Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

9- Xuân tự tại

15/01/201109:29(Xem: 5893)
9- Xuân tự tại


THẨM MỸ MÙA XUÂN

Thích Thông Huệ

9- XUÂN TỰ TẠI

Mỗi lần xuân về, muôn hoa đều khoe sắc và lòng người cũng tưng bừng rộn rã. Mọi người trao cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Đây là biểu hiện lịch sự xã giao thế tục; hoặc trong tình đạo, là những điều mình mong mỏi bạn bè thân hữu mình đạt được. Tuy nhiên, xuân nhân gian chỉ có ba tháng trong một năm, rồi đi qua cho mùa hạ đến, theo luật tuần hoàn của trời đất, theo sự phân chia ước lệ của con người. Đạo Phật còn nói đến một mùa xuân khác, không lệ thuộc vào sự biến đổi vô thường của vũ trụ: đó là mùa Xuân miên viễn, Xuân bốn mùa, Xuân tự tại.

Nói đến mùa Xuân tự tại, chúng ta nhớ lại bài vía Đức Di Lặc thường được tụng vào đêm giao thừa, trong đó có những câu sau đây:

Di Lặc vốn là bậc Đại hùng,
An nhiên ngồi ngự Phạn Vương cung.
Xưa nay muôn việc ông sắp đặt,
Dâu biển phù vân cười như không.
Đảnh lễ thưa cùng Phật Di Lặc,
Bụng chứa những gì con muốn biết.
Cười rằng: Tâm ấy vốn như như,
Thấy là như không, thoát sanh diệt!

Hình ảnh Đức Di Lặc nổi bật nhất là dáng người mập tròn với cái bụng rất to nhưng lại có vẻ thoát tục. Miệng cười rộng gần đến mép tai. Dù ai đang phiền não, nhìn tượng Ngài cũng thấy lòng nhẹ được đôi phần. Bởi vì, nụ cười rất tươi tắn, rất hoan hỉ của Ngài là nụ cười của người đã siêu vượt ngã chấp, có một đời sống nội tâm sung mãn; nụ cười biểu lộ một niềm an lạc xuất thế. Do đã làm chủ được căn-trần-thức, nên dù trực diện với tất cả các pháp mà Ngài vẫn an nhiên tự tại, vẫn cười trước bao phong ba bão táp, trước mọi dâu biển phù vân.

Nhà Thiền có câu: “Trung vô tận tạng, hữu hoa hữu nguyệt hữu lâu đài” (Trong kho vô tận có hoa, có trăng, có lâu đài). Bụng của Đức Di Lặc tượng trưng kho Như Lai tạng vô tận, trong kho ấy muôn pháp được hình thành và lưu xuất, cũng như trong lòng hư không gồm chứa tất cả các pháp sinh diệt. Tâm Ngài vốn như như, thấy mọi pháp đều bình đẳng trong tự tánh Không, vì thế vượt thoát được sinh tử.

Không chỉ Đức Di Lặc hưởng trọn vẹn mùa Xuân tự tại, mà các vị Tổ sư và những bậc Thánh Tăng đã thể hiện rõ phong thái an nhiên trước sự vô thường của kiếp sống. Sơ Tổ Trúc Lâm Điều Ngự Giác Hoàng từng viết:

Niên thiếu hà tằng liễu sắc không,
Nhất xuân tâm sự bách hoa trung.
Như kim khám phá Đông hoàng diện,
Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng.

Dịch:

Thuở bé chưa từng rõ sắc không,
Xuân về hoa nở rộn trong lòng.
Chúa Xuân nay bị ta khám phá,
Chiếu trải giường thiền ngắm cánh hồng.

Khi còn niên thiếu, chưa tỏ lý sắc - không nên khi Xuân về, Ngài choáng ngợp theo sự bừng nở của muôn hoa. Ngày nay, Ngài đã khám phá được chúa Xuân nên ung dung ngồi trên giường thiền ngắm từng cánh hoa hồng rụng. Đây là sự tịch tĩnh của người tu đã biết nội dung của mùa Xuân tự tại. Hoa nở rồi tàn nhưng tự tánh không tàn nở, như sóng có chìm nổi nhưng bản chất nước chưa từng thay đổi bao giờ. Cái chơn thường không thay đổi, không sinh diệt ấy là bản tâm thanh tịnh sẵn đủ ở mọi chúng sanh, mà ở đây Ngài gọi là “Chúa Xuân”. Chúa Xuân được tìm thấy ở đâu? Câu “Kiến sắc minh tâm” thường được sử dụng trong nhà Thiền có ý nghĩa như thế nào? đó là những điều rất quan trọng mà chúng ta cần suy gẫm.

Thiền sư Chân Không đời Lý, khi còn Trụ trì chùa Chúc Thánh trên núi Phổ Lại, có vị Tăng đến hỏi: “Khi sắc thân bại hoại thì thế nào?”. Ngài trả lời bằng hai câu kệ:

Xuân đến, xuân đi ngỡ xuân hết
Hoa nở hoa tàn chỉ là xuân.

Khi thân còn trẻ khỏe là còn tuổi thanh xuân, nhưng nếu đã nhận ra mùa Xuân bất diệt thì già yếu bệnh hoạn cũng vẫn là một chất xuân ấy. Gặp thuận hay nghịch cảnh đều khéo tùy duyên để tu để sống; nhiều lúc bệnh ngặt nghèo lại chính là cơ hội giúp ta tu hành đắc lực. Vì vậy, dù xuân nhân gian có đến có đi, hoa nở hay tàn theo thời tiết thay đổi, trong tâm người đã thấu triệt ý nghĩa tu hành thì lúc nào cũng chỉ là xuân. Đây là sự khác nhau giữa Xuân đời và Xuân đạo. Các Ngài cũng đón xuân như mọi người thế tục, nhưng luôn hướng tâm đến chỗ không bao giờ biến dịch theo ý niệm thời - không.

Một thi hào Thiền sư đời Trần, Ngài Tuệ Trung Thượng sĩ đón xuân bằng một bài kệ như sau:

Thời tiết xoay vần xuân đến thu,
Cái già sồng sộc đến trên đầu.
Giàu sang ngó lại trơ tràng mộng,
Năm tháng mang theo chất hộc sầu.
Nẻo khổ vành xe lăn lóc khắp,
Sông yêu bọt nước mất còn đâu?
Trường đời nếu chẳng sờ lên mũi
Ngàn thuở lương duyên chỉ bóng màu!

Do thời tiết xoay vần nên có bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Theo dòng thời gian, con người càng ngày càng tiến dần đến chỗ chết. Nhìn lại kiếp sống, đau khổ nhiều hơn lạc thú, danh vọng quyền thế hay bể ái sông yêu đều chỉ như mộng ảo, như bọt nước đầu ghềnh. Trong trường đời, nếu không có một chút tỉnh thức, không biết đẩy lui phiền não nghiệp chướng để nhận ra cái thường hằng, cái phi huyễn, thì dù muôn thuở lăn lóc trong ba nẻo sáu đường, cũng chỉ là bóng màu hư dối.

Đọc bài kệ này, những ai từng chịu nhiều vinh nhục thăng trầm trong cuộc sống sẽ vô cùng thấy thấm thía. Từ bao đời bao kiếp, con người vì vô minh nhận lầm cái giả cho là thật, nên suốt đời tận lực lo phục vụ cho cái thân tứ đại. Thậm chí nhiều khi dùng mọi mánh khóe mưu mô, chỉ cốt lợi mình không kể hại người. Nhưng khi có được một địa vị, một số tài sản nào đó, con người đã thỏa mãn chưa, hay lại mong được nhiều hơn nữa? Do vô minh (Si) nên tham đắm ngũ dục, nếu tham không được thỏa mãn sẽ phát sinh sân hận; từ đó tạo nghiệp ác và bị đọa đày trong các khổ xứ. Đó là bi kịch của kiếp người, bởi vì khi xuôi tay nhắm mắt, con người có mang được gì ngoài những nghiệp thiện -ác từ thân-miệng-ý đã từng tạo khởi? Chiêm nghiệm kỹ điều này, chúng ta sẽ thấu hiểu lý vô thường của vũ trụ nhân sinh, từ đó tìm cho mình một lẽ sống có ý nghĩa.

Một điều cần nhấn mạnh ở đây, chúng ta không phải vì chán cuộc đời vô thường huyễn mộng mà gia công tu hành, cốt tìm sự an lạc vĩnh cửu ngoài trần thế. Hoa sen không mọc lên từ đất sạch, mà nhờ bùn nhơ để tăng trưởng và cuối cùng nở hoa thơm ngát giữa hư không. Cũng vậy, Bồ-đề Niết-bàn không tồn tại ở một cõi nào đó thanh tịnh xa xôi, mà ở ngay trong phiền não nhiễm ô của cuộc đời.

Trong pháp hội Lăng Nghiêm, khi tôn giả A-Nan hỏi Đức Phật đâu là nguồn gốc của luân hồi và giải thoát, mười phương chư Phật đều đồng thanh đáp rằng: “Nguồn gốc của luân hồi sanh tử là sáu căn của ông; nguồn gốc của giải thoát Niết-bàn cũng là sáu căn của ông chớ không đâu khác”. Nếu sáu căn tiếp xúc với sáu trần mà khởi niệm phân biệt đẹp - xấu, ta - người, thương - ghét..., đó là dính mắc. Vì dính mắc nên tạo nghiệp trôi lăn vào sinh tử luân hồi. Nếu sáu căn tiếp xúc với sáu trần mà không có tâm chia chẻ hai bên, ngay đó là giải thoát. Cho nên, chúng sanh thấy sắc thì chạy theo bóng sắc, có nghĩa “Quên mình theo vật”; người đã hiểu đạo lý vẫn nhìn thấy sắc, nhưng thầm sống với bản tâm thanh tịnh của chính mình, ấy là “Kiến sắc minh tâm”.

Như vậy, giải thoát sinh diệt không có nghĩa là trốn tránh trạng thái sinh diệt; mà ở nơi sinh diệt thấy được cái chưa từng sinh diệt, nơi ảo ảnh nhận được chỗ miên trường, nơi Ta-bà mà an lập Tịnh-độ. Đây là tinh thần sống động tích cực của Đại Thừa Phật giáo và của Tối thượng thừa Thiền. Thiền là chủ động chớ không phải chủ tịnh, nên người tu vẫn tham gia vào mọi sinh hoạt lành mạnh của xã hội, vẫn thỏa mãn những nhu cầu bức thiết và chính đáng của bản thân, nghĩa là vẫn sống và làm việc bình thường, nhưng sống khế hợp với tự tánh.

Trăm hoa đua nở khi xuân đến chúng ta đều biết, nhưng chúng ta vui xuân trong sự tỉnh thức, không chạy theo ảo ảnh sinh diệt bên ngoài, mà phải thẩm sâu được, sống trọn vẹn được với chất xuân. Luôn an trú trong chánh niệm, đặt tâm vào giờ phút hiện tại, chúng ta sẽ thấy quan niệm về thời gian và không gian chỉ là sản phẩm của vọng tưởng, ta sẽ hiểu mùa xuân luôn luôn hiện hữu, không đi không đến bao giờ. Lúc ấy, chúng ta cũng đón xuân thế gian một cách tùy duyên tùy tục, vẫn nhịp nhàng với cuộc sống đời thường; nhưng trong những giây phút, chúng ta đều từng bước vững chãi và thảnh thơi trong thực tại nhiệm mầu.

Trong ngôn ngữ nhà Thiền, có rất nhiều danh từ dùng để nói về mùa Xuân hằng hữu ấy. Các Ngài khi đã thấu tột lý Thiền, có thể biểu hiện cái “Vô nhất vật” bằng hình ảnh một cành mai, một hoa cúc hay bất cứ một ngôn ngữ nào chợt thoáng hiện. Sở dĩ nó có nhiều tên gọi vì thực chất không thể dùng lời nói để diễn đạt, mà chỉ có sự tâm đắc tâm chứng mới quán triệt được. Nó vốn không có tướng mạo âm thanh, không thể dùng ý thức để hiểu, không thể dùng tưởng tượng để hình dung, và không thể đạt bằng cách mong cầu. Tuy bản chất nó là không nhưng lại biểu hiện ra bằng mọi hình tướng, tuy không nhưng là nguồn sống của muôn loài, tuy không mà muôn pháp được hoạt dụng. “Không” ở đây là tánh Không, là bình đẳng tánh của tất cả muôn sự muôn vật, là “Chân Không”. Chính Chân Không là thể, còn Diệu Hữu là dụng của tự tánh.

Khi nào chúng ta bặt hết mọi vọng tưởng đảo điên, mọi ý niệm lưỡng phân nhị nguyên để ánh trực giác bừng lên từ cõi niềm sâu xa của tâm thức, chúng ta sẽ nhận ra một cách thấu thể tánh Không bình đẳng này của vũ trụ vạn hữu. Lúc ấy, những ẩn mật và vi diệu từ vô thủy của cuộc sống sẽ phơi bày trọn vẹn, và chúng ta sẽ hòa cùng muôn pháp thành một thể nhất như. Đây là thời điểm chúa Xuân hiển hiện, và từ đó, mùa Xuân sẽ tồn tại vĩnh viễn dù vũ trụ có chuyển biến đổi dời!

Trong không khí rộn ràng tưng bừng của những ngày đầu xuân, những người con Phật chúng ta nên xoay lại chính mình, bằng tinh thần phản quan tự kỷ, để nhận ra tâm xuân bất sanh bất diệt hằng hữu. Cầu chúc chúng ta luôn sống được trọn vẹn với mùa xuân ấy, để đạt được niềm an lạc tự tại đối với sự vô thường sinh diệt của kiếp người.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
13/01/2014(Xem: 7427)
Một cây cầu có thể đưa hết tất cả người, súc vật, hàng hóa đi qua trên đó. Đưa qua hết thảy, không kể sang hèn quí tiện. Cái chính là có đưa qua hết - tất cánh độ khứ - được hay không? Nếu không qua lọt, hoặc đi qua một cách khó khăn thì đích thị là cầu khỉ rồi. Hoặc đôi khi người qua rồi, bóng còn kẹt lại bên cầu.
13/01/2014(Xem: 9963)
Lời Ngỏ: Nhân dịp mừng Xuân Giáp Ngọ 2014, Trang Nhà Quảng Đức xin trân trọng giới thiệu kinh "Lâu đài của ngựa Kiền-trắc". Kanthaka (Kiền Trắc) là con ngựa quý ra đời tại hoàng cung của Vua Suddhodana (Tịnh Phạn) cùng một ngày với Thái tử Siddattha (Sĩ-đạt-ta). Kiền-trắc lớn lên và phục vụ nhà vua cho đến năm 29 tuỗi, nó cùng với người giữ ngựa Channa (Xa-nặc) đưa Thái tử lên đường xuất gia; sau đó ngựa đau buổn phát bệnh , từ trần và tái sanh lên cõi Trời. Câu chuyện này thuật lại cuộc gặp gỡ giữa Tôn giả Mục-kiền-liên và Thiên tử Kiền-trắc trên Thiên giới.
13/01/2014(Xem: 7563)
Phần này tóm tắt các chi tiết và bổ túc bài viết1 "Nguồn gốc Việt (Nam) của tên gọi 12 con giáp - Ngọ ngựa (phần 13)", do đó số thứ tự của bài viết này là 13A; những bài viết sau nữa về Ngọ ngựa sẽ có số thứ tự là 13B, 13C … để người đọc dễ tra cứu thêm.
13/01/2014(Xem: 7707)
Ngọ hay Ngũ 午 là chi thứ 7 trong thập nhị chi hay 12 con giáp. Biểu tượng của Ngọ là con ngựa dùng chỉ thời gian như giờ Ngọ từ 11 giờ sáng đến 1 giờ chiều (chính ngọ là đúng trưa, giữa trưa hay 12 giờ trưa), tháng 5 ... và xác định không gian như hướng Nam. Phần này không bàn về khái niệm thời không gian hay Ngũ Hành/kinh Dịch của Ngọ mà chỉ chú trọng vào các liên hệ ngữ âm của Ngọ và ngựa so với mã 馬 (tiếng Hán Việt/HV cũng chỉ con ngựa). Phần sau sẽ cho thấy mã là tiếng Hán có gốc Hán Tạng, khác hẳn với ngựa tiếng Việt - và liên hệ trực tiếp của Ngọ và ngựa cho thấy tên chi này có nguồn gốc Việt (Nam) chứ không phải Trung Quốc/TQ cũng như tên gọi của 11 con giáp còn lại ...
13/01/2014(Xem: 7900)
Nhân dịp đầu Xuân năm Giáp Ngọ, tôi kính gởi đến chư Tôn Hòa Thượng, cùng hàng chúng trung tôn của Đức Thế Tôn lời chúc nguyện tứ đại an hòa, để cùng nhau chung vai sát cánh xây dựng cơ đồ Phật giáo đang cơn nguy cơ tha hóa, do nội ngoại chướng duyên, vu hãm hầu lũng đoạn hàng ngũ, tổ chức chúng ta với dụng tâm bất chánh làm lệch hướng Chánh Pháp.
02/01/2014(Xem: 8518)
Thời gian luôn là điều trọng yếu cho sự tư niệm của người đệ tử Phật. Đông qua thì Xuân tới như sự suy-thịnh được-mất giữa thế gian này. Hơn thế nữa, cửa tử là con đường độc lộ mà mỗi ngày dẫn ta tiến tới gần hơn. Xin hãy cùng nhau quán chiếu sự mỏng manh của kiếp sống và danh vị. Xin hãy tha thứ những gì cần tha thứ, xin hãy bỏ qua những gì cần bỏ qua. Vì mùa Xuân có nở hoa hay không là tùy thuộc vào đất tâm an lành của chính mình. Sự tranh chấp mãnh liệt luôn thiêu đốt tất cả cây cỏ và bông hoa.
25/09/2013(Xem: 11153)
Thế là, dù muốn hay không, tôi vẫn phải nhận thêm một tuổi nữa, và năm nay… Nhâm Thìn là năm tuổi của tôi. Thuở còn bé, thỉnh thoảng tôi vẫn nghe… ké người lớn nói chuyện với nhau: “Năm tuổi của tôi”. Tôi không rõ năm tuổi là năm gì, ý nghĩa ra sao, nhưng qua câu nói và thái độ khi nói, tôi vẫn cảm nhận được nỗi lo lắng sợ hãi của các bậc trưởng thượng. Sợ gì nhỉ? Tai nạn? Đau ốm? Mất mát hay chết? Nhưng rồi sau đó có ai chết đâu và có xảy ra chuyện gì đâu. Còn xui xẻo trong năm, nếu có, thì tuổi nào mà tránh được, chả cứ năm tuổi. Thế nhưng, các bác vẫn sợ và e dè để rồi năm đó “án binh bất động” không cựa quậy gì ráo.
08/04/2013(Xem: 4470)
Nhớ nghĩ đến cuộc đời giáo hóa độ sinh của Đức Phật, chúng ta hình dung ra những phong cảnh từng lưu dấu ấn của Ngài, quả thật là trong lành, tuyệt đẹp vô cùng. Thật vậy, xuất hiện trên thế gian này, Đức Phật đã chọn một cảnh thiên nhiên đơn giản, nhưng tràn đầy sức sống.
29/03/2013(Xem: 8959)
Thông Bạch Xuân Quý Tỵ - 2013
28/03/2013(Xem: 4576)
Trước Phật Ðường hương xuân rền chuông đảnh Thuận đường tu, Ðạo Pháp kiến tình nhau Dẫu xa xôi ngàn dặm vẫn thâm sâu Lòng hoan hỷ mừng nhau cùng tu tiến.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]