Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tân Xuân tỉnh thức – Xuân Đinh Dậu

13/02/201705:56(Xem: 4151)
Tân Xuân tỉnh thức – Xuân Đinh Dậu


hoa_mai_2

Pháp thoại:

Tân Xuân tỉnh thức – Xuân Đinh Dậu
Thích Thái Hòa



Nam Mô Bổn Sư Thích ca Mâu Ni Phật

Nam Mô Đương Lai Hạ Sanh Từ Thị Di Lặc Tôn Phật.

Thưa đại chúng,

Hôm nay là ngày mồng hai Tết, năm Đinh Dậu. Đại chúng đã vân tập tại Tịnh nhân Thiền đường chùa Phước Duyên – Huế, dâng lời tác bạch cúng dường đầu năm lên Tam Bảo và chúc tết chư Tăng tại bản tự. Tôi xin thay mặt chư Tôn đức, ghi nhận lời tác bạch chúc tết đầu năm của quý vị và sau đây tôi xin chia sẻ pháp thoại Tân Xuân tỉnh thức đến quý vị, xin quý vị yên lặng lắng nghe.

Thưa quý vị,

Năm Bính Thân đi qua, năm Đinh Dậu lại về, xin Đại chúng ngồi thật yên lặng để quán chiếu những vấn đề mà tôi sắp chia sẻ đến với quý vị hôm nay.

Cũ và mới.

Quý vị hãy quán chiếu hai chất liệu cũ và mới ở trong đời sống của mỗi chúng ta.

Quý vị thấy rằng, năm Bính Thân đã đi qua là năm cũ, năm Đinh Dậu đang đến với chúng ta là năm mới. Năm cũ là cũ với năm mới và năm mới hôm nay sẽ là năm cũ của sang năm.

Năm này là năm mới của năm ngoái, nhưng nó sẽ là năm cũ của sang năm. Có đôi người không hiểu thế nào là cũ và mới, từ đó sinh ra hai khuynh hướng trong đời sống của chính họ, đó là khuynh hướng bảo thủ và khuynh hướng đổi mới. Hai khuynh hướng này luôn luôn xung đột nhau và tạo ra mâu thuẫn cho chính họ và cho những người xung quanh họ. Không biết được trong cái cũ, có cái mới và không biết được trong cái mới, có cái cũ là sự hiểu biết của chúng ta bị thiệt thòi rất là nhiều đối với đời sống. Người nào chỉ thấy cái cũ mà không thấy cái mới, thì đời sống của người đó bị rơi vào sự bảo thủ một cách phiến diện;  Người nào chỉ thấy cái mới mà không thấy cái cũ, thì người ấy suốt ngày chạy rong ngoài đường rượt bắt cái này, thả cái kia và tự cho mình là người đổi mới hay là người tiến bộ. Nhưng thật ra trong đời sống của họ, chẳng có gì là đổi mới và chẳng có gì tiến bộ cả.

Trong thiền quán giúp cho chúng ta thấy rằng, không có cái cũ nào là cái cũ đơn thuần và cũng không có cái mới nào là cái mới đơn thuần. Cái mới có mặt trong cái cũ là cái mới có cơ sở để tồn tại và phát triển. Cái mới như vậy sẽ không bị mất gốc. Cái cũ có mặt trong cái mới có tác dụng làm cho cái mới có giá trị bền vững, khiến cho cái mới không bị hỏng chân. Đồng thời cái cũ có mặt trong cái mới, cái cũ ấy không bị lên mốc và không bị bỏ quên. Chúng ta phần nhiều chỉ nhìn thấy cái mới đơn thuần, chứ ít ai nhìn thấy cái mới có mặt trong cái cũ và cái cũ cũng đang có mặt ở trong cái mới. Với cái thấy này, giúp cho chúng ta có khả năng tái tạo cái cũ thành cái mới một cách bền vững. Với cách thấy này, giúp cho chúng ta tái tạo một đời sống mới, trên một nền tảng tốt đẹp mà chúng ta vốn có từ bản thân với những sự hỗ trợ từ phước báo của gia đình và tổ tiên chúng ta. Khi chúng ta hiểu được như vậy, thì chúng ta sẽ không rơi vào hai thế lực cũ và mới đối đầu với nhau. Nếu cũ và mới đối đầu với nhau, thì cuối cùng cũ cũng không ra gì và mới cũng chẳng ra gì. Mùa xuân thật sự có mặt, khi nào người già biết chấp nhận cái mới của người trẻ và người trẻ biết chấp nhận cái cũ của người già. Mới và cũ, già và trẻ là hai mặt của một thực tại sống động. Những người trẻ do nhận ra được điều này, nên họ rất thương quý người già và không bao giờ có những lời khiếm nhã với người lớn tuổi. Và người già cũng nhận ra được điều này, nên họ cũng không bao giờ, khinh thường người trẻ. Ta chỉ có mùa xuân khi người lớn biết ôm ấp người trẻ, và người trẻ không quên ơn người lớn. Sở dĩ, trong đời sống, ta không có mùa xuân, vì người lớn không biết chấp nhận những tư duy mới mẻ của người trẻ và người trẻ không biết chấp nhận và kế thừa những tinh túy từ người lớn.

Xã hội không êm ấm và rối loạn, vì chúng ta không biết chấp nhận nhau. Người trẻ phải nhớ rằng, mình mới hôm nay, nhưng  rồi mình sẽ cũ ngày mai. Mình mới nơi này, nhưng mình sẽ là cũ ở nơi kia và mình cũ ở nơi này, nhưng mình sẽ mới ở nơi khác. Nên, chúng ta không có mới hay cũ  luôn đâu, chúng ta mới hôm nay, nhưng rồi chúng ta sẽ cũ ngày mai. Chúng ta già và cũ hôm nay, nhưng sẽ trẻ và mới ngày mai. Khi nào chúng ta hiểu được thực tại vốn như vậy, thì chúng ta mới có đủ khả năng chế tác ra mùa xuân cho chính chúng ta, cho gia đình chúng ta, cho xã hội của chúng ta. Mùa xuân và hạnh phúc là điều có thực cho những ai biết tiếp nhận cái mới từ cái cũ và từ nơi cái cũ mà đổi mới.

Thuận và nghịch.

Có cái nghịch nào mà không có cái thuận và có cái thuận nào mà không có cái nghịch. Về mặt thời gian, có ngày thì có đêm, ngày là nghịch của đêm và đêm là nghịch của ngày. Nhưng cả ngày và đêm đều mang đến sự sống cho mỗi chúng ta, cho mọi sinh vật và ôn hòa cho mọi môi sinh. Chỉ có những người tà kiến mới chấp nhận ngày mà không chấp nhận đêm, hoặc chấp nhận đêm mà không chấp nhận ngày, khiến cho họ khổ công đối phó và triệt tiêu nhau.

Ta không thấy được tác dụng của ban ngày như chính nó và không thấy được tác dụng của ban đêm như chính nó, thì chính chúng ta là người điên đảo, sống với sự đảo lộn khiến đêm trở thành ngày và ngày trở thành đêm; do đó trong đời sống của chính ta xuân không ra xuân, hạ không ra hạ, thu không ra thu, đông không ra đông. Và cũng vì sống với thời gian đảo lộn như vậy, nên khiến không gian cũng bị đảo lộn, làm cho biển không ra biển, sông không ra sông, núi không ra núi, ruộng không ra ruộng… Tất cả những đảo lộn ấy đều có gốc rễ từ tà kiến. Do tà kiến, nên không thấy được giá trị và tác dụng hỗ tương của thuận và nghịch, khiến nhiều người sống không có mùa xuân và không có khả năng tạo ra mùa xuân cho chính mình và nhiều người.

Chúng ta hãy nhìn sâu vào tính chất thuận và nghịch trong từng hơi thở vào và ra của mỗi chúng ta, để chúng ta có thể tiếp nhận mùa xuân ngay nơi hơi thở vào và ra này. Hơi thở vào đối nghịch với hơi thở ra, hơi thở ra đối nghịch với hơi thở vào. Chúng ta chấp nhận hơi thở ra mà không chấp nhận hơi thở vào thì mùa xuân của chúng ta ở đâu? Chấp nhận hơi thở vào mà không chấp nhận hơi thở ra, thì sự sống của chúng ta như thế nào? Chúng ta ai cũng thở vào và thở ra, nhưng chúng ta ít ai để ý đến hơi thở vào và ra của chính mình và trân trọng nó trong từng phút giây của sự sống. Thở vào và thở ra hay nhập và xuất thực phẩm mỗi ngày của thân thể chúng ta đều là những tố chất tạo nên mùa xuân cho chúng ta. Nếu chúng ta chỉ có thở vào mà không thở ra hoặc thở ra mà không thở vào hay chúng ta chỉ có nhập thực phẩm vào miệng trên mà không xuất phế phẩm ra ở miệng dưới, thì mùa xuân sẽ không bao giờ có mặt với chúng ta. Mùa xuân không bao giờ có mặt cho những ai chỉ biết ăn mà không biết đi toilet. Thuận và  nghịch là hai yếu tố luôn luôn tương tác trong đời sống của mỗi chúng ta. Chúng ta phải biết như vậy, để khi thở vào, chúng ta thở cho hết lòng và khi thở ra chúng ta cũng phải thở bằng tất cả tấm lòng. Chúng ta phải biết thuận nghịch một cách rõ ràng như vậy, để khi ban ngày đến, chúng ta sống cho đẹp đối với ban ngày và khi đêm về, chúng ta cũng sống cho đẹp đối với ban đêm. Khi ăn chúng ta phải ăn cho đẹp, khi đi toilet chúng ta cũng phải đi toilet cho hết lòng. Khi ăn, ta phải có tỉnh thức, từ bi và biết ơn trong khi ta ăn và trong khi đi toilet, ta cũng phải có tỉnh thức, từ bi và biết ơn trong khi ta đi toilet. Hay khi thở ra và thở vào, ta đều phải thở ở trong sự tỉnh thức, từ bi và biết ơn. Tất cả những cái thuận nghịch đó đều tạo nên mùa xuân cho chúng ta, nếu chúng ta có tỉnh thức, từ bi và biết ơn đối với chúng. Khi thở ra giúp ta có 50% hạnh phúc, khi thở vào giúp ta có 50% hạnh phúc. Cũng vậy,  khi ăn giúp ta có 50% hạnh phúc và khi đi toilet giúp ta có 50% hạnh phúc. Như vậy, muốn hạnh phúc 100%, ta phải có tỉnh thức, từ bi và biết ơn trong khi ta thở vào và ra hay trong khi ta ăn và trong khi ta đi toilet mỗi ngày.

Cho nên, chúng ta phải tiếp nhận mùa xuân ngay nơi cảnh thuận nghịch của mỗi chúng ta. Người ghét ta có thể tạo nên mùa xuân cho chúng ta, nếu chúng ta biết ôm ấp, lắng nghe những lời chỉ trích từ phía đối lập. Cái bất hạnh lớn nhất của chúng ta là không có ai chỉ trích hay góp ý cho chúng ta. Cái bất hạnh nhất của chúng ta là chúng ta chỉ cử động được một phía hoặc một phần của thân thể mà không có khả năng cử động toàn thân thể. Chúng ta chỉ chuyển động được một phần thân thể bên trái, mà không có khả năng chuyển động được phần thân thể bên phải, thì xuân đến với chúng ta chỉ có nửa vời. Xuân đến với ta nửa vời là do chúng ta có sự hiểu biết nửa vời đối với xuân. Mùa xuân thực sự có mặt với chúng ta, khi chúng ta biết chấp nhận sự thuận nghịch trong đời sống của mỗi chúng ta với sự tỉnh thức, từ bi và biết ơn. Chính sự tỉnh thức, từ bi và biết ơn giữa thuận và nghịch, tạo thành cho chúng ta một mùa xuân toàn diện.

Mất và được.

Nhìn lại năm Bính Thân, chúng ta thấy chúng ta mất gì và được gì. Chúng ta cũng sẽ nhìn lại năm Đinh Dậu, chúng ta sẽ mất gì và chúng ta sẽ được gì. Chúng ta được một tuổi thì chúng ta cũng mất đi một tuổi. Sống giữa cõi đời không có ai được hoàn toàn và cũng không có ai mất hoàn toàn. Trong cái được đã có mầm mống của cái mất và trong cái mất cũng có mầm mống của cái được. Chân lý xưa nay vốn như vậy. Sở dĩ, chúng ta không có mùa xuân, vì chúng ta không có khả năng chấp nhận cái mất có mặt ở trong cái được và cái được có mặt ở trong cái mất. Phần nhiều chúng ta chỉ chạy theo cái được và từ chối cái mất, nên chúng ta không có khả năng chế tác mùa xuân cho chính chúng ta và chúng ta cũng không có khả năng hiến tặng mùa xuân cho nhiều người. Nên nhớ, sống giữa đời không có ai là người hoàn toàn mất hay hoàn toàn được. Mỗi ngày đi qua đời ta là mỗi ngày ta đều có được và mất. Nếu không có được và mất mỗi ngày, thì làm gì trong đời sống của mỗi chúng ta có mùa xuân, mùa hạ, mùa thu và mùa đông.

Cho nên, chúng ta phải nhìn kỹ năm Bính Thân ta được gì, ta mất gì? Năm Đinh Dậu ta được gì, ta mất gì.  Và những năm tiếp theo ta sẽ được gì, ta sẽ mất gì. Nếu chúng ta là những người có trí ở trong cuộc đời, thì chúng ta nên để cho lòng tham, sự sân hận, sự trách móc, sự si mê, mù quáng, cố chấp mất đi ngay nơi những hành động của chúng ta, mất đi ngay nơi những suy nghĩ của chúng ta và nếu chúng ta là những người có trí thì hãy để những nguyên nhân sinh khởi khổ đau mất đi, ngay trong mọi hành hoạt của chúng ta, khiến chúng ta đạt được những tâm ý vô tham, đạt được những tâm ý trong sáng không giận dữ, không vì mình quên người. Những bậc có trí trong đời, sống với tâm ý được và mất như vậy, nên họ lúc nào, ở đâu, sống với ai cũng có an lạc, cũng có mùa xuân cho chính họ và cho người khác. Chúng ta nên nhớ rằng, điểm hẹn cuối cùng của được là mất. Chúng ta hãy thường xuyên quán chiếu điều này, để chúng ta thực sự có tự do trong khi ta được và thực sự có tự do trong lúc ta mất. Nhờ quán chiếu thường xuyên như vậy mà tâm ta có sự tỉnh thức và tự do giữa được và mất, khiến xuân đối với ta không bị giới hạn bởi một mùa mà bốn mùa đều là xuân. Trí hay ngu, phàm hay thánh, mê hay ngộ, Phật hay chúng sanh, nếu có khác nhau, thì khác nhau ở điểm này mà không phải điểm nào khác.

Sống ở trên đời có ai mà không được, có ai mà không mất. Nhưng được ở trong sự tỉnh thức và mất cũng ở trong sự tỉnh thức là cái được và cái mất của bậc Thánh trí mà những kẻ phàm phu cần phải noi theo để học tập. Được ở trong sự tỉnh thức và mất cũng ở trong sự tỉnh thức, nên cả được và mất đều tạo thành mùa xuân cho chúng ta.

Kiêu hãnh và thất bại

Năm này là năm của chú gà trống Đinh Dậu. Tiếng gà gáy oang oang trong đêm trường cô tịch, để báo điểm giờ giấc cho con người thức dậy, đó là niềm kiêu hãnh của chú gà trống. Nhưng cũng có khi do sự kiêu hãnh này mà chú gà bị thất bại về sự hiểu biết và giao tiếp đối với những gì chung quanh chú và láng giềng của chú. Do bệnh kiêu hãnh này, nên trong kho tàng ca dao Việt Nam đã có một câu nhận định rất hay về chó và gà: “Chó ỷ nhà, gà ỷ vườn”.  Chó ỷ nhà, nên chú chó chỉ quanh quẩn trong nhà của chú và không có khả năng chấp nhận bất cứ chú chó nào từ phía láng giềng đến nhà của chú. Gà ỷ vườn, nên chú gà chỉ quanh quẩn trong khu vườn của chú và không có khả năng chấp nhận bất cứ chú gà nào từ hàng xóm đến sinh hoạt trong vườn của chú. Chú gà chỉ kiêu hãnh ở trong bốn bức tường vườn của chú mà thôi. Kiêu hãnh ở trong bốn bức tường là kiêu hãnh sinh ra từ sự cục bộ và ngu dốt. Do ngu dốt mà kiêu hãnh. Do ngu dốt mà cục bộ. Càng kiêu hãnh từ sự ngu dốt lại càng bần tiện. Đem sự bần tiện mà giữ vườn, thì mọi sự hiện hữu ở trong khu vườn ấy đều là phản ảnh đúng cái bần tiện của kẻ giữ vườn cục bộ vậy. Cho nên, kiêu hãnh từ sự ngu dốt là trá hình của mọi sự thất bại.

Cũng vậy, ở trong đời, những ai tự cho mình là thế này, là thế kia với tâm đầy kiêu hãnh, thì mùa xuân sẽ không bao giờ xảy ra cho chính họ. Kiêu hãnh có mặt ở đâu, thì ở đó có sự dừng lại và thoái hóa. Kiêu hãnh là nguyên nhân của mọi sự thoái hóa và thất bại.

Khiêm nhẫn và thành Công

Khiêm là khiêm cung, nhẫn là kham nhẫn. Không có sự thành công nào mà không đi từ nơi khiêm cung, không có sự thành công nào mà không đi từ sự kham nhẫn. Không có khiêm cung, không có kham nhẫn chúng ta sẽ không có thành công. Thành công rồi mà chúng ta không có khiêm cung thì thành công đó là trá hình của sự thất bại. Có nhiều người thành công, nhưng không duy trì được sự thành công của mình lâu dài, vì thiếu tính khiêm cung. Cho nên, mùa xuân không bao giờ hiện hữu một mình, mùa xuân hiện hữu với mùa đông, mùa xuân hiện hữu với mùa hạ, mùa xuân hiện hữu với mùa thu. Mùa xuân rất khiêm cung và kham nhẫn đối với các mùa, nên mùa xuân luôn luôn có mặt ở trong các mùa và là niềm hy vọng, cũng như là sức sống của các mùa. Nên, mùa xuân là điểm đến và thành công của tất cả các mùa.

Cũng vậy, trong đời sống sự khiêm nhẫn tạo nên thành công cho chúng ta. Sự khiêm nhẫn tạo thành mùa xuân cho tất cả chúng ta.

Chấp nhận và chuyển hóa

Trong cuộc đời này không có ai hiểu hết được ai. Vì sao? Vì con người là một sự hiện hữu trong dòng sinh diệt tương tác và tương tục giữa nhân duyên và nhân quả của tâm thức nhiều đời. Không hiểu được nhân duyên, nhân quả, chúng ta không bao giờ hiểu được con người. Nhân duyên, nhân quả của con người được tạo nên từ chính tâm thức của chính họ và được xông ướp bởi hoàn cảnh của họ. Do tâm thức sai biệt, khiến tác nghiệp sai biệt và do tác nghiệp sai biệt, nên chúng ta tuy là người, nhưng không có người nào giống người nào. Chúng ta là con người, chúng ta có thể biết nhau, quen nhau, nhưng chúng ta không bao giờ hiểu biết hết nhân duyên, nhân quả, nghiệp báo của nhau và không bao giờ hiểu biết hết những diễn biến trong tâm thức của nhau.

Năm ngón tay ở nơi bàn tay của mỗi chúng ta, không có ngón nào giống ngón nào. Không có ngón nào giống ngón nào hết, đó là sự thật. Chúng ta phải thấy sự thật này để chấp nhận sự khác biệt của nhau và giúp nhau tạo nên hạnh phúc. Mùa xuân chỉ thật sự có mặt, khi chúng ta biết chấp nhận nhau và cùng nhau chuyển hóa những yếu tố thấp kém từ nơi nhận thức, từ nơi tâm hồn, để cùng nhau thăng hoa cuộc sống. Biết chấp nhận sự khác biệt của nhau để cùng nhau chung sống, đó là một trong những sự thông minh của con người. Biết chấp nhận cái hay của nhau để học hỏi và chấp nhận cái dở của nhau để giúp nhau chuyển hóa là con người có khả năng bước thêm một bước nữa để tiến bộ và cùng nhau đi tới với một mùa xuân đích thực của cộng đồng. Biết chấp nhận cái xấu của nhau để giúp nhau chuyển hóa; biết chấp nhận cái tốt của nhau để giúp nhau thăng hoa, đó là một ý thức tiến bộ. Ý thức ấy đẩy chúng ta đi tới với mùa xuân. Thiếu sự hiểu biết này, chúng ta không bao giờ có tiến bộ và chúng ta không bao giờ có sức mạnh của sự sống. Đây là điều mà tất cả chúng ta cần phải thường xuyên quán chiếu, để mùa xuân không còn là một sự mơ ước mà là một hiện thực trong đời sống của mỗi chúng ta.  

Chấp nhận một sự thật cao quý, thì ai cũng có thể, nhưng chấp nhận một sự thật phũ phàng thì rất ít người có thể. Người có sức sống và có niềm tin, họ có khả năng chấp nhận cả hai sự thật ấy để tái tạo hạnh phúc cho chính họ. Chúng ta biết chấp nhận sự thật, dù là một sự thật phũ phàng, thì mọi tiến bộ mới có thể bắt đầu sinh ra trong đời sống của mỗi chúng ta và khi ấy, chúng ta mới có khả năng tạo ra mùa xuân cho chính chúng ta.

Tôi nhớ cách đây hơn 20 năm, khi tôi đang còn dạy ở Tổ đình Từ Hiếu- Huế, các nhà nghiên cứu về giáo dục của Anh, Pháp, Đức và Hoa Kỳ, họ đến nghiên cứu hệ thống giáo dục của Việt Nam. Khi họ đến Huế để nghiên cứu, họ có đến chùa Từ Hiếu – Huế gặp tôi và xin trao đổi một số vấn đề giáo dục có liên quan đến Phật giáo Bộ phái và Đại thừa. Sau khi trao đổi xong, họ than phiền với tôi rằng: “Nền giáo dục Việt Nam hiện nay không có gì phát triển so với các quốc gia trong vùng”.  Họ nói: “Họ thấy ở Việt Nam trong thời điểm này nhà hàng, nhà ăn phát triển nhiều hơn nhà trường. Nhà hàng, nhà ăn phát triển rất sang trọng so với các nước trong vùng, nhưng các trường học rất ít phát triển và rất cũ kĩ, kể cả những phương pháp giáo dục”.

Khi nghe như vậy, tôi rất khó chịu, cảm thấy xấu hổ, lòng tự ái dân tộc trong tôi phát sinh, mặc dù tôi đang là một tu sĩ Phật giáo. Vì tự ái, tôi đã cố gắng biện minh cho những yếu kém ấy. Tôi đã nói với các nhà nghiên cứu ấy rằng: “Ở Việt Nam chúng tôi, mỗi gia đình là mỗi trường học. Mỗi người làm cha mẹ là mỗi thầy giáo, cô giáo của gia đình. Giáo dục của Việt Nam rất chú trọng đến gia giáo hơn là học đường”. Nghe tôi biện minh như vậy, những nhà nghiên cứu ấy đều gật đầu. Họ cảm ơn tôi và ra về. Nhưng khi họ ra về, tôi cảm thấy xấu hổ, vì mình chỉ có khả năng che giấu và biện minh cho sự yếu kém mà không có khả năng chấp nhận sự thật của yếu kém. Bấy giờ, tôi tự trách mình là tu tập còn quá yếu không dám chấp nhận sự thật đang diễn ra trước mặt mình và chung quanh mình. Cho đến bây giờ, mỗi khi tôi nghĩ đến điều mà mình đã từng biện minh ấy, tôi cảm thấy tự xấu hổ và liền khởi tâm sám hối.

Kể câu chuyện này, tôi mong rằng, trong mỗi chúng ta phải dẹp đi mọi tự ái, mọi kiêu hãnh phù phiếm, để cho mùa xuân chân lý được hiển lộ ra trong đời sống của mỗi chúng ta. Bệnh nhân che giấu bệnh với bác sĩ, thì chỉ có chết thôi, chứ không có một bác sĩ tài năng và lương tâm nào có thể cứu giúp bệnh nhân thoát khỏi bệnh.

Chúng ta chỉ có mùa xuân, khi nào chúng ta thấy và biết chấp nhận sự thật của các mùa hạ, mùa thu và mùa đông ở trong đời sống và ở trong mọi hành hoạt tỉnh thức và từ bi của chúng ta.

Kính chúc Đại chúng một mùa xuân mới đầy hạnh phúc, an lạc ở trong sự tỉnh thức và từ bi.

                 (Thầy Thích Thái Hòa giảng – Đệ tử: Nhuận Phật Hạnh – Nhuận Hạnh Châu kính phiên tả)

 

 

                                                                                                                            

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
07/01/2025(Xem: 1048)
Bản tin Mừng Xuân Ất Tỵ 2025 của Tu Viện Quảng Đức, Melbourne, Úc Châu
17/01/2025(Xem: 391)
Hàng xóm biếu tờ lịch mới Ô hay, đã hết một năm! Từ bữa thảo am khép lối Bốn mùa biếng tiếp khách thăm. Cứ mãi chực quên cạo tóc Đêm rằm, trăng nhắc bên song Cuối tuần, vài trò nhỏ học Ngày qua tháng lại xoay vòng.
15/01/2025(Xem: 384)
Lại thêm 365 ngày lặng lẽ trôi qua với dòng thời gian vô tận, nhưng với đời người thì quá ngắn ngủi và mỏng manh. Nhìn lại một năm trôi qua, không ít người thân và bạn hữu đã trở thành người thiên cổ. Một năm trôi qua cũng lắm cảnh thịnh suy và biến đổi không ngừng. Nhưng cũng không vì vậy, khiến chúng ta phải sanh khởi những nỗi bi quan yếm thế. Như Ngài Vạn Hạnh thiền sư (938 - 1018) đã dạy “Nhậm vận thạnh suy vô bố uý, thạnh suy như lộ thảo đầu phô”, tạm dịch : Nhìn thấy thạnh suy chớ có sợ, Thạnh suy như hạt sương rơi đầu cành.
15/01/2025(Xem: 410)
Tết là tiếng thật thân thương và trìu mến đối với người Việt Nam chúng ta, đặc biệt là ở Hải ngoại. Tết thường rơi vào những tháng lạnh nhiều ở Hoa Kỳ. Tuyết rơi ngập trời và không khí buốt giá. Do vậy giúp cho không khí ngày Tết nhiều ấm áp khi con cháu, cha mẹ và người thân được quây quần với nhau bên lò sưởi. Đây cũng là dịp để chúng ta giúp con cháu mình biết rõ hơn về nguồn gốc của họ.
14/01/2025(Xem: 671)
Có phải sự trở về hàng năm của ngày Tết? Mang lại thông điệp của sự tươi vui, yêu thương Truyền hơi ấm xoa dịu đi một thời vất vả phong sương Ôi!….cảm giác của một cái gì đầy nhân văn triết lý!
12/01/2025(Xem: 695)
Xuân đến lá hoa cây cảnh tươi, Đông đi mai mĩm miệng cười vui, Nhã hương thơm ngát cho nhân thế, Thổi gió mát tươi đến lòng người. Ân oán tan dần thêm bạn hữu, Tri kỷ thâm giao hợp đạo trời. Cố giữ cho lòng luôn như thế, Để xuân mãi mãi với cõi đời.
02/01/2025(Xem: 619)
Từ thời tiền sử, đã có ý thức về con người, vũ trụ! Năng lực siêu phàm của con người … tạo dựng nền văn minh Và sự luân hồi tuần hoàn của mọi sinh vật là bất tận hành trình Mà nhịp thời gian thay đổi đều theo chu kỳ thống nhất !
01/01/2025(Xem: 455)
Xuân Ất Tỵ 2025 đang trở về với người con Phật trong và ngoài Úc Châu. Trên góc nhìn người học Phật, chúng ta thấy rằng thế nào mới là mùa xuân thực sự? Người đời khi có niềm vui thì cho rằng có mùa xuân, dù cho mùa xuân đó thoáng qua trong ba ngày tết, hay 3 tháng mùa xuân. “Trì nhật giang san lệ, Xuân phong hoa thảo hương” (Xuân về non nước đẹp tươi, Gió đưa hương ngát muôn loài cỏ hoa) [thơ của Đỗ Phủ] Xuân của thi nhân có cái nhìn lung linh ảo diệu như thế, nhưng nó sẽ thoáng qua và cuối cùng đọng lại một chút dư hương của cuối mùa, để rồi tiếc nuối, nhớ thương hay giận hờn oán trách: “Tôi có chờ đâu, có đợi đâu Đem chi xuân lại gợi thêm sầu?” (Thơ của Chế Lan Viên)
01/01/2025(Xem: 950)
Ngày đầu năm mới, chút rạo rực với bao điều từng mơ ước! Dự định tương lai tuy hoạch sẵn trong đầu Cảm giác được chăm sóc ngạc nhiên vẫn hằn sâu Hứa hẹn sự mầu nhiệm, kỳ diệu luôn hiện hữu!
17/12/2024(Xem: 615)
Tháng 12, những ngày cuối năm, khi những tờ lịch đã mỏng dần và ngoài Trời mang chút không khí se lạnh cùng một vài cơn mưa còn sót lại, thời tiết đã bắt đầu giao mùa, lòng người cũng trở nên thâm trầm lắng đọng cho những suy nghĩ về một năm sắp sửa trôi qua! Những gì đang chất chứa trong lòng bạn? Có phải những lo toan về thu nhập cuối năm, những kế hoạch về quê, sửa sang nhà cửa, những chuyến du lịch mua sắm và những dự định còn sót lại? Mỗi người đều bắt đầu chạy đua để hoàn thành những mục tiêu cho bản thân mình.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]