Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hương của nhang

24/02/201506:09(Xem: 5172)
Hương của nhang

di chua 4Tết là dịp để con người vui chơi thoải mái sau một năm làm việc, Tết cũng là thời điểm để người Phật tử hướng về Phật, về tổ tiên để thành kính tri ân. Nhang là phẩm vật không thể thiếu khi thực hiện ý nghĩa ấy.

Nhang (hương) vốn được làm từ thân cây hoặc lá có mùi hương, đặc biệt là cây có tinh dầu thơm; khi đốt lên, mùi hương tỏa ra nhẹ nhàng. Từ nguyên thủy, nhang được dùng trong lễ nghi tôn giáo, và có tư liệu phương Tây (Wikipedia tiếng Anh) cho rằng, có thể nguồn gốc của nhang là từ Ai Cập cổ đại, lấy nguyên liệu từ các xứ bờ biển Ả Rập và Somali.

Cây nhang có mặt trong đời sống tâm linh của người Việt từ lâu đời, và có thể lâu đời hơn tại hai nước lớn có truyền thống văn hóa xa xưa là Ấn Độ và Trung Quốc. Trong tập ký sự Mùi trầm hương, tác giả Nguyễn Tường Bách cho biết ở Ấn Độ: “Vào ngồi chiếc taxi cũ kỹ của họ, tôi đã thấy ngay cây hương”, “hương hầu như màu đen”. Gần đây tôi thấy có loại hộp nhang Ấn Độ, mùi đậm đặc, cây nhang chỉ dài một tấc. Còn ở Thái Lan, cũng theo tác giả trong tập ký sự đó: “Hương của họ không khác hương của ta bao nhiêu”. Tác giả có thêm nhận xét về hương Trung Quốc: “Hương có mùi giống như hương Việt Nam, nhưng lạ thay, cây nào cây nấy to giống như que củi”. Thật ra, có nhiều hương không cần cây (ví dụ hương trầm hình chóp, hoặc hương ngắn như hương Ấn Độ nói ở trên), nhưng hương có cây thì tiện cho việc cắm. Trong thế giới phẳng ngày nay, cây hương có mặt khắp nơi. Tôi đang giữ làm kỷ niệm hộp hương rất trang nhã của Nhật Bản xuất khẩu qua Mỹ, cây hương đẹp thanh mảnh và đều đặn, màu đất ngả chút xanh rêu, chiều dài chỉ 15cm, đặc biệt là không có chân hương, cho nên khi thắp lên, hương được cắm trên giá, và thơm thì quả là thơm, nhưng nặng và gắt quá, không hợp với mình.

Cây hương có thể có nhiều công dụng, nhưng công dụng đầu tiên mà con người nghĩ đến là dùng vào việc thờ cúng. Hương không chỉ trong chùa, trong nhà, hương còn được thắp trong vườn để cúng những người khuất mặt, hương thắp trên nấm mồ, hương trong những buổi lễ tưởng niệm… Hương là vật phẩm không thể thiếu trong đời sống lễ nghi của quốc gia, của tôn giáo và trong đời sống tâm linh của mọi người.

Nhu cầu về hương là rất lớn và đều khắp. Vì vậy, nơi đâu cũng làm hương, từ nông thôn đến thành thị, với tính cách tiểu thủ công cho đến cải tiến một số quy trình theo công nghệ. Phụ nữ nông thôn và ngoại thành có thể sử dụng thời gian nhàn rỗi để xe hương, kiếm thêm chút thu nhập, tuy rất khiêm tốn. Họ chỉ cần đến các nơi bán sẵn: từng bó cây tăm tre dài đã nhuộm màu đỏ thẩm và phơi khô, chất bột hương đã nhuyễn tùy loại (hoặc nhập các nguyên liệu để mình tự trộn), và với dụng cụ bàn xe đơn giản, họ xe từng cây hương cho chất bột bám đều vào cây tăm, sau đó phơi khô. Tôi đã dùng thường ngày loại hương trầm bình thường như thế, từ một người em họ tận bên kia phá Tam Giang, hương thơm không chỉ từ hương mà còn từ nắng gió của quê nhà.

Ngày nay, có những cơ sở lớn làm luôn mọi khâu, chỉ trừ làm thẻ: nhập nguyên liệu, chế tạo thành phẩm, cho vào phễu lớn của máy, và một người điều khiển đẩy từng thẻ vào, máy tự động xe hương và cây hương thoát ra theo nhịp độ của thẻ đưa vào. Tuy nhiên, có một phần việc mà hiện đại thua thô sơ: đó là phơi khô, việc này ông trời làm tốt hơn máy sấy (vì máy dễ làm mất mùi hương), cho nên dân làm hương cầu mong trời nắng.

Nguyên liệu làm hương thì rất phong phú và theo từng địa phương, tuy nhiên người sử dụng thường phân ra hai loại: hương trầm có giá trị cao vì có mùi trầm, và hương thường không thơm hoặc có mùi thơm khác với mùi trầm.

Hương trầm Huế vốn là đặc sản lâu đời của đất cố đô, và ngày nay vẫn được thị trường trong nước ưa chuộng. Không những hương có mùi vị đặc trưng của trầm mà còn vì có hình thức thanh, hương xe mịn, đều và cháy hết. Thật ra, ở Huế người ta cũng dùng hương loại thường, nhưng phổ biến trong các nghi lễ vẫn là hương trầm, cho dầu trầm có thể chất lượng cao, có thể là chút ít bột trầm, và cũng có thể là các sản phẩm và phụ gia đem lại hương thơm tương tự trầm.

Trên tiến trình công nghiệp hóa của đất nước, những sản phẩm thủ công, mỹ nghệ truyền thống khó khăn lắm mới tồn tại, tuy nhiên, các cơ sở làm hương từ gia đình, đến cơ sở sử dụng công nghệ vẫn có đất sống; không những thế, ở Huế đã hình thành những con đường rực rỡ hương – hương phơi trên giàn, hương bó lại phía cuối chân hương để xòe ra chi chít thân hương như đóa hoa lớn nở xòe – làm rực rỡ cảnh quan và hấp dẫn khách du lịch, đặc biệt nhất là con đường ngắn Huyền Trân Công Chúa, gần lăng Tự Đức, được khách nước ngoài tham quan và mua hàng một cách thú vị.

Được làm ra từ bàn tay của những người lao động chân chất, cây hương được thắp trên bàn thỷ để con người thả hồn vào thế giới tâm linh, và trải qua thời gian, công dụng đó vẫn là độc tôn. Một ngôi nhà không chỉ là nơi ăn ở, sinh hoạt, vui thú của những thành viên trong gia đình, mà còn là nơi phảng phất hình bóng người xưa. Bàn thờ, lư hương, bát nước là thiêng liêng, cho dầu cửa nhà sa sút, gia chủ cũng luôn luôn giữ những vật thờ thiêng liêng này. Ngoài bàn thờ ông bà, đối với những gia đình theo đạo Phật, còn có bàn thờ Phật được thiết lập ở vị trí tôn nghiêm nhất.

di chua 2

Mọi người trong gia đình nhớ đến Phật, nhớ đến tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã khuất, cụ thể bằng hành động thắp hương vào thời điểm nhất định trong ngày, có thể là sáng sớm, có thể là đêm khuya. Những ngày rằm, mồng một, ngày Tết, ngày lễ, ngày kỵ, bàn thờ được uy nghi và sáng sủa hơn nhờ hương, đèn, hoa, quả và phẩm vật, làm cho không khí gia đình thêm thiêng liêng và ấm cúng.

Nhìn đốm đỏ, một chút khói, một mùi hương nhẹ, một lúc lắng đọng tâm, con người quên đi những lao xao vọng động. Việc thắp hương trên bàn thờ là bài học luân lý đi sâu vào tàng thức và một thực tập định tâm nhẹ nhàng. Đốm lửa hương nhỏ thế mà làm ấm cả ngôi nhà, gắn kết mọi người trong gia đình, gắn kết cả người đương thời và người khuất mặt. Đốm lửa đó cũng được thắp lên từ tay bà mẹ khi người thân trong gia đình đang nhập viện chờ ca mổ, đốm lửa đó cũng sáng lên niềm hy vọng từ cha mẹ nghèo vừa tiễn đứa con lên đường thi tuyển sinh đại học, đốm lửa đó cũng là lời kính cẩn tường trình ôn mệ của đứa cháu mới từ phương xa trở về nhà… Bao nhiêu chuyện buồn vui cũng biểu thị qua cây hương, cho nên, khi con đã trưởng thành, lập gia đình và ra riêng, người con lại nối tiếp thắp hương trên bàn thờ.

Thắp hương là để tưởng nhớ đến người xưa. Người xưa là danh nhân, anh hùng liệt sĩ, là chiến sĩ vô danh, là đồng bào tử nạn… Người xưa không chỉ là tổ tiên, người thân qua đời, mà biết bao người đã ngã xuống, ở khắp nơi, kể cả trong khu vườn, bên vệ đường… Riêng ở thành phố Huế, biết bao nhiêu nghĩa tử, oan hồn, biết bao nạn nhân do chiến tranh, nạn đói, bệnh dịch… ít nhất là từ thời nhá nhem tranh chấp giữa lưu dân Việt và cư dân Chăm, rồi đến những biến cố như thất thủ kinh đô (23/5 Ất Dậu, tức 5/7/1885), nạn đói năm Ất Dậu (1945), và nhất là qua giai đoạn chiến tranh khốc liệt vừa qua. Những đau buồn đó khiến dân Huế có tập tục cúng cô hồn, và thắp hương ở nhiều nơi.

Một số chùa ở Huế còn thắp hương và bày mâm cúng cô hồn người Chăm (mâm cúng không bày trên bàn mà đặt trên đất). Nhiều hàng quán hàng ngày  đều thắp hương tại nơi bán, có quán thì hai ngày rằm, mồng một thắp hương, khấn vái, như thỉnh cầu Trời Phật chứng minh lòng thành và van vái những oan hồn phù hộ, cho họ yên ổn làm ăn. Ngay những người đạp xích lô cũng thắp hương và khấn vái tại nơi thường xuyên đậu xe, và lư hương của họ có thể đặt ở gốc cây đa, gốc cây bồ đề hoặc gốc cây cổ thụ mà họ tin là linh thiêng. Chuyện tín ngưỡng như thế diễn ra một cách đơn giản và âm thầm, với hình thức thắp hương khấn vái, và thỉnh thoảng có dâng hoa quả đơn sơ vào thời điểm đêm hôm vắng người, hoàn toàn không ảnh hưởng đến phố phường rộn rịp, xe cộ qua lại. Một sự kiện rất cảm động mà sau này tôi mới biết là chính những người xích lô và xe ôm hành nghề ban đêm đã thường xuyên thắp hương tại Đài Thánh Tử Đạo (góc dốc cầu Trường Tiền và đường Lê Lợi), và đã thay lư hương mới khi có kẻ xấu hủy hoại lư hương.

Tập tục tâm linh này không dính dáng đến chuyện cỗ bàn và thắp hương khấn vái của một số người trong các cơ quan vào các ngày rằm, mồng một âm lịch, kể cả trong các dịp tạ ơn lên chức, cũng như trong các hình thức gọi là phong thủy. Một bên là thành kính với Trời Phật cùng những kẻ khuất mặt và mong được yên ổn làm ăn của những người lao động chân chất; còn một bên là cầu tài, cầu lộc với hương hoa phẩm vật bày biện đẹp đẽ của những người có chức quyền. Trong tạp văn “Biết nói thế nào nữa” (Tạp văn, truyện ngắn Tô Hoài, Nhà XB Hội Nhà văn, 2004), nhà văn tả một giám đốc mới được lên chức, chuẩn bị phòng làm việc: “Giám đốc đi với ông thày. Không ai biết là thày cúng, bởi vì ông thày bùa này còn trẻ, cũng quần áo cán bộ như ta. Chắc ông ấy cũng làm cơ quan nào đấy, kiêm thêm xem bói, làm thầy cúng. Ông thắp hương, thắp nến linh tinh, vừa rả rượu vừa khấn hay lắm. Ông yểm bốn lá bùa bốn góc tường này, rồi ông bắt quyết chỉ hướng kê bàn, kê tủ phía nào. Giám đốc đóng cửa, mọi việc đều làm bí mật”.

Chuyện thắp hương của những người lao động hoặc buôn bán nhỏ hai bên đường đã làm cho họ hiền thiện hơn: ông xích lô biết thương bà mệ tần tảo buôn bán thường đi xe mình, chị bán quán có thể bán rẻ cho sinh viên nghèo, anh sửa xe có thể cho mắc nợ ông già đi xe đạp…

Kết tụ tinh anh từ cây tre Việt Nam, từ những cây lá thơm hiền của núi rừng Việt Nam, cây nhang tỏa hương với bàn tay búp sen cung kính Phật, với niềm tin hiền thiện đến Trời Đất, với đạo lý uống nước nhớ nguồn, với niềm san sẻ đau khổ nhân gian. Không cần nhiều, một cây hương là đủ. Thắp một cây hương ngay ngắn, thành kính, đủ để mình tịnh hóa thân tâm.

Cây hương đang cháy là hình ảnh của vô thường. Một cây hương với đốm lửa, tinh anh tỏa ra, rồi từ từ ngắn lại, cho đến một chút khói cuối cùng. Cũng như thế, một kiếp người! •

(TC. Văn Hóa Phật Giáo)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/02/2015(Xem: 9225)
Mỗi năm khi mùa xuân đến mọi người rộn rã đón xuân. Không khí xuân dường như phảng phất đâu đây khiến lòng mình cũng lân lân, thơ thới. Nhà nhà bận bịu lo dọn dẹp, trang hoàng. Người người xúng xính áo quần đi lễ Phật đầu năm cầu chúc nhau mọi điều như ý, vạn sự bình an suốt năm.
07/02/2015(Xem: 6511)
Xuân đến xuân lưu nỗi vui mừng Mọi nhà hạnh phúc mãi trào dưng Đời luôn tươi đẹp năng tu tập Hoa xuân rạng rỡ mãi không ngừng
07/02/2015(Xem: 7039)
Mỗi lần xuân đến, những tạp chí Phật giáo đây đó thường nô nức nhắc đến bài kệ thơ của Thiền sư Mãn Giác với những bài tụng ca, bình giảng thật vô cùng trân trọng. Thi thoảng ta cũng bắt gặp đâu đó trong các bài bình luận văn học, cành mai kia cũng lọt vào cặp mắt xanh của các vị giáo sư, tiến sĩ với thẩm quyền chuyên môn về kiến thức và nhãn quan của mình. Ai cũng nói đấy là bài thơ thiền. Và, giá trị mỹ học tuyệt vời của nó, dẫu đã một ngàn năm qua đi, vẫn còn mới mẻ, tinh khôi như giọt sương, như ánh nắng long lanh giữa ngàn cây, nội cỏ...
07/02/2015(Xem: 6281)
Sau những cơn mưa và giá rét của mùa đông đánh dấu sự chấm dứt trạng thái già cỗi của một chu kỳ tuần hoàn của vũ trụ v à khai sinh một lộ trình mới, tươi, trẻ và đầy sức sống của mùa xuân. Ở đó, vạn vật thay đổi toàn diện từ trong ra ngoài. Những cành khô trụi lá được thay thế bằng lộc non xanh tươi. Màu u ám của bầu trời nhường chỗ cho ánh dương quang rực rỡ. Lòng người cũng vui theo với cuộc đời đổi thay sắc diện. Hy vọng và ước nguyện được gửi trao vào cõi thời không như dường mới mở ra một vận đồ kỳ diệu, mà thời điểm thiêng liêng nhất là phút giây gặp gỡ mầu nhiệm của đất và trời, của thời và không, của tâm và cảnh ở thời khắc giao thừa.
06/02/2015(Xem: 6257)
Xuân Di Lặc Ất Mùi đang về đến Khắp muôn nơi nô nức đón xuân sang Viện Quảng Đức chuẩn bị khá rộn ràng Từ tất niên cho đến vào xuân mới
06/02/2015(Xem: 6828)
Thế là đã hơn 16 năm rồi tôi chưa về quê hương ăn Tết. Xuân và hoa vẫn tưng bừng ở đó mà người ra đi đã mất chỗ ở quê hương! Tôi chưa hưởng lại không khí rộn ràng, đầm ấm của những ngày Tết ở quê nhà; mỗi lần nhớ đến lòng tôi xôn xao vừa ngậm ngùi, chạnh nghĩ về quê xưa mà lòng se sắt nhớ!
06/02/2015(Xem: 6445)
Năm Mùi lại sắp đến và ta thường hỏi là tại sao tên gọi là Mùi, không là dê, dương hay vị ...? Phần này đưa ra vài cách nhìn hầu giải thích phần nào các lý do dẫn đến hiện tượng trên. Ngôn ngữ con người biến đổi theo thời gian (âm cổ và âm hiện đại) và không gian (phương ngữ, thổ ngữ, ngữ hệ), thành ra phần này sẽ bàn về các dữ kiện minh xác kết quả trên. Đây cũng là mục đích chính của loạt bài "Nguồn gốc Việt (Nam) của tên 12 con giáp", phần này tiếp theo bài "Nguồn gốc Việt Nam của tên 12 con giáp – Mùi/Vị - *mjei – Dê (phần 15)". Các bài viết sau nhưng cùng một chủ đề sẽ đánh số với mẫu tự A, B, C… Hi vọng loạt bài này gợi ý và tạo thêm động lực cho người đọc tìm hiểu thêm về tiếng Việt và những liên hệ ngôn ngữ thật thú vị. Các chữ viết tắt trong bài này là LM (Linh Mục), BK (Bắc Kinh),
05/02/2015(Xem: 8254)
Như thường khi, vào những dịp cuối năm với bề bộn lo toan ngày tết mới, tất cả ai ai cũng đều chăm chú vào từng tờ lịch phía dưới của ngày âm lịch mà thường khi ngươi ta ít khi chú ý đến ngoại trừ phải tính các ngày giỗ, thôi nôi hay tang chế.v…v…
05/02/2015(Xem: 6981)
Tết. Một chữ thôi mà sao cũng đủ làm cái cớ lớn để tôi bâng khuâng quá chừng. Tôi đã sống qua chừng đó năm tháng rồi sao? Vậy là tôi sẽ không còn đủ thời gian để tận mắt chứng kiến bao điều sẽ xảy ra trên hành tinh này với những buồn vui khó nói trước...
05/02/2015(Xem: 6808)
Dê sống hoang giã 50.000 năm trước tại: Á Châu, Âu Châu và Phi Châu trên đồi núi nên gọi là wild goat/ Wildziegen. Dê có thân hình dài từ 1,2 đến 1,6m, đuôi dài 15-20 cm, cao từ 0,7 m đến 1m, trọng lượng tùy theo dê đực hay dê cái nặng từ 25 kilô đến 100 kilô. Khoảng 8000 -10.000 trước CN thì loài người bắt dê về thuần hóa thành gia súc như: gà, chó, heo, ngựa, trâu, bò.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]