Mùa Xuân, ngày Tết trên quê hương Việt Nam lại rơi vào mùa Đông tại Âu Châu nói chung, Thụy Sĩ nói riêng. Trong cái giá lạnh dưới âm độ, tuyết rơi lất phất, vẫn không cản chân được những người con Phật xa quê hương tìm về cội nguồn sưởi ấm lòng nhau dưới một mái chùa. Ai nhân duyên gần chùa nào thì theo chùa đó.
Tại Thụy Sĩ, riêng Việt Nam có ba ngôi chùa: Chùa Linh Phong dành cho Ni tại Lausanne vùng nói tiếng Pháp do Sư Cô Thích Nữ Viên Hoa làm trụ trì, chùa Trí Thủ tại Bern do Thượng Tọa Thích Quảng Hiền và chùa Viên Minh tại Luzern do Đại Đức Thích Như Tú làm trụ trì, thì nói tiếng Đức. Tất cả đều từ “cải gia vi tự“, chỉ bên trong mới sinh hoạt theo tinh thần Phật giáo mà thôi. Ngoài chánh điện, phòng ăn tập thể, phòng ngủ tập thể liệu sao vừa đủ số lượng Phật tử lui tới, còn có Quan Âm Các ngự ngoài sân mới biết đó là một ngôi chùa.
Thụy Sĩ vốn ít người Việt, nên nhu cầu không đòi hỏi phải chùa to Phật lớn. Lại thêm dân Thụy Sĩ bảo thủ, luôn tôn trọng giữ gìn bản sắc của dân tộc, nên vào nước họ, muốn hội nhập bắt buộc phải “nhập gia tùy tục“. Không ai có thể “tác oai tác quái“ muốn làm gì thì làm, nhất nhất phải theo qui chế của chính quyền. Dù là chùa chiền, vẫn không được phép tô sơn, vẽ rồng phụng bên ngoài nếu chưa có sự chấp thuận của nhà nước.
Mồng một Tết năm nay rơi vào thứ sáu. Đa số lấy hè để nghỉ trọn vẹn ba ngày Tết. Chùa nào cũng đông nghẹt Phật tử. Những câu chúc rôm ran chào hỏi, những nụ cười thân thiện trao nhau rồi quây quần trong chánh điện giữa bao sắc hoa, quả có cả bánh chưng, bánh tét bày biện trên ban thờ, nổi bật cành mai vàng lủng lẳng với những bao lì xì, những câu chúc nhỏ màu đỏ, hòa trong mùi trầm hương thơm ngát có tiếng mõ, tiếng chuông, lẫn với lời cầu kinh vang vọng mừng Lễ Vía Đức Phật Di Lặc, mọi Phật tử tận hưởng trọn vẹn không khí Tết của ba ngày trọng đại trong năm.
Sau đó, mọi người lần lượt nhận bao lì xì cùng một trái quít từ tay vị trụ trì coi như lộc may mắn đầu năm. Nét độc đáo của quê hương vẫn tồn tại gìn giữ nơi xứ người.
Sau thời công phu, mọi người lại hỉ hả quây quần trong bàn ăn, thưởng thức những món chay đầy đạo vị trong không gian vô cùng êm đềm ấm cúng. Rồi xế trưa, lại có buổi tâm tình “Trò chuyện vấn đáp Phật pháp“. Thầy, trò lại bên nhau hàn huyên nêu ra bất cứ câu hỏi nào để học hỏi lẫn nhau. Ngoài trời, tuyết vẫn rơi lặng lẽ. Không ai quan tâm mùa Đông Thụy Sĩ đang lê thê đìu hiu ảm đạm, vì mùa Xuân đang nở hoa trong lòng mọi người.
Chương trình sau đó lại tiếp tục tụng kinh. Mỗi chùa tự chọn cho mình một bộ kinh theo ý. Chùa Linh Phong chọn kinh Dược Sư, chùa Trí Thủ tụng kinh Di Lặc, cầu an và Phổ Môn, chùa Viên Minh tụng bộ kinh Pháp Hoa. Dù bộ kinh nào, cuối cùng vẫn là con đường hướng về Bến Giác. Rồi cơm chiều, rồi tiếp tục tụng kinh. Cứ thế cho trọn ba ngày Tết, Phật tử cứ nườm nượp hết lớp này đến lớp khác về chùa mừng xuân, chưa kể giao thừa đã có một số lớn về ngủ nghỉ tại chùa, đón giao thừa tại chùa cùng làm công quả chuẩn bị đón khách ba ngày Tết.
Đặc biệt chùa Trí Thủ, mồng hai nhằm thứ bảy, Thầy Thích Quảng Hiền đã thuê hội trường gần chùa mới có thể dung chứa trên 200 Phật tử về sinh hoạt Tết.
Ngoài ra, cũng nhân dịp “Xuân“ về, chùa Trí Thủ cũng như chùa Viên Minh, trước và sau ba ngày Tết, còn tổ chức Tết cộng đồng cho tất cả mọi người, qui tụ cả ngàn người, không phân biệt tôn giáo, sắc tộc. Trong tinh thần phục vụ mong đem lại niềm vui và duy trì văn hóa tại xứ người, hai chùa tổ chức hai nơi cách nhau hơn tháng đều vào cửa tự do mặc dù chi phí mời ca sĩ cũng như nhiều chi phí khác rất tốn kém, song được sự ủng hộ nhiệt tình của hầu hết mọi người chia xẻ vật lực, tài lực, công sức cũng như tinh thần nên mọi sự đều tốt đẹp mang đến thành công mỹ mãn.
Xin chân thành cám ơn tất cả. Nhân năm mới Mậu Tuất, thân chúc Quí vị dồi dào Sức Khỏe - Khang An - Thịnh Vượng.
Trần Thị Nhật Hưng