Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Mạn đàm về chiếc bao lì xì và bàn tay của thiền sư Ma Tuyến

02/01/201520:31(Xem: 5909)
Mạn đàm về chiếc bao lì xì và bàn tay của thiền sư Ma Tuyến

bao li xi

 

            Tập quán lì xì của người Việt chúng ta thực sự bắt nguồn từ một truyền thống lâu đời của Trung Quốc, và không nhất thiết là chỉ dành riêng cho trẻ con vào dịp Tết mà còn cho cả người lớn trong các dịp lễ lạc và giao tiếp xã hội quanh năm. Chịu ảnh hưởng văn minh Trung Quốc từ lâu nên không những ở nước ta mà còn ở nhiều nước châu Á thì tập quán này cũng rất phổ biến và dường như ngày nay lại càng được thực thi rộng rãi.

 

            Hai chữ "lì xì" bắt nguồn từ tiếng Hán là "lì shi" (利市), dịch sang Hán Việt là "lợi thị", có nghĩa là tốt lành, may mắn, thu được nhiều lợi lộc và "lì shi" lại cũng còn  được gọi là "hồng bao" (紅包), tức là chiếc bao màu đỏ. "Li shi" hay "lợi thị" là một từ ghép gồm hai chữ lợithị, và nếu tra cứu các quyển tự điển Hán Việt thì tất chúng ta sẽ hiểu được ý nghĩa của chữ lì xì hay lợi thị là gì.

 

Chữ "lợi" () có nhiều nghĩa:

 

- sắc bén, chẳng hạn như lợi khí () hay binh khí sắc bén, có nghĩa là một phương tiện hữu hiệu.

- thích nghi, thuận lợi, chẳng hạn như đại cát đại lợi (), có nghĩa là thật tốt lành và thuận lợi.

- Có lợi ích, chẳng hạn như "ích quốc lợi dân" (), có nghĩa là ích cho đất nước và có lợi cho người dân.

- tiền lời hay tiền lãi sinh ra từ tiền vốn, chẳng hạn như lợi thị tam bội (), có nghĩa là tiền lãi gia tăng gấp ba.

- lợi dụng (利用), có nghĩamượn dịp hay thừa dịp để tìm kiếm lợi lộc.  

 

Chữ Thị () cũng có nhiều nghĩa:

 

- chính sách, kế hoạch, chẳng hạn như quốc thị (), có nghĩa là kế hoạch quốc gia hay chính sách nhà nước.

- thuận tiện, tốt đẹp.

- có lợi ích, có công dụng tốt, chẳng hạn như ngư ông đắc lợi ().

 

            Tóm lại thật rõ ràng lì xì không phải chỉ là một tập tục trong mấy ngày Tết mà còn là một phương tiện hữu hiệu hay một sách lược hầu mang lại sự lợi lộc cho tất cả mọi người. Đối với dân làm ăn sành sỏi thì lì xì là một lợi khí giúp hoạch định các kế hoạch kinh doanh, họ cân nhắc chiếc "hồng bao" như thế nào cho vừa đủ, không quá hụt cũng không quá hời, hầu có thể đạt được chỉ tiêu lợi thị tam bội tức là tiền lãi thâu về phải đạt gấp ba tiền vốn. Thế nhưng trong việc làm ăn thì cũng khó tránh khỏi rủi ro vì có thể sẽ mất cả chì lẫn chài mà lại không đuợc việc gì. Chỉ đáng buồn cho những gia đình nghèo khó, vì lì xì là cả là một nỗi khổ tâm và lo âu khi ngày Tết gần kề. Trên đây chỉ là hai khía cạnh kém sắc thắm của chiếc hồng bao. Nếu nhìn vấn đề này một cách bao quát hơn thì nào là ma chay, cưới hỏi, công ăn việc làm, giấy tờ, phường khóm, nhà nước... không biết bao nhiêu chiếc "hồng bao" đã và sẽ được chuyển tay.

 

            Thật ra tập tục trao đổi và luân lưu những chiếc "hồng bao" của xã hội còn che giấu những khía cạnh thật tinh tế mà chúng ta ít khi quan tâm đến. Mỗi khi có một người nào đó cho tiền vào chiếc "hồng bao" thì ắt không tránh khỏi kèm theo các xúc cảm của mình. Các xúc cảm ấy có thể là một niềm vui, một sự hãnh diện, nếu là một người có chức phận và giàu sang, hoặc cũng có thể là một sự tính toán và cầu mong nếu là những người làm ăn sành sỏi, hoặc nếu những người dân bình dị bị ép buộc phải… lì xì, thì chắc hẳn cũng khó che dấu được các xúc cảm thù hận, khinh bỉ và đau buồn gói ghém trong những cái bao đỏ ấy. Người nhận khi mở chiếc "hồng bao" để lấy những gì trong đó thì cũng sẽ kéo theo những xúc cảm kèm với chiếc "hồng bao" ấy để mà biến chúng thành những niềm hân hoan và vui sướng trong lòng mình. 

 

            Chìa tay đưa chiếc "hồng bao" hay đút chiếc "hồng bao" vào túi đều là các động tác mang tính cách chủ tâm. Theo Phật Giáo thì bất cứ một hành động hay một động tác chủ tâm nào cũng đều tạo ra nghiệp. Nếu chiếc hồng bao biểu trưng cho một sự tính toán hay một niềm vui sướng thì nghiệp đưa đến sẽ mang cùng một bản chất với nó, tức là sự bám víu, tham lam và thèm khát, một thứ nghiệp buộc chặt mình trong thế giới luân hồi. Nếu chiếc "hồng bao" là một sự oán hận, khinh bỉ và u buồn thì nghiệp tạo ra sẽ là hận thù, và đến một lúc nào đó nghiệp ấy sẽ biến thành quả gây ra tác hại cho mình và cho cả người đút chiếc "hồng bao" vào túi.

 

            Sự luân lưu của những chiếc "hồng bao" trong cuộc sống có vẻ như là một động cơ thúc đẩy sự sinh hoạt và tạo ra các điều kiện thuận lợi trong các mối giao tiếp trong xã hội, thế nhưng thật ra sự luân lưu ấy dù là theo chiều hướng nào, hân hoan, hận thù hay mưu mô, đều tạo ra những mối dây trói buộc đày đọa con người. Thật ra sự trói buộc ấy cũng chỉ là sự vận hành tự nhiên của quy luật nguyên nhân hậu quả, không sơ hở cũng không nhân nhượng một ai cả, chỉ tiếc là không mấy người nhận thấy được sự vận hành của quy luật thật đơn giản ấy mà thôi.

 

            Cách nay đã khá lâu tôi có dịp ghé thăm một cô giáo cấp 1. Cô ấy mời tôi ăn bánh trung thu và nói: "Anh biết không, cứ mỗi dịp Trung Thu thì học trò thay nhau biếu em có đến vài chục hộp bánh trung thu. Em thì không thích ăn bánh thập cẩm, thế nhưng gần như hộp nào cũng gồm toàn là thứ bánh ấy, đến độ em phải nhắc khéo với bọn trẻ con là em chỉ thích bánh nhân hạt sen hay là bánh dẻo". Cầm miếng bánh dẻo trên tay tôi bâng khuâng và nghĩ ngợi rất nhiều, không biết mẫu bánh tôi đang cầm là được một gia đình khá giả mua biếu cô giáo, hay là của một gia đình phải chạy nợ để mua. Thiết nghĩ phàm làm một điều gì - dù chỉ ăn một miếng bánh - người Phật tử chúng ta cũng nên ý thức đuợc nguyên nhân và hậu quả của nó có thể mang lại cho mình và cho người khác. Tất cả chúng ta đều trực tiếp hay gián tiếp tập cho các em tập tục "hồng bao" từ thuở nhỏ, vì thế đôi khi phải nhìn vào cách hành xử của chính mình mà không nên chỉ biết nhìn vào kẻ khác để chỉ trích họ là tại sao lại tận dụng quá đáng phương tiện sắc bén của chiếc "hồng bao".  

 

            Suy đi nghĩ lại tất chúng ta cũng phải thú nhận rằng người Phật Giáo cũng thực thi tập tục trao đổi ấy rất tích cực, thế nhưng có một sự khác biệt thật căn bản: họ không bao giờ chờ đợi một sự hồi đáp nào từ bàn tay xòe ra của họ, dù họ có trao những chiếc "hồng bao" thì đấy không phải là một sự ép buộc mà chỉ là một cách gói ghém thật kín đáo lòng từ bi của mình mà thôi. Thật vậy bản tính con người là sống tập thể, không có ai tự sống một mình được, tất cả đều nương tựa vào nhau để cùng tạo ra xã hội, vì thế truyền thống "hồng bao" gói ghém một chút tương trợ và tình thương yêu thật hết sức cần thiết cho sự tồn vong của nhân loại. Nhân đây chúng ta hãy cùng đọc một câu chuyện thiền thật đơn giản liên quan đến cái truyền thống "hồng bao" ấy.

 

            Câu chuyện được trích từ một quyển sách tiếng Nhật mang tựa "101 Câu chuyện thiền Zen", góp nhặt một số các công án thiền vào thế kỷ XIII và thế kỷ XX, và đã được xuất bản ở Nhật năm 1919. Bản dịch đầu tiên sang tiếng Anh được xuất bản ở Mỹ năm 1940, tức là vào một giai đoạn căng thẳng khởi đầu Thế Chiến Thứ Hai. Một điều khá thú vị là ít nhất đã có bốn bản Việt dịch của quyển sách này: Ngô Tằng Giao (2004), Trần Trúc Lâm (2010), Nguyễn Minh (2009), Trần Đình Hoành (?), và cả bốn bản dịch xuất hiện đồng loạt trong vòng vài năm và cùng được dựa vào bản dịch tiếng Anh của Paul Reps xuất bản hơn sáu mươi năm trước đó.

 

            Câu chuyện được trích dẫn dưới đây là câu chuyện thứ 33 trong sách và mang tựa là "Bàn Tay của thiền sư Ma Tuyến" ("Mokusen' s Hand"). Mokusen Hiki (1846-1920) là một vị thiền sư thuộc học phái Tào Động và cũng là vị chính thức thừa kế của dòng truyền thừa này. Kinh sách Hán ngữ dịch âm tên ông là Moxian (魔线), chuyển sang tiếng Hán Việt là Ma Tuyến. Tào Động là một học phái Thiền của Trung Quốc được Đạo Nguyên (1200-1253) mang về Nhật, khai triển thêm và truyền bá trong quốc gia này. Năm 1244 Đạo Nguyên xây dựng một ngôi chùa nhỏ toàn bằng gỗ trên hòn đảo Honshu, miền nam nước Nhật. Chùa mang tên là Eihei-ji, và nhà sư Ma Tuyến đã trụ trì ngôi chùa này khi xảy ra câu chuyện bàn tay mang tên ông như sau:

 

            "Thiền sư Ma Tuyến sống trong một ngôi chùa ở thị trấn Tamba. Một hôm có một đệ tử tâm sự với ông về người vợ quá ư keo kiệt của mình. Ma Tuyến bèn đích thân tìm đến nhà người này để gặp vợ anh ta. Khi gặp bà này ông nắm chặt bàn tay của mình lại và đưa ra trước mặt bà này rồi cất lời hỏi như sau:

 

            - "Nếu như bàn tay của ta cứ nắm chặt lại như thế này mà không sao mở ra được nữa, thì bà nghĩ thế nào?"

 

            Người phụ nữ khá sửng sốt vì câu hỏi bất ngờ ấy, vội đáp rằng:

 

            - Nếu thế thì bàn tay của ông bị khuyết tật rồi!

 

            Vị thiền sư bèn xòe bàn tay ra và lại hỏi:

 

            - Thế nhưng nếu nó cứ xòe ra như thế này mà không còn nắm lại được nữa thì nghĩa là gì?

 

            Người đàn bà lại đáp:

 

            - Thế thì nó cũng lại bị khuyết tật chứ gì nữa!

 

            Vi thiền sư bèn nói với người đàn bà rằng:

 

            - Vậy thì khi nào bà hiểu được ý nghĩa sâu xa của những lời mà bà vừa nói, thì tất bà sẽ trở thành một người vợ xứng đáng.

 

            Nói xong vị thiền sư quay về chùa. Ít lâu sau người ta thấy người phụ nữ, một mặt rất tích cực giúp chồng bố thí, một mặt thì biết chi tiêu tiện tặn trong gia đình.

 
chua nhat ban

Ngôi chùa Eihei-ji trên đảo Honshu miển nam nước Nhật (quận Yoshida, tỉnh Fukui). Ngôi chùa này là một di tích lịch sử, do chính Đạo Nguyên xây dựng vào năm 1244. Nhà sư Ma Tuyến (1846-1920) thừa kế dòng Tào Động đã trụ trì ngôi chùa này khi xảy ra câu chuyện "Bàn Tay của thiền sư Ma Tuyến".

 

 

            Bàn tay của người nội trợ nếu chỉ biết xòe ra, tiêu xài hoang phí thì tan hoang cửa nhà, thế nhưng nếu chỉ biết bo bo nắm chặt thì sẽ lại dẫn đến sự nghèo khó và thiếu thốn, nghèo với mình, với gia đình mình và cả với kẻ khác. Nếu biết xòe bàn tay giúp chồng bố thí thì sẽ mang lại một niềm hãnh diện và một ý nghĩa nào đó cho cuộc sống lứa đôi. Thế nhưng trong trường hợp nếu người chồng bê tha, rượu chè, cờ bạc, thì người nội trợ cũng phải biết nắm chặt bàn tay của mình lại.

 

            Thiền học là một phép tu tập cao thâm không phải là chỉ để giải quyết những chuyện đạo đức thường tình của thế tục. Câu chuyện tất phải hàm chứa một ý nghĩa sâu xa hơn. Bàn tay nắm lại là trở về với chính mình, tìm hiểu mình, giúp mình trở nên phong phú hơn, trước khi ngửa bàn tay ra để chia sẻ sự phong phú ấy với kẻ khác. Trong kinh Pháp Cú có một câu như sau (câu 354):

 

Sabba danam Dhamma danam jinãti
Hiến dâng Sự Thật vượt cao hơn những hiến dâng khác

 

            Nhằm thay lời kết, tôi cũng xin mạn phép được kể thêm ra đây một câu chuyện nhỏ trong một chuyến viếng thăm Tích Lan cách nay hơn 30 năm. Một hôm trên đường từ cao nguyên thánh địa Candy đổ xuống vùng bờ biển phía nam, xe dừng lại ở một thị trấn nhỏ để nghỉ, tôi tản bộ quanh đó và chợt thấy một túp lều lụp xụp nằm chênh vênh giữa một khu đất hoang, bên trong bày bán các thứ lưu niệm cho du khách. Tôi bước vào xem thì một phụ nữ trung niên vụt đứng bật dậy từ một chiếc ghế đặt trong một góc tối của gian hàng, mừng rỡ mời mọc chỉ trỏ huyên thiên hết món hàng này đến món hàng khác. Tôi bước vào thực sự chính là vì tò mò hơn là có ý định mua sắm nên im lặng lắng nghe và liếc mắt nhìn các thứ nữ trang đủ loại và các vật kỷ niệm linh tinh bày trong một tủ kính cùng các pho tượng Ấn Giáo và Phật Giáo xếp ngay ngắn trên một chiếc bàn nhỏ. Bỗng dưng tôi chợt thấy một pho tượng Phật bằng gỗ lớn nhất, trong tư thế đứng thường thấy ở các nước theo Phật Giáo Theravada. Nghĩ bụng biết đâu pho tượng ấy cũng có thể là một kỷ niệm hay hay để mang về từ xứ Phật, tôi bèn đánh tiếng hỏi giá, người phụ nữ đưa ra một cái giá khá cao. Đã sống quen với những người dân bản xứ tính tình vốn chất phát, lương thiện không có ý nói thách để "bóc lột" du khách, tôi biết rằng đây là đúng giá của pho tượng, nhưng cũng còn phân vân và do dự trong lúc người bán hàng im lặng nhìn tôi có vẻ lo lắng và chờ đợi. Bỗng nhiên dường như có một sức mạnh dậy lên trong nội tâm thúc đẩy tôi phải "thỉnh" pho tượng ấy. Thế là việc mua bán được nhanh chóng giải quyết và người bán hàng quấn vội pho tượng trong một tờ báo cũ và đưa cho tôi. Rời khỏi cửa hàng độ mười thước thì dường như có một sức mạnh khác khiến tôi ngoảnh đầu lại. Người phụ nữ còn đứng ở cửa lều nhìn theo với đôi mắt không che dấu được nét vừa ngạc nhiên vừa sung sướng, như thầm cám ơn vừa được một sự may mắn bất ngờ xảy đến.

 

            Pho tượng không phải là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt hảo, nhưng nhất định là được tạc bằng bàn tay và tâm hồn của một nghệ nhân trong vùng, và khúc gỗ cũng là từ một gốc cây mọc lên từ mảnh đất Tích lan. Cánh tay trái của pho tượng duỗi thẳng và bàn tay để ngửa, cánh tay phải co lại và bàn tay thì đưa ra phía trước, đầu gối chân trái hơi co lại. Thời bấy giờ tôi cũng chưa hiểu hết ý nghĩa của các thủ ấn trên một pho tượng và chỉ mãi về sau này tôi mới biết rằng bàn tay trái để ngửa biểu trưng cho sự bố thí, và bàn tay phải đưa ra phía trước biểu trưng cho sự che chở, ngón cái và ngón trỏ của bàn tay này chạm vào nhau biểu trưng cho sự thuyết giảng, chân trái hơi co lại biểu trưng cho sự đi tới, có nghĩa là pho tượng không đứng yên một chỗ.

 

            Cho đến nay thỉnh thoảng tôi vẫn thường thắp một nến hương khi đứng trước pho tượng này. Với người phụ nữ bán hàng ở Tích Lan ngày nào thì món tiền lời mang lại từ pho tượng có thể cũng chỉ đủ để mua được thêm một món ngon cho cả gia đình trong một bữa ăn, nhưng đối với tôi thì pho tượng này và cái kỷ niệm hôm ấy lại là một sự thừa hưởng to lớn nhất và cao quý nhất về phần mình. Đôi mắt sung sướng của người phụ nữ khắc khổ ấy vẫn còn ám ảnh mãi trong trí tôi khi viết những dòng chữ này, và mỗi khi thắp một nén hương thì đôi bàn tay để ngửa của pho tượng đều nhắc nhở tôi về bổn phận của mình, là luôn phải cố gắng làm được những gì dù thật bé nhỏ để làm đẹp cuộc đời trong khoảng thời gian ngắn ngủi của mình trên cõi đời này.

 

 phat di da

Đức Phật Thích Ca

(Tượng gỗ-Tích Lan, chiều cao 60cm)

 

            Khó có ai nghèo hơn Đức Phật được. Ngài đi chân đất, trên người chỉ có hai chiếc áo cà-sa thay đổi, khâu bằng những mảnh vải vụn nhặt được ở vệ đường hay trong các bãi tha ma, và trên tay chỉ có một chiếc bình bát để khất thực. Thế nhưng hai bàn tay của Ngài lúc nào cũng để ngửa là mang đến cho chúng ta những gì? Món quà quý giá nhất mà Ngài đã ban cho chúng ta là sự thật. Sự Thật của cả một Con Đường.

 

 

                                                                                                Bures-Sur-Yvette, 02.01.2015

                                                                                                            Hoang Phong

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22/09/2012(Xem: 4367)
Vui Xuân lễ Phật trì Kinh Tri ân Tam Bảo độ mình bình an Nhớ ơn Cha Mẹ vô vàn Thầy lành, huynh đệ họ hàng gần xa Tân Niên nguyện gắng thăng hoa
05/09/2012(Xem: 4605)
Noel/Tân Niên bá tánh nức nô Vui chơi nhóm họp tha hồ uống ăn Món ngon vật lạ chặt băm Chúng sanh kêu chết hàng năm hãi hùng Con chiên, con nướng nấu bung Than ôi nghiệp báo vô chung luân hồi!
01/06/2012(Xem: 4868)
Hằng năm cứ mỗi độ thu về, hoa cúc được thấy khắp các siêu thị, giống các loại hoa cúc vàng ở miền Nam, thường được ương trong những chậu nhỏ, bày bán khắp các chợ cho đến cuối năm. Tôi vốn sẵn mê hoa, không dằn lòng được, cũng bưng về vài chậu; mỗi ngày đều dành đôi phút tưới vun, chăm bón, dần dà hoa cúc trở thành thân thiết gần gũi. Mỗi sáng, nhìn những nụ hoa rực rỡ,
02/03/2012(Xem: 4641)
files.php?file=023___XUAN___Noi_Ve_Cau_An_Cau_Sieu__R__2_313560152Cầu an là mong muốn có được đời sống an vui hạnh phúc, không bệnh tật, khổ não, ít rủi ro, bất trắc… “An” ở mỗi con người phải là thân an, (khỏe mạnh, sống lâu, không bệnh tật, không tai nạn, rủi ro…), tâm an (trạng thái tinh thần thanh thản, thoải mái, không lo âu phiền muộn, không sợ hãi, khủng hoảng, không căng thẳng bức bối…), hoàn cảnh an (gia đình ấm no hạnh phúc, điều kiện sống, hoàn cảnh sống tốt, các mối quan hệ tốt đẹp, gặp nhiều thuận duyên trong cuộc sống…).
26/01/2012(Xem: 5105)
Với người con Phật vào những ngày đầu xuân ta thường có thói quen đến chùa lễ Phật, hái lộc, gặp Thầy. Khi đến cổng chùa ta sẽ dễ dàng bắt gặp câu Phật ngôn “Mừng Xuân Di Lặc”...
24/01/2012(Xem: 12455)
Hình tượng Đức Phật Di Lặc hiện hữu với nụ cười trên môi, dáng vẻ hiền hòa khiến ai nhìn vào cũng thấy lòng mình nhẹ nhàng, hiền thiện và hoan hỷ hơn bao giờ hết.
24/01/2012(Xem: 9284)
Những ai muốn đi gặp mùa xuân thì phải đứng dậy, giã từ u tối của đêm đông, thắp sáng tâm mình bằng ánh lửa tỉnh thức được đốt cháy trong nguồn năng lượng tình thương.
19/01/2012(Xem: 8272)
Ngày Tết trên bàn thờ luôn bày trái cây để cúng ông bà gọi là mâm ngũ quả. Ở Trung bộ gọi là mâm quả tử, lưu ý đến hạt/tử hay nói rõ là quả có hạt, hơn là quả nói chung, ám chỉ tín lý phồn thực: cầu mong sự sinh sản, gieo một hạt được trăm hạt, nhất bản vạn lợi...
18/01/2012(Xem: 8542)
Đối với người Việt Nam, tiếng Tết đã trở nên thân thuộc. Chúng ta gặp nó từ trong những câu tục ngữ, ca dao, dân ca mộc mạc đến những bài diễn văn trang trọng...
18/01/2012(Xem: 7121)
Ngày đầu xuân nói về tục xông nhà để nhắc nhở cho nhau, đừng phó thác vận mệnh cho người xông nhà, tục xông nhà không thể quyết định vận mệnh của mình và gia đình...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]