Sáng 23 tháng Chạp, tôi lồm cồm thức dậy khi chuông đồng hồ reo lên 5 giờ 30 phút, sau khi vệ sinh mặt mũi cho tỉnh táo, tôi mở tủ tìm cái áo khoác rồi xúng xính đi xuống phố vì Trời còn khá lạnh, Mẹ thức dậy từ rất sớm, ghi cho tôi một tờ giấy để tôi đi mua một số đồ cúng, hôm nay là ngày đưa ông Táo về Trời.
Tôi dẫn xe ra ngoài cổng mà trong lòng thấy rộn rã niềm vui, vốn dĩ tôi rất thích đi chợ Tết vì nhìn quang cảnh người mua, kẻ bán tấp nập, không khí nhộn nhịp, sắc màu tươi mới. Những ngày bước qua tháng Chạp luôn cho tôi một cảm xúc hân hoan, bồi hồi khó tả mà từ hồi còn nhỏ xíu, tôi đã thích thú đến tận bây giờ.
Xe tôi chạy đi chầm chậm qua những hàng quán, cửa tiệm tạp hóa, nay thì quán xá nào cũng đông, hai bên đường người ta bày bán đủ loại bánh kẹo, hoa trái, đặc biệt là kẹo thèo lèo, mứt chuột, một loại kẹo truyền thống từ đậu phộng, đường, mè đen…cắt thành từng đoạn nhỏ, bọc trong miếng giấy kiếng để người ta đem về cúng. Rồi thì bánh trôi nước người ta cho vào từng bịch, một bịch bốn viên để trên cái mâm như một tập tục lâu đời, cúng ông Công, ông Táo là phải có “thèo lèo, mứt chuột, bánh trôi nước”.
Tôi đi ngang qua những chỗ bán cá, hôm nay người ta bán nhiều cá chép vàng để mua về cho ông Táo cưỡi lên Trời mà tâu bẩm Ngọc Hoàng, ông Táo phải đi bằng cá chép mới đúng với giai thoại truyền thuyết “cá chép vượt vũ môn, hóa Rồng” là một trong những mong muốn thăng hoa, phát triển, mang lại đời sống ấm no trong gia đình người Việt. Ngày này, không thể thiếu hoa tươi mà hoa được chọn cúng trong ngày 23 đưa ông Táo, 25 Tảo mộ và những dịp Tết cổ truyền thường là hoa Vạn Thọ, hoa Cúc, Sống Đời. Dọc con đường tôi đi thì đâu đâu cũng bắt gặp những khóm hoa Vạn Thọ, người thì bán trong chậu nhỏ, người thì bứng gốc, để trên bàn cho người ta mua về cúng. Khu vực tôi ở, vườn tược, đất trống còn nhiều, vào dịp Tết, nhà vườn trồng Mai, Vạn Thọ, Màu gà, Hướng Dương…đủ loại, người ta bày bán ngay tại vườn cho khách đến tham quan lựa chọn, tầm ngày 15 âm lịch, các nhà vườn đã nhộn nhịp lặt lá mai, vô bầu đất, dọn dẹp cảnh quan để đón một năm mới mua may bán đắt.
Xe tôi ghé vào một cái tiệm tạp hóa nhỏ, tôi mua mớ giấy tiền vàng mã và đồ cúng ông Táo, mua bịch kẹo thèo lèo rồi tấp qua cái sạp kế bên để mua một ít trái cây, hoa Cúc, xong tôi lại rảo rảo một vòng lên chợ coi chỗ nào người ta bán chè trôi nước để mua, tôi thấy một cô bán chè với cái mâm đầy ắp những bịch chè nhìn vô cùng ngon lành bắt mắt, tôi ghé lại hỏi: “Chè này nhiêu bịch vậy Cô?”
Cô đáp nhanh nhảu: “20 ngàn nha con”, vậy là tôi mua một bịch chè trôi nước mang về, coi như đủ bộ để cúng đưa ông Táo.
Mua xong những món cần thiết, tôi chạy xe về nhà, trên đường đi về tôi tranh thủ ngắm nhìn phố xá, người đi đông keng, ai cũng hối hả, hôm nay là ngày đưa ông Táo lại là ngày cuối tuần nên người ta đi chợ thiệt nhiều, không khí tấp nập hơn mọi ngày. Mà ngày Tết thì gánh nặng trên vai người lao động lại càng nặng hơn, ai cũng lo miếng cơm manh áo, cũng mong kiếm được đồng ra đồng vào để lo cho gia đình, con cái cuối năm, tôi thì có cái tính hay quan sát, những hình ảnh người lao động lam lũ thường đập vào mắt tôi mỗi khi tôi đi đâu đó ngoài đường, ngày Tết đến là dịp để người ta nhìn thấy nỗi vất vả cần lao của người buôn gánh bán bưng, lao động chân tay hiện lên rõ nhất.
Xe tôi chạy chầm chậm về đến nhà, tôi đưa cho Mẹ mớ đồ cúng rồi phụ Mẹ bày mâm cúng kiếng ở chỗ gian bếp ngoài sau, nhớ hồi Ngoại còn sống, tôi thường nghe Ngoại kể câu chuyện truyền thuyết về ông Táo, lúc đó còn nhỏ nên tôi cứ sợ làm gì sai sẽ bị ông Táo về bẩm với Ngọc Hoàng, rồi trẻ con như tôi sẽ bị phạt, sẽ không được làm học sinh giỏi, không được ai khen thưởng, nên tôi phải ráng ngoan ngoãn để mỗi năm, tôi được ông Táo về Trời khen tặng.
Tôi và hai đứa em bắt đầu tháo những tấm màn cửa, những bình bông cũ kỹ lấm lem bụi bặm sau một năm đem đi giặt giũ. Bộ lư đồng trên bàn Thờ gia tiên được đem xuống để chuẩn bị chùi đánh lại cho bóng loáng, mỗi năm, tôi thích cảm giác được ngồi đánh bộ lư đồng, nghe mùi thuốc nồng nồng, thấy Tết về ngay ngoài khung cửa.
Sau khi phụ Mẹ cúng, tôi chuẩn bị áo quần rồi chạy xe đến một ngôi Chùa, thắp hương bái Phật và nguyện cầu những bình an cho gia đạo. Hôm nay người ta đến Chùa để chiêm bái lễ Phật cũng khá đông, những dãy cờ giăng từ đầu ngõ dẫn vào trước cổng Chùa trông thật rực rỡ sắc màu, Tết về trên Đất Phật thật an yên và hạnh phúc. Trong khuôn viên sân Chùa, những Phật tử từ tốn, chậm rãi đến khu vực tượng Phật Quan Âm và Phật A Di Đà thắp hương, dâng hoa và cầu nguyện. Những làn khói tỏa lan ấm áp làm cho không gian ở chốn Thiền môn trở nên tôn nghiêm, trầm mặc.
Tôi thắp nén hương và kính cẩn dâng lên đức Phật để tạ ơn bậc Chư Tôn đã phù hộ cho tôi có được sự bình an, hoan hỷ trong thân tâm khi tìm đến bến bờ của Phật, một năm để tôi giác ngộ được nhiều điều từ những hành động, lời nói, suy nghĩ của mình, để tôi có được sự yên bình giữa những thay đổi, biến động trong cuộc đời. Tôi cảm ơn cuộc đời vì mình vẫn còn phước duyên nhận thêm một tuổi, để mỗi sớm mai thức dậy, tôi thấy mình còn được ở bên cạnh gia đình, còn nhìn thấy người thân, còn cơ hội sửa những cái sai, hoàn thành những điều còn dang dở. Tôi cảm ơn giáo pháp của Đức Phật đã rèn giũa cho tôi trở thành một người không mưu cầu tham vọng, biết hài lòng với thực tại, không đố kỵ hơn thua với những người may mắn hơn mình. Tôi biết trân quý thời gian và dành nó để làm những điều tích cực cho mình thay vì ngồi đó để giẫy giụa trong vũng lầy của của sự nhỏ nhen, ích kỷ với những người may mắn.
Khuất sau một góc sân chùa tĩnh lặng, tôi ngồi đó nghe gió thổi mát rượi, nhìn sự hiền dịu của cây cỏ xung quanh, nghe tiếng chim hót trên những tầng cây cổ thụ quanh khuôn viên Chánh điện, tôi quan sát và cung kính chắp tay xá chào các Sư Thầy, tôi nhìn trong mắt các Thầy toát lên một vẻ điềm đạm an nhiên, tôi nghe tâm mình phẳng lặng như mặt hồ dù ngoài kia cuộc sống vẫn trôi nổi những hơn thua tham chấp.
Một năm trôi qua, tôi cảm thấy mình nhiều may mắn, may mắn bởi đã tháo bỏ được cái nặng trong tâm, bỏ được cái đố kỵ, toan tính, hẹp hòi, khi tháo bỏ được cái gánh nặng trầm kha, tiêu cực đó thì tự nhiên cuộc đời cũng dành cho mình nhiều điều hanh thông, thuận lợi.
Tôi không biết có phải do tâm linh hay là tôi có thần giao cách cảm mà cứ mỗi độ Xuân về, ngày Lễ Tết, giỗ quải là tôi lại nằm mơ thấy Ngoại, sáng nay cũng vậy, tôi cũng thấy Ngoại về căn dặn vài điều khi tôi đi mua sắm, tôi tin là dù người đã mất nhưng linh hồn vẫn còn đó, vẫn ở bên cạnh gia đình, phù hộ cho gia đình, con cháu. Vì vậy, khi đã hướng tâm mình đến Phật, người còn sống cũng phải sống sao cho phải đạo, biết tu tập, hồi hướng để người đã khuất được yên lòng.
Ngày 23 tháng Chạp, tôi không biết ông Táo sẽ về tâu bẩm với Ngọc Hoàng những nội dung gì, dù tôi đã bước qua tuổi 40 nhưng tôi vẫn tin vào truyền thuyết mà ngày xưa Ngoại tôi hay kể, bởi đó như một lời nhắc nhở cho mỗi người sống biết quán chiếu lại bản thân.
Rời Chùa, tôi cảm nhận một ngày an lạc, còn vài ngày nữa là một cái Tết cổ truyền lại đến với người dân trên đất nước Việt Nam, tôi cảm thấy một niềm vui tươi và hoan hỷ nhẹ nhàng trong tâm khảm, nghe hương Xuân đang về trên từng bậc cội Thiền, tôi ước nguyện và cầu mong một năm bình an đến với gia đình và bạn bè quyến thuộc, như một lời cảm ơn vì tôi còn phước hạnh để Xuân năm nay, tôi vẫn còn có mặt trong cuộc đời này!
Phật tử: Võ Đào Phương Trâm
(Pháp danh An Tường Anh)