Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Năm mới, chuyển đổi nghiệp vận

29/01/201409:10(Xem: 5968)
Năm mới, chuyển đổi nghiệp vận
hoa_mai_8
NĂM MỚI, CHUYỂN ĐỔI NGHIỆP VẬN


Huỳnh Kim Quang

Đón năm mới, ai cũng mong muốn mọi việc đều mới. Mới ở đây mang ý nghĩa may mắn, bình an, khá giả hơn những gì đã xảy ra trong năm cũ. Đặc biệt, truyền thống văn hóa và phong tục Việt Nam rất xem trọng trong việc tiễn năm cũ và đón năm mới cho nên, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong những ngày cuối năm và sự đón rước trọng thể trong những ngày đầu năm. Sự chuẩn bị được thực hiện đều khắp từ hình thức đến nội dung, từ vật chất đến tinh thần, từ ý tưởng đến lời nói và hành động; nào là dọn dẹp, sơn phết, lau chùi nhà cửa, bàn ghế, đồ đạc, đến mua sắm quần áo, thực phẩm, bánh trái, hoa quả; nào là sửa soạn những món ăn ngon, đẹp mắt, thiết lễ trang nghiêm bàn thờ, tâm thành cẩn cẩn cúng bái, đến cấm kỵ từng ý nghĩ, lời nói và cách đối xử với mọi người thân cũng như sơ. Chính vì vậy, đối với hầu hết mọi người, từ giờ phút giao thừa đến các ngày đầu năm mới đều là thời gian quý giá nhất trong một năm để biến ước nguyện thành hiện thực. 

Việc đi chùa lễ Phật cầu nguyện, hái lộc, xin xăm, xem bói toán, bố thí, cúng dường, thiết lễ cúng quải long trọng tại nhà, nơi làm việc, v.v… đều không ngoài mục đích nêu trên. Đôi khi vì quá mong muốn được như ước nguyện, người ta đã vô tình có những hành động thái quá, chẳng hạn, bẻ trụi các cành hoa, thậm chí cây xanh trong chùa để lấy lộc mang về nhà trong giờ giao thừa hay mấy ngày đầu năm. Cách suy nghĩ và hành động như vậy mang lại những hiệu quả gì? Nhìn chung, trên bình diện thế tục, cách suy nghĩ và hành động để đón năm mới theo truyền thống văn hóa và phong tục Việt Nam như đã đề cập ở trên, trừ một vài việc như xin xăm, bói toán, không phải là không có ích lợi. Xin nêu ra một vài lợi ích cụ thể như sau.

Thứ nhất, về mặt tâm lý, khi suy nghĩ muốn có một năm mới tốt đẹp hơn tức là từ nơi tâm thức đã hướng về một đời sống tốt đẹp hơn. Cụ thể là khởi đi từ suy nghĩ đó người ta bắt đầu thay đổi tư duy, lời nói và hành động tốt hơn mà biểu hiện là không nói điều xấu, điều xui xẻo, và làm điều tốt đẹp như mặc áo quần mới, tu sửa nhà cửa mới, nấu nướng thức ăn ngon, cử hành lễ nghi trang trọng, v.v… trong mấy ngày Tết.

Thứ hai, về mặt kinh tế, từ suy nghĩ thay đổi đời sống khá hơn trong năm mới, người ta chịu khó chịu cực nỗ lực làm việc để kiếm tiền và không ngần ngại mở túi tiền để chi tiêu như mua sắm quần áo, đồ đạc, sơn sửa nhà cửa, sửa soạn bánh trái, thức ăn thịnh soạn nhất. Nhờ vậy, nền kinh tế bản thân, gia đình và xã hội cũng được khá giả hơn.

Thứ ba, về mặt nếp sống đạo đức và tâm linh, từ suy nghĩ muốn có một năm mới an lạc, hạnh phúc, giàu sang hơn, người ta liền nghĩ đến đức Phật, nghĩ đến Tam Bảo, nghĩ đến nhân quả tội phước, rồi đi chùa, làm việc thiện, thực hiện lễ nghi tại nhà với niềm tin và tâm thành khẩn thiết. Đó là một khởi đầu khả quan cho đời sống đạo đức và tâm linh của con người.

Thứ tư, đặc biệt, trong đời sống tất bật quanh năm suốt tháng với công việc làm ăn của người Việt tại hải ngoại, không còn gì quý giá và cao đẹp bằng không khí sum họp ấm cúng với hoa quả bánh trái và thức ăn truyền thống dân tộc trong gia đình, trong cộng đồng, trong chùa chiền của mấy ngày Tết. Nơi đó, trong khung cảnh đó, trong hương vị đó, trong tình cảm đó, người ta mới cảm nhận một cách sâu sắc và đích thực giá trị văn hóa truyền thống của người Việt Nam.

Qua những điều lợi ích kể trên, nếp sống văn hóa và phong tục truyền thống trong những ngày Tết của dân tộc cần được tiếp tục duy trì và lưu truyền cho các thế hệ con cháu, nhất là trong bối cảnh sống tha hương của người Việt tại hải ngoại. Tuy nhiên, tất cả những lợi ích đó chỉ nằm trên bề mặt của sinh hoạt cá nhân, gia đình và xã hội mà chưa thật sự chuyển hóa từ nền tảng gốc rễ sâu xa để mang lại ý nghĩa đổi mới đích thực như con người mong muốn, tức là thay đổi tận gốc vận mệnh để đời sống tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn, thăng tiến hơn.

Tại sao? Có thể giải thích bằng mấy lý do như sau.

Một là, người ta chỉ ước muốn có được điều tốt đẹp cho đời sống mà không thực sự có hành động cụ thể, vì chỉ làm theo tập quán, theo truyền thống gia đình ông bà cha mẹ, hoặc không nghĩ đến hay chưa biết cách làm thế nào cho đúng, để thay đổi vận mệnh của mình hữu hiệu. Chẳng hạn, người ta chỉ suy nghĩ và mong có được điều may mắn trong năm mới, nhưng đó chỉ là ước ao nhất thời trong dịp đầu năm rồi sau đó những suy nghĩ này bị lãng quên, bị cuốn trôi trong dòng thác bận rộn của cuộc sống thường ngày, và đâu cũng vào đó.

Hai là, một số người có nỗ lực hành động để mong thay đổi vận mệnh, nhưng không hành động đúng cách. Chẳng hạn, những việc làm tuy có vẻ như là cụ thể như trang hoàng nhà cửa, cúng quải, giữ lễ nghi từ lời nói đến hành động cẩn trọng, hái lộc, xin xâm, bói toán trong mấy ngày đầu năm, nhưng vẫn chưa phải là cách đúng pháp, theo đạo Phật, để thay đổi vận mệnh của cuộc đời. Khi làm những điều trên, người ta chỉ nghĩ đến sự cầu cạnh ở một thế lực bên ngoài để mong giúp họ thay đổi vận mệnh, mà không biết rằng chính họ là tác nhân duy nhất có thể thay đổi được vận mệnh của mình. Đây chính là bước đầu căn bản và nền tảng để con người tự ý thức và đứng lên gánh lấy trách nhiệm đời mình. Không có bước khởi đầu này, mọi suy nghĩ và hành động đều là thụ động, đều bị trói buộc bởi chính tập khí nghiệp lực lâu đời của mình, mà đó chính là điều con người gọi nôm na là vận mệnh. Như vậy làm sao chúng ta có thể thoát khỏi vòng xích của vận mệnh, chứ đừng nói đến chuyện thay đổi?

Nhưng, vận mệnh là gì và con người có thể thay đổi được không?

Vận mệnh hay số mệnh là quan điểm của Nho Giáo. Số mệnh của Nho gia là thiên mệnh (mệnh trời) đã được đặt sẵn cho con người nên còn gọi là định mệnh. Nhưng cần lưu ý rằng, quan niệm của Nho Gia về thiên mệnh khác với các quan điểm của các tôn giáo thần quyền. Thiên mệnh của Nho Gia là thiên đạo, tức là đạo trời, là luật tắc tự nhiên, không phải là thượng đế được thần cách hóa. Theo quan điểm số mệnh, khi mệnh trời đã định thì con người không thể tránh, không thể bỏ, không thể đổi, nghĩa là mệnh trời vượt ra ngoài khả năng điều động của con người. Có điều, đừng quên rằng, Dịch lý của Trung Quốc cũng cho biết là “đức năng thắng số,” có nghĩa là sự ăn ở hiền đức, nhân từ, phúc hậu có thể vượt thắng hay chuyển đổi được số mệnh của con người.

Đối với nhà Phật, tất cả các pháp đều vô thường, biến hoại không ngừng, đều không thật, hay nói cách khác là không có tự tánh cố định. Hơn nữa, đạo Phật cho rằng con người có thể thay đổi tất cả đời sống của mình từ chánh báo, tức thân và tâm, đến y báo, tức hoàn cảnh sống và thế giới chung quanh. Đức Phật dạy rằng, “Chúng sinh là kẻ thừa tự những gì mà họ đã làm.” Điều này có nghĩa là những gì mà một chúng sinh có từ bản thân đến hoàn cảnh sống chung quanh đều do chính con người tạo ra qua hành nghiệp tạo tác của họ trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Theo Luận Câu Xá, hành nghiệp gồm có 2 phần: tư và tư dĩ nghiệp. Tư nghiệp là nghiệp của ý. Tư dĩ nghiệp là ý tưởng đã được phát động qua thân và khẩu. Trong 3 nghiệp này thì tư nghiệp là động lực tiên khởi, hay là nguồn gốc phát sinh mọi hành động của thân và khẩu, bởi vì, mọi động thái của thân và miệng đều bắt nguồn từ ý tưởng, suy nghĩ, ý muốn. Trước khi nói điều gì hay làm điều gì đó, con người phải có ý nghĩ về điều đó, và có ý muốn nói hay làm điều đó. Từ ý nghĩ và ý muốn đó mới bộc phát qua lời nói tức khẩu nghiệp và qua hành động chân tay tức thân nghiệp.

Nhưng, thực sự bản chất, tướng trạng và công dụng của nghiệp là gì?

Nếu nghiệp có thể tồn tại trải qua một khoảng thời gian, có khi lâu đến nhiều đời nhiều kiếp, vậy thì nó là pháp vô thường hay thường hằng? Nếu vô thường thì làm sao kéo dài sự tồn tại qua một khoảng thời gian hàng nhiều đời nhiều kiếp? Nếu thường hằng thì trái với điều Phật dạy là tất cả các pháp hữu vi đều vô thường biến diệt? Hơn nữa, nếu nghiệp là thường hằng thì, một là, nó không chịu sự tác động của các duyên để sinh, trụ và diệt; hai là, nó không thể nào có thể được chuyển hóa, tức là con người không thể chuyển nghiệp, không thể chuyển nghiệp thì tu làm gì? Để giải quyết nan đề này cả trường phái Câu Xá của Hữu Bộ và Duy Thức của Đại Thừa đều đưa ra những giải thích cặn kẽ và minh bạch.

Trường phái Câu Xá cho rằng nghiệp được hình thành và biểu hiện qua 2 dạng thức: biểu nghiệp và vô biểu nghiệp. Biểu nghiệp là động thái dựa trên biểu sắc có thể nhìn thấy như miệng và tay chân. Vô biểu nghiệp là động thái dựa trên vô biểu sắc tức chức năng của sự vận động qua ý tưởng, qua động thái của thân và khẩu. Nói cho rõ hơn, Câu Xá diễn tả rằng, khi một hành động của thân, khẩu được tạo ra chúng sẽ không bị biến mất hoàn toàn mà tồn tại ở dạng thức năng lực vận động. Năng lực này, không phải là sắc pháp, mà cũng không phải là phi sắc pháp, sẽ tiếp tục tồn tại qua dạng thức sinh diệt liên tục không ngừng nghỉ trong từng sát na cho đến khi đủ điều kiện, đủ duyên, để có kết quả. Tất nhiên, không phải mọi hành động của thân và khẩu đều đủ sức để tạo ra sức mạnh vận động để duy trì từ lúc tác nhân đến khi thọ quả, nhiều khi chúng bị diệt mất hoàn toàn ngay sau khi hành động bộc phát, hoặc chỉ đủ sức tồn tại để trở thành những hành vi không mang nặng sắc thái thiện hay ác rõ ràng có thể đưa đến nghiệp quả, thường được gọi là vô ký nghiệp. Nhưng, các nhà Hữu Bộ không vượt qua khỏi ý niệm về sự tồn tại của ngã hoặc pháp xét như là những thực thể hình thành ngũ uẩn. Cho nên, quan điểm về nghiệp vẫn chưa giải quyết triệt để để đạt đến hoàn bị.

Năng lực vận động của vô biểu nghiệp được các nhà Duy Thức gọi là công năng, hay chủng tử, chúng là hạt giống của tất cả mọi pháp từ căn thân đến thế giới, từ tâm đến cảnh. Chúng tồn tại dựa trên A lại da thức. A lại da thức thường được gọi là kho chứa của chủng tử, tàng thức, nhưng đó chỉ là một hình dung từ cho dễ hiểu. Đích thực A lại da thức chính là tất cả công năng thiện hoặc ác, ô nhiễm hoặc thanh tịnh, hữu lậu hoặc vô lậu, tụ lại ở dạng thức năng lực. Những chủng tử này sinh diệt liên tục trong từng sát na. Năng lực chủng tử của sát na trước làm nhân làm duyên cho năng lực chủng tử của sát na sau. Nói là chúng thường hằng thì không đúng, nhưng cho rằng chúng không tồn tại thì cũng chẳng nhằm. Nếu chúng không tồn tại thì làm sao có căn thân của hữu tình và khí thế giới chung quanh? Nếu chúng tồn tại thường hằng thì làm sao có thể hình thành căn thân và thế giới từ tác nhân đến hệ quả? Bởi vì khi một pháp xuất hiện và đứng yên bất động ngay trong một sát na thì pháp đó là pháp đã chết không phải pháp tồn tục. Theo luật tắc duyên sinh, sự tồn tại của tất cả pháp đều phải là tiến trình vận động không ngừng nghỉ. Do đó, trong vận hành của công năng hay chủng tử không hề có một chủ thể ngã nào có mặt.

Chính sự vi diệu này mà trong Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, đức Phật dạy rằng chỉ có trí tuệ rốt ráo của chư Phật mới có thể hiểu biết thấu đáo được bản chất của nghiệp lực. Qua cơ cấu vận hành của nghiệp như đã trình bày ở trên, con người chịu trách nhiệm tất cả những gì mà họ lãnh thọ, khổ đau hay hạnh phúc. Vì thế, muốn thay đổi nghiệp vận, con người phải bắt đầu từ những hành động của thân, miệng và ý của chính họ.

Bắt đầu như thế nào?

Năm mới là cơ hội tốt nhất để bắt đầu, vì đây là thời điểm ai nấy đều mong muốn thay đổi nghiệp vận để có được cuộc sống tốt lành hơn. Người Mỹ có một phong tục rất hay trong ngày đầu năm, đó là lập một hay nhiều điều cam kết để quyết tâm làm cho được việc gì đó trong năm, thường được gọi là “new year’s resolution(s).” Trong những ngày đầu năm, chúng ta có thể hạ quyết tâm thực hiện công cuộc thay đổi vận mệnh của mình bằng phương thức chuyển nghiệp qua nhiều bước từ cạn tới sâu, từ ngoài vào trong. Nói đầu năm là nói thời điểm thuận tiện nhất trong năm theo nếp sống văn hóa và phong tục của người Việt. Chứ thật ra, đối với người Phật tử thì phải khởi sự chuyển nghiệp ngay khi hiểu được lời Phật dạy ở bất cứ thời điểm nào, và thực hiện điều đó thường xuyên trong đời sống hằng ngày.

Khởi sự, chúng ta có thể nương theo các giới luật mà Phật đã dạy để tự điều phục ba nghiệp của mình. Đối với người Phật tử tại gia, các giới luật mà mình đã thọ gồm năm giới (ngũ giới), mười điều thiện (thập thiện nghiệp), bồ tát giới tại gia. Lấy đó làm kim chỉ nam cho tất cả những hành động của thân, miệng và ý trong đời sống hàng ngày. Khi suy nghĩ, nói hay làm việc gì, người Phật tử cũng phải xét xem mình có vượt khỏi giới hạn của những giới luật này không. Năm giới gồm: không giết hại sinh vật, không lấy cắp tài sản của người, không xâm phạm đến hạnh phúc gia đình người khác, không nói dối, và không uống rượu làm loạn trí. Mười điều thiện gồm: không tham lam, không giận dữ, không si mê, không giết hại sinh vật, không trộm cắp, không xâm phạm hạnh phúc nhà người, không nói dối, không nói lời thêu dệt, không nói lưỡi hai chiều, và không nói lời hung ác.

Khi người Phật tử thực hành một phần hay toàn phần các giới luật kể trên thì hiệu quả thay đổi của đời sống thấy rõ. Trước hết, đối với tự thân người giữ gìn giới luật sẽ có được đời sống an lạc, không lo phiền hay bị dính líu đến những phiền phức về tình cảm, pháp lý, v.v... Bởi vì, chẳng hạn, người Phật tử không trộm cắp thì không sợ bị thưa kiện về ăn cắp tài sản của người, hoặc người Phật tử không xâm phạm hạnh phúc của người khác thì giữ được hạnh phúc gia đình mình, v.v… Kế đến, đối với gia đình và xã hội, người Phật tử giữ gìn giới luật đầy đủ, sống theo đạo đức Phật giáo sẽ làm gương cho con cái noi theo, sẽ được mọi người tin tưởng, quý mến. Chẳng hạn, người Phật tử không nói dối thì lời nói của mình sẽ được mọi người tin tưởng mà không nghi ngờ, và tư cách cũng được tôn trọng, v.v… Đó chính là từ sự thay đổi ý nghĩ, lời nói và hành động mà chuyển hóa được chánh báo và y báo.

Nhưng nguồn gốc của mọi hành vi tạo tác và các việc bất thiện đều xuất phát từ tâm mà ra. Cho nên, bước thêm một bước nữa, người Phật tử cần quán sát và kiểm soát tâm mình trong tất cả mọi lúc, đừng để những ý nghĩ xấu ác, có hại cho người và mình, thao túng rồi dẫn đến các hành vi bất thiện của thân và khẩu. Muốn quán sát và kiểm soát tâm có hiệu lực, người Phật tử có thể thực hành nhiều cách, nhiều pháp môn mà trong đó thiền định là phương thức hữu hiệu nhất. Thực hành thiền định gồm 2 cách: một là, tọa thiền theo thời khóa mỗi ngày để lắng đọng loạn tâm và gạn lọc tạp niệm; hai là, bằng trí tuệ quán chiếu vận hành của tâm ở tất cả mọi thời, chứ không phải chỉ trong thời khóa nhất định, để vừa điều phục vọng tâm, mà cũng vừa liễu ngộ bản chất của tâm, hay nói theo nhà thiền là kiến tánh.

Tâm là dòng chảy liên tục của những ý niệm thiện, ác, và không thiện không ác. Dòng chảy của tâm nương trên năng lực tập khí được huân tập nhiều đời nhiều kiếp trở thành hoạt động tự nhiên trong đời sống. Giống như dòng chảy của thác nước, nhìn bên ngoài có vẻ như là liên tục không gián đoạn, nhưng thực ra đó là sự kết hợp tương sinh, tương diệt của từng khối nước, từng giọt nước, từng vi thể nước. Cũng vậy, dòng chảy của tâm thức là sự kết hợp tương sinh, tương diệt của vô lượng vô biên ý niệm không ngừng nghỉ. Vì vậy, trong tận cùng bản chất của dòng chảy tâm thức, không hề và cũng không thể có bất cứ chủ thể ngã nào tồn tại. Chúng vốn rỗng trống.

Từ cuộc sống bao lâu nay, con người chạy theo sự rong ruổi của sáu căn với sáu trần để khởi động sáu thức không ngừng nghỉ, bây giờ có thể dừng lại để xoay cái nhìn vào nội tâm trống rỗng, là một thay đổi tận gốc rễ và lớn lao đối với đời sống. Qua đó, con người có thể tự mình thay đổi cách nhìn đối với cuộc sống, đối với thể giới chung quanh. Ngày xưa với cuộc sống chạy theo vọng tâm điên đảo, con người nhìn cuộc đời như kẻ cưỡi ngựa xem hoa, chẳng thấy được điều gì rõ ràng, chẳng nhìn được vật gì tinh tường. Giờ đây, bằng năng lực nội quán, con người sẽ quán chiếu sự vật và thế giới một cách tỉnh táo, trầm tĩnh, minh mẫn, và an lạc hơn. Cũng là cành hoa nơi sau vườn nhà, mà ngày nào chúng ta chỉ thoáng thấy bóng dáng mập mờ, nhưng bây giờ nó lại hiện ra rõ ràng như cảnh vật chiếu thẳng vào tấm gương sáng để lộ nguyên chân tướng diễm lệ tuyệt vời! Cũng là câu nói đó mà ngày xưa chúng ta nghe như dao cắt, như chanh chua, vậy mà bằng sự an trú trong sức nội quán tự tâm, hôm nay chúng ta nghe nó một cách bình thản, tự tại như gió thổi qua đồng trống.

Với tâm bình lặng chúng ta sẽ không bị tham lam và sân si trói buộc. Do đó, chúng ta sẽ không nghĩ đến chuyện chiếm lấy tài vật của người, hay nuôi lòng thù hận ai. Ngay cả một lời hung ác, người Phật tử còn không thể thốt ra vì sợ làm ô nhiễm tâm mình và thương tổn người khác. Người Phật tử đem hành nghiệp trong sáng để hành xử trong công việc làm ăn sinh sống, trong lối cư xử với mọi người chung quanh, trong chức phận mà mình đang gánh vác ở xã hội. Bằng hành nghiệp trong sáng, người Phật tử đem hết khả năng để thực hiện lý tưởng xây dựng xã hội, đất nước, và cuộc đời. Qua cách sống như vậy, người Phật tử sẽ giảm thiểu lần hồi những hành tác bất thiện của thân, khẩu và ý để được đáp lại bằng cuộc sống yên ổn, an lạc và hạnh phúc hơn. Đó là lối sống mà ông bà tổ tiên người Việt chúng ta hay nói là “phúc đức.” Có phúc đức thì chắc chắn sẽ thắng được số mệnh. Thật ra chính nhờ chuyển hóa nghiệp lực của thân, miệng và ý mới đưa tới lối sống “phúc đức” như vậy. Và người có phúc đức ắt sẽ được giàu sang phú quý từ tinh thần tới vật chất.

Một người làm được, cả nhà làm được, cả làng làm được, cả nước làm được. Như vậy mới chứng tỏ lời Phật dạy hữu ích như thế nào. Và như thế sẽ không còn ai nghĩ tới chuyện bỏ đạo Phật truyền thống để chạy theo các tôn giáo khác tìm lợi lạc nhất thời. Muốn giữ đạo, năm mới, mỗi người Phật tử hãy phát nguyện phải làm được như vậy.

Năm mới, xin chúc mọi người tinh tấn thực hành lời Phật dạy rửa sạch thân tâm để chuyển đổi nghiệp vận. Làm được như vậy thì ngày nào cũng là ngày an lạc và hạnh phúc.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
13/01/2020(Xem: 3258)
Xuân về đất khách buồn thiu Co ro góc nhớ chín chiều ruột đau Đơm bông hoa quả cúng cầu Gia tiên phò hộ cho mau trở về Yêu làm sao chữ Tình Quê Trên môi em bé vụng về phát âm Phương xa dân Việt âm thầm Cùng nhau tổ chức hội đàm Mừng Xuân
11/01/2020(Xem: 6390)
Hai tuần qua, mọi người khắp nơi trên thế giới đã từng bừng ăn Tết Dương Lịch 2020. Là người Mỹ gốc Việt định cư ở Hoa Kỳ, Canada, hay những quốc gia khác trên thế giới, chúng ta cũng nằm trong số người đó. Tính đến nay, nhiều gia đình đã trải qua ba, bốn thế hệ. Ông bà, cha mẹ, con cái, dâu, rể, cháu, chắt... Con cái chúng ta sinh ra và lớn lên ở đất nước này, nên chúng ta cần học hỏi, hoà nhập vào nền văn hoá xã hội nơi đây là điều đương nhiên. Riêng thế hệ ông bà, cha mẹ dù định cư ở đâu cũng không quên phong tục tập quán của mình, nhất là khi Xuân về Tết đến, khiến cho chúng ta chạnh lòng nhớ ray rứt những mùa Xuân đầy ấp kỷ niệm thân thương nơi chôn nhao cắt rốn ở quê nhà. Cho nên, hằng năm ở đây, chúng ta thường đón tới hai cái Tết. Đó là Tết Dương lịch quen gọi là Tết Tây và Tết Âm lịch là Tết Ta còn gọi là Tết Nguyên Đán. Tết Nguyên Đán năm nay nhằm ngày 25 tháng Giêng 2020. Tính theo thứ tự mười hai con giáp, năm nay là năm Kỷ Hợi và năm tới là năm Canh Tý.
10/01/2020(Xem: 3992)
Kính bạch Thầy, con không thể nào tập trung vào bất cứ điều gì cho cái Tết năm nay vì mỗi khi đọc tin tức và thời tiết báo động là con lại nghĩ buồn cho tai họa sẽ ập đến bất cứ lúc nào cho những người thân thương, bè bạn đang sống trong vùng lửa đỏ ...Kính gửi thêm Thầy bài thơ để trình Thầy những ý nghĩ thiển cận và mạo muội ...HH Nay học được tình người ...trong thảm họa , Từng sống .... tự lợi thờ ơ những năm qua . Bên tai nào ...Hỏa hoạn Amazone, California ! Lãng quên rồi tiếp tục ...chuyện hoa ...trái Xin thầm gọi Tết năm này là Xuân Nhân ái !
06/01/2020(Xem: 4982)
Ngày 04/01/20120 kết thúc khóa thiền 50 ngày thì trưa 05/01 chúng tôi về nhà vợ chồng em Hương và Quang tất niên sớm. Sớm bởi sau tiệc này, mỗi người trở về trú xứ của mình, về nhà của mình. Sớm bởi 50 ngày thiền miên mật từ 4 giờ sáng đến 21h đêm đã kết thúc và hôm nay cũng cần ngồi lại với nhau để tổng kết và sẻ chia, để sách tấn nhau và bàn kế hoạch cho các khóa thiền tiếp theo của năm mới. Tiệc tất niên đặc biệt bởi tất cả là chay. Không chỉ vậy đồ ăn lại là thực dưỡng. Cơm gạo lứt. Bánh chưng gạo lứt. Nem cuốn toàn rau củ quả. Nước chấm cũng tương tamari, misô. Giò, chả có đủ nhưng vẫn là chay. Rau sống là thì rau sạch, ăn khác hẳn luôn. Hơn thế nữa, tất cả được bày lên những chiếc mẹt rất dân giã và thân thiện.
05/01/2020(Xem: 12218)
Năm nay Canh Tý, cầm tinh con Chuột, các bà mẹ mong muốn sinh con vào năm 2020 Canh Tý để có một đứa con khôn ngoan, thông minh, lanh lợi. Bởi trong 12 con giáp thì loài chuột chính là loài linh thú đứng đầu. Do đó, chuột đại diện cho sự khởi đầu mới, cơ hội phát triển mới thành công....Tuy nhiên, thực tế trong đời sống thì Chuột là loài gặm cắn đồ đạt trong nhà, phá hoại mùa màng, làm lây lan các loại bệnh, điều này được Đức Phật đề cập trong Kinh A Hàm (Nhị đế nghĩa, quyển thượng) rằng Chuột có cái biệt tài ăn hạt dẻ, khi ăn hạt dẻ, chúng chỉ dùng cái răng nhọn xuyên vào bên trong ruột hạt dẻ lấy đi phần nhân, cho đến khi lấy hết sạch phần nhân bên trong, mà hạt dẻ vẫn còn nguyên vẹn cái vỏ bên ngoài. Hình ảnh này dùng để chỉ hai loại chân lý: Chân đế và tục đế
05/01/2020(Xem: 4174)
Thương lắm nước Úc hiền hoà Kính bạch Thầy hôm nay xem tin tức hỏa hoạn thiên tai của nước Úc đứng vào hàng thứ nhất trên thế giới hiện nay và chiều hôm qua Penrith / NSW đã nóng đến 48 độ 6 đạt kỷ lục . Kính dâng Thầy và các bạn hữu bài thơ chia sẻ . Kính HH Thương lắm quê hương thứ hai nước Úc ! Đang gánh chịu ...tàn phá hỏa hoạn thiên ai. Vào hàng thứ nhất thế giới hiện nay , Mọi người ơi ...góp bàn tay ta chung sức ! Nhớ những năm xưa chúng ta cơ cực ... Người dân thuần hoà san sẻ ....ấm nồng , Giúp đỡ , chở che , chỉ dẫn ....hết lòng Vẫn còn mãi ....tánh thiện lương nhân ái . Ngưỡng nguyện trời cao ....thành tâm kính lạy, Cam lồ mưa ...ban rãi đến nơi nơi . Dập tắt ngay những đám cháy kịp thời ... Để hoảng sợ bất an ....thở phào ra ...nhẹ nhõm ! Huệ Hương
04/01/2020(Xem: 4037)
Năm mới làm mới chính mình: Mang đến một cơ hội mới đáng để khám phá và một cuộc sống đáng sống New Year brings a new opportunity worth exploring and a life worth living
04/01/2020(Xem: 5075)
Sớm Bình Minh trong sáng Làn gió lạ bay qua Nghe âm vang trong gió Tiếng niệm A Di Đà ... Sớm Bình Minh Chim Hót Vườn xanh đầy trái ngọt Dậu Hoa Vàng thơm ngát Trong vườn nắng thanh thanh ...
03/01/2020(Xem: 9156)
Báo Chánh Pháp (số đặc biệt Xuân Canh Tý 2020): Sương mai mù mịt xóm nhỏ. Những hàng cây như yên lặng nín thở để đón nhận làn sương lạnh cuối đông. Lá cây ướt đẫm, tưởng chừng vừa được tắm dưới mưa. Long lanh nước đọng trên đầu những ngọn cỏ. Con quạ rủ lông trên nhánh cây phong. Có một nỗi buồn nào đó, một nỗi buồn rất cô liêu, lan nhẹ vào hồn khi không gian lắng xuống, tịch mịch.
03/01/2020(Xem: 11434)
Tôi đã tự nhủ thầm: “Năm nay mình mất một cơ hội để cúng dường các bạn không thể tham dự được chuyến Hành Hương thập tự nhân dịp đầu Xuân Canh Tý của Tu Viện Quảng Đức ..”, vì một lý do đơn giản và bất ngờ là phải lên Sydney để đón gia đình cháu gái từ Canada sang chơi, rồi dẫn gia đình cháu về lại tệ xá ở Melbourne và đi thăm thắng cảnh nơi đây .
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]