Đọc Thơ Cụ Mộc Đạc, Nghĩ Về Phật Giáo Dân Gian
Nguyên Giác
Có một lời dạy của Đức Phật đã ngấm vào dòng chảy của tâm thức dân tộc mình… Đó là ý thức về vô thường, về khổ. Bởi vậy, thơ Việt Nam kể chuyện buồn nhiều hơn vui, lo lắng nhiều hơn an bình, gập ghềnh nhiều hơn bằng phẳng…
Ngay từ trang đầu Truyện Kiều, nhà thơ Nguyễn Du (1766–1820) đã viết:
…Trải qua một cuộc bể dâu.
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
Đó là chuyện xưa. Bây giờ nói chuyện đời nay. Rằng tôi có một người hàng xóm cao niên, người đôi khi tôi vẫn gọi đùa trong tâm là “cụ Nguyễn Du đó nhen” – dĩ nhiên thơ cụ không thể hay bằng nhà thơ họ Nguyễn rất mực tôn kính của mấy thế kỷ trước, nhưng tấm lòng mê thơ của ông cụ tôi quen thì tuyệt vời.
Nơi đây hoàn toàn không có nghĩa gì là so sánh hay đối chiếu chuyện văn chương, chỉ đơn giản vì đọc thơ và nói về thơ là một niềm vui, tuyệt vời hơn uống trà và cà phê nhiều. Để nói theo kiểu tượng hình, trong khi lục phủ ngũ tạng trong tôi nửa phần có màu xanh của trà, nửa phần có màu nâu của cà phê, nhưng toàn phần thịt da hẳn là lổm ngổm đầy chữ, chen chúc chờ xếp thành câu.
Bởi vậy, có ông cụ hàng xóm mê thơ là một cơ duyên tuyệt vời. Cụ hàng xóm thường ký tên là Mộc Đạc Ngụy Vạn Lim trên các tác phẩm, đã từng có nhiều tác phẩm thơ, trong đó mới nhất có thi tập nhan đề “Truyện Thơ Nàng Kiều Thời Đại – Phóng tác 2019.”
Hình 1:
Hình 2:
Bìa 2 thi tập mới.
Bút hiệu Mộc Đạc nghe lạ, nhưng hiển nhiên là không dính gi tới chuyện thơ dài hay ngắn, hay hay dở, vui hay buồn, thế sự thực tế hay khoa học viễn tưởng. Ông cụ có tên trên giấy tờ là Ngụy Vạn Lim, có bút hiệu là Mộc Đạc. Theo tôi nhớ, trong khoảng hơn hai thập niên làm hàng xóm trong một khu nhà mobile home trên đường Bolsa, tôi không bao giờ hỏi cụ xem bút hiệu đó có nghĩa gì. Tôi tự nghĩ, chữ gì cũng vậy thôi, cũng như tôi có bút hiệu Nguyên Giác nhưng thiệt sự mình là một anh chàng vô lượng khù khờ, rất mực vô minh, vẫn thường tự nhận là mình ngu dốt có bằng cấp.
Các tập thơ của thi sĩ Mộc Đạc Ngụy Vạn Lim không in ở dạng sách bình thường như chúng ta thấy ở thư viện. Cũng không đăng ở các trang thi văn trên Internet. Ông cụ không dùng Internet, vì đã quá cao niên khi cách mạng thông tin bùng nổ. Do vậy, các tập thơ do cụ đánh máy trên khổ giấy 8.5X11 inches. Cũng có nghĩa là, vào Google, gõ chữ “mộc đạc” là hiện ra tiểu sử một nhà Nho thế kỷ 14 ở tỉnh Thái Bình. Mộc Đạc còn có nghĩa là “cái mõ gỗ.” Dù vậy hình như là, cụ Mộc Đạc thế kỷ 21 nhất định không chịu đưa thơ lên Internet. Bởi vậy, tôi là một trong số ít độc giả của cụ -- vừa hy hữu, vừa là hàng xóm đôi khi gật gù nói chyện đời thường.
Mà chuyện đời thì vui ít buồn nhiều. Thí dụ, ý thức về vô thường và về khổ đã hiện lên trang giấy rõ rệt, như mấy dòng thơ sau trong thi tập “Truyện Thơ Nàng Kiều Thời Đại” nơi các dòng thơ 1417-1420:
Ngán thay cho cái lưới tình
Mười hai bến nước, nhục vinh đâu lường
Cầu xin Phật độ Trời thương
Mai này tránh được đoạn trường đắng cay.
Thế đấy, thơ của cụ Mộc Đạc có hồn đạo pháp và dân tộc rõ ràng. Lưới tình là khổ, tất nhiên. Nhục vinh là vô thường, là được mất trong cõi này. Thế là phải quy y, nói kiểu ngôn ngữ dân gian là: Cầu xin Phật độ Trời thương… và tu học để sau này thoát khổ -- gọi là xa lìa tất cả nhưng gì gọi là đoạn trường đắng cay.
Tuyệt vời thế đấy, ông cụ hàng xóm của tôi đã hiển lộ cho thấy một Phật giáo dân gian trong thơ.
Nói về sức sáng tác, ông cụ hơn xa rất nhiều người. Chỉ nói mấy năm gần đây thôi, riêng năm 2012, cụ Mộc Đạc có một tập thơ (Chùa Hương), một truyện thơ (Thạch Sanh), một tuyển dịch thơ (Một Thoáng Hoài Cổ).
Trong năm 2018, cụ Mộc Đạc có các tập thơ sau: Vui Đời Vui Đạo, Truyện Thơ Trọng Thủy – Mỵ Châu, Tạp Lục Không Đề (Phiếm Thơ), Vài Mẩu Chuyện Vui (Phiếm Thơ), Chuyện Giả Tưởng (Phiếm Thơ).
Và trong tháng 1/2019, cụ Mộc Đạc có thi tập lục bát Kiều Thời Đại (truyện thơ phóng tác), dài tới 1808 dòng thơ. Nghĩa là ngắn hơn Truyện Kiều (3254 câu) của Nguyễn Du.
Có thể có người thắc mắc, tại sao phóng tác?
Thực tế, Truyện Kiều cũng là do cụ Nguyễn Du phóng tác từ “Kim Vân Kiều truyện" của Thanh Tâm Tài Nhân, đời nhà Thanh, Trung Quốc.
Chính phóng tác cũng là một thể loại văn học. Rất nhiều bộ phim lớn cũng phóng tác từ tiểu thuyết. Hay như truyện thơ Nôm “Quan Âm Thị Kính” cũng được đời sau phóng tác làm kịch, làm chèo… Và rồi trích đoạn để biến thể ra vở chèo "Thị Mầu lên chùa" đã trở thành bất tử, hễ ai vào YouTube xem là cười mãi không thôi (hiển nhiên, vở chèo ấy cũng là một Phật giáo dân gian, không phải chính thống trong kinh luận).
Hay như cụ Hồ Biểu Chánh (1884–1958) cũng từng phóng tác khoảng 12 cuốn tiểu thuyết văn học Châu Âu. Bởi vậy, phóng tác không phải là chuyện nhỏ…
Nhà thơ Mộc Đạc khởi đầu tập thơ Kiều Thời Đại (KTĐ) bằng những dòng:
Trăm năm trăm cuộc biển dâu
Đời người mấy lượt qua cầu đắng cay
Nhìn xem sự thế bấy nay
Trải bao nhiêu chuyện tỉnh say nhục nhằn
Giầu sang bỗng hóa cùng bần
Quyền uy phút chốc tay chân buộc ràng
Tình người lắm sự trái ngang
Sự đời lắm việc đa đoan – xoay vòng
Nhiều khi thật rất đau lòng
Nhiều khi cũng lại nức lòng thế nhân. (KTĐ, trang 1--10)
.
Để nhắc rằng, trong khi Truyện Kiều của Nguyễn Du bắt đầu giới thiệu nhân vật:
Có nhà viên ngoại họ Vương
Gia tư nghĩ cũng thường thường bậc trung (Truyện Kiều, câu 11 – 12)
.
Kiều Thời Đại của cụ Mộc Đạc khi nói về nhân vật:
Sài Gòn có một họ Hoàng
Nổi danh phú quý đứng hàng thượng lưu
Hoàng ông túc trí đa mưu
Hoàng bà tính toán đủ điều khôn ngoan
Gái trai con cái một đàn
Mỗi người một vẻ đoan trang mỹ miều
Cô đầu tên gọi Thúy Kiều
Mày ngài mắt phượng diễm kiều thướt tha (KTĐ, câu 53-60)
Cả Thúy Kiều và Thúy Vân đều đẹp tuyệt trần. Cách nhà thơ Mộc Đạc kể về nhan sắc hai nàng họ Hoàng cũng rất là cổ kính. Thí dụ, như Thúy Vân có nhan sắc:
Phong tư kiểu cách danh gia
Thúy Vân em cũng nếp nhà noi heo
Hồ thu giếng mắt trong veo
Má hồng môi thắm trăng treo gương tròn
Voc mai mình hạc lưng thon
Tóc xanh óng ả mây còn kém xa
Nói năng tế nhị ôn hòa
Dưới nhường trên kính mẹ cha đẹp lòng. (KTĐ, câu 69-76)
Cậu út là Hoàng Quan cũng được mô tả tuyệt vời:
Hai chị phận gái thong dong
Hoàng Quan em út nối dòng thương gia
Tuổi đời tuy nhỏ nhất nhà
Việc đời thông thạo xem ra hơn người
Thiên tư đĩnh ngộ khác đời
Hăng say công việc chẳng rời chân tay
Miệt mà học hỏi đêm ngày
Lại ham sách vở và hay tìm tòi (KTĐ, câu 77-84)
Câu chuyện khởi sự khi ba chị em dạo mát ở Thác Cam Ly (Đà Lạt) và gặp mộ nàng vũ nữ Cẩm Dung.
Và như thế, đủ thứ bất trắc trong thời chiến tranh xảy ra cho gia đình họ Hoàng.
Bối cảnh câu chuyện thơ đầy sóng gió đó, phảng phất có khi nơi này, có khi nơi kia, là hình ảnh các ngôi chùa. Thí dụ các câu:
Xa xa thấp thoáng cô thôn
Sương lan mờ tỏ -- mõ dồn bước chân
Chuông chùa từng tiếng nhẹ ngân
Âm ba tan loãng lắng dần ưu tư. (KTĐ, câu 215-218)
Tiếng mõ trong thơ cho thấy là các tu sĩ trong ngôi chùa đang tụng kinh. Rồi tiếng chuông chùa nữa.
Hồn dân tộc ở đó, ngay trong các âm thanh đó. Giữa những xôn xao đời thường, giữa những ưu tư cay đắng, giữa những bôn ba chân đi không ngừng… có khi thoảng nghe tiếng chuông chùa là tức khắc “tan loãng lắng dần ưu tư”… Thần diệu như thế đấy, khi tiếng chuông chùa nhẹ ngân.
Nghĩa là, nhạc đệm trong thiên trường thi Truyện Thơ Nàng Kiều Thời Đại là những nỗi sầu khổ của người dân (nơi đây, các nhân vật chính mô phỏng theo Truyện Kiều) trong dòng sử dân tộc cuối thế kỷ 20 và đầu 21 – và thoảng khi tiếng chuông chùa lại ngân lên, như nhắc nhở tỉnh thức. Thí dụ, khi Thúy Kiều hẹn với chàng Đình Chương ra đi chơi ở Đồi Cù (một thắng cảnh được các cặp tình nhân ưa thích tại Đà Lạt – bối cảnh truyện thơ này lúc hẹn hò có thể đoán là vào cuối thập niên 1950s và đầu 1960s), cho thấy:
Thỏa tình ngày nhớ đêm mong
Hai người tâm sự nói không dứt lời
Thời gian chậm cũng dần trôi
Chiều nghiêng bóng xế, chuông hồi thu không
Giùng giằng bối rối trong lòng
Về còn luyến tiếc, ngồi không tiện ngồi
Rõ tình, Kiều nhẹ ngỏ lời
Hẹn nhau ngày tới đi chơ Đồi Cù
Chương nghe lời nói như ru
Nức lòng đứng dậy, kiếu từ chia tay. (KTĐ, câu 292-302)
Hiển nhiên, hình thức tín ngưỡng trong bối cảnh tân truyện phóng tác của cụ Mộc Đạc là Phật giáo dân gian.
Như khi Thúy Kiều sau buổi đi chơi Đồi Cù về, biếng ăn quên học (dĩ nhiên, đây là luật nhân quả, khi giới trẻ say tình là thế), nằm mơ thấy nàng Cẩm Dung hiện hồn về dẫn đi cùng khắp (pha lẫn tín ngưỡng dân gian), đi bụi đời rồi có lúc bị nát liễu dập hoa, có lúc liều thân buôn phấn bán hoa (nghiệp quá nặng, cho dù là trong mộng bị nàng Cẩm Dung dẫn đi), thế rồi cửa thiền xuống tóc quy y một lần (dân mình cứ nghĩ là buồn mới cạo đầu đi tu, than ôi là niềm tin dân gian), khi tỉnh mộng cũng thấy kinh hoàng, qua các dòng thơ:
Nào khi mơ thấy Cẩm Dung
Hiện hồn về dẫn đi cùng khắp nơi
Gian truân vất vả rã rời
Lúc thì nát liễu lúc thời dập hoa
Lênh đênh cuộc sống không nhà
Thường khi tửu quán phòng trà gửi thân
Nguy nan khốn khổ bao lần
Nhiều phen quẫn trí chẳng cần đời hoa
Quyết tìm liều chết cho qua
Kiếp người buôn phấn bán hoa tiếc gì
Cũng khi trong bước lưu ly
Cửa thiền xuống tóc qui y một lần
Cũng khi nhẹ bước phong trần
Làm thân thứ thiếp nhẹ thân tôi đòi
Cũng khi vương miện lên ngôi
Quyền uy tột đỉnh, lại rồi hóa không (KTĐ, câu 359-374)
Thế rồi trong hoàn cảnh riêng cũng đóng khung trong hoàn cảnh chung của dất nước, khi lòng người dân ra sức bảo vệ chánh pháp trong thời 1963 đầy sóng gió:
Chính quyền rất lấy làm đau
Thẳng tay đàn áp kể đâu nhân quyền
Đình chùa cho đến miếu đền
Tự do lục soát, tôn nghiêm chẳng từ
Mở đầu là các vị Sư
Tự thiêu phản đối, sức như hải triều
Chính quyền bối rối liêu siêu
Đường cùng làm bậy bao điều dã man
Nhân dân điêu đứng vô vàn
Sinh linh đồ thán, tiếng than dậy trời (KTĐ, câu 893-902)
Và rồi, truyện thơ phóng tác của nhà thơ Mộc Đạc, vừa mô phỏng theo nội dung Truyện Kiều, vừa đưa vào dòng chảy lịch sử hiện đại… cho thấy đời người lênh đênh giữa sóng gió quê nhà.
Làm thế nào một thi sĩ cao niên như thế, cụ Mộc Đạc mỗi năm làm đều đặn mấy tập thơ, và rồi phóng tác Truyện Kiều? Sức làm thơ như thế hiển nhiên là tuyệt vời. Mỗi lần gặp, tôi đều chắp tay chào nhà thơ tuổi lớn, tôn kính một bậc tiền bối, người làm thơ chỉ dể làm thơ, gọi là vui với chữ, vui thôi mà không bận tâm chuyện đời phức tạp.
Khi cụ Mộc Đạc trao tặng thi tập phóng tác trên, còn kèm thêm tập thơ nhỏ, có tên là Giã Biệt, có ghi dòng chữ viết tay là “Tự Tiễn” (nghĩa là, tự tiễn biệt).
Trích bài Giã Biệt vài câu để hiểu thêm:
… Sinh ký – Tử qui
Khi đến cõi đến thì
Cũng nhắm mắt xuôi tay di vào lòng đất tổ
Ta nhẫm tuổi đời – Trời thương Phật độ
Cho bước qua cái ngưỡng cổ lai hy
*
Sự đời rắc rối
Trăm mối lụy bi
Sinh hữu hạn – Tử bất kỳ
Gần chín mươi tuổi – chẳng luận bàn
Chuyện ở hay đí… (Giã Biệt, các câu 4-13)
Nhà thơ Mộc Đạc không ghi thông tin liên lạc trên các tập thơ. Tuy nhiên, đối với người yêu thơ muốn gặp, một hôm nào có dịp ghé vào khu nhà Mission del Amo trong vùng Little Saigon, nếu yêu cầu, sẽ được tôi trân trọng giới thiệu với nhà thơ cao niên tuyệt vời này. Là một hiện thân của Phật giáo dân gian, cụ vẫn đang đi đứng nằm ngồi, cũng y hệt như hàng chục triệu đồng bào tôi nơi quê nhà, vẫn đang vui buồn, đang cười nói, và đang làm thơ hàng ngày, trong khi bình tâm chờ ngày ra đi. Rất mực hy hữu tuyệt vời.