Diễn viên: Mẹ, 2 cô con gái: Thanh và Thư. Cường (bạn trai của Thanh)
Khung cảnh: Trong phòng khách.
*Cảnh một:
(Mẹ và Thư khệ nệ kéo hành lý bước ra sân khấu, đặt xách tay trên bàn)
Mẹ (đảo mắt nhìn quanh) lớn giọng: Trời ơi là trời, có phải nhà mình không nè trời? Sao mà nó dơ và bề bộn quá không biết nữa. Con Thanh nhà này thật hư đốn. Nói đi tu học không đi. Ở nhà phải biết dọn dẹp chứ!
Thư (nhỏ nhẹ): Mẹ ơi mẹ, mình mới đi tu học về, mẹ la lối cằn nhằn phiền não như vậy, lối xóm họ nghe được họ tưởng mình tu…hú về chứ không phải tu…học đâu, mẹ.
Mẹ: Con nói rất phải. Nhưng thấy nhà dơ dáy thế này, mẹ bực chị con quá, chịu không được.
Thư: Thôi, để con dọn dẹp cho. Mẹ biết đó, ở khóa tu học Âu Châu, con vào ban vệ sinh, cả hội trường rộng lớn như vậy mà con dọn sạch trơn, lọ là cái phòng khách nhỏ xíu nhà mình.
Mẹ: Ừ, thì con dọn đi, để mẹ ngồi…thở một chút.
( trong khi Thư quét dọn, người mẹ than)
Mẹ: Nghĩ thiệt bực cho con Thanh nhà này. Nó là chị mà không nên nết. Nhà có hai chị em. Con lớn hư đốn chừng nào thì con em ngoan hiền chừng đó. Đúng là tui nợ cái con Thanh nhà này mà. (Nhìn sang Thư) con bé này nó thật chí hiếu lo cho mẹ từng ly từng tí, không có chuyện gì mà nó không quan tâm chăm sóc cho mẹ. Nó hiếu đạo chắc không thua gì thái tử Tu Sa Đề từng lóc thịt cho cha mẹ ăn lúc nguy khốn.
Thư (ngừng chổi) nói: Lóc thịt? Mẹ ơi, người con ốm nhom như con cò ma chỉ có da bọc xương, thịt đâu mà lóc hả mẹ.
Mẹ: Thì mẹ ví von thế. Chứ mẹ nào ăn thịt của con. Con thật ngoan và hiếu đạo. Có con, mẹ rất vui sướng. Kiếp sau, mẹ lấy…hẹn làm mẹ con nữa nghen con?!
Thư (lắc đầu): Thôi, mẹ ơi. Con trả nghiệp kiếp này đủ rồi, mẹ. Con thấy đời là bể khổ, con không muốn tái sanh nữa mẹ ạ, nên con tu học, tu tập mong giải thoát luân hồi.
Bây giờ, con đi rót nước cho mẹ uống nha mẹ.( Vừa nói vừa bước vào trong)
Mẹ (nói vói theo): Ừ, con đi rót nước đi. Khóa tu học Âu Châu năm tới, mẹ giới thiệu con vào ban… hành đường (ban phục vụ ăn uống)
*Cảnh hai:
(Thanh và Cường khoác vai bước vào nhà, gặp mẹ đang ngồi trên ghế salon)
Thanh: Chào mẹ. Mẹ về sớm vậy mẹ!
Mẹ (mát mẽ): Thì mày chỉ mong cho tao đi luôn để mày ở nhà mày…quậy, phải không?
Thanh: Mẹ, mẹ mới về đã cằn nhằn rồi. (nhìn sang Cường) thôi, mình vào phòng riêng nói chuyện đi, anh.
(Thanh và Cường lại khoác vai bước đi)
Mẹ (quát to): Đứng lại! (Mẹ sừng sộ đứng dậy nói với Thanh): Thanh, lại đây mẹ bảo. Mẹ đã dạy con bao lần rồi không, con phải chỉnh đốn tu sửa lại nếp sống. Con gái không thể buông thả như vậy được. Con là con gái Việt, phải sống nếp sống Việt, chứ không phải Tây nghe chưa. Mẹ phải trả nghiệp cho con tới bao giờ đây?
Thanh (cúi đầu, tiu nghỉu không nói)
Cường (ghé sát tai Thanh) nói: Em à, bấy lâu anh tưởng mẹ em hiền. Sau này có lấy em, anh còn chịu cho ở chung. Chứ dữ như thế này, mình cho vào viện dưỡng lão, em nhé!
Mẹ: Này, này. Cậu vừa nói gì đó? Đừng để tôi phải bất lịch sự mời cậu ra khỏi nhà, nha.
Thanh (quay sang Cường): Thôi mà anh. Em năn nỉ anh mà. Nếu anh thương em, thì đừng gây với má em nữa. Hãy chiều em chút đi. Ít nhất là chiều em từ đây cho tới ngày... đám cưới!
Mẹ (cao giọng): Cái gì? Đám cưới? Ai cho phép con lấy cậu này?
Cường: Chúng tôi tự cho phép nhau!
Mẹ: Trời ơi là trời. Sao mà chúng nó lộng quá vậy nè trời!
Cường: Bà phải hiểu, thời đại này không còn kiểu cha mẹ đặt đâu con ngồi đó nữa, mà con cái đặt đâu cha mẹ ngồi đó.
Mẹ: Thanh, mẹ đã nói với con nhiều lần. Tiêu chuẩn của mẹ chọn rể trong nhà này như thế nào con còn nhớ không?
Thanh (lắc đầu): Con quên mất rồi, mẹ. Như anh Cường đây không được sao, mẹ?
( Cường nghênh nghênh mặt ra vẻ ngon lành. Vừa khi ấy Thư bước ra với ly nước chanh)
*Cảnh ba:
Thư: Mẹ ơi, ly nước của mẹ nè. (quay sang Thanh): Chào chị Hai. Chị mới đi chơi về đó hả? (quay sang Cường) chào anh, anh gì...nhỉ???
Cường (tưng tửng đáp cộc lốc): Cường!
Mẹ: Thư, con xem chị con giao du với người như vậy đó. Ngông nghênh không biết phép tắc là gì cả. Con nhắc cho chị con biết, mẹ đã dạy hai chị em con, mẹ mong rể của mẹ như thế nào không?
Thư (ôn tồn): Chị Hai à, trong bữa cơm nào mẹ cũng nói. Rể của mẹ trước nhất phải là người đạo Phật, đạo Phật. Mẹ nói, mẹ không kỳ thị tôn giáo, nhưng nhà mình theo đạo Phật lấy người khác đạo họ cứ ăn hiếp mình, áp chế mình bỏ Phật. Đạo Phật cũng từ bi, hiền hòa, tốt đẹp tại sao lại phải bỏ chứ. Mẹ còn nói, rể của mẹ tốt nhất ưu tiên anh em trong...Gia Đình Phật Tử nữa!
Mẹ (nhìn Thanh): Đấy, con nghe rõ chưa?
Cường (quay sang Thanh): Anh em Gia Đình Phật Tử...ngon lành cỡ nào mà mẹ em...mê dữ dzậy cà, em?
Thanh (chỉ sang Thư): Hỏi con nhỏ này nè.
Thư: Dạ, tại họ biết Tam Qui, Ngũ giới. Chỉ bấy nhiêu thôi, mẹ em bảo... đủ xài rồi, đủ đem lại hạnh phúc rồi, anh ạ.
Cường: Tam Qui, Ngũ giới là cái quái gì mà ngon dzậy?
Thư: Dạ, Tam Qui là theo về ba ngôi Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng. Còn Ngũ giới là 5 điều cấm đối với người Phật tử:
1- Cấm sát sanh.
2- Cấm vọng ngữ tức là nói dối, hoang đường.
3- Cấm tà dâm.
4- Cấm say sưa rượu chè.
5- Cấm trộm cắp.
Cường: Tiêu chuẩn chọn rể chỉ đơn giản như vậy thôi sao? Chứ không phải, phải là đại gia, có bằng cấp, có xe hơi nhà lầu hột soàn sao?
Thư: Thưa anh. Danh vọng tiền tài chỉ là phương tiện chứ không phải là cứu cánh chân thực của hạnh phúc. Hạnh phúc đích thực không gì sánh bằng sự thanh thản của tâm hồn. Mà muốn đạt được điều đó chỉ cần Tam Qui, Ngũ giới giữ 5 điều cấm trên.
Cường: Tiêu chuẩn làm rể chỉ dễ ợt vậy sao?
Mẹ: Không dễ đâu cậu. Nghe dễ, thấy dễ mà thực hành khó đấy, cậu ạ.
Cường (dịu giọng): Thưa bác, con thương em Thanh. Nếu bác đòi hỏi gì cao sang quyền quí, tiền tài danh vọng...thì con không có, chứ bác chỉ mong mỏi những điều như cô em này nói, thì con hứa sẽ làm được.( Quay sang Thư) hỏi: Những điều em vừa nói, học ở đâu mà hay quá vậy?
Thư: Em học ở các khoá tu học và học trong Gia Đình Phật Tử.
Mẹ: Nếu cậu đã giác ngộ biết sửa mình, thì nên gia nhập Gia Đình Phật Tử và năm tới theo gia đình tôi tham dự khoá tu học Âu Châu. Cậu đi, thì chắc chắn con Thanh cũng theo đi. Như vậy có phải là vui vẻ cả nhà không? Đợi khi cậu tu chỉnh đàng hoàng thì về thưa cha mẹ sang đây bàn chuyện đám cưới.
Ngoài ra, còn một điều cấm nữa của cá nhân tôi, cậu nên nhuộm lại mái tóc của cậu đi. Mình dân Việt tóc đen, không thể nhuộm vàng choé như vậy được.
Thanh (la to): Mẹ ơi, tha cho ảnh khỏan này đi. Đó là...hào quang của anh Cường con đó mẹ!
Tất cả cùng cười, cúi đầu chào khán giả.
Kéo màn.
Kỷ niệm khóa tu học Âu Châu thứ 13 tại Göteborg Thụy Điển.
Trần Thị Nhật Hưng