Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Diện mạo kiến trúc Phật giáo....

05/08/201318:56(Xem: 9265)
Diện mạo kiến trúc Phật giáo....

kientrucphatgiao

Cơ hội khôi phục diện mạo Phật giáo ở kiến trúc khu trung tâm TPHCM là trách nhiệm lịch sử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM. Cơ hội này chỉ có trong một vài năm, vào thời gian quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm

Trên tay tôi là một cuốn sách mỏng, 59 trang, có nhan đề “Khu đô thị mới Thủ Thiêm”. Phần phía trên sách, thường dành cho thông tin tác giả, có ghi: “Ban Quản lý đầu tư-xây dựng Khu Đô thị mới Thủ Thiêm”. Quyển sách tập họp thông tin về quy hoạch Khu Đô thị mới Thủ Thiêm một cách chi khá chi tiết.

Theo nội dung phần “Giới thiệu” (trang 3), thì “Khu Đô thị mới Thủ Thiêm tọa lạc bên bờ Đông sông Sài Gòn đối diện quận 1, với tổng diện tích 657 ha. Khu Đô thị mới Thủ Thiêm được quy hoạch là một trung tâm mới, hiện đại và mở rộng của thành phố Hồ Chí Minh, với các chức năng chính là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ cao cấp của thành phố, khu vực và có vị trí quốc tế, là trung tâm văn hóa, nghỉ nghơi, giải trí mà Trung tâm thành phố hiện hữu còn thiếu và hạn chế phát triển”.

Qua nội dung cuốn sách, người đọc có thể thấy nhiều công trình công ích, công cộng, hành chính, văn hóa, khoa học, giáo dục, y tế, thể dục thể thao, giải trí, nghỉ ngơi thư giãn, giao thông, thông tin truyền thông, dịch vụ, thương mại… đã được trù tính, quy hoạch.

Duy không thấy quy hoạch các công trình phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo, với đa số người dân theo đạo Phật và có xu hướng tín ngưỡng Phật giáo.

Sài Gòn – TPHCM được quy hoạch đô thị theo kiểu phương Tây từ cuối thế kỷ XIX, bởi chính quyền thực dân Pháp sau khi đánh chiếm. Quy hoạch khu trung tâm thành phố của thực dân Pháp, về cơ bản, là diện mạo TPHCM hiện nay.

Quy hoạch đô thị Sài Gòn của thực dân Pháp chú ý nhiều đến khía cạnh tôn giáo, và thể hiện thành phố Sài Gòn như là một thành phố theo đạo Ca tô La Mã. Nhà thờ chính tòa nằm ở trung tâm thành phố, ngay bên cạnh dinh Norodom, trung tâm quyền lực của cả Đông Dương. Nhà thờ và tượng Đức Mẹ nhìn xuống con đường được coi là đẹp nhất thành phố, dẫn ra công viên bờ sông.

Các nhà thờ khác đều ở những vị trí đẹp nhất. Một khu vực rất lớn của đạo Ca tô La Mã tọa lạc sát nơi mà về sau, chính quyền Sài Gòn xây dựng Phủ Thủ tướng.
Một khu trường học – tu viện lớn khác nằm gần như đối diện với dinh thự sau này chế độ Sài Gòn dùng làm phủ Phó Tổng thống.

Quy hoạch đô thị Sài Gòn cuối thế kỷ XIX của thực dân Pháp như vậy, ngoài việc thể hiện Sài Gòn là một đô thị theo đạo Ca tô La Mã, tạo vị thế chính trị, văn hóa, xã hội cho đạo Ca tô La Mã, còn là môi trường hết sức thuận lợi để đạo Ca tô La Mã hoạt động và phát triển hàng trăm năm về sau.

Quy hoạch công trình tôn giáo cho một đô thị là điều cần thiết và bắt buộc phải có. Tuy nhiên, hiện trạng đô thị Sài Gòn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX do thực dân Pháp để lại là một biểu hiện cho thời kỳ đất nước chúng ta bị thực dân Pháp đô hộ, không phản ánh đúng bức tranh tôn giáo của đất nước.

Việc tạo diện mạo một thành phố Sài Gòn theo đạo Ca tô La Mã đã bộc lộ những vấn đề về mặt chính trị xã hội, nhất là sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm theo đường lối độc tôn đạo Ca tô La Mã bị lật đổ vào năm 1963.

Chính quyền Sài Gòn sau đó (1964) cố gắng điều chỉnh việc này bằng cách quy hoạch khu đất dành cho Phật giáo làm Việt Nam Quốc Tự. Điều này đã không đạt kết quả vì nhiều lý do lịch sử.

Vì vậy, cho đến nay diện mạo kiến trúc tôn giáo của TPHCM vẫn là diện mạo một thành phố theo đạo Ca tô La Mã với vương cung thánh đường nguy nga, hoành tráng nằm ở khu trung tâm hành chính thành phố.

Trong bối cảnh đất nước hiện nay thì diện mạo tôn giáo của kiến trúc đô thị TPHCM tất nhiên cần phần được điều chỉnh, theo hướng phản ánh một thành phố đa tôn giáo, trong đó Phật giáo là tôn giáo truyền thống dân tộc và có số lượng tín đồ đông đảo hơn cả.

Tuy nhiên, các nhà quy hoạch đô thị ở TPHCM dường như chưa chú ý đến điều này, nên khu vực đô thị mới của TPHCM dọc đại lộ Nguyễn Văn Linh, quận 7 không hề có dấu vết đường nét truyền thống Phật giáo.

Nay, việc quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm là một cơ hội để phần nào điều chỉnh diện mạo kiến trúc TPHCM theo hướng phát triển trong bối cảnh nước nhà độc lập, thống nhất.

Diện mạo Phật giáo cho khu đô thị mới Thủ Thiêm là một nét kiến trúc cần thiết để thể hiện tính chất đa tôn giáo, đoàn kết tôn giáo ở TPHCM.

Không thay đổi quy hoạch diện mạo một thành phố theo đạo Ca tô La Mã mà thực dân Pháp để lại sẽ không chỉ là vấn đề kiến trúc, văn hóa, mà còn là vấn đề chính trị, xã hội.

Hình ảnh TPHCM trong bối cảnh quốc tế vẫn duy trì những nét nhấn chính theo hướng quy hoạch của thực dân Pháp đã làm thiên lệch hình ảnh tôn giáo của thành phố, không đúng như thực trạng. Điều đó không có lợi cho những hoạt động chính trị, xã hội, vốn đều liên hệ mật thiết ít nhiều đến tôn giáo.

Chính quyền Sài Gòn và Giáo hội Phật giáo trước đây ở miền Nam đã ý thức được điều này. Việc chọn dùng từ “Việt Nam Quốc Tự” là có ý đối trọng với “Vương cung Thánh đường”.

Đây là vấn đề chính trị, xã hội, văn hóa, lịch sử có ý nghĩa, tác động đến nhiều thế kỷ, nhiều thế hệ, không phải chỉ là vấn đề kiến trúc, xây dựng trước mắt.

Diện mạo văn hóa, xã hội, tôn giáo TPHCM, nếu vẫn cứ là biểu tượng 2 tháp chuông cao vút của Vương cung thánh đường Sài Gòn như trong phim, ảnh trình chiếu, lưu hành trong và ngoài nước bấy lâu nay sẽ không phản ánh chân thực bức tranh xã hội, văn hóa TPHCM hiện nay.

Hệ quả của sự phản ánh không trung thực như vậy là điều không có lợi về nhiều mặt, không chỉ ở khía cạnh thông tin, tuyên truyền.

Chúng tôi cho rằng, nên tiếp tục ý tưởng điều chỉnh đã có trước đây ở Sài Gòn 50 năm trước, mà nghĩ đến một hình thức “Việt Nam Quốc Tự” mới ở khu đô thị mới Thủ Thiêm, có thể nhìn thấy từ quận 1, như là việc bổ sung thêm một biểu tượng cho kiến trúc tôn giáo của TPHCM, tạo sự hài hòa, cân bằng đa tôn giáo, đoàn kết tôn giáo.

Chúng tôi đề xuất điều này không phải trong tư cách một người Phật tử, mà trên tinh thần một công dân TPHCM, muốn thành phố có sự hài hòa kiến trúc biểu tượng tôn giáo, phản ánh giá trị đoàn kết nhiều tôn giáo, không có độ lệch về kiến trúc tôn giáo mang tính biểu tượng ở khu trung tâm như hiện nay.

Đối với Phật giáo TPHCM, biểu tượng kiến trúc Phật giáo với quy mô thích hợp ở khu đô thị mới Thủ Thiêm bên bờ sông Sài Gòn là cơ hội cuối cùng để khôi phục sự hài hòa diện mạo kiến trúc Phật giáo ở Sài Gòn Gia Định, vốn đã bị phá hủy từ khi thực dân Pháp chiếm thành Sài Gòn nửa cuối thế kỷ XIX.

Cơ hội khôi phục diện mạo Phật giáo ở kiến trúc khu trung tâm TPHCM là trách nhiệm lịch sử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM. Cơ hội này chỉ có trong một vài năm, vào thời gian quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm. Một khi khu đô thị mới Thủ Thiêm đã xây dựng xong, thì có thể mấy trăm năm sau nửa cũng khó mà điều chỉnh được vấn đề, khó mà có lại được cơ hội đã bị bỏ lỡ.

Thực dân Pháp muốn chiếm đóng đất nước ta vĩnh viễn và quy hoạch của họ đối với đô thị Sài Gòn như đã nói ở trên cũng hướng đến tính chất vĩnh viễn.

Chúng ta đã lật đổ được ách cai trị của thực dân Pháp, thì lẽ nào không điều chỉnh được quy hoạch đô thị như thế của thực dân Pháp đối với thành phố Sài Gòn?

Điều chỉnh được điều này là xóa đi những dấu tích sau cùng trong thiết kế đô thị Sài Gòn của thực dân Pháp.

Một trường hợp có thể tham khảo, như một tiền lệ tích cực, là tỉnh Bình Dương đã cấp đất để GHPGVN tỉnh Bình Dương xây dựng một ngôi chùa mới rất lớn ở trung tâm thành phố mới Bình Dương. Như thế, sau khi thành phố mới Bình Dương thành hình, kiến trúc Phật giáo sẽ đóng góp vào diện mạo hài hòa đa tôn giáo của tỉnh Bình Dương một cách xứng đáng. Theo thông tin từ một vị tu sĩ ở tỉnh Bình Dương, ngôi chùa lớn đang được xây dựng ở thành phố mới Bình Dương có tên là chùa Hội An, khu đất xây chùa diện tích 7000m2, nằm trên đường Lê Hoàng, Phường Hòa Phú.

kientrucphatgiao2



Bài 2- Quy hoạch của thực dân Pháp
Minh Thạnh

Những chùa lớn gần trung tâm Sài Gòn như các chùa Xá Lợi, Vĩnh Nghiêm… chỉ mới được xây dựng từ thập niên 1950, 1960. Và hiện nay trong bán kính khoảng 1km từ khu trung tâm như đã nói ở trên, không có một ngôi chùa lớn nào cả.

Trong bài trước, chúng ta đã nói qua việc toan tính của thực dân Pháp thiết kế thành phố Sài Gòn thành một thành phố theo đạo Ca tô La Mã.

Trong bài tiếp theo này, chúng ta sẽ đi sâu tìm hiểu quan điểm thiết kế đô thị của thực dân Pháp, quan điểm đã tạo nên diện mạo khu trung tâm TPHCM như hôm nay, một quan điểm để lại hệ quả mà người TPHCM hôm nay phải có trách nhiệm điều chỉnh.

Để đô hộ dân tộc Việt Nam, về chính trị, thực dân Pháp dùng chính quyền thực dân và quan lại phong kiến tay sai. Về văn hóa, một công cụ quan trọng là đạo Ca tô La Mã.

Muốn đưa đạo Ca tô La Mã vào Việt Nam, tất yếu thực dân Pháp phải xóa bỏ tôn giáo bản địa. Khi đó, về tôn giáo nước Đại Nam chỉ có Phật giáo với đúng nghĩa tôn giáo. Nho giáo được coi là một học thuyết chính trị, không có xu hướng tâm linh, không có lực lượng tu sĩ. Ảnh hưởng của Lão giáo thì mờ nhạt và cũng không có lực lượng tu sĩ, không có cơ sở thờ tự.

Muốn xóa bỏ Phật giáo, thì điều dễ làm nhất, điều nghĩ đến trước tiên, là phá hủy cơ sở thờ tự của Phật giáo. Điều đó mở đường cho bước thứ hai, là xây dựng cơ sở thờ tự, tu trì, giáo dục… của đạo Ca tô La Mã.

Cụm từ mà chúng ta biết đến trong giai đoạn đầu của cuộc xâm lược do thực dân Pháp tiến hành là “phòng tuyến các chùa”, thường gặp trong những tác phẩm sử học, cho chúng ta thấy mưu toan nham hiểm của thực dân Pháp. Đó là đưa các chùa Phật giáo vào chiến trường trung tâm, từ đó tự khắc chiến tranh sẽ làm cái việc tàn phá chùa chiền. Dĩ nhiên, chùa nào còn may mắn sót lại sẽ bị quân viễn chinh phá hủy nốt hay dùng vào việc khác.

Chùa Khải Tường ở khu vực trung tâm thành phố ngày nay là một trong số những ngôi chùa được biết là bị phá hủy trong thời gian đầu người Pháp chiếm thành Sài Gòn.

Phá dỡ chùa chiền ở khu trung tâm Sài Gòn là công đoạn đầu tiên của thực dân Pháp trong việc quy hoạch và xây dựng thành phố Sài Gòn theo kiểu phương Tây, với nét tôn giáo mang tính chất đạo Ca tô La Mã. Vì vậy, đầu thế kỷ không còn chùa nào ở khu trung tâm thành phố Sài Gòn, nếu lấy tâm điểm là khu Dinh Độc Lập-Nhà thờ Đức Bà.

Các chùa cổ chỉ còn sót lại ở khu vực ngoại vi thành phố Sài Gòn, như chùa Giác Lâm, Giác Viên, Phụng Sơn (chùa Gò) cách xa khu trung tâm từ 8-10km.

Những chùa lớn gần trung tâm Sài Gòn như các chùa Xá Lợi, Vĩnh Nghiêm… chỉ mới được xây dựng từ thập niên 1950, 1960. Và hiện nay trong bán kính khoảng 1km từ khu trung tâm như đã nói ở trên, không có một ngôi chùa lớn nào cả.

Sau giai đoạn phá hủy các ngôi chùa, tất nhiên là đến giai đoạn xây nhà thờ. Theo Wikipedia tiếng Việt, cụm từ “Nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn”, nhà thờ đầu tiên là lấy từ kiến trúc một ngôi chùa nhỏ bị “bỏ hoang” nằm ở khu nay là đường Ngô Đức Kế, quận 1, “cố đạo Lefebvre đã biến ngôi chùa này thành nhà thờ”.

Nhà thờ lớn Sài Gòn được xây dựng ở địa điểm được coi là trung tâm điểm thành phố. Cụm từ kể trên Wikipedia tiếng Việt (25/7/2013) viết “Ngoài mục tiêu có chỗ thờ phụng, hành lễ cho tín đồ, việc xây dựng nhà thờ lớn cũng nằm trong mục đích phô trương đạo Công giáo”. Quá trình xây dựng nói lên điều đó: “Tháng 8 năm 1876, thống đốc Nam Kỳ Duperre đã tổ chức một kỳ thi vẽ đồ án thiết kế nhà thờ mới” (tài liệu đã dẫn).

Đồ án được đưa vào thi công vượt qua 17 đồ án dự thi khác. Ban đầu, nhà thờ có tên gọi là “Nhà thờ nhà nước” vì nó do nhà nước thực dân Pháp bỏ tiền xây dựng và quản lý.

Từ năm 1880, diện mạo kiến trúc tôn giáo thành phố Sài Gòn là diện mạo kiến trúc đạo Ca tô La Mã, với ngôi “nhà thờ nhà nước” ở tại điểm được quy hoạch là tâm điểm thành phố, với đầu tư lớn lao, kỹ lưỡng từ phía chính quyền thực dân (xem thêm Wikipedia tiếng Việt).

Diện mạo kiến trúc đạo Ca tô La Mã của thành phố Sài Gòn do thực dân Pháp quy hoạch, xây dựng còn được thể hiện ở nhiều điểm:

- Trong một thời gian dài, nhà thờ Đức Bà là kiến trúc cao nhất Sài Gòn, và hiện nay vẫn là kiến trúc tôn giáo cao nhất TPHCM, với 60,5 mét.

- Cũng trong một thời gian dài, cự ly các quốc lộ tính từ tâm điểm Sài Gòn đều tính từ nhà thờ Đức Bà. Về sau, có điều chỉnh từ ngữ là tính từ Bưu điện Trung tâm Sài Gòn, kiến trúc liền kề nhà thờ Đức Bà.

- Tuy nhiên, điều đáng lưu ý nhất là quy hoạch đô thị của thực dân Pháp bộc lộ quan điểm đặt giáo quyền địa phương của đạo Ca tô La Mã lên trên chính quyền.
Khi thiết kế đô thị trung tâm Sài Gòn, chính quyền thực dân lấy mặt tiền khu trung tâm Sài Gòn là bờ sông Sài Gòn (Bến Bạch Đằng ngày nay).

Từ bờ sông mặt tiền đó, ngoài những con đường dẫn đến những khu vực khác trong thành phố nằm ở 2 bên là đường Hai Bà Trưng, Đại lộ Võ Văn Kiệt ngày nay, có 3 đường trung tâm dẫn thẳng vào 3 trung tâm. Hiện nay, đó là đường Hàm Nghi dẫn vào trung tâm thương mại chợ Bến Thành; đường Nguyễn Huệ dẫn vào trung tâm hành chính thành phố: Ủy ban Nhân dân TPHCM; đường Đồng Khởi dẫn vào trung tâm tôn giáo: Nhà thờ Đức Bà.

Đường dẫn vào trung tâm tôn giáo nhỏ hơn, nhưng là một con dốc dài. Trung tâm tôn giáo được đặt ở độ cao lớn nhất, so với trung tâm hành chính và trung tâm thương mại. Cự ly quốc lộ đi các tỉnh từ Sài Gòn tính từ trung tâm tôn giáo, không phải từ trung tâm hành chính thành phố (cách gọi sau này tính từ Bưu điện trung tâm là một hình thức điều chỉnh thiết kế đô thị mang tính tôn giáo Ca tô La Mã của thực dân Pháp).

Cách tôn cao giáo quyền đạo Ca tô La Mã lên trên chính quyền (lúc xây dựng công trình kiến trúc là thời chế độ thực dân Pháp) bằng cách đặt nhà thờ trung tâm lên cao điểm, công sở thì ở vị trí thấp hơn có thể thấy ở nhiều nơi: Thủ Dầu Một, Nha Trang…

Nếu việc xây dựng nhà thờ Đức Bà thể hiện quan điểm quy hoạch đô thị mang tính chất Ca tô La Mã của thực dân Pháp, thì tượng Đức Mẹ dựng trên quảng trường ngày nay có tên quảng trường Công Xã Paris thể hiện kiến trúc đô thị tôn giáo Ca tô La Mã của chính quyền Ngô Đình Diệm.

Quảng trường đang được nói tới nằm trước nhà thờ Đức Bà, kể cả vườn hoa, là khu giao thông công cộng. Tượng Đức Mẹ được đặt ở đây vào năm 1959, là tượng đài tôn giáo duy nhất ở khu công cộng trung tâm Sài Gòn. Vị trí trên dốc cao và ở trung tâm điểm quy hoạch đô thị khiến cho tượng Đức Mẹ, có tên “Đức Mẹ hòa bình” này trở thành tượng đài trung tâm của Sài Gòn trước đây và TPHCM hôm nay. Với quy hoạch như vậy, dù ngày nay, các tượng đài được xây dựng ở vị trí nào trong thành phố, đều không thể so sánh với vị trí trung tâm của tượng đài “Đức Mẹ hòa bình”. Do độ cao thiên nhiên, nếu đi từ hướng bờ sông lên, nhìn trước mặt người đi đường sẽ nhìn thấy tượng Đức Mẹ luôn trên cao, hướng đi đến tượng là hướng đi lên cao, hiện rõ tính chất đề cao đạo Ca tô La Mã cả trong thiết kế giao thông (1).

Gần 40 năm sau khi đất nước độc lập, thống nhất, hiện trạng thiết kế đô thị Sài Gòn của thực dân Pháp, sau đó được chính quyền Ngô Đình Diệm bổ sung, vẫn được duy trì.

Tất nhiên, đó là điều không hay đối với một đất nước đa tôn giáo, bình đẳng tôn giáo, tự do tôn giáo. Với thiết kế đô thị như vậy, khách nước ngoài đến TPHCM vẫn cứ thấy kiến trúc tôn giáo thành phố là kiến trúc đạo Ca tô La Mã, Sài Gòn – TPHCM là thành phố theo đạo Ca tô La Mã.

Kết quả chính sách thực dân văn hóa qua việc xóa bỏ chùa chiền ở khu trung tâm Sài Gòn cũng vẫn còn duy trì cho đến ngày nay, càng làm rõ hơn thiết kế đô thị thể hiện Sài Gòn là thành phố đạo Ca tô La Mã.

Tôi nghĩ là chính quyền và người dân TPHCM, Phật giáo TPHCM cũng thấy được vấn đề này, nhưng vì nhiều lý do, vẫn chưa thể điều chỉnh được một cách thích hợp (dù là đã có một số động thái có ý nghĩa, mà chúng tôi sẽ phân tích ở một bài sau).

Quan điểm quy hoạch đô thị thượng tôn quyền lực tôn giáo của đạo Ca tô La Mã của thực dân Pháp và chính quyền Ngô Đình Diệm không thể được duy trì ở TPHCM, trong bối cảnh đất nước độc lập thống nhất, thành phố được mở rộng và xây dựng mới. Ở đây, quy hoạch kiến trúc tôn giáo phù hợp cho khu vực đô thị mới Thủ Thiêm bên kia sông Sài Gòn là một cơ hội (với kiến trúc Phật giáo có độ cao nhìn thấy từ quận 1).

Cơ hội đó không chỉ là cho Phật giáo, mà trên hết là cho người dân TPHCM, để có thể giới thiệu với bạn bè năm châu bốn bể một thành phố kiến trúc đa tôn giáo, hài hòa tôn giáo, đoàn kết tôn giáo, với đạo Phật là tôn giáo truyền thống của dân tộc.

Dù phân tích và kiến nghị như trên được nêu lên từ vị trí một người dân TPHCM, thao thức vì sự thể hiện tinh thần của kiến trúc thành phố, băn khoăn vì tương quan không phù hợp với hoàn cảnh đất nước độc lập thống nhất của kiến trúc biểu tượng giáo quyền đạo Ca tô La Mã và kiến trúc biểu tượng quyền lực của chính quyền nhân dân, chúng tôi vẫn trông chờ động thái thể hiện trách nhiệm của những vị tu sĩ Phật giáo yêu nước, yêu thành phố quê hương trong Ban Trị sự Phật giáo TPHCM.

MT

(1) Có một chi tiết, xin ghi lại đây, cách hiểu tùy bạn đọc, riêng tôi cho rằng ẩn dụ này đáng lưu tâm, trong bối cảnh pho tượng được dựng dưới thời Ngô Đình Diệm. Mục từ tượng “Đức Mẹ Hòa bình” trong Wikipedia tiếng Việt viết (25/7/2013): “Tượng Đức Mẹ trong tư thế đứng thẳng, tay cầm quả Địa Cầu, trên đỉnh [Địa Cầu] có cây thánh giá, mắt Đức Mẹ đăm chiêu nhìn lên trời như đang cầu nguyện. Chân Đức Mẹ đạp đầu con rắn…”.


- Bài 3: Những cố gắng điều chỉnh

Minh Thạnh


Thực dân Pháp quy hoạch nhà thờ Đức Bà Sài Gòn ở vị trí hiện nay là đặt nhà thờ Đức Bà ở trung tâm một quảng trường, chung quanh là đường giao thông công cộng. Việc không có tường rào đã biến nhà thờ này thành một tượng đài tôn giáo khổng lồ.

GHI NHẬN TIẾP MỘT THỰC TRẠNG

Trong bài viết trước, chúng ta đã thấy quan điểm quy hoạch trung tâm thành phố Sài Gòn của thực dân Pháp. Đó là quan điểm thượng tôn giáo quyền đạo Ca tô La Mã, đặt biểu tượng kiến trúc giáo quyền đạo Ca tô La Mã lên vị trí cao nhất thành phố, trên kiến trúc biểu tượng chính quyền.

Phần đầu của bài viết này vẫn tìm hiểu vấn đề theo hướng như trên, để đưa tới người đọc ý thức cần phải điều chỉnh quy hoạch đô thị Sài Gòn của thực dân Pháp, tạo một diện mạo kiến trúc tôn giáo mới cho TPHCM hôm nay, diện mạo đa tôn giáo, hài hòa tôn giáo, đoàn kết tôn giáo.

Theo Wikipedia Tiếng Việt, khi xây dựng nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, 3 địa điểm đã được đề nghị:

“- Trên nền Trường Thi cũ (nay là góc đường Lê Duẩn và Hai Bà Trưng, tức vị trí tòa Lãnh sự Pháp).
- Ở khu Kinh Lớn (tại vị trí nhà thờ cũ, nay thuộc đường Nguyễn Huệ).
- Vị trí hiện nay”

Cũng mục từ nói trên ghi nhận: “điều rất đặc biệt là nhà thờ không có vòng rào hoặc bờ tường bao quanh”.

Việc loại bỏ hai địa điểm đề nghị ở trên và việc chọn địa điểm như hiện nay cho thấy ý đồ của thực dân Pháp biến nhà thờ Đức Bà thành trung tâm thành phố Sài Gòn. Nếu xây ở hai vị trí đầu, nhà thờ Đức Bà Sài Gòn chỉ nằm trên những đại lộ, có một mặt tiền (vị trí thứ hai) hoặc 3 mặt tiền (vị trí đầu tiên, nay là Tòa Lãnh sự Pháp).

Thực dân Pháp quy hoạch nhà thờ Đức Bà Sài Gòn ở vị trí hiện nay là đặt nhà thờ Đức Bà ở trung tâm một quảng trường, chung quanh là đường giao thông công cộng. Việc không có tường rào đã biến nhà thờ này thành một tượng đài tôn giáo khổng lồ.

Cấu trúc đó là cấu trúc một xóm đạo. Việc quy hoạch vị trí nhà thờ Đức Bà Sài Gòn của thực dân Pháp biến trung tâm Sài Gòn (khu lõi quận 1 và quận 3 hiện nay) thành một xóm đạo. Cấu trúc đò là nhà thờ chính giữa, các công sở, trường học, tu viện, khu thương mại, khu dân cư… bao quanh.

Đại lộ Norodom, nơi tập trung các công sở lớn của thành phố Sài Gòn, dẫn vào Dinh Toàn quyền Đông Dương, dinh Norodom, lại nằm ở phía đuôi sau nhà thờ. Thời đó, đến Sài Gòn từ cảng ở bờ sông, phải vòng quanh nhà thờ, rồi mới đến dinh Norodom hoặc các công thự trên đại lộ Norodom.

Quy hoạch đô thị theo cấu trúc xóm đạo, với nhà thờ chính tòa ở tâm điểm, có thể thấy ở nhiều đô thị khắp cả nước như Thủ Dầu Một, Nha Trang, Vũng Tàu, Bà Rịa, Long Xuyên…, và ở những nơi khác trong TPHCM, như nhà thờ Ngã Sáu Chợ Lớn (là nhà thờ địa phương).

Thu nhỏ lại, mỗi khu dân cư ở khu Hố Nai, Gia Kiệm… đều theo cấu trúc này.

Quy hoạch đô thị trung tâm Sài Gòn theo kiểu xóm đạo của thực dân Pháp tạo một bộ mặt kiến trúc một thủ đô với chính quyền mà phía sau các chính khách, tướng lãnh viễn chinh là các cố đạo. Chế độ Ngô Đình Diệm là sự tiếp tục của hình thức chính quyền này, với giám mục Ngô Đình Thục càng ra sức củng cố vị trí trung tâm của nhà thờ Đức Bà đối với Sài Gòn bằng cách dựng tượng “Đức Mẹ Hòa Bình” và đặt tên quảng trường theo tên tượng Đức Mẹ, là quảng trường Hòa Bình. Quảng trường này không phải chỉ là diện tích phía trước nhà thờ, mà gồm cả toàn bộ diện tích chung quanh nhà thờ. Nối với đại lộ Thống Nhất (tên trước năm 1975) dẫn vào Dinh Độc Lập, mặc nhiên đây là quảng trường trung tâm Sài Gòn.

NHỮNG NỖ LỰC ĐIỀU CHỈNH

Quy hoạch kiến trúc như thế đối với Sài Gòn đã làm người dân thành phố Sài Gòn bất bình. Những cố gắng điều chỉnh tình trạng như thế đã có từ trước năm 1975. Bài viết đầu tiên đã nhắc tới việc chính quyền Sài Gòn, sau khi lật đổ Diệm Nhu, đã quy hoạch một khu đất lớn làm Việt Nam Quốc Tự. Sau đó, Chủ tịch Ủy Ban Hành pháp Trung ương Chế độ Sài Gòn là tướng Nguyễn Cao Kỳ ủng hộ việc xây chùa Vĩnh Nghiêm trên đường Công Lý (tên trước năm 1975). Việc hình thành trung tâm Quảng Đức vào thời gian giữa thập niên 1960 cũng là cố gắng đưa Phật giáo vào khu trung tâm, từng bước xóa bỏ diện mạo một đô thị Sài Gòn theo đạo Ca tô La Mã.

Vị trí của chùa Vĩnh Nghiêm, với ngôi tháp cao, trong quá trình xây dựng đã được dư luận báo chí Sài Gòn lúc đó đánh giá cao, vì khách đến Sài Gòn từ sân bay Tân Sơn Nhất sẽ trông thấy một biểu tượng Phật giáo khi đi vào thành phố. Tuy nhiên, cố gắng này chỉ có mức độ điều chỉnh hạn chế thực trạng mà chúng ta đang nói (1).

Cố gắng điều chỉnh quan trọng thực trạng một diện mạo một thành phố Sài Gòn theo đạo Ca tô La Mã là việc đổi tên công trường Hòa Bình, đặt theo tên bức tượng Đức Mẹ, thành “Công trường Kennedy”. Việc này chỉ có ý nghĩa tinh thần, nhưng rất quan trọng, vì nó nằn trong đợt đổi tên các địa danh trong thành phố Sài Gòn có liên quan đến chế độ Ngô Đình Diệm, như đổi tên đại lộ Ngô Đình Khôi thành đại lộ Cách Mạng, đại lộ Nhân Vị thành đại lộ Trần Hoàng Quân. Cái tên Công trường Hòa Bình được xem là dính líu với chế độ Diệm và màu sắc Ca Tô La Mã nên cũng bị xóa bỏ trong dịp này (1964).

Sau đó, vai trò trung tâm của công trường Kennedy được đặt lại. Báo chí Sài Gòn chỉ trích việc lễ đài quốc khánh chế độ Sài Gòn được dựng ở mặt phía sau nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, coi đây là vấn đề kỷ niệm ngày lật đổ chế độ Sài Gòn bằng một cuộc lễ có bối cảnh như thế thì thật không ổn. Lấy lý do 2 cao điểm là tháp chuông nhà thờ Đức Bà và tháp Viba Bưu điện trung tâm có thể là cao điểm đánh dấu tọa độ pháo kích (điều đã xảy ra vào năm 1966), cuộc duyệt binh Ngày Quân lực chế độ Sài Gòn đã được các tướng lãnh quân đội Sài Gòn đề xuất dời ra đường Trần Hưng Đạo. Như thế, quân đội Sài Gòn khi diễu hành không phải đi ngang mặt sau của nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, tránh được hình thức cuộc lễ tổ chức “trong xóm đạo”, dưới bóng nhà thờ. Lễ Ngày Quân lực chế độ Sài Gòn năm 1973 đã được tổ chức theo hướng tránh khu trung tâm tôn giáo nhà thờ Đức Bà (2).

Diện mạo kiến trúc Sài Gòn những năm đầu sau 1975 vẫn cơ bản như trước, nhưng yếu tố đạo Ca tô La Mã đã có sự điều chỉnh bằng việc đặt tên mới cho quảng trường trước nhà thờ Đức Bà và chuyển đổi chức năng sử dụng nhiều cơ sở của đạo Ca tô La Mã.

Sau năm 1975 cấu trúc xóm đạo khu trung tâm Sài Gòn đã bị bước đầu xóa bỏ bằng việc quảng trường trước nhà thờ Đức Bà được đổi tên thành quảng trường Công xã Paris.

Đây là một điều chỉnh rất quan trọng dù là chỉ có tính chất tinh thần, đối ứng trước mắt, chưa đi vào thay đổi kiến trúc.

Việc chọn tên Công xã Paris đặt cho quảng trường trước nhà thờ Đức Bà Sài Gòn là một việc làm rất có ý nghĩa. Công xã Paris là một sự kiện lịch sử, mà tinh thần chính là lật đổ sự thống trị của giáo quyền đạo Ca tô La Mã ở nước Pháp. Do sự quan trọng của nó, chúng tôi xin đi sâu vào sự kiện này.

Giáo sư Đỗ Đức Hiểu, tác giả quyển “Văn học Công xã Paris” (nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1978) đã viết như sau về tinh thần đối kháng giáo quyền đạo Ca tô La Mã của Công xã Paris: “Sau khi hủy bỏ cái công cụ vật chất của Nhà nước cũ, Công xã đập tan cái công cụ tinh thần của chế độ tư sản là nhà thờ. Ngày 2 tháng tư, công xã công bố pháp lệnh tách Giáo hội khỏi nhà nước, bãi bỏ ngân sách về việc thờ cúng; các tài sản của nhân dân bị nhà thờ cướp đoạt, được trả lại cho quốc giá; các giáo sĩ sẽ sống ẩn dật bằng của bố thí như những thánh tông đồ trước kia của họ. Nhà trường được giải thoát khỏi mọi ảnh hưởng của tôn giáo và mở rộng cửa đón con em của nhân dân lao động. Tượng Chúa Jesus và tượng Thánh mẫu bằng vàng, bạc treo ở nhà trường “xúc phạm đến tự do tín ngưỡng”, cần bỏ đi và gửi đến Sở đúc tiền. Nếu việc đập tan bộ máy nhà nước không gặp cản trở gì lớn- bởi vì chính phủ và mọi nhân viên của nó đã trốn khỏi Paris – thì việc thực hiện Pháp lệnh về Nhà thờ vấp phải sự phản ứng kịch liệt, có khi điên cuồng, của các giáo sĩ phản động kéo lê cái áo dài đen thảm đạm khắp hang cùng ngõ hẻm để vận động chống lại Công xã và dò xét tình hình. Bọn thầy tu ấy lợi dụng tình trạng đói rét của Paris, dưới chiêu bài đi quyên và phân phát áo quần và bánh mì cho trẻ em, tuyên truyền phản cách mạng, nhằm gây hoang mang và làm nhụt ý chí của quần chúng. Một số trở thành gián điệp và tay sai của Versailles. Song, hết sức cảnh giác và dũng cảm, phụ nữ Paris không cho bọn gián điệp đội lốt thầy tu ấy “làm việc phúc”. Người phụ nữ gánh vác tất cả; họ dõng dạc nói: “Chúng tôi có đầy đủ những khả năng để làm việc ấy”. Nhà thơ Vermesch ca ngợi sự thắng lợi của Công xã trong công cuộc “phi nhà thờ hóa” trong mọi lĩnh vực của đời sống nhân dân; xiềng gông tôn giáo đè nặng lên châu Âu từ hai nghìn năm nay, bị vứt bỏ:
Và chúng ta thét lên trong gió lộng trên trời:
Thánh thần đã chết: đây con người.

Như thế, đặt tên quảng trường nhà thờ Đức Bà Sài Gòn là Công xã Paris là một cách điều chỉnh tinh thần quy hoạch đô thị của thực dân Pháp một cách cứng rắn, quyết liệt, thông minh và nhiều ý nghĩa.

Trong hướng điều chỉnh như vậy, việc điều chỉnh chức năng một số cơ sở vật chất của đạo Ca tô La Mã ở 2 phía đông và tây của trung tâm TPHCM, biến nó thành cơ sở giáo dục khoa học công hữu cũng góp phần vào việc điều chỉnh diện mạo một thành phố theo đạo Ca tô La Mã. Mật độ tu viện, trường học của đạo Ca tô La Mã tại trung tâm TPHCM trở nên thưa hơn, khiến giảm bớt dáng vẻ tôn giáo Ca tô La Mã cho thành phố.

Tuy vậy, đến thập niên 2000, với việc trả lại một số cơ sở của đạo Ca tô La Mã được trưng dụng trước đây, diện mạo đạo Ca tô La Mã ở trung tâm TPHCM có chiều hướng khôi phục.

Vì vậy, vấn đề điều chỉnh diện mạo kiến trúc tôn giáo cho khu vực trung tâm TPHCM trở nên bức thiết. Trong đó, phương án xây dựng một ngôi chùa lớn ở khu trung tâm mở rộng của TPHCM là khu đô thị mới Thủ Thiêm có thể nhìn thấy từ trung tâm TPHCM hiện tại (đại lộ Nguyễn Huệ, Hàm Nghi, Bến Bạch Đằng, quảng trường Mê Linh) là phương án khả thi hơn cả.

Chúng tôi, từ cương vị một công dân TPHCM, tiếp tục hướng về những vị tu sĩ yêu nước, yêu thành phố quê hương trong Ban Trị sự Phật giáo TPHCM.

MT

(1) Có lẽ do ủng hộ xây chùa Vĩnh Nghiêm, nên vị tướng này được thờ trong chùa Vĩnh Nghiêm với một bức ảnh lớn.

(2) Có thể xem hình ảnh tư liệu trên You Tube.

(3) Đỗ Đức Hiểu: Thi pháp hiện đại – Một số vấn đề lý luận và ứng dụng, nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2012, trang 188.



Bài 4: Trung hòa dấu tích thời bị đô hộ
Minh Thạnh

Quyết định không chọn tên Catinat để làm tên mới cho tòa nhà Vincom Center A cho thấy một nhận thức mà người dân TPHCM đáng lấy làm mừng. Đó là cần xóa đi những dấu tích mà thực dân Pháp để lại.

Ngày 29/7/2013, nhiều tờ báo, trang web đồng loạt đưa tin, Công ty Tương Lai, đơn vị đang quản lý và điều hành tòa nhà Vincon Center A, đã thôi không dùng tên Catinat cho tòa nhà này, như dự định đổi tên ban đầu.

Catinat là tên đường Đồng Khởi trước đây, do thực dân Pháp đặt cho con đường dẫn vào nhà thờ Đức Bà.

Catinat còn là tên chiến hạm Pháp đã dự các trận đánh xâm chiếm Việt Nam cuối thế kỷ XIX, như các trận Đà Nẵng 1856; Sài Gòn 1859. Tên Catinat dùng cho một đường phố ở Sài Gòn có từ 1865, để kỷ niệm chiến hạm Pháp nói trên. Chế độ Sài Gòn sau đó đã xóa bỏ tên Catinat, thay vào đó, họ gọi là đường Tự Do.

Quyết định không chọn tên Catinat để làm tên mới cho tòa nhà Vincom Center A cho thấy một nhận thức mà người dân TPHCM đáng lấy làm mừng. Đó là cần xóa đi những dấu tích mà thực dân Pháp để lại.

Trước đây, việc dùng tên An Nam, tên thực dân Pháp gọi nước ta vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX làm tên một số quán ăn, quán cà phê, cửa hàng ở TPHCM đã bị báo chí và người dân TPHCM phản đối. Danh từ “An Nam” sau đó đã bị xóa bỏ hoàn toàn trong các tên gọi hàng quán ở TPHCM. Điều đó cũng nằm trong nhận thức cần xóa bỏ dấu tích của thực dân Pháp, như trường hợp tên gọi Catinat.

Đây là ý thức tự nhiên của người dân của một đất nước độc lập, thống nhất, đối với quá khứ bị đô hộ, chia cắt.

Một người bạn của tôi có dịp đi Hàn Quốc về kể rằng, những công thự do Nhật xây dựng ở Hàn Quốc trong thời gian chiếm đóng nước này phần lớn đều bị chính phủ Hàn Quốc phá dỡ để xây mới, và điều này được nhân dân Hàn Quốc hết sức ủng hộ, vì tất cả người dân đều muốn xóa sạch những vết tích đô hộ của Phát xít Nhật, quên hẳn quá khứ đau thương.

Như thế, xem ra, có phần hơi cực đoan. Nhưng điều đáng lưu ý là đối với những công trình mang tính biểu tượng và những hệ quả văn hóa, tư tưởng của nó, cần có sự quan tâm và biện pháp thích hợp. Xóa bỏ không chỉ là việc phá dỡ. Mà còn có những biện pháp khác như trung hòa tác động tinh thần của nó.

Dấu tích một thành phố Sài Gòn toàn tòng đạo Ca tô La Mã mà thực dân Pháp, chế độ Ngô Đình Diệm để lại, những gì phải tháo dỡ để xóa bỏ thì đã tháo dỡ, như tượng thiên thần Micae chẳng hạn. Còn đối với cái còn lại, như đặt biểu tượng giáo quyền trên chính quyền, cấu trúc khu trung tâm theo kiểu xóm đạo… thì vẫn cần tiếp tục điều chỉnh.

Giải pháp được đề nghị ở đây là giải pháp trung hòa những dấu tích quy hoạch mà thực dân Pháp để lại bằng cách bổ sung những quy hoạch mới, có tác dụng làm giảm tác động từ quy hoạch của thực dân Pháp.

Cách quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng là đi theo hướng này. Nó trung hòa trung tâm cũ với nhà nhà thờ Đức Bà giữ vai trò chính bằng một trung tâm mới. TPHCM sẽ có môt quảng trường mới. Như thế, những cuộc lễ lớn của thành phố sẽ không còn phải tổ chức ở quãng trường trước Dinh Độc Lập, tức là sau lưng nhà thờ Đức Bà. Một bước trung hòa cái cấu trúc “xóm đạo” (xem bài 3) đã được thực hiện.

Nhưng hình thái thượng tôn duy nhất đạo Ca tô La Mã vẫn còn, vì khu trung tâm thành phố thiếu những kiến trúc tôn giáo truyền thống dân tộc, mà cụ thể ở đây là Phật giáo. Để trung hòa hình ảnh độc tôn đạo Ca tô La Mã của trung tâm thành phố Sài Gòn do thực dân Pháp để lại tất nhiên cần một kiến trúc Phật giáo ở khu trung tâm.

Trong bối cảnh khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu trung tâm mở rộng của Sài Gòn ở ngay bên kia sông, đối diện khu trung tâm hiện tại, đang được quy hoạch, thì một ngôi chùa lớn, có độ cao phù hợp để nổi bật trên nền khu đô thị mới và có thể nhìn thấy từ bờ sông quận 1, là giải pháp thích hợp hơn cả.

Một ngôi chùa như vậy càng cần thiết trong bối cảnh các cơ sở của đạo Ca tô La Mã trước đây được nhà nước trưng dụng, nay chuyển trả lại, sẽ phục hồi gần như nguyên vẹn diện mạo quy hoạch thành phố Sài Gòn theo đạo Ca tô La Mã mà thực dân Pháp để lại. Nếu không có một ngôi chùa lớn làm biểu tượng cân xứng, hài hòa tôn giáo ở khu trung tâm, thì trung tâm tôn giáo của TPHCM vẫn là nhà thờ Đức Bà, tức là còn nguyên ý đồ của thực dân Pháp khi thiết kế đô thị Sài Gòn cuối thế kỷ XIX, không xóa bỏ được gì (trừ việc đổi tên quảng trường trước nhà thờ thành quảng trường Công xã Paris như đã nói).

Quy hoạch, đương nhiên, thuộc thẩm quyền của chính quyền thành phố. Nhưng Phật giáo TPHCM cũng có trách nhiệm đề xuất.

Hàng bao ngôi chùa ở trung tâm thành phố Sài Gòn mà thực dân Pháp phá hủy khi xâm lược nước ta cần được khôi phục bằng một ngôi chùa thích hợp nằm ở trung tâm mới, trung tâm mở rộng của thành phố, lấy mặt tiền là bờ sông nhìn qua khu trung tâm hiện hữu.

Người dân thành phố đã không chấp nhận những dấu tích như Catinat, An Nam…, thì người dân thành phố cũng không thể chấp nhận duy trì quy hoạch kiến trúc đặt kiến trúc biểu tượng giáo quyền đạo Ca tô La Mã trên kiến trúc biểu tượng chính quyền, quy hoạch kiến trúc lấy nhà thờ chính tòa đạo Ca tô La Mã làm trung tâm, quy hoạch kiến trúc trung tâm thành phố theo kiểu xóm đạo mà thực dân Pháp để lại.

Xây dựng ngôi chùa lớn bên bờ sông Sài Gòn tại khu đô thị mới Thủ Thiêm là tìm trái cân để cân bằng hình ảnh tôn giáo sai lệch của Sài Gòn mà thực dân Pháp để lại. Việc xây dựng như thế, chính ra, đó là việc xóa bỏ tàn tích đô hộ của thực dân Pháp một cách tích cực và phù hợp. Tích cực, vì chỉ là sự bổ sung nhưng mang trong nó tác động điều chỉnh rất mạnh mẽ đối với diện mạo kiến trúc trung tâm thành phố, khắc phục yếu tố tiêu cực mà thực dân Pháp để lại. Phù hợp, vì nó phản ánh chân thực hiện trạng đa tôn giáo, hài hòa tôn giáo ở TPHCM và trên phạm vi cả nước.

Vấn đề đã được được lên qua 4 bài viết. Mong rằng sẽ sớm nhận được tín hiệu những bước đi đầu tiên từ Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM. Đây không phải chỉ là việc xây dựng một ngôi chùa bình thường, mà đây là vấn đề diện mạo của thành phố, là đi tiếp những bước đi trên con đường độc lập, tự chủ dân tộc. Tăng, tín đồ Phật giáo tất yếu phải góp phần trách nhiệm vào diện mạo TPHCM đổi mới, trong bối cảnh đất nước độc lập, thống nhất, xóa bỏ những tàn tích đô hộ của thực dân Pháp.

MT

kientrucphatgiao3


Bài 5: Trường hợp Vũng Tàu

Minh Thạnh

Các tour du lịch đến Vũng Tàu hầu hết đều thay địa điểm Thích ca Phật đài bằng tượng Chúa Ki tô Vua, vì sự thuận lợi giao thông (ngay cạnh Bãi Sau), tiết kiệm chi phí tổ chức tour, dẫn đến việc hạ giá thành, cạnh tranh khách du lịch.

Cũng có thể coi bài viết này là sự tiếp tục loạt bài về việc dựng tượng Phật lộ thiên, bắt đầu từ bài có liên hệ đến tượng Phật lộ thiên trên núi đang được tôn tạo ở Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên. Mục tiêu của loạt bài viết là nhằm đến hệ quả thiết thực hơn, hiệu quả hơn, mang đến lợi ích cho đạo pháp nhiều hơn trong việc dựng tượng Phật, tượng Bồ tát lộ thiên và các dạng tượng Phật ngoài chánh điện khác.

Bài viết này ghi nhận quá trình dựng các tượng Phật và tượng Chúa lộ thiên ở thành phố Vũng Tàu, diễn ra trong khoảng 40 năm, cùng với những bình luận cần thiết, để từ đó rút ra những kết luận hữu ích cho việc xây dựng tượng Phật lộ thiên với quy mô lớn, tạo diện mạo kiến trúc Phật giáo đối với nơi dựng tượng Phật.

THÀNH PHỐ VŨNG TÀU VỚI QUY HOẠCH DIỆN MẠO MỘT THÀNH PHỐ THEO ĐẠO CA TÔ LA MÃ VÀO ĐẦU THẾ KỶ XX

Khi đánh chiếm Nam Bộ vào năm 1859, quân viễn chinh thực dân Pháp đã nhanh chóng phát hiện tiềm năng du lịch của Vũng Tàu. Ngay sau đó, một thành phố du lịch đã được quy hoạch ở nơi chỉ có các làng chài và pháo đài của chính quyền nhà Nguyễn.

Về tôn giáo, Vũng Tàu được thiết kế với quy hoạch một thành phố theo đạo Ca tô La Mã, nhà thờ nằm ở trung tâm thành phố, 4 mặt tiền đường. Công sở, trường học, dinh thự, khu dân cư… vây quanh theo hình thái xóm đạo. Du khách đến thăm trung tâm thành phố Vũng Tàu là đến khu vực nhà thờ, tương tự như thành phố Sài Gòn, thành phố Nha Trang, thành phố Đà Lạt, thị xã Thủ Dầu Một…

Như vậy, khởi nguyên, đúng theo quy hoạch của thực dân Pháp, Vũng Tàu trở thành một thành phố tôn giáo Ca tô La Mã, với tên thành phố là tên thánh Cap Saint Jacques (người Việt gọi tắt là Cấp, hay Ô Cấp).

THÍCH CA PHẬT ĐÀI VÀ SỰ CHUYỂN ĐỔI THÀNH MỘT THÀNH PHỐ PHẬT GIÁO VỚI TÊN GỌI VŨNG TÀU

Vũng Tàu có 2 ngọn núi, đều tiếp giáp với biển, cây cối xanh tươi, cảnh quan thanh tịnh, hùng vĩ, không khí trong lành, đã được các nhà tu hành Phật giáo ưu thích.

Trong khi nhà thờ các giáo xứ chiếm vị trí trung tâm các khu dân cư, thì am, cốc của các vị tăng ni Phật giáo được xây dựng ngày càng nhiều trên cả hai triền núi Lớn và núi Nhỏ.

Giáo hội Tăng già Nguyên Thủy Việt Nam (Phật giáo Nam Tông) từ việc sở hữu một khoảnh đất trên triền núi Lớn, khu Bến Đình, đã đi đến quyết định xây dựng một bảo tháp xá lợi tại đây (cao 17 mét), rồi từ đó đã đi tới việc xây dựng kim thân Phật tổ với chiều cao 11,6 mét. Tại đây, đã hình thành phiên bản tứ động tâm tại Việt Nam (bốn nơi động tâm, điểm hành hương của người Phật tử, là nơi Phật đản sinh, Phật thành đạo, Phật chuyển pháp luân và Phật nhập Niết Bàn).

Người khánh thành Thích Ca Phật Đài, tháng 3 năm 1963, là ngày hội lớn của các tông phái Phật giáo Việt Nam. Việc xây dựng Thích Ca Phật đài có tiếng vang lớn không chỉ đối với tăng ni Phật tử, mà còn là đối với toàn thể dân chúng miền Nam Việt Nam lúc đó. Cảnh quan, đặc biệt là vẻ đẹp của kim thân Phật tổ lộ thiên, đã khiến Thích Ca Phật đài trở thành nơi thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan, không phân biệt tôn giáo.

Công trình Thích Ca Phật đài đã thay đổi diện mạo tôn giáo của thành phố Vũng Tàu, từ một thành phố có kiến trúc biểu tượng theo đạo Ca tô La Mã thành một thành phố Phật giáo. Thích Ca Phật đài trở thành một biểu tượng du lịch của Vũng Tàu, khách đến đây ai cũng phải ghé qua thăm viếng. Riêng đối với khách Phật tử còn có việc chiêm bái, lễ lạy. Điều này diễn ra từ giữa thập niên 1960 đến khoảng cuối thập niên 1990.

Dưới thời chế độ Sài Gòn, thành phố này được đặt tên mới là Vũng Tàu.

Trong thời gian như trên, hình ảnh đặc trưng quảng bá cho Vũng Tàu, ngoài các bãi biển, ngọn núi, hải đăng…, còn là kim thân Phật tổ và bảo tháp xá lợi Thích Ca Phật đài.

TƯỢNG CHÚA KI TÔ VUA CHUYỂN VŨNG TÀU TRỞ LẠI DIỆN MẠO MỘT THÀNH PHỐ ĐẠO CA TÔ LA MÃ

Thành công của công trình Thích Ca Phật đài, hệ quả tạo diện mạo Phật giáo cho thành phố du lịch Vũng Tàu tất yếu buộc các tôn giáo khác phải lưu tâm đến.

Theo Wikipedia tiếng Việt, mục từ “Tượng Chúa Ki tô vua (Vũng Tàu)” thì đến đầu những năm 1970, linh mục chánh xứ giáo xứ Vũng Tàu nêu kế hoạch xây một tượng đài Chúa Giê su cao 10 mét trên bệ tượng 5 mét ở mũi Nghinh Phong, bãi Ô Quắn. Đây là vị trí dưới chân tượng Chúa Ki tô Vua hiện nay.

Thông tin từ mục từ Wikipedia tiếng Việt nói trên cho biết, tượng chúa ở mũi Nghinh Phong bắt đầu thi công từ năm 1972, đến ngày 17/1/1973 thì bị thị trưởng Vũng Tàu chế độ Sài Gòn, đại tá Vũ Huy Tạo, tạm ngưng thi công, vì lý do có đơn khiếu nại của bên Giáo hội Phật giáo nói rằng đây là vùng đất của họ. Nhiều cuộc họp thương lượng giữa hai bên tôn giáo diễn ra với sự chủ trì của chính quyền, kết quả dẫn đến thỏa hiệp kết ngày 16 tháng 2 năm 1974. Theo đó, Giáo hội Phật giáo toàn quyền sử dụng mũi Nghinh Phong, còn Giáo hội Công giáo thì xây dựng công trình trên núi Nhỏ với diện tích 10 hecta.

Ngày 16 tháng 2 năm 1974, Giáo hội Công giáo đã dỡ bỏ bức tượng ở Nghinh Phong theo thỏa hiệp. Ngày 18 tháng 3 năm 1974, chính quyền địa phương cấp văn thư số 140/VT/HC/LA cho phép Giáo hội Công giáo xây dựng tượng đài Chúa Giê su tên núi Nhỏ (Tao Phùng) và họ bắt đầu xây dựng”.

Có ý kiến bình luận rằng, việc xây dựng tượng chúa cao 10 mét ở mũi Nghinh Phong để tạo tranh chấp chỉ là cái cớ giả tạo để phía Ca tô La Mã xin phép sử dụng 10 hecta đất trên đỉnh núi Nhỏ, một vị trí rất tốt để xây tượng chúa. Diện tích trên đỉnh núi này, nếu không tạo cớ giả có tranh chấp để đi đến việc giải quyết như vậy, thì không dễ cấp cho phía Ca tô La Mã sử dụng vì đó là một căn cứ quân sự do thực dân Pháp xây dựng, nay vẫn còn công sự bê tông và súng đại bác cổ.

Lợi thế của đỉnh núi nơi đặt tượng chúa Ki tô Vua hiện nay là do người Pháp phát hiện. Ở vị trí này, có thể bao quát mặt biển, thủy lộ dẫn vào cảng Sài Gòn, bao quát phần lớn thành phố Vũng Tàu gồm bãi tắm lớn nhất, bao quát vùng xa hơn như Bà Rịa, Long Hải… Vị trí này gần vị trí đặt hải đăng với lợi thế cũng như trên. Phía Ca tô thực ra là nhắm tới cao điểm này, chứ không phải mũi Nghinh Phong thấp lè tè bên dưới.

Thực chất của việc chính quyền địa phương Vũng Tàu trước năm 1975 cấp đất cho phía đạo Ca tô La Mã trên núi Nhỏ là việc chuyển cứ điểm quân sự để xây dựng thành một cứ điểm văn hóa, tâm linh Ca tô La Mã có tầm cỡ thế giới. Vì vậy, phải tạo ra một cuộc tranh chấp giả và phân xử. Phía Phật giáo tưởng chừng như là bên được kiện trong tranh chấp, phía Ca tô La Mã phải tháo dỡ tượng đã xây dựng, nhưng thực ra, đã hết sức thiệt thòi, vì với tượng Chúa bề thế bên trên, thì phía Phật giáo khó có thể xây dựng công trình biểu tượng tôn giáo mà dưới mũi Nghinh Phong. Vì vậy, thế là xây dựng dưới bệ tượng thiên nhiên khổng lồ của tượng chúa là núi Nhỏ. Khả năng xây dựng tượng Phật ở mũi Nghinh Phong đã bị vô hiệu hóa.

Trong khi đó, công trình Thích Ca Phật đài đã bộc lộ một số nhược điểm:

- Công trình nhìn xuống một làng cá, một cảng cá, không bao quát TP Vũng Tàu và các khu vực du lịch.

- Không thể nhìn thấy tượng Phật từ dưới đất, từ đường giao thông và từ các khu vực du lịch.

- Vì ở gần cảng cá, nên khu vực công trình Thích Ca Phật Đài thường có mùi cá chết, cá phơi khô, làm mắm do gió đưa tới, làm mất vẻ trang nghiêm, thanh tịnh.

- Địa điểm xây dựng Thích ca Phật đài tách biệt khỏi các khu vực du lịch chính, chỉ gần một bãi tắm nhỏ ít người, là bãi Dâu, giao thông không thuận lợi.

Những nhược điểm này đã không có ở tượng Chúa Ki tô Vua, với vị thế xây dựng đắc địa:

- Tượng Chúa Ki tô Vua tọa lạc trên con đường đẹp nhất Vũng Tàu, đường Hạ Long, mà nghe nói có năm, được bình chọn là đường đẹp nhất Việt Nam (lề đường ốp đá hoa cương). Đây là tuyến giao thông quan trọng của TP Vũng Tàu, nối trung tâm thành phố ở Bãi Trước với khu du lịch là bãi tắm lớn nhất, Bãi Sau.

- Tượng chúa Ki tô La Mã có thể nhìn thấy từ nhiều phía: đường Hạ Long, Bãi Sau với các resort, một phần thành phố Vũng Tàu. Số người nhìn thấy tượng chúa Ki tô Vua hàng ngày có thể gấp hàng nghìn lần số người nhìn thấy Kim thân Phật tổ Thích Ca Phật Đài. Đây còn là vấn đề truyền thông, ngoài vấn đề tôn giáo.

- Tượng chúa được chiếu sáng mỹ thuật về đêm, càng khiến cho số lượng người nhìn thấy tăng lên.

- Việc thu hút khách tham quan bằng cách đưa khách vào bên trong tượng, lên bên trong đầu và 2 cánh tay tượng để quan sát cảnh trí Vũng Tàu từ trên cao, gồm một phần bờ biển và thành phố rất có hiệu quả.

- Không gian quanh chân tượng và đường lên tượng được tạo hương thơm cùng với tác dụng trang trí của những hàng cây hoa đại, tạo vẻ thanh tịnh, thoát tục.

Theo mục từ nói trên, từ Wikipedia tiếng Việt, thì Núi Nhỏ (núi Tao Phùng) cao 176 mét, tượng chúa Ki tô Vua có chiều cao 32 mét, chiều dài hai cánh tay 18,4 mét, lòng tượng có thể chứa 100 khách tham quan cùng lúc, là tượng chúa Gie6su lớn nhất châu Á năm 2012, là tượng chúa cao nhất thế giới trước khi tượng chúa ở Pê ru khánh thành.

Tượng Chúa Ki tô Vua Vũng Tàu khánh thành năm 1994, là di sản lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Tượng chúa Ki tô Vua đã thay đổi diện mạo tôn giáo TP Vũng Tàu, chuyển hình ảnh tôn giáo thành phố từ việc gắn với hình ảnh kim thân Phật tổ Thích Ca Phật đài sang hình ảnh Chúa Ki tô. Các poster quảng bá du lịch hiện nay đều đưa hình ảnh tượng chúa Ki tô vào danh mục những hình ảnh chính, tiêu biểu cho TP Vũng Tàu, còn hình ảnh Thích Ca Phật Đài trở nên mờ nhạt.

Các tour du lịch đến Vũng Tàu hầu hết đều thay địa điểm Thích ca Phật đài bằng tượng Chúa Ki tô Vua, vì sự thuận lợi giao thông (ngay cạnh Bãi Sau), tiết kiệm chi phí tổ chức tour, dẫn đến việc hạ giá thành, cạnh tranh khách du lịch. Hơn nữa, khách du lịch không thể leo núi 2 lần trong một chuyến du lịch vì sức khỏe không cho phép. Trong khi cảnh quan của tượng Chúa Ki tô Vua hấp dẫn hơn. Bên cạnh đó, trong một thời gian dài, tại Thích ca Phật Đài có bán vé vào cửa cho khách du lịch, còn tượng Chúa Ki tô Vua thì không!

Cao điểm tốt nhất về mặt quan sát, cũng như nhìn thấy từ mặt đất đã dựng vào việc dựng tượng chúa cao nhất nhì thế giới, thì có lẽ diện mạo đạo Ca tô La Mã cho kiến trúc thành phố Vũng Tàu sẽ là cố định vĩnh viễn, dù hàng trăm tượng Phật lớn nhỏ, hàng trăm chùa, am, cốc, thất Phật giáo dựng lên khắp các sườn núi Lớn, Nhỏ.

CỤM TƯỢNG - NHÀ THỜ ĐỨC MẸ BÃI DÂU GÓP PHẦN CHUYỂN ĐỔI DIỆN MẠO TÔN GIÁO THÀNH PHỐ VŨNG TÀU

Góp phần vào việc thay đổi diện mạo kiến trúc tôn giáo TP Vũng Tàu còn có cụm tượng nhà thờ Đức Mẹ Bãi Dâu. Cụm tượng này tuy gần vị trí Thích Ca Phật Đài, nhưng xa cảng cá, xa làng cá, tọa lạc phía trên một bãi tắm du lịch. Tượng Đức Mẹ được dựng trên sườn núi, thánh giá được dựng trên đỉnh núi, thánh đường dựng dưới chân núi, có thể nhìn thấy từ mặt đất.

Công trình nói trên khánh thành năm 1994, với một quảng trường có sức chứa 10.000 người cấu trúc thành một vườn hoa, cũng tạo thành một điểm du lịch, thích ứng với chức năng thành phố du lịch của Vũng Tàu. Tượng Đức Mẹ Bãi Dâu cao đến 25m, trong khi tượng Phật tổ tại Thích Ca Phật đài cao chỉ 11,6 mét.

Như vậy, thay đổi diện mạo kiến trúc tôn giáo ở Vũng Tàu, không chỉ do vị trí các kiến trúc, tượng đài số lượng kiến trúc tượng đài, mà còn ở quy mô kiến trúc tượng đài.

Điều trớ trêu, Phật giáo là tôn giáo có số lượng tín đồ đông nhất tại Việt Nam, và cũng thế tại Vũng Tàu, nhưng thành phố Vũng Tàu chỉ có diện mạo tôn giáo Phật giáo một thời gian khoảng từ 1963 đến 1995. Hiện nay, và về sau, diện mạo kiến trúc tôn giáo của Vũng Tàu là diện mạo một thành phố đạo Ca tô La Mã và gần như không còn cơ hội để thay đổi điều này. Các cơ sở thờ tự, tượng Chúa đạo Ca tô La Mã trở thành điểm tham quan du lịch số một ở thành phố du lịch này.

Đây là một bài học đắt giá cho Phật giáo thành phố Vũng Tàu, nhất là màn kịch tranh chấp đất xây tượng ở mũi Nghinh Phong. Và cũng là một trường hợp đáng tham khảo cho Phật giáo các tỉnh thành, nhất là Phật giáo TPHCM, trong bối cảnh diện mạo kiến trúc tôn giáo khu trung tâm TPHCM hoàn toàn mang màu sắc Ca tô La Mã và cơ hội để đưa kiến trúc Phật giáo vào trung tâm thành phố ngày càng thu hẹp.

Chớ nên để đến mức gần như không thể thay đổi gì hết đối với diện mạo kiến trúc tôn giáo như ở thành phố Vũng Tàu. Chúng tôi tiếp tục hướng về các vị tu sĩ yêu nước, yêu thành phố quê hương trong Ban Trị sự GHPGVN TPHCM.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
02/10/2010(Xem: 3663)
Trong đó nghệ thuật kiến trúc và tư tưởng truyền thống văn hóa Trung Quốc, đặc biệt triết học cổ đại Trung Quốc, điêu khắc, thư pháp và các loại tạo hình nghệ thuật khác được hổ tương thẩm thấu hòa hợp thành một di sản nghệ thuật Phật Giáo cụ bị văn hóa truyền thống Trung Quốc có ý nghĩa thẩm mỹ và nghệ thuật cao siêu. Hình tượng nghệ thuật kiến trúc Phật Giáo thể hiện nội hàm văn hóa và lịch sử phát triển của Phật Giáo Trung Quốc.
26/09/2010(Xem: 3391)
Phật Giáo là một tôn giáo ngoại lai không có nguồn gốc từ Trung Quốc, kiến trúc Phật Giáo cũng không được sinh ra từ nền kiến trúc cổ đại Trung Quốc. Phật Giáo từ Ấn Độ truyền vào Trung Quốc và phát triển ở vùng đất có nền văn minh cổ xưa này, dựa vào tư tưởng văn hóa truyền thống của Trung Quốc kết hợp thành một tôn giáo ngoại lai có sự kết hợp giữa giáo nghĩa Phật Giáo và truyền thống văn hóa Trung Quốc. Điều dễ nhận thấy nhất là nghệ thuật kiến trúc Phật Giáo Trung Quốc không phải là phiên bản của kiến trúc Phật Giáo Ấn Độ, nghệ thuật kiến trúc Phật Giáo là sự kết tinh của văn hóa Phật Giáo và truyền thống văn hóa tư tưởng Trung Quốc.
26/09/2010(Xem: 3694)
Tôn giáo là một hiện tượng xã hội nhân loại, mà khi xã hội đó phát triển đến một giai đoạn lịch sử nhất định thì sản sinh hiện tượng này. Cũng như vậy do nhu cầu tín ngưỡng cũng như sự hoằng truyền giáo nghĩa, cho nên kiến trúc của tôn giáo từ đó mà sanh.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]