Hẹn với mùa Xuân
Nguyên Hạnh HTD
Bản nhạc “ Anh đến thăm em đêm 30 “ của Vũ Thành An, phổ thơ Nguyễn Đình Toàn, có một câu tôi rất thích, thuộc nằm lòng và những ngày cuối năm ở quê nhà lúc trời trở rét, còn thỉnh thoảng thấy mình hát nho nhỏ cho riêng mình nghe thôi:
“Trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết! “
Tôi bâng khuâng nhớ lại khung cảnh tất bật nhưng đầm ấm của gia đình, Mẹ tôi lo đặt lá dong, đặt đậu xanh loại thượng hạng để gói bánh chưng, bánh tét. Tối tối, trẻ con ngồi chầu rìa xem người lớn chẻ lạt từ mấy cái ống tre đã ngâm nước trước mấy hôm cho trắng ra. Những sợi lạc mỏng tanh và mềm như lụa được bó sẵn thành bó. Sung sướng nhất vẫn là lúc chờ Mẹ gói gần xong, bỏ bánh vào nồi nấu chín, sau đó trẻ con sẽ được một đòn bánh tét nho nhỏ cho riêng mình để rồi cứ đem ra ngắm nghía mãi, không dám ăn!
Nhớ tới những xôn xao, lòng rộn ràng trong những ngày sắp Tết, sáng tối một mình lén ướm thử lên người bộ áo quần mới, đôi dép nhung thêu cườm mà mỗi năm chỉ được Ba tôi sắm cho một lần. Lòng bồn chồn sao mãi vẫn chưa tới ngày mồng 1 Tết, cứ nhớ đến rồi tự mỉm cười một mình.
Ở đây buổi chiều hơi lạnh, bầu trời có ngày mây mù ảm đạm, con đường trước nhà ngập đầy lá vàng. Dù sao cái se sắc lạnh của những ngày cuối năm luôn làm kẻ tha phương chạnh lòng, những cái mốc thời gian qua vùn vụt màđườngvề cố lý càng ngày càng mịt mùng khép lại.
“Ngày về xa quá người ơi! “
Nhớ lại chợ Tết ở Huế còn có sân khấu trình diễn Hát bội, đào kép vẽ mặt bằng phẩm màu có hai cái lông công thật dài và cong vút được gài phía sau cổ áo. Còn có tục lệ đánh bài Chòi, có người hò những bài vè, điệu xàng xê rất vui tai. Có cả nơi đá gà, cờ bạc, bầu cua cá cọp thật vui và rộn rịp.
Nay những cái chợ Tết ở quê nhàđã thật chìm sâu vào quá khứ xa vời rồi! Muốn tìm lại không khí Tết của những ngày xa xưa, xin hãy về vùng đất định cư ở Cali. Họ tổ chức Tết càng ngày càng phong phú hơn về nội dung, qui mô hơn về hình thức.
Ở đây tôi thích nhất là được nhìn thấy các anh em cựu Quân nhân mặc quân phục với đầy đủ giày Saut, áo trận, huân chương đeo đầy ngực, xen lẫn với các cụ cao niên trịnh trọng trong những bộ y phục cổ truyền, tất cả đã làm tôi xúc động vô cùng!
Năm nào họ cũng về đây, như một cái hẹn không thể bỏ qua, một nơi chốn không thể không tới, một mối tình cố cựu dù có phai lạt phần nào nhưng cũng không đành lòng quay mặt. Tuy năm nào tổ chức cũng quay đi quẩn lại chỉ có từng đó tiết mục, cảnh trí; nhưng khách du xuân dường như vẫn hớn hở được trở về tắm trong cái ao làng bèo nước thân quen để thấy người đồng hương dù xa xôi cách trở.
Cả khu công viên rộng lớn tràn ngập màu sắc và khách du xuân, người Việt Nam di tản ở nhiều phương trời cách biệt vẫn luôn tìm về nơi có đông đồng hương quần tụ để sưởi ấm tâm hồn. Đúng là mỗi người Việt Nam ra đi đều mang theo quê hương trong lòng mình.
Nhìn về quê nhà, tin tức và hình ảnh những ngày tháng Chạp Âm lịch chào đón Tết bao giờ cũng làm cho tôi ngậm ngùi xót xa. Bên cạnh chợ hoa được tái lập và mở rộng trên đường Nguyễn Huệ; cỏ cây hoa lá dưới bàn tay cắt xén tinh tế và đầy sáng tạo của các nghệ nhân ưu tú, trải dài như một dòng trường giang bát ngát.
Khác với Sài Gòn hừng hực sức sống của thiên nhiên và con người, Hà Nội như một thiếu phụ đã qua thời xuân sắc, khép nép những con phố chật hẹp. Hà Nội đón xuân bằng hình ảnh những cô gái đi xe đạp thồ hoa đào và cây quất vàng từ ngoại ô về thành. Những bến xe khách và sân ga đầy chật người chờ đợi chuyến xe hay chuyến tàu muộn đưa họ về sum họp gia đình sau cả năm (hay lâu hơn nữa) bỏ làng quê đi tha phương cầu thực. Nét mặt họ đầy nặng trĩu lo âu, không một ai có chiếc vali, mỗi người đeo một cái túi trên lưng, chắc chỉ gồm một ít áo quần và vật dụng tùy thân. Họ nằm ngổn ngang khắp nơi ngay cả trước các quầy bán vé, nhìn thấy mà xót xa!
Năm cùng tháng tận, ai cũng nhớ thiết tha một nơi chốn phải tìm về, kể cả những người Việt lưu vong; hằng năm chờ ngày Nguyên Đán, hành hương về phiên chợ Xuân nơi mình tạm cư như chợ Phước Lộc Thọ ở Cali chẳng hạn, mong tìm lại chút hương vị thân quen của một thời đã qua.
Tết ở quê người, nhiều gia đình Việt Nam vẫn còn giữ tục lệ cúng đưa Ông Táo về trời vào chiều 23 tháng Chạp và đến tối 30 Giao thừa lại cúng rước Ông Táotrởvề trần. Tục lệ cúng Giao thừa, xuất hành hái lộc, xông đất năm mới vẫn còn được nhiều gia đình đồng hương hải ngoại duy trì và tôn trọng rất thành kính. Bàn thờ gọn nhẹ hơn ở quê nhà nhưng vẫn trang trọng với đèn nến, hoa tươi, nhang trầm, trà thơm, bánh chưng, bánh tét, mâm ngũ quả được bày ra.
Vẫn trời đất bao la ấy, vẫn là thinh không chung cả nhân loại nhưng sao Giao thừa Âm lịch như là trời đất và thinh không của riêng mình. Tôi vẫn chờ đúng nửa đêm, nhang đèn lễ Giao thừa lung linh, khép cửa bước raxuất hành; những bước chân đầu tiên vào năm mới, trên con đường ngập lá vàng, tìm hái một cành lộc trong mênh mông thanh vắng, nghe cả nhịp đập của trái tim mình rồi trở về nhà, cắm cành lộc vào một ly nước, ngậm ngùi nhớ về quê hương và cha mẹ anh em.
Quê hương chúng ta, nơi Phật giáo đã ăn sâu vào lòng dân tộc, gắn liền với nếp sinh hoạt của người dân nên tục lệ đi chùa vào ngày đầu năm Tết Nguyên Đánvà Rằm tháng Giêng đã có từ xa xưa. Cũng từ khi Nho giáo và Đạo giáo du nhập vào Việt Nam phát triển mạnh vào thế kỷ 13;hoà nhập vào Phật giáo thành “Tam giáo đồng nguyên“ và kết hợp đi đến “Tam giáo đồng qui “ thì những tín ngưỡng ảnh hưởng từ Nho giáo và Đạo giáo như cúng bái, xin xăm, coi quẻ, hái lộc... cầu bình an, may mắn cho cả năm đã xuất hiện trong nhân gian. Qua bao vật đổi sao dời, tập tục ấy vẫn còn tồn tại và lưu truyền cho đến ngày nay trở thành Truyền thống Văn hóa Cổ truyền Dân tộc Việt Nam. Biến cố 75 khiến người Việt Nam phải lưu vong, nhưng theo bước chân Tăng lữ, chùa chiền đã được gầy dựng lại tại hải ngoại và làn sóng người Việt tị nạn vẫn còn có cơ duyên tìm về Mái Chùa xưa. Ngoài những lễ khác trong năm như Phật đản, Vu lan... Tết Nguyên Đánvà Rằm tháng Giêng được các chùa tổ chức lớn, nhỏ tùytheo môi trường, hoàn cảnh nơi cư ngụ.
Tại Đức, chùa Viên Giác, Hannover do Hòa Thượng Phương Trượng Thích Như Điển khai sơn và kể từ khi Thầy lui về vị trí Phương Trượng để có nhiều thời gian tham khảo, nghiên cứu Kinh sách, dịch thuật và sáng tác. Từ đó đến nay trải qua ba thời kỳ với ba Vị Trụ Trì tiếp nối là:
-Thượng Tọa Thích Hạnh Tấn ( 2003 - 2008 ).
- Đại Đức Thích Hạnh Giới ( 2008 - 2017 ).
- Đại Đức Thích Hạnh Bổn (2017 - hôm nay ).
Dù ở thời kỳ nào Tết Nguyên Đán và Rằm tháng Giêng vẫn được quý Thầy nhất tâm tổ chức trọng thể tại chùa Viên Giác dưới sự chủ trì của Hòa Thượng Phương Trượng trong không gian thiêng liêng khói nhang hương trầm nghi ngút, kinh cầu Phật niệm nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần của người Việt Nam ly xứ vẫn hoài niệm về những cái Tết cố hương.
Ngôi chùa tiêu biểu mái nhà chung - Mái nhà Việt Nam- là nơi qui tụtrong dịp Tết cổ truyềntrong ý nghĩa đoàn viên của những người con Việt lưu lạc, là nơi tìm về để cùng nhau hòa chung niềm vui đón Xuân sang giữa những ngày đông giá xứ người.
Tính đến Tết Nguyên Đán Canh Tý sang nămlà vừa tròn 45 năm. Trong suốt gần nửa thế kỷ, người Việt Nam đón Tết Âm lịchnhư dòng suối nguồn tẻ ra hai nhánh. Nhánh tại Việt Nam và nhánh kia, chính là những người Việt Nam xa xứ sống lưu vong tại hải ngoại.
Bình yên hay phong ba, Tết Nguyên Đán vẫn luôn luôn là cái hẹn của tôi; vẫn mong có một ngày về hưởng lại cái Tết thanh bình ở quê nhà, với những nụ cười rạng rỡ trên môi và những ánh mắt tràn đầy niềm tin yêu và hy vọng. Nhưng biết đến bao giờ!!??
“ Hoài cố xứ mà tơ lòng đứt đoạn“ (Ngọc An).
Nguyên Hạnh HTD