Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ý nghĩa Chân - Thiện - Mỹ theo đạo Phật

17/02/201508:15(Xem: 7149)
Ý nghĩa Chân - Thiện - Mỹ theo đạo Phật
phatdilac-3
Truyền thống Đông phương thường nhắc nhở mọi người ăn ở, sống và ứng xử sao cho cuối cùng đạt được cuộc sống hoàn mỹ, còn giáo lý nhà Phật khuyên chúng ta hãy cố gắng tu tập hướng đến mục tiêu chính là cuộc sống hướng thiện, giải thoát, tự tại. Vì thế, mọi người cần có sự chân thật, hướng về nẻo thiện và đạt được thẫm mỹ nơi thân tâm mình. Người nào đạt được ba điều đó thì người ấy hạnh phúc nhất trần gian.

Từ xưa đến nay, thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam đã lưu tồn nhiều phong tục, trong đó có phong tục nói lời chúc. Thông thường, người ta chúc nhau Tam đa, đó là đa phúc, đa lộc và đa thọ. Cụ thể hơn, mọi người chúc nhau tài lộc dồi dào, phát đạt giàu sang, an khang thịnh vượng, sống lâu trăm tuổi... 
 
Trong mọi lời chúc luôn hàm chứa niềm tin tốt đẹp của cuộc sống chân-thiện-mỹ. Vậy ý nghĩa của chân-thiện-mỹ là gì? Đây là ba khía cạnh tạo nên sự toàn bích của cuộc sống, ba khía cạnh này có quan hệ mật thiết với nhau. Truyền thống Đông phương thường nhắc nhở mọi người ăn ở, sống và ứng xử sao cho cuối cùng đạt được cuộc sống hoàn mỹ, còn giáo lý nhà Phật khuyên chúng ta hãy cố gắng tu tập hướng đến mục tiêu chính là cuộc sống hướng thiện, giải thoát, tự tại. Vì thế, mọi người cần có sự chân thật, hướng về nẻo thiện và đạt được thẫm mỹ nơi thân tâm mình. Người nào đạt được ba điều đó thì người ấy hạnh phúc nhất trần gian.

Khía cạnh thứ nhất, nói về “chân” thì có hai nghĩa, một là chân thật, hai là chân lý. Nếu quan hệ giao tiếp giữa con người với con người thiếu chân thật thì sẽ mất lòng tin, mất tình người, mất đi lẽ sống, gặp nhiều chướng ngại rồi đưa đến thất bại. Ngược lại, nếu biết tế nhị trong giao tiếp, chân thành trong hành động và thân thiện với mọi người thì sẽ dễ dàng gặt hái được nhiều thành công. Nếu sống trung thực thì trong cách đối nhân xử thế sẽ không quan hệ giao tiếp chỉ bằng hình thức mà bằng cả tấm lòng chân thành, không giả dối, không hư ngụy. 
 
Vì thế, sự chân thật rất cần thiết đối với con người. Cho nên tất cả chúng ta phải hướng đến cách ứng xử theo đúng đạo lý để xứng đáng được mọi người tôn trọng. Chân thật còn là trạng thái chân chất, hồn nhiên, trong sáng tự cõi lòng mỗi người, nhưng dần dần mất đi do sau này huân tập những chủng nghiệp không tốt, không lành khi tiếp xúc với thế giới bên ngoài, nên người ta thường nói phải tập sống theo hạnh Anh nhi, không gian dối, không tính toán. 
 
Chúng ta cần tu tập để gột rửa vô minh, phiền não và trở về sống hồn nhiên, trong sáng, trạng thái đó gọi là chân. Tiếp theo là chân lý của cuộc sống mà tất cả mọi người đều hướng đến. Chẳng hạn, nói về các pháp là vô thường, giả tạm, duyên sinh, vô ngã, con người có sanh phải có tử, có hợp phải có tan, có còn phải có mất, đó là chân lý không bao giờthay đổi. Chúng ta cần phải hướng về lẽ chân thật, thoát khỏi mê lầm, không còn vô minh tăm tối, biết thân này là bất tịnh, cuộc đời này như giấc chiêm bao mà hướng đến ánh sáng chân lý. 
 
Trong ba khía cạnh toàn bích của cuộc sống, trước tiên phải đạt đến lẽ chân. Để hướng đến lẽ chân, người ta cần sống chân chất, hồn nhiên, trong sáng tự cõi lòng, không hề giả dối với bất cứ ai trong cách đối nhân xử thế. Chân lý vô thường, duyên sinh, vô ngã, giả tạm của cuộc sống là như thật nên cần thắp lên ngọn đèn trí huệ để không sai lầm. Chúng ta là người đệ tử Phật cần thấy được lẽ chân thật của đạo lý để không còn mê lầm giữa thật với giả. 
 
Theo quan niệm thế gian, những gì tồn tại đều là thật nhưng thực ra là giả, vì tất cả đều là vô thường, duyên sinh, bằng những yếu tố khác nhau kết hợp lại, phải vay mượn nhiều yếu tố, nhiều nhân duyên và nhiều điều kiện để tạo thành, nên có mặt một cách giả tạm, sau một thời gian thì tàn phai. Con người được sanh ra rồi chết đi, có hợp rồi có tan, có sanh thì có diệt, có còn thì phải có mất, đó chính là lẽ tự nhiên. Cho nên người nào quên được cái giả thì sẽ sống được gần với cái thật, mà sống với cái chân thật thì sẽ không còn mê lầm với cái giả tạm nữa. Vì thế, chúng ta cần phải khéo léo nhận biết giữa cái giả tạm và cái chân thật. 
 
Người chưa biết tu thì thấy thân này là mình, nhưng khi học hiểu giáo lý đạo Phật, nghe quý Thầy thuyết pháp thì hiểu được thân này là vay mượn các yếu tố đất, nước, gió, lửa hợp thành, nếu rời các yếu tố đó thì chẳng còn tồn tại. Con người đến với cõi đời là mang thân tạm đến cõi tạm, không thể trường sinh bất tử được. Đạo lý này khuyên nhủ, nhắc nhở và thức tỉnh chúng ta đừng quá mê muội rồi tạo nghiệp mà thọ khổ triền miên. Khi thấy được cái giả của thân, của tâm, của cảnh thì hiểu được đạo lý, hiểu được ý nghĩa của chân thật, sẽ sống bằng tình thương và lòng nhân ái đối với mọi người.

Khía cạnh thứ hai, “thiện” là gì? Thiện là một đời sống hiền thiện, làm lành tránh ác. Con người biết hướng thiện thì được người đời hâm mộ, nể trọng và quý kính. Điều thiện giúp mọi người sống có lương tâm, lương tri. Chính cái thiện tạo cho con người biết độ lượng bao dung, biết tha thứ và thông cảm, biết che chở, đùm bọc và cưu mang. Nhờ lẽ đó, con người làm được mọi hạnh lành, xây dựng cuộc sống tươi đẹp và trở nên nhân hậu. Nếu cuộc đời không có cái thiện thì con người sẽ sống tà ác, xã hội loài người ngày càng rối ren. 
 
Cuộc đời phải được xây dựng từ cái thiện thì cuộc sống mới có hạnh phúc chân thật. Nếu ai cũng hướng về nẻo thiện thì mỗi người là một tế bào lành mạnh của xã hội. Nếu trong gia đình, mọi người đều hướng đến cái thiện thì gia đình đó sẽ được an vui, hạnh phúc. Nếu xóm làng hướng đến cái thiện thì nơi ấy được bình yên, tránh được mọi tệ nạn xã hội. Người người, nhà nhà, làng xóm cho đến phố phường đều hướng tâm về nẻo thiện thì chắc chắn thế giới sẽ được hòa bình, an lạc, dân chúng được an cư lạc nghiệp. 
 
Trong xã hội có nhiều lãnh vực như: kinh tế, âm nhạc, hội họa, kiến trúc, điêu khắc, văn học, thi ca và còn có cả đạo lý, tâm linh... tạo nên bức tranh tổng thể về xã hội. Nếu tất cả chỉ lo làm giàu về của cải vật chất mà sống không có đạo đức thì sẽ tạo ra mầm họa lớn cho xã hội.

“Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của Tổ tông.”

Đối với xã hội, ngôi chùa có vị trí vô cùng quan trọng trong lòng dân tộc, vì đây chính là nơi giúp con người chọn được lẽ sống hướng thiện, xóa mờ cái ác, tạo được niềm an vui hạnh phúc, đóng góp vào sự an bình của xã hội để tất cả cùng vui sống lành mạnh, tự do. 
 
Hướng tới cái thiện là hướng tới lương tâm, lương tri và lòng trắc ẩn. Tu theo đạo Phật là nguyện đoạn các điều ác, nguyện làm tất cả điều lành, nguyện thành Phật độ tất cả chúng sinh. Chúng ta quy y Tam bảo, giữ gìn năm giới cấm, không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói dối, không uống rượu... chính là hướng đến đời sống gương mẫu đạo đức. 
 
Đạo Phật giúp chúng ta tu tập năm giới vững vàng, truyền cho chúng ta thập thiện để hướng đến con đường thuần thiện. Mười điều thiện đó là thân tam, khẩu tứ, ý tam. Thân tam là không sát sanh, trộm cắp, tà dâm. Khẩu tứ là không lưỡng thiệt, ác khẩu, vọng ngôn, ỷ ngữ. Ý tam là không tham, không sân, không si. Đạo Nho hướng mọi người tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Nếu không tu thân thì dễ trở thành người vô nghì, tà ác, hung hiểm và làm cho người khác sợ hãi tránh xa. Trong gia đình, nếu mọi người biết tu thân thì mới tề gia và từ đó sẽ hạnh phúc an vui. Ngoài xã hội có trị quốc thì mới có bình thiên hạ. Lý tưởng của đạo Nho khuyến khích mọi người làm người quân tử để tu tâm thì mỗi người phải biết sống có hiếu, biết ăn ở hiền lương, có tư cách đức hạnh, biết cách ứng xử đẹp trong cuộc sống.

Khía cạnh thứ ba, nói về “mỹ” tức là thẫm mỹ. Con người có chân thật, có thiện mà không có thẫm mỹ thì cuộc sống khô khan chưa được gọi là toàn bích. Cái đẹp của vóc dáng hình hài phải gắn liền song song với cái đẹp của đức hạnh, tư cách, nết na. Loài người có xu hướng vươn tới cái đẹp, chính là thẫm mỹ. Nếu chúng ta chân thật tận cõi lòng, hướng đến chân lý, tìm về nẻo thiện và làm tất cả mọi hạnh lành thì sẽ đạt được thẫm mỹ của cuộc sống. 
 
Đức Phật vốn biết chúng sanh luôn ưa chuộng cái đẹp nên mới thị hiện thân tướng của Ngài thật đẹp với ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp để tiếp cận và tiện bề giáo hóa chúng sanh. Có thể nói, trên thế gian chưa một ai có nhân dáng và hình hài đẹp bằng Đức Thế Tôn. Ngài đẹp cả về vóc dáng, đức hạnh và trí tuệ siêu phàm. Ngài có tấm lòng từ bi, hỷ xả, độ lượng và bao dung. Nếu một người sanh ra đời, đạt được tiêu chí của chân-thiện-mỹ thì người đó đạt được toàn hảo của cuộc sống. 
 
Đó là chân lý hiện sinh mà mỗi người có thể trải nghiệm ngay trong đời sống hiện tại này. Chân lý ấy là cái chung mà mỗi chúng ta đều có thể vươn tới, vì chân-thiện-mỹ không chỉ dành riêng cho bất cứ một ai. Bởi lẽ, chân thật cõi lòng, hướng đến đời sống thiện lành và đạt được thẫm mỹ thì cuộc sống sẽ đạt được chân lý hiện sinh. Đó chính là lẽ sống mà tất cả chúng ta thường chúc nhau đạt đến Chân-Thiện-Mỹ trong quan hệ giao tiếp hàng ngày.
                                                    
Thiền Tự Trúc Lâm Viên Giác    
Xuân Ất Mùi - PL.2558
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
03/02/2014(Xem: 5178)
Lắng lòng nghe, ôi tiếng chuông huyền diệu, Cả lời kinh, tiếng tụng, niệm thành tâm, Chánh Điện uy nghiêm, lan tỏa hương trầm, Hàng Phật tử quì bên Thầy lễ bái.
03/02/2014(Xem: 5439)
Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê lúa Thái Bình và từ nhỏ đến nay chưa bao giờ ăn tết xa nhà.Đùng một cái, năm nay xin làm tình nguyện viên phục vụ Lễ Hội Đường Sách cùng với các anh chị của công ty sách Thái Hà.Thế là được bay vào Sài Gòn 10 ngày để được đón tết ở miền nam.Chưa bao giờ tôi có được cái tết vui như thế này. Trực ngoài Đường Sách Nguyễn Huệ từ sáng sớm đến nửa đêm nhưng chưa khi nào tôi thấy nhàn và an lạc như thế này. Thực sự là vậy.
02/02/2014(Xem: 5958)
Thường thì người đời trong những ngày tết rất bận bịu lo chợ búa, mua sắm, giết gà, giết lợn, gói giò chả, cúng tất niên, rồi lo rượu bia, đồ nhậu để li bì trong mấy ngày tết. Người con Phật thì thảnh thơi. Vì là Phật tử nên bàn thờ chỉ cần lọ hoa và đĩa trái cây. Vì ăn chay nên trong những ngày tết chỉ cần cơm rau dưa và những món ăn giản dị rẻ tiền mà ấm cũng và ngon vô cùng. Sáng 30 tết tôi đến thăm Ni sư Như Hiền tại tổ đình Huê Lâm quận 11 thành phố Hồ Chí Minh.Chúng tôi bên nhau và được ni sư kể cho biết bao nhiêu chuyện kỳ lạ và lý thú về những chuyến đi hoằng pháp khắp bốn phương trời, trong và ngoài nước. Tôi học được biết bao nhiêu bài học quý giá qua những câu chuyện của ni sư trong nước cũng như ở nước ngoài.
01/02/2014(Xem: 8826)
Từ Trạch Pháp này rất quen thuộc trong Phật Giáo, nhưng đã có mấy người Phật tử chịu tìm hiểu tận tường. Do vậy, trong khóa tu Gieo Duyên cuối năm 2013 tại Tự Viện Pháp Bảo, Sydney, chúng tôi trong Ban Giáo Thọ phụ trách giảng giải chủ đề này trong ba buổi học để học viên nắm vững được đầy đủ hơn, ngõ hầu vui thích học pháp và như vậy mới dễ dàng cho việc ứng dụng giáo pháp vào đời sống thường nhật. Trạch pháp - chọn pháp – nói đủ là trạch pháp giác phần hay pháp giác ý. Dùng trí tuệ lựa chọn, phân biệt đúng sai, thật giả của các pháp để chọn chân bỏ giả thẳng hướng tới Bồ Đề, là một trong bảy pháp giác chi như lời Phật dạy.
01/02/2014(Xem: 7509)
Không gian vũ trụ mênh mông vô định hướng, nhưng không gian cũng chỉ là sự tích tập, buông xả mà thôi. Tích tập là duyên sinh tụ hội của vạn pháp, và buông xả là sự lặng thinh tuyệt đối của không gian vô định như thuở nào vô thủy vô chung. Cuộc sống con người cũng vậy, không phải từ lúc sinh ra cho
01/02/2014(Xem: 5537)
Chúng ta đang sống trong một thế giới có quá nhiều những biến động, hết nơi này bão tố, đến nơi kia cháy rừng… Lòng người không khỏi xốn xang trước bao cảnh thương tâm. Người con Phật ngoài nổi xót thương cho kiếp nhân sinh, còn canh cánh bên lòng niềm khắc khoải chưa thoát vòng luân hồi sinh tử. Nếu có chút niềm vui nào chăng, chỉ là niềm vui đang được tu học Phật Pháp, hướng đến một tương lai chứng đạo giải thoát, không còn đau khổ trong cảnh tù đày sinh tử nữa.
01/02/2014(Xem: 5561)
Ngày Tết là một dịp để trở về với gia đình, với bè bạn, với làng xóm, với quê hương, và nếu mở rộng lòng mình hơn nữa thì ngày Tết cũng là một dịp để quay về với kỷ niệm, với tuổi thơ, với một vài quãng đời xa xưa nào đó vẫn còn in đậm trong tâm thức mình. Dù xa qu
01/02/2014(Xem: 7274)
Cuồn cuộn trùng dương sóng trắng phau, Ai ngờ thoắt bỗng hoá nương dâu! (*) Vào xuân nào nghĩ hoa tơi cánh, Chợp mắt thì ra tóc đổi màu!
01/02/2014(Xem: 5335)
Ngày nay ít ai biết được loài hoa được cha ông ta liệt kê vào bộ tứ quý "tùng, cúc, trúc, mai" chính là mai trắng. Thân dáng mảnh dẻ nhưng cứng cáp, sau nắng gắt, gió đông vẫn nở hoa trắng tinh khiết, hương thơm lại nhẹ nhàng, kín đáo, nên người xưa ví hoa mai với khí phách của người quân tử.
01/02/2014(Xem: 5445)
Chưa về lại thăm làng xưa xóm cũ Mạ chắc buồn nhiều lắm lúc chờ mong Và em thơ với tuổi ngọc còn không ? Khi xuân đến bên thềm hoa mai nỡ
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567