MÙA XUÂN VỚI VÀI BÀI THƠ TRONG
‘XUÂN VÂN THI TẬP’ CỦA VUA LÊ THÁNH TÔNG
Mùa Xuân Mậu Tuất, từ tháng 2 năm 2018, thì nói chuyện du Xuân là thích hợp nhất chăng? Xin mời người đọc cùng tháp tùng vua Lê Thánh Tông đi kinh lý, thăm dân và ngắm cảnh nhiều nơi trong nước. Nhà vua không dùng nghi thức ngự gía mà chỉ ra đi nhẹ nhàng với một đội hành tùy rất ít người. Nghìn lời không bằng một hình ảnh, và hình ảnh yêu nước thương dân với phong cách giản dị của vua Lê Thánh Tông sẽ được nhìn thấy qua hai bài thơ trong Xuân Vân Thi Tập của Ngài.
Lịch sử nước Việt Nam có đủ ba loại anh hùng dân tộc là anh hùng dựng nước, anh hùng cứu nước, và anh hùng mở nước. Vua Lê Thánh Tông (1442-1497) là một vị vua anh hùng mở nước lẫy lừng nhất trong số rất ít những vị anh hùng mở nước. Khi đất nước ở trong tình trạng thanh bình, Vua Lê Thánh Tông hết lòng yêu nước, thương dân, đã sáng suốt và khéo léo vận động toàn dân và vận dụng tài nguyên quốc gia vào việc tổ chức hệ thống hành chánh hữu hiệu, phát triển kinh tế thịnh vượng, phát huy văn hóa giáo dục huy hoàng, ổn định xã hội thanh bình, và xây dựng lực lượng quân sự linh động để vừa có năng lực phát triển kinh tế vừa nhanh chóng triệu tập được một lực lượng quân đội dưới cờ hùng mạnh đủ sức đảm trách nhiệm vụ giữ nước và mở nước. Nhà vua, vì thế, được lịch sử Việt Nam xem là một vị đệ nhất minh quân, một nhà văn hóa lớn của dân tộc.
Chỉ riêng về phương diện văn hóa xã hội, Nhà vua đã ban hành Bộ Luật Hồng Đức gồm 6 quyển với 722 điều, xác lập một chính quyền trọng pháp, tức là thuộc vào một trong số rất ít nhà nước pháp quyền đầu tiên của nhân loại. Bộ Luật Hồng Đức được Trường Luật Đại Học Harvard đánh giá nhân bản nhất, nhân đạo nhất, tôn trọng nữ quyền nhất trong giai đoạn lịch sử đó. [Xin xem Vietnam’s Code of the Lê Dynasty (1428-1788)].
Nhà vua là một vị minh quân văn võ song toàn; tuy việc nước đa đoan nhưng Nhà vua vẫn thức khuya đọc sách liên tục trong suốt thời gian trị vì như chính Nhà vua đã tự vịnh về mình,
Trống dời canh còn đọc sách,
Chiều xế bóng chửa thôi chầu.
Nhà vua đã thành lập Hội Tao Đàn nhằm phát huy sinh hoạt văn chương, một hình thức của nghệ thuật mà nghệ thuật là một phần của văn hóa. Nhà vua đã để lại rất nhiều tác phẩm văn và thơ trong đó có Xuân Vân Thi Tập.
Với không khí mùa Xuân, vua Lê Thánh Tông đã du hành khắp nước để thăm hỏi người dân và để hiểu rõ tình trạng sinh hoạt thực tế của nhân dân chứ không phải chỉ biết qua các sớ tấu của quan lại địa phương và của các vị đại thần trong triều. Khi đi du hành như thế, Nhà vua đã sáng tác nhiều bài thơ mà qua đó người đọc có thể hình dung ra lòng yêu nước thương dân và hoài bảo to lớn về đất nước của Vua Lê Thánh Tông. Hai bài thơ sau đã nói lên một phần về nhân cách cao quý và nhản quan của Nhà vua về con người, về cuộc đời, và về quy luật vô thường mà Ngài đã huân tập qua Kinh Luận Phật giáo trong quá trình giáo dục Ngài được thụ hưởng từ nhà trí thức thông thái Nguyễn Trãi cũng như từ giáo dục cung đình sau khi Nguyễn Trãi bị hàm oan.
Bài thơ thứ nhất
Đông Tuần Quá An-Lão
Diểu diểu quan hà lộ kỷ thiên,
Bắc phong hữu lực tống quy thuyền.
Giang hàm lạc nhật dao cô ảnh,
Tâm trục phi vân tức vạn duyên.
Sương lộ linh thì vô lục thụ,
Tang ma thâm xứ khởi thanh yên.
Hải sơn ly dị cùng du mục,
Chỉ kiến hùng hùng cắng bích thiên.
(An Lão là tên một huyện thuộc Hải Dương, nay thuộc ngoại thành Hải Phòng).
Dịch thơ
Đi Tuần Phía Đông Qua An-Lão
Dặm ngàn xa cách mấy non sông
Gió đẩy thuyền xuôi thuận một dòng
Bóng xế long lanh làn sóng nước
Mây bay êm dịu mối tơ lòng
Úa vàng cây cối mùa sương lạnh
Mờ mịt đồng dâu lớp khói lồng
Núi bể mênh mông nhìn đã khắp
Màu xanh lồng lộng khoảng trời không
[Dịch thơ của Nhóm Lê Thước]
Bài thơ thứ hai
Đăng Dục-Thuý Sơn
Tam chiết lưu biên Dục Thuý san,
Cô cao như tước, ngọc phong hàn.
Tầm lai cổ tự lăng phong thướng,
Lãm tận hoang bi đới mính hoàn.
Xuyên mật khước nghi thiên địa tiểu,
Đăng cao đốn giác thuỷ vân khoan.
Sơn quang bất cải hồn như tạc,
Hồi thủ anh hùng nhất mộng gian.
(Núi Dục Thuý ở trên bờ sông Đáy, cạnh thị xã Ninh Bình ngày nay, tên gọi dân gian là núi Non Nước. Nhà Vua làm bài thơ này vào năm Quang Thuận thứ 8, tức là năm 1467).
Dịch thơ
Lên Núi Dục Thúy
Dục Thuý bên sông khúc uốn ba,
Núi cao chót vót vẻ nguy nga.
Chùa xưa tìm thấy qua luồng gió,
Bia cũ xem xong dưới bóng tà.
Hang kín ngỡ rằng trời đất hẹp,
Non cao thấy rõ nước mây xa.
Núi sông phong cảnh không thay đổi,
Ngẫm lại anh hùng mộng thoáng qua.
[Ẩn danh]
Trần Việt Long