Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Những tấm lòng vàng (Tường thuật khóa Tu Học kỳ 9 tại Đức Quốc)

03/11/201222:55(Xem: 4471)
Những tấm lòng vàng (Tường thuật khóa Tu Học kỳ 9 tại Đức Quốc)

khoatu_auchau_4

Tôi trở về sau khóa tu học, nhìn cảnh nhà vắng vẻ, lòng tôi buồn vẩn vơ. Tâm trạng tôi như kẻ thất tình. Tôi thương ai? Tôi nhớ ai? Tôi không rõ. Nhưng bình tâm phân tích kỹ tâm trạng đó, tôi hiểu ra, tôi... tương tư tiếng nói Việt Nam, những khuôn mặt Việt Nam, không khí Việt Nam mà tôi đã trải qua suốt 10 ngày của khóa tu học. Đúng rồi, "người tình" của tôi đích thị là "tiếng nước tôi", "dân tộc tôi", tôi yêu nó từ khi mới... ra đời lận!

Bây giờ tôi ngồi đây, trên bàn viết tại nhà, tôi thả hồn mơ mộng nhớ về những ngày qua, những khuôn mặt, những nụ cười, những câu nói đã khiến tôi nhung nhớ. Và tôi muốn ghi lại tất cả những gì còn lưu luyến trong tôi để rồi với thòi gian tôi sẽ cất nó vào "hồ sơ" kỷ niệm.

Khóa tu học kỳ 9 tại Đức quốc là khóa thứ 3 tôi tham dự. Chỉ mới 3 năm, tôi đã quen khá nhiều thầy, bạn. Những khuôn mặt cũ rồi những khuôn mặt mới, cứ lần lượt với thời gian chồng thêm lên cho đến một ngày nào đó tất cả đều là bạn, là anh em, là thầy cô, là những người thân chung một mái nhà, là "tứ hải giai huynh đệ" như một bài hát nào đó vẫn cất lên: "Bốn phương trời ta về đây chung vui. Không phân chia giọng nói, tiếng cười. Cùng nắm tay ta kết đoàn thân ái, trao cho nhau những lời thiết tha"... Ngày đó đất nước ta không còn đánh nhau, chém giết nhau, hòa bình sẽ thật sự đến vậy. Chỉ là điều mong ước, nhưng tôi vẫn hy vọng ngày đó thành sự thật.

Tôi rảo một vòng khi tôi vừa đến nơi. Trời mưa lâm râm và se se lạnh. Ngọn đèn trong các phòng hắt ra, tuy yếu ớt cũng đủ cho tôi nhận dạng những người quen: Anh Lộc, anh Mai, chị Nga, chị Nam, anh Thanh, bác Bảo, anh Thành, Loan và đặc biệt em bé Oanh (6 tuổi) - Oanh Vũ của tôi ở khóa 8 Hòa Lan - níu áo tôi chào: "Chị Nhật Hưng!" rồi nở nụ cười, nhe hai chiếc răng sún mới nhú mà năm ngoái em có bảo "đi chùa cầu Phật xin mọc răng dài ra" (bây giờ em đã toại nguyện) ..., cùng nhiều người tôi nhớ mặt nhưng chưa biết tên đang tất bật đôn đáo với công việc ghi danh, bố trí phòng ốc ngủ nghỉ, ăn uống... lòng tôi bỗng thấy vui, ấm lại, như nơi đây tôi tìm thấy lại quê nhà. Độ 2 ngày, mọi việc đều ổn định, vào nề nếp. Chương trình học, sinh hoạt, sắp xếp rất rõ ràng. Mọi người đều chuẩn bị bước vào một ngày mới.

Là huynh trưởng, nhưng kiến thức về Phật Pháp của tôi zéro. Đã đành, lý thuyết sẽ vô giá trị nếu không biết sử dụng đúng cách. Nhưng mà, muốn được mưa, bắt buộc phải nhờ mây. Không phải mây nào cũng làm nên mưa, nhưng mưa không thể có nếu không có mây. Cũng như căn nhà kia sẽ thiếu tươi mát, xinh đẹp nếu không có hoa, cây cảnh. Nghĩ vậy, lần này, tôi quyết tham dự các buổi giáo lý (ngày ba buổi, mỗi buổi một tiếng rưỡi đồng hồ). Thì giờ rảnh, tôi mới phụ giúp Oanh Vũ hoặc rảo quanh, phóng cặp mắt... thám tử "rình" thiên hạ …nhả ngọc phun châu, tôi chộp lấy đưa lên mặt báo.

Lửng thửng bước ra khỏi lớp học, tôi bất chợt nhìn thấy một người, nụ cười thật tươi như đóa hoa hướng dương để cho tôi nhận dạng một người quen: Chị Thanh Trà! Chị đến từ Canada, từng là Giáo sư Đại học Tổng hợp của Sàigòn trước đây. Tôi quen chị lần đầu ở khóa tu học kỳ 7 Đan Mạch và rất ngạc nhiên khi gặp chị lần hai. Tôi bước đến:

- Chị là chị Thanh Trà?

- Sao bồ biết?

- Nghe anh Hồ Thanh nói, Chị có mặt hôm nay nên em cố ý tìm.

- Dường như tôi cũng nhớ gặp bồ ở đâu. Thấy nụ cười quen quen.

Vậy sao, nụ cười của đóa... râm bụt này mà cũng khắc sâu tâm khảm Chị được sao?! Tôi cười cười, không đáp. Chị lại hỏi:

- Nè bồ, lần này có dịp qua đây, tôi cũng có ý tìm một người đã "nói xấu" tôi trên mặt báo. Bồ biết ai không?

Tôi gật đầu:

- Dường như em có quen. Con nhỏ đó rất... láu cá!

- Bài báo làm bà con Canada "dũa" tôi quá trời: "Bà nghen, ở đây năn nỉ bà hết hơi bà vẫn không chịu lên sân khấu. Qua Âu Châu bà lại đi…xin hát".

Tôi cười:

- Lần này Chị sẽ hát nữa chứ?

Chị Thanh Trà lắc đầu nguầy nguậy:

- Thôi, một lần tởn tới già!

- Tởn gì?

- Hỏng dám múa rìu qua mắt thợ. Rồi không đợi tôi nói tiếp, Chị tâm sự:

- Dân Canada thắc mắc với tôi hoài: "Dân Âu Châu... giỏi cỡ nào mà bà "ca" dữ?". Bồ biết tôi trả lời sao không: "Lời nói tôi chưa đủ nói lên "tài" dân bên đó. Nếu không tin, cứ qua rồi biết".

Tôi nghe, cứ tủm tỉm cười. Có lẽ chị cũng "ca" quá trớn thật. Theo tôi, nhân tài ở đâu cũng có. Chả riêng gì Âu Châu. Chắc chắn bên Canada, Hoa Kỳ, Úc v.v... còn giỏi hơn nữa đấy. Núi cao còn núi khác cao hơn mà! Vấn đề chỉ là, nhân tài cần phải có cơ hội, cần tìm ra minh chúa. Hoặc có một tổ chức, vị lãnh đạo tài ba nào đó... "khiến" hiền sĩ xuất đầu lộ diện xả thân gánh vác công việc mới là điều đáng nói, thì ở đây, trong phạm vi tu học phải kể đến Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu dưới sự lãnh đạo của quí Chư Tôn Đức Tăng Ni khắp Âu Châu...

Nhưng hiền sĩ dưới trướng là ai? Tôi thử liệt kê dưới đây để bàng dân thiên hạ (nhất là bà con bên Canada đang thắc mắc) am tường rồi sau đó nhận định, đúng là "hiền sĩ" hay "dữ sĩ" !

Tục ngữ Việt Nam có câu "Có thực mới vực được đạo". Trong một tổ chức qui tụ một lúc 631 người ròng rã trong 10 ngày (con số tăng nhanh hơn 300 người năm tôi tham dự. Năm ngoái 450, năm nay trên 600) thì vấn đề hậu cần tuy gọi là "hậu" nhưng lại là vấn đề quan trọng được đặt ra trước hết.

Với 10 Chi Hội Phật Giáo trên khắp nước Đức, Thầy Như Điển đã huy động mỗi Chi Hội phụ trách trai soạn (nấu ăn) một hoặc hai ngày. Và ngày đầu tiên tôi la cà xuống bếp. Bếp được dựng dã chiến bằng hai chiếc lều thật lớn ngoài sân cỏ, trước hội trường, tôi đụng độ Chị Doãn, đầu bếp chính của Chi Hội München, đang "điều binh khiển tướng" tả xung hữu đột chén dĩa đụng chạm nhau kêu loảng xoảng. Gặp Chị, tôi hết sức ngạc nhiên. Sân khấu trong hội trường chùa Viên Giác vào các buổi lễ Tết, Phật Đản, Vu Lan chưa đủ cho Chị tung hoành sao?! Nếu chỉ nói riêng tài văn nghệ không thôi của Chị, đã đủ làm tôi khâm phục. Chị soạn những màn vũ liên kết nhau rất linh hoạt, đầy màu sắc còn nói lên được tình tự dân tộc thể hiện qua các mối tình thôn dã trong những buổi tát nước dưới trăng hè mà tôi có dịp thưởng thức qua nhạc cảnh "Duyên Quê" thật vô cùng tuyệt hảo. Ngoài ra, tài của chị vốn còn là Giáo sư toán dạy cấp ba trường Trung học Đồng Khánh Huế, Gia Long Sàigòn trước 75 ( hiện nay chị còn là cây bút nữ kỳ cựu của báo Viên Giác nữa với bút hiệu Nguyên Hạnh) thì cái việc bếp núc hôm nay đối với Chị coi như chuyện "lẻ tẻ" nhằm nhò gì so với tài cao đó. Nhưng nói tài không chưa đủ, phải nói tấm lòng phục vụ vô vụ lợi của chị đó mới là điều đáng quí, đáng thán phục. Tôi xin nghiêng mình vỗ tay hát một bài tặng chị mà trong sinh hoạt anh em Gia Đình Phật Tử vẫn hát: "Hoan hô chị này một cái, hoan hô chị này. Hoan hô chị này hai cái, hoan hô chị này. Hoan hô chị này ba cái, bốn cái, năm cái... và một triệu cái luôn".

Trong Ban Trai Soạn, tôi cần phải nhắc thêm một người. Đó là nhà văn Vũ Nam, một cây bút quen thuộc của độc giả Viên Giác và khắp hải ngoại. Tôi không thể tưởng tượng được, khi hữu sự, anh cũng có thể xếp bút nghiên khoác áo chiến bào, í quên, khoác áo nhà bếp... xông pha vào tận rổ bát, chén, đũa, nồi niu… múc canh, múc đồ xào… v.v... do phu nhân của anh cùng các "tướng sĩ" trong Ban Trai Soạn Chi Hội Reutlingen nấu.

Gặp anh, tôi cũng hết sức ngạc nhiên. Nhìn anh tất bật đôn đáo chạy ngược, chạy xuôi, nét mặt khẩn trương căng thẳng, tôi chỉ kịp chào anh, hỏi thăm chưa hết ba điều, bốn chuyện, hai ngày sau anh đã... cuốn gói lên xe Bus cùng bà con Chi Hội Reutlingen về mất, cũng không kịp cho tôi nghiêng mình vỗ tay, hát tặng anh và Chi Hội đó bài hát hoan hô...

Bây giờ thì... "Thúy đã đi rồi", không, Chi Hội Reutlingen đã đi rồi, tôi vẫn đứng đấy hát vọng theo, dù biết mình hát dở và bà con Chi Hội đó... hổng thèm nghe, tôi vẫn... "cứ" hát bài hát hoan hô: "Hoan hô Chi Hội này một cái, hoan hô Chi Hội này... Hoan hô...".

Nhưng mà, chỉ nói về Chị Doãn, anh Vũ Nam cùng Chi Hội München, Reutlingen không chưa đủ, tôi cần phải nhắc đến vô số "anh hùng vô danh" của các Chi Hội khác mà tôi quen mặt nhưng chưa biết tên, đã âm thầm làm việc không mỏi mệt, đua nhau tận tình cống hiến đến mọi người những bữa cơm chay thật ngon, thật cầu kỳ với ba, bốn món một lúc. Thỉnh thoảng còn thay đổi bún bò (chay), bún riêu, bò kho (chay), ca-ri, hủ tiếu và kể cả bánh canh tự nhồi bột tươi, nắn rồi cắt, rồi trụng... Chao ôi, với quá nhiều công sức và thời gian. Đã vậy, ngày nào cũng còn thêm một nồi chè cho bà con mát ruột. Công lao và những tấm lòng vàng đó, tôi không biết dùng ngôn từ nào xứng đáng để "tuyên dương công trạng", không lẽ tôi lại nghiêng mình vỗ tay hát bài...hoan hô nữa sao! (Nhàm quá rồi phải không Quí vị?).

Ngoài ra, trong Ban Trai Soạn, tôi còn đặc biệt chú ý một người: anh "Xổ Số" (tên tôi đặt vì một lần dịp lễ Phật Đản tôi chứng kiến anh phụ trách mục xổ số cho chùa Viên Giác). Ngoài tài ăn nói "dẻo quẹo" khi rao bán và xổ số tạo không khí vui nhộn, sống động khiến người không trúng số cũng hỉ hả ruột gan, anh còn hát và nhất là ca vọng cổ muồi riệu. Không rõ anh thuộc Chi Hội nào mà suốt 10 ngày của khóa tu học anh luôn túc trực nhà bếp phụ trách các nồi kềnh càng, dường như trong đó có những nồi cơm lớn "sản xuất" các mảng cơm cháy dòn rụm, ai tinh ý biến chế thêm xì dầu kho quẹt thơm tho mặn mòi đã khiến "Đại Học Oanh Vũ" (các em thiếu nhi) vô cùng ưa thích.

Nói như vậy không phải các em bị bạc đãi chỉ chuyên vét nồi! Không đâu, cơm cháy là món "đặc biệt" do các anh chị huynh trưởng phụ trách Oanh Vũ "đăng ký" cho mình, dùng để tráng miệng (ăn thêm) nếu thích. Không ngờ đó lại là món các em chiếu cố tận tình sau những lần cơm chính với đầy đủ thức ăn ngon, nên dần dần từ một mảng cơm cháy đã tăng cường đến một... thau lận. Khiến anh "Xổ Số" cung ứng hết nổi luôn.

Năm tới, phong thanh khóa tu học sẽ tổ chức tại Thụy Sĩ (nơi tôi cư ngụ). Eo ơi, với một nước nhỏ, cộng đồng ít người, một Chi Hội duy nhất vỏn vẹn chỉ vài ngoe làm sao đương nổi chuyện hậu cần? Nhưng mà, nghĩ đến anh Xổ Số, bà con Ban Trai Soạn Thụy Sĩ (nhất là các cô) thở phào. Tôi nghe phong thanh, các cô xì xào, sẽ làm kiệu... rước anh Xổ Số sang đấy. Anh nghĩ sao, thưa anh Xổ Số ???

*

Chánh điện khá rộng. Bề ngang dễ chừng 10 mét, bề dài 15 mét. Đây mới chỉ là phân nửa được ngăn từ phòng bóng rổ, bóng chuyền... Phân nửa còn lại dành làm phòng ăn. Ngoài ra, còn nhiều phòng khác chưa kể đến, dùng cho học viên ngủ nghỉ. Hội trường này do ông Thị Trưởng Pfaffenhofen ưu ái cho mượn, Ban Tổ Chức không phải trả một đồng tiền thuê, cũng đỡ được ít nhất 10.000 Đức Mã. Nhưng vấn đề ở đây không phải tài chánh mà chính là tấm lòng của Ông cũng như những người Đức khác đã quan tâm ủng hộ đến sinh hoạt Phật Giáo của chúng ta.

Buổi lễ khai mạc cũng như bế mạc đều có sự hiện diện của Ông cùng một số quan khách. Đặc biệt nhất có đài truyền hình, truyền thanh trực tiếp phỏng vấn, tìm hiểu về tổ chức của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu. Một câu hỏi quan trọng đặt ra: "Phật Giáo tại hải ngoại có Ban Truyền Giáo không?“ Để trả lời mọi thắc mắc, Thầy Như Điển đại diện Giáo Hội đã đáp rằng: "Phật Giáo chúng tôi hoàn toàn không có Ban Truyền Giáo. Đạo Phật là đạo Từ Bi. Ai thích hợp tự đến tìm hiểu thôi".

Thực vậy, đây cũng là vấn đề tôi đã đặt ra, vì tò mò, để "phỏng vấn" Chú Frank, 29 tuổi, đang tham dự khóa Tu Học Phật Pháp cùng chúng tôi. Chú Frank không chỉ là một người Đức theo Phật Giáo bình thường mà còn là một Sa Di (Chú Tiểu) đang tu tại chùa Viên Giác với Pháp danh "Thiện Bình", Pháp tự Hạnh Hảo, tên Việt Nam do Thầy Như Điển đặt cho và cũng là đệ tử của Thầy Như Điển, đã trình luận án Magister xong vào tháng 10.1997.

Được tôi hỏi:

- Tại sao "chú" theo đạo Phật?

Bằng một giọng tiếng Việt phát âm không sõi nhưng rất giỏi, chú Thiện Bình đáp:

- Tôi tìm hiểu và nhận thấy giáo lý Đức Phật phù hợp với khoa học ngày nay và thích hợp với tôi, nên tôi theo.

- Nhưng tại sao chú lại đi tu?

- Tìm hiểu xong, tự nhiên tôi phát tâm!

Thấy chú dùng từ chuyên môn Phật Pháp rất chính xác, rất chuyên nghiệp, không rõ chú học tiếng Việt từ đâu, tôi cười, chưa kịp hỏi chú nhiều thêm nữa thì những học viên hiếu kỳ khác đã bu quanh, thấy không tiện, tôi cáo biệt, bỏ đi. Nhưng nhìn chung, không riêng gì người Đức mà cả Âu, Mỹ; những người theo đạo Phật thường họ đã tìm hiểu thấu đáo giáo lý của Đức Phật.

Nhưng hôm nay, tại chánh điện của hội trường này, vấn đề tôi muốn giới thiệu ở đây là Đêm Văn Nghệ Kỷ Niệm Đệ Thập Chu Niên Ngày Thành Lập Gia Đình Phật Tử Đức Quốc, một lực lượng trẻ, một cánh tay đắc lực hộ trì Tam Bảo bấy lâu.

Có tới 8 Gia Đình Phật Tử, không kể các Đoàn sinh của các Gia Đình ngoài nước Đức, vân tập nơi chánh điện, từ 2 giờ chiều thứ bảy sau các thủ tục cần thiết: Tụng kinh, diễn văn, giới thiệu quá trình hình thành, cũng như sinh hoạt, cắt bánh sinh nhật v.v... màn văn nghệ ngay tối đó bắt đầu lúc 20 giờ là chương trình không thể thiếu vừa để giúp vui, tạo không khí trẻ trung thoải mái cho những học viên sau vài ngày căng thẳng với chương trình học giáo lý; vừa để giới thiệu tài năng văn nghệ của các bạn trẻ trong các Gia Đình.

Nói đến văn nghệ, một số không nhỏ các bậc trưởng thượng cổ xưa của chúng ta luôn có quan niệm: "xướng ca vô loài", nhưng, theo cái nhìn thực tế trong nếp sống văn minh hiện đại ngày nay, văn nghệ lại đóng vai trò quan trọng, một trong lãnh vực của người làm văn hóa. Đúng hay sai, dở hay hay tùy ở người sử dụng và tùy cái nhìn của mỗi người mà thôi

Và bây giờ mời Quý vị hướng về "sân khấu", nơi khoảnh sân nhỏ bên hông chánh điện, các em Đoàn sinh của 8 Gia Đình sẽ đưa chúng ta về quê hương thưởng thức các câu ca, tiếng nhạc, điệu vũ, tiếng chày cùng những hình ảnh rất quen thuộc của nếp sống nông thôn trong những bộ bà ba duyên dáng với chiếc nón bài thơ của các cô thôn nữ e ấp bên các cậu trai làng. Rồi sau đó, các em lại đưa chúng ta vào vườn Thượng Uyển trong Thành nội Huế, nơi có một đầm sen đang nở rộ, lung linh trong gió chiều qua vũ khúc "Đèn Chầu" của Gia Đình Phật Tử "Chánh Niệm" Berlin.

Bằng một tấm ni-lông đục, thật lớn, giăng ngang hai đầu sân khấu giả làm bùn, 24 đóa hoa sen vươn cao, phải chăng vừa nở từ những búp sen mới nhú của các em Oanh Vũ thuộc GĐPT "Tâm Minh" trong vũ khúc "Bông Sen" trước đó.

Bông sen, một loại hoa tinh khiết "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn", trong Phật Giáo tượng trưng cho năm hạnh: Tinh tấn, thanh tịnh, từ bi, hỷ xả, trí tuệ của Chư Phật và Bồ Tát: Phật Thích Ca, Phật Di Lặc, Phật A Di Đà, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát và Quan Thế Âm Bồ Tát.

Ngắm đầm sen, tôi chợt nhớ câu chuyện về một đóa sen Thầy Như Điển trồng được, rất khó khăn với thời tiết Âu Châu trong hồ sen sân chùa Viên Giác. Hoa mới nở một đóa duy nhất, chưa thọ được một ngày, trẻ tinh nghịch nào đã dang tay "thỉnh" mất, khiến Thầy tiếc hùi hụi. Và đầm sen hôm nay, trên sân khấu, có lẽ GĐPT Chánh Niệm "đền" lại Thầy sự mất mát đó. Chỉ tiếc là đầm sen này chỉ "nở" trong 6 phút, nhưng tôi tin rằng Thầy vẫn vui vì đã thay vào đó một đầm sen mãi mãi không bao giờ tàn, đang nở rộ khắp nơi nơi từ những đóa biết đi, đứng, nói, cười... của chính từng Đoàn sinh GĐPT vậy.

Trở lại chương trình văn nghệ. Rời đầm sen, chúng ta bước vào thế giới nguy nga lộng lẫy của cung điện triều Nguyễn. Những cột phụng, rồng trạm trổ công phu làm sống lại triều đại cổ xưa đã một thời vang bóng khiến ta không khỏi ngậm ngùi trước lẽ vô thường của cuộc đời.

Cung điện không còn vua, quan và quân, chỉ có một số "cung nữ" trong những chiếc áo choàng hoàng hậu màu vàng viền xanh cùng một số "thái giám" đang biểu diễn một vũ điệu nghê thường từ chính những đóa sen "hái" từ đầm sen vườn Thượng Uyển. Vũ điệu thật tuyệt vời. Những đóa sen biến dạng như những cánh hoa đời lấp lánh nhụy đèn (đèn pin) nhắc nhở về một quá khứ dấu yêu của ngày hội hoa đăng xưa cũ.

Rồi tiếp sau đó, tương phản với khung cảnh vua chúa giàu sang cung vàng điện ngọc, ra phố phường chúng ta bắt gặp không ít những trẻ mồ côi lang thang rách rưới, nạn nhân của chiến tranh: "đêm đêm nó ngủ một manh chiếu rách co ro, một thân côi cút không nhà" ... qua hình ảnh nhỏ bé, khẳng khiu của em Khánh Tường trong nhạc phẩm "Nó".

Khánh Tường 11 tuổi, Oanh Vũ GĐPT "Thiện Minh" Lyon, Pháp Quốc. Em xuất hiện với chiếc quần đùi, áo sơ-mi rách tươm, chiếc mũ đội đầu và túi vải cũ kỹ. Em cất tiếng hát như một tiếng chuông gióng lên cảnh tỉnh những kẻ vì mưu đồ thực hiện chủ nghĩa này, ý thức hệ nọ đã gây chiến tranh để lại cho quê hương biết bao cảnh tương tàn, những trẻ mồ côi không nơi nương tựa mà cho đến nay, hơn 20 năm, mặc dù "hòa bình đã lập lại trên quê hương" - (lời rêu rao của những kẻ thắng trận - thì, trong khi nhà cầm quyền phè phỡn trong lầu son gác tía, cao lương mỹ vị, đô-la có hằng trăm triệu gởi ra nước ngoài, thì khắp hang cùng ngõ hẻm vẫn đầy dẫy những trẻ thiếu ăn, thiếu học "ngày nó sống kiếp lang thang. Mẹ ơi, con luôn mong chờ, bao giờ cho đến bao giờ?!". Khánh Tường đại diện cho đám trẻ thơ thống thiết gọi mẹ. Người mẹ ruột sinh em, hay mẹ Việt Nam đã bị bức tử trong một ngày bão tố 30.04.1975?!

Bằng giọng ca thiên phú: mạnh, trong, cao vút, truyền cảm và điêu luyện -Một trong những điều kiện ắt có và đủ của một ca sĩ - Khánh Tường đã làm rung động biết bao con tim qua sự trình diễn rất tự nhiên nhưng xuất thần của em; nhất là khi vào phần nhạc đệm, em quì xuống, ngước mặt lên trời, chiếc mũ đặt dưới chân, chắp tay khấn vái: "Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát cứu khổ cứu nạn, cứu vớt đời con". Một số khán giả không cầm lòng được đã ào ào nhảy lên sân khấu bỏ tiền vào chiếc mũ của em (món tiền này sau đó đã được em cúng dường vào quỹ Ban Tổ Chức).

Tối thứ hai, cũng vẫn tại chánh điện, một buổi giải lao cho học viên theo thông lệ trong chương trình, Khánh Tường trở lại sân khấu với ba nhạc phẩm: "Cát Bụi", "Máu Nhuộm Bãi Thượng Hải" (em hát bằng tiếng Tàu), và "Nó" (thể theo lời yêu cầu của khán giả). Lần này em cũng vẫn nhận được một món tiền từ chiếc mũ và em lại cúng dường vào quỹ xây cất chùa ở Ấn Độ. Hoan hô tinh thần em.

Ngoài ra, cũng tối thứ hai, "Đại Học Oanh Vũ" đã đặc biệt đưa chúng ta vào rừng sâu, hòa mình cùng thiên nhiên với đầy hoa rừng, ong bướm cùng thế giới của những cô sơn nữ tí hon, của những người lùn qua vũ khúc "Bạch Tuyết và Bảy Chú Lùn", "Con Bướm Vàng" "Đường Lên Xứ Thượng". Cũng nơi đây, bên cạnh những cảnh êm đềm thơ mộng, không thiếu tiếng gầm thét của cọp dữ, và tiếng xì xào của bọn thảo khấu cướp của giết người qua các kịch cảnh "Sự Tích Chú Cuội" và bi hài kịch "Quả Báo Nhãn Tiền".

Thành thật mà nói, Oanh Vũ năm nay đã tích cực đóng góp một chương trình thật đa dạng, phong phú bằng tinh thần hăng say và tài năng hiếm có của các em. Tiếng vỗ tay và những lời trầm trồ khen tặng không ngớt. Nhưng kết quả có được, chúng ta không nên quên công lao chịu khó hướng dẫn của các anh chị huynh trưởng, "giáo sư" Đại Học Oanh Vũ của khóa tu học kỳ 9 tại Đức Quốc.

Muốn biết rõ hơn "lời nói không bằng mắt thấy", xin mời tất cả ghé lại "trường" tận mắt chứng kiến nếp sinh hoạt của Đại Học Oanh Vũ.

*

Tại một góc khuất phía trái đầu chữ T theo diện tích của hội trường, nếu ta không để ý hoặc có dịp đi dạo ngang đấy khó biết được ngày ngày có một đàn chim non ("sinh viên" Đại Học Oanh Vũ) làm tổ trên một bục gỗ tiếp giáp với các phòng của Tăng sĩ. Đàn chim còn rất nhỏ. Hầu hết tuổi mới 5, 6, 7. Số rất ít đếm trên đầu ngón tay được vài em 10, 12, 13.

Nếu quí vị phụ huynh đã hỉ hả thốt lên: "Năm nay tôi tu học khỏe quá, vì đám nhỏ con tôi đã có người trông nom", thì ta có thể mường tượng nỗi nhọc nhằn của các anh chị huynh trưởng ("giáo sư" Đại Học Oanh Vũ) "chịu trận" với 42 em nhỏ.

Người tôi nghĩ vất vả nhất phải kể Hồ Thị Kim Loan. Loan không chỉ một người "Chị nuôi" giỏi giang mà còn như một mẹ hiền, hình ảnh phụ nữ Việt Nam dịu dàng, chịu đựng làm việc với cả tấm lòng và tinh thần trách nhiệm.

Theo Loan tu học năm nay có vài em hàng xóm tại địa phương cha mẹ bận đi làm không tham dự được, gởi gắm. Lẽ dĩ nhiên Loan phải lo cả từ ăn, mặc, tắm rửa, ngủ nghỉ cho các em. Con nít thường hay a dua, bắt chước. Vài em đó vô tình như con mồi lôi kéo các em khác theo nhau về ngủ chung phòng của chị Loan. Thế là một nhà trẻ được hình thành. Nếu không có kỷ luật luyện các em vào khuôn khổ, có lẽ Loan sẽ xỉu đấy thôi. Nhộn nhất lúc Loan xịt nước tắm tập thể mấy em. Những "con nhộng" reo hò, cười giỡn rất hồn nhiên. Tôi nghĩ Loan mệt, nhưng cô nàng lắc đầu: "Mệt gì đâu chị. Em thấy vui". Niềm vui đó phải chăng cùng nhịp với tấm lòng của Chi Hội và anh Hồ Thanh, thân phụ Loan, người sẵn sàng cúng dường Bảy Ngàn Đức Mã( tương đương trên 5 ngàn US đô la) cho khóa tu học nhưng Thầy Như Điển không nhận. Thật rõ là: "Cha nào con nấy", "nhân nào quả nấy".

Nhưng "Đại Học Oanh Vũ" không chỉ mỗi mình Loan. Bên cạnh cô nàng, còn rất nhiều sự hỗ trợ đắc lực của các chị Trinh, Phụng, Thanh... và các anh Thành, Thắng, Thịnh, Minh, Lâm, Sử, Phong và đặc biệt Sư cô Minh Hiếu. Tất cả, mỗi người một tay, một nhiệm vụ. Người lo giảng dạy, kể chuyện; kẻ phụ trách văn nghệ, thể thao và còn nghiên cứu cả trò chơi lớn nữa. Trò chơi lớn, một hình thức du ngoạn hóa trang nương theo một cốt truyện đạo "Đôi Mắt Thái Tử Câu-Na-La", tập các em tinh thần đồng đội cùng nhau thi đua ôn lại những điều đã học, phát huy sáng kiến để hành xử và ứng phó mọi chông gai, trở ngại trên đường đi. Với trò chơi này, các em đã gặp cọp, Tarzan, Ma vương và diện kiến với Vua, Tiên và Phật nữa do các anh chị huynh trưởng hóa trang. Được cọp (do anh Thành đóng) cho bánh, kẹo, nước - Cọp này tu luyện lâu năm, đã thành tinh - các em hỉ hả...vuốt râu cọp khen lấy khen để sao cọp hiền và dễ thương!

Riêng Sư cô Minh Hiếu, không rõ các em tán tụng cô dễ thương cỡ nào vì gần như mỗi lần đến dạy giáo lý là mỗi lần các em đều có một cây kem.

Nhìn chung, Oanh Vũ năm nào cũng là mầm măng được ưu tiên nuông chiều chăm sóc kỹ nhất. Một bài hát các em thường ca: "Đàn em là những mầm măng rất ngoan. Đang lớn, đang khôn nhưng mềm. Nhờ bao hàng trúc che chở bên mình, đàn em được sống êm đềm". Hàng trúc bao bọc quanh đó, phải chăng chính là Sư cô cùng các anh, chị huynh trưởng vậy.

*

Cuộc du ngoạn sau cuối mỗi khóa học năm nay tại Đức Quốc đưa mọi người thăm... nghĩa địa! Mới nghe qua tôi không khỏi giật mình. Ai chết vậy? Chết ra sao? Hẳn là bất đắc kỳ tử? Không, trong khóa học chả ai chết cả. Người chết hầu hết dân Do Thái và một số các nước khác, nạn nhân của chủ nghĩa Đức Quốc Xã Hitler thời Đệ nhị Thế chiến.

Người hướng dẫn nhóm chúng tôi là chị Dung, người con gái mới đầu gặp, tôi có cảm giác rất tháo vát, đảm đang. Cảm nhận của tôi về chị quả không sai. Mãi sau này trên đường về, người trong xe kháo nhau rằng: Chị là ái nữ của bác Nguyễn Kim Định, cựu Đại tá Thiết Giáp Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, vừa rồi bác đảm nhận Trưởng Ban Tổ Chức khóa tu học. Chị Dung đã một tay đắc lực hỗ trợ việc điều hành giúp thân phụ và cũng là động lực tạo duyên để thân phụ đến chùa.

Bước vào trại Dachau, trại tập trung đầu tiên do Hitler thành lập giam giữ người Do Thái, chúng tôi gặp ngay hàng chữ: "Arbeit macht frei" (Lao động được tự do) gắn nơi cửa ra vào, một hình thức sáo ngữ kiểu "Lao động là vinh quang" của Việt Cộng nhà ta. Trên thực tế, vinh quang và tự do đó nếu kéo dài, người tù chỉ nhận được ở kiếp sau.

Trại giam khá khang trang. Từng dãy nhà trệt ngăn nắp thẳng hàng. Nay tuy đã san bằng nhưng vẫn còn để lại dấu vết qua các nền nhà và một vài dãy tượng trưng.

Về phương diện ở, nhà tù của Hitler vẫn văn minh và tiện nghi. Những chiếc giường tầng chồng lên nhau cho mỗi tù nhân. Nhà vệ sinh sạch sẽ nằm riêng biệt. Phòng ăn có bàn ghế đàng hoàng. Điều này cũng không gì ngạc nhiên vì đó là nếp sống rất bình thường của người Âu, Mỹ. Một điểm chung: Sự bỏ đói và nhiều phương cách hành hạ cực kỳ vô nhân đạo là điểm nổi bật nhất ở các trại tập trung Hitler và Việt Cộng. Mặc dù thống kê ghi rõ: Tù nhân được 400g thịt mỗi tuần. Sáng 350g bánh mì, nửa lít cà-phê, trưa chiều có cháo, súp nuôi, nhưng hình ảnh tiều tụy với da bọc xương, khuôn mặt hốc hác sợ hãi trong những bức tranh treo trên tường không giấu được sự thật. Những cuộc thí nghiệm y khoa biến tù nhân thành những sinh vật để thí nghiệm là những hình ảnh khủng khiếp hãi hùng nhất. Người tù giam trong lồng kính. Từng áp suất gia tăng là từng nét đau đớn hằn trên khuôn mặt tù nhân. Có người chết ngay tức khắc. Kẻ dai dẳng có sức đề kháng lâu hơn thì cũng đờ đẩn, ngớ ngẩn trước lúc xuôi tay. Rồi còn phòng hơi ngạt giết tập thể tù nhân trần truồng trong danh nghĩa cùng nhau "đi tắm". Tù nhân bị phỉnh gạt "hồ hởi" bước vào cõi chết mà lòng cứ ngỡ đi "tẩy trần" xả bỏ mồ hôi, bụi bặm đất cát dơ dáy sau bao ngày lao động mệt nhọc. Tuy nhiên, nói cho cùng, dù Hitler tàn bạo đến đâu chẳng qua cũng chỉ đối với người ngoại chủng. So với cảnh "nồi da xáo thịt" hoặc:

Nấu đậu bằng dây đậu

Đậu ở trong chảo khóc

Cùng một mẹ sinh ra

Nỡ giết nhau quá gấp.

(Tào Thực)

của Việt Cộng nhà ta đối với người đồng chủng ở các trại tập trung vẫn nhẫn tâm hơn nhiều. Điều này nếu Quí vị đọc cuốn "Trại Kiên Giam", tập hồi ký viết rất khách quan, rất trung thực về các trại tù và Chủ Nghĩa Cộng Sản tại Việt Nam của ông Nguyễn Chí Thiệp (Thiệp chứ không phải Thiện) hoặc nghe băng đọc vô cùng lôi cuốn không thua gì phim tập Hồng Kông qua giọng đọc điêu luyện trầm ấm như một kịch sĩ của ông Trần Nam, Quí vị sẽ hiểu rõ. Ngoài ra, băng đọc còn có giá trị giúp các em sinh trưởng tại hải ngoại yếu tiếng Việt có thể hiểu được phần nào lịch sử cận đại nước nhà để có cái nhìn đúng đắn về dân tộc, để thấy quê hương đáng yêu cần các em xây dựng và bảo vệ sau hậu Cộng Sản.

*

Thưa Quí vị, bài viết của tôi đến đây đã khá dài, tôi xin được tạm ngưng. Nhưng nói như vậy không có nghĩa đã hết "Những Tấm Lòng Vàng". Khóa tu học còn vô số nhân tài như Tiến sĩ Trịnh Thị Nam (Điều hành Ban Tổ Chức), Bác sĩ Tuấn (phụ trách văn phòng kiêm Thông dịch viên còn thổi sáo rất hay), hai chị em Nguyễn Thị Đan Thanh và Hưng (Vũ sư của vũ khúc "Đèn Chầu" kiêm công việc hành chánh). Ngoài ra còn một lực lượng trẻ của GĐPT Âu Châu dưới sự điều hành của anh Võ Văn Mai, anh Lê Giao, anh Khu Thêm Đống (Nha sĩ), anh Lộc v.v... cùng các chị Huyền Đan, Nga ... và nhiều "anh hùng vô danh" khác nữa tôi quen mặt nhưng chưa biết tên. Chỉ tiếc là năm nay lực lượng trẻ lo học đạo, làm việc, không sinh hoạt rộn ràng như khóa ở Hòa Lan nên thiếu vắng tiếng cười, tiếng hét, hò reo của những tâm hồn khoáng đạt.

Thưa Quí vị, qua bài tường thuật, Quí vị nhận thấy các nhân vật trên là "hiền sĩ" hay "dữ sĩ" ? ? ?

Trần Thị Nhật Hưng

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
23/07/2015(Xem: 12839)
Nhật báo của thành phố Neuss tường thuật về Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu kỳ 27 Ngày 22.07.2015 Những Ngày Nghỉ Hè Được Dành Cho Đức Phật Khoảng 500 người Phật Tử Việt Nam đến từ Âu Châu gặp nhau 10 ngày tại Neuss. Chư Tôn Đức Tăng Ni cùng với tham dự viên của Khóa Phật Pháp Âu Châu lần thứ 27 thực tập giáo lý Phật Đà. Bài của ký giả Von Katrin Haas Thích Như Điển và Thị Chơn dịch từ tiếng Đức sang tiếng Việt
19/07/2015(Xem: 12094)
Dịp mùa Chay 2015, Phật giáo Thái Lan đã tổ chức xuất gia gieo duyên cho hàng trăm nghìn người, trong số đó có nhiều quốc tịch khác nhau trên các nước trên thế giới, tham gia và đi diễu hành khắp đường phố. Truyền thống xuất gia gieo duyên đã bén rễ sâu dày trong đời sống gia đình và xã hội Thái Lan; truyền thống này đã trở thành một nét son trong văn hóa Phật giáo tại Thái Lan nói riêng và văn hóa dân tộc nói chung. Những bài học đạo đức, những kinh nghiệm, những kỷ niệm trong những ngày xuất gia gieo duyên là những hành trang đáng giá, là những triết lý sống giúp các cho những người thực tập xuất gia gieo duyên vững chãi hơn và luôn tự tin với chính mình, luôn tin yêu vào cuộc sống quanh mình.
18/07/2015(Xem: 11207)
Vào lúc 10 giờ ngày 17 tháng 7 năm 2015, tại địa điểm số 1855 Lucretia Avenue, thành phố San Jose, tiểu bang California, chùa Thiên Trúc đã long trọng tổ chức khai mạc khóa tu học Phật pháp mùa hè năm 2015. Đến dự lễ khai mạc có đông đảo chư Tôn đức Tăng, Ni: Hòa thượng Thích Tịnh Từ (Viện trưởng tu viện Kim Sơn, California), Hòa thượng Thích Thông Hải (Viện chủ thiền viện Chân Không, Hawaii), Thượng tọa Thích Đức Trí (Trụ trì chùa Tam Bảo, Oklahoma), Sư bà Thích Nữ Đồng Kính (Trụ trì thiền viện Vô Ưu, California) … và khoảng 600 thiện nam, tín nữ, Phật tử đến từ nhiều thành phố ở vùng “Thung lũng hoa vàng”.
03/07/2015(Xem: 20084)
Khóa An Cư Kiết Đông 2015 tại Chùa Pháp Bảo, Sydney
27/06/2015(Xem: 12188)
Qua 4000 năm Văn Hiến của dân tộc thì trên 2000 năm, Phật giáo có mặt, đồng hành cùng dân tộc. Tính từ thời lập quốc họ Hồng Bàng – Kinh Dương Vương tên nước là Xích Quỷ (năm 2879 trước c.n) đến thời nhà Lý vào năm 1010-1225 đã là 4000 năm, đến nay cũng gần 5.000 năm. Từ thời lập quốc ở Trường Giang, bị Hoa tộc lấn dần cho đến Hùng Vương qua 18 đời, đất nước Văn Lang chỉ còn lại Bắc Việt và Bắc Trung Việt ngày nay.Quê hương vốn ở Hồ Động Đình, do Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh 100 con lập quốc. Kinh Dương Vương là con của Đế Minh và Vụ Tiên, là cháu ba đời của Thần Nông, mà Thần Nông là một trong Tam Hoàng thời thượng cổ.Như thế, Lạc Long Quân là con của Kinh Dương Vương, Kinh Dương Vương là họ Hồng Bàng, lấy quốc hiệu là Xích Quỷ. Kinh Dương Vương truyền ngôi cho Lạc Long Quân, Lạc Long Quân truyền cho Hùng Vương, lấy quốc hiệu là Văn Lang. Từ thời kinh Dương Vương lập quốc đến nay, dân tộc trãi qua 11 lần thay danh đổi hiệu:
20/06/2015(Xem: 14760)
Bài thơ đầu anh viết tặng em Là bài thơ anh kể về đôi dép Khi nỗi nhớ ở trong lòng da diết Những vật tầm thường cũng biến thành thơ
01/06/2015(Xem: 6229)
Khóa An Cư Kiết Hạ kỳ 31 (1984-2015) Phật lịch 2559 tại Chùa Viên Giác, Đức Quốc
17/03/2015(Xem: 7509)
Chuyến Hoằng Pháp đầu năm Ất Mùi 2015 của HT Thích Như Điển ( Phương Trượng Chùa Viên Giác) & HT Thích Minh Tuyền (Chùa Việt Nam, Nhật Bản) tại Đan Mạch qua các Chùa Giác Hãi, Quảng Hương và Vạn Hạnh, quốc gia Đan Mạch
11/03/2015(Xem: 4055)
Thế là chúng tôi đến đất Thái. Đoàn chúng tôi gồm 18 thành viên, cả lớn lẫn nhỏ. Bé nhất là Thùy Dương học lớp 3, rồi Minh Anh học lớp 4, Sỹ Tuấn học lớp 7. Đoàn từ Hà Nội hạ cánh xuống Băng Cốc trước đoàn từ Sài Gòn 3 tiếng nên mọi thành viên có 3 tiếng chờ đợi tha hồ ngắm sân bay Băng Cốc rộng mênh mông, nhiều hàng hóa. Có những thành viên lần đầu tiên đi nước ngoài nên bây giờ đã phân biệt được sân bay có đầy đủ dịch vụ và tiện ích với nhà ga, nơi chỉ để cho hành khách đi và đến.
06/03/2015(Xem: 11566)
Lịch Hoằng Pháp Âu Châu 2015 Do HT Thích Như Điển - Phương Trượng Chùa Viên Giác Đức Quốc và Chư Tôn Đức Tăng Ni hướng dẫn 4 Tuần ở Mỹ và Canada vào tháng 4 và đầu tháng 5 1. Tuần 1: từ ngày 10 đến 12 tháng 4 ở Thiền Viện Chánh Pháp, OK 2. Tuần 2: Từ ngày 17 đến 19 tháng 4 ở Philadelphia 3. Tuần 3: Từ ngày 24 đến 26 tháng 4 ở Chùa Hải Đức, Jacksonville, FL 4. Tuần 4: Từ ngày 01 tháng 4 đến 3 tháng 5 ở Chùa Kim Quang, Toronto, Canada 4 Tuần ở Âu Châu vào cuối tháng 9 đầu tháng 10 1. Tuần 1: từ ngày 24 đến 27/9 ở Aschaffenburg 2. Tuần 2: từ ngày 01 đến 04/10 ở Koblenz 3. Tuần 3: từ ngày 09 đến 11/10 ở Thụy Điển 4. Tuần 4: từ ngày 15 đến 18/10 ở Đan Mạch Xin CTĐ mua vé máy bay: đến phi trường Frankfurt và về từ phi trường Copenhagen.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]