Một kho báu vô giá
của nghệ thuật Phật giáo
Quần thể hang động Mạc Cao nằm ở vùng địa lý khô cằn cực Tây Bắc của tỉnh Cam Túc (Trung Quốc), gồm 402 điện thờ Phật giáo trải rộng trên 1.600 m. Quần thể hang động chứa rất nhiều bức bích họa Phật giáo (tranh Phật giáo được khắc họa trên tường) là một trong ba bảo tàng hang động lớn của Trung Quốc, bên cạnh Vân Cương (tỉnh Tây Sơn) và Long Môn (tỉnh Hà Nam).
Một trong số những điện thờ Phật giáo
Nhiều thế kỷ trước, trên một mặt đá dựng của sa mạc Taklamakan (thuộc Tân Cương) các họa sĩ, nghệ nhân đã đào trũng và đục đẽo tạo nên 492 hang động với hơn 450.000 m2 bích họa đặc sắc. Quần thể hang động Mạc Cao (hay còn gọi là Đôn Hoàng) về sau được biết đến như là “bảo tàng” nghệ thuật Phật giáo vô giá của thế giới.
Động Mạc Cao được khởi xây từ năm 366 gần Đôn Hoàng, cửa ngõ quan trọng về phía Tây của Trung Quốc, một trung tâm thương mại nằm dọc theo Con đường Tơ Lụa và là nơi giao thoa của các tộc người và tôn giáo khác nhau, trong đó có Phật giáo. Các hang động trong quần thể được xây dựng trong gần một thiên niên kỷ và đạt đến đỉnh cao của sự sáng tạo trong suốt thế thế kỷ 7 và 8.
Theo các nhà nghiên cứu, Đôn Hoàng là trung tâm giao thương trên hành trình của Con đường Tơ Lụa và là trung tâm tín ngưỡng, tôn giáo từ thời nhà Đường. Rất nhiều các hang động lớn được tạo tác trong thời kỳ này. Nhưng những công trình này bị chậm lại và xuống cấp vào thời nhà Nguyên, khi hoạt động giao thương của Con đường Tơ Lụa yếu đi và việc giao thương xuyên biển bắt đầu lớn mạnh ở Trung Quốc.
Một góc tuyệt đẹp nơi di tích
Những công trình còn lưu lại nơi "kho báu" này
Sự nở rộ của việc ra đời các bích họa trong quần thể hang Mạc Cao diễn ra vào đời nhà Đường. Các họa sĩ mang những câu chuyện Phật giáo khắc vẽ lên vách hang. Nét độc nhất vô nhị của nghệ thuật Mạc Cao không chỉ là sự kết hợp của các truyền thống nghệ thuật bản địa Trung Quốc, Đông Á mà còn có sự pha trộn và ảnh hưởng của người Ấn và Gandha cổ đại. Nghệ thuật Mạc Cao còn là bằng chứng cho sự trao đổi văn hóa nghệ thuật đa dạng giữa Trung Quốc và phương Tây.
Tuy nhiên, từ thế kỷ thứ 10, dân số Đôn Hoàng giảm sút nghiêm trọng và các hang động Mạc Cao dần bị lãng quên. Mãi đến năm 1900, nơi đây mới lại được xem là nơi hành hương, khi một nhà Đạo học tình cờ phát hiện ra địa điểm này. Khám phá này cùng với hàng chục ngàn văn bản viết tay và di tích bên trong khu hang động cho thấy quần thể Mạc Cao là một khám phá vĩ đại về văn hóa Đông phương của thế giới.
Việc tìm ra quần thể này giúp mang lại những giá trị tham chiếu vô giá về về lịch sử văn hóa cổ đại của Trung Quốc và khu vực Trung Á. Các văn bản viết tay trong “hang động thư viện” (quần thể hang động Mạc Cao) là một trong những kho báu to lớn về nền văn hóa cổ đại được tìm thấy cho đến nay. Có khoảng 50.000 văn bản viết tay được lưu lại nơi đây, được viết chủ yếu bằng tiếng Trung Quốc, tiếng Tây Tạng, Sankrit, Uygur (tiếng Thổ Nhĩ Kỳ xưa) và tiếng Sogdian (một loại ngôn ngữ thuộc dòng Iran, khu vực Trung Á). Trong đó, đa phần là các văn bản liên quan đến Phật giáo. Ngoài ra còn có các tác phẩm thuộc về Đạo giáo, đạo Khổng và các văn bản hành chính, các bộ sưu tập, các bộ chú giải thuật từ, tự điển và thư pháp.
Các tư liệu tìm thấy trong quần thể hang động Mạc Cao giúp mang lại sự hiểu biết sâu sắc về các vấn đề tôn giáo lẫn đời sống của Trung Quốc cũng như các quốc gia vùng Trung Á thời kỳ sơ khởi. Đặc biệt là bản kinh Kim Cang, có niên đại từ năm 868, lần đầu tiên được dịch từ tiếng Sankrit sang tiếng Trung Quốc vào thế kỷ thứ 4. Những phát hiện khác cũng cho thấy rõ lịch sử phát triển của Phật giáo Trung Quốc, các ghi nhận một cách chi tiết về đời sống chính trị, văn hóa của xã hội bấy giờ. Thông qua đó, các nhà nghiên cứu cũng có cái nhìn cụ thể hơn về đời sống con người trong kỷ nguyên này.
Vào thời nhà Đường, có hơn 1.000 hang động ở Mạc Cao, nhưng hiện giờ chỉ còn khoảng 492 hang động được bảo tồn. Hơn một nửa các bức bích họa và điêu khắc trong các hang động hiện nay đều bị phai và bong tróc. Nguyên nhân của những tổn hại này là do sự bào mòn của thời gian và từ khách tham quan. Quần thể hang động Mạc Cao có thể đón chào tối đa khoảng 3.000 khách tham quan mỗi ngày. Tuy nhiên, trong một dịp quốc lễ kéo dài một tuần năm 2012, đã có 18.660 lượt khách đến tham quan nơi đây mỗi ngày.
Bích họa trên tường phía trong hang động
Quần thể hang động Mạc Cao được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 1987
Độ ẩm và khí cac-bon di-oxit tỏa ra từ khách tham quan cũng gây ảnh hưởng lớn và không tốt đến các di vật có niên đại nhiều thế kỷ trong hang.
Do vậy, Viện Đôn Hoàng cũng xác định rằng song song với việc giới thiệu rộng rãi quần thể di tích đến với du khách cũng cần có biện pháp bảo tồn và bảo vệ khu di tích. Việc cần phải làm là kết hợp bảo tồn khu di tích và quản lý việc tham quan. Đây là hai mối quan tâm hàng đầu để bảo tồn khu di tích cho các thế hệ sau được biết đến. Theo đó, Trung tâm Du lịch Quần thể hang động Mạc Cao ra đời để thực hiện nhiệm vụ này.
Bên cạnh đó, các giải pháp chống lại sự tàn phá của tự nhiên cũng được thực hiện. Cho đến nay, ba hàng rào chống sạt cát đã được xây dựng gồm có 20 hecta cỏ giữ đất, một vành đai rừng dày 4 km và hàng rào dày 3km.
Quần thể hang động Mạc Cao được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 1987 do gắn liền với sự phát triển của Phật giáo và Con đường Tơ Lụa.
Trọng Hiếu - Công Hưng
(Theo The Buddhist Channel)