền chứng vào vị Bồ Tát Bát địa, vì nhờ vào nguyện lực của Phật.

Hỏi:Công đức khán tâm nhiều hay ít so với công đức niệm Phật?

Đáp: Khán tâm công đức ít so với niệm Phật công đức nhiều hơn trăm ngàn muôn bội phần. Vì sao được biết? Y theo Quán Kinh nói: "Niệm Phật một câu diệt được 80 ức kiếp tội trọng sanh tử, được 80 ức kiếp vi diệu công đức." Một lần khán tâm chưa biết diệt được bao nhiêu tội, được bao nhiêu công đức, cũng không thấy nói diệt được bao nhiêu tội sanh tử, trái lại, niệm Phật dù tướng địa ngục hiện cũng đều tiêu diệt vãng sanh Tịnh độ. Nên biết khán tâm công đức ít hơn công đức niệm Phật.

Hỏi: Niệm Phật vãng sanh được quả báo gì, Quán vô sanh thành được quả báo gì? So hai thứ cái nào thù thắng hơn?

Đáp: Niệm Phật vãng sanh được 32 tướng, 6 thần thông, trường sanh bất tử, ra khỏi ba cõi, thẳng đến thành Phật, không có đọa lạc, Bồ Tát Thánh chúng là bạn lữ, Phật A Di Đà hiện tại thuyết pháp. Còn Quán Vô Sanh thành tựu sanh ở Trường Thọ Thiên, trải qua 8 muôn bốn ngàn kiếp, liền đọa vào ác đạo. Tu Vô Sanh quán, muôn người tu chưa có một người thành tựu. Dù may mắn được thành cao nhất cũng chỉ sanh về Trường Thọ thiên. So với niệm Phật thật cách xa ngàn muôn bội phần.

Hỏi: Y cứ vào Vô Sanh quán chỉ dạy khán tâm, tâm ấy là đỏ, là trắng, là xanh, là vàng, quán như vậy sẽ thành hay không thành?

Đáp:Vô Sanh khán tâm chẳng phải xanh, trắng, chẳng phải đỏ vàng, không nói thành hay không thành, Tâm không có tướng mạo lại không có thành tựu, hư phí công phu, nhọc nhằn có ích lợi gì? Có người vấn nạn rằng: Khi khán tâm liền được thành Phật. Người khán y thì được ấm, khán thực phẩm thì được no, khán vàng thì được đồ trân báu để dùng, khi khán tâm cũng đắc đạo. Thời nay người khán y cũng không được ấm, khán tâm cũng không chứng quả. Trong Tượng Pháp Quyết Nghi Kinh nói: Tọa Thiền không phải ở trong thời mạt pháp. Vì sao? Vì trong kinh ấy có nói rõ: "Sau khi Phật diệt độ là thời chấn pháp trong năm trăm năm trì giới kiên cố. Thời tượng pháp một ngàn năm kế tiếp tu thiền định được kiên cố. Thời mạt pháp một muôn năm niệm Phật kiên cố." Y cứ vào Pháp Vương Bổn Ký thì thời này thuộc vào thời mạt pháp hơn mấy trăm năm. Vì vậy, thời này thuộc thời niệm Phật chứ không phải là thời Tọa Thiền. Vì thế, Đại Hạnh Hòa Thượng ở trước một số thiền sư, môn đồ dạy hồi tâm niệm Phật rất nhiều, đều có thành tựu vì hợp thời cơ.

3- Niệm Phật đối với Giảng Thuyết Môn.

Hỏi: Công đức niệm A Di Đà Phật nhiều hay ít so với công đức nghe kinh?

Đáp: Công đức niệm Phật nhiều hơn công đức nghe kinh gấp trăm ngàn vạn bội phần. Vì sao được biết? Trong Quán Kinh phần hạ phẩm hạ sanh dạy: "Có hạng người làm ác, do tạo nghiệp ác cực trọng, nên khi sắp lâm chung tướng lửa địa ngục đồng thời hiện ra. Người ấy may mắn gặp thiện tri thức vì người đó mà nói 12 bộ kinh. Người ấy nghe rồi, diệt trừ được một ngàn kiếp tội. Năng lực nghe kinh diệt tội ít, nên tướng địa ngục chưa mất. Người trí dạy niệm Nam Mô A Di Đà Phật mười niệm, diệt trừ được 80 ức kiếp trọng tội sanh tử. Tướng địa ngục mất, người ấy theo Phật vãng sanh.

Hỏi: Đọc kinh công đức nhiều hay niệm Phật công đức nhiều?

Đáp: Đọc kinh công đức ít hơn niệm Phật. Hòa Thượng Đại Hạnh nói: "Người không niệm Phật tu hành, đọc tụng kinh cũng như người đọc toa thuốc, người niệm Phật như người uống thuốc. Đọc toa thuốc thì bịnh không lành, uống thuốc vào bệnh mới thuyên giảm. Đọc kinh hành đạo công đức vẫn ít hơn niệm Phật.

Hỏi: Giảng kinh công đức nhiều ít so với công đức niệm Phật?

Đáp:Giảng kinh công đức cũng ít hơn công đức niệm Phật, trăm ngàn phần. Vì sao? Vì giảng kinh cũng như đếm châu báu, niệm Phật cũng như dùng châu báu, đếm của báu tuy nhiều không thể trừ được nghèo đói, không nói được diệt tội, không nói được công đức. Người dùng của báu tuy không được nhiều nhưng có thể cứu giúp thân mạng, được công đức vô lượng. So sánh thì niệm Phật vẫn nhiều hơn công đức giảng kinh trăm ngàn bội phần.

Lại nữa người giảng kinh như người mài đá, tuy được một phần lợi ích nhưng đều đáp lại cho người khác, làm tổn công đức của mình khi nhận người lễ bái cúng dường, tổn hại rất lớn. Vì vậy trong luận nói: "Như người nghèo ngày đêm đếm châu báu cho kẻ khác, tự mình không được nửa phân tiền, đa văn cũng như vậy." Vì thế, biết rằng công đức giảng kinh so với công đức niệm Phật ít hơn gấp trăm nghìn phần. Vì sao được biết? Trong luận Duy Thức nói: "Người học Duy Thức phải phá ngã chấp và biến kế sở chấp. Người giảng luận phần nhiều miệng luôn nói pháp, tâm phần nhiều có ngã chấp và biến kế sở chấp. Người giảng pháp không khởi ngã chấp trong muôn người mới có một người." Kinh Pháp Hoa nói: "Ngã mạn tự khoe cao, tâm siểm khúc không thật, trong ngàn muôn ức kiếp, không nghe được danh tự Phật, cũng không được nghe chánh pháp." Người giảng luận muốn tránh tâm ngã mạn tự khoe thật khó, tuy giảng kinh luận vì động cơ độ người, nhưng không bằng công đức niệm Phật. Vì vậy có một số pháp sư như Hoài Cảm, Trí Nhơn đều bớt phần giảng kinh, luận, đồng quy tâm niệm Phật.

4- Niệm Phật đối với Giới Luật Môn.

Hỏi:Công đức niệm Phật nhiều hay ít đối với công đức trì 250 giới.

Đáp:Công Đức niệm Phật hơn công đức trì giới trăm ngàn muôn bội phần. Vì sao biết được? Y theo Kinh dạy: "Người Trì giới chứng được quả tiểu thừa chỉ vừa vào hàng sơ địa là cao lắm. Kinh A Di Đà nói: "Nếu người chấp trì danh hiệu từ 1 đến 7 ngày, lâm chung Phật và Thánh Chúng rước về cõi Tịnh độ. Người sanh về cõi ấy ở vị Bất thối mà vị này thuộc về Bồ Tát ở Bát địa sắp lên. Do đó, người niệm Phật công đức nhiều hơn người trì giới hơn trăm vạn bội.

Lại nữa, căn cứ vào kinh nói thì thời này không phải là thời trì giới, mà là thời niệm Phật. Y theo kinh Tượng Pháp Quyết Nghi nói: "Sau khi Đức Bổn Sư diệt độ, trong khoảng 500 năm trì giới được kiên cố là thời chánh pháp. Tượng Pháp 1000 năm kế Tọa thiền được kiên cố, mạt Pháp một vạn năm là thời niệm Phật kiên cố." Tính đến nay đã vào thời mạt pháp khá lâu. Nên biết đây là thời thích hợp cho niệm Phật, không phải là thời trì giới nên chuyên trì giới khó thành công. Dù có người chuyên trì giới nhưng thường được danh dự lợi dưỡng, hiện ít người được A La Hán quả đa số chết rồi sanh về cõi trời, dù sanh được ở cõi trời vẫn còn ở trong nhà lửa. Đời nay, người trì giới, muôn người không có một người giữ giới trọn vẹn. Vì sao? Vì giới rất vi tế mà tâm người thời mạt pháp rất thô, giới nhiều khó giữ, người xưng danh hiệu Phật số ít dễ làm có nhiều công đức.

Hỏi:Niệm Phật được lợi ích nhiều hay ít so với trì giới?

Đáp:Niệm Phật được lợi ích nhiều, không bị tổn hại, trì giới bị tổn hại nhiều, ít có lợi ích. Vì sao được biết? Căn cứ vào Kinh Mục Liên Sở Vấn nói: "Trong giới văn có ngũ thiên thất tụ, người phá giới thiên thứ nhất bị sáu trăm muôn năm đọa địa ngục, Phạm thiên thứ hai gấp bội thiên thứ nhất, thứ ba gấp bội thứ hai, thứ tư gấp bội thứ ba, thứ năm gấp bội thứ tư. Thiên nhẹ nhất cũng Phạm Đột Kiết La bị chín trăm muôn năm đọa địa ngục. Vì vậy, trong muôn người không được một, nên biết bị tổn hại nhiều, lợi rất ít. Trái lại người niệm Phật một câu trừ được tội trọng tám mươi ức kiếp sanh tữ. Vì thế, người bị tội phá giới, niệm Phật A Di Đà tội liền được trừ dứt. Vì sao được biết? Căn cứ vào Quán kinh nói: "Hoặc có chúng sanh hủy phạm 5 giới, 8 giới và cụ túc giới, người như thế phải bị đọa địa ngục, thọ khổ nhiều kiếp. Khi sắp lâm chung gặp thiện tri thức vì người ấy nói 10 oai đức của Phật A Di Đà và khen ngợi thần lực ánh sáng của Đức Phật kia và dạy người ấy niệm Phật. Người kia nghe rồi diệt trừ 80 ức kiếp tội sanh tử, vãng sanh Tịnh độ, nên biết tội phá giới niệm Phật cũng được tiêu diệt. Do đó, niệm Phật thuần ích lợi không tổn hại. Vì thế, có rất nhiều luật sư đã chuyên tâm niệm Phật nguyện vãng sanh về Cực lạc thế giới. Trong Quán Kinh cũng dạy: "Ba phẩm Bậc trung là người học luật niệm Phật vãng sanh Tịnh độ. Nên biết trì giới khổ hạnh không bằng niệm Phật.

5- Niệm Phật đối với Lục Độ Môn

Hỏi: Công đức niệm Phật nhiều hay ít so với sáu thứ Ba La Mật?

Đáp: Công đức niệm Phật nhiều hơn lục Ba La Mật gấp trăm ngàn muôn bội phần. Vì sao được biết? Y theo Kinh Duy Ma nói: "Người niệm định tổng trì, tự cầu sanh tịnh độ đều được vãng sanh tất cả việc khác không cần hỏi đến."

Hỏi:Có người cho rằng niệm Phật như đánh trống miệng, phải giải thích thế nào?

Đáp: Cũng như miệng đánh trống, vì miệng tụng tâm ghi là do đánh trống mà thành, nếu không có tâm niệm, miệng không đâu mà đánh trống được. Niệm Phật cũng vậy, tâm tin miệng xưng liền được sanh Tịnh độ, mau chứng vô thượng Bồ Đề. Nếu không có tâm miệng thì không nhờ vào đâu mà được vãng sanh. Vì thế, miệng đánh trống cũng không hại gì?

Hỏi: Vì sao không niệm Phật Thích Ca lại niệm Phật A Di Đà?

Đáp: Niệm Phật A Di Đà là do Bổn Sư Thích Ca dạy niệm, như cha mẹ sanh con phải đem giao cho thầy dạy, học vấn thành công là do thầy lập ra. Niệm Phật A Di Đà cũng vậy. Đức Bổn Sư nói kinh, ân cần khuyên niệm Phật A Di Đà để được sanh về Tịnh độ, mau chứng Bồ Đề. Đức Bổn Sư dạy niệm Phật A Di Đà như cha mẹ có nhiều con cái đang ở chỗ nguy hiểm, nhà lửa sắp cháy tan, con cái sắp bị chết thiêu, cần tìm cách cho con cái ra khỏi. Cũng vậy, Đức Bổn Sư vì Ta Bà trược ác không thể ở lâu, sợ e chúng sanh phải đắm chìm vào địa ngục, nên đem chúng sanh đồng về Tịnh độ, hưởng các điều vui, khỏi bị trầm luân, nên dạy nhớ niệm Phật A Di Đà, mà không niệm Bổn Sư. Phương pháp niệm Phật thành Phật không phải chỉ Đức Thích Ca niệm Phật Tam muội mà được thành Phật, mà Chư Phật ba đời trong mười phương đều nhơn niệm Phật tam muội mà được thành Phật. Kinh Nguyệt Đăng Tam Muội nói: "Chư Phật trong ba đời ở mười phương đều học niệm Phật tam muội, mau chứng vô thượng Bồ Đề." Nên biết Chư Phật trong ba đời nhơn niệm Phật mà được thành Phật.

Hỏi: Vì sao không niệm 10 phương Chư Phật lại riêng niệm có Phật A Di Đà?

Đáp: Chư Phật trong mười phương hiện tại, Phật A Di Đà là bậc tối thắng tối tôn bậc nhất. Trong mười phương Phật, Phật A Di Đà cùng chúng sanh kết duyên rất sâu dầy. Hiện tại Chư Phật trong mười phương, Phật A Di Đà có nguyện lực nhiếp hóa chúng sanh rất nhiều. Trong mười phương Phật, Tịnh Độ Phật A Di Đà rất tuyệt hảo. Tịnh độ Chư Phật trong mười phương thì Tịnh độ Phật A Di Đà rất gần. Danh hiệu mười phương chư Phật, niệm danh hiệu Phật A Di Đà công đức rất lớn. Vì lý do trên nên niệm Phật A Di Đà mà không niệm Phật khác.

Hỏi:Vì sao nói pháp môn niệm Phật rộng nhiếp hết các môn?

Đáp:Niệm Phật tuy là một pháp nhưng có khả năng thu nhiếp rộng rãi các môn. Vì sao được biết? Xin cử thí dụ để giải thích. Niệm Phật như viên Như ý Bảo châu tuy chỉ có một viên, có thể nhiếp hết các châu báu khác. Nên Kinh Pháp Hoa nói: "Long nữ vì hiến bảo châu nên mau được thành Phật." Niệm Phật tuy là một pháp nhưng có khả năng tăng trưởng tất cả công đức, dẫn chúng sanh về Tịnh độ, mau chứng vô thượng Bồ Đề, nên niệm Phật một pháp bao gồm tất cả pháp. Kinh Duy ma nói: "Niệm định là tổng trì, bao hàm tất cả pháp." Nên một pháp Niệm Phật bao hàm các pháp.

Chương Mười Một

Niệm Phật ra khỏi Ba cõi

Hỏi: Cực lạc Tịnh độ là ở ngoài ba cõi hay ở trong ba cõi?

Đáp: Tịnh độ Cực lạc chắc chắn ở ngoài ba cõi. Nói ba cõi là cõi dục, cõi sắc, cõi vô sắc. Cõi dục từ Diêm Phù Đề này lên đến Lục dục thiên. Sắc giới từ Lục dục thiên lên đến Phạm chúng thiên gồm có 18 cõi gọi là sắc giới thiên. Vô sắc giới gồm bốn cõi trời từ Không vô biên xứ đến Phi tưởng Phi phi tưởng xứ. Lại nữa, tam giới hướng lên gồm có 28 cõi trời, hướng xuống đến vô gián địa ngục loài người ở giữa, như ở trong lao ngục, nên Kinh Pháp Hoa nói: "Ba cõi không yên cũng như nhà lửa." Chúng sanh thường bị sanh già bệnh chết, lo lắng tai họa, thiêu đốt không dứt, cho nên Bà Vi Đề Hy nhàm chán Ta Bà cho là nơi ngũ trược ác xứ. Vì sao gọi là ngũ trược? 1- Kiếp trược chỉ dịch bệnh, cơ cẩn, đao binh hoành hành. 2- Phiền não trược chỉ tất cả chúng sanh đều bị phiền não bức bách. 3- Mạng trược chỉ cho nhơn mạng vô thường ngắn ngủi. 4- Kiến trược chỉ chúng sanh điên đảo chấp lầm bài báng không tin. 5- Chúng sanh trược chỉ chúng sanh say mê trong dục vọng xoay quanh trong sanh tử, lấy khổ làm vui không cầu ra khỏi. Lại có ác đạo như địa ngục ngạ quỷ súc sanh đầy dẫy, các việc ác chứa nhóm. Quả thật cõi Ta Bà này là cõi trược ác. Vì vậy Chư Phật rũ lòng thương dạy nhàm chán cõi ác trược, ưa mến điều vui ở cõi Cực lạc phương Tây, nên Kinh có bài tụng:

Phật từng ngục ba cõi

Dẫn chúng sanh ra ngoài

Đấng Đại Trí nhơn thiên

Thương xót chúng mê muội

Nên mở môn cam lộ

Rộng độ các chúng sanh.

Trong Luận nói:

Vượt khỏi ngục ba cõi

Mắt như hoa sen xanh

Chúng thanh văn vô số

Nên con cung kính lễ.

Vãng Sanh Luận nói:

Quán tướng của cõi kia

Vượt khỏi xa ba cõi

Cứu kính như hư không

Rộng lớn không ngăn mé.

Quần Nghi Luận nói:

Tịnh độ vượt ngang ba cõi

Thoát khỏi tất cả năm đường

Người được vãng sanh cực lạc,

Không có danh xưng ba cõi

Thẳng đến vô thượng Bồ Đề.

Qua những lời kệ tụng trên cho thấy Tịnh Độ Phật A Di Đà ở ngoài ba cõi, nên nói người tu niệm Phật mau ra khỏi ba cõi.

Nếu muốn niệm Phật A Di Đà mau sanh Tịnh độ cần phải thành tựu ba nghiệp, thứ nhất tâm chỉ có lòng tin kiên cố, thứ hai miệng chỉ có niệm danh hiệu Phật kiên cố, thứ ba thân chỉ có cung kính, không hỏi có người không người, cao thấp già trẻ, ngày đêm thường không giải đãi gọi là kỉnh thành tựu. Không bàn về lỗi người tốt xấu, không nói suông như nói ăn, đếm của cho người, chỉ miệng niệm Phật, mỗi tiếng liên tục không dứt gọi là khẩu thành tựu. Không rơi vào tham sân phiền não, không náo loạn, đánh mắng náo loạn, oán hận, tật đố, sát, đạo, dâm, vọng là cái nhơn đọa tam đồ cùng pháp niệm Phật không tương ứng. Vì thế, chỉ có người lòng tin chắc niệm Phật, không phân biệt kẻ đạo người tục, không hỏi nam nữ, giàu nghèo, không hỏi tạo tội có nặng nhẹ, chỉ cần có lòng tin làm gốc, nếu thành tựu thì vạn bệnh đều lành, không cần thuốc thang ở thế gian, muôn thiện đều tự thành; không nhờ vào kinh sách thế gian mà sớm thành tựu muôn thiện vì nó không phải là khả năng của mình là được, cũng không phải do sức tu hành của mình mà được. Nếu y cứ vào kinh văn, người tu từ phàm phu đến sơ địa phải trải qua một Đại A Tăng kỳ kiếp. Nếu nhờ năng lực của Tam Bảo không phải trải qua nhiều kiếp. Y Kinh văn nói: Người nghe nói danh hiệu Phật A Di Đà cho đến một niệm một lòng hoan hỉ dũng mãnh, chí tâm hồi hướng liền được vãng sanh, ở vào vị Bất Thối.

Kinh Pháp Hoa nói: "Đối với người có trí, xin đem thí dụ để giải rõ: Ỏ trong thế gian chỉ có mẹ có thể làm cho thân con được yên ổn. Còn xuất thế gian chỉ có Chư Phật có thể làm cho chúng sanh thoát khỏi khổ ba cõi, được sanh về tịnh độ, thấy Phật, nghe pháp." Y theo kinh thì Phật có lòng từ bi, hỉ xã. Từ là ban vui, bi là cứu khổ. Chẳng luận người chịu khổ hay các loài địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh thọ khổ đều cứu tế bình đẳng, nếu còn hỏi loài nào thì không gọi là Đại Bi. Như người mẹ ở thế gian đối với con có các thứ khổ đều không nài lao nhọc. Chư Phật là đấng Đại bi, không hỏi oán thân, đạo tục, nam nữ, bình đẳng đồng đều cứu khổ hết.

Những khổ đó là gì? Là khổ của thế gian và khổ của địa ngục. Dù khổ trăm ngàn muôn vạn bội, Chư Phật đều cứu hết huống là những khổ nhỏ trong con người, nếu các Ngài không đến cứu là cùng lời dạy trong kinh trái ngược nhau. Những người đang thọ khổ cần phát tâm sám hối, làm các hạnh giới, tạo các công đức, các khổ mau trừ thì lòng tin mới thành tựu, sanh tử từ đây chấm dứt. Người không tin lời Phật dạy thì khổ không thể dứt. Trong các thứ tin, trước phải tin Tam Bảo, năng lực Tam Bảo rất bình đẳng và rộng lớn, trong thế gian không cần hỏi giàu nghèo, nam nữ chỉ có lòng cung kỉnh Tam Bảo thì tự nhiên dự được một phần giải thoát khổ đau. Muốn được giải thoát chỉ có lòng tin nơi Tam Bảo là then chốt, nếu không có lòng tin không khác gì người mù và điếc. Nên biết người niệm Phật mỗi tiếng không dứt, không bệnh nào chẳng lành, không tội nào không dứt, chắc chắn khỏi lo sợ, cũng không thối chuyển, mỗi ngày trong tầm mắt tự nhiên mở tỏ, mỗi việc làm đều hợp với kinh giáo, đi đứng nằm ngồi tâm đức không tán loạn, cũng không mất oai nghi.

Người niệm Phật dù nghe nhiều Kinh Luận đều cùng tâm hạnh tương ưng tăng thêm lòng vui vẻ, tiếp dẫn những người có lòng tin, như mẹ cứu con không từ mệt nhọc. Người không có lòng tin cần nên ngậm miệng, không nên mở lời làm cho người khác chê bai chán pháp, chẳng những chê bai người mà còn chê bai Đức Phật. Trong kinh A Di Đà, khi Đức Thích Ca Mâu Ni nói pháp môn Tịnh Độ vì tất cả chúng sanh mà nói. Sáu phương Chư Phật đều biết kinh này khó tin, e rằng chúng sanh đời sau nghi chê, nên hiện tướng lưỡi rộng dài để minh xác văn kinh này không dối trá. Gần đây, các hành giả sanh nhiều nghi hoặc và chê bai, chính vì việc ấy, nên Chư Phật có lời huyền ký, biết trong đời mạt pháp, chúng sanh không tin. Nếu có người nào có lòng tin thì tất cả Chư Phật cùng nhau hộ niệm. Tự mình không tin lời Phật dạy, là tự mình không được căn lành và không thể ở vị bất thối. Đây là lời nói của Phật A Di Đà: "Nếu chúng sanh không tạo Tịnh Nghiệp là tự mình làm chướng ngại đường vào cõi Thánh." Tất cả các kinh đều do Phật nói ra, nếu người nào tự tu hành đúng theo giáo lý, thì Chư Thiện thần luôn luôn hộ trợ, làm cho người ấy sanh lòng kính tin, tu hành không bỏ, Chư Phật sẽ hộ trợ vị ấy theo bổn nguyện lực. Người nghe mà không tin bị đọa thẳng vào địa ngục, không có ngày ra, đâu chẳng phải điều lầm to cho cả một đời sao?

Nếu người đọc kinh văn Tịnh độ, lắng lòng xét kỹ chắc chắn sẽ cùng kinh giáo tương ưng, dùng pháp niệm Phật trì giới để đoạn trừ phiền não. Chỉ cần có lòng tin sâu chắc chí thành không lui sụt, mỗi niệm tiếng Phật không dứt, không cần hỏi kẻ đạo người tục, giàu có, bần hàn, xấu tốt, nam nữ, có tội nặng hay nhẹ, chỉ cầu làm cho lòng tin thành tựu chắc có kết quả mong muốn. Nếu không có lòng tin, dù chư Phật có từ bi như cha mẹ cũng không thể cứu nổi, không thể vãng sanh. Chỉ có lòng tin thành tựu thì Chư Phật thường còn không mất, cũng không lui sụt. Tin Phật là bậc Đại Thánh tối tôn tối thượng, nên dù chúng sanh ở quá khứ hiện tại và vị lai, không cần hỏi tâm thiện ác nhiều ít Phật đều biết rõ. Nếu có người tin Phật Đại từ bi có thể cứu chúng sanh trong ba thời, dù có tạo nhiều ác nghiệp tội chướng mà phát lòng ăn năn chừa lỗi, Phật đều biết rõ và đều cứu độ đúng lúc, như người mẹ thấy con ở chỗ dơ bẩn đói lạnh quyết lòng cứu giúp chẳng bao giờ xa lìa. Dù đứa con không có lòng báo hiếu, mẹ vẫn không nài khó nhọc lo cho con cả cuộc đời, huống chi Đức Phật là bậc đầy lòng Đại Từ Bi thì lòng cứu khổ to lớn hơn cha mẹ ngàn muôn bội. Không phải chỉ có cứu khổ ở thế gian, mà còn cứu khổ lớn sanh tử. Cho nên, thế gian có lòng tin thì Phật liền cứu, cũng không hỏi tội nặng nhẹ.

Kinh Pháp Hoa nói: "Tất cả chúng sanh đều là con ta, ta là cha của chúng nó, các người nhiều kiếp bị các khổ thiêu đốt, ta đều cứu giúp ra khỏi ba cõi." Đức Phật cứu độ không luận đạo tục, nam nữ, giàu nghèo, già trẻ, tốt xấu, sang hèn và tội nặng nhẹ, chỉ cần có lòng tin, có lòng hối lỗi, lòng tin thành tựu, niệm danh hiệu Phật không dứt là Phật đến cứu. Trong kinh nói: "Tất cả chư Phật đều đến hộ niệm, đều được chẳng thối chuyển. Pháp hy hữu khó tin này chỉ cần lòng tin, không luận người có tội, hoặc người nữ không được vãng sanh. Chỉ luận có lòng tin hay không, nếu giới hạnh thành tựu đều được vãng sanh, chẳng phải là khó tin, chẳng phải là ít có. Thiện nam và thiện nữ nào có thể tin chẳng dối trá chẳng luận tội có nặng nhẹ, các bệnh đều trừ, các bệnh đều dứt, chẳng luận xa gần, chỉ giữ lòng tin, tâm mau dứt nghi hoặc, liền biết niệm Phật như mẹ cứu con nên gọi là pháp hy hữu khó tin. Khi nói kinh này rồi hằng hà sa chư Phật ở sáu phương, mỗi vị đều hiện tướng lưỡi rộng dài, chứng minh cho biết chúng sanh trong ba đời nghe Phật dạy đều được vãng sanh. Nên gọi là pháp hy hữu khó tin. Kinh nói: "Niệm một câu Nam Mô A Di Đà Phật diệt được 80 ức kiếp tội sanh tử. Tất cả Chư Phật đều hộ niệm.”

Lòng Từ Bi của Chư Phật là bình đẳng cứu khắp chúng sanh chẳng luận kẻ đạo người tục biết hối lỗi hồi hướng phát nguyện chắc Phật cứu không hề sai sót, nên chúng sanh có lòng tin niệm Phật được thành tựu thì không có tội nào không diệt hết, không có bệnh nào là không lành, không có khổ nào là không trừ, không có nổi lo nào mà không vui mừng. Nếu có người nghe liền hối lỗi rồi học, thực hành niệm Phật thì năng lực của Phật sẽ gia hộ.

Người có lòng tin mới biết Thân nghiệp không được sát sanh trộm cướp, dâm dật, cũng không được đánh đập hại tất cả chúng sanh, cũng không được ăn mặc lòe loẹt, trang sức trau dồi, gấm vóc lụa là, muôn hồng nghìn tía, quần áo đẹp xinh, khêu gợi lòng người, làm chướng đạo nghiệp dễ bị chìm vào biển khổ. Cũng làm cho người khởi ái tâm. Người mặc áo đẹp trang sức lòe loẹt làm động lòng người. Người tu hành không nên trang điểm lòe loẹt, chỉ ăn mặc giản dị. Riêng thân có 3 điều phải giữ gìn không sát sanh, trộm cướp và tà dâm.

Về khẩu nghiệp, không được uống rượu, ăn thịt, ăn ngũ vị tân, không được nói dối, nói thêu dệt, nói lưỡi hai chiều, nói lời hung ác. Nếu giữ khẩu nghiệp thanh tịnh là đối với đạo Phật tương ưng, nếu gia tâm niệm Phật thì được sáu phương Chư Phật hộ niệm. Về ý nghiệp thì không được tham, sân, si vì nó là ba độc, bỏ tham sân si chuyên tâm niệm Phật chắc thoát khỏi tam giới./.

Lời Bạt

Trăng sáng đầy trời không qua phách quế (mặt trăn), sóng dậy đầy sông nguồn gốc bắc ở thương minh (nguồn sông), dùng muôn pháp là tâm công chỉ còn ở nhất niệm, ngàn xe họp bánh đường chẳng ngoài tổng trì, đủ diệu môn tối thắng để thoát luân hồi thật thẳng tắt, chỉ có pháp môn niệm Phật căn cứ từ cõi Phật A Di Đà hiện từ thuyền vớt chúng sanh vô lượng kiếp, pháp môn Tịnh độ mở tự tánh pháp giới kết vô giá hội, đồng về trong rừng cây báu cõi Cực lạc.

Thời Đông Tấn, Đại sư Huệ Viễn Kiết Bạch liên xã, 123 xã chúng đều được tam muội, đồng được vãng sanh, đặc biệt 18 vị cao hiền hiển bày chơn tôn, bi trí cùng làm, thánh phàm đều nhiếp hết, đem thuốc của Đại y vương chữa lành các bệnh chúng sanh,như mặt nhật huệ ở trên không, bóng tối ngàn năm mau dứt, biến thế giới thành hoàng kim, người được vãng sanh vị ở bất thối, ngồi hoa sen thấy Phật chứng quả vô sanh. Như cửu khúc minh châu tuy nhỏ bằng một tất tơ mà có thể biết mùi vị của dòng nước trăm sông, muốn khô bể nghiệp cần phải niệm Phật A Di Đà. Nếu tâm luôn luôn hệ niệm Đức Phật kia thì không nhọc khảy móng tay Tây Phương cũng đến.

Có bài kệ rằng:

Duy Tâm Tịnh độ phải thừa đương.

Tự tánh Di Đà mỗi chỗ thường

Không khổ không lo là Cực lạc.

Đừng thương đừng ghét ấy Tây phương

Hà sa công đức xưa nay đủ.

Diệu bửu trang nghiêm, chẳng thể lường

Chuyên niệm chủ nhân Vô Lượng Thọ

Thấy nghe thanh sắc lộ đường đường./.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/11/2024(Xem: 1000)
Bài Ca Thành Đạo ( Lời: Dương Kinh Thành - Nhạc: Thanh Hiệp - Trình bày: Nhóm SST)
13/09/2024(Xem: 1050)
Nhạc phẩm: Đời Ta, Chiếc Lá Bồ Đề Nhạc: Võ Tá Hân Thơ: Như Nhiên Thích Tánh Tuệ Ca sĩ: Ngọc Quy
20/07/2024(Xem: 755)
1. Về Tây Phương có A Di Đà Ở cõi đây có Phật Thích Ca Phật hai nước phát tâm là Độ dân chúng nơi Ta Bà Về bên cõi A Di Đà 2. Lạc Bang cõi vui tràn đầy Mọi người khi sanh về đây Khổ ưu não rơi từng ngày Người trong nước luôn sum vầy Trồng cây đức đơm hoa dày
18/03/2024(Xem: 3577)
Thông Báo Lễ Ra Mắt DVD nhạc : Đêm Thành Đạo của Ca Sĩ Gia Huy, do Gia Huy Music Tâm ca & nhóm Tuệ Đăng tổ chức tại tại San Jose, Cali, Hoa Kỳ ngày 23/3/2024
03/11/2023(Xem: 1725)
Nhạc phẩm: Con Xin Sám Hối (Nhạc của Vũ Ngọc Toản, do Ca Sĩ Diệu Đan trình bày)
03/11/2023(Xem: 1732)
Nhạc Phật Pháp - Buddhist Music - 佛教音乐 🎯 Đăng kí kênh: ► http://bit.ly/3bNVPBu 📩 Liên hệ bản quyền [email protected] 💳 Momo: 0988151290 © Copyright 2022 Diệu Đan Official Tags: #DieuDan #Phatgiao #Nhacphatgiao
03/11/2023(Xem: 2515)
Sám Nguyện - Thơ: Thích Nhất Hạnh - Nhạc: Thích Viên Như | Diệu Đan | Nhạc Phật Pháp - Buddhist Music - 佛教音乐 🎯 Đăng kí kênh: ► http://bit.ly/3bNVPBu
12/10/2023(Xem: 4258)
"We Are the World" is a charity single originally recorded by the supergroup USA for Africa in 1985. It was written by Michael Jackson and Lionel Richie and produced by Quincy Jones and Michael Omartian for the album We Are the World. With sales in excess of 20 million copies, it is the eighth-best-selling physical single of all time. Conductor • Quincy Jones Soloists (in order of appearance) • Lionel Richie • Stevie Wonder • Paul Simon • Kenny Rogers • James Ingram • Tina Turner • Billy Joel • Michael Jackson • Diana Ross • Dionne Warwick • Willie Nelson • Al Jarreau • Bruce Springsteen • Kenny Loggins • Steve Perry • Daryl Hall • Huey Lewis • Cyndi Lauper • Kim Carnes • Bob Dylan • Ray Charles
12/09/2023(Xem: 2586)
Album nhạc Ca Khúc Xúc Động về Thầy | Nhạc của MC Lâm Ánh Ngọc: Ca Sĩ trình bày: Lâm Ánh Ngọc, Phương Thảo, Trần Ngọc Tuấn, Thu Trang, Hạnh Nguyên
22/06/2023(Xem: 5581)
Văn nghệ trong GĐPT là một bộ môn không thể thiếu, có tác động vô cùng lớn trong sinh họat và là một phương tiện truyền đạt giáo lý, giáo dục rất hữu hiệu. Người huynh trưởng GĐPT do đó ngoài vai trò giáo dục thường là những người nghệ sĩ có trái tim rung động, có trí óc sáng tạo và hiểu rõ những tác dụng của ngôn ngữ, âm thanh.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]