Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tết quê

20/12/202205:51(Xem: 1622)
Tết quê


cho tet

Tết quê
Võ Đào Phương Trâm


Tháng Chạp bước qua, những cánh gió cuối đông bật cong cửa liếp, khoảng sân bắt đầu lác đác những chòm sương lạnh, phủ lay lắt trên nhành cây bờ đất, dưới cội mai già.

Mới đó mà tháng Tết đã nhen nhúm vào tận mép cửa, sát bên chân, nhớ mới bữa nào Loan còn ngồi đếm lịch từng tờ rồi nói “Còn một tháng nữa là qua tháng Chạp”, vậy mà giờ ngót nghét đã sắp đến ngày Rằm.

Cứ mỗi độ 15 âm lịch, Loan với thằng Khoa lại nhận nhiệm vụ lặt lá cho cây mai vàng trồng cạnh hiên nhà, nghe Ngoại kể, cây mai này có từ lâu lắm, Ngoại trồng từ hồi Loan còn trong bụng Mẹ, qua nhiều năm, cội rễ bao bọc một bộ áo sần sùi, nhánh cây phủ cả khoảng sân rộng, mỗi năm, đến ngày Rằm tháng Chạp, hai chị em Loan lại tranh nhau lặt lá, rồi chờ những chiếc nụ li ti bung những lớp vẩy nâu, đậu từng chùm xanh non mươn mướt, đẹp mê mẩn lòng người.

Tết trong tâm tưởng người Việt Nam thì không quên ngày Tảo mộ, buổi sáng còn mờ hơi đất ngày 25 tháng Chạp, Ngoại và Tía Má thức dậy thật sớm để đi chợ mua đồ về cúng, người miền Nam còn hay gọi là đi “dẫy mả” tức là dọn dẹp, sửa sang lại mộ phần cho người đã khuất được tinh tươm. Từ sáng sớm, Ngoại đã chuẩn bị sẵn mâm cúng trái cây, rồi thắp hương khấn vái xin Ông Bà cho gia đình con cháu được phép động vào mồ mả để sửa sang dọn dẹp. Những làn khói nhang trầm toả lên lãng đãng giữa khoảng không tinh sương, gợi trong lòng người còn sống những tình thương, hồi tưởng khi nghĩ về người đã mất.

- Ngoài sau có mấy bụi chuối hột, coi vài bữa nữa ra cắt lá nghen tư.

- Dạ, để vài bữa con ra cắt lá.


Ngoại ngồi trên bộ phản gỗ phía trước gian nhà, vừa bỏm bẻm nhai trầu, vừa nhắc Tía nhớ ra cắt lá chuối để gói bánh tét, bánh chưng ngày tết. Bánh của Tía gói chặt tay, lại có màu xanh lá chuối nên ai ăn qua cũng tấm tắc khen ngon.

Cách con đường đất nhỏ giữa cánh đồng lúa xanh đang mùa ngậm sữa là vườn bông ươm ngày tết của chú Năm với đủ loại vạn thọ, màu gà, ớt kiểng, hướng dương...đang trở mình bung những đọt xanh non. Hồi còn nhỏ, Loan hay qua nhà hàng xóm để coi mấy cô chú gieo trồng, nhìn bông nở đầy vườn mà mê quá đỗi.

- Năm nay bông nhà mình trổ kịp không Tía?

- Trổ thì chắc kịp, chỉ mong ông trời đừng đổ trận mưa.


Tía thích cây kiểng nên phía trước hiên nhà, Tía trồng mấy chậu mai vàng với mấy khóm bông thược dược, cứ khoảng tháng 10 âm lịch là Tía gieo hạt, vô bầu đất, khi cây lên lá thì chuyển sang chậu nhỏ, đến ngày giáp Tết, cây chuẩn bị trổ bông thì Tía đem bày trí trước cửa nhà cho rực rỡ.

Hôm nay 29 Tết, Tía chở Má ra chợ mua thêm ít thanh long, lạp xưởng, chợ Tết trong mùa dịch bệnh cũng thưa người, không đông như mấy bận Tết xưa.

Trong ngăn bếp đã có vài hũ củ kiệu, dưa hành, dưa cải...mấy hôm trước Ngoại và Má đã mua về làm sẵn, Ngoại và Má giỏi làm nên dưa kiệu trắng giòn, ăn với tôm khô là ngon hết sẩy, rồi món dưa giá chấm với thịt kho tàu, khổ qua nhồi thịt, gà luộc trộn lá chanh, năm nào cũng phải có mới ra hương vị Tết cổ truyền Nam bộ.

Tết ở được đâu mấy bữa mà ai cũng nôn nao, dường như bao nhiêu cái tất bật, bao nhiêu món ngon vật lạ của một năm đều được ấp ủ, cất giấu cũng nhằm ngày Tết mà bày ra làm cho hết, nhớ những hôm cả nhà thức đến tận 1,2 giờ sáng để làm đủ loại mứt từ cây trái trong nhà, nào là mứt dừa, mứt chuối, mứt xoài, người thì xắt gọt, người thì sên cho mứt chín, Loan và thằng Khoa thì ngồi bọc mứt thành từng viên, ai cũng rôm rả nói cười vì một năm có được mấy ngày mà dân nhà quê ngủ trễ, hai đứa nhỏ mệt lừ, tay mỏi như sắp rụng, muốn trốn vô buồng đi ngủ nhưng ham vui cũng ráng thức thiệt khuya.


Sáng 29 Tết, Tía dựng cái bếp nhỏ ngoài sân bằng mấy viên gạch cũ rồi đặt sẵn cái nồi cỡ lớn, đến chiều, mọi người cùng nhau xúm xít trên tấm chiếu bông rồi cùng nhau gói bánh, những cái bánh tét xanh um, đẹp đẽ xếp chồng, Ngoại vừa ngồi đổ đậu, vừa chậm rãi kể cho con cháu nghe những ngày tết cũ, cái không khí Tết đậm chất cổ truyền dường như chỉ tìm được ở những miền nông thôn ít phần văn minh hiện đại bởi ở đó từng gia đình vẫn còn giữ thói quen tự tay gieo trồng, tự tay làm những món ăn ngày Tết, còn ở thị thành thì hương vị Tết chỉ được tìm mua ở những kệ hàng bán sẵn bởi người thành thị đâu có đủ thời giờ, càng về cuối năm, người ta càng tất bật với hàng mớ công việc nơi những tòa tháp cao tầng hay những văn phòng kín cổng.

Tía bỏ nhúm vỏ cam, vỏ bưởi phơi khô vô trong bếp lửa, giữa bóng tối nhá nhem, những đóm lửa đỏ hồng bốc ra từ cái bếp gạch dã chiến, mùi khói thơm nồng, nghe ấm cả màn đêm tĩnh mịch.

- Tết năm nay ai ở nhà nấy, coi bộ vắng chiến hữu nghen.

- Năm nay nhà mình tự bày mâm tự nhậu Tía ơi.


Tía loay hoay bên bếp lửa hồng, chép miệng nói vui với hai đứa nhỏ chứ trong bụng cũng bùi ngùi vì Tết nay ít ai ghé thăm ai bởi dịch bệnh đã đặt chân về tận làng quê thanh bình vắng vẻ.


Những năm hai chị em Loan còn nhỏ, đêm giao thừa là cả nhà quây quần coi hát Táo quân, sáng mùng hai, Tía lại đèo hai chị em trên chiếc xe máy cũ chở lên thị xã để coi người ta diễn tạp kỹ. Năm nay Tết đến, Loan không quần áo lụa là, không môi son má phấn đi với mấy đứa bạn chụp hình, thằng Khoa cũng tạm gác lại thói quen của những đứa văn minh hay tụ tập đi chơi, chợ búa cũng vắng hơn, con đường đất nhỏ phía trước nhà ít người qua lại. Bàn trà rượu, bánh mứt đủ đầy mà thiếu chiến hữu tâm giao, thiếu những tiếng râm ran lẫn những câu đờn ca tài tử.

Bếp lửa hồng ngoài sân đã cháy mạnh trong cánh gió đêm, Loan bỏ vài củ khoai lang đào được ngoài đồng vào bếp than đỏ rực. Mùi khoai lang nướng bốc ra thơm nồng lẫn trong mùi khói bếp, nghe ấm lòng cả đêm xuân lạnh.


Trong gian nhà gỗ, Má đang treo lại cái rèm, Ngoại đã thay bộ đồ trang trọng tinh tươm, chậm rãi xếp lại bình bông. Bàn thờ Tổ tiên đã được phủ lên một tấm vải Điều đỏ rực, Tía bưng cái bàn nhỏ ra phía trước sân nhà, chuẩn bị đến giao thừa thì bày mâm ra cúng. Trên cái bàn gỗ phía trong gian nhà chính, Loan đã pha sẵn bình trà sen nóng hổi để năm mới gia đình luôn được ấm cúng, đủ đầy. Ngoài sân, cái bếp dã chiến đang ửng đỏ than hồng, lóc róc tiếng nước sôi. Hai đứa nhỏ loay hoay bóc mấy củ khoai lang thơm lừng nóng hổi từ đống than cháy dở, rôm rả nói cười, quên cả màn đêm tĩnh mịch.

Càng về khuya, sương càng xuống lạnh, bếp than hồng thỉnh thoảng lại bay những tia lửa nhỏ li ti. Đêm giao thừa, bỗng thương những người vắng bóng!


 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
21/01/2014(Xem: 6187)
Nghe nói mùa xuân sắp đến rồi Bên vườn hoa bướm mới lên ngôi Am tranh thêm rộn đời cô lữ Nhà sư vướng lụy ngắm dòng trôi
17/01/2014(Xem: 7498)
Thành Ba-La-Nại thuở xưa Ở miền bắc Ấn có vua trị vì Quốc vương nhiều ngựa kể chi Nhưng riêng một ngựa kia thì tuyệt luân Ngựa nòi, giống tốt vô ngần Lớn to, mạnh mẽ thêm phần thông minh Ngựa từ nhỏ đã khôn lanh Chưa cần nghe lệnh sai mình tới lui Đoán ra ý đó ngay rồi Quốc vương khen ngợi: "Ngựa nòi thông minh!" Ngựa nòi nổi tiếng trong kinh
17/01/2014(Xem: 6192)
Ở bên Ấn Độ thời xưa Trong vương quốc nọ gió mưa thuận hoà Ngựa vua quý báu, kiêu sa Mỗi khi tắm táp hay ra phía ngoài Nơi dòng sông chảy khoan thai Có vùng nước cạn các nài thường quen Thường mang ngựa tắm nhiều phen
15/01/2014(Xem: 7993)
Cảm xúc cuối năm... Tuyết lưu luyến mùa Đông chưa rời bước, Cho cành Mai chớm nụ rước mùa Xuân, Để lòng tôi được xao xuyến , bâng khuâng, Cùng kỷ niệm những ngày Xuân quá khứ .
15/01/2014(Xem: 6192)
Không phải ngẫu nhiên mà người phương Tây có nhận xét: “Người Việt Nam coi trọng người chết hơn người sống”. Cứ nhìn vào những kỳ lễ lạt, cúng kính tất sẽ thấy được về mặt nào đó nhận xét trên không phải là không có lý do xác đáng. Tưởng nhớ đến người đã nằm xuống là nghĩ về nguồn cội,
14/01/2014(Xem: 14123)
Xuân đã về trên cánh Mai vàng Sắc Xuân tươi thắm đẹp Trần gian Trăm hoa đua nở càng lộng lẫy Nhân thế đón Xuân rộn tâm can
13/01/2014(Xem: 11161)
Hằng năm, cứ vào độ Xuân về Tết đến, tôi cố gắng viết một bài để đóng góp vào số Báo Xuân Viên Giác và Website chùa Viên Giác; Cũng là dịp để mong được gặp gỡ quý Độc giả, quý Văn Thi hữu trên Văn Đàn và xin gởi trao những lời Chúc Mừng Năm Mới thân thương nhứt.
13/01/2014(Xem: 6734)
Trong số những con ngựa nổi tiếng thời cổ đại, đầu tiên phải nhắc đến Ngựa Xích Thố thời Tam Quốc. Con ngựa này dài một trượng, cao tám thước, màu đỏ rực như lửa, tuyệt không có một sợi lông tạp, ngày đi ngàn dặm, trèo non vượt suối dễ dàng.
13/01/2014(Xem: 10107)
Hình tượng con ngựa hiện diện từ sớm trong văn hóa Đông-Tây, con ngựa là một trong những loài vật được con người thuần hóa và sử dụng trong đời sống hàng ngày và loài vật gắn liền với chiến tranh. Hình ảnh con ngựa còn là chủ đề cho các môn nghệ thuật như hội họa, điêu khắc, thơ văn... Đối với văn hóa phương Tây, ngựa gắn liền với nhiều biểu tượng thần thoại và gắn liền với hình ảnh Nhân Mã trong 12 Cung Hoàng đạo.
13/01/2014(Xem: 7443)
Một cây cầu có thể đưa hết tất cả người, súc vật, hàng hóa đi qua trên đó. Đưa qua hết thảy, không kể sang hèn quí tiện. Cái chính là có đưa qua hết - tất cánh độ khứ - được hay không? Nếu không qua lọt, hoặc đi qua một cách khó khăn thì đích thị là cầu khỉ rồi. Hoặc đôi khi người qua rồi, bóng còn kẹt lại bên cầu.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]