Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Xuân Trong Ta

22/01/201422:57(Xem: 7966)
Xuân Trong Ta
hoa_mai_2Xuân Trong Ta

Nhắc đến tết chúng ta cảm nhận ngay cái tiết trời ấm áp, là mùa xuân xanh tốt , trăm hoa đua nở. Hoa cúc đủ màu, hoa mai vàng đầy trước ngõ, nhà nhà tự trồng lấy hay tìm mua những cây hoa kiểng thật đẹp ở ngoài chợ rồi mang về trưng bày trước nhà, quanh sân trong những ngày xuân. Cảnh sinh hoạt từ nhà nghèo đến nhà giàu, tất cả đều vui xuân nhộn nhịp, sống động, bình an, vui tươi và hạnh phúc khắp nơi. Đâu đâu, chốn nào cũng hừng hực những nồi bánh tét, bánh chưng. Ai đó trong chúng ta có đi làm ăn xa nhà, tới ngày tết cũng đều luôn nghĩ nhớ về quê hương xứ sở, nơi sanh thành lớn lên, rồi cũng tranh thủ về ăn tết cùng với gia đình, dù ở cách xa ngàn dặm. Hay ai đó trong chúng ta vì hoàn cảnh đất nước, vì chiến tranh loạn lạc, vì cuộc sống sanh nhai phải rời xa quê hương đất tổ để tìm cuộc sống mới nhưng tới thời điểm tết ai ai cũng nghĩ nhớ về quê nhà, cũng tổ chức hội xuân để sưởi ấm lòng mình khi xa xứ.

Mỗi độ tháng này người người gọi...............
Tết đã về rồi xuân bao la
Trong tôi chợt nhớ đến quê nhà
Hoa cúc, mai vàng, đầy trước ngõ
Trẻ thơ khoe nhau áo mới lạ

Bánh tét bánh chưng, cổ đầy nhà
Lư hương chân đèn bóng khắp cả
Trong ngoài trước sau đều bát ngát
Xuân vẫn còn đây, hay đã qua?

Xuân xứ người khác xuân quê ta
Xuân Bắc Âu tuyết rơi là đà
Cũng có hương hoa, cùng bánh mứt
Nhưng đâu ấm bằng xuân quê ta

Xuân ta, xuân tây, xuân không lạ
Tất cả mùa xuân chỉ một nhà
Ai bảo tìm xuân ngoài ngõ vắng
Chỉ một mùa xuân ở trong ta.

Hãy sống với xuân từng sát na
Xuân khắp vũ trụ, xuân muôn nhà
Đừng để xuân đi rồi tìm kiếm.
Trong ta mùa xuân vẫn thiết tha.

Tìm kiếm mùa xuân ở đâu xa
An lạc nào hơn xuân trong nhà
Hàm tiếu nụ cười Xuân Di Lặc
Hành nụ cười này, Xuân trong ta.

Đôn Hậu, 9/02-2007
TK Thích Viên Giác TVGPhiLong
Đứng trên bình điện thế gian mà nhìn, khi chúng ta gặp những hoàn cảnh vui buồn , đến đi , được mất thì chúng ta chỉ biết cảm nhận cái vui, cái buồn, cái đến, cái đi , cái được, cái mất để rồi chúng ta thản nhiên, tự tại, an hưởng, vui chơi phóng túng ngày qua ngày. Sống như vậy chẳng biết lo nghĩ cho ngày mai nên đem tâm quan niệm rằng chết là hết, nhưng không có cái gì trên cõi đời này chết, mất đi là hết cả. Tất cả vạn vật trong vũ trụ này đều phải bị ảnh hưởng hay phải bị chi phối bởi định luật luân hồi,vô thường, nghiệp cảm.
Từ đất mọc lên cây. Cây xanh lớn lên cằn cỏi, héo tàn, cây xanh hết nhựa sống thì phải chết mà khi chết rồi thì sẽ mục đi trở lại thành đất và cũng từ đất mọc lên thành cây. Nước từ ao, hồ, sông, biển gặp nắng bốc hơi lên thành mây, mây gặp lạnh cô đọng lại thành mưa, rồi rơi xuống ao hồ hay biển cả, sông ngòi rồi cứ lên xuống như vậy từ đời này qua đời khác, từ kiếp này qua kiếp khác, cứ như vậy mà lưu chuyển. Chúng ta con người cũng như vậy, chết không phải là hết, mà chỉ là một hình thức sinh diệt, thay hình, đổi dạng từ một trạng thái này qua một trạng thái khác, từ một cảnh giới này qua một cảnh giới khác, cứ như vậy mà trôi lăn mãi trong lục đạo (thiên, nhân, a tu la, địa ngục, ngạ qủy, súc sanh) mà thôi. Những sự kiện nêu trên cho chúng ta thâý. Ai ai trong chúng ta cũng phải bị chi phối bởi nghiệp báo luân hồi. Đúng là « Xuân đã qua rồi vẫn còn xuân » Mùa xuân năm nay đến rồi sẽ qua; nhưng rồi mùa xuân cũng sẽ trở lại và sẽ trở lại từ đời này qua đời khác. Nhưng mà thật kỳ lạ thay, mùa xuân vẫn đến và vẫn trôi qua nhưng không mùa xuân nào giống mùa xuân nào ( biệt nghiệp, thân tướng của chúng ta cũng đâu có ai giống ai đâu). Nghĩ đến xuân, nhớ đến tết. Nếu chúng ta để tâm quán triệt lý vô thường, sanh, trụ, dị, diệt; để tìm về cái Chơn thường an vui tịch tịnh qua câu « Xuân đã qua rồi vẫn còn xuân » . Xuân qua nhưng xuân không mất mà xuân sẽ trở lại; vậy là vẫn còn xuân.

Nhắc đến đây chúng ta không thể không nhớ đến một vị thiền sư sống vào đời nhà Lý, khi Ngài biết vô thường đã đến với Ngài, giờ thâu thần tịch diệt gần kề, Ngài gọi chư tăng ni Phật tử vào phương trượng để khai thị, dạy bảo bằng một bài thi kệ thật tuyệt tác : « Xuân khứ bách hoa lạc. Xuân đáo bách hoa khai. Sự trục nhãn tiền qúa. Lão tùng đầu thượng lai. Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận. Đình tiền tạc dạ nhất chi mai ». Nghĩa là: Mùa xuân đi qua trăm hoa cũng phải rụng. Mùa xuân trở lại thì trăm hoa đua nhau nở. Sự việc ẩn hiện trước mắt chúng ta. Rồi cũng phải gìa lụn, bạc màu. Nhưng đừng nghĩ rằng xuân đi rồi thì hoa rụng hết. Trước sân chùa vẫn nở một nụ hoa mai vàng. Đó chính là thiền sư Mãn Giác.Tục danh của Ngài là Lý Trường, sanh năm 1052, thị tịch năm 1096. Thọ 45 tuổi. Khi còn thiếu thời Ngài đã thông cả nho giáo và Phật giáo. Mới 20 tuổi Ngài được nhà vua triệu vô cung để dạy cho các hoàng tử. Lúc bấy giờ vua và hoàng hậu rất tôn kính Ngài nên đã cho xây riêng cho Ngài một ngôi chùa để Ngài an tâm hành trì kinh điển. Ngài xả bỏ báo thân với lứa tuổi 45 thật qúa sớm. Tiếc thay cho hàng hậu học bị mất đi một bậc Chơn Sư. Cứ mỗi độ mùa xuân về không ai trong chúng ta có thể quên đi Thiền sư Thích Mãn Giác qua thi kệ «Cáo Tật Thị Chúng»
Là một chúng sanh, nhất là con người khi chúng ta đã có ý thức thì chúng ta biết phân biệt, biết cảm nhận, biết lãnh thọ cái vui, cái buồn, thương ghét, còn mất, có không, đến đi, phải trái, trắng đen, sáng tối tất cả đều nằm trong thế gian pháp, nhị nguyên ( hai mặt đối đãi nhau) hay tục đế ( sự thật của cuộc đời ). Ở xứ người chúng ta từ trẻ đến gìa ai ai cũng nô nức tổ chức tết, đón mừng năm mới. Nhưng cái vui ấy làm sao đầm ấm bằng xuân ở quê hương. Vâng! bao nhiêu vẻ đẹp,niềm vui, hưởng lạc, sung túc, vui buồn gì đi nữa cũng không ra khỏi thế tục, tất cả không nằm ngoài thập nhịp nhân duyên, Vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão tử. Đây là mười hai cái xích nó móc với nhau như một guồng máy vận hành đưa kiếp người quanh quẫn trong sanh tử luân hồi đau khổ. Bởi vì chúng ta sống trong sự đối đãi, so sánh, phân biệt , khen chê. «Xuân xứ người khác xuân quê ta. Xuân bắc âu tuyết rơi là đà, cũng có hương hoa cùng bánh mứt nhưng đâu ấm bằng xuân quê hương». Chúng ta chưa biết tu tập, đang sống trong tục đế, cho nên chúng ta còn phân biệt, khen chê, bị mười hai nhân duyên nó xích với nhau; nên chúng ta còn khổ hoài hoài. Trong thập nhị nhân duyên, duyên thứ tư là danh sắc, ở cái duyên này phần đông ai cũng dính mắc, khó mà thoát khỏi, chính vì chúng ta bị dính mắc vào ngũ uẫn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức nên chúng ta bị đau khổ. Còn duyên thứ năm cũng làm cho chúng ta đắm đuối không kém, đó là lục nhập. Lục nhập là sáu căn: Nhãn,nhĩ, tỷ,thiệt,thân và ý. Sáu căn này tiếp xúc với sáu trần, duyên với sáu thức làm cho chúng ta say đắm trong ngũ dục: tài, sắc, danh, thực, thùy. Chính ở nơi ngũ dục này nó khiến chúng ta chạy theo danh lợi, tiền tài, sắc đẹp để rồi gây biết bao nhiêu sự khổ lụy cho chính bản thân mình và cho những người chung quanh mình,cho xã hội, cho quốc gia, nói rộng hơn là gây đau khổ cho cả nhân loại. Nếu như chúng ta biết vâng lời Phật dạy, quay về nương tựa ba ngôi báu Phật, Pháp Tăng, để rồi từng bước một tu tập bước lên từng nấc thang giải thoát để nhận diện được lý vô thường, đạt tới thánh qủa Tư đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm, A la hán. Hay thấu triệt được Chơn Như theo Bồ tát đạo để bước lên Phật qủa thì sẽ không còn đau khổ nữa.
Thơ : Không Vướng Bụi Trần
Mắt trông thấy sắc rồi thôi
Tai nghe thấy tiếng, nghe rồi thì không
Trơ trơ lẳng lặng cõi lòng
Nhẹ nhàng ta bước ra vòng trần ai
Bài thơ này muốn nhắc nhở chúng ta đừng dính mắc vào mười hai nhân duyên, tránh xa danh sắc thì sẽ được thong dong tự tại.

Thơ: Ruồi Than Trong Lưới Nhện
Tham dục lao vào chốn tử sanh
Vô minh nghiệp thức dẫn vòng quanh
Ao tù ngũ trược càng thêm trược
Khổ khổ thì ra cũng tại mình .
Bài thơ «Ruồi Than Trong Lưới Nhện» một trong nhiều bài thơ hay trong tuyển tập « Góp Nhặt Lá Vàng » của Hòa thượng Thích Chơn Điền, bút pháp của Ngài là Ngốc Tử thì sao? Tuyệt vời qúa, Ngài nhắc chúng ta đừng để ngũ dục nó sai khiến, để rồi khổ; khổ hay sướng, vui hay buồn cũng do mình cả. Hãy biết thực hành pháp thiểu dục, tri túc để được an vui, dù chúng ta có nằm dưới đất, sống nhà tranh vách đất, chúng ta cũng thấy hạnh phúc, an vui, khi chúng ta biết đủ và không tham. Có như vậy thì mùa xuân sẽ nở rộ trong ta và khắp muôn nơi.
«Xuân ta, xuân tây đến rồi đì» Vì chúng ta đứng trên phương điện tục đế mà nhìn; nên mới có phân biệt đến và đi của mùa xuân, chứ trên thực tế mùa xuân chẳng đến cũng chẳng đi.Trong mắt thiền sư mới tu luyện mười năm đầu thì thấy núi là núi, sông là sông.Tu mười năm sau thì thấy núi không phải là núi, sông không phải là sông. Rồi mười năm nữa trôi qua, lúc này thiền sư thấy núi vẫn là núi, sông vẫn là sông. Sao lạ quá nhỉ ? Vâng không có gì lạ hết, có tu tập sẽ thấy không đến, không đi, không sanh, không diệt, không dơ, không sạch, không lão,không bệnh, không chết. Đó là cái lý tánh Bát Nhã, Chơn Như, cái nhìn của người tu là như vậy. Người có tu tập hành trì nhìn vạn vật rất thản nhiên, tự tại và bình dị, khi chưa tu thấy cảnh vật khác, khi có tu thì thấy cảnh vật khác, khác nhiều lắm. Rất đơn giản để thấy, chúng ta đơn cử một sự việc như thế này: Một người hoàn toàn chưa biết đạo Phật, bây giờ có nhân duyên biết đến giáo lý Phật Đà sao mà thanh thoát quá, cao siêu quá, thoát tục qúa, hạnh phúc quá, liền muốn hành trì, tu tập, đi chùa, lễ Phật, tụng kinh , gỏ mõ, làm công qủa, tạo phước, ban đầu rất là tinh tấn, an nhiên, tự tại. Nhưng tu tập một thời gian sau thì bồ đề gai nổi lên, vì có những sự việc bất như ý, thấy sao mà một số người đồng đạo tu không đúng như lời Phật dạy, để rồi sanh tâm phiền não, khổ đau nổi lên. Rồi sanh tâm xa lánh chùa chiền, xa lánh thầy cô và bạn đồng tu. Cho nên chúng tôi cũng có bài thơ «Vào Chùa» để khuyến tấn chính mình và mọi người:
«Mẹ ơi ngoài đó con cứ tưởng
Vào chùa an lạc tựa chao tương
Ngờ đâu vào đây con mới biết
Nhân Ngã thị phi là chuyện thường.

Bước đầu con thấy trời sao lạ
Vào Chùa sao còn chuyện hơn thua
Mắt con ràng rụa từng giọt lệ
Muốn về với mẹ cảnh bán mua

Cảnh bán mua không phải cảnh Chùa
Vào chùa chớ nghĩ chuyện hơn thua
Người ta động tâm con chớ động
Thế mới thật là cảnh trong chùa.

Người ta động tâm con chớ động
Thế mới thật là cảnh trong Chùa.»

Nhưng rồi mặc dù có sóng gió ( bát phong ), có chao đảo trên bước đường tu tập, đầy dẫy những ưu phiền; Nhưng vẫn còn duyên phước nên cố gắng tu tập và hành trì, nghe kinh, tham khảo sâu vào giáo lý Phật đà. Sau một thời gian thâm nhập kinh tạng, tham, sân, si, phiễn não cũng được hoán chuyễn nhờ đó mà thân tâm được an lạc, hiền hòa; nhờ vậy mà tâm tánh trở lại như hồi mới phát tâm tu tập. Như thế đó, một hành gỉa tu một thời gian sau sẽ thấy khác, mình tu thì cứ lo tu, ai đó làm gì thì cứ làm. Nghiệp ai nấy trả, qủa ai nấy hưởng. Không nên nhìn lỗi của người này, phải của người kia. Không ngó qua, nhìn lại để kiểm soát lỗi người. Được như vậy mới cảm nhận được tâm an lạc, giải thoát, an nhiên, tự tại, thoải mái, hạnh phúc. Đó chính là «Xuân Trong Ta».
«Thời gian, không gian xuân khác gì ? Ai bảo tìm xuân ngoài ngõ vắng, trong ta sẳn có một mùa xuân». Thời gian thì vô tận, điểm bắt đầu không có mà cũng chẳng có chỗ cuối cùng. Không gian thì bao la, rộng lớn, không có thước để đo mà cũng không có con số để tính. Thời gian và không gian đã có từ vô thỉ, vô chung. Từ Đạo Hạnh thiền sư ( 1072 – 1116 ), cũng nói lên cái thực tại hiện hữu từ muôn kiếp, qua bài thơ:
« Tác hữu trần sa hữu.
Vi không nhất thiết không.
Hữu không như thủy nguyệt.
Vật trước hữu không không.
Nghĩa là: « Có thì có tự mảy may, không thì cả thế gian này cũng không, đố xem ánh nguyệt dòng sông, nào ai hay biết có không là gì ?. Cho chúng tôi cũng xin mạo muội phỏng dịch bài thơ đúng năm chữ theo nguyên văn:
«Có đã có từ lâu.
Không tất cả đều không.
Có không trăng đáy nước.
Ai bảo có, bảo không ?».
Mọi sự việc đã hiện hữu như vậy rồi, thời gian và không gian thì bất di bất dịch không thay đổi, thì mùa xuân cũng như thế. Xuân vẫn là xuân, nơi đâu cũng giống nhau cả. Nếu mùa xuân mà có khác nhau thì cũng chỉ vì cái tâm vọng động của chúng ta bị dính mắc, phân biệt cho nên mới thấy «Xuân» nơi này khác với «xuân» nơi kia. « xuân xứ người khác với xuân quê ta. Xuân bắc Âu tuyết rơi là đà ». Thật sự mùa xuân vĩnh viễn đã nằm sẳn trong ta rồi, hạnh phúc đã có sẳn trong mỗi chúng ta rồi. Bởi vì chúng ta không nhận biết đó thôi; nên mới duyên theo ngũ dục mà chạy đi tìm kiếm mùa xuân, hạnh phúc bên ngoài. « Ai bảo tìm xuân ngoài ngõ vắng, trong ta sẳn có một mùa xuân ».
Mọi người ơi! Hãy giữ lấy những gì chúng ta đang có, hãy biết tin yêu, qúi trọng cái hạnh phúc dù nhỏ nhất mà chúng ta đang có. Hãy sống chung thủy và thật lòng với nhau khi ta đang sống hạnh phúc, ta đang có một gia đình đầm ấm, hãy biết mình có như vậy, được như vậy, hạnh phúc như vậy là đủ rồi, là hài lòng lắm rồi. Chớ nên tham lam, đòi hỏi thêm cho nhiều để rồi thất vọng, ê chề, đau khổ, bất hạnh. Đừng để một khi sự việc đổ vỡ rồi mới biết hối hận, muốn quay trở lại thì coi chừng việc đã muộn màng.
hoa_mai_5
Như vậy thì chúng ta nên: « Hãy sống với xuân từng sát na. An lạc nào hơn xuân trong nhà. Đừng để xuân đi rồi tìm kiếm.Trong ta sẳn có một mùa xuân». Phật dạy hiện pháp lạc trú, được đề cập trong các bài kinh Nhất dạ hiền giả. “Quá khứ không truy tìm, tương lai không ước vọng. Quá khứ đã đoạn tận, tương lai lại chưa đến, chỉ có pháp hiện tại, tuệ quán chính ở đây…”. là phương pháp dứt trừ vọng tưởng, làm chủ tâm ý; không mơ ước viển vông, không nuối tiếc, sầu muộn, bận lòng bởi những gì đã qua; không để cho tâm ý bị những gì đã qua và những gì chưa tới ràng buộc, chi phối. Qua đó chúng ta luôn luôn từng giờ, từng khắc, từng nháy mắt, chúng ta hãy thận trọng và trân qúi với cái hạnh phúc mà chúng ta đang có. Hãy đi ngược trở vào nội tâm của chúng ta để tìm thấy cái an lạc , hạnh phúc. Đừng để lục trần ( sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) nó dẫn dắt chúng ta xa rời Chơn Tâm.
Mùa xuân trong ta, hạnh phúc trong ta, an lạc trong ta, niềm vui trong ta chứ không ở nơi đâu cả, đừng hoài công mà chạy đi tìm « Xuân» hạnh phúc bên ngoài. « Tìm kiếm mùa xuân ở đâu xa. An lạc nào hơn xuân trong nhà ». Xuân trong nhà là mùa xuân của tự tánh Chơn Như, là hình ảnh của giải thoát « Phật », nhắc đến mùa xuân, nói đến tết. Nhất là Phật giáo Bắc tông, hầu hết ai ai cũng đều chúc nhau một mùa Xuân Di Lặc. Hình ảnh của một vị cao tăng có đôi má núng đồng tiền, nụ cười lúc nào cũng nở trên môi.
Như vậy Bồ tát Di lặc có liên hệ gì đến mùa Xuân, hạnh nguyện của Ngài như thế nào? Ngài có điều gì đặc biệt và bí ẩn hay không mà ai ai cũng luôn nhắc đến Ngài. Theo kinh điển thì Đức Di Lặc là một vị Bồ tát được Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các bộ kinh như: Di Lặc thượng sanh, Di Lặc hạ sanh, Di Lặc bổn nguyện, Kinh Bi Hoa, Kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ, Kính Đại Bát Niết Bàn, nhất là trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, hầu hết các bộ kinh đều có nhắc đến Bồ tát Di Lặc. Thời Đức Phật còn tại thế, Bồ tát Di Lặc cũng đã thị hiện ở miền Nam Thiên Trúc ( Nam Ấn Độ), ở trong dòng Bà la môn. Sau gặp Phật, Ngài xuất gia, tu theo hạnh Bồ tát và được gần gủi để học đạo với Đức Thích Ca rồi. Theo kinh điển; Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni cho biết hiện nay Bồ tát Di Lặc đang ở trên cung trời Đâu Xuất. Với tinh thần Phật giáo Đại thừa thì Bồ tát có báo thân, ứng thân và hóa thân. Tùy theo căn cơ chúng sanh mà các Ngài ứng hóa vô lượng thân không thể nghĩ bàn; vì vậy Bồ tát Di Lặc đã nhiều lần hóa thân vào cõi ta bà để độ chúng sanh mọi nơi và mọi thời đại và mọi tình huống.
Theo sử Trung Hoa có kể lại hai hóa thân của Bồ tát Di Lặc đáng nhớ; đó là vào thế kỷ thứ 6. cách đây trên 1500 năm về trước, đời nhà Tùy, gần chùa Quốc Thanh. Một vị tăng gọi là Ngài Tăng Can ở trong một cái am gần chùa và đi thuyết giáo khắp nơi. Có lắm lúc Ngài cỡi cọp về, chúng trong chùa thấy hoảng kinh. Khi đến khi đi không ai lường được. Có lần Ngài ôm về một đứa bé gởi trong chùa đặt tên là Thập Đắc. Thỉnh thoảng có một ông ăn mặc rách rưới ở trong núi tuyết đi ra, tuyết phủ đầy mình gọi là Hàn Sơn. Hàn Sơn và Thập Đắc được coi như là hai người ăn mày trong chùa. Các ngài là hai vị hóa thân ăn mặc rách rưới ngủ ngoài hành lang. Tới bữa ăn thì đợi chúng ăn xong hết, còn những thừa cặn gì đó ngài trút lại dùng. Có khi các ngài còn lượm cơm dưới sàn nước, rửa lại mà ăn. Chúng trong chùa coi các ngài như hai kẻ ăn mày không kém, nhưng mà có cái lạ là nhiều khi hai ngài ứng khẩu làm thơ. Những bài thơ của các ngài khó mà hiểu được. Một hôm bất chợt, sau một bữa trưa chúng tăng nghỉ hết, hai ngài trèo lên cổ của ngài Văn Thù và ngài Phổ Hiền ngồi. Một vị tăng ở dưới tăng xá thình lình đi lên, thấy như vậy ngạc nhiên quá mới chạy đi báo cho thầy trụ trì hay. Thầy trụ trì lôi hai ông xuống rầy quở đủ thứ hết. Hai vị đó là bạn thân của ngài Tăng Can. Ngày tháng trôi qua; Ngài Tăng Can tịch. Một hôm ông trưởng giả có bệnh nan y, ông nằm chiêm bao thấy ngài Tăng Can xưng là đức Di Lặc bảo ông đến đảnh lễ Bồ-tát Văn Thù, Phổ Hiền và chỉ cho ông một phương thuốc uống hết bệnh. Muốn đảnh lễ hai vị đó thì vào chùa Quốc Thanh hỏi tên Hàn Sơn,Thập Đắc vì hai vị đó là Bồ-tát Văn Thù và Phổ Hiền. Ông trưởng giả theo lời chỉ tìm thuốc uống lành bệnh, mới tìm đến chùa Quốc Thanh để gặp hai vị Hàn Sơn, Thập Đắc. Khi đó thầy trụ trì thấy ông trưởng giả tới hỏi hai chú ăn mày trong chùa thì thầy ngại quá không muốn chỉ. Nhưng ông trưởng giả mong mỏi gặp hai vị đó. Buộc lòng thầy trụ trì mời hai vị ra. Hai vị nắm tay đi ra. Vừa thấy hai vị ông trưởng giả qùi xuống lạy. Hai vị mới cười và nói: “Cái lão Tăng Can đã làm cho tông tích của chúng ta bại lộ rồi.” Hai Ngài, cõng nhau chạy tuốt vô rừng biến mất. Do đó mới biết hai vị là hiện thân của Văn Thù, Phổ Hiền, còn ngài Tăng Can là hiện thân của đức Di Lặc. Nhưng biết thì chuyện đã rồi, bây giờ muốn đãnh lễ qúi Ngài để kiếm chút phước thì không biết đâu mà tìm.
Vào thế kỷ thứ 10. Ngài cũng thị hiện với thân tướng của vị Hòa Thượng thường mang túi vải dạo khắp thiên hạ, người đời quen gọi là Ngài là Bố Đại Hòa Thượng. Ngài xưng hiệu là Khế Thử, người Minh Châu, huyện Phụng Hóa, tỉnh Triết giang- Trung Quốc. Vị Tăng Nhân kỳ lạ này, miệng thường nở nụ cười, bụng rất to, nói năng hoạt bát, đi tới đâu lấy đất làm nhà ngủ nghỉ. Ngài đi đây đó vô định, tùy chốn mà an, có lúc vùi thân trong tuyết mà ngủ, tuyết không bám vào thân, sống đời rất tiêu diêu tự tại.Nét mặt Ngài luôn luôn nở nụ cười bao dung. Trong sử có kể : Một hôm Hòa thượng Thảo Đường gặp Ngài hỏi: “Đại ý Phật pháp thế nào?” Đang quảy bị trên vai Ngài liền để xuống. Vị Hòa thượng hỏi thêm: “Chỉ có thế thôi hay có con đường tiến lên?” Ngài mang cái bị để lên vai và đi. Đó là câu trả lời của Ngài. Những hình ảnh đó là thế nào? Như vậy mà người ta vẫn chưa biết thế nào, tung tích ra sao? Nhưng một hôm Ngài sắp thị tịch, Ngài trở về chùa. Ngồi bên bàn thạch Ngài làm một bài kệ rồi tịch. Bài kệ đó như thế này:
Di Lặc chân Di Lặc
Phân thân thiên bách ức
Thời thời thị thời nhân
Thời nhân tự bất thức
Ngài nói rằng:Di Lặc thật Di Lặc. Phân thân trong muôn ức. Thường thường chỉ dạy người đời. Người đời tự không biết. Nhờ bài kệ đó mà người ta mới biết Bố Đại Hòa thượng là hóa thân của đức Di Lặc. Vì vậy muốn vẽ hình đức Di Lặc người ta liền vẽ hình Bố Đại Hòa thượng. Đó là đức Di Lặc ở Trung Hoa. Bây giờ chúng ta thờ phượng là thờ hình ảnh đức Phật đó. Chớ đức Bồ-tát Di Lặc ở Ấn Độ thì mình không biết. Còn đức Di Lặc ở cung trời Đâu-suất lại càng không biết. Chúng ta chỉ biết Di Lặc hóa thân ở Trung Hoa với một hình tượng là Bố Đại Hòa thượng.
Phat_Di_Lac
Đức Phật Di Lặc trong ký ức mọi người là Đức Phật hoan hỷ, hình ảnh này toát lên niềm hạnh phúc và sự may mắn, rất xứng đáng cho biểu tượng mùa xuân. Nụ cười trên gương mặt Phật Di Lặc biểu hiện vô lượng từ tâm, bất luận già trẻ gái trai, mọi người thấy gương mặt này đều muốn mỉm cười theo. Tướng lỗ tai dài biểu hiện lòng từ ái khắp cả mọi người, lỗ tai khéo biết nghe, hoan hỉ với mọi âm thanh, ai tán dương cũng cười, ai chỉ trích la mắng cũng cười, tự tại với mọi thái độ người đời. Tướng bụng to biểu hiện Phật Di Lặc có lòng từ bi rộng lớn, dung chứa mọi chuyện trong thiên hạ. Đối với kẻ trí người ngu, người giàu kẻ nghèo, người sang kẻ hèn, Ngài đều có tâm bình đẳng không chấp trước. Tướng ngực phanh ra, biểu hiện sức mạnh của lòng dạ can đảm chân thành, bình đẳng không hai. Túi vải biểu hiện sự chứa đựng vô lượng diệu pháp, bố thí những gì có được cho chúng sanh. « Hàm tiếu nụ cười xuân Di Lặc, hiện nụ cười này xuân trong ta ».
Xuân trong ta là như vậy: Đón Xuân Di Lặc, người học Phật không phải đến chùa chỉ cầu phúc lộc cho đời sống cá nhân, như cầu về tiền tài, danh vọng, mà phải phát tâm rộng lớn học theo hạnh nguyện của Đức Phật Di Lặc. Nở nụ cười, chịu đựng, buông xả, vị tha. Không bị chướng ngại bởi những lời nói bên ngoài. Nếu những lời chửi mắng gièm pha, nguyền rủa tới lỗ tai, mà mình coi như gió thoảng cành dương. cho nó nương đi đâu thì đi, đừng vướng mắc để cho mình an nhiên tự tại. Làm được như vậy. Đó là tấm lòng gắn bó với tha nhân, nuôi lớn lòng từ tâm và sự nhẫn nại, nỗ lực rèn luyện tâm linh, truyền bá giáo lý vào lòng nhân loại, giúp đời bớt khổ. Mọi người phải hằng phát tâm kết duyên lành với Tam Bảo, nuôi lớn chí nguyện Cầu Giác Ngộ. Đón xuân Di Lặc như thế mới tiếp nhận được nguồn pháp lạc trong giáo lý Phật Đà. « Xuân Trong Ta »
Xuân về muôn hoa đua sắc thắm. Người người hớn hở đón mừng xuân. Đó là thú vui của cuộc đời, là mùa xuân gỉa tạm ngoại cảnh mà chúng ta đang đua nhau đi tìm, để rồi quên mất mùa xuân Chơn Thường vĩnh viễn ở trong ta. ” Ai bảo tìm xuân ngoài ngõ vắng.Trong ta sẳn có một mùa xuân ” . Cho nên chúng ta: ” Đừng để xuân đi rồi tìm kiếm. Hãy sống với xuân từng sát na ”. ”Xuân Trong Ta”. ( Hết )
Đôn Hậu. 15.01.2014

Thích Viên Giác TVGPhiLong



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
07/01/2025(Xem: 228)
Bản tin Mừng Xuân Ất Tỵ 2025 của Tu Viện Quảng Đức, Melbourne, Úc Châu
02/01/2025(Xem: 352)
Từ thời tiền sử, đã có ý thức về con người, vũ trụ! Năng lực siêu phàm của con người … tạo dựng nền văn minh Và sự luân hồi tuần hoàn của mọi sinh vật là bất tận hành trình Mà nhịp thời gian thay đổi đều theo chu kỳ thống nhất !
01/01/2025(Xem: 117)
Xuân Ất Tỵ 2025 đang trở về với người con Phật trong và ngoài Úc Châu. Trên góc nhìn người học Phật, chúng ta thấy rằng thế nào mới là mùa xuân thực sự? Người đời khi có niềm vui thì cho rằng có mùa xuân, dù cho mùa xuân đó thoáng qua trong ba ngày tết, hay 3 tháng mùa xuân. “Trì nhật giang san lệ, Xuân phong hoa thảo hương” (Xuân về non nước đẹp tươi, Gió đưa hương ngát muôn loài cỏ hoa) [thơ của Đỗ Phủ] Xuân của thi nhân có cái nhìn lung linh ảo diệu như thế, nhưng nó sẽ thoáng qua và cuối cùng đọng lại một chút dư hương của cuối mùa, để rồi tiếc nuối, nhớ thương hay giận hờn oán trách: “Tôi có chờ đâu, có đợi đâu Đem chi xuân lại gợi thêm sầu?” (Thơ của Chế Lan Viên)
01/01/2025(Xem: 500)
Ngày đầu năm mới, chút rạo rực với bao điều từng mơ ước! Dự định tương lai tuy hoạch sẵn trong đầu Cảm giác được chăm sóc ngạc nhiên vẫn hằn sâu Hứa hẹn sự mầu nhiệm, kỳ diệu luôn hiện hữu!
17/12/2024(Xem: 408)
Tháng 12, những ngày cuối năm, khi những tờ lịch đã mỏng dần và ngoài Trời mang chút không khí se lạnh cùng một vài cơn mưa còn sót lại, thời tiết đã bắt đầu giao mùa, lòng người cũng trở nên thâm trầm lắng đọng cho những suy nghĩ về một năm sắp sửa trôi qua! Những gì đang chất chứa trong lòng bạn? Có phải những lo toan về thu nhập cuối năm, những kế hoạch về quê, sửa sang nhà cửa, những chuyến du lịch mua sắm và những dự định còn sót lại? Mỗi người đều bắt đầu chạy đua để hoàn thành những mục tiêu cho bản thân mình.
13/10/2024(Xem: 1276)
Thiệp Xuân Ất Tỵ 2025 của Tu Viện Quảng Đức, Melbourne, Úc Châu
19/02/2024(Xem: 3061)
Bình an luôn là sự quan tâm của mỗi người, cho dù họ sống ở phương Tây, phương Đông. Chính vì thế câu đối Tết ở VN thường dùng hai chữ Bình An, “ Tân niên hạnh phúc, bình an tiến Xuân Nhật vinh hoa phú quý lai “ Cũng như người viết rất tâm ý khi chúc Tết với câu: “Niên niên như ý xuân Tuế tuế bình an nhật”
19/02/2024(Xem: 3448)
Giác tính muôn xưa vẫn tịch thường Xuống trần, quang rạng một vầng dương Soi lòng khô mục, bung hoa lộc Chiếu óc trơ lì, biết hiểu thương Tăm tối nghe kinh, trăng dọi bóng U mê học pháp, nước mài gương Mắt mù, mò mẫm tìm chân thực Thân tật, lần dò gặp cố hương
17/02/2024(Xem: 3137)
Chùa Pháp Vân (Toronto, Canada) Mừng Xuân Giáp Thìn 2024
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]