Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Niêm Hoa Vi Tiếu: mùa xuân trong Kinh Pali

05/01/202318:39(Xem: 2524)
Niêm Hoa Vi Tiếu: mùa xuân trong Kinh Pali


niem hoa vi tieu

Niêm Hoa Vi Tiếu:

mùa xuân trong Kinh Pali

 

Nguyên Giác

 

Bài viết này sẽ đối chiếu câu chuyện Niêm Hoa Vi Tiếu trong Thiền Tông với một số Kinh trong Tạng Pali, để thấy Thiền Tông là cô đọng của nhiều lời dạy cốt tủy của Đức Phật.

 

Tích Niêm Hoa Vi Tiếu kể rằng một hôm trên núi Linh Thứu, Đức Thế Tôn lặng lẽ đưa lên một cành hoa. Đại chúng ngơ ngác không hiểu, duy ngài Ma Ha Ca Diếp mỉm cười. Đức Phật nói: “Ta có Chánh pháp vô thượng, Niết bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng, pháp môn vi diệu, bất lập văn tự, truyền ngoài giáo pháp, nay trao cho Ca Diếp.” Tích này không được ghi trong các Kinh Phật thuộc Tạng Pali và Tạng A Hàm, có thể vì vài thế kỷ sau mới có văn tự để viết và lúc đó không ai còn nhớ, và cũng có thể quý ngài đời sau nghĩ ra tích này để giải thích một số điểm cốt tủy trong Phật pháp và cũng để làm chỗ y cứ cho Thiền Tông.

 

Trong câu vừa dẫn, Niết bàn là giải thoát, là khi tâm đã lìa tham sân si, cũng có nghĩa là ngoài tâm sẽ không có Niết bàn. Niết bàn còn có nghĩa là tắt ngọn lửa của phiền não, của đau khổ, của tái sinh. Khi lửa tắt, không ai nói được là lửa về đâu, nghĩa là trong tâm của người giải thoát sẽ vắng bặt cái chấp về không gian và thời gian. Bậc giải thoát nhìn thấy thật tướng của tất cả các pháp chính là vô tướng, nghĩa là trong khi đang đi đứng nằm ngồi trong cõi này, người giải thoát vẫn thấy trong thật tướng không có núi non sông hồ, không có người và cũng không có ta, không có xanh đỏ trắng vàng, không có vuông tròn, không hôm qua, không ngày mai, không hôm nay. Rất nhiều Kinh Phật mở đầu bằng câu “mắt là vô thường, cái được thấy là vô thường, tai là vô thường, cái được nghe là vô thường… [tương tự] cái được thấy là vô ngã, cái được nghe là vô ngã…” Trong dòng vô thường chảy xiết, không có cái gì gọi được là cái gì. Do vậy, mới gọi là vô tướng. Đức Phật cũng thường dẫn ra tiếng đàn để chỉ pháp ấn vô thường, vô ngã (nơi đó, Thiền Tông nói tâm ba thời đều bất khả đắc, dù là tâm quá khứ đã nghe, tâm hiện tại đang nghe và tâm vị lai chưa nghe… ). Có nhiều Kinh, Đức Phật nói các pháp hữu vi như bọt sóng, như mộng, như huyễn, như sương, như chớp… là để chỉ thật tướng vô tướng. Niết bàn diệu tâm còn được Đức Phật gọi là tâm giải thoát bất động. Trong Kinh Trung Bộ MN 30, Đức Phật nói: “Và này Bà-la-môn, tâm giải thoát bất động chính là mục đích của phạm hạnh này, là lõi cây của phạm hạnh, là mục tiêu cuối cùng của phạm hạnh.” (1) Chính tâm giải thoát bất động đó, được Thiền Tông gọi là Niết bàn Diệu tâm.

 

Tại sao nói rằng pháp môn vi diệu này không dùng tới văn tự chữ nghĩa? Bởi vì đây là pháp đốn ngộ, mọi chuyện khác đều dựa vào văn tự chữ nghĩa (biểu tượng, còn gọi là ngón tay chỉ trăng). Ngay khi thấy hoa hiển lộ trước mắt, khoảnh khắc đó là tâm lìa tham sân si; nếu tâm còn dính tới văn tự chữ nghĩa, còn gọi phân biệt suy lường thì cái nhìn đó không còn là cái được thấy mà chỉ còn là cái được vin vào ngón tay, cái được vin vào chữ nghĩa hình ảnh trong tâm. Ngài Nam Tuyền nói khi xa lìa cái đốn ngộ hiện tiền chính là rơi vào cái học của chữ nghĩa hình ảnh gọi là “cướp qua rồi mới trương cung.” Cái thấy của giải thoát là tức khắc, không lưu chữ nghĩa hình ảnh nào trong tâm, vỉ thấy các pháp tự rỗng rang vô tướng trong dòng vô thường và vô ngã. Tương tự, khi nghe một ca khúc, hay nghe một con chim hót, hễ còn “văn tự chữ nghĩa suy lường” thì cái nghe đó đã bị chệch hướng, trở thành cái suy nghĩ về cái nghe, và là mất cái hiện tiền. Người đốn ngộ là người sống với thực tướng vô tướng, và là giải thoát ngay trong hiện tại. Vì là pháp không dựa vào văn tự chữ nghĩa, nên còn gọi là truyền ngoài giáo điển.

 

Trong Kinh Tạng Pali, Đức Phật nói đó là “chứng ngộ ngay trong hiện tại” và người có trí sẽ chứng ngộ mà không cần mất tới bảy năm hay bảy tháng, hay bảy ngày…. Trong Trường Bộ Kinh DN 25, Kinh Ưu-đàm-bà-la sư tử hống, bản dịch của Hòa Thượng Thích Minh Châu, trích lời Đức Phật nói với du sĩ Nigrodha: “Vị ấy cần có bảy năm. Này Nigrodha, đâu cần phải bảy năm! Nếu vị ấy thực hành đúng như điều đã dạy, vị ấy sẽ tự biết mình và chứng ngộ ngay trong hiện tại phạm hạnh và mục tiêu vô thượng mà vì lý tưởng này các Thiện nam tử từ bỏ gia đình, xuất gia tu đạo, chỉ cần có sáu năm, năm năm, bốn năm, ba năm, hai năm, một năm … chỉ cần bảy tháng, một tháng, nửa tháng. Này Nigrodha, đâu cần có nửa tháng! Người có trí hãy đến đây, trung thực, không lừa đảo, chơn trực, Ta sẽ huấn dạy, Ta sẽ thuyết pháp. Nếu vị ấy thực hành đúng như điều đã dạy, vị ấy sẽ tự biết mình và chứng ngộ ngay trong hiện tại, phạm hạnh và mục tiêu vô thượng, mà vì lý tưởng này các thiện nam tử từ bỏ gia đình, xuất gia tu đạo, vị ấy chỉ cần có bảy ngày.” (2)

 

Tới đây, câu hỏi là, làm thế nào chứng ngộ trong hiện tại? Đức Phật trong Kinh Tương Ưng SN 35.147 nói rằng con đường thích ứng với Niết bàn là thấy vô thường thường trực nơi mắt, nơi cái được thấy, nơi cái biết về các được thấy… nơi tai, nơi cái được nghe, nơi cái biết về cái được nghe… nơi sáu căn đều thấy vô thường như thế. Nghĩa là, tất cả những cái được thấy đều như phim ảnh trước mắt, tất cả những cái được nghe đều như tiếng đàn do duyên hình thành bên tai rồi tan biến như chẳng về đâu. Kinh SN 35.147, bản dịch của Thầy Minh Châu như sau:

 

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường thích ứng với Niết-bàn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thấy mắt là vô thường, thấy các sắc là vô thường, thấy nhãn thức là vô thường, thấy nhãn xúc là vô thường. Phàm duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy là vô thường… tai… mũi…  lưỡi… thân… thấy ý là vô thường, thấy các pháp là vô thường, thấy ý thức là vô thường, thấy ý xúc là vô thường. Phàm duyên ý xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy là vô thường. Và này các Tỷ-kheo, đây là con đường thích ứng với Niết-bàn.” (3)

 

Tương tự, trong Kinh SN 35.149, y hệt Kinh SN 35.147 đã trích trên, chỉ thay chữ “vô thường” bằng chữ “vô ngã” cho toàn bộ Kinh. Tức là, thường trực cảm thọ trận gió vô thường lưu chảy xiết, nhưng vẫn hiển lộ sáng tỏ Niết bàn diệu tâm, nơi các đoạn trên Đức Phật gọi là tâm giải thoát bất động, nơi Thiền Tông còn gọi là Thấy Tánh, còn gọi là Vô Vị Chân Nhân (người thật, không nơi chốn, không vị trí thứ bậc…). Lâm Tế Lục viết rằng con quỷ vô thường từng khoảnh khắc, từng sát na đang sát hại tất cả chúng ta không phân biệt già trẻ, sang, hèn. Nhưng cái thấy tâm giải thoát bất động đó chính là cái bật sáng của tỉnh thức, nơi đó chính là vô sự (không thấy việc gì để làm), vô cầu (không thấy có gì để tìm cầu), nơi đây không thấy cái gì là “tôi với của tôi” và cũng không thấy gì gọi là ta hay người. Trong cái thấy vô thường, vô ngã đó chính là cái tỉnh thức hiển lộ của tâm giải thoát bất động, theo Lâm Tế Lục chính là Ba Thân Phật hiển lộ trong từng sát na: niệm thanh tịnh là Pháp Thân, không phân biệt là Báo Thân, không sai biệt là Hóa Thân. Trong cảm thọ vô thường chảy xiết không có niệm lành dữ, không có niệm phân biệt và tất cả bình đẳng trong rỗng rang vô tướng.

 

Trong Thiền sử cũng kể về lời một bà cụ hỏi ngài Đức Sơn: “Kinh Kim Cang nói quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc, xin hỏi Thượng tọa điểm tâm nào?” Dò lại, chúng ta sẽ thấy Đức Phật trong Kinh Tạng Pali nhiều lần nói rằng, đó là cách vượt qua dòng nước lũ [già, chết]: tâm giải thoát bất động [dẫn trên] vốn lìa cả ba thời quá-hiện-vị lai, vì hễ vấn vương quá khứ là lùi lại, hễ mộng tưởng tương lai là bước tới, và hễ dính vào hiện tại [sắc thanh hương vị xúc pháp] là đứng lại giữa dòng, cả ba tâm đều giữ chúng ta trong ba cõi. Thái độ phải là vô sự khi tỉnh thức, nhận ra và cảm thọ vô thường, vô ngã, thấy thực tướng các pháp đều rỗng rang vô tướng. Ngay nơi đó, Đức Phật nhiều lần gọi là chứng ngộ ngay trong hiện tại mà không cần gì tới bảy năm hay bảy ngày. Ngay khi mây được nhìn thấy tụ rồi tan, ngay khi tiếng đàn được nghe rồi tan biến, và tâm vẫn tỉnh thức, tịch lặng với cảm thọ về vô thường và vô ngã, và không còn tâm nào chạy theo lành/dữ, ưa/ghét thì tâm đó đã là lìa tham sân si. Và đó là giải thoát ngay trong hiện tại.

 

GHI CHÚ (các bản dịch của Thầy Minh Châu):

(1) Kinh MN 30: https://suttacentral.net/mn30/vi/minh_chau

(2) Kinh DN 25: https://suttacentral.net/dn25/vi/minh_chau

(3) Kinh SN 35.147: https://suttacentral.net/sn35.147/vi/minh_chau

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/02/2020(Xem: 11906)
Nhị thập song đôi (2020) Canh Tý Niên Mừng Xuân, Quảng Đức ngát thiền "Tâm an" thủ bút Thầy ghi tặng Chúc nguyện nhà nhà hưởng phước thiên.
05/02/2020(Xem: 3346)
Mừng Xuân Canh Tý 2020 Kính dâng nhị vị Thượng Tọa cùng quý Phật tử Tu Viện Quảng Đức Canh Tý Xuân Về thắp nén hương Cùng nhau kính lễ khắp mười phương Già Lam Quảng Đức vui nghênh tiếp Lan tỏa đạo tình nét thiện lương. Texas Xuân Canh Tý 2020 Tánh Thiện
05/02/2020(Xem: 8312)
Tháp Hòa Bình (Santi Stùpa) tọa lạc tại số 1180 Roberts Avenue, thành phố San Jose được thành lập vào năm 2017, là nơi quý Phật tử đến học giáo pháp và thực tập hành thiền tứ niệm xứ dưới sự dẫn dắt của Hòa thượng Thiền sư Kim Triệu cùng chư Tăng Phật giáo Nam Tông đến từ khắp nơi trên thế giới.
05/02/2020(Xem: 10524)
NẮNG XUÂN Khúc khích nắng vỡ ngoài hiên Sương long lanh ủ giọt viên mãn mình Khói sông vươn thở lặng thinh Nhìn hoa cỏ dậy gội bình minh xuân Như Thị MẦM XUÂN Tiễn Kỷ Hợi ngồi lặng thinh Yên nhìn Mai níu bình minh xuống thềm Lắng lòng neo cõi hành thâm Mà nghe tiếng nụ nứt mầm chào nhau Như Thị
05/02/2020(Xem: 6284)
Mới mùng 1... 2... 3 tết… Thoáng cái đã là mùng 10 tháng giêng… Trong mỗi khoảnh khắc cứ vùn vụt trôi qua... Trôi nhanh cho từng kiếp con người… Sự thật cảm nhận niềm vui thì ít, ngậm ngùi thì nhiều… Năm nay tết Canh Tý đến với tất cả chúng ta, người dân việt nam phập phồng, lo sợ đại nạn dịch cúm xảy ra toàn cầu. Nụ cười dường như tắt hẳn trong mỗi khi chúng ta gặp nhau bởi ai cũng đeo khẩu trang phòng chống đại dịch… Còn lại đôi mắt thì cũng toát lên vô vàn sợ sệt mỗi khi tiếp xúc với đám đông người lạ…
04/02/2020(Xem: 4358)
Trung tâm tu học Phổ Trí tọa lạc tại số 7233 Pleasants Valley Road, thành phố Vacaville, tiểu bang California, Hoa Kỳ. Trung tâm tọa lạc trên khu đất yên tĩnh, rộng 5 mẫu Anh. Trung tâm đã tổ chức trọng thể lễ An vị Phật vào ngày 08/7/2012. Vào ngày 02/02/2020, nhằm ngày mùng 9 tháng giêng năm Canh Tý, Trung tâm đã tổ chức Lễ cầu an đầu năm. Thượng tọa Thích Từ Lực, viện chủ chùa Phổ Từ, thành phố Hayward đến Chứng minh buổi lễ và chia sẻ pháp thoại. Tham dự lễ có chư vị Tăng Ni: Đại đức Thích Nhuận Trí, Sư cô Thích Nữ Chơn Hỷ (Tu viện Kim Sơn); quý Sư cô ở Trung tâm tu học Phổ Trí: Thích Nữ Phổ Tường, Thích Nữ Tịnh Minh và Thích Nữ Nhi Liên; cùng đông đảo Phật tử, Huynh trưởng Gia đình Phật tử từ nhiều thành phố ở miền Bắc California, đặc biệt là quý Phật tử trong Ban hộ trì Tam Bảo: Hoàng Văn Tony (Pháp danh: Minh Vương), Võ Văn Lợi (PD: Minh Lộc), Trần Văn Nam (PD: Pháp Trí), Trần Đình Trang (PD: Trí Nghiêm), Lê Ngọc Đức (PD: Quảng Đạo), Nguyễn Văn Thương (PD: Quảng Tâm
03/02/2020(Xem: 8500)
Vào chiều ngày 01/02/2020, nhằm ngày mùng 8 tháng giêng năm Canh Tý, Ấn Tôn thiền đường tọa lạc tại số 4198 Gion Avenue, thành phố San Jose, tiểu bang California đã tổ chức Đàn tràng Dược Sư đầu xuân Canh Tý nguyện cầu Quốc thái dân an, dịch bệnh tiêu trừ. Hòa thượng Thích Trí Thành (chùa Pháp Vân, Canada) quang lâm Chứng minh và Chủ sám Đàn tràng. Tham dự buổi lễ có chư Tôn đức Tăng Ni: Hòa thượng Thích Định Quang (chùa Liễu Quán, San Jose), Thượng tọa Thích Giải Minh (chùa Nhật Quang, Sacramento), cùng quý Thầy: Thích Pháp Quang (chùa Từ Đàm, VN), Thích Pháp Trí (chùa Tiên Quang, Tracy), Thích Ngộ Thông (chùa Liễu Quán, San Jose, Thích Pháp Hạnh và Thích Quảng Ân (Ấn Tôn thiền đường), Sư cô Thích Nữ Thiện Ý (Việt Nam); cùng đông đảo Phật tử đến từ nhiều thành phố ở miền Bắc California.
01/02/2020(Xem: 3899)
Cung nghênh Canh Tý tiễn Kỷ Hợi Chúc đến năm châu khắp mọi miền Tân niên khai trí dứt não phiền Xuân về thái bình hoa đua nở An lạc xin chúc thân tâm trụ Vui trong hỷ xả bỏ hận thù Hạnh nguyện từ bi nhắc nhở tu Phúc đức vun trồng như chư Phật Thế gian muốn đẹp ngừng xả rác Giới ác xưa phạm bớt từ nay Một điều nhường nhịn hổ thẹn ai Nhà nhà hòa thuận đây Tịnh độ Xin hãy đối nhau tâm rộng mở Cùng lời ái ngữ chớ tổn thương Xây dựng Cực Lạc cõi chân thường Đắp bồi bờ Giác ngăn ác đạo.
01/02/2020(Xem: 4039)
Sáng sớm trời xanh mai đào nở, chạnh lòng bỗng nhớ là vàng rơi
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]