Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Năm Quý Tỵ Nói Về Chuyện Rắn

05/03/201304:50(Xem: 5667)
Năm Quý Tỵ Nói Về Chuyện Rắn
namquyty_2013NĂM QUÝ TỴ NÓI CHUYỆN VỀ RẮN
Thích Minh Tuệ

Đối với nhiều nước Á Châu, thời gian : năm tháng ngày giờ được tính dựa theo chu kỳ của vận hành mặt trăng được gọi là âm lịch, cứ hễ đến Rằm (giữa tháng) thì trăng tròn, đầu và cuối tháng thì trăng khuyết, từ đầu đến giữa tháng trăng to lên dần và từ giữa đến cuối tháng trăng nhỏ dần. Thực ra thì trăng bao giờ vẫn là trăng, không có tròn khuyết, to nhỏ, sáng hay tối,… âu đó chỉ là giới hạn trong tầm nhìn, trong chướng ngại, trong tiếp xúc giữa con người và mặt trăng mà thôi. Ngày, giờ, tháng, nămấy được tính theo 12 con giáp, đó là 12 con vật tiêu biểu được chọn. Theo thời gian, có điều kiện chúng ta sẽ bàn về 12 con vật này. Nay nhân dịp đầu Xuân Quý Tỵ, thông qua trong chuyện thần thoại, các nguồn từ văn chương, trong kinh sách, trong cuộc sống,…, xin trình bày về những đặc điểm của Rắn, quan niệm của nhân loại xưa nay về Rắn.

Trước hết, Rắn xuất hiện như là 3 quái vật và hung thần trong truyện cổ Hy Lạp như Medusa là một con quỷ vô cùng hung dữ. Medusa bị biến thành nữ quỷ có khả năng hóa đá bất cứ ai nhìn vào đôi mắt chết người đó, biến mái tóc tuyệt đẹp của nàng thành thân rắn…Hydra được mô tả là mang hình thù của một con rắn khổng lồ có nhiều đầu. Typhon được cho là một loại sinh vật to lớn nhất và hình dạng kỳ lạ nhất từng được biết đến từ trước đến nay: mình người với hàng trăm đuôi rắn khác nhau. Typhon là con quái vật đáng sợ nhất trong những quái vật thù địch vì nó có cả sức mạnh và khôn ngoan…

Thiên Chúa Giáo luôn nhấn mạnh hình ảnh con rắn với độc ác, tội lỗi, xấu xa từ việc kích thích Adam Eva ăn trái cấm cho đến nhiều việc đưa đến tai hại khôn lường khác. Còn theo Phật Giáo, Kinh Trung Bộ 22, Đức Phật đã 2 lần dùng hình ảnh con rắn để nói về sự nguy hiểm :

Hình ảnh dục như đầu rắn, chứa đựng nhiều sự nguy hiểm có thể phát tiết bất cứ lúc nào :

“…Ta đã thuyết các dục vui ít, khổ nhiều, não nhiều, do vậy nguy hiểm càng nhiều hơn. Ta đã thuyết các dục được ví như khúc xương... Ta đã thuyết các dục được ví như miếng thịt... được ví như bó đuốc cỏ khô... được ví như hố than hừng... được ví như cơn mộng... được ví như vật dụng cho mượn... được ví như trái cây... được ví như lò thịt... được ví như gậy nhọn... Ta đã thuyết các dục được ví như đầu rắn, vui ít, khổ nhiều, não nhiều, và do vậy nguy hiểm càng nhiều hơn.”

Chúng sanh sống trong dục giới theo nghiệp chướng và huân tập cuốn lôi, nếu không khéo quán sát tu tập, lửa tham dục hừng hực luôn đốt cháy, không bao giờ ngừng nghỉ: tham nhà cao cửa rộng, tiền bạc, của cải, vợ đẹp con xinh, sự nghiệp, danh vọng, …tâm tham dục ấy cuốn con người vào vòng săn đuổi dong ruổi không bao giờ ngừng, thậm chí sử dụng nhiều thủ đoạn bất chánh đưa đến hậu quả tệ hại : tù đày, chém giết, bạc nghĩa, vô ơn,…. Những tưởng tích lũy của cải vật chất và hưởng thụ con người sẽ được hạnh phúc, thế nhưng tất cả chỉ khiến con người lao tâm phí sức, nô lệ, trói buộc trong dục lạc, bệnh hoạn mỏi mòn, .. Rồi một ngày kia, cơn vô thường cuốn phăng tất cả, còn lại chỉ là khối tuyệt vọng, luyến thương chán chường, đau khổ,…Thế cho nên, vui trong tham dục vui rồi khổ.Vô minh là Cha, tham ái là Mẹ, đưa chúng sanh vào vòng sanh tử luân hồi bất tận

Hình ảnh người nắm bắt Pháp sai lạc cũng như một người vụng về bắt con rắn nước :

“Chư Tỷ-kheo, ở đây có một số người ngu si học pháp, như Kinh, Ứng tụng, Giải thuyết, Kệ tụng, Cảm hứng ngữ, Như thị ngữ, Bổn sanh, Vị tằng hữu pháp, Phương quảng. Sau khi học các pháp này, họ không quán sát ý nghĩa những pháp ấy với trí tuệ. Những pháp ấy, vì ý nghĩa không được trí tuệ quán sát, nên không trở thành rõ ràng. Họ học các pháp chỉ vì lợi ích, muốn chỉ trích người khác, chỉ vì lợi ích, muốn khoái khẩu biện luận, và họ không đạt được mục tiêu mà sự học pháp hướng đến. Những pháp ấy vì nắm giữ sai lạc nên đưa họ đến bất hạnh, đau khổ lâu dài. Vì sao vậy? Này các Tỷ-kheo, vì nắm giữ sai lạc các pháp.

Chư Tỷ-kheo, ví như một người ưa muốn rắn nước, tìm cầu rắn nước, đi khắp chỗ để tìm rắn nước. Người đó thấy một con rắn nước lớn, và người đó bắt con rắn ấy ở lưng hay ở đuôi. Con rắn ấy có thể quay lại cắn người đó nơi tay, nơi cánh tay hay ở một phần nào khác của cơ thể, và người đó có thể do nhân này mà bị chết hay bị đau khổ gần như chết. Vì sao vậy? Chư Tỷ-kheo, vì nắm bắt con rắn một cách sai lạc. Cũng vậy này các Tỷ-kheo, ở đây, một số người ngu si học pháp... Chư Tỷ-kheo, vì sự chấp thủ các pháp sai lạc.”

Nắm bắt Pháp sai lạc và tranh cãi, tuyên truyền những điều sai lạc ấy như vậy vừa vô minh và vừa gây rối loạn. Cái bệnh hoặc giới hạn của chúng sanh là chỉ muốn hiểu và nắm bắt ý nghĩa, hiện tượng xung quanh, các pháp theo ý muốn của chính mình chứ không phải khách quan nắm bắt như chính thực tại của nó, rồi áp đặt, muốn những người khác cũng hiểu và theo cách như vậy, dân gian có câu chuyện kể về những người mù sờ voi rồi cãi cọ nhau khi họ mô tả về con voi. Nếu học Đạo, tích lũy kiến thức với mục tiêu danh lợi, tô bồi bản ngã, rồi lấy đó để tranh hơn thua “đấu cấu thị phi tranh nhân ngã”thì làm sao thấm nhuần chân lý giải thoát? Đó là sở tri chướng, có lần một Thiền Sư đề nghị một học giả bỏ hết mớ kiến thức cũ để tiếp nhận ánh sáng mới. Chúng sanh với tưởng trithức trithì nhiều nhưng tuệ trithì ít chỉ có Đức Phật là bậc Chánh Đẳng Chánh Giác, thấy biết tất cả với lậu tận thông. Chính vì lẽ đó, Đức Phật nhắc nhở : Chánh Pháp như ngón tay chỉ mặt trăng, như chiếc bè đưa người qua sông,chỉ là phương tiện tạm mượn để diễn đạt, cảm thông và hướng đến chân lý. Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Đức Phật dạy :

“Tri kiến lập tri, tức vô minh bổn.

Tri kiến vô kiến, tư tức Niết-bàn”

Thấy biết mà dựng lập cái thấy biết, đều là gốc vô minh. Cái “Lập tri” ấy tức là tự tri, không có chấp cái tri ấy là thật, nên chẳng có lập tri, nên nói “Tri kiến vô kiến, tư tức Niết bàn”.

Tham, Sân, Si thường được ví như 3 con rắn độc trong ngôi nhà thân tâm chúng ta. Khi nào còn chưa đưa được 3 con rắn đó ra khỏi nhà thì mối đe dọa bất an, nguy hiểm vẫn còn đó. Công việc của người tu là thường dè chừng coi ngó và dọn 3 con rắn độc đó.

Thực ra không phải hình ảnh Rắn luôn gắn liền với xấu ác, trong Phật Giáo có 2 hình ảnh Rắn rất đẹp, đó là hình ảnh Linh Thứu Sơn với đỉnh Kỳ Xà Quật, có hình đầu con rắn, ở gần Vương Xá Thành, nơi đó Đức Phật trú ngụ và thuyết giảng nhiều bộ kinh quan trọng. Đặc biệt hơn nữalà hình tượng Nagar, chúa tể của loài rắn. "Bảy ngày tu đầu tiên của Đức Phật" trong thời gian 49 ngày Đức Phật ngồi tọa thiền dưới cội Bồ Đề thì mưa to gió lớn nổi lên, nước dâng cao ngập cả chỗ ngồi thiền của Đức Phật. Khi ấy, có một vị vua rắn Nagar bò ra khỏi nơi trú ẩn của mình, lấy thân cuốn lại thành bảy vòng tròn như bảo tọa cho Đức Phật ngồi nhập định khỏi bị ngập nước và vươn cao 7 chiếc đầu phình to ra tạo thành cái táng che chở cho Ngài. Sau này, hầu hết các đền thờ Ấn Độ giáo, Phật giáo ở Ấn Độ, cho đến các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam... đều phổ biến những kiến trúc bức tượng, tranh vẽ rắn thần Nagar 7 đầu, từ phía sau phủ trùm lên che nắng mưa cho đức Phật.

Hy Lạp cũng có câu chuyện mô tả tích cực về Rắn :

“Thần Esculape (tiếng Latin) còn có tên gọi khác là Asclépios (tiếng Hy Lạp) có lẽ sinh ra ở Thessalie thuộc miền Bắc Hy Lạp vào khoảng năm 1260 trước Công nguyên. Truyền thuyết cho rằng bà mẹ ông qua đời khi đang còn mang thai ông và cha ông đã phải mổ lấy ông ra khỏi bụng mẹ. Vì mẹ mất nên ông bị đem bỏ lên núi gần thành phố Epidaure, nhờ được dê cho bú và chó canh chừng nên ông đã sống sót. Sau đó ít lâu, Esculape được cha mang đến cho Chiron, vị thần Nhân Mã (đầu người, hình ngựa) nuôi dạy. Do bản tính ưa quan sát và lớn lên trong khung cảnh thiên nhiên nên Esculape sớm nhận ra các loại cây cỏ có dược tính chữa bệnh hoặc có thể cải tử hoàn sinh. Cũng theo truyền thuyết, một ngày nọ, Esculape trên đường đi thăm bạn gặp một con rắn, ông đã đưa cây gậy ra và con rắn liền bám lấy rồi bò lên quấn quanh cây gậy. Esculape thấy vậy nên cầm cây gậy đập xuống đất để giết chết con rắn nhưng sau đó ông lại thấy một con rắn khác bò tới, miệng ngậm một loại thảo dược bò đến cứu và làm cho con rắn đã bị chết sống lại. Từ đó ông để tâm tìm kiếm các loại cây cỏ trong núi để chữa bệnh cho con người. Dựa vào truyền thuyết trên, ngành y học đã dùng biểu tượng con rắnthành quấn quanh cây gậy phép của Esculape. Con rắn quấn quanh cây gậy tượng trưng cho sự khôn ngoan, khả năng chữa trị bệnh và kéo dài tuổi thọ.Ngoài ra Biểu tượng con rắn nhả nọc trên cái chén cổ của ngành dược cũng là để ám chỉ việc phải đề cao cảnh giác với các loại dược phẩm chứa độc tính trong đó có các loại thuốc được xếp vào nhóm thuốc độc”

Theo Đông y, thịt rắn làm thông kinh mạch bị bế tắc và trừ phong hàn nên được dùng để trị các chứng phong thấp. Nó cũng có khả năng chữa trị chứng tê ngoài da, ngứa,…

Đông y dùng rắn dưới nhiều dạng: Ngâm rượu, nấu cháo, rượu pha máu rắn, ăn mật rắn,..

Nọc rắn tuy độc hại, có thể giết chết người, nhưng chính độc tố đó lại có thể cứu người. Như vậy rắn được dung làm biểu tượng Y Khoa với ý nghĩa : khéo léo, khôn ngoan, cẩn thận và “dĩ độc trị độc”

Kho tàng văn hóa dân gian, đặc biệt với ca dao tục ngữ, đúc kết kinh nghiệm bài học quý giá của cha ông chúng ta bằng những ngôn từ đơn sơ, mộc mạc, cô đọng, trong đó có hình tượng con rắn thật là sống động, ấn tượng :

- Lòng dạ rắn rết:chỉ cho lòng dạ độc ác, mang tai hoạ đến cho người khác

- Khẩu Phật, tâm xà: dạng người nham hiểm, giả dối, đánh lừa người khác, tương phản giữa bên ngoài đóng vai hiền lương, đạo đức nhưng thực chất bên trong lòng dạ và những toan tính của người đó gây hại những người xung quanh, một mẫu người như được mô tả tương tự trong Truyện Kiều :

Bề ngoài thơn thớt nói cười

Mà trong nham hiểm giết người không dao

- Vẽ rồng vẽ rắn, “vẽ rắn thêm chân”:chỉ về việc vẽ vời, thêm thắt, bịa đặt, không trung thực, không hoàn toàn đúng với sự thật.

- Nói rắn nói rồng:tức là nói dài dòng, toàn chuyện đâu đâu, nói theo sở thích và dụng ý của người nói chứ không nhằm vào sở thích hoặc mong đợi của người nghe.

- Cõng rắn cắn gà nhà :Nói về kẻ phản bội, nối giáo cho giặc, đưa rước kẻ ngoại bang, thành phần bên ngoài vế phá hoại, tổn hoại Tổ Tiên, nòi giống, cộng đồng, đoàn thể, … của mình. Trường hợp Lê Chiêu Thống hoặc Trần Ích Tắc rước ngoại bang Bắc Phương về xâm lược giày xéo quê hương mình là những điển hình.

- Cha hổ mang đẻ con liu điu:Cũng giống như Cha Rồng sinh con Rắn, nghĩa là người cha anh hùng, vinh hiển, nổi bậc sinh ra con tầm thường, hèn hạ không kế thừa được truyền thống gia đình, dòng họ,…

- Rắn đổ nọc cho lươn :cũng như “bụng làm dạ chịu”, gây ra chuyện rồi đổ cho người khác lãnh hậu quả, có thể là vì sợ hãi, né tránh trách nhiệm cũng có thể là cố ý gài bẫy, đổ họa và hại đối phương.

- Rắn không đầu:Một tổ chức, đoàn thể thiếu thành phần lãnh đạo, nước không vua, binh sĩ thiếu thủ lĩnh, nguyên soái,…

- Hang hùm nọc rắn:chỉ nơi nguy hiểm, cạm bẫy chờ sẵn, vào nơi đó hoặc là một cao thủ, đầy bản lĩnh vô địch, hoặc là người không màng đến chuyện sống chết nữa.

Đánh rắn phải đánh dập đầu: ý nói trừ khử sạch mầm độc đến tận gốc rễ.

Có một giai thoại văn học đặc sắc về nhà bác học Lê Quý Đôn và bài thơ về rắn :

Từ thời Lê Trịnh, Lê Quý Đôn (1726-1784) mới 5 tuổi đã biết làm thơ. Một hôm lúc cậu đang chơi ở cổng làng, bỗng xuất hiện một người lạ từ xa đến hỏi thăm nhà Tiến sĩ Lê Phú Thứ - bố cậu. Đang tồng ngồng, cậu bé dạng háng, rồi đặt tay chéo qua háng, thách đố vị khách, đố biết là chữ gì thì sẽ bày nhà cho. Vị khách giận quá, bảo cậu bé hỗn láo, không thèm trả lời. Vẫn không buông tha, cậu lại nói toáng lên: ồ chữ thái, mà không biết. Lát sau, cậu bé quay về nhà, vị khách không ngờ cậu bé chính là con bạn mình, bèn mách lại. Khách khen cậu bé thông minh, nhưng bố cậu liền bắt phạt: Nếu làm được bài thơ thất ngôn bát cú, mỗi câu phải có chữ rắn (rắn đầu) thì được tha, nếu không sẽ bị đòn roi. Thế là cậu liền ứng khẩu đọc ngay:

Chẳng phải Liu điu(1) vẫn giống nhà
Rắn(2)đầu biếng học, lẽ không tha!
Thẹn đèn Hổ lửa(3), đau lòng mẹ
Nay thét Mai gầm,(4)rát cổ cha
Ráo(5)mép chỉ quen tuồng dối trá
Lằn(6)lưng, đành chịu vọt năm ba
Từ rày Châu Lỗ(7)chăm nghề học
Kẻo Hổ mang(8)danh tiếng thế gia!

(Nguồn tham khảo : http://www.holequy.com/Index.aspx?p=ndt&id=723)

Quả thật một bài thơ tuyệt vời của một thần đồng, sau này trở thành một nhà bác học nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam.

Trong văn học Phật Giáo, Ngài Bồ Đề Đạt Ma dùng hình ảnh Rắn và Rồng để mô tả phàm và Thánh tương tự như bài thơ : Phàm Thánh bất dị (Thánh Phàm không khác) của Tuệ Trung Thượng Sỹ :

Cho nên rắn hoá thành rồng mà chẳng đổi vảy,

Phàm biến thành thánh mà chẳng đổi mặt.”

Ý chỉ cho người đã ngộ tánh thì liền thành Thánh trong khoảnh khắc cho dù vẫn mang hình dáng cũ.

Rắn xuất hiện trong giai thoại Hoàng Hậu Hy Thỵ của Vua Lương Võ Đế vì gây nhiều ác nghiệp nên khi chết đọa làm thân rắn mãn xà, “Ngày đêm đau khổ, thân thể tanh hôi, vi vẩy đều bị sâu trùng rúc rỉa nhức nhối không thể chịu được”

Vua lương Võ Đế nghe theo ý kiến triều thần thỉnh Hòa Thượng Chí Công là một cao Tăng đắc đạo đương thời tìm pháp hóa giải. Hòa Thượng triệu tập các danh Tăng soạn ra Lương Hoàng Sám Pháp và lập Đàn tràng làm lễ sám hối cho Hoàng hậu Hy Thị. Bà Hy Thị đã thoát nạn và đã sanh lên Đao Lợi Thiên Cung, nhờ công đức sám hối. Câu chuyện cho chúng ta thấy cho dù là thân rắn, nếu biết Sám Hối cũng có khả năng chuyển kiếp về cõi Trời, huống chi chúng ta còn làm người, cho dù tội lỗi đến đâu, nếu biết phản tỉnh và sám hối thì còn có cơ duyên chuyển hóa, thanh tịnh và được an vui, về cảnh giới lành.

Truyện tiền thân Đức Phật hay còn gọi Bổn sanh truyện là tuyển tập bao gồm 547 câu chuyện trong đó có một số câu chuyện về rắn, sau đây là 2 câu chuyện tiêu biểu :

1. Chuyện Con Rắn Tre - Veḷuka Jātaka (Chuyện Tiền Thân số 43).

Bồ Tát được sanh làm vị ẩn sĩ đứng đầu một hội chúng ẩn sĩ gồm 500 vị. Một trong số 500 vị ẩn sĩ này có nuôi con rắn trong ống tre và thương yêu như con nên ông được gọi là Veḷukapitā (Cha của Veḷuka). Bồ Tát cảnh báo sự nguy hiểm, nhưng vị ẩn sĩ không nghe. Lần nọ, ông đi cùng các ẩn sĩ vô rừng hái trái và ở lại trong rừng hai - ba ngày nên con rắn bị bỏ đói trong thất. Lúc trở về, ông đến vuốt ve rắn và bị rắn cắn, rồi ngã ra chết. Chuyện kể về một tỳ-kheo khó dạy. Veḷukapitā là tiền thân của vị tỳ-kheo này.

2. Chuyện Con Rắn Phun Nọc Độc - Visavanta Jātaka (Chuyện Tiền Thân số 69).

Một người nông dân bị một con rắn độc cắn và người đó được đưa đến cho y sĩ (Bồ-tát), là một thầy trị nọc rắn nổi tiếng. Vị thầy cho người bắt con rắn kia về và buộc nó phải hút nọc của mình ra khỏi vết thương trên người của người nông dân. Rắn từ chối dù bị doạ bị giết chết bởi thầy rắn. Câu chuyện kể về Tôn giả Sāriputta nguyện không ăn bánh bột nữa vì đã lỡ ăn phần bánh bột dân làng cúng dường cho tỳ-kheo vắng mặt. Rắn là tiền thân của Tôn giả Sāriputta.

Trong Truyện Cổ Phật Giáo cũng có 2 câu chuyện đặc biệt liên quan đến hình ảnh Rắn, đó là câu chuyện Năm Giọt Mật và Rắn hay Vàng

Chuyện Năm Giọt Mật kể về một tên tử tù vừa vượt thoát khỏi lao ngục, chạy bán sống bán chết. Đàng sau hắn, hai con voi say đang đuổi theo, hắn ta rơi tõm xuống một cái giếng sâu ở dọc đường. Khi thân mình chưa rơi tới đáy, không biết quờ quạng vùng vẫy níu được một cái rễ cây mọc thòng xuống giếng. Hhai con voi say đã đến bên miệng giếng, gầm rống vang động, hút phăng tất cả những cây cỏ mọc trên miệng giếng như để thị uy.Hắn hốt hoảng quá. Hắn ta tính phăng tuột lần xuống đáy giếng để may ra có chút hy vọng. Nhưng bất đồ nhìn xuống đáy giếng sâu thẳm, hắn ta thấy ba con rồng đang múa vuốt, giơ nanh, miệng phun lửa dữ, như muốn bay đến nuố t trửng hắn. Điếng hồn, hắn đành phải cố bám chặt sợ dây, đeo lủng lẳng giữa chừng. Nhưng có phải được vậy là yên thân đâu? Ác nghiệt làm sao, kề trên miệng giếng, hai con chuột cống xù, một đen một trắng, đang đua nhau ráp cắn sợi dây. Ác nghiệt hơn nữa là bao quanh thành giếng, theo những lỗ trũng gần hắn nhất, bốn con rắn độc bây giờ xuất hiện, ngóc đầu, thè lưỡi toan mổ.

..Trong giờ phút mạng cùng tuyệt vọng ấy, bỗng một bầy ong mật bay ngang qua làm rơi vào miệng hắn 5 giọt mật… Hắn ta chíp ngay, chắp chắp thấy ngon ngon… mê tít… và trong giây phút, quên mất bao nhiêu sự nguy nan đang bao vây hắn…

Ý nghĩa câu chuyện : Người ta có thể quên bẳng đi được tất cả bao nhiêu khổ sở, đau đớn, khi người ta nhận được chút ít an ủi bằng Danh lợi, Tiền tài, Sắc đẹp, Tiếng khen, Ăn ngon, Ngủ kỹ.

Chỉ vì năm giọt mật “Ngũ dục” không đáng giá trong lòng lúc dục vọng đang khao khát trông chờ, mà người trong giếng có thể quên đi được bao nhiêu sự nguy hiểm đang bao bọc quanh mình; loài người vì năm món dục lạc mà quên đi tất cả những gì khổ não, tạm bợ, mạng sống không khác nào như chỉ mành treo chuông! Câu chuyện cảnh tỉnh mọi người lo thoát ra vòng lưới ngũ dục mà tìm đường giải thoát chân thật và vĩnh viễn.

(Nguồn tham khảo : http://www.quangduc.com/TruyenNgan/104truyenco1-10.html)

Câu chuyện thứ hai là Vàng hay Rắn kể lại : Một hôm Phật cùng hai vị đại đệ tử A Nan và A Nan Đà đi xuống kinh thành khất thực. Đi giữa đường, Ngài thấy một ghé vàng. Đức Phật dừng lại bảo A Nan Đà rằng:

"Này A Nan Đà! Người có thấy đây là một loài rắn độc không?".Ngài A Nan Đà cung kính bạch rằng: "Bạch Thế Tôn thật là một loài rắn độc đáng sợ hãi". Có chàng tiều phuđứng gần nghe vậy, tưởng có gì độc thật vội vàng đến xem. Anh đến, thấy một ghè niêm phong cẩn thận, mở ra xem. Anh mừng quá. Vàng toàn là vàng. Vàng ngọc quý cả. Anh cười thầm Phật và đệ tử Ngài không biết dùng thứ ấy, còn cho nó là rắn độc. Anh ta cẩn thận, hớn hở mang về. Trước khi đem về, anh ta sung sướng la lên rằng:

"Tôi xin nguyện con rắn độc này luôn luôn cắn tôi và cắn cha mẹ, vợ con, quyến thuộc tôi. Tôi không cảm thấy đau đớn gì hết".

Anh chàng tiều phu kiatrở nên một người trưởng giả giàu có kiêu sa: nào là nhà cửa, ruộng vườn, tôi tớ, bò trâu, xe cộ, cực kỳ sung túc và lộng lẫy. Làng xóm thấy vậy đâm ra nghi kỵ, không biết anh vì sao giàu sang đột ngột như vậy?

Tiếng đồn vang đến tai vua A Xà Thế. Vua cho sứ giả đến hỏi: "Có phải được của kín nhà vua chăng?". Anh ta ấp úng trả lời: "Tôi giàu là tôi giàu; tôi cũng không được chi của nhà vua cả".

Sứ giả về tâu lại. Vua cho gọi đến hỏi. Anh cũng ấp úng trả lời như củ. Cho là người gian, vua ra lệnh tịch thâu gia tài điền sản và bắt anh ta và tất cả bà con quyến thuộc đem đi hành hình. Khi đi giữa đường anh ta khóc lóc, buồn bã và la lớn rằng: "Ngài A Nan Đà ơi! Thật là một thứ rắn độc! Rắn độc nó đang cắn tôi và cắn bà con của tôi đây".

Theo luật vua A Xà Thế, ông vua thật hành Phật Pháp, mỗi khi muốn xử tử một người nào, giữa đường nếu có gì lạ phải trở về tâu lại ngay. Bọn lính nghe chàng ta gọi mãi Ngài A Nan Đà, bèn trở về tâu lại vua hay. Vua đoán chắc có chuyện lạ, nên ra lệnh đem anh về. Vua hỏi lại lần này anh ta mới chịu thưa thiệt nguyên do được ghè vàng, nghe xong, vua cảm động ân hóa dụ của Đức Phật và bảo chàng tiều phu rằng: "Tội ngươi đáng chết, nhưng may duyên gặp Đức Thế Tôn. Ta cũng là người Phật tử, ta phóng thích cho người và bà con người. Người được phép đem gia tài và châu báu về. Người phải đổi tự tâm tu theo thiện nghiệp và hết lòng cung kính cúng dường Tam Bảo."

Chàng tiều phu được phóng thích, sung sướng vô cùng. Cảm mến ân Phật được sống, chàng về chỉ lo tu phước đức và hết lòng cúng dường Tam Bảo.

Không bao lâu, nhờ công đức và lòng thành kính ta hành, anh ta được chứng quả giải thoát. “

Câu chuyện có ý nghĩa : với kẻ tham lam mê mờ thì vàng bạc, của cải, vật chất phỉnh phở có thể trở thành độc hại như rắn : khiến đổ vỡ tình cảm, nhân tính, danh dự, ly tan,.. cho nên :

Ta phải làm chủ tiền bạc,

Đừng để tiền bạc làm chủ ta.

(Nguồn tham khảo : http://4phuong.net/ebook/32204612/119909672/vang-hay-ran.html)

Trở về nguồn văn học dân gian, từ khi tuổi nhỏ chúng ta đã nghe kể về chuyện Thạch Sanh- Lý Thông

Câu chuyện mô tả một chàng tiều phu Thạch Sanh hiền lành thật thà, thương người, trái tim vị tha, rộng lượng, kết huynh đệ với Lý Thông gian xảo, bất tài, tranh đoạt, mưu mô độc ác, cướp công Thạch Sanh chém con mãn xà (chằn tinh), lấy đá lấp hang nhốt Thạch Sanh trong đó cho chết. Với sự giúp đỡ của Vua Thuỷ Tề và cây đàn thần, sau này Thạch Sanh thoát nạn, được gả công chúa và nối ngôi vua. Mặc dù Thạch Sanh rộng lượng khoan hồng nhưng mẹ con Lý Thông bị sét đánh chết.

Nay Khu Du Lịch Văn Hóa Suối Tiên - Thủ Đức Việt Nam cũng mô tả Lý Thông chịu hình phạt trong các tầng địa ngục. Trong ứng xử cuộc sống thường có câu nói :

Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều

Ý nói người tốt ít lắm mà người xấu xa thì nhiều.

Câu chuyện đó dạy về cách sống ở đời : hãy sống tốt, vì người và luật nhân quả tự nhiên :giao nhân tốt gặt quả lành, gieo nhân ác, gặt quả xấu .

(Nguồn : http://www.public.asu.edu/~ickpl/reading/thachsanh2.htm)

Câu chuyện thứ hai kể về Sự Tích Con Dã Tràng, nguyên là một người đàn ông hiền lành chân chất có công cứu rắn và ngỗng được viên ngọc nghe được tiếng thú vật và đi xuống được Long Cung. Sau này, người vợ phản bội lấy viên ngọc đến nộp Long Vương vì Long Vương không muốn có người từ dương gian tự do tự tại đến được Long Cung và gây kinh động nữa. Kể từ dạo đó, người đàn Ông này xe cát làm đường xuống Long Cung để gặp lại người vợ phản bội và đòi viên ngọc. Người đàn ông đó chết trở thành con dã tràng.

Câu chuyện liên hệ đến nhiều khía cạnh trong cuộc sống và thế giới quanh ta như ; cứu vật, vật trả ơn, những trường hợp đặc biệt người và vật có thể hiểu tiếng nói và nói chuyện với nhau, ngoài thế giới của chúng ta còn có những thế giới khác, hết kiếp này còn có kiếp sau, Trong cuộc sống có lúc phải chấp nhận sự thực và buông xả và đứng lên làm lại từ đầu, nếu không thì sẽ tự giày vò đày đọa mình mãi mãi mà cũng không thay đổi được gì.

(Nguồn tham khảo : http://diendanbaclieu.net/diendan/showthread.php?5338-Truyen-tranh-Su-Tich-Con-Da-Trang)

Một câu chuyện “Rắn Báo Oán” thật ly kỳ xảy ra vào thời Hậu Trần ở nước ta liên quan đến khai quốc công thần nhà Hậu Lê - Nguyễn Trãi :

“Hoàng Việt Xuân Thu (HVXT) là sách chép tay bằng chữ Hán (khuyết danh) dày 235 trang gồm 2 quyển, viết theo chương hồi (40 hổi). Nội dung chép những sự kiện thời Hậu Trấn, quân Minh sang xâm lược nước ta rồi Lê Lợi khởi nghĩa. Sách HVXT đã được Phương Phủ Nguyễn Hữu Quì dịch, Phủ Quốc vụ khanh văn hóa Sài Gòn xuất bản (1971). Sách gồm phần dịch và nguyên tác dày 487 trang (khổ 25x15). Hồi 37 (sách dẫn) kể Nguyễn Trãi gặp Lê Lợi đang tụ nghĩa ở Lam Sơn. Hồi 38, Nguyễn Tiến sĩ được giao nhiệm vụ dọn núi làm học xá để dạỵ các tướng sĩ nhân dân về chữ nghĩa, binh thư (tháng 7, Đinh Dậu, Minh Vinh Lạc thứ 16 (1418)). Một đêm, Nguyễn Trãi nằm mộng thấy một người con gái đang chửa đến trước mặt thưa: “Chỗ này là thiếp ở, xin Tướng quan hoãn một tuần để thiếp sinh đẻ xong, Tướng quân có làm gì sẽ làm”. Sáng dậy, Nguyễn Trãi ra nơi làm việc hỏi những người ở đây có thấy gì không? Những người ấy thưa, trong lúc phát cây cọ thấy một con rắn vàng lớn có chửa, chỉ chém đứt cái đuôi. Học xá làm chóng xong, Nguyễn Tiến sĩ bắt đầu dạy học, tiếng giảng bài vang động núi rừng. Một buổi trưa đang nằm đọc sách thấy một giọt máu từ trên nhỏ xuống thấm ướt 3 tờ, ông nhìn lên thấy một con rắn vàng đang khoanh trên rường nhà. Biết Tinh xà oán giận việc phá hang ổ, Nguyễn Trãi nghiêm nghị nói: “Ta thừa mệnh Thiên tử tới đây dạy học chính là vì nước cứu dân chớ không có ý hại mày, mày nên đi đi, không thời ta sẽ lấy Thiên uy để trừ diệt, chớ có phàn nàn. Nói xong, con rắn cúi đầu đi”. Nguyễn Trãi nghĩ rằng con rắn này về sau sẽ gây họa không nhỏ nhưng ngày nay trời chưa cho, ông vẫn thản nhiên lo dạy học.

Nàng Nguyễn Thị Lộ vốn là con nhà học thức, quê làng Hải Triều, một làng làm chiếu có tiếng, nay thuộc xã Phạm Lễ, xưa thuộc huyện Ngự Thiên (Thái Bình), tương truyền năm 1406, khi ấy Nguyễn Trãi 26 tuổi, đang làm quan nhà Hồ, gặp nàng Thị Lộ 16 tuổi ở Vũ Lăng đi bán chiếu, xinh đẹp, bèn ghẹo :

Ả ở đâu mà bán chiếu gon,
Chẳng hay chiếu bán hết hay còn ?
Xuân xanh nay độ bao nhiêu tuổi ?
Đã có chồng chưa ? được mấy con ?

Không ngờ cô nàng bán chiếu ứng khẩu đáp lại ngay :

Tôi ở Tây Hồ bán chiếu gon .
Can chi ông hỏi hết hay còn ?
Xuân xanh vừa độ trăng tròn lẽ.
Chồng còn chưa có, có chi con !

Nguyễn Trãi cảm vì tài, mến vì sắc nên cưới làm thiếp.

Ngày 01/9/1442 vua Lê Thái Tông đi duyệt võ ở Chí Linh, trên đường về ghé vào Côn Sơn thăm Nguyễn Trãi, Nguyễn Trãi có người vợ lẽ là Thị Lộ vừa đẹp vừa hay chữ, từng được Thái Tông vời vào triều phong chức Lễ Nghi học sĩ giữ công việc dạy cung nữ và giảng sách cho Vua. Trước khi Thái Tông đến Côn Sơn Thị Lộ đã về đấy thăm Nguyễn Trãi, lúc Vua rời Côn Sơn, Thị Lộ được lệnh theo Vua về triều.

Ngày 07/9 xa giá Thái Tông đến Lệ Chi viên (vườn trái vải) ở làng Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, đêm ấy Vua bị cảm, đến sáng thì mất, các quan hộ giá giữ kín, đến ngày 09/09 mới rước linh cữu Vua về Thăng Long, rồi mới báo tang. Ngay sau đó Thị Lộ bị bắt, Nguyễn Trãi đang đi kiểm tra ở Đông Bắc, được tin Thái Tông mất, vội trở về triều cũng bị bắt và bị buộc tội đồng mưu với Thị Lộ thí Vua (ám sát Vua).

Ngày 19/9/1442 Nguyễn Trãi và Thị Lộ bị án Tru Di Tam Tộc (giết 3 họ : họ cha, họ mẹ, họ vợ). Sử thần Ngô Sĩ Liên ghi rằng : “Vì yêu Thị Lộ mà Thái Tông thiệt thân” Nguyễn Trãi lúc mất 62 tuổi, Thị Lộ lúc mất 52 tuổi

Câu chuyện thể hiện niềm tin của dân gian về các vật cũng linh, điềm báo, luân hồi, duyên nghiệp,…

Đến đây, chúng ta đã bàn cũng khá nhiều về Rắn từ chuyện thần thoại Hy Lạp, đến chuyện trong Phật Giáo va kho tàng văn học dân gian cũng như trong đời sống. Thực ra không phải loài rắn nào cũng độc nhưng vì “tấn công để phòng thủ”, rắn thường là nạn nhân bị sát hại bởi loài người. Chúng ta hãy hiểu và thương về nghiệp, hoàn cảnh, bản năng sinh tồn, …của Rắn. Một hình ảnh rất đẹp khi các du khách Tây Phương ghi lại trong hành trình về Phương Đông là Linh Thứu Sơn với đỉnh Kỳ Xà Quật kỳ vĩ, kiến trúc nghệ thuật với Rắn 7 đầu Nagar, các nghệ nhân xiếc Ấn Độ hoặc Thái Lan cùng với Rắn biểu diễn trong khung cảnh hòa ái, cảm thông để mang lại niềm vui cho cuộc đời. Học qua những câu chuyện, ca dao tục ngữ về Rắn chúng ta rút ra những kinh nghiệm sống và sống tốt hơn, xây đắp cho cõi đời thêm Chân-Thiện-Mỹ. Hãy tâm niệm : ‘Kẻ thù nguy hiểm nhất của đời người là chính mình”, hãy thường quán sát chiêm nghiệm dọn dep, nhổ sạch nọc rắn độc bên trong mỗi chúng ta. Như những vị tỳ kheo tu thiền trong rừng sâu, tu rải từ bi tâm cảm ứng, cảm hóa và thuần phục các loài thú dữ, theo lời Phật dạy : “Tất cả chúng sanh đều có Phật Tánh và sẽ thành Phật”, chúng ta hãy quý trọng và bảo vệ sự sống mọi loài, thể hiện và nguyện cầu mọi người, mọi loài tiêu trừ nghiệp chướng, hạnh phúc, thăng hoa trên con đường giải thoát. Năm mới Quý Tỵ kính chúc mọi người lánh xa điều dữ, gặp nhiều điều lành, cát tường như ý, đơm hoa trổ quả, thành tựu trong sự bảo hộ và ánh sáng của Chư Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền.

Thiền Viện Chân Không, Cali, Hoa Kỳ, Đầu Xuân Quý Tỵ
Thích Minh Tuệ


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
07/02/2014(Xem: 8752)
Chiều mùng hai Tết Giáp Ngọ tôi về chùa Phi Lai, lễ Phật, thăm thầy Thiện Đạo. Là Hòa thượng trụ trì một ngôi đại tự ở Thành phố Biên Hòa, thầy bận bịu trăm công ngàn việc: việc chùa, việc Giáo hội, việc ứng phó đạo tràng, việc tương tế từ thiện, dũ lòng từ bi lân mẫn… Là chỗ thân tình văn bút, tôi hỏi thăm thầy bước sang năm mới đã có thi hứng nào mới chưa, chẳng nghe thầy trả lời ất giáp, ý là bấy lâu nay thầy không viết lách được gì.
04/02/2014(Xem: 6329)
Ăn Tết xưa nay đã trở thành một ngày hội lớn nhất trong năm của nhân loại. Riêng dân tộc VN qua bao đời đã có rất nhiều phong tục cổ truyền rất phong phú như đưa Táo Quân về trời, dựng nêu đón xuân, cúng giao thừa, mừng Nguyên Đán,tảo mộ, thăm hỏi, chúc tung.. nhất nhất đều hàm chứa những ý nghĩa thiêng liêng độc đáo. Trong giờ khắc năm cũ sắp tàn, mọi nhà cài then chặt cửa để sửa soạn đón năm mới trong sự xum họp đầm ấm của gia dình.Nhưng chính trong giây phút đợi
03/02/2014(Xem: 6218)
Lắng lòng nghe, ôi tiếng chuông huyền diệu, Cả lời kinh, tiếng tụng, niệm thành tâm, Chánh Điện uy nghiêm, lan tỏa hương trầm, Hàng Phật tử quì bên Thầy lễ bái.
03/02/2014(Xem: 6564)
Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê lúa Thái Bình và từ nhỏ đến nay chưa bao giờ ăn tết xa nhà.Đùng một cái, năm nay xin làm tình nguyện viên phục vụ Lễ Hội Đường Sách cùng với các anh chị của công ty sách Thái Hà.Thế là được bay vào Sài Gòn 10 ngày để được đón tết ở miền nam.Chưa bao giờ tôi có được cái tết vui như thế này. Trực ngoài Đường Sách Nguyễn Huệ từ sáng sớm đến nửa đêm nhưng chưa khi nào tôi thấy nhàn và an lạc như thế này. Thực sự là vậy.
02/02/2014(Xem: 6998)
Thường thì người đời trong những ngày tết rất bận bịu lo chợ búa, mua sắm, giết gà, giết lợn, gói giò chả, cúng tất niên, rồi lo rượu bia, đồ nhậu để li bì trong mấy ngày tết. Người con Phật thì thảnh thơi. Vì là Phật tử nên bàn thờ chỉ cần lọ hoa và đĩa trái cây. Vì ăn chay nên trong những ngày tết chỉ cần cơm rau dưa và những món ăn giản dị rẻ tiền mà ấm cũng và ngon vô cùng. Sáng 30 tết tôi đến thăm Ni sư Như Hiền tại tổ đình Huê Lâm quận 11 thành phố Hồ Chí Minh.Chúng tôi bên nhau và được ni sư kể cho biết bao nhiêu chuyện kỳ lạ và lý thú về những chuyến đi hoằng pháp khắp bốn phương trời, trong và ngoài nước. Tôi học được biết bao nhiêu bài học quý giá qua những câu chuyện của ni sư trong nước cũng như ở nước ngoài.
01/02/2014(Xem: 10164)
Từ Trạch Pháp này rất quen thuộc trong Phật Giáo, nhưng đã có mấy người Phật tử chịu tìm hiểu tận tường. Do vậy, trong khóa tu Gieo Duyên cuối năm 2013 tại Tự Viện Pháp Bảo, Sydney, chúng tôi trong Ban Giáo Thọ phụ trách giảng giải chủ đề này trong ba buổi học để học viên nắm vững được đầy đủ hơn, ngõ hầu vui thích học pháp và như vậy mới dễ dàng cho việc ứng dụng giáo pháp vào đời sống thường nhật. Trạch pháp - chọn pháp – nói đủ là trạch pháp giác phần hay pháp giác ý. Dùng trí tuệ lựa chọn, phân biệt đúng sai, thật giả của các pháp để chọn chân bỏ giả thẳng hướng tới Bồ Đề, là một trong bảy pháp giác chi như lời Phật dạy.
01/02/2014(Xem: 9021)
Không gian vũ trụ mênh mông vô định hướng, nhưng không gian cũng chỉ là sự tích tập, buông xả mà thôi. Tích tập là duyên sinh tụ hội của vạn pháp, và buông xả là sự lặng thinh tuyệt đối của không gian vô định như thuở nào vô thủy vô chung. Cuộc sống con người cũng vậy, không phải từ lúc sinh ra cho
01/02/2014(Xem: 6875)
Chúng ta đang sống trong một thế giới có quá nhiều những biến động, hết nơi này bão tố, đến nơi kia cháy rừng… Lòng người không khỏi xốn xang trước bao cảnh thương tâm. Người con Phật ngoài nổi xót thương cho kiếp nhân sinh, còn canh cánh bên lòng niềm khắc khoải chưa thoát vòng luân hồi sinh tử. Nếu có chút niềm vui nào chăng, chỉ là niềm vui đang được tu học Phật Pháp, hướng đến một tương lai chứng đạo giải thoát, không còn đau khổ trong cảnh tù đày sinh tử nữa.
01/02/2014(Xem: 6807)
Ngày Tết là một dịp để trở về với gia đình, với bè bạn, với làng xóm, với quê hương, và nếu mở rộng lòng mình hơn nữa thì ngày Tết cũng là một dịp để quay về với kỷ niệm, với tuổi thơ, với một vài quãng đời xa xưa nào đó vẫn còn in đậm trong tâm thức mình. Dù xa qu
01/02/2014(Xem: 8327)
Cuồn cuộn trùng dương sóng trắng phau, Ai ngờ thoắt bỗng hoá nương dâu! (*) Vào xuân nào nghĩ hoa tơi cánh, Chợp mắt thì ra tóc đổi màu!
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]