Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Từ, Bi, Hỷ, Xả Trong Kinh Pháp Cú

22/01/202009:46(Xem: 3867)
Từ, Bi, Hỷ, Xả Trong Kinh Pháp Cú

Phat_Di_Lac_2

TỪ, BI, HỶ, XẢ
trong KINH PHÁP CÚ

 

     Trong Kinh Pháp Cú (Dhammapada) Đức Phật khuyên dạy chúng sinh hãy chăm tu tập “Tứ Vô Lượng Tâm”, tức là “bốn món tâm rộng lớn không lường được”, đó là các tâm “Từ, Bi, Hỷ, Xả”. Phật dạy hãy mở rộng bốn tâm này, không hạn chế, cho tất cả các loài hữu tình ở khắp bốn phương. Đây là những đặc tính giúp con người trở nên tốt đẹp, hoàn thiện, là lối sống của bậc thánh.

     Đạo Phật thường được gọi là đạo từ bi, đạo cứu khổ. Ở đâu có Đạo Phật, ở đó có tình thương. Phương châm tu tập của Phật Giáo là từ, bi, hỷ, xả. Người Phật tử lấy từ, bi, hỷ, xả làm nền tảng cho sự phát triển thánh hạnh; tâm từ bi được coi là tâm Phật. Tâm “Từ” là khả năng hiến tặng niềm vui cho tha nhân, cho người khác. Tâm “Bi” là khả năng làm vơi đi nỗi khổ đang có mặt. Tâm “Hỷ” là niềm vui, lòng thanh thản do từ bi đem tới. Tâm “Xả” là thư thái nhẹ nhàng, tự do, không kỳ thị. Bốn món tâm rộng lớn không lường được nói trên nếu của Phật và các vị Bồ tát thời được xưng là “Đại từ, Đại bi, Đại hỷ, Đại xả”.                                                                

 

TÂM TỪ

 

     “Từ” là lòng lành giúp ích cho người, lòng thương yêu, thường đem vui cho tất cả chúng sinh. “Tâm từ” là cái gì làm cho lòng êm dịu, là lòng mong ước cho tất cả chúng sinh đều được an lành vui vẻ, lòng chân thành của người bạn hiền muốn cho bằng hữu mình được an vui hạnh phúc. Ngược lại với tâm từ là lòng “sân hận”.

     Tâm từ không phải là sự yêu thương thiên về xác thịt, về tình dục, cũng không phải là lòng trìu mến vị kỷ, lòng luyến ái đối với người nào. Tâm từ không phân biệt kẻ thân người sơ, không dành riêng cho tình đồng chí, đồng chủng, cũng không dành riêng cho tình đồng hương hay đồng đạo. Hơn nữa tâm từ không phải chỉ nên có giữa người và người mà phải bao trùm tất cả chúng sinh, bởi vì, loài cầm thú cũng cần đến sự giúp đỡ và tình thương.

     Nói tóm lại, tâm từ bao la, rộng rãi, trải ra đồng đều đối với chính mình cũng như đối với những người thân cận, dù không quen biết, dù có ác cảm với mình. Người thực hiện từ tâm đến mức độ cùng tột sẽ thấy mình đồng hóa với tất cả chúng sinh, không còn sự khác biệt giữa mình và người. Cái gọi là “ta” không còn nữa. Mọi sự chia rẽ đều biến mất như đám sương mù tan trong nắng sáng. Vạn vật trở thành một, đồng thể, đồng nhất.     

     Đức Phật dạy chỉ có tâm từ mới dập tắt được lòng sân hận, ác ý, thù oán. Không những dập tắt được lòng sân, tâm từ còn diệt được các mầm tư tưởng bất thiện. Nhìn thái độ của loài người đối với hận thù, Đức Phật đưa ra nhận xét là tình thương sẽ chinh phục được lòng sân hận. Để giảng hòa một cuộc tranh chấp giữa hai tiểu bang đang giành nhau nước dưới con sông làm ranh giới, Đức Phật dạy:

 

(Pháp Cú 197)

“Ở ngay giữa đám nhân sinh

Dù người hờn oán, nếu mình thảnh thơi

Sống không thù hận cùng người

Thật là sung sướng, cuộc đời thơm hương.”

 

     Nhưng có lòng từ ái đối với người khác không có nghĩa là phải quên mình. Lúc Đức Phật sắp nhập Niết Bàn, các đệ tử từ bốn phương xa gần tấp nập về đảnh lễ Ngài. Chỉ có một thầy Tỳ kheo lại rút về tịnh thất chuyên cần hành thiền. Khi được hỏi về thái độ ấy, thầy trả lời vì trong ba tháng nữa Đức Phật sẽ nhập diệt nên thầy nghĩ rằng để tỏ lòng quý trọng Ngài, việc làm tốt đẹp nhất là thành tựu đạo quả A La Hán lúc Ngài còn tại tiền. Đức Phật ngợi khen thầy và nhấn mạnh là “Không nên vì mục tiêu của người khác mà lãng quên mục tiêu, sự an lành của chính mình.” và hãy “lập tâm thành đạt mục tiêu ấy”:

 

(Pháp Cú 166)

Chớ vì lợi ích cho người

Mà quên lợi ích cho nơi chính mình

Mục tiêu giải thoát tử sinh

Ai lo lợi ích cho mình chớ quên

Quyết tâm đạt được cho bền.

 

     Không nên hiểu lầm là Đức Phật dạy ta nên ích kỷ, chớ có phục vụ kẻ khác một cách vị tha, bất cầu lợi. Trái lại Đức Phật chỉ nhấn mạnh rằng trong khi phục vụ lợi ích cho người cũng đừng quên mục tiêu tự giải thoát cho chính mình. Mình có giác ngộ và giải thoát rồi sau đó đi giúp kẻ khác mới hữu hiệu được hơn.

 

TÂM BI

 

     “Bi” là lòng thương xót cứu khổ, thương dứt trừ đau khổ cho hết thảy chúng sinh. Bi là động lực làm cho tâm rung động trước sự đau khổ của kẻ khác. Đặc tính của “tâm bi” là ý muốn giúp người khác thoát khỏi cảnh khổ. Tâm bi là vị thuốc có thể tiêu trừ bệnh hung bạo. Lòng của người có tâm bi thật là mềm dịu. Lắm khi người có tâm bi không ngần ngại hy sinh đến cả tính mạng. Chính do nơi tâm bi mà con người có thể hoàn toàn vị tha trong khi phục vụ kẻ khác, giúp mà không bao giờ mong đền ơn, đáp nghĩa.

     Đối tượng của tâm bi là những kẻ nghèo đói, túng thiếu, đau ốm, cô đơn dốt nát, hư hèn và cả những người có đời sống buông lung, phóng đãng tội lỗi. Tâm bi phải bao trùm tất cả chúng sinh đau khổ, rất bao la và bình đẳng. Như Đức Phật xưa kia đã từng tế độ cho một người phụ nữ lạc bước giang hồ và cho cả một tên sát nhân tàn ác, toan hại Ngài. Về sau, cả hai đều theo Ngài và hoàn toàn đổi tính. Bên trong mỗi người, dù xấu xa thế nào cũng ngầm có những tính tốt. Đôi khi chỉ có lời nói phải, đúng lúc, cũng có thể làm đổi hẳn con người. Như vua A Dục ngày xưa, tàn bạo đến nỗi, người đời bấy giờ gọi là “A Dục, con người tội lỗi”. Thế mà, khi nghe được lời nói phải của một thầy Sa di trẻ tuổi, ông đổi hẳn lại tính tình, mạnh tiến trên con đường tự giác và trở thành “A Dục, con người hiền đức”. Ta nên nhận định rằng, tâm bi của Phật giáo không phải là giọt nước mắt nhỏ suông gọi là thương xót. Kẻ thù gián tiếp của tâm bi là “âu sầu, phiền não”.             

 

     Tâm Từ và Tâm Bi thường đi chung với nhau. Trước hết phải dùng tâm bi để trừ giùm đau khổ cho chúng sinh, rồi kế đó dung tâm từ mà cho họ niềm vui. Như thế, cái vui mới được hoàn toàn. Vậy “bi” là nhân mà “từ” là quả. Người sống có tâm từ bi, có tình thương thì mọi hận thù trên thế gian này sẽ tiêu tan.

     Một người có hai bà vợ. Một bà có con và một bà không. Bà không con đem lòng ganh tị, trộn thuốc độc vào thức ăn của bà kia, hại bà kia hai lần hư thai. Đến lần thứ ba, thuốc độc làm cho bà kia đang có mang cùng chết với đứa bé. Bà kia khởi tâm cương quyết báo oán và thực hành ý định. Bà không con bị trả thù, cũng quyết tâm trả thù lại. Thù oán trả qua trả lại, hết bà này đến bà kia, qua lại trong hai kiếp sống liên tục. Tuy nhiên, đến kiếp tái sinh thứ ba, cơ hội đưa đẩy hai bà cùng đến gặp Đức Phật và sau đó nhờ Ngài khuyên giải mà hận thù được chấm dứt:

 

(Pháp Cú 5)

Khắp nơi trong cõi dương gian

Hận thù đâu thể xua tan hận thù

Chỉ tình thương với tâm từ

Làm tiêu oán hận, giải trừ hờn căm

Đó là định luật ngàn năm.

 

     Cô hầu nhỏ của một ông chồng nọ bất chợt đem lòng ganh tị bà vợ lớn. Một lần cô đem đổ bơ nóng lên đầu bà nhưng bà không giận mà còn giải lòng từ bi đến cô, nguyện rằng mình không sân hận, khiến cho bơ nguội lạnh, bà không bị phỏng. Về sau, cô hầu nhỏ ăn năn hối hận và xin sám hối. Bà bảo cô phải lên xin sám hối với Đức Phật trước bà mới bằng lòng quên lỗi. Cô làm theo lời bà và được Đức Phật khuyên rằng “Hãy lấy tình thương mà chế ngự tâm sân, lấy chân thật khắc phục giả dối”:

 

(Pháp Cú 223)

“Lấy từ bi, lấy ôn hòa

Thắng cơn nóng giận bùng ra thét gầm

Lấy hiền lành, lấy thiện tâm

Thắng lòng hung ác bất nhân khó lường

Lấy tâm bố thí cúng dường

Thắng hàng keo kiệt, thắng phường tham lam

Lấy chân thật để đập tan

Những trò hư ngụy, dối gian ở đời.”

 

TÂM HỶ

 

     “Hỷ” là lòng vui, tự mình vui và mừng giùm cho người được điều thiện. Hay muốn nói cho đủ là tùy hỷ: vui theo, cùng vui với người khác. Phản nghĩa của hỷ là “ưu phiền”. Hỷ không phải là trạng thái thỏa thích suông, cũng không phải là cảm tình riêng đối với một người nào. Hỷ là lòng cùng vui thích với người khác khi họ có hạnh phúc hay họ được thành công, nhất là khi sự thành công ấy tiến về nẻo thiện, hướng đến mục đích giải thoát. Lòng “ganh tị” là kẻ thù trực tiếp của hỷ. Nhiều người lấy làm bực tức khi thấy người khác thành công hay vui khi thấy người khác thất bại. Chính tâm hỷ làm tiêu tan lòng ganh tị đó.

     Người có tâm hỷ sẽ trực tiếp hưởng nhiều lợi ích do tâm ấy đem lại cho mình hơn cả người khác. Nếu so sánh với tâm từ và tâm bi, tâm hỷ lại càng khó thực hiện. Muốn có tâm hỷ, phải có ý chí mạnh mẽ và hết sức cố gắng. Để tạo sự an vui, hạnh phúc trong đời sống cá nhân cũng như tập thể và vươn mình lên sống đời trong sạch, cao thượng, người Phật tử nên thực hành tâm hỷ.

     Một Sa di, con của người gác cửa, nói xấu về tâm bố thí của tất cả các thiện tín đến chùa, từ đại thí chủ như ông Cấp Cô Độc đến vua Ba Tư Nặc, ngoại trừ những người có họ hàng với chú. Vài vị Sư khác bạch lại vớí Đức Phật về tác phong thấp hèn của chú Sa di, Đức Phật dạy “Người nào đem lòng khen chê, bất mãn và đố kỵ về những phẩm vật bố thí thì tâm người ấy chưa được an tịnh. Người bỏ được tính đố kỵ, ganh ghét và không so đo hơn thua thì tâm lúc nào cũng an tịnh”:

 

(Pháp Cú 249)

“Do lòng tin, bởi niềm vui

Người người bố thí, nơi nơi cúng dường

Kẻ mà tâm xấu buông lung

Thấy ai được hưởng, trong lòng ghét ganh

Ngày đêm sẽ mãi quẩn quanh

Không hề an tịnh tâm mình được lâu.”

 

(Pháp Cú 250)

“Chỉ riêng người hiểu pháp mầu

Nên lòng ganh ghét trước sau diệt trừ

Ngày đêm hương đạo thơm đưa

Cõi lòng an tịnh, tâm tư thanh nhàn.”

 

TÂM XẢ

 

     “Xả” là lòng buông xả ra mọi vật của mình cho tất cả chúng sinh không phân biệt kẻ oán người thân. Xả là bố thí, bỏ đi, không chấp, không ghi giữ trong lòng. Xả là trông thấy đúng đắn, nhận định chân chính, suy luận vô tư, tức là không ghét bỏ cũng không luyến ái; không ưa thích cũng không bất mãn. Phản nghĩa của “tâm xả” là “cố chấp”.

     Người cao thượng luôn giữ tâm bình thản trước sự khinh rẻ, phỉ báng, nguyền rủa. Giữa cuộc thăng trầm của thế gian đó, Đức Phật dạy ta nên luôn bình thản, hành tâm xả, vững chắc như tảng đá sừng sững giữa trời, vững như voi, như mãnh hổ. Ví như gió thổi ngang màn lưới mà không bị vướng trong lưới, tuy sống giữa chợ người mà ta không luyến ái những lạc thú hão huyền và vô thường của cuộc đời. Như hoa sen từ bùn nhơ nước đục vươn lên, chúng ta cũng vượt lên bao nhiêu quyến rũ của thế gian để sống trong sạch, tinh khiết, luôn luôn bình tĩnh và an vui.

     Kẻ thù trực tiếp của xả là “luyến ái” và kẻ thù gián tiếp của tâm xả là sự “lãnh đạm”. Tâm xả lánh xa lòng tham ái và trạng thái bất mãn. Thái độ vô tư, thản nhiên, an tịnh là đặc tính quan trọng của tâm xả. Người có tâm xả không thích thú trong vui sướng cũng không bực tức trong phiền não. Người có tâm xả đối xử đồng đều giữa kẻ tội lỗi và bậc thánh nhân. Đức Phật luôn khen ngợi, khuyến khích hàng đệ tử thực hành tâm xả.

     Xả có bốn thứ. Nếu đem cho người ta đồ vật, của cải thời gọi là “tài xả”. Nếu đem giáo pháp, giáo lý cho người thời gọi là “pháp xả”. Nếu đem đức không sợ hãi cho người thời gọi là “vô uý xả”. Còn tự mình xả bỏ tất cả các mối phiền não thời gọi là “phiền não xả”.

     Một Tỳ kheo có thói xấu hay moi móc lỗi lầm của người khác để chê bai. Đức Phật dạy “Nếu có ai nói rõ lỗi lầm của người khác và chỉ dạy cho họ cách sửa chữa lại thì đó chẳng phải là một hành động xấu ác đáng chê trách. Trái lại nếu có kẻ nào luôn luôn chỉ trích chỗ sai lầm của người khác với ý định hiểm độc để nói xấu thời những người như thế không bao giờ đạt được giác ngộ mà chỉ có sự ô nhiễm tăng trưởng trong họ mà thôi”:

 

(Pháp Cú 253)

“Nếu ta thấy được lỗi người

Tâm ta nóng giận tức thời dễ sinh

Tăng thêm phiền não thật nhanh,

Xa lìa an tịnh, quẩn quanh muộn sầu,

Lỗi người chẳng để tâm lâu

Còn chi sầu muộn, còn đâu não phiền.”

 

     Vài thầy Sa di không biết nên theo phá khuấy một vị A La Hán khả kính vì thân hình ngài nhỏ bé thấp lùn. Khi được biết vị thánh tăng tính tình hiền hòa, chẳng hề tức giận, vẻ mặt luôn bình thản, không chút xao động, Đức Phật dạy rằng chư vị A La Hán giữ mình luôn luôn bình thản trước những lời tán dương hay khiển trách:

 

(Pháp Cú 81)

“Gió nào lay núi đá cao

Và người trí lớn khác nào núi kia

Tiếng đời trần tục khen chê

Tán dương, phỉ báng, dễ gì động tâm.”

 

     Theo lời mời của một vị Bà La Môn, Đức Phật và các môn đệ Ngài đến an cư kiết hạ tại làng của ông ta nhưng các ngài lắm lúc bị bỏ lửng, không được chăm sóc đến, vì vị thí chủ này lãng quên, hơn nữa dân làng địa phương lúc đó đang bị nạn đói kém trầm trọng. Các ngài đôi khi phải dùng lúa cho ngựa ăn nhưng không có ai vì đó mà buồn ý, vẫn tinh tấn tu tập. Đến khi trở về tịnh xá Kỳ Viên các ngài được cung cấp thực phẩm chu đáo nhưng cũng không vì đó mà tỏ ra thỏa thích quá độ. Đức Phật lưu ý rằng người thiện trí vượt lên trên mọi xúc động thường tình, không bao giờ bồng bột, cũng không bao giờ để tinh thần suy sụp, luôn bình tĩnh trước mọi việc xảy ra:

 

(Pháp Cú 83)

“Người lành thường mãi lìa xa

Mọi điều dục lạc bỏ qua chẳng bàn,

Người hiền trí gặp vui buồn

Dù đầy hạnh phúc, hay tràn khổ đau

Không hề dao động trước sau

Tinh thần luôn vững, há nào mừng lo.”

 

     Một bà tín nữ có ý muốn thỉnh năm vị Tỳ kheo lão thành về nhà trai tăng. Nhưng tịnh xá lại cử đi năm vị Sa di trẻ tuổi đến nhà bà thọ thực nên bà không vui, tỏ vẻ không tôn kính và không dâng cúng vật thực đúng thời khiến các vị Sa di bị đói khát. Về sau bà mới nhận ra phẩm hạnh của các vị Sa di, mặc dầu không được tiếp đãi nồng hậu, vẫn không hề tỏ ra bất mãn. Khi nghe thuật lại câu chuyện, Đức Phật dạy:

 

(Pháp Cú 406)

“Tỏ ra thân thiết chân tình

Giữa người thù nghịch quanh mình gần xa,

Tỏ ra thiện chí ôn hòa

Với người tính khí thật là hung hăng,

Không còn luyến ái vương mang

Bên người cố chấp buộc ràng vây quanh,

Bà La Môn thật xứng danh.”

 

     Một ông vua lấy làm thất vọng và âu sầu vì đã bị bại trận ba lần. Ông không thắng nổi kẻ địch là người cháu gọi mình bằng cậu. Người cháu đó là vua A Xà Thế. Ông vua bại trận bỏ cả ăn uống, cứ nằm dài mãi trên giường. Đức Phật dạy rằng muốn an vui, chớ ham tranh thắng bại. “Kẻ chiến thắng gây thêm thù hận. Còn người thất trận phải chịu khổ đau ảo não”. Sống an hòa là thái độ tốt nhất:

 

(Pháp Cú 201)

“Khi mà thắng lợi vẻ vang

Sinh ra thù oán ngập tràn. Nguy thay!

Khi mà thất bại chua cay

Sinh ra đau khổ chất đầy tâm can!

Chi bằng thắng bại chẳng màng

Cuộc đời tịnh lạc, bình an vô cùng.”

 

     Hỷ và Xả là hai hạnh lành, có tương quan mật thiết, làm nhân làm quả cho nhau. Xả làm nhân cho hỷ, nghĩa là muốn vui theo với người, muốn làm cho người vui, thì trước tiên mình phải đừng chấp, phải xả bỏ những điều ngang trái, những điều thiệt thòi sỉ nhục mà người khác đã làm cho ta.

     Trong các truyện về “Tiền thân Đức Phật” ta thấy Ngài từng xả bỏ thân mạng mà cứu giúp chúng sinh. Khi được làm Bồ Tát trên cung trời Đâu Suất, Ngài xả bỏ các sự vui sướng nơi thiên cung mà giáng sinh cứu thế. Trước kia khi còn là một hoàng tử sắp lên ngôi vua, Ngài xả bỏ tất cả đền đài cung điện, châu báu ngọc ngà, vợ đẹp con khôn, quyền cao chức trọng để mà một thân một mình ra đi tu hành khắc khổ.

     Người tu hành phải tập xả dần, xả tất cả. Con tằm sở dĩ thành bướm bay lượn đó đây, vì nó đã rời bỏ cái kén, dù đó là một cái kén bằng tơ vàng óng ánh, ấm áp, đẹp đẽ mịn màng vô cùng. Nhưng xả mà còn buồn rầu tiếc nuối cho cái mà mình đã bỏ đi thì xả như thế không có ích gì. Xả phải đi đôi với hỷ. Phải xả với vẻ mặt hân hoan, vui mừng như người tù khi tháo gỡ xiềng xích.

 

TÂM MINH NGÔ TẰNG GIAO

(Xuân Canh Tý 2020)

______________________________________________________

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/03/2018(Xem: 9857)
Rằm Tháng Giêng năm Mậu Tuất (3/3/2018) do Chư Tôn Đức Ni chứng minh và hướng dẫn đại lễ: 1/ Ni Sư TN Huệ Khiết Trú Trì Chùa Báo Ân - Sydney Tổng Vụ Phó Tổng Vụ Từ Thiện Xã Hội GHPGVNTN 2/ Ni Sư TN Như Như Chùa Báo Ân - Sydney 3/ Ni Sư TN Hạnh Từ Tịnh Thất Huê Lâm - Sydney 4/ Ni Sư TN An Hiếu Chùa Pháp Hưng - Brisbane 5/ Sư Cô TN An Thảo TỊnh Xá Minh Đăng Quang Sydney 6/ Sư Cô TN Thảo Liên TV Minh Quang - Sydney 7/ Sư Cô TN Thành Liên TỊnh Xá Minh Đăng Quang -
04/03/2018(Xem: 13011)
Hình ảnh Tu Viện Quảng Đức tổ chức Hành Hương Thập Tự đầu Xuân Mậu Tuất, Chủ Nhật 4-3- 2018, nhằm ngày 17 tháng giêng âm lịch, viếng thăm lễ Phật 10 Chùa: 1/ Tu Viện Quảng Đức, 2/ Chùa Linh Sơn; 3/ Chùa Hoa Nghiêm; 4/ Chùa Minh Nguyệt; 5/ Chùa Giác Hoàng; 6/ Tu Viện Từ Ân; 7/ Chùa Phật Quang; 8/ Chùa Quang Minh; 9/ Chùa Tây Tạng; 10/ Chùa Tích Lan
03/03/2018(Xem: 9884)
Chùa Pháp Quang mừng Xuân Mậu Tuất 2018
03/03/2018(Xem: 8910)
Pháp Hội Dược Sư Xuân Mậu Tuất 2018 tại Chùa Pháp Vân
02/03/2018(Xem: 5739)
Chiều nay dường như hương vị ngày xuân vẫn còn đọng lại trong tôi và đang len lõi dần trong từng hơi thở, mơn man từng thớ thịt trên gương mặt của người con xa quê hương. Rồi ngồi nghe khúc nhạc“Mẹ hiền yêu ơi, Xuân sau con sẽ về,Mẹ chớ buồn lòng nặng trĩu niềm đau, Xuân năm nay Xuân mang nhiều nỗinhớ, Xuân mong chờ Xuân cô quạnh Mẹ ơi….”, chợt thương mình đôi mắt cứ mờ dần mờ dần khi chạm vào nỗi nhớ, nước mắt đong đầy bờ mi. Hẳn nhiên, cuộc đời đang chảy trong một vòng xoay giữa quá khứ và hiện tại, sống chậm để nâng niu từng hơi thở mỗi phút giây, cũng là cách cảm ơn đấng sinh thành đã cho ta hình hài và có mặt trên cuộc đời.
02/03/2018(Xem: 9553)
Xuân Đạo của Thích Chúc Hiền, Ngày mai nắng ấm tiết xuân sang, Én lượn mây thêu dệt mộng vàng. Tuệ nghiệp vun trồng hoa giác nở, Tâm thiền tỏa chiếu bóng mê tan. Nhàn chân rảo bước miền An Lạc, Thoả chí ngao du chốn Niết Bàn. Thắm vẻ xuân sang, xuân bất diệt, Xuân thiền, xuân đạo, mãn xuân tâm...!
02/03/2018(Xem: 5640)
Ý nghĩa và nguồn gốc về ngày Tết Nguyên Tiêu, “Thế là lại thêm một lần Tết. Lẽ đời đã biết được gì đâu. Thời gian lừng lững đi mải miết. Một đời tha thiết chỉ bắt đầu.” Tết Nguyên Tiêu là rằm đầu tiên của năm mới, thời điểm thích hợp nhất để cầu nguyện an lành cho cả năm, cho nên thu hút sự tham gia đông đảo của giới Phật tử và toàn thể dân chúng. Vì vậy có câu Thành ngữ “Lễ Phật quanh năm không bằng lễ rằm tháng Giêng” đã nói lên tầm quan trọng của hội rằm tháng Giêng trong tâm thức người Việt.
01/03/2018(Xem: 13314)
Cảm ơn Bác Minh Đạo và Thi Hữu Tánh Thiện đã gởi lời chia sẽ và Chúc lành. Chúc Hiền cảm động cảm tác bài thơ nhỏ kính gởi tặng Bác và Thi Hữu Tánh Thiện và tỏ lòng tri ân đến TT. Thích Nguyên Tạng và ĐĐ. Thích Hạnh Tuệ đã hoan hỷ cho online những cảm tác của CH, Bác Minh Đạo và Thi Hữu Tánh Thiện để chia sẽ cùng bạn đọc bốn phương.Cầu Phật gia hộ cho TT. Thích Nguyên Tạng, ĐĐ. Thích Hạnh Tuệ, Bác Minh Đạo , Thi Hữu Tánh Thiện và bạn đọc bốn phuong thân lạc tâm an luôn vui khoẻ! Năm ngoái nhân chuyến ủy lạo cứu trợ Vạn Giã, Nha Trang Chúc Hiền có duyên lành được gặp TT. Thích Nguyên Tạng. Trước khi Thượng Toạ rời Việt Nam để về lại Úc Thượng Toạ có gởi cho Chúc Hiền tin nhắn Chúc lành và Thượng Toạ có nhã ý bảo Chúc Hiền gởi những cảm tác về Trang Nhà Quảng Đức để Thượng Toạ cho online. Đáp lại tấm thịnh tình của Thượng Toạ, sau khi cảm tác 8 bài thơ Hoài Cảm, Chúc Hiền có gởi về Trang Nhà Quảng Đức ngay. Nhung không biết Thượng Toạ có nhận được không mà không thấy online. Chúc Hiền t
01/03/2018(Xem: 4532)
Câu Đối Mừng Xuân Mậu Tuất 2018 Mang gươm giới định tuệ , đi tới cùng trời cuối đất Phá trận tham sân si , viết để giữ ngọc gìn vàng . Cư Sĩ Nguyên Giác (Cali, USA) Tham cứu các minh sư , nguyện hướng tâm trên con đường giải thoát Khai mở lòng bi trí , diệt vô minh phá vọng niệm buộc ràng . Cư Sĩ Tánh Thiện (Dallas, USA)
28/02/2018(Xem: 4345)
Tết Thiền mừng xuân Mậu Tuất 2018 Ngày mồng 3 tết khai mạc Tết Sách thì mồng 5 tết AL tôi dẫn đoàn đi Tết Thiền. Vậy là chúng tôi “ăn” đến tận 4 cái tết. Đó là Tết Yêu Thương, khi chúng tôi tặng quà và lan tỏa yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn trước tết âm lịch, rồi đến tết âm lịch truyền thống và sau đó là tết Sách và Tết thiền. Nơi chúng tôi đến là một tu viện trên núi cao ở Thái Lan cách Băng Cốc vài trăm km. Thế là không những được đi thiền mà cả đoàn còn được xuất ngoại ngay đầu năm mới. Mọi thành viên còn thấy vui hơn khi được bay hãng máy bay chất lượng rất cao Thai Airways mà giá rất bình dân – chỉ hơn 1 triệu đồng một vé từ Hà Nội và Sài Gòn đến Băng Cốc. Hạnh phúc có ngay từ trước khi xuất phát. Nơi chúng tôi đến có khí hậu rất tuyệt vời. Thiền đường lớn đủ cho vài trăm thiền sinh. Chỗ ngủ thì đã có cả phòng trong nhà với gi
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]