CƠN GIÔNG
(Những ý tưởng trong một bài viết ngót 30 năm trước bỗng hiện về trong giấc mơ đêm qua, cùng với hình ảnh người bạn từng chung bước trên chặng đường tranh đấu cho nhân quyền, khi thuyền nhân trong các trại tỵ nạn đang bị cưỡng bức trả về Việt Nam. Người bạn đó là cố nhạc sỹ Việt Dzũng. Sao giấc mơ lại tới trong thời điểm cuối tháng tư? Với tôi, không phải là tình cờ, vì chính bài viết này lại là một, trong những bài mà Việt Dzũng đã chia sẻ rằng “Xúc động lắm! Những rung cảm này thật quá! Thầm lặng mà lại rõ nét qúa! Chị cho Dzũng gom những bài viết khác của chị lại, in thành sách nhé!” .
Và đó cũng là cơ duyên cuốn sách đầu tiên, tựa đề Gió Sông Hồng ra đời, do nhà xuất bản Thế Giới ấn hành, Việt Dzũng trình bày bìa, Typography: Vũ Hoàng Anh & Việt Dzũng, phát hành lần thứ nhất tại Hoa Kỳ, tháng 5 năm 1992.
Đó là thời điểm tôi chưa đủ duyên được xuất gia nên tên tác giả là bút hiệu từ thời còn là sinh viên. Nay, ở một thế giới xa thẳm nào, Việt Dzũng vừa nhắc tôi đọc lại, phải chăng để cảm nhận thực chất của mỗi bản chất là những gì không thay đổi. Có chăng chỉ là ở hoàn cảnh khác, môi trường khác ta sẽ có cái nhìn khác, hành xử khác, nhưng cũng chỉ là để chạm được gần hơn, tới bản chất đích thực của mình.
Xin tri ân bao liệt vị đã cất bước theo tiếng gọi của hồn thiêng sông núi, đã đáp đền theo cách riêng ở mỗi vị thế, mỗi cơ duyên.
Phút giây tưởng niệm
Một nén tâm hương
Tỏa khắp muôn phương
Nguyện xin chứng giám)
TN Huệ Trân
(LL Ngọc – Tuyển tập Gió Sông Hồng)
Buổi sáng, ra khỏi nhà với ly cà phê nóng trên tay, với tôi, đã là một hạnh phúc ngọt ngào; bởi, với nhịp sống hối hả nơi đây, thì giờ nhiều khi qúy hơn tiền bạc, nhất là chút thì giờ hiếm hoi vội vã vào lúc sáng sớm.
Nhưng tôi vẫn thường cố dành cho mình một vài phút để mơ mộng trong cái khoảnh khắc tinh khôi và tươi mát của một ngày mới bắt đầu.
Trong khi chờ xe nóng máy, tôi uống ngụm cà phê đầu ngày, nghe chim chóc hẹn hò trên những tàng cây xanh, nhìn người già ở đầu ngõ quét những lát chổi lơ đãng trên bực thềm gạch đỏ, mỉm cười với đám trẻ da mầu, vai đeo cặp, nhảy chân sáo trên lề đường viền tắp cỏ xanh, lác đác những cánh hoa tím rụng vì trận gió đêm qua……
Lại một ngày bắt đầu.
Và chiếc xe thường lăn những vòng bánh đầu tiên trong ngày, với điệp khúc rời rạc đó.
Những cảm giác băn khoăn như tiếc nuối, như khát khao, như đợi chờ những ước vọng không tượng hình rõ rệt nhưng lại thôi thúc triền miên, thường quẩn quanh trong tôi suốt con đường đến sở buổi sáng.
Có lúc, tôi bắt gặp mình hốt hoảng khi điệp khúc “Lại một ngày bắt đầu” vang lên trong trí, vì nhìn lại, tôi đã không có ngày hôm qua!
Tôi hoàn toàn không thấy mình ở ngày hôm qua! Cái-tôi làm việc, cái-tôi ăn ngủ như chẳng liên hệ gì tới cái-tôi hiện tại hôm nay. Cái-tôi hôm qua như chỉ là bọt nước, bóng mây, chẳng có gì để nhớ cũng chẳng có gì để quên. Vậy mà, tôi đã để trôi qua bao nhiêu buổi sáng, bao nhiêu buổi chiều, bao nhiêu tháng ngày vô vị rỗng không. Hình như từng ngày tôi chỉ thực sự thấy được tôi thấp thoáng những giây phút từ nhà tới sở và từ sở về nhà.
Tôi có thói quen chỉ đi và về trên một con đường nhất định, con đường tôi thuộc lòng đến nhắm mắt cũng tới.
Không phải chú tâm tới phương hướng, tôi sẽ được thảnh thơi chìm đắm trong những mơ mộng đứt quãng, được thả hồn mình về những góc phố thân yêu, những hàng quán quen thuộc với bằng hữu xôn xao mời gọi.
Những tape nhạc có trong xe thường cho tôi cảm giác ấm áp của những ngày vui xưa, những ngày vui đã xa, tưởng như không còn tới, nhưng cũng gần, tưởng như chẳng thể rời. Một giọng hát chất ngất men say của Phạm Đình Chương thôi, đủ dựng lại trong trí tưởng nghèo nàn của tôi cả một thời tuổi trẻ thơ mộng …
Tôi cũng đã từng thấy cả trời quê xưa trong lòng xe hẹp qua âm thanh dăm ba câu hát bình thường, thấy Hà Nội mưa bay tình tứ, khói nhang trầm rạo rực quẻ thẻ đầu năm, thấy cây đa đầu làng, khóm tre quê nội, nhạt nhòa một chiều nào trên bờ đê sông Hồng, bóng ông nội đứng lặng trong chiều tím, nhìn đàn con cháu dắt díu nhau đi tìm tự do.
Ông ở lại với quê, với đất, với ruộng lúa nương dâu, như khóm tre già sừng sững kiên tâm bám rễ, nẩy mầm ….
Bao giờ cũng thế, khi mở băng nhạc có bài “Làng Tôi” là hình bóng ông nội lại ấm rực trong lòng, và rồi đốm lửa ấm mong manh đó tan dần trong lạnh lẽo nơi những cái gọi là trại-tù-cải-tạo, ở đó, cha tôi còm cõi với đói lạnh, gông cùm!
Qua lá thư người em gái gửi sang, tôi thấy rõ như đang ngồi trước màn ảnh lớn. Tôi thấy cha trong ngày đầu tiên được gọi nhận quà tiếp tế của gia đình. Trời mưa, gió giật, cầu khỉ trơn như mỡ, giầy dép bám đất sình lại càng trơn, sợi giây kẽm để vịn tay đu đưa liên hồi, kẻ bật ra xa, người co lại gần, mất thăng bằng tạo ra mất thăng bằng liên tục.
Mới nhích được một phần tư cầu, cha nhìn xuống giòng suối, nước chảy xiết dưới chân mà hoa cả mắt. Rồi cũng phải nhìn lên, trấn tĩnh lại, cố nhích dần cho người khác lết tới. Sợi giây kẽm quái ác hết lôi cha ra, lại đẩy cha vào. Gió giật liên hồi. Đôi giầy toàn đất bùn trên thân cây gỗ chỉ còn là sình trộn nước mưa, như không gì khả dĩ giúp cha bước thêm được nữa!
Cha bèn đứng yên tại chỗ. Nhìn ra, mới được nửa con suối, liếc sang bên bạn đồng tù, mặt ai cũng trắng bệch thì biết chắc mình cũng tái mét!
Thật là nghìn cân treo sợi tóc, lui không được, tiến cũng chẳng xong …
Nhưng chắc hẳn cha đã nghĩ đến mẹ, nghĩ đến chúng tôi. Trong khoảnh khắc, hạnh phúc mấy chục năm hiện về giúp cha can đảm. Cha nhất định không để giòng suối cướp mất gói quà vì nó là biểu hiện của ân tình gia đình, gói ghém bao nhiêu là xót xa thương nhớ.
Sức mạnh và lòng tự tin hẳn đã đến với cha. Một tay ghì gói qùa trên vai, một tay nắm chặt sợi giây kẽm mỏng manh vẫn không ngừng đu đưa. Dưới mưa ấy, gió ấy, cha xoay ngang chân mà nhích đi, thẳng nhìn lên, không màng đến giòng suối cuồn cuộn dưới chân. Hẳn cha cũng thầm khấn Trời Phật, còn để có hôm nay, không lẽ lại vuột mất tình thương của một người tưởng chừng tuyệt vọng!
Cứ thế, cha nhích tới. Khúc cầu còn lại không đáng kể.
Đặt chân lên bên kia bờ suối, ôm chặt gói quà trên ngực, cha đi băng băng dưới trời mưa gió, lòng hân hoan như để mau được gặp người thân mà tinh thần đã gói ghém trong những món quà đạm bạc.
Trên con đường của điệp khúc “Lại một ngày bắt đầu”, một buổi sáng, tôi đã không thể đi nốt phần đường còn lại để đến sở làm. Tôi đã không thể thả hồn theo những mơ mộng thường có, không nghe được gì, âm thanh những giòng nhạc thân quen, bởi tôi vừa chợt thấy bên kia đường, một chiếc xe Jeep quân đội, bám đầy bụi đất.
Tôi đã hấp tấp quay đầu xe vòng qua, bất chấp lúc đó đèn lưu thông đang xanh hay đỏ, bất chấp những còi xe bất mãn từ bên phải, bên trái. Trong khoảnh khắc của giây phút đó, giây phút mà mắt tôi bất chợt bắt gặp hình ảnh cha già thân yêu thì mọi thần kinh hệ trong tôi như cùng đọng lại, run rẩy chụp lấy cái hình ảnh có thực bên kia đường, hòa nhập với hính ảnh sâu thẳm trong tiềm thức tôi mà rung lên muôn vàn thổn thức.
Như trong hôn mê, tôi nhấn ga, đuổi theo chiếc xe Jeep với ý nghĩ điên rồ là phải nhìn tận mắt người cầm lái xe có phải là cha hay không, dù rằng cùng lúc, tôi vẫn biết đó là ý nghĩ triệu triệu lần điên rồ vì cha đang ở cách xa nửa trái địa cầu, đang trải bao nhọc nhằn tủi nhục qua các trại tù man rợ ngay trên quê hương, ngay trên phần đất mà Người đã dâng hiến hết đời mình để phụng sự.
Hơn một phần tư thế kỷ, tôi đã nhìn thấy cha qua bộ quân phục mầu rêu cùng với chiếc xe Jeep quen thuộc. Hai hình ảnh đó khắng khít, gắn liền với nhau, nằm sâu trong tiềm thức tôi như một phần thân thể mà tôi chỉ nhận thức được mối liên hệ sâu sa, khi bắt gặp.
Buổi sáng hôm đó, tôi đã không đuổi kịp được chiếc xe Jeep, xem người cầm lái có phải là cha hay không!
Một xe tuần lưu cảnh sát đã chặn tôi lại.
Tôi ngừng xe sát lề đường, mắt dõi hút phía trước, nơi tôi đã mất dấu chiếc xe Jeep quân đội bám đầy bụi đất.
Tôi im lặng ký giấy phạt vì chạy qúa tốc độ và cũng im lặng nghe lời khiển trách của bà xếp, vì đi làm trễ.
Nếu bà ta biết vì sao tôi tới sở trễ thì tôi e rằng vốn ngoại ngữ của tôi không đủ để giải thích cho bà hiểu.
Mà giải thích làm chi khi tôi tự biết sẽ chẳng thay đổi gì, khi trên con đường mỗi ngày, tôi vẫn có được cho riêng mình những phút giây, để chỉ một thoáng nhớ, một giọng hát, một lời ru cũng đủ dẫn tôi về với những cơn mưa sớm, tắm gội cho những cơn đau trong tôi bằng bao thương nhớ, bao tri ân và ngậm ngùi …
Nắng Tháng Tư đưa tôi ra biển.
Ngồi trên ghềnh đá, tôi đợi một cơn giông.
TN Huệ Trân
(LL Ngọc – tuyển tập Gió Sông Hồng)