Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Con đường tu tập của người Phật tử qua Kinh Trung Bộ

30/06/201315:42(Xem: 9005)
Con đường tu tập của người Phật tử qua Kinh Trung Bộ

phattu_2CON ĐƯỜNG TU TẬP CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ

QUA KINH TRUNG BỘ

Giới thiệu: Đây là bài phát biểu của tôi nhân dịp kêt thúc lớp học Kinh Trung Bộ tại Thiền Viện Vạn Hạnh - Saigon, năm 1988, do HT Thích Minh Châu giảng dạy.

________________

Trước những sự kiện diễn ra trong cuộc sống hằng ngày, tôi đã từng ngày đêm thao thức với biết bao câu hỏi “ Tại sao ?”...

Tại sao cuộc sống đầy rẫy những khổ đau, bất hạnh, bất như ý ?

Tại sao cùng sinh ra làm kiếp người mà lại có muôn vàn sai khác, cách biệt nhau ?

Tại sao niềm vui thường chóng tàn, còn khổ đau, phiền não thì cứ triền miên như bất tận?

Làm thế nào để hết khổ được vui ?

Tất cả những câu hỏi đó, triết học thế gian cũng như nhiều tôn giáo đã từng đưa ra nhiều lời giải đáp khác nhau, nhưng tôi vẫn chưa cảm thấy hài lòng. Với lòng khao khát chân lý và mong muốn tìm ra lời giải đáp cho những vấn đề của chính bản thân và cuộc sống, tôi đã tìm đến Thiền Viện Vạn Hạnh - Saigon và xin theo học lớp Kinh Trung Bộ dành cho cư sĩ, do Hòa Thượng Thích Minh Châu giảng dạy.

Trước đây, tôi vẫn thường nghe nhiều người phê bình đạo Phật là đạo bi quan, yếm thế, tiêu cực; là đạo của những kẻ chán đời, thất bại trong cuộc sống và muốn trốn chạy thực tại; hay là đạo của những người già muốn tìm nơi nương tựa trong những ngày cuối cùng của cuộc đời. Thế nhưng, sau hơn hai năm theo học lớp Kinh Trung Bộ, tôi thấy những lời giảng dạy của Đức Phật rất thiết thực, đã giúp tôi giải toả biết bao ưu tư phiền não, đã đem lại cho tôi một nguồn an lạc thanh cao, một sức mạnh tinh thần vững chắc để làm hành trang trên vạn nẻo đường đời, và đã thay đổi cách nhìn của tôi về con người và cuộc sống.

Từ mỗi bài kinh tôi đều có thể rút ra ít nhất là một bài học thực tiển để suy nghĩ và áp dụng trong cuộc sống hằng ngày, dù đó là bài kinh Đức Phật thuyết giảng cho các tỷ kheo, cư sĩ hay những người ngoại đạo. Những bài học thực tiển rút ra từ Kinh Trung Bộ rất nhiều và phong phú, nhưng trong phạm vi giới hạn của bài viết này, tôi chỉ xin đề cập sơ lược một vấn đề thiết thân, cốt lõi nhất của chúng ta, đó là vấn đề “ Tại sao con người đau khổ ?” và “ Làm thế nào để hết khổ ?”.

Giáo pháp của Đức Phật vô cùng thâm sâu vi diệu, dù ta bỏ cả cuộc đời để nghiên cứu học hỏi chắc cũng chưa đủ. Thế nhưng nhìn xuyên suốt quá trình 45 năm hoằng pháp độ sinh, Đức Phật đã khẳng định: “ Này các tỷ kheo, xưa cũng như nay, ta chỉ nói một điều, đó là sự khổ và diệt khổ”.

Vậy thế nào là khổ ?

Theo cách hiểu thông thường của chúng ta thì khổ có hai loại : vật chất và tinh thần. Về vật chất thì già yếu, bệnh tật, đói rách, thiếu thốn mọi nhu cầu của cuộc sống hằng ngày là khổ. Về tinh thần thì tất cả những điều gì trái ý nghịch lòng đều làm ta khổ: phải xa cách người mình thương là khổ, phải gần gũi người mình ghét là khổ, cầu mong mơ ước không thành là khổ...vv . Nhưng với trí tuệ của một bậc Toàn Giác, Đức Phật đã có một cái nhìn thật rốt ráo về khổ, Ngài khẳng định : “Tất cả những gì vô thường đều là khổ”.

Quả thật, từ khi sinh ra cho đến lúc lớn lên, học hành rồi đi làm việc, ta thấy cuộc sống như một giòng sông phẳng lặng, êm đềm trôi chảy mãi không thôi. Ta không hề chú ý đến những biến hoại đang âm thầm diễn ra từng giây phút trong vạn vật cũng như trong chính bản thân mình. Ngay trong thân thể của chúng ta, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân… mỗi ngày qua là mỗi biến đổi, hao mòn suy yếu; thế mà ta cứ tưởng rằng mình vẫn giữ được mãi nét thanh xuân, nên ta không ngừng mọi nỗ lực để tô bồi cho thân ta ngày càng trẻ trung tươi đẹp ! Ta bị cuốn hút vào việc mưu cầu lợi ích cho bản thân, nào là tiền tài, danh vọng, địa vị, sắc đẹp, tình yêu..vv., và cho rằng đó là mục đích của cuộc sống, là lý tưởng, là nguồn hạnh phúc duy nhất của đời người. Ta say sưa trong men dục của thế gian và tưởng rằng những gì ta đạt được sẽ mãi mãi là của ta. Cho đến một ngày kia, ta gặp một biến cố bất thường, một sự thất bại, một sự mất mát lớn lao đập mạnh vào tim khiến ta đớn đau, bàng hoàng, rời rã: như mất tài sản, điạ vị, danh vọng mà ta đã dày công xây đắp, mất tình yêu, mất sắc đẹp, mất người thân yêu nhất của ta...vv. Ta giật mình nhìn lại chuổi ngày qua, nhìn lại mình và tự hỏi “ Đây có phải là hạnh phúc đích thực chăng ?”. Nếu là hạnh phúc đích thực, nó phải trường tồn, vĩnh viễn, không bao giờ mất. Tại sao ta bây giờ không còn là ta của những ngày đã qua ? Tại sao niềm vui giờ đã tan biến và chỉ còn lại nỗi chán chường, mệt mỏi, thất vọng, muộn phiền ? Ta giật mình hoảng hốt, muốn níu kéo lại những gì đã qua nhưng nào có được! Ta cảm thấy bất lực và đau khổ muôn vàn...Ở đây, lời dạy của Đức Phật đã soi sáng cho ta chân lý muôn đời:“ Tất cả các pháp đều vô thường, và tất cả những gì vô thường đều là khổ”.

Vậy nguồn gốc của khổ đau do đâu mà có ?

Ta biết rằng khổ đau có mặt cùng với sự hiện hữu của con người. Khổ đau do con người phát hiện và cảm nhận. Nếu không có con người thì không thể đặt ra vấn đề đau khổ. Triết học thế gian đã từng nêu vấn đề: “Tôi là ai? Tôi từ đâu đến và sẽ đi về đâu?”. Nhưng những lời giải đáp mang tính chất siêu hình của triết học thế gian không làm thỏa mãn những người đang khao khát đi tìm chân lý. Đôi lúc con người lại muốn ngụy biện về sự hiện hữu của mình theo kiểu ‘ triết lý hiện sinh’ :“Tôi đâu có muốn sinh ra đời, chính vì do ý muốn và dục vọng của cha mẹ tôi mà tôi phải có mặt trong đời này. Vậy cha mẹ tôi phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những khổ đau của tôi !”.

Ở đây, Đức Phật đã đưa ra một lời giải đáp rốt ráo về nguyên nhân sự hiện hữu của con người trong cuộc đời qua Lý Duyên Khởi. Trong Đại Kinh Đoạn Tận Ái, Đức Phật dạy rằng, ta có mặt trong đời không phải là một sự ngẫu nhiên, mà chính do ái dục, do lòng khao khát muốn được tiếp tục thọ hưởng các dục lạc ở thế gian mà thức của ta đã gá vào bào thai của người mẹ vào đúng thời điểm hội đủ các điều kiện thuận lợi của bốn món ăn: đoạn thực, xúc thực, tư niệm thực và thức thực, để rồi từ đó một con người được sinh ra trong cõi đời này. Chính bốn món ăn này do ái dục làm nhân duyên, và ái dục này phát xuất từ vô minh, để cho ra đời toàn bộ khổ uẩn của con người : sinh , già, bệnh, chết.

Tại sao Đức Phật dạy rằng vô minh kết hợp với ái dục để phát sinh toàn bộ nỗi thống khổ của con người ?

Ta hiểu rằng do ái dục, con người được sinh ra. Lúc còn nhỏ, ta chưa có khuynh hướng tâm lý rõ ràng; nhưng lúc lớn lên và bắt đầu hiểu biết, khi sáu căn của ta tiếp xúc với sáu trần, tham ái bắt đầu khởi. Ta bắt đầu phát sinh những tình cảm như yêu thích, giận hờn, ghét bỏ, ham muốn..., và từ từ ta bị lôi cuốn vào các dục trưởng dưỡng: sắc, thanh, hương, vị, xúc...Sự cám dỗ của các dục ngày càng gia tăng theo tốc độ phát triển của nền văn minh vật chất. Được cái này, ta lại muốn cái kia; được cái kia ta lại muốn cái nọ, cứ muốn sao cho bằng hoặc hơn bạn bè, bà con, thiên hạ. Ta không những muốn ăn ngon mặc đẹp, muốn có người yêu lý tưởng, mà còn muốn giàu sang, danh vọng, địa vị xã hội, quyền lực... để cho mọi người nể nang, thán phục. Ta thấy tự ngã của mình ngày càng lớn, chẳng muốn thua kém ai, càng ngày ta càng chìm đắm trong biển dục mênh mông không biết đâu là bờ bến...

Chính vì vô minh nên ta không hiểu được sự nguy hiểm của các dục, như Đức Phật đã dạy: “Này các tỷ kheo, các dục vui ít, khổ nhiều, não nhiều, ở đây sự nguy hiểm lại càng nhiều hơn”. Chính vì vô minh, ta chấp thân làm ngã. Ta chấp sắc, thọ, tưởng, hành , thức này là ta, là của ta, là tự ngã của ta. Do đó, ta tìm mọi cách, mọi phương tiện để làm thỏa mãn tấm thân ngũ uẩn này. Đức Phật dạy rằng, Ác Ma vốn không phải ai xa lạ, nó chính là năm dục trưởng dưỡng. Khi ta tham đắm dục lạc, chính là lúc ta đã rơi vào bàn tay của Ác Ma, bị Ác Ma điều khiển, ta làm theo mệnh lệnh của Ác Ma, để rồi dấn thân tạo nghiệp, thọ khổ..., và kết quả là tiếp tục quanh quẩn trong sáu nẻo luân hồi. Như vậy, vô minh kết hợp với ái dục: vô minh sinh ái dục, và ái dục nuôi dưỡng vô minh. Cứ như thế, toàn bộ khổ uẩn của con người bắt đầu từ đó, như Lý Duyên Khởi đã nêu rõ.

Sau khi dạy cho chúng ta hiểu khổ là gì và nguồn gốc của khổ, Đức Phật đã chỉ cho chúng ta con đường diệt khổ, tức là Bát Chánh Đạo, và khởi đầu là Chánh Tri Kiến. Muốn có được Chánh Tri Kiến, ta phải biết tu tập để phát triển trí tuệ. Đây quả thực không phải là một vấn đề đơn giản cho những phàm phu như chúng ta. Ta có thể hiểu được khổ và nguồn gốc của khổ, nhưng ta không thể nào diệt được khổ nếu ta không có trí tuệ.

Vậy thế nào là người có trí tuệ ?

Trong Kinh Trung Bộ, Đức Phật đã nhiều lần đề cập đến người có trí : ‘ Người có trí là người có nghe lời dạy của Đức Phật, có tu tập hành trì đúng như lời Phật dạy, biết rõ sự sanh diệt của các pháp. Người ấy biết rõ: đây là lậu hoặc, đây là lậu hoặc tập khởi, đây là lậu hoặc đoạn diệt, đây là con đường đi đến lậu hoặc đoạn diệt. Từ đó, người ấy tinh tấn tu tập hành trì để dần dần đoạn trừ các lậu hoặc, đưa đến đoạn diệt các mầm mống của sanh y, tiến tới an lạc, giải thoát, Niết Bàn.’

Đức Phật đã dạy: “Này, các tỷ kheo, phàm như có sự sợ hãi, nguy hiểm, tai họa nào khởi lên, chúng chỉ khởi từ người ngu, không khởi từ người trí”. Vì sao ?Vì người trí đã có tri kiến như thật về sự sanh diệt của các pháp, người ấy đã biết rõ thế nào là khổ, đâu là nguyên nhân, và con đường diệt khổ. Từ đó, người ấy biết rõ việc gì nên làm và việc gì không nên làm. Người ấy biết rõ các pháp bất thiện sẽ đem lại sự sợ hãi, nguy hiểm, tai họa... nên người ấy cương quyết không làm. Người ấy biết rõ các thiện pháp sẽ đem lại hạnh phúc an lạc, nên người ấy cố gắng tinh tấn thực hiện. Do đó sự sợ hãi, nguy hiểm, tai họa, khổ đau sẽ không đến gần người có trí.

Đối với chúng ta đang còn là những phàm phu, bản chất chúng ta vốn yếu đuối về cả trí tuệ lẫn thể xác. Vì vậy, khi một việc bất hạnh, phiền não xảy ra, chúng ta như người bị trúng hai mũi tên độc: thân ta đau đớn và tâm ta cũng đau đớn. Muốn nhổ mũi tên độc trong thân, chỉ cần có thầy hay thuốc tốt là có thể lành bệnh, nhưng muốn nhổ mũi tên độc trong tâm thật vô cùng khó khăn, đòi hỏi chúng ta phải có một sức mạnh tinh thần phi thường, sức mạnh ấy phát xuất từ trí tuệ.

Do đó, muốn có trí tuệ, ta phải biết thân cận với người có trí, để nghe pháp, tùy pháp và hành pháp. Nhờ nghe pháp nhiều, tâm trí ta ngày càng được soi sáng, ta hiểu được Lý Duyên Khởi, sinh lòng tin vào Phật, Pháp, Tăng. Ta cố gắng giữ gìn giới luật, hộ trì các căn, sống thiểu dục tri túc, chế ngự không cho tham ái khởi lên, giữ vững chánh niệm tỉnh giác trong đời sống hằng ngày. Ta hiểu được nguyên nhân vì sao ta có mặt trong đời, vì sao ta gặp bất hạnh hay được sung sướng, vì sao cùng là con người mà lại có muôn vàn sai khác cách biệt nhau. Tất cả đều do hành động của ta, do nghiệp mà ta đã tạo trong quá khứ và hiện tại. Sự đau khổ trong hiện tại là do nghiệp của ta đã tạo trong quá khứ. Vậy muốn chấm dứt đau khổ, ta phải tích cực thực hiện những hành động thiện để chuyển nghiệp.

Thế nào là hành động thiện ?

Đức Phật đã định nghĩa rất rõ: “Hành động nào đem đến lợi mình, lợi người, lợi cả hai là hành động thiện. Hành động nào đem đến hại mình, hại người, hại cả hai là hành động bất thiện”. Bởi thế, trước khi làm việc gì, ta phải suy nghĩ, cân nhắc, đắn đo, xem hành động sắp làm là thiện hay bất thiện; ngay cả những hành động nào chỉ lợi cho mình mà không lợi cho người ta cũng nên tránh. Trong tâm ta, ta phải luôn luôn giữ vững chánh niệm, tỉnh giác để kiểm soát dòng tư duy của mình. Khi có một ý niệm bất thiện chợt thoáng qua, ta cố gắng quên ngay, đừng bao giờ cho phép nó khởi lên; và nếu nó đã khởi lên rồi thì ta cố gắng tìm cách đoạn trừ. Khi một ý niệm thiện chưa khởi, ta hãy tìm cách tạo điều kiện cho nó sinh khởi, và khi một ý niệm thiện đã khởi lên, ta cố gắng nuôi dưỡng cho nó càng ngày càng tăng trưởng tốt đẹp hơn. Ta cố gắng tu tập trong từng lời nói, từng cử chỉ, từng hành động nhỏ hằng ngày. Cố gắng giữ gìn thế nào để tâm chỉ nghĩ đến điều thiện, miệng chỉ nói những lời thiện, thân chỉ làm những việc thiện. Đó chính là quá trình rèn luyện để có được Chánh Tri Kiến, từ đó đưa đến Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng…

Đây quả thực là một con đường tu tập rất khó khăn đối với những phàm phu như chúng ta. Bởi vì ý nghiệp đã ăn sâu vào tiềm thức, đã chi phối, hình thành nếp suy nghĩ, thói quen và hành động thường ngày của ta, chúng là những tập khí sâu dày mà ta đã tích tụ từ vô lượng kiếp. Hơn nữa, bản chất của ta vốn do ái dục sinh, và ta đang trầm mình trong dục giới với đầy đủ tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến; do đó, ta rất dễ bị dục vọng lôi cuốn và trở nên yếu đuối, quên mất lời Phật dạy, chìu theo dục vọng và buông thả với chính mình. Chỉ cần mất tỉnh giác, buông lơi, phóng dật, dễ dãi với chính mình là ta đã rơi ngay vào vòng tay của Ác Ma dục vọng và chịu sự điều khiển của nó.

Vì vậy, muốn tu tập có kết quả, ta phải nghiêm khắc với chính mình và tinh tấn hành trì với niềm tin bất thối chuyển vào những lời Phật dạy, đây chính là thực hành Chánh Tinh Tấn. Giữ gìn năm giới là một hình thức kỷ luật tự giác của bản thân, ta phải xem giữ giới là điều tâm niệm hằng ngày. Tiếp đến, ta phải hành thiền đều đặn để thanh tịnh tam nghiệp, giữ vững chánh niệm, và phát triển tuệ giác. Hành thiền chính là một quá trình thanh lọc tâm hữu hiệu nhất, như Đức Phật đã dạy: “Thiền là thay thế năm triền cái bằng năm thiền chi”.

Trong quá trình thanh lọc tâm, bước đầu ta từ bỏ các pháp bất thiện về thân, khẩu, ý, và cố gắng thành tựu các thiện pháp về thân, khẩu, ý. Tiếp đến ta từng bước thực tập pháp Quán Niệm Hơi Thở Vào - Hơi Thở Ra, tập trung sự chú tâm vào đối tượng là hơi thở để thiết lập chánh niệm vững chắc, dần dần loại bỏ năm triền cái là Tham, Sân, Hôn Trầm Thụy Miên, Trạo Hối, Nghi và thay thế bằng năm thiền chi là Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc và Nhất Tâm.

Đây là một quá trình tu tập lâu dài và khó khăn đối với chúng ta, vì ta biết rằng năm triền cái là kẻ thù bên trong chúng ta. Tiêu diệt kẻ thù bên trong bản thân mình quả thật vô cùng khó khăn gian khổ, đòi hỏi ta phải có nghị lực lớn, quyết tâm cao để có thể tinh tấn hành trì mà không nản lòng, thối chí. Chỉ có hành thiền mới giúp ta tăng cường nội lực, phát triển định lực, đưa đến tuệ giác để thấy rõ sự vật đúng như thật. Nhờ vậy ta mới tạo được sức mạnh tinh thần để đối trị các dục, và vượt qua được những cơn khủng hoảng khiến ta trở nên yếu đuối trước sức cám dỗ của Ác Ma. Hành thiền là con đường đưa đến Chánh Niệm và Chánh Định.

Khi tâm ta đã được định tĩnh, đã tìm được nguồn an lạc do thiền đem lại, ta cảm thấy nhẹ nhàng thư thái, dần dần buông xả được những trói buộc của dục vọng vốn đã làm ta đau khổ bấy lâu nay. Ta đã hiểu được Vô Thường là qui luật chung của vạn pháp, không có gì là thường hằng, vĩnh cữu; và tất cả những gì vô thường đều là Khổ. Ta cũng hiểu được rằng chính vì vô thường nên tất cả các pháp đều Vô Ngã, không có tính chất cố định, không có gì là ta, là của ta, hay là tự ngã của ta. Ta chỉ là một tập hợp của năm uẩn, của tứ đại, và sẽ có ngày tan rã thành cát bụi. Như vậy, tiền tài, danh vọng, địa vị, sắc đẹp, tình yêu..., nói chung là các dục của thế gian, và ngay tấm thân này, tất cả đều như bọt nước, như mây trôi, như giấc mộng, cuối cùng tất cả đều trở về với cái thực tướng của nó là Không. Vậy có gì đáng cho ta tham đắm ? Còn gì đáng cho ta chấp thủ, phiền não, khổ đau ? Chúng đến hay đi, còn hay mất, ta hãy bình thản nhận biết và cố giữ cho tâm không dao động. Ta hãy chuẩn bị tinh thần để đón nhận vô thường như một người khách có hẹn trước. Nhờ vậy, khi vị khách Vô Thường đến, ta không ngạc nhiên, không hoảng hốt, không sợ hãi, chỉ bình thản nhận biết, ‘À, vị khách Vô Thường đã đến ! ’.

Khi ta đã giữ được tâm thanh tịnh, an nhiên tự tại, bình thản trước mọi biến cố thăng trầm trong cuộc sống, ấy là lúc ta đã thấy được đạo, ta đã có được trí tuệ để thấy sự vật đúng như thật. Đây là lúc ta hưởng được cảnh Niết Bàn nơi trần thế, ngay trong hiện tại này. Hạnh phúc chính là đây, đây mới là hạnh phúc đích thực.

Khi ta đã thấy được chân lý, đã tìm được an lạc cho chính mình, lòng ta bỗng trở nên bao dung, rộng lượng. Ta cảm thấy thương yêu mọi người, nhìn mọi người bằng con mắt từ bi, nhìn cuộc đời với cõi lòng rộng mở. Ta bỗng cảm thấy xót xa khi chung quanh ta có biết bao người đang đau khổ. Vì thế ta quyết tâm dấn thân vào đời với tinh thần vô tham, vô sân, vô si, vô chấp thủ. Với lòng thương yêu tất cả chúng sanh, ta nguyện đem hết khả năng mình để phục vụ chúng sanh, giúp cho nhiều người bớt khổ được vui. Đó là lý tưởng mà bất cứ người Phật tử chân chính nào cũng mơ uớc thực hiện.

Tóm lại, con đường tu tập của người Phật tử qua Kinh Trung Bộ chính là Tứ Diệu Đế ( Bốn Chân Lý Cao Thượng ) và Bát Chánh Đạo ( Tám Con Đường Tu Tập Chơn Chánh ):

* Bốn Chân Lý Cao Thượng là : Khổ - Nguồn gốc của Khổ - Khổ có thể được diệt trừ, và Con đường diệt Khổ (tức là Bát Chánh Đạo ).

* Bát Chánh Đạo gồm có :

- Chánh Tri Kiến, nghĩa là hiểu biết đúng đắn, chơn chánh. Đây là bước khởi đầu vô cùng quan trọng trên con đường tu tập của chúng ta, vì có hiểu biết đúng đắn, chơn chánh ta mới có thể hành động đúng được, như Đức Phật đã dạy :‘ Ý dẫn đầu các pháp’.

- Nhờ hiểu biết đúng, ta mới suy nghĩ đúng (Chánh Tư Duy), nói năng đúng (Chánh Ngữ), hành động đúng ( Chánh Nghiệp), chọn nghề sinh sống chơn chánh ( Chánh Mạng), siêng năng, tinh cần tu tập ( Chánh Tinh Tấn), dẫn đến tâm luôn luôn tỉnh thức ( Chánh Niệm) tiến tới tâm định tĩnh ( Chánh Định) và nhờ vậy trí tuệ tỏa sáng, thấy rõ vạn pháp đúng như thật .

Như vậy, trong Kinh Trung Bộ, Đức Phật đã giảng dạy cho người Phật tử con đường tu tập ngay trong lòng cuộc đời, để vừa có thể đạt được một cuộc sống hạnh phúc đích thực cho bản thân, vừa góp phần xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, trong đó mọi người biết sống chung hài hòa, biết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, biết đem lòng từ, bi, hỷ, xả làm phương châm hành động.

Điều này chứng minh rằng đạo Phật không phải là một tôn giáo tiêu cực, Đức Phật nêu lên vấn đề đau khổ vì đó là một sự thật không thể phủ nhận, ta phải mạnh dạn nhìn thẳng vào nó để tìm cách diệt trừ. Biết khổ và hiểu được nguyên nhân gây ra đau khổ, để rồi tìm phương pháp diệt khổ hầu đem lại an vui hạnh phúc cho mình và cho xã hội, đó chính là mục tiêu cao thượng và tích cực của giáo lý đạo Phật.

Ta có thể kết luận rằng người Phật tử chân chính là người hạnh phúc nhất, vì người ấy biết sống thiểu dục, tri túc, không tham ái, không chấp thủ, an nhiên tự tại trước mọi hoàn cảnh, và tìm được an lạc ngay giữa lòng cuộc sống xô bồ, đầy biến động của thế gian này.

Trần Như Mai (1988)

Ý kiến bạn đọc
14/04/201514:13
Khách
Cho phép mình đc gọi là bạn nhé! Bài viết của bạn sao hay quá, nó như một động lực giúp cho mình có đc một cách nhìn thiết thực hơn, một nhân sinh quan sống hơn. Nhưng mình nghĩ đó cũng là cách nhìn trên lý thuyết, tiếc là mình chưa đủ duyên để gặp bạn xin thọ giáo thêm, vì mình cũng là một người phật tử đang chập chửng bước đi trên con đường mà Đức Phật chỉ dạy. Cảm ơn bạn về bài viêt rất nhiều chúc bạn thân luôn an lạc cát tường như ý.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
18/11/2023(Xem: 5577)
Cách đây chừng 30 năm, Tổ Đình Viên Giác tại Hannover Đức Quốc chúng tôi có nhận được bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taisho Shinshu Daizokyou) bằng Hán Văn gồm 100 tập do cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh từ Đài Loan giới thiệu để được tặng. Bộ Đại Tạng Kinh giá trị này do Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội xuất bản và gửi tặng đến các nơi có duyên. Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội dưới sự chứng minh và lãnh đạo tinh thần của cố Hòa Thượng Thích Tịnh Không đã làm được không biết bao nhiêu công đức truyền tải giáo lý Phật Đà qua việc xuất bản kinh điển và sách vở về Phật Giáo, với hình thức ấn tống bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau như: Hoa Ngữ, Anh Ngữ, Pháp Ngữ, Đức Ngữ, Việt Ngữ. Nhờ đó tôi có cơ hội để tham cứu Kinh điển rất thuận tiện.
04/01/2012(Xem: 1944)
Sau đây, là một số góp ý trong cương vị cư sĩ để giúp hoằng pháp ở hải ngoại, trong đó nêu lên ý chính: trước tiên phải là lo tu và học, nghĩa là học và hành; sau là khuyến tấn tu học, nghĩa là quảng bá chánh pháp, biện biệt được các nghĩa đúng sai, và dùng mọi phương tiện có thể có để mời gọi mọi người cùng tu học.
22/09/2010(Xem: 14655)
Ngàynay,lễ Tự tứ không còn đơn thuần mang dấu ấn lớn dành cho chư Tăngtrong giới thiền môn sau ba tháng An cư kiết hạ hàng năm, mà nó đã thựcsự tác động mạnh vào đời sống đạo đức xã hội trong việc xây dựng nếpsống an lạc, hạnh phúc cho con người. Bởi vì, suy cho cùng thì giá trịcủa lễ Tự tứ là sự thể hiện việc quyết định nỗ lực hoàn thiện nhâncách, thăng chứng tâm linh và khai mở trí tuệ đối với mỗi cá nhân conngười trong cuộc sống vốn biến động không ngừng... Nguyên tắc của Tự tứ là phải thanh tịnh hòa hợp, do đó mọi hành giả trong buổi lễ này đều khởi lòng tự tín với chính mình và các vị đồng phạm hạnh khác.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]