Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nụ cười của tuệ giác Mùa Xuân

20/01/201104:31(Xem: 4622)
Nụ cười của tuệ giác Mùa Xuân

NỤ CƯỜI CỦA TUỆ GIÁC MÙA XUÂN
Trần Kiêm Đoàn

phat-dilac-content"Nụ cười cũng có nội dung riêng của nó, nhất là nụ cười Việt Nam không phải rằng, "cái gì cũng ‘hì’ là xong chuyện" như cách nhìn của Nguyễn Văn Vĩnh ngày xưa..."

Xuân sanh, Hạ chín, Thu héo, Đông tàn. Nếp nghĩ xuôi dòng đang đi theo một dòng chảy miên viễn như thế. Bỗng có một vị sơn tăng - như Thiền sư Mãn Giác chẳng hạn - huơ tay, mỉm cười, tầm nhìn hướng ra ngõ vắng đầy sương, ánh mắt bắt gặp một cành mai hôm trước: "Đình tiền tạc dạ nhất chi mai!". Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết. Hôm qua sân trước, một cành mai. Mai nở sớm hay mai cũ của mùa xuân năm trước là câu hỏi theo cái nhìn cảm giác đời thường. Nhưng với nét nhìn của một thiền sư còn quán niệm về vạn pháp hư huyễn đang xoay vần thì đó chẳng phải là cành mai hình tướng mà là cành mai thể tánh. Mai nở thông qua cái nhìn tuệ giác - Tuệ giác mùa xuân.

Như ngày xưa, cụ nghè Tam nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến cũng nhìn thấy: "Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái. Một tiếng trên không ngỗng nước nào?!". Nhưng đây là cái nhìn thông qua cảm giác, cảm xúc. Có người hỏi: "Văn chương tự cổ vô bằng cớ. Văn chương từ xưa là sản phẩm của cảm xúc nên không có bằng cớ gì cả. Vậy thì căn cứ vào đâu để nói Nguyễn Khuyến không là một thiền sư như Mãn Giác?". Chỉ có một sự khác nhau rất nhỏ. Thiền sư Mãn Giác nhìn vạn sự qua nét nhìn tĩnh lặng mà như xoáy vào nhịp biến dịch thành trụ hoại không. Cụ nghè Nguyễn Khuyến nhìn đối thể với sự hồ nghi chất vấn. Còn hồ nghi sẽ thiếu vắng một nụ cười.

Nụ cười, tuệ giác và mùa xuân là ba khái niệm và ba hình ảnh riêng biệt. Nhưng khi kết hợp và hòa quyện vào nhau sẽ thành nguồn vui Di Lặc. Theo niềm tin và tín lý nhà Phật thì có ba đời, mười phương Phật. Có hằng hà sa số chư Phật trong ba đời quá khứ, hiện tại và tương lai. Thích Ca Mâu Ni là Đức Phật của thời hiện tại trong cõi Diêm Phù Đề mà chúng ta đang ở. Đức Phật tương lai của cõi người này sẽ là Phật Di Lặc (Maitreya: Gốc chữ Phạn Maitri, có nghĩa là từ bi, an lạc) là một vị Đại Bồ tát đang ngự ở cung trời Đâu Suất. Qua lăng kính Đại thừa của Phật giáo Trung Hoa, Phật Di Lặc trở thành biểu tượng của sự hoan hỷ, sung mãn, hạnh phúc. Chỉ riêng trên đất Trung Quốc từ thế kỷ thứ III đến nay đã có tới con số hàng trăm nhân vật theo Phật giáo xuất gia và tại gia tự xưng là "hiện thân của Phật Di Lặc" giáng trần. Nhưng tất cả con người và vụ việc đều đến rồi đi như những hiện tượng chiến tranh, dịch họa.

Tuy đạo Phật có nhiều bộ phái và pháp môn khác nhau, nhưng hình ảnh Phật Di Lặc vẫn trở thành một ước vọng chung tràn đầy niềm vui và hạnh phúc ở chân trời tương lai. Đức từ bi của Phật Di Lặc được biểu hiện qua nhiều hình tướng khác nhau, tương hợp với điều kiện và hoàn cảnh xã hội, bản chất con người và đặc tính văn hóa của từng xứ, từng vùng.

Qua những tượng đài và kinh văn Ấn Độ thì Phật Di Lặc là hiện thân của từ bi và trí tuệ trầm tư. Với Tây Tạng, Tích Lan thì Phật Di Lặc là hóa thân của sự tái sinh an lạc và huyền nhiệm. Nhưng tới đất Trung Hoa thì Phật Di Lặc là biểu trưng của sự hoan hỷ, phong phú, mãn nguyện với nụ cười khoan khoái, sắc diện béo tròn, thân đầy, bụng phệ, lúc nào cũng sẵn lòng dang tay đón nhận mọi người. Hình tướng Phật Di Lặc ở Việt Nam thì gần như là bản sao của Trung Quốc. Cũng là nụ cười Di Lặc, nhưng văn hóa "cung hỷ phát tài" của Trung Quốc làm mất đi tính chất tuệ giác của sự mơ ước tâm linh. Nhiều nơi lẫn lộn giữa Phật Di Lặc và ông Thần Tài. Thậm chí, khi mang ảnh tượng Đức Di Lặc của Việt Nam và Trung Quốc sang các nước Âu Mỹ thì trở thành những ông Phật Mập (Fat Buddha), Phật Cười (Happy Buddha) hay Phật Phát Tài (Lucky Buddha)… đặt sau vườn làm cây kiểng!

Thật ra, Đức Phật Di Lặc là dấu chỉ nói lên niềm hy vọng thường an lạc, là biểu tượng mong cầu cho một tương lai thịnh vượng, tươi sáng nên đời có bao nhiêu niềm ước mơ tốt đẹp thì sẽ có bấy nhiêu mẫu hình tướng của Ngài. Nhưng nếu có chăng điều quan ngại thì nó sẽ không dừng lại ở mức độ hình tướng mà ở tác dụng của phương tiện. Nếu nụ cười "niêm hoa vi tiếu" của Ca Diếp là sự khai mở của tuệ giác, nhìn đóa sen trên tay Phật mà thấy hết tánh sen là tánh Phật; thấy ngó sen đang ở trong bùn vẫn theo dòng sinh diệt, lặng lẽ nhô lên khỏi mặt nước và có ngày nở rộ tỏa ngát hương thì nụ cười Di Lặc cũng sẽ "đồng nhất thể" tương ưng như thế. Đó là một nụ cười rất đẹp và trọn lành không phân biệt Bố Đại Hòa thượng hay thằng Bờm lưu truyền trong dân gian.

Càng ngày, những nước văn minh Âu Mỹ càng nghiên cứu sâu rộng để tiếp nhận và trân trọng tinh thần phá chấp, từ bi và hóa giải của đạo Phật. Nhưng khác với người phương Đông, người phương Tây không còn ảo tưởng về vai trò "cứu rỗi" vô điều kiện của tôn giáo. Bởi vậy, họ tìm đến đạo Phật như một triết lý và một nghệ thuật sống. Họ tìm đến cái đẹp của Phật giáo không phải qua hình thức lễ nghi, bái vọng với một tâm lý đột phá những vòng trói buộc của tín điều và tín lý. Họ đánh giá chân xác suối nguồn tuệ giác của Đức Phật Thích Ca và biết ơn nụ cười Di Lặc hiện diện trong một xã hội kỹ nghệ phương Tây quay như chong chóng. Họ cũng tin rằng, một Đức Phật tương lai sẽ đến như một sự tái khẳng định nếp nghĩ, lối sống hòa bình, an lạc và trí tuệ chứ không phải là để "tái sáng thế" đầy huyền nhiệm và bí ẩn của nếp tâm linh cổ sơ.

Nếu quan chiêm những ảnh tượng của Phật Di Lặc trong những chùa viện Phật giáo phương Tây ngày nay, người ta sẽ thấy toát lên vẻ đẹp đầy nghệ thuật phảng phất hay rõ nét nụ cười toát ra từ bên trong. Những ảnh tượng Di Lặc với ngoại hình đầy hoan hỷ đậm nét "thỏa thuê trù phú" trong các chùa viện Việt Nam mô phỏng như thường thấy bấy lâu nay hay chỉ là phiên bản của Trung Quốc đang mất dần tác dụng giải thoát tâm linh trong thời đại mới. Nụ cười cũng có nội dung riêng của nó, nhất là nụ cười Việt Nam không phải rằng, "cái gì cũng ‘hì’ là xong chuyện" như cách nhìn của Nguyễn Văn Vĩnh ngày xưa. Nụ cười của người Việt vừa là một khí cụ để diễn đạt cảm xúc, vừa là một vũ khí chống đỡ của tâm hồn. Nụ cười mang dấu ấn văn hóa chuộng phát tài của nếp sống thương mãi Trung Quốc không thể mặc nhiên "bê nguyên" vào văn hóa Việt Nam mà không cần cải biến, chắt lọc được.

Từ nhu cầu tìm nụ cười mùa Xuân đầy tuệ giác của "Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật", một nhu cầu cấp thiết hơn lại hiện ra cho Phật giáo Việt Nam trong thời đại mới. Đó là nhu cầu thuần Việt hóa kinh điển Hán tạng.

Đạo Phật du nhập vào Việt Nam từ cả hai phía: Phía Bắc từ Trung Hoa tràn xuống; phía Nam từ Ấn Độ truyền sang từ thời kỳ đầu Công nguyên. Kinh điển Phật giáo viết bằng chữ Hán thì tạm gọi là Hán tạng và bằng chữ Phạn là Phạn tạng. Nhưng giới trí thức và đại chúng đương thời lại đã quá quen thuộc với chữ Hán mà hoàn toàn xa lạ với chữ Phạn. Do vậy, kinh điển Hán tạng chiếm vị trí độc tôn, trong khi Phạn tạng bị lu mờ và quên lãng. Từ buổi đầu du nhập, chuyển ngữ duy nhất của kinh điển Phật giáo Việt Nam là tiếng Hán Việt. Đối với đại chúng Việt Nam, chín mươi lăm phần trăm không có điều kiện học chữ Hán nên tiếng Hán Việt cũng chỉ là một ngoại ngữ không hơn không kém. Số kinh điển chữ Hán dịch tiếng Việt dưới dạng chữ Nôm quá hiếm hoi và tiếng Việt theo mẫu tự La Tinh được xem là Quốc ngữ như ngày nay thì vừa muộn màng vừa giới hạn. Tình trạng kinh điển Phật giáo bị pha trộn tiếng Hán Việt xen lẫn với tiếng thuần Việt vẫn tồn tại, nếu không nói là quá phổ biến trong lễ nghi Phật giáo Việt Nam hiện nay trong cũng như ngoài nước. Thậm chí, trong một số chùa chiền tu viện, nhiều Phật tử xuất gia cũng như tại gia, thế hệ trẻ cũng như thế hệ cao niên, xem việc đọc tụng nguyên văn âm Hán Việt là dấu hiệu của sự "chính danh, uyên bác" về đạo Phật!

Hệ lụy trực tiếp của tinh thần dính mắc, phụ thuộc vào kinh điển Hán tạng là tình trạng đọc tụng quá "tùy nghi" - nếu muốn tránh hội từ "lổn nhổn và tùy tiện" - mỗi chùa có một kiểu nghi thức tụng niệm riêng và mỗi thầy hay sư cô chủ lễ theo một dạng bài bản riêng. Thực trạng này đang đưa đến sự thiếu thống nhất và quy củ trong nghi thức hành lễ, làm cho đại chúng hoang mang và tuổi trẻ xa rời chùa chiền.

Trong khi một số chư tôn đức và hàng cư sĩ thiện tri thức nhiệt thành kêu gọi những công trình to tát như "chấn hưng Phật giáo", thành lập "Hội đồng dịch Đại tạng kinh bằng những chương trình vi tính hiện đại" thì ba nghi thức tụng niệm cơ bản nhất trong lễ nghi hàng ngày của Phật giáo Việt Nam là: Nghi thức Tịnh độ, nghi thức Cầu an, nghi thức Cầu siêu vẫn còn trong tình trạng so le, khác biệt; câu Nho, câu Việt "đề huề" để đọc tụng riêng trong mỗi chùa hay từng đạo tràng.

Bên cạnh đó, môi trường truyền thông đại chúng trong hai mươi năm qua đã vượt quá 50 lần về độ nhanh, về khối lượng, về sức mạnh thẩm nhập vào mọi ngõ ngách của đời sống con người. Người Phật tử càng có nhiều cơ hội tương ứng để tiếp cận và học Phật với nhiều pháp môn và bộ phái Phật giáo từ Âu sang Á. Câu hỏi nổi bật nhất của người Âu Mỹ khi tiếp cận với Phật giáo Việt Nam là: "Đâu là sự khác biệt giữa Phật giáo Trung Quốc và Phật giáo Việt Nam?". Về cả ba ngôi Tam bảo, Phật - Pháp - Tăng, thật khó phân định sự khác biệt "Nam quốc sơn hà…" giữa ta và Trung Quốc. Ảnh tượng, kiến trúc, kinh sách, ngôn từ, lễ nghi, pháp phục, pháp khí… của Phật giáo Việt Nam rất gần với một phiên bản của Phật giáo Trung Quốc. Các bài giảng pháp chỉ đơn giản làm công việc giảng văn, minh họa những bài bản của kinh điển Trung Quốc.

Trước mùa xuân Di Lặc đầy hứa hẹn, người Phật tử trung bình nhất cũng có điều băn khoăn khi có cơ hội tham dự sinh hoạt giữa hai nguồn Phật giáo mà rõ nét nhất là đi "chùa ta", "chùa Tàu" ở Hoa Kỳ.

Năm mới, trước bàn thờ và trong nhang trầm ngày Tết, nếu có chăng một hướng nhìn với tấm lòng ước nguyện sự hưng thịnh của Phật giáo Việt Nam thì nên dành ưu tiên cho một sự suy nghĩ và đóng góp về tương lai văn hóa Phật giáo thuần Việt, đậm bản sắc dân tộc hơn hiện tại. Chẳng tới đâu với những cái nhìn cau có về nhau. Nhưng sẽ vươn tới được những phương trời cao rộng khi nhìn về tương lai đạo Phật Việt Nam thuần túy hơn với nụ cười Di Lặc của tuệ giác mùa Xuân.

Trần Kiêm Đoàn




Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
13/01/2014(Xem: 7434)
Một cây cầu có thể đưa hết tất cả người, súc vật, hàng hóa đi qua trên đó. Đưa qua hết thảy, không kể sang hèn quí tiện. Cái chính là có đưa qua hết - tất cánh độ khứ - được hay không? Nếu không qua lọt, hoặc đi qua một cách khó khăn thì đích thị là cầu khỉ rồi. Hoặc đôi khi người qua rồi, bóng còn kẹt lại bên cầu.
13/01/2014(Xem: 9973)
Lời Ngỏ: Nhân dịp mừng Xuân Giáp Ngọ 2014, Trang Nhà Quảng Đức xin trân trọng giới thiệu kinh "Lâu đài của ngựa Kiền-trắc". Kanthaka (Kiền Trắc) là con ngựa quý ra đời tại hoàng cung của Vua Suddhodana (Tịnh Phạn) cùng một ngày với Thái tử Siddattha (Sĩ-đạt-ta). Kiền-trắc lớn lên và phục vụ nhà vua cho đến năm 29 tuỗi, nó cùng với người giữ ngựa Channa (Xa-nặc) đưa Thái tử lên đường xuất gia; sau đó ngựa đau buổn phát bệnh , từ trần và tái sanh lên cõi Trời. Câu chuyện này thuật lại cuộc gặp gỡ giữa Tôn giả Mục-kiền-liên và Thiên tử Kiền-trắc trên Thiên giới.
13/01/2014(Xem: 7580)
Phần này tóm tắt các chi tiết và bổ túc bài viết1 "Nguồn gốc Việt (Nam) của tên gọi 12 con giáp - Ngọ ngựa (phần 13)", do đó số thứ tự của bài viết này là 13A; những bài viết sau nữa về Ngọ ngựa sẽ có số thứ tự là 13B, 13C … để người đọc dễ tra cứu thêm.
13/01/2014(Xem: 7721)
Ngọ hay Ngũ 午 là chi thứ 7 trong thập nhị chi hay 12 con giáp. Biểu tượng của Ngọ là con ngựa dùng chỉ thời gian như giờ Ngọ từ 11 giờ sáng đến 1 giờ chiều (chính ngọ là đúng trưa, giữa trưa hay 12 giờ trưa), tháng 5 ... và xác định không gian như hướng Nam. Phần này không bàn về khái niệm thời không gian hay Ngũ Hành/kinh Dịch của Ngọ mà chỉ chú trọng vào các liên hệ ngữ âm của Ngọ và ngựa so với mã 馬 (tiếng Hán Việt/HV cũng chỉ con ngựa). Phần sau sẽ cho thấy mã là tiếng Hán có gốc Hán Tạng, khác hẳn với ngựa tiếng Việt - và liên hệ trực tiếp của Ngọ và ngựa cho thấy tên chi này có nguồn gốc Việt (Nam) chứ không phải Trung Quốc/TQ cũng như tên gọi của 11 con giáp còn lại ...
13/01/2014(Xem: 7908)
Nhân dịp đầu Xuân năm Giáp Ngọ, tôi kính gởi đến chư Tôn Hòa Thượng, cùng hàng chúng trung tôn của Đức Thế Tôn lời chúc nguyện tứ đại an hòa, để cùng nhau chung vai sát cánh xây dựng cơ đồ Phật giáo đang cơn nguy cơ tha hóa, do nội ngoại chướng duyên, vu hãm hầu lũng đoạn hàng ngũ, tổ chức chúng ta với dụng tâm bất chánh làm lệch hướng Chánh Pháp.
02/01/2014(Xem: 8527)
Thời gian luôn là điều trọng yếu cho sự tư niệm của người đệ tử Phật. Đông qua thì Xuân tới như sự suy-thịnh được-mất giữa thế gian này. Hơn thế nữa, cửa tử là con đường độc lộ mà mỗi ngày dẫn ta tiến tới gần hơn. Xin hãy cùng nhau quán chiếu sự mỏng manh của kiếp sống và danh vị. Xin hãy tha thứ những gì cần tha thứ, xin hãy bỏ qua những gì cần bỏ qua. Vì mùa Xuân có nở hoa hay không là tùy thuộc vào đất tâm an lành của chính mình. Sự tranh chấp mãnh liệt luôn thiêu đốt tất cả cây cỏ và bông hoa.
25/09/2013(Xem: 11174)
Thế là, dù muốn hay không, tôi vẫn phải nhận thêm một tuổi nữa, và năm nay… Nhâm Thìn là năm tuổi của tôi. Thuở còn bé, thỉnh thoảng tôi vẫn nghe… ké người lớn nói chuyện với nhau: “Năm tuổi của tôi”. Tôi không rõ năm tuổi là năm gì, ý nghĩa ra sao, nhưng qua câu nói và thái độ khi nói, tôi vẫn cảm nhận được nỗi lo lắng sợ hãi của các bậc trưởng thượng. Sợ gì nhỉ? Tai nạn? Đau ốm? Mất mát hay chết? Nhưng rồi sau đó có ai chết đâu và có xảy ra chuyện gì đâu. Còn xui xẻo trong năm, nếu có, thì tuổi nào mà tránh được, chả cứ năm tuổi. Thế nhưng, các bác vẫn sợ và e dè để rồi năm đó “án binh bất động” không cựa quậy gì ráo.
08/04/2013(Xem: 4481)
Nhớ nghĩ đến cuộc đời giáo hóa độ sinh của Đức Phật, chúng ta hình dung ra những phong cảnh từng lưu dấu ấn của Ngài, quả thật là trong lành, tuyệt đẹp vô cùng. Thật vậy, xuất hiện trên thế gian này, Đức Phật đã chọn một cảnh thiên nhiên đơn giản, nhưng tràn đầy sức sống.
29/03/2013(Xem: 8974)
Thông Bạch Xuân Quý Tỵ - 2013
28/03/2013(Xem: 4584)
Trước Phật Ðường hương xuân rền chuông đảnh Thuận đường tu, Ðạo Pháp kiến tình nhau Dẫu xa xôi ngàn dặm vẫn thâm sâu Lòng hoan hỷ mừng nhau cùng tu tiến.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]